Những Cái Tết Trong Đời Tôi
Cứ mỗi lần cúng Giao Thừa xong, tôi mang bình trà vào phòng sách ngồi uống một mình. Chính những lúc nầy tôi nhớ lại những ngày tết cũ, xưa cũ. Khi còn nhỏ, tôi là người phải thức để lo sắp xếp bàn cúng giữa sân cho Bác tôi khấn vái cúng giao thừa. Câu khấn đầu tiên Bác tôi giới thiệu về mình cho những người khuất mặt quanh đây biết về gia thế: “Kính thưa ông bà, cha mẹ, những người khuất mặt quanh quẩn đâu đây. Tôi tên là Phan Xuân Sâm là con thứ năm của cha mẹ tôi, người còn lại lớn nhất của gia đình nầy. Hiện tôi đang sinh sống tại Nại Hiên xã, Đà Nẵng xứ, Quảng Nam tỉnh. Kính xin chư vị ghé qua đây hưởng chút nhang khói nhân ngày đầu khai niên. Giúp đỡ gia đình tôi mạnh khỏe, thuận hòa. Chúng tôi luôn luôn cung kính gìn giữ lòng biết ơn chư vị…” Năm nào Bác Năm tôi không được khỏe, Ba tôi làm nhiệm vụ cúng bái Giao Thừa thay cho Bác. Ba tôi không nói ra những lời như Bác, ông chỉ lầm thầm trong miệng rồi lạy. Hình như Ông làm chuyện nầy cho có lệ, chứ không thành tâm như Bác tôi. Bác nằm trên gường hỏi Ba tôi sau khi cúng xong vào nhà: “Chú có biết phải để cho cây hương tàn hết mới dọn vô nhà không?” Ba tôi lúng túng trả lời cho qua chuyện, sự thật cây hương cháy chưa hết một nửa thì Ba tôi đã dọn vô nhà. Cúng xong bao giờ Bác Năm cũng ngồi uống trà với Ba tôi. Cái cung cách đầu năm cũng đổi khác, nói chuyện với nhau đượm một chút nhẹ nhàng. Hình như người ta gìn giữ tốt đẹp nhất cho ngày đầu năm.
Sau nầy Bác tôi mất, Ba tôi mỗi năm cúng GiaoThừa thay cho Bác. Tôi là người được ngồi đối diện uống trà với Ba tôi. Sau đó hai cha con dẫn nhau xuất hành, thường thường chúng tôi đi đến chùa Nại Hiên lạy phật. Chính lúc trên đường đi Ba tôi mới kể cho tôi nghe nhiều chuyện của quê tôi. Cái chuông chùa của làng Nại Hiên là do ông Án Nại đúc tặng cho làng (Ông Án Nại tên là Nguyễn Hanh, Án Sát tại Nghệ An, nguyên quán của ông ở làng Nại Hiên nên thường gọi ông là Án Nại, sau ông từ quan theo phong trào Văn Thân, Cần Vương, bị tử thương ở mặt trận Phú Thượng, Hòa Vang, Quảng Nam). Có một năm vợ chồng người học trò cũ của Ba ôi tới chúc tết thầy. Ba gọi tôi ra chào chị Hồng, người mà khi tôi còn nhỏ Ba tôi nhờ chị chăm sóc cho tôi vì má tôi mất sớm. Ba tôi đi dạy mang tôi đi theo, các chị thay phiên chăm sóc tôi, đút cơm, tắm rửa, thay áo quần. Trong số các chị thì chị Hồng là người lo cho tôi nhiều nhất. Lúc nầy tôi đang học đệ nhị. Từ trong buồng ngủ bước ra. Chị Hồng trố mắt nhìn tôi: “Thằng Sinh đây hả thầy? Hồi nhỏ nó bụ bẩm sao lớn lên nó ốm quá vậy? có đau gì không? Ừ, mà như vậy trông có vẻ thư sinh, bảnh trai. Hắn mà gái trông thấy phải chạy theo thôi” Chị hỏi tôi, hồi nầy có còn thích ăn bánh bèo không? Hồi còn nhỏ xíu khi dẫn nó ra chợ, bao giờ nó cũng chỉ hàng bánh bèo, ăn một lần bốn năm chén. Tôi gật gật đầu, ý của tôi nói với chị vẫn còn thích ăn bánh bèo.
Vợ chồng chị Hồng chắc là khá giả, chị ấy móc tiền lì xì cho tôi 200 đồng, số tiền đó lúc ấy hơi lớn. Chị kể mấy chị trong lớp hay bẹo má phúng phính của tôi. Thứ bảy chủ nhật các chị thay phiên nhau xin Ba tôi cho các chị mang tôi về nhà. Ba tôi thì lúc nào cũng gật đầu đồng ý. Sau nầy lớn lên tôi mới biết đó là lúc tốt nhất để Ba tôi có thời giờ đi cua “đào”. Ông thầy giáo vợ chết sớm, sống lẻ loi sao được, tuổi lại còn quá trẻ nên có cơ hội thuận tiện lúc nào là ông “tranh thủ” đi đến nhà các bà bồ để tán dóc. Ra tết, chị Hồng chạy xe Honda tới nhà mang cho tôi chừng hơn 10 chén bánh bèo. Bánh bèo Quảng Nam lớn lắm, chén đổ bánh bằng chén ăn cơm, chị nghĩ rằng hồi còn nhỏ tôi ăn được 4 chén, thì bây giờ phải ăn gấp đôi. Tội nghiệp sự chu đáo của chị làm cho tôi nhớ mãi. Ba tôi kể, nhà chị Hồng nghèo nên mỗi năm phụ huynh đi lễ tết cho thầy nào là bánh, mứt , rượu, gà, nếp, bánh tét…Ba tôi gọi mẹ chị Hồng qua nhà lấy bớt đem về nhà ăn tết, nên gia đình chị Hồng mặc dù ít mua sắm cho ngày tết, vẫn có đầy đủ mọi thứ trong nhà. Khi chị đi lấy chồng Ba tôi có đi dự. Sau nầy chị kể cho Ba tôi nghe chị và anh Khiết cùng học một lớp yêu nhau, nhưng gia đình anh Khiết nghèo quá nên anh ấy không thể cưới chị. Con gái đến tuổi không thể chờ đợi nên gia đình phải gả chị cho anh Hoàng ở làng bên. Gia đình anh Hoàng khá giả, chị về làm dâu cũng sung sướng. Anh Hoàng đi lính ở thành phố nên không sợ phải ra trận, còn anh Khiết cũng vào lính được chừng hơn một năm thì tử trận.
Cái vui nhất của tôi là ngồi canh lửa nồi bánh tét. Mấy thằng bạn nhỏ trong xóm tụ lại nghe tôi kể chuyện. Ngồi chung quanh nồi bánh, lửa phừng phực cháy xua đuổi cái lạnh mùa đông, ngồi chờ ngoại tôi vớt ra mấy cái bánh ú cho tôi, bạn bè chia nhau ăn. Sau nầy lớn lên bao giờ tôi cũng mua một lít rượu để sẵn, một dĩa thịt heo dầm nước mắm, một chén củ kiệu, vài thằng bạn ngồi nhâm nhi. Lúc nầy chúng tôi sắp bước vào lính nên bữa nhậu đượm một chút buồn trên mặt.
Tết Mậu Thân, thành phố Đà Nẵng sống trong yên bình. Đêm giao thừa pháo vẫn nổ rộn rã, xen lẫn tiếng súng nổ nhiều hơn mọi năm, tiếng súng nổ nhiều nhất ở ven thành phố. Dân chúng hoàn toàn không biết là Việt Cộng tổng tấn công bị các đơn vị đồn trú bên ngoài đẩy lui. Bốn giờ sáng Ba tôi dậy pha trà, súng vẫn nổ nhiếu mà không dứt, mở radio nghe tin tức, mới biết là Việt Cộng tấn công vào các thành phố Miền Nam. Lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu kêu gọi quân nhân đang ăn tết với gia đình, phải trình diện ở những đơn vị gần nhất. Tất cả gia đình đều hé cửa nhìn ra đường, chỉ thấy xe tuần tiểu của quân đội thỉnh thoảng gắn loa phóng thanh, lệnh giới nghiêm 24 giờ trên toàn thành phố. Tất cả phải đóng kín cửa không được ra đường. Các quân nhân ở xa về ăn tết ra đường đón xe tuần tiểu để được chở vào Quân Vụ Thị Trấn. Sáng mồng một, đài phát thanh địa phương báo cho biết là Quân đội đã đẩy lui các cuộc tấn công vào thành phố. Chỉ biết được tin tức qua đài phát thanh. Người dân Đà Nẵng yên tâm ăn tết không bị quấy phá bởi lực lượng bên kia. Chừng 9 giờ sáng mọi người ra đứng trước cửa nói chuyện với hàng xóm, khuôn mặt họ đều ngơ ngác. Nói chuyện về tình hình chiến sự chỉ đoán già đoán non chứ quả thật không ai biết gì cả. Tối mồng một tết nghe phong phanh có mấy người trong xóm trước đây đi nhảy núi, đã thấy xác của họ ở xã Hòa Cường. Chuyện thật hư không ai biết, mọi chuyện đều bị xé to. Tối cả nhà quay quần chung quanh chiếc radio để nghe BBC và VOA, lúc nầy mới biết rỏ các tỉnh, thành phố ở Miền Nam đều bị tấn công. Nghe lén đài phát thanh Hà Nội thì họ bảo quân Cách Mạng đã chiếm được Miền Nam, dân chúng Miền Nam đón tiếp niềm nở. Sau nầy mới rõ, các cán binh Miền Bắc tin vào lời tuyên truyền trên radio, trên truyền đơn, dân chúng sẽ đón tiếp các anh nên họ tưởng thật. Khi vào thành phố họ mới biết chẳng có ai đón tiếp họ. Ai thấy họ cũng đều sợ hãi, cũng đều trốn tránh. Thú thật người dân lúc đó rất hoang mang không thể tin được đình chiến mà lại bị quân Bắc Việt tấn công. Ở Đà Nẵng chỉ nghe súng nổ trong ngày mồng một tết, khuya mồng một tiếng súng nghe xa xa nghĩa là chiến sự đang ở các vùng quê. Như vậy quân đội đã làm chủ được tình hình. Đó là một cái tết đã làm điêu đứng toàn dân, phe Cộng Sản xé bỏ hiệp định đình chiến. Từ cái chuyện Tết Mậu Thân, tôi bắt đầu ngao ngán chế độ Công Sản, tôi không tin những gì họ tuyên truyền trước đây. Tôi nghĩ nếu chế độ nầy họ thắng trong cuộc chiến thì dân chúng sẽ khổ biết mấy. Chỉ có một hiệp đình đình chiến trong 3 ngày tết để dân chúng nghỉ ngơi mà họ trắng trợn vi phạm. Thì làm sao họ tôn trọng những thứ khác. Sau khi chiếm được Miền Nam thì mới tỏ rõ bộ mặt nham hiểm thật sự của họ. Những ngày sau đó thành phố Huế vẫn còn phe Giải Phóng chiếm đóng, chiến sự vẫn còn gay gắt. Gần một tháng quân đội Miền Nam mới thực sự chiếm lại Huế.
Nói đến tết mà không đề cập tới tết Mậu Thân ở Huế là một thiếu sót lớn. Mặc dù tôi không ở Huế để chứng kiến cái cảnh tan nát mà người dân Huế phải gánh chịu. Thế nhưng mỗi ngày tôi phải mở đài BBC và VOA để nghe chiến sự ở Huế. Đà Nẵng và Huế chỉ cách nhau vào khoản 80 cây số theo đường chim bay (100 cây sô tính theo đường quốc lộ), thế mà Huế lại gánh tất cả những hãi hùng thật tội nghiệp. Những nơi bị Việt Cộng chiếm đóng xẩy ra biết bao tai ương, số người bị họ giết nhiều vô kể. Đổ lỗi cho cá nhân nầy, cá nhân kia gây nên, tôi không đồng ý, vì cá nhân không thể tàn bạo như vậy, giết hại bà con ruột thịt của mình. Chỉ có quyết định của đảng Cộng Sản. Tôi không đề cập đến chuyện nầy, điều mà tôi muốn nói ra trong hồi ký nầy là tang thương ụp lên đầu những người dân vô tội, nhà nào cũng có người là nạn nhân của cuộc tấn công tết Mậu Thân. Gần đây sau bốn mươi bảy năm những người Cộng Sản im tiếng, thì bổng nhiên có một người ngụy tạo ra một tài liệu bảo rằng những nạn nhân tết Mậu Thân đều do máy bay Mỹ giết hại. Khi quật những nấm mồ tập thể, tất cả những nạn nhân bị cột tay chung với nhau, đầu bị vỡ sọ. Như vậy họ dùng cuốc xẻng đập vào đầu, không thấy một vết đạn nào. Lại nghe nói một ông đạo diễn dàn dựng một cuốn phim về tết Mậu Thân quy tội cho Mỹ Và quân đội Cộng Hòa. Còn cán binh Bắc Việt vô tôi. Việc làm nầy đi ngược lại sự thật đã trở thành hiển nhiên, mà họ tán tận lương tâm thêu dệt ra để tránh tội. Họ quên nghĩ rằng, những vùng của họ chiếm đóng làm sao có lính Cộng Hòa vào bắt đồng đội của mình đem ra giết. Cho nên vải thưa không thể che mắt thánh. Chuyện của họ làm người dân
Huế đều biết rỏ, không chối cải được. Người Mỹ trước đây quá mệt mõi “Cuộc Chiến Việt Nam”, họ không muốn khui lên đống tro tàn sợ đau lòng dân chúng Mỹ. Những năm gần đây, sự việc đã trở nên nguội lạnh, đây chính những Quân Nhân Mỹ tham chiến tại Việt Nam bắt đầu lên tiếng. Họ cho rằng QLVNCH là một quân lực hùng mạnh nhưng phải thua vì thiếu vũ khí và đạn dược. Chính nước Mỹ gây ra oan khiên nầy. Song song đó thì bà Giáo Sư Orgar Dror phân khoa lịch sử Đại học Texas A&M (một người Do Thái gốc Nga) Bà dịch quyển sách “:GIẢI KHĂN SÔ CHO HUẾ” Ra tiếng Anh với nhan đề “MOURNING HEADBAND FOR HUE” Nguyên bản chính của Nhà Văn Nhã Ca, tố cáo những tội ác của quân Bắc Việt gây ra tang thương cho Huế. Chính chị Nhã Ca đã có mặt ở Huế lúc đó, Chi là một nhân chứng sống, chị viết với một tấm lòng dành cho Huế, không thêu dệt hay bịa đặt. Cuộc ra mắt sách tại Đại Học UC Berkeley, California. Đưiợc sinh viên Mỹ hoan hô nhiệt liệt.
Sau khi Huế được Quân Đội Cộng Hòa chiếm lại, chừng một tháng sau, tôi có dịp ra Huế. Cầu Trường Tiền sụp, nhà cửa tiêu điều, đường phố vắng người. Chỉ có xe quân đội tuần tiểu trên đường phố. Nhìn Huế, tôi có cảm tưởng như Huế mắc phải cơn trọng bịnh chưa kịp hồi phục, sống trong uể oải, nhìn thấy người đi đường mặt buồn thiu. Huế tang thương như vậy đó, thật tôi nghiệp. Đi đâu cũng thấy vết tích chiến tranh, số người chết nhiều quá, nhiều hơn ngày Kinh thành Huế thất thủ trong tháng năm ta , khi vua Hàm Nghi khởi nghĩa cuộc binh biến bất thành. Sau đó quân Pháp tràn vào gặp ai giết đó, bất kể người có tội hay không. Huế nơi nào cũng có máu đổ. Sau nầy người dân Huế nhà nào cũng lập đàn cúng cô hồn trong ngày Kinh Thành thất thủ.Sau nầy đêm giao thừa người dân Huế cũng lập đàn cúng tế cho những vong hồn bị Việt Cộng giết trong tết Mậu Thân. Số người bị giết chết trong tết Mậu Thân nhiều hơn số người bị Pháp giết trong ngày Kinh Đô thất thủ.
