Khuất Đẩu

Khuat Dau

Áo Trắng

* Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong.
Huy Cận

Chiếc áo tôi muốn nói, nhìn xa tưởng đâu em gói mây trong áo, tới gần mới biết là hai phần gió thổi một phần mây.
Một phần mây thôi, nhưng cũng đủ làm choáng váng vì áo em trắng quá nhìn không ra.
Đó là chiếc áo đồng phục của nữ sinh. Người ký cái lệnh xinh tươi đó, trước khi là nhà mô phạm cũng đã là một nhà thơ. Không chừng còn là một họa sĩ nữa. Nhờ vậy, từ những ruộng đồng xa xôi đến những phố phường rộn rã, ngập tràn những làn mây trắng đẹp.

Nhà thơ Hoàng Trúc Ly một lần nằm mộng thấy nữ sinh đã phải buột miệng:
Ô hay con gái bay nhiều quá
Những cánh tay mềm như cánh chim!
Tưởng không còn hình ảnh nào bay bổng đẹp hơn được nữa.
Không chừng những khách du lịch, cả những chính khách ưa cái đẹp (và gái đẹp) như Clinton cũng nằm mộng như thế giữa ban ngày, khi thấy các em tan trường về.

Một chiếc áo đơn sơ, không cứ gì phải lụa Hà Đông để nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, cũng không lòe loẹt kiểu cọ, chỉ thuần một màu trắng tinh khôi, cùng với quần trắng, nón trắng. Nó bay bổng lên được, đương nhiên nhờ hai phần gió thổi, nhưng nhẹ đến thế, mềm đến thế vì nó được mặc bởi những nàng con gái.
Tôi không chối cãi rằng, có một thời ngồi ở bến Thừa Phủ chỉ để nhìn những nữ sinh trong thành nội, đúng là mềm như cánh chim, ríu rít như chim, rủ nhau xuống đò cho kịp giờ vào lớp ở trường Đồng Khánh.
Thuở nọ, tôi là một anh học trò cả ngố chín năm kháng chiến ở đất Bình Định, được nhắc nhở rằng màu trắng là màu có lý lịch xấu. Địch đã từng dùng những mảnh gương soi ra hiệu cho máy bay bắn phá kho thóc, trường học. Các cô gái chỉ có một cái kẹp tóc thôi để làm dáng, cũng phải che cái lấp lánh đi, nếu không muốn bị kết tội là Việt gian! Còn nón trắng thì quét lọ nghẹ hay bùn! Nên chi tôi cứ đứng ngẩn ngơ suốt cả buổi mà trông vời, tuy rằng ở thành nội, đâu phải ai cũng là tiểu thư.
Với một làn áo trắng như mây đó, trông ai cũng đẹp, cũng thơm tho tinh khiết, là nét xinh rất chung của tuổi em tuy mới mười lăm mà đã lắm người thăm.
Thăm thì mặc họ, em vẫn cứ mộng bình thường. Em chưa mộng nhà lầu xe hơi, chưa mộng lấy chồng bác sĩ kỹ sư hay làm người yêu của sĩ quan trẻ tuổi đẹp giai.
Em chỉ mộng, mà mộng gì em cũng không biết nữa, có thể là bay lên như chim, có thể là lạc vào một hoang đảo, hay mộng thấy mình bất ngờ thành con giai để xem bọn họ nghĩ gì về con gái. Nói chung là mộng trắng trong như nhà thơ Huy Cận đã nói quá hay và quá đủ.
Chính vì mộng trắng trong nên em nào cũng hồn nhiên trong sáng. Hồn em như tủ mới, các ngăn đều trống thênh thang, chưa phải xếp đầy những lo toan chất chồng khi phải nghiêng vai gánh nặng tuổi đời. Các em bay lên là phải.

Nói về cái bay bổng, cái thướt tha, cái tinh khôi của chiếc áo nữ sinh, có lẽ một ngàn năm sau cũng vẫn có người còn nói. Tôi có nói thêm nữa cũng bằng thừa. Tôi muốn dành những dòng này để nói về một thoáng buồn.
Một thoáng là so với một ngàn năm sau, chứ với những ngày sau tháng tư đáng nguyền rủa, cũng khá là dài, nhất là với các cô bé mười lăm hay mười bảy.
Các cô được “rải phóng”, không còn phải mặc áo dài. Kẻ thắng cuộc “ní nuận” rằng, đi học chứ đâu phải đi ở tù mà phải mặc đồng phục!
“Thế thì cho chúng em xin mặc một ngày thứ hai thôi!”
“Đó là pháp lệnh! Mặc là để học và lao động chứ không phải để làm đẹp”
Không phải chỉ một vài em nài nỉ xin với thầy cô như thế, mà ít ra cũng đến cả triệu nữ sinh của bên thua cuộc, nếu cho các em khóc xả láng chắc cũng đủ nước để làm thủy điện!
Chưa bao giờ các em buồn như hôm chiếc áo trắng bị tuyên án tử. Nhiều em bỏ học nằm miết trên giường. Buổi sáng đầu tiên không đồng phục, các em thấy ngỡ ngàng xấu hổ, như thể vừa bị lột mất áo.
Cái lệnh đó cũng giống như vua Minh Mạng cấm quần không đáy!
Sau này, các em mới hiểu ra, chỉ có bốn tấc vải một năm, vừa đủ che những chỗ cần che, cấm là phải. Lúc đầu cất kỹ, lâu lâu lại đem ra ướm thử cho đỡ nhớ. Nhưng bao nhiêu áo mặc thường ngày, cứ mòn dần rồi rách te tua. Thì đành mua thuốc nhuộm, cắt hai tà may thêm được một chiếc. Rồi cũng thành giẻ rách!
Từ đó, các em không còn mộng trắng trong, mà đục ngầu vì bị đẩy lên kinh tế mới hay lênh đênh giữa trùng khơi vô định.
Đến nay, các nữ sinh ấy nếu không vùi thây trong rừng sâu hay nằm trong bụng cá, cũng đều ngấp nghé ở tuổi sáu mươi. Cũng đã là bà nội bà ngoại, nhưng kỷ niệm một thời áo trắng vừa đẹp vừa buồn ấy, không một ai quên được.

Giờ, dẫu sao cũng có cái ăn cái mặc, người ta lại ra pháp lệnh mới, đồng phục nữ sinh. Thế là chiếc áo trắng tưởng bị chôn vùi cùng chế độ cũ nay đội mồ sống dậy.
Nhưng nó không còn là mây dù màu cũng trắng. Nó chỉ có xác chứ không hồn, khi người mặc nó dù trời nóng hay lạnh cũng đều khoác thêm một chiếc áo lụng thụng có mũ trùm đầu, chân mang giày và mặt thì che khẩu trang kín mít. Ăn mặc như thế, còn tệ hơn là chim cánh cụt.
Đâu còn cảnh tung tăng, nói cười nhí nhảnh. Đâu còn tiếng guốc khua trên hè phố nghe động tận tim ai. Và đâu còn cảnh nữ sinh bay nhiều quá/ những cánh tay mềm như cánh chim.

Áo đã như thế nên mộng cũng không còn trắng trong. Chiếc tủ hồn em chật ních những ước mơ làm người mẫu chân dài, làm ca sĩ, lấy chồng đại gia, có tệ lắm cũng phải là một anh Đại Hàn nhà quê.
Thế thì áo trắng ơi, sống lại mà làm gì. Đã là mây thì xin mây cứ bay đi. Bạch vân thiên tải không du du!*

Lữ Quỳnh,
Buồn Như Ly Rượu Cạn

Tôi gặp anh lần đầu ở tuổi ngoài bảy mươi. Anh từ Sài Gòn ra, tôi từ Ninh Hòa tới, trong căn nhà lộng gió của Nguyễn Lệ Uyên, ở Tuy Hòa.

Gặp nhau lần đầu nhưng không bỡ ngỡ. Vì trước đó, chúng tôi đã từng biết nhau qua những trang viết. Mà những trang viết của mỗi người, tuy không nói về mình, nhưng cái “hồn” của người viết vẫn cứ hiện ra: tôi, dữ dội, cay chua, anh thâm trầm, nhân ái.

Trong buổi gặp đó, tuy không uống rượu (vì bệnh), nhưng anh vẫn lấy từ trong túi xắc ra một chai whisky, có lẽ mang từ Mỹ về để mừng cho buổi gặp mặt.

Chúng tôi, uống ít thôi, nhưng nói khá nhiều. Nói đủ thứ chuyện, không đâu vào đâu.

Khoảng 2 giờ tôi xin xuống ga, về Ninh Hòa (vì đã lấy vé khứ hồi). Nhưng các anh bảo về chi vội, để tối cùng đi với Quỳnh và Minh, tôi thấy cũng được, nên ở lại.

Chiều, Nguyên Minh đi thăm sui gia, rồi chúng tôi cùng đến nhà Trần Huiền Ân, ăn Tết muộn.

Ga ngày Tết đông cứng người, tôi định nếu không mua được vé, thì cứ leo đại lên tàu, chịu phạt vậy. Nhưng không ngờ, anh lại lấy được vé cho tôi, mà là ghế ngồi có số đàng hoàng chứ không phải ghế “súp” như của anh và Nguyên Minh .

Lên tàu, rất may có các cô gái nhường chỗ. Tôi và Minh nói chuyện cùng với tiếng tàu chạy rì rầm. Anh chỉ yên lặng.

Xuống Nha Trang, anh rủ tôi và Minh lên ngồi uống nước trên Book-coffee ở gần ga, đợi tiễn tôi về lại Ninh Hòa.

Có thể nói, suốt một ngày dài, anh nói rất ít. Mà lại nói rất nhỏ nhẹ. Nhẹ đến nỗi có lúc tôi giật mình, tưởng cái bóng của anh nói chứ không phải anh.

Đêm đó tôi tưởng các anh ngủ ở một khách sạn ven biển, rồi sáng dậy sớm ra bãi ngắm mặt trời mọc. Ai ngờ, đi mỏi cẳng chẳng tìm ra khách sạn nào còn phòng. Đành lên ga, quay về Sài Gòn. Mà nghe đâu chỉ đứng chứ không có chỗ ngồi. Mấy ngày sau, lại nghe anh vào viện để giải phẫu gì đó.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến các cụ ngày xưa, chống gậy đi tìm nhau chỉ để uống một chén rượu mùa thu. Anh từ Mỹ, ngồi trên máy bay hơn 20 giờ, rồi lại ngồi xe lửa ngày Tết chật cứng người, đến những mười mấy tiếng nữa, mang theo chai rượu chỉ để nhìn bạn uống. Cái tình của anh còn dài rộng hơn các cụ ngày xưa rất nhiều.

Không phải vì một cái vé tàu Tuy Hòa-Ninh Hòa, mà tôi quý anh. Mà vì cái lo kín đáo của anh, lo vì ở lại với anh, nên tôi có thể không lên được tàu. Một điều nữa, giá như xuống ga Nha Trang, anh và Nguyên Minh kêu taxi đi tìm khách sạn, thì thế nào cũng kiếm được một chỗ qua đêm. Đàng này, anh không nỡ bỏ tôi ở lại ga một mình để chờ chuyến tàu khuya. Cơ sự như thế nên mới ra cái nông nỗi, hai ông bạn già lang thang trong thành phố biển đã bắt đầu say ngủ!

Cái “buổi ban đầu ấy” đọng lại trong tôi rất nhiều. Đương nhiên, anh cao lớn hơn Minh, nhưng trông anh, tôi thấy sao giống Thạch Lam quá. Giống ở đôi mắt to, sâu và buồn. Và nhất là giống những trang viết. Giản dị, nhẹ nhàng nhưng buồn kín đáo.

Ở Thạch Lam, là nỗi buồn ga nhỏ, buồn của nhà mẹ Lê. Ở anh là buồn với “Những cơn mưa mùa đông” xứ Huế, buồn vì mất bạn cũng mồ côi*, vì quán hoa giấy chiều nay lãng đãng/uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không.

Dường như có rất nhiều người đến tưới rượu lên mộ Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ là để nhớ một bạn nhậu chứ không phải nhớ tiếng đàn, tiếng hát của Trịnh.

Anh, nhớ bạn, vào quán một mình, kêu một ly rượu đầy và một chiếc ly không. Lặng lẽ ngồi, lặng lẽ uống. Hết ly mình, đến ly bạn. Mà ly bạn chỉ có ngụm nắng tàn.

Cái cảnh một ly mình và một ly không, tôi cho là buồn và thật đẹp. Đẹp vì cái tình bạn sóng sánh trong ly rượu. Đẹp vì chiếc ly không đựng chút nắng tàn.

Nhưng anh không phải là con người của trầm tư, hay làm ra vẻ trầm tư. Anh là con người của công việc, của gia đinh vợ con. Không ai dám phê phán anh điều gì.

Nhưng sao anh cứ buồn, không phải cái buồn vạn cổ, cũng không phải cái buồn thời đại, một cõi buồn riêng có vẻ bơ thờ lạc lõng, buồn của một điếu thuốc lá ngậm hoài thấy nhạt.

Giờ đây đã đến lúc chống gậy đi tới nơi phải tới, biết đâu, tôi hay anh, sẽ là người đựng chút nắng tàn trong chiếc ly không.
Dù, chỉ có vậy, cũng xin uống cạn.

*thơ Đinh Cường
In nghiêng: thơ Lữ Quỳnh

Những Đứa Trẻ Tháng Tư

Thủa ấy, thế hệ chúng tôi thường ca cẩm đầu thai nhầm thế kỷ!. Cái thế kỷ mà chúng tôi ngán ngẩm là thế kỷ hai mươi, với thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, rồi chiến tranh lạnh, chiến tranh qui ước và cuộc nội chiến lê thê suốt hai mươi năm dài.

Kêu trong chán nản, trong hờn dỗi nhưng không tuyệt vọng. Vì còn kêu được kia mà. Chỉ có một chút tấm tức, sao không được sinh ra trong những thế kỷ yên bình. Có nghĩa rằng, dù thế nào chăng nữa, thì được sinh ra làm người vẫn hơn là không được sinh ra.

Khác hẳn với những đứa trẻ sinh ra trong tháng tư, bảy lăm, sau chúng tôi một thế hệ. Chúng không kêu mà hỏi: sinh chúng tôi ra làm gì?

Đó là những đứa trẻ mẹ mang đầy bụng, mẹ không thở ra hơi mà vẫn phải bết bát chạy.

