Một chuyến đi hụt hẫng

Người khách sau cùng chui vào được bên trong thì chiếc xe đã rời khỏi bến. Bà đứng lom khom, hai tay quờ quạng không biết bám vào đâu. Bỗng chiếc xe lắc mạnh, bà mất thăng bằng, ngồi phệt xuống cái giỏ gà dưới chân. Mấy con gà hoảng hốt kêu lên oang oác. Người chủ gà càm ràm:
“Mẹ ơi, đè chết mấy con gà tôi rồi”
Thằng lơ xe cười khúc khích:
“Bảo để trên mui không chịu, chết đáng”
Ông tài xế vừa nhìn lên kính chiếu hậu vừa chửi:
“Đ.m mày, còn không xếp chỗ cho người ta ngồi”
Thằng lơ vất vả lắm mới kê được một bao gạo để làm chỗ ngồi cho bà khách. Người đàn ông trung niên ngồi phía sau (có lẽ là chủ bao gạo) than nhỏ:
“Chết mẹ! Ăn bao gạo này chắc nghiến răng suốt ngày”
Trong số hành khách, có người đến sớm chiếm chỗ, phải ngồi trên xe gần mấy tiếng đồng hồ. Họ mong từng giây từng phút cho xe chạy. Chiếc xe đầy nhóc người, nhưng ông tài xế (cũng là chủ xe) cứ rề rà để kiếm thêm khách. Không ai dám hối thúc, vì biết có hối thúc cũng vô ích, vả lại cũng không muốn làm mất lòng ông ta, lỡ lần sau đi trể, bị bỏ lại thì khốn.
Đây là chiếc xe than duy nhất chạy trên lộ trình này. Chiếc xe được “cải tiến” từ một chiếc Peugeot 203 cũ kỹ, không cần sơn phết. Xe chạy mỗi ngày một chuyến, bắt đầu từ ngã ba Long Thành đến khu kinh tế mới Suối Quít.
Con đường dài gần một trăm cây số này bị bỏ hoang từ thời chiến tranh nên đầy dãy ổ gà. Chiếc xe vừa chạy vừa lắc lư như một chiếc thuyền con trên sóng. Chạy được một đoạn thì hành khách có người say sóng ọc mửa tùm lum, bốc lên một mùi chua lợm giọng, khiến một vài người khác chịu không nổi phải mửa theo.
Lúc này thì không còn ai để tâm đến những cung cách lịch sự thường ngày, kể cả cô gái ngồi bên cạnh tôi. Mỗi lần chiếc xe lắc mạnh, cả người cô ngả lên mình tôi, một tay choàng qua vai, bấu chặt như bấu vào một khúc gỗ, không một chút úy kỵ.
Cố gái khá đẹp. Nước da trắng mịn. Khuôn mặt trái xoan. Mũi cao. Miệng nhỏ. Cặp chân mày dài, cong vút với mái tóc đen huyền phủ xuống gần tới thắt lưng.
Sau một hồi dằn xóc kịch liệt, chiếc xe chạy qua một khúc đường tương đối bằng phẳng. Cô gái lấy lại tinh thần, sửa lại thế ngồi ngay ngắn. Cô nhìn thoáng qua tôi nhưng không biểu lộ một cử chỉ đặc biệt nào. Tôi cũng tảng lờ, nghiêng người nhìn ra bên ngoài. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Thời tiết tháng Tư nóng bức. Xa xa một vài đám mây lững lờ trên nền trời trong xanh. Một con chim khách nghịch ngợm lượn theo chiếc xe mấy vòng rồi bay thẳng vảo khu rừng, mất hút.
Chiếc xe ì ạch bò lên một ngọn đồi thoai thoải. Khói từ hai ống bô tuôn ra tạo thành một vòng xoáy bám sát vào đuôi xe. Bên lề đường, một em bé trần truồng đứng trước một ngôi nhà tranh lụp xụp, chăm chú nhìn chiếc xe như nhìn một con quái vật. Một người đàn bà trạc tuổi năm mươi, mặc bộ bà ba đen ngả màu, kéo lê một bao than ra đường. Chiếc xe từ từ ngừng lại. Thằng lơ nhảy xuống nhét vào tay người đàn bà một xấp tiền rồi bê bao than ém vào đuôi xe. Chiếc xe gầm lên rồi cố sức trườn tới. Người đàn bà chăm chú đếm từng tờ bạc lẻ. Thằng bé vẫn nhìn theo chiếc xe với một niềm vui hiếm hoi, mỗi ngày chỉ đến với nó một lần.