Khi ra đơn vị, tôi trình diện Trung Đoàn 51 Biệt Lập, đồn trú tại Quảng Nam, vào khoảng hai mươi tháng chạp, nghĩa là chỉ còn 10 ngày nữa tới tết. Đây là cái tết đầu tiên của tôi ở quân đội. Năm thằng sĩ quan ở chung một phòng. Người lính phụ trách câu-lạc-bô, đêm giao thừa mang tới cho chúng tôi 2 lít rượu đế và 5 lon thịt ba lát, bảo rằng Đại Úy Đại Đội Trưởng bảo mang đến cho các ông uống rượu mừng xuân. Năm đứa trải chiếu ngồi xuống sàn nhà bắt đầu uống rượu. Thú thật đây là cái tết buồn nhất trong đời tôi, chúng tôi ngồi uống rượu mà không nói một lời, mỗi đứa mang một tâm trạng khác nhau. Nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ bạn bè còn bên ngoài, nhớ quán cà phê… Uống hết hai lít rượu định dọn dẹp đi nằm thì mấy người lính ở Trung Đội của tôi trông coi, mang rượu vào nhập cuộc, lúc nầy đông người chúng tôi mới cảm thấy hứng chí. Cuộc rượu cho đến sáng mồng một mới tan hàng. Suốt ngày mồng một chúng tôi ngủ li bì.
Sau 1975, tôi sống ở Sài Gòn. Có một năm tôi về Đà Nẵng ăn tết. Chiều 28 tháng chạp, Ba tôi và tôi ra chợ hoa tìm một cành mai. Tôi muốn mua một cành mai lớn, Ba tôi thì bảo mai lớn mắc tiền trong lúc kinh tế khó khăn, nên mua một cành nhỏ cho đỡ tốn kém. Tôi đồng ý vì nghĩ lại mọi người đang chật vật mà mình phung phí như vậy cũng khó coi. Tất cả hoa hồng và hoa cúc Ba tôi trồng nở rực rỡ nên cái tết năm đó thật vui cửa vui nhà. Mồng bốn tết tôi chuẩn bị vào lại Sài Gòn thì Công An mời lên Phường làm việc vì họ nghi tôi thuộc diện sĩ quan trốn học tập. Tôi đi theo người Công An khu vực lên phường, trình bày các giấy tờ trình diện cho họ xem, tôi bị thương được cho về địa phương học tập tại chỗ. Ông trưởng Công An phường bảo tôi để giấy tờ ở đây để họ xác minh. Tôi thấy không xong nên tìm người giúp đở. Cũng may thằng cháu gọi tôi bằng cậu bảo với tôi là rõ ràng tụi nầy muốn làm tiền, cậu đưa một ít tiền con đi lấy giấy tờ về cho cậu. Quả nhiên một lúc thằng cháu mang giấy tờ về cho tôi. Từ đó, tôi không bao giờ về Đà Nẵng ăn tết nữa. Ở Sài Gòn những ngày tết đến, tôi nhớ nhà quay quắt thế nhưng nghĩ lại cái cảnh làm tiền trắng trợn, bắt nạt dân chúng của Công An địa phương, tôi đành phải từ bỏ ý định trở về. Một điều lạ là các cán bộ ở ngoài Bắc vào, họ đi thăm nhà các người quen họ mặc đồ veston dân sự, nhưng trên ngực họ đeo đầy huy chương. Chỉ thấy ở Đà Nẵng có hiện tượng nầy, còn ở Sài Gòn tôi không thấy. Hình như họ muốn khoe cho mọi người biết chiến công của họ đạt được. Tôi còn nhớ lối ăn nói của những người nầy, họ khoe khoang khoác lác tô bóng chế độ, mà không có ai dám cãi lại họ. Họ thể hiện cái ngu dốt nên tạo ra trò hề cho người nghe. Những người dân Miền Nam họ rất ngán ngẩm loại người nầy.
Ở Sài Gòn mỗi năm tôi đều nấu bánh tét để biếu cho công nhân làm trong cơ sở của tôi, và cũng để ở nhà khi có khách đến thăm. Tôi nhớ có một năm ngay trong ngày mồng một tất cả đồ ăn trong nhà nấu để đãi khách đều hết sạch. Các công nhân tụ tới nhà tôi chơi cả ngày, đánh bài, ăn uống… Sau khi thăm bạn bè về nhà, Vú Hai gọi tôi ra sau bếp báo cho biết không còn đồ ăn, tôi phải chở bà ra chợ Bà Chiểu mua thêm thức ăn nấu cho ngày mai. Tôi nói với Bà Vú để cho các em tự do muốn ăn gì cứ việc lấy, vui vẻ đừng nói gì phiền các em. Tết năm đó nhà tôi đông vui. Theo thông lệ các em giúp việc trong cơ sở của tôi mỗi năm được lảnh 2 đòn bánh tét, hai ký thịt heo, và một số tiền thưởng cuối năm. Những năm khốn khó đó, thịt heo rất hiếm, phải mua chợ đen. Thú thật làm ăn tại Sài Gòn trong lúc tranh tối tranh sáng cũng kiếm ăn được. Nhưng bù lại phải đút lót, biếu xén cho cán bộ, phải chống chọi đủ mọi thứ. Nhiều khi tết đến mà ngân hàng không còn tiền chi trả. Chúng tôi phải vay mượn để trang trải cho nên tiền lãi tính ra rất khả quan, nhưng đến khi ngân hàng trả cho mình thì tròm trèm vừa đủ vốn. Làm ăn vay mượn phải tính bằng vàng, mà vàng thì lên giá hàng ngày. Có những cơ sở không đủ vốn nên đi vay mượn thì phải phá sản, không cách nào hoàn vốn lại cho chủ nợ. Làm ăn tư nhân ở Sài Gòn, mỗi năm đều phải quà tết cho cán bộ. Đó là một tệ nạn rất thối tha cho chế độ.
Thực tình mà nói, mười lăm năm sống trong nước, tôi trãi qua cay đắng, vinh nhục. Nhưng rồi mọi chuyện cũng trôi qua. Ở ngay trên quê hương mình mà mỗi lần đến tết không dám về thăm nhà, nghĩ cũng buồn thật. Sáng mồng một tết, tôi chở hai con đi chùa, Chùa chúng tôi đi ở Cống Bà Xếp, gần ga Hòa Hưng, Sài Gòn. Chùa do một vị Trụ Trì người Miền Trung (hình như là Bình Định)trông coi. Vì chùa nhỏ ở trong một con hẽm sâu nên người đi viếng chùa đầu năm cũng không nhiều. Thầy rất quý mến tôi. Đến chùa nầy tôi nhớ lại chùa Nại Hiên của tôi, mỗi năm đi với Ba tôi, cùng ngồi trên bàn với mấy bác bạn với Ba tôi trong làng, uống nước trà, nói chuyện râm rang. Khi về lại nhà thì quá nửa đêm, bao giờ Ba cũng bảo tôi vào nhà trước để “đập đất”. Mặc dù thức khuya, nhưng bao giờ Ba tôi cũng dậy sớm pha trà cúng đầu năm. Cái đêm ba mươi trầm lặng, thế mà mỗi khi xa nhà nhớ lại thấy nó lâng lâng, lòng bỗng dưng cồn cào quay quắt. Cho đến bây giờ hơn hai mươi lăm năm xa xứ lòng tôi càng quặn đau thêm. Nếu có ai hỏi tôi, đêm 30 tết ở Đà Nẵng có cái gì khác với đêm 30 tết ở Sài Gòn trước đây hay Hải Ngoại bây giờ? Tôi sẽ không trả lời được. Có những điều chỉ biết cảm nhận nhưng không thể mô tả bằng ngôn ngữ, trường hợp nầy cũng vậy.
Tôi đến Mỹ năm 1990. Năm đó tôi sống ở Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania. Đêm 30 tết tôi có đi dự đón giao thừa ở nhà thờ gần nhà, mặc dù chúng tôi không phải là giáo dân. Tôi cảm thấy lẻ loi, những người tham dự rất vui. Hay là tâm trạng của người mới hội nhập chưa thích ứng với cuộc sống nơi đây, nhưng sau nầy tôi có một thời gian sống ở Oakland gần San Jose, California, thành phố người Việt đông, thế mà tôi vẫn không tìm thấy cái không khí như bên quê nhà. Mới biết quê hương đã ăn sâu, thấm đẫm trong lòng chúng tôi. Không có bất kỳ nơi nào giống và cũng không có nơi nào bằng quê tôi. Có thể nơi đây thừa mứa vật chất, giàu sang, tiện nghi đầy đủ. Những cái đó không bù đắp được cái trống rổng trong lòng tôi, những thiếu thốn nghèo nàn, những bữa ăn trong ngày tết đơn giản đạm bạc, những trẻ con xúng xính trong bộ áo quần mới rộng rinh trừ hao khi lớn lên chút đỉnh có thể mặc được. Tôi vẫn thấy mọi thứ trên quê hương nghèo nàn của tôi mang một vẻ đẹp tuyệt vời, thắm động nghĩa tình mà không nơi nào thay thế được. Sau nầy tôi định cư ngụ nhiều chổ khác nhau, nhiều tiểu bang khác nhau. Dù có bận rộn đêm 30 tết tôi vẫn chở các con đi lễ chùa, vì đó là cách tốt nhất còn gìn giử lại được một chút gì đó cho quê hương.
Giống như Ba tôi ngày xưa, sau khi cúng giao thừa tôi ngồi một mình uống trà. Chính lúc nầy là lúc nhớ nhà. Theo thói quen đầu năm tôi thường làm vài câu thơ mà người xưa hay bảo là khai bút:
“những câu thơ khiến ta chùng bước
lời ru quen đẩm nát lòng nhau
một thuở nhớ hoài thành mỏi mệt
cuối năm trời lạnh thêm nỗi sầu”
* NHỚ NGƯỜI, CHIỀU CUỐI NĂM
Trong thi tập “TÁT CẠN ĐỜI SÔNG”
Hoặc:
“trời lạnh, đêm tàn, một mình uống rượu
một mình ngồi giữa đêm ba mươi
tìm quanh không thấy một bóng người
lòng rũ, mắt đục mờ sương khói.”
* ĐÊM BA MƯƠI, UỐNG RƯỢU
Trong thi tập “TÁT CẠN ĐỜI SÔNG”
Bây giờ đã hơn bốn mươi năm từ Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản. Những người Việt dồn dập đến đinh cư rải rác trên các đất nước khác nhau. Họ hội nhập hoàn toàn vào những nơi mà họ định cư, thế nhưng họ không quên được ngày tết trên quê hương. Gia đình nào cũng có vài cái bánh chưng hay vài đòn bánh tét, ăn để đỡ nhớ hay ăn để nhớ lại cảnh tết trên quê mình. Dù bây giờ việc trở về nó không khó khăn như trước đây. Thế nhưng trở về cũng cảm thấy xa lạ. Có lẽ vì xa nhau quá lâu cái tình nó cũng vơi đi ít nhiều. Đêm ba mươi nó không trầm lặng như ngày xưa, mọi người đổ ra đường chật ních, chùa hay nhà thờ không chen chân lọt bởi lẽ người thực tâm đi cúng Phật, lạy Chúa thì ít, mà người đi đến các nơi đó để phô bày thời trang, trai gái chọc ghẹo nhau thì nhiều. Sau một đêm 30 tết, cây cỏ ở chùa trụi lũi vì cái chuyện hái lộc đầu năm. Tôi là người hăng hái trở về ăn tết ở quê nhà nhiều nhất, thế mà khi trở về chứng kiến cái cảnh đón tết như vậy, xô bồ, thiếu văn hóa. Tôi sợ, ngao ngán và không cảm thấy thích thú. Tôi trở thành kẻ xa lạ ngay cả trên quên hương mình. Tôi đau vì những cái trân trọng nhất bị người ta lợi dụng, biến nó trở thành một trò chơi, giành giựt nhau ngay những chổ tôn nghiêm nhất. Xem trên internet cảnh hái lộc đầu năm tại các chùa danh tiếng ở Miền Bắc ta phải kinh hồn, chen lấn nhau, giành giựt nhau những hoa quả cúng Phật, biến bàn thờ trang nghiêm của Phật thành một bãi chiến trường, đồ đạc lăn lóc, vung vãi từ bàn thờ ra đến sân chùa.
Hôm nay là ngày đầu năm, tôi viết lại hồi ức nầy để tưởng nhớ, để suy ngẫm. Những điều hay cũng có, những điều không hay cũng nhiều. Tất cả đều rơi vào thời kỳ quá vãng. Dù hay dù dở nó đều gợi lại cho tôi một chút kỹ niệm vui buồn. Khi bắt đầu lớn lên chiến trường cũng bắt đầu sôi động, những cái tết trong lo âu, trong sợ hãi, trong chết chóc. Rồi tới thời kỳ quân đội Bắc Việt chiếm Miền Nam, ăn những cái tết nghèo nàn thiếu thốn, gia đình ly tán. Cho đến năm 1990 mới thực sự có tết đúng nghĩa, vì đất nước mở cửa có sự đầu tư của nước ngoài. Người dân được nới lỏng, cũng trong thời điểm nầy tôi bắt đầu rời khỏi đất nước.Tôi mong rằng từ nay về sau đất nước tôi không bị những thế lực đè lên đầu nhân dân, khiến những bất hạnh cứ đeo mãi, người dân không ngóc đầu lên nổi./
Giọt Mực Loang
Trong lớp tôi thuở ấy có hai người con gái vừa học giỏi mà cũng vừa đẹp. Những thằng học cùng lớp không có đứa nào dám hó hé lại gần, đừng nói chi cái chuyện “cua” họ. Hà người Bắc tính tình hiền lành dễ thương. Loan người Huế tính tình chanh chua, khó ưa nhưng rất giỏi Việt văn. Trong lớp học hai người con gái nầy như hai thái cực, có những hiềm khích. Nói cho ngay chúng tôi chỉ thấy thái độ của Loan tỏ vẻ ganh tị hiện lên hành động và trên nét mặt. Còn Hà tỏ vẻ nhu mì nhưng sẵn sàng đáp trả nếu Loan xâm phạm đến. Chính hai người nầy làm cho bọn con gái trong lớp chia làm hai phe. Phe nói tiếng Huế theo Loan, phe nói tiếng Bắc theo Hà. Mấy bà Quảng Nam đứng trung gian. Mỗi lần đến giờ ra chơi, hai phe tụ nhau hai góc, nói xấu nhau, chì chiết nhau. Tụi con trai chúng tôi chọc đầu nầy, thọc đầu kia cho hai bên càng hiềm khích nhau hơn, lấy làm thích thú. Cho nên mấy thằng hay đi ngang qua nghe lóm, ít thì nói cho nhiều, vẽ rắn thêm chân, câu chuyện trở thành trầm trọng khi chúng nó học lại cho phe bên kia biết. Cứ vậy hai bên càng ngày càng trầm trọng. Lúc đầu còn nguýt háy nhau trong bóng tối, về sau công khai công kích nhau. Bài luận của Loan được thầy đọc cho cả lớp nghe là mấy bà Bắc Kỳ ghi lại những chỗ không đồng ý. Thế là tranh cãi nhau, mạ lỵ nhau một cách ranh mãnh. Lúc đầu Thầy dạy Việt Văn thích thú vì có sự tranh cãi rất sống động, làm cho giờ học sôi nổi. Sau thầy nhận thấy sự tranh cãi có phần gay gắt, mạ lỵ, Thầy ra dấu “stop” không được tiếp tục làm sứt mẻ không khí học tập. Từ đó Thầy không đọc bài của Loan nữa.
