Ngô Nguyên Nghiễm
Nghiêu Minh:
Cuộc Phiêu Hốt Tang Bồng
Của Kẻ Lãng Tử Tài Hoa
***
Tiểu Sử Văn Học: NGHIÊU MINH
– Tên thật: Nguyễn Văn Minh
– Các bút hiệu khác: Đặng Thiên Gia Hộ,
Lê Cần Sơn, Mạnh Thần
– Sinh 1944
– Quê quán: Mười Tám Thôn Vườn Trầu (Hốc Môn), Gia Định
– Hiện cư ngụ: Maryland, Hoa Kỳ
Tác phẩm đã xuất bản:
– Khóc Trên Đường Đi, Hát Trên Đường Về (tập nhạc 1984)
– Trăng Mật (thơ 1992)
– Chợ Trăng (tập nhạc 2000)
– Dấu Xưa (thơ 2002)
– Mẹ Thường Hằng (thơ song ngữ, 2005)
– Thiền Trong Cõi Tục (thơ 2013)
CD & Video
– Mẹ Thường Hằng (thơ & nhạc, video)
– Em, Người Tình Nhân Tôi (thơ nhạc)
– Bởi Có Em Tôi Ở Lại Đây (nhạc)
– Mẹ, Em Và Nguồn Dấu Yêu (nhạc)
– Em, Người Tình Nhân Tôi (nhạc)
– Khúc Tình Ca Xanh (nhạc)
– Sao Em Biết Mùa Thu Không Trở Lại (nhạc)
– Ngõ Yêu (nhạc)
Ngoảnh lại chút quá khứ, thời gian trôi nồi lãng du của tuổi trẻ, những khinh khoái tang bồng trong từng bước lăng ba vi bộ trên khu vườn đa sắc nghệ thuật, thật tình tôi cũng không thể giải thích được vài sự thân quen tri kỷ của bằng hữu văn nghệ thời xa xưa…Cái hay của bạn bè văn nghệ miền Nam, nhiều lúc ngẫm nghĩ như những cuộc tương phùng của bức tranh vân cẩu, hợp lại một cách tình cờ phù ảo, rồi tan đi như những áng mây tụ tán vô thường. Nhưng khác với thế thường nặng nề nghiệp chướng, người dấn thân vào định kiếp văn chương lại trồng đầy trong thế giới hóa sinh riêng mình, những búp sen đầy rẫy ân tình và tài hoa, bất chợt nhặt được vô tình trên bước đường chợt bước qua. Cảm ngộ tài năng của nhau, thường không cần quen mặt bắt tay, nhưng những câu thơ, âm ba lời nhạc, những nét phiêu lưu thần khí trên những họa phẩm hay tác phẩm điêu khắc…đã làm chấn động tâm thức giao cảm, rồi mặc nhiên như mối thân quen tiền kiếp vọng về.
Gần nửa thế kỷ trước, hầu hết bóng dáng phiêu bồng của bằng hữu ngất ngưởng trên không gian văn nghệ thời bấy giờ, đều căng đầy sức sống của lứa tuổi đôi mươi. Khoảng tuổi thanh xuân tràn ngập hỏa khí, dương tính trong cuộc đời cũng như sáng tác. Mỗi văn nghệ sĩ bộc phát tài hoa như những biến hóa đa dạng trong khung trời sáng hóa, mỗi một tiểu vũ trụ đầy ấp thanh khí tiêu dao. Nhìn quanh, phong thái văn nghệ miền Nam nở rộ trăm hoa hương sắc, mỗi tay bút như đã vạch riêng cho mình và cho văn nghệ một tiểu vũ trụ sáng hóa kỳ diệu. Đến nay, không khí lãng bạt xa xưa đã định hình không thể chối cải dược, về một lớp người sáng tạo dòng văn chương Việt, đáng hảnh diện cùng văn chương nước ngoài. Lớp văn nghệ sĩ đó, giờ trải cuộc đời lưu lạc hiện diện khắp cùng thế giới, trải rộng tinh hoa sáng tạo rực rỡ khắp hành tinh nầy…Lớp tuổi Cung Tích Biền, Viên Linh, Trần Tuấn Kiệt, Phan Bá Thùy Dương, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Lâm Chương, Trần Hoài Thư, Phạm Nhã Dự, Nguyễn Cát Đông, Trần Yên Thảo, Nguyễn Tôn Nhan, Lâm Hảo Dũng, Hoài Ziang Duy, Nghiêu Minh…thật sự đóng góp rất nhiều trí tuệ và hóa thân cùng cực trong văn nghệ bên cạnh cuộc sống đầy cuồng rối hôm nay.
