Trần Việt Cường

Trn_Vit_Cng

Đêm Lạnh

đêm Giáng sinh có một người lặng lẽ
ôm nhớ nhung bên hang đá nguyện cầu
Chúa Hài đồng trong vòng tay Đức Mẹ
hiện xuống trần gieo bao sự nhiệm mầu

hòa niềm vui cùng bao người đón lễ
cúi xin Ngài ban ơn phước chúng con
đã bao mùa bước chân còn lặng lẽ
đón Noel với hoài vọng chờ mong

Người xa vắng bên góc trời mòn mỏi
trái tim buồn xao xác ủ hồn đơn
bóng soi hình vách lạnh rũ bên song
đêm lạnh giá có ai chờ ai đợi ??

Đêm yêu thương đêm an lành thánh thiện
trải tim hồng tha thiết với niềm tin
ngày hội ngộ thơ tình thôi lạc vận
rượu tương phùng chuốc cạn ngọt môi êm

và lại xin, cho con xin lần nữa
hồng ân Người ban bố khắp tha nhân
cho kiếp người chịu khổ đau lận đận
tự hỏi mình hạnh phúc đến hay chưa?

cuộc đời này còn gian nan chìm nổi
kẻ thiếu cơm người không chỗ nương thân
trẻ cơ nhỡ bôn ba cùng cơm áo
già tóc sương bên phố chợ lịm dần

giữa dòng đời co ro chìa tay với
chút quà thừa người qua lại quẳng cho
chỉ vậy thôi độ sinh ngày cũng đủ
mốt hay mai … cứ để một đời trôi

xin nhìn lại với tấm lòng rộng mở
chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau
đóa hồng tươi dưới ban mai rạng rỡ
tim thăng hoa nhân ái tuyệt dâng đời … .

Phiến Lá Thu Đau

Trong tận cùng nỗi đau khó tả
Em nhớ anh lặng lẽ dòng sông
Trôi bên đời chất chồng nghiệt ngã
Em rã rời anh nhớ em không

Thân lạnh giá lòng như nham thạch
Âm dương tương khắc nhức toàn thân
Có một lời em cần bộc bạch
Đau đáu riêng mình sợ phong vân

Gió và mây bay về đâu nhỉ
Em và anh xa cứ ngỡ gần
Làm sao biết thu vàng xứ mỹ
Lá có khô hay vẫn ngại ngần

Trên giường bệnh em mơ rất lạ
Thấy anh về như phiến là thu
Rơi thật nhẹ như là bất khả
Và tự dưng hun hút sương mù

Em sợ quá anh ơi! Em sợ
Chia biệt thu và những lời ru.

Sông Nghẻn

Sông ngưng chảy vì dòng tắt nghẽn
Như trong em uất ức nghẹn ngào
Đau thể xác cắn răng chịu được
Đau thâm tâm ai biết để dò
em cúi xuống thả lòng nham thạch
Chảy vào sông yêu dấu những ngày xưa
Sông tắt nghẽn lòng em cũng tắt
Người đi con sóng cũng đau lòng.

Trời vào Thu hay vẫn còn là Hạ
Mà sao nghe đau đáu nỗi niềm riêng
Mà sao nghe nhưng nhức những ưu phiền
Không, không thể
Trôi theo dòng vô vọng
Tờ lịch rơi còn ngón tay để tính
Như lá thu phai như mây bàng bạc
Vẫn còn giọt sương trên những nhánh sầu.

Lòng tự nhủ như Nai rừng thu vắng
Vẫn đạp lên xác lá vô hồn
Tiếng chuông vọng dội vào tâm thức
Gởi tình theo ngọn khói chiều bay.

Đau đau lắm
Nhưng lòng không ngưng nhớ
Sông nghẻn dòng vẫn còn những nhánh chia
Gởi về anh thư đi bốn phía
Biết phía nào anh ngắm khói chiều lên.
Em quặn thắt chờ nghe sông chảy
Để dòng không cạn nước sóng dồn thêm.

Nhớ Lá Me Bay

em ơi cài lại kim thoa
điểm trang xuống phố rong chơi xem nào
cùng anh đi dạo vài nơi
nhặt thêm kỷ niệm cho đời thăng hoa
tính anh vốn rất thật thà
thích khoe em với ngườ ta ấy mà
anh khoe với bạn gần xa
phong trần anh vẫn có ngà ngọc đây
chúng mình vui giữa ngàn cây
bóng me cường để che mây nhốt ngày
khi em cười ngỡ hoa bay
anh hôn thật nhẹ cũng ngây ngất tình
môi êm mắt biếc làm thinh
sau làn kính trắng có hình anh không
hay là chỉ có mênh mông
vì em vẫn nhớ người chưa trở về.

nếu là như thế em ơi!
thì anh xin hóa ghế ngồi mời em
vì là ghế đá không êm
nhưng dù sao cũng đỡ đêm lẫn ngày.
nếu lỡ chiều nay mưa bay
anh là dù lớn che đầy vai em.
cho em trọn vẹn chờ thêm
mặc anh chết ngất giữa đêm âm thầm.

buồn như chuyện vỡ nguyệt cầm
người yêu người bước, em lần theo sau.
em theo cho đến bạc đầu
dù đường dẫn đến tận cầu tử sinh.

nụ hôn em giữ riêng mình
dù anh sương khói lụy tình mong manh.

Chờ Nhau
Vẫn Mãi Chờ Nhau

đêm sâu mưa nhỏ giọt buồn
bên hiên lạnh giá xót lòng nhớ nhau
vầng trăng khuất bóng còn đâu
để vần thơ cũng gục đầu ngủ quên
về đâu ngày tháng mông mênh
trái tim tù tội buồn tênh giữa đời
buồn tôi lệ nhỏ không lời
hoa tàn héo rũ vẫn mời tay ai
ngậm ngùi xuân đã tàn phai
gió mưa vùi dập lá lay sóng nhồi
chỉ còn một chút tình thôi
em xin trao nốt tặng người phương xa
cuối đường về giữa sân ga
chuyến tàu mòn mỏi người qua chưa về
chờ nhau dù phải ê chề
chờ nhau dù trải qua mê sảng đời….

Mai Về Gầy Lại Cuộc Chơi

mặc làn khói trắng giữa hơi thở buồn
anh là thuyền nhỏ không buồm
trôi theo sóng gió dỗi hờn riêng mang
mai về thuyền nát thân tàn
vẫn lên tiếng gọi nhập đàn cùng em
chỉ là sợ em lại quên
vì thời gian chẳng lạ quen với người
thời gian oan nghiệt em ơi!
mặc ai cười khóc mặc đời tang thương.

Chỉ mong em mộng bình thường
Mai về chăn chiếu đêm trường có nhau
Ta xây lại mộng ban đầu
Cho dù bạc tóc áo nhàu cũng cam.

mai về chung bóng đường mưa
vầng trăng năm cũ vẫn chưa nhạt màu
đêm dài thôi khóc tình sầu
bên anh như thưở ban đầu mới yêu
không còn soi bóng hắt hiu
trước hiên sân lạnh phủ rêu đợi chờ
hình như gió động đường tơ
ru câu tình tự lời thơ đậm đà
trao nhau dấu ái ngọc ngà
dù cho nắng đã xế tà bên hiên
dìu nhau quên hết ưu phiền
bóng hình chung đổ chiều nghiêng giao hòa…

Trần Việt Cường

Trần Văn Sơn

Tran Van Son

Đổ Quyên

Chỏng chơ sàn gỗ trên cây
Mái che tàn lá sương vây chỗ nằm
Đong đưa nhịp võng ru thầm
Đỗ quyên khóc bạn trăm năm sống còn
Tréo chân tính nhẩm thiệt hơn
Non cao chờ gió suối nguồn chờ mưa
Lang thang lạc dấu rừng xưa
Vực sâu ngậm ngãi hương đưa tìm trầm
Khách xa nghìn dặm khó thăm
Đành thôi lỗi hẹn tri âm kiếp này
Chỏng chơ lều rẫy trên cây
Đong đưa nhịp võng bóng mây cuối trời

Hồi Sinh

Gặp gỡ vài lần kẻ lạ người quen
Bên cốc cà phê bên ly rượu đế
Mái dột cột xiêu hẩm hiu bàn ghế
Bạn tả tơi ta rách nát ngậm ngùi
Gánh hỗn mang hề thân thế chôn vùi
Lủi thủi ven đời giả vờ câm điếc
Kẻ lạ người quen khóc ta vắt kiệt
Khô máu tim thành phế liệu trần gian

Gặp gỡ vài lần kẻ lạ người quen
Hiểu sao thấu cội nguồn sông và núi
Núi và sông gieo mầm cây tội lỗi
Hạt nhân sinh mê muội giấc mơ người
Khánh kiệt niềm tin thất lạc nụ cười
Sông bỏ núi non xa dần nguồn cội
Kẻ lạ người quen khóc ta phản bội
Quên rừng sâu làm đom đóm thiêu thân

Gặp gỡ vài lần hẹn gặp trăm năm
Hiểu sao thấu chuyện ba ngàn thế giới
Thế giới quẩn quanh người lui kẻ tới
Lớp vong thân lớp mạt vận khốn cùng
Thế giới quẩn quanh mạch suối nguồn sông
Hiểu chưa thấu bóng trăng vờn bóng nước
Hiểu chưa thấu ra sao ngày tận tuyệt
Phút hồi sinh tìm chốn cũ quay về.

