Lưu Trữ
Trúc Thanh Tâm
Khúc Bolero Cho Em
Tóc dài và mắt em xưa
Người đi buổi đó vẫn chưa thấy về
Tháng mười mưa gió lê thê
Ai còn hát khúc Bolero buồn
Chiều nay đón nhỏ tan trường
Mai kia mốt nọ đâu còn đón đưa
Nhớ lần hai đứa trú mưa
Nhỏ cứ sợ ướt nép vừa vào tôi
Ngoài trời nặng hạt mưa rơi
Lòng tôi nhỏ biết đầy trời bão giông
Nhỏ ôm kỷ niệm sang sông
Nhỏ cười hay khóc khi lòng tôi đau
Xin đừng dỗ ngọt đời nhau
Nhớ quên rồi cũng một màu thê lương
Có ai qua khúc sông buồn
Vớt trăng chết đuối giữa trường giang, sâu !
Trúc Thanh Tâm
***
Hồ Chí Bưu
Một Mình
Em về tóc gió thôi bay
Và con đường nhỏ dấu hài còn ghi
Em về trang điểm Tây Thi
Mới hay phố cũ người đi xa rồi
Sông đời thuyền lửng lờ trôi
Vào nơi mặc định của thời hoang sơ
Thâm cung – chiếc lá đề thơ
Nhặt lên mới biết tình cờ lá rơi
Còn đâu ánh mắt môi cười
Còn chăng dư ảnh của người cố nhân
Hửng hờ một nỗi phân vân
Thì thôi mộng đẹp chỉ ngần ấy thôi
Còn đây những áng mây trôi
Quạnh hiu một góc hiên đời lãng phai
Thơ buồn chẳng biết tặng ai
Tặng ta để nhớ những ngày không em…
Hồ Chí Bửu
***
Lê Thị Ngọc Nữ
Xe Đạp
Chiếc xe đạp xinh xinh
Cô bé tươi như nắng
Khoảng trời thu chợt lặng
Đắm chìm nụ cười duyên
Lung linh lúm đồng tiền
Bên nét môi rạng rỡ
Chiếc xe đạp một thuở
Gợi nhớ thời học sinh
Không gian xanh yên bình
Ngát thơm hương hoa cỏ
Răng khểnh gieo bỡ ngỡ
Tóc mây chạm bờ vai
Nghiêng nghiêng bóng chiều say
Mắt long lanh cười nụ
Cô bé càng quyến rũ
Xe đạp chở trời thu…
Lê Thị Ngọc Nữ
***
Nguyễn An Bình
Gõ Cửa Mùa Thu Hà Nội
Tìm trong màu mắt em trong
Hương sen Tây Hồ thơm ngát
Tiếng sâm cầm trong sương sớm
Mênh mông bờ bãi sông Hồng.
Qua cầu Long Biên thép gỉ
Thấy một Hà Nội trầm tư
Theo em dịu dàng xuống phố
Mơ gì trên những cửa ô?
Tìm trong Hà Nội nồng thơm
Sắc hoa Ngọc Hà xưa cũ
Ai gánh mùa thu qua đó
Ngậm ngùi lăng miếu ngàn năm.
Tiếng chuông buông chiều lặng lẽ
Se lòng cỏ biếc chân đê
Khẻ chạm vào từng vân đá
Nghe hồn thiên cổ quay về.
Vàng tươi trên từng tán lá
Nắng dịu dàng theo gót em
Mùa thu khẽ khàng tha thiết
Long lanh bóng nước Hồ Gươm.
Gõ cửa mùa thu Hà Nội
Chút tình sương khói mong manh
Mùi cốm vòng trong se lạnh
Nghiêng lòng Hà Nội vào đêm.
8-11-2017
Nguyễn An Bình
Hồ Chí Bửu
Giả Sử…
Giả sử em là hoa hướng dương
Ta làm tia nắng của yêu đương
Tất nhiên hoa sẽ vương theo nắng
Nắng gởi men tình hoa gởi hương
Giả sử em là hoa Tường Vi
Ta cười mà chẳng nói năng chi
Để cho hoa sẽ hoài e ắp
Ta cố làm như chẳng biết gì
Giả sử em là hoa Cúc vàng
Nở trong vườn đẹp chốn nhân gian
Để hoa rung nhẹ – ta làm gió
Ve vuốt cành hoa kẻo vội tàn
Giả sử em là…giả sử thôi
Ta làm đối kháng của hoa rơi
Tình ta là cả khung trời rộng
Chan chứa trăm năm một kiếp người…
Hồ Chí Bửu
***
Đức Phổ
Gởi Tình Qua Biển
Bây giờ trên những con đường em đi
sẽ cỏ hoa và mây hiền buổi sớm
có thể mưa giăng hay gió chướng buổi chiều
em chớ vội kéo nghiêng tình nón
lá yêu kiều sẽ rụng. Tội vai thon!
Biết đâu chừng trên lối em đi
sẽ rất bướm và ong khát nhụy
em nhớ khép đôi tờ mộng mị
để khi về hơi hám vẫn nguyên trinh!
Có thể rằng trên lối em đi
sẽ có lắm chông gai phía trước
đừng e ngại làm chùng chân bước
bởi bên em đã sẵn bóng anh dìu!
Có thể rằng trong những giấc khuya
em sẽ lạnh vì thiếu làn hơi đắp
hãy khêu lên ngọn tình đang héo hắt
gọi tình về có nghĩa đã yêu đương!
Và có thể… Ngày sau… Có thể
mỗi buồn vui là mỗi bước thăng trầm
hãy nồng mặn như gởi tình qua biển
gió muôn trùng biết thổi tới em không?!…
Chuyện Thế Gian
Có những điều không thể nói ra
Mà giữ trong lòng thêm nặng
Đâu có dễ làm người vô cảm
Sống càng nhiều hệ lụy càng sâu!
Hết những chiều tà đến những sớm mai
Con người lăn theo vòng quay cơm áo
Đường danh lợi và đường an phận
Luôn có nhiều lối rẽ khác nhau.
Thử ngồi buồn lặng lẽ đêm thâu
Mới biết con dế con trùng cũng cần hô hấp
Thử làm người lao công cực nhọc
Mới thấy người bóc lột là bất lương.
Thử đứng nghiêng về 1 phía
Sẽ thấy đời chông chênh
1 bên vực thẳm 1 bên rừng sâu
Sẽ thấy mình hiu quạnh.
Thử sống trong vùng bão xoáy
Mới quý thời biển lặng sóng yên
Thử làm 1 người chân thật
Mới thấy xót xa cho kẻ dối gian.
Thử là chim sống trong lồng
Mới thấy khát khao trời cao đất rộng
Thử làm người nô lệ
Mới hiểu cái khôn cùng của mơ ước tự do.
Thử sống lãng xa yêu dấu
Mới biết lòng quạnh quẽ sắc hương
Thử sống bên ngoài tổ quốc
Mới biết yêu sâu sắc nước mình…
Những nấm mộ
Chỉ để chôn người chết
Chẳng thể nào chôn được chuyện thế gian!
Đức Phổ
***
Hoàng Định Nam
Lòng tôi, một thời , là rừng hoang.
Em, con thú nhỏ ,dạo lối mòn.
Vết chân để lại trên bờ suối.
Nước trôi hoài chưa xóa hết dấu son.
Lòng tôi, một thời, là phố thị.
Phố đông người, phố vẫn nhận ra em.
Em qua đó một lần, rồi xa khuất.
Chút bụi hồng lưu lại vẫn có tên.
Lòng tôi, một thời, là sông vắng.
Em, cánh buồm, thiếu gió xuôi trường giang.
Sông hoang lạnh cả đôi bờ lau sậy.
Thuyền trôi rồi,gợn sóng mãi chưa tan.
Lòng tôi, một thời, là sa mạc.
Em cơn mưa qua đấy một lần.
Mưa tan nhanh trả lại trời nắng cháỵ
Sao cát vàng giữ mãi giọt nước xanh.
Lòng tôi, một thời, là bão tố
Em ,cành mềm,lả ngọn ,bình yên.
Trường lớp ấy, em đi về mấy buổi
Có buổi nào em học chuyện nhân duyên?
Lòng tôi, bây giờ, là cổ viện
Bảo tàng những kỷ niệm xa xưa .
Em có đến, mời em, người du khách.
