Hạt Cát

Hạt Cát
Quà Cưới

Ðọc xong bức email của Tân, Vy mỉm cười bâng quơ. Nàng không tin đó là sự thật, chắc là anh chàng muốn trêu nàng đấy thôi. Thời gian qua đã mấy mươi năm rồi còn gì, kể từ ngày chấm dứt năm cuối cùng của Trung Học. Có chắc nhân vật ấy là mình không hay một người nào khác mà Thành, bạn Tân, đã nhầm lẫn. Nàng đánh một email khác nhấn mạnh hỏi Tân rằng có thật vậy không. Ðược Tân trả lời là thật 100%, Vy buông mình ra ghế, thẫn thờ nghĩ ngợi. Nàng vẫn không mường tượng được đã có một câu chuyện như thế, dù nàng biết rằng Tân không đùa cho vui khi nói chuyện này. Vy vốn biết Thành từ thời ngây thơ áo trắng học trò, Thành cùng trường, cùng khoá nhưng không cùng lớp. Hồi ấy trường trung cấp tỉnh lẻ mà nàng theo học có hai cơ sở, một cơ sở cho nam sinh, cơ sở kia cho nữ sinh, hai nơi cách nhau khoảng một, hai cây số nên học sinh nam nữ ít khi biết về nhau tận tường, chỉ những học sinh ưu tú thường được các thầy cô nhắc nhở đến thì bọn học trò… nhỏ nhít như nàng mới …tò mò tìm cơ hội để …xem mặt.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Nàng không nhớ mình nghe được cái tên của anh chàng Thành này trong thời gian nào, nhưng nàng có biết mặt Thành trong một dịp sinh hoạt chung mà nàng cũng không nhớ rõ là bao giờ, và có lẽ cái tên dễ nhớ nên nó ăn sâu vào ký ức của nàng cùng với tên một vài người khác. Tân cũng là một bạn học cùng khoá với nàng và Thành nhưng Tân về trường vào năm Ðệ Tam nên nàng không biết Tân và nàng cũng không nhớ là mình đã từng nghe qua tên anh chàng hay không, mãi cho đến bây giờ, mấy mươi năm sau, nhờ phương tiện truyền thông hiện đại thời vi tính, nàng có cơ hội quen biết một vài bạn trong khoá học cùng thời, trên một lớp hoặc dưới một lớp qua trang nhà cựu học sinh ở Hoa Kỳ, mà anh chàng đảm đang việc …bao đồng cho trang nhà này – Tuân – là người được một cựu giáo sư của trường hiện thời đang ở Canada giới thiệu là học trò của ông. Tân là bạn thân của Tuân hồi ấy và cũng là một trong những bạn mà nàng mới quen.

Trước kia, Vy không biết Tân, nhưng qua những lời lẽ trong thư của Tân gửi cho bạn bè qua một danh sách địa chỉ email dài ngoằn, Vy nhận thấy Tân là người sâu sắc, trọng tình cảm và lại hay đem lời dạy dỗ từ Phật pháp, từ mẹ hiền mà an ủi bạn khiến nàng nổi tính…tò mò, bèn… gửi email cho Tân để …bắt chuyện. Qua lại thư từ với Tân vài lần, Vy khám phá ra ngôn từ của anh chàng cũng đầy tính chất trào lộng nhưng không thiếu phần lịch sự là một điều rất phù hợp với nét…tiếu ngạo, tinh nghịch …ngầm của Vy. Bề ngoài Vy thâm trầm ít nói, ở chỗ đông người nàng nghe và cười nhiều hơn. Xinh xắn, trẻ trung lại thêm tài hoa, mặc dù biết là nàng có chủ nhưng các ông yêu thích nghệ thuật văn chương trong cùng lứa tuổi với nàng vẫn rộn ràng lượn lờ chung quanh mỗi chỗ nàng tới. Ở xứ người quanh năm bận bịu việc sinh nhai, cơ hội gặp gỡ nhau rất hiếm hoi, nên mỗi khi có dịp gặp gỡ, các ông cười cợt với nhau rồi xoay qua trêu chọc nàng cốt chỉ để cho nàng được cười vui, nàng biết thế và nàng ứng xử hoà nhã khiêm cung không làm mất lòng ai nên được rất nhiều anh chàng mến mộ từ bao năm trời nay. Ðối ngược với cái thâm trầm đó là tính lém lỉnh, nghịch ngợm …ngầm tiềm ẩn trong con người nàng. Từ thuở còn là cô bé áo trắng ngây thơ cho đến bây giờ. Mỗi khi thư từ cho ai trong giới bạn bè nàng chẳng thể nào đừng …bông đùa giễu cợt được. Nàng …sợ nhất là nói chuyện với các …ông cụ non. Tân là một trong những người nàng thường xuyên đối đáp qua lại trong nhóm bạn hữu cũng bởi tính chất khôi hài cởi mở của Tân . Tân cũng biết được nàng tài hoa qua bài vở, thi ca của nàng góp mặt trên trang nhà cựu học sinh và rải rác trên một số Emagazine. Mặc dù mới quen nhưng tình nghĩa của trường xưa bạn cũ khiến họ dễ dàng thân thiết, lại thêm mối cảm thông về đạo pháp, thi ca càng làm họ tin tưởng và nể nang nhau. Họ cũng hiểu đại khái hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội của nhau, ai cũng đều có trách nhiệm, có bổn phận phải chu toàn nên mối tương quan của họ rất nhẹ nhàng thoải mái. Chưa ai biết mặt mũi của ai ra sao nhưng họ cũng chẳng cho đó là quan trọng.