Chạy từ cầu Ái Tử qua cầu Tràng Tiền. Rồi từ cầu Tràng Tiền lê lết trèo qua đèo Hải Vân. Rồi từ đèo Hải Vân qua đèo Mẹ Bồng Con. Sau cùng đến giữa trái tim thủ đô Sài Gòn, vẫn phải giẫm đạp lên nhau để xuống bến Bạch Đằng, hay chen lấn nhau đến nghẹt thở để chui vào phi cảng Tân Sơn Nhất. Một cuộc chạy Marathon dài nhất trong lịch sử.

Và rồi mẹ sinh. Không phải trong nhà thương Từ Dũ với sự giúp sức của các bác sĩ và cô đỡ mát tay để mẹ tròn con vuông.

Mà sinh, có thể là lúc đang chạy trối chết, con rớt trong quần mà mẹ không hay.

Cũng có thể là lúc mẹ mệt quá cái đôi chân này đang ngồi tựa lưng vào một bức tường lỗ chỗ dấu đạn. Rồi con lặng lẽ chui ra mà mẹ không cần phải rặn, đúng hơn là không còn hơi sức đâu mà rặn.

Có thể trong thùng xe chất cứng người, suýt nữa con bị người ta đạp cho nát bét.

Có thể trên con tàu mấp mé sắp chìm, người ta đang ném những xác chết và những người sắp chết xuống biển cho nhẹ bớt. (Cũng may họ không ném những người đàn bà chửa)

Có thể trong khoang trực thăng mà viên phi công bị đạn dưới đất bắn lên, xuyên qua ghế ngồi khiến anh ta đầm đìa máu, vẫn cố sức giữ cho máy bay khỏi rơi.

Có thể mọi lúc, mọi nơi, mọi giờ, mọi phút.
Ngay cả phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, khi tông tông Dương Văn Minh vừa nói xong mấy tiếng “đầu hàng không điều kiện”.

Mẹ sinh, không có cha bên cạnh.
Có thể cha đã chết trong chiến hào, có thể đang chiến đấu mà súng bị gãy, có thể bị thương, bị bắt, cũng có thể cởi bỏ quân phục lẫn lộn giữa đám thường dân đói khát trên quốc lộ số 1

Người ta đi biển có đôi
Còn tôi đi biển mồ côi một mình.

Mẹ sinh con ra chỉ mình ên, quạnh hiu lắm con ơi!
Mẹ sinh con ra, chính mẹ, cũng không biết để làm gì!
Không biết để làm gì nhưng vẫn muốn con được sống.
Giữa chốn đông người, mẹ vẫn cứ vạch áo ra cho con bú. Tuy chỉ uống nước lã cầm hơi, mẹ cũng hãy còn một ít máu. Những giọt máu hiếm hoi màu đỏ khi chảy qua miệng con vẫn thành màu trắng thơm tho.

Và kỳ diệu làm sao, con vẫn sống được.
Nghĩa là con vẫn thở trong khi khắp nơi đậm đặc mùi xác chết thối rữa, mùi khói, mùi xăng, mùi nhà cháy. Và con vẫn khóc được trong tiếng đại bác ì ầm, tiếng A.K cọc cọc, tiếng xe tăng rít trên mặt đường.

Con sống, nhưng sau cái phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, mẹ ngơ ngác không biết đang ở đâu, rồi sẽ đi về đâu giữa rừng cờ nửa xanh nửa đỏ.

Sau cùng, mẹ cũng hiểu ra rằng lịch sử đã sang trang. Không chỉ riêng mình mẹ mà nửa nước đều thấy xa lạ với chính thành phố, xóm làng của mình. Ngay cả con phố, căn nhà, mảnh vườn cũng không còn là của mình nữa.

Mẹ bị đuổi về quê làm xã viên hợp tác xã. Mẹ lội xuống ruộng, mặc dù rất sợ đỉa, để cấy, gặt. Đôi lúc mẹ trần vai để kéo cày thay trâu. Mẹ làm ra lúa ra khoai đầy kho đụn, nhưng mẹ và những người đội nón lá chỉ làm cho nón cối hưởng, nên con vẫn đói khát, bủng beo.

Mẹ bị hốt trong đêm quẳng lên rừng thiêng nước độc, gọi là kinh tế mới. Mẹ phải sống chung với rắn rít và cả cọp beo, khi ấy hãy còn nhiều lắm. Mẹ bẻ măng rừng, hái nấm ăn cho đỡ đói. Nhiều lần ăn phải nấm độc suýt chết. Cả con và mẹ đều bị sốt rét rừng, bụng ỏng da vàng khè.

Chịu hết xiết, mẹ cõng con trốn về thành phố. Mẹ vay mượn chút ít chạy chợ trên, lộn chợ dưới. Bị mắng là con buôn, bị quản lý thị trường rượt đuổi còn hơn mã tà. Một đôi lần bị cướp sạch cả vốn. Đến nổi, nói ra thật xấu hổ, chỉ còn cái vốn trời cho. Để làm lại cuộc đời mẹ đã thử theo bè bạn đi đứng đường. Nhưng mẹ gầy yếu teo tốp quá, chẳng ai thèm rớ tới.

Cũng may, lúc ấy cha con chẳng phải chết, chỉ bị bắt đi cải tạo, vừa được thả ra. Cha con còn thảm não hơn cả mẹ. Nhưng nhờ cái gọi là tình chồng nghĩa vợ, mẹ cha cũng gắng gượng mà sống để nuôi con. Cha đạp xe thồ, bán cà rem, mẹ lượm lon nhặt giấy vụn trong bãi rác.

Rồi con cũng học đến lớp 12.
Nhưng tới đó thì thôi, cánh cửa đại học đã đóng sầm trước mặt con.

Con bị ném vào đời không nghề nghiệp, không vốn liếng.
Con sống lây lất cho đến hôm nay.

Hôm nay, những đứa trẻ tháng tư năm ấy đã bốn mươi tuổi, cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc. Còn bi đát tội nghiệp hơn cả cha mẹ, chúng không có quá khứ để tiếc thương, không có tương lai để hướng tới, chỉ có cái hiện tại không sắc màu, không mùi vị, như một con số không chẳng biết để làm gì.

Trong gia đình, nhìn thấy mẹ cha co rúm, mòn cùn, tuy không nói ra, nhưng chúng thừa biết họ là những kẻ hèn. Ngoài xã hội, chúng chỉ đứng bên lề, nếu không muốn nói là đứng dưới đáy. Trong khi những đứa cùng năm sinh, tháng sinh nhưng ở nửa nước bên kia hay dưới cái dù lý lịch màu đỏ phía bên này đang được cơ cấu vào những chức vụ ngon ăn, sắp sửa đi làm đầy tớ cho những ông chủ kém may mắn nói trên.

Thế nên, đến chết vẫn còn nguyên câu hỏi: Sinh ra trong chết chóc, lớn lên trong đói khổ và suốt đời sống trong ô nhục, vậy sinh chúng tôi ra làm gì?!

17.4.2015

Tiếng Sáo Người Em Út
Của Dương Nghiễm Mậu

Dù là một nhà văn được nhóm Sáng Tạo phát hiện, nhưng Dương Nghiễm Mậu không viết như Mai Thảo, nghĩa là không cách tân lối viết, không quá chú trọng làm sao cho mỗi chữ gõ lên nghe leng keng.

Ông có vẻ như một “phu chữ” kiên nhẫn “gánh” những con chữ như cách Hữu Loan gánh từng tảng đá, để dựng nên ngôi nhà chữ nghĩa của mình. Ngôi nhà ấy, mới trông rất bình thường nếu không muốn nói là tầm thường.

Nhưng bước vào trong, cái vừa hấp dẫn vừa làm ta ngài ngại, chính là không khí trong mỗi truyện, một không khí hơi lành lạnh, hơi u uất, hơi dằng xé. Truyện nào cũng đau đau, buồn buồn, để lại hay làm bật lên trong lòng người đọc những suy nghĩ, những băn khoăn thực khó gọi tên, nhưng rất gần và rất thực.

Như truyện có thể gọi là rất mỏng và rất nhẹ của ông mà tôi sắp nói tới đây: truyện Tiếng sáo người em út.

Truyện không hơn 10 trang in, chỉ có 3 nhân vật. Người anh cả, người em út và người cha vừa mới chết.

Người anh cả về thăm nhà không báo trước, nghe tiếng sáo của người em út không còn thô mộc mà nay đã chín, cảm thấy rất vui. Người anh vào nhà, thấy cha đang nằm, để yên cho cha ngủ. Nói chuyện với người em đang xúc lúa từ cỗ áo quan, mới biết người em gái kề đã chết. Nói về ông nội, về mẹ. Sau cùng người em út nhờ người anh cả giúp mình khiêng cỗ áo quan lên nhà trên. Người anh nhíu mày: “Mang lên làm gì?”. “Cho cha nằm”, người em nói. Người anh lặng đi đôi mắt mở lớn nhìn người em không chớp: “cha chết rồi sao?”. “Cha đi tối hôm qua”. Người anh vụt bỏ chạy lên nhà trên, tiếng bước chân, tiếng cửa va đập rồi tiếng khóc oằn lên…

Những sự việc nêu trên tưởng là rất bình thường hóa ra rất kịch tính. Từng lớp, từng lớp như những cánh cửa gỗ trong một ngôi nhà cổ mở dần ra, để sau cùng dẫn người đọc tới cái nỗi đau òa vỡ của người anh cả: sau bao nhiêu năm mới về thăm nhà thì cha đã chết! Chỉ ba chữ khóc oằn lên đã cho ta thấy được cái bất hạnh nghẹn ngào của đứa con tự kết tội mình.

Nhưng nếu chỉ để kể lại một câu chuyện buồn như thế thì chắc tác giả cũng không muốn kể làm gì. Tác giả còn muốn hơn thế nữa. Muốn qua người em út nói đến cách sống và cách nhìn đời của người cha. Một người, cả đời không làm gì quấy, không có gì phải hối hận…cha nhẹ lòng khi nhắm mắt có con ở bên. Con hãy thổi sáo cho cha nghe. Và em đã thổi sáo từ đêm qua đến giờ…

Người em út , mới đọc lướt qua, tưởng đó là một người vô tâm nếu không muốn nói là không giữ tròn chữ hiếu. Cha chết mà lại đi thổi sáo! Chẳng tẩm liệm, chẵng để cha mang theo một thứ gì ngoài những hạt thóc đựng trong ruột tượng của mẹ. Tự mình bồng cha lên đặt vào cổ áo quan, để cha gối đầu lên đó. Cũng không ma chay, chỉ có bát cơm trắng mời cha cùng ăn với hai anh em. Cũng không trống kèn ỉ eo, chỉ có mỗi tiếng sáo đơn độc của mình!

Nhưng đó là một người con trai út rất hiểu cha, yêu cha và biết nối chí cha, dù giặc giã, dù trâu không còn một con cũng cố bám lấy đất vì đất vẫn chung tình cho họ từng hạt lúa. Khi người em thổi cơm, từng hạt gạo rơi xuống gặp phải lửa thành bỏng gạo, người em nhặt lên bỏ vào miệng chứ không để cháy thành than. Và tuy người em út bảo anh về thì em sẽ đi, nhưng cuối cùng: anh nghĩ em bỏ nơi này mà đi được sao? Ai cũng bỏ đi cả thì nơi này ai coi, ruộng ai cày và những người như anh lấy đâu nơi để trở về?

Người em út qua những cử chỉ, lời nói có vẻ không còn là một người em nhỏ bé nữa. Anh ta sống bên cạnh cha từ nhỏ, chứng kiến bao nhiêu cái chết, bao nhiêu đổi thay chẳng những đã trưởng thành mà còn trở nên già dặn, sâu sắc. Ta có cảm tưởng người anh cả đang nói chuyện với cha mình chứ không phải với người em út. Hay nói cách khác, chính người em út là hình bóng còn đọng lại của người cha.

Người anh cả, thời gian và đường xa đã dạy cho anh những gì? Chị bé đã chết, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu đổi thay, anh đâu có sống với những điều đó? người mà mỗi lần nhắc tới anh, cha tép miệng rồi mỉm cười: nó có còn sống thì cũng như đã chết.
Người anh trở về ít nhiều mang mặc cảm tội lỗi với gia đình. Nhưng đó không phải là một người phá gia chi tử, không đàng đúm ngược xuôi mà bỏ nhà đi vì một mộng tưởng nào đó, cho dù là lạc đường dại dột. Người cha với lòng thương con, đã bênh vực người anh cả khi nói, anh đã sống thay cho cha.

Trong truyện Gia tài của mẹ, người mẹ chính là hình ảnh tượng trưng của một nước Việt Nam nội chiến từng ngày. Thì ở truyện này, tôi cũng thấy một nước Việt Nam qua hình ảnh của người cha nghèo dù trải qua bao đời vẫn bám giữ lấy đất và truyền lại ý nguyện đó cho thế hệ mai sau.
Truyện được viết tại Sài Gòn, 1974. Gần 40 năm sau, đọc lại mà giật mình. Những ruộng đồng Việt Nam, giờ rất thiếu đàn ông, chỉ có đàn bà và các người già là còn cố bám lấy đất.

Người anh cả ấy, giả dụ như ra đi từ sau 75 liệu lúc này trở về có còn được nghe tiếng sáo của người em út? Một tiếng sáo rất nhẹ nhàng nhưng là tiếng sáo nhẫn nhục của người ở lại. Tiếng sáo không than van, không óan trách, nhưng sao nghe rất bùi ngùi.

Vì bỏ nơi này mà đi được sao, nên tác giả sau 75 không ngờ lại là “người em út”, người sống với bao nhiêu đổi thay, bao người đã chết, quyết trụ lại nơi này dù biết rằng ô nhục, tù đày vì nếu không thì những người như các anh lấy đâu nơi để trở về?

Trên tôi đã nói, những con chữ của tác giả rất thô mộc. Không kéo lê thê với những tính từ trùng lắp không cần thiết. Tôi có cảm giác những con chữ ấy là những hạt gạo trên sàng, nghĩa là tác giả đã lọc lựa rất kỹ, nhất là những hạt sạn. Người khác, có thể vì tiếng sáo mà kết thêm hoa lá cành để có thể là tiếng sáo của Trương Lương, hay của Trương Chi. Nhưng ở đây: tiếng sáo không còn thô mộc, non nớt, chập chững những bước đầu đời mà nay tiếng sáo đã chín. Từ thô mộc/non nớt/chập chững đến đã chín là cả một khoảng thời gian dài. Những lần tiếng sáo cất lên, đều vui tươi thanh thoát, chỉ sau cùng, khi chôn cha xong, mới bi thiết.

