Túy Hà

A-Túy Hà

Thao Tác Thường Tình TV22

mỗi ngày đào lổ trồng cây
ngỡ như đào huyệt chôn ngày tháng tôi
mỗi ngày tiễn thời gian trôi
làm sao vun gốc hoa đời quắt queo
mỗi ngày nghe gió ngàn reo
khác gì ma hú lưng đèo vọng âm

chỉ thế thôi rất ân cần
sáng trưa chiều tối lặng câm riêng mình
đôi bờ ngăn cách tử sinh
khác gì tơ sợi lưới tình mong manh
cảnh đời biến đổi rất nhanh
khác gì mây trắng trời xanh ghẹo người

dù sao cũng cảm ơn đời
mưa khuya nắng sớm tứ thời giao hoan
sinh sinh diệt diệt tuần hoàn
nhân gian tiền kiếp tro tàn bụi bay
phải chăng hai chữ đêm ngày
chính là biên giới tỉnh say giữa đời

mỗi ngày đào lỗ giỡn chơi
chôn mây vân cẩu cầm hơi thở tàn.

Xuân Vẫn Xanh Xao

Có phải xuân về trên môi đỏ
như nụ đào non nở cuối đông
thảng thốt vờn bay tờ lịch rụng
chạm vào nỗi nhớ đôi bờ trông
mây Tần cố quận đâu còn thấy
giữa không gian mù trời mênh mông
mùa Xuân vừa nhắc người thêm tuổi
đôi mắt cười ai giữa trống không
quê nhà chắc Mẹ còn tựa cửa
chờ bóng con xa mong kịp về
Khổ Qua dồn thịt chừng đã rục
nồi bánh Chưng tàn lửa đêm qua
câu đối có rồi chưa kịp dán
Dưa Hành Pháo đỏ vẫn còn nguyên
con ơi! Tết nữa là mấy Tết
lần chuổi đêm ngày đã mỏi tay
Nhang tàn khói lụn bàn thờ lạnh
quay quắt mình ên một bóng hình

sóng nước Cái Vồn còn nặng hạt
phù sa sông Cửu mấy nhánh chia
An Thành bến cũ chiều vắng khách
cô lái chờ ai mắt lạc thần
ba mươi phiên chợ chiều đã vãn
ai nhặt dùm tôi cánh hoa tàn
ở đây trời vẫn mênh mông lạnh
hai bờ thương nhớ giữa quạnh hiu
một mình đối bóng mình đơn lẻ
gió xuân quấn quít cội Mai già
lại nhớ làng quê xa vời vợi
ngõ Trúc bờ kênh có đợi chờ
trẻ nhỏ ngày mai khoe áo mới
Mẹ già chải tóc điểm sương rơi
thương con lưu lạc đời biệt xứ
in bóng Long Hồ nhật nguyệt trôi
mùa Xuân thêm tuổi là thêm tủi
mất nước lưu vong vẫn nhớ nhà
chỉ sợ tháng ngày thâu ngắn lại
Xuân về mẹ vẫn thiếu tro than
có người đã bảo xin được đổi
cả một thiên thu tiếng Mẹ cười*
còn tôi xin được trừ tuổi thọ
trong vòng tay Mẹ xót xa chia
ngọn gió bắc phong như muối xát
rát thịt cắt da nỗi nhớ nhà

Mẹ ơi! con sẽ về bên Mẹ
chỉ sợ thời gian không ngừng trôi
Em gái Nha Mân xin đừng đợi
tôi khách sang sông đã lỡ đò.
thôi đành xin hẹn ngàn sau nữa
tôi là phù sa em nhánh sông.
mượn nén nhang xa đưa một lạy
xin Xuân cho Mẹ vạn phước toàn
cho em môi vẫn hồng trong nắng
xua gió đông xa khỏi phận người
mùa Xuân, Em, Mẹ đều thêm tuổi
còn tôi thêm nặng gánh oan khiên
bao Xuân xa Mẹ và xa xứ
xa cả Em tôi bạc má hồng.
hực lửa trong tim bầm máu đỏ
nhớ Em thương Mẹ một đời trông.

Xuân đến làm gì xuân biệt xứ
Đau như dao cắt nát Xuân hồng.

Sắc Không

Anh đã đi qua những bờ đá dựng
in bóng mình trên vách buồn hiu
anh đã đứng trên nhiều bờ vực thẳm
nghe tiếng mình vọng lại tự thâm sâu
vực vô biên
đời người hữu hạn
thất vọng rồi lại hy vọng vươn lên
tất cả nhờ tình người trao gởi
là tư trang cho nghị lực mình

Người còn thở,
trời còn nhật nguyệt
ánh dương soi lại nhớ nguyệt đề
nguyệt đề sương mãn mơ cổ tự
người đầu sương điểm vẫn nhớ nhau
ý câu thơ cũ còn như mới
anh trải lòng ra phủi giọt sầu
em là sương phụ
trăng tròn khuyết
nhan sắc mãn khai tâm trắng ngần
bước đi một bước thêm ngớ ngẩn
anh nhớ em nhiều
em biết không
hữu tình tâm vọng là vương vấn
một sát na thôi đảo ngược đời

Mênh mông
trời đất mênh mông lắm
anh thiếu em rồi đời nghiêng xiêu
mỗi mai thức dậy nghe chim hót
ngỡ tiếng em cười giữa tịch liêu

nỗi nhớ mây mưa trong tiềm thức
dai dẵng hằng đêm ướt chỗ nằm
ngoài kia
cô tịch thềm rêu lạnh
hữu hạn vô biên có khác gì

ngày vẫn mây bay ngang đầu núi
nguyệt khuyết đêm về nghe quanh hiu
những bờ đá dựng còn in dấu
một kiếp phù sinh – nắng gọi chiều

thôi thì xin gởi tình anh lỡ
vào chốn vô ưu khác cõi người
em về đối bóng và tự vấn
sẽ thấy anh cười trong hắt hiu.

Chạm Cửa Mùa Thu

chớm thu dạ lý ra hoa
hương đưa quấn quýt thoảng qua hiên nhà
chạm vào nỗi nhớ vườn xa
mùi quen một thuở quanh ta sớm chiều

hoa thơm ủ hương người yêu
dỗi hờn giọt nắng thềm rêu hững hờ
biết là người chẳng đợi chờ
tình theo xác lá chạm hờ bến mơ

cho tím thu rụng vào thơ
rải trên cỏ lạnh mơ hồ vây quanh
cây nghiêng, mây tụ nặng cành
gió đùa tóc rối sắc xanh nhạt nhòa

cuối thu hơi lạnh dồn qua
chỉ là len lén như là gió đông
ừ thì chắc từ xa sông
quên đò bỏ bến trống không những chiều

những chiều thu biệt dấu yêu
ta đi người ở nói điều gì đây
bờ xa sông cạn gió lay
buồn lên hàng liễu đêm ngày nhớ mong

dường như có sóng trong lòng
còn đâu dạ lý vườn không quê nhà
hương hoa cũ mùi thịt da
gom thành nỗi nhớ kinh kha ngậm hờn

ngọn dao trích huyết không sờn
cắt ngang điểm dọc cuộc chơi đã tàn.
cám ơn hoa quyện khói nhang
tiễn ta qua ải gian nan đời này.

Túy Hà

Tường Linh

Tuong Linh

Thông Điệp

Trên cuộc đi dài khổ hạnh thi ca
chàng lật sổ biên niên ngồi kiểm lại
nghe rõ nhịp của trái tim thời đại
quên soi gương tóc trắng tự bao giờ
còn trong chàng đứa trẻ “nhân chi sơ”
có thô thiển nhưng vô cùng chân chất
yêu cuộc đời bằng tình yêu duy nhất
không biết van xin cực lạc, thiên đường

Mất vốn hoa niên, đắng vị hồ trường
làm chú tiểu cuả chùa Thơ, hành đạo
góp công quả soạn bài kinh Thi giáo
nhận hình hài đa khổ kiếp nhân sinh
và cũng không che dấu thói đa tình
tình hạn hẹp sao đủ yêu vạn vật ?
đâu chỉ mỗi mặt trời nuôi trái đất
còn có chữ Tâm kỳ vĩ sáng ngời

Thông điệp tình phát mãi vẫn không vơi
chưa đắc đạo đã thấy mình thoát khổ
với cả loài người chung niềm hạnh ngộ
bài thơ xanh choàng trái đất thêm xanh
chàng lại đi cùng nhân loại đồng hành
nghìn năm trước, nghìn năm sau vẫn thế
hồn bút tịnh giữa mọi tầm dâu bể
viền chân trời tóc trắng rối theo mây

Đi Giữa Đôi Bờ

Tôi về, thuyền ngược nước sông Thu
Thăm thẳm nguồn xa, núi mịt mù
Mưa vẫn còn mưa, chiều vẫn lạnh
Đôi bờ hiu hắt, bãi hoang vu

Đứng lặng trong mưa Vĩnh Điện buồn
Chân cầu trắng xóa nước sông tuôn
Thuyền lên mắt nuối bờ sông khuất
Cổ tháp Bằng An lạnh lẽo hồn

Qua nhánh sông này, mưa, vẫn mưa
Có gì khơi lại nỗi niềm xưa
Tình ơi, Giao Thủy hai nguồn nước
Gặp gỡ nhau sao chẳng đợi chờ?

Bến mộng Gia Hòa xanh ngát dâu
Áo tơ vàng cũ biết tìm đâu
Con đường dương liễu reo ngày trước
Dương liễu chiều nay vọng nhạc sầu

Núi điệp trùng vây, quê ta ơi!
Về đây người lại nhớ nhung người
Chợ chiều Trung Phước mờ sương khói
Dâu biển bao nhiêu lắm đổi dời!

Mai sớm tôi đi, thuyền xuôi dòng
Đôi bờ, xin gửi chút thương mong
Quê hương chớ gọi tôi là khách
Bài độc hành ca viết chửa xong.

Tình Khúc Nguyên Xuân

Thưa rằng xuân vẫn nhớ nhau
Giữ nguyên nghĩa trước tình sau đậm đà

Những mười năm bạn cùng ta;
Những mười năm dẫu em là cố nhân

Chưa đi hết quãng đường trần
Tiếng “yêu” vang vọng căn phần từ tim

Trời xưa mỏi mắt trông tìm
Cánh chim nào lạc đàn chim chưa về

Thưa rằng xuân nhắc thơ đề
Lẽ nào đứng lặng bên lề nhân gian

Hội vui góp mấy cung đàn
Đường vui chung bước dưới làn phấn mưa

Lòng vui sau phút giao thừa
Điểm danh hướng nhớ đêm vừa trắng canh.

Mây Sớm Hải Vân

Không rỏ nét một nơi nào đã nhớ
Và cũng không tròn bóng dáng để quên
Khi có một chốn biển trời rộng mở
Say sưa nhìn mây sớm mãi dâng lên

Cửa ải xưa là nơi nào đấy nhỉ
Phải chăng triền gió thốc, suối phun tia?
Thuở trạm ngựa vó băm đường thiên lý
Hẳn ngại ngùng bên mé vực sâu kia

Mây lãng đãng qua rừng buông cánh thấp
Choàng áo màu tuyết nhẹ xuống hàng cây
Biển Đông thả gió vào chưa đủ cấp
Giữ bình yên cho lũng tiếp đong mây

Buồm xa tít, sóng viền ghềnh lượn trắng
Biển dày công tạc dũa những ngàn năm
Những nghìn năm với sớm mai phớt nắng
Với đêm dài thao thức hải triều âm..

Chưa nghe hết lời đại ngàn kể lể
Mùa chiến chinh đá dội tiếng quân reo
Biệt Hải Vân, đi tiếp về với Huế
Mây vươn tầm như gởi luyến lưu theo.

Tường Linh

Trúc Thanh Tâm

Truc Thanh Tâm

Vườn Chiêm Bao

Rồi em về mơ ước lạ
Anh đếm tình lên tuổi xanh
Miên man chiều đi bóng xế
Lang thang con nắng trên cành !

Cho đêm trở về đưa đón
Thành phố bật mắt hoa đèn
Hẹn hò công viên nghiêng bóng
Thời gian chìm ngủ như quên !

Tóc bay theo chiều gió lộng
Nắng đêm đọng giọt sương mềm
Mây bay qua hôn đầu phố
Trăng vàng rót ngọt môi em !

Anh về nhìn em ao ước
Mắt sáng tuổi đời yêu nhau
Một vòng tay chia hơi ấm
Lá ngủ trong vườn chiêm bao !