Thập niên 60-70 thế kỷ qua, nhìn lại như bèo trôi gió dạt vẫn loáng thoáng trong trí nhớ nhiều hình ảnh kỳ diệu của bạn bè văn nghệ. Ngoài những thâm tình đã có với bao la bằng hữu, tôi đến với Nghiêu Minh cũng bằng một sự tình cờ như định nghiệp sắp đặt. Trưa một ngày cuối đông năm 1973, nhà thơ Trăng Thệ Hải (Vũ Đình Trường) phiêu hốt qua tệ xá, trên tay khệ nệ một cặp táp căng phòng, chắc có lẽ đầy rẫy tài liệu, giấy tờ gì đây. Trăng Thệ Hải thưởng ngao du đây đó, thình thoảng tạt qua thư trang loáng thoáng vài thời khắc thăm viếng nhau rồi lại tách bước biền biệt như cơn gió chợt thoảng. Trà nước đãi bạn để kéo dài câu chuyện tham thảo cùng nhau như Trăng Thệ Hải đề nghị, tôi ngờ ngợ chuyện văn chương, nên sẵn sàng trong thư giản. Trăng Thệ Hải với tên cúng cơm thường gọi giữa anh em văn nghệ đồng song với nhau là Thành nhà báo, vì tài bay nhảy kinh doanh, tổ chức xuất bản tạp san văn nghệ quảng cáo, hoặc những đêm thơ trình diễn tại nhiều tụ điểm như Hầm Gió, Phấn Thông Vàng .v.v.Khệ nệ xấp xếp lên bàn giấy, một bên là bản thảo bài vở bạn bè văn nghệ thời vàng son, một bên là một xấp biên lai quảng cáo của các nhà tài trợ, Trăng Thệ Hải vào chuyện đang làm tờ báo xuân với tham gia nhiều tên tuổi như Phạm Nhã Dự, Hà Thúc Sinh, Lâm Chương, Nguyễn Lê La Sơn, Thụy Miên, Yên Bằng, Nghiêu Minh….Ngoài việc mời tôi cộng tác, Trăng Thệ Hài chuyển đọc các tác phẩm anh em có mặt trong tờ báo. Phần đông, ngoài bao dàn các tin thời sự, sớ táo quân, chuyện văn nghệ, ca sĩ thời thượng của tay bút Trăng Thệ Hải, tác phẩm bằng hữu góp mặt là những bài thơ tâm đắc, sở trường của các văn gia thi sĩ. Chính vậy, cầm bản thảo tò mò đọc, cái chú ý trước tiên trước mênh mông thơ phú, câu đối, tranh biếm họa…là một kịch truyện Mùa Xuân Hoa Giấy và một đoạn nhạc đệm cho bài kịch nói cùng tên Mùa Xuân Hoa Giấy, được giới thiệu rút từ bài Tóc Mây, trong tập Mười Thể Phách Cho Tình Yêu, của tác giả Nghiêu Minh. Thời mà những kịch thơ của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng là những bóng mát cho cuộc trình diễn thơ nhạc sân khấu. Hay những vở kịch nói bác học kinh điển của Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng ít nhiều ghi lại trong tâm thức người đồng điệu. Dù vậy, cũng còn rất ít người tâm huyết thưởng ngoạn hình thể kịch sân khấu như vậy. Có lẽ, tôi cũng là một kẻ thưởng ngoạn lạc loài trên bước đưởng soi ngắm những khuynh hướng truyện kịch, nên tò mò nêu những điều chưa biết về nhà văn nhạc sĩ Nghiêu Minh. Trăng Thệ Hải chỉ cười nói, Nghiêu Minh là bạn thân mười tám thôn vườn trầu của Phạm Nhã Dự, hôm nào phiêu bạt về Bà Điểm chắc chắn sẽ tương ngộ, lo gì.
