Võ Thị Điềm Đạm

Vo Thi Diem Dam

Lan Rừng

Tiếng đàn violin của những ngón tay cứng mới tập, của cườm tay ngập ngừng đưa tới đưa lui, melodi lúc nhịp nhàng lúc đứt đoạn vì thỉnh thoảng sai note sai nhịp, vang từ lầu trên theo cầu thang len qua cánh cửa ngăn tiệm và phòng nghỉ ngơi, cẩn thận tràn vào cửa tiệm gần năm mươi mét vuông. Đứng coi tiệm chưa được mười phút, tiếng đàn văng vẳng làm Phi bực tức. Phi không bực vì tiếng đàn quá vụng về của người mới tập, anh bực vì nhận ra cái tâm địa của Kiều Lan.

Tiệm vắng khách chỉ làm cho đầu óc Phi rộng chỗ mà ngẫm nghĩ. Hừm… té ra cô nàng nhờ mình đến coi tiệm chiều nay để có thì giờ tập đàn. Ừm… dỡ thói học làm trí thức, học làm sang. Té ra cô nàng lợi dụng mối tình cảm ngày xưa, lợi dụng hoàn cảnh mới ly dị, một thân một mình với thằng con sáu tuổi, nay nhờ chuyện này mai nhờ chuyện kia. Đầu óc cô nàng sao mà ngắn ngủn, đục ngầu không lường được. Hừm… vợ chồng mình với vợ chồng cô nàng thân nhau mấy năm như vậy mà cô nàng không hiểu được tình bạn này hay sao. Hừm… ráng cư xử thẳng thắng có học dầu cô nàng đã ly dị với Dương thì cô nàng lại tưởng mình còn lưu luyến, còn tiếc nuối nên tìm cách dùng mình như tấm giẻ lau. Hừm… tội nghiệp Nga, chẳng phàn nàn một lời khi mình bảo sẽ lên phố coi dùm cửa tiệm Natiki vài tiếng đồng hồ. Nga biết mình ngày xưa có thời theo đuổi cô nàng. Nhưng từ khi quen Dương, quen luôn cô nàng, Nga hiểu mình chẳng còn chút lưu luyến, nên Nga chưa bao giờ cằn nhằn khi mình ra tay giúp đỡ cô nàng trong hoàn cảnh một mình với con với cửa tiệm. Hừm… tưởng nhờ mình coi tiệm để cô nàng lo cho thằng Nhân, té ra là gởi thằng con ở đâu đó để rảnh tay tập đàn. Nể Dương là bạn nên giúp, thương thằng nhỏ nên ráng đỡ một tay. Hừm… hèn gì cả tháng nay, hầu như chiều thứ năm tuần nào cô nàng cũng bảo sẽ đi công chuyện chừng một tiếng, nhờ mình đến coi tiệm. Hừm… một tiếng mỗi tuần để đi học đàn cho nên mới kéo đàn được đến trình độ đó chứ xưa nay cô nàng có biết đàn trống gì đâu. Đi làm về, cơm nước chưa ráo miệng, bị gọi lại nhờ coi tiệm, cực chẳng đã…

Càng nghĩ, mặt Phi càng nóng. Phi đứng phắt dậy, đi vào phòng trong, căn phòng vừa là nơi ngồi nghỉ trưa, vừa chứa hàng. Phi với tay dựt mạnh cái áo khoát, mặc vào, đứng dưới chân cầu thang, không giữ được giọng bình tỉnh, nói vọng lên
– Tôi đi về đây.

Không một lời giải thích. Không chờ trả lời. Không cần biết là Kiều Lan có nghe hay không. Không chờ Kiều Lan đi xuống để coi tiệm. Phi đẩy cửa bước ra ngoài. Khí trời tháng năm trong mát, nắng chiều sáu giờ vẫn còn nóng ấm, sự dễ tính của tiết đầu hè nơi thành phố Dramen làm lòng Phi dịu dần dần.

Tiếng đàn ngưng bất chợt khi nghe Phi nói lớn giọng. Tiếng chuông cửa reo vui nhẹ mỗi khi có khách hàng ra vô vang lên, ngắn gọn. Lắng tai. Không nghe Phi chào khách, im lìm không người. Kiều Lan đặt cẩn thận cây đàn lên giường, đi xuống ngay lúc cánh cửa ra vô khép lại phía sau lưng áo khoát màu cà phê sữa quen thuộc của Phi. Sửng sốt, Kiều Lan chạy ra đường, kêu to
-Anh Phi, anh Phi, anh đi đâu vậy?

Biết Phi nghe nhưng Phi không quay lại, cứ hướng nhà gởi xe mà tới, Kiều Lan vùng vằng đi vô tiệm, miệng lẩm bẩm: Tự nhiên trở chứng. Đi về bất tử kiểu này thì làm sao mà tới kịp giờ học đàn đây. Đồ cà chớn, chắc con Nga gọi giựt ngược về thay tả cho con đây. Thứ sợ vợ. Thứ đi thưa về trình. Điệu này chỉ có nước đóng cửa tiệm mà đi thôi, không bỏ giờ học đàn được, phí hai trăm bạc. Hừm… đóng cửa tiệm thì mất khách. Nhưng phải ráng học, lỡ khoe ẩu với Magnus… hừm… tưởng ráng được thêm vài tuần nữa cũng đủ… hừm…

Tiếng là ly dị chứ thật ra phải gọi là bỏ nhau mới đúng. Tiệc cưới của Kiều Lan và Dương được tổ chức khá long trọng có đầy đủ gia đình họ hàng nhà Dương, người cô của Kiều Lan, đầy đủ bạn bè Việt Nam, nhưng thiếu ba của Kiều Lan vì ông còn đang ở trại tị nạn, thiếu bạn bè Na Uy, thiếu giấy chứng nhận của phòng hành chánh quận. Địa chỉ Dương vẫn nằm ở nhà ba mẹ, ông bà thiếu tá hải quân Tôn Thất Hồng thì việc Dương ra khỏi căn nhà trên đồi Eider cũng không có gì là rắc rối. Còn giữ được cửa tiệm ở Sandefjord là Dương cũng may mắn lắm rồi, nhờ kế hoạch Kiều Lan đứng tên một tiệm, Dương đứng tên một tiệm để nhẹ thuế má.

Kiều Lan đẹp, đẹp từ vóc dáng dong dỏng cao biết ăn diện thanh nhã, đẹp ở gương mặt xương xương đều nét, đẹp cả ở cái lý lịch do Kiều Lan kể bố là phó quận đã ở vậy nuôi đứa con gái độc nhất từ khi vợ chết sau lần sanh Kiều Lan. Mười chín tuổi, qua Na Uy với người cô già không chồng nhưng khá dễ tánh nên Kiều Lan mặc sức lựa chọn trong đám thanh niên từ anh sinh viên sắp ra trường cho tới anh đang học lại để lấy bằng tú tài như Phi và Dương. Dương và Phi là đôi bạn thân từ những ngày bên trại tị nạn, cùng vỡn vờ tán tỉnh Kiều Lan như bao chàng trai khác. Nhưng rốt cục, cái gốc con ông thiếu tá hải quân dòng Tôn Thất đã làm xiêu lòng cô gái chuộng nơi có nguồn gốc môn đăng hộ đối. Phi chỉ là con trai thứ trong một gia đình công chức nghèo, không xứng đáng với cô con gái độc nhất của ông phó quận.

Dầu cho Dương và cả mấy người con của gia đình ông thiếu tá hải quân Tôn Thất Hồng không ai theo nổi cái bằng tú tài thì Kiều Lan chỉ cần kể cho bạn bè nghe về ông chú chồng Tôn Thất này đã du học ở Canada rồi định cư luôn, đến bà cô chồng Công Tằng Tôn Nữ kia đang là bác sĩ ở Mỹ… thêm vào ông bố cựu phó quận đã qua Mỹ và xin được ngay chức chủ sự phòng, phải cưới vợ theo sự năn nỉ của đứa con gái mong muốn bố mình tìm được an vui nơi xứ người, cũng đủ cho Kiều Lan tự đặt mình vào giai cấp danh giá. Mở cửa tiệm bán tặng phẩm chỉ là một cách để làm ăn tự do, làm nhiều hưởng nhiều, không bị nay làm hãng này mai thất nghiệp sở kia như nhiều người. Ở nước ngoài thì phải sống theo người ta, cái gốc sữa mẹ trung lưu nó nằm luôn mãi trong mỗi con người, Kiều Lan thường nói chuyện với bạn bè như thế.

Thật nhiều lợi điểm nếu khai con không cha. Vì Dương không đứng tên là cha trong khai sanh, không phải trả tiền nuôi con cho người mẹ nên Kiều Lan được hưởng vừa hai phần tiền có con nhỏ vừa hưởng tiền phụ cấp phụ trội. Không có giấy tờ hôn thú, không sống chung trên phương diện pháp lý cho nên khi mua nhà, Kiều Lan đứng tên nhà là tiện lợi đủ điều. Phụ nữ độc thân có con nhỏ, được sở Nhà Đất Tị Nạn cho mượn tối đa với tiền lời thật thấp và sở thuế má cũng thương tình hoàn cảnh một mẹ nuôi con. Mọi khẻ hở trong những luật lệ, điều khoảng trợ cấp, tương trợ ở một xã hội đặt sự an vui của từng người dân lên hàng đầu đuợc Dương và Kiều Lan khai thác tối đa. Khi tình yêu còn mặn nồng, không ai tính toán chi li. Vài năm, Dương nhận ra từ từ những yếu điểm của mình trong căn nhà do chính mình đóng góp, bỏ công tu sửa. Đến chừng Dương đề nghị mua nhà khác để cả hai cùng đứng tên và đề nghị ra toà hành chánh quận để làm hôn thú thì chỉ nhận trả bằng nụ cười mỉa mai thách đố của Kiều Lan. Dương cắn răng không than thở được với bạn bè một lời. Cả Dương và gia đình không dám đưa nội vụ ra tòa vì biết chắc phần thắng sẽ nghiêng về phía người đàn bà và đứa con nhỏ. Tốt nhất là giữ hòa khí để còn được Kiều Lan cho phép Dương thỉnh thoảng đưa cháu về thăm nội.

Thật ra, khi mới quen và một năm đầu sống chung, Kiều Lan rất hợp với gia đình chồng, với mẹ chồng và chị em của Dương, hợp cách lối ăn diện sang trọng, ngoại trừ ông thiếu tá hải quân Tôn Thất Hồng. Sau bảy mươi lăm, bà thiếu tá Tôn Thất Hồng đủ sức mang bốn giỏ xách nặng chỉu nuôi chồng ba tháng một lần là nhờ sự đua đòi ăn diện của một số nữ cán bộ cao cấp, phu nhân và tiểu thư cán bộ từ Hà Nội. Hột xoàn! Bàn tay dầu có thô kệch khô cằn vì quen cầm súng đạn, quen bầm rau nuôi lợn, quen kềm cứng cái ghi đong xe đạp lên dốc đổ dốc trong mưa nắng… suốt hai mươi năm hạt gạo cắn làm tư, chỉ cần nét lấp lánh trên chiếc nhẫn, trên đôi bông tai là các bà các cô có thể tự xếp mình vào tầng lớp trưởng giả mới. Buôn bán hột xoàn với các tân mệnh phụ, các tân tiểu thư rất thoải mái. Thứ nhất, khách hàng càng lúc càng giàu. Thứ hai, cứ bảo hột xoàn của chồng tôi ngày xưa là thiếu tá, trung tá, tỉnh trưởng… mua từ HongKong, từ Singapore là có giá ngay. Đã thế, lại được quen các “cựu mệnh phụ”, được truyền dạy cách thức ăn diện, học hỏi lề lối chuyện trò lịch sự của giới phụ nữ miền Nam. Thứ ba, các bà tân mệnh phụ, các cô tân tiểu thư suốt đời chưa bao giờ biết tin người, thế mà bây giờ lại tin từng lời tâng bốc của những “cựu mệnh phụ” vì sa cơ lỡ thế phải cắn lòng bán đi “quà kỷ niệm của chồng”. Buôn hột xoàn, dầu là hột xoàn lắm bụi lắm than từ Tàu, từ Thái Lan đưa vào, các bà “cựu mệnh phụ” vẫn còn giữ được nếp sống khá phong lưu nếu so với đa số ở miền nam. Con cái gia đình thiếu tá Tôn Thất Hồng có mòi ăn diện theo thời hơn trước bảy mươi lăm vì người cha nghiêm khắc đã vào tù. Với quan niệm quần áo, bề ngoài tạo nên con người, bà cựu thiếu tá và con cái ráng tu dưỡng cái gốc trung lưu qua cách chưng diện. Quả thật, đã thuộc lớp trung lưu trước bảy mươi lăm, biết dùng hàng La Coste, Channel… thì làm sao mất được nguồn gốc Tôn Thất.

Cái thế gia trưởng của ông cựu thiếu tá hải quân Tôn Thất Hồng không còn hiệu nghiệm từ khi phải sống nhờ lợi tức buôn bán của vợ, trong thời gian ở tù cũng như mãn tù. Nhất là khi sống đời tị nạn ở Na Uy. Thất chí, ông chỉ muốn an phận, thu nhỏ nên để mặc vợ con bương chãi với đời sống mới. Ông chỉ biết thở dài khi càng ngày càng nhận ra sự ăn diện đua đòi vượt khỏi địa vị ăn nhờ ở đậu của thân phận tị nạn. Và bây giờ thêm cô con dâu, như thêm một vũ công trong ban vũ có cả nam lẫn nữ đang diễn qua diễn lại trước mắt. Ông chán nản đến độ không muốn tham gia một hoạt động nào của cộng đồng người Việt, ngay cả hội đoàn cựu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà ông là một trong những người có chức vị cao nhất.