Chạy thêm một đoạn chừng vài chục cây số, bỗng chiếc xe rung lên bần bật như một người bị chứng kinh phong. Ông tài xế vừa đạp ga vừa chửi thằng lơ luôn miệng. Hình như ông ta chửi vì thói quen chứ không vì lỗi lầm hay biếng nhác của thằng lơ.
Dù cố gắng đến đâu cũng vô ích. Chiếc xe vẫn khạc ra những tiếng khằng khặc rồi tắt phụt. Hành khách trên xe vừa lo vừa mừng. Ngồi trên xe gần hai tiếng đồng hồ. Đây là cơ hội tốt để trút đi những thứ thừa thải trong người. Nhưng xuống xe xong mọi người mới chợt nhận ra, chiếc xe ác ôn lại chết máy ngay trên một khu đồng trống. Những người đàn ông thì thoải mái, bước ra chừng vài chục thước là xong. Những bà sồn sồn thì chịu khó ra xa một chút rồi cũng êm chuyện. Tôi bất chợt nhìn sang cô gái. Cô ta đứng chết trân tại chỗ, ứa nước mắt. Tôi biết cô đang gặp khó khăn gì. Nhưng trong trường hợp này, tôi vô phương giúp đỡ. Nhìn cô ta thật đáng thương. Bỗng tôi chợt nghĩ ra và móc từ trong túi xách một tấm vải che mưa, bước đến chìa vào cô. Cô gái hơi lúng túng nhưng cũng đưa tay nắm lấy miếng vải. Tôi trở về chỗ, tựa lưng vào hông xe và hơi ngạc nhiên vì thấy cô gái vẫn đứng tần ngần tại chỗ, đôi mắt càng đỏ hơn. Tôi biết sự chịu đựng của cô đã đến mức tột cùng. Cũng may lúc ấy có một người đàn bà tốt bụng, hiểu ý, nắm tay cô dẫn ra một chỗ xa xa giúp cô căng tấm vải làm bức màn che. Cô gái trở vào với một dáng điệu ngượng nghịu, sượng sùng. Cô nhờ người đàn bà đem trả tôi tấm nylon. Tôi quay mặt qua chỗ khác để khỏi làm tăng thêm nỗi hổ thẹn, ngượng ngùng của cô.
Mặt trời đã ngả về phương tây. Ông tài xế và thằng lơ vẫn hì hục với chiếc cỗ máy bất động như một con vật đuối sức nằm lỳ.
Dưới sức nóng hanh hao của buổi chiều tháng Tư, mọi người đều mỏi mệt, không ai buồn nói chuyện. Trong cái không gian vắng lặng của vùng hoang dã chỉ còn nghe tiếng va chạm của kềm búa, tiếng chủi bới oang oang của ông tài xế và tiếng càm ràm khe khẻ của thằng lơ xe. Tôi bước đến ngồi trên một khúc gỗ nằm bên vệ đường, bật lửa đốt thuốc. Thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn về phía cô gái. Giữa nơi đồng không mông quạnh mà được ngắm nhìn một bông hoa kiều diễm thế kia thì còn gì bằng. Ước gì…
Đang đắm chìm trong mơ mộng thì tiếng máy xe nổ rang, kéo tôi trở về hiện thực. Hành khách mừng rỡ chen nhau lên xe. Tôi bước theo sau cô gái vào ngồi ở chỗ của mình. Nhìn đồng hồ đã 4 giờ 30 chiều.
Xe chạy thêm một đoạn chừng vài cây số thì đến một con suối nhỏ, hai bên cây mọc um tùm. Ông tài xế cho xe ngừng lai, máy vẫn nổ. Thằng lơ cầm cái thùng nhựa vừa đi xuống suối vừa nói oang oang:
“Đi tiểu, đi đái… đi bà con ơi”
Thì ra đây là chỗ thường ngày chiếc xe dừng lại đổ nước máy và cho bà con đi tiểu. Tôi cười thầm, đồ khỉ, cái máy cũng biết trêu người, không bò thêm một chút, báo hại con bé phải chịu một trận hổ thẹn đến đỏ mầy đỏ mặt.
Đây là lần đầu tiên tôi đến khu kinh tế mới Suối Quít, nên không biết còn bao lâu nữa thì đến nơi. Nếu đến đó vào ban đêm thì việc tìm nhà sẽ vô cùng khó khăn. Bất chợt tôi quay sang cô gái hỏi:
“Xin lỗi, ở Suối Quít cô có biết nhà ông Sáu Ngởi không vậy?”
