Khuất Đẩu

Khuat Dau

Áo Trắng

* Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong.
Huy Cận

Chiếc áo tôi muốn nói, nhìn xa tưởng đâu em gói mây trong áo, tới gần mới biết là hai phần gió thổi một phần mây.
Một phần mây thôi, nhưng cũng đủ làm choáng váng vì áo em trắng quá nhìn không ra.
Đó là chiếc áo đồng phục của nữ sinh. Người ký cái lệnh xinh tươi đó, trước khi là nhà mô phạm cũng đã là một nhà thơ. Không chừng còn là một họa sĩ nữa. Nhờ vậy, từ những ruộng đồng xa xôi đến những phố phường rộn rã, ngập tràn những làn mây trắng đẹp.

Nhà thơ Hoàng Trúc Ly một lần nằm mộng thấy nữ sinh đã phải buột miệng:
Ô hay con gái bay nhiều quá
Những cánh tay mềm như cánh chim!
Tưởng không còn hình ảnh nào bay bổng đẹp hơn được nữa.
Không chừng những khách du lịch, cả những chính khách ưa cái đẹp (và gái đẹp) như Clinton cũng nằm mộng như thế giữa ban ngày, khi thấy các em tan trường về.

Một chiếc áo đơn sơ, không cứ gì phải lụa Hà Đông để nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, cũng không lòe loẹt kiểu cọ, chỉ thuần một màu trắng tinh khôi, cùng với quần trắng, nón trắng. Nó bay bổng lên được, đương nhiên nhờ hai phần gió thổi, nhưng nhẹ đến thế, mềm đến thế vì nó được mặc bởi những nàng con gái.
Tôi không chối cãi rằng, có một thời ngồi ở bến Thừa Phủ chỉ để nhìn những nữ sinh trong thành nội, đúng là mềm như cánh chim, ríu rít như chim, rủ nhau xuống đò cho kịp giờ vào lớp ở trường Đồng Khánh.
Thuở nọ, tôi là một anh học trò cả ngố chín năm kháng chiến ở đất Bình Định, được nhắc nhở rằng màu trắng là màu có lý lịch xấu. Địch đã từng dùng những mảnh gương soi ra hiệu cho máy bay bắn phá kho thóc, trường học. Các cô gái chỉ có một cái kẹp tóc thôi để làm dáng, cũng phải che cái lấp lánh đi, nếu không muốn bị kết tội là Việt gian! Còn nón trắng thì quét lọ nghẹ hay bùn! Nên chi tôi cứ đứng ngẩn ngơ suốt cả buổi mà trông vời, tuy rằng ở thành nội, đâu phải ai cũng là tiểu thư.
Với một làn áo trắng như mây đó, trông ai cũng đẹp, cũng thơm tho tinh khiết, là nét xinh rất chung của tuổi em tuy mới mười lăm mà đã lắm người thăm.
Thăm thì mặc họ, em vẫn cứ mộng bình thường. Em chưa mộng nhà lầu xe hơi, chưa mộng lấy chồng bác sĩ kỹ sư hay làm người yêu của sĩ quan trẻ tuổi đẹp giai.
Em chỉ mộng, mà mộng gì em cũng không biết nữa, có thể là bay lên như chim, có thể là lạc vào một hoang đảo, hay mộng thấy mình bất ngờ thành con giai để xem bọn họ nghĩ gì về con gái. Nói chung là mộng trắng trong như nhà thơ Huy Cận đã nói quá hay và quá đủ.
Chính vì mộng trắng trong nên em nào cũng hồn nhiên trong sáng. Hồn em như tủ mới, các ngăn đều trống thênh thang, chưa phải xếp đầy những lo toan chất chồng khi phải nghiêng vai gánh nặng tuổi đời. Các em bay lên là phải.