Ngày hôm nay, Tân …hồ hỡi cho Vy hay chủ nhật vừa qua, Tân và một vài người bạn trong nhóm cựu học sinh ở quê nhà họp mặt với nhau, câu chuyện lan man dẫn dắt họ về những ngày xưa thân ái, tình cờ họ nhắc đến nàng, và Tân khám phá ra một điều là Thành biết nàng rất rõ, anh chàng Thành còn nói rằng ngày ấy anh ta …trồng cây si …trước cửa nhà nàng một thời gian khá dài, anh chàng kể lể đủ thứ về nàng, còn khoe với Tân là hồi ấy nàng đẹp…liêu trai, huyền ảo nữa chứ. Tân cười hì hì trong email, anh chàng bảo Vy nên viết thư về thăm Thành. Vy vẫn không sao tin được việc này. Nàng không biết anh chàng Thành có nhầm lẫn nàng với ai chăng, sao hồi đó nàng chẳng hề hay biết gì cả.

Chưa rõ câu chuyện thực hư thế nào, nhưng nó khiến Vy bồi hồi nghĩ tới một người mà trong bao nhiêu năm trời nay, mỗi lần nhớ đến nàng đều thở dài, ngậm ngùi thương cảm. Người ấy là một vị giáo sư đáng kính của nàng. Cái tình cảm đơn phương lặng lẽ cao đẹp của Người dành cho nàng tưởng chừng như rất mong manh nhưng ngờ đâu nó lãng đãng quanh nàng một cách dai dẳng trong mấy chục năm qua…

Một cô bé mười lăm ngồi lớp Ðệ Ngũ như nàng hồi ấy quả là rất ngây thơ trong sáng. Tóc bím ngang vai, áo trắng không eo dài ngang gối đi kèm quần ống rộng nửa khổ vải chín tấc theo thời trang hồi ấy, nàng nhỏ nhắn, mộc mạc, dung dị nhưng có cái nét sáng sủa, xinh xắn, dễ thương của cô học trò nhà quê trong tuổi hoa chớm nụ. Linh tính con gái cho nàng biết dường như có điều gì khác lạ ở cái nhìn trong giờ dạy của Người. Nàng không nhận định được là điều gì, vì chưa bao giờ nàng bắt gặp cái nhìn ấy một cách trực tiếp, nhưng nàng cảm nhận ra nó mỗi khi nàng cắm cúi viết bài, làm bài mà Người đang đứng đâu đó trong trách nhiệm coi ngó lũ học trò. Không chỉ riêng nàng linh cảm được điều ấy mà vài cô bạn của nàng cũng có cùng nhận xét. Người thường gọi nàng lên bảng đọc bài, trả bài khiến nàng phải chăm học hơn về cái môn này. Nàng không làm cho Người thất vọng khi bước những bước tiến rõ ràng trong môn học của Người.Mỗi tuần lớp nàng có bốn giờ dạy của Người, nàng không bao giờ dám vắng mặt trong những giờ đó. Và Người cũng như thế, nhưng chỉ là những cái ngắm nhìn không tên tuổi trong suốt chín tháng trường.

Bước sang năm Ðệ Tứ, bọn học trò con gái lớn thêm một tuổi, bắt đầu biết thẹn thùng, điệu đà, làm duyên, làm dáng và …lắm chuyện. Nàng bắt đầu nghe những lời xì xào bàn tán nhưng tính nàng lại không thích …hóng chuyện nên nàng cũng không rõ là các bạn đang bàn bạc điều gì. Năm này nàng cũng bắt đầu hé lộ ít nhiều nét e ấp, thẹn thùa của một cô thiếu nữ. Mỗi khi linh tính báo cho nàng biết là đang bị ai đó ngắm nhìn từ phía sau hay từ phía trên khi nàng đang cúi đầu viết bài thì nàng cảm thấy …hồi họp, nàng không dám cử động mạnh, không dám ngước lên hay quay về phía sau. Mãi đến thời gian gần cuối niên học, cứ sau giờ dạy của Người là mấy cô bạn thân kéo nàng lại báo cáo với nàng là khi Người đứng chỗ kia, chỗ nọ ngắm nàng thì bạn A. đã có những thái độ ra sao để lôi kéo sự chú ý của Người. Bọn học trò con gái vốn đã …lắm mồm, giờ thêm sự việc xảy ra có chiều …ly kỳ cho nên các cô tha hồ mà kháo nhau…tin …vịt. Các cô đem nàng ra trêu chọc nhưng rồi cũng chả ai có lý do nào chính đáng để nói gì, vì nhân vật …quan trọng lại hoàn toàn im lặng từ đầu đến cuối.

