Trần Thị Dã Quỳ

Trn_Th_D_Qu

Dạ Ký

Cuối trời mây tím bay phiêu lãng
Em cũng mộng du với tháng ngày
Chiều nghiêng phố cũ sầu hoang vắng
Mắt ướt lệ nhòa anh có hay???

Vẫn biết từng đêm đêm thức trắng
Van em đừng khóc, nước mắt cay
Dù cho rượu nhạt, chiều đã vắng
Trong anh vẫn mãi dậy men say.

Đêm nay em sẽ về bắt mộng
Nhốt lại hơi quen của những ngày
Có nụ hôn mềm, đêm nguyệt động
Hai đầu thương nhớ đến quắt quay.

Hãy cứ như là trời cao rộng
Vẫn có chim bay chẳng đổi thay
Hãy cứ như là dòng sông chảy
Có lục bình trôi mây chẳng bay.

Anh ơi! lại nhớ con đường cũ
In dấu anh qua chẳng nhạt nhòa
Nhớ gì đến nỗi thành ngơ ngẫn
Buồn không trang điểm chẳng cài thoa.

Đã biết từ ngàn xưa khổ lụy
Từ thương từ nhớ, ẩn phong ba
Nhưng trái tim người là nhục thể
Vẫn cần hơi ấm sợ phôi pha.

Thôi thì hãy cứ như thế nhé
Giữ chặt cho nhau chút mộng lành
Cuộc đời biến ảo vô thường lắm
Chút tình yêu muộn vốn mong manh.

Cảm Nguyệt Cầm

Đêm lặng lẽ nghe “nguyệt cầm đã vỡ”
Khóc dư âm một thuở trót yêu người
Cung tơ lỡ ngân dài cùng năm tháng
Kỷ niệm buồn theo chút nắng chiều phai

Dòng ký ức một đời anh góp nhặt
Còn lại gì khi tình đã chia đôi
Hai lối rẽ hai khung trời cách biệt
Có bao giờ em chợt nhớ đến ai?

Anh ngu ngơ một đời nên lỡ dại
Vì yêu em nhận trái đắng để dành
Và lặng lẽ nửa vòng tay bỏ ngỏ
Bài thơ tình lạc vận viết chưa xong

Mười năm rồi lòng sao còn da diết
Trái tim khô chờ đợi giọt mưa ngâu
Mà nghiệt ngã đời chia nhiều nhánh rẽ
Bao thăng trầm thấm mệt bước phiêu lưu

Kiếp phong sương áo bạc màu nhung nhớ
Dốc cạn lòng theo cốc rượu nồng say
Đêm nguyệt cầm cùng sông buồn nâng chén
Tàn đêm say trăng khuyết khóc bên trời…

Tiếng Đêm

đêm lặng lẽ soi bóng mình đơn độc
ngoài song thưa gió se lạnh buốt lòng
người chờ người trăng khuya sầu bật khóc
tiếng yêu thương chìm lặng dưới màn sương…

khó định nghĩa vì yêu là ẩn dụ
như màn sương vừa buông xuống lại tan
như trăng gió ghé song thưa vội vã
giã từ đêm không cáo biệt lời nào

và nếu đêm một mình soi bóng lẻ
thì anh ơi! xin hãy nghĩ về em
vẫn ở đây giam mình trong nỗi nhớ
mặc đêm dài với bóng chó sủa trăng

em lại muốn nói thêm lời rất thật
ngày không anh, em nhưng nhức ưu phiền
đêm không anh em trăn trở triển miên
và em biết biển lòng đang sóng nổi.

ngày và đêm giữa hai đầu nghiệt ngã
nhật nguyệt vẫn còn, có nối được đời đau.

Trần thị Dã Quỳ

Trần Phù Thế

Tran Phu The
Trần Phù Thế
Tran Phu The

Bài Thơ Tế Sống Bạn Già
*gởi trànguyễn

hôm nay ta làm thơ tế sống bạn hiền
bởi hai ta tới tuổi này đã lời quá cở
ngủ một đêm ngày mai ta hết thở
thì lấy ai đọc thơ trước quan tài

ta biết ngày xưa bạn làm nghề “tháo giày”
tháng tư bảy lăm thành người “mất dạy”
ta thằng lính chưa đánh trận nào
đành bỏ ài
bẻ súng ném lên trời khóc thảm cười khan

bếnhải càmau đầu quấn khăn tang
đất tự do đắm chìm trong đêm tối
kẻ ác xuống rừng ngập đầu tội lỗi
những đòn thù rướm máu cả miền nam

tin kẻ gian, ta tự nguyện vào trại giam
cuốc đất phá mìn trồng khoai sắn
ngày lưng chén cơm nước muối lạt, mặn
dêm về bụng réo cõi trống không

bạn cũng như ta đời sống cùm gông
án chín năm tù khổ sai trong lao nhục
tội vượt biên (?) trò hề của pháp luật
tòa án này đích thị của ác nhân

một ngày một giờ một tháng một năm
bạn nhất định tìm đường sống
trong cõi chết
vượt trại tù vẹm coi như là tử biệt
nhờ suối rừng che chở đã thoát thân

suối đồnghòa chiều lạnh giá băng
tiếng thú hoang gào kinh hồn sởn óc
bốn ngày đêm núi rừng cô độc
bạn trầm mình lội dưới ánh trăng

về tới sàigòn như đứa con hoang
không nhà cửa thay tên đổi họ
sống trên quê hưong còn thua con chó
chó có nhà còn bạn mất quê hương

bạn gặp may ông trời còn thương
trên đưòng lánh nạn nhờ người giúp đở
sáng ở lăngông chiều câydaxà
đêm ngủ sạp chợ
mai cầnthơ mốt rạchgiá rồi lại longxuyên

mười tháng dài bạn chạy trốn liên miên
những đêm chờ mỏi mòn
cuối cùng ra biển
trời nước mênh mông đâu là bờ bến
phó mặc cho trời hai chữ xui hên

rồi cũng qua ngày mới mặt trời lên
bình minh mĩm cười với người khổ nạn
hai mươi tám năm hít thở tự do
đời ơi sướng chán
xin cám ơn hoakỳ đất nước bao dung

tuổi bảy lẻ hai bạn thọ quá chừng
một hôm hứng chí ngồi rung đùi
làm di chúc
khi ta chết vợ con đừng khóc
đừng rình rang tổ chức lễ tang

thân xác ta xin hiến tặng nhà thương
để giúp cho những người cần nội tạng
để biếu cho những người cần cái mạng
ta rất vui khi hết thở
vẫn có ích cho đời

đọc di chúc bạn, ta cảm khái tình người
sống trọn đạo, chết đầy lòng nhân đạo
bạn vốn biết xác thân chỉ là manh áo
manh áo nào không mục nát với thời gian

hôm nay ta làm thơ tế sống bạn vàng
coi như bắt tay tạm giả từ hằng hữu
coi như hơn mười năm quen nhau
vẫn còn chưa đủ
ta hẹn bạn hiền mai mốt cõi hư vô .

