Trần Văn Lương

Tran Van Luong

Dạo:

Xa nhau cuối độ thu tàn,
Trăm năm giọt lệ trễ tràng còn vương.

Phải Chi Ngày Đó…

Ngụm khói vỡ lau mặt người trắng bệch,
Mẩu thuốc tàn cấn lệch nửa vành môi.
Chiều lao chao, chân vấp váp liên hồi,
Đường nghĩa địa, nắng lôi thôi buồn tẻ.

Ngôi mộ mới nằm im lìm quạnh quẽ,
Người thẫn thờ lặng lẽ đứng trầm ngâm,
Sau ánh mắt lặng câm,
Nỗi hối hận vẫn âm thầm lấp ló.

Em yêu dấu, phải chi ngày xưa đó,
Anh biết rằng sẽ có cảnh hôm nay,
Thì chúng mình đã chẳng phải chia tay,
Chẳng gánh chịu lắm đọa đày cách trở.

Ba năm cơm đường cháo chợ,
Anh quắt quay khổ sở đêm ngày,
Tự mắng mình quên hạnh phúc trong tay,
Chân khờ dại miệt mài theo ảo vọng.

Ba năm thả mồi bắt bóng,
Ngông cuồng mơ biển rộng trời xa,
Để giờ đây, lòng chua xót nhận ra,
Thiên đường chính là mái nhà duyên nợ.

Anh đã trách oan em làm đổ vỡ,
Những gì mình gây dựng thuở hàn vi,
Đâu biết rằng giọt nước cuối tràn ly,
Là kết quả của những gì đi trước.

Phải chi anh biết được,
Rằng suốt ngày em xuôi ngược đó đây,
Trở về nhà khi anh đã ngủ say,
Cũng vì bởi tương lai bầy con nhỏ.

Phải chi anh hiểu rõ,
Lý do làm em cãi cọ cùng anh,
Thì nhà mình đâu lâm cảnh chiến tranh,
Khi hai đứa khăng khăng giành phần thắng.

Nhìn cha mẹ oang oang lời cay đắng,
Đàn con rụt rè như rắn mùng năm,
Níu tay nhau, rón rén kiếm chỗ nằm,
Mắt ti hí lén thăm dò cuộc chiến.

Việc phải đến cuối cùng rồi đã đến,
Anh lạnh lùng đề xướng chuyện chia tay,
Bao ân nghĩa sâu dày,
Vì nông nổi, phút giây đành tan rã.

Rồi mỗi người mỗi ngả,
Đàn con tất tả theo em.
Anh một mình, cuộc sống mới dần quen,
Mừng tưởng sẽ chóng quên ngày tháng cũ.

Nhưng qua những chuỗi đêm dài mất ngủ,
Nhìn ánh đèn, ủ rũ nhớ người thân,
Đếm tháng năm theo lá úa rơi dần,
Anh chợt thấy mình sai lầm nghiêm trọng.

Ôm gối lẻ, lòng thẹn thùng với bóng,
Thoáng ngậm ngùi nghĩ đến mộng đoàn viên,
Thầm mong câu tha thứ của vợ hiền,
Mơ vực dậy chút tình duyên đã chết.

Nhưng đau đớn, trời xanh kia khắc nghiệt,
Anh bàng hoàng khôn xiết lúc nghe tin,
Em đơn côi một tối bỏ gia đình,
Bỏ con cái, đăng trình về chốn ấy.

Phải chi anh biết vậy,
Thì đã không lần lữa bấy lâu nay,
Để khi anh chua xót muốn giãi bày,
Thì em hỡi, tiếc thay đà quá trễ.

Anh xớ rớ một mình trong tang lễ,
Họ hàng xem anh như kẻ qua đường,
Mỉa mai nhìn những giọt lệ tiếc thương,
Đang lã chã cuối chặng đường hối lỗi.

Anh nào dám mong gia đình thứ tội,
Vì dù cho sám hối đến bao lần,
Cũng không sao chuộc lại được một phần,
Những sai sót, lỗi lầm anh mắc phải.

