Ngô Tịnh Yên

Ngô Tịnh Yên

Rồi Đá Hay
Tôi Có Khác Gì

Rồi đá hay tôi có khác gì?
Ngày mai tôi hoá đá
Cần gì hoa nở không?
Rồi đây thành kẻ lạ,
Đừng đợi đá đơm bông.
Ngày mai đừng đến đừng miễn cưỡng,
Khi đã yêu mấy núi cũng trèo,
Còn không yêu thì dù một hướng
Cũng chẳng thể nào vói trông theo.
Ngày mai tôi thành đá,
Lặng nhìn những đổi thay,
Hay làm người vô cảm,
Cám ơn thế giới này.
Ngày mai đừng nhớ đừng ghi khắc,
Phút giây hạnh ngộ có là chi?
Vì đá nhiều khi không cảm giác
Nên đá và tôi có khác gì…
Ngày mai tôi là đá,
Thiền định những vô tri,
Hoặc là cây thánh giá,
Xin rửa tội tình si.

Trái Tim
Bé Nhỏ Vô Bờ

Có thể chút mưa là lòng se sắt
một chút nắng đủ hiu hắt cơn buồn
có thể đêm thâu nhưng đèn không tắt
và ngày tàn tôi tiếc ánh chiều buông

Có thể thương yêu triệu lần chưa đủ
cho rất nhiều mà vẫn nghĩ là chưa
có thể quên ai, quên rồi lại nhớ
mà trái tim bé nhỏ lại vô bờ

Ôi! Cái đẹp vạn đời ai hiểu thấu
tôi ra đi không biết lối quay về
đôi cánh đập phập phồng trong mạch máu
muốn bay ra khỏi những tế bào kia

Biết ơn hoa dù biết rồi hoa rụng
tạ ơn mây dù biết rồi mây bay
nhớ ơn đời dù cho đời tàn nhẫn
cám ơn người dù phụ phàng đắng cay

Và cám ơn Thượng Đế trớ trêu thay!
đã cho tôi còn được trái tim này
tấm lòng kia dù chẳng ai cần nó
tôi vẫn đem trao tặng đến muôn loài.

Trái Tim Bướng Bỉnh

Cái đầu tôi bảo thôi đừng đến!
những nơi đầy dấu kỷ niệm xưa
nhưng trái tim bất tuân thượng lệnh
cứ lang thang chiều tối sáng trưa

Cái đầu tôi bảo không được nhớ!
những yêu thương làm cho đớn đau
nhưng trái tim lại không biết sợ
trước lời đe dọa, cứ lăn vào

Cái đầu tôi bảo đừng liều lĩnh
cứ chơi dao có ngày đứt tay
nhưng trái tim thì luôn bướng bỉnh
giữ được hồn phách đã là may

Cái đầu tôi bảo đừng lưu luyến
những lòng đen bạc chẳng xanh đâu
nhưng trái tim không ưa sai khiến
muốn nó hàng phục cũng còn lâu!

Cái đầu tôi bảo đừng mơ tưởng
những bến bờ xa, sẽ hụt hơi
nhưng trái tim đôi khi rất chướng
dù không biết lội vẫn cứ bơi

Cái đầu tôi bảo đừng với tới
nhưng trái tim cứ thích trèo cao
ừ! thì cứ té không sao cả
lại yêu tiếp tục… có gì đâu…

Thơ Viết Ngày
Mẹ Lâm Trọng Bệnh

Tôi vẫn muốn cài một bông hoa đỏ
lên áo mình trên ngày tháng đang trôi
qua cuộc đời rong ruổi ngược xuôi
vẫn như còn nằm bên mẹ trong nôi

Tôi vẫn thích cài một bông hoa đỏ
dù mẹ còn đây hay sắp xa rồi
ước vẫn là đôi tay bé nhỏ
mẹ dắt đi qua gai góc đường đời

Tôi vẫn cứ cài một bông hoa đỏ
không thích màu hoa trắng chẳng vui
đó là màu của nước mắt đang rơi
khi gọi hoài mà mẹ vẫn xa xôi

Tôi vẫn mãi cài một bông hoa đỏ
lên áo mình ở phía trái tim thôi
mà cứ ngỡ mang hoài hạnh phúc đó
được suốt đời gọi hai tiếng Mẹ ơi!

Còn Lại Cho Nhau

Vẫn còn lại chút gì đó mong manh Còn Lại Cho Nhau…
sau bao nhiêu xót xa, đau thương và đổ nát
trong đắng cay, phôi pha và tan tác
sau những phũ phàng khi chiếc mặt nạ rơi

Vẫn còn lại chút gì đó chưa phai
trước bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống
nhiều dối trá khoe khoang và trống rỗng
những tầm thường được khéo léo đậy che

Vẫn còn lại sau những tiếng khen chê
sau những tràng pháo tay, những bó hoa
giọt nước mắt… và sau nỗi chia xa
sau cơn bão…

Vẫn còn lại chút gì đó xôn xao
của riêng ta không hề bị thất lạc
sau nhiều thứ rụng rơi và mất mát
còn giữ được hoài chút gì đó
để cho nhau

Còn giữ được hoài cho năm tháng mai sau
tóc có bạc mà lòng không đổi trắng
ta chết đi mà đời không ân hận
một chút gì không nhiều lắm…
chẳng quên mau.

Thiếu Thừa

Thiếu gì nắng – thiếu gì mưa
thiếu nhau lại thấy rất thừa thời gian

Thiếu chi gió – thiếu chi trăng
thiếu đôi mình thấy trần gian không hồn

Thiếu gì vui – thiếu gì buồn
chỉ thừa hơi ấm chiếu giường dửng dưng

Thiếu chi biển – thiếu chi rừng
chỉ thừa phố xá lạ lùng không quen

Thiếu gì bạc – thiếu chi tiền
thiếu một người cũng thừa thiên hạ nhiều

Thiếu gì… người ghét, người yêu
tấm lòng chân thật bao nhiêu mới thừa?

Một Nửa Này
Vẫn Gọi Nửa Kia Ơi!

Chỉ giận hờn thôi đã hết mười năm…
rồi hiểu lầm, mất thêm mươi năm nữa!
nếu khi xưa đừng vội vàng khép cửa
đã chẳng xa nhau đến tận bây giờ

Treo tấm gương lên phủi lớp bụi mờ
vẫn thấy chúng ta dại khờ năm cũ
cái bận chia tay bằng lòng lầm lỡ
đổi tình yêu cho hạnh phúc đời nhau

Để hôm nay khi sắp sửa bạc đầu
mới hiểu được nửa đời ta đánh mất
kể từ lúc góp trái tim chân thật
vào bão giông tan nát buổi xa người

Một nửa này vẫn gọi nửa kia ơi!
chẳng mất nhau làm sao yêu nhau thế!
sao hiểu được trong long lanh giọt lệ
hai nửa nhìn ra chẳng thể lại chia lìa.

Ngô Tịnh Yên

Ngô Thế Vinh

Ngo The Vinh

Lưu Vực Sông Mekong
Địa Bàn Thách Đố Của Hoa Kỳ

“Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á. Tổng Thống Obama và tôi tin rằng khu vực này là thiết yếu cho tiến trình toàn cầu, cho hòa bình và thịnh vượng và chúng tôi mở rộng cam kết với các thành viên thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á trên mọi thách đố trong tương lai.” Ngoại trưởng Hillary Clinton, ASEAN Summit 07/ 28/ 2009.

“Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có một cam kết chiến lược và nghĩa vụ tinh thần nhằm bảo vệ sức khỏe và an sinh của cư dân sống phụ thuộc vào con Sông Mekong với nguồn tài nguyên và nếp sống của họ.” Thượng nghị sĩ Jim Webbs Press Releases 12/ 08/ 2011.

SỰ TRỞ LẠI MUỘN MÀNG CỦA HOA KỲ

Sau Chiến Tranh Việt Nam, sự vắng bóng của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á đã để lại một khoảng trống về địa dư chánh trị, và đây cũng chính là vận hội để một Trung Quốc với tham vọng mau chóng lấp đầy. Với sức bành trướng của Trung Quốc từ kinh tế tới quân sự ngày càng đè nặng trên 5 quốc gia trong lưu vực sông Mekong, cộng thêm với những động thái hung hãn của Bắc Kinh nhằm “Tây Tạng Hóa vùng Biển Đông/ Tibetization of South China Sea”, nói theo ngôn từ rất tượng hình của B.A. Hamzak, thuộc Viện Hàng hải Mã Lai / Malaysian Institute of Maritime Affairs, đang trực tiếp đe dọa tới những quyền lợi thiết thân của chính nước Mỹ, đã đến lúc chánh quyền Tổng thống Obama không thể không quan tâm tới sự thách đố của Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất thế giới đang nhanh chóng vươn lên như một siêu cường cả về kinh tế lẫn quân sự. Bắc Kinh không chỉ cạnh tranh ráo riết mà còn với tham vọng vượt qua Mỹ trong thập niên tới của thế kỷ này. Nguy hiểm hơn nữa, nói theo ngôn từ của Jane Perlez, báo New York Time, đó là một “cạnh tranh mất-còn / zero-sum game.” [9] Do đó, một chiến lược trở lại với khu vực Đông Nam Á của Hoa Kỳ là một tiến trình tất yếu chứ không phải là ngẫu nhiên.

Hoa Kỳ là một trong những nước tài trợ cho Ủy Hội Sông Mekong, đồng thời cũng đã từng viện trợ cho các quốc gia Mekong, lại có tiếng nói đầy quyền uy trên các tổ chức ngân hàng lớn của thế giới như World Bank/ WB và Asian Development bank/ ADB… với tư thế đó cùng với hành động tích cực dấn thân, Hoa Kỳ hy vọng có thể tìm lại thế đứng, với “vai trò đối trọng” hạn chế được phần nào sức bành trướng của Trung Quốc trong lưu vực.

KHỞI ĐẦU TỪ HÀNH PHÁP

Từ Hội nghị ASEAN [Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á], ngày 23-07-2009, theo yêu cầu của Mỹ đã có thêm một cuộc họp bên lề của Ngoại trưởng 5 nước: phía Mỹ là Hillary Rodham Clinton, cùng với 4 Ngoại trưởng vùng Hạ Lưu Sông Mekong bao gồm có Thái , Lào, Cam Bốt và Việt Nam tại Phuket, Thái Lan. Đại diện cho Việt Nam lúc đó là Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm kiêm Phó Thủ tướng.

Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vùng Hạ Lưu Sông Mekong/ Lower Mekong Basin và mỗi quốc gia đối với Hoa Kỳ, cùng với cam kết hỗ trợ nhằm thăng tiến hòa bình và thịnh vượng cho khu vực ASEAN như một toàn thể. Ngoại trưởng 4 nước Thái , Lào, Cam Bốt và Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ với các quốc gia Hạ Lưu trong những lãnh vực có ý nghĩa hỗ tương nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong vùng.

Tiếp theo đó là một tuyên cáo, liên quan tới những vấn đề quan tâm chung, đặc biệt là trong các lãnh vực Môi trường, Y tế, Giáo dục, và Phát triển Hạ tầng/ infrastructure development trong khu vực.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ mối quan tâm về ảnh hưởng tác hại từ những con đập đối với “An Ninh Lương Thực” trong vùng, trong đó phải kể tới tầm quan trọng của nguồn cá sông Mekong là nguồn protein chính đối với cư dân trong lưu vực.

Tưởng cũng nên nói thêm, chính Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đã và đang xây chuỗi 15 con đập thủy điện dòng chính sông trên khúc sông Lancang-Mekong thượng nguồn, và còn sở hữu thêm 4 dự án đập dòng chính trong số 11 dự án Hạ Lưu sông Mekong.

Ngoại trưởng 5 nước đã thảo luận về các lãnh vực bao gồm biến đổi khí hậu và làm thế nào để đáp ứng có hiệu quả; phòng chống bệnh truyền nhiễm; mở rộng ứng dụng kỹ thuật cho giáo dục và đặc biệt quan tâm đến vùng nông thôn; cũng như phát triển hạ tầng. Các Ngoại trưởng đã xét duyệt những nỗ lực đang tiến hành, và đồng ý mở ra những lãnh vực hợp tác mới; và đặc biệt hoan nghênh sáng kiến “Kết Nghĩa Giữa Hai Ủy Hội Sông Mekong và Sông Mississippi / Sister-River Partnership” nhằm chia xẻ kinh nghiệm chuyên môn trong các lãnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, đương đầu với lũ lụt và hạn hán, khai thác thủy điện và lượng giá ảnh hưởng, quản lý nguồn nước và quan tâm tới an ninh lương thực.

Với Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ Lower Mekong Initiative / LMI của Ngoại trưởng Hillary Clinton, mục đích là tạo thuận và phối hợp cách ứng xử với những thách đố trong phát triển của toàn vùng qua các hội nghị trao đổi thông tin kỹ thuật, những cuộc hội thảo huấn luyện, và những những thăm viếng khảo sát,. Các quốc gia Mekong đều bày tỏ thái độ tích cực đón nhận Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong.

Với 22 triệu MK dự chi cho các chương trình môi sinh của 4 quốc gia Hạ Lưu sông Mekong; một phần ngân khoản ấy cũng được xử dụng cho việc “Kết Nghĩa giữa hai Ủy Hội Sông Mekong và Mississippi” nhằm thăng tiến quản lý nguồn nước xuyên quốc gia / trans-boundary water resources, qua kinh nghiệm từ Lưu vực Sông Mississippi. Số tiền ấy cũng được dùng qua cơ quan USAID/ US Agency for International Development cho việc nghiên cứu ảnh hưởng thay đổi khí hậu trên nguồn nước, an ninh lương thực và trên cuộc sống cư dân trong lưu vực.

Theo Aviva Imhof, Giám Đốc truyền thông của Mạng Lưới Sông Quốc Tế / International River Network thì qua Cơ Quan Khảo Sát Địa Chất Mỹ / US Geological Survey / USGS, Hoa Kỳ có thể đóng góp phần hỗ trợ kỹ thuật trong việc thu thập dữ kiện về thủy văn/ hydrology, sinh thái/ ecology, lưu lượng phù sa / sediment flows và phẩm chất nước với bảo đảm rằng những thông tin ấy cũng được phổ biến rộng rãi tới quần chúng. [2]

Sáng kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI được xem là có phần nào ảnh hưởng tới động lực phát triển trong lưu vực/ regional dynamics, và gây sự chú ý tới những vấn đề địa dư chánh trị/ geopolitics issues đang bị thử thách.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng đã tiến tới thành lập một “Nhóm Bạn Mekong/ Friends of the Mekong” hợp tác song phương với các cơ quan tài trợ như ADB và WB. Như vậy, LMI đã bước đầu kết hợp cả hai “quyền lực mềm và khôn ngoan / soft & smart power”. [3]

Cho dù thực chất ban đầu còn là chưa đáng kể, nhưng dấu hiệu tái cam kết của Mỹ với các quốc gia Mekong và ASEAN đã bắt đầu khiến Trung Quốc đã phải quan tâm nhiều hơn tới các cộng đồng cư dân và các chánh phủ hạ lưu sông Mekong. Gần đây, Trung Quốc đồng ý chia xẻ phần “thông tin vận hành/ operational data” nhiều hơn với Ủy Hội Sông Mekong và cũng rất tượng trưng, cho phép một số viên chức tới thăm 2 con đập Tiểu Loan/ Xiaowan [ 4,200 MW] và Cảnh Hồng/ Jinhong (1,350 MW) trong số những con đập thủy điện dòng chính thượng nguồn đang hoạt động thuộc tỉnh Vân Nam.

TỚI GIỚI LẬP PHÁP HOA KỲ

Cùng với tiếng nói bên Hành Pháp, đã có sự cộng hưởng của cả giới Lập Pháp nhất là từ Thượng viện Hoa Kỳ. Thượng Nghị Sĩ Jim Webb với tư cách là chủ tịch Tiểu Ban Đông Á và Thái Bình Dương Sự vụ của Thượng viện/ Senate East Asian and Pacific Affairs Subcommittee, đã rất năng động từ nhiều năm nhằm ngăn ngừa những tổn hại không thể đảo nghịch về môi trường / irreversible damages do hậu quả của các đập thủy điện trên sông Mekong.

Là Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ tiểu bang Virginia từ 2006, tốt nghiệp Học viện Hải Quân 1968, từng phục vụ trong đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam tới 1972 với nhiều thành tích và huy chương. Sau đó là một luật sư, thời chính quyền Tổng Thống Reagan, ông từng là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, sau đó là Bộ Trưởng Hải Quân. Jim Webb còn là tác giả của 9 cuốn sách, đoạt giải Emmy về báo chí, là một nhà làm phim. Ông nói được tiếng Việt. Jim Webb là một tiếng nói rất năng động, được báo Washingtonian Magazine bầu chọn là một “Ngôi Sao Đang Lên/ Rising Star” tại Thượng viện Hoa Kỳ.

Năm 2009, TNS Webb đã thực hiện chuyến du hành 2 tuần qua 5 quốc gia Đông Nam Á để khảo sát các dự án phát triển sông Mekong và các phương thức xử dụng nước xuyên lưu vực. Ông cũng vận động lôi kéo được nhiều viên chức ngoại giao Hoa Kỳ, các chánh trị gia hoạch định chánh sách, các chuyên gia môi trường và giới học giả quan tâm tới những nguy cơ phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái của của con Sông Mekong và tầm quan trọng của Sông Mekong đối với phát triển kinh tế và xã hội của vùng Đông Nam Á.