Nói về cái bay bổng, cái thướt tha, cái tinh khôi của chiếc áo nữ sinh, có lẽ một ngàn năm sau cũng vẫn có người còn nói. Tôi có nói thêm nữa cũng bằng thừa. Tôi muốn dành những dòng này để nói về một thoáng buồn.
Một thoáng là so với một ngàn năm sau, chứ với những ngày sau tháng tư đáng nguyền rủa, cũng khá là dài, nhất là với các cô bé mười lăm hay mười bảy.
Các cô được “rải phóng”, không còn phải mặc áo dài. Kẻ thắng cuộc “ní nuận” rằng, đi học chứ đâu phải đi ở tù mà phải mặc đồng phục!
“Thế thì cho chúng em xin mặc một ngày thứ hai thôi!”
“Đó là pháp lệnh! Mặc là để học và lao động chứ không phải để làm đẹp”
Không phải chỉ một vài em nài nỉ xin với thầy cô như thế, mà ít ra cũng đến cả triệu nữ sinh của bên thua cuộc, nếu cho các em khóc xả láng chắc cũng đủ nước để làm thủy điện!
Chưa bao giờ các em buồn như hôm chiếc áo trắng bị tuyên án tử. Nhiều em bỏ học nằm miết trên giường. Buổi sáng đầu tiên không đồng phục, các em thấy ngỡ ngàng xấu hổ, như thể vừa bị lột mất áo.
Cái lệnh đó cũng giống như vua Minh Mạng cấm quần không đáy!
Sau này, các em mới hiểu ra, chỉ có bốn tấc vải một năm, vừa đủ che những chỗ cần che, cấm là phải. Lúc đầu cất kỹ, lâu lâu lại đem ra ướm thử cho đỡ nhớ. Nhưng bao nhiêu áo mặc thường ngày, cứ mòn dần rồi rách te tua. Thì đành mua thuốc nhuộm, cắt hai tà may thêm được một chiếc. Rồi cũng thành giẻ rách!
Từ đó, các em không còn mộng trắng trong, mà đục ngầu vì bị đẩy lên kinh tế mới hay lênh đênh giữa trùng khơi vô định.
Đến nay, các nữ sinh ấy nếu không vùi thây trong rừng sâu hay nằm trong bụng cá, cũng đều ngấp nghé ở tuổi sáu mươi. Cũng đã là bà nội bà ngoại, nhưng kỷ niệm một thời áo trắng vừa đẹp vừa buồn ấy, không một ai quên được.

Giờ, dẫu sao cũng có cái ăn cái mặc, người ta lại ra pháp lệnh mới, đồng phục nữ sinh. Thế là chiếc áo trắng tưởng bị chôn vùi cùng chế độ cũ nay đội mồ sống dậy.
Nhưng nó không còn là mây dù màu cũng trắng. Nó chỉ có xác chứ không hồn, khi người mặc nó dù trời nóng hay lạnh cũng đều khoác thêm một chiếc áo lụng thụng có mũ trùm đầu, chân mang giày và mặt thì che khẩu trang kín mít. Ăn mặc như thế, còn tệ hơn là chim cánh cụt.
Đâu còn cảnh tung tăng, nói cười nhí nhảnh. Đâu còn tiếng guốc khua trên hè phố nghe động tận tim ai. Và đâu còn cảnh nữ sinh bay nhiều quá/ những cánh tay mềm như cánh chim.

Áo đã như thế nên mộng cũng không còn trắng trong. Chiếc tủ hồn em chật ních những ước mơ làm người mẫu chân dài, làm ca sĩ, lấy chồng đại gia, có tệ lắm cũng phải là một anh Đại Hàn nhà quê.
Thế thì áo trắng ơi, sống lại mà làm gì. Đã là mây thì xin mây cứ bay đi. Bạch vân thiên tải không du du!*

Lữ Quỳnh,
Buồn Như Ly Rượu Cạn

Tôi gặp anh lần đầu ở tuổi ngoài bảy mươi. Anh từ Sài Gòn ra, tôi từ Ninh Hòa tới, trong căn nhà lộng gió của Nguyễn Lệ Uyên, ở Tuy Hòa.

Gặp nhau lần đầu nhưng không bỡ ngỡ. Vì trước đó, chúng tôi đã từng biết nhau qua những trang viết. Mà những trang viết của mỗi người, tuy không nói về mình, nhưng cái “hồn” của người viết vẫn cứ hiện ra: tôi, dữ dội, cay chua, anh thâm trầm, nhân ái.

Trong buổi gặp đó, tuy không uống rượu (vì bệnh), nhưng anh vẫn lấy từ trong túi xắc ra một chai whisky, có lẽ mang từ Mỹ về để mừng cho buổi gặp mặt.