Trần Phù Thế
5-8-2015

Bài Thơ Tế Sống Bạn Già
*gởi trànguyễn

hôm nay ta làm thơ tế sống bạn hiền
bởi hai ta tới tuổi này đã lời quá cở
ngủ một đêm ngày mai ta hết thở
thì lấy ai đọc thơ trước quan tài

ta biết ngày xưa bạn làm nghề “tháo giày”
tháng tư bảy lăm thành người “mất dạy”
ta thằng lính chưa đánh trận nào
đành bỏ ài
bẻ súng ném lên trời khóc thảm cười khan

bếnhải càmau đầu quấn khăn tang
đất tự do đắm chìm trong đêm tối
kẻ ác xuống rừng ngập đầu tội lỗi
những đòn thù rướm máu cả miền nam

tin kẻ gian, ta tự nguyện vào trại giam
cuốc đất phá mìn trồng khoai sắn
ngày lưng chén cơm nước muối lạt, mặn
dêm về bụng réo cõi trống không

bạn cũng như ta đời sống cùm gông
án chín năm tù khổ sai trong lao nhục
tội vượt biên (?) trò hề của pháp luật
tòa án này đích thị của ác nhân

một ngày một giờ một tháng một năm
bạn nhất định tìm đường sống
trong cõi chết
vượt trại tù vẹm coi như là tử biệt
nhờ suối rừng che chở đã thoát thân

suối đồnghòa chiều lạnh giá băng
tiếng thú hoang gào kinh hồn sởn óc
bốn ngày đêm núi rừng cô độc
bạn trầm mình lội dưới ánh trăng

về tới sàigòn như đứa con hoang
không nhà cửa thay tên đổi họ
sống trên quê hưong còn thua con chó
chó có nhà còn bạn mất quê hương

bạn gặp may ông trời còn thương
trên đưòng lánh nạn nhờ người giúp đở
sáng ở lăngông chiều câydaxà
đêm ngủ sạp chợ
mai cầnthơ mốt rạchgiá rồi lại longxuyên

mười tháng dài bạn chạy trốn liên miên
những đêm chờ mỏi mòn
cuối cùng ra biển
trời nước mênh mông đâu là bờ bến
phó mặc cho trời hai chữ xui hên

rồi cũng qua ngày mới mặt trời lên
bình minh mĩm cười với người khổ nạn
hai mươi tám năm hít thở tự do
đời ơi sướng chán
xin cám ơn hoakỳ đất nước bao dung

tuổi bảy lẻ hai bạn thọ quá chừng
một hôm hứng chí ngồi rung đùi
làm di chúc
khi ta chết vợ con đừng khóc
đừng rình rang tổ chức lễ tang

thân xác ta xin hiến tặng nhà thương
để giúp cho những người cần nội tạng
để biếu cho những người cần cái mạng
ta rất vui khi hết thở
vẫn có ích cho đời

đọc di chúc bạn, ta cảm khái tình người
sống trọn đạo, chết đầy lòng nhân đạo
bạn vốn biết xác thân chỉ là manh áo
manh áo nào không mục nát với thời gian

hôm nay ta làm thơ tế sống bạn vàng
coi như bắt tay tạm giả từ hằng hữu
coi như hơn mười năm quen nhau
vẫn còn chưa đủ
ta hẹn bạn hiền mai mốt cõi hư vô .

5-8-2015)

Ma Lực
* gởi cáclan

lạ kỳ ma lực nào đâu hở ?
mà khiến cho anh chết sửng người
tiếng sét trời già đang đánh trúng
khi nghe em hát cáclan ơi

anh sợ em cười nên giả bộ
nói năng lộn xộn như tên khờ
nhưng thật lòng anh đầy bối rối
lòng anh bối rối em biết chưa ?

biết chưa em hở trong mơ ưóc
như tự nghìn xưa em hiện về
một phút chiêm bao anh bắt gặp
gặp người trong mộng trong giấc mê

anh đợi nghìn năm chưa gặp gỡ
hình em sương khói khuất xa mờ
hình như quen biết em lâu lắm
bây giờ em mới hiện trong mơ

em cứ thoát đi và thoát ở
cứ là xa cách đến muôn trùng
cứ là lơ lững như mây trắng
nhờ gió đưa mây đến tận cùng

giờ anh chỉ xin em một điều
cười với anh một cái – em yêu
cười duyên mắt liếc sao tình điệu
là anh vui. vui cả buổi chiều

ma lực nào em hớp hồn anh
đời anh một chuỗi sống buồn tênh
may anh còn có em trong mộng
thương em như chíng bản thân mình

em yêu rừng đã thay màu chết
chiếc lá cuối cùng cũng buông tay
nhưng em đâu phải là chiếc lá
để mặt cho đời cuốn hút bay

thương em giấc mộng dù không thật
nhưng cứ tin rằng có phút vui
cáclan em biết lòng anh chớ
xin hiểu lòng anh chút xíu thôi.

Hoàng Diệu Một Đời
*gởi các bạn HD .

cái hồi học đệ nhất niên
bảy năm hoàngdiệu bút nghiên vui buồn

chia tay một buổi tan trường
chân đi lòng vẫn vấn vương cái tình
cái tình một thuở học sinh
bảy năm hoàngdiệu bóng hình trong tim

chân đi hồn lạnh nỗi niềm
trai ra chiến trận nào yên trở về ?
tuổi thanh xuân cầm súng hề
cười khinh lịch sử bộn bề giết nhau

đời trai nặng nợ binh đao
giày saut áo lính bạc màu gió sương
xác thân nào gởi chiến trường
thịt da nào đã rải mòn quê hương

chúng ta một lũ đáng thương
buồn vui theo bước tai ương chực chờ
giặc thù một lũ dại khờ
tay nâng nòng súng bóp cò niềm vui

chiến tranh rồi cũng tàn thôi
một bên thắng cuộc đua đòi lợi danh
cười trên xương máu dân lành
hát câu chiến thắng hùng anh rợn người

còn bên thua cuộc ngậm ngùi
bão giông ụp xuống cuộc đời lầm than
bao nhiêu số phận cơ hàn
bao nhiêu khổ nhục ngàn ngàn lệ khô

xót đau hàng vạn nấm mồ
mồ hoang vô chủ dật dờ hồn ma
việtnam yêu dấu của ta
bao năm mới hết lệ sa mỗi ngày

ba mươi chín năm đắng cay
còn bao năm nữa ngày mai mịt mù
thẹn lòng ta kẻ thất phu
ngoái nhìn đất Tổ ngục tù khắp nơi

bạn bè hoàngdiệu ta ơi
tuổi thanh xuân mất kiếp người như không
lòng ta cảm khái mặn lòng
với ta trời đất một vòng tử sinh

đêm qua thức giấc trở mình
nghe trong xương cốt như hình vỡ tan
mốt mai đời sống sẽ tàn
nằm im nghe gió trên ngàn hát reo

hồn về hoàngdiệu nắng theo
câu thơ thuở đó bay vèo thềm xưa
hàng còng đợi gió đội mưa
bóng em thấp thoáng như vừa hồi sinh

hoàngdiệu ơi gởi cái tình
tình yêu khờ dại của mình của ta
hình như hình như hôm qua
nụ hôn ngày ấy mặn mà thấu xương.

Sầu Đâu Phương Nào

mười năm có lẽ mười năm
ta đi biền biệt gối nằm lạnh tanh
ta về nhớ cọng rau răm
sầu đâu làm gỏi lá chanh rất buồn

nghĩ rằng có lúc đi luôn
nghĩ rằng có lúc cái buồn đã thiu
làng xưa xóm nhỏ bóng chiều
phất phơ lau sậy liêu xiêu tội tình

ta về cây cỏ làm thinh
con chim sâu nhỏ một mình bơ vơ
hàng tre già cỗi bao giờ
lắt lay trong gió bên bờ sông đau

sầu đâu em hái hôm nào
tay thơm trộn gỏi tình trao chưa mờ
mười năm có lẽ không ngờ
ta đi biệt dạng em chờ mòn hơi

chiếc xuồng ba lá nằm phơi
nắng mưa rát mặt dòng đời lãng quên
ta về ngắm bóng mình ên
rêu xanh cũng nhạt bên thềm nhà em

ta về tìm chút hương quen
nhưng hương đâu mất và em đâu rồi
mười năm và mười năm ơi
lẽ loi ta đứng trông trời quạnh hiu.

Thấy Bóng Chẳng Hình

nhớ em thấy bóng chẳng hình
thấy trăng trước ngõ thấy mình bơ vơ
bỏ đi từ đó đến giờ
khi nào em nghĩ thằng khờ năm xưa

thằng khờ đội gió đội mưa
đợi bao nhiêu khổ ngóng chờ ánh trăng
gió lay mờ tỏ bóng hằng
mà anh cứ ngỡ bước chân ai về

nhớ mòn giấc ngủ cơn mê
thấy hình chẳng bóng nằm kề song song
đời anh mộng thực quay mòng
như con cá nược lội vòng theo ghe.