“…vâng! ngày tàn, nên hoang vắng, xin thưa”
Hoàng Định Nam
***
Lê Thị Ngọc Nữ
Đông
Đông chớm nụ dã quỳ
Mỉm cười rung rinh gió
Đông đã về đến ngõ
Ngọn thông xạc xào reo
Đông về ngang lưng đèo
Sương mù giăng phố núi
Đông ghé qua con suối
Nước mừng róc rách vang
Đông về trong mơ màng
Ươm tình ca trong vắt
Đông về cùng ánh mắt
Đôi tình nhân đắm say
Đông về anh có hay?
Giấc mơ ta còn nợ
Đông ngày xưa gặp gỡ
Tình đọng mãi đến giờ…
Lê Thị Ngọc Nữ
***
Nguyễn An Bình
Cuộc Tình Tháng Ba
Tháng chín nào còn rơi trong mắt em
Màu nắng lung linh một thời xa lắc
Hoa khế li ti ngược chiều bay mất
Để lại con đường sầu chẻ chia hai.
Chẳng lạ gì đâu nắng sớm mỗi ngày
Thành phố em qua nhạt nhòa ký ức
Tiếng dế ngâm sương mấy mùa thao thức
Mới thấy đời mình nhiều sợi tóc phai.
Em đâu còn về chắt lọc mưa mai
Nhớ tháng chín xưa hẹn hò đến lớp
Đường dù xa – mưa tình cờ bất chợt
Tim bỗng vui tìm giây phút gần nhau.
Hạnh phúc đành thôi giọt rượu không màu
Chảy xuống đời tìm thời gian đọng lại
Mong manh lắm lá hoàng hôn trốn chạy
Ngỡ tháng chín còn trong trái tim nhau.
Cần Thơ của tôi tháng chín thuở nào
Đường Ngô Quyền bao nhiêu năm vẫn thế
Tôi trở lại nhìn sông trôi lặng lẽ
Đưa một người – tím cánh lục bình xa.
Áo tương tư vàng lắm một mùa hoa
Em chiếc lá giữa dòng đời xuôi ngược
Đi qua hết thời thanh xuân lỡ bước
Một mình tôi tìm vạt áo ngày mưa.
Nguyễn An Bình
***
Lê Thị Ngọc Nữ
Nha Trang Mùa Thu
Đón ngày mới chào bằng tiếng sóng
Gió buông tơ dạo phím đàn dừa
Nắng pha lê trong vắt đong đưa
Mùa thu hát cùng Nha Trang biển
Ta có một chút gì lưu luyến
Vinpearl land nổi tiếng thiên đường
Đến bao lần ta vẫn mến thương
Nhớ cà phê thơ vương cùng bạn
Người Nha Trang dễ thương vô hạn
Gặp gỡ rồi nhớ vạn ngày sau
Như tình yêu con sóng lao xao
Cây Phong Ba tự hào bên biển
Mùa thu ơi, thơ trào bật tiếng
Khúc nhạc lòng xao xuyến san hô
Dấu chân in cát trắng ven bờ
Hòn Tằm vẫy, đón chờ hội ngộ.
Lê Thị Ngọc Nữ
Trúc Thanh Tâm
Khúc Bolero Cho Em
Tóc dài và mắt em xưa
Người đi buổi đó vẫn chưa thấy về
Tháng mười mưa gió lê thê
Ai còn hát khúc Bolero buồn
Chiều nay đón nhỏ tan trường
Mai kia mốt nọ đâu còn đón đưa
Nhớ lần hai đứa trú mưa
Nhỏ cứ sợ ướt nép vừa vào tôi
Ngoài trời nặng hạt mưa rơi
Lòng tôi nhỏ biết đầy trời bão giông
Nhỏ ôm kỷ niệm sang sông
Nhỏ cười hay khóc khi lòng tôi đau
Xin đừng dỗ ngọt đời nhau
Nhớ quên rồi cũng một màu thê lương
Có ai qua khúc sông buồn
Vớt trăng chết đuối giữa trường giang, sâu !
Trúc Thanh Tâm
Đêm Đầu Tiên
Trong Nhà Dưỡng Lão
Đêm đầu tiên má vào nhà dưỡng lão
Xót lòng đau, có còn cách nào đâu
Đời hồng trần đã mòn mỏi tiêu hao
Trí tuệ sáng, xác thân đau cùng kiệt
Con thì thầm theo tiếng lòng tha thiết
Má cố lên, rồi mọi chuyện qua thôi
Đom đóm cũng bồi hồi bên khung cửa
Như chờ gì, đêm buồn đợi ngày mai
Chưa muốn khóc… đã mặn môi vì bởi
Má ru đời trong giấc ngủ chắt chiu
Con nằm đây lòng hiu hắt tiêu điều
Leo lét sáng bên ngọn đèn lu tỏ
Con nhớ má nắm tay con thuở nhỏ
Ngày dắt dìu đêm trằn trọc không yên
Khi ấm đầu con hờn dỗi ưu phiền
Má bên cạnh tợ bà tiên hiền dịu
Thời gian trôi nốt thăng trầm muôn điệu
Làn tóc phai, môi mắt cũng nhạt màu
Con nơi đây, má nằm đó xanh xao
Đơn lạnh quá kiệt cùng đêm dưỡng lão…
Thảo Lan
***
Trúc Thanh Tâm
Tình Em Gái Hậu Phương
Tình thư lính với niềm thương nỗi nhớ
Gởi về em, em gái nhỏ hậu phương
Chiều phương anh sắc mây tím buồn buồn
Chiều phương đó có còn cơn mưa không nhỏ
Đợi chờ anh cho thời gian vàng võ
Những giọt sầu chìm vào giấc cô miên
Chiếc lá rơi hắt bóng những ngọn đèn
Em nghĩ sao khi làm người yêu của lính
Xin em hiểu dẫu xa lòng cách mặt
Tình ta bồi phù sa đỏ bến sông
Và sáng nay màu nắng đẹp vô cùng
Gió lay khẽ những nụ hồng chúm chím
Giọt nước mắt của hôm nào đưa tiễn
Đến bây giờ vẫn rung động đời nhau
Mắt môi em còn đó dấu yêu đầu
Vườn đời anh mùa xuân về mở cửa
Mây yểu điệu hẹn hò cùng với gió
Ngoài xa kia đan trắng một vùng mưa
Mai anh về em ơi em đừng khóc
Cánh thiệp hồng thơm ngát giấc mơ xưa!
Trúc Thanh Tâm
***
Nguyễn An Bình
Mùa Trăng Thiếu Phụ
Chìm đáy cốc em về trong sương khói
Tiếng cười trong xanh thuở tuổi hai mươi
Đôi mắt ướt ươm mùa thu cổ tích
Gió heo may vừa chớm nụ vàng rơi.
Em từ độ chim quyên rời bỏ núi
Bước thiên di trên cánh mỏng ngang trời
Mưa cõng nắng qua mùa thu trống trải
Bỏ sau lưng cây vắng một đời thôi.
Chìm đáy cốc men tình ta đã cạn
Cỏ yêu đương se kết có một lần
Môi đã ngọt chảy từ trăm năm trước
Đâu hay người về từ cỏi xa xăm.
Ta nào biết thời gian không có tuổi
Nên hoài trông từng sợi tóc vừa rơi
Ai sẻ chia cùng ta thời hoạn nạn
Hoàng hạc bay xao xác cả mây trời.
Em hãy uống cùng ta mùa thu cũ
Những triền sông xuôi ngược suốtbãi bờ
Đã trôi mất bao mùa trăng thiếu phụ
Rụng xuống hồ chếnh choáng một vần thơ.
20-9-2017
Nguyễn An Bình
***
Nguyễn Đức Nhơn
Gởi Cho Em
Tháng ngày trôi như bóng câu cửa sổ
Sao em còn giữ mãi không buông?
Sao không để cho lòng thanh thản
Nhẹ nhàng bay như khói hoàng hôn.
Mời em cùng ta ra bãi biển
Nhìn xa khơi bằng ánh mắt hiền hòa
Em sẽ thấy biển trời bát ngát
Và lòng mình cũng rộng rãi bao la.
Mời em qua Châu Phi, Châu Á
Để tận mắt nhìn nỗi khổ trần gian
Để em thấy mình vô cùng hạnh phúc
Vì chúng ta đang sống giữa Thiên đàng.
Em có thấy từng năm, từng tháng
Êm đềm trôi như bóng chiều qua
Tôi và em, hai xác người chưa chết
Thì cần gì lặn hụp giữa phong ba…
Cứ để cho mặt trời buổi sáng
Và buổi chiều mọc, lặn hồn nhiên
Em đã biết thế gian là cõi tạm
Sao còn chưa buông hết não phiền?
Hôm qua chúng ta mừng năm mới
Hình như em có chút mủi lòng
Ta cũng biết dù năm cùng tháng tận
Cũng chỉ là nhịp thở của hư không.