Dìu em đi từng bước chậm
Ngại ngùng đêm bỏ đi đâu
Anh xin nhánh vì sao sáng
Mắt em hẹn ước ban đầu !

Chờ mưa qua vườn tình ái
Đợi mùa xuân đến trổ bông
Em ơi. tình khơi biển rộng
Cho nhau trái cấm môi hồng !

Anh Và Em

Anh dòng sông êm ả
Em con thuyền về xuôi
Thời gian chờ ở bến
Anh và em ngỏ lời !

Tóc dài làn sóng lượn
Mắt ướt với ngàn xưa
Ướp tình anh hương gió
Em nói gì trong mưa !

Anh treo hoài nỗi nhớ
Khi thành phố lên đèn
Hoa nhà ai hương thoảng
Tương tư anh và em !

Bờ mi em khép lại
Là lúc anh mở lòng
Là lúc ta đắm đuối
Không gian và hư không !

Lại hương mùa hoa nở
Sương đọng lá đời xanh
Nhịp tim hòa nhịp thở
Mắt em cười mắt anh !

Đất trời như gần lại
Anh và em cũng gần
Ngoài kia đời rất trẻ
Anh cho em mùa xuân !

Ngọt Ngào Tình Quê

* Riêng tặng
Nhà thơ Kiên Giang,
Nhà văn Sơn Nam

Áo bà ba nét duyên thôn nữ
Muồi câu vọng cổ, lắc lẻo cầu tre
Nồi cơm sôi, nóc nhà lên sợi khói
Bìm bịp kêu con nước lớn về !

Vú sữa Cần Thơ, thơm nguồn sữa mẹ
Gừng cay, muối mặn nghĩa Bạc Liêu
Bình Thuỷ, Phong Điền mùa cam quýt
Vĩnh Châu, ngọt lịm nhãn hạt tiêu !

Khóm Bến Lức, mắt chờ mắt đợi
Má hồng đào, trái mận Trung Lương
Tiêu Hà Tiên, tình chàng ý thiếp
Mắm Châu Đốc, hương vị khó quên !

Than đước Cà Mau, ấm đời bếp lửa
Dừa Bến Tre, tươi mát phù sa
Nem Lai Vung, thuốc rê Cao Lãnh
Lụa Tân Châu, muôn thuở mượt mà !

Cua gạch son, luyến lưu Đất Mũi
Gạo Sóc Trăng, nước bạc Cái Côn
Ghé ăn hải sản, miền Rạch Giá
Thăm làng bè cá, miệt Long Xuyên !

Món đồng rùa, rắn… về Ngã Bảy
Mềm môi, từng múi bưởi Ô Môn
Canh chua, nước mắm hòn Phú Quốc
Nhâm nhi cùng rượu đế Trà Ôn !

Hãy biết ơn những gì ta đang có
Đất nuôi người, người giữ đất bao dung
Tiếng ru, nhịp võng đưa kẽo kẹt
Mỗi nhịp tim rung, nhớ cội nguồn !

Cám Ơn Buổi Chiều

Chiều nay em đi xuống phố
Mặt trời ngủ gật trên cây
Gió như tỏ tình với lá
Đong đưa cánh phượng nói gì !

Vô tư em đùa trong nắng
Lặng thầm ta giữa đám đông
Em như có gì bẽn lẽn
Gieo ta một chút chạnh lòng !

Cám ơn đời và nỗi nhớ
Em đi dáng nhỏ thật hiền
Ta xin làm người đứng đợi
Áo dài, nón lá che nghiêng !

Vẫn có tình đầu tha thiết
Nhìn qua một nụ cười duyên
Gió đang tỏ tình với lá
Ta đang nói gì với em !

Cám ơn buổi chiều ấm áp
Em như chim nhỏ bay về
Lòng ta từ lâu im vắng
Bây giờ bỗng có tiếng ve !

Con Gái Trảng Bàng

Bỗng dưng cơn mưa ập đến
Ta tấp vào trú mái hiên
Mời anh, vào nhà uống nước
Cám ơn em, sợ làm phiền !

Anh cứ tự nhiên, đừng ngại
Mẹ em dễ lắm, anh ơi
Ta nghe lòng mình phơi phới
Mưa như thơm cả đất trời !

Em đưa bàn tay vuốt tóc
Ta nhìn em gặp mắt buồn
Con gái Trảng Bàng, có khác
Áo bà ba quá dễ thương !

Mưa tạnh, anh xin tạm biệt
Có dịp, anh ghé nhà chơi
Nụ cười em còn đọng lại
Theo ta trên bước đường đời !

Năm sau, ta về chốn cũ
Không em, đời bỗng xa hơn
Ta nghe hồn mình mất ngủ
Cơn mưa ngày đó, đâu còn !
Hoàng Cúc

Tôi về trú dưới hiên mưa
Nhà bên hoàng cúc cũng vừa trổ bông
Sao em lại mặc áo hồng
Sao không áo của ngày hong tóc chiều

Tôi về buổi đó buồn hiu
Nhà em cửa đóng, gió reo cổng ngoài
Mình tôi và lá thu rơi
Ơi, màu mắt đợi tím trời nhớ nhung

Tôi về nghe giọt mưa lòng
Bên nầy sông, bên kia sông mịt mờ
Bây giờ cũng dưới hiên mưa
Đâu còn màu áo ngày xưa, tôi chờ

Tôi về làm kẻ trễ đò
Nhà bên Hoàng Cúc cũng vừa sang sông
Ngoài trời mưa, mưa trong lòng
Mùa thu đẫm ướt một dòng thơ đau !

Đường Phượng Bay

Anh bên thềm kỷ niệm thoáng mưa bay
Thơ mộng quá những ngày ôm sách vở
Trường lớp cũ còn một thời để nhớ
Những thân thương giờ cũng đã xa rồi !

Khoảng sân chung đàn bướm trắng rong chơi
Trăng nguyên thủy của một thời ngây ngất
Trang lưu bút như những cơn gió mát
Thổi theo anh vào ngày tháng giang hồ !

Anh yêu đời và vẫn cứ làm thơ
Như thuở chớm yêu tình len lén gọi
Ai cũng có thời si mê, vụng dại
Tuổi học trò nhen nhúm tập tành yêu !

Nắng lung linh, em thả tóc trong chiều
Anh ngóng đợi để đêm về thao thức
Viết pilot, nhớ thương màu mực tím
Mùa hạ về rộn rã tiếng ve ngân !

Đường phượng bay theo thời khắc bâng khuâng
Và một lúc anh thấy hồn bỏ ngỏ
Và một lúc anh thấy mình mắc nợ
Đến và đi cứ hụt hẫng trong tim !

Sợ xa người và sợ cả bóng đêm
Mong hoa nắng rỏ xuống đường hò hẹn
Nghe một chút hương thầm lưu luyến
Biết hờn ghen khi cảm nhận yêu người !

Về Lại Trúc Giang

Dừa vẫn xanh bốn dòng sông êm ả
Ba dãy cù lao màu mỡ quê mình
Chiều tháng sáu ta qua cầu Rạch Miễu
Chiến hữu mất còn qua cuộc đao binh !

Mái trường cũ em xa từ dạo đó
Ta nhìn quen màu phượng đỏ cuối ngày
Con ve lạc mùa hè ran tiếng khóc
Thuở học trò trôi biệt khỏi tầm tay !

Cầu Cái Cối có biết bao kỷ niệm
Chợ Tân Huề Đông nhộn nhịp bình minh
Đêm Tân Thạch mưa hoài cho tới sáng
Cù lao Minh bỏ lại góc ân tình !

Hồ Trúc Giang màu trăng huyền ảo quá
Người xa người sao biết được thủy chung
Con đường thẳng ta đi hoài chưa hết
Đừng nói chi những ngã rẽ vô chừng !

Bè bạn lâu ngày gặp nhau rối rít
Cây nhà lá vườn rượu đế lai rai
Hãy vui vẻ để quên bao phiền muộn
Bàn tới làm gì chuyện ở kiếp mai !

Vạn vật sinh ra luôn cần sự sống
Chuyện đổi dời như sáng nắng chiều mưa
Tình tri kỹ là món quà vô giá
Dù chung quanh ta còn lắm trò đùa !

Khi trái đất chưa có ngày tân thế
Nên con người chưa hết những ước mơ
Ai khanh tướng công hầu ta dân dã
Khôn ba năm dại chỉ đến một giờ !

Quê Ta Mênh Mông

1.
Vẫn những ngày tháng xa xưa. Cái không khí thật ẩm, Cần Thơ vẫn còn những cơn mưa đưa tới buổi chiều thật buồn. Nỗi buồn bây giờ có lẽ thật vô cớ, nỗi cô đơn để rồi cũng đến thế thôi. Đêm cũng vẫn là đêm của bến Ninh Kiều có dòng sông Hậu trôi ngang bồng bềnh, có những mái chèo khua nước trên sông từ những ghe trái cây từ miệt vườn đưa ra chợ sớm.
Một thằng bạn đi xa, người yêu nó nhớ. Bây giờ ta ngồi đây, ly cà phê đen thật đắng. Ta lắng tiếng thời gian qua màn khói thuốc tan không. Em hãy nói, để rồi ta cũng nói. Nói gì đây em, cho những cuộc tình hẹn ước bao năm, ôi thiết tha và nhiều hờn dỗi…
Ánh mắt thật đam mê, con gái thật dễ thương, ngày tháng trong ta bây giờ xa xôi quá. Một hữu lý để rồi ta chua xót cho ta, để rồi chua xót cho em. Ta không dám nghĩ là chua xót cho tất cả, vì chỉ có ta và em mới hiểu được nỗi khổ nầy.
Em hãy nói và nói như ta, nói như ngày nao tình trao ước hẹn. Đừng bao giờ để một ý tưởng buông trôi. Em hãy nhớ và nhớ thật nhiều, chỉ đôi ta và riêng đôi ta nên nhớ. Em đừng khóc cho chua xót lòng ta, hãy an ủi nhau trong ngày dài dâu bể. Em nói đi, em nói đi ngày tháng của đôi mình …

2.
Nhận diện đi em, nhận diện đi em, nhận diện cho rõ những biến đổi trên quê hương chúng mình. Thời gian cứ chồng chất, đời ta vẫn bộn bề… Ba trăm sáu mươi lăm ngày trôi qua nhận thêm một tuổi, để rồi kế tiếp những lo toan, những bôn ba vây quanh cuộc sống.
Sài Gòn vẫn khói mù, thành phố vẫn còn những xa hoa và diêm dúa, thành phố vẫn còn đầy trời khói bụi, mưa dầm.
Ta vẫn chưa quên tiếng lộc cộc của xe ngựa, mồ hôi nhuễ nhại của những bác xích lô, tiếng rao hàng rong mời mọc cùng tiếng mì gõ vang xa ở những khu phố nghèo về đêm. Thật bình yên, thật đơn sơ nhưng chan chứa tình người.
Em còn đi học, áo trắng còn đẹp sân trường. Ta nhớ mãi trong đời những ngày dài ta đi mua chữ nghĩa. Ta mua được gì? Ta vẫn còn văng vẳng bên tai lời thầy ta ngày nào. Nhưng cuộc sống đã đưa ta đi xa thực tế…

3.
Người tình ơi, hãy nói đi em, hãy nói đi em ngày mai đời mình chung bóng, về quê xưa che rợp bóng dừa. Dòng sông yêu thương vẫn triền miên con nước, có hoa lục bình tim tím thật đơn sơ. Áo bà ba, chiếc cầu tre đẹp mãi tình quê. Em vẫn chưa chồng, ta trai chưa vợ, hương bưởi bay theo vạt nắng hẹn câu thề.
Nghe mùi rạ cháy, nhìn cánh cò trắng chao nghiêng, thảm lúa xanh xa tít chân trời, mùa nước nổi màu mỡ phù sa, gió thanh bình còn vang lời ru của mẹ… Tình yêu người, ta giữ mãi trong ta. Thương lắm làng, thôn nơi chôn nhau cắt rún. Ta yêu người, ta yêu em và những chiếc áo dài bay bay trong gió. Ôi, hồn quê thân thiết cả đời ta. Đêm trăng tháng giêng êm ả, câu vọng cổ muồi tai còn đậm sâu thương nhớ trong tình người, sông núi đất phương Nam.
Nhớ về Thăng Long thương người xưa mở cõi, cho đời đời hùng tráng chiến sử ca. Hãy nối vòng tay cho niềm đau bay khỏi, người yêu người như chưa lần gian dối. Mấy ngàn năm văn hiến, biết bao mồ hôi, xương máu, sự hy sinh cho dãy đất hình cong chữ S từ Nam Quan tới mũi Cà Mau hòa nhịp cùng vùng đảo quê hương thành một bức tranh sinh động. Rừng núi bạt ngàn, đồng bằng phì nhiêu hương lúa, biển đông muôn trùng sóng vỗ đang cất cao tiếng hát vẫn luôn tự hào cho một thế đứng Việt Nam.

