Kinh Dương Vương

Kinh Dương

Bài Thơ Cho Bạn Tôi
* Tưởng niệm
Nguyễn Phương Loan

Dáng anh cao lớn và oai nghiêm, thoạt trông trẻ con hoảng sợ. Nhưng rồi chúng đến vây quanh anh thân ái, khi chúng nhìn thấy đôi mắt hiền, buồn như mắt của một nghé tơ và giọng nói nhẹ dịu lòng. “Các cháu lại đây với chú. Nào, lại đây với chú”

Anh hãy còn độc thân. Anh yêu một người con gái, nhưng nàng không yêu anh, đã từ lâu, và anh còn yêu nàng mãi… Anh vẫn viết thư thường xuyên cho nàng, những bức thư là những bài thơ tình tuyệt vời không bao giờ có hồi âm.

Bạn tôi, anh là lính trận, nhưng cũng là một thi sĩ. Tôi nghĩ rằng anh chỉ là một thi sĩ. Anh viết những bài thơ trong bụi rậm, trên quyển sổ tay nhỏ, giấy bao thuốc lá hay những mảnh giấy vụn. Những bài lục bát không bao giờ xuất hiện trên mặt báo. Nhưng cây lá, những cỏ mọn hoa hèn và côn trùng – những chú dế nhỏ, cào cào, sâu bọ – biết qua giọng ngâm gợi cảm của anh. Và vài người bạn thiết nhận được những bài thơ của anh từ những vùng hành quân xa xôi.

Anh liên miên đi từ chiến trường này đến chiến trường khác.

Đầu Thu: Anh đang ở mặt trận Tây nguyên, Kontum. Nơi đó có gia đình vợ con tôi. Anh thường ra thăm lũ trẻ, đem theo những viên kẹo và những chiếc bánh ngọt – anh đã mua với số tiền nhín ra từ đồng lương ít ỏi của anh.

Khi tôi về phép thăm nhà thì anh đã theo đơn vị đến một chiến trường khác vùng duyên hải. Tôi không được gặp anh.

Anh gởi người bạn mang về cho tôi tập thơ “Kẻ tiên tri” của Kalil Gibran, anh đã cẩn thận, sửa những lỗi in sai. Anh viết cho tôi trong một bức thư ngắn với nét chữ run rẩy, rằng anh đang bị sốt rét rừng. Anh gởi lời thăm tôi và gia đình an mạnh, mong giữa mùa thu sẽ gặp lại. Tôi viết thư trả lời anh. Cầu chúc anh luôn gặp những điều may mắn và cũng mong sẽ còn gặp lại nhau.

Nhưng anh đã nhận được thư của tôi chưa?

Giữa mùa thu:

Tôi được tin anh đã trở lại chiến trường Pleime, nơi đó anh bị thương. Một mảnh thép đã len vào thân thể anh, nằm trong phổi khiến máu anh chảy ra nhiều cùng với những chiếc bong bóng màu hồng. Việc tản thương chậm chạp và anh đã bất tỉnh. Anh vào nằm bệnh viện và qua một cuộc giải phẫu.

Người bạn anh nhờ mang sách về cho tôi kể chuyện:

Buổi sáng, anh tỉnh dậy sau cơn mê man suốt đêm. Anh đã ngồi lên được và anh hút thuốc – thú vui duy nhất của anh đó mà. Buổi trưa anh cảm thấy mệt nhiều. Anh đã nói với người bạn nhờ nhắn lại cho gia đình tôi biết, nếu anh mệnh hệ nào. Đúng nửa đêm hôm đó…

… Bạn tôi, người bạn thi sĩ mà tâm hồn cao thượng và hiền hòa như lá cây đã vĩnh viễn từ biệt cuộc đời.

