Nguyễn Mạnh Trinh

Nguyen Manh Trinh

Đọc Thơ Hải Phương

Có một người làm thơ đã viết một vài câu thơ tình cờ để tặng một tập thơ đọc cũng rất tình cờ của một nhà thơ mà cuộc gặp gỡ cũng thật… tình cờ vô định trong cõi đời này:

“ghé chơi qua chốn mịt mù
thấy ngôn ngữ quạnh thiên thu ngỡ gần
một bước chân thấy phân vân
thấy trang sách triết tần ngần cõi xa
hai chân bước chợt nhạt nhòa
vần trên câu sáu nở hoa nụ đầu
vế sau câu tám ở đâu
lạc vào cõi sắc mấy mầu tịnh không
soi gương râu tóc bềnh bồng
hỏi chàng thi sĩ có trong mộng hờ?
câu vấn câu đáp lửng lơ
thấy trường giang cuộn mấy bờ dương gian”

Đọc thơ Hải Phương, thấy ngôn ngữ thơ như vờn quanh chúng ta một điệu khiêu vũ mà thân thể dường bất động đứng yên một chỗ. Sao lại đứng yên mà khiêu vũ được ? Bởi vì, trong tâm tư, hình như cái có và cái không trộn lẫn, chân đi mà tưởng như đứng, óc nghĩ mà tưởng như không mảy may suy tư và cảm giác là những nỗi bâng khuâng của mê hoặc bất định. Tôi đã nghĩ như thế và chợt giật mình, tự hỏi. Tôi đọc thơ theo kiểu nào? Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng…? Và tôi có giả vờ làm người khách lạ đi tìm thi tứ…

Không, tôi đọc theo kiểu của tôi, không làm cho khác đời và cũng chẳng cầu kỳ bí hiểm. Thấy gì nói nấy, cảm gì bộc lộ nấy. Ở thơ Hải Phương, tôi thấy thơ có lúc bàng bạc phân cách giữa chữ và nghĩa. Nhưng, ở phần cảm xúc là những bước chân kéo đi xa, thật xa đến mịt mù. Mỗi một thi sĩ có phương cách diễn tả riêng. Cái riêng ấy lột tả cái phong thái để thành một căn cước cho thi sĩ. Đọc câu thơ đầu, đã có cảm giác của một danh tánh, đọc câu thơ thứ hai đã thấy một chân dung. Ở Hải Phương, là ngôn ngữ cũ nhưng hình tượng mới, là ngôn ngữ có phấn son nhưng trang điểm nhẹ nhàng. Thơ là những nét vờn của cuộc sống, của những cảm giác thoảng qua trong những giây phút tình cờ tìm kiếm được những mơ mộng đã từ lâu tích chứa.
Như bài thơ ”Chân dung mùa xuân và biển”.

“Tóc xao vừa độ nắng hong
gió hiu hiu đủ phiêu bồng mái hiên
liềm trăng lục bát nghe thèm
trầm hương cỏ mượt môi em dậy thì
nét mày vẽ một đường thi
tuyệt chiêu em nước cờ đi qua thành
mềm môi cắn một lằn ranh
nụ hôn vỡ vụn tan nhanh miếng sầu
thắp lòng tĩnh lặng trước sau
đường cong biển dội trộn màu chân dung
bỗng dưng lại bỗng không dưng
bỗng dưng bỗng nữa lưng chừng nhớ em
mở trang vô tự ra xem
thấy trong lá biếc biển đêm dịu dàng “

Đọc xong những câu lục bát trên, có người hỏi tôi. Thơ nói gì vậy? Tôi ngớ ra và chỉ biết nói thơ không bao giờ giải nghĩa được. Tôi chỉ yêu thơ, khoái thơ nhưng bình thơ thì đành chịu. Bởi vì tôi thấy bất lực để dùng ngôn ngữ là một thứ hữu hình để phác họa cái cảm giác là một loại vô hình và ai hiểu sao thì hiểu. Thế thì, cảm giác của tôi khi đọc những câu thơ trên ra sao? Chỉ là những liên tưởng nối tiếp nhau, từ một hình dáng người nữ, có nét thực mà cũng có nét ảo, gợi lại một không gian nào kỳ bí và một thời gian nào có thể gần mà có thể là vạn dặm để trong bỗng dưng nỗi nhớ thấy từng trang vô tự của lá biếc biển đêm. Đó là cảm nhận của riêng tôi, mà người khác có thể không cảm nhận ra. Những câu thơ, tả người nhưng để phác họa tình cảm, để trong những đường nét như có như không ấy, ngầm chứa một thế giới riêng của những nỗi niềm yêu thương bàng bạc.

Và, trong một sát na “bỗng dưng lại bỗng không dưng / bỗng dưng bỗng nữa lưng chừng nhớ em / mở trang vô tự ra xem / thấy trong lá biếc biển đêm dịu dàng”. Dù là trang vô tự, vẫn thấy biển dịu dàng của bóng đêm…
Hải Phương thường viết về biển. Ở biển, có cuồng ca. Ở biển, có tháng giêng xanh tình cỏ biếc. Ở biển, có nghe vời vợi vỗ khuya. Ở biển. Tiếng em vọng âm rền tiền thân. Những bài lục bát liên tiếp nhau, để biển cả thăm thẳm nỗi niềm, để trùng dương cứ thầm thì một điệu ngữ ngôn của thuở nào đất trời còn hoang sơ của cuộc nhân sinh còn nhiều gót chân đi lạc.

Thơ Hải Phương từ : ”mùa xuân em biển hư vô / triều con sóng vỗ bờ xô cát bày” của “Cuồng ca biển và em” đến: ”Biển buồn trời cũng mây bay / cơn mưa tinh thể đất say điệu mình / đất trời cứ mãi làm thinh / mà sao cỏ biếc xanh tình tháng giêng” của “Mà sao cỏ biếc xanh tình tháng giêng” rồi: ”Mầu trăng động vỡ càn khôn / môi em động vỡ nụ hôn dậy thì / thiên thu động vỡ có khi / tóc em gió rối chân đi lạc lìa / nghe vời vợi biển vỗ khuya / hồn ta động vỡ cồn chia bãi bày” rồi: ”qua đây thấy lạ con đường / hai vai quẩy gánh vô thường mộ xưa / mùi trăng đọng vũng cơn mê / bước chia cố xứ nẻo về mình ên / tiếng khô đá nẻ nhẹ tênh / tiếng em biển vọng âm rền tiền thân”. Rồi: ”Bỏ ta ơi bỏ người ta / bỏ mây tứ xứ em tà áo bay / bỏ hôm trước bỏ ngày bay / rừng phơi lá nỏn biển bày biện em”.