Ngày 12/08/2011, Ủy Hội Sông Mekong/ MRC thông báo về quyết định từ Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng tại Siem Reap là hoãn xây con đập Xayaburi, cũng là con đập dòng chính đầu tiên thuộc Lưu Vực Dưới Sông Mekong, bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, với lý do để có thêm thời gian nghiên cứu về tác hại môi trường của con đập. Ngay cùng ngày, từ thủ đô Washington, TNS Jim Webb đã phát biểu “Đây là bước quan trọng hướng tới một chánh sách trách nhiệm / responsible policy nhằm bảo vệ những điều kiện kinh tế và môi trường cho hơn 60 triệu cư dân trong lưu vực.” TNS Webb tiếp: “Những nỗ lực của MRC để duy trì sự ổn định môi trường và kinh tế của vùng Hạ Lưu Mekong chứng tỏ ước muốn tôn trọng quyền hạn về nguồn nước của các quốc gia trong lưu vực và đồng thời cũng quan tâm tới “những tiêu chuẩn chính đáng về môi trường / proper environment standards” khi đánh giá những dự án xây đập thủy điện/ construction projects.” [4]

Trước đó, TNS Jim Webb cũng đã tổ chức một buổi điều trần ngày 23 tháng 09, 2010 trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện với đề tài: “Thách Đố về Nước và An Ninh Khu Vực Đông Nam Á/ Challenge to Water and Security in Southeast Asia” ngoài tiếng nói của Joseph Yun Phụ tá Thứ Trưởng Ngoại giao đặc trách Đông Nam Á/ Deputy Assistant Secretary of State for Southeast Asia phía Hành pháp, còn có những tiếng nói thẩm quyền và uy tín từ các tổ chức Phi Chánh phủ/ NGOs như Richard Cronin [The Stimson Center], Aviva Imhof [International Rivers Network], Dekila Chungyalpa [Greater Mekong Program World Wildlife Fund for Nature][1].

Ủy Ban Ngoại giao Thượng viện sau đó đã chuẩn thuận nghị quyết của TNS Webb kêu gọi các đại diện Hoa Kỳ nơi các ngân hàng phát triển đa quốc gia/ multilateral development banks cần tuân thủ triệt để/ strict adherence “những tiêu chuẩn quốc tế về môi trường” trong bất cứ một tài trợ ngân sách nào cho dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Nghị quyết này như một hỗ trợ cho MRC tuân hành theo thủ tục “tham khảo trước / prior consultation process” cho mỗi dự án xây đập và đồng thời cũng kêu gọi cả Miến Điện và Trung Quốc gia tăng hợp tác với MRC.

Nghị quyết ấy cũng kêu gọi hoãn xây các con đập dòng chính sông Mekong đồng thời thuyết phục chánh quyền Tổng Thống Obama tăng thêm ngân sách cho Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI, hỗ trợ cho “các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở / infrastructures projects” và tìm giải pháp bền vững thay thế cho các dự án đập thủy điện dòng chính Mekong.

Trong một lá thơ gửi Ngoại trưởng Hillary Clinton vào ngày 27 tháng 10, 2010, TSN Webb đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao tiến xa hơn nữa trong tăng cường hợp tác và thăng tiến phát triển bền vững đối với các dự án đập thủy điện dòng chính Sông Mekong.

TNS Webb phát biểu: “Là một thành viên tài trợ cho MRC, Hoa Kỳ chuẩn bị xem xét việc rút lại ngân khoản đóng góp nếu như các chương trình về con đập không đạt được tiêu chuẩn môi trường được quốc tế chấp nhận.” Và ông đề nghị Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu lên các vấn đề ở mọi cập bậc, vói tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm cả Thái Lan và Trung Quốc – là hai quốc gia tài trợ chính cho các dự án đập dòng chính Hạ Lưu Mekong.

“Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có một cam kết chiến lược và nghĩa vụ tinh thần / strategic and moral obligation nhằm bảo vệ sức khỏe và an sinh / wellbeing của cư dân sống phụ thuộc vào con sông Mekong cùng với nguồn tài nguyên và nếp sống của họ.” [5]

Người viết thấy cần ghi chú thêm ở đây là ngân khoản Hoa Kỳ đóng góp hàng năm cho MRC không phải là lớn so với các quốc gia khác, hơn thế nữa phải thấy rằng MRC không có chức năng của một cơ quan điều hợp / regulatory agency, ngoài khả năng tích lũy những hiểu biết và có kỹ thuật để hỗ trợ và tham vấn các quốc gia thành viên.

Toàn văn bản Nghị quyết 227 của Thượng viện [thông qua 07/07/2011], và được đồng bảo trợ của các TNS John Kerry, Massachusetts, Chủ tịch Ủy ban Ngoại Giao Thượng Viện, TNS Richard Lugar, Indiana và TNS James Inhofe, Oklahoma với toàn văn bản nội dung như sau [6]:

Mekong là con sông dài thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy suốt 3 ngàn dặm qua Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Khúc Sông Mekong Hạ Lưu là nguồn nước ngọt, nguồn thực phẩm và cơ hội kinh tế cho hơn 60 triệu dân lưu vực.

Sự đa dạng sinh học của sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, với khoảng 1,500 chủng loại cá trong số đó có hơn 1/3 thuộc loại di ngư/ migratory fish, ngược dòng Mekong và các phụ lưu trong chu kỳ sinh sản và tăng trưởng; đa số thuộc loại cá đánh bắt trao đổi thương mại.

Sông Mekong cũng là cái nôi của 2 quốc gia xuất cảng gạo lớn nhất là Thái Lan và Việt Nam [Ghi chú của người viết: vựa lúa của Thái Lan chủ yếu phụ thuộc vào đồng bằng châu thổ sông Chao Phraya chứ không phải sông Mekong] và là vựa cá nước ngọt lớn nhất với 4 triệu tấn mỗi năm trị giá lên tới 9 tỉ MK và cũng chiếm tới 80% lượng protein động vật của cư dân lưu vực.

Trung Quốc đã và đang xây 15 con đập trên dòng chính Mekong thượng lưu; Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam cũng đang hoạch định xây hoặc tài trợ cho 11 con đập dòng chính trên khúc sông Mekong hạ lưu. Các cuộc nghiên cứu khoa học đã rất quan tâm tới ảnh hưởng tác hại của các con đập dòng chính trên dòng chảy, nguồn cá và sinh vật hoang dã.

MRC là một tổ chức bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam qua một Hiệp Định Hợp Tác Phát Triển Bền Vững được ký kết tại Chiang Rai tháng 04, 1995 với thỏa thuận hợp tác quản lý con sông Mekong, phát triển theo hướng bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.

Mọi thành viên MRC cùng đồng ý “bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường, đặc biệt với lượng và phẩm chất nước, hệ sinh thái nước / aquatic ecosystem, và sự cân bằng sinh thái của toàn con sông/ river system, do phát triển và xử dụng các nguồn nước Lưu vực Sông Mekong.” [Điều 7, Mekong Agreement 1995]

MRC đã bảo trợ cho công trình Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược/ Strategic Environment Assessment/ SEA đối với dự án các con đập dòng chính hạ lưu sông Mekong, và đã đi tới kết luận là các con đập có thể gây hậu quả nghiêm trọng về môi sinh bất khả phục hồi, cùng với những tổn thất lâu dài về tính đa dạng sinh học và sự lành mạnh của toàn hệ sinh thái sông Mekong.

Những thay đổi ấy có thể đe dọa tới “An Ninh Lương Thực” trong vùng, ngăn chặn nguồn di ngư, gây tổn thất trên tính đa dạng sinh học, giảm dòng chảy phù sa, gia tăng nạn nhiễm mặn, giảm lượng nông phẩm, và gây bất ổn cho các nhánh sông rạch và cả gây xạt lở vùng cận duyên Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Hoa Kỳ có những quyền lợi đáng kể cả về kinh tế và chiến lược trong lưu vực sông Mekong và những quyền lợi ấy có thể bị đe dọa nếu như việc xây những con đập dòng chính ấy có thể gây bất ổn chánh trị trong vùng/ region’s political stability at risk.

Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI do Bộ Ngoại Giao Mỹ khởi xướng vào tháng 7, 2009 liên kết 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam trong những “vấn đề an ninh về nước/ water securities issues”, xây dựng tiềm năng vùng, và tạo thuận cho hợp tác đa phương trong vấn đề quản trị hữu hiệu các nguồn nước.

Tài trợ cho Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong khởi đầu chú tâm tới tới ba trụ/ pillars: môi trường, y tế và giáo dục_ riêng trụ thứ 4/ fourth pillar, cơ sở hạ tầng / infrastructure thì hầu như bỏ ngỏ và không có ngân khoản/ largely unfunded. Trong khi cơ sở hạ tầng là yếu tố thiết yếu/ critical element thăng tiến khả năng điều hợp việc xây dựng các công trình thủy điện trong vùng.

Ngày 22 tháng 9, 2010, Lào gửi tới MRC dự án đập Xayaburi để dược xét duyệt/ review; đây là con đập hạ lưu đầu tiên trong chuỗi 9 con đập dòng chính trong lãnh thổ Lào [Ghi chú của người viết: 2 con đập kia là Stung Treng và Sambor trong lãnh thổ Cam Bốt].

Ngày 19 tháng 4 năm 2011, các đại diện Ủy Ban Liên Hợp / Joint Committee MRC họp để thảo luận về dự án đập Xayaburi đã không đạt được sự đồng thuận nhưng cũng đồng ý với nhau rằng quyết định sẽ được hoãn lại cho tới kỳ họp cấp Bộ trưởng của 4 nước sắp tới.

Ngày 8 tháng 5, 2011, chánh phủ Lào đồng ý tạm hoãn công trình Xayaburi với kế hoạch khảo sát thêm về lượng giá môi trường/ environmental assessment, nhằm đáp ứng mối quan tâm của các quốc gia láng giềng.

Từ những dữ kiện trên, Thượng Viện Hoa Kỳ…

(1) kêu gọi chánh phủ Mỹ nhận định rõ sự khác biệt hoàn cảnh giữa các quốc gia ven sông Mekong, bao gồm các khía cạnh năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, và đồng thời hỗ trợ cho nền tảng phát triển hiệu quả/ cost-effective đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo khó.

(2) kêu gọi các đại diện của Hoa Kỳ trong các ngân hàng phát triển đa quốc gia vận dụng tiếng nói và quyền đầu phiếu đề chống lại việc hỗ trợ tài chính cho các dự án đập thủy điện dòng chính Mekong nếu chưa được phối hợp đầy đủ trong phạm vi vùng và có thể gây những tác hại đáng kể về môi trường, đời sông cư dân, và phát triển kinh tế ven sông và trong lưu vực.

(3) khuyến khích Hoa Kỳ gia tăng cam kết với các quốc gia Mekong qua Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI và gia tăng hỗ trợ “năng lượng và an ninh nước” thuộc vùng Đông Nam Á.

(4) kêu gọi chánh phủ Hoa Kỳ lãnh đạo Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI quan tâm nhiều hơn tới khả năng xây dựng các dự án về năng lượng và cơ sở hạ tầng nước.

(5) hoan nghênh quyết định của chánh phủ Lào tạm hoãn xây công trình đập Xaburi để đáp lại mối quan tâm của các quốc gia lân bang.

(6) hỗ trợ hoãn xây chuỗi các con đập dòng chính Mekong cho tới khi các cuộc lượng giá môi sinh hoàn chỉnh, đồng thời với kế hoạch điều hợp đa phương được hoàn tất.

(7) kêu gọi mọi quốc gia ven sông Mekong, bao gồm cả Trung Quốc tôn trọng quyền của các quốc gia khác trong lưu vực và cần quan tâm tới bất cứ sự bất đồng hay mối e ngại nào đối với các dự án đập sông Mekong.

(8) khuyến khích các thành viên của MRC tôn trọng thủ tục “tham vấn trước/ prior consultation” qua tiến trình xây đập trải với các giai đoạn như: Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, Tham vấn trước / Prior Consultation, Chuẩn thuận / Agreement.

(9) Kêu gọi các chánh phủ Miến Điện và Trung Quốc cải thiện hợp tác với MRC, chia xẻ thông tin về lưu lượng nước và tham dự vào các tiến trình quyết định trong vùng/ regional decision-making processes, trong phát triển và xử dụng sông Mekong. Và:

(10) hỗ trợ các quốc gia hạ lưu Mekong thu thập dữ kiện và phân tích ảnh hưởng các dự án phát triển dọc theo sông Mekong.

MỘT KHỞI ĐẦU RẤT
TƯỢNG TRƯNG CỦA HOA KỲ

Sự trở lại khu vực Đông Nam Á của Hoa Kỳ qua Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI, còn mang tính cách rất tượng trưng với một ngân khoản đầu tư chưa tương xứng so với tầm vóc của chánh sách và nhu cầu của các quốc gia trong lưu vực. Lại càng chưa thể nói là có khả năng “đối trọng” đối với áp lực bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, khi mà Bắc Kinh đang ở thế thượng phong trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong / Greater Mekong Subregion/ GMS so với Hoa Kỳ trong nhiều lãnh vực:

_ TQ có một địa dư tiếp cận, sở hữu một nửa chiều dài con sông Lancang-Mekong chảy xuyên suốt qua 6 quốc gia thay vì là cả một khoảng cách đại dương.

_ TQ đang và sẽ sở hữu thêm những con đập dòng chính khổng lồ trên thượng nguồn khiến con sông Mekong trở “thành tháp nước và nhà máy điện” của Trung Quốc. [8]

_ TQ đã và đang mở rộng những đặc khu kinh tế SEZs/ Special Economic Zones “Made in China” trong lưu vực [ Lào, Cam Bốt, Việt Nam] với nhân lực tài lực và các hạ tầng cơ sở có khả năng bám trụ lâu dài.

_ TQ có một lực lượng quân sự được quyền ngang nhiên tuần tra trên sông Mekong bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc từ tháng 12, 2011 nhằm bảo vệ an ninh và những đặc quyền kinh tế. [7]

_ TQ đang tận khai thác tình trạng phân hóa khối ASEAN và các quốc gia Mekong, điển hình là sự rạn vỡ của ba nước Đông Dương với Cam Bốt và tiếp theo là Lào đang tách rời Việt Nam đi dần vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

_ TQ có một nguồn tiền gần như vô hạn, là chủ nợ của Hoa Kỳ, và dư khả năng để tài trợ cho các công trình cơ sở hạ tầng và cả những con đập hạ lưu sông Mekong.

Ngay cả chưa nói tới nguồn tiền từ Trung Quốc, khai thác thủy điện sông Mekong nay có phần dễ dàng hơn nhiều khi mà số vốn đầu tư có thể đến từ những ngân hàng thương mại địa phương [như Thái Lan, Mã Lai, Việt Nam…] thay vì như trước đây phải được tài trợ từ các tổ chức tài chánh quốc tế lớn mà Mỹ rất có ảnh hưởng như Ngân hàng Thế giới / World Bank, Ngân hàng Phát triển Á châu / ADB.

Thiếu thực chất / short on substance là thực trạng hiện nay của Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI. Các viên chức Hoa Kỳ từ Hành Pháp tới Lập Pháp thì đã nói nhiều về cam kết với vai trò mở rộng của Hoa Kỳ trong Lưu Vực Sông Mekong nhưng “tổng số đầu tư thì chưa đáng kể” để có thể hỗ trợ cho các cuộc nghiên cứu về lượng giá ảnh hưởng tích lũy của các dự án đập trên dòng chính sông Mekong. Dĩ nhiên, có một cái giá tương xứng phải trả để Hoa Kỳ có thể trở lại khu vực Đông Nam Á với thế mạnh và có khả năng đối trọng với Trung Quốc.

Trong bài kế tiếp, người viết sẽ bàn về những bước triển khai và hiện thực của Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI cùng với những đề xuất.

Ngô Thế Vinh

*********
THAM KHẢO:

1. Challenge to Water and Security in Southeast Asia; U.S. Senate Committee on Foreign Relations; Presiding: Senator Webb, Thursday, September 23, 2010;
http://www.foreign.senate.gov/hearings/hearing/?id=4c2fd291-5056-a032-52fd-414f26c49704.

2. Testimony of Aviva Imhof, Campaign Director, International Rivers Before the Senate Committee on “Challenge to Water and Security in Southeast Asia”, Sept 23, 2010
http://foreign.senate.gov/imo/media/doc/Imhof.pdf.

3. Mekong, Tipping Point: Hydropower Dams, Human Security and Regional Stability; Richard Cronin, Timothy Hamlin; The Henry Stimson Center 2010; www.stimson.org .

4. Press Releases: Senator Webb: Mekong River Commission Announcement on Xayaburi Dam “Important Step Toward Responsible Policy”; December 8, 2011;
http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/2011-12-08-02.cfm.

5. Sen. Webb Calls on Sec. Clinton to Strengthen Cooperation to Avert Crisis in Mekong River Region of Southeast Asia. Says U.S. should consider withdrawing funding for Mekong River Commission if environmental standards are not met. http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/10-27-2010-02.cfm.

6. In The Senate of The United Stated,; The full text of S.Res. 227 (as passed July 7, 2011), (Mr. Webb, Mr. Inhofe, and Mr. Lugar) A resolution calling for the protection of the Mekong River Basin and increased United States support for delaying the construction of mainstream dams along the Mekong River.