Có linh hồn không? Và linh hồn anh đã bay về đâu? Hẳn là linh hồn anh đã nhập vào những nụ xanh của một mùa xuân vĩnh cửu. Hay đến cư ngụ nơi một vì sao, trong ánh trăng vô thủy vô chung, hay đang bay lượn trên những tầng thanh khí? Ở đó, anh không còn là thi sĩ nữa, anh chính là thơ. Một bài thơ vô thanh vô sắc mà con người chỉ có thể nhận ra bằng linh cảm, với xúc động bàng hoàng. Một bài thơ đẫm lệ âm u.

Từ nay, trên thế gian, không nơi đâu tôi có thể tìm thấy bạn tôi, với nụ cười hiền hòa và đôi mắt như mắt một con nghé tơ nữa. Cuộc đời chúng tôi đã bị chia cách bởi một vực thẳm huyền bí mang tên Tử biệt. Chúng tôi có bị chia cách thật không? – Không – Tôi muốn tin như thế cho đến ngày tôi bước vào thế giới của anh và cuộc đời chúng tôi được nối kết lại – anh vẫn còn tiếp tục sống trong đời sống của tôi.

Tôi lần dở những trang sách anh tặng tôi vào đầu mùa thu. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài nét chữ của anh. Hẳn những dấu tay anh mà tôi không trông thấy còn in lại trên những trang sách? Những trang sách giữ lại một cách vô tình hơi hướm của anh? Tôi đọc lại bức thư cuối cùng. Những nét chữ run rẩy vì cơn sốt rét rừng giờ đây run rẩy trong tâm hồn tôi.

Sáng nay, một buổi sáng xanh có nắng trong nhuộm rực rỡ khu rừng nơi dừng quân, tôi nhớ đến bạn tôi. Tôi muốn nghĩ rằng ở một nơi nào đó anh vẫn còn đang sống. Trong ánh nắng vàng trong vắt của bình minh kia anh đang cười và trên những chiếc lá xanh kia anh đang viết những câu thơ lục bát bằng ngòi viết tâm hồn anh và mực nắng ban mai. Anh đang nhớ đến người con gái anh yêu, gia đình anh, bè bạn và đời sống.

Nhưng không, mặc cho sự phỉnh phờ của cơn mơ mộng, trong tận cùng tâm trí tôi có một nơi bóng tối không chịu rời xa – dù chỉ một chút bóng tối nhỏ nhoi – từ đó một tín hiệu âm u liên tục đánh đi và tâm hồn tôi luôn tiếp nhận, rằng: “Bạn anh đã chết! Bạn anh đã chết! Đã. . . chết!”

Ông Thơm

Tạo hóa công bình khi đặt sự sống dưới dạng hóa học là acit amin. Con người ăn bất cứ chất hửu cơ gì, tiêu hóa đều biến thành acit amin nuôi sống được cơ thể. Nếu người ta chỉ sống được nhờ cá, thịt bò, thịt heo, thịt trừu, thịt dê, bơ sữa – là những thức ăn cao cấp – chảy trong huyết quản thì dứt khoát người nghèo không thể sống được vì họ chỉ ăn rau, ăn cỏ, ăn củ, cua sò ốc hến vì các thứ thịt cấp cao hay cấp thấp cũng đều biến thành ra máu, thành acit amin.

Thân khỏe mạnh suốt thời gian dài trong nghịch cảnh cũng nhờ sự công bình đó của tạo hóa. Dạo ấy, người ta truyền miệng thành châm ngôn : “Cái gì nhúc nhích là ăn”. Nhưng có một loại côn trùng nhúc nhích, lại rất nhiều mà không ai dám ăn. Riêng Thân dám ăn.

– Tại sao không ? Thân nghĩ. Bên Tây cũng có món ăn như vậy, mà còn cho là cao cấp nữa, chỉ giới quý tộc sang trọng mới có mà ăn. Ở đây loại côn trùng này chỉ khác môi trường sống thôi. Một hôm đi ngoài ở cầu tiêu lộ thiên, nhìn xuống hàng triệu triệu con côn trùng đang nhung nhúc, thỏa thuê hưởng thụ vũng phân người, Thân nghĩ ra món ăn đó : dòi phân.