Thu Chẳng Đợi Người

thu đi sao chẳng đợi người
con chim lá rụng bên trời quạnh mông
chiều đi mây chở ráng hồng
mà thu chẳng đợi tình không trở về

sương còn như ủ cơn mê
ôm quanh đỉnh núi nằm kề chân mây
thu đi chỉ mới mấy ngày
mà ta cứ tường hồn phai lâu rồi

muộn về một chút nắng ui
đã tan đi cả nửa trời thu xanh
buồn nào len lõi mong manh
sầu nào hụt hẫng mông mênh nửa chừng

đợi người đợi mỏi lá rung
cành khô lỡ khóc mịt mùng bóng thu
chiều nghiêng sương đã lên mờ
nai quên tiếng tác bên bờ suối quen

Em Hỏi
* Tặng ltkimoanh

em hỏi ta buồn đã bao lâu
trả lời đã đến ngọn tình sầu
buồn trong xương thịt từ muôn kiếp
mê loạn cả đời tận đáy sâu

em hỏi lòng đau tự bao giờ
mà tim rướm máu đẫm hồn thơ
mà tan thành khói chiều thu tím
tan cả không gian vía dật dờ

em hỏi ta buồn sẽ đến đâu
bàn tay chới với chạm thương đau
ngón chân sưng tấy còn mưng mủ
hồn chết trong đêm bóng nguyệt nào

em hỏi ta còn ta hỏi ai
buồn như chí cắn buổi chiều nay
chân tơ kẻ tóc hình như mỏi
mỏi cả làn hơi thở mỗi mgày

em hỏi ta rầu đã mấy hôm
mà sao thấy lỏng vòng tay ôm
em ơi có biết hồn ta đã
đã chết từ khi tuổi biết buồn

Miếng Sầu

bỏ vào miệng cắn miếng sầu
sầu không tan được nổi rầu nhân đôi

bỏ vào miệng trái tim tôi
em không nở cắn nhưng lời rất đau
nhớ ngày hai đứa lấy nhau
tuần trăng mật thắm đỏ màu ái ân

mùa đông cứ ngỡ mùa xuân
nhìn trăng cứ ngỡ là trăng riêng mình
niềm vui cứ ngỡ rộng rinh
chia cho thiên hạ cái tình hai ta

bỏ vào miệng cắn thiết tha
nghe hương vị ngọt chan hòa chân răng
từ ngày mất dấu bước chân
nổi sầu đeo nặng nghìn cân một mình

từ ngày em cắt chữ tình
se se duyên nợ lỏng nghìn dây oan

bỏ vào miệng cắn chữ nàng
nàng như nước bọt ta màng nữa chi
cái tình, cái nợ, cái si
sao em cứ thốt tiếng chì tiếng than

miếng sầu anh nuốt tận gan
xoáy đau hết cở biết ngần nào quên
miếng sầu anh nuốt buồn tênh
Đêm cuối năm viết cho má

Bậu Về

bậu về liếc mắt đong đưa
gió Xuân đầy mặt
như vừa chín cây
bậu về má đỏ hây hây
ta mười lăm đã lòng say bậu rồi

bậu còn
chơi ác nói cười
những câu dí dỏm
chết đời ta chưa
bậu về nhớ nắng thương mưa
hình như cây cỏ cũng ưa bậu về

như là có chút nắng hè
như là có cả
chùm me chua lừng
như là xoài tượng thơm giòn
thêm vào nước mắm chút đường khó quên.

bậu về
Đại Ngãi mình ên
bỏ quên kẹp tóc
bắt đền tội ta
bậu quên là tại bậu mà
tại sao bậu bắt đền ta một đời

tội này không chịu bậu ơi !

Mong Manh Hỏi Người

hỏi người một buổi chiều xưa
mong manh như khói đong đưa ngọn sầu
hỏi người. người sẽ về đâu ?
còn ta về chỗ nông sâu dò tìm

một đời đợi mỏi cánh chim
chim bay biệt dạng bóng chìm biệt tăm
khổ thân chờ đợi bao năm
sống trong cô tịch âm thầm riêng mong

hỏi người xao xác tấm lòng
đã đi là hết đừng trông bóng hình
mong manh nào chút lòng tin
hỏi người có nhớ gọi mình. mình ơi

Trần Phù Thế

Trần Mộng Tú

Trăng Ðất Khách

Những đêm trăng sáng tôi không ngủ
Âm thầm mắt lệ nhớ quê hương
Ngày về sao bỗng xa xăm quá
Tôi thức cùng trăng suốt đêm trường.

Vườn xưa lối cũ trăng còn sáng
Thềm vắng còn ai đứng đợi chờ
Ngôi nhà thân mến ai đang ở
Có còn đầm ấm khói hương xưa

Bạn cũ bây giờ ở chốn nao
Ngửng mặt nhìn trăng dạ có sầu
Chén trà có mặn đôi giòng lệ
Ngậm ngùi có khẽ gọi tên nhau

Còn giòng sông nữa đêm biệt ly
Tôi đã cùng sông khóc hẹn về
Trăng nước thân yêu còn lắng đợi
Giữ giùm nước mắt kẻ ra đi

Ôi trăng đất khách làm tôi khóc
Quê hương càng nhớ lòng càng đau
Liệu tóc còn xanh ngày trở lại
Quê người lưu lạc đến bao lâu!

Những Con Chim Ngực Đỏ

Nơi em đến có nhiều nắng, có nhiều xe, nhiều bụi và nhiều người Việt Nam. Người Việt ở ngoài đường, ở tất cả các ngã tư, ngã ba, các công viên. Những dịch vụ y tế, ngân hàng, siêu thị, buôn bán xe hơi, nhà cửa, ẩm thực, v.v… Người Việt làm chủ và làm khách hàng. Người Việt còn ở nhà thờ, ở chùa nữa, rất đông.
Ở đây ngôn ngữ chính là tiếng Việt. Có người sang định cư cả trên dưới hai mươi năm, cũng không cần phải học Anh ngữ, vì họ không cần dùng tới. Ngay cả đi thi nhập tịch Hoa Kỳ cũng được thi bằng tiếng Việt.