Tứ Tuyệt

1. Uống Rượu Một Mình

Nhà vắng. Bàn không. Chiếc lá phơi
Uống khan ly rượu nghẹn bờ môi
Gục đầu nhìn xuống bàn tay bẩn
Cát bụi vườn ai lấm chỗ ngồi

2. Chờ Xe Búyt Tại Trạm El Monte

Đường trăm vạn nẻo. Xe như nước
Một ngả đứng chờ xe búyt chơi
Đường đi. Đường đến. Đường xuôi ngược
Chỉ một đường thôi đủ rát người

3. Về Thăm Mộ
Thuyền Nhân Tại Đảo Galang
(Gửi hương hồn em tôi Nguyễn Thị Thắng)

Biển. Đảo. Rừng sâu. Vạn nấm mồ
em tôi còn một mảnh xương khô
Thương thay hồn trẻ thời quỉ loạn
Thuyền có chở về bến tự do

4. Khất Sĩ

Tâm động khó về nơi ẩn dật
Tìm vào hang núi bế thiền môn
Thử làm khất sĩ ôm bình bát
Lẩn thẩn đồng hoang nhịp trống dồn

Tháng Tư
Và Trần Hòa Bình

Tháng tư con chào đời
Di tản thuyền thay nôi
Con nằm ôm vú mẹ
Biển động mưa đầy trời

Con mười lăm ngày tuổi
Sốt cao sẩy đầy người
Con nằm thoi thóp thở
Thuốc chữa bầu sữa tươi

Ấp yêu vòng tay mẹ
Lớn khôn ngàn trùng vây
Gầm cầu thương xó chợ
Chiếu rách thương vòm cây

Mẹ mơ ngày đoàn tụ
Dưới mái nhà thân yêu
Bên chồng con cha mẹ
Bên bếp hồng cơm rau

Ba mơ ngày yên giặc
Đặt tên con HÒA BÌNH
Hòa bình đâu chẳng thấy
Thấy khổ sai nhục hình

Khoảnh khắc 37 năm
Con thành công dân MỸ
Khốn khó bỏ sau lưng
Miền viễn tây hùng vỹ

Các con ngày mỗi lớn
Sống cuộc đời thảnh thơi
Nhớ tháng tư tang tóc
Di tản thuyền thay nôi

Ba mẹ ngày mỗi già
Theo nội ngoại không xa
Con còn một TỔ QUỐC
Bên kia dải ngân hà

Nhớ lời ba mẹ dặn
Sống phải biết cội nguồn
Con da vàng máu đỏ
Sữa mẹ nuôi lớn khôn

Nhớ lời ba mẹ dặn
Nhân loại một mái nhà
Gia tài con sẽ nhận
Sống TÂM ĐẠO mẹ cha

Xuân Vọng

Bay bay cánh diều
Gió chiều thu muộn
Hoa nở cánh yêu
Dập dìu bướm lượn

Em buông tay thả
Diều lảo đảo bay
Bướm hoa rời rã
Tàn tạ bờ mây
Rơi mưa tầm tã
Cánh diều đứt dây

Ôm diều khóc hận
Hận cách ngăn sông
Bên kia tả ngạn
Hữu ngạn chung dòng

Có người khách lạ
Nối nhịp cầu xưa
Nhịp cầu nghiệt ngã
Phơi xác nắng mưa
Tả ngạn đổi mùa,
Máu xương mục rã

Nối sợi dây diều
Nối niềm hy vọng
Em thả cánh yêu
Bướm hoa rung động
Bay bay xuân vọng
Bay bay xuân đời

Cuối Năm

Cho anh quá giang chuyến tàu cuối năm
Tàu rời sân ga sớm hơn mọi lần
Em chưa kịp mời anh ly trà ấm
Chỉ kịp nhìn nhau ánh mắt lạc thần

Tàu rời sân ga bỏ em một mình
Phố vắng quạnh hiu con phố lặng thinh
Em đếm bước đếm từng cây cột điện
Đường về nhà em con đường gập ghềnh

Anh còn gì đâu ngoài tấm thẻ bài
Tặng em dư âm một thời khổ nạn
Chuyến tàu năm xưa vào vùng lửa đạn
Chuyến tàu năm nay không hẹn ngày về

Tàu rời sân ga anh xuống trạm gần
Nếu em thật lòng nghẹn ngào tiễn biệt
Mỗi lần ra đi chập chùng oan nghiệt
Di sản điêu tàn thân phận tả tơi

Đường về nhà em con đường xa xôi
Con tàu về đâu nhân gian nổi trôi
Một chỗ tịnh yên cho người khuất mặt
Điểm hẹn riêng ta góc bể chân trời

Cho anh quá giang chuyến tàu trăm năm
Đi về thong dong giữa ngàn tinh tú
Để anh cùng em đất trời vũ trụ
Gom cả mênh mông hơi thở chung đời

Lá Kinh

Loay hoay góc nhà nghỉ mệt
Vườn sương lũ bướm chập chờn
Ngân nga hồi chuông vĩnh biệt
Chuông chùa cố xứ Thiên Sơn

Chờ xe bên đường niệm Phật
Lao xao phố khói bụi mờ
Gương kinh soi ngang tầm mắt
Soi xa tận cõi nguyên sơ

Thăm rừng nghe chim nói Pháp
Ngẩn ngơ gió núi mây ngàn
Tờ kinh che vòm lá thấp
Nhẩn nha bầy sóc họp đàn

Tỉa cây nghe hoa đọc kệ
Trầm tư hương chữ ngọc trầm
Lá kinh mở trang nhất thể
Hạt gieo đất mới nẩy mầm

Mưa Xuân

Này em yêu anh chỉ chừng ấy tuổi
Chừng ấy năm chưa vội phải xa đời
Thêm tí nữa chờ xem cơn gió thổi
Gió xoay chiều xô dạt đám mây trôi

Này em yêu gió nói lời thú tội
Mây của trời và mưa của biển khơi
Anh đã nói trăm ngàn lời thú tội
Rất dịu dàng như thuở mới yêu nhau

Tuổi chúng ta cận kề bờ sinh tử
Thêm một ngày thêm chút bụi trần gian
Hoa nở muộn hắt hiu miền đất cũ
Bên hiên đời còn đọng giọt mưa xuân

Này em yêu gió bảo ta đừng vội
Biết bao giờ, chờ mãi, ngọn Đông phong
Mây che kín khung trời xưa mòn mỏi
Phút cuối đời thèm một miếng quê hương

Tiễn Bạn
* Tặng Vũ Uyên Giang

Đập vỡ ly tiễn bạn đêm nay
Rượu hòa máu hận thấm khăn tay
Bạn lên miền ngược nuôi mộng lớn
Ta cất lều tranh dưới tán cây

Bạn cười gằn thế sự đảo điên
Anh hùng mạt vận cố ngoi lên
Đập ly – ly vỡ đau lòng nước
Bỏ mặc trần gian một chiếc bàn

Bạn gửi ta bao cát biệt giam
Áo tù may ấm lạnh mười năm
Vợ con biết có còn lưu lạc
Cát bụi chung thân chọn chỗ nằm

Tặng bạn ba lô thời tử thủ
Băng rừng lội suối vượt trường sơn
Dường về ngắn nhất con đường cũ
Sông núi vùng lên lẽ sống còn

Ta bạn lính – tù chung số phận
Thịnh suy thành bại vẫn còn nhau
Nay xa mai gặp đâu là bến
Buồn nhớ sân ga trễ chuyến tàu

Mình ta ôm góc núi bơ vơ
Loay hoay vạch lá lối sương mờ
Đường về trăm nẻo mà ngăn cách
Có cách ngăn nào không ngẩn ngơ

Phát rẫy trồng rau nhổ sạch cỏ
Tóc râu tua tủa tựa người rừng
Chân tay mọc rễ vùng đất khổ
Khỉ vượn ôm con hú gọi đàn

Ta khắc lời thề trên thớ gỗ
Tháng tư ngày ấy bảy mươi lăm
Tháng tư hủy diệt đời trai trẻ
Huyệt mộ phơi sương trắng lăn trầm

Ngồi soi bóng suối đợi trăng lên
Sợ lâu ngày quên mất họ tên
Vọc nước mơ Vũ Môn cá vượt
Lều tranh đom đóm kết hoa đèn

Ta đốn rừng cây xây thành lũy
Dựng biên cương núi thẳm vực sâu
Mai kia thiên – địa – nhân tri kỷ
Ta bạn về đây ở tuyến đầu

Phương Sen

(Tặng Phan Bá Thụy Dương)

Góc núi thiền sư thơ thẩn
Lang thang tìm cội mai già
Bàn đá cờ bày một ván
Chờ người xa tít cõi xa

Vớt rêu phơi trên đầu gậy
Khều mây kiếm chút nắng vàng
Vách đá trơ vơ cành gẫy
Với tay hứng giọt sương tan

Rong chơi cuối đời chưa hết
Hỏi trăng mượn gốc đa già
Dựa lưng ven rừng nghỉ mệt
Suối còn xa tít cõi xa

Vọc nước soi gương rõ mặt
Phương sen khói sóng mịt mù
Ngó tới , nồng nàn hương đất
Qua sông bỏ lại con đò

Lửng thửng tìm về đáy vực
Ghé thăm cỏ nội mây ngàn
Biết đây bên bờ địa ngục
Ru hời khúc hát nhân gian.

Đêm Nằm
Phòng Cấp Cứu
Bệnh viện Garden Grove

Tôi bay trên tôi nhìn tôi nằm
Nhìn tôi tôi gọi tôi lặng câm
Tay chân mắt mũi dây chằng chịt
Còn mỗi vành tai mắt nhắm nghiền

Vợ con bè bạn khóc quanh tôi
Tôi hỏi tại sao không trả lời
Mất nước không lo lo khóc lóc
Sá gì chiếc lá cuối mùa rơi

Tôi bảo nhà thương trả tôi về
Nước non ngàn dặm bước chân quê
Mấy ông bác sĩ bày trò khỉ
Soi-Rọi đau lòng cái tử thi

Hãy trả tôi về với cái tôi
Xác kia mượn tạm sống qua đời
Dại khôn nhắm mắt là ra lẽ
Sao trói thân tôi một chỗ ngồi

Kẻ sĩ chở đời trong sách vở
Tôi nhập đời trong cái tỉnh điên
Bùi Giáng thả thơ ra giữa chợ
Vểnh râu khều nhẹ lão tặc thiên

Quanh quẩn bên tôi hồn uổng tử
Mộ bia hiu hắt thế nhân sầu
Nghĩa trang vắng bóng người sương phụ
Hương khói thôi đành lỡ vó câu

Tôi bay vượt khỏi xác thân tôi
Thanh khí siêu nhiên mất dấu người
Lý Bạch say thơ trêu chọc nguyệt
Rong thuyền uống cạn chén trăng chơi

Tỉnh dậy ngẩn ngơ hình bóng cũ
Tôi đây-Lạ hoắc tiếng kinh cầu
Hôm qua Bến Hải mưa vần vũ
Hôm nay nằm bệnh quê nhà đâu

Bè bạn thở phào tôi còn sống
Sống thêm một tuổi càng thêm buồn
Lời thề sông Dịch không tròn mộng
Nát óc tìm về cõi Xả-Buông

Vợ con mừng khóc tôi còn sống
Sống thêm một tuổi khổ đời nhau
Thà làm bọt nước tan trong sóng
Giỡn với trùng dương vạn kiếp sau

Uống Rượu Tại Nhà Lê Hùng
Với Trạch Gầm , Thiết Trượng, Lê Phi Ô,
Phan Bá Thụy Dương, Vương Trùng Dương…

Rượu rót tràn ly nâng ly cạn
Lực kiệt thân tàn vạn nỗi đau
Càng uống nhìn nhau càng khóc hận
Giày Saut chưa dẫm nát rừng sâu

Rót thêm ly nữa mời bạn hiền
Chưa say sao mắt bạn rưng rưng
Thám sát tử sinh trong lòng địch
Sá gì ly rượu buổi tàn đông

Chiến trận bày ra trên bàn rượu
Bình Long- Quãng trị- Chiến khu Đ
Pleiku- Bình giã- Đồi Bão Đại
Tráng sĩ đi không hẹn ngày về

Quanh quẩn bên ta hồn chiến hữu
Về đây gặp bạn chiến trường xưa
Sống gửi thác về , nâng ly rượu
Ta bạn chung lưng gió chuyễn mùa

Sĩ khí có ai hơn Khương Thượng
Đành buông câu sông vị chờ thời
Đồng đội đứa còn thằng mất tích
Hài cốt phơi xương trắng núi đồi

Về đây mờ mịt khói sương vây
Quỉ ám đường quê mắt lệ đầy
Sông núi hỗn mang người và thú
Đất xông âm khí dậy trời mây

Tàn tiệc chỏng chơ bàn ghế lạnh
Găp nhau thoáng chốc vội chia tay
Bạn về ta ở đời hiu quạnh
Râu tóc bạc phơ tiếp nối ngày

Tiệc tàn chẳng lẽ tàn theo tiệc
Còn triệu con tim vạn tấm lòng
Còn triệu con tim chung nhịp đập
Vùng lên đồng lực dựng non sông

Trần Văn Sơn

Trần Văn Lương

Tran Van Luong

Phải Chi Ngày Đó…

Xa nhau cuối độ thu tàn,
Trăm năm giọt lệ trễ tràng còn vương.