Nguyễn Đức Nhơn
***
Lê Ký Thương
Bánh Căn Đường Phố Sài Gòn
Một chiều Sài Gòn lất phất mưa, chạy xe trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tình cờ bắt gặp tấm biển nhỏ vỏn vẹn dòng chữ :”Bánh căn Phan Rang” treo trước căn nhà mặt tiền, lòng bỗng dưng nhớ đến hình ảnh bà Tự mỗi sáng ngồi đổ bánh căn ở cái thị xã nhỏ nhất miền Trung và cũng hiền hoà, bình yên nhất miền Trung trước năm 1975. Bánh căn vốn là món ăn dân dã, chỉ có ở miền Trung, người miền Bắc và miền Nam khi nghe nói đến, họ không thể hình dung ra là món gì.
Hồn Sách Cũ
Tôi chẳng nhớ cái máu mê sách cũ đã “lậm” vào người mình lúc nào… Hễ có tiền trong túi là phần xác dắt phần hồn tôi đến các cửa hàng sách cũ rẻ tiền trong thành phố. Ở đó, tôi có thể tìm mua được những quyển sách năm xửa năm xưa mà mình cần hay mình thích, với giá hợp túi tiền khiêm tốn của mình. Những quyển sách này hiếm khi được đứng đàng hoàng trên kệ. Chúng thường nằm lăn lóc dưới nền nhà, bụi bám đầy “người”, có khi thân hình còn nguyên vẹn, có khi rách một vài trang, có khi áo quần (bìa) nửa còn nửa mất, hoặc bị lột sạch, mùi ẩm mốc xông lên khiến mình có cảm giác không còn mũi để thở. Chúng giống như những đứa con rơi. Mà chúng bị bỏ rơi thật! Vì chủ nhân của chúng không cần chúng nữa, để trong nhà cũng vô tích sự, lại thêm chật nhà, chi bằng bán cho mấy bà ve chai được đồng nào hay đồng đó. Rồi mấy bà ve chai lại đem bán ký cùng giấy, báo loại cho các cửa hàng sách cũ… Nhờ thế, những người mê sách cũ như tôi mới có duyên may gặp được… “người tình trong mộng”.
Ân Tình Và Nước Mắt
1.
Tháng 10 năm 1970, khi nhà thơ Tô Đình Sự vào Sài Gòn nhận Sự vụ lệnh biệt phái về Ty Thuế vụ Cam Ranh, thì bạn bè ở Phan Rang hết sức bất ngờ và ngỡ ngàng hay tin anh chết bất đắc kỳ tử vì tai nạn ô-tô!Mới cách đó hai hôm, anh còn kéo tôi đi nhậu với “băng” Thuế vụ, dẫu anh biết rằng tôi vẫn là… cá lòng tong chuyên phá mồi. Tô Đình Sự khoảng một năm trước khi mất, tính tình anh thay đổi hẳn.Từ một người ít nói, sống nhiều với nội tâm, với những mất mát, những khổ đau trong kiếp người, dù đang thanh xuân, anh trở thành một người “ồn ào”, lúc nào cũng “oang oang cái mồm”, ưa “cà khịa” với bạn bè, rất dễ làm mích lòng nhau. Trường hợp cụ thể nhất là giữa Tô Đình Sự với Chu Trầm Nguyên Minh.
***
Nguyễn Đức Nhơn
Khóc Tây Thi
Mịt mùng đất Việt, trời Ngô
Lệ giai nhân chảy mờ Cô Tô đài
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai
Ngùi trông cố quốc mơ ngày hồi hương
Chạnh lòng nhau lắm Ngô Vương
Dặm ngàn một buổi đoạn trường chia xa
Ngẩn ngơ ta lại nhìn ta
Đất trời mù khói can qua lạnh lùng
Bao năm cá chậu chim lồng
Chôn vùi nhan sắc, nghìn tâm sự buồn
Hồng nhan nhi nữ tình trường
Làm thân con quốc kêu sương được gì
Nghìn sau ai khóc Tây Thi
Cho ta góp một chút gì cho nhau
Lựa lời nói với gươm đao *
Đừng đem máu lệ nhỏ vào thiên thu.
* Ý thơ Trần Yên Thảo
Nguyễn Đức Nhơn
***
Luân Hoán
Liêm Lạc, Làng Quê Nội
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng, về hướng Nam, khoảng mười một cây số, tính theo đường trải nhựa, cộng với đường đất, quê nội tôi là một làng quê xinh xắn, bốn mùa ấm áp tiếng chim.
Làng được mang tên Liêm Lạc, ý chừng muốn khoe khoang cái bản tính liêm khiết lẫn lạc quan của người dân trong làng. Những đường gió mạnh, những nguồn nước lớn, hằng năm vẫn không quên ghé thăm, nhưng con đất hiền hòa, hình như đã bao đời vẫn chưa hao hụt, sứt mẻ. Ngọn mạ xanh vẫn theo chân tháng ngày thành nhánh lúa, thành hạt gạo, thành cọng rơm, thành gốc rạ, khoan thai, thầm lặng, thật là thương.
Chắc chắn mẹ tôi có bà con gần xa gì đó với cụ Ông Ích Khiêm, ông tướng uy dũng nhưng không kém tài văn học, như lịch sử đã ghi chép. Tuy là dân quê nhưng mẹ tôi không trực tiếp làm nông. Bà thay chồng cai quản một số ruộng đất, cho tá điền làm ăn chia hoa màu. Trong thời gian chúng tôi đi tản cư, bà sống cùng với hai cháu nội. Cháu gái tên Thương, cháu trai tên Thiệu. Thương trạc tuổi tôi nhưng phải gọi tôi bằng chú. Cha của chị em Thương, anh ba Huân, đã qua đời, mẹ đã bước thêm bước nữa.
Này em yêu có biết, đêm đầu tiên tôi ngủ trong ngôi nhà của quê nội với bao nhiêu cảm xúc buồn vui. Từ một mái tranh vách đất, không giữ nổi cái lạnh của khí đá, núi đồi. Đến cái ấm áp của một ngôi nhà ngói đồ sộ, nhiều phòng. Tôi như gối phải những giấc chiêm bao khi chợp mắt. Cái mỏi của đôi bàn chân trong chuyến đi đã biến mất. Cái thoải mái của thân thể chợt đẻ ra cái nhớ nhung người mẹ và đứa em, đang ở xa tít trên núi rừng. Và mặc dù nằm cùng hai đứa cháu và chị Kim Anh, tôi cũng cảm thấy sờ sợ một cái gì đó.
Đêm ở quê nội thật ra không mấy yên tĩnh. Bóng tối đậy kín ngôi nhà. Đóng cửa cài chốt cẩn thận, nhưng không thể không nghe những tiếng dế, tiếng ếch nhái, tiếng tre trở mình trong gió và cách khoảng vài giờ, lại vang lên tiếng rít rờn rợn của đường đạn đại bác. Rồi một tiếng ‘bịch’ bất ngờ như đang va phải nóc nhà. Nhưng không, qua các song hở của loại cửa gỗ lá sách, tôi thấy bên ngoài trời sáng như đêm có trăng. Đó là những quả hỏa châu từ đồn Quá Giáng, bắn cầm chừng, để quan sát. .
Qua đêm đầu tiên với làng quê Liêm Lạc, tôi được ba tôi dẫn ra mắt ông nội và một số chú cô ruột thịt. Những người đang hiện diện trên con đất chôn nhau cắt rún của mình. Trên con đất mà bia mộ tiền hiền còn đang được xây thành, đắp cao giữa mặt ruộng trước nhà. Và những người khuất mặt được tập trung, nằm lộn xộn ngó trời trong đất vườn Thơ Sĩ, một tên gọi có thật không thi vị hóa.
Ông nội tôi là một nhà nho, đã già. Ông ở một mình trong ngôi nhà ngói cổ kính. Kiến trúc khá giống một ngôi chùa. Nhà ông tôi nhỏ hơn ngôi nhà của ba tôi, nhưng hai cái sân gạch thì lớn gần bằng nhau. Quanh sân gạch nhà ông không có thành rào. Ở bên phải hướng mặt nhà ngó ra, sân nhà ông tiếp giáp sát vách thành rào nhà ba tôi. Thành rào cao quá đầu tôi. Phía dưới xây kín, nửa trên được để hở từng ô vuông đều nhau. Bề mặt tường khá rộng. Chiều chiều bọn trẻ láng giềng thường hay leo lên, ngồi thòng chân hai bên, làm những động tác như đang lái xe, hay cỡi ngựa.