7. Mekong River Patrols in Full Swing but Challenges Remain
Publication: China Brief Volume: 12 Issue: 4
February 21, 2012; By: Ian Storey

8. The Damming of the Mekong:?Major Blow to an Epic River; Yale Environment 360 by fred pearce, June 16, 2009
http://e360.yale.edu/feature/the_damming_of_the_mekong_major_blow_to_an_epic_river/2162/

9. China Sees U.S. as Competitor and Declining Power, Insider Says; By Jane Perlez, April 2, 2012;
http://www.nytimes.com/2012/04/03/world/asia/chinese-insider-offers-rare-glimpse-of-us-china-frictions.html?_r=1&hp

Cựu Kim Sơn
Chưa Hề Giã Biệt
* Gửi Nguyễn Trùng Khánh

Thế rồi, cái gì phải đến cũng đến. Ngày trở về Việt Nam đã tới. Mấy tuần trước đó có vài người khuyên tôi nên ở lại. Nếu tôi muốn họ sẽ giúp tôi trốn sang Canada. Tôi lưỡng lự mãi. Một bên là cám dỗ của một đời sống mới, tự do và đầy đủ tiện nghi. Một bên là nỗi nhớ nhung, mái tóc bạc của bà mẹ già, ngọn gió rì rào trong bụi tre ngà, một tô phở nóng, một cái gì rưng rức khó tả. Và nhất là cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa bác sĩ Rieux và Rambert trong La Peste của Camus : “Il n’y a pas de honte à préférer le bonheur, mais il peut avoir de la honte à être heureux tout seul”. Tôn Kàn, Quan hai lang tây lính thủy đánh bộ. (tr.94-95 TSYS 1993)

Tiếng leng keng của chiếc tàu điện đang đổ dốc với chật ních du khách đứng lan cả ra thành tàu, trên một nền xa mờ thấp thoáng chiếc cầu Golden Gate: cảnh ấy như biểu tượng của Cựu Kim Sơn không đổi thay từ bao năm trên tấm Postcard gửi đi từ thành phố thanh lịch mỹ miều này. Từ ngày hôm ấy, mười lăm năm sau, chẳng thể nghĩ rằng hơn một lần Phan trở lại nơi đây. Cảm giác như không hề có thật.

Cuộc hành trình qua suốt 15 tiểu bang, trong một khoảng thời gian không dài, để thấy cái mông mênh của tân lục địa và những cơ hội cho người lưu dân mới tới. Mỗi nơi là một quyến rũ bào chữa bảo chàng không về. Cùng chuyến đi với Phan, có Chính. Không thắc mắc vấn nạn, Chính đã có ý định ở lại ngay từ ngày còn bên nhà. Biết nhau từ hồi Đại học xá Minh Mạng. Chính học giỏi nhưng chẳng may Tú tài chỉ đậu bình thay vì ưu hạng nên đã một lần lỡ mộng du học. Sau đó Chính chọn Y khoa, là một trong số những nội trú xuất sắc, được chọn vào Ban Giảng huấn và cho đi du học Mỹ sau đó. Khi tới thăm Walter Reed, có dịp gặp lại Chính ở Hoa Thịnh Đốn giữa mùa hoa anh đào nở. Chính cũng đang bay qua nhiều tiểu bang cho những cuộc Interviews để được chọn vào chương trình Nội trú các bệnh viện. Câu chuyện rồi cũng lại xoay quanh chuyện ở hay về. Hắn thuyết phục Phan bằng vô số những “bởi vì”, rằng không chấp nhận cộng sản phía bên kia, cũng không thể chấp nhận thối nát của bên này, rằng sớm muộn Mỹ cũng sẽ bỏ rơi miền Nam. Chính đã dứt khóat khôn ngoan xử dụng trí thông minh và cơ hội để chọn một cuộc sống lưu dân êm ấm. Không phán đoán mà rất thản nhiên với chuyện lựa chọn của Chính. Phan còn lý luận tốt cho bạn, rằng thông minh như nó lại có cơ hội, biết đâu hắn chẳng trở thành một giáo sư y khoa lỗi lạc. Trường hợp Chính cũng như nhiều nhân viên giảng huấn được gửi đi mà không trở về chỉ nằm trong hiện tượng “brain drain” rất phổ quát của trí thức năm châu. Người ta luôn luôn nhắc tới một bà mẹ Teresa yếu đuối tận tụy hy sinh giúp những người bệnh nghèo ở Ấn nhưng chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của hàng chục ngàn bác sĩ Ấn độ không thiếu những thành phần lỗi lạc vẫn tiếp tục hàng năm đổ thêm vào nước Mỹ. Chính cũng chỉ là một giọt rất nhỏ nhoi giót thêm vào lượng nước của một chiếc ly chẳng bao giờ biết đầy.

Bước vào tuổi 30, chưa xa lâu sân trường đại học nhưng những năm thực sự lăn lộn với những người lính chiến trận, Phan thấy mình vĩnh viễn bước ra khỏi đời sống sinh viên tự bao giờ. Cảm giác ấy thật rõ ràng khi vào ngày cuối tuần, Phan thường sang bên khu Đại học Berkerley hiện đại và cổ kính, tìm sự hoà mình để càng thấy rõ là người đứng bên lề. Khá đông sinh viên Việt ở nội trú trong Campus, đa số gốc con ông cháu cha ở Sài Gòn nhưng phản chiến hơn cả sinh viên Mỹ. Chưa hề biết đồng quê là gì nhưng lại biết mặc đồng phục bà ba đen khi lên sân khấu hát “Quảng bình Quê ta ơi” và tích cực quyên tiền giúp Mặt trận Giải phóng. Không, chẳng phải vì cái sân khấu ấy mà Phan có mặt; thực ra Phan có phần đời sống riêng tư ở bên đó. Phương Nghi em gái một đồng nghiệp, thông minh ngây thơ và mong manh trẻ đẹp, có thể chỉ là hình ảnh giấc mộng trăm năm của đời chàng. Làm sao nỡ đem cái mong manh dễ vỡ ấy trở về để mà bắt chia xẻ với chàng những giông bão và bất trắc. Lần gặp Phương Nghi tối qua rất khuya đi giữa các đường phố nhỏ chỉ có những nam nữ sinh viên, chưa hề nói câu từ biệt nhưng Phan cảm tưởng rất rõ đó là chuyến gặp nhau lần cuối cùng…

Buổi sáng nắng đẹp, cầu Golden Gate rực rỡ ửng hồng, nơi mỏm sương mù gần bệnh viện Letterman vẫn như còn sương khói ẩn hiện mờ mờ. Đứng trên chiếc du thuyền, phơi mình trong nắng chan hòa nhưng vẫn thấm lạnh vì từng đợt từng đợt những cơn gió từ biển thổi sâu vào trong vịnh. Không suy nghĩ, như một cử chỉ dứt khoát, Phan ném chiếc máy ảnh, cả những cuộn phim rơi sâu xuống lòng vịnh. Hành động trong khoảnh khắc tưởng như chẳng có ai có thể chứng kiến. Một bà Mỹ già, đôi mắt vui và rất sáng đang tiến lại phía chàng. Hình như ông đã để rơi chiếc máy hình xuống biển. Thay cho câu trả lời Phan nói rất bâng quơ. Gió thổi vào vịnh lớn quá thưa bà. Một tay giữ cổ áo, bàn tay trắng đẹp đẽ kia xuôi vuốt mái tóc bạch kim lấp lánh ánh nắng. Chả thế mà tôi cũng vừa bị thổi băng chiếc mũ lông xuống mặt nước. Rồi bà lân la gợi chuyện. “Ông có phải từ Việt Nam không? Tôi cứ nghĩ ông là người Việt Nam, tôi muốn hỏi tin tức và tình hình bên đó. Cứ theo tin truyền hình CBS thì rối mù, chỉ thấy cảnh lính Mỹ châm lửa đốt nhà dân quê, lại tới vụ thảm sát cả đàn bà trẻ em ở Mỹ Lai. Đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu tại sao thằng con trai tôi phải có mặt bên đó”. Thấy Phan không hào hứng bắt chuyện, người đàn bà vẫn lại vui vẻ đi về phía những du khách đang tụ lại nơi mũi tàu. Tuổi già, du lịch giúp bà trốn chạy ra khỏi căn nhà rộng trống trải của mình. Không ngờ cái xứ sở Việt Nam nhỏ bé xa hơn nửa vòng trái đất ấy đã bắt đầu để hằn sâu những dấu ấn trên lục địa này. Hôm sang Palo Alto tới thăm đại học Stanford, như mọi campus khác trên khắp nước Mỹ đang hừng hực những phong trào Sit-in, Teach-in phản chiến. Đốt cờ, đốt thẻ trưng binh, trốn ra nước ngoài, đến vụ tự thiêu chết ở Hoa Thịnh Đốn, xã hội Mỹ đang phân hóa đến cực điểm giữa cao độ của cuộc chiến tranh đã lan ra cả Đông Dương. Sau Thích Quảng Đức, tự thiêu không còn là một hình thức phản đối bất bạo động của Phật giáo mà đã trở thành phương thức đấu tranh của cả sinh viên Mỹ.

Phan được hướng dẫn dặn rất kỹ không bao giờ mang quân phục hay có dấu hiệu của quân đội vì có thể bị hành hung và cả đốt xe. Cũng ngày hôm đó một đám sinh viên Mỹ kéo tới nằm trên đường rầy xe lửa chặn không cho các chuyến tàu chở vũ khí bom đạn tới cảng Oakland để chuyển đưa sang Việt Nam. Vĩnh biệt Cựu Kim Sơn. Thanh thản nhẹ nhàng không lưu luyến buồn vui, để rồi ngày mai chưa biết ra sao nhưng chàng sẽ trở về với bà mẹ già, những người lính đồng đội và cánh đồng lúa thơm chín vàng của Việt Nam. Chẳng phải Cựu Kim Sơn, Phan đã để trái tim mình ở Sài Gòn. Chàng mơ ước cho xứ sở cái sung túc mà người Mỹ đang có nhưng bằng niềm tin tạo dựng với sức lao động vốn siêng năng của người dân mình…

Những năm sau hồi hương, trở lại cuộc sống của một bác sĩ quân y bình thường. Lương sĩ quan, không thể gọi là dư giả, cuộc sống người thầy thuốc bận bịu với những người lính và gia đình họ nhưng thanh thản. Vốn không nhiều lý luận, không mang nặng luân lý hy sinh của các bà sơ, nhưng Phan nhạy cảm sống nhiều bằng trực giác. Gặp khó khăn, phải làm việc trong những điều kiện thiếu thốn như một hoàn cảnh chung của cả nước, Phan vẫn tìm cách giải quyết mà anh cho là tốt nhất có thể được khi anh xem mỗi người bệnh ấy như phần ruột thịt thân yêu của gia đình mình. Không quá nhiều tham vọng, lại không thích chánh trị mà anh cho là thời cơ và giả dối; bằng những cố gắng bình thường mỗi ngày, Phan thấy mình có ích và nghĩ như vậy là hạnh phúc. Những tháng ngày sống ở Mỹ như một thế giới rất xa xôi với hiện tại của chàng…

Ngày hôm đó đang nghỉ phép giữa một Sài Gòn đầy xao xuyến, về chuyện ở đi, Phan lại có một quyết định, có thể gọi là lầm lẫn được không, lần thứ hai thay đổi cả hướng đi của đời mình. Chiếc máy ảnh và cả cuộn phim nằm sâu ở một nơi nào đó trong lòng vịnh Cựu Kim Sơn, vẫn ám ảnh Phan như một lời nguyền ngăn chàng không thể trở lại nơi ấy lần thứ hai. Khi mà cứ điểm cuối cùng là Sài Gòn cũng không còn hy vọng đứng vững, thì người ta bắt đầu chạy tứ tán ra các vùng biển, nhào vào các hải cảng và phi trường để tìm phương tiện thoát thân. Bọn du kích đã ra mặt kiểm soát các trục lộ ra Vũng Tàu, xuống Rạch Giá. Từ cảng Sài Gòn đa số tàu Hải quân đã theo đội hình tác chiến bắn phá dữ dội dọc hai bên sông trên đường ra biển từ hai hôm trước. Còn lại phi trường Tân Sơn Nhất, tuy lác đác bị pháo kích nhưng vẫn còn những chuyến bay lên xuống. Chuyến bay dân sự cuối cùng đã phải trở lại Hồng Kông. Số máy bay thưa dần nhưng lượng người đổ vào trong phi trường càng đông cho dù đám quân cảnh ra sức mạnh tay ngăn cản. Bây giờ chỉ những chuyến xe có người hướng dẫn với Manifest của chuyến bay mới được phép vào cổng phi trường. Đây là cơ hội cho những nhân viên trung cấp của toà Đại sứ Mỹ qua trung gian của các bà vợ Việt tung hoành. Cũng chẳng cần có liên hệ mật thiết với chánh phủ Hoa Kỳ hay toà Đại sứ Mỹ, nếu có tiền đô la hay vàng, là có thể thêm tên vào danh sách hành khách cho một chuyến bay nào đó sắp tới. Xứ sở này đã hơn một lần được báo Mỹ mệnh danh có một nền văn hóa tham nhũng/ culture of corruption, đã rất sớm dạy cho những người Mỹ cách tham nhũng, kể cả những vụ đổ hàng PX lậu từ Tân Cảng tới các bãi rác, đủ mọi thứ hàng gì, kể cả súng. Và bây giờ ở trận chiến tàn, trong chuyến tàu vét, họ đang thản nhiên ra giá cho những tấm vé nếu chưa phải để tới thiên đường thì ít ra cũng thoát ra khỏi quần đảo ngục tù hay cả cái chết.

Phan với vợ và con nhỏ, cùng bốn năm gia đình khác, mỗi người với túi hành lý nhẹ, ngồi kín chiếc xe van chờ bốc họ nơi sân sau của một khách sạn gần trung tâm thành phố. Mỗi người bước lên xe là một trao đổi sòng phẳng. Không biết bằng cách nào, có lẽ qua giúp đỡ của gia đình, vợ Phan đã đưa được tên cả ba người vào danh sách. Người đàn bà quá hiểu chồng, sống bằng trực giác phụ nữ, nàng tìm cách chuyển con sang tay Phan. Như vậy nàng có thể yên tâm cho tới khi vào được bên trong của phi trường. Dù lẫn cả trẻ con nhưng sao không khí thật nặng nề và im lặng. Chiếc xe lầm lũi chạy nhanh trên các đường phố nhao nhác. Đám người trên hè phố tụ tập bàn tán, chỉ chỏ nhìn dõi theo chiếc xe mà chắc họ cũng biết là đang hướng về phía phi cảng.

Xe tới gần Bộ Tổng Tham mưu, vẫn còn rải rác những người lính đứng canh giữ. Canh giữ cho một tổng hành dinh trống trơn. Không ra khỏi cổng, nhưng các ông tướng còn lại đã thoát khỏi bộ Tổng tham mưu bằng những chiếc trực thăng cuối cùng. Con bé lại làm xấu, nước đái thơm ấm thấm xuống cả đùi chàng. Chuyền lại đứa con sang tay vợ, như có linh tính con bé nhất định ôm chặt lấy bố, oà khóc khi lọt sang vòng tay mẹ nó. Khi chiếc xe vừa dừng lại nơi trạm kiểm soát, do một quyết định rất nhanh, không biết có tự bao giờ, Phan mở cửa bước xuống, dặn vói vợ. Em và con đi trước, rồi anh sẽ gặp hai mẹ con. Phan tránh không nhìn thẳng vào khuôn mặt vợ, vì biết mình chẳng thể cứng lòng quyết định dứt khoát về một cuộc chia ly như vậy…

Gần trưa ngày 30 tháng 4. Tướng Big Minh qua đài phát thanh kêu gọi buông súng. Hoang mang, ngỡ ngàng, rồi bàng hoàng đau đớn. Lệnh đầu hàng là “phát súng thi ân” cho những đơn vị quyết tâm tử thủ cho tới viên đạn cuối cùng… Trên đường Công Lý, từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất, không biết từ bao giờ, chuẩn uý Ngộ và tiểu đội của anh vẫn trật tự lầm lũi theo hàng một tiến về hướng Dinh Độc Lập. Trước đó nhiều ngày đơn vị anh và các tiểu đoàn Nhảy Dù đã bám trụ ngày đêm từ Ngã tư Bà Quẹo tới cổng Phi long, như nút chặn vững chãi cho cửa ngõ đi vào Sài Gòn và cả bảo vệ vòng đai phi trường. Người chuẩn úy da sạm đen, gương mặt xương gầy với đôi mắt rất sáng nhưng buồn. Súng lục trễ bên hông, trên tay một cây gậy nhỏ, dẫn đầu tiểu đội 12 nguời lính da cũng đen sạm trong những bộ rằn ri lấm bụi bạc sờn. Không chút ảnh hưởng nao núng bởi những khuôn mặt dân chúng hoảng loạn giữa một thành phố xao xác, họ vẫn đều bước theo chân người chuẩn úy, với ba lô trên vai và mũi súng chúc xuống. Có điều gì đó rất thiết thân và thiêng liêng ràng buộc giúp họ thắng mọi sợ hãi trong nỗi sống chết không rời. Cuộc diễn hành kỳ lạ với không trống chiêng không cờ xí, hoàn toàn vắng mặt hàng Tướng lãnh đẹp đẽ trong nhung phục với ngực đầy huy chương trên kỳ đài, mà chỉ có những sĩ quan cấp thấp như chuẩn úy Ngộ và các đồng đội vô danh của anh vẫn can đảm bình thản tới gần tuyến lửa, đi tới trong kỷ luật đội ngũ, diễn qua rải rác những đám đông dân chúng lớn nhỏ tụ tập nhao nhác trên các con phố của một Sài Gòn đang chết dần.

