Hà Thúc Sinh

Hà Thúc Sinh
Chiều Say Sảng, Nhớ Bạn

(Gửi Châu Long Đô và Lê Tấn Nhứt)

Nhấm nháp lon bia lúc cuối ngày
Mà sao choáng váng thấy mình say
Thấy mình sao đó sao sao đó
Bạn cũ thôi rồi chẳng sót ai.

Toán mình sau đúng bốn lăm năm
Rụng hết chiều nay chỉ sót Sinh
Lẻ Sáu ba ta, ba chỗ sống
Mèng ơi Lẻ Chín còn riêng mình!

Miệt dưới hôm qua lại động đất
Khi không Sinh nhớ Bạt làm sao
Những ngày còn ở dưới vùng Los
Uống rượu lăng nhăng nói tầm phào

Bỏ thuốc mười năm có lẻ rồi
Nhớ Đô mồi thuốc rít vài hơi
Ho trào nước mắt ho như khóc
Nhớ bạn chiều lên tối nửa trời.

Biết đến bao giờ ta lại đứng
Trên cầu Tham Tướng nhìn sông trôi…

Hà Thúc Sinh
Bóng Dưới Núi Pasadena

Trăng như da thịt một mỹ nhân
Mây che những phần ngại tỏ lộ
Giữa khi khối óc thôi lang thang
Dường như quanh chàng có nỗi nhớ.

Sâu góc núi nổ tiếng ầm lớn
Lòng nghiêng nghiêng lòng như mưa rừng
Róc rách trong hang tựa dĩ vãng
Không thấy hoa mà cảm thấy hương.

Tay gậy chống không vững cuộc đời
Dốc thoai thoải đổ như hiện tại
Nghe kinh mang sinh nở cơn vui
Giữa một đoá lòng chàng tê tái.

Đọc sách cũ ba nghìn quyển đủ
Gió một tờ có thấy chi đâu
Trăng một khoảnh thịt xương xa lạ
Núi vẫn là hoang tưởng đời sau.

Ôi chiều nay không hiểu trời đất
Vì chàng đâu có đứng đó đâu…

Thả Xuân

Len dưới rừng cây cuối tháng Ba
Miệng em son đỏ lẫn vào hoa
Tóc em như khói cay cay mắt
Áo mỏng vân lên màu ngọc ngà

Mùa rét gió chui tê sống áo
Về đây bên lửa cởi đời nhau
Mở cho nhau những thân thể mới
Ta thả nghìn chim bốc trắng đầu

Sớm Xuân khi nắng đem vàng đổ
Lòng đôi ta ấm lòng tách trà
Giấc mơ đau khổ sẽ đằm thắm
Lúc mình len lỏi dưới rừng hoa

Cứ như thế chúng ta có nhau
Trắng phau phau một trí nhớ cũ
Mớ chỉ rối thôi kéo về sau
Chuyện ngày qua dẫu đằm lệ nhỏ

Cứ như thế tháo lỏng dây đời
Cho cơn vui bốc lên trời vắng
Anh sẽ giữ môi son em tươi
Còn ý tưởng gửi chùm hoa trắng

Nghịch Địch Hành

Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
Mà ăn uống cho say

Ta cũng người như chú
Cũng nhỏ bé trong đời
Có núi sông trong bụng
Mà bất lực hôm nay

Chiến chinh trời cũng sợ
Chỉ còn lại hai bên
Vội vàng chi cho cực
Cứ thong thả nghỉ đêm

Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào

Nếu chú có cha mẹ
Ta chẳng những người thân
Còn mang thêm lắm nợ
Với rượu và gió trăng

Chú cứ ăn cho đủ
Mai chết sẽ chết no
Ta cũng cần đêm cuối
Từ giã gió trăng xưa

Buổi Chiều Ở Nhà
Mời Bạn Đánh Chén,
Nửa Chừng Hết Rượu

Giằn ly xuống chiếu cười gượng cười
Ta biết rằng chưa ấm bụng ngươi
Bực thay bạn đến từ muôn dặm
Mà rượu hề không đủ say chơi

Con ta chợt ré lên sau bếp
Buổi chiều đổ lửa xuống nhà tôn
Hà thúc phu nhân coi buồn lắm
Sữa thiếu làm sao tiếp rượu chồng

Bạn ta người của mùa chinh chiến
Đời quen rộng rãi thú tiêu pha
Kéo ta ra quán hề ra quán
Ngó trời ngó đất mà thương ta

Trăng kia sao chẳng vào dinh thự
Mà chỉ nằm chơi một ngọn cây
Bạn ta nào hiểu niềm sung sướng
Đời ta hề chưa bẩn đôi tay

Thủy Nguyệt

Đêm yểu điệu trên hàng dương liễu
Lời hẹn hò những lối chưa đi
Sóng bạc đầu mối sầu trăm tuổi
Mây lang thang buồn lạc lối về

Em không đến hay em sẽ đến
Nhạc lòng anh sóng cũng tràn trề
Một chén rượu làm nên giấc mộng
Quá đủ rồi biển nói anh nghe

Chẳng cùng ai ngồi nơi cuối núi
Quán cà phê có điệu nhạc buồn
Sống những phút cát bồi lặng lẽ
Hạnh phúc nào bằng nỗi cô đơn

Sung sướng quá trời ơi nguyệt hiện
Chìm sâu anh một hạt cát vàng
Trăng vướng núi rơi chìm đáy nước
Anh khóc mùi đúng lúc hân hoan

Bài Thơ Tháng Năm

Tháng này trí nhớ là đêm
Gió mùa lên tới ngang anh thì ngừng
Lầu cao lũng thấp xe tuôn
Quanh co đường lạ phân vân ánh đèn
Cây xanh chót vót cây xanh
Vàng mười nắng mỏng đồi nghiêng dán vào
Dang tay rừng hát lao xao
Gió như cởi áo vào sâu lòng người
Tháng này xa xứ lạ nơi
Buồn thâm trầm khẽ phanh phui ra ngoài

Biển, Cầu Vàng, Và Em

Ở phía sau em biển tựa lòng
Cầu dài nối lại mối tình riêng
Đời sau truyền thuyết người ta nhắc
Thủa ấy ngồi kia em tóc đen

Ôi tóc em thu gió biển về
Lồng bay như một giấc hoang mê
Áo xanh thơm mỏng ngon mùi nắng
Rực rỡ mùa lên một chớm hè

Choáng váng khi em ngước mắt nhìn
Chim, mây, và lá cũng bâng khuâng
Về sau truyền thuyết đồn thêm nữa
Em ghé qua đây chỉ một lần

Ai biết đâu em đã suốt đời
Trong tôi, giọng nói với môi cười
Thì khi nhớ quá tôi qua đó
Hẳn có em vì đã có tôi

Hà Thúc Sinh – Xử Nữ

Người xinh, tính khép, tuy dáng đi hơi vẹo như có thương tật nơi chân, Nhi trọ nhà trên đường Chapel, sáng sáng đáp chuyến buýt sáu giờ lên trường, đã bốn năm. Ngoài bến đợi nàng hay kín đáo mở sách ôn bài, bữa nào chia trí lắm mới lọt tai chuyện của đám đồng hành chung quanh.

Bà Juanita người Mễ, tròn như hạt đậu đỏ hôm nào cũng vui như ngày Cinco de Mayo. Giống tờ báo sống bà biết làu làu mọi chuyện. Bà cân nhắc vụ án O.J. Simpson như một bồi thẩm lý tưởng vì “đây không đen cũng không trắng.” Bà bảo California dám đói vì “đội Rams chuồn khỏi quận Cam nay đến Raiders khỏi Los Angeles, điềm nào gở hơn cơ chứ?” Bà khen Clinton bảnh trai, nhưng “nếu con Maria cháu tôi mặn mà như Natalie Wood được tổng thống chọn làm bí thư, tôi sẽ khuyên nó nghĩ lại đấy nhé!” Ấy nhưng thấy Nhi bước đến là bà đổi ngay câu chuyện. Bà thích nàng, và do đó có vẻ cố tình lôi nàng ra trước “ánh sáng công chúng” dù chỉ bằng những quan tâm kỳ quặc. Thí dụ, “Cưng ơi, Jean mua đâu đẹp thế?” Nàng nghĩ bụng chiếc quần mình mặc có gì là đẹp nhưng vẫn thành thực, “Target đó, có mười hai đồng.” Thế là bà Jennifer, bà già Mỹ có máu da đỏ, hút thuốc liên miên, người duy nhất ở Mỹ nàng thấy có chiếc răng vàng, giật phéng lấy phần ngạc nhiên của bà Juanita, “Tôi đeo kính đấy chứ,” Bà nói. “Y như quần Guess ở Robinsons–May ấy thôi.” Giá ở quê nhà chắc Nhi đã chết vì ngượng. Ai đời mấy bà già xúm lại kéo cái quần cô gái đang mặc ra mà thảo luận bao giờ!