Hà ở cùng một đường với tôi nên thỉnh thoảng đến nhà rủ tôi đi học. Hà hay hỏi tôi có biết phe Huế nói gì không? Có nghe động tịnh gì phe bên kia không? Tôi hỏi lại Hà: “Sao bạn quan tâm những thứ ấy làm gì? Để thời giờ lo học.” Hà vừa đi vừa suy nghĩ một lúc mới trả lời với tôi: “Nhiều khi Hà nghĩ thật vô lý,. Tại sao phải mất thì giờ nhiều như vậy? Thế nhưng phe Huế bên kia ép Hà quá, chịu không nỗi.” Tôi nhìn Hà thấy tội nghiệp. Tôi nói với Hà đừng để ý, đừng nghe ngóng tự nhiên sẽ cảm thấy thanh thản. Nói cho Hà yên lòng chứ sự thật cũng khó, làm sao mà không nghe mấy cái giọng Huế chanh chua nhức đầu, xoáy vào tai như mũi khoan, mấy bà Bắc Kỳ không chịu được nên hai bên không bên nào chịu thua. Cái hồi gay cấn nhất là lúc Hà có bồ là một ông thiếu úy người Bắc, thỉnh thoảng đứng đón Hà ở cổng trường. Ông thiếu úy nầy cũng bảnh trai, xứng đôi với Hà. Đây là cơ hội mấy bà Huế trề môi chế giễu, trù ẻo cho ông nầy ra trận chết phứt đi cho rảnh mắt. Lời trù ẻo của mấy bà Huế nầy linh thiêng thật, không thấy ông Thiếu Úy tới đón Hà như trước, nghe tin ông ấy tử trận. Tôi có hỏi khi Hà chờ tôi để cùng đi học, Hà không trả lời nhưng tự nhiên bật khóc. Trên đoạn đường tới trường, tôi hối hận đã khơi lại sự đau đớn của Hà. Từ đó không bao giờ tôi đụng chạm đến chuyện nầy. Chừng vài tháng sau tự nhiên Hà nói với tôi là người yêu của Hà chết thật, lời thú nhận nầy gây cho tôi xúc động, tôi cảm thấy thương hại cho Hà. Tuổi mới lớn bắt đầu có người tình thì nửa chừng gãy đỗ. Chuyện nầy tôi không hề hé môi cho ai trong lớp biết.
Sắp đến hè, đứa nào cũng bận rộn học thi. Tình trạng ganh nghét giữa hai phe con gái Bắc và Huế cũng có phần lắng dịu. Sau kỳ thi tú tài năm đó mỗi người mỗi ngã. Năm cuối cùng lớp có tổ chức một cuộc tất niên, chị trưởng lớp nhờ tôi đứng ra làm trung gian cho Loan và Hà bắt tay nhau trong buổi tiệc tất niên đó. Tôi đại diện cho lớp cám ơn quý thầy đã dạy dỗ chúng tôi và lời bày tỏ cùng các bạn: “Thưa các bạn, như vậy sau bữa tiệc nầy chúng ta chia tay nhau vĩnh viễn, mỗi người mỗi ngã trên đường đời, thành công hay thất bại đó là số phận của mỗi người. Tuy nhiên chúng ta cũng nên nói với nhau lời cầu chúc tốt lành nhất, hoa mỹ nhất. Tôi mong rằng các bạn hãy bỏ lại sau lưng mình những tị hiềm, những ganh ghét, vì cơ hội gặp lại nhau rất hiếm. Tôi xin đề nghị chị Loan và chị Hà bước lên trên bục bắt tay nhau lần cuối. Tôi nghĩ hành động đẹp nầy của hai chị sẽ để lại dấu ấn vĩnh viễn trong lòng của những bạn cùng lớp trước khi chia tay…” Hà và Loan e thẹn bước lên bục giảng bắt tay nhau, tự nhiên hai người bỏ tay ra ôm nhau khóc, làm cho các chị trong lớp đều khóc sướt mướt. Các thầy rất ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đã xẩy ra cho hai người. Đó là niên học đáng nhớ nhất trong đời học sinh chúng tôi. Sau khi thi tú tài bạn bè ít có dịp gặp lại.
Chúng tôi những thằng bạn học cũ phần đông vào lính, mà lính thì biết khi nào mới gặp lại nhau. Nói vậy chứ thỉnh thoảng về phép đi uống cà phê cũng gặp được vài thằng bạn cũ, từ đó hỏi thăm biết được thằng nầy thằng khác, có đứa chết trận, có đứa bị thương. Đứa nào cũng có vẻ hiên ngang với bộ đồ lính trên người. Còn bạn gái ít khi gặp lại nhưng cũng biết tin, phần đông các chị có chồng là lính nên cũng đa đoan với cuộc chiến mặc dù không trực tiếp ngoài chiến trường. Một lần tôi về phép thăm thằng bạn cũ làm thông dịch viên sở Mỹ tại Đà Nẵng. Thằng bạn hỏi tôi mầy còn nhớ con Loan không? Loan hiện làm ở đây. Tôi trả lời nhớ chứ, mầy gọi Loan qua đây chơi được không? Hắn chạy đi gọi Loan. Tôi ngồi trong phòng xem báo thì Loan vào. Tôi ngước lên nhìn, thú thật tôi không ngờ rằng Loan bệ rạc như vậy. Tôi đứng dậy bắt tay Loan, bàn tay của Loan không mềm mại, có vẻ cứng cáp. Tôi hỏi Loan có chồng con gì chưa? Loan lắc đầu, trong nét mặt có chút gì cay đắng. Loan nói với tôi nhờ bạn giới thiệu cho mình một ông lính, không cần quan tước gì cả. Tôi ngạc nhiên nghĩ trong bụng sĩ quan bà còn chê huống chi là lính. Tôi hỏi lại: “Loan có gì không vui phải không? Sao đắng cay quá vậy.” Loan lắc đầu không nói. Ngồi nói chuyện với tôi một hồi, Loan chào để trở về phòng làm việc. Thằng bạn nói với tôi về Loan: “Gia đình Loan có một căn nhà cho Đại Hàn thuê, không biết sao Loan có thai với thằng Đại Hàn thuê nhà. Ông bà già phải gởi Loan ra Huế sinh đẻ. Khi đứa con được ba tuổi mới đem về nuôi. Gia đình bảo rằng đứa nhỏ là con của bà chị bà con ở Huế, chồng chết Loan xin về làm con nuôi.” Tự nhiên tôi thấy thương hại cho Loan, hèn chi khi nói chuyện với tôi Loan có vẻ không vui.
Một lần tôi về phép, đi uống cà phê với mấy thằng bạn cũ. Một thằng nào trong bọn nói với chúng tôi là con Hà Bắc Kỳ lấy thằng Quang. Tất cả mọi người đều trố mắt nhìn vì một sự nghịch lý mà không ai có thể ngờ. Hà học rất giỏi thi đậu dễ dàng tú tài I và tú tài II, còn ông nội Quang của chúng tôi thi mãi không đậu. Hồi đó hắn nổi tiếng học dốt nhất trong lớp, thi tú tài I năm lần bảy lược vẫn không qua, sau phải đi lính chuyên viên Không Quân. Không biết làm sao hắn cua được con Hà nghĩ cũng lạ thật. Ngoài chuyện học giỏi, Hà cũng là một trong những con gái đẹp trong lớp. Ít ra cũng lấy được một người tương xứng. Mấy đứa ngồi uống cà phê bữa đó cứ tiếc thầm mãi. Chuyện số mạng cay nghiệt như vậy dù không tin cũng phải công nhận đã xẩy ra với Hà. Tôi nghĩ hay là Hà đã từng có người yêu là sĩ quan tác chiến, bị tử thương ngoài chiến trường nên sợ sẽ trở thành quả phụ, để yên thân Hà phải lấy một tấm chồng ngày đêm hú hí với vợ tới già, không sợ nửa đường gãy gánh. Thú thật chúng tôi chỉ đoán già đoán non chứ hoàn toàn không biết gì về cuộc sống của hai người. Tình yêu khó nói thật. Gia đình Hà đã dọn đi nơi khác từ lâu nên không còn gặp Hà như trước đây. Khi chia tay năm cuối cùng, đi về cùng đường Hà cho tôi biết nếu đậu kỳ nầy Hà sẽ đi Sài Gòn thi vào trường Phú Thọ để học kỹ sư điện. Tôi nghĩ ước mơ của Hà sẽ thành công dễ dàng vì Hà là học sinh giỏi. Tôi không biết khi lấy Quang, Hà đã đậu kỹ sư chưa?
Đó là cuộc đời của hai người bạn gái vừa đẹp mà cũng học giỏi, vậy mà có chút gì cản trở không suông sẻ trên đường đời. Còn bọn con trai chúng tôi, khi ra trường chừng hơn một năm sau bị chi phối bởi lệnh Tổng Động Viên. Một mẻ lưới oan nghiệt không ai thoát ra được, thỉnh thoảng được tin có thằng tử trận. Đứa nào về thành phố thì đến nhà thắp cho bạn mình một cây nhang hay tiễn bạn ra nghĩa trang. Khi ra về tìm một quán nhậu, hay quơ đại một chai rượu đế về nhà ngồi uống một mình. Cố xua đuổi nỗi buồn, cố quên những bất hạnh mà những đứa bạn lần lược nằm xuống. Tâm trạng của chúng tôi lúc nào cũng lo sợ, không biết đến bao giờ sẽ tới phiên mình. Giọt mực nhỏ xuống trang giấy không đọng lại một chỗ mà nó loang rộng làm mờ cuộc đời của chúng tôi. Tôi nghĩ những người bạn gái cũ, chắc các chị cũng không thua gì chúng tôi. Ai cũng phải lấy chồng, mà chồng của các chị cũng không thể thoát ra khỏi vòng cuộc chiến, cho nên đôi khi ra phố trông thấy các chị chít khăn tang trên đầu là biết ngay các chị có tang chồng. Bạn trai hay bạn gái trong thời chinh chiến đều mang nỗi lòng lo sợ như nhau, đau khổ giống nhau.
Rồi tới 30 tháng 4 năm 1975. Tưởng rằng hòa bình mà mọi người chờ đợi sẽ tốt hơn, cuộc sống sẽ mang tới cho chúng ta niềm vui, không trông thấy cảnh chết chóc. Thế nhưng mọi chuyện không như vậy. Tất cả chúng tôi đều vào tù, những người vợ chắt chiu đi nuôi chồng mà đời sống của họ vô cùng thảm thiết. Những tiểu thư ngày xưa nuôi những ước mơ cao sang, chỉ vài năm sau trông thấy họ te tua tội nghiệp. Mấy thắng bạn học tập trở về, trông thấy họ bệ rạc như những ông cụ non, thân hình ốm o thiếu ăn. Toàn cảnh Miền Nam lúc ấy sống trong cơ cực. Không ai giúp được ai. Tôi về Đà Nẵng nhắn mấy thằng bạn cũ tới nhà uống với nhau ly rượu thì bị Công An đến gây khó dễ. Một người bạn từ Sài Gòn về thăm bạn bè, vào kể lại cho tôi nghe là anh ấy tập trung một số bạn cũ ngồi uống rượu. Anh đi ra nhà sau đi tiểu thì trông thấy mấy ông Công An rình rập bên ngoài nghe lén. Anh sợ quá nhảy rào chạy thoát thân. Ngày mai anh nghe người nhà báo cho biết là tất cả những người ngồi nhậu đều bị bắt. Từ đó ở Sài Gòn tôi ít về thăm quê nhà. Nhìn thấy gia đình nào cũng xác xơ, lòng người rệu rã, những cán bộ thì hống hách chèn ép dân chúng. Ai sống tại Đà Nẵng thời ấy cảm thấy ê chề ngao ngán, nhưng không dám hé răng.
Đến thập niên 90, có sự ban giao với Hoa Kỳ đất nước mở cửa người dân được nới lỏng. Rồi chương trình HO cho những người tù cải tạo ra đi, đời sống dân chúng còn ở lại được thoải mái đôi chút. Đất nước xem như được khởi sắc cho đến bây giờ. Tôi ra đi năm 1990, nghĩa là tôi có 15 năm sống trong nước dưới chế độ Cộng Sản, tôi biết và hiểu tường tận dân tình lúc ấy. Qua bên nầy rồi nhìn lại, thật khủng khiếp. Tôi không hiểu một chế độ như vậy mà tại sao cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại? Những người có lương tri, có hiểu biết làm sao chấp nhận một cuộc sống bị nhà cầm quyền tước đoạt hết như vậy? Mới hay áp lực aka, tù đày đã làm dân chúng khiếp sợ và răm rắp vâng lời. Thôi chuyện đất nước dài quá, nói mãi không hết được. Tôi trở lại chuyện của chúng tôi. Giọt mực nhỏ xuống loang mãi trong đời của những thằng học sinh chúng tôi. Câu hát ngày xưa trong thời tiểu học mà ai ai cũng biết: “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau…” Thế hệ chúng tôi, tổ quốc chối từ. Người ta cần những người không có kiến thức, nhưng biết trung thành, biết quỵ lụy. Vì vậy tất cả những người Miền Nam đều bị loại ra khỏi các cơ quan lớn nhỏ của chính quyền. Cũng may cái phao cứu chúng tôi đúng lúc là được định cư ở Hoa Kỳ.
Cách đây 10 năm, trong một lần ra mắt sách của một người bạn tại North Carolina, thì một người trong Ban Tổ Chức đến cho tôi biết là có một bà đứng bên ngoài cần gặp tôi. Tôi ra thì gặp Loan. Tôi rất ngạc nhiên không biết tại sao Loan biết tôi ở đây? Loan giới thiệu người chồng, anh đến bắt tay tôi. Nhìn Loan với khuôn mặt vui tươi rạng rỡ, tôi biết họ đang hạnh phúc. Vợ chồng Loan đến Mỹ năm 1991 cùng với các con. Tôi không dám hỏi Loan nhiều, nhất là đứa con Đại Hàn của Loan. Sau nầy khi liên lạc với nhau bằng điện thoại, Loan mới cho biết anh Nghĩa đồng ý cho Loan mang theo đứa con ngoại hôn dị chủng đó. Tôi rất mừng cho Loan. Trong một lần điện thoại nói chuyên, Loan hỏi tôi có ai trong lớp lúc đó biết chuyện Loan có bầu không? Tôi nói thẳng thừng ai cũng biết hết và ai cũng thương cho Loan lúc ấy kể cả Hà. Loan yên lặng một hồi rồi nói với tôi là mình ân hận chuyện trẻ con lúc ấy. Không biết lý do gì mà mình thù Hà đến như vậy, có lẽ mình ganh ghét vì Hà học giỏi hơn mình. Đến ngày chia tay hai đứa ôm nhau khóc, mình mới biết mọi chuyện đều do lỗi ở mình gây ra, Hà hoàn toàn vô tội. Ước gì bây giờ gặp lại Hà mình sẽ xin lỗi và thú nhận hết chuyện nầy, mình nghĩ chắc Hà phải cười thôi. Tôi nói với Loan là hồi đó đi học về cùng đường, Hà cũng nói cho tôi biết là Hà muốn làm hòa với nhau, nhưng sợ Loan không đồng ý thì quê lắm, nên giữ thái độ im lặng. Mà thật ra nhiều lần tôi muốn nói với Loan về chuyện giải hòa, nhưng lần nào trông thấy bộ mặt hầm hầm của Loan tôi không nói ra được. Loan hét trong phôn, sao bạn không nói ra lúc đó? Mình cũng đang chờ chuyện giảng hòa từ lâu. Tôi cười như vậy hai bạn đều đáng thương hết. Thời đi học ai cũng vấp phải những sai lầm, bây giờ đứa nào cũng già nhìn lại thấy vừa ân hận mà cũng vừa dễ thương. Tôi hỏi Loan có biết Hà kết hôn với Quang không? Loan bảo biết, mình rất ngạc nhiên và thương Hà hết sức. Bây giờ bạn biết Hà ở đâu không? Từ khi lấy chồng không ai biết Hà đang ở đâu.
Trong lần ra mắt tập thơ của tôi năm ngói tại Wesminster. Tôi ngồi ký tặng sách nên không trông thấy mặt người đưa tập thơ cho tôi ký. Người đó nói với tôi nhờ anh để tên Vũ Thị Băng Hà. Tôi giật mình ngước lên, vội vàng đứng dậy nắm chặt tay Hà. Sao bạn biệt tăm không nghe tin tức gì về bạn, hơn 46 năm rồi phải không? Hà cúi đầu nhỏ nhẹ nói với tôi, chuyện của mình không vui, nên mình tránh hết bạn bè. Tôi hỏi Quang đâu? Hà lắc đầu. Khách ra vào đông đảo nên tôi không nói chuyện được, Hà hẹn sáng mai đến khách sạn đón tôi đi uống cà phê rồi nói chuyện nhiều hơn. Tôi nhìn Hà trở về chỗ ngồi, rồi tiếp tục ký sách cho người khác.