Hết năm Ðệ Tứ bọn học trò con gái thôi còn là những cô bé nhí nhảnh hồn nhiên vô tư lự nữa. Một vài cô …đàn chị đã bắt đầu …hẹn hò, bắt đầu bỏ ….cuộc chơi dần dần. Các cô thêm một tuổi, thêm e ấp, thẹn thùa, thêm những thứ tình cảm vu vơ trong tâm hồn trong sáng. Nàng cũng như các bạn, bắt đầu bước vào năm Ðệ Tam đã có ít nhiều cảm xúc, rung động trong cái tình cảm vu vơ của tuổi mộng mơ. Nàng hay mỉm cười e thẹn khi nhìn vào gương đã thấy đôi má mình hồng hơn, thấy đôi mắt mình long lanh hơn. Vào năm này thì các giáo sư không còn xem các cô là …trẻ con nữa, các thầy đối với học trò thân thiện, cởi mở hơn, nhất là các vị trẻ tuổi. Năm ấy có lẽ Người đã hơn ba mươi, Người thường hay đi chung với một giáo sư bạn cùng trang lứa phụ trách một môn học khác cho lớp của nàng. Cả hai vị đều được bọn học trò con gái lớp nàng mến mộ. Vì không quá nghiêm nghị, khắt khe nên tình thầy trò có chiều thân thiết hơn các giáo sư khác. Bọn con gái chia thành nhiều nhóm do điều kiện tính tình, chỗ ở chợ, quê khác biệt mà chơi với nhau. Nhóm của nàng và cô bạn thân, nhà có vườn cây ăn trái, có rẫy bái, ruộng nương xanh ngợp. Tuy là quê nhưng không xa thành thị là bao nên vào những cuối tuần thong thả, bọn con gái hay tổ chức đến nhà bạn này, bạn nọ sinh hoạt với nhau, các cô mời cả hai thầy cùng đến chung vui. Nhà các thầy ở Sài Gòn, mỗi ngày các vị di chuyển bằng xe động cơ hai bánh, sáng đi chiều về. Ðời sống ở đô thị với không gian chật hẹp, tù túng đã khiến quý thầy lấy làm vui thích khi được bọn học trò mời về nhà quê chơi. Một bầy học trò con gái và hai nam giáo sư sinh hoạt với nhau dưới bóng mát của vườn quê trái ngọt cây lành, có chim hót líu lo, có trời xanh lồng lộng, có mây trắng bồng bềnh rất là thoải mái đã trở thành những kỷ niệm êm đềm khó quên của tuổi học trò. Có một lần, đến phiên các bạn sinh hoạt ở nhà Vy. Hôm ấy Người vui vẻ lắm, trong suốt thời gian ở nhà nàng, khi ngoài vườn, lúc trong nhà Người đặc biệt chăm sóc, nhắc nhở, dặn dò Vy việc này việc nọ rất ân cần, có khi trước mặt mọi người, có khi Người gọi Vy đến bên cạnh. Người chuyện trò với ông cụ Vy, một trẻ một già rất tương đắc, người vốn dạy về Sinh ngữ Pháp mà ông cụ Vy lại là người thông thạo tiếng Pháp. Không biết nội dung câu chuyện giữa hai người ra sao, nhưng khi ai về nhà nấy rồi thì ông cụ khen Người rối rít.

Năm này ánh mắt của Người mỗi khi nhìn ngắm nàng có chiều …tha thiết và thường xuyên hơn khiến một cô bạn cùng nhóm bỗng …đâm ra ganh tỵ với nàng. Tuy vậy mức độ tình cảm của nàng và cô bạn ấy vẫn không có gì sứt mẻ quá đáng, có điều là cả hai cùng đua nhau …cố gắng…chăm học. Bản tính nàng ít oi, nhút nhát lại hay cả thẹn nên nàng không biết chuyện Người đã để ý đến nàng nhiều hơn, nàng được rõ mọi việc xảy ra là do các bạn ngồi phía sau lưng …âm thầm quan sát trong giờ dạy của Người để rồi khi xong giờ, Người bước ra khỏi cửa là các bạn kéo tới nàng …báo cáo. Nghe các bạn nói thế nàng chỉ biết e thẹn, mỉm cười chống chế …lấy lệ …“ Có thiệt hong đó, mí bồ đừng …thêm mắm dặm muối nghen, thầy …hỏng có nói dí tui cái gì hết á ” nhưng trong lòng nàng cũng không khỏi cảm thấy xuyến xao rung động. Có lần linh cảm được Người đang ngắm mình, nàng đánh bạo thu hết cam đảm giả đò nhìn lên một cách tình cờ thì bắt gặp Người chợt quay đi nhưng vẫn còn để lại ít nhiều trìu mến trong ánh mắt. Trái tim cô học trò lớp Ðệ Tam như nàng hãy còn khờ khạo lắm, nàng chưa biết , chưa nghĩ gì đến việc yêu đương, chỉ biết có người – nhất là nam giáo sư – ngắm mình thì lòng cũng thấy thinh thích, thấy bất chợt xao xuyến vẩn vơ rồi sau đó mọi sinh hoạt thường ngày cũng ùa đến mà chiếm hết thời gian còn lại.

Một buổi sáng nhằm ngày lớp nàng có hai giờ đầu môn học của Người. Chuông đã reo báo giờ vào lớp mà không thấy thầy đâu. Năm phút, mười phút, rồi nửa giờ trôi qua cũng không thấy, cả lớp bắt đầu nhốn nháo túa ra hành lang đứng ngóng ra đường. Ðứng ở hành lang trên lầu của dãy lớp học dài, bọn con gái có thể nhìn thấy bóng người xa xa trên con đường đất đỏ đầy bụi mù dẫn vào trường từ quốc lộ 13. Một bầy con gái nhấp nha nhấp nhỏm vừa trông ngóng vừa bàn qua tán lại lý do thầy đến trể …nhặng xị cả lên. Ðứa thì bảo “Chắc thầy …ngủ quên”, lại có đứa bảo “ Thầy đi …lạc”, có đứa …không ưa môn học thầy dạy còn bạo miệng nói “ …Vái cho…thầy …bị cái gì đó không đến dạy hôm nay đặng mình khỏi …trả bài”. Ðợi mãi đến hết hai giờ học thầy cũng không xuất hiện. Trưởng lớp chạy xuống văn phòng hỏi thăm thì thầy giám thị cũng không biết được gì. Ðã đến giờ dạy của một giáo sư khác nên trật tự của lớp được ổn định lại dần dần.