Nhưng đám trẻ như con Toni xem ra bất cần, thậm chí cả những thứ nó có bên trong. Nó như biểu tượng của một nền văn hoá trống trải mà sự diêm dúa không che giấu được gì, không bao bọc được gì, nhưng thiếu nó, thiếu những thế hệ tiếp nối như nó sợ nền văn minh này lại không trọn vẹn. Toni tóc vàng, mắt xanh, đẹp như thiên thần nhưng Nhi kinh nó như một loài hoa ăn thịt ong bướm dù có lần trò chuyện nàng biết nó cùng tuổi xử nữ với mình. Toni bảo, “Bạn trai cháu ư, đếm không xuể đâu bà Jennifer.” Bà Juanita kêu lên, “Dóc mày!” Toni nhún vai. “Thật đấy dì Juanita,” Nó nói. “Cho nhau quả táo còn tươi không hơn đợi lúc nó khô quắt đi à?” Nó đụng bức tường đạo đức u trán? Không, chẳng ai nhìn nó bằng ánh mắt ghê gớm cả, cười thông cảm thôi, có thắc mắc là chỗ không biết bao giờ con nhỏ nó báo tin lấy chồng. Tuy thế bà Juanita vẫn khẽ kêu lên, dù giọng khôi hài chứ không cay đắng, “Chúa ơi, đây rồi trinh nữ như loài thú hiếm tuyệt chủng trên địa cầu.” Chỉ Nhi thầm nghĩ xứ này không ai phá huỷ được người nữ trừ chính họ.

Một lần trên xe bà Juanita đùa hỏi, “Cưng tới tuổi có bạn trai chưa?” Nhi cười, “Tôi băm tư rồi, bà ạ.” Thế là bà ta lại lôi nàng ra trước ánh sáng công chúng. Bà cười rộ bảo mấy bà bạn, “Con nhỏ này tính khai gian tuổi ra ứng cử thị trưởng sao đây! Chúa ơi nó nói với tôi như với một trinh nữ mười ba vậy á. Há há há há… Nó bảo nó đã băm tư.”

Mặt tiền tiệm hoa Conroy’s Flowers góc đường Atlantic thường bày sớm lắm loại rực rỡ, nhưng Nhi ít thấy loại nàng vốn yêu. Chút liên tưởng xa vời như hạt cát chui vào giày, hồn Nhi cộm một cảm xúc khó chịu. Ngày lên, trần gian rầm rập sức sống, vậy mà nàng vẫn nghe rõ hơn sự rùng mình dấy từ chiều sâu chịu đựng của lòng mình.

Nếu bà Jennifer hay than xe chật thì Nhi còn thấy xe nhớp, vì thế nàng thu mình nhỏ hơn trong chỗ ngồi.

—o0o—

Ba ngày liên tiếp Nhi thấy ông ta lên xe ở trạm Fremont–Valley, luôn ngồi vào chỗ phía sau băng ghế dành cho người già cả tàn tật, chỉ cách nàng lối đi giữa. Đây đầu đen nhiều nhưng không hiểu sao nàng cứ đinh ninh ông ta phải là người đồng hương, không thể là Tàu, Phi, Nhật hay Đại Hàn. Sao thế? Ăn mặc giản dị? Lặng lẽ trong đám đông? Bị một tên Mễ hung hăng lấn chỗ vẫn vui? Cười một cách rất dĩ hoà vi quý với một thằng bé Mỹ nghịch ngợm ném giấy kẹo vào người? Nhớ đến mấy ông đồng hương lối xóm Nhi bật cười thầm. Đàn ông mình kỳ. Họ có thể hùng hổ như lãnh chúa trên diễn đàn cộng đồng, quyền uy như vua với vợ con trong nhà, nhưng ra đường bị cảnh sát Mỹ nhét giấy phạt vào tay, đôi khi oan uổng trông thấy, lại nhã nhặn lí nhí cám ơn!

Tấm lòng dịu dàng của Nhi bất ngờ nổi tiếng kèn chiến thắng hơi ác khi xe dừng ở trạm đường Mission. Y chang! Hai thiếu niên Mỹ đen phóng lên xe, hung hãn như giặc, lôi hộp sơn xì ra xì tùm lum lên trần lên vách xe. Cảnh quen, chẳng ai cự nự kể cả bác tài nếu như chúng đừng xịt trúng họ. Nhưng một đứa quá tay, trước khi phóng chạy đã xịt một vệt trúng vai ông. Chiếc sơ mi trắng như ứa máu. Hành khách ái ngại âm thầm. Và Nhi cũng ái ngại âm thầm. Nhưng may. Ông ta chịu đựng nổi. Nàng rút tấm khăn giấy trong cặp đưa cho ông. Ông nhìn nàng bằng ánh mắt cảm kích.
Nhi hỏi nhỏ bằng tiếng Anh:
“Ông… người Việt?”
Ông ta từ tốn lau vết sơn, kéo nàng về tiếng mẹ đẻ:
“Thấy cô tôi cũng đoán vậy.”
Thế là quen. Xe chuyển bánh. Nhi lại hỏi:
“Ông sợ?”
Ông cười:
“Những người da trắng trên xe không sợ, sao mình sợ?”
“Sao ông biết họ không sợ?”
“Mặc cảm là trí khôn kẻ tự tử. Có thể người da trắng sẽ bắt đầu sợ khi người da đen biết ngưng phá huỷ.”

Xuống trạm đường Zonal thả bộ vào trường, Nhi hơi tiếc không hỏi gì thêm về ông. Chỉ vài chi tiết mơ hồ sót lại. Ông quãng năm mươi, đeo kính cận nhẹ, người tầm thước, tóc hơi dày chưa bạc, mặt hồng hào, tai to.
Đôi ba ngày sau không gặp lại Nhi quên ông nhanh chóng.

—o0o—

Một cuối tuần ngôi chùa trong vùng tổ chức lễ tế độ cho thuyền nhân bỏ mình trên biển Đông. Bà chủ nhà rủ Nhi đi. Nghĩ tới góp nén hương cho bao người không may là điều nên, Nhi vui vẻ. Bà chủ lại có chân trong ban tiếp tân thì nàng thoát sao khỏi sự chia việc của bà. Nàng giữ chân châm trà đãi khách. Đang loay hoay với mớ ấm tách, vị sư dẫn một người đàn ông đi qua. Ông ta!
“A,” Nhà sư dừng chân vui giọng. “Giới thiệu ông một đồng nghiệp tương lai nhé. Đây cô Nhi, học Y trên USC. Đây bác sĩ Hoặc, người cùng quê tôi đấy, cô mời hộ tôi một tách trà đậm đậm chút nhé.”

Vị sư bận tiếp khách. Sau một thoáng bối rối của kẻ bị bỏ lại, ông ta nói lơ lửng, “Trong lòng chảo thung lũng có khác.” Rồi ông thản nhiên lấy khăn tiếp Nhi lau thêm mớ tách.
Nhi thăm dò:
“Bác sĩ mở phòng mạch vùng này?”
Ông giơ cao chiếc tách nhìn kỹ một vệt đen, giọng ôn tồn:
“Có phòng mạch phòng miếc nào đâu. Thế chuyên khoa cô tính chọn…”
“Dạ Tâm Thần.”
“Á… đau đầu lây đấy.”
Tìm cách xưng hô cho là phổ thông và thích hợp nhất, Nhi cởi mở:
“Vì vậy chắc theo cách chú, ra trường cháu kiếm việc bệnh viện cho đỡ đau đầu hơn.”
“Tôi cũng đã tính như cô, có điều…”
“Thế…”
“Trâu chậm cô ơi! Tôi đã cố nhưng giờ không đâu nhận nội trú nữa.”

Nhi hiểu. Trường hợp này không chỉ riêng ông, nhiều. Chuyện xoay sang chiều hướng khác. Lan man mà thân mật. Và khi đủ thân mật, ông hỏi, “Nhi ở với gia đình đấy chứ?” Mất chữ cô khách sáo rồi. Nhi nhìn ông thật nhanh. Không hiểu sao đôi tai to của ông giúp nàng sự yên tâm khá vô cớ, và nàng quyết định, “Dạ một mình thưa chú!” Ông lấn tới, “Diện gì thế, lâu mau rồi?” Nàng cười chỉ ra bàn, đề nghị, “Chú uống trà kẻo nguội.” Nhìn xuống sân đông khách một lát ông buột miệng, “Nhanh. Mới hôm nào cây mận góc kia chỉ ngang tầm tay, mùa rồi đã có trái. Ba năm như ba ngày.” Nàng hỏi, “Gia đình chú sao?” Ông cười ngặt nghẽo. “Cũng như Nhi,” Kế thẳng thắn bảo. “Các cô dựng hàng rào phòng thủ dày quá có khi tự làm rách áo. Gọi khác đi.” Nhi hơi sầm nét mặt, khẽ gắt, “Trời đất, gọi sao nữa đây?” Ông thẳng thắn đến chối tai, “Có anh có em dỗ nhau khi buồn.”

