Trần Yên Hòa
Anh Tư
Sao mà đến khi tôi có trí nhớ thì tôi không thấy anh tư tôi đâu. Cũng có thể ảnh với tôi gần nhau quá khiến cho tôi không thấy ảnh những lúc này. Trong trí nhớ tôi, ảnh thấp thoáng không đặc sắc lắm, đó là một đứa con trai hơn tôi ba, bốn tuổi gì đó, khuôn mặt ngây ngô nhưng sáng sủa, với đôi mắt lớn, mái tóc đen dày, dáng người thẳng, chắc…đi với nhau người lạ ít ai nghĩ tụi tôi là hai anh em. Nhưng đúng là hai anh em, vì rằng ảnh là “cu anh” còn tôi là “cu em”…
Ảnh học hơn tôi hai lớp, tôi cũng không nhớ là hồi nhỏ ảnh học ở đâu…Sau này nghe ảnh kể lại là khi tôi và bọn thằng Trịnh Tộ, thằng Lư Nho đi học ở trường Chiên Đàn thì ảnh được cha gởi xuống học đâu dưới chợ Vạn. Đến khi tôi về học lớp ba ở trường tiểu học thì ảnh mới về học lớp nhất…Tôi nhớ được chi tiết này vì có một lần, anh em tôi có đánh lộn với thằng Đồng, một bạn học cùng lớp. Anh em tôi chơi “hai chọi một”, nhưng thằng Đồng khoẻ quá, nó ở xóm Long Phước, là con nhà nông dân thứ thiệt, nên kết quả “hột kê huề”. Tôi thì bị sưng mặt vì thằng Đồng đấm những cái búa tạ như trời giáng vào mặt, còn anh tư thị bị chảy máu răng tùm lum tà la…
Cũng có một lần nữa, là anh em tôi hợp đồng tác chiến, cùng đánh lộn với thằng Trương Chá ngoài chợ. Thằng Trương Chá con bà Chá bán bánh tráng. Hàng ngày lúc rãnh, Trương Chá đội bánh tráng đi bán rong khắp chợ, khắp xóm, nên đôi chân, đôi tay nó khỏe như voi. Không biết vì lý do gì mà tụi tôi gây sự, rồi lăn xả vào đánh nhau. Thằng Chá mạnh và to con hơn thằng Đồng, dĩ nhiên một chọi hai, hột kê cũng huề, nhưng tụi tôi cũng bị u đầu, sứt trán.
Đó là nói cho ngon thế chứ, tôi vốn nhát gan, đâu có giám gây sự với ai, hai lần đánh lộn là tôi đã tởn da gà rồi, chắc anh tư tôi cũng vậy.
Anh tư tôi đẹp trai hơn tôi là cái chắc, có hai cái tôi thua xa ảnh là đôi mắt và mái tóc. Đôi mắt ảnh lớn và mái tóc ảnh đen mượt, phía ót sau ảnh xuôi nên khi hớt tóc, “hớt thấp”, thì mái tóc phía sau ôm cái đầu “không có chớn”, rất đẹp.
Còn đôi mắt của tôi thì ti hí, nhỏ xíu, nhiều khi cười tít mắt không thấy đất trời đâu. Mái tóc tôi thì cứng như rễ tre, phía sau ót có cái xương mọc nhô lên, nên dù những thợ hớt tóc “nghề” nhất chợ Quán Rường như anh năm Lý, hay anh Được, sau một hồi hì hục, cho tông đơ hay kéo rà qua rà lại, rà lên rà xuống, vẫn lắc đầu chịu thua, mái tóc tôi không xuôi được mà vẫn còn có “chớn”.
Cũng xin mở dấu ngoặc thêm là ở quê tôi có những người thợ hớt tóc sau đây.
Đầu tiên là anh năm Xuân.