Thân đan một giỏ tre lỗ nhỏ. Mỗi lần đi cầu lén múc đầy một giỏ dòi đem xuống suối tẩy rữa thật kỹ, luộc chín, cẩn thận thay nước nhiều lần, rang vàng, giả nhuyển trộn với vài thứ lá rừng thơm rồi cho vào lọ cất. Mặc dù vậy cái mùi chất thải thấm vào thịt dòi không thể nào mất đi được. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, Thân kín đáo lấy ra, nín thở uống một muỗng canh với nước lả. Có người trông thấy tò mò hỏi, Thân nói trớ là uống thuốc Nam gia truyền.

Chẳng bao lâu nhờ chất protein thị dòi, Thân từ ốm yếu trở lại bình thường và khỏe mạnh, dù không được thăm nuôi, Thân ít bị đau ốm. Ðược tạm tha, Thân về gặp lại vợ con da thịt hồng hào.

Thân rất hãnh diện về sáng kiến của mình. Nhưng đó là một bí mật tuyệt đối của Thân, sống để dạ chết mang theo xuống mồ. Kể cả vợ con là người đầu gối tay ấp Thân cũng không hé môi.

Thân sống vui vẻ hạnh phúc, được mấy năm bỗng bị một chứng bệnh lạ.

Vợ Thân kể :
– Chị ạ, thoạt tiên ảnh kêu không ăn được cá thịt hoặc những món gì có mùi tanh. Mắm là món ảnh rất thích nhưng giờ chỉ ngửi xa xa cũng đủ làm ảnh không chịu nổi. Ảnh nói :
– Cái màu xám nhờ nhờ và cái mùi… giống món “thuốc Nam gia truyền” quá !
– Món thuốc gì anh ? Em thắc mắc hỏi.
– À không. Nghe mùi mắm trong cổ họng anh như có con gì ngọ nguậy… Rồi ảnh ôm bụng nôn thốc tháo, ra cả mật xanh mật vàng. Em phải mua đồ chay cho ảnh ăn, nhưng ảnh lại không chịu nổi mùi chao. Ít lâu sau, cơm cũng làm cho ảnh sợ. Thân nói :
– Nhìn vào chén cơm anh thấy ghê ghê làm sao. Cơm chúng bò nhung nhúc em ạ.

Từ đó ảnh chỉ sống nhờ bắp khoai ăn với muối.

Bỗng mặt chị đỏ bừng :
– Nói xấu hổ, vợ chồng em dạo sau này không ngủ chung nữa. Khi bệnh mới phát, những khi gần gũi ảnh chỉ tránh né không hôn em. Ảnh không dám để miệng chạm vào da thịt em chị à. Dường như da thịt em dơ bẩn vậy. Em hôn miệng ảnh cũng đẩy ra. Rồi ít lâu ảnh lơ hẳn chuyện vợ chồng, ra nằm riêng. Hễ em hay các con đến gần là ảnh lảng đi. Có một việc hết sức trái với tính nết ảnh, ảnh rất ghét nước hoa, kể cả em cũng không cho dùng, vậy mà bây giờ ảnh lại xức nuớc hoa, còn xức quá lố nữa. Mỗi ngày tắm bốn năm lần, kỳ cọ cả tiếng đồng hồ. Ngửi tay chân kiểu chó đánh hơi. Bị em bắt gặp ảnh nhìn em lấm lét. Em biết ảnh bị bệnh nhưng không biết bệnh gì. Ðưa đi nhà thương ảnh không chịu.

Một hôm ảnh nhìn em với ánh mắt xa lạ hỏi :
– Chị ngửi tôi có thối không ? Rồi ảnh cười. Một vũng phân đây nè. Dòi bò lúc nhúc chị không thấy hả. Chúng đang ăn thịt da xương tủy tui, chúng đục khoét thân thể tui… hà hà… Chị ạ, nhà em điên thật rồi.