Chúng tôi, uống ít thôi, nhưng nói khá nhiều. Nói đủ thứ chuyện, không đâu vào đâu.

Khoảng 2 giờ tôi xin xuống ga, về Ninh Hòa (vì đã lấy vé khứ hồi). Nhưng các anh bảo về chi vội, để tối cùng đi với Quỳnh và Minh, tôi thấy cũng được, nên ở lại.

Chiều, Nguyên Minh đi thăm sui gia, rồi chúng tôi cùng đến nhà Trần Huiền Ân, ăn Tết muộn.

Ga ngày Tết đông cứng người, tôi định nếu không mua được vé, thì cứ leo đại lên tàu, chịu phạt vậy. Nhưng không ngờ, anh lại lấy được vé cho tôi, mà là ghế ngồi có số đàng hoàng chứ không phải ghế “súp” như của anh và Nguyên Minh .

Lên tàu, rất may có các cô gái nhường chỗ. Tôi và Minh nói chuyện cùng với tiếng tàu chạy rì rầm. Anh chỉ yên lặng.

Xuống Nha Trang, anh rủ tôi và Minh lên ngồi uống nước trên Book-coffee ở gần ga, đợi tiễn tôi về lại Ninh Hòa.

Có thể nói, suốt một ngày dài, anh nói rất ít. Mà lại nói rất nhỏ nhẹ. Nhẹ đến nỗi có lúc tôi giật mình, tưởng cái bóng của anh nói chứ không phải anh.

Đêm đó tôi tưởng các anh ngủ ở một khách sạn ven biển, rồi sáng dậy sớm ra bãi ngắm mặt trời mọc. Ai ngờ, đi mỏi cẳng chẳng tìm ra khách sạn nào còn phòng. Đành lên ga, quay về Sài Gòn. Mà nghe đâu chỉ đứng chứ không có chỗ ngồi. Mấy ngày sau, lại nghe anh vào viện để giải phẫu gì đó.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến các cụ ngày xưa, chống gậy đi tìm nhau chỉ để uống một chén rượu mùa thu. Anh từ Mỹ, ngồi trên máy bay hơn 20 giờ, rồi lại ngồi xe lửa ngày Tết chật cứng người, đến những mười mấy tiếng nữa, mang theo chai rượu chỉ để nhìn bạn uống. Cái tình của anh còn dài rộng hơn các cụ ngày xưa rất nhiều.

Không phải vì một cái vé tàu Tuy Hòa-Ninh Hòa, mà tôi quý anh. Mà vì cái lo kín đáo của anh, lo vì ở lại với anh, nên tôi có thể không lên được tàu. Một điều nữa, giá như xuống ga Nha Trang, anh và Nguyên Minh kêu taxi đi tìm khách sạn, thì thế nào cũng kiếm được một chỗ qua đêm. Đàng này, anh không nỡ bỏ tôi ở lại ga một mình để chờ chuyến tàu khuya. Cơ sự như thế nên mới ra cái nông nỗi, hai ông bạn già lang thang trong thành phố biển đã bắt đầu say ngủ!

Cái “buổi ban đầu ấy” đọng lại trong tôi rất nhiều. Đương nhiên, anh cao lớn hơn Minh, nhưng trông anh, tôi thấy sao giống Thạch Lam quá. Giống ở đôi mắt to, sâu và buồn. Và nhất là giống những trang viết. Giản dị, nhẹ nhàng nhưng buồn kín đáo.

Ở Thạch Lam, là nỗi buồn ga nhỏ, buồn của nhà mẹ Lê. Ở anh là buồn với “Những cơn mưa mùa đông” xứ Huế, buồn vì mất bạn cũng mồ côi*, vì quán hoa giấy chiều nay lãng đãng/uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không.

Dường như có rất nhiều người đến tưới rượu lên mộ Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ là để nhớ một bạn nhậu chứ không phải nhớ tiếng đàn, tiếng hát của Trịnh.

Anh, nhớ bạn, vào quán một mình, kêu một ly rượu đầy và một chiếc ly không. Lặng lẽ ngồi, lặng lẽ uống. Hết ly mình, đến ly bạn. Mà ly bạn chỉ có ngụm nắng tàn.