Anh năm Xuân là con một ông cựu chánh tổng, gia đình anh “rân rác” lắm. Nhưng ảnh ỷ con nhà giàu nên ham chơi, chẳng lo học hành gì, nên sau khi quốc gia tiếp thu anh mở một cái chòi nhỏ gần chợ Quán Rường để hớt tóc cho cánh đàn ông. Cái tiệm hớt tóc được dựng lên gần sát cổng ra vào nhà ông tú Khảm. Ông Khảm đậu tú tài nho học nên được dân làng gọi là ông tú, nhưng ông chẳng làm được chức gì, chỉ nhà giàu, có ruộng có đất cho tá điền “làm rẻ”. Đến ngày mùa, tá điền đong lúa cũng ăn dư dã. Ông tú Khảm có một đàn con lớn, người vợ lớn đã mất nên ông lấy một bà vợ sau, nhỏ hơn ông ba con giáp. Cô Lan đẹp người, nên đi ra chợ ai cũng nhìn ngắm, trầm trồ. Anh năm Xuân biết ông tú Khảm già rồi, không còn “xíu quoách” nên đem “lời to tiếng nhỏ” tán cô Lan. Anh lấy câu phương châm tán gái là “nhất cự ly, nhì tốc độ” ra thực hành. Nghe thiên hạ đồn rằng, cứ buổi tối đến, anh năm Xuân cởi áo quần nằm trong quán hớt tóc phục sẳn, cô Lan ra đóng cổng khu nhà đồ sộ của ông tú. Cô ngó trước ngó sau không thấy có ai, liền chui tọt vào quán hớt tóc. Hai người “ịch đụi” nhau chừng mười phút, thì cô Lan vọt ra, vội vàng đóng cổng, khóa cổng vào nhà. Cuối năm đó cô sinh một đứa con gái kháu khỉnh, ai cũng nói con năm Xuân, nhưng ông tú Khảm thì vẫn đinh ninh là con mình, nên ông thương lắm.
Chuyện tình đến đó là hết, anh năm Xuân nghe nói buồn vì “tình đời đen bạc” nên bỏ vào Sài Gòn làm ăn.
Sau đó thì tới anh thợ hớt tóc thứ hai tên là Giống. Anh cũng làm một cái quán thô sơ bên ngã ba đường, gần quán bà cả Trâu và trường tiểu học Kỳ Mỹ. Anh là con trai mới lớn, cao to, lực lưỡng. Không ngờ anh bị đưa vào tầm ngắm của chị Hồng. Chị Hồng người gầy như que tăm, ốm nhom ốm nhách, gương mặt đầy tàn nhang, mỗi lần nói chuyện nước miếng văng tùm lum, nên gần ba mươi tuổi mà chẳng có chàng trai nào tới rước.
Chị Hồng nưng niu anh hết mực, dỗ ngon dỗ ngọt sao đó mà chị lại mang bầu. Cuối cùng, cũng mấy tháng sau, có lẽ nhìn lại thấy chị Hồng gầy gò, ốm o quá, nên anh Giống cũng bỏ đất mà đi, để lại chị Hồng với đứa con còn trong bụng mẹ.
Người thứ ba là anh Được, chồng chị Lâm. Hai người làm nhà gần cây bàng ở chợ Quán Rường. Cặp đôi này trông rất hạnh phúc. Chị Lâm bán nước chè (quê tôi gọi là “đổi” nước chè), còn anh Được hớt tóc. Anh Được hớt tóc đẹp, khéo tay, nên quán rất đông khách. Muốn hớt tóc anh Được phải ra quán ngồi đợi ít nhất cũng ba mươi phút. Anh hớt đẹp mà không trị nổi mái tóc của tôi, nên dù có “gò” bao nhiêu, mái tóc tôi phía sau ót vẫn còn có “chớn”.
Người thứ tư là anh năm Lý. Anh năm Lý lớn tuổi, khoảng trên bốn mươi. Anh hiền lành, thật thà. Ảnh hớt tóc kỹ lưỡng nhưng không đẹp bằng anh Được. Khi tôi biết là mái tóc tôi khó trị, tôi thôi không ra ngồi chờ ngoài quán anh Được nữa, mà nhảy qua quán anh năm Lý để được ảnh hớt, gọt, tỉa, cạo mặt, lấy ráy tai. Ảnh có môn lấy ráy tai thần sầu, khi ảnh để cái que ráy vào lỗ tai, xoay vòng vòng thì trời đất chung quanh đều quay cuồng, vì nhột mà sướng. Xong đâu đó anh còn lấy tay xoa xoa ngoài vành tai rồi búng chách chách nữa.
Trở lại chuyện anh tư.
Anh tư có hàm răng khá đẹp, nhưng còn nhỏ nên ảnh làm biếng đánh răng lắm, hàm răng thường có bợn vàng. Chị hai gọi đó là hàm răng “đóng khớm”. Hồi đó chưa có kem đánh răng, chưa có bàn chải đánh răng, nên chị hai thường lấy vỏ cau khô cắt nhỏ, đem “ép” anh tư và tôi đánh răng. Chị đưa miếng vỏ cau khô và đứng canh chừng, khi chúng tôi lấy xác cau chà qua chà lại hàm răng, khoảng năm phút, chị mới đi. Hình như hai ba ngày hay một tuần gì đó, tụi tôi mới được đánh răng một lần. Vỏ cau khô đánh răng cũng tuyệt lắm. Đánh xong nhìn vào gương thấy hàm răng mình trắng nhởn ra.
Anh tư ăn mặc chỉnh tề, khi nhà tôi đã sắm được cái bàn ủi “con gà trống” thì ảnh ủi áo quần thường xuyên. Tôi có lẽ còn nhỏ và tính cẩu thả, nên áo quần thường giặt qua loa xong là tròng vào ngay.