Dạo

Ngụm khói vỡ lau mặt người trắng bệch,
Mẩu thuốc tàn cấn lệch nửa vành môi.
Chiều lao chao, chân vấp váp liên hồi,
Đường nghĩa địa, nắng lôi thôi buồn tẻ.

Ngôi mộ mới nằm im lìm quạnh quẽ,
Người thẫn thờ lặng lẽ đứng trầm ngâm,
Sau ánh mắt lặng câm,
Nỗi hối hận vẫn âm thầm lấp ló.

Em yêu dấu, phải chi ngày xưa đó,
Anh biết rằng sẽ có cảnh hôm nay,
Thì chúng mình đã chẳng phải chia tay,
Chẳng gánh chịu lắm đọa đày cách trở.

Ba năm cơm đường cháo chợ,
Anh quắt quay khổ sở đêm ngày,
Tự mắng mình quên hạnh phúc trong tay,
Chân khờ dại miệt mài theo ảo vọng.

Ba năm thả mồi bắt bóng,
Ngông cuồng mơ biển rộng trời xa,
Để giờ đây, lòng chua xót nhận ra,
Thiên đường chính là mái nhà duyên nợ.

Anh đã trách oan em làm đổ vỡ,
Những gì mình gây dựng thuở hàn vi,
Đâu biết rằng giọt nước cuối tràn ly,
Là kết quả của những gì đi trước.

Phải chi anh biết được,
Rằng suốt ngày em xuôi ngược đó đây,
Trở về nhà khi anh đã ngủ say,
Cũng vì bởi tương lai bầy con nhỏ.

Phải chi anh hiểu rõ,
Lý do làm em cãi cọ cùng anh,
Thì nhà mình đâu lâm cảnh chiến tranh,
Khi hai đứa khăng khăng giành phần thắng.

Nhìn cha mẹ oang oang lời cay đắng,
Đàn con rụt rè như rắn mùng năm,
Níu tay nhau, rón rén kiếm chỗ nằm,
Mắt ti hí lén thăm dò cuộc chiến.

Việc phải đến cuối cùng rồi đã đến,
Anh lạnh lùng đề xướng chuyện chia tay,
Bao ân nghĩa sâu dày,
Vì nông nổi, phút giây đành tan rã.

Rồi mỗi người mỗi ngả,
Đàn con tất tả theo em.
Anh một mình, cuộc sống mới dần quen,
Mừng tưởng sẽ chóng quên ngày tháng cũ.

Nhưng qua những chuỗi đêm dài mất ngủ,
Nhìn ánh đèn, ủ rũ nhớ người thân,
Đếm tháng năm theo lá úa rơi dần,
Anh chợt thấy mình sai lầm nghiêm trọng.

Ôm gối lẻ, lòng thẹn thùng với bóng,
Thoáng ngậm ngùi nghĩ đến mộng đoàn viên,
Thầm mong câu tha thứ của vợ hiền,
Mơ vực dậy chút tình duyên đã chết.

Nhưng đau đớn, trời xanh kia khắc nghiệt,
Anh bàng hoàng khôn xiết lúc nghe tin,
Em đơn côi một tối bỏ gia đình,
Bỏ con cái, đăng trình về chốn ấy.

Phải chi anh biết vậy,
Thì đã không lần lữa bấy lâu nay,
Để khi anh chua xót muốn giãi bày,
Thì em hỡi, tiếc thay đà quá trễ.

Anh xớ rớ một mình trong tang lễ,
Họ hàng xem anh như kẻ qua đường,
Mỉa mai nhìn những giọt lệ tiếc thương,
Đang lã chã cuối chặng đường hối lỗi.

Anh nào dám mong gia đình thứ tội,
Vì dù cho sám hối đến bao lần,
Cũng không sao chuộc lại được một phần,
Những sai sót, lỗi lầm anh mắc phải.

Xưa trót lỡ gây nên điều oan trái,
Phút giây này, đành trọn hái buồn đau.
Chỉ khi mình đã vĩnh viễn mất nhau,
Mới hiểu được thế nào là ly biệt.

Gió lạc bước rên từng hồi thê thiết,
Nghĩa trang nhờ, người mỏi mệt lang thang.
Cành cây khô, trong tiếc nhớ trễ tràng,
Nhẹ rải xác lá vàng trên mộ mới.

Cái Nốt Ruồi

Kim đồng hồ đeo tay chỉ đúng 1 giờ 10. Thế là lớp học đã bắt đầu được 10 phút. Lại trễ nữa! Nhìn về phía cánh cửa đang mở rộng của giảng đường Hội Hữu của trường Văn Khoa, tôi tần ngần không biết có nên vào lớp hay không. Chẳng lẽ “cúp cua” thêm một bữa? Tôi đã trốn lớp mấy ngày rồi vì cái tội la cà các quán cà phê nên tới trường trễ.
Tôi ngần ngại không muốn ngất ngưởng đi vào lớp một mình, một phần vì thấy kỳ kỳ và một phần sợ bị thầy nhớ mặt và ghi tội, một điều hơi phiền toái nếu phải thi vấn đáp vào ngày cuối khóa. Tuy nhiên nếu bỏ học nữa thì cái lương tâm bèo nhèo của tôi sẽ bị cái hàm răng giả của nó cắn… nhột không chịu được. Hơn nữa, nghỉ nhiều thế thì không biết bài vở sẽ ra làm sao. Các Đại Học miền Nam hồi đó rất thiếu giáo sư và thường thường một số thầy phải “chạy” trường. Các đại học cố gắng sắp xếp thời khóa biểu làm sao để các thầy chỉ tới trường vài lần trong mỗi lục cá nguyệt. Mỗi lần như thế, các thầy đều ở lại nhiều tuần liên tiếp, dạy dồn dập mỗi ngày nhiều giờ cho hết chương trình. Vì thế, chỉ cần cúp cua một ngày là sinh viên sẽ lội bì bõm cho đến cuối khóa. Do đó, tôi bèn nghiến chặt răng, đầu cúi thấp, nhẹ nhàng bước vào lớp và ngồi vào hàng ghế trống cuối cùng. Tôi nhìn lên bục, thầy đang hăng hái giảng bài và hình như không chú ý đến tên sinh viên đi trễ. Tôi thở phào nhẹ nhõm, và bắt đầu láo liên cặp mắt quan sát các hàng ghế chung quanh. Hầu hết mọi người đều chăm chú nghe giảng bài và tôi chỉ thấy được phía sau hay cùng lắm là một bên khuôn mặt của mỗi người.

Tôi bỗng như chạm vào đường dây điện cao thế khi ánh mắt quét tới hàng ghế bên cạnh. Người con gái, mặt mày nghiêm trang lạnh lùng như một bức tượng bằng thạch cao, mắt nhìn thẳng về phía bục giảng bài, chăm chú theo dõi lời thầy. Tôi quả là không nói ngoa khi bảo rằng khuôn mặt của cô gái giống như bức tượng. Tôi chỉ thấy được phần nghiêng của khuôn mặt vì thủy chung nàng không hề quay về phía tôi, dù chỉ là trong một vài giây ngắn ngủi. Nét mặt nhìn nghiêng thật là thanh tú với sống mũi cao và thẳng nằm ngay dưới một khuôn mắt mang nhiều nét Tây phương. Làn môi không dày không mỏng được khép một cách hờ hững, và khóe miệng về phía tôi hơi nhếch lên một tí. Và đặc biệt nhất, ngay trên khóe miệng đó, có một cái nốt ruồi to gần bằng nửa hạt đậu đen. Vì không nhìn thẳng đuợc khuôn mặt cô gái nên tôi không thể biết được là nốt ruồi đó làm tăng hay giảm sắc đẹp của “bức tượng”. Mặc dù thế, nhìn nghiêng, cái nốt ruồi cộng thêm cái khoé mép hơi nhếch lên và cái sống mũi thon nhỏ có một sức quyến rũ thật là mãnh liệt. Và do đó, thay vì nghe thầy giảng bài, đầu óc của tôi lúc nào cũng gởi trọn về khuôn mặt bên cạnh, trong khi bên ngoài vẫn làm ra vẻ chăm chú nhìn về phía trước. Thỉnh thoảng tôi giả bộ ngọ nguậy uốn mình cho đỡ mỏi lưng và liếc nhanh về phía trái, chỉ đủ để thấy cái nốt ruồi đậm màu trên một làn da trắng bóc, nằm chênh chếch trên bờ môi mọng đỏ. Ôi, màu sắc sao mà hoà hợp một cách lạ kỳ. Chưa bao giờ tôi thấy ba màu đỏ, trắng và đen đi với nhau một cách tuyệt diệu như thế! Tất cả lại lồng trong ánh nắng chiều xanh như màu nước chè tươi của mùa thu Đà Lạt. Trời ơi, không lẽ Thiên đàng lại ở trong lớp học nhỏ bé này sao? Tôi bần thần theo dõi một cách kín đáo người hàng xóm “Trời cho” này. Trước mặt nàng, cuốn sách mở sẵn trên bàn được đều đặn lật qua trang mới, đi rất sát với lời giảng của thầy, mà cô nàng thủy chung không cần liếc xuống nhìn vào sách. Tôi thầm nghĩ trong bụng rằng cô bé này giỏi thật, và cũng bắt chước nàng lật sách như một cái máy. Hễ nàng lật là tôi lật, mặc dù chẳng biết, và cũng chẳng thắc mắc, mình đang ở trang nào.