Thân xa lánh hẳn vợ con, bỏ nhà đi lang thang. Từ đó Thân có biệt danh là “ông Thơm”. Tiền có được từ những người hảo tâm Thân mua hết nước hoa tẩm vào người. Trẻ con chạy theo chàng gọi ” ông Thơm… ông Thơm”, nghếch mũi lên hít hít ” thơm quá… thơm quá “.

Thân sống nhờ rau cỏ, bắp khoai hái trộm trên nuơng rẫy. Ăn nguyên chẳng nấu nướng. Có lần bị chủ rẫy bắt được đánh bể đầu. Vợ đem thức ăn đến Thân không ăn, chạy trốn.
– Cuối cùng ảnh sợ hãi tất cả mọi người, lánh ở những nơi vắng vẽ, có khi chui rúc ngồi trong lùm bụi.

Như vậy Thân cũng chưa yên tâm. Chàng cẩn thận viết tấm bảng ” cấm hốt phân ” đeo trên cổ, quàng ra trước ngực, sau lưng. Có người đùa dai khi gặp chàng làm cử chỉ như muốn vồ, Thân vừa chạy vừa la : “Ðừng hốt tôi ! Ðừng hốt tôi !”.

Thân thể Thân càng ngày càng tiều tụy. Vợ Thân đưa chàng vào bệnh viện tâm thần, điều trị được ít lâu thì Thân mất.

Ba Chuyện Cực Ngắn

1. ÁN MẠNG

Vào khoảng nửa thế kỷ trước, khu giải trí lớn bây giờ của thành phố là một nghĩa trang mênh mông: nghĩa trang Triều Châu. Có lẽ số người còn nhớ cái không khí lạnh lẽo u tịch của nghĩa trang đó không còn mấy. Dạo đó mỗi lần có dịp đi qua vào ban đêm, người ta thường cho xe phóng nhanh. Về khuya đi bộ có ai dám. Sợ ma quỉ đã đành, còn sợ cướp giật.

Một đêm, khoảng hai giờ sáng, toán giữ an ninh khu phố thấy một chiếc xe hơi đời mới đậu dưới một gốc cây lớn. Họ đến nơi xem xét, khám phá một người đàn ông độ năm mươi tuổi, ăn mặc sang trọng nằm gục mặt trên tay lái và ông ta đã chết. Trong xe đầy ắp vàng khối, còn niêm phong chua khui. Án mạng được báo cáo.

Cuộc khám nghiệm tử thi không đưa đến kết quả bệnh tật hay án mạng. Thân thể người chết không có tì vết, không say rượu, không bị đầu độc. Theo yêu cầu của gia đình nạn nhân, một cuộc giải phẫu được tiến hành để tìm những nguyên nhân sâu xa gây ra cái chết.

Một bác sĩ trong toán giải phẫu lén bán tin cho một nhật báo lớn trong thành phố. Ngay sáng sớm nhật báo “Tin Mới” phát hành số buổi sáng chạy tít lớn tám cột “Người chết không tim”. Cả thành phố xôn xao. Một tay ký giả bẽm mép viết một thiên phóng sự thêm mắm dặm muối đã kéo một số đông đến bệnh viện xem hư thực, cảnh sát sợ đám đông bị kẻ xấu lợi dụng biểu tình phản đối chính phủ nên dùng hơi cay giải tán.

Hội đồng y khoa thành phố báo cáo lên Bộ y tế về trường hợp bệnh lý lạ gây ra cái chết cho người đàn ông: họ khám phá thấy tim ông ta không có thịt, chỉ là một màn như lớp vỏ cái bong bóng trong suốt. Động mạch và tĩnh mạch chủ vẫn còn, nhưng phần thịt đã biến mất sạch.