Em đứng lơ mơ ở một ngã tư Westminter, nhìn những chiếc xe chạy ngược, chạy xuôi, nhìn người đi ngang, đi dọc.Một ông đi xe đạp trên vỉa hè,hay một bà đội nón lá, xách giỏ băng qua đường. Thấy quần áo, điệu bộ của họ đều toát ra một vẻ gì đó rất thân quen làm mình nhận được ngay ra là người Việt.
Em đôi lúc bâng khuâng tự hỏi: Lạ thật! Tại sao giữa một tiểu bang của nước Mỹ lại có một nước Việt Nam thu nhỏ lại ở đây thế này. Có phải quê mình không? Có phải nước mình không? Em nhớ câu “Thương hải vi tang điền.”
“Hải” của người ta sao lại trở thành “Điền” của mình. Nghe như phép lạ!
Em hay đến thành phố này, một năm hai, ba lần. Mặc dù từ nơi em ở phải bay hơn hai tiếng mới tới. Nhưng ở đây em có một vài người thân trong họ và có nhiều bạn văn. Ở đây cho em một nước Việt Nam nhỏ với tất cả cái vui, buồn của thành phố.
Em đứng ngơ ngác ở một ngã tư trên đường Bolsa. Nhìn hoài, không thấy một bóng người Mỹ, có chăng là một ít người Mễ, làm việc khuân vác cho mấy khu chợ. Mấy người này cũng bập bẹ đôi câu tiếng Việt để nói với khách hàng.
Người Việt ở đây lâu năm, họ có thể nhận ra ngay vẻ lớ ngớ của em, một người từ tiểu bang khác tới.
Rất nhiều tấm bảng có chữ “Trung Tâm” được kẻ lên cho thấy người Việt hoạt động trên mọi lãnh vực. Từ văn học, nghệ thuật, giáo dục, truyền thông, quan hôn, tang tế, v.v… Tất cả bằng nghi thức Việt, ngôn ngữ Việt.
Mỗi lần đến chơi, ở lại ít ngày có dịp hòa mình vào đời sống người Việt tại đây, gặp những người Việt quen và lạ ở thành phố này. Trao đổi thân quen, hỏi nhau từ nơi nào trên quê nhà tới đây? Tới lúc nào và tới bằng phương tiện gì? Em khám phá ra, con số bỏ nước ra đi, ở tuổi mười năm, mười sáu, do cha mẹ gửi xuống tàu, một mình, vượt biển khá nhiều.
Họ làm em lại nhớ đến câu chuyện cái giỏ cói có ông Moses nằm trong đó, được thả xuống dòng sông Nile trong Kinh Thánh. Mặc dù họ không phải là những đứa bé sơ sinh.
Chuyện kể: Ngày xửa ngày xưa, xứ Ai Cập, bắt những người nô lệ Do Thái phải xây lâu đài cho người Ai Cập. Nhưng họ lại sợ một ngày nào đó dân Do Thái sẽ trả thù, nên vua Ai Cập Pharaoh Seti I ra lệnh ném xuống sông Nile những đứa bé trai Do Thái mới sinh ra, cho cá sấu ăn thịt để đề phòng hậu họa.
Một người mẹ muốn cứu con mình, đã bỏ con trai mới sinh của bà vào một cái giỏ và thả trôi sông, giao số phận đứa bé cho Chúa. May thay, công chúa Ai Cập đi tắm, thấy chiếc giỏ trôi lềnh bềnh, sai người vớt lên, mở ra. Thấy có đứa bé kháu khỉnh, bà mang về hoàng cung nuôi, đặt tên đứa bé là Moses.(*)
Đứa bé Do Thái đó được nuôi dưỡng như một người Ai Cập. Nhưng khi lớn lên đã tìm được nguồn gốc Do Thái của mình.
Đã có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam thả con mình ra biển, trao sinh mệnh con cái mình vào tay Thượng Đế. Bao nhiêu trẻ em Việt lớn lên như một người thuộc về quốc gia khác nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt của mình.
Bạn đưa em tới một quán cà phê, nơi tụ họp của phần đông giới văn nghệ sĩ, ngồi ngay ở hiên ngoài. Họ là những người đàn ông từ bốn mươi cho đến tám mươi. Cà phê đen và thuốc lá, họ chụm vào nhau nói và thả khói. Họ nhìn quê hương trong mắt nhau.
Họ mới sang vài ba năm hay sang ba, bốn chục năm. Họ đã về hưu hay đang còn làm việc hay đang chẳng làm gì. Nào ai biết!
Chỉ biết là họ phải ra đó, nhất là những buổi sáng cuối tuần. Để nói chuyện quê nhà, quê người. Chuyện người vừa qua đời, người sắp ra đi, Chuyện vẻ vang hay chuyện đáng xấu hổ của dân mình. Muốn tìm một người nào trong đám thân quen đó mà không có hẹn trước. Cứ việc ra đó từ sáng sớm, ngồi đến trưa, con người đó thế nào cũng xuất hiện. Họ ra đấy chắc chỉ để hỏi nhau “Ta làm gì cho hết nửa đời sau?” (*) Mặc dù có người đã đi tới trạm cuối của đời rồi.
Khi em trở về nhà mình, những con chim đi vắng trong mùa đông đang tìm về vườn cũ, chúng lăng xăng trên mặt đất tìm sâu, chúng quàng khăn và mặc những chiếc áo khác nhau, nhưng màu khăn áo nào cũng vô cùng diêm dúa.
Cây đào ở góc vườn bên cạnh cửa sổ phòng em đang nở rộ tung ra như những đám mây hồng, em cứ bối rối mở ra đóng vào tấm màn cửa, chỉ sợ tan mất bóng hoa, những cơn gió nhẹ bay luồn trong hoa làm rụng những giọt lệ hồng trên gò má đất.
Mấy bụi mai vàng Forsythia trên con dốc sau nhà đang rắc tung tóe những mảnh vàng trên mặt đất. Đây là loại hoa cánh nghiêng mình xuống, ở quê nhà gọi là “Hoa chiếu thủy”. Chúng e lệ như những thiếu nữ giấu mặt sau chiếc khăn tay.
Những đám màu vàng của thủy tiên đất (Daffodil) và hoa huệ xanh (hyacinth) đua nhau có mặt bên cạnh bụi đỗ quyên hồng (Azalea)và hình như tất cả những cành khô đang rung những chùm lá ngọc li ti trong nắng mới. Mùa xuân thật sự đến và ở lại trong thành phố của em.
Sáng nay em đi mua về hai túi lớn thức ăn cho chim. Em bắt đầu đổ đầy những cái máng treo đong đưa trên những cành của cây Magnolia vườn sau.
Chim gọi nhau về đông lắm. Chúng khoe màu sắc trên những cặp cánh khác nhau, chẳng khác gì các cô thiếu nữ khoe những chiếc áo đẹp của mình.Em cứ rình xem có bao nhiêu loại áo, bao nhiêu cái khăn quàng cổ, cái mũ khác nhau trên những thân hình bé bỏng đó. Ôi những con chim tứ xứ kéo nhau về, em không phân biệt được con chim nào là con chim cũ, con chim nào là khách lạ ghé qua.
Đầu mùa xuân, chim Sẻ (Sparrow) và chim Hoàng Yến (House Finch) chim Chào Mào ngực đỏ (Robin), rủ nhau về sân nhà trước tiên. Sáng sớm em cầm ly cà phê, nhìn qua khung kính đã thấy ba giống chim này đang tranh nhau trong máng ăn. Chúng làm bắn tung những hạt ngũ cốc xuống mặt đất. Em theo dõi những mảng màu nâu pha trắng của lưng chim sẻ, màu vàng anh trên cặp cánh của Hoàng Yến và cái ngực đỏ của Chào Mào. Em cúi nhìn màu cà phê trong tách, màu nắng sáng hắt trên vai em.
Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân. Chao ôi là ân huệ của đất trời!
Anh có nghe chuyện tại sao chào mào lại có ngực đỏ bao giờ chưa?
Theo câu chuyện huyền thoại Suquamish. Ngày rất xa xưa, những cơn gió phương Nam nóng và dài thổi hun các loài động vật. Chúng phải chụm vào nhauvà tìm xem gió từ đâu tới. Chúng thấy nguồn gốc của gió phát xuất từ một pháo đài trên đỉnh một ngọn núi đá. Nơi đó các ông Thần Gió bảo vệ ngọn gió này.Chúng bàn bạc với nhau rồi vào một đêm, các loài động vật cùng xông vào pháo đài, đánh bại những ông thần gió. Sau đó, tất cả các loài động vật nhảy múa quanh ngọn lửa. Tất cả,ngoại trừ chim Chào Mào, nó đã từ chối tham gia những điệu nhảy. Chào Mào chỉ ngồi lặng lẽ, nhìn chằm chằm vào ngọn lửa, nó ngồi rất lâu nênlửa đã hun ngực nó trởlên một màu đỏ rực. Và từ đó Chào Mào đã có một bộ ngực đỏ đến ngày nay.

Khi nhìn những con chim chào mào với cái ức đỏ rực bay vào vườn trong mùa xuân, em nghĩ đến những người H.O, họ đang ở thủ đô của người Việt di tản, họ mang một lồng ngực với những thương tích muôn hình, những vết thương rất đỏ, giấu sau những chiếc áo gắn đầy huy chương trong những ngày lễ hội.
Nhưng những con chim chào mào, không hề che vết thương của chúng.
Anh ơi! Chúng ta cất giấu được vết thương trong lồng ngực mình bao nhiêu lâu nữa.

Chiều 30 Quét Lá

Chiều ba mươi quét lá
những chiếc lá khô cong
nằm ôm năm tháng cạn
hoang mang với gió đông

Nhát chổi cao rồi thấp
cây bút lòng bàn tay
gom làm sao cho hết
lao xao của tháng ngày

Lá ơi lá cứ rụng
chổi ơi chổi cứ xoay
gió ơi gió cứ thổi
tình ơi tình cứ bay

Nhát chổi ngang rồi dọc
như nét bút giữa sân
hạt bụi nào vướng lại
giọt mưa nào bâng khuâng

Lá rụng để lá rụng
tình rơi buông tình rơi
chổi ơi thôi đừng quét
thõng tay với cuộc chơi

nhát chổi thay nét bút
đăm đắm chiều ba mươi
vạch một đường hư ảo
giữa thơ và đất trời

Trần Mộng Tú

Trần Kiêu Bạc

Chưa Phút
Bình Minh Cho Mẹ

Chưa hừng đông, giọt nắng mới chưa rơi
Mẹ đã thức ngồi im trong khung cửa
Cây đèn dầu lụn tim còn như cháy đỏ
Chưa tiếng chim chào gọi sớm bình minh

Cứ một ngày qua cau lại hết xanh
Những lá trầu vàng ươm màu lá chết
Gió xô cửa vào Mẹ còn không biết
Mẹ lo đời con lên thác xuống ghềnh

Mỗi ngày thường chỉ có một rạng đông
Mấy mươi năm chưa bình minh cho Mẹ
Đêm chưa qua, đêm đầm đìa nỗi nhớ
Ngày chưa đi, ngày đeo đẳng u sầu

Như thế mỗi ngày, không biết bao lâu
Mẹ thức sớm ngồi im trong khung cửa
Gió lạnh xô vào, gió lùa mặc gió
Lặng lẽ buồn, Mẹ đợi phút bình minh!