Đã bao năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, có quá nhiều điều để không thể nào quên. Ngay trong tù đày, những hình ảnh hồi tưởng chưa bao giờ là cuộc duyệt binh vĩ đại đày màu sắc và ồn ào của ngày Quân Lực; mà luôn luôn là những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn. Người chuẩn úy ấy bây giờ ở đâu, trong một trại cải tạo nào, còn sống hay đã chết, số phận những người lính can đảm kỷ luật tới giờ phút chót ấy bây giờ ra sao, cũng không ai được biết. Liệu có thêm được một giòng chữ nào giữa những trang quân sử viết dở dang để nói về cuộc diễn binh kỳ lạ cấp tiểu đội mang biểu tượng hào hùng của quân lực ở ngày giờ cuối cùng trước khi cả toàn quân tan hàng rã ngũ…

Ở cái tuổi gần 50 không còn trẻ nữa, mái tóc đã pha chút điểm sương, khi người thầy thuốc là con bệnh, lần thứ hai trở lại lục địa cơ hội này, lẫn trong đám đông phức tạp của những người tỵ nạn mà Phan tưởng rằng đã có thể tách ra từ bao lâu rồi. Được các nhân viên xã hội dắt từ sân bay tới trạm tiếp đón, đó là một hangar trống trải nhưng rộng mênh mông ngay trong phi trường, với trang trí chỉ là một lá cờ vĩ đại ba màu xanh trắng đỏ sặc sỡ những sao và sọc. Rồi cũng như mọi người, Phan chờ cho được kêu tên để đứng vào hàng làm thủ tục giấy tờ, để được phát chiếc áo ấm cùng một màu nâu đồng phục, để được hướng dẫn bước đầu hội nhập vào xã hội Mỹ. Người đàn ông cán sự xã hội rất nhanh nhẹn và hoạt bát, thao thao bất tuyệt với giọng Bắc nhưng vẫn là âm gốc Huế. Anh dí dỏm kết luận bài học công dân đầu tiên: “Xin nhớ cho đây không còn là ở Việt Nam nữa, quý vị bây giờ đang ở trên đất Hoa Kỳ, đã có hoàn toàn tự do, kể cả tự do phê bình tổng thống hay quốc hội, nhưng – anh ta ngưng lại một chút như để tự tán thưởng bằng một nụ cười riêng thú vị: nhưng quý vị sẽ không có tự do trốn thuế. Trốn thuế ở Mỹ thì chỉ có ở tù và được coi là tội nặng nhất…”

Phan vẫn còn ngạc nhiên không hiểu lý do nào vấn đề đóng thuế lại được quan tâm đến như vậy ở đám người tỵ nạn mới tới mà nguồn sống lợi tức trước mắt chỉ là đồng tiền “oen phe”. Quanh Phan, mấy chú ba gốc Chợ Lớn có vẻ rất tập trung và nghiêm túc tiếp thu bài lên lớp đầu tiên ấy. Mũi dao trên trái tim, đó là Chữ Nhẫn Phan học được ở những tháng ngày dài đẵng vô ích và lãng phí của tù đày. Lúc này, không có chỗ cho cảm giác mỏi mệt, không buồn bã, không cả dư vị đắng cay, như một thói quen vô cớ Phan tự mỉm cười và hơn bao giờ hết anh hiểu rất rõ vị trí của mình khi chưa có được “một tấm căn cước” để bước vào cuộc sống mới. Khoảng cách mười lăm năm ấy bỗng dưng bị xóa nhoà. Phải chăng có một ràng buộc định mệnh, Phan đã trở lại Cựu Kim Sơn như chưa hề nói một câu giã biệt.

Ngô Thế Vinh

Ngô Nguyên Nghiễm

Ng_Nguyn_Nghim

Nghiêu Minh:
Cuộc Phiêu Hốt Tang Bồng
Của Kẻ Lãng Tử Tài Hoa
***
Tiểu Sử Văn Học: NGHIÊU MINH

– Tên thật: Nguyễn Văn Minh
– Các bút hiệu khác: Đặng Thiên Gia Hộ,
Lê Cần Sơn, Mạnh Thần
– Sinh 1944
– Quê quán: Mười Tám Thôn Vườn Trầu (Hốc Môn), Gia Định
– Hiện cư ngụ: Maryland, Hoa Kỳ

Tác phẩm đã xuất bản:
– Khóc Trên Đường Đi, Hát Trên Đường Về (tập nhạc 1984)
– Trăng Mật (thơ 1992)
– Chợ Trăng (tập nhạc 2000)
– Dấu Xưa (thơ 2002)
– Mẹ Thường Hằng (thơ song ngữ, 2005)
– Thiền Trong Cõi Tục (thơ 2013)

CD & Video
– Mẹ Thường Hằng (thơ & nhạc, video)
– Em, Người Tình Nhân Tôi (thơ nhạc)
– Bởi Có Em Tôi Ở Lại Đây (nhạc)
– Mẹ, Em Và Nguồn Dấu Yêu (nhạc)
– Em, Người Tình Nhân Tôi (nhạc)
– Khúc Tình Ca Xanh (nhạc)
– Sao Em Biết Mùa Thu Không Trở Lại (nhạc)
– Ngõ Yêu (nhạc)

Ngoảnh lại chút quá khứ, thời gian trôi nồi lãng du của tuổi trẻ, những khinh khoái tang bồng trong từng bước lăng ba vi bộ trên khu vườn đa sắc nghệ thuật, thật tình tôi cũng không thể giải thích được vài sự thân quen tri kỷ của bằng hữu văn nghệ thời xa xưa…Cái hay của bạn bè văn nghệ miền Nam, nhiều lúc ngẫm nghĩ như những cuộc tương phùng của bức tranh vân cẩu, hợp lại một cách tình cờ phù ảo, rồi tan đi như những áng mây tụ tán vô thường. Nhưng khác với thế thường nặng nề nghiệp chướng, người dấn thân vào định kiếp văn chương lại trồng đầy trong thế giới hóa sinh riêng mình, những búp sen đầy rẫy ân tình và tài hoa, bất chợt nhặt được vô tình trên bước đường chợt bước qua. Cảm ngộ tài năng của nhau, thường không cần quen mặt bắt tay, nhưng những câu thơ, âm ba lời nhạc, những nét phiêu lưu thần khí trên những họa phẩm hay tác phẩm điêu khắc…đã làm chấn động tâm thức giao cảm, rồi mặc nhiên như mối thân quen tiền kiếp vọng về.

Gần nửa thế kỷ trước, hầu hết bóng dáng phiêu bồng của bằng hữu ngất ngưởng trên không gian văn nghệ thời bấy giờ, đều căng đầy sức sống của lứa tuổi đôi mươi. Khoảng tuổi thanh xuân tràn ngập hỏa khí, dương tính trong cuộc đời cũng như sáng tác. Mỗi văn nghệ sĩ bộc phát tài hoa như những biến hóa đa dạng trong khung trời sáng hóa, mỗi một tiểu vũ trụ đầy ấp thanh khí tiêu dao. Nhìn quanh, phong thái văn nghệ miền Nam nở rộ trăm hoa hương sắc, mỗi tay bút như đã vạch riêng cho mình và cho văn nghệ một tiểu vũ trụ sáng hóa kỳ diệu. Đến nay, không khí lãng bạt xa xưa đã định hình không thể chối cải dược, về một lớp người sáng tạo dòng văn chương Việt, đáng hảnh diện cùng văn chương nước ngoài. Lớp văn nghệ sĩ đó, giờ trải cuộc đời lưu lạc hiện diện khắp cùng thế giới, trải rộng tinh hoa sáng tạo rực rỡ khắp hành tinh nầy…Lớp tuổi Cung Tích Biền, Viên Linh, Trần Tuấn Kiệt, Phan Bá Thùy Dương, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Lâm Chương, Trần Hoài Thư, Phạm Nhã Dự, Nguyễn Cát Đông, Trần Yên Thảo, Nguyễn Tôn Nhan, Lâm Hảo Dũng, Hoài Ziang Duy, Nghiêu Minh…thật sự đóng góp rất nhiều trí tuệ và hóa thân cùng cực trong văn nghệ bên cạnh cuộc sống đầy cuồng rối hôm nay.

Thập niên 60-70 thế kỷ qua, nhìn lại như bèo trôi gió dạt vẫn loáng thoáng trong trí nhớ nhiều hình ảnh kỳ diệu của bạn bè văn nghệ. Ngoài những thâm tình đã có với bao la bằng hữu, tôi đến với Nghiêu Minh cũng bằng một sự tình cờ như định nghiệp sắp đặt. Trưa một ngày cuối đông năm 1973, nhà thơ Trăng Thệ Hải (Vũ Đình Trường) phiêu hốt qua tệ xá, trên tay khệ nệ một cặp táp căng phòng, chắc có lẽ đầy rẫy tài liệu, giấy tờ gì đây. Trăng Thệ Hải thưởng ngao du đây đó, thình thoảng tạt qua thư trang loáng thoáng vài thời khắc thăm viếng nhau rồi lại tách bước biền biệt như cơn gió chợt thoảng. Trà nước đãi bạn để kéo dài câu chuyện tham thảo cùng nhau như Trăng Thệ Hải đề nghị, tôi ngờ ngợ chuyện văn chương, nên sẵn sàng trong thư giản. Trăng Thệ Hải với tên cúng cơm thường gọi giữa anh em văn nghệ đồng song với nhau là Thành nhà báo, vì tài bay nhảy kinh doanh, tổ chức xuất bản tạp san văn nghệ quảng cáo, hoặc những đêm thơ trình diễn tại nhiều tụ điểm như Hầm Gió, Phấn Thông Vàng .v.v.Khệ nệ xấp xếp lên bàn giấy, một bên là bản thảo bài vở bạn bè văn nghệ thời vàng son, một bên là một xấp biên lai quảng cáo của các nhà tài trợ, Trăng Thệ Hải vào chuyện đang làm tờ báo xuân với tham gia nhiều tên tuổi như Phạm Nhã Dự, Hà Thúc Sinh, Lâm Chương, Nguyễn Lê La Sơn, Thụy Miên, Yên Bằng, Nghiêu Minh….Ngoài việc mời tôi cộng tác, Trăng Thệ Hài chuyển đọc các tác phẩm anh em có mặt trong tờ báo. Phần đông, ngoài bao dàn các tin thời sự, sớ táo quân, chuyện văn nghệ, ca sĩ thời thượng của tay bút Trăng Thệ Hải, tác phẩm bằng hữu góp mặt là những bài thơ tâm đắc, sở trường của các văn gia thi sĩ. Chính vậy, cầm bản thảo tò mò đọc, cái chú ý trước tiên trước mênh mông thơ phú, câu đối, tranh biếm họa…là một kịch truyện Mùa Xuân Hoa Giấy và một đoạn nhạc đệm cho bài kịch nói cùng tên Mùa Xuân Hoa Giấy, được giới thiệu rút từ bài Tóc Mây, trong tập Mười Thể Phách Cho Tình Yêu, của tác giả Nghiêu Minh. Thời mà những kịch thơ của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng là những bóng mát cho cuộc trình diễn thơ nhạc sân khấu. Hay những vở kịch nói bác học kinh điển của Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng ít nhiều ghi lại trong tâm thức người đồng điệu. Dù vậy, cũng còn rất ít người tâm huyết thưởng ngoạn hình thể kịch sân khấu như vậy. Có lẽ, tôi cũng là một kẻ thưởng ngoạn lạc loài trên bước đưởng soi ngắm những khuynh hướng truyện kịch, nên tò mò nêu những điều chưa biết về nhà văn nhạc sĩ Nghiêu Minh. Trăng Thệ Hải chỉ cười nói, Nghiêu Minh là bạn thân mười tám thôn vườn trầu của Phạm Nhã Dự, hôm nào phiêu bạt về Bà Điểm chắc chắn sẽ tương ngộ, lo gì.

Nói thì dễ như trở bàn tay, nhưng năm nầy tháng nọ trải dài trên cuộc biến đổi tang thương của đất nước, sự tao ngộ lại là sự thách đố không có đoạn kết, vì chân trời góc biển vẫn là rào cản hữu vi, tâm thức chưa vượt qua được. Đoạn đường tri ngộ vẫn lạc loài trong vô thức, đến ngày Phạm Nhã Dự, Nguyễn Lê La Sơn định cư tại Mỹ, tin bỗng bay về , anh em hội tụ nhắc nhở tên nhau qua đường giây nói liên lục địa. Phạm Nhã Dự phấn khởi thông báo, “anh em đông đủ cả trên bàn rượu tương phùng, ông nói với từng anh em nhé. Nghiêu Minh, Lâm Chương, Nguyễn Lê La Sơn, Hà Thúc Sinh, Trần Kiêu Bạt, Phạm Nhã Dự”….Đêm hôm tương ngộ , bên nầy trời đại dương tôi đang ngồi đối ẩm với Dương Trữ La, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Phan Thịnh…. dưới bóng cây lão mai trước sân Thư trang Quang Hạnh. Anh em văn nghệ hai đầu nỗi nhớ tràn đầy , đối thoại như pháo xuân nở rộ. Buổi kỳ ngộ bỗng nhiên lại là bước nối kết chặc chẽ , trong đó khoảng thời gian dài tận giờ Nghiêu Minh thường xuyên gởi những tác phẩm tâm huyết về tặng bằng hữu. Từng đĩa CD , từng ấn phẩm Thơ nhạc, là những hạnh ngộ đầy tương giao và phiêu lãng của những kẻ làm văn nghệ , với tâm thông , hiền triết, trao nhau như trao gươm báu và ấn tín.

Nghiêu Minh bước nhẹ hững như cơn gió lướt phù ảo trên dặm trường. Chính vậy, sáng tác của Nghiêu Minh vẫn tràn đầy cái chân, trong sáng, hành đạo như một tăng lữ trải rộng vô ưu chiếc bóng phù ảo trên suốt đoạn đường nhập thể với thi ca, với âm nhạc, với hội họa…Bên cạnh nghệ sĩ, hình như cũng có nhiều ành tượng thần vĩ của bạn bè luôn luôn sát cánh với Nghiêu Minh trên lộ trình hóa thân nghệ thuật…Những bằng hữu thơ văn, hội họa, âm nhạc, điêu khắc… như Hoài Ziang Duy, Phạm Nhã Dự, Kinh Dương Vương, Trương Thành Vân, Hà Thúc Sinh, là những tinh quang lấp lánh bên nếp sống chân tình đầy tính đạo pháp và nghệ sĩ.

Đến nay, Nghiêu Minh đang phiêu bồng trong vài mươi tác phẩm khai hóa trong một chân tâm hạnh ngộ với tình mẹ, quê hương, tình yêu và chánh pháp…Sự chân thật, giản dị trong tác phẩm bao giờ cũng là nét chánh, được phát khởi từ một sự chân thật. Tác phẩm phát khởi trong yếu chỉ trực diện với tâm thức, nên sự trong sáng là nét rực rỡ trong từng câu thơ, từng giai điệu âm nhạc. Hôm ngồi nghe lại từng CD nhạc, đọc lại những thi phẩm của Nghiêu Minh, tôi chợt thấy rõ nét hơn tài hoa hồn hậu của bạn hiền. Lúc nào cũng vậy, Nghiêu Minh luôn khoác trên hình thể chiếc áo đầy đặn chân thành, thơ nhạc thể hiện rõ rệt chân hướng mà hiền giả hướng tới suốt cuộc đời. Những chân chất phát tiết một cách tự nhiên, không ràng buộc ngã chấp, dù anh đang nghiêng ngã trước những xúc cảm từng phen lưu trú trong hồn. Thi phẩm Mẹ Thường Hằng, khiến tôi trào dâng nhiều cơn uất nghẹn, như những sự liên tưởng kỳ diệu mà suốt một đời người, cái đạo vẫn như vầng trăng không bao giờ khuyết, kinh thiên động địa vẫn âm thầm chiếu sáng rực rỡ giữa vũ trụ ta bà. Lâm Hảo Dũng trong bài thơ Còn Không Ngày Về, đã làm tôi nghẹn ngào những lần đọc lại :

Mẹ có mắt sầu cao chất ngất
Nên hồn con lạnh lẽo đến bao giờ
Nhà chắc dột bởi từ khi vắng mặt
Những thằng con đủ cánh để bay xa

Và dòng sông thương những hàng rơm mục
Những hàng cau buồn chết được lòng con
Thuở mẹ già biết cau còn kết trái
Biết con còn thấy mẹ lúc hoàng hôn

Như lũ sáo vu vơ ngoài dậu cũ
Mắt đăm chiêu ngày nắng mới chang chang
Mẹ vẫn cứ mồ hôi trên áo vá
Đắp vồng khoai liếp cải nghĩ mênh mang

Bom đạn chắc không còn ru mẹ ngủ
Và đàn em dăm đứa nhởn nhơ cười
Mắt có xa cho một lần thương nhớ
Hình bóng con vời vợi cuối chân trời.
(Còn Không Ngày Về/ Lâm Hảo Dũng)

Thi phẩm Mẹ Thường Hằng cùa nhà thơ nhạc sĩ Nghiêu Minh là một thi tập trang trọng gói ghém 10 bài thơ dâng trọn vẹn cho Mẹ hiền trong đạo làm người, khiến người đọc cảm thông “với tấm lòng chân chất, mộc mạc, những cảm xúc bình dị của một người con nói về Mẹ (Hoài Ziang Duy/ Nghiêu Minh, Người gieo hạt )”. Và nhà văn Trần Hoài Thư, xúc cảm qua một bài thơ, phát biều: “Anh Nghiêu Minh. Thơ về má của anh làm tôi muốn rưng nước mắt đây.Người má qua thơ anh giản dị quá, chung thủy quá, từ bi, từ lượng quá. Đâu cần phải trăm suối nghìn sông hay biển Thái Bình chảy thành ân lượng.Đâu cần phải bông hồng cài áo. Bởi những lá trầu xanh kia trải xanh thảm lòng người. Bởi mùi đất thở kia đã thở quyện vào tình người.Bởi từng chiếc nấm tràm từ quê nhà gởi sang là tình mẹ bất diệt để đứa con xa cố hương phải bồi hồi…” Thi phẩm Mẹ Thường Hằng cũng đã bật lên những tán thán vô lượng về hình ành thái sơn suối nguồn vô cùng vi diệu, trăm biển ngàn sông vẫn là sự so sánh hữu hình chật hẹp quanh tri thức con người. Nghiêu Minh phụng hiến từ thi tập thành 7 ca khúc nhạc Mẹ Thường Hằng: Mẹ Từ Bi-Mẹ Như Đóa Sen Nghèo-Mẹ Là Nguồn Ân Bao La-Mẹ Cội Nguồn-Mẹ Tôi Và Giàn Hoa Thiên Lý-Mẹ Về Chân Trời Thật Xa-Rồi Mẹ Như Cánh Hạc Bay. 7 ca khúc được kinh tụng qua tiếng hát các ca sĩ Hồng Ngọc, Nhất Sinh, Thùy Dương, Tam Ca Hải Âu, Khắc Dũng,Bích Phượng. Quỳnh Lan….Quả thật, Nghiêu Minh đi vào nghệ thuật bằng chất đạo, chất người… đầy vẻ tiêu dao phóng đạt của một sự trong xanh chân thiện mỹ. Cảm ngộ tâm thức chân như của nhà thơ, trước những giá trị bất biến uyên nguyên trời đất, người đọc có hạnh phúc mênh mang gì không khi chiêm ngưỡng hồn thơ ? :

Mùa xuân nào con sẽ về thăm má
(Như mỗi hoàng hôn chim về tổ xưa)
Mười tám năm tưởng đường dài hóa đá
Mừng má còn đây, con khóc như mưa!