Tiếng chim ríu ra ríu rít tranh nhau những trái cherry tròn đỏ xậm bóng mượt còn sót lại trên cành cây ngay phía ngoài cửa sổ đánh thức Kiều Lan sau giấc ngủ no đầy. Ngắm nhìn toàn phòng ngủ, cảnh rừng sau chiếc cầu cong trên bức tranh Water Lily Pond của Claude Monet treo giữa bức tường sâu hun hút. Trên bức tường kế bên giường bức tranh Monet’s Water Garden và Water Lilles cũng của Chaude Monet càng thu hút trí tò mò của Kiều Lan. Mặt nước long lanh ẩn hiện cảnh vật trên cao, lá sen xanh mượt bên những đóa hoa sen trắng ngà ngà, Kiều Lan cố nhìn sâu, sâu, theo giòng nước, muốn được đi xa hơn nữa, phía sau bức tranh, muốn khám phá. Màu vàng nhạt hòa lẫn màu xanh tươi mát của những bức tranh trong căn phòng cũng mang toàn màu xanh rêu nhạt thật nhạt, tạo một cảm giác thật dịu dàng cho người vừa thức dậy. Xoa xoa cánh tay có lớp lông nâu xậm đang gát trên bụng, Kiều Lan nhấc nhè nhẹ… Cánh tay ghì chặt, giữ lại, giọng Magnus thì thào tinh nghịch: “Bạn không thoát được đâu.” Nương theo xiết tay, Magnus choàng lên nằm hẳn trên người Kiều, hai tay giăng hai cánh tay Kiều Lan thẳng ra, mặt áp vào mặt Kiều Lan. Nếu nhìn từ trần nhà, trông như hình thánh giá.

Cố đẩy thân hình khá nặng qua một bên, tay rời tay, người nghiêng người, Kiều Lan chu đôi môi hồng tươi không còn chút son, đòi hôn. Nụ hôn mềm ướt xoay trở nhiều chiều như ngọn lửa khơi nóng cả hai thân hình không có chút vải. Không một chỗ hở cho hình ảnh đứa con trai bảy tuổi đang ở nhà ông bà nội, Kiều Lan cong chân, dùng hai gót chân, ấn mạnh sống lưng, xiết người Magnus sát chặt vào. Mắt nhắm hờ, mặt ngửa cao khi đôi môi mềm nóng trườn xuống phần ngực trắng hồng căng cứng như con gái. Bàn tay mềm ấm vuốt ve làm da thịt Kiều Lan mịn màng hơn, làm vòng eo Kiều Lan thâu nhỏ lại, làm đùi Kiều Lan thon dài căng cứng hơn… Magnus đã biết khơi nơi Kiều Lan niềm hãnh diện của người nữ.

Nhìn mặt đồng hồ tròn nhỏ trên bàn, ánh nắng ban mai đã đi qua khỏi cửa sổ phòng ngủ, mười một giờ trưa, Kiều Lan mỉm cười vuốt mái tóc hơi quăn dài phủ gáy của Magnus khi nghĩ đến đôi mắt giương to trên gương mặt nhiều son phấn của bà Thiếu Tá Hồng. Đã gọi điện thoại báo trước là sẽ đưa Nhân về chơi với ông bà nội cuối tuần này, nhưng bà Thiếu Tá không lường trước là Kiều Lan có thể ngang nhiên đi với Magnus đến gia đình bà trên chiếc xe Mecerdes thể thao hai cửa màu xám đậm, chỉ sau nửa năm li dị với Dương. Bà càng khó chịu, nhíu mày khi Nhân ôm Magnus hun và chào tạm biệt, cử chỉ thân mật như Nhân thường làm với Dương khi Kiều Lan đến đón con. Kiều Lan nhủ thầm: “Cho bà thấy, cho bà hiểu rằng con trai bà chỉ đáng xách giỏ theo tôi đi chợ, đừng mơ mộng dựa hơi cái chức thiếu tá, cái tên Tôn Thất từ thời xa xưa mà coi thường gia đình tôi.”

Lần này không bị cánh tay xiết giữ lại, Kiều Lan đi nhè nhẹ vào phòng tắm. Nước ấm phun mạnh từ vòi sen trên đầu, từ hai vách thủy tinh trong suốt, như cơn mưa lớn vuốt ve thân thể no đủ. Ngữa mặt cho những tia nước vuốt mái tóc dài bóng mượt ra phía sau, Kiều Lan lắc đầu trong cái hài lòng kiêu hãnh, miệng lẩm bẩm: “Ông tướng mạnh thật, lần nào ở lại đây, phải ba trận thì ông tướng mới chịu cho mình rời giường. Chả bù… hừm… nhàm chán… cứ bổn cũ soạn lại, thuộc lòng từ đầu đến cuối… một tuần được cao lắm một lần là lăn ra há miệng ngáy mê mệt, không cần biết mình thức hay ngủ, không biết màn hậu… chán!”

Nghe tiếng vòi sen rào rào trong phòng tắm, Kiều Lan đánh ba cái trứng, dùng kéo cắt hành lá thành những khoang tròn li ti, thêm hai muổng sữa tươi, chút muối, chút tiêu, khoáy nhẹ trên bếp lửa yếu. Ba phút sau, hỗn hợp trong xoong hơi đong cứng, Kiều Lan ép nhẹ tất cả trong cái chén. Úp lên dĩa men trắng lớn hơn miệng chén ba centimet bán kính, dỡ chén ra, một khối tròn như trái banh tenis cắt làm hai. Màu trứng chiên vàng tươi điểm lấm tấm những cọng hành lá xanh mướt trên dĩa men trắng bóng, chung quanh là những lát cá hồi hong khói màu hồng cam đã được khéo léo cắt mỏng thật mỏng. Đặt thêm vài lát chanh vàng, nghiêng đầu ngắm nhìn thành quả món điểm tâm Magnus thích nhất vào những ngày cuối tuần, Kiều Lan sung sướng nhận nụ hôn tươi mát nơi gáy, ngã người dựa vào thân thể khỏe mạnh đứng sau lưng.

Căn phòng lộng kính trong ba phía ngăn cái lạnh se sẻ nhưng vẫn thâu nhận được tất cả sức nóng mặt trời đầu tháng chín, kéo dài mùa hè thêm được chừng hai tháng. Dựa trên lưng đệm ghế, tay còn cầm ly nước cam tươi ngọt đậm, Magnus ngữa mặt tận hưởng những tia nắng đầu thu vẫn còn gay gắt đốt cháy từng tế bào trên gương mặt ưng ửng đỏ của tuổi cuối ba mươi. Bữa điểm tâm thật ngon miệng sau một đêm chăn gối nồng thắm, Magnus đắm chìm trong hạnh phúc tưởng chừng khó tìm lại được sau ngày Rita xé tờ hôn thú, đi theo tiếng gọi tình yêu mới. Hai tuần nghỉ ngơi thường năm, về Drammen tham dự kỳ đấu golf vòng bán kết vùng Đông với vài người bạn, tình cờ ghé tiệm bán tặng phẩm Nakiti. Lối nói chuyện với những câu ngăn ngắn mang âm hưởng miền Vestland pha lẫn giọng địa phương, nụ cười có một lún đồng tiền bên má phải, ánh mắt đen ướt của người thiếu phụ đã một con vẫn còn mang nét trẻ thơ đã khiêu dậy những niềm vui nho nhỏ, đã đưa bánh xe lăn về con đường Prins Oscars mỗi ngày. Đùa qua, giỡn lại, thế mà Kiều Lan nhận lời đi ăn tối, và đến hôm nay…

Magnus quay nhìn Kiều Lan cũng đang đắm mình hồi tưởng lại những ngày đầu tiên mới nhận đi ăn tối. Gương mặt không chút son phấn của người thiếu phụ gần ba mươi mà trông như thiếu nữ mười tám, tươi lên khi nhận ra ánh mắt chiêm ngưỡng của người tình. Dơ tay, Magnus nắm chặt bàn tay mềm mại cũng vừa với đến, anh hỏi:
– Em và Nhân về đây ở với anh luôn nhá.
Hơi ngạc nhiên vì lời đề nghị sống chung chỉ sau ba lần về đây chơi cuối tuần, không trả lời trực tiếp, Kiều Lan hỏi:
– Làm sao em giữ cửa tiệm, đường xa quá.
– Tìm người sang. Anh lo cho mẹ con em. Em không phải cực nhọc nuôi con nữa. Em coi, nhà rộng thênh thanh, vườn cây mênh mông mặc sức cho Nhân chạy nhảy.
– Thế còn nhà em, đồ đạc trong nhà em?
– Hoặc em cho mướn, hoặc em bán. Dùng số tiền đó để mua một căn nhà ở Oslo cho thuê thì có lợi hơn vì giá nhà Oslo, nhất là trung tâm đang lên và sẽ lên dài dài. Mọi lợi tức cho thuê tùy em sử dụng cho riêng em. Về đây, anh lo tất cả. Thế nào? Anh yêu em, anh muốn bảo bọc mẹ con em.

Đôi mắt Kiều Lan ươn ướt cảm động, cảm giác được cưng lo bao trùm mọi nghĩ suy, Kiều Lan đứng dậy, đến ngồi vào lòng Magnus, cúi xuống gương mặt si tình, thì thầm:
– Magnus bảo bọc mẹ con em nhá, em yêu Magnus. Mình sẽ sống hạnh phúc bên nhau Magnus nhé.

Magnus được thừa hưởng ngôi biệt thự của ông bà nội hơn ba năm nay, Bygdøy, khu dân cư nổi tiếng giàu có gốc của Oslo. Anh được thừa hưởng luôn chức vị phó giám đốc cơ sở sản xuất vững chãi mấy đời, trong đó cổ phần của ông nội chiếm hơn một phần ba cũng thuộc về tay Magnus, người con trai duy nhất của dòng họ Whillamsen. Việc lời lãi của công ty không ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế thật vững chắc của Magnus. Ở tuổi chưa tới bốn mươi mà Magnus không có nợ nhà, làm việc và hưởng lương của một công ty trù trị lâu đời của quận Bærum, Magnus bơi lội trong đời sống quá bình an đến độ nhàm chán cho đến khi gặp Kiều Lan. Ngôi nhà của ba mẹ Magnus, ông Odd Bjørn và bà Borghild cũng nằm trong cuộc đất của biệt thự, được chia hai. Hàng liễu tần nối liền hai biệt thự kết hòa tuổi thơ của Magnus, hai người em gái và ông bà nội. Với lòng yêu thương ông bà nội vô vàn, Magnus không muốn thay đổi nhiều trong ngôi biệt thự, cố giữ lại không khí ngày xưa. Ngay cả người giúp việc và người làm vườn của ông bà nội, đến hai lần một tuần, Magnus cũng muốn giữ lại.

Dọn về đây, Kiều Lan không mang được nhiều vật dụng riêng tư cũng vì lý do những vật dụng đó hoặc không có chỗ đứng hoặc không thích hợp với lối cách trang trí sang trọng trong mức giản dị tối đa làm Kiều Lan đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Mọi vật dụng trưng bày hay dùng thường ngày đều được lựa chọn thật chu đáo để hòa hợp nhau, thể hiện một nếp sống phong lưu chỉ những người trong giới phong lưu ấy mới nhận ra. Đã quen với nếp sống như đa số đàn bà Việt, tự tay thu xếp mọi sinh hoạt gia đình, tự tay mua sắm chưng bày nhà cửa, nay sống trong ngôi biệt thự to lớn vùng nổi tiếng giàu có, được nuông chiều, được thư thả ngủ lười mỗi sáng, không phải hồi hộp mỗi lần nhận biên lai điện thoại, nhưng Kiều Lan thấy thiếu thiếu, thiếu thiêng chức làm vợ. Lợi tức cho mướn căn nhà chung cư ở Majostua, Kiều Lan chỉ để dành riêng cho mình, ngân khoảng trong nhà băng mỗi năm mỗi dầy. Hàng tháng, Magnus chuyển một số tiền khá dư dã vào ngân hàng của Kiều Lan để Kiều Lan chi tiêu cho con cái nhà cửa. Magnus rộng rãi, nhưng tính toán đâu ra đó. Tiền bạc dư thừa nhưng Kiều Lan nhận ra từ từ là mình không có một chỗ đứng nào trong cái gia tài theo Kiều Lan đoán khá to lớn này.

Magnus hoàn toàn tránh không đụng chạm đến của cải riêng của Kiều Lan nên mỗi lần Kiều Lan tò mò, cự nự chuyện tiền bạc, Kiều Lan chỉ nhận được một phất tay dứt khoát từ Magnus. Ngoài miệng khoe với bạn bè về ngôi biệt thự ở Bygdøy mình đang sống, về gia thế giàu có từ ba đời của gia đình Whillamsen nhưng tự trong thâm tâm, Kiều Lan đã từ từ nhận ra chỗ đứng của mình.

Kiều Lan bực tức khi người hàng xóm phía bên kia đường, tình cờ đi chợ về chung, tò mò hỏi:
– Chị có thường về thăm gia đình ở Thái Lan không?