Khi chùa hành lễ, ở góc sân có người đàn bà còn trẻ ngồi lại nơi chiếc ghế đẩu khóc rấm rứt. Ông Hoặc bảo đã thấy bà ta vài lần như thế, ngồi cùng chỗ, khóc cùng tiếng khóc, không dỗ được. Ông kể qua câu chuyện thương tâm trên biển của bà và gia đình bà. “Ấy là nghe nói thế, chuyện đã cũ nhiều năm,” Ông ngẫm nghĩ. “Mà như vậy thì đáng sợ thật vì chẳng có gì tự phá hủy hơn.”
Lời ấy ghim trong óc Nhi lâu lắm.

—o0o—

Họ tiếp tục gặp lại, lúc chỗ này, khi chỗ nọ toàn do tình cờ; nhưng dù tình cờ những câu chuyện vẫn như tơ như chỉ, cứ thoải mái rối vào nhau đến quên thời gian, dù trước một siêu thị hay trong một tiệm ăn. Một lần gặp nhau trong hội chợ Tết do người Tàu tổ chức trên đường Valley, tránh một đám đông ùn ùn kéo nhau đến xem đấu võ, ông và Nhi ra quán gọi nước ngồi xem diễn hành xe hoa.
Ông Hoặc nói:
“Lạ, đám đông thường nhắc tôi về một đám đông trước 75.”
“Ngày thay đổi chế độ?”
“Lại nói thời 75… lúc ấy Nhi ở đâu ha?”
“Dạ Sài Gòn,” Rồi để tránh dĩ vãng như tránh hòn đá, nàng nói lảng. “Anh đang nói chuyện đám đông.”
Ông hơi sửng, chợt nhớ, à một tiếng:
“Nhất là đám đông kiểu đốt Los Angeles. Nhi có đó?”
“Dạ lúc ấy còn học ở UCI, chỉ coi qua truyền hình.”
“Tôi mới đến, đang tạm trú nhà người bạn ở khu South Central.”
“Sợ không anh?”
“Phân vân thôi. Hôm ấy đứng trên ban-công nhà anh bạn nhìn xuống. Bạo động nào cũng na ná nhau. Kẻ tham dự không còn là chính họ mỗi ngày. Cũng đánh đấm túi bụi, rượt đuổi, hò la, súng nổ. Cảnh y như cảnh tôi chứng kiến hai mươi năm trước.”
“Sài Gòn?”
“Đúng hơn ở quãng ông Tạ–Bảy Hiền, trước một hiệu bán gạch ngói. Họ biểu tình chống chính phủ và tôi có đó.”
“Anh…”
“Không, kẹt xe thôi. Tôi vừa gắn lon là xuống trình diện trại Hoàng Hoa Thám ngay. Chiếc Vespa khi không oan mạng. Nhưng chẳng vì thế mà nhớ đâu, nhớ là vì dịp ấy tôi cứu nạn nhân đầu tay ngoài đường.”
Nhi thăm dò:
“Một người biểu tình?”
“Kẻ trong cuộc mình gọi nạn nhân có xúc phạm họ không, dù là viên cảnh sát hay người biểu tình? Không, một con bé.”
“…?”
“Mươi mười hai tuổi, chắc đứng xem bị lạc viên ngói vào hông, máu ra nhiều. Con bé thật lạ. Xin lỗi, tôi kéo quần nó xuống tìm vết thương nhưng cứ giữ cứng, nhất định không cho. Mà nào phải búp bê búp biếc gì cho cam, thương tích như thế vẫn cứ ôm chặt trong tay một bó huệ đã héo rũ. Tôi đành băng bó qua loa, bỏ xe bế nó chạy một mạch xuống Vì Dân.”
“Sau đó?”
“Nào biết. Trình diện xong ra trận ngay, mấy tháng sau mới có dịp về lại Sài Gòn.”
Khi không Nhi đổi đề tài:
“Hồi gặp anh mấy lần trên xe buýt, anh đi đâu thế?”
“À… à…”
Ông Hoặc không buồn đáp. Những chuyến xe hoa lộng lẫy lôi hồn ông theo rồi.
Trên đường về Nhi đùa:
“Xe hoa nhiều giai nhân quá, chọn được ai không?”
Ông đùa lại, khá sỗ sàng:
“Chắc mấy anh lùn thế nào chả táy máy, bằng không cô Bạch Tuyết yêu được!”
Lời ấy ghim trong tim Nhi lâu lắm.

—o0o—

Có lần chàng than nàng không hiểu chàng, Nhi cười, lục ngăn kéo lấy ra một tấm ảnh, ngắm nghía, nhất định không cho chàng xem. Như hai đứa trẻ họ vật nhau trên giường và chàng giằng được. Nàng nhìn chàng ngơ ngác trước trò chơi của mình. Chàng bảo, “Nghịch quá!” Nàng đáp, “Đã thấy hết ruột gan sao bảo không hiểu?” Lần ấy nàng cắt ảnh chàng, lấy đầu gắn vào một thân thể vẽ bộ phận tiêu hoá.

Nhi biết chàng muốn một đứa con nhưng tự cưỡng, dù đôi phen đã suýt mềm lòng. Có gì gần với sự sợ hãi. Nàng không sao có được sự rạo rực đủ để hiến chàng hưởng trọn cái rùng mình xấu hổ của một thân thể đàn bà. Thậm chí những lúc chàng liều lĩnh rúc vào nàng như đứa bé, nàng vẫn chỉ nuông chiều ở một chừng mực đáng ghét. Nàng mơ hồ thấy mình như bị liệm sống trong một tấm áo không khuy.

Những khi chàng bình tĩnh ra về Nhi càng thêm bấn loạn. Chàng đã chẩn đúng bệnh nàng? Chàng cũng hiểu không gì dễ sợ hơn những tấm ảnh dĩ vãng không hạnh phúc chẳng lục lọi mà cứ lòi ra? Và chàng là lương y, vẫn kiên nhẫn tìm sự hợp tác nơi chính nàng cho sự chữa trị đến thành công? Mình có vô lý khi bảo giở thêm trang mới không chữa được pho thảm kịch cũ? Ít nhất một lần chàng bóc quýt nàng ăn, nàng nhăn mặt bảo, “Để nguyên trái cho em, gì cũng bóc ra, ghê lắm!” Một lần khác giỗ mẹ nàng, chàng đem đến bó huệ, nàng nhìn nhanh, lạnh nhạt hỏi, “Sao lộn hoa gãy thế này?” Mới đây nhất nhân sinh nhật nàng chàng mua tặng một hộp nhạc có tượng Bạch Tuyết, nàng nhìn chàng trân trân, không nói.

Một đêm Nhi ngồi nhìn trăng, chợt hiểu. Tình yêu hai người như tuần trăng Thợ Săn Tháng Mười tráng lệ, soi tỏ lần cuối mặt đất buồn tênh cho mùa đông giá sớm muộn sẽ tràn về. Nàng không trốn được cảm giác khốn khổ đời làm hỏng của nàng một đêm thủa chưa ham vui, làm phí một thời thủa chưa biết tiêu, làm nhạt một mặn nồng thủa chưa muốn hưởng!

Làm sao giải thích chàng hiểu có một cuộc tình như đêm trăng, ngắm thôi, không ôm được vào lòng?

—o0o—

Cái chết đột ngột của một cô gái làm rộn khu phố nhỏ. Bà chủ nhà thì lắc đầu bảo, “Thiệt… con nhỏ điên”; ở bến xe bà Juanita cố nhớ lại điều gì, rồi lẩm bẩm, “Nó học bác sĩ mà, người ta bảo nó lạm thuốc là sao”; còn Toni thầm thì chi đó với bà Jennifer ngồi trầm ngâm điếu thuốc lá, và nó chỉ ngưng khi bà reo thầm, “Xe tới, vậy là hôm nay trống một chỗ ngồi”; riêng ở trường Y chắc có nhiều tin tức chính xác hơn, do thế người ta xầm xì nhắc lại chứng đột tử “đi trong giấc ngủ” mươi năm trước thấy xuất hiện trong cộng đồng Lào, H’Mong và Thái; còn ở chùa bá tánh lại gặp nhau ở chữ tội nghiệp, và sự tội nghiệp ấy xem ra còn có kín đáo đính thêm những dấu hỏi vào câu chuyện tình của hai người đồng hương. Ông Hoặc cúi đầu nhận sự chia buồn như nhận mớ hoa giả ném xuống mồ. Ông hiểu, nhưng nói làm sao nguồn cơn của tai biến, thành ra ông yên lặng, một sự yên lặng chì chiết làm bạc nhanh mái tóc ông cách không ngờ.