Những câu thơ mở ra những hình ảnh. Ý và tình, tình và ý, chen lẫn nhau để gián tiếp nói với ngôn ngữ của những sợi đàn cảm xúc, vẳng lên nhẹ nhàng và như chứa chan ở trong những dung lượng vô bờ của nỗi niềm dàn trải. Biển có nói gì đâu / ngoài điệu sóng ru, ngoài màu xanh thăm thẳm của chiều sâu tận cùng chẳng bao giờ đụng đáy…

Có người nói thơ sao mơ hồ và đầy những ngôn ngữ ít có âm hưởng đời thường trong thi phẩm Hải Phương. Có thể đó là một lời phê phán với người này nhưng lại là biểu tỏ khen ngợi với người kia. Ở trong những từ có thể gọi là sáo ngữ ấy trong cảm nhận này lại là những vọng âm mở ra những mảnh trời u hiển với tâm thức kia. Riêng với tôi, tôi cảm nhận được trong sự mơ hồ một đời sống nào gần cận lắm, lãng mạn và đầy thiết tha của những trái tim dòn dã nhịp đập thương yêu. Chẳng sao, nếu có ai tô son điểm phấn cho ngôn ngữ. Chỉ xin một điều, có cảm nghĩ thực của cuộc sống thực chứ chẳng phải là một màn kịch mà người thủ vai cứ hững hờ trong lớp áo vô hồn…

Thơ lục bát, đã có một quá trình sáng tạo từ bao nhiêu thế kỷ, đã qua những khuôn khổ như một gắn bó vô hình làm thành những cõi thơ khuôn mẫu. Rất khó cho những dụng công đổi khác. Câu sáu câu tám, mở ra và khép lại. Câu tám câu sáu, khép lại và mở ra. Thi sĩ, như người chọn lựa một cuộc thách thức. Làm sao để tạo cho riêng mình một vóc dáng. Không phải của Nguyễn Du nàng Kiều, không phải của Tú Xương “Sông lấp”. Mà cũng không phải Cung Trầm Tưởng, Trần Đức Uyển, Hoài Khanh,… thuở nào. Mà phải riêng vóc dáng Hải Phương. Trong cố công ấy, tôi đã thấy trong ngôn ngữ và vần điệu. Những chủ ý để bắt người đọc chia sẻ với người làm thơ những tâm tình, có thể là chung của những người đam mê và nhiều mộng ước. Thơ như những ngọn củi, nhen vào bếp lửa nhân sinh để trong hơi cuộc đời chia với nhau niềm thiết tha nồng ấm…

Người thơ nói với người thơ? Có phải là những chung mang của nghiệp duyên phải gánh. Đọc thơ bạn, để thấy gần gũi hơn những câu lục bát, để thấy không gian gần lại một vòng tay. Hải Phương đọc thơ Hoàng Xuân Sơn:

“Đất buồn đất hỏi han cùng.
Trời buồn trời lại bão bùng hao hư
Đọc câu lục bát tàn dư
Đêm qua mất ngủ còn như ngó ngày
Phiên đời vụn nhỏ lòng tay
Trái tim âm bản vàng bày lửa nung
Đất trời lục địa nhớ nhung
Con chim nhỏ hát tiếng khùng điên rong
Vì em bữa trước ra bông
Bữa nay ra nụ phiêu bồng tiền thân.”

Trời buồn đất buồn nên câu lục bát cũng tạo thành đêm mất ngủ. Vì sao? Bởi vì: ”vì em bữa trước ra bông / bữa nay ra nụ phiêu bồng tiền thân”. Câu trả lời đơn giản mà phức tạp, tưởng lời cạn mà ý sâu. Thơ mở ra những liên tưởng nhưng cũng đóng lại những luận cứ. Thơ như bơi trong dòng nhân sinh mà tưởng như chân dẫm trên bờ cạn rong chơi. (Không hiểu thi sĩ có chủ ý diễn tả như thế không? Tôi không rõ. Nhưng là người đọc tôi đã cảm thấy như vậy)

Hải Phương làm thơ cho những người bạn Phan Thiết, những người đã sinh ra ở bên sông Cà Ty, núi Cú và Tà Dôn. Thơ gửi Hoài Khanh:

“ngày về mở cửa phù vân
cài then thiên cổ mưa gần nắng xa
bút hoa hứng trận phong ba
miếng môi ngậm cứng vành tà huy không
mở trang vô tự phiêu bồng
mái hiên ngôn ngữ mái lòng thênh thanh”
Thơ gửi Đài Nguyên Vu:
“người về cỏ rối dưới chân
chén thinh không cạn bước ngần ngại qua
sông Cà Ty trận mưa và
phố lầu Phan Rí rộng tà áo bay
thiền sư thả con diều mây
tràng kinh niệm đến đoạn này đứt giây”
và thơ gửi Từ Thế Mộng;
“biển xưa sóng vỗ cồn bày
bến bên kia bãi bên này rộng rinh
biết đâu ruợu uống một mình
môi cay nhín gởi ngọn tình ra roi
mở trang vô tự ra coi
môi khuya thắp ngọn lửa cời bếp xanh.”

Dù thơ viết cho mình hay gửi cho người, Hải Phương vẫn là một người tự may cho mình một tà áo thơ để khoác lên tâm tư những nỗi niềm dàn trải từ cuộc sống. Tôi đọc thơ ông, như những bước chân đi tìm lại những bóng nắng rơi xưa cũ, những tâm tình của một thuở nào tưởng đã quên mà gợi nhớ đến lạ lùng. Nếu có ai thấy tôi viết như trong cơn đồng thiếp thì cũng bỏ qua cho, bởi khi đọc thơ có khi mình đã quên lãng cả chính mình, thân phận mình. Đọc thơ Hải Phương, là để du hành vào một cuộc lữ mà hai chữ có không, cũng như mê và tỉnh chỉ là những ý niệm mơ hồ của ngữ ngôn phù ảo…