À há, bà này tưởng Magnus qua Thái, trả tiền cho cha mẹ mình để cưới mình như các cô từ Thái, từ Phi về làm người hầu không lương, sanh con đẻ cái cho dòng họ có cơ nối dõi. Các bà các cô Na Uy dựa vào cái thành kiến này để tự bào chữa nguyên nhân mà nhiều người đàn ông Na Uy muốn cưới vợ Thái hay vợ Phi.
Kiều Lan trả lời:
– Tôi là thuyền nhân tị nạn từ Việt Nam. Tôi ở đây hơn mười năm rồi.
– Xin lỗi, xin lỗi.
– Không có chi, có gì mà chị phải xin lỗi.

Và để đánh tan thành kiến đàn ông Na Uy cưới vợ Thái vợ Phi của người hàng xóm tò mò bất lịch sự cũng như đa số các bà các cô Na Uy, Kiều Lan hỏi lại:
– Chị biết ai giữ trẻ đáng tin cậy không? Tôi muốn tìm một cô trẻ tuổi để đưa đón các cháu, tôi định đi làm lại, ở nhà hoài chán quá.

Miệng thì nói thế, nhưng bụng lại lo lo, sợ cái bà hàng xóm này thóc mách nói chuyện với Magnus. Nhưng rồi Kiều Lan nhún vai: Đời nào Magnus đi chợ.
– Em cho Nhân, không, Lars-Erik học trường Rudolf Steiner chị ạ.
– Trường gần nhà không?
– Không chị, em và Magnus phải thay nhau đưa đón mỗi ngày.
– Sao không ghi tên Nhân học trường gần nhà cho tiện đường?
– Chắc chị không biết trường Rudolf Steiner. Đây là trường tư, cha mẹ phải đóng tiền trường mỗi tháng.
– Trường tư? Ở Na Uy này dại gì cho con học trường tư chi cho tốn kém. Con Na Uy sao thì mình vậy, có thua ai đâu. Hình như chỉ có một vài trường tư vì lý do tôn giáo thôi. Trường Steiner này của đạo nào?
– Không đạo nào cả chị. Trường có chương trình dạy khác hơn trường công.
– Từ con bộ trưởng đến con công nhân, ai cũng học trường công, cùng lớp, cùng hưởng mọi quyền lợi như nhau, không hề có sự phân chia. Con vua còn học trường công như con mình. Học chi cho xa, vừa tốn tiền, vừa mắc công, vừa không có bạn cùng lớp gần nhà cho con chơi… Mà chương trình dạy ở trường… trường Rudolf Steiner khác như thế nào?
– Thày cô được trả lương cao hơn, đa số cha mẹ thuộc giới văn nghệ sĩ…

Kiều Lan cố giấu nỗi bực tức vì chị bạn không chịu nhìn ra cái danh giá khi có con học trường Rudolf Steiner, lòng than với lòng… Hừm… mấy người Việt Nam quê mùa, không biết trường Rudolf Steiner là gì. Ở Anh, ở Pháp… chỉ những gia đình khá giả mới có khả năng cho con học trường tư… Thật ra thì Kiều Lan không cần hiểu sâu chương trình và đường lối giáo dục của trường Rudolf Steiner, chỉ cần nghe vài người bạn của Magnus nhắc tới, chỉ biết đó là trường tư phải đóng tiền, Kiều Lan chọn ngay trường này cho con.

Trong khi người bạn lớn tuổi chưa hiểu được lý do chọn trường Rudolf Steiner của Kiều Lan thì tiếng điện thoại reo to. Thoát khỏi sự tra hỏi của chị bạn, Kiều Lan mừng rỡ vói tay lấy cái điện thoại vô tuyến để trên mặt kiếng bàn salong. Tay xoa xoa lớp vải mịn bọc quanh chiếc gối dựa lưng dầy êm, ngã lưng, đặt đôi chân lên ghế đẩu bọc vải màu vàng kem, tay cầm điện thoại hờ hững cách xa miệng, trong tư thế thật trang nhã, Kiều Lan nói chuyện với Magnus:
– Em đang làm gì đó?
– Em mời chị Thanh đến chơi, tụi em đang tán dóc. Chút anh nhớ đón Lars-Erik dùm em nghen.
– Không được, hôm nay anh về trể, lại phải ghé mua thêm chai rượu vang.
– Em còn phải đi đón bé Kristine. Thôi, cũng được. Em gởi Bjørnar qua ông bà nội. Ừm không biết ông bà có nhà hay không đây. Nhà còn nhiều rượu mà anh mua thêm chi nữa?
– Anh không thích mấy hiệu rượu đó, định mua vài chai Masi Grandarella. Em nhớ làm món gì để chiều nay nướng thịt ăn chung với mấy người bạn.

Thở dài, biết không thể từ chối được, Kiều Lan hỏi:
– Ai tới
– Stephansen, Solheim và Larsplassen, có thể có cả Hagen.
– Sao không nói sớm để em lo liệu. Rồi còn phải đón cả hai đứa. Hôm nay không phải ngày Ranhild đến, ai giúp em đây?
– Thì em chỉ ướp thịt thôi, để anh về anh dọn bàn cho. À, nhớ đừng ướp nước mắm như mấy lần trước nha.
– Sao vậy?
– Nướng lên có mùi hôi lắm, khói bay sang hàng xóm.
– Mấy lần trước có ai than thở gì đâu.
– Người ta không than nhưng mình phải tự hiểu, tự nhận biết. Cũng đừng trộn ngò vô rau sống. Em làm món rau trộn ngon ai cũng thích, nhưng em không để ý là tụi bạn anh, họ lén khưi mấy cọng ngò, bỏ vô thùng rác.
– Có ngò mới thơm ngon chớ.
– Ngon thơm là theo miệng em. Em phải nhớ là khẩu vị người Na Uy khác với người Việt. Khi em làm thức ăn cho người Na Uy, em phải suy nghĩ theo người Na Uy. Họ khen, chưa chắc là họ thích thật tình. Chỉ khi nào họ ăn món đó nhiều thì mới gọi là họ thích. Em ghé chợ mua bánh mì Paris nóng luôn nghen. À, nhớ làm món hành sống cắt lát mỏng trộn với dấm đường, ngon lắm đó.
– Giờ này anh mới gọi điện thoại để báo có bạn đến ăn cơm chiều. Rồi anh không đi đón Lars-Erik dùm được, rồi còn đòi món này món kia.
– Lâu lâu mà em. Tại tụi Solheim mới từ London về, vừa gọi điện thoại cho anh.
– Lâu lâu gì mà lâu lâu. Hầu như tuần nào cũng vậy. Sao không làm ở nhà mấy người kia?
– Thì em ở nhà, em có thì giờ. Ai cũng bận rộn hết. Chịu khó chút đi cưng.

Người bạn gái lại gần khung cửa kính, nhìn ra khu vườn rộng bao quanh biệt thự được chăm sóc thật mỹ thuật, thật kỹ lưỡng. Không cố ý nghe nhưng mẫu đối thoại của Kiều Lan với Magnus vẫn đi vào tai, người bạn hiểu sơ sơ nội dung, định ra về để Kiều Lan có thì giờ vừa đón con ở vườn trẻ, vừa đón con ở trường học, vừa đi chợ, vừa lo chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

Đặt điện thoại xuống, gương mặt không được vui, Kiều Lan than với người bạn gái lớn hơn mình năm tuổi, như than với chính mình:
– Ăn uống khó tánh, mệt.
– Bộ chút nữa có khách hả? Sao mời bạn đến nhà ngay giữa tuần?
– Khách gì chị. Mấy người bạn của Magnus, thế nào cũng có thêm vài đứa nhỏ theo, tụi con em có bạn chơi.
– Nhiều người không? Thôi mình về cho Kiều Lan đi chợ nha.
– Ba, bốn cặp vợ chồng, thêm vài đứa con. Tại vườn nhà em rộng nên thưòng kéo về đây. Những ngày nắng hè kéo dài cho đến chín, mười giờ, bạn bè Magnus thường tụ họp khi ở vườn nhà em hay Stephansen để nướng thịt ăn chiều. Mỗi gia đình tự đem theo thức ăn, thức uống. Nếu làm ở nhà người nào thì người đó chỉ nấu cơm hay luộc khoai tây nhưng em thì không quen cái kiểu mạnh của mình, mình ăn. Em thường làm thêm nhiều để mời tất cả. Chắc tại vậy nên hay thích về đây. Những người bạn từ thủa tiểu học, trung học, sau một thời gian bay nhảy ngoài đời, nay không hẹn lại trở về khu phố xưa sinh sống. Toàn là con nhà giàu có gốc không đó chị.

Câu chuyện dòn dã chuyển lưu không dứt. Từ chuyện ông họa sĩ Odd Nerdrum khùng khùng ngược đời, chuyên vẽ tranh khỏa thân cho tới quyển sách mới ra của bà văn sĩ Anne Holt chuyên viết chuyện trinh thám mà lại được mời làm bộ trưởng bộ tư pháp thời đảng Lao Động nắm chính quyền, giữ chức được vài tháng là bứt. Kiều Lan ngóng nghe chuyện này, chưa thấu hết toàn đề tài thì ai đó đã chuyển sang đề tài khác. Thỉnh thoảng có người chợt nhớ đến Kiều Lan ngồi lẻ loi ngóng chuyện, tìm cách gợi chuyện.

Nói chuyện với Kiều Lan, đề tài chỉ quanh quẩn về Việt Nam, về Á Đông. Và nhất là hình thức hỏi đáp, thiếu bàn cãi, thiếu so sánh, thiếu nhận định nên đề tài thường tắt nghẹn sau vài phút. Khả năng tiếng Na Uy của Kiều Lan đủ để mở một cửa tiệm nhỏ, giao tiếp với khách hàng. Kiều Lan không thường xuyên đọc sách báo, đọc những mục xã luận nên những câu chuyện bạn bè Magnus thường đem ra bàn thảo đi xa tầm mức suy nghĩ của Kiều Lan, Kiều Lan không theo kịp. Với Kiều Lan, những tin tức cướp dựt, tung xe, cháy nhà… mới kêu gọi trí tò mò khi lơ đãng lật nhanh tờ báo Dag Blad hay VG. Cho nên những người bạn của Magnus vô tình dáng giá tầm suy tư của Kiều Lan như mặt nước xanh mướt phủ lớp bèo non, quơ cái lưới vớt vài dạo là mặt nước trơ trơ không còn gì để tìm kếm. Chỉ năm ba phút chuyện trò, Kiều Lan trở lại vai trò ngóng chuyện, cười theo và lơ đãng ngắm nhìn cây cảnh xung quanh, mong cho mau tối, mong cho bữa cơm tàn.

Lars-Erik, Kristine và Bjørnar là cứu cánh cho mẹ. Lấy lý do bận rộn với con cái, Kiều Lan vào nhà, ngồi xem chương trình thiếu nhi với với sáu đứa trẻ, vừa con mình vừa con bạn. Không ai để ý đến sự vắng mặt lâu của người chủ nhân món rau trộn vừa miệng, món bánh mì thơm mùi bơ tỏi nóng hổi… Mắt nhìn màn ảnh TV, tay ôm bé Kristine đang say mê theo dõi phim bộ Lille Fot, đầu óc lang bang từ chuyện này sang chuyện khác… Kiều Lan thở dài….

Có với nhau hai đứa con, Magnus vẫn chưa đề cập đến vấn đề cưới hỏi. Lần này thì Kiều Lan muốn có hôn thú, muốn tình trạng vợ chồng đâu ra đó. Khó lắm, ngượng miệng lắm khi nói chuyện với mọi người, nhắc tới Magnus, biết gọi là gì đây, không thể nói “chồng tôi”. Với người Na Uy, Kiều Lan dùng chữ “sambor” để chỉ người sống chung như vợ chồng như không có giá thú và không làm đám cưới. Nhưng với người Việt thì rất khó vì tự điển Việt Nam không có từ ngữ này. Không thể dùng chữ “ông xã”, ngượng quá, chẳng lẻ dùng chữ dài thườn thượt ông-sống-chung, Kiều Lan phải dùng trống không: Magnus. Nhớ lần đầu tiên khi bé Kristine mới được một tuổi, Kiều muốn tình trạng sống chung được chính thức hóa. Gương mặt Magnus không chút thay đổi, trả lời một cách dửng dưng:
– Mình sống như thế này không là vợ chồng sao? Tờ giấy hôn thú chỉ là tờ giấy lộn, muốn xé lúc nào lại chẳng được. Anh không bao giờ muốn dự vào cái màn hứa nhau trước mặt Chúa diễn ra một lần nữa. Em biết anh không bao giờ bỏ mẹ con em, tại sao em còn nghĩ đến tờ giấy giá thú? Bộ em tưởng tờ giấy đó bảo đảm rằng mình sẽ sống đời với nhau sao?

Kiều Lan hiểu tính Magnus, rất dứt khoát, không thể dùng nước mắt để thuyết phục, Kiều Lan câm lặng ngậm nỗi ấm ức không biết kể với ai và cũng không muốn ai nhắc đền chuyện này. Đôi lúc gây nhau tưởng phải bỏ nhau, Kiều Lan lạnh người khi nghĩ đến cảnh có thể Magnus bắt con hoặc chia phần nuôi con và nhất là con trai mình không còn được sống trong nhung lụa. Magnus thương Lars-Erik, đã có lần nói chuyện muốn nhận làm con nuôi. Mặc dù hiểu tình yêu chân thật của Magnus nhưng bản tính “thủ” cố hữu của người đàn bà đã phải dùng mưu lược mới tạo được một gia tài riêng tư như ngày hôm nay, đã làm Kiều Lan nhiều đêm khó ngủ vì tự nhận thấy con đường đi chia phần trưởng giả rất chông gai.