Nói thì dễ như trở bàn tay, nhưng năm nầy tháng nọ trải dài trên cuộc biến đổi tang thương của đất nước, sự tao ngộ lại là sự thách đố không có đoạn kết, vì chân trời góc biển vẫn là rào cản hữu vi, tâm thức chưa vượt qua được. Đoạn đường tri ngộ vẫn lạc loài trong vô thức, đến ngày Phạm Nhã Dự, Nguyễn Lê La Sơn định cư tại Mỹ, tin bỗng bay về , anh em hội tụ nhắc nhở tên nhau qua đường giây nói liên lục địa. Phạm Nhã Dự phấn khởi thông báo, “anh em đông đủ cả trên bàn rượu tương phùng, ông nói với từng anh em nhé. Nghiêu Minh, Lâm Chương, Nguyễn Lê La Sơn, Hà Thúc Sinh, Trần Kiêu Bạt, Phạm Nhã Dự”….Đêm hôm tương ngộ , bên nầy trời đại dương tôi đang ngồi đối ẩm với Dương Trữ La, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Phan Thịnh…. dưới bóng cây lão mai trước sân Thư trang Quang Hạnh. Anh em văn nghệ hai đầu nỗi nhớ tràn đầy , đối thoại như pháo xuân nở rộ. Buổi kỳ ngộ bỗng nhiên lại là bước nối kết chặc chẽ , trong đó khoảng thời gian dài tận giờ Nghiêu Minh thường xuyên gởi những tác phẩm tâm huyết về tặng bằng hữu. Từng đĩa CD , từng ấn phẩm Thơ nhạc, là những hạnh ngộ đầy tương giao và phiêu lãng của những kẻ làm văn nghệ , với tâm thông , hiền triết, trao nhau như trao gươm báu và ấn tín.
Nghiêu Minh bước nhẹ hững như cơn gió lướt phù ảo trên dặm trường. Chính vậy, sáng tác của Nghiêu Minh vẫn tràn đầy cái chân, trong sáng, hành đạo như một tăng lữ trải rộng vô ưu chiếc bóng phù ảo trên suốt đoạn đường nhập thể với thi ca, với âm nhạc, với hội họa…Bên cạnh nghệ sĩ, hình như cũng có nhiều ành tượng thần vĩ của bạn bè luôn luôn sát cánh với Nghiêu Minh trên lộ trình hóa thân nghệ thuật…Những bằng hữu thơ văn, hội họa, âm nhạc, điêu khắc… như Hoài Ziang Duy, Phạm Nhã Dự, Kinh Dương Vương, Trương Thành Vân, Hà Thúc Sinh, là những tinh quang lấp lánh bên nếp sống chân tình đầy tính đạo pháp và nghệ sĩ.