Lệ Khánh,
Em Là Gái Trời Bắt Xấu

Có một thi sĩ nổi danh viết về một người thơ nữ đã in những tập thơ có thể nói là tạo thành một hiện tượng thi ca: ”Khi những người tuổi trẻ yêu, đừng bắt họ nhân danh Nghệ Thuật hay Chân Lý để làm thơ! Chính Lệ Khánh chẳng đã từng thú nhận: Lệ Khánh làm thơ, in thơ bán thơ, nhưng Lệ Khánh không “bán tim”… và hẳn Lệ Khánh không hề có tham vọng làm một nữ sĩ “chuyên nghiệp” chiếm riêng một chỗ ngồi trong Văn Học Sử ngày mai. Lệ Khánh chỉ muốn làm một người tình nhân bé nhỏ, ngày hôm nay, có riêng một chỗ ẩn náu kín đáo ở… trong trái tim người yêu cho tiếng thơ thành khẩn của mình được một tấm lòng mến thương đón nhận, cho linh hồn bé bỏng của mình được một vòng tay khăng khít bao dung. Mà như vậy thì, dù muốn dù không, Lệ Khánh cũng đã tự nhiên là một thi sĩ! Một thi sĩ của tình yêu, hòa đồng chính đời sống cùng số phận mình vào Thơ, cũng như đem tất cả hoa hương mộng ảo của thơ dâng hiến cho Tình.”
Thi sĩ nổi danh trên là Đinh Hùng viết về một nhà thơ nữ mang tên Lệ Khánh, tác giả của những tập thơ với nhan đề gây thật nhiều ấn tượng ”Em là Gái Trời Bắt Xấu.” Tập thơ đã gây xôn xao dư luận một thời và sau đó là 4 thi tập khác tiếp theo do nhà xuất bản Khai Trí in mang cùng nhan đề đã có số bán kỷ lục trên toàn miền Nam thời ấy.
Đặc biệt, ở Đà lạt, thành phố sương mù, nơi sinh sống của Lệ Khánh, thì những người hâm mộ yêu thích thơ Lệ Khánh cũng rất nhiều, nhất là những người lính trẻ của các quân trường thời đó.
Tôi đã gặp một cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt khóa 16 kể về tập thơ đầy kỷ niện này với ông và đã đọc hai bài thơ mà ông đã thuộc đến nằm lòng thời trước và đến nay là hơn nửa thế kỷ, qua bao nhiêu biến cố thời thế dập vùi, mà vẫn còn nhớ không sót một câu. Chính ông cũng tâm sự rằng ông không phải là người độc nhất như thế mà còn rất nhiều người cùng khóa đều mang chung ý nghĩ như vậy.
Ở Sài Gòn, năm 1962 có một sự kiện thơ văn khá lạ. Nhà văn Duy Năng kể: “Khoảng cuối năm nhâm dần, một loạt sáu bài thơ của Lệ Khánh được đăng cùng trên một trang báo Văn Nghệ Tiền Phong. Không phải từ lúc ấy thơ Lệ Khánh mói bắt đầu xuất hiện, nhưng những tác phẩm khép nép, nhỏ nhoi kia của “người con gái trời bắt xấu” đã được nhiều người đọc đến từ lâu và cũng từ đó về sau này.
Khi 6 bài thơ được chăm sóc giới thiệu cùng một lúc tôi hiểu rằng đã có một cái gì khởi đầu. Tôi không nghĩ là thiên tài cũng không dám nghĩ là một vinh quang rồi sẽ rạng ngời và hiện tượng T.T.KH. của văn học mà tác giả chỉ được chiêm ngưỡng trong ảo tưởng hay như vì sao chợt sáng rồi chợt mờ, đã xui tôi dậy lòng lo âu để nghĩ rằng đừng bắt Lệ Khánh là vừng trăng mười sáu của một địa cầu bất động tuy với những bài thơ khai nguyên từ năm 15 tuổi tôi được nhận đọc, không chỉ với tâm hồn thi sĩ mà còn với tấm lòng thương yêu cháu gái.
Nhưng tôi hiểu, đã có một cái gì bắt đầu với lời thú nhận nghẹn ngào “Em là gái trời bắt xấu” ghi trong ngoặc dưới những bài thơ thảm trạng đó”
Trong thời giam ấy, đã có người nhận xét: ”Lệ Khánh ở Đà Lạt ”Em là gái trời bắt xấu” ra đời ở vùng Cao nguyên lạnh như băng này… Rồi tiếng thơ Lệ Khánh bay xa khỏi miền Cao nguyên về vùng thành thị, tiếng nức nở ấy làm cho người thưởng ngoạn chợt bâng khuâng không biết ví von ra làm sao để diễn tả nổi cái buồn đau của Lệ Khánh… Nhưng khi ai đã đi một mình trong màn mưa phùn lâm dâm, đang thèm khát một ly cà phê hay cảnh một gia đình, lúc ấy nhạc Chopin vọng tới, buồn vô cùng.. thì đấy thơ Lệ Khánh như vậy”
Nửa thế kỷ, sau, những bài thơ dung dị, viết mà không muốn xác định vai trò của một người muốn chen chân vào ghế ngồi văn học sử, của “Em là con gái trời bắt xấu” vẫn còn hiện hữu và vẫn còn sức sống. Ghé qua các trang mạng của tuổi học trò, những Hoa Cô Đơn, những Hạt nắng, những Áo trắng, những Cổng trường xưa,… vẫn thấy những câu hỏi về Lệ Khánh, hay chép cho nhau những bài thơ của “Em là gái trời bắt xấu”. Một thời gian dài như thế, thơ vẫn còn sức sống, vẫn còn được đọc, và ngôn ngữ thi ca của một thời còn hiển hiện. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Nếu có ai phân biệt thơ bình dị và thơ trí tuệ thì giải thích giùm sự kiện ấy? Hay là, có phải thơ gây được cảm xúc cho lòng người sẽ còn tồn tại lâu dài cho người yêu thi ca?
Đọc trên mạng những dòng chữ để thấy tâm tình của những người thế hệ sau: ”Dĩ nhiên ”nhan sắc” vẫn muôn đời là “nhan sắc” là cái vỏ bề ngoài do người ta tạo dựng lên bằng cái “ngôn ngữ của kẻ thống trị”. Mà kẻ ”thống trị” từ xưa đến nay có phải chỉ là quí ông?
Hãy nói về Lệ Khánh và “tiếng kêu thảng thốt“ từ bên kia cực của Nhan Sắc. Tiếng kêu bi thảm ”Em là gái trời bắt xấu” ngày ấy đã làm tôi thắc mắc và đã trợn tròn mắt hỏi chị ”em có thấy chị xấu đâu mà tại sao…” Tại sao… chị đã chẳng trả lời, chị? Cúi đầu cảm nhận để cho những “kẻ thống trị” đánh giá mình bằng cái vẻ xấu đẹp theo những quan niệm và những nhận định phiến diện của riêng họ.
Và hãy nói về Nguyễn Thị Hoàng với cực bên này của Nhan Sắc là tứ đại, ngũ đại, thập đại… giai nhân. Chưa gặp cô, hình ảnh cô trong tôi là hình ảnh của cô Tôn Nữ Kim Phuợng “với ánh nắng mai lấp lánh trên áo len lông màu hoàng yến nhảy múa theo bước chân cô từ văn phòng đến lớp” và là hình ảnh của cô Kỳ Hương ”..với nụ cười hiền hậu..” vậy mà khi gặp cô, rất gần, rất thật, chỉ cách một hàng ghế và nghe cô nói hơn một tiếng đồng hồ, những hình ảnh ấy vụt biến đi dù tôi đã cố giữ…
Tại sao tôi không hề thấy hay cảm được cái gọi là “ma lực” của cô Nguyễn Thị Hoàng mà lại bị ma lực của chị Lệ Khánh quyến rũ?
Cái gọi là Nhan Sắc vì thế có phải chăng chỉ là ảo ảnh, không hơn không kém. Cũng như “người yêu của đấng trời”, cũng như con cá đi lạc ra ngoài hồ nước của con bé lên ba… và có phải chị có niềm tin mới biến những ảo ảnh có đấy mà không có đấy để rồi niềm tin chính nó cũng chỉ là những ngụy biện không hơn không kém…”
Lệ Khánh đã in tập thơ đầu tiên “Em là gái trời bắt xấu” lúc vừa 20 tuổi. Và sau đó từ năm 1964 đến 1966 nhà xuất bản Khai Trí đã in liên tục từ tập 1 đến tập 5 và thơ của bà đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Nhà văn Thế Phong đã nhận xét: có thể nói Lệ Khánh được nhiều độc giả đọc nhiều, thuộc nhiều, nhắc nhở nhiều chẳng kém gì Nguyễn Bính thời tiền chiến. Tập thơ “Em là gái trời bắt xấu” cả 5 tập có thể nói bán chạy nhất, hơn cả thi sĩ Nhất Tuấn thời ấy được coi là tác giả lục bát có thơ bán chạy”
Thơ của Lệ Khánh có nét riêng biệt ra sao và lý do gì mà thơ của bà được yêu thích nhất là đối với những chàng sinh viên sĩ quan Võ bị Đà Lạt thời gian ấy? Lệ Khánh làm thơ về những mối tình ngang trái về tâm tư đau buồn đầy nước mắt đầy bi lụy. Tình yêu của bà là những mối tình không thành tựu của những nhớ nhung luôn dằn vặt đời sống. Với tâm sự như thế, thơ của bà là những biểu hiện của nỗi đau có thực của tâm tư luôn đau khổ vì yêu. Trong cuộc đời thực, đã có lỡ làng, đã có chia phôi và kỷ niệm lúc nào cũng vẫn là những nỗi đau của vết thương tâm không liền da, liền thịt. Thơ cuả Lệ Khánh ngôn ngữ bình dị đời thường, hình ảnh biểu tượng thi ca cũng không có gì đặc biệt nhưng chính vì những nét đơn sơ bình dị của một người làm thơ nữ đã tạo ra được không gian thi ca tuy có nét hiện thực gần gũi cuộc sống nhưng lại có nét mong manh sương khói của những người có trái tim luôn đập nhịp dồn dập khôn nguôi để tạo thành một biển trời cảm giác.
Tôi đọc lại những bài thơ cũ trong “Em là gái trời bắt xấu” để cùng có chung cảm giác với những người đã một thời yêu những vần thơ của kỷ niệm, của những người có tình nhân là lính chiến, là những mơ mộng và những đớn đau trộn lẫn. Ai cũng yêu quí và trân trọng kỷ niệm của riêng mình, dù là những hằn dấu đớn đau hay có khi ngập tràn nước mắt.
Thí dụ như bài Áo Tím Ngày Xưa:

“Con đường này… kỷ niệm
ngày xưa (anh của em)
vẫn khung trời thương mến
và nhớ nhung trong tim
đó rừng xưa chơ vơ
đây hồn em cô quạnh
màu áo tím ngày xưa
sao giờ nghe buốt lạnh
bao năm rồi trở lại
Đà Lạt buồn lối quanh
Thương thương màu áo tím
Của ngày xưa… đâu anh?
Con đường Hồ Than Thở
Hoang sơ nấm mộ sâu
Người em áo tím nhỏ
Đi tìm anh… anh đâu?”

Những ai đã là sinh viên sĩ quan trường Võ Bị chắc không lạ gì với con đường Lâm Viên và mồ cô Thảo, một nơi chốn chứa đựng cả một trời tình sử. Lệ Khánh viết Đường Vòng Lâm Viên như một trao gửi đến người xưa về cảnh cũ:

“Em tìm đến con đường Lâm Viên nhỏ
nhớ ngày xưa…”đại lộ của thương anh”
vẫn quân phục với màu alpha đỏ
em vui cười sao nước mắt dâng nhanh
Đây chứng tích của ân tình đổ vỡ
Mộ hoang sầu cô Thảo ngủ thiên thu
Không nhang khói không cành hoa dại nở
Bên ven hồ hương tử khí âm u
Khi em chết cũng xin về an nghỉ
Cạnh bên nàng để rõi bước chân anh
Đường Lâm Viên …buồn như chiều phố thị
Mai anh về khi tắt lửa chiến tranh
Anh nhớ nhé về thăm thành phố cũ
Đường Lâm Viên cỏ úa mọc ven rừng
Nhiều kỷ niệm mà nói sao cho đủ
Đợi anh về em sẽ nói nhiều hơn”

Lệ Khánh sống ở Đà Lạt, có mối tình đầu với một sinh viên sĩ quan Võ Bị. Với bà, thành phố sương mù này là thành phố của tình yêu nhưng lại là nơi chốn của những mối tình đau khổ. Tràn đầy yêu thương, chất ngất cảm xúc nên đã viết được những bài thơ mang tâm trạng của mình nhưng gợi lại đến những kỷ niệm của nhiều người khác mà có người vì quá yêu thích nên đã gọi là những “bài thơ để đời”. Có thể có cả những người xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia nữa.
Có người không tin là nữ thi sĩ Lệ Khánh không có dung nhan khiêm nhường như bà đã tả trong thơ? Theo như nhà văn Hồ Nam thì: ”Điều làm mọi người kinh ngạc là Lệ Khánh xuất bản thơ với tựa đề “Em là gái trời bắt xấu” nhưng thật ra tác giả năm tập thơ mang nhan đề như trên lại là một cô gái Huế xinh đẹp từng làm nhiều chàng trai đất Quảng ngẩn ngơ chứ chẳng xấu một chút nào cả…”
Những mối tình của nữ thi sĩ ra sao mà có người như La Ngạc Thụy đã cho rằng vào những năm thập kỷ 60, trên diễn đàn văn nghệ xuất hiện một nhà thơ gây xôn xao dư luận có thể nói là ngang tầm với hiện tượng TTKH. là nhà thơ Lệ Khánh?
Theo nhà văn Hồ Nam thì: ”người ta đồn rằng người tình đầu của Lệ Khánh là nhà thơ Nhất Tuấn nhưng Nhất Tuấn không xác nhận cũng chẳng phủ nhận tin đồn chỉ im lặng. Nhưng sự thực không phải như lời đồn đại. Người tình đầu thấp thoáng những khổ đau ly biệt dở dang trong thơ Lệ Khánh chính là Phạm H.Th., sinh viên sĩ quan khóa 17 Võ bị Đà Lạt sau khi mãn khóa đã được thuyên chuyển về binh chủng Biệt Động Quân. Mối tình dang dở gây ra cho Lệ Khánh khổ đau vì TH. Đã lập gia đình với một người bạn gái của cô khiến cho Lệ Khánh có rất nhiều bài thơ về mối tình sướt mướt này. Một thời gian sau khi chia tay với người tình đầu Lệ Khánh có một mối tình với nhà văn nhà thơ Mũ Đỏ Hoàng Ngọc Liên. Thời gian đó Hoàng Ngọc Liên thường hay bay đi bay lại Sài Gòn – Đà Lạt hàng tuần và khi ông viết bài thơ ”Kỷ niệm sinh nhật em” thì Lệ Khánh có ngay bài ”Kỷ niệm sinh nhật Anh” để đáp lại. Hai người cặp nhau một thời gian dài nhưng thời gian này HNL rất bay bướm có nhiều bồ nhí ở Sài Gòn, một ngày kia Lệ Khánh bắt gặp tại trận nên chia tay nhau. Sau đó người ta lại thấy Lệ Khánh có quan hệ tình cảm với nhà thơ kiêm nhạc sĩ Thục Vũ (Trung tá Vũ Văn Sâm) một trong những nhà thơ quân đội khá nổi tiếng và cuộc tình này khá bền bỉ, bền tới khi Thục Vũ rời khỏi cõi hồng trần vẫn chưa dứt..”
Nhạc sĩ Thục Vũ đã phổ bài thơ của Lệ Khánh, bài “Tình người hậu tuyến” rất nổi tiếng. Có lẽ vì tâm đầu ý hợp chăng? Cô công chức Tòa hành chánh Thị xã Đà Lạt sau đổi về Tòa Tỉnh Gia Định, có những câu thơ đơn sơ được chuyển thành cung bậc âm thanh đi thẳng vào tâm tư thính giả:

“Hôm nay trời vào thu
Đà Lạt lắm sương mù
Cây khô buồn trút lá
Gió ven hồ bay xa
Mây thu lờ lững trôi
Lồng lộng gió lưng đồi
Xin anh đừng giận dỗi
Viết thư về thăm em…”