Xưa trót lỡ gây nên điều oan trái,
Phút giây này, đành trọn hái buồn đau.
Chỉ khi mình đã vĩnh viễn mất nhau,
Mới hiểu được thế nào là ly biệt.

Gió lạc bước rên từng hồi thê thiết,
Nghĩa trang nhờ, người mỏi mệt lang thang.
Cành cây khô, trong tiếc nhớ trễ tràng,
Nhẹ rải xác lá vàng trên mộ mới.

Trần Văn Sơn

Tran Van Son

Hồi Sinh

Gặp gỡ vài lần kẻ lạ người quen
Bên cốc cà phê bên ly rượu đế
Mái dột cột xiêu hẩm hiu bàn ghế
Bạn tả tơi ta rách nát ngậm ngùi
Gánh hỗn mang hề thân thế chôn vùi
Lủi thủi ven đời giả vờ câm điếc
Kẻ lạ người quen khóc ta vắt kiệt
Khô máu tim thành phế liệu trần gian

Gặp gỡ vài lần kẻ lạ người quen
Hiểu sao thấu cội nguồn sông và núi
Núi và sông gieo mầm cây tội lỗi
Hạt nhân sinh mê muội giấc mơ người
Khánh kiệt niềm tin thất lạc nụ cười
Sông bỏ núi non xa dần nguồn cội
Kẻ lạ người quen khóc ta phản bội
Quên rừng sâu làm đom đóm thiêu thân

Gặp gỡ vài lần hẹn gặp trăm năm
Hiểu sao thấu chuyện ba ngàn thế giới
Thế giới quẩn quanh người lui kẻ tới
Lớp vong thân lớp mạt vận khốn cùng
Thế giới quẩn quanh mạch suối nguồn sông
Hiểu chưa thấu bóng trăng vờn bóng nước
Hiểu chưa thấu ra sao ngày tận tuyệt
Phút hồi sinh tìm chốn cũ quay về

Trần Việt Cường

Trn_Vit_Cng

Đêm Lạnh

đêm Giáng sinh có một người lặng lẽ
ôm nhớ nhung bên hang đá nguyện cầu
Chúa Hài đồng trong vòng tay Đức Mẹ
hiện xuống trần gieo bao sự nhiệm mầu

hòa niềm vui cùng bao người đón lễ
cúi xin Ngài ban ơn phước chúng con
đã bao mùa bước chân còn lặng lẽ
đón Noel với hoài vọng chờ mong

Người xa vắng bên góc trời mòn mỏi
trái tim buồn xao xác ủ hồn đơn
bóng soi hình vách lạnh rũ bên song
đêm lạnh giá có ai chờ ai đợi ??

Đêm yêu thương đêm an lành thánh thiện
trải tim hồng tha thiết với niềm tin
ngày hội ngộ thơ tình thôi lạc vận
rượu tương phùng chuốc cạn ngọt môi êm

và lại xin, cho con xin lần nữa
hồng ân Người ban bố khắp tha nhân
cho kiếp người chịu khổ đau lận đận
tự hỏi mình hạnh phúc đến hay chưa?

cuộc đời này còn gian nan chìm nổi
kẻ thiếu cơm người không chỗ nương thân
trẻ cơ nhỡ bôn ba cùng cơm áo
già tóc sương bên phố chợ lịm dần

giữa dòng đời co ro chìa tay với
chút quà thừa người qua lại quẳng cho
chỉ vậy thôi độ sinh ngày cũng đủ
mốt hay mai … cứ để một đời trôi

xin nhìn lại với tấm lòng rộng mở
chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau
đóa hồng tươi dưới ban mai rạng rỡ
tim thăng hoa nhân ái tuyệt dâng đời … .