Khi tan lớp, vào khoảng 5 giờ chiều, nàng là người rời lớp học sau cùng. Tôi ra trước và phất phơ đứng hút thuốc ngoài sân, mục đích là sẽ lẽo đẽo theo sau để tìm xem “hang cọp” ở chỗ nào. Cuối cùng cái bóng áo dài trắng thướt tha cũng rời lớp và thong thả đi về hướng nhà thờ Năng Tĩnh. Nàng hình như không hề biết là có một gã đầu trâu mặt ngựa đang dở trò trinh thám theo sau. Nàng đi thẳng vào nhà nguyện, và… dĩ nhiên tôi cũng vào theo. Nàng tiến đến gần bàn thờ và quỳ ngay hàng ghế đầu tiên trước cung thánh. Tôi chỉ dám thu mình trong chiếc ghế cuối góc nhà thờ để nhìn lên, không có can đảm tiến tới phía trước. Không hiểu tại sao mỗi khi “định mệnh run rủi” tôi phải vào nhà thờ, tôi chỉ thấy thoải mái khi được ngồi ở hàng ghế sau cùng vì, thú thật, mỗi lần nhìn lên Chúa trên cây Thánh Giá tôi thấy ngài ngại làm sao, có lẽ vì mặc cảm rằng mình là kẻ ngoại đạo và tự cảm thấy mình quá ư là bê bối. Nàng quỳ im lìm, đầu hơi cúi xuống. Mái tóc kiểu Sylvie Vartan màu đen tương phản với màu trắng của chiếc áo dài. Ánh sáng lờ mờ do tia nắng chiều èo uột xuyên qua những khung kính đục rơi lên trên hàng ghế nàng quỳ tạo thành một bức tranh đen trắng lung linh huyền ảo. Nàng miệt mài cúi đầu cầu nguyện, mặc thời gian trôi qua một cách chậm rãi đến sốt ruột. Đúng là Trời hại tôi, “bức tượng” của tôi chẳng những có đạo mà còn là một con chiên quá sức ngoan đạo! Than ôi, số tôi thật là khổ! Điệu này lại phải mất công đi làm quen một vị linh mục hay một vị nữ tu nào để xin học đạo. Cái món giáo lý coi bộ hơi khó nuốt đối với tôi. Trong suốt thời gian gần chục năm nội trú ở trong một trường đạo, tôi chỉ nhớ được có mỗi một điều là Đức Chúa Trời có 3 Ngôi, còn 3 Ngôi như thế nào thì mù tịt. Nếu bị hỏi ép quá thì đành giở trò bài bây: ngôi thứ nhất là “Mỏa”, ngôi thứ hai là “Toa” và ngôi thứ ba là ”Lủy”…

Nhìn đồng hồ tay đã thấy gần 7 giờ tối mà “bức tượng” vẫn không nhúc nhích, tôi đành phải bấm bụng rời nhà nguyện để tới quán ăn cơm tháng cho kịp vì không muốn phải mất ngủ vì bao tử trống không. Với cái lạnh của đêm khuya Đà Lạt, cảm giác đói bụng không phải là một điều dễ chịu, mặc dù đối với những sinh viên nghèo như tôi, cái cảm giác này đã trở thành một người bạn thân thiết.

Và từ đó trong vòng bốn tuần lễ liên tiếp, ngày nào tôi cũng tới lớp, ngồi hàng ghế cuối cùng, sau “bức tượng” một hàng, lén lút chiêm ngưỡng trong thầm lặng cái nốt ruồi tai hại, và khi tan lớp lại lếch thếch đi theo nàng lên nhà nguyện. Nhiều lúc tôi cũng có ý muốn bước nhanh lên để gợi chuyện làm quen, nhưng khi thoáng liếc qua gương mặt lạnh như ly cà phê sữa đá trong một buổi sáng Đà Lạt, bao nhiêu can đảm đều theo khói thuốc Bastos Quân Tiếp Vụ bay lên nhập vào đám mây dày đặc của bầu trời thu xám xịt. Và ngày nào cũng như ngày nấy, đến giờ cơm tối nàng vẫn còn gục đầu cầu nguyện, tôi lại đành phải thầm tạm biệt nàng để đi săn sóc cái bao tử lép kẹp của mình. “Thương em thì thương rất nhiều” nhưng “anh phải sống”, em ơi!!!

Bạn bè tôi nhiều người ngạc nhiên khi thấy tôi lên nhà thờ mỗi buổi chiều sau lớp học mà không hiểu nguyên do. Tôi nhủ thầm thật là may mắn khi cái lũ quỷ sứ này không phát giác ra mục tiêu của sự theo đuổi của tôi. Chỉ cần một đứa biết thì cả đám ôn thần dịch vật này sẽ làm rùm beng lên, thậm chí còn có đứa dám tìm cách gài bẫy để tặng cho tôi nhiều cú đau đớn. Vì biết thế, nên tôi càng cẩn thận hơn không dám theo nàng quá sát và cũng không dám liều lĩnh làm quen. Một điều làm tôi ngạc nhiên là hầu như trong lớp, ngoài tôi ra, không ai để ý đến nàng cả. Có thể là quan niệm về thẩm mỹ của tôi khác với mọi người, hay là mắt mũi của tôi kèm nhèm chẳng nhận ra được nỗi lòng thầm kín của những kẻ chung quanh. Không tìm được câu trả lời thỏa đáng, và cũng không dám tâm sự cùng ai, tôi đành bỏ không thèm thắc mắc thêm làm chi cho mệt xác.

Hôm nay là ngày cuối cùng của khóa học. Trên đường tới lớp, tôi tự nhủ chiều nay thế nào cũng phải gợi chuyện với nàng cho bằng được, sống chết gì cũng phải làm cho cóc mở miệng. Đây là cơ hội cuối cùng. Nhưng khi bước vào lớp, tôi choáng váng như bị ông thợ rèn gần nhà nện cho một búa vào đầu: nàng không có mặt trong lớp! Điều này có vẻ không ổn tí nào. Ngày học cuối thường là ngày quan trọng nhất vì các thầy đều cho biết những chi tiết quan trọng liên quan đến kỳ thi cuối khóa. “Bức tượng” đã có mặt trong tất cả các buổi học, mà lại vắng mặt ngày hôm nay, đó là điều tôi không thể tưởng tượng được. Suốt mấy tiếng đồng hồ, tôi như người mất hồn, không biết và không nhớ được một lời nói nào của thầy. Quanh đi quẩn lại trong óc cũng chỉ có ba điều: nốt ruồi đen, bờ môi đỏ và màu da trắng mà thôi. Tôi cứ lẩm nhẩm mãi một câu hát không biết nhặt được từ một xó xỉnh tối tăm nào của mấy quán cà phê: “Em ơi, bây giờ em ở nơi đâu…”

Vừa tan lớp, tôi tức tốc chạy lên Năng Tĩnh. Nhưng than ôi! Nhà nguyện hoàn toàn trống trơn, chỉ có Chúa nhìn tôi và tôi… không dám nhìn Chúa! Vắng nàng, cung thánh bỗng rộng mênh mông và lạnh lẽo như hồn người trinh nữ bên hồ Than Thở trong buổi chiều đông. Tôi gục đầu vào lưng hàng ghế trước, đầu óc trống rỗng. Mắt nhắm lại, tôi cố hình dung lại trong đầu khuôn mặt lạnh như tiền của nàng và cái nốt ruồi yêu dấu nằm trên khóe môi được nhếch lên một cách ngạo nghễ. Đang nhắm mắt lơ mơ, tôi bỗng có cái cảm giác là tôi không phải là người duy nhất trong nhà nguyện. Ngẩng đầu lên, tôi chợt thấy nơi hàng ghế đầu tiên, chỗ nàng thường quỳ trong mấy tuần qua, hình bóng của một vị nữ tu trong bộ áo dòng đen và tấm khăn che đầu phủ xuống ngang lưng. Tôi bàng hoàng tự hỏi, chẳng lẽ đó lại là nàng! Phi lý, nàng không thể là một nữ tu được, tôi không muốn thế! Vì chỉ thấy được phía sau lưng, nên tôi không biết hư thực ra sao. Nhưng cái tư thế quỳ, cái dáng đầu hơi cúi xuống sao mà giống quá. Dù trong lòng xốn xang, nhưng tôi không dám đường đột đi lên gần cung thánh để nhìn mặt. Giá chi đừng có bộ áo dòng thì khung cảnh sẽ y hệt như mấy tuần qua: Một người con gái nghiêm trang quỳ cầu nguyện ở phía trên, và một chàng trai cuối nhà thờ ngồi nghĩ hươu nghĩ vượn…

Và cũng như cũ, gần 7 giờ tôi lại phải luyến tiếc rời nhà thờ để đi lo phục vụ cho cái bao tử lép kẹp của tôi.
Thế rồi cái điệp khúc này được lặp đi lặp lại mỗi ngày sau đó. Không biết tôi bắt đầu biết cầu nguyện từ lúc nào, nhưng một hôm tôi chợt bắt gặp mình đang lẩm bẩm: “Lạy Chúa, xin cho con được gặp lại nàng và nhất là cho nàng đừng phải là bà Soeur! Chúa muốn con làm gì, con cũng sẵn sàng làm hết, trừ việc… bắt con đi tu.”

Một ngày kia, có lẽ vì thương tình hay vì quá mệt mỏi với lời cầu xin bá láp của tôi mà Chúa đã động lòng trắc ẩn. Mới vào khoảng 5 giờ, vị nữ tu đã đứng dậy, làm dấu Thánh giá và quay người đi ra. Trong ánh nắng ảm đạm của buổi chiều Đại học, tôi bỗng nhận ra khuôn mặt quen thuộc. Cả người tôi như đóng băng. Chẳng lẽ đó là “nàng” thật ư? Quả là tai hại bạc triệu. Còn đang bàng hoàng, thì “nàng” đã đi ngang, và… Chúa ơi, “nàng” nhìn con và mỉm cười gật đầu chào!!! Không biết cái cảm giác được lên Thiên đàng như thế nào, nhưng tôi dám chắc là không thể hơn được nỗi sung sướng của tôi lúc đó. Nếu có ai hiện diện nơi đây, họ sẽ phải phì cười vì cái bản mặt ngờ nghệch và lơ láo của tôi, vốn dĩ đã xấu xí và đần độn hơn người. Như cái máy, tôi đứng bật dậy và lẽo đẽo đi theo “nàng”. May quá, không gặp bất kỳ ai trên đường. Vừa qua khỏi quãng đất trống trước nhà thờ và đến đầu con đường dốc nhỏ trải nhựa nằm giữa giảng đường Hội Hữu và Thư Viện, “nàng” đứng lại chờ tôi. “Nàng” quay nhìn tôi, ánh mắt hơi ngời lên một tí tinh nghịch, và nhẹ nhàng bảo:
– Có lẽ là anh lầm tôi với chị Thanh!

Tôi ngơ ngác lẩm nhẩm trong miệng hai chữ “chị Thanh” và quan sát kỹ khuôn mặt của người đối diện. Cũng khuôn mặt trái soan đó, cũng cái mũi nho nhỏ thanh tú đó, cũng bờ môi thắm đỏ và hơi cong lên ở bên mép… Nhưng kìa, ơ hay… Như đoán được ý nghĩ của tôi, vị nữ tu giải thích:
– Nhiều người cũng lầm tôi với chị Thanh như anh. Chúng tôi là hai chị em ruột, và giống nhau như hai giọt nước, chỉ khác nhau có một điểm là chị Thanh có cái nốt ruồi trên mép phải.