***
Nguyễn An Bình
Con Mắt Phú Yên
Có phải em con gái Tuy Hòa
Neo tình tôi sau mấy ngõ hoa
Để hương nắng sớm tràn lên tóc
Dừng bước giang hồ bụi đường xa.
Theo dấu chân em bước qua cầu
Đà Rằng mấy nhịp gởi về đâu?
Hay tình theo nước xuôi Đà Diễn
Núi Nhạn ngàn năm đứng dãi dầu.
Hùng Vương ánh điện đèn giăng sáng
Sông Chùa in đáy nước đêm thơ
Em về ngang đó soi bến nước
Con mắt Phú Yên có đợi chờ.
Đụn rơm vàng óng trước nhà ai
Thấy mắt em vui phía Chóp Chài
Đàn bò gặm cỏ qua sông cạn
Bóng đổ dài theo những nương khoai.
Triền dốc mùa nầy lau trắng rợp
Vàng hoa mướp nở rộ sông Ba
Hình như tháng tám mây trong lắm
Dưa xanh đồng bãi mượt phù sa.
Con mắt đa tình em Phú Yên
Chiều về lộng gió cát Bãi Môn
Con sông lau sậy buồn không nói*
Giữ mãi tình em sóng Đà giang.
Tuy Hòa, tháng 8-2017
* Con sông lau sậy: Ea Drăng
theo nghĩa của từ Chăm cổ, một cái tên khác của sông Đà Rằng.
Nguyễn An Bình
***
Nguyễn Đức Nhơn
Một Đêm Thu
Mong gặp em sau bao ngày xa cách
Hai phương trời mờ mịt bóng mây giăng
Tôi nhẹ bước qua ngõ buồn hiu hắt
Đêm thu về nhớ quá một mùa trăng!
Trời chớm thu gió thu lành lạnh
Sương giăng mờ lối nhỏ bước chân khuya
Theo ngõ vắng lần về thăm xóm cũ
Bao lâu rồi, qua hết mấy mùa mưa ?
Em hỡi em
Người em bé nhỏ
Đã cùng tôi hò hẹn một đêm thu
Dưới ánh trăng khuya em tựa đầu thỏ thẻ
Anh đi rồi buồn lắm anh ơi!
Rồi ngày lại ngày qua
Tôi vẫn đi biền biệt
Ngôi làng cũ đã tràn lan bóng giặc
Người tôi yêu chờ đợi mỏi mòn
Nàng bước theo chồng trong tấc dạ héo hon
Tôi vẫn đêm đêm mắt trừng canh bóng giặc
Người em gái tôi yêu
Chưa một lần biết khóc
Thôi hết rồi người em gái tôi ơi!
Trời chớm thu lá vàng rơi trước ngõ
Tôi lại đi
Một lần nữa ra đi
Nhưng đêm nay
Không có bàn tay bé nhỏ
Cầm tay tôi bịn rịn buổi phân ly
Em hỡi em người em tôi yêu
Có bao giờ gian dối ?
Buồn trong tôi vời vợi
Khúc nhạc tình
Quấn quít mãi không thôi
Đêm nay buồn lắm em ơi
Tôi đi dưới bóng sao trời lưa thưa…
Nguyễn ĐứcNhơn
***
Nguyễn Đức Nhơn
Cũng Đâu Muộn Màng
Lạc nhau từ thuở sơ sinh
Trong cơn mê loạn giật mình nhớ nhau
Dặm ngàn hun hút vó câu
Ba ngàn thế giới còn đâu chưa tìm ?
Hay là em ở trong tim
Còn ta thì mãi đi tìm vu vơ
Đường còn xa lắc xa lơ
Mà ta thì đã mệt phờ tóc râu
Ừ, thì cũng rán chờ nhau
Một ngàn năm nữa cũng đâu muộn màng !…
Nguyễn Đức Nhơn
***
Nguyễn Đức Nhơn
Bướm Trắng
Em về gió lộng tóc bay
Mùa hoa vàng mộng nở đầy lối xưa
Dáng gầy tà áo đong đưa
Giọt sương chiều muộn cũng vừa vỡ tan
Dòng êm, con nước mơ màng
Gió lay bờ mộng, hai hàng liễu buông
Sắc trời nhuộm đỏ chiều hôm
Trắng hoa bờ giậu cánh chuồn chuồn bay
Em về có ở lại đây?
Tôi gieo mộng giữa ban ngày mà vui
Ra ngồi giữa đám vòi voi
Trắng hoa, trắng cả lòng tôi giữa trời
Em về rồi lại đi thôi!
Bỏ sau lưng một vành môi hững hờ
Tôi ngồi dệt nốt bài thơ
Hóa con bướm trắng nằm mơ ban ngày!
Nguyễn Đức Nhơn
***
Nguyễn Thị Thanh Dương
Bão Về Texas
Harvey đến Texas
Với sức gió kinh hoàng
Thành phố nhỏ Rockport
Sau một đêm điêu tàn
Biển Corpus Christi
Giờ đã lặng sóng chưa
Những con đường ẩm ướt
Cây gãy đổ bơ vơ
Harvey vào đất liền
Thành cơn bão nhiệt đới
Mưa xuống vùng Houston
Phố chìm trong lụt lội
Mưa như không ngừng nghỉ
Cơn mưa không mong chờ
Tội nghiệp những thành phố
Đắm chìm trong gió mưa
Bảng tên đường che khuất
Biết đi đâu về đâu?
Bốn bề mênh mông nước
Đời như một bể sầu
Con người thành bé nhỏ
Trước cuồng nộ thiên nhiên
Hàng cây buồn tơi tả
Cột điện buồn ngả nghiêng
Thuyền trôi trên phố nước
Trực thăng trên mái nhà
Giúp người dân di tản
Trời vẫn còn gió mưa
Tạm biệt mái nhà yêu
Đến một nơi nào đó
Chờ gió lặng, mưa thôi
Ta lại về chốn cũ
Harvey đến Texas
Mai bão đến nơi nào
Lời chúc lành cho nhau
Được bình yên may mắn.
August 29-7-17
Nguyễn Thị Thanh Dương
***
Nguyễn Đức Nhơn
Mười Năm Nợ Nần
chiều nghe loáng thoáng màu thu
lá xanh níu
lá vàng đu trên cành
ta ngồi tiếc lá màu xanh
nhớ xưa trót lỡ tành hanh với người
ruột gan bày hết ra ngoài
nợ nần nhau biết có đòi được không?
giữa trời
giữa đất mênh mông
giữa ta
em vẫn còn trong tâm hành
giữa ta
còn chút bàng hoàng
giữa em
còn chút lỡ làng duyên xưa
giữa đời
còn chút mộng mơ
rớt trên nỗi nhớ ta vừa mới nhen
giữa đêm
lẳng lặng trước đèn
giữa đêm
lẳng lặng hồn len vào hồn
mười năm
trời!
nợ vẫn còn
mười năm
ta đã thấm đòn rồi em!
Nguyễn Đức Nhơn
***
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Chiều Không Yên Tĩnh
Anh thấy không mùa hè đâu cần hẹn
Vẫn ung dung tìm đến dẫu không chờ
Chạnh lòng ai một thoáng nhớ vu vơ
Tiếng ve ngân khiến chiều không yên tĩnh
Những cánh cửa vẫn từ lâu khép kín
Nhốt bên trong một khoảng tối u buồn
Và hoàng hôn thầm lặng thẩn thờ buông
Ngày vội vã vì ngày cô đơn quá
Những con đường vừa quen vừa rất lạ
Một thuở nào vẫn đón chúng ta qua
Mưa rơi rơi, không gian ướt nhạt nhoà
Chiều lặng lẽ, tiếng ve như giận dỗi
Bài hát xưa bỗng nhiên buốn quá đỗi
Nơi thẳm sâu hồn em cánh phượng tàn
Mùa hạ về cao nguyên thiếu nắng vàng
Mưa rã rích, sũng ướt tình đơn lẻ…
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
***
Yên Sơn
Thời Gian Gõ Nhịp
Thăng trầm với tháng ngày qua
Bao nhiêu trăng khuyết trăng tà còn đây
Ráng chiều vàng vọt chân mây
Mờ xa cánh nhạn gọi ngày dửng dưng
Chung quanh trước mặt sau lưng
Màu thu đã úa trên từng bước đi
Quay lưng ngó lại xuân thì
Chỉ nghe tiếng gió thổi vi vu buồn
Trăng vàng pha đục màu sương
Râm ran dế gọi canh trường dài thêm
Lẻ loi một bóng bên thềm
Khói xanh quyện với bóng đêm… ngậm ngùi
Cuối tháng 7-2017
Yên Sơn
***
Nguyễn Đức Nhơn
Một Chuyến Đi Xa
*nhớ ngày bỏ nước ra đi
Ta đi Sài Gòn đã vào thu
Gió cuộn mây về mộng viễn du
Quê cũ ra đi đành bỏ lại
Một cõi trời Nam bổng biệt mù
Ta đi người ấy có buồn không?