Về Nguồn

Tổ tiên xa xưa mở cõi
Hòa bình, độc lập hôm nay
Máu, xương trộn pha vào đất
Nuôi cây xanh lớn từng ngày

Còn người, ruộng đồng, rừng, biển
Là còn tất cả quê hương
Qua mấy ngàn năm văn hiến
Dân mình chịu lắm nhiễu nhương

Tự do thêm hồng ngọn lửa
Sáng ngời những cuộc đấu tranh
Công bằng chưa vào thực tế
Làm sao có được đất lành

Hãy giữ sáng trong tiếng Việt
Những gì tổ quốc ghi công
Thế hệ bây giờ phải nhớ
Đừng quên nòi giống Tiên Rồng

Trái đất ngày thêm nhiễm độc
Làm người phải có niềm tin
Xã hội, dối gian lắm kiểu
Đâu ai lừa được chính mình

Lý tưởng nở hoa trí thức
Đời còn nghịch lý cuộc chơi
Lương tâm như đang đánh thức
Yêu thương trong mỗi con người

Đi qua sông dài mới biết
Chỗ nào bồi lở cạn sâu
Đi qua tình người mới biết
Nghĩa nhân rút ván qua cầu.

Phú:
Trong Cuộc Sống Nầy

Vốn,
Lời thật mất lòng
Trung ngôn nghịch nhĩ
Mắt quen thấy toàn kẻ a dua
Tai thường nghe những lời hoa mỹ .

Bởi vậy cho nên,
Mới vừa khen lỗ mũi nở phồng
Khi vỡ lẽ mặt mày bí xị
Tối ngày ôm đống thành tích ba hoa
Năm tháng học mớ giáo điều duy lý
Tưởng vươn vai lột xác thành rồng
Nay rụt cổ lộ hình thành quỷ
Đêm chiêm bao thấy bạch mã cao phi
Ngày tỉnh mộng nhìn kim quy trì trệ
Dân đen vẫn còn khổ cực lầm than
Quan lại thường lúc say sưa bí tỉ
Kêu gọi hy sinh đầy ngõ truyền đơn
Hét hò yêu nước trên bàn hội nghị
Lòng chẳng chút vị tha
Bụng chỉ toàn ích kỷ .

Mặc cho,
Dân bữa no bữa đói, phận nghèo nay ốm mai đau –
lãi “đít đui” cầm cửa bán nhà
Quan tiệc nhỏ tiệc to, chức trọng tiền hô hậu ủng –
của đút lót mua quyền mua ghế
Dân khóc não lòng
Ông cười khoái chí
Lúc bình yên lớn tiếng khoe danh
Khi hữu sự lại lo mất bị
Núp váy quần bản mặt tham quan
Chui xó xĩnh tấm thân ” quyền quý “.

Vì thế,
Quốc gia nghèo cứ hoàn nghèo
Quốc tế thị khinh vẫn thị .

Tại sao ư,
Kiểu làm ăn giật gấu vá vai
Hàng buôn bán đầu voi đuôi tí
Lừa được ai cứ lừa, đâu từ chiêu tráo đấu tráo cân
Nịnh được ai cứ nịnh, chẳng ngượng kiểu nâng bi nâng ” dế “.

Nay,
Muốn được tự cường
Chớ nên tự kỷ
Dân chúng là giậu phên đất nước,
muốn nhiệt tâm phải biết ủi an
Hiền tài là nguyên khí quốc gia,
coi chất xám ấy điều trọng quý
Trị dân phải có nhân tâm
Giữ nước cũng cần nghĩa khí .

Đừng để,
Ngọn lửa tàn làm sượng nồi cơm
Con sâu đục làm hư đốt mía !

Việt Nam Mến Yêu

Muôn đời đẹp mãi Thăng Long
Tháp Rùa trầm mặc sông Hồng êm trôi
Nam Quan biên ải đâu rồi
Lên trời ngọn khói hồn chơi vơi hồn .

Vọng từ Thiên Mụ tiếng chuông
Tràng Tiền nhớ áo tím buồn phượng bay
Sông Hương ai đợi chờ ai
Trăng yêu thả mộng xuống bài thơ yêu .

Còn nhau ánh mắt trông theo
Nhớ xưa nhạc ngựa lá reo bên đường
Xa người để nhớ để thương
Sài gòn muôn thuở tình vương vấn tình .

Trả Em Rừng Núi Ta Về

Một mảnh trăng non treo lơ lửng
Rừng núi quanh ta bỗng chợt già
Thoang thoảng hương đưa từ góc khuất
Ta ngồi đếm lại chặng đường xa !

Rượu cạn bầu, bạn ta say ngủ
Sống, chết treo hờ phía vực sâu
Bể dâu dời đổi như thay áo
Đừng nói yêu nhau đến bạc đầu !

Cây muốn yên gió chưa ngừng thổi
Mọi thứ trên đời dễ bán mua
Chuyện xưa mưa nắng mà không cũ
Nghĩ chuyện nay còn lắm trò đùa !

Mai kia mốt nọ quên tiếng suối
Quên một người ánh mắt trông theo
Ta về quê cũ chiều mưa đổ
Nhớ bước chân ai vội xuống đèo !

Thôi cứ xem như chưa gặp gỡ
Và, một hôm trúng gió nỗi buồn
Giữ mãi màu lan trong mắt ướt
Xa rồi còn đọng chút mưa thơm !

Mùa Xưa
Còn Ta Đứng Lại

1. Dòng Thạch Hãn

Mịt mù khói chiến chiều mưa
Mắt em rớt hạt chảy thưa xuống lòng
Trôi cùng Thạch Hãn mênh mông
Đêm chia ly đó mặn nồng phố hoa
Cổ thành vững với phong ba
Áo em rợp trắng hồn ta, Nguyễn Hoàng !

2. Đêm Mỹ Tho

Nhà thờ rớt lại tiếng chuông
Tóc em che khuất nỗi buồn trong ta
Áo dài ôm trọn dáng hoa
Tình ru điệu nhớ mây xa phía trời
Tự dưng đời bỗng tuyệt vời
Mỹ Tho đêm ấy bồi hồi sáng nay !

3. Bến Thủ Thiêm

Nắng vàng hôn nhẹ hàng cây
Ta ngồi xe ngựa một ngày không em
Cuối cùng xuống bến Thủ Thiêm
Cà phê đá bụi, phố nghiêng bóng dài
Chiếc solex đậu chờ ai
Giọt thời gian rụng chim bay cuối chiều !

4. Phố Thủ Thừa

Ta về phố cũ đìu hiu
Em đâu, chỉ sóng lá reo trên cành
Thủ Thừa mây trắng trời xanh
Quên ta lạc giữa khúc quanh tình đời
Sau lưng bỗng có tiếng cười
Cám ơn trời đất, hai người còn nhau !

5. Mưa Củ Chi

Củ Chi bốn mươi năm sau
Tóc tơ ngày đó nghe đau điếng lòng
Mùa thi em bước theo chồng
Ân tình mắc cạn giữa dòng nhân duyên
Ngoài kia phố đã lên đèn
Nhớ em ta lại nghe thèm mưa xa !

6. Qua Long Hồ

Sông Tiền nước đỏ phù sa
Long Hồ đò nhỏ ta qua miệt vườn
Em cười nheo mắt dễ thương
Bên nhau quên mất hoàng hôn lâu rồi
Trường xưa, Tống Phước Hiệp ơi
Trong ta đọng mãi một trời tiếng ve !

7. Chuyện Ngày Xưa

Gió lùa cong mấy ngọn tre
Rủ nhau trốn kiếm, ra hè chơi u
Em thua khóc mắt sưng vù
Ta thương biết mấy tóc xù bảy ba
Bây giờ hai đứa chia xa
Con sông phía lở tình ta chẳng bồi !

Ngày Tháng Lạ Trên Tay

Chiều không em uống cà phê thấy đắng
Trời nghiêng mây óng ả sợi nắng vàng
Tim còn đập là biết mình còn sống
Một chữ ngờ luôn có ở thế gian

Ta còn lại chút tình em bám víu
Thương thân ta trong cuộc sống quá thừa
Thời hoạn nạn cùng uống chung ly rượu
Rồi bây giờ quên lãng những ngày xưa
Em xõa tóc cho đời còn nhan sắc
Áo dài đen duyên dáng của hôm nào
Mắt khẽ chớp đưa mộng về với mộng
Cho vườn tình thắp sáng những hồn sao

Ta xa em khi mùa thu chưa tắt
Đếm trên tay ngày tháng lạ vô cùng
Đau khổ nhiều nên không còn nước mắt
Khi vô tình đã khóc chuyện người dưng

Em có thấy quanh ta nhiều phiền phức
Trái đất ngày càng đánh mất màu xanh
Bởi ta trót sinh lầm vào thế kỷ
Người giết người trong thực tế hôi tanh !

Yêu Người
Yêu Cả Buồn Vui
* Tặng những mối tình trái ngang

Xin chị đừng để nhớ triền miên
Cho tháng ngày dài, dài thêm mòn mỏi
Lời yêu chị, tôi chưa hề gian dối
Trong lòng tôi, chỉ có chị là riêng

Cứ mỗi lần chị gọi bằng em
Sao tôi thấy buồn hơn trong mắt chị
Tóc chị xõa, kéo hồn tôi huyền bí
Đêm sẽ dài trong khói thuốc miên man

Chị ngập ngừng khi gọi bằng tên
Chính là lúc chị yêu tôi nhiều lắm
Chị cố nén tình mình trong câm lặng
Là vô tình, giết chết cả đời nhau

Thời gian nào dỗ ngọt nụ hôn trao
Tình đầu đời, trái tim bối rối
Tôi yêu chị nào đâu có tội
Chị dối lòng, lệ tuyệt vọng tràn môi

Yêu một người là yêu cả buồn vui
Biết được, mất khi tình trên lối rẽ
Mai mốt đây, chắc sẽ nhiều buồn tẻ
Chôn kỷ niệm sầu, xin gọi cố nhân

Giây phút bên nhau đời mãi vô cùng
Tôi hạnh phúc băng mình vào cuộc chiến
Những cánh thư, còn một câu trìu mến
Chiến tranh vô tình, phải sống nghe anh !

Tóc Em
Thơm Nắng Sài Gòn

Chiều của dạo nào xa lắm
Bên góc Vương cung thánh đường
Người ta bên nhau cầu nguyện
Chúng mình xưng tội lỡ thương

Em mở lòng trang lưu bút
Thư tình mực tím mồng tơi
Hương của một thời con gái
Tràn về ngập cả hồn tôi

Em kề vai tôi thỏ thẻ
Trên cành chim hót xa xa
Phượng hồng trên môi em đỏ
Một thời áo trắng Văn khoa

Chiều nay áo bay dưới phố
Khung trời xanh lá me non
Mùa xưa còn tôi đứng lại
Tóc em thơm nắng Sài Gòn .

Rượu Tình
Ta Uống Cùng Em

Vườn tình đâu cũng quen hơi
Đèn khêu ngọn nhớ một thời chưa quên
Tóc thề xưa tuổi thần tiên
Trên hàng mi khép đêm huyền diệu mây

Bên vùng mắt biếc ta say
Nét tình lồng lộng áo bay phía trời
Xa cành từng chiếc lá rơi
Bướm xa bến đợi theo đời lãng du

Tình nhau mấy ngã tương tư
Yêu nhau từ độ lối thu nhuốm buồn
Vẫn còn em với con đường
Vẫn còn sông để nhớ thương nhịp cầu

Vớt giùm ta nhánh bể dâu
Cho ngàn xưa với ngàn sau nối liền
Rượu tình ta uống cùng em
Để nghe trời đất đảo điên lâu rồi !

Về Lại Trúc Giang

Dừa vẫn xanh bốn dòng sông êm ả
Ba dãy cù lao màu mỡ quê mình
Chiều tháng sáu ta qua cầu Rạch Miễu
Chiến hữu mất còn qua cuộc đao binh !