Quả thế thật, trên da mặt mịn màng của vị nữ tu tôi không thấy một cái nốt ruồi nào cả. Thật là bé cái lầm. Trong sự ngỡ ngàng bối rối, tôi lại cảm thấy lóe lên một tia hy vọng nhỏ: Biết đâu Thanh không có đi tu, và chỉ có cô em này làm Soeur mà thôi! Nhưng niềm hy vọng của tôi không kéo dài được lâu. Vị nữ tu kể tiếp:
– Hai chị em chúng tôi là con của một ông trùm xứ tại một họ đạo di cư gần Ban Mê Thuột, và đều đi tu tại dòng Mến Thánh Giá ở trên tỉnh. Chị Thanh được nhà dòng gửi tới đây đi học, và chị ấy đã trở về lại nhà Chúa. Chị có nói chuyện với tôi… về anh.
Tôi giật mình. Chết chửa, thế mà cứ tưởng là “nàng” không biết những chuyện ruồi bu của tôi.
Vị nữ tu lại lém lỉnh nói tiếp:
– Chị Thanh nhờ tôi nhắn với anh là ráng quên chị ấy đi và cố gắng học hành vì ngày thi sắp đến và nếu anh trượt thì sẽ bị đi lính đấy. Chị nhờ tôi tặng anh một tấm hình của chị để anh cầu nguyện cho chị mỗi khi nhớ đến chị.

Tôi thẫn thờ cầm lấy tấm ảnh đen trắng vị nữ tu trao cho, và chua xót nhìn khuôn mặt của người đẹp của tôi đang tươi cười trong bộ áo dòng ủi thẳng nếp ngày khấn tạm. Hỡi ơi, khuôn mặt đó, bờ môi đó, và cố nhiên cái nốt ruồi thân yêu đó… tất cả sao mà xa xôi cách trở. Tôi lí nhí nói lời cám ơn và vội vàng nhét bức ảnh vào túi áo blouson khi nhác thấy mấy thằng bạn trời đánh của tôi đang từ phía Thư Viện đi tới. Chúng cố tình đi ngang chỗ tôi đứng nói chuyện với vị nữ tu, nhìn phớt qua hai đứa, cất tiếng cười khúc khích với nhau và nháy mắt với tôi một cách rất ư là đểu giả. Vị nữ tu vẫn tỉnh bơ làm như không để ý đến, mỉm cười nói lời từ biệt và đi về hướng cổng Viện. Tôi đứng đó ngơ ngác nhìn theo cho đến khi bóng dáng chiếc áo dòng đen đã khuất sau lưng giảng đường Minh Thành.

Tôi lang thang quanh khu Năng Tĩnh một lúc rồi tất tả trở về cái phòng trọ lạnh lẽo ở đường Hàm Nghi. Việc đầu tiên khi vào phòng là lôi tấm hình ra ngắm nghía và kẹp cẩn thận vào giữa cuốn Thánh Kinh trên bàn trước khi đi ăn tối. Cuốn Thánh Kinh này do một thằng bạn vừa mới theo đạo Tin Lành tặng cho tôi, với mục đích dụ tôi theo đạo của hắn. Mỗi lần gặp mặt là hắn cứ bảo tôi phải đọc cuốn sách này. Tôi cũng ráng chiều ý bạn nhưng chẳng bao giờ đọc hết được một trang trước khi hai mí mắt sập xuống. Sau này bị hắn thúc quá, tôi bèn nổi quạu và bảo hắn: “Sách gì mà đọc chán thấy mồ tổ, thua truyện Kim Dung xa. Thế này mà mày cứ bắt tao đọc hoài thì làm sao tao đọc được. Hôm nào rảnh, tao sẽ đem trả cho mày để mày cho người khác!”. Từ đó tôi ít có dịp gặp lại hắn và cũng quên chưa trả lại cuốn sách. Đó là lý do tại sao một kẻ ngoại đạo như tôi lại có cuốn Thánh Kinh nằm trên bàn học.

Vừa bước chân vào quán ăn, thì cả đám lâu la đã chờ sẵn và thi nhau pháo kích:
– Ối giời ơi, cái thằng ông nội này hết chuyện làm rồi hay sao mà lại đi tán tỉnh kẻ tu hành như thế này…
– Ê con trai, coi chừng xuống Hỏa ngục đó con ạ…
-“Khen cho con, mắt tinh đời!”. Em đẹp như Ma Xơ, cắc cắc bùm…
– Cái nốt ruồi trên mép quả đáng đồng tiền bát gạo…

Tôi giật bắn mình. Cái nốt ruồi? Làm gì có cái nốt ruồi? Không biết thằng này đào đâu ra cái ý tưởng về cái nốt ruồi. Chẳng lẽ chúng nó biết mình lẽo đẽo theo sau nàng từ trước mà đến giờ này mới nói? Tôi cứ loay hoay mãi với ý nghĩ này thành ra không biết sau đó chúng nó còn tung ra những điều gì tệ hại hơn nữa.

Cắm đầu cắm cổ nuốt vội vàng cho xong phần ăn, tôi bay về nhà trọ, để nguyên áo quần leo lên giuờng nằm thừ ra suy nghĩ. Tôi ôn lại trong đầu từng lời của cô nữ tu. Không biết cố ý hay vô tình mà vị nữ tu đã cho tôi biết những chi tiết thật là đáng giá: Ông bố làm trùm xứ một họ đạo di cư, hai chị em đi tu ở nhà dòng Mến Thánh Giá Ban Mê Thuột… À, tại sao mình không điều tra thêm thử xem sao. Tôi chợt nhớ ngay đến Hoa, cô em họ của tôi. Hoa là con của bà dì ruột tôi, chơi rất thân với tôi lúc nhỏ. Lớn lên, Hoa lấy chồng Công giáo, và theo chồng về ở họ đạo Hà Lan B thuộc giáo phận Ban Mê Thuột. Tôi có thể nhờ Hoa điều tra giùm về hai chị em Soeur Thanh (Trời ơi là Trời, chữ “Soeur” đọc lên nghe đau lòng quá!). Tôi hy vọng là cùng đạo với nhau, Hoa có thể cho tôi nhiều chi tiết hữu ích về hai “người đẹp” này. Tôi hăng hái choàng ngồi dậy, viết một lèo xong bức thư cho Hoa, chạy qua bà chủ nhà mượn con tem và ba chân bốn cẳng bay ra bưu điện tống ngay vào thùng thư chính.

Nắng chiều buồn như cỏ úa. Tôi uể oải rời nhà thờ mà lòng mềm oặt như cọng bún thiu. Con đường trở về nhà trọ sao mà lê thê và những tuần lễ chờ đợi sao trôi qua quá chậm chạp. Mỗi buổi chiều tôi đều lên Năng Tĩnh, với hy vọng mong manh là được gặp lại “Cái Nốt Ruồi” hay em gái nàng. Nhưng than ôi, bóng chim tăm cá! Tôi đâm ra thù cái ông thi sĩ Tàu vớ vẩn nào đó đã nói một câu rất ư là vô duyên lãng xẹt: “Giai nhân nan tái đắc”. Điểm an ủi duy nhất cho tôi là quý Cha và Frères, mà tôi thỉnh thoảng xui xẻo gặp mặt ở trong khuôn viên nhà thờ, càng ngày càng tỏ ra có cảm tình với thằng bé “ngoan đạo”! Các ngài đâu có biết rằng người mà thằng bé ước tìm gặp là “nàng”, chứ không phải Chúa của các ngài. Tuy thế, tôi vẫn phải luôn làm mặt tươi cười để đáp lễ lại những cái nhìn khuyến khích và khen thưởng của các ngài. Tôi nghĩ thầm trong bụng rằng phải chi các Cụ cầu nguyện Chúa cho tôi được gặp lại “nàng” thì có phải là quý hoá hơn không! May quá, các ngài không thấy được ý nghĩ này trong cái đầu đen kịt của thằng quỷ sứ! Về đến nhà, sắp mở cửa phòng trọ thì tôi nghe tiếng gọi của bà chủ nhà:
– Cậu Văn ơi, có thư.

Nhìn thấy tên người gửi là cô em họ tôi từ Ban Mê Thuột, tôi mừng rơn, mừng còn hơn cả lúc nhận được mandat từ nhà mỗi đầu tháng. Chạy vội về phòng, khóa kín cửa lại, tôi xé vội phong bì và đọc ngấu nghiến bức thư của Hoa dưới ánh đèn điện vàng vọt của phòng trọ:

Ban Mê Thuột ngày…
Anh Văn mến,

Sau đây là những chi tiết về Soeur Thanh mà anh đã hỏi em: Em rất thân với gia đình Soeur Thanh, vì Bác Trùm Xuân, bố của Soeur Thanh, là ông bác họ của nhà em. Bác được gọi là Ông Trùm, vì bác ấy đã từng là Trùm Xứ của họ đạo Hà Lan A, cách họ đạo Hà Lan B của em không mấy xa. Không hiểu sao anh lại nói gặp em gái của Soeur Thanh, vì bác Trùm chỉ có một người con duy nhất là Soeur Thanh mà thôi…

Tôi giật nẩy mình, linh cảm có điều gì hơi bất thường. Sau ít giây sững sờ, tôi đọc tiếp:

Bác Trùm cho Soeur Thanh đi tu ở Dòng Mến Thánh Giá Ban Mê Thuột từ khi Soeur được khoảng 12 tuổi. Đến năm 18 tuổi, Soeur đậu Tú tài II. Sau khi vào nhà tập khoảng một năm và sau khi khấn tạm, Soeur được nhà Dòng gửi đi học ban Cử nhân Triết tại Viện Đại Học Đà Lạt của anh đó. Em đã được gặp Soeur rất nhiều lần. Soeur rất đẹp và dễ thương. Đặc biệt nhất là cái nốt ruồi trên khoé môi của Soeur làm cho Soeur hết sức có duyên.

Cách đây mấy tháng (vào khoảng đầu tháng Mười), bác Trùm gái bỗng nhiên đau nặng, sợ không qua khỏi, nên Soeur phải lật đật rời Đà Lạt để về thăm mẹ lần cuối. Không ngờ trên đường về nhà, xe đò bị trúng mìn gần Ban Mê Thuột và tất cả mọi người trên xe đều tử nạn…

Trời ơi! Tôi bàng hoàng buông tờ thư, ngồi phịch xuống thành giường, hồn xác tê dại. Tôi cố nhớ lại, đầu tháng Mười chính là lúc tôi nhìn thấy Soeur Thanh lần đầu tiên trong lớp học. Chẳng lẽ… Tôi từ xưa vốn không tin chuyện ma quỷ, nhưng giờ đây tự nhiên cảm thấy xương sống hơi lành lạnh. Đang lơ mơ thì cánh cửa phòng trọ, mà tôi nhớ đã khoá lại sau khi vào, bỗng dưng tự động mở ra. Không biết có phải là do thần hồn nhát thần tính hay không mà tôi có cảm giác mình vừa thoáng thấy một bóng đen vụt ra khỏi cửa và tan dần vào trong những tia nắng xanh xao của buổi chiều đông Dalat.