Đến nay, Nghiêu Minh đang phiêu bồng trong vài mươi tác phẩm khai hóa trong một chân tâm hạnh ngộ với tình mẹ, quê hương, tình yêu và chánh pháp…Sự chân thật, giản dị trong tác phẩm bao giờ cũng là nét chánh, được phát khởi từ một sự chân thật. Tác phẩm phát khởi trong yếu chỉ trực diện với tâm thức, nên sự trong sáng là nét rực rỡ trong từng câu thơ, từng giai điệu âm nhạc. Hôm ngồi nghe lại từng CD nhạc, đọc lại những thi phẩm của Nghiêu Minh, tôi chợt thấy rõ nét hơn tài hoa hồn hậu của bạn hiền. Lúc nào cũng vậy, Nghiêu Minh luôn khoác trên hình thể chiếc áo đầy đặn chân thành, thơ nhạc thể hiện rõ rệt chân hướng mà hiền giả hướng tới suốt cuộc đời. Những chân chất phát tiết một cách tự nhiên, không ràng buộc ngã chấp, dù anh đang nghiêng ngã trước những xúc cảm từng phen lưu trú trong hồn. Thi phẩm Mẹ Thường Hằng, khiến tôi trào dâng nhiều cơn uất nghẹn, như những sự liên tưởng kỳ diệu mà suốt một đời người, cái đạo vẫn như vầng trăng không bao giờ khuyết, kinh thiên động địa vẫn âm thầm chiếu sáng rực rỡ giữa vũ trụ ta bà. Lâm Hảo Dũng trong bài thơ Còn Không Ngày Về, đã làm tôi nghẹn ngào những lần đọc lại :
Mẹ có mắt sầu cao chất ngất
Nên hồn con lạnh lẽo đến bao giờ
Nhà chắc dột bởi từ khi vắng mặt
Những thằng con đủ cánh để bay xa
Và dòng sông thương những hàng rơm mục
Những hàng cau buồn chết được lòng con
Thuở mẹ già biết cau còn kết trái
Biết con còn thấy mẹ lúc hoàng hôn
Như lũ sáo vu vơ ngoài dậu cũ
Mắt đăm chiêu ngày nắng mới chang chang
Mẹ vẫn cứ mồ hôi trên áo vá
Đắp vồng khoai liếp cải nghĩ mênh mang
Bom đạn chắc không còn ru mẹ ngủ
Và đàn em dăm đứa nhởn nhơ cười
Mắt có xa cho một lần thương nhớ
Hình bóng con vời vợi cuối chân trời.
(Còn Không Ngày Về/ Lâm Hảo Dũng)
Thi phẩm Mẹ Thường Hằng cùa nhà thơ nhạc sĩ Nghiêu Minh là một thi tập trang trọng gói ghém 10 bài thơ dâng trọn vẹn cho Mẹ hiền trong đạo làm người, khiến người đọc cảm thông “với tấm lòng chân chất, mộc mạc, những cảm xúc bình dị của một người con nói về Mẹ (Hoài Ziang Duy/ Nghiêu Minh, Người gieo hạt )”. Và nhà văn Trần Hoài Thư, xúc cảm qua một bài thơ, phát biều: “Anh Nghiêu Minh. Thơ về má của anh làm tôi muốn rưng nước mắt đây.Người má qua thơ anh giản dị quá, chung thủy quá, từ bi, từ lượng quá. Đâu cần phải trăm suối nghìn sông hay biển Thái Bình chảy thành ân lượng.Đâu cần phải bông hồng cài áo. Bởi những lá trầu xanh kia trải xanh thảm lòng người. Bởi mùi đất thở kia đã thở quyện vào tình người.Bởi từng chiếc nấm tràm từ quê nhà gởi sang là tình mẹ bất diệt để đứa con xa cố hương phải bồi hồi…” Thi phẩm Mẹ Thường Hằng cũng đã bật lên những tán thán vô lượng về hình ành thái sơn suối nguồn vô cùng vi diệu, trăm biển ngàn sông vẫn là sự so sánh hữu hình chật hẹp quanh tri thức con người. Nghiêu Minh phụng hiến từ thi tập thành 7 ca khúc nhạc Mẹ Thường Hằng: Mẹ Từ Bi-Mẹ Như Đóa Sen Nghèo-Mẹ Là Nguồn Ân Bao La-Mẹ Cội Nguồn-Mẹ Tôi Và Giàn Hoa Thiên Lý-Mẹ Về Chân Trời Thật Xa-Rồi Mẹ Như Cánh Hạc Bay. 7 ca khúc được kinh tụng qua tiếng hát các ca sĩ Hồng Ngọc, Nhất Sinh, Thùy Dương, Tam Ca Hải Âu, Khắc Dũng,Bích Phượng. Quỳnh Lan….Quả thật, Nghiêu Minh đi vào nghệ thuật bằng chất đạo, chất người… đầy vẻ tiêu dao phóng đạt của một sự trong xanh chân thiện mỹ. Cảm ngộ tâm thức chân như của nhà thơ, trước những giá trị bất biến uyên nguyên trời đất, người đọc có hạnh phúc mênh mang gì không khi chiêm ngưỡng hồn thơ ? :
Mùa xuân nào con sẽ về thăm má
(Như mỗi hoàng hôn chim về tổ xưa)
Mười tám năm tưởng đường dài hóa đá
Mừng má còn đây, con khóc như mưa!