Mái trường cũ em xa từ dạo đó
Ta nhìn quen màu phượng đỏ cuối ngày
Con ve lạc mùa hè ran tiếng khóc
Thuở học trò trôi biệt khỏi tầm tay !

Cầu Cái Cối có biết bao kỷ niệm
Chợ Tân Huề Đông nhộn nhịp bình minh
Đêm Tân Thạch mưa hoài cho tới sáng
Cù lao Minh bỏ lại góc ân tình !

Hồ Trúc Giang màu trăng huyền ảo quá
Người xa người sao biết được thủy chung
Con đường thẳng ta đi hoài chưa hết
Đừng nói chi những ngã rẽ vô chừng !

Bè bạn lâu ngày gặp nhau rối rít
Cây nhà lá vườn rượu đế lai rai
Hãy vui vẻ để quên bao phiền muộn
Bàn tới làm gì chuyện ở kiếp mai !

Vạn vật sinh ra luôn cần sự sống
Chuyện đổi dời như sáng nắng chiều mưa
Tình tri kỹ là món quà vô giá
Dù chung quanh ta còn lắm trò đùa !

Khi trái đất chưa có ngày tân thế
Nên con người chưa hết những ước mơ
Ai khanh tướng công hầu ta dân dã
Khôn ba năm dại chỉ đến một giờ !

 

Trúc Thanh Tâm

Trần Yên Thảo

Trần Yên Thảo

Sao Lạc Tầm Dương
* Kính tặng Bạch Cư Dị

Vùi trong hệ lụy cõi người
Đem hờn đất Trích gởi người Tầm Dương
Giọt sầu lắng xuống Sông Tương
Xót thương kỹ nữ càng thương nỗi mình
Trường An luống những vô tình
Chưa chi đã vội xóa hình cố nhân

Bóng tà chụp xuống hồng nhan
Khác đâu đất Trích chôn chân sông hồ
Bạc đầu ai khóc trong thơ
Và ai tóc trắng còn mơ mộng gì
Âm xưa chết với xuân thì
Còn nghe đứt ruột tiếng tỳ bà ơi!

Cạn dòng tâm sự đầy vơi
Mới hay đồng điệu từ nơi sơ huyền.

Lục Bát Trần Yên Thảo

Phàm Tình

Núi khai trăm mạch xuống rừng
từ vô thủy đã chưa từng đầy vơi
lạch nguồn cá nhởn nhơ bơi
hóa ra cớ sự ở nơi phàm tình.

Đất Quê

Tạ ơn công đức muôn loài
đất vui chơi rộng đến ngoài vô biên
bây giờ tôi rất bình yên
chia trong trời đất cõi riêng đất trời.

Lỗi Nhịp

Sông đi hụt hẫng giang đầu
buổi hồng hoang lỡ bắc cầu vô chung
ta từ mộng mị lung tung
nhịp Nam Kha rớt vào cung Nghê Thường.

Bờ Nước Đục

Sông về gọi thức hồn ma
lao xao cỏ mộ vài ba tiếng cười
ngàn năm bên lở bên bồi
nước sông khó rửa lòng người bên sông.

Hạt Bụi

Cá nằm trên cạn chờ mưa
Vũ môn đã quá còn chưa thành rồng
ngờ thương em bậu khóc ròng
hóa ra hạt bụi giữa tròng con ngươi.

Chiếu Trăng

Tiếng cười xé lụa đầu non
tan trong vô lượng hãy còn vọng âm
mảnh trăng tơ rọi chiếu nằm
chưa nghe đá nói ngàn năm còn chờ.

Soi Gương Thấy Giặc

Sơn khê phá vỡ mạch nguồn
từ khi khói bếp rẫy ruồng nồi niêu
vỏ sò chứa chấp ruột nghêu
đường tơ kẽ tóc đã phiêu dạt rồi.

Lối Trăng

Thỏng tay xách dép qua rừng
thương cây cỏ
vốn chưa từng nghỉ ngơi.
Sánh vai tiều lão vui chơi
trăng
không tỏ lối
về nơi không về.

Hạt Bụi Đường Gươm

Bụi hồng chưa bén lò cừ
đem thân mê muội, mê từ thiếu niên
đón đường gươm của tự nhiên
đã nghe buốt lạnh nhiều thiên thu rồi.

Cõi Vô Tình

Tôi giờ đối diện tôi xưa
đầy vơi chén rượu trăng chưa qua đầu
trăng nằm đáy chén nông sâu
trăng không ý rọi, chén nào dìm trăng.

Cát Sông Và Dấu Rùa

Sông trôi lắp kín Hà đồ
gió vi vút cuốn mịt mờ Thái hư
Rùa bò,
xóa dấu Lạc thư
trong mong quạnh ấy
dường như có người.

Canh Bạc Dương Gian

Trận cười lem lấm bi hài
vui chơi cốt chỉ một vài canh thua
rùng mình, cắn phải khế chua
tôi khoanh tay lại, kính thưa loài người.

Sông Về

Đã điêu tàn khắp thương du
thì còn đâu
bóng
rừng thu xứ Đoài
Con sông
ngơ ngác thở dài
Núi rừng trôi dạt
đã
ngoài thiên thu.

Gương Thiên Cổ

Hóa từ bóng gió hình sương
tóc thiên thu xõa trước gương Vân đài
non cao đơn độc dài dài
tình em khuất núi từ ngày sơ sinh.

Bên Đường Tây Du

1.
Vui đời tóc trắng hoa niên
từ nơi gấm vóc đã quen điêu tàn
kịp khi lìa bỏ Địa đàng
trồng cây chuối ngược cho Càn khôn quay.

2.
Gót rong chơi chạm đất này
con sông trái núi phơi bày ruột gan
cười từ hội ngộ cười vang
còn nơi cuối đất lang thang sá gì.

Nụ Cười Đắc Đạo

Chuồn chuồn lượn bến sông đầy
bung thùa kẽ tóc bỏ ngoài chân tơ
sóng khoan nhặt, chèo bâng quơ
nhà sư đắc đạo lẳng lơ cười tình.

Lặng Thinh Cát Đá

Chớp đôi cánh mỏng vàng hoe
giữa rừng thu, một tiếng ve lạc đề
lời phàm ý thánh vụng về
lâu nay cát đá chưa hề bận tâm.

Hành Tinh
Không Thái Dương

Sãi tay nằm giữa hai bờ
con giun độn đất qua gò Kim Sa
một ngày trên xác thân ta
dường như trái đất quay ba bốn vòng.

Bờ Hư Thực

Nụ cười tắt lịm trong gương
vải thưa đem hứng giọt sương trăng tà
tội cho cơm áo ta bà
mò trăng không thấy hay là không trăng.

Điệu Gõ Bát

Bóng trăng
trêu cợt đường về
tay khua bát rỗng
chưa hề khổ tu

Ta giờ
xõa tóc
ngao du

Mặc cho
thần khí
đánh đu xác phàm.

Núi Hoa Quả

Rừng mê mãi cuộc tình buồn
trái khô chưa rụng mắt còn lim dim
ngủ vùi trước động Thủy Liêm
nghe trong gươm giáo lặng im vô cùng.

Trả Áo

Bóng đâu chợt dẫm lên hình
con chim sâu nhỏ giật mình bay xa
Áo tu trút lại chùa xa
phớt lờ tiểu dị bỏ qua đại đồng.

Tình Si

Từ khi nếm trả đòn thù
đã đôi ba lượt bung dù toan đi
tôi mê muội đứng hồ nghi đất trời
đâu ngờ si kẻ tình si

Bên Đường

Ghé qua trái đất tìm em
hay ra phần số đã lem luốc rồi
bên đường ghé tạm chiều ngồi
ngắm son phấn cũng đã đời mắt xanh.

Núi Vẫn Rong Chơi

Núi xanh khẩy cười biển khó
Bon chen để lỡ xuân thì.
Đốt đèn núi về chơi phố
Và khinh kẻ hái rau Vi.

Núi vẫy chào người xuống núi
Tinh si gác lại non Tây.
Đi đâu cũng là cố xứ
Lựa lời nói với cỏ cây.

Cửa lấp sông bồi mấy độ,
Núi xanh chợt vỗ vai mình
Kêu nhau đốt đèn xuống phố,
Trẻ già thấy núi bình sinh.

Bất kể sao dời vật đổi,
Mặc tình biển cả nương dâu,
Thong dong cuối trời vô ngại,
Núi ngồi kể chuyện ngàn sau.

Sự tình ai quên, hỏi núi,
Mấy ngàn năm vẫn xuân thì.
Vỗ ngực núi cười thích chí,
Và khinh kẻ hái rau Vi.

Điệu Gõ Bát

Bóng trăng
trêu cợt đường về
tay khua bát rỗng
chưa hề khổ tu

Ta giờ
xõa tóc
ngao du

Mặc cho
thần khí
đánh đu xác phàm.

Núi Hoa Quả

Rừng mê mãi cuộc tình buồn
trái khô chưa rụng mắt còn lim dim
ngủ vùi trước động Thủy Liêm
nghe trong gươm giáo lặng im vô cùng.

Trả Áo

Bóng đâu chợt dẫm lên hình
con chim sâu nhỏ giật mình bay xa
Áo tu trút lại chùa xa
phớt lờ tiểu dị bỏ qua đại đồng.

Tình Si

Từ khi nếm trả đòn thù
đã đôi ba lượt bung dù toan đi
đâu ngờ si kẻ tình si
tôi mê muội đứng hồ nghi đất trời

Bên Đường

Ghé qua trái đất tìm em
hay ra phần số đã lem luốc rồi
bên đường ghé tạm chiều ngồi
ngắm son phấn cũng đã đời mắt xanh.

Lạc Ảnh

Lưới vung toan chụp đất trời
bắc cầu vô lượng tìm nơi vô bờ
một thời hoang phí đường tơ
tả tơi xác nhện bây giờ vong thân.

Non Tự Tại

Ngày xanh nổi lửa vui chơi
phất cờ gióng trống quạy nơi ba đào
khi về rách nát chiến bào
núi xanh cười ngất trên đầu núi xanh.

Tuổi Trăng

Tai bay vạ gởi đã nhiều
mặc cho khăn áo trăm chiều gió đưa
ta ngồi đây tự rất xưa
mấy ngàn năm bóng nguyệt chưa hề mờ.

Mộng Trang Sinh

Cựa mình, hạt bụi chơi rong
hóa thân con bướm vờ trông nhau cười
mang râu đội mũ về đời
nằm mơ chung giấc với người đang mơ.

Cuộc Chơi Chiến Quốc

Người Chiến Quốc đã già nua
đơn thân múa gậy trong mưa chờ thời
gầy sòng tái diễn cuộc chơi
mặc cho sông núi qua đời đã lâu.

Lửa Xuân Thu

Sắc thần tiều tụy trong gương
ngựa thiên tử mỏi yên cương đã chùng
lửa Xuân Thu vẫn bập bùng
gươm đao lặng lẽ trong rừng gươm đao.

Núi Vẫn Rong Chơi

Núi xanh khẩy cười biển khó
Bon chen để lỡ xuân thì.
Đốt đèn núi về chơi phố
Và khinh kẻ hái rau Vi.

Núi vẫy chào người xuống núi
Tinh si gác lại non Tây.
Đi đâu cũng là cố xứ
Lựa lời nói với cỏ cây.

Cửa lấp sông bồi mấy độ,
Núi xanh chợt vỗ vai mình
Kêu nhau đốt đèn xuống phố,
Trẻ già thấy núi bình sinh.

Bất kể sao dời vật đổi,
Mặc tình biển cả nương dâu,
Thong dong cuối trời vô ngại,
Núi ngồi kể chuyện ngàn sau.

Sự tình ai quên, hỏi núi,
Mấy ngàn năm vẫn xuân thì.
Vỗ ngực núi cười thích chí,
Và khinh kẻ hái rau Vi.

Trần Yên Thảo

Trần Yên Hòa

Tran Yen Hoa

Chuyến Về

Nhìn lạ, lạ hoắc lạ huơ, lạ như chưa gặp một lần nào, nơi chốn nầy, nơi chốn mà Nhự vẫn hằng nhớ tới bằng những giấc mơ mộng tưởng, nơi chốn mà suốt ba năm anh ấp ủ một cuộc trở về, trong đó có Đông Ngạn, có Hậu, có những bạn bè thân. Bây giờ thì Nhự chạm trán với nơi chốn ấy, thành phố với những dòng xe, dòng người bất tận.