Cô gái nhìn tôi với vẻ không được tự nhiên lắm:
“Dạ không. Cháu mới đến Suối Quít lần đầu”
Bây giờ tôi mới để ý đến cách ăn mặc của cô gái. Tuy không sang trọng lắm nhưng rất đúng “mốt” của những cô gái thị thành. Tôi biết mình bị hớ, nên vội khỏa lấp:
“Ồ! thì ra cô cũng như tôi. Nếu mình đến nơi mà trời tối thì thật là phiền”
Cô gái không nói gì, đưa tay vuốt lại mái tóc.

Càng vào sâu địa hình càng phức tạp. Những ngọn đồi nối tiếp nhau phơi mình dưới ánh nắng chiều mùa hạ, chấp chới, mông lung. Một vài căn chòi lá nằm trơ vơ trên ngọn đồi với những cuộn khói bốc lên từ những hàng cao su mới trồng, thẳng tắp. Bất chợt tôi thấy một đám mây đen xuất hiện ở hướng Tây nam. Đám mây mau chóng hình thành một trận mưa giông đầu mùa dữ tợn. Hành khách vội vàng thả tấm màn nylon chống mưa, nhưng nó không giúp được gì. Những đợt gió thay nhau thóc vào hông xe, tấm màn nylon giẫy lên phành phạch, ngọn mưa theo đó tạt vào. Hành khách la ơi ới. Thằng lơ lòn hai cánh tay xiết chặt vào chiếc thang gắn ở đuôi xe, gồng mình chịu đựng. Ông tài xế cho xe chạy chậm lại. Lúc này, mọi người trên xe dường như đã khuất phục trước sự cuồng nộ của thiên nhiên. Tất cả đều ngồi co rút, im lặng, trên mặt thoáng hiện một chút sợ hãi. Có người mấp máy đôi môi, hình như đang cầu xin một đấng thiêng liêng nào đó phù hộ. Cô gái nép sát vào người tôi. Với bàn tay rắn chắt của một người đàn ông chưa tới bốn mươi, tôi lấy hết sức ghì chặt tấm màn, vừa che cho cô gái vừa che cho mình. Tôi nghe lòng ấm lại trong cái mát lạnh của trận mưa giông đầu mùa.
Chiếc xe ngừng lại trên một khu đất trống. Trời đã nhá nhem tối. Cảnh vật trở nên mơ hồ lãng đãng sau trận mưa. Hành khách lần lượt xuống xe đi vào các ngả rẽ, mất hút. Trên bãi đậu xe, chỉ còn lại tôi, thằng lơ và cô gái. Tôi đứng nhìn quanh với một nỗi buồn rười rượi. Không ngờ ông Sáu Ngởi, một thương gia có chút tiếng tăm ở Biên Hòa, bây giờ phải giam mình trong cái hóc khỉ ho cò gáy này.
Tôi đang lưỡng lự không biết phải đi về hướng nào thì chợt nhớ đến cô gái. Thì ra cô ta vẫn đứng tần ngần ở trước đầu xe. Nhìn dáng vẻ của cô, tôi đoán được không phải cô đang chờ người thân đến đón. Tôi bước đến hỏi:
“Người nhà chưa đến đón cô à?”
Cô gái rươm rướm nước mắt:
“Cháu không báo trước cho chị Mai”
Tôi không hỏi gì thêm, từ từ rút điếu thuốc đặt lên môi, bật lửa, những lọn khói cuộn tròn, quấn quít như chưa muốn tan biến vào không gian.
“Vậy cô tính thế nào?”
“Cháu không biết”
Tôi đứng ngớ người vài giây rồi hỏi tiếp:
“Nếu vậy, cô có muốn đi với tôi cho có bạn không?”
Cô gái nói nhanh:
“Dạ muốn”
Bây giờ tôi mới để ý đến cử chỉ và lời nói của cô gái. Nhìn vào vóc dáng và khuôn mặt, tôi đoán chắc, tuổi của cô không thể dưới hăm lăm, nhưng không biết tại sao cô ta lại có cái vẻ ngây thơ khờ khạo như vậy.