Cái cảnh một ly mình và một ly không, tôi cho là buồn và thật đẹp. Đẹp vì cái tình bạn sóng sánh trong ly rượu. Đẹp vì chiếc ly không đựng chút nắng tàn.

Nhưng anh không phải là con người của trầm tư, hay làm ra vẻ trầm tư. Anh là con người của công việc, của gia đinh vợ con. Không ai dám phê phán anh điều gì.

Nhưng sao anh cứ buồn, không phải cái buồn vạn cổ, cũng không phải cái buồn thời đại, một cõi buồn riêng có vẻ bơ thờ lạc lõng, buồn của một điếu thuốc lá ngậm hoài thấy nhạt.

Giờ đây đã đến lúc chống gậy đi tới nơi phải tới, biết đâu, tôi hay anh, sẽ là người đựng chút nắng tàn trong chiếc ly không.
Dù, chỉ có vậy, cũng xin uống cạn.

*thơ Đinh Cường
In nghiêng: thơ Lữ Quỳnh

Những Đứa Trẻ Tháng Tư

Thủa ấy, thế hệ chúng tôi thường ca cẩm đầu thai nhầm thế kỷ!. Cái thế kỷ mà chúng tôi ngán ngẩm là thế kỷ hai mươi, với thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, rồi chiến tranh lạnh, chiến tranh qui ước và cuộc nội chiến lê thê suốt hai mươi năm dài.

Kêu trong chán nản, trong hờn dỗi nhưng không tuyệt vọng. Vì còn kêu được kia mà. Chỉ có một chút tấm tức, sao không được sinh ra trong những thế kỷ yên bình. Có nghĩa rằng, dù thế nào chăng nữa, thì được sinh ra làm người vẫn hơn là không được sinh ra.

Khác hẳn với những đứa trẻ sinh ra trong tháng tư, bảy lăm, sau chúng tôi một thế hệ. Chúng không kêu mà hỏi: sinh chúng tôi ra làm gì?

Đó là những đứa trẻ mẹ mang đầy bụng, mẹ không thở ra hơi mà vẫn phải bết bát chạy.

Chạy từ cầu Ái Tử qua cầu Tràng Tiền. Rồi từ cầu Tràng Tiền lê lết trèo qua đèo Hải Vân. Rồi từ đèo Hải Vân qua đèo Mẹ Bồng Con. Sau cùng đến giữa trái tim thủ đô Sài Gòn, vẫn phải giẫm đạp lên nhau để xuống bến Bạch Đằng, hay chen lấn nhau đến nghẹt thở để chui vào phi cảng Tân Sơn Nhất. Một cuộc chạy Marathon dài nhất trong lịch sử.

Và rồi mẹ sinh. Không phải trong nhà thương Từ Dũ với sự giúp sức của các bác sĩ và cô đỡ mát tay để mẹ tròn con vuông.

Mà sinh, có thể là lúc đang chạy trối chết, con rớt trong quần mà mẹ không hay.

Cũng có thể là lúc mẹ mệt quá cái đôi chân này đang ngồi tựa lưng vào một bức tường lỗ chỗ dấu đạn. Rồi con lặng lẽ chui ra mà mẹ không cần phải rặn, đúng hơn là không còn hơi sức đâu mà rặn.

Có thể trong thùng xe chất cứng người, suýt nữa con bị người ta đạp cho nát bét.

Có thể trên con tàu mấp mé sắp chìm, người ta đang ném những xác chết và những người sắp chết xuống biển cho nhẹ bớt. (Cũng may họ không ném những người đàn bà chửa)

Có thể trong khoang trực thăng mà viên phi công bị đạn dưới đất bắn lên, xuyên qua ghế ngồi khiến anh ta đầm đìa máu, vẫn cố sức giữ cho máy bay khỏi rơi.

Có thể mọi lúc, mọi nơi, mọi giờ, mọi phút.
Ngay cả phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, khi tông tông Dương Văn Minh vừa nói xong mấy tiếng “đầu hàng không điều kiện”.

Mẹ sinh, không có cha bên cạnh.
Có thể cha đã chết trong chiến hào, có thể đang chiến đấu mà súng bị gãy, có thể bị thương, bị bắt, cũng có thể cởi bỏ quân phục lẫn lộn giữa đám thường dân đói khát trên quốc lộ số 1

Người ta đi biển có đôi
Còn tôi đi biển mồ côi một mình.