Phút đầu tiên con đứng hoài trước cỗng
Để nôn nao nghe nhịp chổi bình minh
Sương còn lạnh, má gom từng lá mận
Quanh lửa hồng, má thanh thoát lung linh

Nầy sân cát, hàng cau chim ríu rít
Như thấy con, người bạn cũ năm nào
Con gọi má…rồi, lời không thành tiếng
Hai má con cùng giòng lệ tuôn trào!
***
Con đứng trước bàn thờ Ba khấn vái
Thương má gian nan may vá tảo tần
Ba mất, má chưa tròn ba mươi bảy
Giờ nhớ lại càng thương má vô ngần

Đường có dài, đại dương có rộng
Trong âm dương con thấy ba về
Hình ảnh má là chùm mây sống
Bay quanh con vẽ một trời quê
(Xuân Nào Con Sẽ Về Thăm Má/ Nghiêu Minh)

Nghiêu Minh bước đoạn đường dài phiêu lãng, nhưng gói hành trang nghệ thuật của anh bao giờ cũng đươm đầy nét chánh khí. Chính sự chân thật trong sáng tạo, nhiều khi tác phẩm có vẻ bình dị, đi xuôi vào lòng người đọc bằng những nét chấm phá cổ phong. Từ hai thi tập vương vải nhiều tình khúc như Trăng Mật (1992), Dấu Xưa (2002)…chuyện đời nhiều khi cũng là sự ráp nối từ nhiều đoạn đường, tăng trưởng theo thiện duyên hay ác nghiệp, mà đúc kết theo nghiệp quả. Nhà thơ nhạc sĩ Nghiêu Minh dàn trải tâm thiện trong tư tưởng, lối sống, và trên hành trình văn học…phải chăng là bước phiêu du sáng hóa tạo cho riêng cho mình một khuynh hướng ước lệ trong nghệ thuật. Tôi từng biết Nghiêu Minh có nhiều phen ngã bóng phiêu hốt trong những cơn khát vọng tìm tòi cái chân trong sáng tạo. Đuổi bóng khi bình minh, theo bóng giữa ngọ, và nhặt bóng khi hoàng hôn rụng xuống, Nghiêu Minh đóng vai hành giả cất bước dong ruỗi với kinh phúc âm trên vai, chợt ẩn chợt hiện tìm phục sinh trên đoạn đường núi Sọ… Quang quả hành trình bất chợt trong kiếp phù sinh, mọi ảnh tượng và lời rao giảng , cũng chỉ là đoạn đường ước lệ, sự tăng trưởng trong tình yêu hóa giải chưa hết tâm khúc vô thường. Chàng nghệ sĩ lại quầy quã đáo bỉ ngạn, áo vàng bình bát tìm bờ, sự vượt thoát qua cơn mê nghệ thuật bằng những cơn thiền ngộ trong bất kỳ cõi hiện thực nào vừa bước qua. Nghiêu Minh trong Thiền Minh Sát là một hình ảnh dễ thương, gần gũi, bình dân…dù anh chỉ Thiền ngộ riêng cho mình (nguyên thủy). Phải chăng phương cách mới cho thêm một quan niệm nghệ thuật, là cách khơi dựng thiện quả, thế tục bớt đi một nghiệp chướng..

Cuộc phiêu hốt tang bồng trong khung trời nghệ thuật, của một tài hoa lãng tử nầy vẫn còn phiêu bạt hành trình trong cuộc sáng hóa nghệ thuật vô lượng vậy.

Thơ Viết Giữa Trời Hạ Chí
Tặng Cơn Mơ Của Rừng

Từ tranh bay vút linh cầm
Mống đảo sắc giăng đồi thanh khí
Cháy ngút bình nguyên hạ chí
Lửa lập lòe khép kín mưa hoa

Quẻ kiền thắt nút thiên hà
Bụi tinh tú long lanh sấm sét
Lất phất hạt cường toan dội nát
Hóa thân chơi, ánh sáng nhòe bay

Ngựa hồng tụ tán hí đâu đây
Một gánh phong trần vứt đại
Hằng hà mưa trời sắc giới
Làm sao nhảy vọt pháp thân

Lăn lóc rừng mã não bập bùng
Ớ kìa, niềm hoan hỉ cháy
Trận gió Càn đong đưa ngọn cỏ quái
Ớ kìa, nặng phân tử nhà ai ?

Nẩy mầm a, thiên thu đáo tuế
Hài nhi về nhú trăng xanh
Ồ, hạt sữa trắng xóa thiên nhiên
Ăm ắp đầy hoa thạch nhũ

Chim kỷ hà liên hồi cánh vỗ
Ngàn xưa nhuộm đỏ bụi đường
Vun vút gió chở làn hương
Ðùn đẩy trồng quanh cổ mộ

Bằn bặt đàn tràng đảo vũ
Ớ kìa, lóng lánh rừng nguyên sơ
Phơn phớt sườn thảo nguyên khô
Thịt xương ai nằm vương bụi cỏ

Lác đác thái dương áo rách
Trời Phạm Thiên vén cánh hoàng hôn
Vút bay thoáng bóng linh cầm
Phong vũ bơi đầy đáy mắt

Ớ kìa, bầy linh cầm phương Ðông
Oằn mình tắm cầu vồng đảo sắc
Sừng sững gáy từng hồi trong vắt
Khạc đầy pho kinh điển san hô

Hằng hà thánh địa trong mơ
Cháy đỏ càn khôn khủng khiếp
Âm âm lăng mộ tháng tư chay
Mưa phủ núi bao giờ dứt hạt ?

Sơn Khê

Trắng mắt nhìn ra trời viễn xứ
Màn đêm lồng lộng kín chân mây
Ráng xa có cố mong manh thở
Cũng đỏ mơ hồ một khóm cây

Như bếp mùa đông nhen nhúm khói
Tro than tàn lụn thật vô tình
Nếu không đứng dưới trời giông bão
Đâu nghĩ ra mình ngọn cỏ hoang

Dửng dưng xuôi ngược đường nhân thế
Chiếc lá nào bay quá ngẩn ngơ
Mấy đợt sơn ca rung rúc gáy
Gọi người nghiêng ngửa kiếp xơ rơ

Ai muốn im lìm trong định số
Mặc tình con nước đuổi xô về
Cầm bằng một cánh phù dung nở
Hốc đá hoang tàn không khách qua

Mấy phen cố dựng trên sơn đỉnh
Thạch bản lung linh dưới nắng chiều
Soi mỗi đời người một bản vỗ
Bản nào phong thổ giống ta đâu?

Bởi suốt tháng năm đầy tiếng trống
Giục vào tiềm thức chút hưkhông
Đáy lòng nhè nhẹ xoay con trốt
Bay thẳng ra ngoài giấc mộng trung

Thế giới trong ta không cửa đóng
Khói mây mù mịt góc vườn xưa
Những đêm thức giấc như trong mộng
Thản thốt canh tàn rụng gió mưa

Tai vẫn lắng nghe từng điệu nhạc
Mơ hồ ngọn cỏ lớn theo trăng
Lần theo gậy trúc lùa sương gió
Sương gió lùa ta không nói năng

Thản nhiên rũ áo giang hồ bạc
Cát bụi ra hoa lạnh bốn bề
Ai sống âm thầm trong xó tối
Mà không heo hút bóng sơn khê?

Ngơ ngác bước trên bờ núi nhỏ
Nhìn quanh rờn rợn nét phong ba
Ai xô ta xuống giòng sông lạnh
Lãnh khí soi vào giữa giấc mơ

Hôm nay sóng nước về tăm tắp
Cổ thụ nằm ven con bến trưa
Lặng đứng chờ qua năm bảy kiếp
Vẫn chưa thấy được bóng chim xưa

Ngàn sau sử chép rằng cô khách
Đập nát cây đàn dưới miễu hoang
Ôm đá lạnh lùng lên chót núi
Hú dài theo tiếng đá lăn nhanh.

Trăng Soi Hoa Nở
* Tặng Nguyễn Tôn Nhan

Trí tuệ nẩy mầm thiên tuế
Khoảnh khắc dừng gót phiêu bồng
Triệu quang niên quay tít quanh hồn
Ngoại thiên chất chồng từng dãy

Ðáy mắt chứa hằng hà quẻ quái
Ðộng rèm thiêng cỏ dậy mơ hồ
Gió lung lay vi khuẩn hoang sơ
Chớp nhoáng soi bờ thu thảo

Sấm động phạm thiên vỗ áo
Hoàng hoa thiên cổ xuống nghe trăng
Từng hạt Kinh quẫy lá chiều sang
Cát bụi hồ bay lãng đãng.

Trước mặt đầm đìa sương tả ngạn
(Trùng trùng sương trắng xóa nhân gian)
Dấu chân trâu Lão tử ngược dòng
Hóa ra, phong trần trên nếp áo
Rượu càn khôn rải theo dấu máu
Chuyển pháp luân dưới ngón tay gầy
Hiểu rằng, mát ngọn gió may.

Sáng nay hoa tường vi nở rộ
Quả khí cầu lăn quanh mộ cổ
Ngỡ ngàng mấy giọt lân tinh
Cháy lân la trời đất vô tình
Rúng động mười phương bằn bặt

Giày cỏ, tiếng côn trùng lảnh lót
Nạ dòng ngạ quỷ căm căm
Vạch cổ thi soi đậm bóng trăng
Ôm hàn khí sếu hồng bay mất
Ðất bừng nở cát vàng bồ tát
Từng bước đi ngọc vỡ long lanh
Rồng bay theo bước Kinh hành
Pháp hoa rải sáng trời tân ước.

Giở nón chào đuôi trâu biến mất
Lạ lùng thiên địa mảy lông
Cởi áo người, cởi áo trời rồng
Phong thổ thấm nhuần hơi thở
Ngồi, ổn định đầu mây cuối gió
Vùn vụt trời xanh thoát qua thân

Trải hồn như chiếc kén ngàn năm
Giây phút định thần hóa bướm
Áo rách máng tàn cây xóm vắng
Chờ nhân gian hoa nở trăng soi.

Tân Khách

Tinh sương thoang thoảng tiếng khèn đồng
Vàng vọt đèn soi màu xe ngựa
Ta đứng bên cầu không chỗ dựa
Lùa đời theo nước chảy mây trôi

Như lùa bò mộng bước qua đồi
Trăm ngõ gập ghềnh đầy gai sắc
Ba mươi năm chờ vầng trăng mọc
Thiên nhiên rên rỉ tiếng côn trùng

Bên án thưbày giữa thư phòng
Thư khách ngủ vùi trên thế sự
Khói mỏng chập chờn quanh điếm lữ
Mộng hề. Mộng hề. Trời không hay

Tiếng độc huyền lòn lõi đâu đây
Bầu đã cạn từ trăm năm trước
Ta cũng vô tình vơi một bước
Mà nghe khí hậu khác trăm bề

Từđâu ngọn gió thổi vọng về
Đưa biển lớn tràn vào lá phổi
Sương muối rớt dọc rào cây cối
Điểm trắng bờ kinh xáng tháng ba

Vàng bay, vàng bay trên tỳ bà
Lững thững bước âm thanh cẩm thạch
Người du sĩ gậy cong áo rách
Ngẩn ngơ nhìn trời rộng theo mây

Trong hè phố hàng trẻ vỗ tay
Hát từng khúc đồng dao hiu hắt
Ta giật mình về nhanh như cắt
Thấy hàng cau trổ nặng sau hè

Lòng bỗng chùn như bóng con đê
Năm tháng đứng soi mình lặng lẽ
Sao xuống thế bên kia đê nhỏ
Ta âm thầm theo dõi ngày xưa

Tiếng sáo diều reo giữa ban trưa
Làm rung động gương đời cổ kính
Trống giục giã trên đầu bảy đỉnh
Lồng lộng bay xuống tận bình nguyên

Tiềm thức vừa đánh vỡ trong đêm
Rơi lấp lánh như rừng tinh tú
Bức màn cũ vô tình hé mở
Mời người quen ghé bước vào tranh

Thuyền trăm năm quày quả ra dòng
Hình tượng phai nhòa luôn ký ức
Ngựa xe đỗ bên rào dâm bụt
Nằm lao xao dưới bóng hoàng hôn

Lữ khách đi có vạc kêu sương
Không hẹn lấy một ngày trở bước
Nước sông Hậu mà như sông Dịch
Thầm lặng trôi dưới mọi tình cờ

Mộng hề. Mộng hề. Đến bao giờ
Con bướm từ lòng tranh trở lại
Vỗ đàn, ca. Lời vang vách núi
Bốn phương lồng lộng tiếng thiên thu

Gió núi từ đâu reo. Ú ù
Đàn trâu cổ nghểnh đầu nhai cỏ
Sau hàng tre là làng khói nhỏ
Có ta nằm vò võ trong ta

Tiếng võng đưa kẽo kẹt bên nhà
Trưa nay mảnh gương đời vỡ nát
Tiếng khèn ốc âm u trôi dạt
Xoáy cuồng điên ở nẻo hoang vu

Ta đứng lên khêu ngọn đèn lu
Mờ tỏ bóng chanh vàng trước ngõ
Chợt thấy vành khuyên vừa hót rộ
Tân khách về bên ngọn cỏ may.

Son Sắt Phương Đông

Gói trọn hoàng hôn chấp chới bay
Phải không ngày ngắn để đêm dài
Nghe trong điệu cỏ lời sương dậy
Mang chút ân tình vướng vất trôi

Tinh huyết ngàn năm thoáng hiện về
A! ha! Lăng miếu đổ tư bề
Hay chưa bia đá nằm lau lách
Từng giọt hồn hoang thắm đất quê

Xao xác hàng cau gọi mái tranh
Bên nhau mà đứng lạnh âm thầm
Lỡ trong buốt giá không còn gió
Xương thịt người xưa ai viếng thăm?

Cứ thổi rạ lên mộ chí đời
Vàng chiều vàng lẫn lộn mây trời
Bốn phương ngơ ngác trầm hương đọng
Tích cổ còn ghi phiến đá chơi!

Nét thảo Nôm buồn ngủ trước lăng
Lao xao thập kỷ đứng điêu tàn
Cổ nhân có gởi lòng theo gió
Gió cũng thổi về soi dưới trăng

Soi dài sơn thủy mấy ngàn năm
Máu đỏ hồn xanh dạo nguyệt cầm
Khí phách đâu đây về đọng lại
Ơ hờ lưới nhện đứng chiêu anh

Lếch thếch quay về hướng tổ rơm
Đèn chao vách lộng gió nam non
Đá lăn trong quãng đời du mục
Bỗng chốc âm về tiếng sắt son

Con chim son sắt hiếm hoi về
Đứng bên mộ cổ hót trăm bề
Hót theo sợi khói chiều vương vấn
Vàng trời ráng cháy lạnh hồn quê!

A há! Thì ra đá động lòng
Núi mờ sương vắt dạ Phương Đông
Khói hương đâu đủ tràn tâm huyết
Thương tóc già nua rụng trước sân!

Hạt bụi giang hồ giũ gót chân
Cũng như thương khách phải phong trần
Trơ vơ bên đỉnh tinh cầu lạc
Ngoái vọng đời trăm cuộc hóa thân

Thật giả mơ hồ sợi khói bay
Lao xao cảnh trí nơi nào đây
Ai đem nhựa đắp đường điêu khắc
Thạch bản mơ hồ khóc cỏ cây

Đã thế con tim vẫn giữa lòng
Giữa trời giữa đất giữa vô cùng
Giữa bao sương muối thăng trầm sống
Sao vẫn mơ hồ chuyện cố hương?

Thương hồ muốn gói lại bên vai
Phong ấn tràng giang với nụ đời
Cổ miếu mấy phen thầm lặng đứng
Đèn nhang xô lệch với trần ai!

Run rẩy bên bầy đá động lòng
Núi mờ sương vắt dạ Phương Đông
Con chim son sắt về bên gối
Tha mộng quê người xao xuyến không?

Ngô Nguyên Nghiễm

Minh Nguyễn

Thảo Nguyên

Buổi sáng. Trên con đường dẫn tới bìa rừng, bọn trẻ mục đồng thức sớm, lùa đàn gia súc đi chăn thả trên cánh đồng cỏ. Đêm qua sau cơn mưa giông tầm tã .Sáng ra, bầu trời hé lộ đôi chút ánh sáng, báo hiệu một ngày nắng ấm. Vào những ngày như thế, thảo nguyên nổi lên như một quần thể xanh biết, giữa sắc màu lộng lẫy với vô vàn sim mua, cỏ ống, cỏ đuôi chồn cùng với đám quì dại lui dần về phía cuối thung lũng.