Nhìn Lại

Cuối mùa còn một chút mưa rơi
Hạt nhớ, hạt thương, hạt ngậm ngùi
Mai sau có trầm mình trong nắng
Vẫn nhớ mưa buồn rớt lẻ loi

Tạ

Tạ ơn đời rót máu về tim
Tạ tình em khóc ướt vai mềm
Tạ từ đêm thức cho trời sáng
Tạ lòng nguyệt quế tỏa hương quen

Không Đề

Không giờ, không thấy số không
Đồng hồ đã vẽ hai vòng mười hai
Đêm không em để đêm dài
Không giờ, không cả lòng ai đợi chờ!

Nghĩ Về Một
Nơi Không Quên

Chiều xuống lặng im bên nầy chân trời
Nghe nhớ quá bên kia chiều Hà Nội
Một cõi lòng xa quê buồn vời vợi
Một nửa đời xao xác lá thu phai

Đâu cần gọi tên Hà Nội của ai
Nghe vị chua là thấy hàng cây sấu
Nghe hương thơm biết tan mùi hoa sữa
Ngần ấy thôi mà thương nhớ lên đầy

Ngày qua nhanh chưa kịp thấy mặt trời
Đêm co ro lời than van của phố
Chải lại tóc cho đường ngôi chia nửa
Một nửa giận hờn, nửa khác bao dung

Xin trở về những con phố tình nhân
Hà nội vươn vai lớn trong trí nhớ
Những người tình đổi trao hương trong gió
Chờ đêm tàn đốt lửa sưởi lòng nhau

Hà nội ơi! đời khi biển khi dâu
Người vẫn sáng những tia trăng vằng vặc
Tôi mơ chạy theo gió muà Đông Bắc
Về lại Hà thành nhìn gót đỏ chân ai

Hà nội theo tôi ở mãi bên nầy …..

Khi Trái Bóng Còn Lăn

Một tháng trời trái bóng lăn không nghỉ
Lòng nôn nao chờ đợi cũng theo về
Ai đếm được số người gần một tỷ
Dán mắt vào trận đấu với đam mê

Những ngạc nhiên, lo âu rồi đau khổ
Truyền cho nhau những cảm xúc lạ thường
Khi đường bóng lao đi như xé gió
Màu da nào cũng chung một quê hương

Nào ai biết khối bê tông vẫn đổ
Và ai hay hoàng đế cũng băng hà
Đang trị vì, những ông vua áo đỏ
Để “ thần dân hâm mộ “ những xót xa

Không ai ngờ sắc vàng xanh muôn thuở
Thường dịu dàng ôm khúc nhảy Samba
Bị nghiền nát dưới xe tăng cũ kỹ
Gởi ngàn năm mối nhục khó phai nhòa

Màu áo trắng xứ sương mù lãng mạn
Nơi hát đầu tiên bản nhạc bóng tròn
Chú gà trống Gaulois quên gáy sáng
Vẫy tay chào làm sân cỏ buồn hơn

Hạt ngọc đen Châu Phi đành giã biệt
Tim Howard cũng vội vã ra về (*)
Trong mưa lệ tiếng than dài không hết
Khán giả buồn Hè sao lạnh tái tê

Cúp Thế Giới cho ta nhiều bài học
Rằng vinh quang cũng có lúc suy tàn
Trong nụ cười luôn có thêm tiếng khóc
Có lúc bóng vào, khi vọt xà ngang

Cười reo vui đường bóng bay kẽ chỉ
Lệ lại rơi đau ở chấm phạt đền
Để thấy đời toàn những điều vô lý
Mãi xoay tròn theo hai chữ “xui hên”

Nếu quả bóng bỗng dưng mà nói được
Sẽ bảo: Đời có lúc đỏ lúc xanh
Buồn khi thấy bóng va vào cột dọc
Vui vỗ tay lúc bóng lọt khung thành

Những xảo quyệt không còn nơi để sống
Những tinh ranh sẽ ra khỏi đời thường
Sân cỏ luôn mang màu xanh hy vọng
Bóng là cuộc chơi, không phải chiến trường

Không cần biết ai đã thành vô địch
Áo sọc màu xanh hay cổ xe tăng
Chỉ biết đời có khi vầy khi khác
Thì nói chi đến thành bại thăng trầm

Bóng vẫn lăn mỗi ngày như hơi thở
Chân sút vẽ hình áo lụa vai thon
Niềm đam mê đầy theo từng nỗi nhớ
Như ngàn năm trái bóng mãi căng tròn!

(*) Thủ môn nổi tiếng của Hoa Kỳ ở World Cup 2014

Thì Thầm Với
Hương Cà Phê Khuya

Đêm ngủ lâu rồi, thức mãi cà phê
Đêm chờ sáng, cà phê buồn chờ sáng
Chừng khuya lắm, cà phê nghe khuya lắm
Giọt giọt buồn trong đáy cốc lặng im

Cà phê ơi ! Sao thức mãi đêm đen
Hay để lòng cà phê đen thêm nữa
Khuya ở bên nầy, bên kia sáng tỏ
Hai khoảng trời, một tâm sự như nhau

Hương cà phê làm mình nhớ nhau lâu
Giọt đen nhớ, giọt đen thương còn đọng
Mùi hương quen đang tần ngần trước cổng
Chợt uà vào qua cửa sổ nhà ai

Sàigòn sáng rồi mà khuya lắm Cali
Ai một mình, mình một mình đơn chiếc
Nếu không hương cà phê nào ai biết
Có hai ngươi đang da diết nhớ nhau?

 

Nghĩ Về
Một Nơi Không Quên

Chiều xuống lặng im bên nầy chân trời
Nghe nhớ quá bên kia chiều Hà Nội
Một cõi lòng xa quê buồn vời vợi
Một nửa đời xao xác lá thu phai

Đâu cần gọi tên Hà Nội của ai
Nghe vị chua là thấy hàng cây sấu
Nghe hương thơm biết tan mùi hoa sữa
Ngần ấy thôi mà thương nhớ lên đầy

Ngày qua nhanh chưa kịp thấy mặt trời
Đêm co ro lời than van của phố
Chải lại tóc cho đường ngôi chia nửa
Một nửa giận hờn, nửa khác bao dung

Xin trở về những con phố tình nhân
Hà nội vươn vai lớn trong trí nhớ
Những người tình đổi trao hương trong gió
Chờ đêm tàn đốt lửa sưởi lòng nhau

Hà nội ơi! đời khi biển khi dâu
Người vẫn sáng những tia trăng vằng vặc
Tôi mơ chạy theo gió muà Đông Bắc
Về lại Hà thành nhìn gót đỏ chân ai

Hà nội theo tôi ở mãi bên nầy …..

Nhớ Biển Xa

Xa rồi nhớ quá biển ơi
Nhớ vuông cát giấu chân người đi qua
Đưa tay với lấy biển xa
Đem từng con sóng làm quà cho ai
Tay ôm biển chẳng muốn rời
Một mình một biển một người một đau
Chia tay nhớ biển hôm nào
Biển tung sóng trắng sóng trào biển xanh
Chút riêng nước mặn để dành
Gởi tình nhân để cho tình mặn thêm
Thấy trong lòng biển êm đềm
Đau, nhưng lòng thấy tịnh yên không cùng
Hỏi thăm biển có xanh không?
Còn xanh, chắc biển hiểu lòng tôi đau !

Lục Bát Bốn Câu

Thăm Mộ Mẹ

Về thăm mồ Mẹ gió đong đưa
Mưa rớt lâm râm khoảng cuối mùa
Áo mỏng đơn sơ còn chưa ướt
Mà sao hai mắt dột đầy mưa?