Đời ông cũng mất mát nhiều, quá nhiều, chẳng sót gì nguyên vẹn, có thể cả lòng trung thành với một hình bóng; phải vì thế chỉ sau lần giỗ đầu cô gái được ông đứng ra tổ chức ở chùa với tràn ngập hoa huệ, người đồng hương không ai gặp lại ông nữa trong thành phố thung lũng San Gabriel những ngày sau đó?./.

Hà Thúc Sinh

Huỳnh Hữu Ủy

 Trong khi không khí của Hồ Hữu Thủ khá nhẹ nhàng, thì tranh Hồ Thành Đức lại đầy vẻ bi thảm; cái thơ mộng luôn luôn hiện ra dưới một hình thái buồn thảm, cô quạnh và phần nào hơi tan vỡ, nứt rạn.
Với hội họa miền Nam trước 1975, tranh Hồ Thành Đức khá đặc biệt với kỹ thuật giấy dán của anh. Trên thế giới, kỹ thuật này không có gì mới mẻ. Ở Nhật khoảng thế kỷ XIII, XIV, nghệ sĩ Nhật Bản đã biết sử dụng những chất liệu như giấy, gỗ, vải để dán thêm vào tranh vẽ. Ở phương Tây, Braque và Picasso, đặc biệt là Braque đã đưa kỹ thuật này vào thế giới tạo hình, dùng những mảnh bìa với những màu sắc khó thể tạo nên bằng cây cọ của họa sĩ. Một vài chất liệu khác nữa được ghép lại và dán cứng lên nhau, và sau cùng, đường nét được phóng vẽ lên bao trùm lấy toàn thể những chất liệu đã được dùng đến.
Kỹ thuật dán giấy đã một thời cùng với trào lưu siêu thực và lập thể mà phát triển mạnh, gây nên nhiều chú ý và những tiếng vang sâu đậm khắp nơi, đã thử thách lắm nghệ sĩ nhưng không phải ai cũng có thể dấn bước vào, bởi vì không những nó đòi hỏi một sự chuyên tâm nghiên cứu, trau luyện để tìm ra một đường lối thể hiện mà còn đòi hỏi, một cách tất yếu hơn, những điều kiện tâm cảm nào đó của người nghệ sĩ.
Nói như nghệ sĩ siêu thực bậc thầy Marx Ernst, với những chiếc lông chim ta có thể kết thành một đám lông chim, nhưng không phải với keo hồ là có thể làm thành nghệ thuật ghép dán (Si ce sont des plumes qui font le plumage. Ce n’est pas la colle qui fait le collage).
Sau nhiều năm làm việc, thử thách với hình thức hội họa này, Hồ Thành Đức đã đạt được nhiều thành công đáng kể, chinh phục được công chúng thưởng ngoạn cũng như anh em sáng tác cùng giới. Phòng tranh bày tháng 5-1970, ở phòng triển lãm quen thuộc Pháp Văn Đồng Minh Hội, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về một đời sống nghệ thuật sâu sắc và một kỹ thuật khá cao đã được nắm vững. Trừ một vài tác phẩm có đôi chút tươi vui như Đồ chơi của trẻ con, Tĩnh vật và hoa, Vũ khúc Đông phương, gần như một thứ trang trí với vẻ lấp lánh của ánh sáng chiếu rọi qua những tấm kính rực rỡ trên các khung cửa nhà thờ gô-tích, tất cà các tấm tranh còn lại đều tỏ lộ một thế giới khá buồn thảm, với sắc độ hầu khắp là lạnh lẽo.
Màu sắc xanh xám, đen nâu trộn vào nhau, pha cùng với màu nâu sậm, màu chì của bầu trời mây tối. Cảnh vật bị đè nặng dưới sức ép của bạo lực và kinh hoàng, trầm lắng dưới những khối màu ảm đạm. Trên một đường phố, trên khuôn mặt mẹ già hay ngay cả thiếu nữ đang độ thanh xuân, trên những chân dung hay tĩnh vật cũng thế. Luôn tỏa ra trong tranh anh một nỗi buồn bã, trống trải, tan rả, những đau đớn và gãy đổ của một thời đại chia cách, phân hóa. Thế giới gần như tuyệt vọng và tan vỡ mọi bề, thực hết sức hiu quạnh, vắng bóng con người. Nếu con người hiện ra thì cũng đang tê cứng và biến dạng đi để trở thành một thứ đá im lìm, u uất, bất động mà bao nhiêu tiếng gào, bao nhiêu nỗi căm phẫn đều dồn vào bên trong. Chúng ta hãy thử kể đến vài tấm tranh trong không khí ấy: Gia đình trong cổ tháp, Ánh sáng trong Viện Bảo Tàng, Tình đá, Đá mặt trăng và tuợng Ai Cập, Tĩnh vật, Chân dung của người già, Thành phố xám, Giáo đường màu xám, Sau chiến tranh, Thiếu nữ trên tường rêu, Vết đạn trên thành phố Huế …
Khó cắt nghĩa chính xác tại sao trên tranh Hồ Thành Đức lại nhuốm đầy vẻ bi thảm, hoang mang và ác mộng. Nhưng ít nhiều chúng ta cũng đã biết đến những ám ảnh khắc nghiệt vào thời tuổi thơ họa sĩ, cùng những dằn vặt của thời tuổi trẻ, và sau cùng là tuổi trưởng thành trên một đất nước mà chiến tranh đang đè nặng như một định mệnh tàn khốc. Hẳn rằng tất cả những yếu tố ấy đã hợp nhau lại để dựng thành một thế giới riêng tư bi thảm.
Những năm về sau này, có lẽ tâm cảnh cũng biến chuyển theo với thời thế bên ngoài, khi chuyển qua giai đoạn thực hiện tranh sơn mài, khi căn nhà của Bé Ký, Hồ Thành Đức ở 78 bis Điện Biên Phủ (tức Phan Thanh Giản cũ) thực sự trở thành một xưởng sơn mài đáng chú ý ở Sài Gòn, thì tranh của Hồ Thành Đức đã vui tươi hơn nhiều, những mảnh vỡ trong collage trước đây càng làm cho sơn mài của Hồ Thành Đức sâu hơn và gợi cảm hơn, hầu hết các tác phẩm đều được nghiên cứu, thử tay, thực hiện trước bằng collage rồi mới chuyển qua khâu sơn mài để hoàn tất.
Tranh sơn mài của Hồ Thành Đức được sản xuất hàng loạt, không kịp đủ để bán, rồi theo các chuyến tàu, các người chơi tranh, các nhà sưu tập mà đi khắp thế giới. Bức Chân dung Chúa treo ở phòng khách lớn Hội Truyền giáo Hải ngoại Ba Lê (Missions Étrangères de Paris) được nhiều người thưởng lãm và cảm xúc. Nhà Bảo tàng Nghệ Thuật Thái Bình Dương ở Vác-Xa-Va (Warsaw), Ba Lan, năm 1984, đã chọn mua bức sơn mài Mẹ Âu Cơ của Hồ Thành Đức để giữ trong bộ sưu tập thường xuyên.
Tranh Hồ Thành Đức có trong nhiều bộ sưu tập riêng ở Pháp, Canada, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Thụy sĩ …
 Một chút tiểu sử Hồ Thành Đức:
Sinh năm 1940 ở Đà Nẵng, theo học Trường Mỹ Thuật Huế, bỏ học dang dở và sau đó tiếp tục lấy bằng tốt nghiệp ở Trường Mỹ Thuật Gia Định. Giải thưởng Hội Họa Mùa Xuân 1963 với huy chương đồng. Tranh được Phủ Văn Hóa chọn để dự triển lãm quốc tế ở Luân Đôn (1965), Monaco (1965). Tham dự triển lãm lưu động giới thiệu văn hóa – nghệ thuật Việt Nam 1969, do Tổng hội sinh viên Nhật Bản tổ chức, với sự tham dự của Bé Ký, Nguyễn Gia Trí, những hình ảnh sinh hoạt âm nhạc của Trịnh Công Sơn v.v… Từ 1969-75, Hồ Thành Đức là giảng viên Mỹ Thuật Trường Đại Học Vạn Hạnh, và năm 1974 cho đến 30-4-75, đặc trách ban mỹ thuật áp dụng của Trường Đại Học Phương Nam vừa thành lập, với dự án sẽ tổ chức thành một phân khoa mỹ thuật. Hiện định cư tại California, Hoa Kỳ, vẫn thường xuyên tham dự các sinh hoạt nghệ thuật của cộng đồng người Việt nơi đây.
Vẻ Ẩn Mật
Trong Hội Họa Đinh Cường
Bước vào thập niên sáu mươi, hội họa Việt Nam bỗng dưng biến chuyển dữ dội, có tính đột phá với một lực lượng trẻ, mạnh khỏe, hừng hực lửa sáng tạo. Họ ào ạt vận dụng những tiếng nói mới, tất nhiên phải bắt liền mạch với nền nghệ thuật hiện đại của thế giới, rồi chính từ đó đã manh nha một nét gì đó riêng biệt của hội họa Việt Nam. Đinh Cường là một trong những khuôn mặt nồng nhiệt nổi bật ấy, phong nhã và đầy sự mê đắm. Suốt gần bốn thập niên qua, anh xuất hiện với những dấu hiệu riêng, dung chứa một vẻ bí mật rất riêng biệt. Một nhà phê bình văn học đã đề nghị chúng ta khi đến với một tác giả nào thì cần phải có một tấm bảng đồ chỉ dẫn và một quyển tự điển thuật ngữ riêng, cũng vậy, lần dò vào thế giới Đinh Cường, chúng ta cần có những dấu mốc, những cột đường và sự định hướng khi di động.
Đinh Cường thích đi đến những điều bí mật đằng sau cây cọ và những tảng màu. Cái ẩn mật hình như có một sức cuốn hút anh mãnh liệt. Quan sát cách làm việc của anh, chúng ta dễ nhận ra điều ấy. Những nét và màu cứ chồng chất lên nhau, bôi xóa, đào xới, lấp đầy, rồi lại mò mẫm đi tìm. Giữa những màu trầm tối, nâu xanh, tím thẫm, chợt lóe lên một vệt đỏ ấm cúng, vệt đỏ ấy sẽ là điểm quy chiếu để cân bằng và điều hòa. Đó chính là một con còng đỏ nhỏ tí xíu lấp ló giữa một bờ biển mênh mông, nhỏ tí xíu nhưng lại đủ độ nồng nàn để phá tan cái lạnh lẽo xanh thẫm trên toàn nền tranh. Hay cũng chính là cái chấm đỏ ấy, sẽ là một con chim mỏ đỏ rất lạ, hay một chùm bông hoa đỏ giữa một vùng hoang dại tràn đầy một màu xanh tối, với đá tảng, rêu phong và cây lá chen chúc.
Nhìn anh làm việc trước giá vẽ, nhiều lúc tôi có cảm giác anh cứ thả cho mình chìm mãi, chìm mãi vào trong biển màu sâu thẳm, nhưng bao giờ cũng vậy, rồi anh sẽ bắt được một điểm tựa để ngừng lại. Điểm tựa ấy không hẳn là một vệt màu mạnh và ấm, mà đôi lúc lại chỉ là một tảng xanh sậm lạnh lẽo, hay một mảng màu nâu ngã sang tím than. Lắm lúc, Đinh Cường dường như đã quên lãng hết cả cõi đời thực, anh như chỉ còn muốn sống một thế giới khác, đắm chìm trong những giấc mơ hư ảo, liên tục biến đổi, giữa những dấu vết dễ tan vỡ. Biến đổi trong cái không biến đổi, và không biến đổi trong cái biến đổi. Chẳng qua cũng chỉ là di động theo một qui luật vận hành tự nhiên. Tuy nhiên, chính trong cuộc vận hành ấy, giữa những tác động qua lại, anh đã tỏa chiếu lên thế giới sự vật một cách nhìn riêng của mình, hay đúng hơn, đó chính là cuộc đối thoại của một dấu ấn định mệnh, giữa vì sao hổ cáp hay thiên ngưu với dãy thiên hà mênh mông bất tận. Đinh Cường rượt đuổi những giấc mơ, và trên những nét và màu cứ mãi hoài di động, anh bất chợt tỉnh táo và dừng lại nơi một cảnh trí rất thơ mộng, thanh nhã, mà hình như luôn luôn u buồn và mù tối.