Mẹ sinh con ra chỉ mình ên, quạnh hiu lắm con ơi!
Mẹ sinh con ra, chính mẹ, cũng không biết để làm gì!
Không biết để làm gì nhưng vẫn muốn con được sống.
Giữa chốn đông người, mẹ vẫn cứ vạch áo ra cho con bú. Tuy chỉ uống nước lã cầm hơi, mẹ cũng hãy còn một ít máu. Những giọt máu hiếm hoi màu đỏ khi chảy qua miệng con vẫn thành màu trắng thơm tho.

Và kỳ diệu làm sao, con vẫn sống được.
Nghĩa là con vẫn thở trong khi khắp nơi đậm đặc mùi xác chết thối rữa, mùi khói, mùi xăng, mùi nhà cháy. Và con vẫn khóc được trong tiếng đại bác ì ầm, tiếng A.K cọc cọc, tiếng xe tăng rít trên mặt đường.

Con sống, nhưng sau cái phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, mẹ ngơ ngác không biết đang ở đâu, rồi sẽ đi về đâu giữa rừng cờ nửa xanh nửa đỏ.

Sau cùng, mẹ cũng hiểu ra rằng lịch sử đã sang trang. Không chỉ riêng mình mẹ mà nửa nước đều thấy xa lạ với chính thành phố, xóm làng của mình. Ngay cả con phố, căn nhà, mảnh vườn cũng không còn là của mình nữa.

Mẹ bị đuổi về quê làm xã viên hợp tác xã. Mẹ lội xuống ruộng, mặc dù rất sợ đỉa, để cấy, gặt. Đôi lúc mẹ trần vai để kéo cày thay trâu. Mẹ làm ra lúa ra khoai đầy kho đụn, nhưng mẹ và những người đội nón lá chỉ làm cho nón cối hưởng, nên con vẫn đói khát, bủng beo.

Mẹ bị hốt trong đêm quẳng lên rừng thiêng nước độc, gọi là kinh tế mới. Mẹ phải sống chung với rắn rít và cả cọp beo, khi ấy hãy còn nhiều lắm. Mẹ bẻ măng rừng, hái nấm ăn cho đỡ đói. Nhiều lần ăn phải nấm độc suýt chết. Cả con và mẹ đều bị sốt rét rừng, bụng ỏng da vàng khè.

Chịu hết xiết, mẹ cõng con trốn về thành phố. Mẹ vay mượn chút ít chạy chợ trên, lộn chợ dưới. Bị mắng là con buôn, bị quản lý thị trường rượt đuổi còn hơn mã tà. Một đôi lần bị cướp sạch cả vốn. Đến nổi, nói ra thật xấu hổ, chỉ còn cái vốn trời cho. Để làm lại cuộc đời mẹ đã thử theo bè bạn đi đứng đường. Nhưng mẹ gầy yếu teo tốp quá, chẳng ai thèm rớ tới.

Cũng may, lúc ấy cha con chẳng phải chết, chỉ bị bắt đi cải tạo, vừa được thả ra. Cha con còn thảm não hơn cả mẹ. Nhưng nhờ cái gọi là tình chồng nghĩa vợ, mẹ cha cũng gắng gượng mà sống để nuôi con. Cha đạp xe thồ, bán cà rem, mẹ lượm lon nhặt giấy vụn trong bãi rác.

Rồi con cũng học đến lớp 12.
Nhưng tới đó thì thôi, cánh cửa đại học đã đóng sầm trước mặt con.

Con bị ném vào đời không nghề nghiệp, không vốn liếng.
Con sống lây lất cho đến hôm nay.

Hôm nay, những đứa trẻ tháng tư năm ấy đã bốn mươi tuổi, cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc. Còn bi đát tội nghiệp hơn cả cha mẹ, chúng không có quá khứ để tiếc thương, không có tương lai để hướng tới, chỉ có cái hiện tại không sắc màu, không mùi vị, như một con số không chẳng biết để làm gì.