Địa hình khu kinh tế mới Suối Quít vô cùng phức tạp. Những ngôi nhà không nằm gần nhau mà bị phân cách bởi những khu vườn rộng lớn, trồng đủ loại hoa màu. Tôi và cô gái bước theo thằng bé, luồn lách giữa những đám bắp cao khỏi đầu người. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tới được một căn nhà lá nằm cạnh một con suối nhỏ. Tôi cho tiền thằng bé dẫn đường rồi bước tới gõ nhẹ lên cánh cửa làm bằng những mảnh gỗ ghép lại. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy một ngọn đèn dầu treo trên bức vách, tỏa ra một thứ ánh sáng yếu ớt, bệnh hoạn. Một ông già lọm khọm bước đến mở cửa. Dù chỉ một chút ánh sáng lờ mờ từ ngọn đèn dầu chiếu ra, tôi vẫn nhận ra ông Sáu Ngởi. Người ông gầy hẳn đi, ốm yếu, hom hem như một cụ già tám mươi. Ông Sáu Ngởi nhìn tôi đăm đăm, dè dặt như nhìn một tên trộm. Tôi vội lên tiếng:
“Thưa bác, cháu là Dũng đây. Cháu mới về”
Ông Sáu Ngởi nhướng đôi mắt nhìn tôi từ đầu đến chân rồi vỗ nhẹ lên vai nói:
“Mô Phật, về được là tốt rồi. Thôi vào đi, đứng đây muỗi cắn”
Tôi và cô gái bước vào ngồi trên chiếc sạp bện bằng tre. Ông Sáu Ngởi rót trà ra hai cái tách, nói:
“Hai cháu dùng nước. Cháu Dũng lập gia đình rồi à?”
Thấy ông Sáu hiểu lầm, tôi vội lên tiếng:
“Thưa bác, cô gái này đi chung chuyến xe với cháu. Vì trời tối không tìm được nhà người thân, nên theo cháu đến đây xin tạm trú một đêm, xin bác thông cảm”
Ông Sáu Ngởi vui vẻ đáp:
“Ối, ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu”
Ông Sáu đang chăm chú vấn thuốc, bất chợt dừng tay nhìn tôi thở dài sườn sượt:
“Thật không may, cháu vào chơi mà con Quỳnh không có ở nhà. Nó theo chồng về dưới Vũng Tàu gần một tháng nay rồi”
Nghe ông Sáu nói, tôi thấy người choáng váng nhưng kịp lấy lại bình tĩnh:
“Quỳnh làm đám cưới lâu chưa bác?”
Ông Sáu vừa tiếp tục vấn thuốc vừa trả lời:
“Có làm đám cưới đám hỏi gì đâu cháu. Thằng chồng nó làm nghề buôn ngũ cốc, thường tới lui Suối Quít để thu mua bắp và các loại đậu. Hai đứa nó quen nhau. Bác thấy con Quỳnh đã lớn tuổi rồi nên cũng ừ cho nó yên bề gia thất. Cuộc sống đã đổi thay, mình đâu còn gì để mà lựa chọn nữa cháu!”
Nghe giọng nói rầu rầu, chua chát của ông Sáu, tôi đoán được Quỳnh chịu lấy người lái buôn nào đó chỉ vì muốn thoát khỏi cái vùng tăm tối này. Tôi cúi đầu yên lặng, chịu đựng nỗi đớn đau dày vò như có hàng ngàn mũi kim châm vào lòng ngực.
Đêm đó tôi và cô gái ngủ lại nhà ông Sáu Ngởi. Nhà chỉ có một cái gường duy nhất có mùng. Ông Sáu nhường cho cô gái. Tôi và ông ngủ ở cái sạp tre phía trước. Đêm đã khuya, tôi cứ thao thức trằn trọc mãi, không cách nào chợp mắt được. Lâu lâu lại nghe tiếng thở dài của ông Sáu. Tôi biết nỗi đau buồn của ông không kém gì tôi. Ông buồn vì cuộc sống, tôi buồn vì đã mất người yêu…

Thì ra nhà dì cô gái nằm cách bến xe chỉ vài trăm thước mà chúng tôi không biết. Mai, người chị họ của cô mừng rỡ, lăng xăng hỏi han tíu tít. Bây giờ tôi mới rõ tên cô gái là Phượng Vy. Có một điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là tính tình cô gái hoàn toàn khác hẳn với ngày hôm trước, nói cười luôn miệng, thỉnh thoảng lại pha trò thật dí dỏm, khiến mọi người cười vang.
