Trần Hoài Thư

Tran Hoai Thu

Lữ Quỳnh, Bạn Tôi

Lữ Quỳnh là bút hiệu của Phan Ngô, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên-Huế. Thân phụ mất sớm, lúc một tuổi. Tuổi nhỏ phần lớn sống tự lập. Học sinh Quốc Học – Huế, 1959-1962. Dạy học, trường Bán công Vinh Lộc 1962-1963. Cựu Sĩ Quan VNCH (Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức, ngành HC Quân Y). Đơn vị phục vụ : *Tổng Y Viện Duy Tân – Đà Nẵng năm 1965-66. *Tiểu đoàn 22 Quân Y (SĐ22BB) – Bình Định, năm 1967-70, *Quân Y Viện Quy Nhơn, năm 1971-75. (tài liệu trên Internet)

Tôi và Lữ Quỳnh có nhiều điểm chung. Cùng năm sinh. Cùng cảnh hẩm hiu của một đứa bé không thấy mặt cha từ khi còn quá nhỏ, cùng học Quốc Học – Huế, cùng gốc lính sư đoàn 22 BB, cùng viết cho Bách Khoa, Ý Thức và bây giờ, cùng ở Mỹ, tiếp tục cùng văn chương chữ nghĩa.

Biết anh từ những bài thơ đầu tiên trên Bách Khoa. Thơ anh đăng khá sớm trên một tạp chí bề thế, lúc anh còn là cậu học sinh trung học. Nhưng thật sự cái giao tình bắt đầu từ năm 1967, khi tôi rời Thủ Đức về sư đoàn 22 BB tại Bà Gi để bắt đầu lao vào trận mạc. Đơn vị tôi là đại đội 405 thám kích, doanh trại nằm trên đồi, nép mình dưới ba ngọn tháp Chàm mà Chế Lan Viên đã xem như là biểu tượng của Điêu tàn qua tập thơ của ông thời tiền chiến. Còn đơn vị anh là một đơn vị quân y, doanh trại thì nằm ngay dưới đồi, về hướng Đông. Hai đơn vị dù khác nhiệm vụ nhưng hai đứa chúng tôi có cùng một mẫu số chung. Cùng viết văn làm thơ. Cùng viết cho Bách Khoa. Cùng đến từ xứ Huế. Dù thời gian này tại Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 22 BB có những cây viết cho Bách Khoa như Doãn Dân, Nguyễn Kim Phượng (tức là Hoàng Thị Bích Ni), nhưng tôi thân với Lữ Quỳnh nhiều hơn. Thứ nhất là tánh tình anh cởi mở. Thứ hai những ý nghĩ về văn chương xem như giống tôi. Chúng tôi không xem văn chương là đồ trang sức, mà ngược lại dùng văn chương để nói lên những tiếng kêu trầm thống của một thế hệ bị thua thiệt, bị ném vào lò lửa của chiến tranh.

Lúc bấy giờ, Lữ Quỳnh là một sĩ quan cấp úy. Nếu tôi nhớ không lầm, anh là Sĩ quan Phụ tá Hành chánh Quân y của tiểu đoàn. Với chức vụ ấy, anh được cấp một xe Jeep và tài xế. Còn tôi thì chỉ có “xe chân”. Cũng nhờ xe anh mà tôi được “quá giang” theo anh về Quy Nhơn sau khi đơn vị hết hành quân, hay được dưỡng quân. Thỉnh thoảng chúng tôi gọi nhau, và anh lái xe lên đồi hậu cứ của tôi, bốc tôi xuống một quán cà phê thị trấn ở An Nhơn, Đập Đá…

Anh là một mẫu người nghiêm túc, chững chạc. Anh không có một đam mê nào ngoài đam mê viết. Không phải như tôi, viết cẩu thả, viết thả dàn, viết có khi chẳng cần coi lại, trái lại anh viết rất chững chạc. Anh thai nghén một bài văn khá kỹ trước khi đặt ngòi viết xuống giấy. Một ví dụ là khi anh viết một truyện kể về những người đập đá, (trong truyện Bụi Đá), anh đã lái xe đến tận nơi, cố tìm hiểu, nhận xét về cảnh tượng… Hay truyện Bóng Tối Dưới Hầm, anh đã dùng những chất liệu có thật trong cuộc đời quân ngũ của mình để xây dựng.