Phút đầu tiên con đứng hoài trước cỗng
Để nôn nao nghe nhịp chổi bình minh
Sương còn lạnh, má gom từng lá mận
Quanh lửa hồng, má thanh thoát lung linh
Nầy sân cát, hàng cau chim ríu rít
Như thấy con, người bạn cũ năm nào
Con gọi má…rồi, lời không thành tiếng
Hai má con cùng giòng lệ tuôn trào!
***
Con đứng trước bàn thờ Ba khấn vái
Thương má gian nan may vá tảo tần
Ba mất, má chưa tròn ba mươi bảy
Giờ nhớ lại càng thương má vô ngần
Đường có dài, đại dương có rộng
Trong âm dương con thấy ba về
Hình ảnh má là chùm mây sống
Bay quanh con vẽ một trời quê
(Xuân Nào Con Sẽ Về Thăm Má/ Nghiêu Minh)
Nghiêu Minh bước đoạn đường dài phiêu lãng, nhưng gói hành trang nghệ thuật của anh bao giờ cũng đươm đầy nét chánh khí. Chính sự chân thật trong sáng tạo, nhiều khi tác phẩm có vẻ bình dị, đi xuôi vào lòng người đọc bằng những nét chấm phá cổ phong. Từ hai thi tập vương vải nhiều tình khúc như Trăng Mật (1992), Dấu Xưa (2002)…chuyện đời nhiều khi cũng là sự ráp nối từ nhiều đoạn đường, tăng trưởng theo thiện duyên hay ác nghiệp, mà đúc kết theo nghiệp quả. Nhà thơ nhạc sĩ Nghiêu Minh dàn trải tâm thiện trong tư tưởng, lối sống, và trên hành trình văn học…phải chăng là bước phiêu du sáng hóa tạo cho riêng cho mình một khuynh hướng ước lệ trong nghệ thuật. Tôi từng biết Nghiêu Minh có nhiều phen ngã bóng phiêu hốt trong những cơn khát vọng tìm tòi cái chân trong sáng tạo. Đuổi bóng khi bình minh, theo bóng giữa ngọ, và nhặt bóng khi hoàng hôn rụng xuống, Nghiêu Minh đóng vai hành giả cất bước dong ruỗi với kinh phúc âm trên vai, chợt ẩn chợt hiện tìm phục sinh trên đoạn đường núi Sọ… Quang quả hành trình bất chợt trong kiếp phù sinh, mọi ảnh tượng và lời rao giảng , cũng chỉ là đoạn đường ước lệ, sự tăng trưởng trong tình yêu hóa giải chưa hết tâm khúc vô thường. Chàng nghệ sĩ lại quầy quã đáo bỉ ngạn, áo vàng bình bát tìm bờ, sự vượt thoát qua cơn mê nghệ thuật bằng những cơn thiền ngộ trong bất kỳ cõi hiện thực nào vừa bước qua. Nghiêu Minh trong Thiền Minh Sát là một hình ảnh dễ thương, gần gũi, bình dân…dù anh chỉ Thiền ngộ riêng cho mình (nguyên thủy). Phải chăng phương cách mới cho thêm một quan niệm nghệ thuật, là cách khơi dựng thiện quả, thế tục bớt đi một nghiệp chướng..
Cuộc phiêu hốt tang bồng trong khung trời nghệ thuật, của một tài hoa lãng tử nầy vẫn còn phiêu bạt hành trình trong cuộc sáng hóa nghệ thuật vô lượng vậy.
Thơ Viết Giữa Trời Hạ Chí
Tặng Cơn Mơ Của Rừng
Từ tranh bay vút linh cầm
Mống đảo sắc giăng đồi thanh khí
Cháy ngút bình nguyên hạ chí
Lửa lập lòe khép kín mưa hoa
Quẻ kiền thắt nút thiên hà
Bụi tinh tú long lanh sấm sét
Lất phất hạt cường toan dội nát
Hóa thân chơi, ánh sáng nhòe bay
Ngựa hồng tụ tán hí đâu đây
Một gánh phong trần vứt đại
Hằng hà mưa trời sắc giới
Làm sao nhảy vọt pháp thân
Lăn lóc rừng mã não bập bùng
Ớ kìa, niềm hoan hỉ cháy
Trận gió Càn đong đưa ngọn cỏ quái
Ớ kìa, nặng phân tử nhà ai ?