Bộ Y tế quyết định báo cáo cho tổ chức y tế toàn cầu về trường hợp hy hữu này. Xác nạn nhân được để phòng lạnh, có cảnh sát canh phòng cẩn mật.

Hai tuần sau, toán bác sĩ giải phẫu cùng những chuyên gia y tế toàn cầu có mặt tại thành phố và cuộc giải phẫu có truyền hình được tiến hành. Sinh hoạt thành phố ngưng đọng. Mọi người dán mắt vào truyền hình. Cuộc giải phẫu tiến hành thật cẩn thận. Trái tim trong suốt như một chiếc bong bóng nhỏ được lấy ra. Qua X quang cũng cho kết quả tương tự: sau lớp màn trong là khoảng không.

Kết quả cuộc giải phẫu được thông báo chính thức bằng văn bản: “Đây là một trường hợp hy hữu trong Y khoa nhân loại. Một người có thể sống với một trái tim rỗng đến năm mươi mốt tuổi. Chết không lý do. Trường hợp này được xem là một bệnh lý chưa được biết đến từ trước đến nay. Hội đồng Y khoa và các chuyên gia y tế thế giới hết sức quan tâm, sẽ thông báo kết quả khi các cuộc nghiên cứu kế tiếp được tiến hành.”

2. CHUYỆN CŨ

Khi người chồng đưa đứa con gái lên năm vào đến bệnh viện thành phố thì nó đã sốt bất tỉnh. Kết quả khám nghiệm cho biết đứa bé bị viêm não cấp tính, cần phải chạy chữa gấp nếu không nó sẽ chết. Người vợ đang bán hàng rau ngoài chợ, nghe tin chạy theo chồng. Thấy con nằm thiêm thiếp trong phòng cấp cứu chị té xỉu.

Bác sĩ ca trực nói:
– Cháu bị bệnh rất nặng, chỉ có một loại thuốc ngoại mới chữa khỏi. Anh chị ráng lo tiền mua thuốc cho cháu vì thuốc rất đắt, mua ngoài chưa chắc có. Bệnh viện được lệnh chỉ xuất cho các cán bộ sắp đến trong kỳ họp sắp đến. Cháu không có tiêu chuẩn dùng.

Người vợ khóc lóc:
– Tội nghiệp quá, bác sĩ ơi! Bác sĩ thương xót gia đình em nghèo quá. Bố nó đạp xích lô, em bán rau ba cọc ba đồng, tiền đâu mua thuốc ngoại. Lương y như từ mẫu, em lạy bác sĩ mà, bác sĩ làm ơn làm phước chích thuốc cho cháu. Người ta chưa đau mà để dành thuốc làm gì, bác sĩ ơi trong khi cháu nó thì sắp chết.
– Bây giờ chúng tôi sẽ tận lực chạy chữa cho cháu, nhưng chỉ cầm cự thôi. Chúng tôi rất thông cảm hoàn cảnh của anh chị. Nhưng chúng tôi chỉ là người thừa hành, không dám cải lệnh. Thôi anh chị về kiếm tiền mua thuốc đi, càng mau càng tốt đối với tính mạng cháu. Cháu chỉ còn chịu đựng đến khuya nay mà thôi.
– Trời ơi! Người vợ kêu lên rồi lại ngất xỉu. Người chồng đỡ vợ, lau mặt cho chị và chị tỉnh dần.
– Thôi mình ở lại với con, tui đi mượn tiền mua thuốc.

Anh bước ra khỏi bệnh viện, đạp chiếc xích lô như người mất hồn. Khách gọi anh không nghe. Anh đạp mãi trên những con đường đầy bụi, khói xe, nắng nung đổ lửa.

Mượn tiền ở đâu? Anh thầm nghĩ. Phải chi vài ba chục, đàng này đến mấy ngàn, ai dám cho anh mượn. Bạn giới anh ai cũng nghèo cả, họ làm gì có bạc ngàn. Cầm bằng như con chết rồi, con ơi! Con chết vì không có thuốc, có nhưng con không đủ tiêu chuẩn để được dùng.