Gần phía bên trên nhà tôi là nhà ông tư Trí, ông này có một đức tính là hay cằn nhằn vợ con lắm. Có chuyện gì mà vợ con làm sai ý ông thì ông “nhằn” lớn tiếng, cả dưới nhà tôi cũng nghe. Câu cuối cùng lúc nào ông cũng nói như rên lên: “Răng tui khổ quá thế này nề trời. Trời ơi là trời!” Anh tư tôi cũng vậy, có chuyện gì không vừa ý thì ảnh cằn nhằn, rằng rực suốt, nên chị hai tôi thường đùa, “thằng nhằn như ông tư Trí”, sau này thành biệt danh của ảnh luôn.
Có một điều khác biệt giữa hai đứa tôi là, tôi mau mắn, nhậm lẹ, “lất cất” bao nhiêu, thì anh tư tôi chậm rãi, rề rà, “nước đến chân mới nhảy” bấy nhiêu. Buổi tối ngồi học bài chung trên chiếc bàn trong buồng nhà ngang, thì tôi “rống” cả xóm ai cũng nghe, còn ảnh thì đọc từ từ, lại hay ngủ gà, ngủ gật. Tôi thì học không hết bài, mà ảnh cứ tỉnh bơ, ngáy khì khì, khò khò.
Những trò chơi chung như đánh bóng chuyền, đá bóng, hai đứa tôi đều không xuất sắc, chỉ xếp hạng C trong xóm. Nên khi thành lập đội banh thiếu niên của xã, tụi tui đành ra rìa.
Cũng có vài kỷ niệm vui vui, dù khác tính nhau và ảnh là anh tôi, nhưng nhiều khi chúng tôi cũng “hợp đồng tác chiến” trong chuyện “con gái”. Như là tụi tui cùng rũ con Tình ra chỗ giếng nước, dụ hái trái dâu đất cho nó, rồi thò tay rờ thử “núm cau” của nó ra sao. Tuy còn nhỏ, nhưng có lẽ vì tính hiếu kỳ, tò mò của con nít, nên chúng tôi đã thành công. Con Tình không nói gì mà còn cười vui vẻ nữa. Buổi chiều hôm đó, mẹ tôi kêu hai đứa ra giếng tắm, vì tranh giành cái gàu múc nước không được, nên tôi nổi cáu, định mét mẹ là: “anh tư rũ con bóp v. con Tình, mẹ à”. Trong lúc ảnh sợ lộ tẩy, bèn xô mạnh tôi té nhào vào đám vò hốt giá của mẹ, nên tôi chưa kịp nói hết câu. Tôi bị té nhào vào đám mảnh sành, bị xóc, chảy máu tùm lum. Mẹ tôi hoảng quá kéo tôi vào nhà, lấy thuốc lá rê rịt cho cầm máu. Vết té bây giờ vẫn còn, và câu định nói đó, tôi chưa nói ra hết được bằng lời, coi như cuốn theo chiều gió bay đi, bay mãi đến bây giờ, chỉ có hai anh em tôi biết.
Anh tư học chỉ khá thôi chứ không giỏi, nhưng kỳ thi đệ thất năm đó, anh thi đậu vào trường công lập Trần Cao Vân, một ngôi trường tỉnh, nên cả nhà tôi vui như tết. Cha tôi làm một bữa tiệc đãi các thầy dạy ở trường tiểu học và các bạn đồng liêu ở hội đồng xã cũng mười mấy mâm. Thế là ngon, cả tỉnh cũng hơn ngàn thí sinh, lấy khoảng trăm rưởi, mà đậu được là ngon.
Thế là từ niên khóa đó anh tư bắt đầu đi học trung học, anh phải ở trọ, ăn cơm tháng dưới thị xã, mỗi cuối tuần mới được về nhà. Tôi cũng nhớ ảnh lắm, nhưng rồi tôi cũng có một số bạn học rũ chơi đủ mọi trò, nên cái nhớ cũng vợi bớt đi.
Như vậy thì tôi thua anh tư tôi nhiều điều, nhưng gẫm cho cùng, tôi cũng có duyên ngầm với nụ cười có hai cái lúm đồng tiền trời cho, nên cũng vớt vát lại. Những năm sau đó, tôi cũng thành công trong công cuộc trường chinh tán gái, cũng là tay “sát gái” dễ nễ.
Sau này lớn lên, cùng chạng tuổi nhau, nên có lúc, tôi và anh tư cũng có nghĩ đến và thương ngầm một cô học trò nào đó, nhưng đó chỉ là “thương ngầm” mà thôi, không có “mối tình chung” nào sống động để đời, để nhớ đến…