Tiếng sáo ấy tuy phát ra từ hơi thở của người con út, nhưng thực sự là tiếng lòng của người cha. Vì thế, khi thổi xong, người em út đã cắm chiếc sáo trên mộ cha. Cử chỉ này gợi nhớ đến người xưa trả kiếm bên mộ. Lòng hiếu thảo của người em út thật khác người, bi tráng.
Tác giả cố ý không đặt tên cho các nhân vật. Chỉ nhắc đi nhắc lại, người cha, người anh cả, người em út. Vậy nên, người nào cũng có thể là người cha, người anh cả và người em út trong mỗi gia đình Việt Nam. Có nghĩa rằng ít nhiều người đọc bồi hồi thấy thấp thoáng hình bóng của mình trong đó.

Tiếng sáo nói lên được tiếng lòng của người cha, thì cỗ áo quan lại nói lên cả một khoảng thời gian dài từ ông nội với cái án xử bắn, với đứa con gái chết chùm một lúc bốn người không nhặt được xác để chôn, nó gợi nhớ đến một cuộc chiến tranh quá dài, dài đến nỗi không còn làm ai xúc động được nữa trước cái chết. Và tấm nhiễu đỏ, được chôn theo cha, phải chăng là máu và nước mắt từ nay hãy tan vào lòng đất để cho cây lúa lại mọc lên tươi tốt?

Nhiều người thường nói tới cái hiện sinh mà Dương Nghiễm Mậu chịu ảnh hưởng của các trào lưu phương tây. Tôi nghĩ, cũng chỉ là một chiếc áo mà chính họ cho là đẹp, là mới, muốn khoác lên tư tưởng Dương Nghiễm Mậu, thế thôi. Tư tưởng của ông rất Việt Nam, rất nhân hậu. Có ảnh hưởng chăng là cách viết, cách dùng câu chữ, cách dựng truyện của ông. Mỗi chi tiết đều phải thật cần thiết, phải sắp xếp sao cho thật khoa học. Từ chiếc sáo đến cỗ áo quan, cái ruột tượng của mẹ, bát cám lợn, bát cơm…đều được đặt đúng lúc đúng chỗ. Vì vậy, truyện không lan man mà chặt chẽ như một kịch bản phim. Trọng tâm của truyện là tâm hồn và nhân cách của người cha được bao quanh những lớp vỏ như một củ hành. Cái lõi cay nhất, nồng nhất nằm ở lớp vỏ tận cùng. Chỉ một cái ruột tượng của mẹ đựng đầy lúa để gối đầu cho cha, cũng đủ cho ta thấy ông yêu vợ đến thế nào. Và cũng chỉ có người con út mới hiểu được tình yêu đó của ông.

Tôi thấy cách viết đó phảng phất như E.Hemingway viết Lão ngư ông và biển cả. Cái bộ xương cá bên cạnh chiếc thuyền tơi tả kia nếu tác giả không đưa vào truyện thì coi như đã không có một Lão ngư ông và biển cả làm xúc động cả thế giới.

Truyện cũng gợi nhớ đến Malentendu của A. Camus, ở đó người em gái Martha đã nguyền rủa người anh vắng mặt của mình với tất cả căm hận, vì thế mới đưa đến ngộ nhận đến nỗi người mẹ giết con. Ở đây, người em không kết án người anh, tuy có ít nhiều trách móc anh đã bỏ nhà đi. Vì vậy, toàn bộ câu chuyện tuy có vẻ buồn nhưng không đến nỗi trở thành bi kịch. Vẫn có chỗ cho tình anh em, tình cha con, có chỗ cho sự dung thứ. Và đó là cái khác biệt giữa một Âu châu đổ nát sau thế chiến thứ hai với một Việt Nam sau một cuộc chiến tương tàn quá dài.

Chỉ với một truyện ngắn này thôi, ta cũng đã nhìn ra được tầm vóc của một bậc thầy. Phải chăng vì vậy mà Vũ Hạnh đã dùng cái mã tấu “phản động” để “chặt” ông khi thấy tác phẩm này được tái bản?

Khuất Đẩu

Khải Triều

Khải Triều

Cây Đa Quê Hương

Cây đa và Giếng nước ở làng quê Bắc Việt, là biểu tượng của văn hóa nông nghiệp, là bản sắc của dân tộc Việt, có lẽ đã đi theo Tổ tiên từ khi rời lưu vực sông Dương Tử xuống tận các đảo Đông Hải. Các bộ lạc Việt chia thành ba hệ : Lạc Việt, Mân Việt, Âu Việt.
– Lạc Việt : từ Hồ Nam xuống Bắc Việt, Thượng Lào;
– Mân Việt : Phúc Kiến, Quảng Đông (khoảng đầu thập niên 40 thế kỷ 20, ở Phúc Kiến còn 300 nhà dòng giống Việt gọi là Đĩnh Hồ);
– Âu Việt : Tứ Xuyên, Quý Châu, Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân (x. Lý Đông A với công cuộc Cách mạng Dân tộc, do Thái Hùng biên soạn, Mùa Hạ 1989 (4.868 tuổi Việt, tr 96).

Trong cuộc di cư xuống phương Nam này, có lẽ Tổ tiên của bộ tộc Lạc Việt đã mang theo cả Cây đa và Giếng nước. Vì cả hai rất cần thiết cho nhà nông, về mặt đời sống tự nhiên và đời sống tâm linh. Người theo đạo Kitô thì còn có thánh đường. Cho nên, đối với tôi, cây đa, giếng nước và ngôi nhà thờ là những biểu tượng của một đời sống toàn diện, nhân bản. Thiếu nó trong cuộc sống thì hầu như là trống trải. Tôi đã trải qua kinh nghiệm này trong đời.

Đó là sau thánh lễ Giao thừa một năm nọ, tôi trở về nhà, đợi chờ chuông nhà thờ đổ, báo hiệu giây phút giao thừa, giữa cái cũ và cái mới. Cuối cùng thì giây phút thiêng liêng theo tinh thần văn hóa Đông phương đã điểm : chuông nhà thờ của giáo xứ tôi và mấy xứ lân cận đổ dồn, vang lên trong không gian thinh lặng. Tôi cảm thấy một nỗi xao xuyến trong lòng khi đứng trước bàn thờ Chúa trong nhà và trước di ảnh của hai đấng sinh thành ra tôi. Những giọt nước mắt hoài niệm bỗng dưng chảy dài xuống hai bên má già nua của tôi. Thế rồi, những kỷ niệm về một làng quê miền Bắc, vùng châu thổ sông Hồng, thời niên thiếu của tôi vụt xuất hiện như một cuốn hồi ký, được một bàn tay vô hình nào đó, mẹ tôi chẳng hạn, lần mở giúp tôi từng trang, từng bước chân non của tôi những ngày sống bên người. Một hình ảnh quen thuộc ở quê nhà cũng xuất hiện trong tâm trí tôi. Đó là cái Giếng nước và Cây đa trong làng. Lúc này cả hai trở nên thân thiết với tôi một cách lạ lùng, như thể là hai “điểm hẹn” thiêng liêng vậy. Thế là tôi đã có một đề tài để “khai bút” ngay trong đêm giao thừa năm ấy.

Giếng nước và cây đa trong làng ở miền quê đất Bắc là những hình ảnh quá quen thuộc, nó trở nên gần gũi và thân thiết với hết thảy mọi người, như của riêng mình, trải qua từ thế hệ này đến thế hệ khác, mà không ai cần biết nó có từ bao giờ. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nó được hình thành từ lúc những người đầu tiên dừng bước trên mảnh đất mà sau này gọi là “làng” hay “thôn”. Vì nước là một nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống của con người cũng như của mọi tạo vật khác.

Vì vậy, giếng nước chẳng những là nơi cung cấp nước cho người dân trong làng, mà còn là nơi gặp gỡ để trò chuyện, để trao đổi tâm tình mỗi khi người ta ra đó để kín nước mang về nhà. Nó cũng còn là nơi dừng chân của khách bộ hành đi đường xa mỏi mệt, vì ở trước sân đình gần đó là cây đa cổ thụ, có bóng che mát cho khách. Khát nước, khách có thể xuống vốc nước bằng hai bàn tay chụm lại, hoặc lấy nón lá múc nước mà uống thỏa thuê, an lành.

Hình ảnh này cho ta thấy, giếng nước là một không gian đáp ứng hai nhu cầu của con người : vừa là nơi gặp gỡ thân tình, vừa là nơi cung cấp nước cho nhu cầu thể chất và cũng là nơi dừng chân của khách bộ hành qua đường. Ngoài những lợi ích nhân bản và tự nhiên, giếng nước còn nhắc nhở người ta “uống nước nhớ nguồn”. Nguồn ở đây vừa hiểu là nơi phát sinh mạch nước, tuôn chảy về giếng, vừa hướng về những bậc tiền nhân trong làng đã khơi dòng nước này cho các thế hệ hậu sinh, nhắc nhở họ đến cội nguồn sâu thẳm và thiêng liêng.

Thế nhưng, Giếng nước này và Cây đa quê hương tôi, giờ chỉ còn trong ký ức, trong hoài niệm. Nó là nơi thân thiết trong thuở thiếu thời của tôi, là nơi những đứa trẻ cùng trang lứa ngày ngày ra đó đánh khăng, đánh đinh đánh đáo, chơi quay (con vụ), đêm trăng thì ra chơi trò “bịt mắt bắt dê” hay trò “ú tim”. Hồi hộp và năng động lắm.

Giếng thì đã bị lấp đất lên, làm nhà ở. Vì nghe nói sau năm 1954 có một người đàn ông trong làng đã gieo mình xuống giếng tự tử chết, nên giếng nước này không dùng được nữa.

Còn cây đa cổ thụ, thời bình dân học vụ đã được hạ xuống, lấy gỗ đóng bàn ghế, ban ngày học trò nhỏ ngồi học, ban tối dành cho người lớn. Cây đa này ở trước sân đình.Theo lời các cụ cao niên trong làng, trước khi ngôi đình được phá đi, các tượng Phật được rước về làng Văn Hội, phía Bắc cùng xã với làng tôi. Còn cây đa, có người kể rằng, trên cây có một con rắn rất lớn xuất hiện từ bao giờ thì không ai biết. Các cụ trong làng không có cách nào đuổi nó đi, cũng không ai dám nghĩ đến việc đánh chết nó. Người làng Đồng Cả, phía Nam làng tôi, khác xã, nghe biết chuyện này, đã lên xin các cụ, cho họ được rước con rắn về làng mình. Để rước nó, người ta đem lư hương, có các cụ bận lễ phục cổ truyền, có trống, chiêng đi trước, con rắn từ trên cây đa mới từ từ bò xuống và đi theo đoàn rước về Đồng Cả. Lại cũng có người kể rằng, người làng Đồng Cả mang một cây phướn lớn, giang rộng ra phía dưới cành cây con rắn nằm, rồi dùng một cây sào dài khều vào bụng nó, con rắn ngã xuống đúng vào cây phướn, người ta bọc nó lại, khiêng về làng.

Chuyện con rắn trên cây đa làng tôi không biết xảy ra từ bao giờ, cả ngôi đình cũng thế, phá đi từ khi nào. Điều dễ tin nhất, có lẽ hai việc này xảy ra kể từ khi làng tôi đón nhận Tin mừng của Chúa Giêsu. Nhưng đón nhận từ khi nào thì hiện chưa biết được chính xác. Tuy nhiên họ hàng tôi có một linh mục, xưa kia dân gian thường gọi là Cụ Điều. Theo Nguyễn Khắc Xuyên, tác giả cuốn Lịch sử địa phận Hà Nội, 1626-1954, Paris 1994, trang 191 nói về tình hình địa phận Hà Nội năm 1860, có đăng một bức thư viết tay bằng chữ quốc ngữ, đề ngày mồng 6 tháng 7 năm 1860, kể lại những việc xảy ra lúc đó, của Juse phó Đông vít vồ Acanthe kí, 2 Februariô 1860:

“Kì 12 – Cũng một khi ấy (ngày 23 tháng December), Đô Tú bắt được cụ Điều và cụ Trình ở Hà Thao ngoại.”.

Hiện nay, tại nhà truyền thống và trong cuốn Kỷ yếu của giáo xứ Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội, kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ, 1903-2003, trang 100, có cho biết là cha già Điều, quê ở Kẻ Lường (là quê tôi, tên gọi trong đạo), làm chính xứ Hà Hồi (tên cũ là Kẻ Vồi) từ 1820-1835.

Mấy sự kiện về cha già Điều trên đây, chúng tôi chỉ nhằm nói đến việc làng tôi đón nhận Tin mừng Chúa Giêsu từ rất sớm, khoảng gần 200 năm. Bởi vì, cha già Điều đã về Hà Hồi làm chính xứ từ năm 1820. Như thế cũng nói lên một vấn đề, đó là việc làng tôi ít ra cũng đã theo đạo Công giáo từ đầu thế kỷ 19, nên mới có người theo đạo và người đi tu. Người đi tu cũng phải có một thời gian dài để học tập rồi mới chịu chức linh mục được. Vì thế, câu chuyện về việc làng tôi theo đạo Chúa, việc phá đình và con rắn trên cây đa cổ thụ, có liên hệ với nhau và cùng lúc với nhau không, thì ngày nay không ai biết được. Cho nên mới có hai chuyện kể khác nhau về việc làng Đồng Cả mang được con rắn về làng của họ.Hai mẩu chuyện này, đều tập trung vào tín ngưỡng trong dân gian, cho rằng cây đa hay cây đề là nơi trú ngụ của một vị thần. Ngôi đình cũng thế, đấy không chỉ là gạch, ngói hay các cây cột vô tri giác. Song một khi đã có khói hương quyện lên mỗi khi có tế lễ, thì không còn là thuần vật chất nữa. Bên cạnh đình hay chùa, thường có cây đa, cây đề là vậy.