Anh đạp mãi đạp hoài cho đến khi đêm xuống từ lúc nào anh cũng không hay. Khi anh đạp ngang nghĩa trang Triều Châu trời đã về khuya và anh mệt lã. Anh dừng xe dưới gốc cây lớn trong nghĩa trang, ngủ thiếp.

Anh nghe một giọng nói đánh thức anh dậy. Anh tưởng mình nằm mơ nhưng cuối cùng anh mở mắt, tiếng nói vẫn lập lại. Anh hoảng hồn tưởng ma quỉ nhát, định chạy. Giọng nói vang lên:
– Ta sẽ cứu con gái nhà ngươi. Ta sẽ cho ngươi tiền, chẳng những đủ mua thuốc còn giúp ngươi sống sung sướng, chẳng cần làm lụng.
– Ông là ai vậy? Anh quì xuống cúi đầu. Lạy ông, ông cứu con tui, không bao giờ dám quên ơn.
– Ngươi không cần biết ta là ai. Ta không phải là ông bụt trong truyện Tấm Cám. Ta không phải là người tốt như ngươi nghĩ. Ta giúp ngươi có điều kiện.
– Lạy ông. Ông bảo con làm điều gì cũng được, con sẽ làm hết. Ông làm ơn cứu sống con gái con.
– Điều kiện của ta, nghe đây. Ngươi sẽ bán trái tim của ngươi cho ta.
– Trời ơi! Con người sống nhờ trái tim. Bán trái tim con chết còn gì?
– Ngươi sẽ không chết. Ngươi vẫn sống bình thường khỏe mạnh. Ta hứa như thế.
– Không được đâu ông ơi! Mất tim rồi thì làm sao người ta sống được. con sẽ chết thôi.
– Ngươi sẽ không chết. Chỉ cần nhà ngươi khứng chịu thì tức khắc sẽ có tiền, ra về mau thuốc cho con.

Hiện giờ nó đang còn sống, còn cứu kịp. Nhưng hai giờ nữa không có thuốc nó sẽ chết.
– Con chịu! Con chịu! Ông ơi! Con chết cho con con sống.
– Đã xong. Chào nhà ngươi. Hãy giở nệm xe lên sẽ thấy.

Trời bắt đầu sáng mờ mờ. Những chuyến xe ngựa chở rau từ ngoại ô đi ngang qua. Anh vội vàng chạy lại giở nệm xe. Trời ơi! Tiền! Một khối tiền mới tinh ràng dây cẩn thận. Anh quì xuống lạy sát đất, cám ơn trời phật. Vội đạp xe về.

Đứa con được cứu sống. Nhờ số tiền anh mua nhà, mua xe cub đời mới. Đời sống anh nhờ có phép tiên chỉ đầu hôm sớm mai thay đổi hẳn. Các bạn cùng nghề với anh tưởng anh trúng số. Phần anh, anh nói úp úp mở mở không nói với họ sự thật được. Mà anh nói ra thì chắc đã có ai tin.

Hơn mười năm trôi qua, gia đình anh sống êm đềm hạnh phúc. Nhưng thực ra con người anh đã thay đổi mà anh không hay. Nhất là người vợ lại càng không biết. Anh có những bạn mới trong giới nhà giàu. Anh cùng với họ ăn chơi, rượu chè, cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Có lúc anh cạn túi và đã mấy lần anh trở lại gốc cây nghĩa trang Triều Châu để chờ nghe tiếng nói nhiệm mầu. Nhu cầu càng ngày càng lớn, anh đổi nhà mới, mua xe hơi mới nhập cảng bằng tiền đô. Anh đòi hỏi bao nhiêu được bấy nhiêu, với điều kiện ban đầu. Chỉ cần anh nói “con chịu”, thế là anh có tiền, có vàng hoặc tiền đô tùy theo anh yêu cầu. Anh nổi tiếng là một người giàu có nhất nhì của thành phố và một người ăn chơi lừng lẫy, đúng điệu.