Kiều Lan bực tức ném cái bóp lên bàn phấn, bảo với Magnus:
– Năm tới anh đi dự tiệc tất niên này một mình đi.
– Sao vậy? Toàn là hàng xóm láng giềng không mà. Bộ em không thích ai hả?
– Hàng xóm gì mà hàng xóm, em có quen ai đâu mà anh hỏi là thích người này, ghét người kia.
– Nhà Lindseth, Solheim, Hagen…mà em không quen sao? Ông bà nội cũng đến mà.
– Anh lo nói chuyện với bạn bè từ đời còn nhỏ mũi lòng thòng, có ngó ngàng gì đến em đâu. Mấy người đó quen anh chớ đâu có quen em. Ông bà nội có bạn bè của ông bà.
– Em phải cởi mở thì người ta mới dám chuyện trò với em chớ. Cả khu Bygdøy này, ai cũng biết mình sống chung với nhau, có với nhau hai mặt con, thì quen anh cũng như quen em vậy thôi.
– Anh nói nghe dễ lắm. Nếu không vì mấy đứa nhỏ, em chẳng thèm đi.

Giọng Magnus nửa an ủi, nửa đùa:
– Thôi, lần tới em kèm chặt cánh tay anh nghen, anh đi đâu thì theo đó để anh khỏi ham nói chuyện, bỏ em cưng một mình, em cưng giận lẫy, em cưng không thèm đi theo thì anh buồn lắm.

Như bao lần trước, không biết làm thế nào để giải thích cho Magnus hiểu được mình, Kiều Lan lẳng lặng sửa soạn đi ngủ. Vừa đặt lưng là Magnus ngủ mê ngay vì mấy ly cognac kèm với cà phê. Kiều Lan nằm yên lặng, nước mắt chảy dài… nhớ lại những lần tiệc tùng. Gia đình Magnus đông đảo, chức vị phó giám đốc, tiệc này tiệc kia phải lên sổ. Nhất là cứ mỗi dịp trước Giáng Sinh cả hai tháng là tiệc tùng liên miên, không bỏ sót một cuối tuần nào.

Kiều Lan nhận ra vị thế của mình ngay từ lần đầu dự tiệc chung với Magnus, mừng ba mẹ Magnus sống chung với nhau được bốn mươi năm, cũng là lần đầu Magnus giới thiệu Kiều Lan với đại gia đình. Chiếc áo dạ tiệc màu tím than bó sát thân hình thon đều nét, phủ kín đôi giày cao gần cả tấc, mái tóc bới cao, kẹp tay Magnus đi quanh phòng tiệc rộng chào mọi người. Chưa bao giờ Kiều Lan cảm thấy thiếu tự tin giữa đám đông như đêm nay. Từng nhóm đứng chuyện trò như họ đã quen nhau từ kiếp nào, đa số nói giọng miền Bắc, một số nói tiếng Anh. Thân mật bắt tay, vui vẻ hỏi thăm, được năm ba câu là Kiều Lan trở thành dự thính. Có những câu chuyện được nhắc lại mà Kiều Lan không có một chỗ đứng trong đó. Có những nơi chốn được kể tới mà Kiều Lan không biết ở đâu trên bản đồ thế giới. Có những nhân vật được đem ra làm trò cười mà Kiều Lan không hiểu nguồn gốc… Không dám góp chuyện, không dám hỏi khi không hiểu một câu nói đùa, gật đầu, lắc đầu, nghiêng người dựa vào Magnus nở nụ cười má lún đồng tiền thêm duyên dáng… và mong buổi tiệc tan nhanh.

Kín đáo ngắm nhìn những người đàn bà chung quanh, ngắm nhìn nữ trang, một ngạc nhiên cũng là một bài học trên đường đi vào thế giới trưởng giả Tây phương. Magnus rất ít khi tặng nữ trang, chỉ tặng theo đúng ước muốn của Kiều Lan trong dịp sinh nhật hay Giáng Sinh. Thế mà Kiều Lan nhận ra chỉ mình là có số hột xoàn trên người nhiều nhất, cảm giác ngường ngượng lan dần. Đa số trang điểm rất kín đáo, một dây chuyền bạch kim với viên ngọc safir ẩn sâu, chiếc lắc bạch kim lóng lánh trên cườm tay, chiếc nhẫn bạch kim châm trổ công phu… Bạch kim, Kiều Lan chưa bao giờ nghĩ đến.

Với tiệc tùng trong giới bạn bè Việt Nam, Kiều Lan vẫn thường được những ánh mắt chiêm ngưỡng từ mọi người vì cách lối trang điểm sang trọng, theo thời, vì dáng vẻ cao thon đều nét, vì giọng cười vang xa tự tin, vì lối đùa bỡn duyên dáng. Nơi đây, Kiều Lan thu mình trong vỏ ốc mỹ miều.

Nghĩ đến câu Magnus nói đùa khi nảy: “Thôi, lần tới em kèm chặt cánh tay anh nghen, anh đi đâu thì theo đó để anh khỏi ham nói chuyện, bỏ em cưng một mình, em cưng giận lẫy, em cưng không thèm đi theo thì anh buồn lắm”, Kiều Lan biết, biết rằng mình sẽ là cành lan rừng bám nhờ nhựa cây, sống nhờ bóng mát của tàn cây, suốt đời.

Tết Phan Thiết

Quê hương tôi là Phan Thiết. Cả nội và ngoại đều là gốc Đại Nẫm, không biết bao nhiêu đời. Đại Nẫm, một làng quê cách thành phố Phan Thiết mười lăm phút đi bộ cho đôi chân trẻ con vừa đi vừa chạy trong nỗi lòng náo nức về nhà nội để coi chừng trái ổi mình nhìn thấy hồi ba ngày trước đã ửng chua chưa, có bị thằng Ba Tèo con Hai Ròm hái chưa. Một làng quê không lắm người khoa bảng, không biết đói kém, hiền hòa ẩn mình dưới vườn cây trái xanh mướt quanh năm. Một làng quê sanh dưỡng những thiếu nữ đẹp nổi tiếng của Phan Thiết. Gái Đại Nẫm! Tôi hãnh diện về cái cội nguồn này của tôi, cội nguồn chín mươi chín phảy chín mươi chín phần trăm Phan Thiết. Suy đi nghĩ lại về đường ăn Tết của gia đình tôi, một cảnh Tết mang sắc thái chung chung của Tết Phan Thiết mặc dù mỗi gia đình có một cách chuẩn bị Tết riêng và cách hưởng Tết cũng khác nhau. Nhưng đó là những dị biệt rất nhỏ, rất tỉ mỉ, không thể làm mất đi cái Tết đặc biệt chung của người Phan Thiết chúng tôi. Cho nên tôi mạnh dạn chọn cái tựa: Tết Phan Thiết.

Gia đình tôi nửa quê nửa thành. Nhà ở phố Ba Mươi Căn, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường nối từ Đại Nẫm, Phú Hội để xuống chợ Lớn, trên đường nối từ làng quê đến thị thành. Nội gốc Đại Nẫm trên, ngoại gốc Đại Nẫm dưới, ba tôi làm việc ở bên phố, cho nên cách ăn Tết của gia đình tôi cũng mang cái chất nửa quê nửa thành đó, không giống như những nhà ở Đại Nẫm mà cũng không giống như nhà mấy đứa bạn cùng lớp ở bên chợ. Thêm vào đó công việc làm ăn của má tôi đã tạo cho bà cơ hội để chuẩn bị những cái Tết cho gia đình thật chu đáo, đã cho chúng tôi những cái Tết nhớ đời. Cho đến khi gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp, chúng tôi mới biết tiếc những cái Tết khi còn ở Phan Thiết. Mặc dù trong thời gian ở Sài Gòn, má tôi cũng kho măng khô, cũng gói bánh tét, cũng được bà ngoại đem cốm vô cho và gia đình đầy đủ nhưng những cái Tết ở Sài Gòn mang không khí chắp nối nửa nạc nửa mỡ, không thể nào so sánh được với những ngày Tết ở Phan Thiết. Các em trưởng thành ở Sài Gòn thường phân bì với anh chị lớn khi chúng tôi nhắc đi nhắc lại ngày những ngày Tết xa xưa nơi quê nhà Phan Thiết với tất cả nuối tiếc tìm kiếm. Và bây giờ, mỗi năm tôi cố gắng chuẩn bị cho các con tôi vài ngày vui xuân nơi xứ người càng làm lòng tôi quay quắc, nước mắt cứ chực rơi vì cái gượng gạo giả tạo lẩn quẩn chân tôi, vì bước chân lang thang tìm về những ngày ngập nắng xuân xưa lảo đảo chơ vơ.
*****
Bắt đầu tháng chạp, má mua chừng chục con vừa vịt vừa gà để nuôi cho mập ở sau nhà. Má tôi bắt đầu đặt bánh tráng, loại bánh tráng mè đen không dầy không mỏng để nhúng ướt ăn với măng khô kho. Sau đó là má đặt mấy mối hàng lúa của bà ở Ngã Hai hay Phú Hội rang lúa nếp thành cốm trắng, gọi là nổ. Thường khoảng hai mươi tháng chạp, người ta đã chở hai bao bố nổ trắng nhẹ tênh đến nhà. Và dĩ nhiên là chúng tôi lén lén ăn vụng, vốc từng nắm nổ trắng thơm thơm beo béo bỏ trọn vô miệng, ngốn ngáo nhai mau. Lần xay lúa cuối cùng trước khi nghỉ Tết để giao gạo cho bạn hàng, má tôi cũng cho xay chừng một xe nếp để bán và để dành gói bánh tét, làm cơm rượu.

Bắt đầu từ hai mươi tháng chạp, đường Hải Thượng Lãn Ông nhộn nhịp hẳn lên vì những nhà vườn ở Phú Hội, Đại Tài và Đại Nẫm gánh những gánh chuối sứ mập tròn, những gánh bưởi to xanh còn đủ lá cành, những gánh cam xanh hấp dẫn, những gánh rau xanh tươi xếp chất thật đẹp, những gánh rau cải nặng trĩu về chợ Lớn để họp chợ đêm. Chúng tôi ngoài giờ học là la cà ngoài đường cả ngày để như hòa nhập vào cái nhộn nhịp tưng bừng của mấy ngày trước Tết. Không làm gì hết. Ngồi đong đưa hai chân trên bậc thềm trước nhà để chiêm ngưỡng những gánh trái cây, rau cải tươi mát sặc sỡ đó, để ngắm những gánh hoa cúc trắng vàng, hoa thược dược đủ màu sắc, hoa vạn thọ vàng tươi, hoa mồng gà đỏ thắm của các chị từ quê gánh xuống. Các chị mà chúng tôi tự cho mình là dân thành phố văn minh và đặt cho các chị cái tên ”Le Nhaque”, cái từ ”Le Nhaque” chúng tôi học từ truyện ”Tuấn Chàng Trai Nước Việt” của Nguyễn Vỹ. Sở dĩ chúng tôi gọi các chị ”Le Nhaque” là vì mấy chị này chỉ mặc toàn áo bà ba màu hồng nhaque chói chang, màu xanh lá cây nhaque tươi rực rỡ, màu vàng nhaque gay gắt… Các anh, các chú đèo những cành mai nụ còn xanh non trên chiếc xe đạp cọc cạch xuống chợ bán. Nhiều người từ bên phố lên tận đường Hải Thượng Lãn Ông để chận mua những chậu bông tươi đẹp, những cành mai uốn cong cầu kỳ và trái cây xanh tươi.

Cũng trên con đường Hải Thượng Lãn Ông này là nơi cung cấp mứt me cho các hàng bánh mứt toàn Phan Thiết. Đầu tháng chạp, đi ngang mấy căn nhà gần chợ Gò, dấu hiệu mùa Tết được nhắc nhở bằng quang cảnh các dì ngồi trên ghế đẩu thấp trước nhà, tỉ mỉ dùng con dao nhỏ, nhọn, khéo léo gỡ từng mảng vỏ me xanh. Bên cạnh các dì là mấy cái thau nhôm lớn có những trái me dài, dẹp, trần trục ngà ngà nằm xếp lớp dưới nước trong vắt ngập đầy. Mứt me là loại mứt mắc tiền nhất vì đòi hỏi nhiều công phu, lắm tiểu xảo.

Thứ nhất: Phải là loại me ván chua, lớn dài, dẹp, vừa già, nghĩa là hàng hột me vừa cứng nhưng thịt me vẫn còn dòn non và lớp vỏ xanh còn dai nên phải ngâm qua đêm mới lột được.

Thứ nhì: Khi lột vỏ me, phải dùng con dao nhỏ bén nhọn, tỉ mỉ gỡ từng mảng vỏ, gỡ thật cẩn thận để có được trái me trần láng mướt và những đường dây chạy dài theo trái me cũng như cuống me vẫn nằm nguyên vị trí của nó.

Thứ ba: Cũng dùng con dao nhỏ bén nhọn đó, đôi tay khéo léo xẻ dọc phía trái me cong vào, lấy từng hột me, lấy cả lớp cưng cứng bao quanh hột me.

Thứ tư: Khi xăm me, phải xăm nhè nhẹ, đều tay để chắt bớt chất chua ra mà trái me vẫn còn nguyên vẹn.