Ai nấy đều nghĩ rằng thầy bận việc hoặc đau bệnh thình lình không thể đến dạy nên cũng chẳng thắc mắc chi lâu. Mãi cho đến lúc sắp hết giờ học cuối, bọn học trò sắp sửa ra về thì thầy giám thị lên tận lớp báo tin Người đã bị tai nạn lưu thông trên đường đến trường, Người bị thương, gãy chân cần phải nằm bệnh viện để giải phẫu. Cả lớp nghe tin ai nấy ngẩn ngơ buồn bã, những bạn dại mồm dại miệng nói đùa hồi sáng bỗng …đâm ra hối hận, Vy cũng cảm thấy buồn như các bạn và có lẽ buồn hơn …chút xíu. Thế rồi, giáo sư khác được điều về để thay thế cho Người môn dạy ấy. Bọn học trò không thấy thích thú với vị giáo sư mới này nhưng cũng đâu làm gì khác hơn được. Mọi việc trong lớp học lại lắng động bình thường như bao lớp khác.
Bây giờ thì nhóm của Vy có thêm một việc để làm vào những cuối tuần thong thả thay thế cho việc đến chơi nhà các bạn. Ấy là tổ chức kéo nhau đi bệnh viện thăm Người. Lần nào đi, cả nhóm cũng nằng nặc phải…lôi nàng đi cho bằng được dù có nhiều lúc hoàn cảnh của nàng không cho phép, họ nói có nàng đến thăm sẽ khiến thầy được …vui vẻ mà mau lành bệnh. Bọn học trò con gái nhóm của Vy tổ chức đi thăm Người rất nhiều lần, khổ cho Người là cái chân bị thương tật của Người không …chịu lành nên cứ phải trải qua hết cuộc giải phẫu này đến cuộc giải phẫu khác, đến nỗi vào bệnh viện mà hỏi thăm vị giáo sư đã giải phẫu chân nhiều lần nằm điều trị ở phòng nào thì ai cũng biết. Người được điều trị trong bệnh viện và nằm dưỡng thương tại nhà gần …hai năm trời, mỗi lần bọn nàng đến thăm thấy thầy xanh xao gầy gò, đứa nào đứa ấy cũng muốn …rớt nước mắt, gặp được bọn nàng, Người vui mừng lắm, ánh mắt Người sáng hẳn lên, nhất là khi Người nhìn nàng, ánh mắt có thêm tia nhìn trìu mến đậm đà . Ðến thăm thầy tại bệnh viện rồi tại nhà, trước sau chỉ thấy có người em gái của thầy thôi, bọn Vy không dám hỏi thầy …”cô” đâu mà chỉ đoán chắc là thầy chưa có …cô.
Thời gian cứ trôi qua, bọn con gái mỗi ngày mỗi thêm lớn, kiểu cách sinh hoạt có nhiều thời giờ rảnh rổi trong lứa tuổi thơ ngây không còn nữa, ai nấy cũng có thêm trách nhiệm trên vai, thêm công việc để lo lắng thay thế cho mấy ông anh bà chị đã đi ra khỏi nhà với tiểu gia đình của họ. Những cuộc viếng thăm Người thưa dần đi. Vy cũng không ngoại lệ.

Khi Người có thể đi dạy trở lại với sự hỗ trợ của cái nạng gỗ vì chân gãy còn yếu thì hướng đi của Vy đã bắt đầu rẽ sang một ngả khác. Sinh hoạt ngày càng đắt đỏ khó khăn, đồng lương hưu của ông cụ Vy khó thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu áo quần, sách vở, bút mực cho nàng và đám em ba đứa nên nàng có ý định thôi học. Thời gian Người trở lại trường chính là lúc Vy đã chập chững đi vào con đường … hẹn hò, đưa đón, sắp sửa …theo chồng …bỏ cuộc chơi. Năm đó lớp nàng đã được chuyển sang học bên trường dành cho nam sinh. Người không có giờ dạy lớp Vy nhưng thỉnh thoảng thầy trò có đụng mặt nhau ngoài sân trường, cửa lớp, Vy cúi đầu lí nhí chào Người, hỏi dăm ba câu thăm sức khoẻ Người rồi tiếp tục đường ai nấy đi. Một hôm, buổi sáng, vừa ló mặt vào lớp thì nhóm bạn nàng vội vã kéo nàng lại một góc rồi bắt đầu…sỉ vả “…Chùi ui, bồ …ác thì …ác…vừa vừa thôi, hẹn nhau đưa đón thì kiếm chỗ nào xa xa một chút. Ở ngay trước cổng trường, thầy đứng ngoài hành lang văn phòng nhìn ra thấy, thầy …biến sắc, trông thầy…buồn hiu …tội nghiệp lắm á”. Trời đất ơi! Vy làm sao mà biết được chuyện này, người ta đưa đón Vy cũng giống như bao kẻ khác, thì cứ đậu xe chờ ở trước cổng trường thôi mà. Nhưng rồi Vy cũng nghe lời các bạn, không cho người ta đón ở cổng trường nữa.

Ít lâu sau đó, Vy được người ta ngỏ lời cầu hôn và nàng đồng ý nên chuẩn bị chia tay các bạn. Ngày cưới gần kề, bọn Vy lại tụ họp nhau bàn tán, cả bọn đắn đo việc có nên mời hai vị thầy đến dự hay không, bạn thì bảo nên, bạn khác lại cho rằng không e Người sẽ …khổ tâm, bàn qua tán lại cả bọn đồng ý không cho Vy gửi thiệp mời hai vị ấy.