Đúng 9 giờ sáng hôm sau, Hà lái xe đến đón tôi tại khách sạn. Ngồi trong xe nhìn Hà, tôi nhận thấy Hà trông vẫn còn trẻ so với số tuổi. Chúng tôi bây giờ trên 60 hết rồi, tôi nhớ tôi thuộc thành phần nhỏ tuổi trong lớp mà đã 64 thì Hà hoặc bằng tôi, hoặc hơn tôi. Đến tiệm cà phê Hà nói trước là bữa nay Hà xin trả tiền cà phê để khỏi phải dành nhau. Tôi nói với Hà là thỉnh thoảng tôi nói chuyện với Loan. Tôi hỏi kháy Hà có còn nhớ Loan không? Hà cười, đó là nhân vật mình nhớ suốt đời, bây giờ Loan ra sao? Tôi cho Hà biết tình hình của Loan hiện thời và Loan rất hối hận về chuyện xích mích với Hà khi còn đi học. Ước gì bây giờ Loan gặp lại Hà. Tôi thấy Hà xoay tròn ly cà phê trên bàn nói với tôi, lúc đó một phần cũng tại mình, mình có thái độ khinh thường mọi người, không cần thân thiện với ai cả, vì ỷ lại mình học giỏi. Tội nghiệp Loan ra đời vấp ngã cũng như hoàn cảnh của mình thôi. Bây giờ đứa nào cũng tỉnh người. Vậy là hai bạn đều lãnh phần lỗi về mình một cách chân thật. Nếu có Loan ở đây chắc Loan cảm động lắm.
Ngồi suy nghĩ một hồi, Hà kể cho tôi nghe về gia đình. Ông Bà già của Hà dọn nhà đi Sài Gòn làm ăn sau khi Hà đậu tú tài. Nhà ở Quận Tư Sài Gòn. Một hôm Hà đi phố gặp Quang, lúc đó Quang đã đi lính Không Quân. Quang rủ Hà vào quán cà phê ngồi nói chuyện. Hà xem Quang như một người bạn nên uống cà phê xong Quang chở giùm Hà về nhà bằng xe Honda. Từ lúc đó Quang thỉnh thoảng ghé nhà chơi. Một hôm Quang đến không có Hà ở nhà, Quang khóc lóc với ông bà già là Quang yêu Hà. Nếu không lấy được Hà thì Quang sẽ tự tử. Về nghe ông bà già kể lại, mình hết hồn, tưởng rằng chuyện như đùa, gặp Quang mình sẽ cự tuyệt. Quang thường đến nhà trong lúc mình đi học, nên tỉ tê với ông bà già mãi về chuyện muốn cưới Hà. Ông bà già xuôi lòng, chỉ có mình là không biết chuyện nầy. Một hôm ăn cơm tối xong, ông già đưa chuyện của Quang ra nói với mình, mình cự tuyệt thì ông già làm dữ. Ông bảo rằng mấy thằng sĩ quan mà mầy quen toàn là tác chiến, ông nhất định không gả. Quang dù lính trơn nhưng an toàn sống với vợ con. Từ đó mình khóc hết nước mắt cũng không lay chuyển được ông bà già. Mình phải đành lấy Quang là vì vậy. Sống với Quang mình mang nhiều mặc cảm quá, trong đầu lúc nào cũng khinh bỉ Quang. Đến khi mình sinh đứa con đầu lòng xong thì tức nước vỡ bờ, hai đứa càng đố kị nhau không thể hàn gắn được đành chia tay. Thú thật Quang không muốn nhưng mình nhứt định dứt khoát với nhau. Mình tiếp tục đi học đến khi ra trường và tự mình nuôi con. Từ chuyện lấy Quang, mình học được một bài học lớn trong đời. Vợ chồng khi đã khinh nhau thì không bao giờ sống chung với nhau được. Mình hối tiếc đã không quyết liệt từ lúc đầu để bây giờ phải phải bẽ bàng, nhưng tất cả đều do số mạng phải không? Tôi thành thật hỏi Hà :”Có lẽ Quang học dốt quá nên Hà mang ấn tượng nầy trong đầu?”. Hà cũng trả lời với tôi thẳng thắn: “Hà không quan tâm điều đó. Nhưng khi sống với nhau Quang hé lộ bản chất keo kiệt, ích kỷ và kiến thức thấp hèn của mình. Bao giờ cũng lớn lối với vợ con. Hà không chịu được nên phải đổ vỡ thôi”.
Mình nghe nói sau một năm ly dị, Quang lấy vợ khác và hiện giờ còn ở Việt Nam. Còn mình sau khi mất Sài Gòn vài năm thì mình gặp anh Hoàng học tập về, bị vợ bỏ. Hai đứa hiểu hoàn cảnh của nhau và tự nguyện đến với nhau. Mình và anh Hoàng có thêm hai đứa con nữa, như vậy một đứa con riêng của mình, cộng với hai đứa con chung với anh Hoàng và thêm hai đứa con của anh Hoàng với người vợ trước đều được qua Mỹ. Vài năm sau mình bảo lãnh Bố Mẹ mình qua, cũng nhờ vậy vợ chồng mình mới rãnh tay đi cày, các cháu do ông bà chăm sóc. Đời sống bây giờ của mình đã ổn định, các cháu đều ra trường. Tôi nói lời chúc mừng với Hà, bắt đầu bây giờ bạn không còn lo nghĩ, không còn vất vả. Như vậy bạn xem như đã thành công trong cuộc sống. Tôi với Hà kể cho nhau nghe mấy người bạn mà chúng tôi đã quen biết nhau khi ngồi trên ghế nhà trường, khi nói chuyện chúng tôi mới kiểm chứng lại số người bị vấp ngã trong cuộc sống nhiều hơn số người có một cưộc sống trôi chảy. Tất cả không ít thì nhiều đều do chiến tranh gây nên. Tôi cho Hà số phôn của Loan trước khi chúng tôi chia tay nhau. Hà cho biết đứa con trai lớn của Hà với Quang hỏi ý kiến là muốn bảo lãnh cho Quang qua định cư? Hà trả lời là tùy thuộc sự định đoạt của con, mẹ không ý kiến chuyện nầy. Trước khi bảo lãnh phải cân nhắc kỹ càng vì trách nhiệm rất nặng nề. Bây giờ thì con của Hà không đề cập đền chuyện nầy, mỗi tháng gửi cho Quang một ít tiền. Qua đây tuổi già cũng chẳng làm được gì lại phiền con cái.
Lần vừa rồi về Việt Nam, gặp lại các bạn cũ tôi đều kể lại chuyện có gặp Hà và Loan. Các bạn rất vui khi biết được bây giờ hai bạn ấy đã có cuộc sống ổn định. Chuyện cũ trên ghế nhà trường thuở xưa ai cũng đều hối tiếc, thế nhưng vẫn còn đọng lại một chút dễ thương, trẻ người non dạ, cứ nuôi trong lòng chút tự ái hão huyền không ai chịu dừng lại. Trong bạn bè của chúng tôi, bây giờ ai cũng có con cháu đầy đàn nên nhìn lại chuyện cũ ai cũng tự trách mình. Tại sao khi Hà và Loan xích mích mình không đứng ra ngăn cản mà cứ để sự việc lún sâu? Không phải Hà và Loan thẹn khi đề cập lại chuyện đó, mà chính tất cả bạn bè đều thẹn vì ích kỷ, vì tị hiềm nên nhìn sự việc dửng dưng, không ai lên tiếng ngăn cản để mở ra một lối thoát cho hai người. Gần năm mươi năm sau, hai người tìm lại nhau qua điện thoại. Dù sao họ cũng nói lên được sự ân hận của họ cứ ấp ủ trong lòng , bây giờ mới thoát được.
Người Khách
Trên Quê Mình
Tôi từ Sài Gòn về hôm nay thì ngày mai đám giỗ má tôi. Thằng em út tôi đề nghị sáng hôm sau dậy sớm để vào thăm mộ má trước, tới chiều mới làm mâm cơm đám giỗ má sau. Tôi quên không hỏi nó bây giờ má chôn ở đâu? Vì trước đây tất cả mồ mả được qui hoạch chôn vô một chổ, chứ không có nhiều nghĩa địa như ngày xưa. Tối hôm đó tôi đi chơi với mấy thằng bạn tới khuya mới về rồi đi ngủ, còn mọi chuyện thằng em tôi lo tất cả.
Sáng dậy sớm uống một ly cà phê, rồi nó chở tôi trên chiếc xe honda của nó. Tôi chỉ hỏi đường đi có xa không? Nó bảo là đi chừng một tiếng đồng hồ. Rồi hai anh em cứ thế mà đi. Hơn hai mươi năm không về Đà Nẵng, tôi không còn nhớ đường xá nhất là trong thời kỳ tốc độ xây dựng chóng mặt, nên mọi nơi chốn đều lạ lẫm với tôi. Tôi nhớ thằng em chở tôi qua cầu Trịnh Minh Thế, rồi nhắm hướng chùa Non Nước. Qua khỏi chùa Non Nước thì tôi không còn biết nơi chốn nó đi tới, vì hai bên đường nhà cửa san sát, nó không còn là đồng quê. Ngày xưa nơi đây là đồng không mông quạnh là vùng oanh kích tự do. Đơn vị của tôi thường đi hành quân trên vùng nầy, nhưng bây giờ nó đã trở thành một thị trấn khá tấp nập. Đúng là vật đổi sao dời.
Thằng em tôi ngừng xe lại một quán Mì Quảng bên đường, nó nói là anh em mình vào ăn một tô mì rồi đi tiếp. Nó sực nhớ là tôi ở Mỹ về nên nó hỏi: “Mà anh có ăn được không? Đây là quán bình dân, ăn cốt cho no chứ không ngon”. Tôi gật đầu, ngầm bảo với nó là ăn được. Tôi nhớ ngày xưa còn nhỏ, nhà nghèo đâu dễ gì ăn được một tô mì dù là mì bình dân như bây giờ. Một tô mì phải độn thêm vào hai chén cơm, một muỗng nước mắm mặn. Nó không còn hương vị của mì, thế nhưng khi ăn xong vẫn còn thèm thuồng. Bà chủ quán mang ra hai tô mì, rồi bà nhìn chăm chăm vào mặt tôi như soi mói một cái gì. Có lẽ bà thấy tôi trắng trẻo mập mạp, nên bà nghi tôi không phải dân ở đây. Tôi cúi đầu hì hụp ăn như không cần biết mọi vật chung quanh mình. Tô mì rất thân quen với con mắt của tôi mặc dù mấy mươi năm mới thấy lại. Cũng vài con tôm bạc, vài lát thịt mỡ, vài cọng hành, một ít đậu phụng rang và nửa cái bánh tráng nướng. Chế biến đơn giản nhưng mùi vị y chang như thời xa xưa mà tôi đã từng nếm qua nhiều lần. Mấy chục năm trên đầu lưỡi của tôi đã tiếp nhận biết bao thứ đậm đặc gia vị, tôi nghĩ rằng cách nấu nướng đơn giản của vùng quê mình sẽ không được ngon miệng. Thế nhưng tô mì nầy đã làm cho tôi giật mình cảm thấy đã tìm về được nét “đậm đà bản sắc dân tộc” (mà người trong nước hay dùng từ nầy để chỉ những phong tục, tập quán, lễ nghi v.v…mang tính riêng của quê hương). Tôi ăn ngon lành như vừa mới khám phá ra món lạ. Thằng em ngồi bên cạnh thấy tôi ăn nó gật gù thích thú.
Khi ăn xong ngồi uống nước, tôi hỏi bà chủ quán về địa danh vùng nầy. Bà cho biết đây là xã Hòa Lân, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Bà hỏi tôi đã từng đi qua vùng nầy lần nào chưa? Tôi trả lời với bà trong thời chiến tranh tôi có đi lại vùng nầy vài ba lần. Tôi hỏi bà xã Hòa Lân có một cái chùa cách đây bao xa? Bà chỉ tay vào phía trong cách chừng sáu bảy trăm mét. Có lẽ bà tự hỏi tại sao ở đây tôi biết có một cái chùa? Phải là người thân quen với vùng nầy. Chính vì thế bà đọc được trên nét mặt của tôi có chút gì thân thiết, nên bà trả lời rất cặn kẽ và đượm một tí cảm tình. Tôi nhớ lại năm 1972, trong một cuộc
hành quân tại vùng nầy, trung đội của tôi khám phá được một căn hầm y tế gần cái chùa của xã Hòa Lân. Dưới hầm có một nam bác sĩ và một nữ y tá. Thường thường khi phát hiện được một căn hầm thì chúng tôi cột mấy thỏi chất nổ TNT thả xuống theo đường thông hơi rồi giật sập, để tránh trường hợp mở đường máu tẩu thoát. Thế nhưng hôm đó tôi lại không cho lính làm vậy. Sau khi bố trí lính nằm chung quanh hầm chỉ chừa một khoảng để tác xạ, rồi kêu gọi những người dưới hầm lên đầu hàng, nếu không lên chúng tôi buộc lòng phải phá sập hầm. Chúng tôi thấy từ dưới hầm chui lên hai người, một nam và một nữ, họ cho biết là dưới hầm không còn ai. Hai người đến gần tôi và yêu cầu tôi cho họ gặp người chỉ huy cuộc hành quân. Tôi nói với họ là người chỉ huy trên máy bay trực thăng, chỉ có tôi trực tiếp tại đây, anh cần gì? Anh chỉ xin một điều là đừng bắn anh. Tôi cười vỗ vai anh, không có ai làm gì anh hết, yên tâm. Anh nhìn tôi với một sự nghi ngờ không biết tôi có thực quyền che chở cho anh không? Anh cho tôi biết anh là bác sĩ và người con gái là y tá, hai người mới đến vùng nầy. Người bác sĩ trạc bằng tuổi tôi lúc đó, người Miền Bắc, khuôn mặt rất tuấn tú. Chỉ có nước da trắng xanh có lẽ vì ban ngày phải nằm dưới hầm. Tôi mời anh hút thuốc để trấn an sự sợ hãi. Có lẽ người ta tuyên truyền rằng chúng tôi là những con người khát máu, lòng dạ lang sói, không một chút tình người. Chỉ biết chém giết. Một điều may mắn cho hai người là hôm đó chúng tôi không phá sập căn hầm, cho nên hai người mới được sống sót.
Ngồi chờ máy bay ở sân chùa, anh thấy anh em chúng tôi nói cười vui vẻ không có một chút gì ghê gớm, trên khuôn mặt hồn nhiên. Dần dần sự sợ hãi cũng mất đi, anh thành thật trả lời những gì tôi hỏi. Thật tình thì tôi chỉ hỏi những vấn đề sinh sống ở Miền Bắc vì hiếu kỳ muốn biết, chứ không có tính cách khai thác. Tôi biết lúc ấy anh có cái nhìn khác về chúng tôi. Thì té ra chúng tôi cũng là những con người như anh vậy. Chiến tranh thật kinh khủng, không những chém giết nhau mà còn dối trá, lừa lọc. Nhét vào đầu những cái xấu xa, những hận thù. Để khi anh em gặp nhau ngỡ ngàng nghi kỵ. Không biết anh Bác Sĩ đó có còn sống sau cuộc chiến tranh khốc liệt, tương tàn nầy không? Mong rằng anh đọc được những dòng chữ nầy.