Chân trời góc bể còn gì mong
Một ngày trở lại thăm làng cũ
Có ngọn dừa xanh giọt nắng hồng
Ta đi không giả từ bè bạn
Không kịp hẹn hò lúc biệt ly
Ngoảnh lại nhìn em đôi khóe mắt
Đỏ dần theo mỗi bước người đi
Ta đi về phía chân trời đó
Lờ lững trên mây chiều hoang vu
Bangkok! Bangkok! chiều Bangkok!
Sao quá lạnh lùng ngọn gió thu
Ta đi, ta đã đi rồi nhỉ?
Không biết nên buồn hay nên vui?
Phố phường Bangkok đông người quá
Ngoảnh lại nhìn quê bỗng ngậm nguồi.
Nguyên Nhung
Nhánh Sông Ngậm Ngùi
Tôi không bao giờ nghĩ mùa hè năm ấy, sau hơn ba mươi năm kể từ ngày từ giã mái trường, chút duyên xưa vẫn còn để tôi lại thấy Toàn trong đêm Hội Ngộ. Đời biền biệt trôi đi như dòng sông, cuốn những con thuyền ra biển xa. Sau khi nối lại được liên lạc với một người bạn cũ, hai đứa hẹn gặp nhau kỳ họp mặt Trường ở Toronto, hội ngộ với các bạn đồng môn trường cũ, để được sống lại những phút giây của tuổi học trò năm xưa.
Cuối cùng, bạn tôi lại không đến được vì một lý do bất ngờ, thế là chỉ mình tôi khăn gói lên đường với một mớ tâm sự ngổn ngang. Chưa bao giờ tôi nôn nao đến thế, như lần đầu tiên năm Đệ Thất được mặc chiếc áo dài trắng đồng phục bước vào ngưỡng cửa Trung Học, cô chị 12 tuổi bỗng thấy mình trở thành người lớn trước mấy đứa em còn đang học Tiểu Học. Hơn ba mươi năm rồi, một quãng thời gian khá dài đủ để cho những kỷ niệm ngậm ngùi và cay đắng đã nhạt nhòa đi, vậy mà chỉ hôm nay thôi, tôi nghe trái tim bừng bừng reo vui những nhớ nhung bao hình ảnh về trường xưa, bạn cũ, nhất là hình ảnh của ai kia một thời đã làm trái tim tôi đắm say, chất ngất, để rồi lòng cũng nát tan khi cuộc tình không trọn.
Nguyễn Đưc Nhơn
Tàn Thu
Âm buồn dạo khúc tàn thu
Giọng u trầm khóc biệt mù non xa
Lần theo gậy trúc mù lòa
Ta lên giọng hát bài ca độc hành
Tàn thu ta khóc một mình
Túi thơ bầu rượu xóa hình hài em
Tàu chiều khuất nẻo ga truông
Ta rung đùi nhịp khúc buồn từ ly
Tàn thu con nước thầm thì
Bờ khe rêu phủ xanh rì dấu xưa
Một cành hoa dại đong đưa
Nước dâng tới gáy còn chưa giật mình
Tàn thu em bỗng vô tình
Con dao chém ngược một mình ta đau
Chiếu chăng chừ đã phai màu
Thôi đành ôm mảnh chiến bào qua đêm…
Luân Hoán
Một Thời Qua Chợ Miếu Bông
Chợ Miêu Bông nằm cách quê nội tôi một dòng sông nhỏ. Đây là một ngôi chợ ở vùng quê, nhưng có chút hơi thở thị thành, nhờ không cách xa thành phố Đà Nẵng bao nhiêu, và nhờ những chuyến xe đò ngược, xuôi vẫn thường dừng ngay trước chợ. Vào đầu thập niên năm mươi, tôi có hai người bà con, thím Diên và bác Hội Du, buôn bán ở ngôi chợ này.
Nguyễn Đức Nhơn
Chào Thua
chập chờn
nửa tỉnh
nửa say
nửa yên phận bạc
nửa cây cú đời
theo em suốt mấy năm trời
chưa nghe em nói một lời yêu ta!
biết em
nửa chính
nửa tà
nửa nâng niu
nửa chà đạp nhau
than trời
trách đất được sao?
thôi đành
ngả mũ cúi đầu chào thua!
Nguyễn Đức Nhơn
***
Songthy
Hạnh Phúc Người, Hạnh Phúc Ta!
Cõi trầm luân đời ngoi mầm sống đẹp
Chốn tịch liêu ta hát khúc hoàn sinh
Vì trong ta máu lệ luôn chuyển mình
Rơi nước mắt là lặng thinh tâm sự
Chuyện tình yêu đã đi vào huyền sử
Thiên mệnh nào lực tận giải chưa xong
Nắng gió quanh đây se sắt cõi lòng
Mai trời sáng cuộc đời còn tiếp nối
Hạnh phúc người, ta cưu mang mấy nỗi
Hạnh phúc ta, ai có thể lo toan
Phải chăng đời người vốn dĩ bất toàn
Tâm hạnh phúc khi lòng ta buông bỏ.
Songthy
***
Nguyễn Đức Nhơn
Gởi Người Phương Xa
Cho dù không gian ảo
Cũng đủ để yêu đời
Cũng thường đêm mơ thấy
Một bóng người xa xôi
Sài Gòn xa vạn dặm
Nhịp cầu nào đủ dài
Nối hai bờ nhung nhớ
Nối hai bờ đông tây
Đêm thường đêm mơ mộng
Vơ vẫn ngoài chân mây
Những vần thơ êm ả
Rót vào lòng đêm say
Nắng giữa chiều Dallas
Sao lạnh buốt tâm hồn
Cho xin một đóm lửa
Về sưởi ấm hoàng hôn
Bài thơ không đoạn kết
Gởi cho người xa xôi
Như đôi vầng nhật nguyệt
Như những vầng mây trôi…
Nguyễn Đức Nhơn
***
Lê Vũ Trường Giang
Hồng Hoang Biển
Tôi rất thương Mẹ mỗi lần nhìn thấy khối cơ thể ấy vỡ vụn ra, nát tan từng mảnh trong ngôi miếu cũ. Mẹ nằm đó, trong cỗ quan tài bằng gương nhiễu điều phủ đỏ. Thân thể Mẹ màu xanh biển sớm, trong như màu mắt ngư phủ ngày cá đầy khoang. Phía bên trái quan tài, xiêm y màu phỉ thúy của Mẹ ánh lên thứ dung nghi trầm kha của đại dương sâu thẳm. Dân làng Việt Hải tôn thờ Mẹ, một niềm tin khả hữu của những đứa con suốt đời dầm mình trong gió mặn và biển chát. Mỗi lần cha tôi đi biển dài ngày thường đến miếu viếng Mẹ với một mâm lễ chuối, cau trầu, rượu và những thỏi trầm. Tôi thường xách giỏ đồ cúng chạy theo cha đi lễ, tất tả và hồn nhiên như một cơn sóng con.
“Nghề đi biển là vậy, phải có người chở che sóng gió. Nếu không cũng sớm làm mồi cho cá thôi”, cha nói.
“Thế Mẹ là ai hở cha?”
“Một nữ thần cưu mang những ngư phủ như chúng ta, những đứa con của Mẹ.”
Cha bắt đầu kể về Mẹ khi chúng tôi lạo xạo bước đi trên cát chiều khô gió. Giọng cha trầm xuống kính cẩn, một thứ giọng đầy hương muối, mùi liêu trai tôi chưa từng nghe bao giờ.
“Dân tộc ta gọi mẹ Âu Cơ là quốc tổ mẫu, thì Mẹ Thái Dương là Mẹ nuôi của làng ta đấy.”