Giao Thừa Nhớ Quê Xa

Giao thừa đón Tết quê xa
Tết xa quê giữa bao la nắng đầy
Nắng đầy, hồn lại mưa bay
Ước chi mọc cánh mà bay về nhà!

Tĩnh Tọa

Âm u bóng tối
Đơn độc cuộc đời
Sát na tĩnh tọa
Thấy đời lên ngôi.

Ơn Thầy Cô

Qua bờ xa, thấy đò còn đưa khách
Tim học trò đập vội tiếng ngân rung
Công người đưa đò dày hơn trái đất
Nhớ ơn hoài NGƯỜI đã chở qua sông!

Hạnh Phúc Tháng Giêng

Không thấy nữa rồi, tờ lịch hôm nay
Một chút nắng hoàng hôn vừa đi mất
Đêm lại về cho ngày xa tầm mắt
Tờ lịch im lìm rơi vào hư không

Có mùa nào cầm mãi mãi tháng Giêng
Cho hạt ươm xanh ngàn chồi lộc mới
Sương đầu năm vờn tóc ai mới gội
Không mưa muà tháng bảy khóc mưa Ngâu

Tháng Giêng cho nhau mỗi nửa mái đầu
Tóc dài mịn thêm buổi trưa đầy nắng
Đêm vì ai mà đêm chừng thu ngắn
Không đủ cho tóc ngắn nhớ tóc dài

Nhật ký tháng nầy hai đứa lại chia đôi
Em một nửa anh cho mình một nửa
Tờ lịch Xuân muốn rơi mà không nỡ
Để còn nhau hoài trong tháng Giêng xanh.

NGÃ BA ĐƯỜNG

Thôi rồi người đã xa xôi
Sao nghe lòng đắng như đời khổ qua
Đời chia chi những ngã ba
Không chừa một lối cho ta chung đường?

THƠ NGÂY

Đi hoài chưa hết
Một tấc thơ ngây
Đời còn trăm thước
Nên vẫn ngu hoài!

SINH NHẬT

Dù cho sinh nhật đến mấy mươi
Cũng là con trẻ của Mẹ thôi
Mấy mươi cũng vẫn là con trẻ
Cần Mẹ hoài như thuở nằm nôi.

ĐÓN TẾT

Đêm xa quê đón Tết
Một lời ước đơn sơ
Phải chi lòng bánh tét
Nhuộm xanh đêm giao thừa!

PHÚT ĐẦU TIÊN

Sinh con Mẹ đã mừng vui
Cả nhà vang những tiếng cười thân quen
Mình con khóc phút đầu tiên
Phải chăng biết nỗi truân chuyên cuộc đời?

LƯỢM GẠO

Lời Mẹ dặn con hồi thơ trẻ
Hạt gạo như vàng quý biết bao
Lượm hạt gạo rơi lòng nhớ Mẹ
Lời dạy còn ghi, Mẹ chốn nào?

TƯƠNG TƯ

Tôi lại nhìn tôi trong bóng đêm
Tắt đèn nên thấy bóng lạ thêm
Hình như ai núp đàng sau bóng
Là bóng tôi buồn hay bóng em?

TRONG MƠ THẤY MẸ

Nằm mơ thấy Mẹ dắt con đi
Sau trống trường tan dẫn con về
Sương sớm phủ vây màu nắng đục
Tỉnh ra mới biết nắng Cali.

Bốn Bài
Lục Bát Bốn Câu

1. TRONG MƠ THẤY MẸ

Nằm mơ thấy Mẹ dắt con đi
Sau trống trường tan dẫn con về
Sương sớm phủ vây màu nắng đục
Tỉnh ra mới biết nắng Cali.

2. LÒNG CA KỶ

Màn khép rồi, anh có trọn vui?
Chờ cho khán giả bỏ đi rồi
Em lau son phấn ngoài sân khấu
Vãn tuồng, em chỉ có anh thôi!

3. CƠM TRẮNG

Chiều xuống Mẹ đem nồi vo gạo
Xả hết cám đen, gạo sạch trơn
Quê người cơm tối ngồi thương Mẹ
Nhìn cơm trắng muốt nhớ Mẹ buồn!

4. CHỈ MỘT NGƯỜI

Những dòng thơ tôi viết
Tưởng gởi cho nhiều người
Nhưng chắc không ai biết
Dành riêng một người thôi!

Chia Tay Bạn

Chia tay bạn đêm nay mình thức suốt
Mới hôm nào tay mới chạm bàn tay
Lửa chưa bén vội vàng chi lửa tắt
Mắt chưa rời mà sao mắt đã cay

Chiếc bàn con quanh đây còn nóng hổi
Chén trà đen sủi đám bọt ân tình
Đêm sắp hết giờ chia tay sẽ tới
Cây đã già lá nhớ lại lên xanh

Sao không đợi hết đêm trời trở sáng
Bạn về đâu mưa chưa hết lăn tròn
Khi trút hết nước mưa trời sẽ cạn
Riêng chúng mình tâm sự sẽ đầy hơn

Một người đi còn một người ở lại
Chỉ đêm dài không ở lại cùng ta
Gởi cho nhau tình thân chùm hoa nở
Bọt trà thơm theo đến cõi mù xa

Thôi cũng đành chia tay trong nước mắt
Cây đã già rớt lại những lộc non
Ấm trà đen lửa reo còn sủi bọt
Cạnh lòng ta trời đất ngổn ngang buồn.

Thương Tóc Ngắn

Lỡ thương tóc ngắn ai rồi
Dẫu trăm mái tóc dài thôi cũng đành
Ngắn vừa đủ động lòng anh
Ngắn vừa đủ buộc mình thành nợ duyên.

Sông Nước Đồng Nai

Vẫn là sông nước còn đầy
Mà khô khát cả hàng cây hai bờ
Bên nầy tả ngạn tương tư
Bên kia hữu ngạn dật dờ hồn quê!

Ngả Ba Sông

Thuyền xuôi về ngã ba sông
Ai theo nhánh rẽ cho lòng xa nhau
Mình còn hai nhánh sông sâu
Băn khoăn không biết ngã nào mà bơi.

Học Toán

(kính tặng quý Thầy Trần Phiên và Hà Tường Cát
trường TH Ngô Quyền, Biên Hoà)

Thầy ra đề Toán khó trần ai
Tìm hoài lời giải mãi loay hoay
Thật tình em ráng vào trong lớp
Bởi không mê Toán chỉ mê Thầy!

Tặng Cô Hàng Mỹ Phẩm

Dọn hàng về sớm chi em
Người ta còn đợi mua thêm chút quà
Trăm con mắt ngó từ xa
Chắc chờ mua cái thật thà của em!

Ngược Dòng

Đêm vừa hết, giọt cà phê còn nặng
Đời đã vơi nhưng đáy cốc chưa vơi
Nước mắt cạn mà khổ đau chưa cạn
Tình còn đây sao người vội xa người?

Trần Kiêu Bạc

Trần Hoài Thư

Tran Hoai Thu

Lữ Quỳnh, Bạn Tôi

Lữ Quỳnh là bút hiệu của Phan Ngô, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên-Huế. Thân phụ mất sớm, lúc một tuổi. Tuổi nhỏ phần lớn sống tự lập. Học sinh Quốc Học – Huế, 1959-1962. Dạy học, trường Bán công Vinh Lộc 1962-1963. Cựu Sĩ Quan VNCH (Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức, ngành HC Quân Y). Đơn vị phục vụ : *Tổng Y Viện Duy Tân – Đà Nẵng năm 1965-66. *Tiểu đoàn 22 Quân Y (SĐ22BB) – Bình Định, năm 1967-70, *Quân Y Viện Quy Nhơn, năm 1971-75. (tài liệu trên Internet)

Tôi và Lữ Quỳnh có nhiều điểm chung. Cùng năm sinh. Cùng cảnh hẩm hiu của một đứa bé không thấy mặt cha từ khi còn quá nhỏ, cùng học Quốc Học – Huế, cùng gốc lính sư đoàn 22 BB, cùng viết cho Bách Khoa, Ý Thức và bây giờ, cùng ở Mỹ, tiếp tục cùng văn chương chữ nghĩa.