Khi ra khỏi phi trường, Nhự ngơ ngác với khung cảnh mới, một hàng rào thân nhân đứng phía bên ngoài đón đợi, những vẫy tay, những tiếng kêu. Nhự nhìn thấy đứa con gái ngay khi anh đẫy chiếc xe chở vali ra cổng, đứa con gái ở lại của anh ngày ấy thon tròn, nhẹ nhàng, dễ thương, bây giờ đen và gầy. Tiếng kêu ‘’ba, ba, ba‘’ Đông Ngạn đưa cánh tay cầm bó hoa vẫy vẫy. Anh đi lại phía con và ôm con vào lòng, ba năm, đứa con gái của anh nay đã là mẹ và anh đã lên chức ông ngoại, đứa con gái bây giờ như lạ, anh hôn và bế đứa cháu, baby bụ bẫm, Đông Ngạn nói, ‘’chào ngọai đi con.’’

Hậu đứng đằng xa vẫy vẫy tay, nàng mặc bộ áo dài màu xanh da trời trông Hậu trắng bạc, một thân hình mập, cái dáng dấp của những người đàn bà trên bốn mươi tuổi, dáng dấp mà hằng đêm anh vẫn tưởng tượng với những cơn mộng du ảo ảnh, những nhớ thương tha thiết, những đam mê chất ngất cõi lòng. Bây giờ thì Hậu đang đứng trước mặt anh bằng xương bằng thịt, Nhự vẫy tay gọi Hậu lại và cầm tay nàng, anh nói:
– Em khỏe không?
Hậu cười vui có chút xa lạ:
– Em khỏe, anh về với em là em vui, đi đường có mệt không anh?
Nhự nói:
– Đi máy bay mà mệt gì, anh về với em đây mà.

Những ngày ở Mỹ, hằng đêm như có môt tiếng gọi nào đó, u uất, trầm thống kêu gọi anh về, khi anh điện thoại về cho Đông Ngạn, Đông Ngạn nói, ’’Ba về với con nghe, con thèm gọi tiếng ba quá’’ và Hậu, ’’Anh về với em, em đợi anh muôn đời muôn kiếp‘’. Những tiếng đó qua đường dây điện thoại anh có cảm tưởng như một âm thanh nào vọng từ thinh không của sự hiển linh gọi kêu anh về, tụ tập những ước mơ từ trong tim, suy nghĩ trong hân hoan của một chốn nơi hạnh phúc, có người và người, có hàng xóm thân quen, những nẻo đường đầy cây lá, những vòm me xanh và quán nước xưa, hay một chốn thôn quê quạnh vắng nơi anh sinh ra và lớn lên đầy ắp một tuổi thơ dân dả. Anh chợt thấy ngày ở Mỹ dài hơn, những cơn nắng gắt mùa hè càng hừng hực hơn, những ngày rét cóng mùa đông lạnh lẽo đến tột cùng. Vào hãng làm thịt heo, đứng trên line, dây chuyền sản xuất, cùng với tụi Mỹ, tụi Mễ, tụi Bosnia, anh thường nói như một khoe khoang, ‘’Tau làm ở đây để dành tiền rồi tau sẽ về Việt Nam, quê tau, ở đó tau có đứa con gái, có cháu ngoại rất dễ thương và có một người đàn bà đẹp chờ tau ở đó, rất tuyệt vời.‘’ Anh làm một động tác ái ân và tụi Mỹ, Mễ cười phụ họa, chúng dơ cao ngón tay cái, nói, ‘’number one’’

Anh đến môt tiểu bang lạnh, đến là để ‘’cày’’ bạt mạng, để kiếm tiền, để quên đi nỗi cô đơn của cuộc sống một mình trên đất Mỹ, làm việc 8 giờ đồng hồ ban ngày rồi làm tiếp over time ban đêm, anh vẫn nghĩ, phải kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để làm lại cuộc đời, để bù đắp lại những ngày cơ cực cũ.

Từ trại tập trung ra anh chỉ còn cái thân thể gầy gò ốm yếu, Ngọc, người vợ không chịu được sự cô đơn đã bỏ đi mất biệt, ba đứa con anh tản mát mỗi đưá mỗi nơi, chúng đi ăn nhờ ở đậu tấm lòng của hai bên bà con nội ngoại. Nhớ những ngày ở Việt Nam, ngày anh mới ra trại tập trung, đi chẻ củi thuê, đạp xe ba gát, đạp xích lô, vá xe đạp lề đường, nghề nào anh cũng trải qua và nghề cuối cùng là nghề đi bỏ hàng xe đạp. Những ngày vất vã bò lê bò càng trên chiếc xe đạp leo dốc với mấy giỏ hàng phụ tùng xe đạp đi bán dạo ở các cửa tiệm bán phụ tùng. Ngày tháng lê lếch, ăn uống ở những quán ăn bình dân tồi tàn nhất, tháng ngày cơm hàng cháo chợ. Bây giờ thì anh đã đi qua cảnh ấy, nó đứng phía sau anh mà nhiều lúc ngoảnh cổ ngó lại, anh thấy hình ảnh cũ như là một người khác chứ không phải là mình.
*
Mối tình của Hậu cũng như những mối tình khác đã qua đời anh, một hôm anh đang lấy hàng ở chợ Tân Thành thì Phồn, người bạn cùng nghề, ghé qua nói:
– Tối nay đi uống cà phê nghe, tau giới thiệu cho một em, được lắm.
Nhự hỏi lại:
– Em thế nào?
Thằng Phồn.
– Múp lắm.
Nhự:
– Rồi, chiều tối 7 giờ nghe, tau đợi mầy ở chỗ cũ.
Phồn vừa nói vừa đạp xe:
– Nhớ đúng giờ, chỗ cũ.

Phồn và Nhự thân nhau vì cùng ở chung một trại tâp trung, hai đứa đã nằm bên nhau suốt mấy năm tù, đã chia xẻ ngọt bùi cay cực trong những hoàn cảnh đau thương nhất. Ngày Ngọc bỏ Nhự mà đi, không tiếp tế thăm nuôi Nhự nữa, thì Phồn ra tay cứu giúp, đùm bọc. Gia đình Phồn ở Sàigòn nên cứ ba tháng Phồn được tiếp tế một lần, Phồn đã tự ngỏ ý cùng Nhự ăn cơm chung. Ơi cái miếng ăn ở chốn lao tù thật là quý hóa, có những người được thăm nuôi, được nồi cá, miếng đường, gói thưốc lào thì tự động tách ra ăn riêng ngay vì sợ phải chia xẻ cho những người bạn ‘’con bà phước’’, còn với Phồn thì không như vậy, được thăm nuôi bao nhiêu Phồn đều chia xẻ cho Nhự. Nhự cũng thấy áy náy lắm nên đã hơn một lần đòi tách ra, để Phồn được tự do, nhưng Phồn một mực bảo đừng ái ngại gì hết, vì vậy đối với Nhự, Phồn là người bạn đầy ân nghĩa. Ngày về hai đứa lại gặp nhau và rủ nhau đi làm chung, Phồn thấy Nhự cô đơn quá như vậy nên thường kiếm những “mối đàn bà độc thân” làm mai cho Nhự, suốt mấy năm, đã mấy mối mà chẳng có cuộc tình nào thành đạt, có thể là Nhự tự khó với mình hay mối tình của người vợ cũ đã ám ảnh, khiến anh sợ sệt đàn bà, với đàn bà bây giờ, theo anh là bến tạm cho qua nỗi buồn đau mà thôi.

Chỗ cũ là quán cà phê Hồng, một quán nước có dãi sân rộng ở Thị Nghè mà hai đứa thường đến uống cà phê. Hôm đó, buổi chiều gần tối, trong bóng nhá nhem của ánh đèn màu, anh gặp Hậu, qua lời giới thiệu của Phồn, rồi Phồn uống vội ly cà phê, lật đật bỏ đi. Người đàn bà ba mươi tám tuổi, vẻ mặt hiền, phúc hậu, cặp đồ bộ bằng vải gấm Thượng Hải màu xanh nhạt ôm bó sát lấy thân hình dong dỏng cao, khiến trông người đàn bà thanh thoát, trẻ trung. Nhự đã nói quanh quất đâu đó chuyện trên trời dưới đất, và khi sắp ra về anh hẹn với nàng một ngày khác ở đây. Lần thứ hai, sự ham muốn, sự thích mới lạ, sự đa tình đã khiến anh tán Hậu. Lần thứ ba ở trong một quán cà phê khác vắng hơn, quán cà phê có những ghế ngồi riêng biệt cho hai người, âm nhạc rất nhẹ như rót từ thinh không xuống, anh uống ly cà phê trong bóng tối, anh hôn nàng lần đầu, nụ hôn có một chút lửa tình dục trong bàn tay sờ soạn của một kẻ phàm phu, đôi vú nhỏ, thon, tròn, vừa tay, cặp đùi lẵng, dài, Hậu nói, ‘’đừng anh’’ nhưng đôi mắt đã nhắm nghiền lại, anh biết đã được và lần sau hai người dẫn nhau vào phòng trọ.

Chuyện bình thường như nhiều lần anh đã có với những người đàn bà khác, nhưng với Hậu, anh thấy có một điều lạ, là yêu đương cuồng nhiệt, nhưng khi ra khỏi cuộc mây mưa, nàng hiền như đức Phật bà. Khuôn mặt phúc hậu và âm thanh, giọng nói hiền đến nổi anh có cảm tưởng như Hậu chưa giận ai bao giờ, sự khác biệt giữa trước và sau, giữa cái thanh và tục, giữa lằn ranh của tình dục và đời thường, nó như một níu kéo anh dừng lại và anh dừng lại thật, không lang bang, không yêu ai nữa.

‘’Không yêu ai nữa mà chỉ yêu mình em thôi‘’, đó có phải là sự dứt bỏ một quá khứ, quên lãng sự cô đơn, bỏ đi những ba hoa, những đam mê, những kiếm tìm bóng sắc, ‘’không yêu ai nữa mà chỉ yêu em thôi’’, câu nói anh thường nói với Hậu, một nửa thật, một nửa ởm ờ che lấp, hình như qua cái tuổi trên bốn mươi, những ham muốn của người đàn ông chựng lại, có thể nói đến cái già, cái cằn cổi đã tới, sự tiếp nối giữa thanh niên và trung niên, những người đàn bà ngày trước với Nhự là một sự chinh phục cái thế giới lạ, hơi hám lạ, con người lạ, cử chỉ lạ, da thịt lạ, làm anh bùng cháy những những cơn mê điên loạn, những háo hức rực tình, còn bây giờ anh chỉ muốn tìm một chỗ bình yên, một bóng mát để yên thân một đời.
*
Đường phố Sài gòn đầy đặc người và đầy đặc xe, xe cộ chạy bất cần luật lệ hay luật lệ quá lỏng lẻo, mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy đi. Xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, xe ba gát, xe hơi, xe vận tải, hình như có một quy luật chung là cứ chạy rồi ‘’signal‘’ tay, rồi đạp thắng cho xe chậm lại rồi chạy tiếp. Lúc mới lên xe từ phi trường về nhà, ngồi trên chiếc xe hơi 8 chỗ ngồi của Đông Ngạn nhờ người bạn chở hộ, Nhự từ bên trong nhìn ra dòng người xe bất tận đi bên ngoài thật vô trật tự. Thắng xe làm việc liên miên, người xe qua lại bên ngoài nhiều lúc sát sạt bên hông xe, chiếc xe Van luồn lách giữa đám đông ken đặc như nêm, anh chợt nghĩ đến môt trật tự lưu thông ở Mỹ, những đường phố láng bong, những xa lộ ngút mắt và một quy luật lưu thông rõ ràng, bây giờ ngồi nhìn đám đông người xe chạy bên ngoài anh chợt nghĩ đến một nơi không thể sống được.