Những ngày tháng ấy, chúng tôi cùng nhau viết, cùng nhau gởi bản thảo về Saigon.Chúng tôi viết trong không gian gào rú tiếng máy bay phản lực hay ì ầm tiếng nổ của bom hay cà nông vọng về. Chúng tôi viết dưới mái tôn tiền chế lạnh lẽo, âm thầm, bên cạnh những hàng dây kẽm gai, hay giao thông hào… Chúng tôi đã chuyển không khí chiến tranh, những vấn tra của người nhập cuộc, những tiếng nổ đầy bất trắc về Saigon. Chúng tôi đã thét gào đòi lại quyền của tuổi trẻ. Chúng tôi được các ngài ở Saigon phong cho là “những cây bút trẻ miền Trung”.

Trong những điều kiện khắc nghiệt, và trong những hoàn cảnh đầy đe dọa lên số phận, vậy mà Lữ Quỳnh vẫn viết. Viết đối với anh, theo tôi, là một đam mê, chứ không phải là trách nhiệm, hay “một cây bút là một sư đoàn” gì ráo… Tôi bỗng nghĩ đến một nhận định của Mai Thảo khi ông giới thiệu bài Bệnh Xá Cuối Năm của tôi trên Văn. Ông cho là tôi đã : “đặt sống thành suy nghĩ. Tự thành trong cô đơn”. Nhận định này rất đúng cho Lữ Quỳnh. Riêng tôi thì 60%. Còn LQ có lẽ là 100%.

Bởi vì mỗi bài viết của anh, dù là văn hay thơ đều bắt độc giả suy nghĩ. Bởi chúng là kết quả của những suy nghĩ của anh và anh muốn gởi lên trang giấy. Không những anh sống để viết. Mà sống để suy nghĩ và viết.

Tôi xin dẫn chứng một đoạn ngắn trong Những Cơn Mưa Mùa Đông mà tôi mở tình cờ một trang sách, để nhận rõ sự suy nghĩ này qua một nhân vật.

Đây là đoạn tả lại cảnh một ông lão rầy đứa cháu trai của ông vì tội dám lấy ná bắn vào cái dĩa sứ đẹp đẽ:

Mới ngày nào đây thôi mà – Ông già nói lầu bầu trong miệng – mày ngỗ nghịch quá, ai đời với chiếc dĩa đẹp đẽ như thế này mà mày dám dùng làm bia để bắn ná. Tao nghe một tiếng “bốp”, chạy ra, nhìn lên chiếc dĩa, nó đã rạn nứt như thế này rồi. Còn mày thì biến lẹ như một con còng chui sâu dưới vườn… Nghịch ngợm như mày, tưởng không bao giờ thành người lớn được chứ. Lại cái tội háu ăn nữa. Thế mà rồi mày không còn ở với tao, mày lại chết trong tư thế của người lớn mà. Tham gia, tham dự, tham gì gì đi nữa, rồi cũng chỉ có khổ cái thân già của cha mày thôi con ạ. [1]

Đọc đoạn trên ta hiểu ngay về cái ẩn dụ mà LQ đã gởi qua lão già. Cái dĩa là cái bia. Và hành động nghịch ngợm của thằng bé còn mang theo một tư thế của người lớn. Phải trong chiến tranh, người ta sẽ dùng bia người để nhắm. Để rồi “lại chết trong tư thế người lớn”…

Xin trích một đoạn khác, trong một truyện trước 75 của anh, để chứng minh là văn chương đối với anh là văn chương đầy những suy nghĩ, tra vấn đầy ý thức:

Từ “Chính gã khóc chứ không phải cái tôi mà gã chọn lựa, cái tôi không bao giờ mềm yếu, phản trắc, lầm lẫn ấy khóc cả.”

….Trong bóng tối của chiếc hầm chật hẹp, người đàn ông cố nhìn bàn tay mình mà vẫn không thấy nổi. Gã vừa nghĩ tới những kỷ niệm thật xa. Lúc này gã nhớ lại hình ảnh người nhạc sĩ nằm chết trên bến sông, gã đã khóc thật nhiều trên quãng đường công tác còn lại. Con tim bật máu làm trào nước mắt. Chính gã khóc chứ không phải cái tôi mà gã chọn lựa, cái tôi không bao giờ mềm yếu phản trắc lầm lẫn ấy khóc cả. [2]