Đang khi còn ngầy ngật bởi cơn ngái ngủ, bọn trẻ chợt sững sờ nhìn lên con đường dốc cao trước mặt. Nơi đang hiện ra một hình thù kỳ quái nửa hư nửa thực, chưa thể định hình. Không một đứa trẻ nào dám lên tiếng, hé môi hỏi han nhau lấy một lời. Chúng cảm thấy đang có sự sợ hãi đè nặng lên lồng ngực; khiến chúng đùn đẩy nhau,cố chọn cho mình chỗ nấp an toàn. Cuối cùng,cái đám lộn xộn tưởng chừng gan dạ kia đã lẩn trốn sau bụi cây dại, len lén vạch kẻ lá ra để được nhìn tận mắt, cảnh tượng mà chúng cho rằng khá lạ lùng.

Dưới ánh sáng chói lọi đầu ngày. Bóng nắng kẻ một vệt dài xuyên suốt qua lớp sương mù. Lộ ra gương mặt gày gò,hốc hác nơi gã đàn ông.Gã mặc trên người bộ quần áo cỏ úa bạc thếch không còn phân biệt rõ màu sắc.Gã phải khó khăn lần từng bước đi vụng về trên chiếc nạng gỗ lấm đầy bùn đất cùng với chiếc túi cóc khoác vai.Thật ra gã đàn ông có thân hình xấu xí kia là ai ? Gã tìm tới nơi chốn hoang vắng này để làm gì? Sự hiếu kỳ đã lôi cuốn trí tưởng tượng bọn trẻ đoán già đoán non rằng: gã là thương binh trốn trại xá hay ít ra cũng là kẻ lạc đường. Nhưng cho dù gã có là ai chăng nữa, thì điều đó đâu có liên quan gì tới sinh hoạt thường nhật của hầu hết cư dân quanh đây.

Trong khi chờ đợi cho đàn gia súc và bọn trẻ đi qua. Gã bước tới ngồi xuống bên gò đất cao. Hướng tầm mắt nhìn ra thảo nguyên xanh rờn thảm cỏ, trải dài mút tận chân trời. Tổ quốc đây sao ? Là đất đai mầu mỡ.Là núi non trùng điệp quàng vai nhau đứng lên. Là con sông dài, đổ xuống từ thượng nguồn, chảy băng băng qua những cánh rừng, xóm làng, tỉnh thành để rồi xuôi ra biển. Và cũng từ chỗ ngồi ấy, gã hít thở bầu không khí trong lành một cách khoan khoái; khác hẳn tháng ngày qua gã phải sống tù túng, buồn chán bên bốn bức tường cáu bẩn bệnh viện, để cho đến hôm nay gã cảm thấy mình tự do. Sự tự do mà chính bản thân gã đã trả giá bằng một chiếc chân bỏ lại ngoài chiến trường. Nhờ có sự may mắn gã được thoát khỏi cái chết trong gang tấc.Bằng không giờ này mồ mã gã đã xanh cỏ như bao bạn bè xấu số .Chỉ nghĩ tới điều đó cũng đủ làm cho gã trở nên buồn chán nảo lòng.Thật ra với đời sống hiện hữu sẽ không là gì đối với gã. Sống hay chết chỉ một lần trong đời người, nhưng với gã, g’e3 cần phải sống,cần kiếm tìm ra cái quá khứ bấy lâu nay không thuộc về gã. Bởi nó đã bị mất đi trong trận chiến khốc liệt với quân thù. Kết quả là gã bị hôn mê sâu sau nhiều ngày, do thương tích trầm trọng, đến nổi gã chẳng còn nhớ mình là ai, gia cảnh thế nào ?

Nhác trông thấy bọn trẻ có vẽ quan tâm tới mình.Gã đàn ông vội cảnh giác, bằng cách dùng cả hai tay, cố giữ chặt chiếc túi đặt cạnh bên.Điều này khiến bọn trẻ càng sinh nghi ngờ. Chúng quyết tâm tìm ra bằng được sự bí mật nằm trong chiếc túi căn phồng kia, xem đó là cái gì ? Vốn ranh mảnh, bọn trẻ họp nhau lại với kế hoạch dùng hai – ba đứa rượt đuổi nhau, làm như vô tình trượt chân té nhào vô người gã; đồng thời xô luôn chiếc túi xuống đất. Từ trong túi, một búp bê gái bằng nhựa văng ra ngoài, mặt úp xuống đất. Nhìn cảnh tượng đang diễn ra; bỗng dưng gã đàn ông vật vã khóc rống lên nghe rất thảm thương
Quá lo sợ. Bọn trẻ vừa lo nhặt nhạnh các thứ vung vải trên nền cỏ, vừa bước tới trước mặt gã nói: ” Chú ơi ! Chúng cháu xin lỗi chú. Xin chú đừng khóc nữa. Được không chú ?”.

Gã đàn ông gạt nước mắt, nhận chiếc túi cùng với con búp bê. Gã ôm ghì nó vào lòng rồi vuốt ve nó như chính đứa con của mình. Ôi ! Búp bê xinh đẹp. Con búp bê gã đã mua nó trong lần cùng đồng đội di chuyển ngang qua thành phố vừa giải phóng.Nhưng để tặng ai hay làm gì thì gã không tài nào nhớ được. Búp bê xinh.Gã rấm rứt khóc trước hình hài vô tri vô giác. Tiếng khóc mới đầu nghe tưởng bình thường nhưng càng lúc càng trở nên thống thiết, khiến ai nghe cũng thấy mủi lòng.

Không biết làm gì hơn. Bọn trẻ, bỏ mặc cho đàn gia súc đi tràn qua trảng cỏ. Chúng bối rối đứng vây quanh gã với mong muốn xin được tha thứ. Bất ngờ,gã đàn ông đổ lăn kềnh trên mặt đất. Cả bọn sợ cuốn cuồn. Đứa lo lấy dầu xoa bóp, đứa lấy nước đổ vào miệng gã, lay gọi .May sao gã sớm hồi tỉnh lại.Gã hé đôi mắt mệt mỏi nhìn mọi người khắp lượt, miệng thều thào nói lời cám ơn.

Kinh nghiêm từ những cơn đói lã do không tìm ra cái ăn sau mùa lũ, bọn trẻ sớm đoán biết gã đàn ông kia, sở dĩ bị ngất đi do ăn uống không đầy đủ. Nghĩ vậy, bọn chúng xúm nhau lấy thức ăn mang theo bên mình dọn ra cho gã ăn. Phải mời mọc,nài ép năm lần mười lượt gã mới chịu nhận cho củ khoai,nắm cơn,con cá. Dù sao,gã nghĩ,cần có chút gì bỏ bụng để còn có sức lên đường đi tiếp. Cứ thế gã được bọn trẻ cổ vũ, cười nói huyên thuyên. Chẳng bao lâu quan hệ giữa những người xa lạ,dần dần trở nên thân thiết.Và qua từng mẩu chuyện do gã kể lại,bọn trẻ tha hồ thả trí tưởng non nớt của mình tới những trận đánh khốc liệt, đầy sự hiểm nguy,chết chóc,thương tật. Để minh chứng cho lời nói của mình. Gã không ngần ngại dùng cả hai tay nâng cao chiếc đùi teo tóp, mềm nhũn sau ca phẩu thuật cho bọn trẻ xem.Ồ ! Cả bọn đứng trố mắt ra ngạc nhiên. Bởi đây là lần đầu tiên chúng được tận tay sờ mó vết thương xấu xí, mà qua thời gian đã trở thành mặt sẹo nhăn nhúm đến ghớm ghiết. À! ra gã là thương binh. Người thương binh từng bỏ lại chiếc chân mình nơi xó rừng cùng một quá khứ không tài nào nhớ được.

Để xẻ chia phần nào sự bất hạnh cùng đồng loại. Bọn trẻ tự nguyện vượt rừng,lội suối,len lỏi vào tận vùng sâu mang về cây lá, dựng lên cho gã một chỗ trú. Gian lều nhỏ, thiếu thốn tiện nghi nhưng dù sao cũng còn có nơi cho gã chui ra chui vào.Hôm đứng trước nơi ở mới còn thơm nồng mùi rơm rạ. Gã mở to lồng ngực hít thở thật sâu niềm hạnh phúc do con người ban tặng. Ừ ! Gã đâu ngờ rằng: trong xã hội toàn những gian trá, lọc lừa, đĩ bợm vậy mà nơi xó rừng nghèo nàn này vẫn còn những tấm long nhân ái, bao dung. Sẳn sàng nhường cơm xẻ áo cho con người xa lạ chẳng hề quen biết như gã.Từ đó mối ác cảm, hoài nghi trong gã biến chuyển sang hướng tin tưởng và biết ơn con người hơn lên. Chính vì vậy mà tâm lý nặng nề vốn đè nặng trái tim gã bấy lâu nay, cũng vơi nhẹ đi những nỗi ưu phiền.Nhờ thế gã mới có thể sống vô tư bên bọn trẻ, để ngày ngày theo chúng ra thảo nguyên lang thang hết ngọn đồi này sang cánh rừng khác. Hết con sông này tới con suối khác. Có hôm do quá mệt mỏi, gã quên mất lối về; cứ thế nằm lăn ra trên thảm cỏ ngủ qua đêm.Sáng ra, bọn trẻ không thấy gã đâu bèn nháo nhác bủa đi khắp nơi tìm kiếm. Cuối cùng, bọn trẻ tìm thấy gã đang lửng thửng đi về phía lũng sâu. Nơi có con đường đất đỏ ba -dan hướng thẳng tới khu xóm nhỏ, lác đác vài mái tranh nghèo thấp tủn mủn. Lúc gặp lại gã, tưởng gã sợ hãi; trái lại gã cười nói ồn ào, coi như chưa hề có chuyện gì xảy đến.

Ngày tháng trôi qua. Ngồi đếm lại thời gian, gã vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra sự có mặt của gã trên thảo nguyên đã lâu. Gã cảm thấy cần có sự thay đổi; bởi ngay từ ngày đầu tiên được giữ lại nơi đây, gã chỉ coi ngày tháng như cuộc rong chơi, tìm kiếm những gì mà gã đánh mất. Nhưng không ngờ, sau đó nhờ có sự quan hệ qua lại giữa con người với con người, vô tình hình thành nơi gã thứ tình cảm khó quện. Dù sao gã cũng không thể lưu lại đây lâu hơn được. Gã cần phải ra đi. Con đường phía trước còn rất dài đang chờ đợi gã mỗi ngày. Nếu vì lý do gì phải trì hoãn,e rằng gã sẽ không còn đủ thời gian chống chọi lại thương tích lẩn bệnh tật.

Đêm đến. Gã thu xếp vật dụng cá nhân bỏ vào túi cóc. Lẳng lặng ôm con búp bê vào lòng ra đi mất hút. Đêm trăng sáng. Thảo nguyên mênh mông nuốt chửng gã trong bóng đêm. May nhờ có ánh trăng treo trên đầu, đủ cho gã nhìn thấy con đường phía trước, tránh được sự vấp ngã. Đến gần sáng. Trời chuyển mây đen .Sấm sét vang dội trên đầu. Gã vội tìm chỗ trú dưới gốc cây cổ thụ.Vừa ổn định. Mưa cũng vừa kịp tới. Cơn mưa to khủng khiếp.Nước từ trên cao ầm ầm đổ xuống như thác. Ngồi thu người sát vào gốc cây tránh bị cho khỏi bị ướt. Gã cố gắng chịu đựng sự giận dữ từ thiên nhiên. Có lúc gã tưởng gã đang ngồi trên con thuyền tròng trành, chao đảo giữa dòng. Vừa lạnh run vừa lo sợ,gã ôm chặt con búp bê vào lòng. Cầu mong trời mau sáng. Lời khẩn cầu như được nghe thấy. Cơn mưa yếu dần rồi tạnh hẳn.Trong cái im lặng trở lại.Gã nghe thấy tiếng âm thanh ồn vỡ. Thứ âm thanh lạ lùng mỗi lúc nghe vang rền lạ lẫm,lôi cuốn sự tò mò đến háo hức. Gã đứng bật dậy. Dóng đôi tai nghe ngóng. Xê dịch từng bước trên chiếc nạng, bước lần tới chỗ phát ra tiếng động kỳ bí. Càng đi sâu vào giữa rừng cây. Đường trở nên trơn trợt khó đi. Mùi ẩm mốc lẩn trong hơi sương tạo ra hương vị ngai ngái khó chịu.Thi thoảng, do quá mệt gã mới dừng chân hít thở chút không khí trong lành buổi sáng. Còn không, cứ mặc kệ mưa gió bám riết lấy thân hình tiều tuỵ của mình. Cứ thế, gã bước tới. Bất chấp mọi việc xảy ra xung quanh. Gã đi mãi,đi mãi . . .

Từ chỗ đứng khuất lấp. Gã phát hiện tiếng ầm ì vang động nghe rõ mồn một bên tai.Để thoả mản tính hiếu kỳ nơi gã.Gã mon men tìm cách tiếp cận cho kỳ được điều kỳ diệu đang xảy ra; bằng cách tự vạch lấy lối đi cạnh vách đá.Con đường trơn trợt khó đi dẩn tới một thác nước hùng vĩ giữa đại ngàn.Nước.Cơ man màu nước đang tuôn đổ ồn ào xuống vực sâu dưới chân.Ở đó từng đám bọt trắng xoá thi nhau bắn tung toé lên những tầng đá trơn nhẳn.Gã thích thú thấy mình nhẹ tênh bay bổng giữa bầu trời.Trong lúc bối rối, gã vô tình đánh rơi con búp bê mà gã gìn giữ,nâng niu coi như một báo vật.Quá hốt hoảng.Gã quên mất sự nguy hiểm chực chờ dưới đáy vực.Gã cố lao người theo con búp bê với hy vọng giữ được nó trong tay.

Bên cái rơi nhẹ tênh cùng với sự va đập mạnh mẽ nơi làn nước lạnh giá. Tìm thức gã như được khơi mở, tác động mạnh đến hệ thần kinh; khiến gã trong phút chốc nhớ lại bao hình ảnh thân thương thuộc về quá khứ.Những hình ảnh thật rõ nét như thể chúng vừa xảy ra tức thì.Gã không tin vào điều này.Không tin vào sự trùng lấp được lập đi lập lại một cách hồ nghi qua thứ cảm giác mơ hồ .Gã nhắm mắt lại.Cố tình không muốn nghe.Không muốn nhắc lại những gì liên quan tới gã.Tuyệt vọng.Gã nhận ra gã mỗi lúc đang trượt dài xuống đáy vực cùng với con búp bê.Trong cái rơi chấp chới do trạng thái mất trọng lực.Lần đầu tiên gã ý thức được sự trở về của một con người.Trở về bên làng quê heo hút.Trở về nơi chốn mà bao năm qua gã đã từ giả cha mẹ,anh chị em,vợ con để ra đi. Để tham dự vào cuộc chiên tranh mà gã không hề mong muốn. Bất chợt, bên cái rơi vùn vụt xé gió ngang tai, gã nghe có tiếng ai réo gọi tên gã.Khi là tiếng phụ nữ, khi là tiếng trẻ con nói giỏng ngọng ngịu.Ai? Ai đã gọi đúng tên gã trong lúc này?

Thật ra, trí nhớ gã đã hoàn toàn hồi phục, nhờ vào cái va đập chóng vánh bên làn nước buốt giá. Gã bắt đầu nhớ lại gã là ai? Từ đâu đến đây? Làm gì? Thật ra,gã từng là một người lính chiến đấu trên chiến trường. Gã từng có vợ và một đứa con gái nhỏ ở quê nhà. Và, con búp bê bằng nhựa kia chính là món quà, gã đã mua để tặng đứa con gái khi còn có cơ hội sống sót trở về.

Thiên Đường Thứ Hai

Có nói quá hay không khi có một số người gọi Tam Đảo là thiên đường thứ hai?

Xét về mặt cấu tạo địa hình thì, Tam Đảo là một dãy núi được hình thành cách đây hơn hai trăm năm, do hoạt động phun trào dung nham của núi lửa qua nhiều đợt, xếp chồng lên nhau, chạy theo hướng Tây-Bắc Đông-Nam, thuộc địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nhờ có độ cao cùng dốc đứng, Tam Đảo tạo nên rất nhiều suối, thác nước, rừng nguyên sinh cùng với hệ động thực vật đa dạng và phong phú.

Để rõ thực hư ra sao, tôi quyết định đến Tam Đảo một lần, tìm hiểu cho trọn vẹn lời đồn đại kia. Chợt nhớ Nhã có lần đã rũ tôi đi chơi Tam Đảo, nhưng do bận công việc tôi phải bay ngay vào trong Nam, từ đó quên luôn lời rủ rê. Không biết bây giờ Nhã có rảnh rang hay lại bận thay gia đình trông coi cái khách sạn bề thế trên Lạng Sơn? Thôi, cứ thử email hỏi cô xem có muốn tháp tùng cùng tôi đi lên Tam Đảo, khám phá “thiên đường thứ hai” như nhiều người vẫn ví von hay không? Sau một lúc do dự, Nhã từ đầu dây phía bên kia trả lời – Ok. Vậy là chúng tôi hẹn gặp nhau vào trưa hôm sau tại bến xe Vĩnh Yên, với điều kiện giờ giấc phải chính xác.