Hiện nay trong nhà tôi có một cây đa mang về từ quê hương tôi, do con gái tôi một lần ra Hà Nội, rồi về quê, đi thăm mấy người thân trong họ hàng. Khi đến nhà một người là con gái của bác ruột nó, nhìn thấy trên sân có một cây đa còn non, trồng trong chậu. Nó ngỏ lời xin mang về Sài-Gòn vì biết chắc chắn tôi thích. Lúc đó tôi đang làm Cây gia phả của 5 chi tộc trong họ hàng, nên hình ảnh một cây đa ở quê hương luôn nhắc nhở tôi về quá khứ, cái thời niên thiếu của tôi, có biết bao nhiêu là tình thương của mọi người.

Lúc trở về, vừa bước chân vào trong nhà, nét vui mừng lộ rõ trên mặt con gái tôi. Nó nói ngay, con có một món quà đặc biệt từ quê hương tặng ba, chắc ba thích lắm. Vừa nói nó vừa mở cái bọc ny lông, bên trong là một cây đa nhỏ. Nó nói rằng, cây đa này được trồng ở một cái chậu nung đỏ, có nhiều rễ và đất. Nhưng lên tới sân bay, an ninh bắt rũ bỏ hết đất mới cho mang lên máy bay. Sau đó, nó mua một cái chậu đất nung đỏ, có đường kính 50cm, đặt cây đa vào giữa rồi đổ đất và chất dưỡng cây. Những ngày sau đó, chúng tôi thay nhau chăm sóc tưới nước cho cây. Sáng nào, sau khi thức dậy, tôi cũng ra đứng ngắm nó thật lâu, mong nhận ra những dấu hiệu của sự sống và sự phát triển của cây đa này. Sau một tuần lễ, đổi đất, khí hậu và nước, cây đa vẫn không có dấu hiệu xấu nào, để chỉ nó không hợp đất, nước và khí hậu nóng của miền Nam. Tôi hiểu ra điều này, chính là một dấu hiệu tốt, nó ẩn dấu từ trong cốt lõi, từ trong mỗi lớp thân cây và từng cái lá, từng cái rễ có sắc đỏ ở đầu. Rồi mấy tháng sau, cây đa phát triển sự sống thấy rõ, đặc biệt là chiều cao, thân cây cao 50cm với hai nhánh lớn chĩa ra, hướng lên cao. Ở chỗ chạc hai, mọc lên những cành nhỏ và rễ. Hai nhánh lớn phát triển thêm cành nhỏ và rễ cũng buông xuống. Những cành và lá non như xé thân cây ra, như thể chúng muốn nhìn ngắm bầu trời miền Nam, nhìn ngắm chủ nhân người cùng quê hương với chúng. Đến lúc này, sau hơn một năm, mỗi khi nhìn cánh lá vàng rơi trên nền gạch ngoài sân, tôi có cảm giác thời gian không ngừng biến đổi. Tôi cũng thế, phải biến đổi đi, không có gì hết mà thực ra, khi tôi bước vào một trạng thái tĩnh lặng và hư vô, thì chính lúc đó, tôi lại có tất cả trong ân sủng Thiên Chúa.

Trắc Ẩn

Trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc năm 1956, các “địa chủ” bị đưa ra “Tòa án Nhân dân” đấu tố. Một chi họ của tôi cũng lâm vào cảnh này.Bản thân tôi không phải chứng kiến cái cảnh người nhà của mình bị đưa ra đấu tố, nhưng sau ngày 30/4/1975, người nhà tôi vào thăm kể lại những câu chuyện không chỉ có ở quê tôi, thuộc miền đồng bằng sông Hồng ,mà còn ở các làng xã trong vùng. Sau này, một số nhà văn phục vụ chế độ miền Bắc cũng đã viết về chiến dịch này. Có người bảo đó là một việc “long trời lở đất”.

Câu chuyện tôi kể dưới đây liên quan đến một cán bộ trong làng có dính dấp đến chiến dịch đấu tố địa chủ ngay trên mảnh đất quê tôi.Nếu như ông này không ký tên vào một Thư Mời những người đồng hương xa quê như chúng tôi, ở Sài Gòn cũng như ở nước ngoài, kêu gọi đóng góp tài chính vào việc sửa chữa và nới rộng ngôi nhà thờ ở làng tôi, sau gần một trăm năm (từ năm xây dựng 1914 đến lúc khánh thành 1918), nay đang trong tình trạng hư hỏng và với dân số của làng trên 2000, toàn tòng, nay trở nên chật hẹp, thì chúng tôi,những người đã xa quê từ trước khi xảy ra những trận bão tố trong lòng người dân ở quê, cũng không muốn nói đến nữa.Vết thương theo thời gian và những sóng gió của cuộc đời, bình thường thì có lẽ cũng đành quên, nhưng nay tận mắt lại nhìn thấy tên của kẻ đã gây nên những tan hoang đổ vỡ của cả một chi tộc, trên Thư Mời gửi cho từng người xa quê đã bao nhiêu năm trời, cho dù bên cạnh chữ ký của người cán bộ này, quan trọng hơn hết, vẫn là tính danh của Linh mục Tổng Quản cả một khu vực trên mười giáo xứ lớn nhỏ cũng như được sự chấp thuận của Giám mục Giáo phận, thì cũng khó mà bảo những con cháu của nạn nhân quên đi nỗi hận thâm căn trong lòng. Vì vậy, giữa những người đồng hương chúng tôi tại Sài Gòn có hai ý kiến.

Một vị có tuổi cao nhất đảm nhận việc gửi những lá Thư Mời cho người đồng hương ở nước ngoài,đã tự ý xóa tên người cán bộ ký tên trên Thư với lý do là người này chẳng những đã gây nên bao nỗi khổ cho con cháu của một chi tộc trong họ nhà mình, mà người này còn can thiệp vào đời sống đạo của cả dân làng, bằng đe dọa, cấm cản những biểu hiện lòng đạo của họ, như thấy ai cầm hoa thì giật lấy ném xuống đất, lấy bàn chân dẵm lên, day day cho nát, vì biết người cầm hoa là để dâng vào nhà thờ hoặc trên bàn thờ của mình.Mặc dù những việc này đã xảy ra lâu rồi, nhưng vẫn phải xóa tên người ấy, vì không nên để con cháu của những người đã chết thấy cái tên của người đó, rồi lại nghĩ ngợi, đau khổ.Mặt khác,đây là cái thư chung của cả dân làng, những người ký tên vào lá thư chỉ là đại diện, cho nên việc riêng tư không nên nói đến, để cho con cháu những người đã khuất cũng chung một lòng đóng góp tài chính, sửa chữa lại ngôi nhà thờ mà chính tổ tiên dòng họ nhà mình đã cùng với các dòng họ khác trong làng, khó nhọc xây dựng nên trong suốt mấy năm trời, theo như lời các cụ kể lại.Nếu không xóa tên người ấy đi thì thử hỏi, con cháu của người đã chết, nhìn thấy cái tên của người ấy,chắc gì họ chịu đóng góp ?

Một vị khác thì nói, cái thư người ta gửi cho mình,viết những gì, ai ký tên thì cứ để nguyên như vậy, không việc gì phải xóa đi. Trước kia ông ta là cán bộ, nhưng nay đã nghỉ công tác. Vả lại cũng có lòng hoán cải thì phải tha thứ cho ông ấy (Lc 17,4).

Vì cái thư đã xóa tên người cán bộ ấy gửi đi rồi nên không ai có ý kiến gì thêm. Còn thư gửi cho những người đồng hương khác tại Sài Gòn thì vẫn để tên người cán bộ, không thấy có dư luận gì về người này.

Hai ý kiến trên đây có khác nhau về ngôn từ, nhưng xét về mặt tâm linh tôn giáo, tôi nghĩ rằng ranh giới thù hận – tha thứ không còn khoảng cách nữa.Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể nói điều này thay cho chính con cháu theo dòng trực hệ của những người đã nằm xuống trong oan khuất khi việc đấu tố địa chủ xảy ra.Ngày nay, những con cháu của họ đã thành đạt. Mấy lần tôi về thăm nhà đều được nghe những lời nói trong chỗ riêng tư, tín nhiệm : Con cháu của các cụ nhà ông, bây giờ đều khá giả. Ngày trước họ chẳng làm điều gì ác đức. Năm đói 45, còn đổ thóc gạo trong nhà cho người nghèo vay mượn. Sau này ai có thì trả, không có thì thôi, không đòi.Thế mà, khi Đội Cải Cách về, một người thì bị bắn chết ở đầu làng.Ông cụ của ông buộc phải tới tận nơi để tận mắt nhìn cảnh cháu mình chết. Còn một người thì đi tù, nhưng vì có sửa sai nên được tha về, ít lâu sau cũng chết. Người thứ ba trong nhà ấy chết không ở trong thời kỳ có chiến dịch vì lúc đó ông này đang ở Hà Nội. Nhưng chả biết làm sao, bỗng dưng quay về làng. Ngày ngày ra đồng chăn một đàn vịt mấy trăm con. Cán bộ năm nào thỉnh thoảng đến nhà chơi, cười nói vui vẻ, kéo nhau ra quán đầu làng chén thù chén tạc, ai mà chả thấy. Vậy mà, có một ngày, cũng người cán bộ ấy đến nhà, bảo ông giơ tay lên, bắt trói ông. Tưởng cán bộ đùa dỡn, ông không tin, còn cười. Nhưng lần này thì người cán bộ ấy không cười như những lần trước nữa.Ông bị trói giật cánh khuỷu,bị bỏ đói, bị dẫn đi các làng quanh vùng, những nơi ngày trước ông đi hành quân vì lúc đó ông là lính của Bảo Đại. Cuối cùng ông bị dẫn xuống bờ sông Chuôn ( cách làng tôi vài cây số ). Các người trong họ hàng cũng bắt phải đi theo để chứng kiến cảnh xử ông ấy. Tại đây, một cái hố đã được đào sẵn, ông bị điệu đến đứng bên miệng hố. Cán bộ đọc bàn án tử hình. Vừa dứt thì ông bị xô ngã xuống đó. Đất được lấp lên vội vã!

Buổi chiều hôm mấy người đồng hương chúng tôi nói chuyện về cái Thư Mời, kêu gọi đóng góp tài chính để sửa chữa nhà thờ ở quê, tôi dự lễ tại một nhà thờ nhỏ ở trong một cư xá, nơi có một cộng đoàn nữ tu áo trắng, Dòng thánh Phao-lô. Hôm đó cộng đoàn nữ tu này có một thánh lễ đặc biệt.

Trong bài diễn giảng Tin Mừng, linh mục chủ tế kể lại một câu chuyện về một toán cướp xông vào một nhà dòng cướp của và toan giết vị đan sĩ. Nhưng đan sĩ yêu cầu bọn cướp hai điều trước khi ông chết. Chúng đồng ý.Đan sĩ nói : Các ông chặt cho tôi một cành cây, nhỏ thôi. Bọn cướp làm liền, chẳng những một cành mà nhiều cành nữa.Đan sĩ nói tiếp : Điều thứ hai là các ông hãy hàn gắn lại những cành cây mà các ông vừa chặt. Bọn cướp phá lên cười, mắng đan sĩ là thằng điên, làm sao mà gắn lại được. Đan sĩ mới nói : Người anh hùng nhất, mạnh nhất chính là người hàn gắn được những gì đổ vỡ, hay hư hỏng. Nếu các ông làm được điều đó thì giờ đây tôi có chết cũng là đủ rồi. Nghe nói thế, bọn cướp suy nghĩ một tí rồi lặng lẽ bỏ đi, không giết đan sĩ và cũng không lấy một vật gì của Đan viện nữa.

Linh mục chủ tế kết luận: Thời đại chúng ta hôm nay cũng thế,chúng ta phải biết tha thứ, khoan dung để hàn gắn những chia rẽ và thù hận.

Ngoài trời có mưa nhẹ, gió hơi lạnh lùa vào thánh đường. Thánh lễ cũng vừa xong. Kinh cuối cùng là Truyền tin. Từng tiếng chuông tắt lửa âm vang nhè nhẹ, hòa trong hơi gió lạnh, trong lời kinh của cộng đoàn đức tin, trong đó có tâm tư tận hiến của các Nữ tu Áo trắng. Đèn trong nhà thờ đã tắt, chỉ còn ngọn đèn chầu như một đốm lửa nhỏ, dấu chỉ của một sự HIỆN DIỆN Mầu Nhiệm. Tôi cúi đầu bước ra khỏi hàng ghế quì, lặng lẽ đi trong sân nhà thờ thấm lạnh. Bên ngoài, đường xá cũng thấm ướt. Mưa như hơi sương ban chiều ở cao nguyên Ban mê thuột của những năm nào tôi sống trên đó, sau khi rời ghế nhà trường. Rồi những con đường làng quê tôi, nghèo khó nhưng an lành từ một thuở xa xưa.

Đối với tôi, một buổi chiều như thế là dấu ấn của hạnh phúc. Đã lâu lắm rồi đến bây giờ tôi mới lại được nếm cái hương vị ngọt ngào như mật ong của nó.

Cái dòng văn của tôi viết tới đây thì như gặp phải một tia sáng của sao băng, đột nhiên ngừng lại. Câu chuyện tưởng như đến đấy là hết, nên theo thói quen, tôi hạ bút ghi tên mình và năm tháng xuống dưới bài ở bên phải. Một lúc sau chợt nhớ còn một chi tiết về người cán bộ ở quê, đã ký tên vào Thư Mời kêu gọi những người đồng hương xa quê đóng góp tài chính trùng tu nhà thờ làng.Chi tiết tôi chưa nói thuộc về đời sống thiêng liêng của ông.Mặt khác, có bắt đầu thì cũng phải có chung cuộc, ở đây là việc sửa chữa và hoàn tất. Với một công trình lớn như ngôi Thánh đường cổ đã trăm năm, thì việc hoàn tất cũng có nghĩa là một ngày hội của cả dân làng, nên có ngày lễ Tạ Ơn, ngày Khánh thành.

Hai năm sau đó, chúng tôi lại nhận được một Thư Mời khác, lần này là về dự lễ khánh thành.Một phái đoàn trở về được thiết lập, trong đó có người là anh em với người cán bộ nói đến ở đây.Sau ngày lễ, chúng tôi trở lại Sài Gòn, người anh em này mới kể lại câu chuyện liên quan đến người cán bộ ấy.