Cuộc đời tình ái của Lệ Khánh nhiều truân chuyên bi lụy nên có người đã ví TTKH như Đạm Tiên và Lệ Khánh như Thúy Kiều. Lệ Khánh yêu hết mình và đã để lại trong tâm những vết thương để có một hồn thơ thích hợp với khuôn trời thơ mộng mù sương Đà Lạt. Tình yêu đã tạo thành những câu thơ mà độc giả, dù đương thời hay về sau này, cũng cảm và thấy được nỗi bi thương của một người không may có những mối tình không bao giờ trọn vẹn. Thơ tình buồn thường hay gây ấn tượng cho người yêu thơ từ thuở xa xưa đến giờ…
Vào thời kỳ giữa thập niên 60, lúc Lệ Khánh bắt đầu nổi tiếng, tôi còn là một cậu học sinh trung học. Dù đang ngồi ghế nhà trường nhưng vẫn hay thường mộng mơ vói qua ngoài cửa lớp. Những bài thơ của tuổi học trò ngây thơ, của những thời xôn xao mới lớn hay đăng trên những phụ trang văn học của các tờ nhật báo được chúng tôi cắt dán hoặc chép lại trong những cuốn sổ bìa cứng và cứ thế suốt mấy năm trung học đã thành cuốn sách gối đầu giường vô cùng trân quí. Ở những bài thơ, mường tượng những người tình, có khi chỉ là thoáng qua, có khi chỉ là ảo tưởng, nhưng cũng tạo trong tâm tư những kỷ niệm khó quên. Giở lại những trang thơ ấy, là cảm giác đi về một chốn nào đã xa nhưng lại thật gần gũi. Ở đó, có tuổi trẻ, có kỷ niệm.
Với những nữ sinh, có lẽ thơ của Lệ Khánh có sức lôi cuốn và hấp dẫn nhiều hơn. Và, 5 tập thơ “Em là gái trời bắt xấu” cùng 2 tập ”Vòng tay nào cho em“ và ”Nói với người yêu” đã có số lượng độc giả khổng lồ là chính nhờ ở thành phần người đọc này.
Lệ Khánh có những người tình là lính nên ở trong thời buổi chiến tranh những cuộc tình ấy đầy chia ly và không có đoạn kết là chuyện dĩ nhiên.
Đề tài của tất cả 7 tập thơ đều nhất quán là chuyện lòng của người thiếu nữ thanh tân, lúc nào cũng đầy những khát vọng yêu đương. Ngôn ngữ cũng không lạ, cũng chỉ loanh quanh chữ buồn, chữ nhớ, chữ tủi, chữ sầu, nhưng dung lượng tình cảm thì nói hoài chưa đủ và nhắc hoài chưa hả. Hình như thơ Lệ Khánh là để giành riêng cho những kẻ yêu nhau bởi vì khi trái tim mở rộng theo nhịp dồn dập thì cả đất trời cũng nhỏ và trong thế gian dường như chỉ chứa đựng duy nhất khuôn mặt người tình. Thơ như bị cuốn vào trong cơn cuồng vọng của Tình Yêu và ngôn ngữ của tình yêu ấy dù là ngôn ngữ của sáo mòn, của những điều mà trước đây ngàn năm và sau này triệu năm những tình nhân đã thuộc nằm lòng. Yêu nhau, người ta mới hiểu được cái mênh mông của ý tình qua ngôn ngữ mà người chưa yêu hoặc không yêu chẳng thể nào hiểu thấu. Tôi nghĩ thơ Lệ Khánh đã vượt qua được cái cửa ải của thời gian nhờ sự thành thực bày tỏ tấm lòng đang yêu và dù đau khổ vẫn trân quí những điều mình bày tỏ. Thơ “Em là con gái trời bắt xấu” không có một kỹ thuật nào để thăng hoa thi ca, không có một mới lạ được tìm kiếm nào cho con đường nghệ thuật. Những tập thơ vẫn là những phác họa chân thành của nỗi buồn tình yêu.
Nhà thơ Đinh Hùng cách nay hơn nửa thế kỷ đã nhận xét về Lệ Khánh và tới nay đã phần nào giải thích được tại sao “Em là gái trời bắt xấu” tới giờ này vẫn còn vị trí trong lòng những người yêu thi ca:
”Qua những tập thơ kế tiếp nhau như những phân đoạn của một khúc trường ca chưa dứt, trước sau, Lệ Khánh vẫn chỉ là một con người duy nhất, với một tâm trạng duy nhất, một giọng nói duy nhất. Chính đó là điều đáng quí, đối với một người thơ thuộc lứa tuổi trẻ dễ dàng giao động dễ dàng chuyển mình theo theo cái nhịp sống nhiều biến thái bất ngờ hiện thời. Giữa cái vô thường của cuộc sống và của lòng người, Lệ Khánh đã dám có một lẽ sống thường trụ, một thái độ không đổi rời. Lẽ sống của riêng mình và thái độ cũng của riêng mình mặc cho dòng đời luân lưu và lòng người chuyển biến.
Nếp sống tình cảm trước sau như một đó và thái độ chuyên nhất kia, có lẽ Lệ Khánh không dụng ý tạo nên nhưng từ trong bản chất người con gái “trời bát xấu” không ngờ chính đó lại là cái “duyên thầm” riêng biệt của Lệ Khánh, cái phong phú khác người của kẻ làm thơ mà cũng chính là cái vẻ đẹp riêng của người thiếu nữ tự nhận mình là xấu”.

Hơi Thở Việt Nam,
Chứng Nhân Của Cơn Hồng Thủy

Thơ là tiếng nói tinh khôi đãi lọc của nhân loại, một ngôn ngữ cơ động xao xuyến nhất của nội tâm con người. Từ tâm thức vùng vỡ vì nghịch cảnh lịch sử, từ tình cảm đời sống mãi dồn nén trói buộc ở Việt Nam, thơ được tôi luyện và tham dự vào đời sống văn chương. Thi sĩ có trái tim dễ rung động, dễ ” khóc cười theo vận nước nổi trôi” cho nên những vần điệu chỉ là ngôn ngữ nói lên hình ảnh và biểu tượng của một thời tan vỡ và đau xót.

Ðối với thi sĩ, biểu tượng là cái áo khoác lên ý tưởng muốn diễn tả. Và dĩ nhiên cái áo khoác đó có những màu sắc khác nhau, loè loẹt rực rỡ hay đơn giản chất phác. Có người quan niệm vũ trụ của thi sĩ là vũ trụ của phóng thể, một bầu trời của riêng hắn mà trong đó hắn ngự trị, là Chúa Tể, là Thượng Ðế. Hắn sáng tạo tất cả với ý hướng biểu hiện những ước mơ chưa thực hiện. Nhưng ngược lại ở trường hợp khác, đời sống có thực đã hiện diện trong tác phẩm. Thi sĩ khai quật những chiếc quặng sự thực của đời sống, lấy trên điểm tụ những góc cạnh bắt gặp trong giây phút của đời người và như thế cũng đầy đủ để tạo ra những hình ảnh cần thiết diễn tả những biểu tượng muốn nhắc đến. Ðời sống Việt Nam có quá nhiều chi tiết độc đáo, ở thân phận dãy đầy khổ ải truân chuyên, ở cơm áo đã đưa con người trở về thời kỳ ăn lông ở lổ.