Một nơi có thể sống được và một nơi không thể sống được, đó là một tâm trạng hoang mang đau buồn bất tận. Khi qua tiểu bang lạnh làm việc kiếm tiền, Nhự cũng cắn răng sống và nghĩ, nơi nầy không thể sống được, “sống” đồng nghĩa với niềm vui, mà nơi nầy toàn rét cóng, hoang vu và cô tịch quá, một nơi không có người nào tri kỷ, nói một câu, một ý nghĩa không ai hiểu. Cái tuổi của anh là muốn tìm về dĩ vãng, đó như là một nhu cầu tâm lý để làm nguôi ngoai nỗi đau thân phận ở xứ sở nầy. Nhớ ngày xưa khi ở trại cải tạo ra, đi chẻ củi thuê, đi vá xe đạp lề đường, sống qua ngày, sống không nổi, anh bỏ lên Tây Ninh với anh Giảng, một vùng kinh tế mới, suốt ngày chun vào rẫy cày cuốc, phát cỏ, nghe sao buồn tẻ quá, thì đâu là đất lành cho chim đậu đây.

Buổi đầu tiên của ngày trở về, trên căn gát chỉ có một mình anh với Hậu, anh ‘’yêu‘’ nàng. Những đam mê dồn nén dâng lên như nước thuỷ triều, cuốn trôi, thiêu đốt, tàn phá hung bạo, mê đắm. Rót cuộc thì chuyện mong chờ trong ba năm cũng rã rời, như sự ham muốn tắt ngấm lặng chìm sau đó, nó như trả lời anh về sự trở về, niềm hân hoan hay buồn thảm? Sự gặp lại con và người tình, nó đan bện trong anh một nửa sự bất an, một nửa sự quạnh quẽ và tự nhiên anh thấy mìnhcô đơn quá đổi.

Sự thật thì sự trở về sau ba năm là gần, là rất gần, nó như một sự tạm xa thành phố rồi trở lại, nhưng trong anh đã có cái nhìn khác. Hình như sự bận rộn bên nước Mỹ đã tiêm nhiểm anh nhiều trong đời sống thường nhật. Buổi sáng thức dậy ra xe đi làm, đâu đó có một trật tự rõ ràng, không vọng động. Hết giờ trở về với sự êm ả, sẽ bật tivi, sẽ bật nhạc, những CD với giọng hát êm nhẹ của một ca sĩ quen thuộc nào đó dội vào lòng anh sự thanh thản thoải mái, anh sẽ ngồi vào bàn viết một cái gì đó, đọc một vài tờ báo rồi đi ngủ. Bây giờ thì anh đang ở thành phố quê nhà, thành phố mà anh nhớ nhung quay quắt, bây giờ thành phố toàn người là người, sự đông đảo như một đàn kiến chuyển động trên mọi ngã đường khiến anh ngộp thở. Hình như ai cũng có một công việc gì đó để đi, để chen lấn, để ra đường. Ngày đầu tiên cầm tay lái chiếc xe gắn máy honda, anh nghe thật lạng quạng. Đông Ngạn nói, ‘’Ba để con lái cho, ba lái không quen đâu dễ đụng lắm’’. Anh vội nhường tay lái cho con. Ngồi phía sau và cùng hòa mình vào đàn kiến luân lưu trên đường phố, nhiều lúc anh thấy mình như bị cuốn trôi giữa dòng người bất tận và điều anh lo âu của anh là sợ sự va quệt. Anh bấu sát vào thân chiếc xe gắn máy, mới ba năm trước, anh đã từng đi hết các con đường, từ Chợ Lớn qua Vĩnh Hội, Khánh Hội rồi vòng lên Gò Vấp, Tân Bình, một ngày chạy không biết bao nhiêu cây số đường với chiếc mobylette cà tàng, thế mà anh đã sống, đã làm việc miệt mài, mới đó chứ có đâu xa.

Nhưng bây giờ thì anh đầu hàng, thành phố quá đông người và xe chạy lọan xạ, có thể anh sẽ quen, sẽ chạy xe nhanh bạt mạng, sẽ chen lấn dành giựt từng đoạn đường, sẽ len lỏi lên trên, lạng qua lạng lại để được đi trước, đi sớm hơn. Và điều mà anh sợ nhất là cái nóng, cái nóng hừng hực của mặt trời, cái nóng khét lẹt của hơi người, nhiều lúc đang đi giữa đường với Hậu, anh đã nói to ‘’về nhà đi em, về ngay, nóng quá không chịu nổi’’.

Thành phố ngày anh trở lại còn gì, hơn gì ngày trước, có chăng là những khách sạn được xây thêm, nhà hàng được mở ra nhiều để hốt bạc du khách, những quán cà phê đèn mờ luôn luôn mời gọi tuổi trẻ nhào vô hưởng thụ, hũy hoại niềm tin về một ngày mới.
*
Hôm nay, anh muốn kéo cả nhà đi ăn một bữa thật ngon ở quán bánh xèo đường Đinh Công Tráng, quán bánh xèo nổi tiếng Saì gòn từ trước đến nay. Đông Ngạn cùng chồng, anh và Hậu, đi trên đường phố lâu dần rồi cũng quen, nước da anh đã sạm đen, áo quần đi ngoài về luôn luôn bám đầy bụi và mồ hôi. Những ngày anh mới về, Hậu ngồi sau xe, thường ôm sít người anh, lấy mũi hít hít vào chiếc áo anh đang mặc, Hậu nói, ‘’Thơm quá, thơm mùi Mỹ quá, cái gì cuả anh cũng thơm’’. Bây giờ thì nàng không hít nữa mà chỉ lặng lẽ tuyên bố, ‘’Hết thơm rồi, hết mùi Mỹ rồi’’ tự nhiên anh bật cười vô nghĩa.

Anh nghĩ ngày mai sẽ ra phi trường, sẽ trở lại thế giới đó, anh một nửa buồn một nửa vui, nhưng một điều chắc chắn là anh không hề có ý định ở lại.

Quán bánh xèo nằm trong con đường nhỏ, khi Nhự đến, quán đã đông khách, những tay ‘’cò ‘’ ra tận ngoài đường mời chào đon đả, anh cho gởi xe vào một căn nhà khác rồi cùng Hậu đi vào quán. Đông Ngạn hôm nay vui và mập lên vì thời gian qua anh đã lo cho chuyện ăn uống đầy đủ, anh nghĩ cái vật chất cũng là một điều quan trọng vô cùng khiến con người có thể thành sang hèn, xấu đẹp rất mau.

Người tiếp viên đến tận bàn đưa anh một tấm thực đơn, anh cầm đọc và nói luôn.
– Cho bốn bánh xèo đặc biệt và bốn lon tiger.
Người tiếp viên ghi vào trong sổ rồi đi vào trong quày nói lớn:
– Bốn bánh xèo và bốn tiger cho bàn số 5.

Anh nhìn quanh quất quán ăn trong sự xô bồ hỗn độn, chung quanh người ta vẫn ăn nhậu ngon lành. Ở đây được một cái tự do là nhậu thả ga và chạy xe bạt mạng mà không sợ cảnh sát, quán xá mọc lên như nấm từ quán nhậu bình dân đến nhà hàng năm sao, đâu đâu cũng biến thành chỗ ăn uống nhậu nhẹt được.

Đông Ngạn hỏi.
– Ba thấy Sài gòn có vui không?
Anh trả lời hàng hai.
– Cũng vui mà cũng không vui, được cái nầy mất cái kia.
Đông Ngạn nói:
– Vậy thì ba qua lo bảo lãnh cho gia đình con nghe.
Nhự ậm ừ.
– Bảo lãnh chứ, nhưng từ từ, đợi ba vô quốc tịch đã.

Một chiếc xe hơi đời mới chạy chậm chậm trên đường vào quán, các hành khách đi xe gắn máy phải dạt sang một bên, những người giữ xe trong nhà chạy ùa ra mời khách, ‘’cho xe vào đây anh, ở đây giữ xe trong vườn bảo đảm lắm, bảo đảm thật mà‘’. Họ la hét dành nhau chí chóe. Cuối cùng thì chiếc xe cũng được lái vào một căn nhà có khu vườn rộng dành cho xe hơi. Trong quầng sáng chói của ánh đèn néon, anh thấy một người đàn ông người Mỹ bước xuống xe và đi qua phía bên kia mở cửa trước, một người đàn bà bước xuống xe, anh nhìn kỹ và sững sờ, Ngọc, người vợ cũ của anh, là mẹ Đông Ngạn. Hai người đã li dị nhau từ ngày anh ở trại tập trung về khoảng hai năm, từ đó đến nay anh không có tin tức gì của Ngọc nữa.

Ngọc và người đàn ông Mỹ đi qua phía bên kia của quán thì Đông Ngạn cũng thấy Ngọc và kêu lên, ‘’Ô, Me kìa ba.’’ Nhự thấy mất bình tỉnh và hồi hộp, nói nhỏ với con, ‘’ Ừ me, me về không báo tin cho con sao?’’ Đông Ngạn nói, ‘’ Dạ không.’’

Nhự quay lại nói với cả bàn một cách buồn bã:
-Ăn lẹ đi rồi ba phải về, mai còn đi sớm.
Đông Ngạn nói:
– Ăn xong ba và cô về trước nghe, con phải đi vào tìm me chút đã.
Anh đáp:
– Tuỳ con, ba phải về trước.
Bữa ăn không ngon tí nào, anh ăn vội vã, xong anh đứng lên trả tiền và giục Hậu.
– Mình về em, hai con về sau nghe.

Anh vội vã ra xe và chợt nghe thấm buồn, nỗi buồn có thật.

Anh Tư

Sao mà đến khi tôi có trí nhớ thì tôi không thấy anh tư tôi đâu. Cũng có thể ảnh với tôi gần nhau quá khiến cho tôi không thấy ảnh những lúc này. Trong trí nhớ tôi, ảnh thấp thoáng không đặc sắc lắm, đó là một đứa con trai hơn tôi ba, bốn tuổi gì đó, khuôn mặt ngây ngô nhưng sáng sủa, với đôi mắt lớn, mái tóc đen dày, dáng người thẳng, chắc…đi với nhau người lạ ít ai nghĩ tụi tôi là hai anh em. Nhưng đúng là hai anh em, vì rằng ảnh là “cu anh” còn tôi là “cu em”…
Ảnh học hơn tôi hai lớp, tôi cũng không nhớ là hồi nhỏ ảnh học ở đâu…Sau này nghe ảnh kể lại là khi tôi và bọn thằng Trịnh Tộ, thằng Lư Nho đi học ở trường Chiên Đàn thì ảnh được cha gởi xuống học đâu dưới chợ Vạn. Đến khi tôi về học lớp ba ở trường tiểu học thì ảnh mới về học lớp nhất…Tôi nhớ được chi tiết này vì có một lần, anh em tôi có đánh lộn với thằng Đồng, một bạn học cùng lớp. Anh em tôi chơi “hai chọi một”, nhưng thằng Đồng khoẻ quá, nó ở xóm Long Phước, là con nhà nông dân thứ thiệt, nên kết quả “hột kê huề”. Tôi thì bị sưng mặt vì thằng Đồng đấm những cái búa tạ như trời giáng vào mặt, còn anh tư thị bị chảy máu răng tùm lum tà la…
Cũng có một lần nữa, là anh em tôi hợp đồng tác chiến, cùng đánh lộn với thằng Trương Chá ngoài chợ. Thằng Trương Chá con bà Chá bán bánh tráng. Hàng ngày lúc rãnh, Trương Chá đội bánh tráng đi bán rong khắp chợ, khắp xóm, nên đôi chân, đôi tay nó khỏe như voi. Không biết vì lý do gì mà tụi tôi gây sự, rồi lăn xả vào đánh nhau. Thằng Chá mạnh và to con hơn thằng Đồng, dĩ nhiên một chọi hai, hột kê cũng huề, nhưng tụi tôi cũng bị u đầu, sứt trán.