Theo lời kể, ông ta được người anh em chúng tôi yêu cầu đi “xưng tội” sau mấy chục năm bỏ để đi theo Đảng. Anh có thấy cả làng người ta đi xưng tội không. Các cha trong Sài Gòn ra, có lúc nào được rảnh đâu, hay là ngồi tòa liên tục. Anh không thể khất lần khất lữa mãi. Nghỉ hưu rồi, lại đang giúp giáo xứ, thì đây là dịp tốt cuối cùng.Tổ tiên của dân làng đã xây dựng ngôi nhà thờ này, bây giờ đến phiên chúng ta, đều là con cháu các cụ, đứng ra sửa chữa những gì hư hỏng. Làm mới lại ngôi nhà thờ bằng gạch, xi măng, sắt thép thì chúng ta cũng phải làm mới lại lòng chúng ta, tâm hồn chúng ta, bằng cách tẩy rửa, sám hối. Đó là đi xưng tội…Anh yên tâm đi, các cha người nhà mình không bắt anh làm việc đền tội nhiều đâu, cần cái lòng thành thật của mình.

Người anh em tôi kể tiếp: Đến ngày hẹn đi xưng tội, anh đến nhà người cán bộ anh em để cùng đi, thì thấy ông đang nằm trên giường, chùm chăn.Anh biết đây là cách giả vờ sốt, nên đến ngay giường, tung chăn lên và lôi ông dậy. Đã hẹn hôm nay đi thì phải đi…

Ngày lễ khánh thành nhà thờ, được coi như Ngày Hội của cả dân làng. Cho nên, một người từ xa về thì chỉ biết còn dịp này thôi.Hơn nữa, người anh em chúng tôi cũng đã trải qua tình trạng bỏ bê phần linh hồn trong nhiều năm của tuổi trẻ, nên anh không thể bỏ lỡ dịp này như những lần về trước. Còn người cán bộ kia, thì thấy cảnh trí bên ngoài dân làng từ một tuần lễ nay, nhà nào cũng cờ xí phất phới, trang hoàng đẹp đẽ trước cửa nhà, đặc biệt với những nhà nằm trên các con đường chínhdẫn đến nhà thờ. Ngôi tháp chuông nhà thờ cao ngất kia, cũng biểu lộ niềm tin và vui mừng một cách công khai sau mấy chục năm vắng bóng, qua lá cờ hai màu Trắng Vàng, mà dưới cái nhìn của người công giáo bình dân, đấy là sự hiện diện của Tòa Thánh Vatican, dấu chỉ của hiệp thông, của tinh thần hiệp nhất giữa một đơn vị nhỏ nhất là giáo xứ với Trung Tâm của Giáo Hội Công Giáo trên hoàn vũ là Tòa Thánh.

Người cán bộ ấy bất ngờ ngồi dậy với một thái độ mạnh mẽ. Ông nhìn người anh em của mình từ xa về vẫn ngồi ở thành giường từ lúc vào nhà, kiên nhẫn đợi chờ.Ông nở nụ cười rất tươi, nói lời “Xin Lỗi”. Rồi cả hai cùng song hành đi về phía nhà thờ…

Việt Kiều Dỏm

“Việt kiều dỏm” là mấy chữ đầu tiên hai bạn già chúng tôi nghe ông lái xe ôm gán cho mình, khi chúng tôi vừa từ trên một xe bus của hãng hàng không Jetstar Pacific, dừng bánh tại một địa điểm trên đường Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để hành khách xuống xe. Chúng tôi từ chối lời mời của mấy ông lái xe ôm, ngay chỗ chiếc bus đậu, cho nên một ông thấy bộ dạng hai bạn già chúng tôi có vẻ “bụi”, nói theo dân Sài-Gòn là “Tây ba-lô”, nên đã “xổ” ra mấy tiếng “Việt kiều dỏm” cho bõ ghét.

Mà quả thật, chúng tôi sắm vai “Tây ba-lô” trong chuyến về Hà Nội vài ngày, dịp Tết Quý Tỵ (2013) vừa qua, không phải là du lịch, vì đây là một ngẫu hứng, một bất ngờ, nghĩa là cả hai chúng tôi đều không có dự định trước. Nhưng thật ra chỉ có người bạn tôi là Việt kiều thôi, còn tôi thì vẫn là một người tự vác thập giá của thân thể mình đi lầm lũi trên quê hương đau nhức. Cao Thế Dung đã viết về tôi như thế từ năm 1969 trong tác phẩm Thi ca và thi nhân của ông. Bây giờ, sau 44 năm, tôi vẫn thế. Lời của Cao Thế Dung như một lời nguyền về tôi. Tôi cám ơn ông. Cao Thế Dung có thể sai ở đâu đó, nhưng với tôi, lời ấy không sai. Những lần về quê, tôi đều đã đặt chân xuống Hà Nội nhiều lần rồi, khi thì về bằng xe lửa, xuống ga Hàng Cỏ, khi thì xe bus của Jetstar Pacific dừng bánh ở 14 Đào Tấn. Lần này họ đổ khách xuống Trần Quang Khải. Chúng tôi đã đặt chỗ trước ở một khách sạn gần Hồ Gươm, phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, nên chỉ cần đi bộ một đoạn đường Trần Nguyên Hãn, khoảng 5 hay 10 phút là tới rồi.

Được người lái xe ôm khoác cho cái áo “Việt kiều dỏm”, có lẽ người bạn đồng hành với tôi đã có những tiếng cười thỏa thuê, thư giãn với bạn bè hay người thân khi trở về Hoa Kỳ, coi lời ấy như một câu chuyện dọc đường, kể cho nhau nghe. Hai chúng tôi có chung một điểm giống nhau, đó là việc chúng tôi nên một với nhau qua biến cố ngày 30/4, nên một với nhau trong tâm thức Việt Nam đau thương. Bạn tôi chắc chắn không bao giờ tự coi mình là một Việt kiều, điều này chỉ làm anh buồn, anh bị xúc phạm, bị người đồng chủng khước từ, coi anh như người ngoại chủng. Tôi cũng nên đồng hành với anh trong thân phận những con người “lạc lõng” trên chính mảnh đất ngàn năm văn hiến của mình. Anh trở về nơi này, sau gần 50 năm biệt ly. Anh trở về, vì anh còn mang tâm thức Việt Nam, nhớ những gì thân yêu nhất trong cuộc đời của một người Việt Nam, có nguồn có cội, 5.000 năm lịch sử, có một chiến công lẫy lừng trên Bạch Đằng giang. Một người Việt Nam ý thức rõ rệt mình có một lịch sử “hiếm” như thế, “vàng son” như thế, không ai đánh gục họ được.

Sau những ngày trở lại Sài-Gòn, ngồi hồi tưởng về chuyến đi này, tôi vẫn còn bâng khuâng. Vì chuyến đi, đối với cả anh bạn và tôi, đều không trọn vẹn, còn vương vấn khi đứng trước khu nhà cũ của gia đình anh ở phố Hàm Long. Bịn rịn, bồn chồn, lưu luyến! Rồi anh kéo tay tôi về phía nhà thờ lớn, định tâm vào viếng Thánh Thể mà cũng là để tìm lại hình bóng ngày thơ bé của mình. Cũng trên mảnh đất này, từ xa xưa lắm, tổ tiên dòng họ Đỗ đã sống tại đây. Ngày xa xưa ấy là làng Chân Cầm, nay là Ngõ Huyện. Thế hệ sau cùng cư trú ở đây gồm có gia đình Đỗ Đình Đạo, anh em thúc bá với Đỗ Đình Duyệt. Ông Đạo bị bà Thụy An đầu độc chết, theo dư luận từ nội bộ VNQDĐ, do ông và một số chiến hữu đã chống lại quyết định chia cắt đất nước vào năm 1954.Nhưng sáng hôm ấy, nhà thờ còn đóng cửa, chúng tôi bèn ghé vào trường Dũng Lạc xưa, cạnh đó. Người bảo vệ có tuổi tiếp chúng tôi niềm nở, kể cho chúng tôi những thay đổi, dẫy nhà phía trong thì làm mới, còn phía ngoài, giáp với con ngõ vào nhà xứ, vẫn để nguyên. Ông nói, nhiều người đi xa trở về cũng đều tới đây thăm hỏi chuyện cũ chuyện nay. Tôi thầm hỏi, không rõ người bạn tôi lúc đó, có nhớ đến một hình bóng quá thân thiết, quá anh hùng và xuất chúng, mà cuộc đời của vị này đã gắn liền với mảnh đất thiêng chúng tôi đang đứng đây hay không. Bởi vì, ngay lúc gọi điện cho tôi, nói là anh đang có mặt ở Việt Nam, anh đã nhắc đến hình bóng này. Cho nên, tôi chắc anh không quên, vì tính danh của vị này đã nổi lên một cách mạnh mẽ, kiên cường, giữa cái thời đổi thay quyền lực tại Hà Nội cũng như trên toàn cõi Việt Nam, cái thời mà những tiếng nói ở đài phát thanh, báo chí có lúc đã dồn dập, liên tiếp chuyền đi một lời da diết : “Ai ơi! Đừng phân chia Nam Bắc Trung”! Nhưng tôi nhớ ngay đến chính bạn tôi đây, lần đầu tiên trong gần 50 năm trường, trước Tết Quý Tỵ, anh gọi điện cho tôi. Nghe tên anh: “Duyệt đây, Đỗ Đình Duyệt đây…”.Tôi bất ngờ quá, vượt qua giây phút mệt mỏi của tuổi già, tiếng tôi như vỡ òa trong máy : “Đỗ Đình Duyệt! Anh đang ở đâu ? Còn nhớ Zarathustra đã nói như thế không?” Tôi hỏi anh ngay chuyện này, vì là cái mốc thời gian, đánh dấu sự cách biệt giữa hai chúng tôi, từ đó đến nay.–“Duyệt đang ở Việt Nam. Vẫn nhớ Zarathustra đã nói như thế, ngày anh cưới mà, một đám cưới hiếm có ở Sài-Gòn ngày đó. Ông Khải Triều ơi, ông có biết “Thằng khùng, thanh gỗ ngang trên cây thập tự giá không?” – “Biết mà! Linh mục Nguyễn Văn Vinh.”- “Đúng rồi! Không ngờ thế đấy. Gặp nhau sẽ nói nhiều” – “Vậy thì hay rồi, có thể đến nhà tôi tâm sự trọn một đêm nhé.” – “Ý tưởng hay đấy”.

Mấy ngày sau, Đỗ Đình Duyệt ghé tôi. Trong lúc hàn huyên, tôi nói anh nghe, ngày 14 Tết Quý Tỵ này, tôi đi Hà Nội mấy ngày, ở một khách sạn gần Hồ Gươm, phố Lý Thái Tổ. Nghe nói thế, Duyệt hơi tư lự, chỉ nói là “hay đấy”, rồi tôi chở anh về nhà người thân dưới Xóm Mới.

Tôi về Hà Nội dịp Tết Quý Tỵ, không phải là dự tính của tôi, mà theo sắp xếp của con gái. Một chiều nọ đi làm về, nó vừa cười vừa nói cho tôi biết, “Ba có một tin vui.”. Tôi hỏi ngay là tin vui gì, ba làm gì còn tin vui nào nữa, ngoài cái vui của ba là hoàn tất bản gia phả của họ hàng. Nó nói là “con đã đăng ký cho ba về Hà Nội mấy ngày, 14 Tết khởi hành, một tuần sau, khi con và hai cháu ở ngoài quê trở về. Ba chuẩn bị đi nhé”. Tôi mắng con gái mấy câu, chuyện gì liên quan tới ba thì phải bàn với ba trước. Ba mới về dịp tháng 8 vừa rồi, nay lại về là sao. Nhưng tôi chợt nhớ đến việc lập bản gia phả của họ Nguyễn chúng tôi, còn một vài chi tiết cần kiểm tra lại, nên tôi nói, thôi cũng được. Ba còn gia phả, chưa xong.

Còn về Đỗ Đình Duyệt, một hôm anh gọi điện cho tôi, nói là muốn đi Hà Nội, làm sao để cùng đi chung một chuyến máy bay với tôi thì tuyệt quá. Lúc đó con gái tôi cũng có nhà, nghe chúng tôi nói về việc đi Hà Nội, nó nói với bác Duyệt cho nó biết vài chi tiết trên cái visa, năm sinh của bác. Rồi nó bắt liên lạc ngay với hãng máy bay mà nó đã đăng ký vé cho tôi, nhất là để bác Duyệt đi cùng chuyến ra Hà Nội với tôi. Mấy phút im lặng, vì đại diện hãng máy bay kiểm tra chuyến bay của tôi, xem còn chỗ không. Được cho biết là còn chỗ, con gái tôi mừng quá, vì bỗng dưng tôi có bạn đồng hành, nó an tâm rồi. Bác Duyệt được báo ngay, có chỗ cho bác trong cùng chuyến ra Hà Nội với tôi. Còn chỗ ngồi trên máy bay thì có thể đổi cho người khác để chúng tôi ngồi cạnh nhau. Bác Duyệt cũng thấy vui, tiếng cười vang lên trong điện thoại.

Việc hai bạn già chúng tôi đi Hà Nội như vậy, là chuyện bất ngờ. Một bất ngờ khác là chuyến đi của chúng tôi nửa chừng thay đổi.

Chúng tôi ra Hà Nội sáng thứ bảy, 23/2 dl, tức 14 Tết Quý Tỵ. Vừa bước vào tiền sảnh của khách sạn, một nữ nhân viên hỏi ngay: “Có phải bác Tuy?”- “Vâng, tôi là…, có phòng cho chúng tôi chưa?” Chúng tôi trao cho họ giấy tờ tùy thân, sau đó họ đưa chìa khóa phòng cho chúng tôi. Nhận phòng xong, tôi ngả lưng ngay xuống giường nằm nghỉ. Còn Duyệt, có lẽ anh đã quen với những chuyến đi xa, nghỉ ở khách sạn, đơn giản và gọn gàng, không rườm rà như tôi, bận tay bận chân nhiều như tôi. Anh khoác sau lưng cái ba lô cũ kỹ, đựng mấy món vật dụng, một bộ quần áo thay đổi đã bạc màu, giống như da thịt trên thân thể chúng tôi. Duyệt đeo ba lô trên lưng, còn tôi thì tay cầm cái túi xách và vài món vật dụng. Thấy tôi hơi lỉnh kỉnh trong một chuyến đi xa như thế này, như mang theo bình xà bông để cạo râu với dao cạo Gillette 2 lưỡi, nghe nói dùng một lần rồi bỏ, nhưng tôi thì dùng đến 4,5 lần, anh bảo, cái lằn xanh trên lưỡi dao thay cho xà bông, có chất nhờn, dễ cạo. Quần áo thì, một bộ mặc trên người, áo bỏ thõng ra ngoài, và một bộ dự phòng. Như thế, với tôi cũng là đơn giản hết mức. Vì ngay từ đầu, chúng tôi không có hành lý gì để gửi. Chuyến đi càng nhẹ nhàng càng thư thái. Có lẽ vì thế mà chúng tôi được kể vào hàng ngũ “Việt kiều dỏm”.