Nẩy mầm a, thiên thu đáo tuế
Hài nhi về nhú trăng xanh
Ồ, hạt sữa trắng xóa thiên nhiên
Ăm ắp đầy hoa thạch nhũ
Chim kỷ hà liên hồi cánh vỗ
Ngàn xưa nhuộm đỏ bụi đường
Vun vút gió chở làn hương
Ðùn đẩy trồng quanh cổ mộ
Bằn bặt đàn tràng đảo vũ
Ớ kìa, lóng lánh rừng nguyên sơ
Phơn phớt sườn thảo nguyên khô
Thịt xương ai nằm vương bụi cỏ
Lác đác thái dương áo rách
Trời Phạm Thiên vén cánh hoàng hôn
Vút bay thoáng bóng linh cầm
Phong vũ bơi đầy đáy mắt
Ớ kìa, bầy linh cầm phương Ðông
Oằn mình tắm cầu vồng đảo sắc
Sừng sững gáy từng hồi trong vắt
Khạc đầy pho kinh điển san hô
Hằng hà thánh địa trong mơ
Cháy đỏ càn khôn khủng khiếp
Âm âm lăng mộ tháng tư chay
Mưa phủ núi bao giờ dứt hạt ?
Sơn Khê
Trắng mắt nhìn ra trời viễn xứ
Màn đêm lồng lộng kín chân mây
Ráng xa có cố mong manh thở
Cũng đỏ mơ hồ một khóm cây
Như bếp mùa đông nhen nhúm khói
Tro than tàn lụn thật vô tình
Nếu không đứng dưới trời giông bão
Đâu nghĩ ra mình ngọn cỏ hoang
Dửng dưng xuôi ngược đường nhân thế
Chiếc lá nào bay quá ngẩn ngơ
Mấy đợt sơn ca rung rúc gáy
Gọi người nghiêng ngửa kiếp xơ rơ
Ai muốn im lìm trong định số
Mặc tình con nước đuổi xô về
Cầm bằng một cánh phù dung nở
Hốc đá hoang tàn không khách qua
Mấy phen cố dựng trên sơn đỉnh
Thạch bản lung linh dưới nắng chiều
Soi mỗi đời người một bản vỗ
Bản nào phong thổ giống ta đâu?
Bởi suốt tháng năm đầy tiếng trống
Giục vào tiềm thức chút hưkhông
Đáy lòng nhè nhẹ xoay con trốt
Bay thẳng ra ngoài giấc mộng trung
Thế giới trong ta không cửa đóng
Khói mây mù mịt góc vườn xưa
Những đêm thức giấc như trong mộng
Thản thốt canh tàn rụng gió mưa
Tai vẫn lắng nghe từng điệu nhạc
Mơ hồ ngọn cỏ lớn theo trăng
Lần theo gậy trúc lùa sương gió
Sương gió lùa ta không nói năng
Thản nhiên rũ áo giang hồ bạc
Cát bụi ra hoa lạnh bốn bề
Ai sống âm thầm trong xó tối
Mà không heo hút bóng sơn khê?
Ngơ ngác bước trên bờ núi nhỏ
Nhìn quanh rờn rợn nét phong ba
Ai xô ta xuống giòng sông lạnh
Lãnh khí soi vào giữa giấc mơ
Hôm nay sóng nước về tăm tắp
Cổ thụ nằm ven con bến trưa
Lặng đứng chờ qua năm bảy kiếp
Vẫn chưa thấy được bóng chim xưa
Ngàn sau sử chép rằng cô khách
Đập nát cây đàn dưới miễu hoang
Ôm đá lạnh lùng lên chót núi
Hú dài theo tiếng đá lăn nhanh.