Đó là nói cho ngon thế chứ, tôi vốn nhát gan, đâu có giám gây sự với ai, hai lần đánh lộn là tôi đã tởn da gà rồi, chắc anh tư tôi cũng vậy.
Anh tư tôi đẹp trai hơn tôi là cái chắc, có hai cái tôi thua xa ảnh là đôi mắt và mái tóc. Đôi mắt ảnh lớn và mái tóc ảnh đen mượt, phía ót sau ảnh xuôi nên khi hớt tóc, “hớt thấp”, thì mái tóc phía sau ôm cái đầu “không có chớn”, rất đẹp.
Còn đôi mắt của tôi thì ti hí, nhỏ xíu, nhiều khi cười tít mắt không thấy đất trời đâu. Mái tóc tôi thì cứng như rễ tre, phía sau ót có cái xương mọc nhô lên, nên dù những thợ hớt tóc “nghề” nhất chợ Quán Rường như anh năm Lý, hay anh Được, sau một hồi hì hục, cho tông đơ hay kéo rà qua rà lại, rà lên rà xuống, vẫn lắc đầu chịu thua, mái tóc tôi không xuôi được mà vẫn còn có “chớn”.
Cũng xin mở dấu ngoặc thêm là ở quê tôi có những người thợ hớt tóc sau đây.
Đầu tiên là anh năm Xuân.
Anh năm Xuân là con một ông cựu chánh tổng, gia đình anh “rân rác” lắm. Nhưng ảnh ỷ con nhà giàu nên ham chơi, chẳng lo học hành gì, nên sau khi quốc gia tiếp thu anh mở một cái chòi nhỏ gần chợ Quán Rường để hớt tóc cho cánh đàn ông. Cái tiệm hớt tóc được dựng lên gần sát cổng ra vào nhà ông tú Khảm. Ông Khảm đậu tú tài nho học nên được dân làng gọi là ông tú, nhưng ông chẳng làm được chức gì, chỉ nhà giàu, có ruộng có đất cho tá điền “làm rẻ”. Đến ngày mùa, tá điền đong lúa cũng ăn dư dã. Ông tú Khảm có một đàn con lớn, người vợ lớn đã mất nên ông lấy một bà vợ sau, nhỏ hơn ông ba con giáp. Cô Lan đẹp người, nên đi ra chợ ai cũng nhìn ngắm, trầm trồ. Anh năm Xuân biết ông tú Khảm già rồi, không còn “xíu quoách” nên đem “lời to tiếng nhỏ” tán cô Lan. Anh lấy câu phương châm tán gái là “nhất cự ly, nhì tốc độ” ra thực hành. Nghe thiên hạ đồn rằng, cứ buổi tối đến, anh năm Xuân cởi áo quần nằm trong quán hớt tóc phục sẳn, cô Lan ra đóng cổng khu nhà đồ sộ của ông tú. Cô ngó trước ngó sau không thấy có ai, liền chui tọt vào quán hớt tóc. Hai người “ịch đụi” nhau chừng mười phút, thì cô Lan vọt ra, vội vàng đóng cổng, khóa cổng vào nhà. Cuối năm đó cô sinh một đứa con gái kháu khỉnh, ai cũng nói con năm Xuân, nhưng ông tú Khảm thì vẫn đinh ninh là con mình, nên ông thương lắm.
Chuyện tình đến đó là hết, anh năm Xuân nghe nói buồn vì “tình đời đen bạc” nên bỏ vào Sài Gòn làm ăn.
Sau đó thì tới anh thợ hớt tóc thứ hai tên là Giống. Anh cũng làm một cái quán thô sơ bên ngã ba đường, gần quán bà cả Trâu và trường tiểu học Kỳ Mỹ. Anh là con trai mới lớn, cao to, lực lưỡng. Không ngờ anh bị đưa vào tầm ngắm của chị Hồng. Chị Hồng người gầy như que tăm, ốm nhom ốm nhách, gương mặt đầy tàn nhang, mỗi lần nói chuyện nước miếng văng tùm lum, nên gần ba mươi tuổi mà chẳng có chàng trai nào tới rước.
Chị Hồng nưng niu anh hết mực, dỗ ngon dỗ ngọt sao đó mà chị lại mang bầu. Cuối cùng, cũng mấy tháng sau, có lẽ nhìn lại thấy chị Hồng gầy gò, ốm o quá, nên anh Giống cũng bỏ đất mà đi, để lại chị Hồng với đứa con còn trong bụng mẹ.
Người thứ ba là anh Được, chồng chị Lâm. Hai người làm nhà gần cây bàng ở chợ Quán Rường. Cặp đôi này trông rất hạnh phúc. Chị Lâm bán nước chè (quê tôi gọi là “đổi” nước chè), còn anh Được hớt tóc. Anh Được hớt tóc đẹp, khéo tay, nên quán rất đông khách. Muốn hớt tóc anh Được phải ra quán ngồi đợi ít nhất cũng ba mươi phút. Anh hớt đẹp mà không trị nổi mái tóc của tôi, nên dù có “gò” bao nhiêu, mái tóc tôi phía sau ót vẫn còn có “chớn”.
Người thứ tư là anh năm Lý. Anh năm Lý lớn tuổi, khoảng trên bốn mươi. Anh hiền lành, thật thà. Ảnh hớt tóc kỹ lưỡng nhưng không đẹp bằng anh Được. Khi tôi biết là mái tóc tôi khó trị, tôi thôi không ra ngồi chờ ngoài quán anh Được nữa, mà nhảy qua quán anh năm Lý để được ảnh hớt, gọt, tỉa, cạo mặt, lấy ráy tai. Ảnh có môn lấy ráy tai thần sầu, khi ảnh để cái que ráy vào lỗ tai, xoay vòng vòng thì trời đất chung quanh đều quay cuồng, vì nhột mà sướng. Xong đâu đó anh còn lấy tay xoa xoa ngoài vành tai rồi búng chách chách nữa.

Trở lại chuyện anh tư.
Anh tư có hàm răng khá đẹp, nhưng còn nhỏ nên ảnh làm biếng đánh răng lắm, hàm răng thường có bợn vàng. Chị hai gọi đó là hàm răng “đóng khớm”. Hồi đó chưa có kem đánh răng, chưa có bàn chải đánh răng, nên chị hai thường lấy vỏ cau khô cắt nhỏ, đem “ép” anh tư và tôi đánh răng. Chị đưa miếng vỏ cau khô và đứng canh chừng, khi chúng tôi lấy xác cau chà qua chà lại hàm răng, khoảng năm phút, chị mới đi. Hình như hai ba ngày hay một tuần gì đó, tụi tôi mới được đánh răng một lần. Vỏ cau khô đánh răng cũng tuyệt lắm. Đánh xong nhìn vào gương thấy hàm răng mình trắng nhởn ra.
Anh tư ăn mặc chỉnh tề, khi nhà tôi đã sắm được cái bàn ủi “con gà trống” thì ảnh ủi áo quần thường xuyên. Tôi có lẽ còn nhỏ và tính cẩu thả, nên áo quần thường giặt qua loa xong là tròng vào ngay.
Gần phía bên trên nhà tôi là nhà ông tư Trí, ông này có một đức tính là hay cằn nhằn vợ con lắm. Có chuyện gì mà vợ con làm sai ý ông thì ông “nhằn” lớn tiếng, cả dưới nhà tôi cũng nghe. Câu cuối cùng lúc nào ông cũng nói như rên lên: “Răng tui khổ quá thế này nề trời. Trời ơi là trời!” Anh tư tôi cũng vậy, có chuyện gì không vừa ý thì ảnh cằn nhằn, rằng rực suốt, nên chị hai tôi thường đùa, “thằng nhằn như ông tư Trí”, sau này thành biệt danh của ảnh luôn.
Có một điều khác biệt giữa hai đứa tôi là, tôi mau mắn, nhậm lẹ, “lất cất” bao nhiêu, thì anh tư tôi chậm rãi, rề rà, “nước đến chân mới nhảy” bấy nhiêu. Buổi tối ngồi học bài chung trên chiếc bàn trong buồng nhà ngang, thì tôi “rống” cả xóm ai cũng nghe, còn ảnh thì đọc từ từ, lại hay ngủ gà, ngủ gật. Tôi thì học không hết bài, mà ảnh cứ tỉnh bơ, ngáy khì khì, khò khò.
Những trò chơi chung như đánh bóng chuyền, đá bóng, hai đứa tôi đều không xuất sắc, chỉ xếp hạng C trong xóm. Nên khi thành lập đội banh thiếu niên của xã, tụi tui đành ra rìa.
Cũng có vài kỷ niệm vui vui, dù khác tính nhau và ảnh là anh tôi, nhưng nhiều khi chúng tôi cũng “hợp đồng tác chiến” trong chuyện “con gái”. Như là tụi tui cùng rũ con Tình ra chỗ giếng nước, dụ hái trái dâu đất cho nó, rồi thò tay rờ thử “núm cau” của nó ra sao. Tuy còn nhỏ, nhưng có lẽ vì tính hiếu kỳ, tò mò của con nít, nên chúng tôi đã thành công. Con Tình không nói gì mà còn cười vui vẻ nữa. Buổi chiều hôm đó, mẹ tôi kêu hai đứa ra giếng tắm, vì tranh giành cái gàu múc nước không được, nên tôi nổi cáu, định mét mẹ là: “anh tư rũ con bóp v. con Tình, mẹ à”. Trong lúc ảnh sợ lộ tẩy, bèn xô mạnh tôi té nhào vào đám vò hốt giá của mẹ, nên tôi chưa kịp nói hết câu. Tôi bị té nhào vào đám mảnh sành, bị xóc, chảy máu tùm lum. Mẹ tôi hoảng quá kéo tôi vào nhà, lấy thuốc lá rê rịt cho cầm máu. Vết té bây giờ vẫn còn, và câu định nói đó, tôi chưa nói ra hết được bằng lời, coi như cuốn theo chiều gió bay đi, bay mãi đến bây giờ, chỉ có hai anh em tôi biết.

Anh tư học chỉ khá thôi chứ không giỏi, nhưng kỳ thi đệ thất năm đó, anh thi đậu vào trường công lập Trần Cao Vân, một ngôi trường tỉnh, nên cả nhà tôi vui như tết. Cha tôi làm một bữa tiệc đãi các thầy dạy ở trường tiểu học và các bạn đồng liêu ở hội đồng xã cũng mười mấy mâm. Thế là ngon, cả tỉnh cũng hơn ngàn thí sinh, lấy khoảng trăm rưởi, mà đậu được là ngon.
Thế là từ niên khóa đó anh tư bắt đầu đi học trung học, anh phải ở trọ, ăn cơm tháng dưới thị xã, mỗi cuối tuần mới được về nhà. Tôi cũng nhớ ảnh lắm, nhưng rồi tôi cũng có một số bạn học rũ chơi đủ mọi trò, nên cái nhớ cũng vợi bớt đi.
Như vậy thì tôi thua anh tư tôi nhiều điều, nhưng gẫm cho cùng, tôi cũng có duyên ngầm với nụ cười có hai cái lúm đồng tiền trời cho, nên cũng vớt vát lại. Những năm sau đó, tôi cũng thành công trong công cuộc trường chinh tán gái, cũng là tay “sát gái” dễ nễ.
Sau này lớn lên, cùng chạng tuổi nhau, nên có lúc, tôi và anh tư cũng có nghĩ đến và thương ngầm một cô học trò nào đó, nhưng đó chỉ là “thương ngầm” mà thôi, không có “mối tình chung” nào sống động để đời, để nhớ đến…

Người Chết Hai Lần

Một người làm ruộng cho gia đình tôi là chú sáu Quắn. Chú ở dưới miệt Kỳ Anh, tức là dưới vùng biển Tam Ấp, tên thường gọi là xóm Đồng Rạ hay là Đầm.

Mẹ tôi không biết duyên do nào đã biết chú và nhờ chú, đến mùa cấy hay mùa gặt là chú lên nhà tôi ở lại suốt mấy tháng để làm việc.
Chú sáu Quắn là một thanh niên to con, cao ráo, lực lưỡng, đẹp trai. Mỗi lần chú gánh lúa từ ruộng về, chú thường ở trần trùng trục. Tôi nhìn từ xa, đôi chân chú săn chắc, vồng ngực nở nang, mái tóc hớt ngắn để lộ cái đầu to, dù trời có nắng đến mức độ nào chú vẫn để đầu trần, không hề đội mũ hay nón gì cả.

Chú ăn cơm rất nhiều và nhanh. Ở nhà quê bữa ăn đâu có thức ngon vật lạ gì cho cam. Mẹ tôi nấu một nồi cơm đầy, có khi độn thêm khoai lang tươi, khoai lang khô, hay bắp, ăn với một dĩa mắm cơm hay mắm nục được muối mặn chát, một rổ rau sống đủ loại rau trộn chung vào, như rau cải cay xắt nhỏ, bắp chuối, tần ô, tía tô, và một loại rau đặc biệt nữa gọi là rau sân. Cây rau sân không trồng nhưng mọc hoang trên bờ rào, cành cây lớn có gai mọc chen chúc nhau. Rau sân chỉ ăn được những mầm xanh tía, rau có mùi thơm rất dễ chịu, hơi gây gây nhưng nồng nàn lắm. Trong một rổ rau lớn mà có trộn thêm một chút đột rau sân thì có ngồi từ xa cũng ngữi được mùi thơm thoang thoảng. Thêm một tô canh rau muống xắt nhỏ nấu loảng để chan húp cho dể trôi cơm. Bữa cơm chỉ có thế mà ai ăn cũng ăn ngon lành, chan, húp, nhai, nuốt, sột soạt suốt cả bữa ăn.