Thứ năm: Để chất đường thấm từ từ mà trái me không bị chín nhừ, khi rim me phải trở nhè nhẹ, dùng muỗng múc nước đường rải lên từng trái và nhất là lửa riu riu, phải tính từ hai đến ba tiếng đồng hồ cho một chảo me rim.

Thứ sáu: Chất đường ngọt hòa với chất me chua nên khi chảo đường đã cạn mà trái me vẫn mềm dẻo nên phải phơi vài nắng.

Thứ bảy: Dùng giấy kiếng trắng rộng độ ba centimet, quấn quanh trái me, quấn dần từ đầu xuống tới cuống.

Năm nào hên lắm, dư dả, má tôi đặt vài ký mứt me để dành đãi khách. Nhưng chắc chắn là khách chẳng được hưởng nhiều vì khi kể thành tích thì chúng tôi, bốn đứa lớn, đứa nào cũng lén cuỗm được ít nhất vài trái, nhai ngấu nhai nghiến, mút sạch mấy cọng dây mỏng và cái cuống ngắn. Ôi… vừa chua, vừa ngọt, vừa dẻo, vừa sừn sựt.

Nhất là sau khi thi xong cái kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, thường khoảng ngày rước ông Táo, sau tiệc tất niên là chúng tôi được tự do la cà cả ngày ngoài đường, ba chẳng hề la, má chẳng thèm cấm. Thỉnh thoảng ông ngoại hay bà nội gởi những người gánh hàng xuống chợ, mang cho chúng tôi rổ trái cây vụn vặt, là cả một hạnh phúc cho mấy đứa trẻ thèm ăn. Và không cần ba má cho phép, trái cây của ông ngoại, bà nội cho là đương nhiên của đám con, được chị Hai Cao chia đều, ngấu nghiến, chớp nhoáng!

Chúng tôi thường hay chấm điểm và cho giá những cành mai tươi, uốn cong thật mỹ thuật, thán phục những ông đón mua mai biết lựa mai, biết chi tiền. Chúng tôi cũng để ý là mấy ông là thường đến khu phố Ba Mươi Căn để đón mua mai, mua bông chứ không mua trái cây rau cải. Tết là cảnh hưởng thụ cho mấy ông, còn chuyện lo ăn lo uống là chuyện của mấy bà. Đương nhiên! Không ai cằn nhằn phân bì. Không! Không đúng lắm, mấy ông phải lau cặp chân chân đèn, cái lư nhang cho bóng loáng, lựa mua phong pháo cho nổ thật to và dòn vì nếu năm đó pháo nổ lẹt đẹt là bị bà vợ cằn nhằn: ”Ông mua toàn pháo lép, không biết năm nay nhà mình làm ăn có nên nổi không đây”, và canh nồi bánh tét ngày ba mươi.
*****
Nhà tôi có tục lệ là được tiền lì xì hai lần. Lần thứ nhất vào khoảng hai mươi bảy, lúc mà chợ đêm tấp nập nhất, má đã xay xong phiên lúa cuối cùng trong năm. Má lì xì cho tất cả sáu đứa con để đi chợ đêm, tự do ăn hàng, tự do mua sắm. Không nhiều lắm, tôi nhớ là chỉ đủ ăn chén chè, tô bánh canh chả cá thu, mấy bịch kẹo bòn bon chua chua ngọt ngọt, mua cái khăn thêu, mua cái bóp có hình cô đầm, mua mấy cuộn pháo tép để lấy cục đá đập nổ chét chét… Chỉ vậy đó mà làm chúng tôi chờ đợi ngày này cả tuần, chờ từ khi chợ bắt đầu nhóm ban đêm.

Mấy ngày nay đi rảo chợ đêm quanh vườn bông dưới dốc cầu gỗ lớn mà không có một đồng dính túi, thấy cái gì cũng thèm, thấy cái gì cũng ước. Cái sung sướng khi được tiền trong những ngày trước Tết này tôi không thể nào tả được, chỉ biết là má tôi rất sành tâm lý con nít, tiền trong mấy ngày Tết không có giá trị bằng tiền trong những ngày chợ đêm. Còn quần áo mới thì má tôi đã đặt may từ tháng mười một, cho rẻ! Năm nào cũng vậy, mỗi đứa một bộ để đi học, một bộ đồ bộ mặc ở nhà, một đôi dép Nhật, hai người chị lớn thì được đôi guốc trắng quai trong.

Từ khoảng ngày hai mươi tháng chạp, tối nào nhà tôi cũng rộn ràng. Cắt rễ củ kiệu, lột lớp vỏ ngoài, ngâm nước tro, để đó qua đêm. Kiệu cay, mấy chị em đứa nào cũng tránh né, chị Hai Cao lãnh đủ. Đúng là thân phận người làm! Sau đó củ kiệu được phơi một nắng rồi xếp thật đẹp trong mấy cái hủ sành đã rửa sạch, đã phơi khô, ép chặt, chế nước pha với đường, dấm, chút muối, chút hàng the. Để đó, không được dở nấp trước ngày mồng một. Cà rốt và củ cải trắng trông thêm ngon mắt nhờ bàn tay khéo léo của chị Hai chị Ba cắt tỉa hình hoa, hình thú vật. Má chờ đến khoảng hai mươi sáu làm một hủ và hai mươi tám làm thêm một hủ nữa để có ăn suốt bảy ngày Tết mà củ cải không bị chua quá.

Mứt dừa, mứt gừng, mứt gừng dẻo, mứt khế, bánh đậu xanh, bánh bột năng là phần của chị Hai, bà chị khéo léo nhất nhà và cũng kỹ nhất nhà. Đứa nào bị chị Hai sai là thường bị luôn máy cái cú đầu vì vụng về, làm không vừa ý. Trong gia đình tôi, không ai biết làm mứt me, một loại mứt rất cầu kỳ và công phu, mặc dù nhà nội tôi có cây me trái to dẹp rất thích hợp để làm mứt me. Hôm thì nhà thơm phứt mùi vani trộn trong mứt dừa. Hôm thì nhà thơm phức mùi gừng. Hôm thì nhà thơm phức mùi đậu xanh rang… Chị Hai làm mứt gừng dẻo cho ông ngoại và bà nội rất nổi tiếng. Chị không dùng chanh mà chị dùng khế chua cắt nhỏ nên mứt mềm dẻo, cay, ngọt, là món tủ cho ông ngoại uống trà. Nhưng cái sung sướng nhất của lủ em là được vét chảo đường mà trong đó còn vài miếng mứt vụn bà chị gắp không hết. Mứt phải phơi một vài nắng cho ráo rồi mới bỏ vô hũ. Mấy ngày phơi mứt là chị Hai phải canh chừng mấy đứa em thèm đường, nhưng làm gì chị canh được đám em! Má tôi có cách dạy con thật là sư phạm. Bà không khéo chuyện bánh mứt, không dạy con được, bà cho con tự do làm, muốn làm món gì thì xin tiền, tự đi mua sắm, tự bày ra mà làm lấy và bao giờ cũng được cả nhà khen thưởng không lời bằng cách ăn ngon lành, ăn sạch. Cho nên đứa nào muốn giỏi là tự nó học hỏi hàng xóm, trên trường, dì Chín… và má sẵn sàng chi tiền.

Măng khô má đã dự trữ từ mấy tháng trước, cho rẻ! Hai đêm đầu, ngâm nguyên miếng măng lớn bằng bàn tay trong nước lạnh, hai cái thau giặt đồ được trưng dụng ngâm măng. Mỗi tối phải xả nước, thay nước. Qua ngày thứ ba, xé măng ra từng miếng nhỏ, dài, cắt bỏ phần măng già, rồi ngâm một đêm nữa. Sau đó là nấu, phải nấu hai lần, xả nước, nấu lại bằng nước sạch để măng không còn mùi hăng và cái màu nâu khô trở thành màu vàng tươi hấp dẫn.

Đến cái màn làm vịt để kho măng là tôi sợ nhất, không bao giờ tôi làm quen được cảnh cắt cổ vịt, tôi nhát, không bao giờ dám theo dõi nên không biết tả như thế nào. Chỉ biết là sau khi trụn vịt bằng nước sôi là đến phiên tôi và thằng em kế lãnh phận sự nhổ lông vịt. Gọi là tôi với nó, nhưng sau khi nhổ phần bụng và lưng, vì phần đó dễ nhổ, ít lông măng, là nó chạy trốn mất tiêu. Một mình tôi ngồi loay quoay với mấy con vịt, dùng cái nhíp nhổ từng sợi lông măng, vừa réo thằng-em-trời-đánh, vừa năn nỉ chị Hai Cao phụ nhổ. Tới màn mổ bụng là hấp dẫn nhất. Chị Hai Cao lôi từng trái tim, bao tử, ruột già, ruột non, rữa sạch, mổ cái bao tử ra cho tôi coi hồi nãy còn sống nó ăn gì, thường là bắp và lúa. Con nào có một chùm trứng non là hạnh phúc ngàn đời cho tụi tôi, lủ con háo ăn. Bộ lòng thì xào với hành, cà, ngò tây cho bữa cơm ngày đó. Còn bộ trứng non, chị luộc, để chờ má về chia cho chúng tôi. Má tôi kho măng với thịt vịt, hành ta và bao giờ bà cũng để dành một thau măng đã xé nhỏ, ngâm nước lạnh chờ đó. Vì kinh nghiệm mỗi năm, cứ đến khoảng mùng hai là xoong măng hết sạch, nhưng nước lèo còn, thế là bà bỏ măng vô kho tiếp. Xoong măng đến chiều ba mươi bốc khói thơm phức, nhưng chưa đứa nào được động đũa vô, phải chờ cúng trước.

Má nấu một nồi cơm nếp để làm cơm rượu. Nếp để nguội, trải ra cái sàng, má rải một lớp men đã được giả nhuyễn. Má nhúng tay vô nước, bắt vò từng viên, viên nào viên nấy to bằng cái trứng gà. Sắp xếp từng viên vô cái thố lớn, đậy nấp lại, để chừng ba ngày là cơm lên men. Má thắng đường cát trắng đổ vô thố cơm nếp, đổ cho ngập, cho mấy viên cơm nếp nổi trôi lềnh bềnh, đậy nấp lại, chừng hai ngày là ăn được. Mỗi lần ăn hay mời khách, má dùng loại chén men nhỏ, múc một chén một viên, nước rượu đường ngập chén, dùng muỗng nhỏ, xắn từng miếng, kèm theo nước rượu đường ngọt, đưa vô miệng. Ăn xong viên cơm rượu, lúc nào cũng còn chút nước đường trong chén, bưng lên miệng húp, liếm sạch, ngon không thể nào tả nổi.

Còn rượu nếp than, màu tím đậm thật đẹp mắt thì má không tự làm. Má đặt mỗi năm chừng vài lít cho ba đãi các bác các chú. Nhưng chúng tôi nào có bỏ qua, len lén làm một ly đá cục, đổ rượu nếp than vô, làm như nước sirô, uống mát rượi, rồi mặt mày nóng bừng bừng, đỏ ngầu. Nhưng chưa lần nào đi liễng xiễng cả!
*****
Khoảng hai mươi lăm, chú Bảy Ngọng được bà nội cử xuống nhà tôi để đóng cốm. Trước ngày đó, chị em tôi phải đổ nổ trắng ra cái sàng lớn để lượm lúa nếp chưa nở, rang đậu phọng, gọt gừng, cắt gừng từng sợi nhỏ. Má thắng hai xoong đường. Một xoong lớn đường táng, trộn gừng, đậu phọng. Đây là phần cốm dành cho lủ con bảy đứa và lủ cháu từ quê cứ Tết là tập trung về nhà tôi để đánh bài, ăn uống, đi phố, đi xinê vì lúc đó tụi tôi được nghỉ học. Một xoong nhỏ là đường cát trắng, gừng, nhiều đậu phọng. Đây là phần cốm để cúng và mời khách.

Má đổ nổ trắng vô một cái thúng, trộn đường đã thắng lại cho vừa keo, dùng tay trộn đều. Đây là lúc cốm được thưởng thức với tất cả lòng thán phục và biết ơn của lủ con luôn luôn thèm ngọt. Khi bắt cốm từng nắm tay, má cho chúng tôi tham dự và làm lơ cho lủ con ăn vụng. Trên nền xi măng bóng, trước mặt má ngồi là thúng cớm đã trộn đường, lủ con ngồi quay quanh, tay áo xắn cao.

Bắt cốm từng nắm, kích thước không cần giống nhau. Bóc một nắm cốm đã trộn đường lên tay, những ngón tay mảnh dẻ nhỏ bé đầy nhiệt tình cố ép chặt, ráng ép thêm chút nữa cho nắm cốm của mình không nhỏ hơn nắm của các chị, ép chặt, xoay tròn thành như một trái banh tennis, xếp đều vô cái thúng kế bên, sung sướng nhìn ngắm thành quả mình đã đóng góp với má. Và khi hai bao nổ trắng đã được hóa phép thành những trái banh to lớn khác nhau, chất trong những cái thúng to thì bụng tôi cũng căng đầy cốm ngọt. Bộ ván gõ nâu bóng ở nhà trong đã được lau chùi sạch sẽ, mấy khung cốm, một cái đòn dài, một thau nước lạnh và một cái khăn lau tay, tất cả chờ bàn tay khéo léo của chú Bảy Ngọng.