Chúng tôi trả tiền rồi lên xe đi tiếp. Thằng em bây giờ mới nói cho tôi biết là Má chôn ở Cẩm Hải. Tôi giật mình. Sao lại có sự trùng hợp lạ kỳ nầy vậy. Địa danh nầy tôi không thể nào quên được. Ngày 01 tháng 6 năm 1972, tôi mất một bàn chân tại Cẩm Hải trong cuộc chiến. Bây giờ má tôi lại được chôn nơi nầy. Ôi, những oan nghiệt cứ đeo mãi theo tôi thế nầy. Tôi muốn quên đi tất cả, thế mà cứ dây mơ rể má cột chặt tôi vào một nơi chốn đã làn tan nát đời tôi. Tôi bước xuống xe nhìn chung quanh, tôi không còn nhận ra một dấu vết nào của cái vùng mà ngày xưa tôi đã dẩm nát. Căn cứ Đại Hàn để lại cho Trung Đoàn 51 cũng không còn dấu vết, chỉ có mồ mã bạt ngàn. Nơi đây ngày xưa buổi sáng chúng tôi dẫn lính ra tập thể dục, rồi tắm biển. Những buổi chiều tôi hay đi một mình trên bãi hoặc ngồi nhìn sóng vỗ. Tôi thích tiếng sóng vì âm vang của nó nghe vừa êm tai mà cũng vừa như áp đảo. Tôi không hiểu tại sao người ta lại dùng một bãi biển đẹp như vậy làm nghĩa địa. Thật uổng phí mất một thắng cảnh.
Chúng tôi vào thăm mộ má, tôi rất hài lòng với ngôi mộ được xây dựng đơn giản nhưng rất uy nghi. Nó nói với tôi là ở đây cũng không được chắc chắn, có thể sau nầy người ta trưng dụng đất đai, lại dời mã đi nơi khác. Vì vậy không dám xây một cách hoành tráng được. Tôi bảo là không cần thiết phải làm như vậy, như thế nầy là đủ quá rồi. Trong nghĩa trang nầy dễ nhận ra được một điều là mồ mã nào xây dựng to lớn đẹp đẽ là có bàn tay của Việt Kiều. Đúng vậy, tôi đi xem mấy tấm bia người đứng tên xây dựng đang ở Mỹ, Pháp, Canada, Úc v.v…Thôi thì cũng nở mặt nở mày cho người sống cũng như người chết còn ở lại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng họ cố gắng xây dựng mồ yên mã đẹp cho thân nhân vì sau đời họ con cái cháu chắt không còn trở về để lo cho ông bà như họ được.
Nhìn nghĩa địa chúng ta liên tưởng đến đời sống của cõi dương nầy. Âm, dương cũng không cách biệt nhau lắm, có kẻ giàu người nghèo. Có nhiều ngôi mộ nguy nga lộng lẫy, được xây dựng chắc chắc, chạm trổ công phu. Nhưng cạnh đó cũng có những nấm mộ vun đắp sơ sài, không hương không khói. Nằm ở giữa huyệt lạnh mà cũng không thoát được cảnh nghèo khó. Tội nghiệp cho những linh hồn bị cái cảnh dương thế chi phối nặng nề. Ai nói nằm xuống đất là hết đâu? Không cần phải nhìn đâu xa, nhìn nghĩa trang Cẩm Hải nầy cho ta liên tưởng đến một xã hội bên ngoài. Kẻ thì quá giàu còn người thì quá nghèo. Sự chênh lệch quá đổi làm cho ta phải lặng người, thương cho số phận hẩm hiu của những kiếp người bất hạnh đeo đuổi họ từ dương thế đến cõi âm.
Tôi lấy ba cây hương đến trước mộ má tôi khấn rằng: “Thưa Má, hôm nay con lại về trúng vào ngày giỗ Má nên con vội vàng vào thăm Má. Nơi Má nằm chính là nơi con gửi lại một bàn chân trong cuộc chiến, thương con Má cứ ôm nó vào lòng như ngày xưa Má ôm con vậy. Nếu nhớ con Má có thể vuốt ve nó vì chính nó là thân xác của con. Má không còn sợ cô đơn vì nó là da thịt xương máu của con đang cận kề bên má. Má phù hộ cho gia đình con có đầy đủ sức khỏe, ăn nên làm ra để có đủ điều kiện về thăm Má thường xuyên”. Tôi không biết Má tôi có nghe lời tôi khấn nguyện không? Nhưng tôi cảm thấy trong lời khấn nguyện thành thật của tôi, có chút chua xót, cay đắng.
Một người đàn ông đi tới và tự giới thiệu với tôi, ông là người chăm sóc những ngôi mộ nầy, ông gìn giữ cẩn thận nên mới được hoàn hảo như ngày hôm nay. Chứ không thì tụi chăn trâu đập phá. Ông xin tôi một số tiền thù lao mà ông đã chăm sóc bấy lâu nay. Thằng em tôi chưng hửng vì nó thường vào thắp nhang cho Má mà có thấy ai đâu, bây giờ lại gặp tình trạng khó xử như thế nầy. Nó hỏi ông đó là phải trả cho ông bao nhiêu? Ông nói một tràng không ngượng ngập, sượng sùng gì cả: “Ông cho tôi tiền nhiều thì tôi giữ cẩn thận, còn cho tôi tiền ít thì cái mộ nầy sẽ bị hư hại. Tùy theo mức độ tiền nhiều hay ít rồi tôi sẽ tự liệu”. Thằng em tôi thấy vậy, rút đưa cho ông năm chục ngàn. Ông chần chừ chê ít không chịu lấy. Nó phải rút thêm ba chục ngàn nữa, ông mới chịu đi. Sau khi ông đi thì cái đám chăn trâu không biết ở đâu bu lại cả chục thằng, lần đầu thì xin đồ cúng để ăn, sau thì xin tiền. Chúng nó nói thẳng vào mặt thằng em tôi, nếu không cho tiền thì lần sau vào sẽ thấy cái mã nầy tanh bành. Cái thằng cha vừa rồi đâu có làm gì, hắn ở đâu đâu thỉnh thoảng tới hù dọa mấy ông cho tiền ổng, còn tụi tôi ở đây hằng ngày thì làm lơ, đâu có được. Chúng nó đánh trúng vào tâm lý sợ sệt của anh em tôi, thằng em tôi rút cho mỗi thằng mười ngàn, rồi hối tôi lên xe chạy ngay chứ chần chờ sẽ có người khác đến làm phiền thêm.
Tôi ra khỏi nghĩa trang lòng đầy bối rối, không ngờ những chuyện nhỏ nhặt nầy để lại
cho tôi một mối suy tư về lòng dạ con người, không có một chút liêm sỉ, một chút đạo
đức nào nữa hết sao? Lâu quá rồi xa quê hương, trên xứ người tôi chưa bao giờ gặp
những tình huống làm tiền trắng trợn như vậy. Về chứng kiến những sự thật phủ phàng
trong lòng tôi ít nhiều đổ vỡ. Thằng em ngồi phía trước xe xoay ngang mặt, nói với tôi:
“Hơi sức đâu mà anh để ý mấy cái chuyện vụn vặt nầy. Ở đây có nhiều chuyện làm tiền
trắng trợn hơn nữa. Làm lớn thì ăn lớn, làm nhỏ thì ăn nhỏ. Không cần biết người khác
sống chết ra sao, miễn sao tiền bạc vô đầy túi”.
Thằng em chở tôi ghé vào Hội An đi vòng vòng cho biết, thăm lại thành phố nầy ngày xưa tụi tôi hay la cà mấy cái tiệm cà phê những ngày không đi hành quân. Các tiệm cà phê Chiều ở đường bờ sông, hoặc cà phê Phượng ở phía trước cổng Tiểu Khu là những quán mà chúng tôi hay ngồi nhất. Thành phố vẫn không thay đổi mấy, hình như người ta muốn giữ lại những cấu trúc thời xa xưa. Ở nước ngoài mình quen mắt với đường xá, nhà cửa đồ sộ. Về nhìn lại Hội An thấy cái gì cũng nhỏ, nhà cửa thấp lè tè nhưng rất dễ thương. Một thành phố từ đầu trên đến xóm dưới đều biết nhau, quen nhau. Không những quen biết thôi mà còn hiểu tường tận gốc gác của nhau nữa. Có lẽ đó là cái đặc thù nhất của Hội An mà dù có đi khắp thế giới tìm một thành phố mà những con người gắn bó, thân thiết như vậy cũng thật hiếm hoi.
Tôi nhớ hồi còn đi học thỉnh thoảng tôi hay vào Hội An chơi với mấy ông bạn “thi sĩ” của tôi: Hạ Đình Thao, Lê Văn Trung, Lê Anh Huy, Kiều Uyên v.v… Đi xuống gần Cẩm Thanh để ăn mì Bà Đợi hay qua cầu Cẩm Phô để ăn chè. Tối về thì vào chùa Phước Kiến ngủ với Thái Tú Hòa (em ruột nhà thơ Thái Tú Hạp). Thấy tôi đến bao giờ Hòa cũng gọi Cẩm (cô em gái của Hòa) mang cái tô ra bà Cảnh mua một tô cao lầu cho tôi và không quên thêm một chén cơm nguội. Tuyệt vời, không có cái gì ngon bằng. Cho đến bây giờ hơn bốn mươi năm tôi vẫn còn nhớ như mới ngày nào. Tội nghiệp tụi tôi đứa nào cũng nghèo xơ xác, mình có thể nhịn ăn nhưng khi gặp bạn bè thì đãi bạn một cách hào phóng. Hào phóng ở đây có nghĩa là ăn một tô mì hay uống một ly cà phê chẳng hạn. Chứ làm gì có tiền đãi nhau thịnh soạn được, nhà đứa nào cũng nghèo. Mấy ông nầy ra Đà Nẵng tôi đãi một món đặc sản là đậu phụng chiên với nước mắm. Nước mắm khi khô bám vào hạt đậu, vừa dòn vừa mặn, để ăn với cơm. Ngày nào cũng vậy, chẳng có ai khiếu nại về chuyện ăn uống, để dành tiền đi uống cà phê Diệp Hải Dung.
***
Buổi trưa anh em tôi về lại Đà Nẵng để lo đám giỗ. Tôi có mời vài người bạn đến ăn đám giỗ má tôi. Lâu quá, dễ chừng gần hai mươi năm không gặp lại nhau. Bạn bè người nào cũng quá nhiều thay đổi, từ con người đến cuộc sống, tụi tôi bắt đầu bước vào tuổi già. Thế mà khi ngồi lại nói chuyện với nhau như hồi còn trẻ. Tôi kể cho tụi nó nghe về những gì mà tôi đã gặp sáng nay, tôi thấy trên khuôn mặt chúng nó không có một chút ngạc nhiên. Như vậy, chuyện như thế nầy cũng thường xẩy ra và ai sống tại quê nhà cũng thường gặp. Đời sống khó khăn, con người sinh ra nhiều biến thái.
Sau khi dùng cơm xong, chúng tôi rủ nhau đi uống cà phê. Tôi không nhận ra một chút gì cái thành phố mà tôi đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở đó. Bây giờ nó mang một bộ mặt khác sang trọng và lịch lãm hơn. Những con đường rộng rãi và dân cư đông đúc. Một vài người hỏi tôi nghĩ gì về những thay đổi vội vàng của Đà Nẵng. Tôi trầm tư biết trả lời sao đây? Hơn 30 năm rồi, quê hương nhiều mất mác quá. Tôi thấy hình như mọi người cố gắng chạy đua cho kịp, thể hiện cho người ta biết mình có tiền có của, mạnh ai nấy xây nhà. Những hình thù nhà cửa thật nham nhở lố lăng, thể hiện một cái thứ trưởng giả học làm sang. Tôi không biết người ngoại quốc đánh giá cách xây dựng nầy ra sao. Chứ còn tôi không chịu được, vừa cỗ của thời Louis nhưng cũng vừa hiện đại của thế kỷ nầy. Nó giống như râu ông nọ cắm cằm bà kia. Không biết vài chục năm sau, thế hệ con cháu chúng ta đánh giá lối kiến trúc nầy thế nào. Chứ riêng cá nhân tôi nhận thấy vừa hợm hĩnh nhưng cũng vừa tội nghiệp. (Có thể nhận định của tôi sai lầm, vì con mắt của tôi quá trần tục, không có đầu óc mỹ thuật. Cái nhìn có thể sai lạc).
Tụi tôi không còn cái tuổi ngồi hằng giờ ở mấy quán cà phê thuở trước như: Lộng Ngọc, Hạ, Ngọc Lan, Diệp Hải Dung, Thạch Thảo, Star, Danube v.v…để say sưa nghe nhạc. Một thằng bạn dẫn tụi tôi đến một quán cà phê thật yên tĩnh để dễ dàng nói chuyện. Một thằng bạn khác hỏi tôi: “Cái gì ở Đà Nẵng đã gây cho mầy “ấn tượng” nhiều nhất, khi xa nhà?”. Tôi trả lời không chút đắng đo: “Xóm Chuối”. Chúng nó cười ồ lên tưởng rằng tôi nói đùa. Ai sống ở Đà Nẵng cũng đều biết Xóm Chuối là nơi tập trung mấy cô gái làng chơi, nằm phía sau bệnh viện Toàn Khoa. Nhưng tôi cũng có một kỷ niệm sâu đậm ở đó. Tôi có một cô bồ học ở trường Bồ Đề, nhà ở trong con hẽm đường Trần Bình Trọng, con hẽm nầy ăn thông qua đường Trần Tế Xương (đường nầy có nhà in Trúc Mai). Thường thường thì cô bạn tôi theo đường Trần Tế Xương đi ra đường Yersin cho gần. Tụi tôi thường hẹn nhau ở góc Yersin (bên hông bệnh viện) và cũng gần đường vô Xóm Chuối. (Hẹn xa xa vì sợ gia đình cô ta biết) vì vậy gặp bao nhiêu chuyện phiền phức. Mấy người đàng hoàng đi ngang qua thấy tôi đứng chỗ đó thì nghĩ là tôi tìm gái làng chơi. Còn mấy cô gái làng chơi nghĩ rằng tôi đang đi tìm họ, cho nên họ chạy ra níu kéo tôi. Một lần hẹn ở đó tôi tởm tới già và cũng nhớ suốt đời cái địa danh nầy. Khi cô bạn của tôi ra ngồi trên yên sau xe, tôi mới bắt đầu càm ràm. Tôi cho rằng cô ta chơi tôi, hạ nhục tôi. Chứ không biết cái chỗ “hang hùm” ở đó sao mà lại hẹn nhau chỗ ấy? Cô ta ngồi phía sau ôm bụng cười ngất nga ngất ngẻo, còn tôi thì tức lộn ruột. Sau nầy cô ta mới nói cho tôi biết là cô ta không biết nơi đó là ổ gái mãi dâm. Tội nghiệp cho cô bạn học trò ngây thơ của tôi.
Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời. Phần đông các bạn trai thuộc thành phần lính tráng của Miền Nam, còn các bạn gái có chồng cũng đi lính. Nên đời sống các bạn sau nầy về kinh tế rất eo hẹp. Chúng tôi rơi vào thế hệ đứng giữa cuộc chiến khốc liệt nhất, cấp bậc không cao, phần đông bỏ thây tại chiến trường. Nếu còn sống sót cũng không đủ tiêu chuẩn đi qua Mỹ theo diện HO. Vì vậy sau khi học tập trở về đều sống lây lất, làm những công việc nặng nhọc sống qua ngày. Nhìn anh em đó tuổi đời không nhiều nhưng tinh thần lẫn thể xác già cổi trước tuổi. Lâu ngày không gặp nhau, anh em nói mãi không hết chuyện. Khi tiệm cà phê báo cho biết đến giờ đóng cửa, chúng tôi mới chia tay ra về.
Những ngày còn lại, thỉnh thoảng tôi đến thăm một vài người bạn. Buổi chiều tôi rủ vài người về nhà uống rượu. Chỉ có những bữa rượu anh em mới thổ lộ hết tâm tình của mình. Có một điều lạ là trước đây tôi ít uống rượu, tửu lượng của tôi một chai bia hay một ly nhỏ rượu đủ làm cho tôi say. Thế mà tôi không ngờ rằng về quê lần nầy tôi đã hạ mấy thằng bạn nát rượu. Đã làm cho nhiều người ngạc nhiên mà tôi cũng không ngờ rằng mình uống không thua gì chúng nó. Có lẽ vì vui quá, anh em lâu ngày không ngồi với nhau, về lại quê hương trong nhiều năm xa cách v.v…nhiều yếu tố làm cho tôi cảm thấy thoái mái. Vì vậy mà tôi uống được nhiều.