Trong gia đình, nhìn thấy mẹ cha co rúm, mòn cùn, tuy không nói ra, nhưng chúng thừa biết họ là những kẻ hèn. Ngoài xã hội, chúng chỉ đứng bên lề, nếu không muốn nói là đứng dưới đáy. Trong khi những đứa cùng năm sinh, tháng sinh nhưng ở nửa nước bên kia hay dưới cái dù lý lịch màu đỏ phía bên này đang được cơ cấu vào những chức vụ ngon ăn, sắp sửa đi làm đầy tớ cho những ông chủ kém may mắn nói trên.

Thế nên, đến chết vẫn còn nguyên câu hỏi: Sinh ra trong chết chóc, lớn lên trong đói khổ và suốt đời sống trong ô nhục, vậy sinh chúng tôi ra làm gì?!

17.4.2015

Tiếng Sáo Người Em Út
Của Dương Nghiễm Mậu

Dù là một nhà văn được nhóm Sáng Tạo phát hiện, nhưng Dương Nghiễm Mậu không viết như Mai Thảo, nghĩa là không cách tân lối viết, không quá chú trọng làm sao cho mỗi chữ gõ lên nghe leng keng.

Ông có vẻ như một “phu chữ” kiên nhẫn “gánh” những con chữ như cách Hữu Loan gánh từng tảng đá, để dựng nên ngôi nhà chữ nghĩa của mình. Ngôi nhà ấy, mới trông rất bình thường nếu không muốn nói là tầm thường.

Nhưng bước vào trong, cái vừa hấp dẫn vừa làm ta ngài ngại, chính là không khí trong mỗi truyện, một không khí hơi lành lạnh, hơi u uất, hơi dằng xé. Truyện nào cũng đau đau, buồn buồn, để lại hay làm bật lên trong lòng người đọc những suy nghĩ, những băn khoăn thực khó gọi tên, nhưng rất gần và rất thực.

Như truyện có thể gọi là rất mỏng và rất nhẹ của ông mà tôi sắp nói tới đây: truyện Tiếng sáo người em út.

Truyện không hơn 10 trang in, chỉ có 3 nhân vật. Người anh cả, người em út và người cha vừa mới chết.

Người anh cả về thăm nhà không báo trước, nghe tiếng sáo của người em út không còn thô mộc mà nay đã chín, cảm thấy rất vui. Người anh vào nhà, thấy cha đang nằm, để yên cho cha ngủ. Nói chuyện với người em đang xúc lúa từ cỗ áo quan, mới biết người em gái kề đã chết. Nói về ông nội, về mẹ. Sau cùng người em út nhờ người anh cả giúp mình khiêng cỗ áo quan lên nhà trên. Người anh nhíu mày: “Mang lên làm gì?”. “Cho cha nằm”, người em nói. Người anh lặng đi đôi mắt mở lớn nhìn người em không chớp: “cha chết rồi sao?”. “Cha đi tối hôm qua”. Người anh vụt bỏ chạy lên nhà trên, tiếng bước chân, tiếng cửa va đập rồi tiếng khóc oằn lên…

Những sự việc nêu trên tưởng là rất bình thường hóa ra rất kịch tính. Từng lớp, từng lớp như những cánh cửa gỗ trong một ngôi nhà cổ mở dần ra, để sau cùng dẫn người đọc tới cái nỗi đau òa vỡ của người anh cả: sau bao nhiêu năm mới về thăm nhà thì cha đã chết! Chỉ ba chữ khóc oằn lên đã cho ta thấy được cái bất hạnh nghẹn ngào của đứa con tự kết tội mình.

Nhưng nếu chỉ để kể lại một câu chuyện buồn như thế thì chắc tác giả cũng không muốn kể làm gì. Tác giả còn muốn hơn thế nữa. Muốn qua người em út nói đến cách sống và cách nhìn đời của người cha. Một người, cả đời không làm gì quấy, không có gì phải hối hận…cha nhẹ lòng khi nhắm mắt có con ở bên. Con hãy thổi sáo cho cha nghe. Và em đã thổi sáo từ đêm qua đến giờ…

Người em út , mới đọc lướt qua, tưởng đó là một người vô tâm nếu không muốn nói là không giữ tròn chữ hiếu. Cha chết mà lại đi thổi sáo! Chẳng tẩm liệm, chẵng để cha mang theo một thứ gì ngoài những hạt thóc đựng trong ruột tượng của mẹ. Tự mình bồng cha lên đặt vào cổ áo quan, để cha gối đầu lên đó. Cũng không ma chay, chỉ có bát cơm trắng mời cha cùng ăn với hai anh em. Cũng không trống kèn ỉ eo, chỉ có mỗi tiếng sáo đơn độc của mình!