Cái khung cốm gồm hai phần: Phần ngoài là khuôn gỗ, dài gang tay, cao cũng độ gang tay, rộng độ mười centimet. Một khối gỗ cũng có kích thước giống như khuôn gỗ nhưng nhỏ hơn chút xíu để có thể nằm lọt gọn gàng vô khuôn gỗ khi ép cốm. Cả cái khuôn và cái khối gỗ phải được nhúng vô thau nước để khi ép, cốm không dính vô khuôn, dễ lấy ra.

Chú Bảy Ngọng bỏ từng banh cốm vô khuôn, dùng tay ép đều cốm trong khuôn rồi chú đặt cái khối gỗ lên khuôn đã ép đầy cốm. Chú một đầu đòn, chị Hai Cao ở một đầu đòn, bắt đầu ép cái khối gỗ xuống. Chú xoay đều cái cái khuôn, ép ngang rồi ép dọc, ép dọc rồi ép ngang… Cho đến khi nào chú thấy cái khối gỗ đã đi sâu xuống khuôn độ năm-sáu centimet và nằm thẳng thớm đều đặn trong khuôn là chú dùng cái chày gõ nhẹ, đều lên khối gỗ và chị Hai Cao rút cái khuôn từ từ lên, nương theo nhịp gõ của chú. Một khối cớm hình chữ nhật thẳng thớp nằm trên bộ ván. Chú âu yếm nâng nhẹ hộc cốm còn ươn ướt đặt cẩn thận lên cái sàng lớn đã để sẵn trên bàn ăn.

Một bộ khuôn thứ hai đã sẵn sàng. Chú tiếp tục đóng hộc cốm thứ hai và chúng tôi mê mẩn theo dõi trong khi cái khuôn cốm thứ nhất được má nhúng vào thau nước rửa, lau bỏ những vụn cốm còn dính trong khung và chuẩn bị cho hộc cốm thứ ba. Cứ thế cho đến tối khuya, chúng tôi mê man ngắm nhìn từng cử động của chú Bảy Ngọng, mê man trong thán phục, mê man thiếp đi, ai ẵm vô giường cũng không hề biết gì cả. Ngày hôm sau, thức dậy, chú Bảy Ngọng về từ lúc nào. Trên bàn, trên ván, mấy sàng cốm nằm ngay ngắn, để chút nữa được đem lên sân thượng phơi, phải phơi một ngày cho cốm ráo khô trước khi gói.

Và từ đây là chúng tôi phải chờ đến sau khi cúng rước ông bà chiều ba mươi mới được ăn cốm. Cái phần gói cốm là tôi thích nhất. Cốm cho con nít ăn, tức cốm trộn với đường táng thì bao bằng giấy báo. Còn cốm để cúng và mời khách thì được bao bằng giấy trắng. Tôi làm hồ bằng cách trộn bột vô nước rồi bắt lên lò, quậy cho đặt lại. Sau khi cốm đã được bao bọc sạch sẽ thì lại phải phơi thêm vài ngày nữa để cốm khô ráo, giữ được lâu ngày, có khi đến tháng hai mà cốm không bị mốc. Má cho tiền mua giấy mỏng nhiều màu để tôi và chị Ba tha hồ cắt làm bông. Bông cúc, bông thược dược, bông hippie. Chúng tôi xếp, cắt, dùng kéo vuốt từng cánh bông, lúc vuốt cong lên, lúc vuốt cong xuống, dán lên hai đầu hộc cốm. Có bông được nhiều lớp, có bông chỉ được hai lớp. Tùy hứng!

Đếm đi đếm lại công trình đóng cốm năm nay của nhà mình để chị em tự hãnh diện. Thường thì khoảng bảy, tám chục hộc cốm. Đóng cốm là một công trình đòi hỏi sự sắp xếp tính toán, mà má tôi năm nào cũng tận tâm thực hiện trong sự thán phục của chồng con và hàng xóm. Chừng đến mùng ba, mùng tư là tụi tôi ngán cốm tận cổ. Má cất vô tủ, chờ ra giêng. Ra giêng, cứ mỗi tối, má mang vài hộc ra bẻ chia cho lủ con. Phải bẻ cốm chứ không ai lấy dao cắt cốm! Lúc đó cốm ngon lạ lùng. Có khi tôi xin má hộc cốm đem lên lớp chia cho tụi bạn, mấy đứa bạn cùng lớp tôi cũng mê món cốm ra giêng của má tôi. Nhất là con nhỏ Thanh Bình, Được, Thu và Mỹ Lệ, nhóm bạn ăn hàng của tôi.
***
Nếp đã được ngâm hai ngày và trộn chút muối. Ông ngoại đem xuống một bó dây sóng lá đã được chặt từng đoạn dài, đoạn ngắn, ngâm nước, tướt mỏng. Lá chuối thì ông ngoại cũng đã tướt, gom trong vườn nhà mình. Đậu xanh đãi vỏ cũng đã ngâm qua đêm, trộn thêm chút muối, nấu khô như nấu cơm. Đậu đen cũng đã được hầm chín. Mỡ được cắt thành từng miếng dài cỡ gang tay, to bằng ngón tay má.

Má dùng đậu xanh bọc, ép miếng mỡ ở giữa, thành một đòn dài cỡ gang tay, tròn to bằng cườm tay tôi. Má sắp những đòn đậu xanh nhưn mỡ đó trên một cái sàng có lót lớp lá chuối. Tôi là phụ tá đắc lực cho má trong công việc gói bánh tét này. Năm nào cũng vậy, chắc tại tôi dễ sai hay là tại tôi thích nên cứ la cà theo má trên bộ ván ở nhà trong. Không cần má sai biểu, tôi dùng một cái khăn ướt lau lá, sắp xếp ngay ngắn, lớn theo lớn, nhỏ theo nhỏ.

Má để một sợi hai sợi dây ngắn nằm thẳng thớm trước mặt, sắp lên đó một lớp lá lớn, rồi một lớp lá nhỏ hơn. Má lấy cái chén múc một chén nếp, trải đều nếp lên lá, lấy một đòn đậu xanh nhưn mỡ để nhẹ nhàng, ngay ngắn lên lớp nếp, rồi một chén nếp nữa, đổ phủ lên đòn đậu xanh. Dùng những ngón tay khéo léo, xếp lớp lá chuối nằm dưới, bao quanh nếp, rồi nhanh nhẹn nắm hai đầu dây nằm sẳn ở dưới, bắt chéo nhau, xoáy nhanh, rồi hai đầu dây thứ hai. Sau đó má dựng đứng dòn bánh tét, thổ thổ cho chắc nếp, xếp lá qua, xếp lá lại, xếp chồng lên, xong một đầu. Má nhanh tay xoay ngược đòn bánh, thổ thổ, xếp như đầu kia. Má dùng hai sợi dây dài cột dọc đòn bánh, rồi dùng hai sợi dây ngắn cột ngang đòn bánh, ở đầu đòn. Má còn làm một cái vòng để treo bánh và để làm dấu phân biệt với bánh đậu đen chay với bánh đậu xanh nhưn thịt. Đó là bánh tét nhưn đậu xanh. Còn bánh tét đậu đen thì đơn giản hơn, chỉ cần trộn đậu đen đã nấu chín với nếp đã ngâm, chút muối là gói.

Không bao giờ má quên làm cho chúng mỗi đứa một đòn bánh tét nhỏ bằng cườm tay, dài độ gang tay, chất lên lớp cao nhất trong thùng bánh, cho chúng tôi hưởng trước vào khoảng trưa ngày ba mươi trong khi nồi bánh tiếp tục nấu cho tới chiều vì bánh tét phải chín để kịp cúng rước Ông Bà cuối năm. Như vậy coi ra là nhà tôi không có cảnh ngồi quanh bếp lửa canh nồi bánh tét đêm ba mươi như sách truyện thường kể.
*****
Ngày ba mươi, ngày trọng đại đang gần kề. Một xoong lớn thịt heo kho nước dừa tươi và trứng vịt luộc được hầm nhỏ lửa từ trưa ba mươi. Thịt bò ướp sả ớt được gói thành từng đòn nhỏ trên lủng lẳng trên bếp. Hai thúng bánh tráng cao cả thước treo lên nóc nhà. Vài chục đòn bánh tét treo cho ráo nước, khiêu gợi tuyến nước miếng mỗi lần xuống bếp. Trái cây chưng bàn thờ thường là do bạn hàng lúa từ Phú Hội, Đại Nẫm, Ngã Hai cho, đã được chưng trong nhiều dĩa lớn nhỏ khác nhau, số còn lại thì để vô mấy cái rổ cho chúng tôi ăn lai rai, ăn tự do. Mấy chậu bông cúc, bông vạn thọ đã chưng bày trong phòng khách. Tôi thích bông đại cúc màu trắng kiêu sa, hơi ưng ửng màu vàng nhạt giữa những cánh hoa nuột nà. Cây mai, ba tôi đã bỏ công mấy ngày lựa chọn cũng đã nằm chễnh vệnh giữa hai ghế salong, nụ ưng ửng vàng, hứa hẹn một năm nhiều may mắn.

Chiều ba mươi là buổi chiều được mong chờ, hồi hộp nhất trong mùa Tết. Nhà tôi không cúng rước ông bà thịnh soạn như nhà mấy đứa bạn ở phố mà theo phong tục của Đại Nẫm: Bốn dĩa xôi nếp trắng, hai con gà luộc để coi cẳng gà, trái cây, cốm, bánh tét, hai chum rượu trắng, dưa hấu, được chưng trên bàn ông Nội. Năm này qua năm kia, cặp chân gà được ba ngắm nghía kỹ lắm. Ba xem xét, phân tích mấy cái móng chân quặp đều đặn vô lòng bàn chân và năm nào tôi cũng nghe ba khen cặp chân tốt, hứa hẹn một năm nhiều may mắn. Cúng xong, thịt gà xé ra, trộn chút rau húng, hành lá cắt nhuyễn, chấm nước mắm gừng đặc sền sệt, ăn với xôi trắng và mấy đòn bánh tét. Cả nhà quay quần ăn bữa cơm cúng rước Ông Bà, hả hê rộn rã, bắt đầu hưởng một cái Tết đầm ấm vui nhộn. Ly rượu nếp than làm mặt ba người đặc biệt trong gia đình là má, tôi, con em đỏ bừng bừng.

Chị Hai Cao đã về quê ăn Tết nên má và chị em tôi phải dọn dẹp, rửa chén. Cả một ngày mệt mỏi, má nằm ngủ thiếp trong cái võng treo trên bộ ván gõ dầy cả tấc. Tôi không biết mấy chị làm gì khi chờ cúng giao thừa, chắc ủi quần ủi áo đặng chút nữa giả bộ xin đi chùa hái lộc nhưng để cho mấy anh ngắm. Còn tôi, chưa biết ăn diện, thương má, tôi đi dọn dẹp mấy cái bàn thờ. Bưng bàn ra ngoài để cúng Trời Đất, bàn thờ Thổ Thần, bàn thờ Ông Táo, bàn thờ hai đứa em chết non, bàn thờ ông Nội, sắp xếp ly để chút nữa cúng trà. Xuống bếp, chuẩn bị nấu sương sa, pha màu, trộn nước cốt dừa rồi đổ vô mấy cái ly, đổ mỏng mỏng cho mau đặc cứng. Bắt nước sôi để nấu nồi chè đậu xanh mà má đã đãi vỏ hồi sáng, chờ chè sôi lên, bỏ đường vô, bỏ bột báng, nhỏ lửa cho sôi riu riu, chờ. Chừng mười một giờ rưỡi, đã chuẩn bị xong mấy món cúng, pha xong bình trà, tôi kêu má dậy để cúng giao thừa. Má tôi ít khi khen con ra mặt, nhưng nhìn gương mặt má thật tươi khi hỏi tôi: ”Con nấu chè rồi hả? Đánh thức ba dậy rồi lấy nhang cho ba má cúng” là tôi biết má tôi vui lòng lắm. Và cứ như thế, năm nào cũng vậy, tôi lục đục nấu chè, đổ sương sa, chuẩn bị cho má cúng giao thừa. Cho đến khi tôi xa quê hương, tôi vẫn thường thắc mắc là đứa em út có lo cho má cúng giao thừa chu đáo như tôi hay không.
*****
Sáng sớm mùng một Tết, chuyện đầu tiên là chị em tôi náo nức ra phòng khách xem chậu mai nở ra sao và tìm kiếm mấy hoa mai sáu cánh, có khi bảy cánh để đoán xem năm nay nhà mình có được nhiều phước lộc. Bữa ăn sáng mùng một rất long trọng. Bánh tét cắt từng khoanh, chung quanh màu xanh lá cây lợt, giữa màu vàng và trong cùng là miếng mỡ trắng, xếp ngăn ngắn lên dĩa bàn lớn. Hai dĩa bánh tét, hai tô măng kho vàng tươi, hai tô thịt kho nước dừa với hột vịt luột, nước vàng nâu lóng lánh mỡ, dĩa củ kiệu, dĩa củ cải trắng trộn với mấy khoanh cà rốt màu cam được cắt tỉa đẹp mắt, hai dĩa bánh tráng dẽo mè đen đã được cắt làm tư nhúng nước, tất cả nằm trịnh trọng trên bàn ăn. Bánh tráng cuốn măng kho và củ cải chua, chấm nước thịt kho béo ngầy ngậy. Bánh tét ăn với thịt kho mềm rụm, nửa cái trứng, củ kiệu cay cay, chua chua, ngọt ngọt, cắt chút ớt ngâm dấm chua ngọt, ngon không thể tả được! Sau bữa cơm sáng no nê, đứa nào cũng lấn cấn ở nhà trong, chờ má lì xì mà mắc cở không dám nói ra. Nhà tôi không có tục lệ chúc Tết cha mẹ, ông bà, cho nên cũng không có tục lệ cha mẹ mừng tuổi con. Ba má tôi ngồi ở bàn ăn, cười hỏi: ” Đứa nào muốn tiền lì xì?” Cả bọn, đứa nào cũng cười lẻn bẻn, đúng tim đen quá mà, lẩn quẩn chờ nãy giờ. Má chia mỗi đứa một bịch đỏ, bề dầy khác nhau tùy theo tuổi, càng lớn tuổi thì bịch càng dầy.