Riêng chú sáu Quắn thì ăn rất im lặng, một chén cơm chú và vào miệng rồi nhai, nuốt, đâu hai, ba lần là hết, xong, chú gắp một con mắm to bỏ vào miệng, chú lại nhai gọn như không nhai, chú nuốt lẹ rồi bới chén cơm khác. Chú chan canh cũng im lặng như ăn, không húp sì sụp như mọi người mà như chú nuốt trộng, rất nhẹ nhàng và gọn. Một bữa ăn chú bới khoảng sáu, bảy chén cơm đầy, thế mà lúc nào chú cũng bỏ đủa trước.

Những lúc nhà nông nhàn rổi, nhà tôi không có việc làm thì chú về lại quê Kỳ Anh. Chú đi cất lưới bắt cá hay đi giăng câu. Kỳ Anh là một xã sát biển, ở đây ai cũng biết bơi rất giỏi, giăng câu rất nghề. Chú sáu Quắn cũng vậy, những ngày kiếm được cá nhiều, chú mang cả thúng cá lên chợ Quán Rường bán, riêng nhà tôi, chú lựa những con cá to, ngon, đem biếu. Những lúc như vậy, mẹ tôi thường cho lại chú mấy lon đậu đen hay đậu xanh.

Tôi coi chú như người nhà, có lúc tôi leo lên vai chú để chú vác công kênh đi chơi, vác đi long rong đi trên đường làng từ xóm này qua xóm kia, hay đi qua các bờ ruộng. Ngồi trên vai chú tôi thấy tôi như người khổng lồ, sung sướng lắm.

Chú chưa có vợ con gì, dù đã hăm mấy tuổi. Mẹ tôi có làm mai cho chú mấy đám mà không thành. Mấy cô gái quê tôi thì chê quê chú nhà quê hơn quê tôi, chê chú là “nậu đầm”, ai mà muốn gã con xuống “đầm”. Có lẽ quê chú ở gần biển, nên lúc thủy triều lên, nước biển tràn vào nhà, khi nước rút đi để lại đất bùn dơ dáy, như một cái đầm lầy, nên người ta gọi là “đầm” chăng? Chú cũng không thấy thế mà buồn, gương mặt chú lúc nào cũng tươi cười, vô tư, thản nhiên lắm.

Mà đúng quê chú là “đầm” thiệt và chú cũng là dân “nậu đầm” thiệt.
Tôi nói vậy vì có một lần, do công việc cần kiếp, mẹ tôi sai tôi xuống kêu chú sáu Quắn lên làm việc. Tôi một mình đi bộ từ nhà tôi đến ngã ba Chiên Đàn, rồi hỏi thăm người ta xuống “đầm”. Người ta chỉ đến đâu, tôi đi theo đó. Qua một trảng cát rộng, đi rát cả chân, vì tôi lội bộ bằng chân không chứ đâu có guốc giép gì. Tôi bước trên trảng cát như đi qua sa mạc, không một bóng cây, chỉ có những hàng dương liễu lơ thơ. Cát nóng trong buổi trưa nắng cháy, thế mà tôi lầm lũi đi, đên cả mấy tiếng đồng hồ mới tới nhà chú sáu Quắn, nên bàn chân dộp lên, đau rát lắm.

Nhà chú đúng là một cái chòi. Bà mẹ chú đôi mắt bị “nheo”, có lẽ vì gió cát và nước mặn thổi suốt ngày nên ở đây ai cũng bị “nheo” mắt – đôi mắt cứ nhíu nhíu, đầy nước mắt và ghèn.

Nhà chú đúng là cái chòi, mấy miếng tranh gát trên mái và được che chắn chung quanh bằng những tấm mành mành. Mẹ chú đi bắt ốc mò cua, được chút gì thì đem lên chợ Chiên Đàn bán mua gạo và thức ăn. Hai mẹ con sống heo hút trong cái chòi nhỏ bé đó.

Thấy tôi xuống kêu chú lên nhà tôi đi làm, chú mừng lắm.
Giọng chú xăng xái:
– Ê cu em. Mi đi một mình xuống đây hả? Ai chỉ đường cho mi.
Tôi liếng thoắng:
– Thì tui hỏi người ta.
– Trời ơi, cái chưn mi đỏ kìa, sao không nói mẹ mi mua cho đôi giép.
– Tui đi chân không quen rồi, đi giép không được.
– Thôi ngồi đó đi, tau nướng cho củ khoai ăn rồi tau cỏng về.

Chú vào bếp nướng cho tôi củ khoai lang, rồi chú cỏng tôi lên lưng, vì chân tôi bị cát nóng sưng dộp lên từng mảng đỏ. Chú cỏng tôi trên lưng đi băng băng qua cái nổng cát dài, băng băng qua mấy con suối, rồi lên đi đường bộ đến nhà tôi một mạch mà chú không mệt tí nào.

Chú có một cái tài là trèo cây và bắn chim. Khu vườn nhà tôi trồng rất nhiều cây to, cành cây là xum xuê mát cả một khu vườn. Mùa hè thì mát lắm, nhưng đến mùa đông thì quê tôi thường hay bị bão, lụt, nên cha mẹ tôi nhờ chú sáu Quắn leo lên chặt những cành cây to hoặc đốn hẳn cây nào quá già. Lúc này chỉ có cưa tay chứ chưa có cưa máy, nên công việc đón cành, cắt lá rất khó khăn. Những cây to, muốn cưa cành thì chú phải leo tuốt lên trên cao, rồi ngồi bám vào một chỗ nào chú thấy chắc chắn và chú bắt đầu cưa. Tôi đứng phía dưới nhìn thấy chú treo trên cao như vậy, chỉ nhìn cũng đủ thấy ngợp thở rồi, huống hồ gì chú từ trên cao ngó xuống, thế mà chú tỉnh bơ như không. Còn chú bắn chim thì thật là thiện xạ.

Trong những khu vườn mùa hè, chim chóc bay kêu ríu rít trong những chùm cây rậm, những con chim cu đậu tuốt trên ngọn những cây gòn, thế mà chú đứng dưới dùng ná cao su nhắm bắn, không sai chạy một li.
Chú còn có một ngón nghề nữa là chặt tre. Nhà tôi có một hàng tre dài cao vút, rậm, mọc khít nhau. Nhiều bụi tre đứng từ ngoài nhìn vào không biết cây tre xuất phát từ đâu. Nhìn từ bên ngoài, cha tôi muốn chặt mười cây này, cây này…vì cha cần tre vót nan để đan gàu giai, gàu sòng hay đan thúng, mủng, rổ, rá hay làm lạt cột. Cha tôi chỉ mười cây thì chú sáu đón ngay mười cây đó ngay chốc, không sai cây nào.

Nói con gái quê tôi không ưng chú thì cũng đúng. Họ không yêu chú vì nhà chú quá nghèo. Con gái về làm dâu xứ “đầm” quanh năm suốt tháng sống với bùn lầy nước đọng thì ai cũng ớn, nhưng nhìn chú sáu với thân thể cường tráng của một lực điền như vậy, thì cô thôn nữ nào không mê.
Trong đó có mối tình với chị Mỹ Ly.

Mỹ Ly là tên của cô sáu Cần, con ông Học gần nhà tôi.
Nhà cô Cần cách nhà tôi chỉ có cái bờ rào tre và một đường mương thôi. Cô Cần mười tám tuổi, không đẹp nhưng có duyên. Cô có khuôn mặt bầu bầu, hàm răng trắng đều xinh xắn.

Một lần cô Cần gặp chú sáu đang chặt tre bên hàng rào nhà tôi, giáp với vườn ông Học, thấy chú sáu là người lạ, nhưng trông cường tráng, khoẻ mạnh, đẹp trai, nên cô Cần lân la lại gần hỏi chuyện:
– Anh chặt tre cho cậu Khiêm hả?
Chú sáu trả lời:
– Ừ thì chặt tre.
– Chặt làm gì?
– Thì đan bồ.
– Đan bồ làm gì?
– Nghe ổng nói đan bồ đựng lúa, chứ để lúa ở ngoài, chuột ăn hết.
– Anh tên gì?
– Sáu Quắn.
– Tên gì lạ kỳ, tóc anh đâu có quăn.
– Thì cha mẹ đặt vậy.
Thế là hai người quen nhau.

Cô Cần là một thôn nữ, nhưng cũng có chút máu học đòi thành thị. Cô có chiếc xe đạp dàn đầm, một ngày chạy đi đi về về từ Quán Rường xuống Tam Kỳ học may. Cô Cần biết thoa son đánh phấn, biết làm duyên với chú. Sau này cô còn phi dê mái tóc cho quăn tuýt lên và bịt một hàm răng vàng sáng chói, thật đúng là “cười lên đi cho răng vàng sáng chói”. Về sau cô bỏ tên Cần quê mùa để lấy tên là Mỹ Ly.

Trong một buổi văn nghệ ở đình An Mỹ, cả hai cùng đi coi. Buổi văn nghệ có anh Lương diễn kịch, chú Trà diễn tuồng, chị Khiêm ca tân nhạc Gạo Trắng Trăng Thanh cũng hay lắm.
Duyên đâu mà khán giả đi xem cũng hai, ba trăm người, mà chú sáu lại đứng gần chỗ cô Cần.

Khi cô hai Khiêm lên hát bản Gạo Trắng Trăng Thanh, đến đoạn… Đêm chơi vơi gạo cười tươi, như chuyền hơi ấm ấm lòng người…hò hô hò… thì tay chú sáu và cô Cần đã nắm chặt lấy nhau.
Mối tình của chú sáu Quắn và cô Cần chỉ đến đó.
Một hôm, cô Cần hỏi:
– Quê anh Quắn ở đâu vậy?
– Ở Đồng Rạ chứ đâu.
– Đồng Rạ là dưới “đầm” hả?
– Chứ đâu nữa.
– Dưới đó bùn lầy không à, làm sao sống, làm sao mang giép, mang guốc.
– Thì sinh ở đó thì sống ở đó thôi.
Cô Cần từ từ rút tay chú sáu ra khỏi tay mình và lẳng lặng bỏ đi.

*
Đó là chú sáu Quắn làm ruộng cho nhà tôi là vậy, hiền từ, dễ thương là vậy, mà khi “giải phóng” đến quê chú, chú cũng phải theo, cũng vác súng AK, cũng đi bắn sẻ, đi đắp mô, đủ hết.
Và cuối cùng, chú phải lãnh một viên đạn M16 của lính biệt lập ông Liệu, phục kích đón lỏng mấy ông du kích tối tối mò về.

Mẩu đạn M16 ghim vào lồng ngực chú, nhìn phía trước như một vệt mực nhỏ, nhưng nhìn phía sau lưng, một vòm da thịt rộng bị phá nát, máu đóng thành vũng. Lính phe quốc gia còn đặt dưới lưng chú một quả lựu đạn đã rút chốt, để đồng bọn chú có tới lấy xác chú, thì sẽ bị nổ, sẽ bị chết thêm. Cũng may, cái trò nầy du kích gặp hoài nên rút kinh nghiệm, bỏ mặc chú sáu Quắn nằm đó, không ai giám mò tới.

Xác chú được để mấy ngày, ruồi nhặng bay đậu đầy, rồi nắng gắt làm mùi hôi bốc lên thúi kinh khủng. Dân chúng nghe mùi hôi thúi không chịu nổi nên than vản, khiến trung đội trưởng nghĩa quân phải ra lệnh cho một anh nghĩa quân viên lấy dây buộc vào chân chú, rồi chạy ra, đứng từ xa mà kéo xác. Khi xác chú nhích lên thì một tiếng nổ ầm long trời lỡ đất bùng lên. Xác chú bay tả tơi, quần áo banh hết, rơi lả tả, da thịt, tay chân rơi ào ào, tứ tán.

Đúng như lời một bản nhạc “người chết hai lần, thịt da nát tan.”
Chị Cần nghe tin chú Sáu chết, có khóc thầm mấy tuần rồi cũng quên.
Không ai biết về mối tình đó, chỉ có tôi, chị sáu Cần kể tôi nghe, khi tôi đã lớn…

Trần Yên Hòa

1 2 3 4 5 9