Tuy nhiên, hai con người với hai vóc dáng bình dị hết mức cộng với hành trang trên vai, chúng tôi chẳng có tí gì để được xếp vào thành phần Việt kiều, cho dù là “Việt kiều dỏm”. Chúng tôi còn kém xa những đồng bào trong nước, khi họ đi làm hay khi đi du lịch, sống tại các thành phố đầy vẻ văn minh trần trụi.Vì vậy, nghĩ đến mà vui, cái vui của tuổi già.Vì mình được làm bạn đồng hành với bạn hữu, những người viễn xứ “u uất nỗi bơ vơ” (thơ Vũ Hoàng Chương)

Sau giấc ngủ êm ả, hai chúng tôi ra phố tìm một chỗ ăn trưa. Cửa tiệm ăn chúng tôi bước vào là một địa điểm ăn có tiếng tại khu vực đó, như lời một trong hai thiếu nữ ngồi cùng bàn với chúng tôi nói thế. Hai chúng tôi rời xa Hà Nội lâu lắm rồi, nay vì nhớ mà trở về…Vừa lạ lẫm mà lại như gần gũi. Vừa ghét mà lại như thân thương. Phải chăng Thăng Long hay Hà Nội này, cũng là giòng máu di duệ của Bách Việt! Còn được bao nhiêu!

Rời tiệm ăn, chúng tôi trở ra phía hồ Hoàn Kiếm, nhẹ bước hết một vòng, thỉnh thoảng dừng chân ghi một vài tấm hình, Duyệt gọi là “Hình ảnh người Thăng Long”. Sau đó, Duyệt kéo tôi đi qua một vài phố cổ, từ Lò Sũ xuống Bà Triệu, qua Lý Thường Kiệt rồi tới phố Hàm Long. Anh dừng lại ở một góc phố này, nói vài lời về hình bóng cũ của nó. Anh nói nhỏ, khu nhà tôi trước kia đây… Anh lặng lẽ rời gót…Mái nhà xưa của anh nay không còn. Chỉ thấy những hình ảnh xa lạ, những kẻ xa lạ. Anh cũng là kẻ xa lạ đối với mảnh đất này. Xa lạ trước ngôi nhà của mình! Anh đâu còn thấy một dấu chân xưa nào của anh nơi đây nữa!

Ngày hôm sau Chủ nhật, Duyệt đi Vĩnh Phúc Yên, tôi đi lễ ở nhà thờ lớn. Chiếc taxi chở chúng tôi dừng lại trước cửa nhà thờ, tôi xuống xe, còn Duyệt tiếp tục cuộc hành trình dài. Sau lễ, một đứa cháu đưa tôi về quê, dự tính ngày thứ năm, tôi sẽ lên Hà Nội cùng Duyệt đi thuyền trên một đoạn sông, có di tích bãi cọc của trận Bạch Đằng. Thế nhưng, mấy ngày sau, vào một buổi chiều, lúc tôi đang ngồi trên bờ một con mương câu cá, (trước khi đi, một cô cháu nói là để cháu lấy cái giỏ cho cậu. Tôi bảo, “cậu đi câu không cầu được cá”. Nó cười: “Chẳng có ai như cậu.”), thì chuông điện thoại reo. Có tiếng của Duyệt…Tôi nghe hình như anh có chuyện gì đó, phải trở về Mỹ ngay, nhưng không rõ nên tôi nói: “Tôi đang câu cá ở ngoài ruộng, gió lớn quá không nghe rõ. Tối anh gọi lại.”

Tôi bỏ ngang việc câu cá, trở về đợi điện thoại của Duyệt. Sau bữa cơm tối, giữa lúc các con cháu của anh chị tôi có mặt, Duyệt gọi điện cho tôi. Đúng là anh phải về Mỹ gấp. Hai ngày vừa qua, anh đã phải xoay sở để có vé về Mỹ. Mọi chuyện đã xong. Anh hỏi tôi có giữ phòng ở khách sạn không, nếu cần thì anh sẽ giữ lại.Việc thứ hai là anh còn một tí việc nhờ tôi giúp, trao cho người thân của anh ở Xóm Mới, tôi đã tới nhà hôm trước. Việc này, anh gửi văn phòng khách sạn, nhờ họ trao lại cho tôi. Duyệt cũng liên lạc với con gái tôi trong Sài-Gòn, nó bèn gọi điện cho một đứa cháu tôi ở Hà Nội, nhờ đến khách sạn đó ngay, gặp ông Duyệt. Ông đưa cái gì thì nhận, rồi mang về quê cho ông. Đứa cháu tôi trở về, mừng quá, vì “đã gặp ông bạn của ông”.

Tôi kể chuyện này ra, vì nó mang một kỷ niệm trong tuổi già của hai chúng tôi, cũng rất khó quên trong ký ức của mỗi người. Vì lúc còn trẻ, hai chúng tôi cũng đã có những việc, không lừng lẫy gì, nhưng cũng gọi được là một nỗ lực của tuổi trẻ. Trong chiến tranh và trong các thế lực, chúng tôi không đứng bên lề.

Trở về quá khứ.
Tạm lấy cái mốc thời gian tôi và Đỗ Đình Duyệt gặp nhau qua Đỗ Tất Phú, là vào năm 1963. Nay tròn 50 năm, trước đó vài năm nữa là con số lẻ. Số lẻ này dành riêng cho Phú.

Vào một buổi sáng, tôi thấy có hai thanh niên đến thuê nhà, chung một căn gác với tôi, trên đường Nguyễn Thông, trước cổng vào ga xe lửa Hòa Hưng. Dáng hai người này cũng bình thường, cả hai dong dỏng cao. Một người lâu lâu nhìn tôi cười lặng lẽ, còn người kia thì có da mặt tái xanh, sống mũi quặp xuống, ít khi ở nhà. Họ không ở lâu.Một hôm, người thanh niên hay nhìn tôi cười, đến bên tôi, lấy ra trong túi áo một tấm hình, đưa cho tôi xem, rồi hỏi: “Cậu có biết ông này là ai không?” Tôi nói ngay: “Nguyễn Thái Học”. Anh ta bảo: “Cậu có con mắt tinh đời”. Rồi anh cho biết tên là Đỗ Tất Phú, người kia là Cao Thế Dung.

Một sáng nọ tôi đi học về, không thấy hai người đó. Chủ nhà nói hai cậu ấy đã dọn đi nơi khác.Tôi quên họ ngay. Ít lâu sau tôi cũng không ở đó nữa. Tôi lên Ban Mê Thuột, sống vài năm, trở lại Sai-Gòn năm 1960, thuê căn gác của một y tá “ chích theo toa bác sỹ”, đường Nguyễn Thông nối dài, gần cống Bà Xếp, khu vực nổi danh về bất ổn xã hội.

Như thường lệ, lúc chiều tối, tôi thường “xuống núi” ra ngoài ăn cơm, quán cơm bình dân, bên cạnh đường rầy xe lửa. Đi được một quãng thì chợt thấy Đỗ Tất Phú đang đạp xe về phía tôi. Tôi bật tiếng gọi anh. Nghe có người gọi, Phú dừng xe, nhận ra tôi.

Tôi hỏi:
– Đi đâu thế, anh Phú?
– Tớ đi tìm chỗ trọ, không có tiền trả tiền mướn nhà, chủ nhà họ đuổi, không cho ở nữa.
– Anh về ở với tôi.
Tôi dẫn Phú trở lại gác trọ, đẩy chiếc xe vào trong nhà, rồi trở ra quán cơm ăn tối. Từ đó Phú sống với tôi.

Một thời gian sau, tại gác trọ này hay tại một vài nơi khác, tôi gặp lại Cao Thế Dung. Theo lời Phú, lúc trước, Cao Thế Dung nghi tôi là việt cộng nằm vùng vì tôi là người Bắc mà sao lại ở nhà người miền Nam, và có lẽ thế mà hai người này đã không ở căn gác đó lâu. Ngoài Cao Thế Dung ra, tôi còn được là bạn với Đỗ Đức Thịnh, “cây thuốc lào” tại Đại học Văn khoa Sài-Gòn, Nguyễn Cái Thế, con của cụ Nguyễn Văn Lực, trong nhóm Caravelle; Nguyễn Tường Uyển, con gái của cụ Toan Ánh, một học giả về phong tục học Việt Nam. Sau này, Nguyễn Cái Thế và Nguyễn Tường Uyển nên duyên vợ chồng; rồi Lưu Thái Hưng, Đỗ Đình Duyệt.

Tôi với Phú khác biệt về quan điểm chính trị, và có lẽ các bạn anh cũng vậy. Tôi làm cho tờ nhật báo Dân Việt, khuynh hướng Ngô Đình Diệm, còn Phú thì tôi không thấy anh có những hành động cụ thể nào để nói là chống ông Diệm. Ngay đến “nhóm” của anh, mãi sau ngày có cuộc đảo chính năm 1963, khi các anh nhờ tôi viết bài cho tờ Sống Động, tiếng nói của Tổng bộ Thanh niên Sinh viên VNQDĐ, thường gọi là Tổng bộ Yên Bái, tôi thật sự mới biết quan điểm và lập trường chính trị của các anh. Còn trước đó một đôi lần trong chỗ riêng với tôi, Phú chỉ phê phán một cách chung chung chính sách của ông Diệm, không khác biệt lắm với những khuynh hướng chống Ngô Đình Diệm. Vì vậy giữa chúng tôi có một tình thân thiện. Chúng tôi tôn trọng nhau.

Tổng bộ Yên Bái là một tổ chức trí thức trẻ của VNQDĐ, do Đỗ Tất Phú và Đỗ Đình Duyệt vận động thành lập. Phú giữ vai Chủ tịch, Duyệt phó chủ tịch, Phạm Nam Sách ủy viên Tuyên huấn và một số ủy viên khác, như Nguyễn Cái Thế, Nguyễn Tường Uyển, Lưu Thái Hưng, Đỗ Đức Thịnh, Quách Trọng Phụ v.v…Tổ chức này có khuynh hướng độc lập, không thuộc hệ phái nào, nhưng có liên hệ mật thiết với gánh Chủ Lực do Lê Hưng lãnh đạo, trong đó có Chu Tử Kỳ.

Từ dạo đó đến nay, 50 năm rồi. Những chuyện liên quan đến Đỗ Tất Phú và tôi, đều đã được ghi lại trong truyện Ngọn nến ăn năn. Trong cuốn này, tôi viết về đời sống của hai chúng tôi trong gác trọ một cách đầy đủ, tôi cũng nói đến tập truyện ngắn Ba mẹ con của Phú, qua bút hiệu Đỗ Ngọc Trâm. Tập truyện mô tả một phần nào đời sống của một bộ phận thanh niên ngày ấy có một lý tưởng, một hoài bão, nhưng bế tắc. Nó phản ảnh con người tác giả của nó nói riêng và những thành phần thanh niên giữa thời loạn. Nhưng, chuyện đấu tranh và với nhóm bạn hữu của Phú trên đây, là một chuyện hệ trọng của các anh, tôi không thể nói theo cảm tính, hay văn chương hư cấu. Vì vậy, trong cuốn truyện của tôi, vấn đề này không được đề cập tới. May mà Đỗ Đình Duyệt về Việt Nam dịp Tết Quý Tỵ vừa rồi, tôi lại là người được anh ghé chơi, lại dành cho tôi gần trọn một đêm tâm sự tại căn gác nghèo của tôi. Nhờ đó tôi hỏi lại chuyện của Phú và các anh, được anh nhắc lại một vài chi tiết. Vì thế, tôi an tâm công bố ra đây. Chỉ tiếc rằng, Đỗ Tất Phú đã không còn nữa. Anh đã nằm xuống tại mảnh đất miền Tây, quê hương của vợ anh.

Nhớ Đỗ Tất Phú, viết về anh ít hàng nơi đây, nhắc lại một thời tranh đấu của anh, là một nén hương tinh thần, tôi xin dâng lên anh linh người bạn hiền của tôi.

Trong cái đêm ngủ tại nhà tôi, Đỗ Đình Duyệt đã nhớ lại đám cưới của tôi vào đầu tháng 12 năm 1971, tiệc cưới tổ chức tại Trường Đại học Thành Nhân, tiền thân của nó là Viện Khoa học Giáo dục Sài-Gòn, góc đường Hùng Vương-Nguyễn Tri Phương, do Tiến sĩ Mai Tâm, Sư huynh dòng Lasan Taberd làm Viện trưởng. Duyệt kể, trước khi anh và Lưu Thái Hưng bước vào phòng tiệc, hai anh đã phải đi tới đi lui khu vực đó mấy lần, nghe ngóng xem bên trong có động tĩnh gì không, rồi mới vào. Bởi vì, thời gian ấy, mật vụ của chế độ đang ráo riết theo dõi dư luận xôn xao về việc ông Nguyễn Bảo Kiếm, án tử hình khiếm diện trong vụ đảo chính ngày 19/2/1965 truất phế Tướng Nguyễn Khánh, có thể hiện diện trong một cuộc hội ngộ thân hữu nào đó mà họ không nắm được địa điểm và thời gian. Khi ấy, hình ảnh ông Kiếm treo khắp Sài-Gòn Chợ Lớn, với số tiền thưởng lên tới hàng chục triệu đồng cho ai bắt được hay chỉ nơi ẩn nấp của ông. Một người trong thân thuộc của Đỗ Đình Duyệt, phong thanh nghe nói anh sẽ có mặt trong buổi hội ngộ thân hữu ấy, đã gợi ý anh nộp “cái đầu” Nguyễn Bảo Kiếm để nhận lãnh món tiền thưởng khổng lồ này. Cái “buổi hội ngộ thân hữu” mà nhà đương cuộc ngày ấy muốn biết, không ngờ lại là bữa tiệc cưới đơn giản của vợ chồng chúng tôi.