***
Nguyễn Đức Nhơn
Giấc Mộng Cuối Đời
Ta sẽ dựng một chòi tranh nho nhỏ
Bên cạnh dòng suối nước chảy êm êm
Ta sẽ rủ một vài thằng bợm nhậu
Đến cùng ta bày tiệc rượu thâu đêm
Ta sẽ bẫy vài con chồn, con thỏ
Đợi cuối tuần ướp sả ớt xào lăn
Đám bạn bè còn đứa nào chết dở
Hãy về đây cùng uống rượu ngắm trăng
Ta sẽ vào tận rừng sâu, núi thẳm
Bới rễ cây mà tìm thuốc trường sinh
Khi buồn chán thì giả làm hảo hớn
Đốn cây rừng mà dựng trại Lương Sơn
Ta sẽ tạc tượng em trên đỉnh núi
Mượn mây trời dệt nốt mảnh xiêm y
Và sẽ mượn sao trời đêm lấp lánh
Kết thành xâu chuỗi ngọc lưu ly
Cho em lộng lẫy trên ngôi Hoàng Hậu
Và ta sẽ là một Quân Vương
Sẽ diễn nốt vở tuồng thiên cổ
Rồi trở về cùng cát bụi, mù sương!
Nguyễn Đức Nhơn
***
Nguyễn Xuân Thiệp
Đường Bạch Dương
Chiều Không Quán Trọ
Mưa tháng bảy. Mưa của đất trời. Mưa trên cõi người. Những tiếng mưa buồn dội xuống mái âm dương, nơi những hồn chết trở về thăm nơi chốn cũ. Và thơ chiêu hồn cũng thấm cái lạnh nghìn trùng của những giọt mưa rơi. Mà nói tới thơ chiêu hồn là phải nói tới trường thi Chiêu Hồn Ca Thập Loại Chúng Sinh (CHCTLCS) của Nguyễn Du.
***
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Thật Và Ảo
Tôi lạc vào khung trời ảo, khi mà tôi muốn thoát ra khỏi những hệ lụy của đời thường. Nơi mà tâm hồn tôi có thể xoải cánh bay vào một cõi không phải của mình nhưng có mình. Tôi gặp một bài thơ thật hay, chính xác là gặp một trang blog của một tác giả với những bài viết mà tôi đọc với một cảm xúc tràn dâng. Với niềm đa cảm, tôi thấy như mình thấu hiểu tâm trạng của người viết nên những dòng thơ ấy.Con mưa nào không phải của tôi mà buồn da diết thấm vào tôi.Khoảng trời nào đã mất của ai mà khiến tâm hồn tôi chùng xuống. Làm sống lại trong tôi những ảnh hình dịu dàng xa khuất, một bài thơ ngắn cô động như một khúc bi ai của kiếp người đang hiển hiện trước mắt tôi như một tiếng than, như những thanh âm vọng mãi trong lòng người với bao niềm nuối tiếc.
***
Yên Sơn
Trăng Tôi Và Biển
Về đây mình chỉ gặp mình
Đi ven bờ cát tìm trăng năm nào
Từ miền đông về ngang qua phố biển
Muốn tìm người, sao ngần ngại bước chân
Bao dấu yêu bỗng nhạt nhoà câm nín
Chỉ riêng mình từng bước nhỏ bâng khuâng
Chiều xuống thấp, lang thang trên bờ cát
Biển vô tâm, sóng gõ nhịp luân hồi
Vẳng bên tai như có lời ai hát
Sắt se buồn trong kỷ niệm đầy vơi
Vẫn ánh trăng, màu trăng vàng năm cũ
Chỉ thiếu người cùng chung bước như xưa
Nhịp sóng vỗ, cung điệu buồn luân vũ
Quẩn quanh đây phảng phất chút hương thừa
Bờ cát vắng, nhiều mảnh sò vụn vỡ
Ốc mượn hồn sục tìm chốn dung thân
Tim lạc nhịp, cung điệu tình dang dở
Kiếm đâu ra được một chút ân cần
Ngồi bó gối nghe thời gian vụn vỡ
Nhịp tim đau thoi thóp gọi tên người
Trên lưng đồi, liễu buồn im không nói
Ánh điện vàng mờ nhạt dưới trăng soi
Hòn đá cuội hình trái tim ai tặng
Vẫn còn đây, đã mòn nhẵn trong tay
Trong lồng ngực một trái tim trĩu nặng
Gã si tình gục mặt hát đêm say
Yên Sơn
***
Hạc Thành Hoa
Nói Với Mình Trong Khi Trú Mưa
1.
bên đường anh đứng trú mưa
hàng bông giấy thưa che sao khỏi ướt
mưa từ những sợi tóc còn đenlàm đôi mắt xót
mưa từ những sợi tóc vừa trắng làm đôi mắt cay
những sợi tóc dính vào mặt
như nét vân trên đá
một trận mưa hai trận mưa ba trận mưa…
mọc lên những chiếc nấm sặc sỡ
anh chợt nghĩ đến em
không phải dưới chiếc nấm nhiều màu
mà lạnh run dưới chiếc dù ngoài chợ
chiếc dù bằng bàn tay
chống đỡ cả trời mưa gió
2.
bên đường anh đứng trú mưa
giá mà có em
thì cả Saigon sẽ dễ thương biết mấy
trận mưa sẽ dễ thương biết mấy
và anh…
vẫn đứng đây trú mưa
như đã từng đứng đây
mấy chục năm về trước
cũng dưới hàng bông giấy này
chỉ có cổ họng khô
còn tất cả đều ướt
em biết không
những năm tháng đó
anh sống vật vờ như chiếc bóng
dửng dưng với tất cả
hoài nghi tất cả
lạnh lùng với tất cả
với cả chính mình
em biết không
ở đâu anh cũng là người khách lạ
ở đâu cũng không phải quê hương
em ơi làm sao em biết được
một gã ưu du
cứ đi cứ đi
như kim đồng hồ chạy ngược
buồn như chú dế than lạc mất đám cỏ xanh
đứng dưới cột đèn ngơ ngẩn…
3.
bên đường anh đang trú mưa
mưa đang trú anh
một trận mưa… hai trận mưa … ba trận mưa …
Hạc Thành Hoa
***
Tuyền Linh
Giọt Mưa Hay Giọt Lệ Tôi
Hôm kia nắng vẫn còn đây
Hôm nay nắng trốn để cây lúa tìm
Nhìn ra cổng ngắm mái đình
Ngói khô hớt hải ngẩng nhìn mây đen
Trời vần vũ, người lăng xăng
Cuối vụ sắp gặt một phen chạy đồng
Chạy đâu cho kịp cơn giông
Ba chưn bốn cẳng chổng mông kêu trời
Sấm gầm… gió giật… mưa rơi…
Giọt mưa hay giọt lệ tôi rớt đồng?
Nước về trắng ruộng mênh mông
Bập bềnh lúa cũng phập phồng trôi trôi
Đoạn lòng, đành phải buông xuôi
Mồ hôi nước mắt góp nuôi ruộng đồng
Để chừ bụng lại hoàn không
Hạt lúa trốn mất trống không dạ dày
Mắm rau, rau mắm qua ngày
Củ khoai củ sắn kéo cày mùa sau
Thân trâu hoàn lại thân trâu
Đời nông dân có phép mầu nào thay?
Cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Kẻ ăn không hết, người nghèo kiết thân
Về đây nhìn cảnh phong trần
Nghe quá xa xót… mần gì giúp đây (?)
Chữ nghĩa chỉ bằng bàn tay
Mà trời cao quá… vói lay sao tường!
Thôi đành làm vạc kêu sương
Đêm đêm âm vọng mười phương tỏ bày.
2017
Tuyền Linh
***
Nguyễn Đức Nhơn
Người Đàn Bà Ở Căn Chung Cư Số 13
Có tiếng động mạnh trên tầng lầu 2. Tôi bước vội ra sân nhìn lên, nhưng chỉ kịp thấy cánh cửa căn chung cư đóng sầm lại rồi im bặt. Tôi chờ thêm vài phút xem có chuyện gì xẩy ra nữa hay không thì điện thoại trong nhà bật reo. Tôi vội trở vào nhấc máy và sững sờ khi nghe đầu dây bên kia:
– Anh Hải ơi! anh lên khóa cửa giùm em. Hồi chiều ra đi em quên khóa. Cảm ơn anh
– Alô… alô… tôi chưng hửng, càu nhàu, con khỉ! chưa kịp hỏi gì đã cúp, đồ điên…
Hôm sau, khi gặp bà Trang, tôi chưa kịp mở lời phân trần… thì bà nhìn tôi tươi cười nói:
– Cám ơn anh đã khóa cửa giùm em. Nghe bà Trang nói, tôi chới với không biết phải ứng đáp thế nào vì tôi có khóa cửa giùm bà bao giờ đâu! Chìa ở đâu mà khóa! Bất chợt, tôi nghĩ đến một điều, ở Mỹ chìa khóa nhà ai nấy giữ, đâu có tùy tiện đưa cho người khác được. À, mà sao bà ta lại nghĩ là mình có chìa khóa nhỉ? Nếu bà bị mất đồ thì sao? Nghĩ đến đây tôi đâm hoảng nhưng cố lấy bình tĩnh hỏi:
– Chị có bị mất mát gì không?