Biết anh từ những bài thơ đầu tiên trên Bách Khoa. Thơ anh đăng khá sớm trên một tạp chí bề thế, lúc anh còn là cậu học sinh trung học. Nhưng thật sự cái giao tình bắt đầu từ năm 1967, khi tôi rời Thủ Đức về sư đoàn 22 BB tại Bà Gi để bắt đầu lao vào trận mạc. Đơn vị tôi là đại đội 405 thám kích, doanh trại nằm trên đồi, nép mình dưới ba ngọn tháp Chàm mà Chế Lan Viên đã xem như là biểu tượng của Điêu tàn qua tập thơ của ông thời tiền chiến. Còn đơn vị anh là một đơn vị quân y, doanh trại thì nằm ngay dưới đồi, về hướng Đông. Hai đơn vị dù khác nhiệm vụ nhưng hai đứa chúng tôi có cùng một mẫu số chung. Cùng viết văn làm thơ. Cùng viết cho Bách Khoa. Cùng đến từ xứ Huế. Dù thời gian này tại Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 22 BB có những cây viết cho Bách Khoa như Doãn Dân, Nguyễn Kim Phượng (tức là Hoàng Thị Bích Ni), nhưng tôi thân với Lữ Quỳnh nhiều hơn. Thứ nhất là tánh tình anh cởi mở. Thứ hai những ý nghĩ về văn chương xem như giống tôi. Chúng tôi không xem văn chương là đồ trang sức, mà ngược lại dùng văn chương để nói lên những tiếng kêu trầm thống của một thế hệ bị thua thiệt, bị ném vào lò lửa của chiến tranh.

Lúc bấy giờ, Lữ Quỳnh là một sĩ quan cấp úy. Nếu tôi nhớ không lầm, anh là Sĩ quan Phụ tá Hành chánh Quân y của tiểu đoàn. Với chức vụ ấy, anh được cấp một xe Jeep và tài xế. Còn tôi thì chỉ có “xe chân”. Cũng nhờ xe anh mà tôi được “quá giang” theo anh về Quy Nhơn sau khi đơn vị hết hành quân, hay được dưỡng quân. Thỉnh thoảng chúng tôi gọi nhau, và anh lái xe lên đồi hậu cứ của tôi, bốc tôi xuống một quán cà phê thị trấn ở An Nhơn, Đập Đá…

Anh là một mẫu người nghiêm túc, chững chạc. Anh không có một đam mê nào ngoài đam mê viết. Không phải như tôi, viết cẩu thả, viết thả dàn, viết có khi chẳng cần coi lại, trái lại anh viết rất chững chạc. Anh thai nghén một bài văn khá kỹ trước khi đặt ngòi viết xuống giấy. Một ví dụ là khi anh viết một truyện kể về những người đập đá, (trong truyện Bụi Đá), anh đã lái xe đến tận nơi, cố tìm hiểu, nhận xét về cảnh tượng… Hay truyện Bóng Tối Dưới Hầm, anh đã dùng những chất liệu có thật trong cuộc đời quân ngũ của mình để xây dựng.

Những ngày tháng ấy, chúng tôi cùng nhau viết, cùng nhau gởi bản thảo về Saigon.Chúng tôi viết trong không gian gào rú tiếng máy bay phản lực hay ì ầm tiếng nổ của bom hay cà nông vọng về. Chúng tôi viết dưới mái tôn tiền chế lạnh lẽo, âm thầm, bên cạnh những hàng dây kẽm gai, hay giao thông hào… Chúng tôi đã chuyển không khí chiến tranh, những vấn tra của người nhập cuộc, những tiếng nổ đầy bất trắc về Saigon. Chúng tôi đã thét gào đòi lại quyền của tuổi trẻ. Chúng tôi được các ngài ở Saigon phong cho là “những cây bút trẻ miền Trung”.

Trong những điều kiện khắc nghiệt, và trong những hoàn cảnh đầy đe dọa lên số phận, vậy mà Lữ Quỳnh vẫn viết. Viết đối với anh, theo tôi, là một đam mê, chứ không phải là trách nhiệm, hay “một cây bút là một sư đoàn” gì ráo… Tôi bỗng nghĩ đến một nhận định của Mai Thảo khi ông giới thiệu bài Bệnh Xá Cuối Năm của tôi trên Văn. Ông cho là tôi đã : “đặt sống thành suy nghĩ. Tự thành trong cô đơn”. Nhận định này rất đúng cho Lữ Quỳnh. Riêng tôi thì 60%. Còn LQ có lẽ là 100%.

Bởi vì mỗi bài viết của anh, dù là văn hay thơ đều bắt độc giả suy nghĩ. Bởi chúng là kết quả của những suy nghĩ của anh và anh muốn gởi lên trang giấy. Không những anh sống để viết. Mà sống để suy nghĩ và viết.

Tôi xin dẫn chứng một đoạn ngắn trong Những Cơn Mưa Mùa Đông mà tôi mở tình cờ một trang sách, để nhận rõ sự suy nghĩ này qua một nhân vật.

Đây là đoạn tả lại cảnh một ông lão rầy đứa cháu trai của ông vì tội dám lấy ná bắn vào cái dĩa sứ đẹp đẽ:

Mới ngày nào đây thôi mà – Ông già nói lầu bầu trong miệng – mày ngỗ nghịch quá, ai đời với chiếc dĩa đẹp đẽ như thế này mà mày dám dùng làm bia để bắn ná. Tao nghe một tiếng “bốp”, chạy ra, nhìn lên chiếc dĩa, nó đã rạn nứt như thế này rồi. Còn mày thì biến lẹ như một con còng chui sâu dưới vườn… Nghịch ngợm như mày, tưởng không bao giờ thành người lớn được chứ. Lại cái tội háu ăn nữa. Thế mà rồi mày không còn ở với tao, mày lại chết trong tư thế của người lớn mà. Tham gia, tham dự, tham gì gì đi nữa, rồi cũng chỉ có khổ cái thân già của cha mày thôi con ạ. [1]

Đọc đoạn trên ta hiểu ngay về cái ẩn dụ mà LQ đã gởi qua lão già. Cái dĩa là cái bia. Và hành động nghịch ngợm của thằng bé còn mang theo một tư thế của người lớn. Phải trong chiến tranh, người ta sẽ dùng bia người để nhắm. Để rồi “lại chết trong tư thế người lớn”…

Xin trích một đoạn khác, trong một truyện trước 75 của anh, để chứng minh là văn chương đối với anh là văn chương đầy những suy nghĩ, tra vấn đầy ý thức:

Từ “Chính gã khóc chứ không phải cái tôi mà gã chọn lựa, cái tôi không bao giờ mềm yếu, phản trắc, lầm lẫn ấy khóc cả.”

….Trong bóng tối của chiếc hầm chật hẹp, người đàn ông cố nhìn bàn tay mình mà vẫn không thấy nổi. Gã vừa nghĩ tới những kỷ niệm thật xa. Lúc này gã nhớ lại hình ảnh người nhạc sĩ nằm chết trên bến sông, gã đã khóc thật nhiều trên quãng đường công tác còn lại. Con tim bật máu làm trào nước mắt. Chính gã khóc chứ không phải cái tôi mà gã chọn lựa, cái tôi không bao giờ mềm yếu phản trắc lầm lẫn ấy khóc cả. [2]

đến: “Tiếng nói không biết có phải là của mình không nữa? “

….Trong bóng tối, thiếu nữ cảm thấy chới với khi nghe tiếng nói của người đối diện. Tiếng nói, chỉ có tiếng nói thôi. Ma quái quá sức. Tiếng nói. Trong căn hầm chỉ có tiếng nói và tiếng nói thôi. Thiếu nữ nghĩ mình cũng không còn nhận ra mình. Tiếng nói không biết có phải là của mình không nữa? [2]

Ngay cả bây giờ, anh vẫn đặt sống thành suy nghĩ. Dù cái bóng tối dưới hầm của ngày xưa chỉ còn là hoài niệm, nhưng cái bóng tối bây giờ vẫn còn vây phủ anh, đầy hiu quạnh và cô đơn:

thường có những giấc mơ
gặp gỡ bạn bè
những người bạn ra đi đã nhiều năm
nay kéo về
nói cười ấm áp

tôi rất vui
rất vui trong từng đêm như thế
để lúc tỉnh ra
ngồi một mình trong bóng tối
quạnh hiu. [3]