Nhưng đó là một người con trai út rất hiểu cha, yêu cha và biết nối chí cha, dù giặc giã, dù trâu không còn một con cũng cố bám lấy đất vì đất vẫn chung tình cho họ từng hạt lúa. Khi người em thổi cơm, từng hạt gạo rơi xuống gặp phải lửa thành bỏng gạo, người em nhặt lên bỏ vào miệng chứ không để cháy thành than. Và tuy người em út bảo anh về thì em sẽ đi, nhưng cuối cùng: anh nghĩ em bỏ nơi này mà đi được sao? Ai cũng bỏ đi cả thì nơi này ai coi, ruộng ai cày và những người như anh lấy đâu nơi để trở về?

Người em út qua những cử chỉ, lời nói có vẻ không còn là một người em nhỏ bé nữa. Anh ta sống bên cạnh cha từ nhỏ, chứng kiến bao nhiêu cái chết, bao nhiêu đổi thay chẳng những đã trưởng thành mà còn trở nên già dặn, sâu sắc. Ta có cảm tưởng người anh cả đang nói chuyện với cha mình chứ không phải với người em út. Hay nói cách khác, chính người em út là hình bóng còn đọng lại của người cha.

Người anh cả, thời gian và đường xa đã dạy cho anh những gì? Chị bé đã chết, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu đổi thay, anh đâu có sống với những điều đó? người mà mỗi lần nhắc tới anh, cha tép miệng rồi mỉm cười: nó có còn sống thì cũng như đã chết.
Người anh trở về ít nhiều mang mặc cảm tội lỗi với gia đình. Nhưng đó không phải là một người phá gia chi tử, không đàng đúm ngược xuôi mà bỏ nhà đi vì một mộng tưởng nào đó, cho dù là lạc đường dại dột. Người cha với lòng thương con, đã bênh vực người anh cả khi nói, anh đã sống thay cho cha.

Trong truyện Gia tài của mẹ, người mẹ chính là hình ảnh tượng trưng của một nước Việt Nam nội chiến từng ngày. Thì ở truyện này, tôi cũng thấy một nước Việt Nam qua hình ảnh của người cha nghèo dù trải qua bao đời vẫn bám giữ lấy đất và truyền lại ý nguyện đó cho thế hệ mai sau.
Truyện được viết tại Sài Gòn, 1974. Gần 40 năm sau, đọc lại mà giật mình. Những ruộng đồng Việt Nam, giờ rất thiếu đàn ông, chỉ có đàn bà và các người già là còn cố bám lấy đất.

Người anh cả ấy, giả dụ như ra đi từ sau 75 liệu lúc này trở về có còn được nghe tiếng sáo của người em út? Một tiếng sáo rất nhẹ nhàng nhưng là tiếng sáo nhẫn nhục của người ở lại. Tiếng sáo không than van, không óan trách, nhưng sao nghe rất bùi ngùi.

Vì bỏ nơi này mà đi được sao, nên tác giả sau 75 không ngờ lại là “người em út”, người sống với bao nhiêu đổi thay, bao người đã chết, quyết trụ lại nơi này dù biết rằng ô nhục, tù đày vì nếu không thì những người như các anh lấy đâu nơi để trở về?

Trên tôi đã nói, những con chữ của tác giả rất thô mộc. Không kéo lê thê với những tính từ trùng lắp không cần thiết. Tôi có cảm giác những con chữ ấy là những hạt gạo trên sàng, nghĩa là tác giả đã lọc lựa rất kỹ, nhất là những hạt sạn. Người khác, có thể vì tiếng sáo mà kết thêm hoa lá cành để có thể là tiếng sáo của Trương Lương, hay của Trương Chi. Nhưng ở đây: tiếng sáo không còn thô mộc, non nớt, chập chững những bước đầu đời mà nay tiếng sáo đã chín. Từ thô mộc/non nớt/chập chững đến đã chín là cả một khoảng thời gian dài. Những lần tiếng sáo cất lên, đều vui tươi thanh thoát, chỉ sau cùng, khi chôn cha xong, mới bi thiết.