Phẩn nộ đắng cay là một thứ gia vị của đời sống đã có và hiện diện dãy đầy nhiều khi đã thành bình thường, có lúc nhàm chán. Ngôn ngữ đã thừa cho việc diễn tả bởi ai cũng thấy và ai cũng nói. Ở Việt Nam, chuyện đi tù là chuyện bình thường, còn chuyện yên ổn mới là việc lạ. Ðau thương ở khắp nơi, ai cũng có, và ai cũng cảm, văn chương truyền khẩu đã thành những mũi tên bắn mạnh vào thành trì bạo quyền. Ở thơ Luân Hoán, từ đắng cay có thực, từ phẩn nộ thường xuyên dồn nén, bi phẩn kéo dài suốt đời sống văn chương một thứ rượu cất qúy giá hảo hạng.

Hơi Thở Việt Nam, 39 bài thơ như những bản cáo trạng của một nhà thơ chứng nhân ghi chép lại tình trạng một xã hội đang chìm trong cơn hồng thủy. Tan nát hoàn toàn và nghịch vỡ toàn diện. Trên dòng chữ , thấp thoáng những giọt máu và mồ hôi. Ở vần điệu đâu đó xuất hiện những tiếng thở dài bất tận, những hụt hẩng hun hút trầm buồn. Thế kỷ hôm nay đã thật nhiều bi kịch, hàng triệu diễn viên trong vai trò bất đắc dĩ đã đóng trong tuồng tận thế. Luân Hoán đã sống ở đó và trong giây tơ của rung động, anh đã nói bằng ngôn ngữ bình thường của mình như một chứng nhân, anh không thêm bớt, không cường điệu. Và như thế, đâu đó trong đời sống chúng ta có lúc những hình ảnh, những biểu hiện của thơ Luân Hoán bỗng gần gũi lạ thường, như một đồ vật còn đang trong bàn tay nắm dù đó chỉ là những ý nghĩ, những tư duy không rõ ràng hiện thực.

Ðối với tôi, Luân Hoán không phải là một nhà thơ xa lạ. Trong cuộc chiến trước năm 1975, tôi đã được đọc rất nhiều thơ của anh. Trong đó, tôi nhớ thấp thoáng một bài thơ, ghi lại cảnh dừng xe trên đèo Bình Ðê. Bài thơ đó tạo cho tôi một xúc động mà tới bây giờ tôi còn mường tượng và cảm thấy. Ðiệu thơ trầm buồn, nhưng đầy hào sãng, ngôn ngữ của chiến sĩ được tận dụng để thành cây cầu bắt qua giòng sông cảm xúc.

Với một đời sống sôi động, rất gần tử sinh, những người lính có một lăng kính thật tốt, để ghi lại những nét chấm phá trên bức tranh vĩ đại của quê hương. Họ đã tạo thành những bài thơ xuất thần, ghi lại một thời điểm tai ương của lịch sử, với đầy dãy thống khổ và của uất nghẹn , máu xương tan tành đổ vỡ. Những Tô Thùy Yên, Nguyễn Bắc Sơn, Luân Hoán, Vũ Hữu Ðịnh…đã khắc đậm nét văn chương lên thời thế và những dòng thơ đã chạy như nhịp máu trong tim.

Tôi vẫn nghĩ rằng công việc chú giải thơ là một thất bại ngay từ khởi điểm và bao hàm một ngụy tín, một thái độ hàm hồ. Bởi thơ hàm chứa nhiều nhất, đồng thời thơ lại là mê hồn trận, nơi ta dễ dàng lạc lối nhất. Thành ra công việc kiếm tìm những đoạn thơ tiêu biểu của Luân Hoán để giới thiệu với độc gỉa là một công việc khó khăn. Trong tập thơ có quá nhiều đặc sắc, phải để ý, phải rung cảm. Bằng một thứ ngôn ngữ thường dùng hàng ngày, với những đề tài linh động, thấm nhuần một sự tích sống thật. Cảm xúc đã trùng trùng kéo tới, những đoạn phim tiếp nối của xã hội tan rã đến tận cùng, đã hiện ra thật hấp dẫn và thôi thúc, mời gọi sự chú tâm để ý. Rất nhiều đắng cay, rất nhiều chua xót, những giọt lệ vẫn chưa chảy được, nó len lén lên bờ mi, nó cắn răng trong chịu đựng bất hạnh, nhưng sao đôi mắt vẫn rực sáng, dù hằn vết, nhiều dấu tích: gảy, đổ, vỡ, tang thương Có cuộc đời nào tàn nhẫn hơn đã xảy ra ở Việt Nam. Ông thầy giáo bỏ nghề dạy học trò, trở về trường cũ bán bánh kẹo cho những học trò nhỏ của mình, để làm kế mưu sinh. Mời bạn đọc xem bài thơ : “Trước Cổng Trường Hồng Ðức” (trang 53, 54 và 55). Hình như nụ cười chua chát đã có. Hình như một bi thảm kịch của giọt lệ đã rớt cho cả ông thầy và đám học trò nhỏ bé ngây thơ nhưng bất hạnh. Chúng ta hoang mang giữa cái cười và cái khóc, khóc ngập ngừng, nhưng cười nửa miệng:

” còn thầy đây như các em đã thấy
thân xác này và những bánh bột khoai
cái kính trắng chút hương thừa trí thức
râu tóc dài như bóng tối tương lai
ngày mấy bận thầy lang thang trước cổng
bán bánh xoài bánh ít ngọt quê hương
lòng vẫn tưởng đang đứng trên bục giảng
tim vẫn nghe từng hơi thở sân trường..”

Những người đã sống với cộng sản sau ngày mất nước, chắc không lạ với những đổi đời này, nhưng những người chưa từng sống chung với qủy dữ, chắc sẽ nghi ngờ cho là người thơ bịa đặt và cường điệu sự thật. Bởi nó là điều thật phi lý đã xảy ra. Không phải là tình cờ, mà do cố ý chủ trương, chính sách của những kẻ cầm quyền. Tri, phú, địa, hào đào tận gốc, bốc tận rễ. Anh thầy giáo ốm yếu, chỉ có trái tim nhỏ bé và viên phấn trắng bảng đen vũ trang, bỗng trở thành mục tiêu diệt trừ của chế độ. Như thế được bán bánh qua ngày, cũng đã là một may mắn lắm rồi.

Dù khổ cực, nhưng người thầy giáo vẫn yêu nghề, vẫn nghĩ đến đứa học trò tội nghiệp Buồn man mác của thầy lẫn trò, những đổi đời quá sâu, quá đau, làm thành vết thương nhức nhối. Cáo trạng đã được viết, dù chỉ vỏn vẹn vài câu thơ. Sự thực được nhìn ngắm rồi trở thành những lát dao phóng về phía những tên cộng sản. Dù thế nào, ông thầy vẫn nghĩ lạc quan :

” Mua đi chứ thầy không hề xấu hổ
ái ngại chi chút tình nghĩa thầy trò
thầy không bán cho các em cay đắng
nhưng tặng thêm vài hơi thở tự do “

Nhiều khi hình ảnh không còn là thực tại. Nó bao hàm một ý hướng và thể hiện một dự phóng. Ý tưởng biểu hiện trong hình ảnh, thật rõ nét nhưng khoác áo ngoài bình dị.