Bài thơ mới sáng tác, nhưng bóng tối vẫn là bóng tối. Dù ngày xưa hay bây giờ.
Nhưng cũng nhờ bóng tối ấy mà anh vẫn tiếp tục viết, tiếp tục sáng tác.
Nếu không, chắc đời phải là buồn lắm.
Phải không, Lữ Quỳnh ?
_______

(1) Truyện viết năm 1974, do Thư Ấn Quán tìm lại tại Thư Viện Cornell và được tái bản trong Tủ Sách Di Sản Văn chương miền Nam.
(2) Trích từ truyện ngắn Bóng Tối Dưới Hầm.
(3) Trích từ “Giấc Mơ” trong thi tập “Những Giấc Mơ Tôi” của Lữ Quỳnh do nhà xuất bản Văn Mới ấn hành năm 2013

Những Lời Thơ Xôn Xao

Ðêm nay tôi không ngủ được. Tôi cần được thức. Tôi cần được cõi đêm vỗ về tôi. Ngoài đêm, dù mùa hè đã vào tháng bảy, nhưng có tiếng gió vọng về, và cả tiếng xôn xao của lá, của bóng đêm.

Ðêm nay tôi chong đèn đọc thơ Luân Hoán, tập thơ kỳ lạ. Tập thơ đẩy đưa ở bến nào, đến đây, bắt tôi phải cảm động, phải thao thức, dằn vặt nhớ nhung. Có nơi nào, có tiếng gọi. Thi ca Luân Hoán và Thi ca. Thi ca và Luân Hoán. Hạt bụi là Thi ca. Thi ca là Hạt bụi. Ðất đá là Thi ca.Thi ca là đất đá. Cứ hạt bụi, cứ đất đá. Thử hỏi trong vũ trụ này ai đếm bao nhiêu hạt bụi, và ai đếm bao nhiêu Luân Hoán thi ca.

Hình như có một sự chuyển biến quá kỳ diệu trong tập thơ mới nhất của anh. Ðọc những tựa đề. lê thê, trải rộng, dịu dàng. Thơ 6,8. Ngay cả tượng cũng là thơ rồi. Chưa bao giờ tôi thấy một người thơ nào lại âu yếm cùng thi ca đến như thế. Tôi không nói đến chữ nghĩa như một số người đã bảo. Bởi Luân Hoán không phải là một phù thủy chữ nghĩa. Phù thủy chữ nghĩa chỉ là cái thùng rỗng, hay người kỹ nữ về già. Ðọc kêu to nhưng không thấm thía, không bùi ngùi, tha thiết. Với anh, tưởng như mọi thứ , mọi điều, mọi vật, nhỏ vô cùng như hạt bụi, to lớn vô cùng như trời đất vô lượng, tất cả đều có linh hồn và tất cả đều được thi ca gìn giữ.

như :
nhốt trăm tên gọi vào trong cặp
tưởng những tên kia đã của mình

như:
ngờ đâu lệ chỉ là vết đạn
lổ chổ lòng ta những xót xa

như :
quê hương nhắm mắt như sờ được

như :
trốn bao thương nhớ tôi ra phố
trăm ngã đường vào một trái tim
trái tim tôi vẫn là tên Ðà Nẵng

như :
hỡi con kiến lửa lạc bâng quơ

Ơi chú kiến lửa có lạc loài không nhỉ ? hay vơ vẩn rong chơi.Luân Hoán đã làm tôi xôn xao khi nhớ lại tuổi ấu thơ. Bây giờ tôi mới hiểu rằng tôi đã có bao nhiêu điều qúi báu nhất mà tôi đã bỏ quên từ lúc nào không hay.

Tôi đã kể một phần nhỏ những gì đã gắn bó trong thơ Luân Hoán. Thơ anh dạt dào đầy ắp những Việt Nam, Những Ðà Nẵng, Huế Sài gòn. Những ngã ba Huế, Hải Vân, huyện Quế Sơn, Câu Lâu, Hương An, Yến Nê, Hội An, Ngã Năm, Ðầm Dạ Trạch…Thơ anh cuốn làn mây mù đỉnh núi, “bờ tre chịu gió”, thẳng đường chim bay”,”nước xôn xao dưới cầu”. Thơ anh quê hương tăng thêm vẽ đẹp, tình yêu cũng âu yếm hạnh phúc bội phần. Thơ anh “mỗi hạt bụi đời như có máu” và gió thì ” thở nhầm hơi thở của em tôi” và “nước xô nhau như chạy trốn nhọc nhằn”. Thơ anh đất cũng được âu yếm : ” hốt giùm nhắm đất đưa ngang mũi, thử có hương giày sư đoàn 2 ” và mưa cũng tuyệt vời mộng mị “ước chi triệu hạt mưa rào, dắt dìu hồn sít rịt vào với nhau ” .

Người ta vẫn thường đặt thơ ở một nơi thật trịnh trọng. Nói đến thơ, người ta sẽ nói đến cái gì tốt đẹp, tuyệt vời, vượt xa cõi ô trọc thường tình. Với Luân Hoán, trái lại, thi ca gần kề với quả đất, cõi trần gian. Với anh, qua tập thơ không còn những kỳ thị một thời. Trái lại, tất cả được thăng hoa, giữ gìn, chẳng hạn qua bài Giặt Áo Quần Cho Vợ (Ngơ Ngác Cõi Người, trang 67), Luân Hoán đã viết những câu thật đẹp :

“trộn tình ta vào trong bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượn mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau

trông thau nước đục lờ những cáu bẩn
ta bỗng thương lớp bụi nổi màng màng
chúng là những nhọc nhằn em gánh chịu
nuôi chồng con dài năm tháng gian nan

vòi nước nhỏ chảy qua từng thớ vải
như chảy vào trong cùng tận lòng ta…”

Người ta nói nhiều đến người đàn bà Việt Nam với bao nhiêu ngưỡng mộ, khâm phục nhưng có vần thơ nào kể rõ hơn về cái nhọc nhằn, bất hạnh của người thiếu phụ “vò nhẹ nhàng bở lo sợ em đau”. Tôi nhắm mắt lại . Tại sao Luân Hoán lại dùng chữ nhẹ nhàng ? Thi ca cuồn cuộn ngay cả đến một thau nước bẩn, một cái vòi nước, một buổi trưa (có lẽ) người thi sĩ ngồi giặt quần áo cho vợ, thi ca không còn kỳ thị.

“vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau” Ở thơ Luân Hoán tình yêu đầy ắp. Yêu mọi thứ, mọi điều. Yêu sự đau khổ, nhục nhằn. Yêu hạnh phúc, yêu vật, yêu người, yêu hoa, yêu lá. Nhưng trang thơ của anh thảy đều bàng bạt tình yêu. Anh ướp chúng vào với tất cả độ lượng ngay giữa lúc người thi sĩ mạc vận nhất. Thật vậy, giữa lúc nước mất nhà tan, tội tù, giữa lúc anh mất đi một phần thân thể, anh vẫn :
“vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau”
hay vẫn :
ta sẽ đãi ta bát nước xanh
điếu Vàm Cỏ thở khói mong manh
rung đùi nhấm nhí niềm hạnh phúc
mừng trái tim ta vẫn trong lành
ta sẽ cười vui với trẻ con
da nhăn bụng ỏng ngẩn ngơ buồn
cho em bao thuốc làm giấy vụn
phân lượng nào cân được mến thương”

Hỡi các em nhỏ của Bình Minh, Tân Quới, Phong Ðiền, tôi đã gặp các em , đã đứng bên đường lắc cái chuông đồng mời gọi các em tới. Các em xanh xao, da nhăng bụng ỏng…

Hôm nào cây cà rem chảy tôi tặng các em, bây giờ tôi xin tặng các em bài thơ của một người. Bởi thơ luôn luôn tồn tại. Thơ sẽ sống mãi và giữ mãi nhịp cầu giữa em và tôi…

Trần Hoài Thư

1 3 4 5 6 7 9