Tiếng sáo ấy tuy phát ra từ hơi thở của người con út, nhưng thực sự là tiếng lòng của người cha. Vì thế, khi thổi xong, người em út đã cắm chiếc sáo trên mộ cha. Cử chỉ này gợi nhớ đến người xưa trả kiếm bên mộ. Lòng hiếu thảo của người em út thật khác người, bi tráng.
Tác giả cố ý không đặt tên cho các nhân vật. Chỉ nhắc đi nhắc lại, người cha, người anh cả, người em út. Vậy nên, người nào cũng có thể là người cha, người anh cả và người em út trong mỗi gia đình Việt Nam. Có nghĩa rằng ít nhiều người đọc bồi hồi thấy thấp thoáng hình bóng của mình trong đó.

Tiếng sáo nói lên được tiếng lòng của người cha, thì cỗ áo quan lại nói lên cả một khoảng thời gian dài từ ông nội với cái án xử bắn, với đứa con gái chết chùm một lúc bốn người không nhặt được xác để chôn, nó gợi nhớ đến một cuộc chiến tranh quá dài, dài đến nỗi không còn làm ai xúc động được nữa trước cái chết. Và tấm nhiễu đỏ, được chôn theo cha, phải chăng là máu và nước mắt từ nay hãy tan vào lòng đất để cho cây lúa lại mọc lên tươi tốt?

Nhiều người thường nói tới cái hiện sinh mà Dương Nghiễm Mậu chịu ảnh hưởng của các trào lưu phương tây. Tôi nghĩ, cũng chỉ là một chiếc áo mà chính họ cho là đẹp, là mới, muốn khoác lên tư tưởng Dương Nghiễm Mậu, thế thôi. Tư tưởng của ông rất Việt Nam, rất nhân hậu. Có ảnh hưởng chăng là cách viết, cách dùng câu chữ, cách dựng truyện của ông. Mỗi chi tiết đều phải thật cần thiết, phải sắp xếp sao cho thật khoa học. Từ chiếc sáo đến cỗ áo quan, cái ruột tượng của mẹ, bát cám lợn, bát cơm…đều được đặt đúng lúc đúng chỗ. Vì vậy, truyện không lan man mà chặt chẽ như một kịch bản phim. Trọng tâm của truyện là tâm hồn và nhân cách của người cha được bao quanh những lớp vỏ như một củ hành. Cái lõi cay nhất, nồng nhất nằm ở lớp vỏ tận cùng. Chỉ một cái ruột tượng của mẹ đựng đầy lúa để gối đầu cho cha, cũng đủ cho ta thấy ông yêu vợ đến thế nào. Và cũng chỉ có người con út mới hiểu được tình yêu đó của ông.

Tôi thấy cách viết đó phảng phất như E.Hemingway viết Lão ngư ông và biển cả. Cái bộ xương cá bên cạnh chiếc thuyền tơi tả kia nếu tác giả không đưa vào truyện thì coi như đã không có một Lão ngư ông và biển cả làm xúc động cả thế giới.

Truyện cũng gợi nhớ đến Malentendu của A. Camus, ở đó người em gái Martha đã nguyền rủa người anh vắng mặt của mình với tất cả căm hận, vì thế mới đưa đến ngộ nhận đến nỗi người mẹ giết con. Ở đây, người em không kết án người anh, tuy có ít nhiều trách móc anh đã bỏ nhà đi. Vì vậy, toàn bộ câu chuyện tuy có vẻ buồn nhưng không đến nỗi trở thành bi kịch. Vẫn có chỗ cho tình anh em, tình cha con, có chỗ cho sự dung thứ. Và đó là cái khác biệt giữa một Âu châu đổ nát sau thế chiến thứ hai với một Việt Nam sau một cuộc chiến tương tàn quá dài.

Chỉ với một truyện ngắn này thôi, ta cũng đã nhìn ra được tầm vóc của một bậc thầy. Phải chăng vì vậy mà Vũ Hạnh đã dùng cái mã tấu “phản động” để “chặt” ông khi thấy tác phẩm này được tái bản?

Khuất Đẩu