Màu đỏ, dù chỉ là màu sắc của trái cà chua xinh xinh mọng nước, vẫn là màu của ghê sợ của đè nén. áp bức. Vồng khoai, luống cải dù tươi tốt xanh rờn, nhưng vắng đàn bươm bướm luôn bởi không khí rình rập nghi ngờ. Những bâng quơ như thế ở trường hợp khác có thể trở thành lẩn thẩn, nhưng đối với Việt Nam, không có lời buộc tội nào xác đáng và rõ nét hơn những biểu tượng đó:

” xin báo cùng anh cây cà chua nhỏ
cũng đậu được vài trái đỏ xinh xinh
(màu đỏ đẹp ơi vì sao ta sợ
có lúc nhìn em ta chợt giật mình)
xin báo cùng anh vồng khoai luống cải
nhờ bón phân người lá cũng rất xanh
anh nhìn thấy không con bươm bướm trắng
lãng mạn nghi ngờ rình rập bay quanh
xin báo cùng anh sáng nay đầu ngõ
có con cu cườm đậu tuốt ngọn tre
nó đứng rỉa lông mà không buồn gáy
có phải nó còn sợ ná ai đe ?

Ở Luân Hoán, không thể tách rời con người với tác phẩm. Những bài thơ vẽ rõ một đời sống. Thiếu thốn nghèo nàn, những của cải vật chất tầm thường lúc nào cũng ám ảnh dù cả trong những vần thơ. Chiếc xe đạp, một tài sản trong thời cộng sản được nhắc đến nhiều lần. Chúng ta xem:
” rô líp xe em răng mòn có lẽ
em đạp khoan thai nhưng trật sên hoài…”
hoặc:
“còi lại rít tứ tung trên đường phố
xe tôi về run cầm cập trật sên”
hay:
…”Mời anh qua Mỹ Thị
mời chị lên Hòa Cường
xe tôi vừa thay lốp
đảm bảo đi đường trường “

Một xã hội nghèo nàn đến thãm bại. Chiếc xe lúc nào cũng tật bệnh đã được để ý để khoác lên đó một biểu tượng của đời sống hư hao, của những lo lắng nhỏ nhoi, nhưng lại thành quan trọng trong cuộc sống.

Nhưng thế nào,người thơ vẫn vượt lên cao qua khỏi những tầm thường nghịch cảnh. Tôi vừa bắt gặp những vần lục bát hào sảng:

” Núi rừng xanh thật là xanh
đốn cây mà ngắm loanh quanh đất trời
giây nào trói được óc tôi
cùm nào xích được hồn rời trại giam ? “

Thơ Luân Hoán gần gụi với đời sống. Ðề tài không cao xa, nó đứng gần thực tại một với tay. Tất cả có mặt trong dòng sống chất nghèo đói, thiếu thốn, bất công dãy đầy, nhưng tràn đầy mơ ước. Trong tiếng than van vẫn ẩn chứa cao ngạo. Trong cam chịu vẫn cố ý vượt lên. Con người Việt Nam, nhất là con người miền Trung, sống ở đất khô cằn, “cày lên sỏi đá” có một sức chịu đựng bền bỉ, phi thường. Dày vò trù ẻo của bạo quyền như một nén để chờ ngày bùng nổ. Cáo trạng đã được viết như một bài thơ khắc trên đá. Sắt thép hứa hẹn một ngày phục hận. Hơi Thở Việt Nam, Thơ của một chiến sĩ, viết bằng tâm cảm rung động bén nhạy của thi sĩ. có lúc trở thành thôi thúc lên đường. Bỗng lúc nó trở thành những lời lẫm liệt buộc tội. Nhưng dù thế nào, chất đôn hậu nhân bản vẫn tràn đầy.

Cáo trạng mọi người lưu vong đều biết nhưng phải nói ra. Luân Hoán mới rời quê hương hơm một năm, đã thở chung với quê hương một nhịp tim trầm thống nghẹn ngào. Nếu quan niệm văn chương là những ngọn giáo phóng mạnh về phía bạo quyền, thì thơ Luân Hoán là những mũi tên lao vào tấn kích. Cáo trạng của một chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể trong cuộc chiến không là trò chơi. Không phải là tiếng hô hào xuông của những người mập mờ chơi trò gá bạc. Tiếng thơ phải có tiếng sắt thép lên đường. Chất xúc tác của hờn căm bùng vỡ đã có trong tơ. Ba mươi chín bài thơ với nhiều hình ảnh, cảnh ngộ, tôi trở về Việt Nam với một chuyến viễn du trong tâm tưởng. Và người thơ Luân Hoán chắc đã có sẵn sàng chất liệu để tiếp tục nói cho Việt Nam mai sau…

Đọc Thơ Trần Văn Sơn:
Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa.

Đọc những trang thơ Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa, do nxb Little Saigon ấn hành, tôi thấy bàng bạc trong từng cảm nghĩ. Thấp thoáng ở đâu đó , những sợi mưa quê nhà, mưa Sài Gòn , mưa cao nguyên thủ thỉ. Thấp thoáng ở đâu đó , những khuôn mặt bằng hữu thân quen , nhắc lại một thời đã viết và đã sống. Và , thấp thoáng ở đâu đó , những tình cảm của người lính năm xưa, người tù thuở nào và người lưu lạc bây giờ. Thấp thoáng ở đâu đó , những mơ ước ngày xưa và những chán chường nhọc nhằn trước mặt. Thấp thoáng và thấp thoáng , những cảm giác chia sẻ với thơ, tận tuyệt với thơ.. Ở những trang thơ, tôi bỗng thành người trân trọng quá khứ . Và ở Trần Văn Sơn , một thi sĩ mà tôi chưa từng gặp, tôi như đã hàn huyên với từ thuở nào , qua những vần lục bát , những câu bảy chữ , tám chữ …
Tôi đọc những dòng cảm khái đầu tiên của bài thơ mà nhan đề chung cho cả tập thơ:

Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa.

Dẫu không cửa không nhà
Vẫn an nhiên mà sống
Dẫu không rượu không trà
Vẫn hằng đêm nuôi mộng

Một ngày . Một ngày qua
Khốn khó vây quanh ta
Cháo rau ngày hai bữa
Chưa đủ ấm thịt da

Ngày thẫn thờ với bóng
Bóng quanh quẩn bên ta
Đêm thẫn thờ đối bóng
Bóng nhìn ta nghẹn ngào

Mông có khi là thực
Nhưng thực phải thế nào
Ngày. Ngày qua- còn đó
Tia nắng chưa rọi vào
Sáng nay trời thật đẹp
Hoa ngào ngạt quanh nhà.
Vườn ai vừa mở cửa
Thấp thoáng vài nụ hoa.

Vâng, dù đời cô đơn u tịch, dù ngày tháng qua trtong đói nghèo, vẫn thấp thoáng vài nụ hoa, trời vẫn đẹp . Thơ buồn nhưng lạc quan vui. Dù là nỗi vui thấp thoáng.

Tôi yêu những cơn mưa nhiệt đới Việt Nam nên cũng thích những câu thơ của mưa Sài Gòn và mưa cao nguyên của thi sĩ họ Trần . Những câu lục bát của âm hưởng thanh xuân ngày nào, của những tình tự ngày xưa. Mưa ở nơi chốn này ở Cali hiếm hoi lại càng làm nhớ thêm những cơn mưa giữa trưa bất chợt của Sài Gòn hay những đêm mưa dầm của phố núi Pleiku. Tự nhiên , dù đang ngồi trong phòng ấm cúng nhưng hình như có giọt mưa nào rơi rớt đâu đây, và thấy lạnh lạnh trong lòng. Những cơn mưa nào trong trí nhớ để dong tay dắt tôi về một nơi chốn ngày nào.