Trần Yên Hòa

Tran Yen Hoa

Anh Tư

Sao mà đến khi tôi có trí nhớ thì tôi không thấy anh tư tôi đâu. Cũng có thể ảnh với tôi gần nhau quá khiến cho tôi không thấy ảnh những lúc này. Trong trí nhớ tôi, ảnh thấp thoáng không đặc sắc lắm, đó là một đứa con trai hơn tôi ba, bốn tuổi gì đó, khuôn mặt ngây ngô nhưng sáng sủa, với đôi mắt lớn, mái tóc đen dày, dáng người thẳng, chắc…đi với nhau người lạ ít ai nghĩ tụi tôi là hai anh em. Nhưng đúng là hai anh em, vì rằng ảnh là “cu anh” còn tôi là “cu em”…
Ảnh học hơn tôi hai lớp, tôi cũng không nhớ là hồi nhỏ ảnh học ở đâu…Sau này nghe ảnh kể lại là khi tôi và bọn thằng Trịnh Tộ, thằng Lư Nho đi học ở trường Chiên Đàn thì ảnh được cha gởi xuống học đâu dưới chợ Vạn. Đến khi tôi về học lớp ba ở trường tiểu học thì ảnh mới về học lớp nhất…Tôi nhớ được chi tiết này vì có một lần, anh em tôi có đánh lộn với thằng Đồng, một bạn học cùng lớp. Anh em tôi chơi “hai chọi một”, nhưng thằng Đồng khoẻ quá, nó ở xóm Long Phước, là con nhà nông dân thứ thiệt, nên kết quả “hột kê huề”. Tôi thì bị sưng mặt vì thằng Đồng đấm những cái búa tạ như trời giáng vào mặt, còn anh tư thị bị chảy máu răng tùm lum tà la…
Cũng có một lần nữa, là anh em tôi hợp đồng tác chiến, cùng đánh lộn với thằng Trương Chá ngoài chợ. Thằng Trương Chá con bà Chá bán bánh tráng. Hàng ngày lúc rãnh, Trương Chá đội bánh tráng đi bán rong khắp chợ, khắp xóm, nên đôi chân, đôi tay nó khỏe như voi. Không biết vì lý do gì mà tụi tôi gây sự, rồi lăn xả vào đánh nhau. Thằng Chá mạnh và to con hơn thằng Đồng, dĩ nhiên một chọi hai, hột kê cũng huề, nhưng tụi tôi cũng bị u đầu, sứt trán.
 Đó là nói cho ngon thế chứ, tôi vốn nhát gan, đâu có giám gây sự với ai, hai lần đánh lộn là tôi đã tởn da gà rồi, chắc anh tư tôi cũng vậy.
Anh tư tôi đẹp trai hơn tôi là cái chắc, có hai cái tôi thua xa ảnh là đôi mắt và mái tóc. Đôi mắt ảnh lớn và mái tóc ảnh đen mượt, phía ót sau ảnh xuôi nên khi hớt tóc, “hớt thấp”, thì mái tóc phía sau ôm cái đầu “không có chớn”, rất đẹp.
Còn đôi mắt của tôi thì ti hí, nhỏ xíu, nhiều khi cười tít mắt không thấy đất trời đâu. Mái tóc tôi thì cứng như rễ tre, phía sau ót có cái xương mọc nhô lên, nên dù những thợ hớt tóc “nghề” nhất chợ Quán Rường như anh năm Lý, hay anh Được, sau một hồi hì hục, cho tông đơ hay kéo rà qua rà lại, rà lên rà xuống, vẫn lắc đầu chịu thua, mái tóc tôi không xuôi được mà vẫn còn có “chớn”.
Cũng xin mở dấu ngoặc thêm là ở quê tôi có những người thợ hớt tóc sau đây.
Đầu tiên là anh năm Xuân.
Anh năm Xuân là con một ông cựu chánh tổng, gia đình anh “rân rác” lắm. Nhưng ảnh ỷ con nhà giàu nên ham chơi, chẳng lo học hành gì, nên sau khi quốc gia tiếp thu anh mở một cái chòi nhỏ gần chợ Quán Rường để hớt tóc cho cánh đàn ông. Cái tiệm hớt tóc được dựng lên gần sát cổng ra vào nhà ông tú Khảm. Ông Khảm đậu tú tài nho học nên được dân làng gọi là ông tú, nhưng ông chẳng làm được chức gì, chỉ nhà giàu, có ruộng có đất cho tá điền “làm rẻ”. Đến ngày mùa, tá điền đong lúa cũng ăn dư dã. Ông tú Khảm có một đàn con lớn, người vợ lớn đã mất nên ông lấy một bà vợ sau, nhỏ hơn ông ba con giáp. Cô Lan đẹp người, nên đi ra chợ ai cũng nhìn