Tưởng điều kiện gì khó khăn, chứ việc hẹn hò với một cô gái xinh đẹp như Nhã thì làm sao tôi có thể bê trể. Hơn nữa, do tôi biết cô có thời gian dài đi du học nhiều năm ở nước ngoài nên, việc tiếp cận tác phong công nghiệp từ các nước tiên tiến, giúp cô thay đổi phần nào quan niệm lạc hậu về giờ giấc song, tục ngữ có câu “nhập gia tuỳ tục”. Nghĩa là sống ở đâu phải theo phong tục tập quán nơi đó. Vì vậy, tôi không thấy phiền hà khi Nhã ra điều kiện như thế, nhưng nếu ở trong nước mà áp dụng thời gian một cách cứng nhắc quá, có khi gặp phải cảnh dở khóc dở cười như chơi. Tôi kể cho Nhã nghe chuyện đi ăn cưới vào thời @ ở Sàigòn. Thí dụ, vào một ngày đẹp trời nào đó bạn nhận từ bạn bè tấm thiệp mời tham dự tiệc cưới. Trên thiệp có ghi rõ “trân trọng kình mời . . . vui lòng đến dự buổi tiệc rượu, chung vui cùng gia đình chúng tôi tai . . . vào lúc 17 giờ 00 ngày . . . Sự hiện diện của . . . là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi. KÍnh mời”. Nhưng xin bạn chớ có dại dột hiện diện vào đúng giờ giấc ấy. Tại sao? Vì người dân ở đây có thói quen “xài” giờ cao su chứ còn gì nữa. Nếu chẳng may, bạn là người khách lịch sự đến đúng giờ hẹn như đã ghi trong thiệp mời, lúc đó bạn chỉ còn biết nghệch mặt ra chờ đợi giờ khai mạc, trong cảnh bụng sôi ùn ục vì đói meo. May lắm, tới 19 giờ hoặc hơn nữa, sau một hồi lễ lộc diễn ra tưng bừng, bạn mới được đụng tới đủa, gắp vào chén miếng ăn đầu tiên. Nghe kể thế, từ đầu bên kia Nhã kêu chí chóe trong điện thoại “Eo ơi! Thời gian là vàng bạc, giờ giấc cao su đến thế thật là phản khoa học, là ăn bữa giỗ lỗ bữa cày” đấy? Biết vậy, nhưng có lỗ đến hàng chục bữa cày chăng nữa, sự lạc hậu vẫn cứ được xã hội đồng tình chấp nhận, riết rồi trở thành thói quen tuốt tuột.

Mùa hè, thời tiết ở Hà Nội rất nóng, ngồi trước chiếc quạt máy vặn hết cở, hơi nóng cứ sầm sập phả lên người làm cho cái nóng lại càng thấy nóng hơn. Nhiều gia đình có điều kiện, vào mùa này thường chọn cho mình nơi nào có khí hậu tương đối mát mẻ để đi nghỉ dưỡng. Có lẽ, nhờ cách Hà Nội chỉ hơn tám mươi cây số đường láng bong, ngoại trừ mười mấy cây số đường đèo, Tam Đảo được coi là thiên đường tránh nóng. Vì vậy, mỗi cuối tuần chỉ cần bắt xe khách ở bến Mỹ Đình, chậm lắm cũng chỉ mất hơn hai giờ đồng hồ chạy dọc theo quốc lộ 2, vượt qua những cánh đồng bao la sẽ dễ dàng nhận ra ba đỉnh núi Thạch Bàn, Thiên Thị, Máng Chỉ nhô lên như ba hòn đảo nhỏ giữa mây trời nên, được nhiều người gọi luôn nó là Tam Đảo?

Đến bến xe Vĩnh Yên, tôi gặp Nhã đúng giờ như đã hẹn. Chưa kịp hàn huyên, chuyến xe buýt số 7 đi Tam Đảo cũng vừa trờ tới. Lên xe, chạy đến cây số thứ 11, gọi bác tài dừng lại cho xuống. Từ đây, bắt xe ôm leo tiếp con đường độc đạo 2 B để lên Tam Đảo. Con đường đèo không dài, nhưng nghe thiên hạ “kháu” nhau về độ cao cùng sự nguy hiểm nơi nó, chẳng thua gì đi trên đèo Ba Vì. Con đường đi lên vừa ngoằn ngoèo, dựng đứng, gấp khúc, vừa ngập sâu trong màn mây trắng xóa. Nhìn sang hai bên, thấy một bên là vách núi, một bên là vực sâu mọc lên tua tủa những ngọn thông xanh rì, đua nhau vượt tầm cao. Có lẽ, do chưa lần nào nếm trải thú đi xe máy qua các đoạn đường đèo, một số người ngồi sau các tay lái đã phải nhắm mắt, luôn miệng cầu kinh địa tạng hoặc sợ muốn té “nước” ra quần.

Càng chạy lên cao, nhiệt độ càng thấp xuống, gây ra chứng ù tai. Bù lại, vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng miền trung du đẹp hút hồn người. Ngồi sau tay xe ôm quen đường, tôi yên tâm giao số phận mình cho anh ta, tha hồ thưởng thức cảnh vật đẹp tuyệt vời ở hai bên đường. Thấp thoáng bên sườn núi, những mái ngói đỏ au của những ngôi biệt thự xinh xắn, ẩn hiện trong lớp mây trắng tạo ra trong tôi thứ ảo giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nào đó. Chưa kịp nhìn no mắt phong cảnh tuyệt vời quanh đây, đến lúc ngẩng đầu lên đã kịp trông thấy thị trấn Tam Đảo mờ ảo hiện ra trong mây, đẹp như vườn Babilon treo cao trên chín tầng mây. Thì ra, Tam Đảo không chỉ đẹp mà còn thơ mộng chẳng thua gì một Đà Lạt phương Nam hay một Sapa bên Lào Cai do có nhiều núi non, ghềnh thác, sông suối, cho đến những khu vườn trồng cây su su bạt ngàn với màu xanh của lá. Tuy Tam Đảo chỉ là một thị trấn nằm gọn trong lòng thung lũng nhỏ, nhưng lại sở hữu vườn quốc gia thuộc vào loại lớn nhất-nhì miền Bắc. Không chỉ có vậy, Tam Đảo còn thừa hưởng không biết bao nhiêu mây là mây nên còn được ví như “thành phố trong mây”. Thật vậy, đi đến đâu cũng chỉ bắt gặp toàn mây với mây. Mây trên đầu, mây dưới chân, mây trắng xoá bên sườn núi, mây bò ngang đoạn đường đèo, mây sà xuống bên khóm hoa, mây giăng trên vai, mây chạm trên tóc, mây đậu trên giàn su su, mây đuôi theo từng bước chân đôi tình nhân, mây vương vải đôi chút mùi vị ngai ngái trong không gian làm xao xuyến hồn người. Tôi tự hỏi “phải chăng nhờ những ưu điểm có được này mà Tam Đảo trở thành thiên đường thứ hai trong mắt nhiều người”?

Leo lên hết con đèo, xe chạy đến trung tâm thị trấn Tam Đảo, dừng lại bỏ chúng tôi xuống. Trong lúc chờ lấy tiền, tay lái chở Nhã không quên trao vào tay cô cái name card có ghi số điện thoại đi động, tiếp thị dịch vụ xe ôm. Tôi cười, trêu chọc: “Người đẹp có khác, vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến đây đã có người ngưỡng mộ xin chữ ký rồi”. Nhã cũng chẳng vừa, đối đáp lại ngay “Bộ anh ghen hay sao – Được ghen đã phúc. – Chùa hả! Ai cho anh quyền được ghen mà chưa gì đã kêu phúc với tội ”?

Vừa đùa tôi vừa đeo ba-lô sau lưng, đi bộ cùng Nhã loanh quanh nơi thị trấn, khám phá thung lũng Tam Đảo ở độ cao hơn một ngàn mét so với mực nước biển. Đối với tôi hình ảnh quen thuộc bắt gặp ở bất kỳ phố núi nào cũng đều giống nhau. Từ con đường dốc cao quanh co với nhiều tầng nấc, xuất hiện cùng với lớp sương mù lãng đãng, nghe thấy cái lạnh quanh năm mùa đông về thắm trên da thịt các cô gái cho má thêm đỏ, cho môi thêm hồng. Chẳng vì vậy, anh chàng nhà thơ lãng tử đất Quảng trong một lần bay từ Đà Nẳng lên Pleiku chơi với bạn, đã phải kêu lên “anh khách lạ đi lên đi xuống /may mà có em đời còn dễ thương”.(*) Tất nhiên, phố núi nào cũng đầy mây, đầy sương mù, đầy gió lạnh rét mướt, nhưng lại hài hòa trong sắc màu bên hàng chục loài hoa phong lan rừng nở ra thơm ngát, xen lẫn đây đó màu vàng rộm của dã quỳ tạo nên một quang cảnh vừa thơ mộng vừa kỳ vĩ xiết bao. Nhã cố đi sát vào tôi, tìm chút hơi ấm bên thứ khí hậu lạnh lẽo đang phả lên từ dưới đáy vực mà chỉ trong chốc lát đây, chúng sẽ ngưng tụ thành những đám mây huyền ảo treo lơ lững trên các sườn núi cao sừng sững trước mặt. “Thế nào,đã bớt lạnh hơn chưa hả cô bé – Vẫn. Phải chi anh cho mượn đở vòng tay chắc sẽ ấm hơn – Thì em cứ ôm đại cho anh nhờ, mắc chi phải mượn – Phải hỏi trước, ngộ nhỡ có ai trông thấy gọi vào trong Nam mách với chị, e sẽ gây phiền hà cho anh – Xin lỗi! Anh còn độc thân em à – Nói vậy mà không phải vậy phải không người Sàigòn”?

Trước mắt tôi và Nhã là cây cầu cổ tuyệt đẹp, bắc qua con suối Bạc chảy róc rách dưới chân, in đậm dấu vết thời gian được nhìn thấy qua hai hàng lục bình xi măng còn sót lại bên thành cầu; tạo ra nơi tôi cái cảm giác như đang trở về với quá khứ, nhưng đi liền ngay sau đó là sự thất vọng tràn trề, bởi sự đan xen giữa quá khứ-hiện tại bỗng bị phá hỏng một cách đáng tiếc bởi bàn tay ai đó đã quét lên công trình nghệ thuật một thứ vôi vữa trắng toát, đánh mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có từ một chiếc cầu với tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Biết làm thế nào được, buồn, tôi đành cúi đầu giữ lấy bàn tay Nhã dẩn tới đứng cạnh thành cầu, nhìn xuống dòng nước trong vắt, nhẹ nhàng chảy lướt bên bờ đá, trước khi len lỏi trong đám lau sậy để đến với đám hoang tàn gạch đá rêu phong đổ nát, thấy mọc lên những ngôi biêt thự tráng lệ in bóng trên thềm mây, bên sườn núi hay giữa một màu xanh bạt ngàn đặc trưng của những mảnh vườn su su mà bất kỳ ai một lần ghé lên Tam Đảo đều cố mua về một ít làm quà. Đúng lúc đó, có người đàn ông lớn tuổi đi ngang, biết chúng tôi từ xa lên đây nên vui vẻ chỉ cho con đường đi đến ngôi nhà thờ cổ, xây dựng bằng đá từ thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại một cách nguyên vẹn. Hay quá, tôi lôi Nhã đi theo hướng có cái tháp truyền hình nằm trên đỉnh Thiên Thị làm chuẩn đi tới. Sau một hồi vật lộn trên đoạn đường trãi bê tông, cuối cùng ngôi nhà thờ cổ bị bỏ hoang gồm hai tầng cũng hiện ra. Tôi leo lên cầu thang bên trái, ít bị rêu phong cây cỏ rậm rạp che phủ; trái lại, Nhã lí lắc chạy sang cầu thang bên phải, nhanh chân đợi tôi ở điểm dừng, trước khi cùng nhau tiếp tục leo lên khoảng sân khá rộng nơi tầng hai. Từ đây, nhìn ra phía trước thấy có nhiều ô cửa vòm xây theo phong cách Châu Âu, toát lên vẻ đẹp đầy thơ mộng và lãng mạn. Được biết, đây là dấu tích còn sót lại nguyên vẹn, nhờ là nơi thờ phượng tôn giáo nên được coi trọng mà không bị phá huỷ. Đi rảo quanh một vòng , tôi chỉ cho Nhã thấy tấm bảng ghi chú “có thể sắp xếp chỗ ngủ miễn phí cho người nghèo”. Nhã nheo mắt nói “anh muốn đêm nay được ngủ trong sự trông nom của Chúa thì đến đó đăng ký, còn em về khách sạn vì sợ lạnh lắm”. Tưởng chúng tôi là cặp đôi đi hưởng tuần trăng mật, mấy tay nhiếp ảnh vồ vập chào mời chụp ảnh kỷ niệm. Nhã nghe mà chẳng thấy thể hiện sự bối rối, trái lại còn tỉnh bơ trêu chọc “Anh yêu! Ngôi nhà thờ đá đẹp như trong phim, sao anh không lấy máy ảnh ra chụp lấy một tấm để sau này còn hù con nít”? Đoán, bám đuôi riết chắc khó lấy được tiền cô gái lém lỉnh này, mấy tay phó nhòm chào thua, quay đi tìm mối khác cho được việc. Chỉ chờ cơ hội đó, tôi đưa Nhã leo tiếp 1400 bậc đá lên đỉnh Thiên Thị, nơi có tháp truyền hình cao gẩn trăm mét với bốn bề lộng gió. Tiếc cho Nhã đã phải bỏ công nài nĩ khô cả cổ nhưng mấy chàng làm việc ở đây vẫn kiên quyết không cho người lạ vào xem qua phòng máy. Không còn cách nào khác, chúng tôi leo tiếp 200 bậc thang nữa để lên đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Ngôi đền thuộc loại cổ, nằm ven sườn núi trên một địa thế hữu tình. Đứng từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ thị trấn bên dưới lờ mờ qua màn mây trắng. Tương truyền, bà chúa Thượng Ngàn cũng như nhiều vị thần khác được xem là hồn thiêng sông núi, có mặt khắp nơi để cứu nhân độ thế, khi ở rừng núi khi ở đồng bằng dẫn dắt con cháu từng bước tiến lên. Vì vậy, bà rất được người dân kính trọng lập bàn thờ thờ phụng ở nhiều nơi; nhất là ở miền núi hay các cửa rừng. Đặt biệt, với những dân chuyên đi rừng, muốn săn bắt, khai thác đạt kết quả mong muốn hoăc cầu xin tai qua nạn khỏi, thường đến thắp hương cầu sự che chở phù trợ nơi bà. Gần đây, nhiều người mê tín còn đến đây vái lạy bà, xin cho con cháu đi thi đỗ đạt cao, thăng quan tiến chức mau, kể cả việc cầu xin sinh con trai hay con gái.

Chờ cho Nhã thắp nhang quay ra, tôi hỏi cô vừa cầu xin bà chúa những gì? Cô cười trả lời: “Bí mật – Nghe kể, bà ở đây linh hiển lắm, cầu tình được tình cầu tài được tài. Trông sắc mặt tươi rói của em, anh đoan chắc em vừa cầu tình phải không – Ơ! Cái anh này, người ta bảo bí mật sao cứ hỏi lắm thế – Biết để anh còn giúp đở cho”? Bất ngờ, lúc quay sang nhìn cô, tôi vô tình bắt gặp nét thẹn thùa cùng với đôi má ửng hồng như vừa được thoa lên lớp phấn đỏ. Xấu hổ quá, Nhã dấu mặt sau cánh tay tôi, cùng rẽ vào con đường mòn dốc sâu dẫn xuống thung lũng. Tới cái quán nước thấy treo bảng cho thuê dép Lào, hỏi thăm mới biết đi men theo vách núi xuống 253 bậc đá tới thác Bạc. Tôi chọn thuê hai đôi dép, một cho tôi một cho Nhã, cùng mọi người đi xuống dưới thác. Không ngờ, bên dưới có mặt rất nhiều bạn trẻ đang vui đùa, bơi lội bì bõm dưới màn nước trắng xoá.

Rời đỉnh Thiên Thị về đến trung tâm thị trấn, tôi cùng Nhã đi lang thang qua những cây cầu có lối kiến trúc khá đẹp, do biết kết hợp khéo léo giữa sắt thép và đá núi. Nghe kể, ngày xưa từ cây cầu này sẽ đưa tới khu biệt thự hoành tráng gồm bể bơi, vườn chơi trẻ con, bãi đậu xe hơi, nhà hàng khách sạn Thác Bạc hay còn có tên Hotel – Restaurant de la d’ Argent. Về sau, trong thời kỳ “tiêu thổ kháng chiến” chống thực dân Pháp, hàng trăm công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật lớn nhỏ tại đây hầu như đã bị phá hủy toàn bộ. Có chăng, chỉ còn hiện hữu trong tâm thức một số người lớn tuổi mỗi khi có dịp đi ngang qua những phế tích còn sót lại, được nhìn thấy với từng đống gạch vụn, mảng tường, khu nhà bếp của khách sạn lớn nhất thời đó, đang lẩn khuất trong đám cây cỏ mọc hoang dại để mà hoài niệm .

Tối đến, khí hậu Tam Đảo trở lạnh do hơi núi ngưng tụ từ bốn phía đổ về khiến khí hậu nơi đây luôn độc đáo nhờ, một ngày trải qua đến bốn mùa. Buổi sáng thức dậy, ngồi nhâm nhi chút cà phê nóng hổi trong chiếc quán dựng cheo leo bên sườn núi, ngắm mấy khóm đỗ quyên nở rộ nghe mùa xuân đang về. Buổi trưa, may mắn lắm mới bắt gặp chút nắng hiếm hoi lách mình qua những kẽ mây nghe mùa hè thoáng hiện trong phút chốc, sau đó nhường chỗ cho buổi chiều se lạnh làm lam tím trên hai hàng bằng lăng trổ hoa ven đường gợi nhớ mùa thu, để cuối cùng khi màn đêm tràn về mang theo cái lạnh lẽo giá rét của mùa đông. Nhã đi sát bên tôi, miệng luôn kêu lạnh dù đã được cảnh báo mặc thêm áo len dày cao kín cổ, nhưng thôi, đi bên người đẹp dù có bị làm nũng một chút cũng thấy đáng yêu chứ có sao đâu. Hơn nữa, do trót từ chối lời mời tham dự buổi sinh hoạt đốt lửa trại do nhóm bạn mới quen tổ chức ở sân sau khách sạn để đi bắt con muồm muỗn với dân địa phương. Một loại côn trừng giống như cào cào, có đầu vuông rất cứng, chuyên ăn lá cây rừng, chúng tôi đành phải từ chối khéo trong sự nuối tiếc.