Trò chuyện một hồi, Mai đưa tôi và Phượng Vy dạo quanh những khu vườn có nhiều loại cây ăn trái. Phượng Vy nhanh nhẹn như một con sóc, nghịch ngợm, phá phách. Nhìn cô ta tôi nghĩ thầm, chắc cô gái này chưa hề bị tình yêu khuấy động, nên cái vẻ ngây thơ, thuần khiết vẫn còn nguyên vẹn. Mai thì có vẻ trầm lặng hơn, nhưng vẫn còn giữ được cái dáng dấp của một cô gái thị thành. Mai đưa chúng tôi đến một con suối nhỏ chảy ngang một khu đất bằng phẳng đã được khai hoang để trồng hoa màu. Những luống rau đủ loại xanh mướt trải dài dọc theo hai bên bờ con suối như một thảm lụa xanh, phơi mình dưới ánh nắng mai dìu dịu. Chúng tôi đến ngồi trên một chiếc cầu nhỏ bắt qua con suối. Dòng nước chảy êm nhưng đục ngầu vì chứa nhiều phù sa. Cách đó chừng vài chục thước, một cô gái đang cặm cụi chăm sóc mấy luống cải mới trồng. Nhìn cái vẻ lam lũ của cô gái rồi nhìn lại Mai, tôi nghĩ thầm, dù ở bất cứ thời đại nào, dù ở bất cứ nơi đâu, sự bất công của xã hội vẫn luôn luôn tồn tại…

Chợ nhóm trên một khu đất trống. Các mặt hàng chính yếu bày bán tại đây hầu hết là những thứ sản xuất tại địa phương như rau cải, thịt heo, thịt rừng và một vài thứ linh tinh khác. Tôi đứng nhìn hai cô gái lăng xăng mua sắm những thứ cần dùng cho buổi cơm chiều. Người tôi mệt nhoài vì suốt ngày lẽo đẽo theo sau hai cô gái. Bữa cơm chiều tuy không thịnh soạn lắm nhưng rất ngon miệng vì tài nấu nướng khéo léo của Mai. Một tô canh mướp, một đĩa mì xào và một đĩa hột gà chiên. Có một điều làm tôi khá cảm động là trước mặt tôi, một chai bia đã khui nắp và một cái ly làm bằng thủy tinh.
“Cám ơn hai cô nhiều, hai cô chu đáo quá”
Mai nhanh nhẩu:
“Đâu có gì. À mà không có đá đâu nhé. Ở cái nơi thâm sơn cùng cốc này, kiếm một cục đá còn khó hơn kiếm một cục vàng”
Tôi cười xã giao:
“Không sao. Hai cô uống một chút cho vui”
Phượng Vy với một giọng trầm buồn khó hiểu đọc nho nhỏ một câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
“Người buồn rượu có vui đâu bao giờ”
Mai cười hồn nhiên:
“Nhỏ ơi! Nguyễn Du nói cảnh chứ nói rượu hồi nào”
“Người buồn thì cảnh rượu gì mà chẳng buồn”
“Chứ nhỏ không nghe người ta nói uống rượu giải sầu sao. Ủa, mà nhỏ buồn hay ai buồn vậy?”
Phượng Vy lườm Mai một cái rồi bỏ vào trong lấy chén đủa.
Tôi phải ở lại nhà Mai qua đêm vì đến ngày hôm sau, chiếc xe mắc dịch kia mới trở về Long Thành. Đêm đó ba người chúng tôi ngồi quay quanh một cái bàn nhỏ, trò chuyện. Mẹ Mai, sau một ngày buôn bán thấm mệt đã vào phòng ngủ trước.
Dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn dầu, khuôn mặt Phượng Vy càng hiện rõ cái nét diễm kiều, khả ái. Tôi ngồi yên nghe hai cô trò chuyện. Bất chợt, tôi cảm thấy sự hiện diện của mình lúc này là một trở ngại cho hai người lâu ngày gặp nhau tâm sự, nên cáo lỗi bước ra ngoài. Bầu trời đen nghịt. Tiếng con trùng râm ran như một bản nhạc hòa tấu ngân nga bất tận…
Một ngày hai đêm ở Suối Quít trôi qua như một giấc mộng. Nỗi đau buồn, hụt hẫng của chuyến đi tìm Quỳnh vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Từ giã gia đình Mai, tôi lặng lẽ bước theo hai cô gái tiến về bãi đậu xe. Vẫn chiếc xe than cũ kỹ mang chúng tôi trở về Long Thành. Phương Vy ngồi yên như pho tượng, trên mặt loáng thoáng một nét buồn xa xăm, khó hiểu… Tôi cũng ngồi yên nhìn ra bên ngoài. Bầu trời trong xanh, một cặp chim rừng đang xoải cánh bên nhau, bay về hướng mặt trời…

Nguyễn Đức Nhơn