ngắm, trầm trồ. Anh năm Xuân biết ông tú Khảm già rồi, không còn “xíu quoách” nên đem “lời to tiếng nhỏ” tán cô Lan. Anh lấy câu phương châm tán gái là “nhất cự ly, nhì tốc độ” ra thực hành. Nghe thiên hạ đồn rằng, cứ buổi tối đến, anh năm Xuân cởi áo quần nằm trong quán hớt tóc phục sẳn, cô Lan ra đóng cổng khu nhà đồ sộ của ông tú. Cô ngó trước ngó sau không thấy có ai, liền chui tọt vào quán hớt tóc. Hai người “ịch đụi” nhau chừng mười phút, thì cô Lan vọt ra, vội vàng đóng cổng, khóa cổng vào nhà. Cuối năm đó cô sinh một đứa con gái kháu khỉnh, ai cũng nói con năm Xuân, nhưng ông tú Khảm thì vẫn đinh ninh là con mình, nên ông thương lắm.
Chuyện tình đến đó là hết, anh năm Xuân nghe nói buồn vì “tình đời đen bạc” nên bỏ vào Sài Gòn làm ăn.
Sau đó thì tới anh thợ hớt tóc thứ hai tên là Giống. Anh cũng làm một cái quán thô sơ bên ngã ba đường, gần quán bà cả Trâu và trường tiểu học Kỳ Mỹ. Anh là con trai mới lớn, cao to, lực lưỡng. Không ngờ anh bị đưa vào tầm ngắm của chị Hồng. Chị Hồng người gầy như que tăm, ốm nhom ốm nhách, gương mặt đầy tàn nhang, mỗi lần nói chuyện nước miếng văng tùm lum, nên gần ba mươi tuổi mà chẳng có chàng trai nào tới rước.
Chị Hồng nưng niu anh hết mực, dỗ ngon dỗ ngọt sao đó mà chị lại mang bầu. Cuối cùng, cũng mấy tháng sau, có lẽ nhìn lại thấy chị Hồng gầy gò, ốm o quá, nên anh Giống cũng bỏ đất mà đi, để lại chị Hồng với đứa con còn trong bụng mẹ.
Người thứ ba là anh Được, chồng chị Lâm. Hai người làm nhà gần cây bàng ở chợ Quán Rường. Cặp đôi này trông rất hạnh phúc. Chị Lâm bán nước chè (quê tôi gọi là “đổi” nước chè), còn anh Được hớt tóc. Anh Được hớt tóc đẹp, khéo tay, nên quán rất đông khách. Muốn hớt tóc anh Được phải ra quán ngồi đợi ít nhất cũng ba mươi phút. Anh hớt đẹp mà không trị nổi mái tóc của tôi, nên dù có “gò” bao nhiêu, mái tóc tôi phía sau ót vẫn còn có “chớn”.
Người thứ tư là anh năm Lý. Anh năm Lý lớn tuổi, khoảng trên bốn mươi. Anh hiền lành, thật thà. Ảnh hớt tóc kỹ lưỡng nhưng không đẹp bằng anh Được. Khi tôi biết là mái tóc tôi khó trị, tôi thôi không ra ngồi chờ ngoài quán anh Được nữa, mà nhảy qua quán anh năm Lý để được ảnh hớt, gọt, tỉa, cạo mặt, lấy ráy tai. Ảnh có môn lấy ráy tai thần sầu, khi ảnh để cái que ráy vào lỗ tai, xoay vòng vòng thì trời đất chung quanh đều quay cuồng, vì nhột mà sướng. Xong đâu đó anh còn lấy tay xoa xoa ngoài vành tai rồi búng chách chách nữa.
Trở lại chuyện anh tư.
Anh tư có hàm răng khá đẹp, nhưng còn nhỏ nên ảnh làm biếng đánh răng lắm, hàm răng thường có bợn vàng. Chị hai gọi đó là hàm răng “đóng khớm”. Hồi đó chưa có kem đánh răng, chưa có bàn chải đánh răng, nên chị hai thường lấy vỏ cau khô cắt nhỏ, đem “ép” anh tư và tôi đánh răng. Chị đưa miếng vỏ cau khô và đứng canh chừng, khi chúng tôi lấy xác cau chà qua chà lại hàm răng, khoảng năm phút, chị mới đi. Hình như hai ba ngày hay một tuần gì đó, tụi tôi mới được đánh răng một lần. Vỏ cau khô đánh răng cũng tuyệt lắm. Đánh xong nhìn vào gương thấy hàm răng mình trắng nhởn ra.
Anh tư ăn mặc chỉnh tề, khi nhà tôi đã sắm được cái bàn ủi “con gà trống” thì ảnh ủi áo quần thường xuyên. Tôi có lẽ còn nhỏ và tính cẩu thả, nên áo quần thường giặt qua loa xong là tròng vào ngay.