đến: “Tiếng nói không biết có phải là của mình không nữa? “

….Trong bóng tối, thiếu nữ cảm thấy chới với khi nghe tiếng nói của người đối diện. Tiếng nói, chỉ có tiếng nói thôi. Ma quái quá sức. Tiếng nói. Trong căn hầm chỉ có tiếng nói và tiếng nói thôi. Thiếu nữ nghĩ mình cũng không còn nhận ra mình. Tiếng nói không biết có phải là của mình không nữa? [2]

Ngay cả bây giờ, anh vẫn đặt sống thành suy nghĩ. Dù cái bóng tối dưới hầm của ngày xưa chỉ còn là hoài niệm, nhưng cái bóng tối bây giờ vẫn còn vây phủ anh, đầy hiu quạnh và cô đơn:

thường có những giấc mơ
gặp gỡ bạn bè
những người bạn ra đi đã nhiều năm
nay kéo về
nói cười ấm áp

tôi rất vui
rất vui trong từng đêm như thế
để lúc tỉnh ra
ngồi một mình trong bóng tối
quạnh hiu. [3]

Bài thơ mới sáng tác, nhưng bóng tối vẫn là bóng tối. Dù ngày xưa hay bây giờ.
Nhưng cũng nhờ bóng tối ấy mà anh vẫn tiếp tục viết, tiếp tục sáng tác.
Nếu không, chắc đời phải là buồn lắm.
Phải không, Lữ Quỳnh ?
_______

(1) Truyện viết năm 1974, do Thư Ấn Quán tìm lại tại Thư Viện Cornell và được tái bản trong Tủ Sách Di Sản Văn chương miền Nam.
(2) Trích từ truyện ngắn Bóng Tối Dưới Hầm.
(3) Trích từ “Giấc Mơ” trong thi tập “Những Giấc Mơ Tôi” của Lữ Quỳnh do nhà xuất bản Văn Mới ấn hành năm 2013

Những Lời Thơ Xôn Xao

Ðêm nay tôi không ngủ được. Tôi cần được thức. Tôi cần được cõi đêm vỗ về tôi. Ngoài đêm, dù mùa hè đã vào tháng bảy, nhưng có tiếng gió vọng về, và cả tiếng xôn xao của lá, của bóng đêm.

Ðêm nay tôi chong đèn đọc thơ Luân Hoán, tập thơ kỳ lạ. Tập thơ đẩy đưa ở bến nào, đến đây, bắt tôi phải cảm động, phải thao thức, dằn vặt nhớ nhung. Có nơi nào, có tiếng gọi. Thi ca Luân Hoán và Thi ca. Thi ca và Luân Hoán. Hạt bụi là Thi ca. Thi ca là Hạt bụi. Ðất đá là Thi ca.Thi ca là đất đá. Cứ hạt bụi, cứ đất đá. Thử hỏi trong vũ trụ này ai đếm bao nhiêu hạt bụi, và ai đếm bao nhiêu Luân Hoán thi ca.

Hình như có một sự chuyển biến quá kỳ diệu trong tập thơ mới nhất của anh. Ðọc những tựa đề. lê thê, trải rộng, dịu dàng. Thơ 6,8. Ngay cả tượng cũng là thơ rồi. Chưa bao giờ tôi thấy một người thơ nào lại âu yếm cùng thi ca đến như thế. Tôi không nói đến chữ nghĩa như một số người đã bảo. Bởi Luân Hoán không phải là một phù thủy chữ nghĩa. Phù thủy chữ nghĩa chỉ là cái thùng rỗng, hay người kỹ nữ về già. Ðọc kêu to nhưng không thấm thía, không bùi ngùi, tha thiết. Với anh, tưởng như mọi thứ , mọi điều, mọi vật, nhỏ vô cùng như hạt bụi, to lớn vô cùng như trời đất vô lượng, tất cả đều có linh hồn và tất cả đều được thi ca gìn giữ.

như :
nhốt trăm tên gọi vào trong cặp
tưởng những tên kia đã của mình

như:
ngờ đâu lệ chỉ là vết đạn
lổ chổ lòng ta những xót xa

như :
quê hương nhắm mắt như sờ được

như :
trốn bao thương nhớ tôi ra phố
trăm ngã đường vào một trái tim
trái tim tôi vẫn là tên Ðà Nẵng

như :
hỡi con kiến lửa lạc bâng quơ

Ơi chú kiến lửa có lạc loài không nhỉ ? hay vơ vẩn rong chơi.Luân Hoán đã làm tôi xôn xao khi nhớ lại tuổi ấu thơ. Bây giờ tôi mới hiểu rằng tôi đã có bao nhiêu điều qúi báu nhất mà tôi đã bỏ quên từ lúc nào không hay.