Về mặt kỹ thuật, có thể nói Đinh Cường là một trong những họa sĩ mới đã vận dụng đến cao độ những tình cờ bắt chợt được của các khối màu và hình thể. Giấc mơ và sự tình cờ của màu sắc và đường nét đã chập chồng lên trên hội họa của Đinh Cường. Ở đây chúng ta có thể nói là Cường rất tài hoa, phóng túng thả mình trôi nổi giữa nhịp điệu chuyển động của vô thức, nhưng rồi anh cũng dừng lại đúng lúc và mang tặng cho cuộc đời những bảng màu thực đẹp đẽ, phong phú, ảo hoặc đến độ kỳ diệu.
Tôi nhớ đến nhiều bức tranh rất đẹp của Đinh Cường, những bức tranh ấy hầu như đã mất tích hoặc bị hủy phá vì cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn ác trước đây, nhưng chắc là những người yêu mến và quan tâm đến hội họa Việt Nam và sự đóng góp của Đinh Cường cũng còn nhớ đến, những Cầu Say, Đồng Nhập, Verdure, Con Chim Mỏ Đỏ, Nghĩa Địa Voi, Trăng Qua Vùng Đất Lạ.
Tranh của Đinh Cường, dù vô thể hay có hình tượng, thì cũng luôn là những phát biểu riêng biệt của anh: hình nét riêng, màu sắc riêng, rất đặc biệt là màu xanh lạnh vô cùng thơ mộng của anh. Tôi chưa hiểu vì sao Đinh Cường lại có vẻ bị ám ảnh bởi màu xanh ấy, nhưng nhìn chung có thể nói đó là một màu sắc đặc biệt của cả một thời kỳ hội họa Việt Nam, cái màu xanh pha trộn của ánh trăng, lá cây xanh, biển xanh, màu xanh nơi biên giới của sự sống và cái chết cùng tiếng ì ầm buồn thảm đến độ hung bạo của một cuộc nội chiến triền miên. Cái màu xanh ấy cũng có thể gặp ở một số họa sĩ tài năng đồng thời với Đinh Cường, như những Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Hữu Thủ, không phải là toàn thể, nhưng nơi một phần sắc màu của Cao Bá Minh và Nguyễn Phước. Cái màu xanh thăm thẳm ấy đến với Đinh Cường 30 năm trước, và cho đến nay dường như vẫn còn là một ám ảnh đầy bí mật không dứt ra được.
Đinh Cường chọn lọc và yêu mến một số hình ảnh quen thuộc và gần gũi, những con chim nhỏ, những bông hoa nhỏ, thiếu nữ gầy nhưmột cành lau sậy phất phơ bên bờ núi, những chóp đỉnh nhà thờ giữa bầu trời xám, anh đã biến những hình ảnh ấy thành ký hiệu của mình.
Rồi nhiều lúc Đinh Cường đẩy những hình ảnh ấy biến thái trong những tiết điệu mới, thành rất là lạ và rất Đinh Cường, như hình ảnh một thiếu nữ đang nhảy múa để đánh thức những bông hoa trên một triền đồi, bên cạnh là một thiếu nữ khác ngồi trên mình ngựa với chiếc đàn mandoline nhỏ trong tay, cái chuông đỏ buộc nơi cổ ngựa cũng đang rung lên hòa vào cái rạo rực chung. Hay hình ảnh một người đàn ông lang bạt, giữa một buổi chiều xanh xám, đang lắng nghe tiếng còi tàu dội về từ một vách đá giữa vùng đồi núi Di Linh. Hình bóng người đàn ông ấy, đội mũ sụp, ngậm ống vố, ngồi lặng lẽ nơi một góc nào đó của cuộc đời, làm tôi nhớ đến những trang sách cực kỳ tài hoa của Nguyễn Tuân viết về những chuyến ra đi của anh chàng đãng tử. Ra đi, trở về, lại nhớ đến những chuyến ra đi, và rồi lại lên đường lang bạt kỳ hồ. Có lẽ hình ảnh ấy cũng có để lại dấu vết nơi Đinh Cường, tôi đoán chừng như vậy.
Đinh Cường đã sống thời tuổi trẻ của mình rất đẹp, thích đi qua những ga tàu, những trạm xe chuyển bến, những thành phố, những thành phố rất mới và những thành phố cổ kính, rồi thỉnh thoảng tá túc lại giữa những căn nhà bên đường chuyển dịch một thời gian, một đôi ngày, vài ba tháng, dăm bảy năm. Tôi đã đến thăm nhiều nơi anh lưu ngụ, nơi nào cũng vậy, dù ở một biệt thự sang trọng trên một dốc đồi, hay nơi một túp lều nghèo nàn giữa một xóm nhỏ, đều luôn tỏa ra các cung cách thanh nhã, quý phái của anh. Cái đẹp đối với một nghệ sĩ tạo hình là một vấn đề thuộc lãnh vực thị giác, là cái đẹp của con mắt, là sắp đặt sự vật cho hòa hợp, quân bình. Cho nên, ngay như cái thô kệch và xộc xệch thì cũng phải là một thứ xộc xệch trong hòa điệu vững chắc. Nói tắt lại, trước tiên, nó phải là cái đẹp hình thức, rồi từ đó mới dẫn vào chiều sâu của thế giới nội dung.
Những người gần gũi Đinh Cường hầu như đều dễ dàng yêu mến và quý trọng cái chải chuốt hình thức của anh. Từ thời còn rất trẻ, anh thích cung cách, dáng vẻ nghệ thuật của Modigliani, André Breton, Max Ernst, Hans Arp, Paul Klee, Paul Eluard; sinh hoạt của anh phải là đất Paris với khu Montmartre và nơi những căn nhà anh ở tôi đã thấy thấp thoáng cái vẻ đẹp kiểu cách ấy một cách rất tự nhiên, hòa hợp và rất thân mật.
Đinh Cường bước đi giữa cuộc đời một cách rất tài hoa, và trên hết mọi chuyện, có lẽ bản năng sáng tạo là sức đẩy nội tại dữ dội, đã thôi thúc và không ngừng đặt anh trước giá vẽ từng mỗi giây phút. Bức rức và bó tay thúc thủ nhiều năm sau l975, nhưng khi thời thế có mở cửa đôi chút, anh đã nắm ngay thời cơ để phát biểu tiếng nói của mình. Tôi còn nhớ khá rõ không khí một phòng tranh bỏ túi của anh ở phòng mạch một người bạn bác sĩ vào khoảng năm 1983. Tôi cũng có một chút kỷ niệm nhỏ với phòng tranh này, vì đến trễ vài phút, tôi đã mua hụt một bức tranh khổ nhỏ mà tôi rất thích, bức Tôi vẫn còn tiếp tục mơ mộng. Người mua tấm tranh này là một khuôn mặt trí thức đặc biệt của Sàigòn, là một nhà văn, nhà báo, giáo sư đại học, và trên hết mọi chuyện, là một con người chiến đấu cho lẽ phải và quyền làm người suốt mấy chục năm qua, vì vậy việc ông chọn mua bức tranh ấy cũng là một dấu hiệu đáng chú ý.
Cảm hứng từ tác phẩm điêu khắc “Je continue à rêver” của một nhà điêu khắc trẻ Tiệp Khắc. Đinh Cường đã dựng nên không khí của bức tranh, trên những mảng màu bôi bác tình cờ, anh phát hiện và nhìn thấy chân dung của mình. Anh chấm phá thêm một số đường nét để vẽ nên bóng dáng của người họa sĩ đang tiến công vào cái đẹp. Dùng chữ “tiến công” là hơi cường điệu, cho có vẻ mạnh mẽ và năng nổ, thực sự ra đấy là một hình ảnh khá nhẹ nhàng và rất thơ mộng: người họa sĩ mang trên lưng mình một bảng màu và những cây cọ mà từng mỗi cây cọ giống như là một mũi tên và palette vẽ giống như cái túi xắc của người thợ săn. Rất rõ ràng đó chính là một tuyên ngôn của Đinh Cường, mặc dù lặng lẽ nhưng cũng đã gây nên những làn sóng ngầm, giữa một thời kỳ đất nước đang phải đặt trong tay một chế độ toàn tri gay gắt. Ở phòng triển lãm này, mua hụt bức “Tôi vẫn còn tiếp tục mơ mộng” nhung cũng còn một chút may là mua được một bức khác cũng khá đẹp, là bức “Đánh thức đồi hoa”. Tôi nói là may, bởi vì một người nào đó đã chọn mua bức này, nhưng sau lại đổi ý, mua tấm khác, và tôi đã tức thời chớp ngay bức đó.
Trở lại với hình ảnh người đàn ông ngồi bên ga tàu vắng lặng cạnh một vách núi năm nào, gần đây, tôi hết sức cảm xúc gặp lại bóng dáng ấy nơi một cảnh ngộ khác. Nơi bức tranh Đinh Cường gọi là Vong thân, cũng là dáng vẻ ấy nhưng trầm buồn hơn, gã đàn ông ngồi lặng lẽ như tượng, nổi bật trên nền tranh xanh màu ngọc lục bảo; một đường chân trời cắt nghiêng, và màu trời xanh sậm hơn. Trên nền tranh, một con chim nhỏ đậu mong manh, như nhấn thêm một nét mô tả vào cảnh đời của một lãng tử mãi hoài lưu lạc. Dưới nhãn giới xã hội học, bức tranh này hẳn cũng có thể nói nhiều điều về một lớp người lưu lạc trên đất khách mà cuộc đổi dời lịch sử đã xô đẩy vào những bến bờ mới thực hết sức lạ lùng.
Đinh Cường đã sống một thời tuổi trẻ thực đầy thi vị và phong phú, và đã làm việc thực hết sức dữ dội. Số lượng tranh anh để lại rải rác khắp nơi rất là lớn, lên đến cả hàng ngàn tấm. Họa sĩ Việt Nam, dường như chỉ có Bùi Xuân Phái và Đinh Cường là có sức làm việc như thế mà thôi. Hiện nay, trước ngưỡng cửa của tuổi sáu mươi, trong cuộc sống lưu vong đầy áp lực và nứt rạn trên một đất nước xa lạ, anh vẫn gìn giữ phong cách của bao nhiêu năm tháng trước. Vẫn vui đùa với cọ vẽ, nồng nàn với đời sống, vẫn tiếp tục sử dụng những ký hiệu của mình, vẫn đặc biệt nhất với cách nhìn xanh thẫm vào những nỗi bí mật huyển hoặc. Và trên những bước chân chuyển dịch mới, vẫn giữ được ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng mình cho một cuộc sống lang bạt với đất trời và cái đẹp.
Huỳnh Hữu Ủy 