Cái nhìn của tôi về quê nhà có thể rất khiếm diện và vội vàng. Có thể làm cho nhiều người không đồng ý. Nhưng tôi biết làm sao hơn khi mà một thực thể nó đã như vậy, tôi nói lên với tất cả tấm lòng dành cho quê hương mình. Có một điều mà cho đến bây giờ vẫn không nghĩ ra được mọi người nhìn tôi với con mắt xa lạ, cách biệt trong lúc thâm tâm của tôi muốn hòa đồng, muốn thân thiện. Có một cái gì đó muốn đẩy tôi ra xa ngoài vòng tay của quê hương tôi. Sau khi trở lại Mỹ, sau nhiều đêm suy nghĩ tôi mới tìm ra được một giải trình cho mình. Có lẽ phần đông mang một mặc cảm thua thiệt vì nghèo khó, nhìn mấy ông bà Việt Kiều tiêu tiền hào phóng họ cảm thấy cách xa với họ. Cho nên họ nhìn những người trở về như một loại “cá mè một lứa”. Họ đâu biết rằng có người trước khi về họ đã dành dụm bao nhiêu năm, cũng cày sâu cuốc bẩm, cũng lao tâm lao lực mới có được tiền. Vì biết bà con bên quê nhà làm ăn khó khăn nên họ phải “gánh” cho đỡ bớt gánh nặng khi phải tiếp họ. Những thành phần thuộc tư bản trong nước bây giờ, cách vung tiền của họ mới khiếp. Các “đại gia” nầy ra tay thì các “hảo hán” có máu mặt của Việt Kiều đành phải lép vế.
Dù gì chăng nữa tôi vẫn thấy những ánh mắt nhìn tôi không còn thân thiện, coi tôi không phải là người dân đã sinh ra và lớn lên trên quê hương. Cái nhìn và cách đối đãi của họ với tôi như một người khách. Cách hành xử nầy làm cho tôi thấm đau như có ai đó nhổ toẹt vào mặt mình. Chúng tôi không có tội gì hết, khi xa quê hương chúng tôi đau lắm vì nơi đây chôn nhau cắt rún, cha mẹ anh em đang hiện diện ở đây và rất nhiều, rất nhiều cái lý do khác không dễ gì dứt bỏ ra được. Thế nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc phải rời xa đất nước. Đó là điều đau lòng cho tất cả những người đang xa xứ. Trong những ngày trở về, tôi ít đi đâu vì tôi mang một mặc cảm xa lạ, nên suốt ngày quanh quẩn trong nhà. Để tìm lại những thân thiện, những tình cảm mà tôi tưởng chừng như bị đánh mất ngay cả những người ruột thịt với mình. Tôi không muốn làm một người khách lạ./
Giọt Mực Loang
Trong lớp tôi thuở ấy có hai người con gái vừa học giỏi mà cũng vừa đẹp. Những thằng học cùng lớp không có đứa nào dám hó hé lại gần, đừng nói chi cái chuyện “cua”họ. Hà người Bắc tính tình hiền lành dễ thương. Loan người Huế tính tình chanh chua, khó ưa nhưng rất giỏi Việt văn. Trong lớp học hai người con gái nầy như hai thái cực, có những hiềm khích. Nói cho ngay chúng tôi chỉ thấy thái độ của Loan tỏ vẻ ganh tị hiện lên hành động và trên nét mặt. Còn Hà tỏ vẻ nhu mì nhưng sẵn sàng đáp trả nếu Loan xâm phạm đến. Chính hai người nầy làm cho bọn con gái trong lớp chia làm hai phe. Phe nói tiếng Huế theo Loan, phe nói tiếng Bắc theo Hà. Mấy bà Quảng Nam đứng trung gian. Mỗi lần đến giờ ra chơi, hai phe tụ nhau hai góc, nói xấu nhau, trì chiết nhau. Tụi con trai chúng tôi chọc đầu nầy, thọc đầu kia cho hai bên càng hiềm khích nhau hơn, lấy làm thích thú. Cho nên mấy thằng hay đi ngang qua nghe lóm, ít thì nói cho nhiều, vẽ rắn thêm chân, câu chuyện trở thành trầm trọng khi chúng nó học lại cho phe bên kia biết. Cứ vậy hai bên càng ngày càng trầm trọng. Lúc đầu còn nguýt háy nhau trong bóng tối, về sau công khai công kích nhau. Bài luận của Loan được thầy đọc cho cả lớp nghe là mấy bà Bắc Kỳ ghi lại những chỗ không đồng ý. Thế là tranh cãi nhau, mạ lỵ nhau một cách ranh mãnh. Lúc đầu Thầy dạy Việt Văn thích thú vì có sự tranh cãi rất sống động, làm cho giờ học sôi nổi. Sau thầy nhận thấy sự tranh cãi có phần gay gắt, mạ lỵ Thầy ra dấu “stop” không được tiếp tục làm sứt mẻ không khí học tập. Từ đó Thầy không đọc bài của Loan nữa.
Hà ở cùng một đường với tôi nên thỉnh thoảng đến nhà rủ tôi đi học. Hà hay hỏi tôi có biết phe Huế nói gì không? Có nghe động tịnh gì phe bên kia không? Tôi hỏi lại Hà: “Sao bạn quan tâm những thứ ấy làm gì? Để thời giờ lo học.” Hà vừa đi vừa suy nghĩ một lúc mới trả lời với tôi: “Nhiều khi Hà nghĩ thật vô lý,. Tại sao phải mất thì giờ nhiều như vậy? Thế nhưng phe Huế bên kia ép Hà quá, chịu không nỗi.” Tôi nhìn Hà thấy tội nghiệp. Tôi nói với Hà đừng để ý, đừng nghe ngóng tự nhiên sẽ cảm thấy thanh thản. Nói cho Hà yên lòng chứ sự thật cũng khó, làm sao mà không nghe mấy cái giọng Huế chanh chua nhức đầu, xoáy vào tai như mũi khoan, mấy bà Bắc Kỳ không chịu được nên hai bên không bên nào chịu thua. Cái hồi gay cấn nhất là lúc Hà có bồ là một ông thiếu úy người Bắc, thỉnh thoảng đứng đón Hà ở cổng trường. Ông thiếu úy nầy cũng bảnh trai, xứng đôi với Hà. Đây là cơ hội mấy bà Huế trề môi chế giễu, trù ẻo cho ông nầy ra trận chết phứt đi cho rảnh mắt. Lời trù ẻo của mấy bà Huế nầy linh thiên thật, không thấy ông Thiếu Úy tới đón Hà như trước, nghe tin ông ấy tử trận. Tôi có hỏi khi Hà chờ tôi để cùng đi học, Hà không trả lời nhưng tự nhiên bật khóc. Trên đoạn đường tới trường, tôi hối hận đã khơi lại sự đau đớn của Hà. Từ đó không bao giờ tôi đụng chạm đến chuyện nầy. Chừng vài tháng sau tự nhiên Hà nói với tôi là người yêu của Hà chết thật, lời thú nhận nầy gây cho tôi xúc động, tôi cảm thấy thương hại cho Hà. Tuổi mới lớn bắt đầu có người tình thì nửa chừng gãy đỗ. Chuyện nầy tôi không hề hé môi cho ai trong lớp biết.
Sắp đến hè, đứa nào cũng bận rộn học thi. Tình trạng ganh nghét giữa hai phe con gái Bắc và Huế cũng có phần lắng dịu. Sau kỳ thi tú tài năm đó mỗi người mỗi ngã. Năm cuối cùng lớp có tổ chức một cuộc tất niên, chị trưởng lớp nhờ tôi đứng ra làm trung gian cho Loan và Hà bắt tay nhau trong buổi tiệc tất niên đó. Tôi đại diện cho lớp cám ơn quý thầy đã dạy dỗ chúng tôi và lời bày tỏ cùng các bạn: “Thưa các bạn, như vậy sau bữa tiệc nầy chúng ta chia tay nhau vĩnh viễn, mỗi người mỗi ngã trên đường đời, thành công hay thất bại đó là số phận của mỗi người. Tuy nhiên chúng ta cũng nên nói với nhau lời cầu chúc tốt lành nhất, hoa mỹ nhất. Tôi mong rằng các bạn hãy bỏ lại sau lưng mình những tị hiềm, những ganh ghét, vì cơ hội gặp lại nhau rất hiếm. Tôi xin đề nghị chị Loan và chị Hà bước lên trên bục bắt tay nhau lần cuối. Tôi nghĩ hành động đẹp nầy của hai chị sẽ để lại dấu ấn vĩnh viễn trong lòng của những bạn cùng lớp trước khi chia tay..” Hà và Loan e thẹn bước lên bục giảng bắt tay nhau, tự nhiên hai người bỏ tay ra ôm nhau khóc , làm cho các chị trong lớp đều khóc sướt mướt. Các thầy rất ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đã xẩy ra cho hai người. Đó là niên học đáng nhớ nhất trong đời học sinh chúng tôi. Sau khi thi tú tài bạn bè ít có dịp gặp lại.
Chúng tôi những thằng bạn học cũ phần đông vào lính, mà lính thì biết khi nào mới gặp lại nhau. Nói vậy chứ thỉnh thoảng về phép đi uống cà phê cũng gặp được vài thằng bạn cũ, từ đó hỏi thăm biết được thằng nầy thằng khác, có đứa chết trận, có đứa bị thương. Đứa nào cũng có vẻ hiên ngang với bộ đồ lính trên người. Còn bạn gái ít khi gặp lại nhưng cũng biết tin, phần đông các chị có chồng là l;ính nên cũng đa đoan với cuộc chiến mặc dù không trực tiếp ngoài chiến trường. Một lần tôi về phép thăm thằng bạn cũ làm thông dịch viên sở Mỹ tại Đà Nẵng. Thằng bạn hỏi tôi mầy còn nhớ con Loan không? Loan hiện làm ở đây. Tôi trả lời nhớ chứ, mầy gọi Loan qua đây chơi được không? Hắn chạy đi gọi Loan. Tôi ngồi trong phòng xem báo thì Loan vào. Tôi ngước lên nhìn, thú thật tôi không ngờ rằng Loan bệ rạc như vậy. Tôi đứng dậy bắt tay Loan, bàn tay của Loan không mềm mại, có vẻ cứng cáp. Tôi hỏi Loan có chồng con gì chưa? Loan lắc đầu, trong nét mặt có chút gì cay đắng. Loan nói với tôi nhờ bạn giới thiệu cho mình một ông lính, không cần quan tước gì cả. Tôi ngạc nhiên nghĩ trong bụng sĩ quan bà còn chê huống chi là lính. Tôi hỏi lại: “Loan có gì không vui phải không? Sao đắng cay quá vậy.” Loan lắc đầu không nói. Ngồi nói chuyện với tôi một hồi, Loan chào để trở về phòng làm việc. Thằng bạn nói với tôi về Loan: “Gia đình Loan có một căn nhà cho Đại Hàn thuê, không biết sao Loan có thai với thằng Đại Hàn thuê nhà. Ông bà già phải gởi Loan ra Huế sinh đẻ. Khi đứa con được ba tuổi mới đem về nuôi. Gia đình bảo rằng đứa nhỏ là con của bà chị bà con ở Huế, chồng chết Loan xin về làm con nuôi.” Tự nhiên tôi thấy thương hại cho Loan, hèn chi khi nói chuyện với tôi Loan có vẻ không vui.
Một lần tôi về phép, đi uống cà phê với mấy thằng bạn cũ. Một thằng nào trong bọn nói với chúng tôi là con Hà Bắc Kỳ lấy thằng Quang. Tất cả mọi người đều trố mắt nhìn vì một sự nghịch lý mà không ai có thể ngờ. Hà học rất giỏi thi đậu dễ dàng tú tài I và tú tài II, còn ông nội Quang của chúng tôi thi mãi không đậu. Hồi đó hắn nổi tiếng học dốt nhất trong lớp, thi tú tài I năm lần bảy lược vẫn không qua, sau phải đi lính chuyên viên Không Quân. Không biết làm sao hắn cua được con Hà nghĩ cũng lạ thật. Ngoài chuyện học giỏi, Hà cũng là một trong những con gái đẹp trong lớp. Ít ra cũng lấy được một người tương xứng. Mấy đứa ngồi uống cà phê bữa đó cứ tiếc thầm mãi. Chuyện số mạng cay nghiệt như vậy dù không tin cũng phải công nhận đã xẩy ra với Hà. Tôi nghĩ hay là Hà đã từng có người yêu là sĩ quan tác chiến, bị tử thương ngoài chiến trường nên sợ sẽ trở thành quả phụ, để yên thân Hà phải lấy một tấm chồng ngày đêm hú hí với vợ tới già, không sợ nửa đường gãy gánh. Thú thật chúng tôi chỉ đoán già đoán non chứ hoàn toàn không biết gì về cuộc sống của hai người. Tình yêu khó nói thật. Gia đình Hà đã dọn đi nơi khác từ lâu nên không còn gặp Hà như trước đây. Khi chia tay năm cuối cùng, đi về cùng đường Hà cho tôi biết nếu đậu kỳ nầy Hà sẽ đi Sài Gòn thi vào trường Phú Thọ để học kỹ sư điện. Tôi nghĩ ước mơ của Hà sẽ thành công dễ dàng vì Hà là học sinh giỏi. Tôi không biết khi lấy Quang, Hà đã đậu kỹ sư chưa?
Đó là cuộc đời của hai người bạn gái vừa đẹp mà cũng học giỏi, vậy mà có chút gì cản trở không suông sẻ trên đường đời. Còn bọn con trai chúng tôi, khi ra trường chừng hơn một năm sau bị chi phối bởi lệnh Tổng Động Viên. Một mẻ lưới oan nghiệt không ai thoát ra được, thỉnh thoảng được tin có thằng tử trận. Đứa nào về thành phố thì đến nhà thắp cho bạn mình một cây nhang hay tiễn bạn ra nghĩa trang. Khi ra về tìm một quán nhậu, hay quơ đại một chai rượu đế về nhà ngồi uống một mình. Cố xua đuổi nỗi buồn, cố quên những bất hạnh mà những đứa bạn lần lược nằm xuống. Tâm trạng của chúng tôi lúc nào cũng lo sợ, không biết đến bao giờ sẽ tới phiên mình. Giọt mực nhỏ xuống trang giấy không đọng lại một chỗ mà nó loang rộng làm mờ cuộc đời của chúng tôi. Tôi nghĩ những người bạn gái cũ, chắc các chị cũng không thua gì chúng tôi. Ai cũng phải lấy chồng, mà chồng của các chị cũng không thể thoát ra khỏi vòng cuộc chiến, cho nên đôi khi ra phố trông thấy các chị chít khăn tang trên đầu là biết ngay các chị có tang chồng. Bạn trai hay bạn gái trong thời chinh chiến đều mang nỗi lòng lo sợ như nhau, đau khổ giống nhau.
Rồi tới 30 tháng 4 năm 1975. Tưởng rằng hòa bình mà mọi người chờ đợi sẽ tốt hơn, cuộc sống sẽ mang tới cho chúng ta niềm vui, không trông thấy cảnh chết choc. Thế nhưng mọi chuyện không như vậy. Tất cả chúng tôi đều vào tù, những người vợ chắt chiu đi nuôi chồng mà đời sống của họ vô cùng thảm thiết. Những tiểu thư ngày xưa nuôi những ước mơ cao sang, chỉ vài năm sau trông thấy họ te tua tội nghiệp. Mấy thắng bạn học tập trở về, trông thấy họ bệ rạc như những ông cụ non, thân hình ốm o thiếu ăn. Toàn cảnh Miền Nam lúc ấy sống trong cơ cực. Không ai giúp được ai. Tôi về Đà Nẵng nhắn mấy thằng bạn cũ tới nhà uống với nhau ly rượu thì bị Công An đến gây khó dễ. Một người bạn từ Sài Gòn về thăm bạn bè, vào kể lại cho tôi nghe là anh ấy tập trung một số bạn cũ ngồi uống rượu. Anh đi ra nhà sau đi tiểu thì trông thấy mấy ông Công An rình rập bên ngoài nghe lén. Anh sợ quá nhảy rào chạy thoát thân. Ngày mai anh nghe người nhà báo cho biết là tất cả những người ngồi nhậu đều bị bắt. Từ đó ở Sài Gòn tôi ít về thăm quê nhà. Nhìn thấy gia đình nào cũng xác xơ, lòng người rịu rã, những cán bộ thì hống hách chèn ép dân chúng. Ai sống tại Đà Nẵng thời ấy cảm thấy ê chề ngao ngán, nhưng không dám hé răng.