Tôi nghe chuyện này mà thót giật mình. Ngày đó tôi hoàn toàn không biết đến dư luận ấy. Lúc tôi đi gặp ông Nguyễn Bảo Kiếm mời dự tiệc cưới của tôi, ông chỉ nói với tôi là đừng nói cho ai biết ông có mặt. Và tôi đã hoàn toàn giữ im lặng, cho mãi khi ông bước vào phòng tiệc cùng với Bác sỹ Trần Kim Tuyến, Luật sư Phạm Kim Vinh v.v…

Đỗ Đình Duyệt không nói ra điều này, chắc chắn nó cũng chìm xuống hố thẳm của đời tôi thôi. Như thế đủ biết, lời Kinh thánh nói không thể qua đi, cho dù một dấu phẩy.

“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” (Lc 12,2)

Khải Triều

Khai Nguyên

Khai_nguyn

Tìm Em

Biết tìm em ở nơi đâu
Chia tay buổi ấy bên cầu năm xưa
Bờ xa hàng liễu bơ phờ
dưới dòng soi bóng hững hờ mây trôi

Nhìn nhau muốn nói bao lời
Mà sao căm nín miệng cười lệ tuôn
Người đi gởi lại nửa hồn
Người về mang nặng nỗi buồn cách xa

Đành rằng mấy chục năm qua
Mịt mù chinh chiến mắt nhòa ngóng trông
Cơn say muốn vút cầu vồng
Tìm trong bão lửa dang hồng còn không

Hằng đêm nến nhỏ giọt trong
Quàng tay ôm trọn một vòng hư vô

Khai Nguyên

Huỳnh Hữu Võ

Hunh_Hu_V

Đà Lạt
Tháng Giêng Hồng

nếu như trời không gió
mưa sẽ về đồi thông
nếu như em không đến
sẽ vô cùng mênh mông

Đà Lạt chiều xuống thấp
bóng ai bên hàng cây
chắc nỗi buồn đứng nấp
cho trời chiều đầy mây

bỗng dưng lòng hoang vắng
gió lạnh đâu tìm về
từ cõi nào xa thẳm
để buồn lên tái tê

giọt sương như lay động
nõn xanh bên bờ hồ
bóng em cứ xao động
trong tim anh từng giờ

nếu như em không đến
Đà Lạt tháng giêng hồng
hoa quỳ không còn nở
giữa vô cùng mênh mông

Ngày Trở Lại Phan Rí

Tôi về Phan Rí qua vườn táo
Cắn trái vàng thơm ngọt đượm tình
Cắn trái xanh chua lòng thiếu nữ
Men đời còn xanh trên lá xanh

Lưu lạc bao năm lòng vẫn nhớ
Mái nhà khóm táo của ngày xưa
Ở đây gió cát như dòng chảy
Đời lún sâu khi biển mất mùa

Tôi về Phan Rí đi xe ngựa
Qua cầu, qua cầu đến làng Chăm
Chiêm nữ đội vò đi lấy nước
Dưới đồi đồng lúa trải mênh mông

Như có chút gì còn sót lại
Một thời hưng thịnh thuở vàng son
Tôi thấy hình như trong đáy mắt
Chiêm nữ còn in nét tủi buồn

Tôi về Phan Rí bơi thuyền nhỏ
Qua dòng sông luỹ lặng lờ trôi
Bèo mây có lúc tan rồi hợp
Tôi lại về đây lúc nửa đời

Bên kia một dãy đồi Xích Thố
Đồi đứng mà như ngựa ruổi dong
Phải chăng xưa đó là trận mạc
Nên cát đồi trăng cứ đỏ hồng

Tôi về Phan Rí trông ra biển
Một thành phố nổi một rừng sao
Ở đây lắm mực nhiều tôm cá
Nguồn sống cư dân tự thuở nào

Bao năm tôi lại về Phan Rí
Thăm mấy người thân mấy bạn thơ
Lớp trước thầy cô đâu cả nhỉ?
Trường xưa buồn vắng bóng người xưa.

Một Ngày Với Sóc Trăng

Chiều về Liêu Tú thênh thang gió
Bóng nhỏ đường thôn bước diệu kỳ
Lòng như mây trắng lưng trời biếc
Bên rặng dừa nghiêng Sơn Phos Ly

Em dấu nỗi buồn trong cúc áo
Để cho trăng mười sáu nhạt nhòa
Bếp đùn khói tỏa mờ Buôn, Sóc
Như níu chân người khách phương xa

Lịch Hội Thượng còn là nỗi nhớ
Chùa Khờ me chìm trong mưa giăng
Đưa tay em vẫy lời chia biệt
Để muôn đời thầm gọi: Sóc Trăng

Lung linh nước và mênh mông lúa
Đẹp tuyệt vời đôi mắt Khờ me
Mềm môi vị ngọt lời Nam Bộ
Cỏ rối vướng tay chậm bước về

Sẽ có một ngày em ước hẹn
Con thuyền gác mái nước sông trôi
Là trên bến vắng chiều Liêu Tú
Có kẻ si tình đứng gọi: Phos Ly ơi!

Đà Lạt
Tháng Giêng Hồng

nếu như trời không gió
mưa sẽ về đồi thông
nếu như em không đến
sẽ vô cùng mênh mông

Đà Lạt chiều xuống thấp
bóng ai bên hàng cây
chắc nỗi buồn đứng nấp
cho trời chiều đầy mây

bỗng dưng lòng hoang vắng
gió lạnh đâu tìm về
từ cõi nào xa thẳm
để buồn lên tái tê

giọt sương như lay động
nõn xanh bên bờ hồ
bóng em cứ xao động
trong tim anh từng giờ

nếu như em không đến
Đà Lạt tháng giêng hồng
hoa quỳ không còn nở
giữa vô cùng mênh mông

Ngày Xưa

Em đi giữa dòng đời
Một khung trời thơ mộng
Giọt buồn nào lắng động
Rơi xuống đáy hồn tôi

Làm sao em biết được
Những sáng mờ hơi sương
Làm sao em biết được
Giữa lòng tôi tơ vương

Cửa nhà em đóng chặt
Khép kín một tình yêu
Tôi về qua ngõ quạnh
Khuya khuya niềm cô liêu

Mai em về bến mới
Sóng nhỏ chao lòng thuyền
Em tung tăng dưới nắng
Nón không buồn che nghiêng

Ngày xưa em là mộng
Ngày xưa em là thơ
Giữa hồn tôi còn đọng
Những giọt buồn ngày xưa

Huỳnh Hữu Võ

Huỳnh Hữu Ủy

Huynh Huu Uy (1)

Huỳnh Hữu Ủy Viết Về:
Tranh Hồ Thành Đức

Trong khi không khí của Hồ Hữu Thủ khá nhẹ nhàng, thì tranh Hồ Thành Đức lại đầy vẻ bi thảm; cái thơ mộng luôn luôn hiện ra dưới một hình thái buồn thảm, cô quạnh và phần nào hơi tan vỡ, nứt rạn.

Với hội họa miền Nam trước 1975, tranh Hồ Thành Đức khá đặc biệt với kỹ thuật giấy dán của anh. Trên thế giới, kỹ thuật này không có gì mới mẻ. Ở Nhật khoảng thế kỷ XIII, XIV, nghệ sĩ Nhật Bản đã biết sử dụng những chất liệu như giấy, gỗ, vải để dán thêm vào tranh vẽ. Ở phương Tây, Braque và Picasso, đặc biệt là Braque đã đưa kỹ thuật này vào thế giới tạo hình, dùng những mảnh bìa với những màu sắc khó thể tạo nên bằng cây cọ của họa sĩ. Một vài chất liệu khác nữa được ghép lại và dán cứng lên nhau, và sau cùng, đường nét được phóng vẽ lên bao trùm lấy toàn thể những chất liệu đã được dùng đến.

Kỹ thuật dán giấy đã một thời cùng với trào lưu siêu thực và lập thể mà phát triển mạnh, gây nên nhiều chú ý và những tiếng vang sâu đậm khắp nơi, đã thử thách lắm nghệ sĩ nhưng không phải ai cũng có thể dấn bước vào, bởi vì không những nó đòi hỏi một sự chuyên tâm nghiên cứu, trau luyện để tìm ra một đường lối thể hiện mà còn đòi hỏi, một cách tất yếu hơn, những điều kiện tâm cảm nào đó của người nghệ sĩ.

Nói như nghệ sĩ siêu thực bậc thầy Marx Ernst, với những chiếc lông chim ta có thể kết thành một đám lông chim, nhưng không phải với keo hồ là có thể làm thành nghệ thuật ghép dán (Si ce sont des plumes qui font le plumage. Ce n’est pas la colle qui fait le collage).

Sau nhiều năm làm việc, thử thách với hình thức hội họa này, Hồ Thành Đức đã đạt được nhiều thành công đáng kể, chinh phục được công chúng thưởng ngoạn cũng như anh em sáng tác cùng giới. Phòng tranh bày tháng 5-1970, ở phòng triển lãm quen thuộc Pháp Văn Đồng Minh Hội, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về một đời sống nghệ thuật sâu sắc và một kỹ thuật khá cao đã được nắm vững. Trừ một vài tác phẩm có đôi chút tươi vui như Đồ chơi của trẻ con, Tĩnh vật và hoa, Vũ khúc Đông phương, gần như một thứ trang trí với vẻ lấp lánh của ánh sáng chiếu rọi qua những tấm kính rực rỡ trên các khung cửa nhà thờ gô-tích, tất cà các tấm tranh còn lại đều tỏ lộ một thế giới khá buồn thảm, với sắc độ hầu khắp là lạnh lẽo.

Màu sắc xanh xám, đen nâu trộn vào nhau, pha cùng với màu nâu sậm, màu chì của bầu trời mây tối. Cảnh vật bị đè nặng dưới sức ép của bạo lực và kinh hoàng, trầm lắng dưới những khối màu ảm đạm. Trên một đường phố, trên khuôn mặt mẹ già hay ngay cả thiếu nữ đang độ thanh xuân, trên những chân dung hay tĩnh vật cũng thế. Luôn tỏa ra trong tranh anh một nỗi buồn bã, trống trải, tan rả, những đau đớn và gãy đổ của một thời đại chia cách, phân hóa. Thế giới gần như tuyệt vọng và tan vỡ mọi bề, thực hết sức hiu quạnh, vắng bóng con người. Nếu con người hiện ra thì cũng đang tê cứng và biến dạng đi để trở thành một thứ đá im lìm, u uất, bất động mà bao nhiêu tiếng gào, bao nhiêu nỗi căm phẫn đều dồn vào bên trong. Chúng ta hãy thử kể đến vài tấm tranh trong không khí ấy: Gia đình trong cổ tháp, Ánh sáng trong Viện Bảo Tàng, Tình đá, Đá mặt trăng và tuợng Ai Cập, Tĩnh vật, Chân dung của người già, Thành phố xám, Giáo đường màu xám, Sau chiến tranh, Thiếu nữ trên tường rêu, Vết đạn trên thành phố Huế …

Khó cắt nghĩa chính xác tại sao trên tranh Hồ Thành Đức lại nhuốm đầy vẻ bi thảm, hoang mang và ác mộng. Nhưng ít nhiều chúng ta cũng đã biết đến những ám ảnh khắc nghiệt vào thời tuổi thơ họa sĩ, cùng những dằn vặt của thời tuổi trẻ, và sau cùng là tuổi trưởng thành trên một đất nước mà chiến tranh đang đè nặng như một định mệnh tàn khốc. Hẳn rằng tất cả những yếu tố ấy đã hợp nhau lại để dựng thành một thế giới riêng tư bi thảm.

Những năm về sau này, có lẽ tâm cảnh cũng biến chuyển theo với thời thế bên ngoài, khi chuyển qua giai đoạn thực hiện tranh sơn mài, khi căn nhà của Bé Ký, Hồ Thành Đức ở 78 bis Điện Biên Phủ (tức Phan Thanh Giản cũ) thực sự trở thành một xưởng sơn mài đáng chú ý ở Sài Gòn, thì tranh của Hồ Thành Đức đã vui tươi hơn nhiều, những mảnh vỡ trong collage trước đây càng làm cho sơn mài của Hồ Thành Đức sâu hơn và gợi cảm hơn, hầu hết các tác phẩm đều được nghiên cứu, thử tay, thực hiện trước bằng collage rồi mới chuyển qua khâu sơn mài để hoàn tất.

Tranh sơn mài của Hồ Thành Đức được sản xuất hàng loạt, không kịp đủ để bán, rồi theo các chuyến tàu, các người chơi tranh, các nhà sưu tập mà đi khắp thế giới. Bức Chân dung Chúa treo ở phòng khách lớn Hội Truyền giáo Hải ngoại Ba Lê (Missions Étrangères de Paris) được nhiều người thưởng lãm và cảm xúc. Nhà Bảo tàng Nghệ Thuật Thái Bình Dương ở Vác-Xa-Va (Warsaw), Ba Lan, năm 1984, đã chọn mua bức sơn mài Mẹ Âu Cơ của Hồ Thành Đức để giữ trong bộ sưu tập thường xuyên.

Tranh Hồ Thành Đức có trong nhiều bộ sưu tập riêng ở Pháp, Canada, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Thụy sĩ …

Một chút tiểu sử Hồ Thành Đức:

Sinh năm 1940 ở Đà Nẵng, theo học Trường Mỹ Thuật Huế, bỏ học dang dở và sau đó tiếp tục lấy bằng tốt nghiệp ở Trường Mỹ Thuật Gia Định. Giải thưởng Hội Họa Mùa Xuân 1963 với huy chương đồng. Tranh được Phủ Văn Hóa chọn để dự triển lãm quốc tế ở Luân Đôn (1965), Monaco (1965). Tham dự triển lãm lưu động giới thiệu văn hóa – nghệ thuật Việt Nam 1969, do Tổng hội sinh viên Nhật Bản tổ chức, với sự tham dự của Bé Ký, Nguyễn Gia Trí, những hình ảnh sinh hoạt âm nhạc của Trịnh Công Sơn v.v… Từ 1969-75, Hồ Thành Đức là giảng viên Mỹ Thuật Trường Đại Học Vạn Hạnh, và năm 1974 cho đến 30-4-75, đặc trách ban mỹ thuật áp dụng của Trường Đại Học Phương Nam vừa thành lập, với dự án sẽ tổ chức thành một phân khoa mỹ thuật. Hiện định cư tại California, Hoa Kỳ, vẫn thường xuyên tham dự các sinh hoạt nghệ thuật của cộng đồng người Việt nơi đây.