Bà Trang cười tươi như hoa:
– Dạ không, nhờ anh khóa cửa nên không xẩy ra chuyện gì. Tôi bực mình hỏi:
– Này chị Trang, khóa cửa của chị có mấy chìa vậy?
Bà Trang trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên:
– Anh hỏi làm chi vậy. Anh Hải ơi, ở Mỹ đừng hỏi những việc như vậy, không tốt đâu. Tôi kêu trời không thấu nhưng nhìn cái vẻ vô tư ngớ ngẩn của bà, tôi đành gượng gạo nói, đúng… đúng…, chị nói đúng! À này chị Trang, tôi làm gì có chìa khóa của chị mà chị nhờ tôi khóa cửa? Chị có chắc là khi trở về, cửa của chị đã được khóa không? Bà Trang nhìn tôi với vẻ ngơ ngác, cặp mắt láo liên hình như đang nghĩ đến một điều gì đó, rất quan trọng. Bà thở dài sườn sượt nói: – Xin lỗi… xin lỗi… em lẩm cẩm quá. Bà vừa nói vừa vội vã bước lên thang gác…Gần một tháng nay căn chung cư số 13 của bà Trang cửa đóng im ỉm, cũng không thấy xe bà đậu ở parking lot. Tôi không rõ bà đi xa hay đã đổi chỗ ở? Tuy căn nhà bỏ trống, nhưng thỉnh thoảng lại nghe có tiếng chân người đi tới, đi lui, nện gót giầy thình thịch trên sàn nhà. Đôi khi lại có ánh sáng lờ mờ của loại đèn ngủ phát ra từ khung cửa sổ. Tôi vốn là người không tin ma quỷ, nhưng với những hiện tượng kỳ lạ trên tầng lầu 2, khiến tôi khó tìm được giấc ngủ thanh thản, nhất là về ban đêm. Tôi đâm lo và không biết tại sao lại cảm thấy buồn buồn sau những ngày không gặp bà Trang! Nhiều đêm tôi cứ trằn trọc, thao thức mãi cho đến nửa đêm mới chợp mắt được. Tôi đến ở đây gần được một năm. Tôi không vợ con và cũng chẳng có bạn bè, thân thuộc gì. Có thể nói bà Trang là người thân quen duy nhất của tôi. Bà cũng như tôi. Độc thân. Tính tình trầm lặng. Không thích giao du bạn bè. Bà làm thu ngân viên cho một trung tâm bán lẻ. Ngoài thời gian đi làm và đi chợ, hầu như lúc nào bà cũng có mặt ở nhà.
Căn nhà số 13 yên tịnh lạ thường và bà Trang cũng bặt vô âm tín. Một hôm khi đi làm về, tôi thấy một miếng giấy nhỏ dán trên khung cửa, chữ viết bằng mực đỏ, nhòe nhoẹt từa tựa như viết bằng máu. Miếng giấy chỉ viết có mấy dòng “Anh Hải ơi! Ngày 13 tháng này anh lên gác đốt vài nén hương trên kệ thờ giùm em nhé. Cảm ơn anh nhiều” Tôi đọc mấy dòng chữ mà dở khóc dở cười, lầm bầm trong miệng, ở căn nhà số 13 mà còn nhờ mình ngày 13 lên gác đốt nhang. Trời ơi, con số 13 đâu có đem ra đùa cợt được. Tôi tính nhẩm, từ đây đến ngày 13 còn khoảng hơn một tuần. Thế là tôi cứ nơm nớp chờ đến ngày 13 xem có việc gì xẩy ra hay không?
Đang ngồi đọc báo ở phòng khách thì điện thoại reo. Tôi nhấc lên nghe nhưng điện thoại cứ rít rít, è è không làm sao nghe được. Giọng nói ở đầu dây bên kia cũng nhòe nhoẹt, đứt quãng, chỉ nghe được mấy tiếng Trang đây… Trang đây… rồi sau đó là những tạp âm nghe đến rợn người.
Đó là vào một chiều Chúa nhật trời nhá nhem tối. Bên ngoài mưa tầm tã. Những giọt nước từ trên hành lang căn gác nhỏ xuống khóm bạc hà trước hiên nghe lộp độp, lộp độp, thật buồn. Tôi mở cửa bước ra ngoài. Một cảnh tượng làm tôi suýt đứng tim đang hiện ra trước mắt. Những giọt máu từ trên hành lang căn gác rơi xuống đọng trên mấy phiến lá bạc hà, rồi nhiễu từng giọt xuống bộ xương người làm bằng chất nhựa trắng mà tôi đã đặt ở dưới mái hiên trong ngày Halloween. Tôi bước vội vào nhà định gọi 911. Nhưng kịp nghĩ lại, không lẽ có kẻ giết người vào giờ này? Tôi do dự một chút rồi quyết định lên gác xem việc gì đã xẩy ra. Tôi cẩn thận rón rén từng bước đến trước căn nhà số 13. Tôi ngẩn người khi phát hiện ra ngay ở mép hành lang, ai đó đã để một hộp sơn màu đỏ (loại pha nước). Nước mưa tạt vào làm tràn hộp sơn rồi theo kẽ hở chảy xuống tầng dưới. Tôi lững thững bước xuống cầu thang mà nghe lòng buồn rười rượi!…
Vào nhà ngả lưng trên sofa, tôi ngẫm nghĩ, có lẽ gần đây mình bị ám ảnh bởi căn nhà số 13, nên không kịp nhận định, quan sát kỹ càng mới tưởng tượng ra cái chuyện buồn cười, lảng nhách này! Nhưng rồi tôi lại nghĩ, tại sao hộp sơn để ngay trước căn nhà số 13 mà không để ở một căn chung cư nào khác? Tại sao hộp sơn lại mở nắp ra? Tại sao lại chọn đúng vào buổi tối nhá nhem, trời mưa tầm tã này? Hay là có kẻ dùng sơn đỏ để hăm dọa, cảnh cáo mình? Tại sao và tại sao?… Hàng loạt câu hỏi khó trả lời lần lượt hiện ra trong đầu tôi…
Ngày 13 đã đến. Khi làm về, tôi đứng ở parking lot rất lâu để quan sát kỹ càng căn nhà bà Trang. Cửa vẫn đóng. Không thấy có hiện tượng gì khác lạ. Tôi vào nhà thay quần áo rồi vô bếp lục thức ăn. Bưng tô cơm có trộn xì dầu và cải mặn vào phòng khách, tôi vừa ăn vừa nghĩ đến những mẩu chuyện rùng rợn mà người ta đã kể cho tôi nghe về con số 13. Câu chuyện đầu tiên xẩy ra vào thời Đệ nhị Thế chiến, một quả đại pháo của quân Đức rớt ngay giữa một nhóm lính Mỹ gồm 13 người, tất cả đều tử thương. Từ đó về sau người ta rất úy kỵ con số 13 và cũng từ đó người ta sáng tác ra không biết bao nhiêu chuyện ly kỳ quái đản có liên quan đến con số 13, với một kết luận chắc nịch, 13 là con số xui tận mạng!
Ngồi nghĩ ngợi lung tung một hồi đâm chán, tôi mở cửa ra ngoài cho thư giãn một chút, nhưng bầu trời xám ngắt, cảnh vật âm âm, tôi vội trở vào nhà vì thấm lạnh. Ngồi một mình ở phòng khách, tôi cảm thấy buồn bã, cô đơn, trống vắng vô cùng. Thú thật, cái cảm giác này chỉ đến với tôi trong những ngày không gặp bà Trang. Nhưng lắm lúc tôi lại cảm thấy băn khoăn vì những hiện tượng quái lạ trên tầng lầu 2.
Ngày xưa, khi còn trẻ, tôi đã say mê đọc Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Vì vậy, không ít thì nhiều, cũng bị ảnh hưởng bởi những mối tình tuyệt đẹp giữa người và yêu tinh. Tôi không phải là một anh học trò nghèo mải mê đèn sách. Bà Trang cũng không phải là một con chồn tinh. Ấy thế mà tôi cứ thấp tha thấp thỏm trong lòng. Tôi uể oải đứng lên, định lái xe chạy một vòng cho khuây khỏa, nào ngờ mới mở cửa ra, thì bà Trang đang từ nơi đậu xe lù lù bước tới. Tôi đứng sững như trời trồng, miệng cứ ú ớ mãi. Bà Trang hơi ngạc nhiên nhưng cũng kịp nhận ra ở tôi có một việc gì đó, không được bình thường. Bà đoán như vậy rồi vội vàng lên tiếng:
– Làm sao vậy anh Hải? Không hoan nghênh em trở về à? Tôi vội lấp liếm cho qua chuyện:
– Đâu có! Chỉ hơi ngạc nhiên thôi. Bà Trang tiếp, lạnh quá! Em vào nhà được không? Tôi mời bà vào nhà với một nỗi băn khoăn lo lắng. Ngồi vào ghế xong, bà Trang cất giọng hỏi:
– Hôm nay anh có lên gác thắp giùm em mấy nén hương không vậy?