Gần phía bên trên nhà tôi là nhà ông tư Trí, ông này có một đức tính là hay cằn nhằn vợ con lắm. Có chuyện gì mà vợ con làm sai ý ông thì ông “nhằn” lớn tiếng, cả dưới nhà tôi cũng nghe. Câu cuối cùng lúc nào ông cũng nói như rên lên: “Răng tui khổ quá thế này nề trời. Trời ơi là trời!” Anh tư tôi cũng vậy, có chuyện gì không vừa ý thì ảnh cằn nhằn, rằng rực suốt, nên chị hai tôi thường đùa, “thằng nhằn như ông tư Trí”, sau này thành biệt danh của ảnh luôn.
Có một điều khác biệt giữa hai đứa tôi là, tôi mau mắn, nhậm lẹ, “lất cất” bao nhiêu, thì anh tư tôi chậm rãi, rề rà, “nước đến chân mới nhảy” bấy nhiêu. Buổi tối ngồi học bài chung trên chiếc bàn trong buồng nhà ngang, thì tôi “rống” cả xóm ai cũng nghe, còn ảnh thì đọc từ từ, lại hay ngủ gà, ngủ gật. Tôi thì học không hết bài, mà ảnh cứ tỉnh bơ, ngáy khì khì, khò khò.
Những trò chơi chung như đánh bóng chuyền, đá bóng, hai đứa tôi đều không xuất sắc, chỉ xếp hạng C trong xóm. Nên khi thành lập đội banh thiếu niên của xã, tụi tui đành ra rìa.
Cũng có vài kỷ niệm vui vui, dù khác tính nhau và ảnh là anh tôi, nhưng nhiều khi chúng tôi cũng “hợp đồng tác chiến” trong chuyện “con gái”. Như là tụi tui cùng rũ con Tình ra chỗ giếng nước, dụ hái trái dâu đất cho nó, rồi thò tay rờ thử “núm cau” của nó ra sao. Tuy còn nhỏ, nhưng có lẽ vì tính hiếu kỳ, tò mò của con nít, nên chúng tôi đã thành công. Con Tình không nói gì mà còn cười vui vẻ nữa. Buổi chiều hôm đó, mẹ tôi kêu hai đứa ra giếng tắm, vì tranh giành cái gàu múc nước không được, nên tôi nổi cáu, định mét mẹ là: “anh tư rũ con bóp v. con Tình, mẹ à”. Trong lúc ảnh sợ lộ tẩy, bèn xô mạnh tôi té nhào vào đám vò hốt giá của mẹ, nên tôi chưa kịp nói hết câu. Tôi bị té nhào vào đám mảnh sành, bị xóc, chảy máu tùm lum. Mẹ tôi hoảng quá kéo tôi vào nhà, lấy thuốc lá rê rịt cho cầm máu. Vết té bây giờ vẫn còn, và câu định nói đó, tôi chưa nói ra hết được bằng lời, coi như cuốn theo chiều gió bay đi, bay mãi đến bây giờ, chỉ có hai anh em tôi biết.
Anh tư học chỉ khá thôi chứ không giỏi, nhưng kỳ thi đệ thất năm đó, anh thi đậu vào trường công lập Trần Cao Vân, một ngôi trường tỉnh, nên cả nhà tôi vui như tết. Cha tôi làm một bữa tiệc đãi các thầy dạy ở trường tiểu học và các bạn đồng liêu ở hội đồng xã cũng mười mấy mâm. Thế là ngon, cả tỉnh cũng hơn ngàn thí sinh, lấy khoảng trăm rưởi, mà đậu được là ngon.
Thế là từ niên khóa đó anh tư bắt đầu đi học trung học, anh phải ở trọ, ăn cơm tháng dưới thị xã, mỗi cuối tuần mới được về nhà. Tôi cũng nhớ ảnh lắm, nhưng rồi tôi cũng có một số bạn học rũ chơi đủ mọi trò, nên cái nhớ cũng vợi bớt đi.
Như vậy thì tôi thua anh tư tôi nhiều điều, nhưng gẫm cho cùng, tôi cũng có duyên ngầm với nụ cười có hai cái lúm đồng tiền trời cho, nên cũng vớt vát lại. Những năm sau đó, tôi cũng thành công trong công cuộc trường chinh tán gái, cũng là tay “sát gái” dễ nễ.
Sau này lớn lên, cùng chạng tuổi nhau, nên có lúc, tôi và anh tư cũng có nghĩ đến và thương ngầm một cô học trò nào đó, nhưng đó chỉ là “thương ngầm” mà thôi, không có “mối tình chung” nào sống động để đời, để nhớ đến…