Rơi hoài phố vắng người thưa
Rơi trong chăn chiếu giọt mưa đầu mùa
Rơi tôi hạnh phúc ngày xưa
Phất phơ sợi tóc buổi trưa mưa dầm

Bay mưa sầu khắp trăm năm
Đèn lu bấc lạnh mưa đầm đìa rơi
Tôi ôm mưa ngủ ngoài trời
mưa tôi che kín bóng đời buồn tênh.

Ở Sài Gòn, là những tình cảm mang theo, là giọt mưa và giọt hồn cùng rơi, là tâm tình cứ mãi vấn vương như trời thủ đô chợt mưa chợt nắng :

.. Mịt mù ngày cũng như đêm
thèm hôn chút nắng êm đềm buổi trưa
giận trời sao cứ mưa mưa
bóng ai thấp thoáng cuối mùa mưa rơi
Sài Gòn thương quá người ơi
Giọt mưa và giọt hồn tôi rơi đều…

Hay là những cơn mưa phố núi. Những cơn mưa dội vang trong tiềm thức, những mịt mù mưa bay.Mưa như nước mắt của thiên thu vọng về , của giọt lệ người tình trôi đi. Thơ của tròi đất cùng chung một nỗi buồn mà người thơ gửi gấm:

Xe lăn qua đó sấm rền
Ngồi đây ngó phố gọi tên một lòng
Mưa hoài ngỡ đã sang đông
Áo dài xanh ngỡ màu hồng thiên thu

Ra sông ngó núi mịt mù
Mưa rơi hay giọt phù du vô cùng
Xưa trôi mấy nẻo thủy chung
Nay trông mưa uống rượu mừng mưa rơi.

Bài thơ viết lúc chiến tranh, khi nghe tin người bạn thân Tô Đình Sự qua đời. Thơ trong một cơn say , nghĩ về cuộc đời, và trong nỗi xít xa của người vừa chợt nhận ra một phần gốc rễ của mình, một kẻ lữ hành xa lạ mộng du trong những ảo tượng thời thế.Thơ viết cho Tô Đình Sự nhưng như để tâm sự với thế hệ chúng ta, những người đang lầm lũi trong chiến tranh. Bài thơ Ôm Một Mặt Trời Say:

“..Rượu hãy uống ly này mời Tô Đình Sự
Mày về đây cùng cạn một chung đầy
Có gì đâu ba vạn sáu nghìn ngày
Chuyện nhân thế như trò chơi trẻ nhỏ
Mày nằm xuống thảnh thơi cùng cây cỏ
Tao về đây như đã chết lâu rồi
Sống ở dương gian giọt lệ đầy vơi
Chết về âm phủ cười vui hể hả

Bao nhiêu chuyện bao nhiêu người vồn vã
Bao nhiêu thằng hề bao nhiêu kẻ ngô nghê
Bao nhiêu người như lá của mùa thu
Điên rôi tỉnh, tỉnh rồi điên cũng thế
Đời chán vạn thằng nửa người nửa ngợm
Bán bạn bè mua chuộc miếng đỉnh chung
Riêng mình ta mới thật sự anh hùng
Ai nào biết ta điên hay ta tỉnh
Dù ta tỉnh cũng giả đò điên tỉnh
Dù ta điên cũng bày vẽ tỉnh điên…”

Ngày ra tù, từ địa ngục trở về, thi sĩ đã nói với con những điều tâm đắc nhất . và cũng là chính tự nhủ với mình” làm sao để thật sự là người:

”…thời trai trẻ ba mơ làm khanh tướng
Mê văn chương và mê cả kiếm cung
Khi thất bại quay về ba chợt tỉnh
Rằng mẹ con là tia sáng cuối cùng

Đó là lúc các con ngôi đọc sách
Hay ôn bài hoặc kể chuyện Quang Trung
Ba nhìn thấy tuổi thơ ba trong đó
Kỷ niệm nào cũng đẹp phải không con

Ba không trách các con mê văn nghệ
Cũng không khuyên nên học cách ở đời
Ba chỉ dặn một điều duy nhất
Là làm sao phải thật sự là người!”

Bây giờ, làm thơ trên bàn máy may, bằng lòng với sự hy sinh của mình cho vợ cho con.Thơ của mắc míu áo cơm , của sinh kế đẩy đưa , để suy tư theo từng mũi kim sợi chỉ. Đó là lúc nhìn lại mình, để thấy rằng cuộc đời ấy không chỉ là nặng nợ áo cơm mà còn có niềm vui của một đời tìm trong công việc khiêm nhường một ý nghĩa nhân sinh

“Qua Mỹ chín năm
May vá nuôi con ăn học
Bạn đôi lần đến thăm
Tinh thần chén trà chung rượu

Thơ văn vất vào sọt rác
Chán đời ngâm bài cổ thi
Nhịp chân nghe chừng khúc nhạc
Tìm đâu tiếng sáo Trương Chi

Chín năm còng lưng đạp máy
Mắt mờ gối mỏi chân run
Mày mò đường kim mũi chỉ
Giật mình lá rụng đầy sân

Thương vợ ngày càng còm cỏi
Thân tàn nặng nợ áo cơm
Chín năm hít toàn bụi vải
Nhìn quanh bốn bức tường trơn

Nhà vắng đâu cần điện thoại
Tri âm còn một tấm lòng
Chỉ lo tuổi già sức yếu
Quên dần cái khó cái không

Vui buồn bên ta có vợ
Có hoa có đất có trời
Trăn năm một ngày rất vội
Chung đầu ngắm bóng trăng trôi.”

Đọc thơ Trần Văn Sơn, như nhìn ngắm lại một chân dung của một người bình thường trong thế hệ chúng ta. Đi lính , đi tù , đi Mỹ, những cái đi ấy hình như hầu hết chúng ta đều có chung . Những cái đi khởi từ một cuộc chiến tranh tàn khốc. Trải qua những nhọc nhằn bi thương , có lúc cũng hào sảng luận anh hùng , cũng có lúc giở tỉnh giở điên trong cơn say ngậm ngùi nhìn thế sự, thơ như những phác họa của một thực tế mà bất cứ ai cũng có lúc trải qua. Thành ra, thơ lại là những chia sẻ của những người hiện giờ đang sống đời lưu lạc , đang hụt hơi với chuyện cơm áo xứ người. Có mấy ai bằng lòng với hiện tại , với những gì mình đã có trong tay. Nhưng rồi cũng phải nhận ra một điều. Cuộc đời dù ở đâu và bất cứ ở nơi chốn nào, cũng cần một tấm lòng. Trong thơ Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa, quả tôi đã thấp thoáng thấy mình của đám đông trong thế hệ ấy. Làm thơ, có phải là để trung thực và sòng phẳng với đời, để có lúc còn một chút nắng vui tươi , của một vài sợi mây mơ mộng. Qua bao nhiêu ngã đường đã vượt, trải bấy nhiêu cay đắng ở đời , thì có lúc , thơ đã làm gậy chống để giúp đỡ đôi chân trèo lên dốc đứng nhân sinh muôn đời chập chùng trước mặt…

Nguyễn Mạnh Trinh