Chập tối, chúng tôi chùm nón đội đầu, mang găng tay len, nai nịch gọn gàng rồi ra đi. Đến nơi, mỗi người được phát cho một chiếc thùng nhỏ, đi theo đám đông dọc hai bên đường, tìm dưới chân các cột đèn, đến các nơi công cộng. Được biết, những nơi này muồm muỗm thường xuất hiện rất nhiều, có đêm bắt được tới vài kí. Vì là lần đầu tiên đi bắt muồm muỗm nên chộp được một con cũng là kỳ công, bởi chúng nhảy nhót lung tung. May mắn, chỉ vài tiếng đồng hồ sau cả nhóm đã bắt được rất nhiều muồm muỗm nhốt vào thùng. Thấy chiến lợi phẩm đã tạm đủ cho một lần thực tập, tất cả dừng tay để còn về nhà trổ tài nấu nướng. Muồm muỗm sau khi bắt về, cắt cánh, bẻ càng, rửa sạch, cho vô chảo dầu sôi, cho hành khô, gừng, nước mắm, chiên tới khi giòn, cho thêm lá chanh vào rồi bắt ra dùng. Thưởng thức món muồm muỗm tươi ngon ở Tam Đảo, tôi chợt nhớ chuyến đi khám phá đất nước chùa tháp – Campuchia, trên đường đến phà Neak Luông, thị trấn Skun, cạnh chơ Oxay, Russia, Ocada đâu đâu cũng thấy người ta mời chào, mua bán côn trùng chiên sẳn, ăn như món fast foot dế, bò cạp, nhện đen, bọ cánh cứng, kể cả loại rắn lục được tẩm ướp màu đỏ lòm . . . vừa ăn vừa thấy run, không biết mấy món này đã chiên từ bao ngày trước? May sao, lần đó về tới nhà bình an, nhưng mấy thứ côn trùng lỡ mua không dám mang đi tặng ai. Nghĩ lại, càng thấy sợ vì vấn đề vệ sinh ở đây xem ra không mấy an toàn; ngược lại, muồm muỗm ở Tam Đảo chiên nóng hổi, giòn tan trong miệng ăn đến đâu thấy béo ngậy đến đó. Để góp vui, tôi kể lại kinh nghiệm bắt côn trùng (dế) do chính mắt trông thấy, tai nghe ở Campuchia cho mọi người có mặt cùng nghe. Trước hết, người ta đóng hai thanh tre cao hai mét, ngang bốn mét, trên đó căng một tấm ni-long trắng, bên trên thắp đèn néon có ánh sáng màu tím bằng điện hay acqui. Phía dưới tấm ni-long được cuộn lại thành chiếc máng, bên trong chứ nước. Côn trùng nhìn thấy ánh sáng bay đến, đụng tấm vải nhựa rớt xuống mánh nước, sáng ra người ta chỉ việc thu hoạch côn trùng một cách rất nhẹ nhàng.

Không biết, khi chia sẻ kinh nghiệm bắt côn trùng ở Cam đến nay đã có ai thử áp dụng mô hình trên hay chưa? Nhưng sáng hôm sau, tôi phải gọi Nhã năm lần bảy lượt cô mới bò dậy nổi để đi ăn sáng vì đêm qua thức khuya quá. Trên đường đi, tôi đưa Nhã ghé thăm chợ quê họp ngay trung tâm thị trấn. Gọi là chợ nhưng thấy chỉ lèo tèo vài chục người dân địa phương mang sản vật tự cung tự cấp ra bày trên mấy tấm vải nhựa đặt dưới lòng đường. Nhiều nhất vẫn là món rau su su nổi tiếng ở Tam Đảo, chuối rừng, đậu rùa, cá Thính, gà đồi; riêng mấy chai lọ bằng sành không hiểu đựng thứ gì bên trong, tôi nghi chắc là rượu. Người đàn ông bán hàng vui tính, bắt mạch đúng tim đen của tôi, giới thiệu món rượu Chít ngon, bổ, khỏe, chữa được bệnh “trên bảo dưới không nghe”. Cảm giác chưa đủ độ tin trước khách hàng, ông kể trong rừng Tam Đảo cây Chít mọc rất nhiều. Cây cho lá dành để gói bánh, hoa làm chổi, thân có con sâu màu trắng dài khoảng hai đốt tay. Chính con sâu này từ xưa đến giờ vẫn được xem như biệt dược, bắt mang về cho vào chai ngâm chung với rượu khoảng một tháng thì uống được. Công dụng bổ thận tráng dương, có thể so sánh ngang hàng với đông trùng hạ thảo trên cao nguyên Tây Tạng. Cẩn thận hơn cầu kỳ hơn, người ta rửa sâu Chít với nước muối pha loãng, sau đó vớt ra để ráo rồi, bắt lên bếp rang chung với nếp cho tới khi cả hai vàng như nhau, kế đến đổ ra ngâm rượu cho tới khi có màu vàng, mang ra uống có mùi rất thơm. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi hỏi xem rượu Chít ăn với món đặc sản nào hợp? Để chứng tỏ mình là người hiếu khách, người đàn ông cho biết, ở các nhà nhà hàng trên Tam Đảo; ngoài đặc sản về su su ra còn có món thịt bò tái kiến đốt, ngon rẻ hơn mấy món thịt rừng kiểu “hồn Trương Ba da hàng thịt” vì thịt rừng ở đây đã bị cấm từ lâu. Kiến đốt là sao? Có nghĩa là thịt bò sau giết mỗ còn nóng, cắt thành tảng từ 1-2 kí, chọn ổ kiến to trên cây mang treo gần đấy. Chọc cho lũ kiến hung dữ bung ra, bám vào tảng thịt, đốt cho thỏa thích. Sau đó, lấy thịt xuống mang đi rửa lại bằng nước muối loãng, để ráo, nướng trên bếp than hồng và thái mỏng, ăn kèm chuối chát, rau ngổ, chấm tương Bắc hay tương làm từ ngô, đậu tại địa phương có pha thêm chút đường chút gừng băm nhỏ, ăn nhớ đời.

Ăn sáng xong, xe ôm cũng vừa đổ xịch ngay cửa đón chúng tôi đi Tây Thiên như đã hẹn. Theo “Kiến Văn tiểu lục” (**) mô tả Tây Thiên “ . . .bên dưới sắc nước như chàm, sâu thăm thẳm không thấy đáy; sườn núi có Tây Thiên cổ tự, có tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi. Trên đỉnh có chùa Đồng Cổ, khe Trường Sinh, suối giải oan, suối Vàng, suối Bạc, hồ sen với nước luôn xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và sen đỏ nở hoa bốn mùa“. Quả thực, khi đặt chân đến xã Đại Đình mới thấy đường lên Tây Thiên đi đứng không dễ dàng chi, nhưng đã lên đây thì không thể không đi hết các hệ thống đền chùa, thảo am, các thắng cảnh nổi tiếng được phân bổ hầu hết trên dãy Thạch Bàn nơ đây, cho dù phải băng rừng lội suối, vượt qua nhiều dốc cao dựng đứng đi nữa. Bởi cảnh quang thiên nhiên Tây Thiên không chỉ hùng vĩ, thơ mộng, hữu tình mà còn có giá trị về mặt tín ngưởng, tâm linh do con người biết lợi dụng thế núi cùng bàn tay lao động sáng tạo gầy dựng qua nhiều thế kỷ.

Điểm đầu tiên tôi và Nhã đặt chân tới là đền Thống hay còn gọi đền Trình. Trước đền là khoảng sân rộng, từ xa có thể nhìn thấy cây đa chín cội, vươn vai thẳng ngọn lên bầu trời, trông như một gã khổng lồ đứng thỏng đôi tay một cách oai phong, trấn giữ ngôi đền. Đi vòng ra sau, gặp suối Giải Oan chảy ngược dòng nước lên trên, gặp một con thác rồi hợp lưu tại một hồ sen, trước khi đổ vào khe có cùng tên. Tiếp tục trèo thêm mấy bậc núi, vượt qua con đường cao hơn, bắt gặp một rừng trúc bạt ngàn cùng với núi Rùng Rình. Tới đây Nhã đủ thấm mệt, cô ngồi lại bên mô đá, lấy nước ra uống để có thêm sức đi ngược lên ba cây số tới chùa Đồng Cổ, thích thú đến ngạc nhiên khi nghe giới thiệu mọi thứ đồ vật lưu giữ tại đây đều được đúc bằng đồng. Tạm biệt chùa Đồng Cổ, rẽ phải đi thêm hai cây số chúng tôi đứng đối diện với ngôi đền Thượng Tây Thiên. Đây chính là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên – Tăng thị Tiêu. Tương truyền, bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lượt; từng giúp vua Hùng thứ 6, Hùng Chiêu Vương, không chỉ đánh giặc bảo vệ nước Văn Lang mà còn giúp vua mở mang bờ cõi. Xong việc lớn, bà không màng danh lợi, quay về nơi mình sinh ra, dạy dân trồng lúa, an hưởng cuộc sống thanh nhàn rồi “hóa thánh” tại đây. Để ghi nhớ công lao của bà, từ ngàn xưa người dân đã xây dựng đền thờ Quốc Mẫu ở rất nhiều nơi, chứ không riêng gì trên sườn núi Thạch Bàn-Tam Đảo này.

Xuống núi, đã có xe ôm chờ sẳn mời gọi chúng tôi đến viếng thăm Trúc Lâm Thiền Viện. Nhã cảm thấy quên hết mệt nhọc, nhảy tót lên xe ôm, ngồi phía sau cho tay lái chở đi. Tôi vội vàng lên chiếc xe ôm khác đuổi theo cô chạy đến thiền viện. Từ dưới đường nhìn lên, thiền viện Tây Thiên hiện ra thật bề thế giữa núi rừng bạt ngàn nơi đây. Theo bút tích ghi dấu, thiền viện xây dựng lại vào năm 2004 trên nền ngôi chùa cổ Thiên Ân, do các nhà sư trụ trì tại đây cùng với các hoà thượng Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng đúng vào ngày chánh hội Tây Thiên. Được biết, đây là một trong ba thiền viện lớn nhất nước gồm: thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Tam Đảo. Muốn đặt chân lên cổng tam quan bề thế có treo bảng “Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên”, phải leo hàng chục bậc thang lộng gió lên cao. Từ cổng tam quan leo tiếp thêm nhiều bậc thang, mới chạm mặt với khu tiền sảnh rộng nguy nga của thiền viện. Đến đây, tha hồ chiêm ngưỡng những tuyệt tác do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân bậc thầy, thể hiện một cách khéo léo qua hình ảnh những mái đình lợp ngói đỏ au, uốn lượn cong vút, bay bổng bên rừng thông bạt ngàn có đến hàng trăm tuổi. Đây là lối kiến trúc tuyệt đẹp mang đậm bản sắc văn hoá Á Đông, hoàn toàn phù hợp với tinh thần dân tộc nước ta. Hiện nay, thiền viện Trúc Lâm Tam Đảo ngoài việc là trung tâm tu học lớn ở miền Bắc mà, còn là nơi được nhiều gia đình dưới Hà Nội gửi gắm con em lên đây nhờ các nhà sư dạy dỗ, tu học vào các dịp hè; thay vì tập trung ở các khoá huấn luyện quân đội.

Theo dự tính, tôi và Nhã sẽ làm một chuyến trekking từ Tây Thiên về Tam Đảo bằng con đường đi xuyên rừng nguyên sinh, nghe nói đẹp đến mê hồn, bởi nơi đây còn lại những cánh rừng chưa bị bàn tay con người can thiệp nên hiện diện nhiều loại chim, gà rừng, bươm bướm, nhất là bắt gặp những con ve to hơn ba ngón tay chập lại. Tuy nhiên, người dân địa pương lại khuyên, không nên mạo hiểm với quảng đường dài hơn mười cây số vì có rất ít người qua lại; ngoại trừ giới đi rừng chuyên nghiệp. Thế là, chúng tôi đành phải đi xe ôm về lại thị trấn, mất dịp trổ tài bấm máy ghi lại các bức ảnh đẹp và nghe những tiếng ve kêu đến điếc tai.

Về đến trung tâm thị trấn Tam Đảo, nhìn đồng hồ tay thấy còn sớm, tôi rũ Nhã đi thưởng thức món su su nổi tiếng, trước khi chào tạm biệt nơi này vào lúc xế trưa. Nhã đồng tình ngay vì lên Tam Đảo mà chưa đi ăn các món su su luộc chấm vừng, su su xào tỏi, su su xào tôm, su su xào trứng, su su nấu canh tôm khô; nhất là ăn món đọt su su tẩm bột chiên giòn . . . coi như chưa đặt chân đến Tam Đảo?

Điều này đúng hay sai để tôi còn hỏi lại Nhã khi tiễn chân cô ở bến xe Vĩnh Yên. Tuy nhiên, việc ai đó coi Tam Đảo là “thiên đường thứ hai” theo tôi nghĩ nên gọi Tam Đảo là “thành phố trong mây” có lẽ thích hợp hơn. Bởi, bầu trời quanh đây lúc nào cũng đầy ắp những tầng mây, tạo ra cho tôi cái cảm giác dễ dàng bị nuốt chửng trong nó bất kể thời gian nào trong ngày.

Minh Nguyễn

Miên Du Đà Lạt

Min_Du__Lt

Mưa sầu La Seine

Mưa buồn trên bến sông Seine lạnh
Thao thức ngàn sao thương nhớ nhau
Lệ nào còn đọng sầu bên gối
Ôi ! chút tình xưa trở lại đau

Mưa sầu bên ấy ướt đôi vai
Hỏi áo em choàng có được cài
Áo lạnh ngày xưa còn đủ ấm
Hay đà tơi tả dưới sương mai

Xin gởi tặng em ngọn lửa hồng
Ấm tình thiếu nữ buổi chiều Đông
Em ơi Đông có mang hơi lạnh
Nhóm chút lửa hồng ủ giấc nồng

Ngày mai, ừ nhỉ trời thơm nắng
Thơm áo em choàng, chẳng ướt vai
Thơm má hồng xinh, đôi mắt biếc
Thơm bờ tóc rối kết hoa mai

Thôi nhé! em ơi, chớ gánh sầu
Chỉ mình ta giữ một niềm đau
Chúc em hạnh phúc trong ngày mới
Vui kỷ niệm xưa ta có nhau …

Chậm

Ta chậm lại, nên đời không bước vội
Tháng năm tàn thời gian chuyển qua nhanh
Bao gút thắt ta gở hoài không thoát
Bao muộn phiền mờ ánh mắt tinh anh

Ta dừng lại, bởi không còn bước kịp
Gối mỏi rồi, chân cũng chẳng khoan thai
Tay chới với chụp bắt đời vô vọng
Gánh một đời sầu nặng cả hai vai

Bán Thơ!

làm thơ! ừ nhỉ! đem rao bán!?
biết có ai mua giữa chợ đời?
biết có ai cùng chung nhịp điệu?
mua dùm ta dăm chữ thơ rơi!

làm thơ! buồn nhỉ! sao đem bán!?
có phải trần gian hết chữ rồi!?
có phải người đời thôi đọc sách!?
ta về treo vách ngắm thơ chơi!

Rồi Mai Đây !

Rồi mai đây, lạnh về trên bờ đá
Biển dập vùi, vách núi phủ rêu phong
Lá rời cành, lìa đời không tiếng gọi
Ta vùi chôn tình lỡ chẳng nhớ nhung!

Rồi mai đây, ta đi vào quên lãng
Có ai còn tìm lại dấu chân xưa!?
Những nhánh sầu chia buồn trên lối cỏ
Những cuộc đời lặng lẽ chẳng ai đưa

Rồi mai đây, ta đi về cát bụi!
Đời bâng khuâng chỉ một thoáng ngậm ngùi
Vàng trăng sầu kể chuyện tình cổ tích
Trong sương đêm, ta yên giấc ngủ vùi!

Rồi mai đây, ai tìm về dĩ vãng!?
Thắp nến buồn soi lại chuyện trăm năm
Mở trang sách, dòng tình thơ vàng úa
Sầu dâng lên rơi những giọt âm thầm!

Anh Đi Về Chốn Ấy!
(Thương tiếc Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang)

Nỗi buồn nào chợt khóc,
Giọt sầu nào ta say
Anh đi về chốn ấy
Ngạo nghễ trên đôi tay

Tiếng đàn vang như thác
Tiếng hát rực lửa hùng
Hy vọng nào khao khát
Qui về một mối chung

Cần nhau xây tổ quốc
Là Người Gắn Lên Tôi
Quên nỗi buồn nhược tiểu
Cười Dưới Ánh Mặt Trời

Anh đang cười ngạo nghễ
Trên đất Mẹ yêu thương
Và đã vui xin chọn
Nơi này làm Quê Hương!

Cali Sầu Đông Nhớ Đà Lạt

Cali chớm lạnh buổi đầu Đông
Mưa gió se se buốt giá lòng
Một chút lửa hồng xin sưởi ấm
Tình người viễn xứ vẫn hoài mong

Nhớ xưa Đàlạt sương rơi lạnh
Tượng núi Lâm Viên một bóng nằm
Lấp lánh Xuân Hương hồ gợn sóng
Chờ ai Than Thở khóc trăm năm

Hỏi em còn nhớ mùa Đông cũ
Chung bước bên nhau, bước ngại ngần
Ứớc ao hôn được bờ môi thắm
Vụng về, anh vội… bỗng ăn năn!

Đà-Lạt mơ hoài trong giọt nhớ
Ca-li khắc khoải bởi chung tình
Đông sầu cây lá trơ trong gío
Lẻ bóng ta buồn đêm Giáng Sinh

Miên Du Đà Lạt

1 21 22 23 24 25 34