Huỳnh Hữu Võ

Ngày Trở Lại Phan Rí

Tôi về Phan Rí qua vườn táo
Cắn trái vàng thơm ngọt đượm tình
Cắn trái xanh chua lòng thiếu nữ
Men đời còn xanh trên lá xanh

Lưu lạc bao năm lòng vẫn nhớ
Mái nhà khóm táo của ngày xưa
Ở đây gió cát như dòng chảy
Đời lún sâu khi biển mất mùa

Tôi về Phan Rí đi xe ngựa
Qua cầu, qua cầu đến làng Chăm
Chiêm nữ đội vò đi lấy nước
Dưới đồi đồng lúa trải mênh mông

Như có chút gì còn sót lại
Một thời hưng thịnh thuở vàng son
Tôi thấy hình như trong đáy mắt
Chiêm nữ còn in nét tủi buồn

Tôi về Phan Rí bơi thuyền nhỏ
Qua dòng sông luỹ lặng lờ trôi
Bèo mây có lúc tan rồi hợp
Tôi lại về đây lúc nửa đời

Bên kia một dãy đồi Xích Thố
Đồi đứng mà như ngựa ruổi dong
Phải chăng xưa đó là trận mạc
Nên cát đồi trăng cứ đỏ hồng

Tôi về Phan Rí trông ra biển
Một thành phố nổi một rừng sao
Ở đây lắm mực nhiều tôm cá
Nguồn sống cư dân tự thuở nào

Bao năm tôi lại về Phan Rí
Thăm mấy người thân mấy bạn thơ
Lớp trước thầy cô đâu cả nhỉ?
Trường xưa buồn vắng bóng người xưa.

Một Ngày Với Sóc Trăng

Chiều về Liêu Tú thênh thang gió
Bóng nhỏ đường thôn bước diệu kỳ
Lòng như mây trắng lưng trời biếc
Bên rặng dừa nghiêng Sơn Phos Ly

Em dấu nỗi buồn trong cúc áo
Để cho trăng mười sáu nhạt nhòa
Bếp đùn khói tỏa mờ Buôn, Sóc
Như níu chân người khách phương xa

Lịch Hội Thượng còn là nỗi nhớ
Chùa Khờ me chìm trong mưa giăng
Đưa tay em vẫy lời chia biệt
Để muôn đời thầm gọi: Sóc Trăng

Lung linh nước và mênh mông lúa
Đẹp tuyệt vời đôi mắt Khờ me
Mềm môi vị ngọt lời Nam Bộ
Cỏ rối vướng tay chậm bước về

Sẽ có một ngày em ước hẹn
Con thuyền gác mái nước sông trôi
Là trên bến vắng chiều Liêu Tú
Có kẻ si tình đứng gọi: Phos Ly ơi!