Ba dẫn mấy chị em về nội, về ngoại, làng Đại Nẫm. Má ở nhà nghỉ ngơi sau mấy tuần lo Tết và mùng một ít bạn bè đến thăm. Cả nhà nội và ngoại cũng không có tục lệ chúc Tết ông bà, mừng tuổi con cháu. Thấy tụi tôi lên, bác Xã, bà nội phát cho mỗi đứa một tờ, không cần bao bì gì hết. Mà chúng tôi cũng đâu cần bao bì chi cho rắc rối. Có tiền là đủ rồi! Bà ngoại cũng vậy, phát cho mỗi đứa một tờ, không cần các cháu chúc lại. Cho là cho! Không nghĩ đến sự cảm ơn đáp lại. Người Đại Nẫm chân tình là thế đó. Ông ngoại tôi thì không bao giờ lì xì cho chúng tôi, mà chúng tôi cũng không chờ tiền lì xì của ông ngoại. Hôm qua má đã sai chị Ba đem tiền lên đưa ông ngoại để ông ngoại đi đánh bài mấy ngày Tết cho vui. Lần này thì chúng tôi không chơi lâu. Được tiền lì xì, tự động rủ nhau về trước, để mặc ba một mình đi thăm mấy ông chú, ông bác của ba.

Tụi tôi lo về lẹ để làm sòng bài ở nhà hay la cà đánh tài xỉu, bầu cua. Lúc đó tôi còn nhỏ nhưng cũng cứng rắn lắm. Lúc nào đi đánh bầu cua, tài xỉu là tôi quyết định một số tiền và tự hứa là thua hết số tiền này thì về, không chơi ráng để gỡ, không chơi hết tiền sạch túi như hai thằng em kế. Ba tôi rất ghét cái tánh bài bạc, nhưng những ngày Tết là tụi tôi được chơi thả dàn.

Tội nhất là anh Tánh con trai lớn bác Năm Sang bạn của má, theo chị Hai tôi, tới nhà chơi bị tụi em dụ anh làm cái bài xì dách. Đám tụi tôi đổi bài, dấu bài, chị Hai thấy mà không dám nói, nói ra là tỏ ý cho anh Tánh biết chị bênh anh rồi anh Tánh tưởng chị “chịu” anh thì mất ”danh dự” chết luôn. Anh Tánh thua sạch túi mà không biết có được người đẹp nhìn cho chút xíu nào không. Chị Hai làm cao lắm!

Trong nhà tôi, tôi và thằng em kế là đánh bài ma giáo nhất, liên kết chặt chẽ. Hai đứa nháy mắt, đổi bài lia lịa, hai bà chị khờ khạo, mấy đứa anh em cô chú ngờ nghệch, sạch túi mà không chút nghi ngờ. Ai đời đánh bài phé, mà cứ được thùng, hay suốt hay ba xì là ngồi rung chân thỏa mãn. Tôi với thằng em nói vẩn vơ vài câu, kéo cho mấy người đó lộ tẩy rồi giả bộ tố, giả bộ rút lui, sợ thua, mấy người đó vô lưới hết. Trời hại thằng em tôi, ăn gian ở nhà, ra đường chắc bị lừa, thường đến mùng hai là thua sạch túi, về dụ tôi cho tiền đi chơi, rủ tôi đi ciné để tôi bao.

Chiều mùng ba, chị Hai Cao lên, tụi tui mừng hết lớn. Có người rửa chén. dọn dẹp nhà cửa, mặc dù sau khi cúng ông bà chiều ba mươi, không được quét nhà, có quét thì túm lại một góc nhà chứ không được đổ rác. Xoong măng thứ hai đã được kho lại. Ba ngày, ngày nào cũng bánh tráng cuốn măng kho và củ cải chua, bánh tét, tụi tôi bắt đầu ngán, nhưng có ai có thì giờ nấu cơm đâu. Có bữa ham chơi, tôi nhúng ướt một cái bánh tráng, măng kho, bánh tét, thịt kho, đồ chua, làm một cuốn lớn to bằng cườm tay ba, dài chắc cỡ hai mươi centimet, chạy ra đường vừa ăn vừa coi đánh bầu cua. Bởi vì sau bữa ăn sáng mùng một là chúng tôi không ai có thì giờ về nhà ăn cho đúng bữa. Ba má tôi cũng dễ dãi, đứa nào muốn ăn lúc nào thì ăn, hên thì về nhằm bữa, ăn chung với ba má.

Chiều mùng ba, má xào mì cúng đưa Ông Bà. Rác được đem đi đổ sau khi cúng Tất. Trưa mồng bốn, chị Hai Cao nấu cơm, mở mấy đòn thịt bò ướp sả ớt treo lủng lẳng trên bếp, cắt từng lát mỏng, chiên cho cả nhà ăn cơm, bữa cơm trắng đầu năm sao ngon lạ lùng.

Trên danh nghĩa là hết Tết nhưng đối với chúng tôi, Tết chưa hết. Còn được nghỉ học, còn được đánh bài thả dàn, nhà còn hột dưa bánh mứt là còn Tết. Chị Hai Cao mê đánh bài không thua gì chúng tôi, tối nào cũng rủ đánh bài. Với chị Hai Cao, không dễ gì qua mặt ăn gian được, bị chị cốc đầu, đòi tiền lại vì cái tội láu cá đều đều. Chị Hai Cao mê đánh bài đến độ có hôm chờ ba má đi ngủ, chị kêu nho nhỏ, chúng tôi lò mò giở mùng, chui xuống nhà bếp, thắp đèn hột vịt, thì thào đánh bài. Chắc ba má biết mà làm lơ. Dễ gì qua mặt ba má!

Tối mùng bảy, ngày mai đi học lại, ba tôi biểu chị Hai Cao đem bộ bài tứ sắc, bộ bài cắt tê bỏ vô bếp đốt. Tối đó, trong tâm trạng thơ thẩn, tôi tưởng như đời hết vui, hết thú nữa rồi vì mấy bộ bài đã ra tro than, lòng tiếc hùi hụi. Nhưng sáng hôm sau, đi học, vui thầy, vui bạn, cơn mê đánh bài cũng tan theo mây khói.

Sau năm Mậu Thân, má tôi sợ không được ăn Tết trọn vẹn như năm đó, má tôi cho gia đình ăn một cái Tết mini vào cuối tháng mười một và chúng tôi cũng như ba tôi, ai cũng ủng hộ rầm rầm. Dĩ nhiên năm đó nhà tôi ăn Tết hai lần. Không chán! Chỉ tội má tôi, phải cực nhọc hai lần.

Khi viết bài tùy bút này, sao tôi không nghe tiếng súng, tiếng bom đạn. Tôi sinh ra khi cuộc chiến chống thực dân đến hồi kết thúc. Và rồi tôi lớn theo cuộc nội chiến ngày càng quyết liệt. Thế mà tuổi thơ chúng tôi không bị chiến tranh làm vẫn đục, tuổi thơ chúng tôi vẫn đầy hoa thơm cỏ mịn.

Cảm tạ, cảm tạ “người lớn” đã ưu ái cho chúng tôi một đời sống an vui trong thời chiến

Bước Chân Lãng Tử

Sau năm ngày ngợp mắt vì cái đồ sộ, to lớn, vĩ đại, hào nhoáng, trăm vẻ, ồn ào…, còn chữ nào nữa không nhỉ, có hết những thứ đã thấy trong phim ảnh của thành phố New York, bốn người chúng tôi, những người Viking Na Uy nhỏ bé hiền hòa (xin lưu ý: không phải bốn chúng tôi nhỏ bé hiền hòa mà là nước Na Uy của chúng tôi nho nhỏ nhu mì: Na Uy được cái hân hạnh là nơi tổ chức trao giải thưởng Nobel Hoà Bình mỗi năm vì trong lịch sử thế giới,

Na Uy chưa bao giờ gây lộn, đánh lộn với bất cứ một quốc gia nào), chúng tôi đáp máy bay đến Phoenix, Arizona để chuyển máy bay đến Tucson. Ngay từ trong khuôn viên phi trường, những hình ảnh hơi là lạ đã bắt đầu gây ấn tượng nơi chúng tôi: Những hàng hóa bày bán đều mang hình ảnh đủ loại cây xương rồng xấu xí, con kỳ nhông, kỳ đà thiệt là bình thường và nhất là dáng vẻ tự nhiên của mọi người với cái nón “cao bồi” trên đầu. Lúc đầu tôi tưởng vài người nào đó làm dáng. Tôi cười thầm: Hừm…nón cao bồi có gì mà làm dáng !!! Dần dần, năm, mười phút sau tôi mới hiểu là cái sự đội nón cao bồi trên đầu ngay cả trong phi trường có máy lạnh là một chuyện tự nhiên hết sức tự nhiên của người dân Arizona, xứ nắng khô đồng cháy đã mời chúng tôi đến thử làm cao bồi ở cái “ranch” trong một tuần lễ. Tôi quan sát các kiểu nón và gật đầu công nhận là cũng có vài kiểu phù hợp với cái tính hay làm điệu làm dáng bề ngoài của tôi. Tôi thầm chấm một kiểu: Kiểu nón vẫn mang dáng vẻ cao bồi nhưng được đan bằng những cọng lát mỏng trắng ngà, cánh nón rộng, mịn màn, vừa ngầu vừa mỹ miều. Sẽ mua kiểu này!

Lạ lùng! Cái xứ gì mà 150 km đường xa lộ, từ phi trường Tucson đến Grapevine Canyon Ranch không một tàn cây bóng mát, chỉ toàn loe hoe năm ba cây xương rồng to tướng khô khan. Cứ theo bản đồ, lần đầu tiên lái xe ở Mỹ, thế mà chúng tôi đến nơi trúng phóc, không cần de xe, không cần thắng lại, không cần quay lui một lần nào (Là do người đọc bản đồ giỏi, tôi đó! Và người lái xe nghe lời tôi, biết thân, không bàn lui bàn ngược như thường ngày, lỡ tôi bàn không lại rồi tôi dở chứng ngậm miệng, giả bộ ngủ, thì chỉ có nước vừa đọc bản đồ vừa lái xe.) Đường xá thẳng tắp, thẳng góc, phẳng trơn, phân minh, rõ ràng như một bàn cờ tướng, dễ chạy xe nên cũng dễ chán. Và cái nắng, cái nóng của Arizona cũng lạ nữa. Cùng một độ nóng vào tháng này ở nhưng nóng ở đây là nóng khô, nóng cháy da chứ không nóng âm ẩm làm cho mình có cảm tưởng người luôn luôn ươn ướt ri rỉ mồ hôi như ở Việt Nam thương yêu của mình.

Chúng tôi bốn người đều mê phim cao bồi, theo phe mọi da đỏ, bực cái chuyện người da trắng ăn hiếm, ăn gian, lợi dụng… những giống dân da đỏ cách đây 500, 400 năm nên đã chọn một tuần lễ được sống như những chàng cao bồi ở quê hương của Apache, một ranch cách xa đường tráng nhựa 20 phút xe hơi, chung quanh chỉ toàn là rừng xương rồng thưa thớt đủ mọi hình dạng, thỉnh thoảng mới có vài bóng mát rộng lớn của những cây oak lão làng hay một vài cây đầy gai nhọn, những cây gai dài 6, 7 cm. Cả khu vực ranch được bao bọc bởi những đồi, những núi nhìn từ xa tưởng chừng như những cái đầu trọc với vô số mụt nhọt. Cảm giác hãnh diện vì bỗng nhiên mình được thấy tận mắt, được hít thở không khí nắng khô của những phim cao bồi, được lang thang trên vùng đất chính một trong những nơi trú ẩn của bộ lạc Apache. Hạnh phúc!