Trúc Thanh Tâm

Truc Thanh Tâm

Em Xa Ta,
Mắt Lệ Ướt Sài Gòn

Nắng di tản, đám mây đen ùa tới
Ta tạt vào quán lá cạnh đường xa
Cô chủ quán cũng hồng hồng đôi má
Ta thấy mình sống lại tuổi hăm ba !

Cũng quán lá, phải lòng cô gái Huế
Gia Định mưa, ta uống cốc xây chừng
Điếu capstan khói tan vào mộng
Ta nhớ đời, một vạt tóc ôm lưng !

Giờ muốn quên mà không quên được
Sáng đầy khói bụi, tối mưa nỉ non
Ngày ấy bên nhau vàng trăng mật
Em xa ta, mắt lệ ướt Sài Gòn !

Đời quanh quẩn trên từng cây số
Bến thời gian còn in dấu tàn phai
Hết chiến tranh mà chưa hết giặc
Trận giặc tình ta đánh cả đời trai !

Ngọt Ngào Tình Quê

Áo bà ba nét duyên thôn nữ
Muồi câu vọng cổ, lắc lẻo cầu tre
Nồi cơm sôi, nóc nhà lên sợi khói
Bìm bịp kêu con nước lớn về !

Vú sữa Cần Thơ, thơm nguồn sữa mẹ
Gừng cay, muối mặn nghĩa Bạc Liêu
Bình Thuỷ, Phong Điền mùa cam quýt
Vĩnh Châu, ngọt lịm nhãn hạt tiêu !

Khóm Bến Lức, mắt chờ mắt đợi
Má hồng đào, trái mận Trung Lương
Tiêu Hà Tiên, tình chàng ý thiếp
Mắm Châu Đốc, hương vị khó quên !

Than đước Cà Mau, ấm đời bếp lửa
Dừa Bến Tre, tươi mát phù sa
Nem Lai Vung, thuốc rê Cao Lãnh
Lụa Tân Châu, muôn thuở mượt mà !

Cua gạch son, luyến lưu Đất Mũi
Gạo Sóc Trăng, nước bạc Cái Côn
Ghé ăn hải sản, miền Rạch Giá
Thăm làng bè cá, miệt Long Xuyên !

Món đồng rùa, rắn… về Ngã Bảy
Mềm môi, từng múi bưởi Ô Môn
Canh chua, nước mắm hòn Phú Quốc
Nhâm nhi cùng rượu đế Trà Ôn !

Hãy biết ơn những gì ta đang có
Đất nuôi người, người giữ đất bao dung
Tiếng ru, nhịp võng đưa kẽo kẹt
Mỗi nhịp tim rung, nhớ cội nguồn !

1 2 3 4 5 7