Đà Lạt
Tháng Giêng Hồng

nếu như trời không gió
mưa sẽ về đồi thông
nếu như em không đến
sẽ vô cùng mênh mông

Đà Lạt chiều xuống thấp
bóng ai bên hàng cây
chắc nỗi buồn đứng nấp
cho trời chiều đầy mây

bỗng dưng lòng hoang vắng
gió lạnh đâu tìm về
từ cõi nào xa thẳm
để buồn lên tái tê

giọt sương như lay động
nõn xanh bên bờ hồ
bóng em cứ xao động
trong tim anh từng giờ

nếu như em không đến
Đà Lạt tháng giêng hồng
hoa quỳ không còn nở
giữa vô cùng mênh mông

Ngày Xưa

Em đi giữa dòng đời
Một khung trời thơ mộng
Giọt buồn nào lắng động
Rơi xuống đáy hồn tôi

Làm sao em biết được
Những sáng mờ hơi sương
Làm sao em biết được
Giữa lòng tôi tơ vương

Cửa nhà em đóng chặt
Khép kín một tình yêu
Tôi về qua ngõ quạnh
Khuya khuya niềm cô liêu

Mai em về bến mới
Sóng nhỏ chao lòng thuyền
Em tung tăng dưới nắng
Nón không buồn che nghiêng

Ngày xưa em là mộng
Ngày xưa em là thơ
Giữa hồn tôi còn đọng
Những giọt buồn ngày xưa

Huỳnh Hữu Võ

Huy Phương

Huy Phương
Nhớ Nhớ Quên Quên

Cái quên làm cho tôi khó chịu và xấu hổ nhất là quên tên bạn bè đang đứng trước mặt mình. Rõ ràng chúng tôi biết nhau quá nhiều, có khi đã sống với nhau qua một thời gian mài đũng quần trên ghế nhà trường, trong đơn vị quân đội hay lăn lóc với nhau trong trại tù. Giá như mà sơ giao thì còn có thể giả lả: “Xin lỗi ông, lâu ngày quá tôi quên mất tên ông,” đằng này quá thân tình, thú thật không biết phải xử trí làm sao, không lẽ cứ “mày mày tao tao” hay “anh anh tôi tôi” mà không gọi được cái tên cho thân mật.

Ðược nhớ lại cái tên mà reo lên một tiếng mừng rỡ, thân tình thì đẹp đẽ, vui sướng biết bao nhiêu. Nói chuyện này ra, cũng có nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ đem lòng thương hại, thông cảm với với mình và nếu có người giúp mình trong tình huống khó khăn này, thì chỉ có bà vợ. Nếu có vợ đi bên cạnh thì đành quay sang hỏi nhỏ tên người này. Có khi đang ở ngoài phố, phải điện thoại về nhà hỏi có còn nhớ tên cái ông này, bà nọ, hồi đó, ở đâu tên gì không?

Rõ ràng là đến tuổi này, trí nhớ coi bộ bắt đầu trục trặc, khó có thể phục hồi như người ta có thể phục hồi bu-gi xe gắn máy. Chuyện nhỏ như cái chìa khóa xe, vào nhà không nhớ vứt ở đâu, cái bill điện đến ngày quá hạn trả, lúc lấy ở thùng thư vào thuận tay không biết bỏ nơi nào, mặc dầu ngay cửa ra vào đã có tấm gỗ gắn mấy chùm chìa khóa, hay cái ngăn đựng bill. Chuyện lớn như ngày sinh nhật mẹ vợ, ngày giỗ ông già, hứa cuối tuần này đưa vợ đi công việc. Chuyện lớn hay nhỏ đều phải nhờ cậy đến bộ nhớ của “một nửa kia” của mình là bà vợ nhà, người thân tín đang ở bên cạnh. Các bạn cũng biết đàn bà có khả năng nhớ rất lâu, mà nhớ rất dai, họ có thể dễ dàng giúp bạn trong những trường hợp như thế, nhưng phải khéo léo mà sử dụng đừng bấm nhầm nút mà toi mạng.

Bây giờ đôi khi lái xe ra khỏi nhà, lên freeway rồi mới chợt hỏi, mình đi đâu đây? Ðịnh thần một hồi mới nhớ ra công việc phải làm, nơi mình phải tới. Có khi quên cái cell phone ở nhà, cũng có lúc quên cả ví đựng bằng lái xe, giấy tờ. Buồn lắm, nếu một ngày kia ở chỗ làm việc ra, hay đi đâu đó mà không còn nhớ cả con đường về nhà, thì giờ này làm sao nhớ nỗi “con đường xưa em đi.” Thì ra, lú lẫn, quên trước quên sau cũng là một cái bệnh. Có những cụ già không còn nhận ra con cháu, không nhận ra đêm ngày, không nhận ra mình đã dùng bữa chưa. Ôi tuổi già u ơ như một đứa trẻ nít. Ngay cả người đầu gối tay ấp của mình gần hết cuộc đời cũng không còn nhớ mà lẩn thẩn hỏi:“Ai đây!” Người bị bệnh lú lẫn Alzheimer’s thường quên những điều trong hiện tại mà còn nhớ lại những điều rất xa trong quá khứ, rồi dần dần, trí óc như có một đám mây mù che kín. Tưởng như những khuôn mặt thân yêu, những khổ đau, hạnh phúc ở đời “fade out” như một đoạn phim rồi tan biến hẳn.

Hạnh phúc thay có những điều chúng ta đã quên được như nhiều điều bất hạnh trong quá khứ, nhưng cũng khổ đau cho chúng ta, nếu giờ đây không còn nhớ những gì chúng ta đã từng muốn nhớ mãi. Bi quan thì người ta cho rằng được quên tất cả là một điều hạnh phúc, nhưng nếu chúng ta còn thấy cuộc đời đẹp mà không còn nhớ gì thì cũng tội nghiệp. Hình như những người bị bệnh lãng quên, không cảm thấy buồn mà cũng không thấy vui, cũng không để lộ cảm xúc trên nét mặt, như những triết gia, những nhà tu đã đạt tới ý nghĩa của cuộc đời này, vốn tất cả đều là huyễn ảo, không có thực.

Có nhiều điều chúng ta tưởng mình đã quên, nhưng không? Nó được dìm sâu vào trong tiềm thức, nếu tiềm thức có đáy sâu thì nó ở dưới đó, rồi một ngày kia, trong giấc mơ nó hiện ra. Ðó là những ngày xưa thơ ấu, con đường làng, khuôn mặt của những người thân yêu trong ngày tháng cũ mà trong những lúc bình thường, có muốn nhớ lại cũng không làm sao nhớ nỗi. Có những chuyện muốn quên đi mà không làm sao quên được. Ba mươi lăm năm rồi, nhiều đêm tôi vẫn còn thấy ác mộng, những ngày trong trại tù tuyệt vọng không có ngày về.

Có những biến cố xảy ra trong cuộc đời mà người ta khó có thể quên. Bạn nghĩ gì khi có những cuộc vượt biên hãi hùng đầy máu và nước mắt, mà sự kêu gào khóc than không với được đến Trời, những nỗi đau khổ nghẹn ngào như xuống đến tận cùng Ðịa Ngục. Và cuối cùng, chúng ta đã sống sót để có được ngày hôm nay. Bạn nghĩ gì với những ngày đói khát giữa biển cả mênh mông, trong tình trạng tuyệt vọng phải ăn thịt đồng loại để sống còn, những đêm cầu nguyện để có được một những giọt nước mưa từ trời cao để có thể thấm vào đôi môi khô héo vì nắng cháy giữa biển Ðông. Và cuối cùng chúng ta đã sống sót đến đây, ăn uống dư thừa, đôi khi phải sợ cả thực phẩm, phải kiêng khem. Bạn còn nhớ những ngày chúng ta bỏ nước ra đi trong đêm cuối cùng của cuộc chiến, ở ngoài trận tuyến súng vẫn còn nổ, và người anh em chúng ta đang còn ngã xuống, chưa bao giờ tháo chạy hay biết đầu hàng. Bạn có bao giờ nhớ lại ngày đứng trước hàng quân, nhận lấy tấm huy chương và vòng hoa chiến thắng giữa tiếng kèn khai quân hiệu, trong nhà Vĩnh Biệt, anh em chúng ta, thi thể không còn nguyên vẹn, chưa được chôn cất. Niên trưởng là người tướng lãnh cầm quân, có còn nhớ gì không? Mỗi lần thêm một ngôi sao trên cổ áo thì trong nghĩa trang dài thêm những hàng bia mộ, và những vòng khăn tang đã được quấn lên đầu bao nhiêu mẹ góa, con mồ côi.

Có những điều mới được nói ra hôm qua đây, nay đã trở thành xa lạ, chẳng những như người ta chưa hề nói, mà còn hành động trái ngược hoàn toàn lại những điều đã nói.

Có thể trong cuộc đời có nhiều điều phải quên để mà sống, nhưng cũng có nhiều điều quên có thể trở thành những điều ô nhục không bao giờ rửa sạch, nhiều điều quên của người sống có thể cho linh hồn bao nhiêu người chết oan khuất không được siêu thoát.
“Anh nói với em như rìu chém xuống đá
Như rạ chém xuống đất
Như mật rót vào tai
Bây chừ anh đã nghe ai
Xiêu lòng lạc dạ, chẳng đoái hoài đến em.”
Ðây không phải là quên, mà là phản bội.

Xin tạ lỗi cùng người yêu dấu, bằng hữu xa gần, trong cuộc đời này có nhiều điều muốn quên đi để sống mà quên không được, cũng có nhiều điều rất muốn nhớ mà nhớ mãi không ra.