Sau hôn lễ một thời gian, tới lui thăm nhà được vài bận, một hôm Vy nhìn thấy có chiếc đồng hồ báo thức loại dành để chưng bày trên bàn trang điểm rất nhỏ nhắn và xinh xắn xuất hiện trong nhà. Trước đến giờ, Vy chưa từng thấy vật ấy, hỏi thì các em nàng nói là của ông anh ở xa gửi về cho.Vy cũng không bận tâm về nó lắm cho đến một ngày kia khi Vy ghé viếng nhà cô bạn thân thiết nhất từ trước đến giờ, cô bạn cho Vy biết rằng Người quá đau buồn đã xin chuyển đi nơi khác, không còn dạy ở trường nữa, đồng thời cô hỏi Vy đã có nhận được quà cưới từ Người không? Vy ngạc nhiên vô cùng, bảo với bạn “… Bọn mình không có mời Người đến dự mà làm sao có quà”.Cô bạn kể lại cho Vy hay rằng Người biết việc Vy kết hôn nên đã chuẩn bị sẵn một món quà cho Vy rồi, không ngờ bọn Vy đã chẳng cho Vy mời nên Người không thể đến, nhưng Người đã mang món quà ấy trao lại cho một cô bạn trong nhóm, nhờ cô đưa tới cho nàng, và cô bạn đã gửi đến gia đình cha mẹ nàng sau ngày cưới ít hôm. Vy tức tốc trở lại nhà, gạn hỏi mẹ và các em, cuối cùng mẹ nàng xác nhận quả thật có món quà ấy và có cả lời chúc phúc với nét chữ thân quen của Người, món quà ấy chính là chiếc đồng hồ báo thức xinh xắn mà Vy thấy lạ trong nhà. Mẹ bảo không cho Vy biết vì sợ tâm lý Vy bị xao động sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc. Cầm chiếc đồng hồ trên tay Vy ngơ ngẩn hàng giờ. Mường tượng đến hình ảnh Người chống chiếc nạng gỗ vất vả đi tìm một món quà nhỏ bé xinh xắn mà đầy đủ ý nghĩa để làm quà cưới cho nàng, rồi mường tượng đến nét mặt buồn bã của Người khi trao món quà này cho cô bạn, rồi lại mường tượng hôm cử hành hôn lễ, có thể Người đã đứng ngồi đâu đó bên chiếc nạng, lặng lẽ nhìn theo Vy bước vào xe hoa mà lòng xót xa khiến Vy ngậm ngùi thương cảm.Vy thở dài rồi thở dài, nàng không ngờ tình cảm Người dành cho Vy lại sâu đậm đến như vậy, trong khi Vy hồn nhiên vô tình hẹn hò đưa đón trước mắt Người rồi lại thản nhiên cười cợt bên cạnh người ta.

Biết được ngọn ngành của chiếc đồng hồ, Vy không thể nào không mang nó theo về nhà riêng với nàng. Trời ơi! Bày chiếc đồng hồ này trên bàn trang điểm ở đầu giường là vô tình mỗi ngày Vy đều trông thấy nó. Người …bắt Vy mỗi ngày phải nhớ đến Người dù có nhớ cũng chẳng để làm chi.Và cứ thế, chiếc đồng hồ ấy nằm trên bàn phấn của Vy qua năm này tháng nọ. Mỗi tuần lễ khi thu xếp lại vật dụng cho ngăn nắp trên bàn phấn là Vy có dịp cầm nó lên, nàng nâng niu lau quét bụi bám vào nó rồi khẽ khàng đặt xuống. Chuyện của Người thỉnh thoảng trong lúc vui vẻ nàng có kể lại cho người ta nghe nhưng nàng không cho người ta biết sự tích của chiếc đồng hồ ấy, nàng chỉ nói đại khái là quà bạn bè tặng ngày cưới. Nó cứ nằm mãi ở đấy trong một quảng thời gian liên tục mấy năm dài cho đến khi nó cũ kỹ và các con nàng làm rơi xuống đất khiến máy móc bị lệch lạc thì nàng cất nó vào hộc tủ bàn trang điểm ấy. Lâu lâu khi thu dọn sắp xếp lại hộc tủ, bắt gặp nó nàng ngậm ngùi cầm lên ngắm nghía một lúc rồi đặt nó vào chỗ cũ. Vy chỉ không nhìn thấy được nó kể từ khi lìa xa đất nước ra đi.