Và chợt như do linh tính, tôi chồm tới bàn học, chụp vội cuốn Thánh Kinh, mở ra để tìm tấm ảnh. Tấm ảnh vẫn còn đó, nhưng bây giờ… đã thành một tờ giấy trắng. Khuôn mặt của người trong ảnh, mà tôi còn thấy rõ ràng ngày hôm qua, đã hầu như hoàn toàn biến mất. Tất cả chỉ còn lại một chấm tròn đen nho nhỏ nằm ở vị trí cũ của cái nốt ruồi duyên.

Quyển Lịch Vơi

Dạo:

Vừa dứt tiếng oa oa,
Nửa đời đã vụt qua.
Tuổi già hoa mắt đỏ,
Vò võ kiếp xa nhà.

Tần ngần ngắm quyển lịch vơi,
Bâng khuâng sống lại một thời đã qua.
Rời vòng tay ấm mẹ cha,
Mon men dọ nẻo bướm hoa dập dìu.

Lời tình vụng dại chắt chiu,
Năm canh mắt trũng nâng niu bóng sầu.
Rong chơi nắng dãi mưa dầu,
Ngày say ánh mắt, đêm đau tiếng cười.

Sân trường én lả oanh lơi,
Một mình lặng đứng nhơi nhơi cọng buồn.
Nương nhờ chút nắng hoàng hôn,
Hoàng hôn lịm tắt, xác hồn chỏng chơ.

Giã từ sách vở tuổi thơ,
Đường xa định mệnh chực chờ đã lâu.
Lang thang núi thẳm rừng sâu,
Mịt mùng khói lửa biết đâu ngày về.

Một cơn hồng thủy não nề,
Đưa chân mấy bận, tái tê bấy lần.
Chăm chăm ngày tháng xoay vần,
Đành hanh con tạo khép dần cuộc chơi.

***
Bồi hồi gỡ quyển lịch vơi,
Lại thêm nữa một phần đời ra đi.
Đóng khung dĩ vãng làm vì,
Cuối đường luân lạc còn gì trong tay.

Khật khùng nửa dại nửa ngây,
Cùng bầy tóc trắng mượn say giết sầu.
Sống về đâu, chết về đâu,
Quê hương đã mất, bể dâu sá gì.

Sống còn chi, thác còn chi,
Còn chăng nỗi nhớ thương ghi đậm lòng.
Thương về một dải non sông,
Từ lâu bất hạnh nằm trong tay người.

Canh khuya nếm hạt sương rời,
Nghẹn ngào nhớ đến phương trời đã xa.
Bao năm nước mắt mẹ già,
Đầy hơn mưa lũ rót qua ruộng gầy.

Con nay đất khách dạn dày,
Đôi chân mỏi mệt, gót giày xót xa.
Đăm đăm dõi lối quê nhà,
Đớn đau nhìn ánh sao sa cuối trời.

***
Bùi ngùi đốt quyển lịch vơi,
Dường như có tiếng à ơi vọng về.

Chiều Đua Với Nắng

Dạo

Mai kia nắng trở về đây,
Biết chăng lữ khách chiều nay không còn.

Đường thon thon nét bút,
Lộ trình dài, hun hút bóng xe thưa.
Người nôn nao vớt vát ánh dương thừa,
Cố đến đích khi ngày chưa tắt nắng.

Cánh đồng hoang bằng bặn,
Cây khô lẳng lặng giật lùi.
Con bò khờ cặm cụi lui cui,
Bòn vét chút ngọt bùi trong cỏ áy.

Bon bon xe chạy,
Nóng nảy nắng về xa.
Hai kẻ không nhà,
Cùng bôn ba chung lối.

Trời chông chênh sụp tối,
Giật mình bối rối nhìn quanh.
Đường thiên lý lạnh tanh,
Người chán nản nhẹ quành ra ngõ vắng.

Chiều chạy đua với nắng,
Dù ai thắng ai thua,
Cũng là chuyện vui đùa
Vô ích tựa giữa mùa thu đếm lá.

Con chim nhỏ lạnh lùng trên tảng đá,
Mỉa mai nhìn người khách lạ băn khoăn.
Chốn trần gian vốn đã sẵn nhọc nhằn,
Sao vẫn mãi lăng quăng mua phiền khổ.

Kiếp sống tạm, khác nào manh áo cũ,
Mặc lâu rồi, cũng phải giũ quăng đi.
Người dù may, ít gặp cảnh sinh ly,
Nhưng tử biệt trước sau gì cũng đến.

Đời mỗi người mỗi bến,
Đã lên bờ, quyến luyến cũng bằng không.
Hãy để mặc con sông
Đưa định mệnh đi về trong tĩnh lặng.

Dòng lịch sử bao năm dài đằng đẵng,
Chốn phù du, nào kẻ thắng người thua,
Nào công hầu, nào giặc cướp, nào vua,
Ai thoát được lời thiên thu réo gọi?

Đêm luống cuống, mây vật vờ trôi nổi,
Sương mệt nhoài, gió rối thổi miên man.
Ảo vọng vỡ giòn tan,
Người hoang mang dụi mắt.

Dĩ vãng đà khuất mặt,
Bằn bặt nẻo tương lai.
Chỉ còn đây thân xác cũ rạc rài,
Gượng lê lết trên lối dài hiện tại.

Trăm năm nữa, nắng kia còn trở lại,
Người hôm nay mãi mãi sẽ không còn.
Họa còn chăng một nấm đất cỏn con,
Cùng mảnh đá đã mòn phai nét chữ.

Trần Văn Lương

Trần Thiện Hiệp

Tran Thien Hiep

Nhớ Bạn Thương Mình
Rồi Cũng Vậy

rót rượu một mình
chiều quê mưa rả rích
nhớ đến bằng hữu kẻ mất người còn
bạn một đời khuất bóng hai phần ba
trong như ngoài nước lâu không gặp
đọc báo tin buồn… thế là xong!
hoả táng. lên đồi. về hư ảo
tro cốt. mồ bia. tên dần quên
Thanh Nam – Mai Thảo – Trần Cao Lĩnh
Nguyễn Hiền – Phan Nghị – Ngô Mạnh Thu
Lê Ðình Ðiểu – Kim Tuấn – Ðỗ Ngọc Yến
Vũ Ðức Vinh – Hoàng Anh Tuấn – Ðào Mộng Nam…
giang hồ bốn biển tìm vắng ngắt
cuộc vui trần thế thiếu người chơi
tuổi trời vai nặng đâu còn trẻ
ngày tháng vèo theo khói thuốc bay
chữ nghĩa văn chương
chiều bảng lảng
cái gánh trần ai đã nhẹ tênh
tiếc mấy hồng trần
thì cũng vậy
cổng trời nơi đến chẳng còn xa
muốn làm hành giả tay gậy trúc
lên chốn non cao ngồi hát nghêu
vươn tay mây trắng ngang cành lá
bậu bạn trăng ngàn với suối reo.

Bạn Già Sau
Cuộc Đổi Đời

mười ba năm sống với quê
vui trong cái khó, đam mê cái tình
bạn xưa vẫn bạn của mình
tiên ông bị đọa nẩy sinh chán đời

gặp nhau đấu chuyện biển trời
“triết gia thời cuộc” luận lời chua cay
tuổi già rượu ít cũng say
Số quân không nhớ, số giày cũng quên

bạn văn đi Mỹ mấy tên
điểm danh vanh vách chẳng quên ông nào
tác phẩm in ấn ra sao
điện thư biết rõ. cấm trao gởi về

văn chương thắc cổ ông chê
chữ nghĩa bồi bút: thơ khê, văn nhàm
bạn già ta ngựa bất kham
một lòng kiên định không làm văn nô

buồn tình trào luận hư vô
sắc không, bào ảnh biết mô mà lần
nhưng đời là thực là chân
bạn ta cũng phải trần thân gạo, tiền

Bạn Già
Sau Cuộc Đổi Đời

mười ba năm sống với quê
vui trong cái khó, đam mê cái tình
bạn xưa vẫn bạn của mình
tiên ông bị đọa nẩy sinh chán đời

gặp nhau đấu chuyện biển trời
“triết gia thời cuộc” luận lời chua cay
tuổi già rượu ít cũng say
Số quân không nhớ, số giày cũng quên

bạn văn đi Mỹ mấy tên
điểm danh vanh vách chẳng quên ông nào
tác phẩm in ấn ra sao
điện thư biết rõ. cấm trao gởi về

văn chương thắc cổ ông chê
chữ nghĩa bồi bút: thơ khê, văn nhàm
bạn già ta ngựa bất kham
một lòng kiên định không làm văn nô

buồn tình trào luận hư vô
sắc không, bào ảnh biết mô mà lần
nhưng đời là thực là chân
bạn ta cũng phải trần thân gạo, tiền

Truy Vấn Tôi

Từ bao giờ em yêu tôi
Xanh rừng trí nhớ, bãi bồi biển trăng
Mùa xuân nào môi em hôn
Trái tim chín đỏ, ngực cồn bão rơi
Đường em qua, chim vang lời
Vườn hoa nhụy ngọt, ong tôi dại khờ
Đêm nhòa, tôi, trăng, bơ vơ
Đài gương tâm ảnh, tình ngờ ngợ reo

Ru Nỗi Buồn Thừa

Ta ru ta nỗi buồn thừa
Giữa lao xao lá hạt mưa lỡ lầm
Mơ hồ từng giọt dư âm
Dội lên tiềm thức tiếng thầm xa xưa
Em qua nhịp guốc đường trưa
Nắng con phố dốc cho vừa thương nhau
Nghìn trùng vẫy gọi chiêm bao
Phần tư thế kỷ hư hao cõi mình
Ta ru chiu chắt giọt tình
Ta ru còn lại chênh vênh phận người

Trần Thiết

Vách đời trần thiết bóng tôi
Tim em trần thiết luân hồi bóng ai
Canh năm trời nở sao mai
Tôi và nhật nguyệt nối dài bước chung
Hoang mang bờ bãi thất tung
Mà sao rõ tiếng sóng trùng dương rơi
Vòng quay nửa trục đã rời
Tôi còn nửa trục máng đời với thơ
Và em, tôi giấc hoang sơ
Và tôi, em ngủ mộng bờ liễu dương
Hồ yên trần thiết cành sương
Tim tôi trần thiết hoang đường bóng em

Một Thuở Thuyền Trăng

Thuyền trôi
Sông gợn trăng sao
Giọng ngâm sa mạc nghe xao xuyến lòng

Gió đưa
Tiếng sáo mênh mông
Khơi đêm huyền hoặc khơi lòng ước mơ

Gặp em
Chân chất dáng thơ
Chia men rượu ấm tình ngờ ngợ reo

Bán trăng
Bán gió ta theo
Nghe em ru hát suối đèo tiêu dao

Để em
Mãi vẫn má đào
Để ta vẫn mãi xuyến xao thơ tình

Tháng năm
Nhìn lại cuộc tình
Thuyền trăng một thuở, linh đinh một đời

Mặn nồng
Vẫn chén đầy vơi
Vẫn em xinh đẹp trong lời thơ ta.