Tôi đã kể một phần nhỏ những gì đã gắn bó trong thơ Luân Hoán. Thơ anh dạt dào đầy ắp những Việt Nam, Những Ðà Nẵng, Huế Sài gòn. Những ngã ba Huế, Hải Vân, huyện Quế Sơn, Câu Lâu, Hương An, Yến Nê, Hội An, Ngã Năm, Ðầm Dạ Trạch…Thơ anh cuốn làn mây mù đỉnh núi, “bờ tre chịu gió”, thẳng đường chim bay”,”nước xôn xao dưới cầu”. Thơ anh quê hương tăng thêm vẽ đẹp, tình yêu cũng âu yếm hạnh phúc bội phần. Thơ anh “mỗi hạt bụi đời như có máu” và gió thì ” thở nhầm hơi thở của em tôi” và “nước xô nhau như chạy trốn nhọc nhằn”. Thơ anh đất cũng được âu yếm : ” hốt giùm nhắm đất đưa ngang mũi, thử có hương giày sư đoàn 2 ” và mưa cũng tuyệt vời mộng mị “ước chi triệu hạt mưa rào, dắt dìu hồn sít rịt vào với nhau ” .

Người ta vẫn thường đặt thơ ở một nơi thật trịnh trọng. Nói đến thơ, người ta sẽ nói đến cái gì tốt đẹp, tuyệt vời, vượt xa cõi ô trọc thường tình. Với Luân Hoán, trái lại, thi ca gần kề với quả đất, cõi trần gian. Với anh, qua tập thơ không còn những kỳ thị một thời. Trái lại, tất cả được thăng hoa, giữ gìn, chẳng hạn qua bài Giặt Áo Quần Cho Vợ (Ngơ Ngác Cõi Người, trang 67), Luân Hoán đã viết những câu thật đẹp :

“trộn tình ta vào trong bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượn mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau

trông thau nước đục lờ những cáu bẩn
ta bỗng thương lớp bụi nổi màng màng
chúng là những nhọc nhằn em gánh chịu
nuôi chồng con dài năm tháng gian nan

vòi nước nhỏ chảy qua từng thớ vải
như chảy vào trong cùng tận lòng ta…”

Người ta nói nhiều đến người đàn bà Việt Nam với bao nhiêu ngưỡng mộ, khâm phục nhưng có vần thơ nào kể rõ hơn về cái nhọc nhằn, bất hạnh của người thiếu phụ “vò nhẹ nhàng bở lo sợ em đau”. Tôi nhắm mắt lại . Tại sao Luân Hoán lại dùng chữ nhẹ nhàng ? Thi ca cuồn cuộn ngay cả đến một thau nước bẩn, một cái vòi nước, một buổi trưa (có lẽ) người thi sĩ ngồi giặt quần áo cho vợ, thi ca không còn kỳ thị.

“vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau” Ở thơ Luân Hoán tình yêu đầy ắp. Yêu mọi thứ, mọi điều. Yêu sự đau khổ, nhục nhằn. Yêu hạnh phúc, yêu vật, yêu người, yêu hoa, yêu lá. Nhưng trang thơ của anh thảy đều bàng bạt tình yêu. Anh ướp chúng vào với tất cả độ lượng ngay giữa lúc người thi sĩ mạc vận nhất. Thật vậy, giữa lúc nước mất nhà tan, tội tù, giữa lúc anh mất đi một phần thân thể, anh vẫn :
“vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau”
hay vẫn :
ta sẽ đãi ta bát nước xanh
điếu Vàm Cỏ thở khói mong manh
rung đùi nhấm nhí niềm hạnh phúc
mừng trái tim ta vẫn trong lành
ta sẽ cười vui với trẻ con
da nhăn bụng ỏng ngẩn ngơ buồn
cho em bao thuốc làm giấy vụn
phân lượng nào cân được mến thương”

Hỡi các em nhỏ của Bình Minh, Tân Quới, Phong Ðiền, tôi đã gặp các em , đã đứng bên đường lắc cái chuông đồng mời gọi các em tới. Các em xanh xao, da nhăng bụng ỏng…

Hôm nào cây cà rem chảy tôi tặng các em, bây giờ tôi xin tặng các em bài thơ của một người. Bởi thơ luôn luôn tồn tại. Thơ sẽ sống mãi và giữ mãi nhịp cầu giữa em và tôi…

Trần Hoài Thư