Bao nhiêu năm đất khách quê người, thỉnh thoảng hình ảnh của Người vẫn hiện ra trong tâm tưởng Vy, mỗi lần nhớ đến là mỗi lần Vy không tránh khỏi nỗi niềm thương cảm. Dạo trước khi mới liên lạc được với một vị cựu giáo sư của trường trú ngụ tại Canada, Vy có hỏi thăm vị ấy về tin tức Người nhưng không có kết quả gì, rồi khi có tin tức của nhóm cựu học sinh, Vy lại tìm được một cô bạn cùng lớp hồi ấy, tuy ngày xưa không thân lắm nhưng hôm nay đất khách quê người, gặp được bạn cũ cả hai mừng lắm,Vy có hỏi bạn về Người nhưng bạn ấy cũng không biết gì hơn. Ðến bây giờ câu chuyện đã thuộc về dĩ vãng mấy mươi năm rồi, tình cờ mà Tân nhắc đến Thành khiến nỗi niềm kia sống lại trong lòng Vy.
Ðến bây giờ tuổi đời càng chồng chất Vy càng hiểu rõ rằng tình cảm đơn phương lặng lẽ mà sâu đậm ấy của Người không phải là Người không muốn thố lộ cùng Vy, nhưng đã có nhiều lý do khiến Người không thể bày tỏ cho Vy biết sớm, Người âm thầm chờ đợi một cơ hội vào một thời điểm thuận tiện hơn nhưng rồi cái cơ hội thuận tiện ấy chẳng bao giờ có được vì đã quá nhiều bất trắc xảy đến cho Người, cuối cùng rồi Người lại lặng lẽ chôn kín cái tình cảm ấy vào món quà cưới tặng nàng. Ðến bây giờ nàng mới hiểu rõ hẳn Người đã nhiều lần đè nén tâm tư trong những ngày nằm dưỡng thương chính vì Người không muốn nàng phải chịu khổ. Người hiểu được rằng nếu như Người quyến luyến, ân cần với nàng nhiều hơn, rõ nét hơn thì hẳn nàng cũng sẽ không cầm lòng được. Vì rõ ràng nàng cũng e thẹn, xao xuyến và rung động mỗi khi gặp mặt Người, nàng cũng khó dấu là nàng đã manh nha một thứ tình cảm khác hơn tình thầy trò thuần túy. Ngày xưa khi bị bạn bè trách là vô tình thì nàng tự chống chế rằng Người đã không nói gì, nàng là con gái làm sao có thể tùy tiện hành động để chứng minh nàng không vô tình. Nàng không nghĩ ra rằng vì không muốn lôi kéo nàng vào sự khổ ải mà Người cứ âm thầm lặng lẽ như thế. Ðến bây giờ Vy mới hiểu được rằng tình cảm, tình yêu của Người đối với nàng thật là bao la vị tha, Người đã không vì yêu chính bản thân mình mà mong cầu chuyện mãn nguyện để làm khổ Vy. Ba bốn năm dài từ khi nàng chỉ là một nụ hoa đồng mộc mạc, Người đã nâng niu, chăm chút, đã diệt bao nhiêu cỏ dại một cách âm thầm cho đóa hoa đồng nội nàng được khởi sắc, rồi Người lại đè nén nỗi đau đớn tấm thân thương tật của mình mà tiếp tục giữ gìn để đóa hoa ấy được hé nở hồn nhiên, rạng rỡ cho đến một ngày có kẻ khác đến hái đi. Ðến bây giờ nàng mới hiểu được rằng tình yêu ấy của Người dành cho nàng không phải là thứ tình cảm vu vơ có cũng được, không cũng được, như nàng từng nghĩ ngày xưa. Nếu là một thứ tình cảm vu vơ có cũng được không cũng được, Người đâu cần phải đau buồn, đâu cần phải nghĩ ngợi để tìm một vật có ý nghĩa làm quà cưới cho nàng, đâu cần đến nỗi phải xin chuyển đi nơi khác sau khi nàng lấy chồng. Phải là một thứ tình yêu sâu sắc đậm đà khó phôi pha mới khiến Người làm nên bao nhiêu việc ấy. Ôi ! càng nghĩ Vy càng thẫn thờ, càng nao nao ngậm ngùi , nàng càng trân trọng mối tình lặng lẽ cao đẹp ấy của Người.

Vy đem mối u uẩn hàm tình này kể lại cho Tân nghe và hỏi Tân có biết tin tức gì của Người không.Tân nghe rồi cũng bùi ngùi cảm động, anh chàng vốn là người trọng tình cảm,nhất là những tình cảm đẹp đẽ như của Người đã dành cho Vy.Tân hứa sẽ cố gắng tìm kiếm tin tức của Người hộ Vy, cho dù nếu như Người không còn trên cõi đời này nữa thì Tân cũng sẽ tìm nấm mộ của Người để đến thành kính nghiêng mình thắp hai nén hương, một là chính bản thân Tân thắp cho Người, một là thay thế Vy mà thắp.

Hạt Cát

Tản Mạn… Sân Trường Cũ – Hạt Cát

Thứ bảy,
Văn phòng lặng im vắng vẻ.

Thu xếp xong công việc thấy ngày còn dài, tôi chưa muốn ra về vội.Về nhà làm chi đâu, rồi cũng chỉ một mình tôi lay hoay lặng lẽ trong căn nhà. Nhớ đến mấy hôm trước Hoàn Y tỷ tỷ có gửi một số hình ảnh chụp ở trường cũ trong chuyến du lịch về Việt Nam cho tôi mà tôi đã hạ tải xuống máy nhưng chưa có thời gian thong thả để xem kỹ, tôi lục đục mở máy tìm lại ngăn chứa những hình ảnh ấy.

Tất cả hình ảnh được chụp bằng máy kỹ thuật số nên rõ nét, màu sắc trung thực, trong sáng rất đẹp mắt. Có ảnh chụp riêng từng người, lại cũng có ảnh chụp chung cả nhóm gồm có thầy hiệu trưởng Từ, Hoàn Y tỷ tỷ và tỷ phu, Thành, Tân và Văn. Có ảnh được lấy ngay trên mảnh sân trước dãy lớp mới, có ảnh dưới mái hiên.Vì hôm đó trời mưa nên trong đa số ảnh, mọi người đứng xúm xít dưới một mái hiên, đằng sau lưng là một cây phượng to lớn, lá cành xanh biếc lất phất mấy hạt mưa trắng xoá, dưới gốc là khoảng sân rộng, cỏ dại chi chít từng chòm rải rác và bối cảnh sau cùng là dãy lớp mới cất ba tầng lầu đồ sộ đẹp đẽ . Ngắm ảnh hai anh chị xong lại đến ảnh của Thành, Tân và Văn, nhìn mỗi người một vẻ tôi không khỏi …ngậm ngùi…nghĩ ngợi.
Chao ôi!