Trăng Soi Hoa Nở
* Tặng Nguyễn Tôn Nhan
Trí tuệ nẩy mầm thiên tuế
Khoảnh khắc dừng gót phiêu bồng
Triệu quang niên quay tít quanh hồn
Ngoại thiên chất chồng từng dãy
Ðáy mắt chứa hằng hà quẻ quái
Ðộng rèm thiêng cỏ dậy mơ hồ
Gió lung lay vi khuẩn hoang sơ
Chớp nhoáng soi bờ thu thảo
Sấm động phạm thiên vỗ áo
Hoàng hoa thiên cổ xuống nghe trăng
Từng hạt Kinh quẫy lá chiều sang
Cát bụi hồ bay lãng đãng.
Trước mặt đầm đìa sương tả ngạn
(Trùng trùng sương trắng xóa nhân gian)
Dấu chân trâu Lão tử ngược dòng
Hóa ra, phong trần trên nếp áo
Rượu càn khôn rải theo dấu máu
Chuyển pháp luân dưới ngón tay gầy
Hiểu rằng, mát ngọn gió may.
Sáng nay hoa tường vi nở rộ
Quả khí cầu lăn quanh mộ cổ
Ngỡ ngàng mấy giọt lân tinh
Cháy lân la trời đất vô tình
Rúng động mười phương bằn bặt
Giày cỏ, tiếng côn trùng lảnh lót
Nạ dòng ngạ quỷ căm căm
Vạch cổ thi soi đậm bóng trăng
Ôm hàn khí sếu hồng bay mất
Ðất bừng nở cát vàng bồ tát
Từng bước đi ngọc vỡ long lanh
Rồng bay theo bước Kinh hành
Pháp hoa rải sáng trời tân ước.
Giở nón chào đuôi trâu biến mất
Lạ lùng thiên địa mảy lông
Cởi áo người, cởi áo trời rồng
Phong thổ thấm nhuần hơi thở
Ngồi, ổn định đầu mây cuối gió
Vùn vụt trời xanh thoát qua thân
Trải hồn như chiếc kén ngàn năm
Giây phút định thần hóa bướm
Áo rách máng tàn cây xóm vắng
Chờ nhân gian hoa nở trăng soi.
Tân Khách
Tinh sương thoang thoảng tiếng khèn đồng
Vàng vọt đèn soi màu xe ngựa
Ta đứng bên cầu không chỗ dựa
Lùa đời theo nước chảy mây trôi
Như lùa bò mộng bước qua đồi
Trăm ngõ gập ghềnh đầy gai sắc
Ba mươi năm chờ vầng trăng mọc
Thiên nhiên rên rỉ tiếng côn trùng
Bên án thưbày giữa thư phòng
Thư khách ngủ vùi trên thế sự
Khói mỏng chập chờn quanh điếm lữ
Mộng hề. Mộng hề. Trời không hay
Tiếng độc huyền lòn lõi đâu đây
Bầu đã cạn từ trăm năm trước
Ta cũng vô tình vơi một bước
Mà nghe khí hậu khác trăm bề
Từđâu ngọn gió thổi vọng về
Đưa biển lớn tràn vào lá phổi
Sương muối rớt dọc rào cây cối
Điểm trắng bờ kinh xáng tháng ba
Vàng bay, vàng bay trên tỳ bà
Lững thững bước âm thanh cẩm thạch
Người du sĩ gậy cong áo rách
Ngẩn ngơ nhìn trời rộng theo mây
Trong hè phố hàng trẻ vỗ tay
Hát từng khúc đồng dao hiu hắt
Ta giật mình về nhanh như cắt
Thấy hàng cau trổ nặng sau hè
Lòng bỗng chùn như bóng con đê
Năm tháng đứng soi mình lặng lẽ
Sao xuống thế bên kia đê nhỏ
Ta âm thầm theo dõi ngày xưa
Tiếng sáo diều reo giữa ban trưa
Làm rung động gương đời cổ kính
Trống giục giã trên đầu bảy đỉnh
Lồng lộng bay xuống tận bình nguyên
Tiềm thức vừa đánh vỡ trong đêm
Rơi lấp lánh như rừng tinh tú
Bức màn cũ vô tình hé mở