Nghe bà Trang hỏi tôi đâm bực mình nhưng cố làm ra vẻ tự nhiên:
– Chị Trang ơi! Chị biết tôi không có chìa khóa của chị mà sao chị cứ nhờ khóa cửa hoài vậy?! Bà Trang hơi ngơ ngác một chút rồi lên tiếng:
– Chết rồi, em lại lẩm cẩm nữa rồi. Xin lỗi anh nhé. Tôi nói:
– Không có gì.
Im lặng một chút. Bà Trang nhìn quanh căn nhà với một vẻ chăm chú khác thường. Tôi đánh tan sự im lặng:
– Này chị Trang, hai tháng nay chị đi đâu vậy? Tôi có gọi cell phone mấy lần mà không được.
Bà Trang nhìn tôi với nét buồn vời vợi nói:
– Mấy tháng nay em không dùng cell phone anh à!
Tôi định hỏi bà thêm một câu, nhưng chưa kịp mở miệng thì bà Trang tiếp:
– Anh Hải à! Nếu em có một việc đáng buồn nào đó muốn tâm sự với anh thì anh có chịu nghe không?
Tôi trả lời không do dự:
– Nghe chứ! Nhưng tôi sợ không giữ được bí mật khi nghe những điều ấy!
Bà Trang thở dài nói:
– Thực ra cũng chẳng có bí mật gì cả.
Bà vừa nói dứt câu thì gục đầu xuống bàn khóc tức tưởi. Tôi đâm hoảng, bối rối không biết phải ứng xử thế nào trước sự việc xẩy ra đột ngột như vậy. Tôi còn đang ngồi chết trân thì bà Trang ngước mặt lên, vừa đưa tay quẹt nước mắt vừa thì thầm qua hơi thở:
– Anh lên gác với em được không?
Tôi giật mình. Một ý nghĩ không được lành mạnh hiện ra trong đầu tôi. Bà Trang thấy tôi lưỡng lự nên hỏi lại. Tôi gật đầu, nhưng trong thâm tâm có một chút băn khoăn, ngần ngại. Đây là lần đầu tiên bà mời tôi lên nhà.
Bà Trang mở cửa rồi vói tay vặn nút điện. Ánh sáng từ chiếc đèn màu vàng nhạt trên trần nhà tỏa xuống một thứ ánh sáng yếu ớt, nhờn nhợn nhưng cũng đủ cho tôi quan sát tường tận mọi vật bày biện trong nhà. Tôi để ý đến cái kệ thờ bằng gỗ, sơn màu đỏ gắn trên tường nhà. Trên kệ thờ là ảnh một người đàn ông còn khá trẻ, khoảng ba mươi, ba mươi lăm gì đó. Phía trước tấm ảnh là một lư hương bằng đồng, đầy ắp chân nhang.
Bà Trang loay hoay trong bếp một hồi rồi bưng ra ba ly cà phê. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng rồi hiểu ra ngay. Bà Trang lấy một ly để lên kệ thờ rồi đốt nhang cắm vào lư hương. Bà làm mấy việc này một cách tự nhiên và thành thạo. Bà nhìn tôi hỏi:
– Anh Hải làm gì mà ngồi thừ người ra vậy? Tôi lúng túng chưa kịp trả lời thì bà chỉ ly cà phê nói tiếp:
– Mời anh. Em không biết uống cà phê, nhưng hôm nay trời lạnh, em uống với anh một ly.
Tôi tò mò hỏi:
– Không biết uống mà sao chị có sẵn cà phê trong nhà vậy?
Bà Trang trả lời một cách tự nhiên:
– Dạ hôm nay là ngày giỗ anh Long, hồi nãy, trên đường về, em ghé chợ mua một gói để cúng anh ấy. Tôi biết rõ Long là chồng bà Trang nhưng giả vờ hỏi:
– Anh Long nào vậy?
Bà Trang vừa đưa tay chỉ lên kệ thờ vừa trả lời hồn nhiên như một đứa bé:
– Ảnh đó, chồng em đó.
Tôi ồ lên một tiếng rồi lảng sang chuyện khác:
– Mấy tháng nay chị Trang đi đâu vậy?
Bà Trang trả lời ngay, không một chút suy nghĩ:
– Em đi lấy chồng.
Tôi chưng hửng. Bà Trang nói tiếp, mà không được đâu anh à, thà ở vậy còn sướng hơn. Bà Trang nói như để phân bua, còn tôi thì như một quả banh, bị bà ta nhồi tới nhồi lui đến tối tăm mày mặt!
Một phút im lặng. Mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Bỗng dưng bà Trang giương cặp mắt tròn xoe nhìn tôi nói nhanh:
– Hôm trước em có về nhưng không gặp anh. Em về để thắp hương cho anh Long và sơn lại cái kệ thờ. Hôm đó em lu bu quá nên để quên cái hộp sơn ở trước nhà bị trời mưa trôi đi hết lại còn bị office cằn nhằn đòi em phải kêu người đến sơn lại. Tôi ngớ người lẩm bẩm
– Thì ra là vậy!
Bà Trang nhìn tôi ngơ ngác:
– Anh lầm bầm cái gì đó?:
– Ờ không, tôi định hỏi chị Trang chừng nào đi lại?
– Bà Trang thở dài sườn sượt nói:
– Còn đi đâu nữa, em sợ quá rồi.
Những câu úp mở của bà Trang càng gợi thêm tính tò mò của tôi. Tôi quyết định từ bà Trang phải khám phá cho bằng được những sự việc kỳ quái mà mấy tháng nay nó luôn ẩn hiện trong đầu tôi.
– Chị Trang à! Có việc này tôi hơi tò mò một chút, chị đừng giận nhé. Bà Trang nhìn tôi với vẻ thản nhiên nói:
– Anh cứ hỏi, có sao đâu!
Tôi mạnh dạn hỏi:
– Chị nói đi lấy chồng sao còn tính về đây ở luôn?
Bà Trang trả lời một cách thản nhiên thật thà:
– Chuyện hơi dài dòng, anh chịu khó ngồi nán lại một chút nhé. Cách đây 2 tháng, tình cờ em gặp một người đàn ông. Nhà ông ta ở cách đây chừng một giờ lái xe. Ông ta là chủ một cửa tiệm nhỏ. Ông ấy vung vãi tiền bạc để chinh phục em. Nhắc đến thật xấu hổ. Lúc đó em bị tiền bạc làm mờ mắt nên đồng ý ở chung với ông ta. Nào ngờ, người chồng mới này của em là một người ghen tuông bậc nhất trên đời. Ông ta kềm kẹp giám sát em còn hơn một cai tù. Thậm chí còn cấm không cho em nói chuyện điện thoại với bất cứ người nào. Tuy vậy, thỉnh thoảng, em cũng tìm cách lén về nhà dọn dẹp đồ đạc, thắp nhang cho anh Long rồi trở về ngay. Những lần như vậy, em biết anh có ở nhà, nhưng không dám quấy rầy giấc ngủ của anh. Với cái cảnh sống như ở tù này làm tinh thần em sa sút rất nhiều. Hồi sáng này như tức nước vỡ bờ, em cãi với ông ta một trận rồi cuốn gói về đây.
Nghe bà Trang kể xong, tôi thở phào nhẹ nhõm lẩm bẩm, làm ầm ầm, còn nói là sợ người ta mất ngủ. Bà Trang giương cặp mắt tròn xoe hỏi:
– Anh nói gì? Tôi trả lời ú ớ, à không, không có gì.
Bà Trang lớ ngớ, không hiểu rõ tôi muốn nói gì, nhưng bà cũng không mấy quan tâm về câu nói ỡm ờ của tôi. Hình như bà đang nghĩ về một điều gì khác, quan trọng hơn. Bà nhìn tôi im lặng, thở dài… Đồng hồ trên tường gõ nhẹ 12 tiếng, tôi thấy ngồi thêm bất tiện nên từ giã bà Trang với một niềm vui thấp thoáng trong lòng.
Nguyễn Đức Nhơn