Thế là thời gian trôi qua trên mảnh đất sân trường ấy đã 30 năm rồi đấy. Mảnh sân ngày nào đã từng in dấu chân tôi. Đâu rồi những mái tóc nhung huyền êm ả thơ dại một thời như tôi? Đâu rồi những tà áo trinh nguyên thướt tha quấn quít gót hài hoa một thời cùng tôi? Đâu rồi nét tuấn tú tinh anh đầy lém lỉnh trên khuôn mặt của những chàng thanh niên tràn trề sinh lực và hy vọng một thời với tôi? Nắng sớm mưa chiều. Mây bay gió thoảng ! Mai một hết rồi ! Phôi phai hết rồi ! Có chăng chỉ là lưu ảnh trong ký ức. Có chăng giờ này một Thành một Tân một Văn đã chồng chất tuổi đời được sống và chứng kiến biết bao thăng trầm của mảnh đất hiện tại và ít nhiều …hoài niệm xa xưa đang…đứng đấy. Còn …là những mảnh đời lưu lạc tha phương sương tuyết nhọc nhằn như tôi, như Tuân, Liêu, Lâm …và những ai khác mà tôi không biết. May mà tôi còn có cơ hội biết được Tuân nhờ một vài sinh hoạt bên lề cuộc sống và cũng nhờ đó mà tôi mới có thể tìm lại bạn cũ, quen biết thêm một vài bạn khác mà ngày xưa chưa có mối duyên…gặp gỡ . Mảnh sân đã trải bao tháng ngày mưa nắng gió sương, đến bây giờ nó vẫn thế, có thể nó đã được vun bồi, xây đắp thêm bởi ít nhiều cây cỏ, lá hoa, dãy lớp mới, pho tượng danh nhân Trịnh Hoài Ðức v.v.. nhưng chắc chắn không có ai mang đi đâu bất cứ một viên sỏi, một hòn cuội nào trong mảnh sân đó cả. Nó vẫn ở đấy, đã ngắm nhìn bao lớp tuổi trẻ tới và đi từng năm từng năm một, và 30 năm qua là 30 lần nó hân hoan chào đón, ngậm ngùi tiễn đưa những bước chân người vừa đủ cho một đời cha con kế tục. Nó chứng kiến bao mối tình trong sáng ngây thơ của lứa tuổi tràn trề mộng ước. Nó cũng bao dung những nhịp đập cô đơn của trái tim lặng lẽ, mà tôi biết ít nhất …hai con tim có nhịp đập …âm thầm …dính dáng tới tôi. Nó ghi nhận ít nhiều kỷ niệm luyến lưu trong tâm hồn của từng con người khi xa lìa mảnh sân ấy. Nó không nỡ bứt rời những chuỗi ngày êm đềm trong một giai đoạn của cuộc đời người ta với hiện tại. Và nó …đang nuôi dưỡng cây phượng kia cho mỗi ngày to lớn xanh biếc đầy sức sống hơn. Tôi không nhớ rõ là cây phượng đã nằm đó từ lâu hay mới được trồng thêm sau này. Trí nhớ của tôi không có chút ấn tượng nào về cây phượng đó. Cái ấn tượng sâu đậm nhất với tôi có lẽ là sự…biến đổi của …con người.

Ngày xưa, tôi không biết Tân và Văn nên không mường tượng được những nét biến đổi của hai bạn ấy, mà tôi nghĩ nếu như tôi có biết, chắc bây giờ tôi cũng không tài nào nhận ra được …ai là ai đâu. Hôm nọ, Tuân gửi tôi một bức ảnh anh ta chụp với các bạn năm 1999 trong chuyến về thăm quê có cả Dương trong đấy mà tôi nào có nhận ra được Dương đâu. Dương là một khuôn mặt cũng khá quen thuộc với tôi vì hồi đó anh chàng hoạt động xã hội học đường hăng say lắm,chỗ nào cũng có mặt anh chàng nên tôi …không lạ, thế thôi. Nghe Tuân nói người đó người nọ là Dương, tôi …bật ngửa… Mèn ơi! Vậy sao ? …Không giống …Dương chút nào, tôi không thể tìm thấy một nét quen thuộc gì của Dương cả. Bây giờ đến Thành nữa. Trời ! Nếu mà cho tôi vô tình gặp lại Thành ngoài đường phố, chắc tôi không thể nào biết được đó là Thành đâu đấy. Anh chàng thay đổi hẳn đi, có chăng vóc dáng cao ráo là không khác mà thôi ( tôi lại lẩm cẩm mất rồi, chẳng lẽ con người ta ngày càng…lùn xuống, ừ mà biết đâu được, chẳng phải tôi vẫn nghe rằng con người khi đến tuổi già sẽ tự động ..tụt thấp xuống mấy phân đó sao?).Dáng anh ta ngày ấy …roi roi, cao dong dỏng, không đến đỗi nào …lêu nghêu nhưng cũng thuộc vào hạng cao ráo với nét mặt rắn rỏi. Còn bây giờ thì… khuôn mặt đó đã có ít nhiều …mỡ màng thừa thãi che dấu hết nét quen thuộc ngày xưa, vóc dáng anh chàng do đó mà trở nên …oai nghi …đường bệ hơn, mà diện mạo anh chàng lại …nghiêm khắc …trầm mặc khiến tôi cứ mường tượng đây là một bậc …dân chi phụ mẫu nắm… trọn… quyền …sinh sát trong tay chứ không phải là một ông…bạn …ít lời, kín đáo …ngày xưa …của tôi. (Ôi chao! Ông Thành ơi, sao mà ông … “nghiêm chi mà nghiêm…thấy chán vậy”.Ðó là lời phát biểu của Tuân – người vừa là bạn học thời ấy vừa là anh em nhà chú nhà bác của Thành – khi nhìn thấy ảnh Thành ).