Vẻ Ẩn Mật
Trong Hội Họa Đinh Cường

Bước vào thập niên sáu mươi, hội họa Việt Nam bỗng dưng biến chuyển dữ dội, có tính đột phá với một lực lượng trẻ, mạnh khỏe, hừng hực lửa sáng tạo. Họ ào ạt vận dụng những tiếng nói mới, tất nhiên phải bắt liền mạch với nền nghệ thuật hiện đại của thế giới, rồi chính từ đó đã manh nha một nét gì đó riêng biệt của hội họa Việt Nam. Đinh Cường là một trong những khuôn mặt nồng nhiệt nổi bật ấy, phong nhã và đầy sự mê đắm. Suốt gần bốn thập niên qua, anh xuất hiện với những dấu hiệu riêng, dung chứa một vẻ bí mật rất riêng biệt. Một nhà phê bình văn học đã đề nghị chúng ta khi đến với một tác giả nào thì cần phải có một tấm bảng đồ chỉ dẫn và một quyển tự điển thuật ngữ riêng, cũng vậy, lần dò vào thế giới Đinh Cường, chúng ta cần có những dấu mốc, những cột đường và sự định hướng khi di động.

Đinh Cường thích đi đến những điều bí mật đằng sau cây cọ và những tảng màu. Cái ẩn mật hình như có một sức cuốn hút anh mãnh liệt. Quan sát cách làm việc của anh, chúng ta dễ nhận ra điều ấy. Những nét và màu cứ chồng chất lên nhau, bôi xóa, đào xới, lấp đầy, rồi lại mò mẫm đi tìm. Giữa những màu trầm tối, nâu xanh, tím thẫm, chợt lóe lên một vệt đỏ ấm cúng, vệt đỏ ấy sẽ là điểm quy chiếu để cân bằng và điều hòa. Đó chính là một con còng đỏ nhỏ tí xíu lấp ló giữa một bờ biển mênh mông, nhỏ tí xíu nhưng lại đủ độ nồng nàn để phá tan cái lạnh lẽo xanh thẫm trên toàn nền tranh. Hay cũng chính là cái chấm đỏ ấy, sẽ là một con chim mỏ đỏ rất lạ, hay một chùm bông hoa đỏ giữa một vùng hoang dại tràn đầy một màu xanh tối, với đá tảng, rêu phong và cây lá chen chúc.

Nhìn anh làm việc trước giá vẽ, nhiều lúc tôi có cảm giác anh cứ thả cho mình chìm mãi, chìm mãi vào trong biển màu sâu thẳm, nhưng bao giờ cũng vậy, rồi anh sẽ bắt được một điểm tựa để ngừng lại. Điểm tựa ấy không hẳn là một vệt màu mạnh và ấm, mà đôi lúc lại chỉ là một tảng xanh sậm lạnh lẽo, hay một mảng màu nâu ngã sang tím than. Lắm lúc, Đinh Cường dường như đã quên lãng hết cả cõi đời thực, anh như chỉ còn muốn sống một thế giới khác, đắm chìm trong những giấc mơ hư ảo, liên tục biến đổi, giữa những dấu vết dễ tan vỡ. Biến đổi trong cái không biến đổi, và không biến đổi trong cái biến đổi. Chẳng qua cũng chỉ là di động theo một qui luật vận hành tự nhiên. Tuy nhiên, chính trong cuộc vận hành ấy, giữa những tác động qua lại, anh đã tỏa chiếu lên thế giới sự vật một cách nhìn riêng của mình, hay đúng hơn, đó chính là cuộc đối thoại của một dấu ấn định mệnh, giữa vì sao hổ cáp hay thiên ngưu với dãy thiên hà mênh mông bất tận. Đinh Cường rượt đuổi những giấc mơ, và trên những nét và màu cứ mãi hoài di động, anh bất chợt tỉnh táo và dừng lại nơi một cảnh trí rất thơ mộng, thanh nhã, mà hình như luôn luôn u buồn và mù tối.

Về mặt kỹ thuật, có thể nói Đinh Cường là một trong những họa sĩ mới đã vận dụng đến cao độ những tình cờ bắt chợt được của các khối màu và hình thể. Giấc mơ và sự tình cờ của màu sắc và đường nét đã chập chồng lên trên hội họa của Đinh Cường. Ở đây chúng ta có thể nói là Cường rất tài hoa, phóng túng thả mình trôi nổi giữa nhịp điệu chuyển động của vô thức, nhưng rồi anh cũng dừng lại đúng lúc và mang tặng cho cuộc đời những bảng màu thực đẹp đẽ, phong phú, ảo hoặc đến độ kỳ diệu.

Tôi nhớ đến nhiều bức tranh rất đẹp của Đinh Cường, những bức tranh ấy hầu như đã mất tích hoặc bị hủy phá vì cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn ác trước đây, nhưng chắc là những người yêu mến và quan tâm đến hội họa Việt Nam và sự đóng góp của Đinh Cường cũng còn nhớ đến, những Cầu Say, Đồng Nhập, Verdure, Con Chim Mỏ Đỏ, Nghĩa Địa Voi, Trăng Qua Vùng Đất Lạ.

Tranh của Đinh Cường, dù vô thể hay có hình tượng, thì cũng luôn là những phát biểu riêng biệt của anh: hình nét riêng, màu sắc riêng, rất đặc biệt là màu xanh lạnh vô cùng thơ mộng của anh. Tôi chưa hiểu vì sao Đinh Cường lại có vẻ bị ám ảnh bởi màu xanh ấy, nhưng nhìn chung có thể nói đó là một màu sắc đặc biệt của cả một thời kỳ hội họa Việt Nam, cái màu xanh pha trộn của ánh trăng, lá cây xanh, biển xanh, màu xanh nơi biên giới của sự sống và cái chết cùng tiếng ì ầm buồn thảm đến độ hung bạo của một cuộc nội chiến triền miên. Cái màu xanh ấy cũng có thể gặp ở một số họa sĩ tài năng đồng thời với Đinh Cường, như những Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Hữu Thủ, không phải là toàn thể, nhưng nơi một phần sắc màu của Cao Bá Minh và Nguyễn Phước. Cái màu xanh thăm thẳm ấy đến với Đinh Cường 30 năm trước, và cho đến nay dường như vẫn còn là một ám ảnh đầy bí mật không dứt ra được.

Đinh Cường chọn lọc và yêu mến một số hình ảnh quen thuộc và gần gũi, những con chim nhỏ, những bông hoa nhỏ, thiếu nữ gầy nhưmột cành lau sậy phất phơ bên bờ núi, những chóp đỉnh nhà thờ giữa bầu trời xám, anh đã biến những hình ảnh ấy thành ký hiệu của mình.

Rồi nhiều lúc Đinh Cường đẩy những hình ảnh ấy biến thái trong những tiết điệu mới, thành rất là lạ và rất Đinh Cường, như hình ảnh một thiếu nữ đang nhảy múa để đánh thức những bông hoa trên một triền đồi, bên cạnh là một thiếu nữ khác ngồi trên mình ngựa với chiếc đàn mandoline nhỏ trong tay, cái chuông đỏ buộc nơi cổ ngựa cũng đang rung lên hòa vào cái rạo rực chung. Hay hình ảnh một người đàn ông lang bạt, giữa một buổi chiều xanh xám, đang lắng nghe tiếng còi tàu dội về từ một vách đá giữa vùng đồi núi Di Linh. Hình bóng người đàn ông ấy, đội mũ sụp, ngậm ống vố, ngồi lặng lẽ nơi một góc nào đó của cuộc đời, làm tôi nhớ đến những trang sách cực kỳ tài hoa của Nguyễn Tuân viết về những chuyến ra đi của anh chàng đãng tử. Ra đi, trở về, lại nhớ đến những chuyến ra đi, và rồi lại lên đường lang bạt kỳ hồ. Có lẽ hình ảnh ấy cũng có để lại dấu vết nơi Đinh Cường, tôi đoán chừng như vậy.

Đinh Cường đã sống thời tuổi trẻ của mình rất đẹp, thích đi qua những ga tàu, những trạm xe chuyển bến, những thành phố, những thành phố rất mới và những thành phố cổ kính, rồi thỉnh thoảng tá túc lại giữa những căn nhà bên đường chuyển dịch một thời gian, một đôi ngày, vài ba tháng, dăm bảy năm. Tôi đã đến thăm nhiều nơi anh lưu ngụ, nơi nào cũng vậy, dù ở một biệt thự sang trọng trên một dốc đồi, hay nơi một túp lều nghèo nàn giữa một xóm nhỏ, đều luôn tỏa ra các cung cách thanh nhã, quý phái của anh. Cái đẹp đối với một nghệ sĩ tạo hình là một vấn đề thuộc lãnh vực thị giác, là cái đẹp của con mắt, là sắp đặt sự vật cho hòa hợp, quân bình. Cho nên, ngay như cái thô kệch và xộc xệch thì cũng phải là một thứ xộc xệch trong hòa điệu vững chắc. Nói tắt lại, trước tiên, nó phải là cái đẹp hình thức, rồi từ đó mới dẫn vào chiều sâu của thế giới nội dung.

Những người gần gũi Đinh Cường hầu như đều dễ dàng yêu mến và quý trọng cái chải chuốt hình thức của anh. Từ thời còn rất trẻ, anh thích cung cách, dáng vẻ nghệ thuật của Modigliani, André Breton, Max Ernst, Hans Arp, Paul Klee, Paul Eluard; sinh hoạt của anh phải là đất Paris với khu Montmartre và nơi những căn nhà anh ở tôi đã thấy thấp thoáng cái vẻ đẹp kiểu cách ấy một cách rất tự nhiên, hòa hợp và rất thân mật.

Đinh Cường bước đi giữa cuộc đời một cách rất tài hoa, và trên hết mọi chuyện, có lẽ bản năng sáng tạo là sức đẩy nội tại dữ dội, đã thôi thúc và không ngừng đặt anh trước giá vẽ từng mỗi giây phút. Bức rức và bó tay thúc thủ nhiều năm sau l975, nhưng khi thời thế có mở cửa đôi chút, anh đã nắm ngay thời cơ để phát biểu tiếng nói của mình. Tôi còn nhớ khá rõ không khí một phòng tranh bỏ túi của anh ở phòng mạch một người bạn bác sĩ vào khoảng năm 1983. Tôi cũng có một chút kỷ niệm nhỏ với phòng tranh này, vì đến trễ vài phút, tôi đã mua hụt một bức tranh khổ nhỏ mà tôi rất thích, bức Tôi vẫn còn tiếp tục mơ mộng. Người mua tấm tranh này là một khuôn mặt trí thức đặc biệt của Sàigòn, là một nhà văn, nhà báo, giáo sư đại học, và trên hết mọi chuyện, là một con người chiến đấu cho lẽ phải và quyền làm người suốt mấy chục năm qua, vì vậy việc ông chọn mua bức tranh ấy cũng là một dấu hiệu đáng chú ý.

Cảm hứng từ tác phẩm điêu khắc “Je continue à rêver” của một nhà điêu khắc trẻ Tiệp Khắc. Đinh Cường đã dựng nên không khí của bức tranh, trên những mảng màu bôi bác tình cờ, anh phát hiện và nhìn thấy chân dung của mình. Anh chấm phá thêm một số đường nét để vẽ nên bóng dáng của người họa sĩ đang tiến công vào cái đẹp. Dùng chữ “tiến công” là hơi cường điệu, cho có vẻ mạnh mẽ và năng nổ, thực sự ra đấy là một hình ảnh khá nhẹ nhàng và rất thơ mộng: người họa sĩ mang trên lưng mình một bảng màu và những cây cọ mà từng mỗi cây cọ giống như là một mũi tên và palette vẽ giống như cái túi xắc của người thợ săn. Rất rõ ràng đó chính là một tuyên ngôn của Đinh Cường, mặc dù lặng lẽ nhưng cũng đã gây nên những làn sóng ngầm, giữa một thời kỳ đất nước đang phải đặt trong tay một chế độ toàn tri gay gắt. Ở phòng triển lãm này, mua hụt bức “Tôi vẫn còn tiếp tục mơ mộng” nhung cũng còn một chút may là mua được một bức khác cũng khá đẹp, là bức “Đánh thức đồi hoa”. Tôi nói là may, bởi vì một người nào đó đã chọn mua bức này, nhưng sau lại đổi ý, mua tấm khác, và tôi đã tức thời chớp ngay bức đó.

Trở lại với hình ảnh người đàn ông ngồi bên ga tàu vắng lặng cạnh một vách núi năm nào, gần đây, tôi hết sức cảm xúc gặp lại bóng dáng ấy nơi một cảnh ngộ khác. Nơi bức tranh Đinh Cường gọi là Vong thân, cũng là dáng vẻ ấy nhưng trầm buồn hơn, gã đàn ông ngồi lặng lẽ như tượng, nổi bật trên nền tranh xanh màu ngọc lục bảo; một đường chân trời cắt nghiêng, và màu trời xanh sậm hơn. Trên nền tranh, một con chim nhỏ đậu mong manh, như nhấn thêm một nét mô tả vào cảnh đời của một lãng tử mãi hoài lưu lạc. Dưới nhãn giới xã hội học, bức tranh này hẳn cũng có thể nói nhiều điều về một lớp người lưu lạc trên đất khách mà cuộc đổi dời lịch sử đã xô đẩy vào những bến bờ mới thực hết sức lạ lùng.

Đinh Cường đã sống một thời tuổi trẻ thực đầy thi vị và phong phú, và đã làm việc thực hết sức dữ dội. Số lượng tranh anh để lại rải rác khắp nơi rất là lớn, lên đến cả hàng ngàn tấm. Họa sĩ Việt Nam, dường như chỉ có Bùi Xuân Phái và Đinh Cường là có sức làm việc như thế mà thôi. Hiện nay, trước ngưỡng cửa của tuổi sáu mươi, trong cuộc sống lưu vong đầy áp lực và nứt rạn trên một đất nước xa lạ, anh vẫn gìn giữ phong cách của bao nhiêu năm tháng trước. Vẫn vui đùa với cọ vẽ, nồng nàn với đời sống, vẫn tiếp tục sử dụng những ký hiệu của mình, vẫn đặc biệt nhất với cách nhìn xanh thẫm vào những nỗi bí mật huyển hoặc. Và trên những bước chân chuyển dịch mới, vẫn giữ được ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng mình cho một cuộc sống lang bạt với đất trời và cái đẹp.

Huỳnh Hữu Ủy

1 26 27 28 29 30 34