Thành Phố Tuổi Tôi Yêu

Ba mươi năm chưa về thăm Phan Thiết
Lầu nước xưa, đường cũ, phố phường quen
Của một thời đầy thơ mộng, sách đèn
Hoa yêu dấu ướp lồng trang nhật ký

Thành phố tôi, em môi hồng phượng vỹ
Nắng hạ vàng soi bước nhỏ em đi
Tôi ngẩn ngơ mái tóc xõa dậy thì
Đêm thao thức làm bài thơ không gởi

Thành phố tôi của hẹn hò chờ đợi
Của mộng mơ và lãng mạn yêu đương
Áo em bay chiều dịu nắng tan trường
Cầu mấy nhịp buớc em về tha thiết

Sông Mường Mán dòng thủy triều xanh biếc
Chảy êm đềm chia thị xã làm hai
Ai bên này, ai bên nớ nhớ ai
Thuyền ra biển buồm căng lời ước hẹn

Bao tháng năm lòng tôi hằng nguyên vẹn
Tấm tình nồng cho Đức Thắng, Phú Trinh
Cho lầu Ông Hoàng, biển sóng lung linh
Cho bãi Rạng hàng dừa xanh thơ mộng

Ở phương này có những chiều gió lộng
Nắng tàn phai mấy đỉnh cuối chân trời
Thấy lòng mình dâng nỗi nhớ chơi vơi
Thành phố ấy, Phan Thiết thời tuổi trẻ

Ai có về cho nhắn lời rất khẽ
Rằng tôi yêu thành phố biển vô cùng
Yêu như yêu người tình nhỏ thủy chung
Tóc hoang dại và môi hồng hoa phượng

Vui Thôi Mà,
Bạn Ta Ban Ta Ơi!

Nghề gì cũng kiếm ra tiền
Làm thơ chỉ được bạn hiền, rượu cay
Thơ với thẩn suốt tháng ngày
Vợ phiền, vợ giận khi say rả rời

Thế mà mê mải cuộc chơi
Thất ngôn, lục bát thả lời văn hoa
Chuyện mình lẫn chuyện ta bà
Thực, hư ẩn hiện nhạt nhòa khó phân

Rọi soi từ, ý xa gần
Chập chờn bóng dáng căn phần nhân sinh
Tình yêu, thân phận, nhục vinh
Thoảng như tiếng gió phong linh chuyển vần
Nhưng khi tranh đấu cùng dân
Vung bút như kiếm bất cần nguy nan
Chữ nghĩa gây dội tiếng vang
Quyết tâm xóa sạch trái ngang, bất bình

Làm thơ bạn đọc hiểu mình
Cái vui tuyệt diệu, cái tình bao la
Nhà thơ ở với thi ca
Tên tuổi được nhắc. Nhưng mà nghèo xơ

Lời này gởi đến bạn thơ
Đúng, sai tùy định. Nghi ngờ cũng xong
Riêng tôi lòng vẫn nhủ lòng
Nghiệp thơ là vậy. Đèo bồng mà vui

Viễn Vọng

mùa hạ về
anh đứng phương này
cảm thấy mình khô héo
nắng có vàng, không phải nắng quê ta
nhìn bóng ngả khẳng khiu bờ đất lở
mà bâng khuâng cơn viễn mộng ban ngày
anh cúi mặt hận mình thua cuộc
còn nửa đời đã phá sản niềm vui
những chiều xuống
chân mây hằn vết máu
thương tích này buốt nhức mấy năm qua

tay quá trán
ly rơi
rượu đổ
hồn cành khô như cành mục giữa cuồng lưu
mặt trời tắt
sợ đêm đen dày xéo
sợ sóng ngầm trong sa mạc hồn hoang
anh muốn thành loài thú ở miền bắc cực
quên tháng ngày cơn đồng thiếp triền miên
mở mắt ra
tự đánh lừa mình quên đêm mộng
để vờ vui mà nối tiếp ngày còn.

Người Lính Già

đã bao nhiêu mùa thu
bao nhiêu mùa đông
đổ nỗi buồn trên vai người lính già
lưu vong
từng bước đường đất khách
sương mù khuất hướng trời quê
trong chợt tỉnh chợt mê
sợ úa tàn như rêu như cỏ
không ngày về sống lại chốn chôn nhau

để mở mắt ra còn thấy được người thân
còn gặp được đồng bào
nghe giọng nói thiết tha
của ngàn đời Việt tộc

hai mươi lăm năm dài hai thế kỷ
bao nhiêu thu đông
lạnh buốt trong lòng
càng già càng thấm niềm đau
càng thêm mơ ước
một mái tranh đơn sơ
một mảnh vườn nho nhỏ
được sống yên lành như chim như lá
tự do như dòng suối nhỏ Trường Sơn
dâng tiếng thơ khuất lấp căm hờn
cho yêu thương và công bằng nhân ái
hai mươi lăm năm dài hai thế kỷ
xa cội nguồn sét rỉ mộng đời trai
người lính già còn nặng trên vai
nguyên khối tình sông núi.

Ta Và Lục Bát Với Em

Ngày trở lại

Yêu người lá nở trong tim
Rừng ta xanh biếc lạc tìm dung nhan
Yêu người núi nở trăng vàng
Sông ta trăm nhánh quyện ngang hình hài
Yêu người ngày nở sao mai
Suối ta ngàn dặm nối dài tóc sương
Yêu người gió nở buồm dương
Biển ta trượng trượng vô lường thủy chung

Hiên Trưa

Khi về chải tóc em nghiêng
Nghe hồn chợt ấm giữa miền long đong
Hiên trưa lá biếc như lòng
Ta như bướm nắng lạc dòng tóc phơi
Lòng còn ở với cuộc chơi
Dẫu như mình đã lượng đời tà huy
Lá rồi lấp dấu chân đi
Ta còn em với thầm thì lược gương

Bữa Nhậu Miệt Vườn
* Gởi Hồ Ttrường An

Trải chiếu cùng nhậu rượu tăm
Cá trê nướng đứng, mắm dằm me khô
Rau răm, rau húng, tía tô
Chén anh, chén chú zô zô ngất trời
Xừng xừng hò, hát hả hơi
Hoài Lang vọng cổ ai ơi phũ phàng
Bỏ đò, bỏ bến sang ngang
Để ai như nhạn lạc đàn chiều quê
Bảy ơi! Sao mãi tỉ tê
Chuyện vui không kể, cà kê chuyện buồn
Bây giờ nâng chén cạn luôn
Tuần sau tái hẹn diễn tuồng tiếp theo

Nếu Như Có Một Kiếp Sau

nếu như có một kiếp sau
tôi lại mong được làm thi sĩ
để tiếp tục làm thơ từng chữ từng hàng
thẳng như sợi chỉ căng
và chân thật tự tim mình lay gọi
dùng tâm huyết ghi thành tiếng nói
đòi tự do hạnh phúc khắp nơi
đòi cơm no áo ấm cho con người

nếu như có một kiếp sau
tôi lại mong được làm thi sĩ
để tiếp tục làm thơ kêu gọi lòng người
mở cửa công bằng nhân ái
không còn hận thù chiến tranh tàn hại
để mặt trời chia khắp niềm vui

nếu như có một kiếp sau
tôi lại mong được làm thi sĩ
để yêu em như đã yêu nhau
cho phong trần còn lẫn vị ngọt ngào
để thơ tôi làm từng chữ từng hàng
thẳng như sợi chỉ căng
còn có em chia sẻ.

Chùm Mật Ngữ

Phiến tâm làn mây bạc
phương nào hạc vàng bay
trăng tàn thơ thức giấc
chữ nghĩa chấp cánh mây
vin theo vòng hệ lụy
nhật nguyệt càng khôn vây

Mênh mông trong trời đất
ngôn ngữ Nam Hoa kinh
triết gia cùng đồ tể
ở chung một hành tinh
đường thi người Đỗ Phủ
chảy máu mạch tim mình

Từng bước chân dẫm đất
tiếng xưa xa vọng về
trùng trùng chùm mật ngữ
lẫn nhịp mõ bờ mê
gió bay bào cư sĩ
mãi tìm dấu chân quê…

Có Loài Hoa Thục Nữ

trong truông ải tình yêu, em hóa kiếp
nhập xác hồn nhau lại, gọi chung tên
đá hiu quạnh chợt ươm hồn thục nữ
cánh xanh rêu nở đá trổ hoa vàng
em ngẩng mặt, hạt mưa tình chải tóc
nghe sủng ân theo chân lượ trôi về

từ kết tóc, tuyên ngôn em, riêng cõi
đóa buồn vui chiu chắt một vòng tay
nguồn suối ngọt, bình nguyên, em tỏa nhánh
đất cằn khô sống lại với linh hồn
ngàn dặm sóng, thênh thang niềm kiêu hãnh
mỗi bước em, truông ải, trọn cho tình

là hanh ngộ, luân hồi, nào ai biêt
nhánh tin yêu xanh biếc bước vào đời
ngôi đinh tinh vời cao lòng tha thiết
hoa hướng dương vàng cánh đón mặt trời
tay đang tay che nghiêng trời mưa nắng
khúc ca đêm nguyệt quế ấm hương mời

chiều hải âu, biển em, chiều căng gió
sáng tầm xuân hương đong tóc, vai mềm
ta đã lạc cùng em ngàn dặm ở
nợ muôn trùng chưa trả mãi vay thêm
lời của đá, nhật nguyệt hằn rực rỡ
núi ngàn năm, xanh thẳm, nước sông đầy

Nhớ Bạn Thương
Mình Rồi Cũng Vậy

Rót rượu một mình
chiều quê mưa rả rích
nhớ đến bằng hữu kẻ mất người còn
bạn một đời khuất bóng hai phần ba
trong như ngoài nước lâu không gặp
đọc báo tin buồn… thế là xong!
hoả táng. lên đồi. về hư ảo
tro cốt. mồ bia. tên dần quên
Thanh Nam – Mai Thảo – Trần Cao Lĩnh
Nguyễn Hiền – Phan Nghị – Ngô Mạnh Thu
Lê Đình Điểu – Kim Tuấn – Đỗ Ngọc Yến
Vũ Đức Vinh – Hoàng Anh Tuấn – Đào Mộng Nam…
giang hồ bốn biển tìm vắng ngắt
cuộc vui trần thế thiếu người chơi
tuổi trời vai nặng đâu còn trẻ
ngày tháng vèo theo khói thuốc bay
chữ nghiã văn chương
chiều bảng lảng
cái gánh trần ai đã nhẹ tênh
tiếc mấy hồng trần
thì cũng vậy
cổng trời nơi đến chẳng còn xa
muốn làm hành giả tay gậy trúc
lên chốn non cao ngồi hát nghêu
vươn tay mây trắng ngang cành lá
bậu bạn trăng ngàn với suối reo