Đến thập niên 90, có sự ban giao với Hoa Kỳ đất nước mở cửa người dân được nới lỏng. Rồi chương trình HO cho những người tù cải tạo ra đi, đời sống dân chúng còn ở lại được thoải mái đôi chút. Đất nước xem như được khởi sắc cho đến bây giờ. Tôi ra đi năm 1990, nghĩa là tôi có 15 năm sống trong nước dưới chế độ Cộng Sản, tôi biết và hiểu tường tận dân tình lúc ấy. Qua bên nầy rồi nhìn lại, thật khủng khiếp. Tôi không hiểu một chế độ như vậy mà tại sao cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại? Những người có lương tri, có hiểu biết làm sao chấp nhận một cuộc sống bị nhà cầm quyền tước đoạt hết như vậy? Mới hay áp lực aka, tù đày đã làm dân chúng khiếp sợ và răm rắp vâng lời. Thôi chuyện đất nước dài quá, nói mãi không hết được. Tôi trở lại chuyện của chúng tôi. Giọt mực nhỏ xuống loang mãi trong đời của những thằng học sinh chúng tôi. Câu hát ngày xưa trong thời tiểu học mà ai ai cũng biết: “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau…” Thế hệ chúng tôi, tổ quốc chối từ. Người ta cần những người không có kiến thức, nhưng biết trung thành, biết quỵ lụy. Vì vậy tất cả những người Miền Nam đều bị loại ra khỏi các cơ quan lớn nhỏ của chính quyền. Cũng may cái phao cứu chúng tôi đúng l;úc là được định cư ở Hoa Kỳ.
Tình Đã Ngủ Say
Khi người đụng trái tim ta
là bao nhiêu mộng vỡ òa theo nhau
khi tình ta mãi lún sâu
là lòng người nhạt sắc màu yêu thương
PXS
Từ khi chúng tôi chia tay nhau cho đến bây giờ đã gần 40 năm rồi, hơn một nửa đời người. Nhưng mỗi lần nghĩ tới Sách tôi đều cảm thấy đau nhói, không phải vì tôi còn “yêu” Sách, mọi chuyện đối với tôi nó đã chết theo thời gian. Không ai còn chung tình vớ vẩn như vậy, tất cả chúng tôi mỗi người đếu có một cuộc sống riêng, con cháu đầy đàn, hồn ai nấy giữ. Thế nhưng mỗi lần gặp lại tự nhiên tôi cảm thấy ray rứt, nhìn Sách thật tội nghiệp với một cuộc sống kham khổ, hạnh phúc bị tước đoạt, con người héo hon trong u uất. Tôi tự hỏi Sách chịu đựng một hoàn cảnh sống như thế nầy cho đến bao giờ? Chúng tôi đã từng đến với nhau, đã từng gặp gỡ sau những ngày dài khi chia tay. Chúng tôi vẫn giữ với nhau ở một vị thế mà không bị xé rào hay sự đòi hỏi làm chúng tôi mờ mắt. Chúng tôi quý mến nhân cách của nhau mặc dù không cần thiết như vậy. Thế nhưng cái đó đã thể hiện ý thức tôn trọng, một rào cản chắc chắn chúng tôi không nên vượt qua để vi phạm. Cuộc đời của đứa nào cũng te tua bầm giập, còn gì đâu để còn phải giữ gìn.
Tôi nhớ năm 1976, sau khi tôi lấy vợ được vài tháng thì Sách từ Đà Nẵng vào Sài Gòn thăm tôi. Lúc nầy người chồng đầu tiên của Sách vừa mới mất (tại mặt trận Pleiku 1975) trước ngày hòa bình chừng hai tháng. Tôi ngạc nhiên là Sách cùng đi với Ngọc Bích, người bạn gái của tôi sau nầy. Ngọc Bích có một người anh trai là bạn cùng khóa Không Quân với chồng của Sách. Vì thế Ngọc Bích và Sách quen nhau bởi dây mơ rễ má như vậy, chứ một người ở Đà Nẵng và một người ở Sài Gòn làm sao quen nhau. Tôi mời hai người ra ngoài quán café để dễ dàng nói chuyện, vì trong sở làm việc của tôi ồn ào, người ra kẻ vào nhiều gây trở ngại trò chuyện của chúng tôi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp lại Sách kể từ ngày Sách đến thăm tôi tại Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng mùa hè 1972, khi tôi bi thương từ mặt trận được trực thăng chở về.
Trong suốt câu chuyện tôi không hỏi gì về cái chết chồng của Sách, vì tôi không muốn cho Sách hiểu lầm rằng tôi quan tâm vì để thỏa mãn lòng tự ái. Tôi chỉ ngồi nghe hết chuyện nầy tới chuyện khác mà trong những câu chuyện, Sách tin tưởng rằng người chồng vẫn còn sống, có thể bị bắt học tập cải tạo đâu đó, hoặc đang sống tại nước ngoài chưa tiện liên lạc được với vợ con. Tôi cũng mừng thầm mong rằng sự tin tưởng của Sách là sự thật, một ngày nào đó gia đình Sách được đoàn tụ dù ở bên nầy hay bên kia đất nước. Ngồi nói chuyện, tôi chú ý từng hành động, từng cử chỉ của Sách. Sách không còn như xưa. Cái liến thoắng lanh lẹ, cái trì chiết đanh đá mà sau khi có chồng, va chạm với cuộc sống thật ngoài đời, đã dạy cho Sách những kinh nghiệm chống chọi. Tôi không ngạc nhiên điều đó, cái ngạc nhiên nhất của tôi là được Sách dài dòng kể lể về cái hạnh phúc trước đây đã sống với chồng con, cái hạnh phúc ngắn ngủi nhưng rất tuyệt vời nầy đã làm vết thương cũ của tôi dậy lên và cảm thấy nhức nhối. Cũng bắt đầu từ đó tôi khinh Sách, nhìn Sách với con mắt không mấy thiện cảm. Đúng ra khi gặp lại tôi, một người tình đầu đời của Sách, Sách phải tỏ ra có một chút hối tiếc, một chút đau đớn, vì khi chia tay nhau, tôi không có một lầm lỗi nào với Sách, thì không lẽ gì Sách kể những chuyện hạnh phúc để trả thù tôi. Cái ấn tượng gặp gỡ lúc ban đầu, đã làm cho tôi có thái độ phủi tay lánh mặt. Không cần phải nhớ đến trước đây mình có một con “bồ” đang sống trong kham khổ hiện thời, Có ai đó bên quê nhà nhắc tới Sách, tôi tìm cách tảng lờ như không biết. Bởi vì tôi không thể chấp nhận một người tình trước đây đi lấy chồng, và khi gặp lại nhau không có một câu hỏi han nào về cuộc sống của tôi, chỉ ba hoa kể về cái hạnh phúc đã trôi qua của mình. Đó là một loại người vong tình, không có đầu óc và tôi không cần phải nhớ tới làm gì cho uổng công.
Có một năm vợ chồng tôi về Đà Nẵng ăn Tết, khi tôi đến thăm cậu mợ bà con bên ngoại thì mợ Tâm khuyên tôi cố gắng đến thăm Sách. Mồng ba Tết để vợ ở nhà, tôi một mình đến thăm Sách theo sự yêu cầu của bà mợ. Trong câu chuyện trao đổi tôi có nói với Sách là nếu có tái giá hãy tìm một người đàn ông rộng lượng, vững vàng trong cuộc sống có thể cưu mang thêm hai đứa con, để chúng nó có cơ hội học hành. Tôi bảo với Sách là bây giờ phải hy sinh cuộc đời mình cho con, hãy gạt ra ngoài tai những lời tán tỉnh bóng bẩy, phải tìm một người đàn ông biết thương yêu con của vợ như con ruột của mình. Còn nếu không thì nên sống độc thân buôn bán nuôi con. Thế nhưng vài năm sau tôi nghe Sách tái giá, lấy một người chồng nghèo. Mang hai đứa con về quê ở Túy Loan giao cho bên nôi. Tự nhiên trong lòng tôi thấy xót xa, một việc làm điên rồ, mờ mắt thiếu suy xét. Cái ấn tượng không tốt về con người nông nổi của Sách lại càng làm cho tôi thất vọng. Tội nghiệp cho hai đứa bé đã mất cha, bây giờ coi như thêm một lần mất mẹ. Từ câu chuyện nầy tôi suy luận viễn vông, một con người như vậy thì làm sao đòi hỏi họ chung tình với ai. Mang đầu óc không thiện cảm, tôi nhìn Sách cay nghiệt hơn và thú thật trong lòng tôi càng khinh Sách hơn.
Tôi nhớ một lần ở Huế, Sách từ Đà Nẵng ra thăm tôi. Chúng tôi ở với nhau trong một căn phòng nhỏ hơn một tuần lễ. Tôi có hỏi Sách lý do tại sao ra thăm tôi mà không báo trước, Sách làm thinh không nói dù tôi đã gặn hỏi nhiều lần. Sau đó thì Thê (vợ của Đức, bạn tôi) là bà con với Sách ra Huế tìm, tôi mới biết Sách giận gia đình nên bỏ nhà ra đi. Giận về chuyện gì thì tôi cũng chưa hề nghe Sách nói. Tôi bảo là Sách nên ra về với Thê, vì tôi không muốn mang tiếng dụ dỗ con gái gây ra sự hiểu lầm cho gia đình Sách, mặc dù chúng tôi chưa hề vi phạm, giữ sự trong trắng, tôi tôn trọng đời con gái của Sách. Nhưng có ai biết điều đó, khi mà đôi tình nhân sống chung với nhau ngày nầy qua ngày khác, mà không xẩy ra điều đáng tiếc? Cái khắt khe giáo dục của gia đình, cái ý thức trách nhiệm nặng nề về tinh thần, đã thắng sự đòi hỏi nhục dục của tôi. Tôi trở thành một người thánh thiện.
Sách về Đà Nẵng chừng vài tháng thì tôi nghe tin Sách sắp lấy chồng. Thú thật nghe tin nầy tôi rất bàng hoàng, tôi muốn gặp Sách để hỏi cho ra lẽ. Và khi đó tôi tiếc là không phá đời con gái của Sách cho thỏa mãn lòng tự ái của tôi. Lạy trời, cũng may mà tôi không làm điều đó, chứ nếu đã xẩy ra thì chắc tôi ân hận suốt đời. Cho đến bây giờ Sách vẫn còn kính trong tôi về chuyện nầy, hơn ai hết Sách biết tôi không muốn phá hoại đời con gái của Sách. Khi về Đà Nẵng tôi gặp Sách vài lần, tôi không thèm hỏi về chuyện lấy chồng của Sách. Tôi xem như đó là một chuyện không đáng cho tôi quan tâm, và từ đó tôi tránh gặp mặt dù tôi đã nhiều lần về lại Đà Nẵng thăm nhà. Tối một mình đi uống café thiếu Sách bên cạnh, tôi cũng cảm thấy buồn và cô đơn, nhưng tôi không thể làm gì hơn khi người ta muốn quên đi dĩ vãng, muốn quên sự hiện diện của tôi. Trong lúc nầy ở Huế tôi cũng có một người bạn gái cao ráo và đẹp hơn Sách, học trường Bồ Đề Thành Nội. Lúc đó tôi nghĩ có một ngày nào đó tôi phải đứng trước một sự chọn lựa giữa Sách và Nguyện, thế nhưng không ngờ rằng chính tôi là người bị gạt ra trước cuộc sống tình cảm của Sách. Tôi rất bực bội nhưng nghĩ cho cùng, cũng giúp cho tôi một lối thoát mà không mang tiếng phụ tình với Sách. Sau nầy, tôi cũng quyết định chia tay với Nguyện.
Ngày tôi bị thương nằm điều trị ở Tổng Y Viện Duy Tân thì Sách có đến thăm. Lúc đó Sách vừa mới sinh đứa con đầu lòng. Tôi thấy Sách khóc mà ngược lại tôi rất dửng dưng. Tôi cho rằng giọt nước mắt của Sách là vui mừng đã tránh được một tai họa. Nhiều đêm nằm nghĩ về Sách, tôi tự hỏi tại sao tôi nặng nợ với Sách nhiều vậy. Về phương diện thẩm mỹ thì nhan sắc của Sách không so bằng những cô bạn gái của tôi trước hoặc sau Sách, về phương diện tình cảm thì Sách là người hời hợt, không thâm trầm và phụ tình một cách trắng trợn, thế nhưng để lại trong đời tôi nhiều vết chém nhất mà vết sẹo nào cũng sâu và đau. Mỗi khi nghĩ lại thấy nó nhức nhối khó chịu nhất. Có lẽ Sách và tôi đến với nhau lâu dài, có nhiều kỷ niệm khó quên. Chính vì lẽ nầy nên gây ra chấn động ầm ỹ trong lòng tôi mỗi khi nghĩ tới. Tôi chuẩn bị đi Sài Gòn, thì Đức đến nhà cho tôi biết là chồng của Sách bị tử thương trên mặt trận Pleiku, và Sách chuẩn bị mang hai đứa con nhỏ về Đà Nẵng. Nghe tin nầy, thú thật lòng tôi không có chút xúc động vì từ bao nhiêu năm nay tôi gạt Sách ra hẳn mọi suy nghĩ của tôi. Tôi cho đây là chuyện thị phi không cần phải quan tâm tới. Thế nhưng khi ngồi trên máy bay tự nhiên hình ảnh Sách hiện lên trong đầu: Một người đàn bà góa bụa còn rất trẻ với hai đứa con thơ, nhào ra cuộc đời đầy sóng gió, đầy nhiễu nhương như vậy, thì làm sao chen lấn trong cuộc sống nầy cho nổi.
Tôi quên đi sự phản bôi của Sách, quên đi sự lọc lừa và trí trá thuở nào. Tự nhiên những thứ nầy xóa mất trong tiềm thức của tôi. Đọng lại trong lòng tôi là sự thương hại, tôi thầm cầu nguyện cho Sách vượt qua tất cả để sống trong bình yên, ổn định tâm hồn để nuôi con khôn lớn. Tôi không còn trách móc ai cả, tôi cho đây là một sự nhầm lẫn của tuổi trẻ mà không ai biết trước được. Tôi và Sách cũng chỉ là nạn nhân của chiến tranh, tôi bị thương trong cuộc chiến và vẫn còn hiện diện trên đời, mặc dù mất một phần thân thể. Còn chồng của Sách xem như xóa sổ vĩnh viễn trong cuộc sống. Hơn ai hết tôi hoàn toàn thông cảm cho cái đau rưng rức trong người của Sách phải gánh chịu. Cho đến bây giờ, khi tôi ngồi viết lại dòng hồi ký nầy, tôi xem Sách vẫn là người tình thuở nào, một người bạn thân thiết và là một người em gái đáng thương nhất của tôi.