Canh bạc đêm hôm xảy ra cái chết cho anh như một quả bom khủng bố nổ ra trong giới ăn chơi. Anh ta tố một con bài với tất cả gia tài bằng khoán nhà cửa, xe và tài sản trong ngân hàng. Anh ta thua.

3. LẦN CUỐI

Anh lái xe đến nghĩa trang Triều Châu để bán tim. Tiếng nói tự thinh không:
– Ta báo cho ngươi biết, đây là lần cuối cùng. Nếu ngươi bán tim ngươi, ngươi sẽ chết. Trái tim ngươi chỉ còn một mẩu nhỏ thôi để sống.

Người đàn ông bắt đầu sợ, nhưng ông ta không tin. Đã mấy chục năm rồi ông bán mà có hề hấn gì. Có lẽ trời phật dọa vậy thôi vì thấy mình hư hỏng quá.
– Lạy ông, con chỉ bán lần này nữa thôi, tự hậu con xin chừa.
– Không được. nếu không tin ta nhà ngươi sẽ chết.

“Lần này mình sẽ đòi thật nhiều vì là lần chót. Ông ta nghĩ. Rồi không bào giờ bán tim nữa. Có lẽ chưa đến nổi gì. Nếu chỉ còn một miếng nhỏ thì làm sao mình sống khỏe mạnh được. Trời Phật chỉ dọa thôi”.
– Ta không dọa nhà ngươi đâu. Đó là sự thật.

“Nhưng nếu không có tiền thì làm sao chuộc lại được nhà cửa, xe cộ, tài sản. Mình quen sống sung sướng không phải làm lụng. Chảng lẽ bây giờ trở về đạp xích lô? Như vậy cũng chẳng khác gì chết. Thôi thì liều”

– Nếu nhà ngươi đã quyết tâm bán trái tim đến mẩu cuối cùng và chịu chết thì hãy nghe đây. Ta là một linh hồn vất vưởng trong không gian đã mấy ngàn năm nay, đi tìm một trái tim tốt lành để trở lại làm người mà chưa tìm được cho đến khi gặp nhà ngươi. Ngươi có trái tim của một người cha hết lòng yêu thương con. Trái tim đó đã gọi ta đến. Ta muốn lấy trái tim nhà ngươi nhưng không nỡ, vì mấy ngàn năm trước ta cũng ở vào hoàn cảnh của ngươi lúc bấy giờ. Ta cũng đã hành xử giống như ngươi, ta cũng đã bán trái tim của ta dần dần để sống và cuối cùng đã bán nó trọn vẹn. Linh hồn mua tim ta cũng bị mất tim, nhờ tim ta để trở lại làm người. Linh hồn đó nói rằng ta cũng phải đi tìm quả tim của một người cha tốt, ta sẽ được đi đầu thai. Ta đã nói hết lời, nếu ngươi còn chưa tin thì ta không ân hận gì nữa, ta không lừa dối ngươi”

“Nhưng nếu con không bán lần này, con không có tiền thì cuộc đời con sống cũng như chết”
– Vậy ngươi bằng lòng bán trọn vẹn trái tim cho ta?
– Dạ dạ… con sợ…con chịu. Trời Phật cho kha khá.

Tức thì người đàn ông thấy vàng khối đầy lên trong xe. Nhưng ông ta chưa kịp mừng bỗng mắt tối sầm, choáng váng. Ông gục đầu xuống tay lái.

Một tràng cười lanh lãnh vang lên trên ngọn cây. Rồi tiếp theo là tiếng khóc sụt sùi. Người qua đường bước nhanh, cho là bị ma nhát.

Kinh Dương Vương