Phủi Tay
Còn Lại Túi Thơ

trải đời
xóa mấy cuộc cờ
trắng tay còn lại túi thơ gối đầu
người xưa trả ấn công hầu
vẫn vui lều cỏ rượu bầu tu tiên

nhìn quanh
tri kỷ, bạn hiền
cuộc chơi bỏ dở, cõi riêng đã về
trần gian ảo ảnh bờ mê,
ta xin an tịnh bên bờ đạo tâm

đêm thu
lá úa rơi thầm
vỗ về con chữ nẩy mầm nụ thơ
thuyền trăng cặp bến sông chờ
em về sưởi ấm những mơ ước hồng

rượu đào
một ngọn đèn chong
so dây thánh thót tiếng lòng an nhiên
tóc em dòng suối thật hiền
cuốn trôi tạp niệm, ưu phền trầm luân

Thơ Ở Buổi Sáng Trên Đồi

Trong sinh diệt, rừng kia thay màu lá
Những đời trăng nối xuân-hạ vào thu
Ta thấy em mây ngàn năm trên tóc
Tóc nhạt nhòa, mây tan hóa đời mây

Rồi đây đó những ngày hồng hạnh ngộ
Lộc đơm cành, hoa nở rộ trần gian
Cánh chim xuân cũng từ đâu về lại
Nắng soi em huyền hoặc bóng dung nhan

Từng bước chậm lên đồi nghe gió hát
Gặp mặt trời đỏ rực ở trên vai
Ta nghĩ đến kẻ thiền sư tìm đạo
Đạo vô bờ giữa trần thế chông gai

Miền nhân thế có em, ta yêu dấu
Có ta qua chín kiếp nẻo luân hồi
Từ biển gió thuyền trôi bao cửa sóng
Vẫn còn em nụ ngọt ở vành môi

Cõi sinh diệt đời đời thơ lồng lộng
Nhật nguyệt tròn-vòng-nối khúc thiên ca
Kẻ thiền sư tìm chân nguyên đường ngộ
Ta tìm nguồn thiện mỹ giữa muôn hoa

Thơ Gởi Bên Đèo

Ra đi, ngang đỉnh sao mai
Bỏ sau dấu bước tàn phai tháng ngày
Thoáng đời nhẹ cánh mây bay
Bỗng đâu nhìn lại, tiệc bày chưa tan

Em về gót nhỏ đài trang
Góp thơ giọt lụy mênh mang sử tình
Góp ngàn đêm nguyệt lung linh
Chiếu soi tiền kiếp cõi mình cõi ta

Vòng vây ảo giác ta bà
Tỉnh say thì cũng chỉ là hư không
Lấy thơ trải rộng tấm lòng
Lấy tình nhen nhúm lửa hồng nhân gian

Đã đi mỏi bước dọc ngang
Đã về nghe tiếng suối ngàn đêm reo
Yêu em thơ gởi bên đèo
Bay theo cánh gió trên heo hút ngàn

Đầu non nghe tiếng sóng vang
Cuối sông lại thấy hàng hàng núi xanh
Trời làm nhật nguyệt xoay quanh
Thế nhân ai rõ ngọn ngành thực hư

Bụi hồng thanh trúc tàng thư
Có câu thơ cổ đã từ ngàn năm
Người xưa vẽ đóa trăng rằm
Vẽ tình lẫn tiếng nguyệt cầm liêu trai

Ta ngồi vẽ sợi tóc mai
Giữa khuya huyền hoặc tiếng ai gọi thầm
Vẽ tình bàng bạc thanh âm
Bằng câu lục bát với tâm bồ đề.

Vô Vi
* Tặng Phan Bá Thụy Dương

Đông phương
Công án cổ thi
Người xưa bạc tóc vô vi truy tầm

Lòng trần
Khai ngộ đạo tâm
Trăng xuyên lều cỏ trầm trầm kệ ca

Áo lam
Gậy trúc ta bà
Bước chân hành giả giang hà bóng mây

Buông câu
Hồ liễu trăng đầy
Ngâm bài Tuý Nguyệt men say ngất trời

Ngày qua
Thoảng cánh lá rơi
Câu thơ chân chất giữa đời phù du

Trần Thiện Hiệp

Trần Thị Hà Thân

Trn_Th_H_Thn

Ngẫu Hứng

nhớ …
nhớ chi không nhớ nhớ con đường
hàng cây phương tím, trưa buồn công viên
nhớ chi không nhớ nhớ triền miên
như ngày không nắng thèm nhìn bóng ai

bên ni tháng năm nhẹ nắng
bên tê chắc người buồn lắm phải không?
chờ đi, mai mốt em về
nắng cao, năm tháng đam mê rất hồng
và anh…
này
mây có bao giờ ngừng trôi
gió có bao giờ ngưng thổi
hỏi có thương nhớ nào đọng một chỗ không anh?

Chờ Anh

anh cũng biết xuân đang về rất khẽ
cơn mưa phùng bay nhẹ suốt hôm nay
em ước gì có anh ở cạnh đây
vuốt đi những giọt mưa len tóc rối

mai này đây khi trời hồng nắng đẹp
ong bướm rộn ràng mai trổ vàng bông
mùa yêu thương đưa mình lại gần nhau
cho da thịt miên man cùng ân ái

em kiêu sa rộn ràng như sóng vỗ
nhịp thở nồng à ơi nhịp dấu yêu
trái tim ấm hình như là say đắm
phút hẹn chờ anh về dệt trời mơ

như lóng lanh giọt mưa rơi ngoài ngõ
em môi hồng vui quên nắng thiếu rơi…

Malibu Gởi Niềm Tâm Sự

sáng nay ra ngoài biển
Malibu mù sương
biển đưa cơn sóng nhẹ
lòng em cao nhớ thương

gió bay tóc rối tình vương vấn
em vai gầy đứng ngã nghiêng đây
biển xanh sóng thấp thì thào tiếng
tim vỡ ào nhịp nhớ thương lên

em nghe biển hát sóng reo
mắt cay rồi nhớ mùi thơm môi người
vòng tay ôm giữa đất trời
môi môi siết nhẹ nụ hôn ru tình

sáng nay ra ngoài biển
Malibu mù sương
tự nhiên buồn vô thường
có niềm tâm sự gởi về người thương!

Tình Chết

có hai kẻ rất xa
đã gần hơn da với thịt
cùng chung những thương yêu
tay cầm tay nắm lấy những cơn đau da diết
môi chạm môi thắp sáng nụ cười
hạnh phúc hiền rất thật về như giấc mơ ngoan!
từ gần ta trở thành xa lạ
có kẻ quên qúa khứ
chối bỏ hiện tại
mà tương lai dẫm lối trên ngọn cỏ non
đã một ngày chính mình gieo hạt
cùng nhau chờ đón lúc nẩy mầm
hạnh phúc buồn rất thật về như ác mộng đêm!

bây giờ
như nắng ghét mưa
tình như đã chết nên đong đưa buồn
em khóc nước chảy theo nguồn
lá không về cội cuống cuồng đời em!

Dăn Dò Thời Gian

xưa lầm lỗi Mẹ chỉ rầy con nhẹ
bảo, “chim non chưa đủ cánh bay đi”
tiếng Mẹ rầy dịu ngọt tựa thì thầm
rồi ôm nói, “con tôi nhìn tội nghiệp”

thời gian trôi không ngừng mà đi mãi
con lớn khôn tóc Mẹ cũng bạc màu
vầng trán cao Mẹ vài nét nhăn thêm
rồi lo nhớ làm mờ đôi mắt phụng

hôm nay đứng trước gương con bỡ ngỡ
dáng thanh thanh con biết ngắm mây trôi
thoáng bâng khuâng nhìn cánh bướm song đôi
nghe thùy dương thì thầm cùng biển cả

má con hồng Mẹ chừng teo đôi má
Mẹ trông gầy mặt con sáng trăng tròn
dốc nhà cao con vẫn chạy bon bon
Mẹ rất chậm mỏi còng lưng từng bước

thời gian ơi, đừng làm tôi lớn vội
làm Mẹ già, thời gian chớ vô tình!
xin giữ mãi thật lâu tình Mẫu Tử
dặn thời gian cứ êm ái nhẹ trôi …

Một Đời Tôi Nhớ

tôi mang trong tôi là dòng máu đỏ
tôi mang trên thân một màu da vàng
tôi mang trong tôi trái tim rất nhỏ
tôi mang trong hồn nuối tiếc lớn lao

bên này đất trời nửa đời lang thang
quê hương anh ơi khi nào ta về
tuổi thơ ngoan hiền bao giờ thấy lại
cho vơi nỗi nhớ tháng ngày lê thê

một tháng tư đen suốt đời tôi nhớ
hơn ba mươi năm đâu dễ gì quên
con thuyền lênh đênh bập bềnh sóng gió
đưa tuổi thần tiên viễn xứ lạc loài

cuộc chiến nổi trôi đưa ta xa rời
vẫn còn anh tôi da vàng máu đỏ
chung mang nỗi buồn nhớ một quê hương
cùng có tâm sự đôi chim gãy cánh!

Xuân Quê Người

Em ở đây, mùa xuân trên đất lạ
Đêm Giao Thừa pháo có rộn ràng không?
Hay u buồn trong cuộc sống lưu vong
Và như thể trong lòng nghe vụn vỡ

Em ở đây, xuân về là thương tiếc
Con đường xưa, hoa với bướm theo chân
Nắng hồng soi hoa mai vàng rộ nở
Em rộn ràng khoe áo mới ơi xuân

Em ở đây, ngày xuân vui sao im vắng
Bánh chưng xanh, dưa đỏ, mai vàng
Mùng Một Tết có nghe lời chúc tụng?
Hay im lìm tiếng cười nói vang vang

Em vẫn nhớ, chốn này ôi em nhớ
Đón xuân quê người mà nỗi nhớ quê xưa …

Cứ Như.Con Thiêu Thân

cứ như bướm ong
cứ nhởn nhơ mật ngọt
cứ vu vơ
cứ vời vẽ yêu thương
bất cần giông bão xuống đời
để người thổn thức
ta cười thảnh thơi

cứ vẽ giấc mơ
để đêm về người mộng
cứ lẳng lơ
vờ trao tiếng nhớ thương
nêm câu thơ ngọt đường vào
để người ngông tưởng tình trào biển khơi

cứ nhịp nhàng
nóng bỏng rhumba
cứ tango lãng mạn
cứ slow trữ tình
ru người vào mộng du dương
khập khểnh điệu nhảy
đợi chờ thành phù du

người cứ như con thiêu thân
còn ta chắc chẳng ăn năn bao giờ!

Trần Thị Hà Thân

1 2 3 4 5 6 9