Mà tôi cũng buồn cười cho tôi nữa, trải qua 30 năm trời rồi, con người tất nhiên phải thay đổi chứ, tôi đâu có thể nào bắt người ta phải giữ nguyên những đường nét mà tôi có trong trí tưởng đâu, phải không các bạn. Hay có lẽ vì tôi …căn cứ trên…kiểu mẫu của tôi từ mấy chục năm nay, ngày nào tôi cũng nhìn thấy mình trong kính, tôi không nhận ra được sự thay đổi từng chút từng chút mỗi ngày trên khuôn mặt mình, hay là vì tôi thay đổi rất ít nên tôi nghĩ ai cũng giống tôi vậy thôi, cũng giống như lần đầu trở về thăm quê sau mười mấy năm xa cách, nhìn mấy đứa cháu gọi bằng dì, bằng cô mà tôi cứ …cười tôi mãi. Những khuôn mặt mà tôi tưởng tượng rõ là …khác quắc với sự thật trước mắt khiến tôi cứ cảm thấy… ngỡ ngàng .

Ôi ! Thời gian quả thật…nghiệt ngã. Ba mươi năm phù du một thoáng qua… vèo…Cuộc đời ta rồi sẽ còn lại bao nhiêu lần …30 năm nữa đây? Chắc là không quá…một lần nữa đâu, phải không các bạn ? Này Tân, Thành, Tuân, Dương, Liêu, Trần, Nguyễn, Lâm …và cả tôi nữa, rồi còn bao nhiêu các bạn khác mà ta không biết đã …trôi dạt phương nào. Tất cả chúng ta cũng không còn bao nhiêu ngày tháng để mà …sống nữa đâu. Coi …vậy chứ…thời gian qua nhanh lắm đấy bạn à. Thấy không, mới đó mà đã 30 năm rồi, liệu ta có thể sống thêm …30 năm nữa chăng? Nào ai biết được. Có thể… ngày mai tôi từ giã cõi đời, cũng có thể là …năm tới mà cũng có thể…hai, ba chục năm sau. Còn bạn, bạn cũng thế mà thôi. Bạn có dám quả quyết với tôi rằng bạn sẽ …sống tới bao giờ không? Tôi biết chắc là bạn không bao giờ dám …quả quyết một điều như thế, phải không bạn ? Vậy thì bạn ơi ! Bạn ơi ! Hãy…vui vẻ lên mà sống đi bạn, hãy cười nhiều hơn đi bạn. Nụ cười sẽ mang đến cho bạn…niềm tin, sẽ giảm bớt …độc tố trong con người bạn, sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn, yêu đời hơn, bạn sẽ thấy lòng mình rộng mở với cuộc đời, với con người đó bạn.Với nụ cười, bạn sẽ khiến không khí và những người chung quanh bạn được …ấm áp, nhẹ nhàng và hướng đi của bạn cũng sẽ…thong dong, suông sẻ hơn. Bạn hãy đặt niềm tin vào nụ cười của bạn, hãy cười với lòng bao dung, bạn sẽ được…đền đáp cho dù bạn không mong được …đáp đền. Tiếc chi…nụ cười, hả bạn ?Bạn có …tốn kém gì đâu để được một nụ cười, nó đã sẵn trên môi của bạn rồi, chỉ cần bạn …mở lòng chút …xíu là nó sẽ …nở ra…tươi thắm đấy bạn ạ. Bạn hãy mường tượng…cuộc đời này sẽ …buồn tẻ biết bao nếu thiếu đi nụ cười đó bạn. Bạn hãy cười với mọi người, trước mặt mọi người và cười cả khi chỉ một mình bạn nữa. Không chỉ cười những lúc đáng cười mà cũng nên cười những lúc đáng …hận nữa.

Ôi ! Mảnh sân trường cũ thân thương của tôi. Ðã có một thời xa xưa nào đó, mảnh đất này đã từng in dấu chân …khờ khạo của tôi, dấu chân kia đã bị năm tháng nắng mưa gột rửa phôi phai hết rồi, nhưng trong tâm tưởng tôi, dấu chân nọ chưa hề mờ nhạt, tôi vẫn nhớ vẫn thương tháng ngày đẹp đẽ trong giai đoạn đó của cuộc đời, ở đấy có các bạn vẫn nhớ đến tôi, trân trọng dành tình cảm cho tôi, dù tôi chỉ là một hình bóng âm thầm thoáng qua mắt bạn, dù tôi chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi, một áng mây bềnh bồng mà bạn chợt bắt gặp đâu đó khi nắng sớm lúc mưa chiều. Xin cám ơn bạn, cám ơn tất cả mọi người đã cho tôi cơ hội ngắm nhìn những bức ảnh trong sân trường cũ này.
Cám ơn nhiều lắm. Bạn ơi ! Sân ơi !

Hạt Cát

[/read]