Tôi tự chọn mình vào nhóm đi ngựa dở nhất vì tôi chỉ là một kỵ sĩ thiệt là tơ lơ mơ, còn ba người kia thì phi như gió. Người bạn hiền chung thủy của tôi, không bỏ bạn lúc bạn chưa ngã ngựa nên mặc dù đi ngựa giỏi nhưng cũng ghi tên vô nhóm đi dở cho tôi có bạn và chắc cũng để thông dịch cho tôi khi cần vì cái khả năng tiếng Mỹ hạn hẹp của tôi, lỡ tôi hiểu lầm, tôi đi đường tôi, một Apache nào đó dụ dỗ… Na Uy có giòng họ với hoàng tộc Anh (vua Harald là người thứ tám trong danh sách sẽ thừa hưởng ngôi vua sau nữ hoàng Elisabeth đệ nhị) nên tiếng Anh người Viking chúng tôi nói thuộc loại tiếng Anh Orford Street. Hơn nữa âm hưởng trong giọng người Việt nói tiếng Anh cũng không bay bướm mấy nên tôi đâu dám hỏi tới hỏi lui, cái gì cũng gật đầu cho xong chuyện (Kinh nghiệm cho thấy cứ mỗi lần tôi mở miệng ra nói được một vài câu là bị hỏi: Where are you from! Quê lắm!). Ấy cho nên tôi không cảm thấy an toàn trong nhóm này, thầm cám ơn bạn hiền biết điều. Và đương nhiên cách thế cưỡi ngựa của chúng tôi cũng thuộc cách thức cổ điển của nước Anh. Từ quần áo, giày nón, yên ngựa, tư thế ngồi, cho đến cách cầm dây cương… nhất nhất đều cứng nhắc, gò bó so với cái giản dị phóng khoáng từ quần áo, giày nón (có gì dùng đó) đến phong thế cưỡi ngựa Western, yên ngựa Western và khung trời nắng khô đồng trống toàn sỏi đá Western, sống hòa mình với những tâm hồn lãng tử của những anh chàng cao bồi Western ngày xưa. Hãy tưởng tượng đi, ngày xưa tù trưởng Cochise, Geronimo… tướng George Crook, Nilson A. Miles, John Butterfield… đã từng hít thở không khí này, đã từng dong dã chân ngựa trên khoảng đất này, đã từng dừng chân đốt lửa trại qua đêm bên con suối này… làm sao chúng tôi không cảm thấy mình may mắn? Những Vikings từ miền Bắc Âu hoang sơ. Diễm phúc!

Hai ngày đầu, mỗi sáng, mỗi nhóm đi theo tuyến đường của mình, tùy sở thích và tùy khả năng chịu đựng. Mỗi ngày một tuyến đường, một cảnh vật nhưng khí hậu thì vẫn gay gắt như nhau. Trong khoảng ba hay bốn tiếng đồng hồ người trưởng đoàn hướng dẫn cả nhóm băng rừng leo núi, lúc thông thả, lúc bặm môi tưởng như bị hất khỏi lưng ngựa, hết hồn hết vía, lúc cắn môi vì thương cho đôi chân ngựa mảnh khảnh ráng gượng đi từ bước xuống dốc đá lởm chởm. Người dẫn đường giải thích từng cảnh vật trên lộ trình: Mưu cách của những con chim diều hâu lượn bắt mồi, đời sống những cây xương rồng khổng lồ, lịch sử con đường mòn… và tôi cảm thấy tôi thông thái ra chút xíu sau một ngày trên lưng ngựa. Sự thông thái này có còn lưu lại trong đầu tôi lâu hay không là một chuyện khác. Nếu những kiến thức này còn lại chừng 5% trong đầu óc càng lúc càng lười biếng của tôi là tôi hài lòng lắm rồi. Thật đấy!

Buổi chiều sau cơm chiều là chuyến đi chừng hai giờ. Cũng băng rừng leo núi nhưng lộ trình hiền lành hơn, chắc vì bụng ai cũng no căng, hay chủ ranch sợ mệt ngựa(?) Đây là khoảng thời gian thoải mái nhất. Nắng dịu dần, đường núi cũng không mấy chông gai, thấy được nhiều thú rừng ra tìm thức ăn. Những con nai xinh xắn dừng chân ngoái cổ nhìn đoàn thú lạ lùng hai đầu sáu chân, làm những con thỏ cụt đuôi chạy nhanh vô bụi cây… Và nhất là ngắm được cảnh mặt trời lặn, cảnh cuối trời ửng đỏ, lặn nhanh, không ngày nào giống ngày nào làm cho lòng người viễn du lâng lâng cảm nhận cái hạnh phúc muôn màu muôn vẻ, lúc gần lúc xa, chỉ cần dừng chân ngựa năm ba phút, vói tay là tới, quay lưng là mất. Lúc này ai muốn cho ngựa mình phi lóc thóc thì cứ thử thời vận. Nhưng giống ngựa là giống sống theo đàn, ngồi lưng ngựa nhắm mắt, ngựa cũng theo đàn anh đi trước. Đàn anh chạy, đàn anh phi, thì mấy đàn em cũng chạy cũng phi. Nếu lỡ người trên lưng ngựa (như tôi chẳng hạn!) hăng máu cao bồi, thúc cho ngựa chạy qua mặt ngựa người đi trước là cả một sự khiêu khích cả người lẫn ngựa, bị ngựa ta co giò, tai vểnh tai cụp tỏ ý bất mãn và bị người rủa thầm: “Bất lịch sự!”

Qua ngày thứ ba là tôi chọn tuyến đường hiểm trở chông gai 8 tiếng đồng hồ vừa đi vừa về, cả mấy người giỏi cũng đi chung. Tôi hãnh diện lắm! Chuẩn bị thức ăn trưa, hai bi-đong nước đã được để vô tủ đá từ tối hôm qua, lòng tôi hơi lo lo vì được biết là tôi phải đổi ngựa để chịu đựng dẻo dai hơn. Như thế là tôi phải bỏ thì giờ dỗ ngon dỗ ngọt con ngựa mới này, vuốt ve, nói chuyện với nó, làm thân với nó… và nhất là phải học những thói hư tật xấu của nó để dễ khiển nó đi theo ý tôi.

cứ điểm của người Apache
Chúng tôi sẽ lên Stronghold, nơi ngày xưa giống người da đỏ Apache làm căn cứ để chống lại quân đội da trắng vì địa thế hiểm trở, địa thế du kích. Xe chở cả người và ngựa đến chân núi. Từ đó chúng tôi sẽ lên Stronghold. Gọi là đi lên nhưng đường lúc lên lúc xuống , ngoằn nghèo, có những lúc tưởng ngựa chịu hết nổi cái thân không mấy nhẹ nhàng lắm của chúng tôi mà quỵ xuống. Nhiều khúc đường toàn là đá cục tròn nằm lỏng lẻo, chỉ cần ngựa trật chân một cái là lọt xống vực sâu bên đường. Nhiều lúc ngựa ta lóc thóc chạy lách lõi dưới những tàn cây thấp đầy gai nhọn, không màng gì tới người ngồi trên lưng mình, kỵ sĩ phải lanh lẹ cúi đầu nằm sát lưng ngựa, nghiêng lách người, nếu không là tróc nón, gai móc rách áo, xướt tay… Lúc thúc, lúc kèm vì con Mooni của tôi hay nổi hứng bất tử lắm (Đúng ra là tại tôi không biết khiển nó!) và cũng mơ mộng như chủ nữa. Đang đi, thấy bụi cỏ xanh là ngừng lại nhâm nhi, mặc cho tôi dựt dây, thúc bụng, đôi lúc tức quá, tôi phải quất cho một cái đau điếng, Mooni ta mới chịu tiếp tục. Có khi tự nhiên Mooni rẻ ra hướng khác, và trên lưng ngựa, tôi đang mơ mơ màng màng nghĩ đến một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết nào đó, không để ý ” ngựa nản chân bon”… Đến chừng người sau kêu, nhắc chừng, tôi mới bừng tỉnh, kéo, thúc cho Mooni đưa tôi về lối cũ. Ông trưởng đoàn bao giờ cũng sắp xếp một vài người đi phía sau tôi. Ma lanh!

Lộ trình quả thật chông gai nhưng bù lại được ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ , bên kia núi xa xa là New Mexico và nhất là đến được nơi ngày xưa bộ tộc Apache ẩn trú kiên trì chống lại đội quân U.S. Ngồi nghỉ ăn trưa, dở gói bánh mì tôi tự làm hồi sáng với thật nhiều thịt và phô mai (Nghệ thật ăn giữ eo: ít bột, nhiều protein), một dòng kem vàng vàng chảy ròng rả từ miếng sandwich duy nhất của tôi, phô mai đó, làm sao chịu nổi cái nóng 40 độ C này trong bốn tiếng đồng hồ. Đoản vị! Phải nhắm mắt mà nhai mà nuốt (Ước chi có tô mì gói con tôm nhỉ! Không cần thêm hành, tôm thịt, rau gì hết!). Đã vậy, ông trưởng đoàn không tâm lý chút nào hết. Hồi sáng chúng tôi được xe chở đến tận chân núi, bây giờ, sau giờ ăn trưa, mệt mõi, thì lại phải lóc thóc cưỡi ngựa về. Đường đi lên ba tiếng đồng hồ, đường đi về năm tiếng đồng hồ, cả một sự tính toán sai lầm!!! Dầu cho trên đường đi về chúng tôi được dừng chân ngựa ngắm cảnh núi non hùng vĩ xa xa dưới bầu trời trong thanh không một cợn mây, cũng không bù lại cái tính toán thiếu sư phạm này đã làm chúng tôi rã rời tê mông khi nhảy xuống khỏi lưng ngựa, đi thẳng một mạch về cái hut của mình, ngã lăn ra gường, làm một giấc tới khi kẻng cơm chiều gióng kêu leng keng. Cái mệt mõi hài lòng!

Kinh nghiệm chuyến đi lên Stronghold, hôm nay đi lên Fort Bowie, tôi chỉ chuẩn bị vài cái trứng luột, trái cây và dĩ nhiên hai bi-đong nước đong lạnh, mặc dù tôi biết rằng chỉ đến trưa trên đường về là nước trở nên âm ấm nóng, uống đến lợm giọng, nhưng phải uống. Tuyến đường hôm nay tương đối hiền lành, một phần của tuyến đường Butterfiel Overland Mail. Sau cuộc chiến hơn hai mươi năm giữa U.S Army và bộ lạc Chiricahua Apaches, Fort Bowie và Apache Pass trở thành trọng điểm cai quản khu vực. Tất cả những chiếc wagons của đoàn người di dân vào thế kỷ thứ mưới chín, từ St. Louis đến Los Angeles và San Francisco đều phải qua Fort Bowie. Bây giờ khung cảnh toàn trại chỉ còn vài bức tường đã bị đập vở nửa chừng và trạm đón du khách mới được xây sau.

Đứng trên ngọn đồi ngày xưa là trạm canh, tôi mới hiểu tại sao quân đội dùng điểm cứ này. Trên đỉnh đồi không cao mấy nhưng ta có thể phóng tầm mắt quan sát, theo dõi được tất cả những gì đang diễn ra trên những con đường mòn xa xa, trên những cánh đồng cỏ cây thưa thớt, trên những đồi núi trọc thâm thấp lững lơ. Nếu đường đi lên Stronghold hôm qua là để du khách được nhìn tận mắt, được cảm tận lòng cái khó khăn hiểm trở cửa địa thế thì đường lên Fort Bowie là ba giờ học trên lộ trình mang đầy di tích lịch sử. Chừng mười lăm, hai mươi phút là có bia đá được khắc những hàng chữ tường thuật lại một vài sự kiện lịch sử, túp lều Apaches, nghĩa địa những người tử vì… tìm đường sống còn. Và thác nước Apache Spring rơi êm đềm xuống dòng suối lững lờ trôi trong cái mát dịu người của cây cối chung quanh. Một nguồn vui bất ngờ của kẻ lãng tử trên con đường ngập nắng khô cằn. Xuống ngựa, quì gối, cúi vóc một ngụm nước suối trong mát, làm trôi đi lớp bụi “phong trần”, tôi mới hiểu cái giá trị cuộc chiến đấu mất còn của bộ lạc Apache ngày xưa để bảo vệ nguồn nước. Apach Spring đã từng là cứu tinh của người Da Đỏ, của những đoàn lính viễn chinh, của những đoàn xe ngựa đi tìm quê hương lập nghiệp nơi miền biển Tây màu mở, nhiều hứa hẹn.

Bảy ngày dong duỗi trên lưng ngựa. Bảy ngày được sống trong lòng đất Apache, chúng tôi đáp máy bay xuống miền biển Key West Florida, một làng quê nghe nói vẫn còn giữ được nét thô sơ của làng chài ngày xưa và cũng để kịp chứng kiến (chứ không tham gia!) ngày Henningway. Rời bỏ quê hương Apache với lòng lưu luyến người dân Arizona thành thực, phóng khoáng từ ngôn ngữ đến cái cười. Sống trong lòng người Mỹ chính thực, chúng tôi những người châu Âu thường tỏ ý coi thường nền văn hóa không quá năm trăm năm, vẫn thường có thành kiến về cái hào nhoáng bề ngoài của đất nước Mỹ, luôn người Mỹ, chúng tôi đã học một bài học quí giá trong đời: Hãy sống hòa đồng và tìm hiểu tường tận trước khi đánh giá. Tiếc là ruột tượng đã cạn, chương trình đã được ấn định, chúng tôi đành chia tay Arizona một buổi sáng còn mờ tối, lên đường trở lại phi trường Tucson với nổi lòng bùi ngùi.

Có một điều tôi tiếc hoài, tiếc hoài. Tôi không sắm cho tôi được cái nón cao bồi đan bằng dây lát trắng mảnh, vừa ngầu vừa mỹ miều mà tôi đã âm thầm chọn khi ở phi trường Phoenix. Phải chọn mua cái nón cao bồi nỉ nâu, tuy cũng đẹp và bảo vệ đầu tốt hơn, tôi vẫn còn ấm ức lắm. Muốn có cái nón như tôi ao ước thì thợ phải đan theo đúng dạng đầu của từng người, phải chờ cả tuần mới xong. Tôi vở mộng làm nữ cao bồi điệu. Thôi vậy, chờ kiếp sau!

Võ Thị Điềm Đạm