Mời người quen ghé bước vào tranh
Thuyền trăm năm quày quả ra dòng
Hình tượng phai nhòa luôn ký ức
Ngựa xe đỗ bên rào dâm bụt
Nằm lao xao dưới bóng hoàng hôn
Lữ khách đi có vạc kêu sương
Không hẹn lấy một ngày trở bước
Nước sông Hậu mà như sông Dịch
Thầm lặng trôi dưới mọi tình cờ
Mộng hề. Mộng hề. Đến bao giờ
Con bướm từ lòng tranh trở lại
Vỗ đàn, ca. Lời vang vách núi
Bốn phương lồng lộng tiếng thiên thu
Gió núi từ đâu reo. Ú ù
Đàn trâu cổ nghểnh đầu nhai cỏ
Sau hàng tre là làng khói nhỏ
Có ta nằm vò võ trong ta
Tiếng võng đưa kẽo kẹt bên nhà
Trưa nay mảnh gương đời vỡ nát
Tiếng khèn ốc âm u trôi dạt
Xoáy cuồng điên ở nẻo hoang vu
Ta đứng lên khêu ngọn đèn lu
Mờ tỏ bóng chanh vàng trước ngõ
Chợt thấy vành khuyên vừa hót rộ
Tân khách về bên ngọn cỏ may.
Son Sắt Phương Đông
Gói trọn hoàng hôn chấp chới bay
Phải không ngày ngắn để đêm dài
Nghe trong điệu cỏ lời sương dậy
Mang chút ân tình vướng vất trôi
Tinh huyết ngàn năm thoáng hiện về
A! ha! Lăng miếu đổ tư bề
Hay chưa bia đá nằm lau lách
Từng giọt hồn hoang thắm đất quê
Xao xác hàng cau gọi mái tranh
Bên nhau mà đứng lạnh âm thầm
Lỡ trong buốt giá không còn gió
Xương thịt người xưa ai viếng thăm?
Cứ thổi rạ lên mộ chí đời
Vàng chiều vàng lẫn lộn mây trời
Bốn phương ngơ ngác trầm hương đọng
Tích cổ còn ghi phiến đá chơi!
Nét thảo Nôm buồn ngủ trước lăng
Lao xao thập kỷ đứng điêu tàn
Cổ nhân có gởi lòng theo gió
Gió cũng thổi về soi dưới trăng
Soi dài sơn thủy mấy ngàn năm
Máu đỏ hồn xanh dạo nguyệt cầm
Khí phách đâu đây về đọng lại
Ơ hờ lưới nhện đứng chiêu anh
Lếch thếch quay về hướng tổ rơm
Đèn chao vách lộng gió nam non
Đá lăn trong quãng đời du mục
Bỗng chốc âm về tiếng sắt son
Con chim son sắt hiếm hoi về
Đứng bên mộ cổ hót trăm bề
Hót theo sợi khói chiều vương vấn
Vàng trời ráng cháy lạnh hồn quê!
A há! Thì ra đá động lòng
Núi mờ sương vắt dạ Phương Đông
Khói hương đâu đủ tràn tâm huyết
Thương tóc già nua rụng trước sân!
Hạt bụi giang hồ giũ gót chân
Cũng như thương khách phải phong trần
Trơ vơ bên đỉnh tinh cầu lạc
Ngoái vọng đời trăm cuộc hóa thân
Thật giả mơ hồ sợi khói bay
Lao xao cảnh trí nơi nào đây
Ai đem nhựa đắp đường điêu khắc
Thạch bản mơ hồ khóc cỏ cây
Đã thế con tim vẫn giữa lòng
Giữa trời giữa đất giữa vô cùng
Giữa bao sương muối thăng trầm sống
Sao vẫn mơ hồ chuyện cố hương?
Thương hồ muốn gói lại bên vai
Phong ấn tràng giang với nụ đời
Cổ miếu mấy phen thầm lặng đứng
Đèn nhang xô lệch với trần ai!
Run rẩy bên bầy đá động lòng
Núi mờ sương vắt dạ Phương Đông
Con chim son sắt về bên gối
Tha mộng quê người xao xuyến không?
Ngô Nguyên Nghiễm