Vài năm sau đó, tôi có dịp về Đà Nẵng thăm nhà. Tôi nhờ Đức, một người bạn cùng xóm thân thiết nhau từ nhỏ, chở tôi bằng xe honda lên Nam Ô thăm gia đình Sách. Chúng tôi đến bất thần vào bữa cơm trưa, bữa cơm thật đạm bạc. Cơm ghế khoai, một tô canh rau và vài con cá mặn. Vợ chồng con cái ngồi quanh mâm cơm hì hụp thật tôi nghiệp. Tôi nhìn Châu, người chồng của Sách sau nầy, thua tôi chừng vài tuổi, một thanh niên dễ coi và hiền hậu. Tôi yên tâm là Sách có thêm một gia đình cũng tạm ổn, mặc dù sự hối tiếc và trách móc của tôi về Sách vẫn còn mang trong đầu, chưa xóa được. Vài ngày sau, tôi có mời vợ chồng Sách ra nhà hàng dùng cơm, tôi thấy họ xứng đôi và tôi nghĩ chắc họ được hạnh phúc. Nhưng khi dùng cơm ngồi đối diện với Châu, tôi nhận ra một điều là Châu mang một mặc cảm vì nghèo, vì thua thiệt. Chính vì cái nghèo, cái thua thiệt đó mà phải lấy một người đàn bà có con, vợ mình là gái “nạ dòng”. Những điều nầy thì làm sao Sách biết được, Sách là một loại người chỉ biết hình thức, suy nghĩ hời hợt, không biết sâu thẩm trong lòng của chồng mình. Trong đầu óc của Châu khi sống với vợ có tôn trọng vợ không? Mà vợ chồng sống với nhau lâu dài, chỉ giây phút nào đó nhá lên ý nghĩ thua thiệt của mình, tại sao mình là thằng con trai lớn lên lại lấy một người đàn bà có con. Ngồi nói chuyện nhưng tôi nghĩ miên man, tôi nghiệp cho hai người sống trong một hoàn cảnh u uất, không ai chịu bày tỏ sự thật của lòng mình. Tôi là đàn ông nên tôi hiểu tâm trạng của Châu, cái u uẩn trong lòng mà không ai biết được. Đến một lúc nào đó không còn chịu đựng được, sợi dây tình lận đận kia sẽ bung ra. Khi còn ở Sài Gòn, tôi có gặp Thanh (em gái của Sách), có kể cho tôi nghe về chuyện gia đình Thanh không thích người chồng trước của Sách, chính Sách chọn lựa chứ không có gia đình xía vào chuyện nầy. Hình như trong ngày cưới có một chuyện gì đó xẩy ra đáng tiếc cho Sách, (tôi chỉ nghe Thanh kể mà không chú ý lắm, một phần cũng lâu ngày quá rồi nên chi loáng thoáng nhớ lại). Và người chồng sau nầy cũng không được gia đình đồng ý, nhưng không có cách nào ngăn cản lại được. Hơn nữa con gái mình cũng lỡ thời, nên không còn con đường nào khác chọn lựa. Thanh có nói thêm (hình như là để an ủi tôi chăng?) gia đình em thích anh hơn.
Tôi qua California thăm người chị bà con mới từ Úc qua. Chị cho tôi biết là vừa rồi có về Việt Nam thăm nhà, chị mới nghe tin Sách đã ly dị với người chồng sau, chị hỏi tôi có biết tin nầy chưa? Tôi lắc đầu. Không biết tại sao tôi không ngạc nhiên về chuyện nầy. Từ lâu tôi nghĩ rằng Sách sẽ không được hạnh phúc với người chồng sau nầy. Tôi có cảm giác như vậy, còn lý do vì sao tôi mang ý nghĩ nầy thì quả thật khó giải thích. Tôi nghĩ trong đầu Sách sẽ khổ hơn, sẽ gặp rắc rối hơn khi tiếp tục sống với nhau. Thà như vậy, đường ai nấy đi để giải thoát những bế tắc cho nhau mà không nói ra được. Sách đúng là người đàn bà cao số. Sau khi nghe tin tức không may của Sách về chuyện gia đình, tự nhiên tôi thấy thương Sách hơn. Suốt một cuộc đời lao đao với chuyện chồng con, chỉ có nước mắt âm thầm trong đêm, khóc cho người chồng nầy rồi khóc cho người chồng khác. Gần cuối cuộc đời sống trong lẻ loi cô quạnh. Đời một người đàn bà chỉ có một lần có quyền được chọn lựa, sơ sẩy xem như đi đong không thể trở lại. Sách nằm trong trường hợp nầy. Nói thế không phải vì Sách không chọn tôi nên mới gặp những trường hợp đáng tiếc xẩy ra. Biết đâu khi chọn tôi trường hợp xẩy ra còn thê thảm hơn thì sao? Cuộc đời dài lắm và cũng ngắn ngủi lắm, làm sao biết được chuyện gì sẽ xẩy ra.
Tôi đi Mỹ (1990) không có cơ hội gặp được Sách. Hình như tôi có gửi cho Sách một vài lần tiền nhờ người quen mang về. Nhưng sau đó thì bặt tin, tôi không liên lạc được do mất địa chỉ vì tôi dọn nhà đi nhiều lần. Gần hai mươi năm sau tôi mới có dịp gặp lại Sách khi tôi trở về Việt Nam thăm nhà vào dịp tết 2008. Không biết ai báo tin cho Sách tôi mới về. Một buổi tối sau khi dùng cơm với gia đình xong, tôi ngồi ở phòng khách xem tivi, thì đứa em vào báo có một chị bạn tìm tôi. Tôi nhìn ra ngoài hiên, ánh đèn mờ quá tôi không nhận ra Sách, mà thú thật Sách đổi khác nhiều quá. Bao nhiêu tai ương ụp xuống đời một người đàn bà, cộng với sự nghèo khổ, chăm lo cho gia đình và các con, đã làm cho Sách héo hon, tiều tụy. Sách khép nép nhìn tôi, trong một giây phút bất thần tôi không nhận ra được. Sau đó thì Sách cười tôi mới nhận ra. Nụ cười của Sách rạng rỡ tôi không bao giờ quên được. Vì mới gặp nhau chúng tôi chỉ trao đổi những thăm hỏi, khi đụng tới chuyện gia đình thì Sách bảo là buồn lắm để khi khác sẽ kể cho tôi nghe. Quả thật Sách không biết ở Mỹ, tôi đã biết về chuyện ly dị của Sách trước đây mấy năm.
Trong thời gian vào dịp Tết, tôi cũng bận rộn nhiều chuyện. Lâu ngày mới về nên phải đi thăm bà con chỗ nầy chỗ kia, đi thăm bạn bè. Thì giờ đi thăm thì không tốn mấy, nhưng sau khi gặp nhau thì uống với nhau vài ly rượu, sa đà vào chuyện nầy không còn thì giờ đâu để làm chuyện khác. Tôi có gặp Sách vài lần ngắn ngủi, những lần gặp nhau tôi chú ý tới một điều là Sách đã thay đổi tính tình rất nhiều. Đăm chiêu và nói chuyện cay đắng hơn. Có lẽ những đau đớn về chuyện đổ vỡ gia đình, đã cho Sách những bài học muộn màng về tình người, sâu sắc trong cuộc sống, thận trong trong giao tiếp. Đúng ra bài học nầy Sách phải biết trước đây vài chục năm, thì chắc rằng đã cứu vớt cuộc đời của Sách sau nầy. Không bị lún sâu trong những quyết định bồng bột, non nớt, để phải trượt chân trên đường đời một cách thê thảm như vậy. Mà cũng chính sự đau khổ nầy cho Sách nếm qua cái mùi “bội bạc” của người khác dán lên đầu mình, nặng hơn ngàn cân mà mình phải gánh chịu. Cái gì của Sách đối đãi với tôi ngày trước, bây giờ Sách nhận lấy cái hậu quả đau đớn gấp trăm lần mà tôi đã chịu. Những lọc lừa, dối trá, mà trước đây Sách đã dùng để đối xử với tôi, bây giờ người ta cũng dùng “chiêu” nầy để đối xử với Sách mà tàn nhẩn hơn, khốc liệt hơn. Ngày đó tôi yêu Sách thật, nhưng song song với Sách tôi cũng có người yêu khác. Mất Sách tôi cũng buồn nhưng tôi có Nguyện. Tuổi trẻ chuyện bồ bịch đến hay đi cũng bình thường, buồn một thời gian rồi quên ngay.
Một buổi tối tôi mời vợ chồng Đức và Sách đi ăn cơm và sau đó đi uống cà phê. Tôi ngồi nghe Sách kể về lý do ly dị với người chồng sau. Một lý do đơn giản là Châu đi chơi đâu đó, gặp một người đàn bà khác. Sau một thời gian ngắn thì Châu tuyên bố chia tay với Sách, về sống với người đàn bà kia. Sách nói với tôi là rất ngạc nhiên về chuyện nầy vì vội vàng và nhanh chóng quá. Thế nhưng khi nghe xong chuyện, tôi không ngạc nhiên. Chuyện Châu quyết định bỏ Sách cho đến thời điểm đó thì đã quá muộn, đúng ra chuyện nầy đã xẩy ra sớm hơn. Sách không nhìn rõ để thấy chuyện nầy. Lấy Sách nhưng lòng của Châu bao giờ cũng nhìn đi nơi khác, trông chờ có cơ hội sẽ buông tay với Sách ngay. Từ lâu nhìn Châu tôi đã thấy được chuyện nầy. Nhưng thôi đây chỉ là dự đoán của tôi, tôi mong rằng không đúng. Tuy nhiên Sách phải hiểu rõ một điều thực tế. Một người con trai khi lớn lên lấy vợ, ai cũng mong rằng người vợ của mình còn trong trắng. Nếu người vợ không dành cho chồng cánh hoa tươi rói đó thì người chồng có cảm giác mình bị cắm sừng. Huống gì đây người vợ đã có vài mặt con thì trong lòng họ cảm thấy bị thiệt thòi biết mấy. Châu ở vùng quê mùa, đầu óc không thoáng lắm, còn quan niệm lỗi thời và còn bị ràng buộc bởi gia đình cổ hủ. Tôi nghĩ khi Sách về làm dâu nhà nầy đã nghe tiếng chì tiếng bấc về chuyện nầy. Sở dĩ hai người có con với nhau nên nhẹ bớt đi cái chuyện xỉa xói của gia đình.
Đúng ra Châu nên có tấm lòng bao dung, hiểu được hoàn cảnh đau thương của vợ, mình lấy họ tức là mình đã cứu vớt cuộc đời của họ, phải sống với nhau bằng tình thương yêu. Nếu thấy rằng lòng mình không rộng lượng như vậy, thì từ đầu mình nên rút lui, để đừng gây thêm đau khổ cho mình và cho người khác. Sách thì không chịu hiểu cái điều thâm sâu bí hiểm đó, nên đau khổ và trách móc đủ thứ.
Trước khi tôi rời Đà Nẵng, Sách đến thăm tôi lần cuối. Có lẽ là lần đầu tiên tôi mới nghe Sách nhận xét về tôi. Sách nói trong nghẹn ngào: “Cuối cùng rồi em mới thấy được, không có ai yêu thương em bằng anh”. Tôi nhìn Sách và thầm nghĩ rằng: “Anh cũng không được như vậy, chỉ có chính em mới thương em”. Đến một cái tuổi nhìn cuộc đời trải qua những bon chen, danh lợi. Những tranh giành, hơn thua. Rồi đến một lúc nào đó ta thấy tất cả chỉ là trò hề. Chỉ còn đọng lại chút tình còn sống lại trong lòng. Hãy sống với nhau bằng thủy chung, chân thật. Tôi biết Sách cay đắng với đoạn đường đã trải qua, những nghiệt ngã giáng xuống đời một cách cay nghiệt, cũng bởi vì khi còn trẻ không trân trọng sự chân thật, chạy đua để nắm bắt được danh lợi, nên phải trả một giá rất đắt bằng chính cuộc đời của mình. Không ai có đủ quyền năng can thiệp được những chuyện nầy, nên khi nhận thức được thì đã muộn màng. Trước khi lên taxi ra về, Sách chạy đến ôm tôi, tôi cúi xuống hôn lên trán Sách rồi Sách lầm lũi lên xe. Đức và Thê đứng nhìn cảnh nầy cũng ngậm ngùi, rưng nước mắt. Tôi biết Sách khi lên xe sẽ khóc, nhưng biết làm sao hơn khi chính mình định đoạt cuộc sống của mình, thì mình phải lãnh hậu quả của sự quyết định đó.
Thăm Bạn
mười mấy năm xa lơ xa lắc
bạn phương đông, ta mãi trời tây
sáng chiều ngóng cổ về bản xứ
chỉ thấy quê mờ trong khói mây
tưởng chừng đời tối tăm mù mịt
mắt lem nhem khó đi tìm đường
tưởng chừng như đồi cao lũng thấp
gậy trúc mò theo bước chân vương
ta bước thấp bước cao tìm tới
bạn ung dung đời, nơi cao thâm
gặp nhau mừng quýnh quên chân quỵ
rượu cạn tình giữa chốn Phương Lâm
bạn sống như một tay hiền sĩ
gò lưng nằm hát giữa rừng già
thú tiêu dao đời như canh bạc
bạn tha hương, chính trên quê nhà
tuổi trẻ tàn theo đời khói lửa
chinh chiến nào không đốt ngày mai
bạn về giủ sạch tàn y cũ
như tiền nhân tìm mãi cổ lai
lục lại thăng trầm trong ký ức
đời nay còn thiếu những tay chơi
thì thôi về dựng căn nhà lá
để mai kia gượng sống với đời
thăm bạn một lần rồi đi mãi
ly rượu tràn môi một tiếng khà
bạn đãi ta, trải tình ra chiếu
lòng bạn, lòng ta, thấy xót xa
bữa nay, ta đã say cùng bạn
húp vội vàng chén cháo đưa cay
tiển đưa nhau chi bằng tri kỷ
hẹn một ngày sau trở lại chốn nầy.
Trên Đồi Hoa
ta khóc Kiều một đoạn đời
truân chuyên đổ xuống, nghẹn lời trách than
ta khóc em chuyện bẻ bàng
chôn vùi giữa chốn hồng nhan mịt mờ
ta còn đây một vần thơ
tặng nhau chỉ để bên bờ nhớ nhau
chuyện xưa như nước qua cầu
thì thôi xin giữ lấy câu ân tình
làm chim muông dậy bình minh
hót cho nhau khúc tận tình nhớ thương
em về tô lại phấn hương
xóa tan đi khúc đoạn trường năm xưa
lòng ta trãi rộng cho vừa
ôm em vào mộng, đong đưa vỗ về
thơ ta đọng chút tái tê
ru em ngủ giữa bến mê đời nầy
em nằm yên gác đôi tay
trên đồi hoa mộng cỏ cây lặng lờ
Cơn Hồng Thủy Của Người
như người vừa tỉnh dậy
nhìn cuộc sống hỗn mang
bao nhiêu niềm khao khát
chẻ xuống đòi lẩm than
người đi vào tuyệt lộ
thịt da cháy niền tin
mặt sạm đầy tủi nhục
mắt đục ờ điêu linh
trên vai oằn nỗi khổ
đè xuống từng oan khiên
lưng cong vòng khiếp nhược
xin một chút bình yên
đời như cơn bão dữ
tình như đám mạy bay
siết vào thân củi mục
giữa căn phần đoa đày
đứng trên triền khát vọng
cơn hồng thủy trào dâng
trời nghìn sao biến mất
đất mờ mịt lặng câm
thắp lên từng ngọn lửa
ngời sáng chốn nhân gian
giữa sơn cùng thủy tận
soi mặt tận tim gan
Nước Mắt Em
khi dòng nước mắt em
rơi xuống từng giọt nhỏ
ta lặng người đứng ngó
sao lòng thấy quặn đau
như chân bước qua cầu
quẩn quanh nhìn nước chảy
chim non còn bay nhảy
trên khóm trúc vui đùa
nước mắt em chợt vừa
lăn trên đồi hoa mộng
gió đong đưa lồng lộng
ngây ngất trái tim ta
em ngủ trong tay ngà
hay em vừa thức dậy
nước mắt em còn chảy
chờ khăn ta lau khô
đứng trong cõi hư vô
em hiện thân thánh thể
qua một thời dâu bể
em chính người, ta yêu
trong đôi mắt đăm chiêu
bóng em vờn trong gió
tay ta lùa trên cỏ
tìm một chút bình yên
mang trong người nỗi niềm
chợt vui như ngày hội
thì em ơi đừng hỏi
đi về đâu bây giờ
hãy sống như còn thơ
che đi dòng nước mắt
thoa phấn hương lên mặt
che đi chút buồn riêng
em, cô gái ngoan hiền
mà lòng đang mở rộng
để ta vào trú ẩn
hạnh phúc tỏa quanh đây.
Phan Xuân Sinh