Lạy Ngài

Hồi chúng tôi còn nhỏ bé tí vẫn nghe người lớn tuổi chung quanh dùng tiếng “Ngài” để gọi Vua Bảo Đại trong những câu như “Ngài ngự ra Bắc”, hay để gọi Thần cây đa cây đề như mỗi lần mẹ tôi xuýt xoa khấn vái một điều gì “trăm lạy Ngài linh thiêng phù hộ…”. Đó là cái thời vừa phong kiến vừa mê tín dị đoan đã qua, bẳng đi đã lâu khoảng chừng ba mươi năm, tôi lại nghe chính miệng người Cộng Sản nói hay dùng trong các văn bản tiếng “Ngài” một cách khá khúm na, khúm núm với các chức vụ như Tổng Thống, hay Đại Sứ nước ngoài. Thật tình đây là bản dịch tiếng Việt nên các Ngài này cũng không được đọc và hiểu chúng gọi mình bằng danh xưng nào, nhưng chủ ý điều này chỉ để cho người dân biết là mình đã trang trọng thế nào đối với những nhân vật ngoại giao quốc tế.

Tiếng Ngài được dùng khi gọi một nhân vật tôn giáo để tỏ lòng tôn kính nghe không chướng tai, nhưng khi dùng cho một nhân vật chính trị nghe có vẻ vướng vất một chút hèn hạ như người đi xin ân huệ. Trước đây trong một chương trình phỏng vấn truyền hình, một ký giả đã có sáng kiến dùng một danh từ đã lâu không ai dùng, để gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng “Ngài” nghe đã lạ tai, nay lại được biết ông Nguyễn Cao Kỳ lại dùng tiếng “Ngài” để tâng bốc cái ông đối thủ ngày trước, nhỏ tuổi hơn ông là Nguyễn Minh Triết bằng tiếng “Ngài” như lời ông phát biểu trong một bản tin của báo Vieweekly: “Tôi không ngần ngại gọi những nhà lãnh đạo hiện hữu là ngài, vì đó là thủ tục tối thiểu, tôi cũng là một người lãnh đạo quốc gia”.

Thật là mỉa mai và xấu hổ hết chỗ nói! Có ai bắt ông Kỳ phải khúm núm gọi ông Triết bằng Ngài đâu, mà chỉ cần gọi “Ông Chủ Tịch” đúng với chức vụ, cũng như trước đây người ta chỉ cần gọi ông là “Ông Phó Tổng Thống” là đủ. Nếu hồi đó có thằng nào nịnh bợ xin xỏ ông một ân huệ nào mà gãi đầu gãi tai trước mặt ông, gọi là “Ngài Phó Tổng Thống” thì ông đã điên tiết lên mà bợp tai đá đít nó, vì tôi biết tính ông cũng nóng nảy mà ngang ngược lắm, có đời nào đứng yên để nghe lời nịnh bợ trơ trẽn như thế.

Chuyện này làm tôi chợt nhớ đến một chuyện ngụ ngôn La Fontaine, “Thần Chết và Lão Tiều Phu”(La Mort et Le Bucheron). Ông tiều phu khổ quá than thở muốn chết đi cho xong, bèn gọi tên Thần Chết, nhưng khi Thần Chết hiện ra thì ông lại sợ quýnh lên, líu lưỡi gọi Thần Chết là Ngài:“- Nhờ tay Ngài nhắc đỡ (bó củi) lên vai…” (bản dịch rất Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Vĩnh). Thường thường khi gọi ai bằng Ngài là lòng ta đã run sợ lắm, kiểu như ông tiều phu ở trên và bà mẹ tôi mỗi lúc con cái trở trời ấm đầu thì ra cái miếu sau nhà hay dưới gốc cây đa mà kêu Ngài lia lịa vì sợ Ngài quở hay Ngài phạt.

Khi một người đứng trước một người, mà giở cái giọng thưa bẩm, gọi người đối diện bằng Ngài thì ta cũng thấy con người đó nhỏ nhoi tội nghiệp chừng nào, chưa nói đến cái tư cách run sợ, khép mình để cầu xin ân huệ của người ấy.

Một chuyện khác là, tôi cũng không hiểu vì sao trong văn thư của Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở Nha Trang gởi cho Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, đề ngày 7 tháng 7-2007, mà chúng ta đọc được ở hải ngoại, lại viết là: “Cụ Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, rồi lại “Kính thưa Cụ Chủ Tịch”, cuối cùng là “Kính chúc Cụ sức khoẻ”. Chữ Cụ trong văn thư này có cần thiết không? Cụ Triết còn trẻ lắm, chắc chắn là dưới thất thập, cụ Triết lại chưa có râu, gọi cụ ấy bằng cụ chắc cụ ấy buồn hơn là vui.

Theo ngôn ngữ Việt Nam, chữ “Cụ” không dùng cho chức tước mà chỉ dùng để tỏ lòng kính trọng đối với một người già như Cụ Phan Bội Châu, Cụ Nguyễn Hải Thần, Cụ Phan Chu Trinh, hay chưa già như Cụ Ngô đối với dân miền Nam (cụ Ngô về nước chấp chánh mới có 47 tuổi) cụ Hồ đối với dân miền Bắc (được làm là chủ tịch cũng ở tuổi xem-xem), vì người ta không thể gọi là Cụ Tổng Thống hay Cụ Chủ Tịch.

Thời Pháp thuộc, phong kiến, ở thôn quê, vì nỗi sợ hãi đối với những người cầm quyền có thế lực, người dân đen đã dùng tiếng Cụ để gọi các ông Lý Trưởng, Phó Lý như trong chuyện “Tắt Đèn” có nhân vật chị Dậu.

Thị Mịch trong Giông Tố thì van lạy Nghị Hách bằng danh từ “Quan”: “Xin Quan tha cho con!”. Thời Pháp hễ ai có chút Tây học hay tham gia chính quyền đều được gọi bằng Quan như Quan Chánh, Quan Quản kể cả vào nhà thương thì lạy Quan Đốc Tờ, vào trường xin cho con đi học thì lạy Quan Đốc Học. Vì vậy Quan cứ hếch mặt lên, coi đám dân đen như cỏ rác.

Nhiều khi chúng ta chê ngôn ngữ Tây Phương nói về danh xưng, vai vế ai cũng cá mè một lứa “ toi, moi” hay “you, me”, nhưng nói về chữ nghĩa Việt Nam, thì những Cụ, những Ngài, những Quan nghe nhiều khi phát mệt và thường tỏ ra cái tinh thần tôn kính quá đáng, mang đầy mặc cảm tự ti.

Từ khi miền Nam được nếm mùi Cộng Sản, thì danh xưng lại được “cách mạng hoá” triệt để. Cấp trên, cấp dưới gọi nhau như bà con trong nhà, như hồi mới ở trong bưng, mới nghe qua tưởng như bình dân, thân mật lắm. Nhân viên thì gọi Giám Đốc, Trưởng Phòng bằng Bác Năm, Chú Ba… nhưng chú Ba thì cấu mông cháu thư ký, bác Năm thì nhìn nữ nhân viên như Chó sói nhìn “cô bé… quàng khăn đỏ”. Bác Hồ thì “mục hạ vô nhân”, tất cả các ông già bà cả cho tới đàn bà con nít đều một tiếng “Bác Hồ”, hai tiếng “Bác Hồ”, mà chẳng nghe ai than phiền, khiếu nại.

Chúng ta gọi ai bằng Ông, Bà cũng đủ tỏ lòng kính trọng. Người viết sử cũng có thể viết ông Hồ Chí Minh hay ông Ngô Đình Diệm mà không sợ ai nói vô lễ hay xấc xược. Có chăng là ở thái độ tự ty của người gọi và sự tôn xưng quá đáng cho người được gọi. Không biết những nhà “cách mạng vô sản” như Nguyễn Minh Triết nghĩ sao khi được người khác gọi là “Ngài” hay “Cụ”, còn liêm sĩ thì biết ngượng ngùng, không thì mang thêm mặc cảm tự cao tự đại.

Tìm Bạn Tri Âm

Ngày 21 tháng 6 vừa qua, truyền thông Mỹ vừa loan tin cô nữ sinh Katherine Lester, 16 tuổi, “tìm bạn tri âm” qua website đã phải lòng anh chàng người Palestine Abdulad Jinzawi, 20 tuổi. Cô định lên máy bay sang Jesuralem, nhưng đã bị nhà chức trách Hoa Kỳ giữ lại vì lý do an ninh. Nguồn tin cho biết có 87 triệu người vào trang Myspace.com để tìm bạn, trong đó có tới 20 triệu là tuổi choai choai như cô nữ sinh người Mỹ kể trên.
Tại Úc đã có 4,5 triệu người độc thân đã tìm đến việc hẹn hò qua internet. Match.com và RSVP, mỗi website có hơn hai triệu thành viên, và những thành viên này, ngày nay đã có đôi thành vợ thành chồng. Giám đốc điều hành những website này đã cho biết số người tìm bạn tăng rất nhanh trong vòng ba năm trở lại đây. Tuổi kết hôn của một người bình thường là từ 27 đến 29 tuổi, nhưng trong tuổi này, người ta lại quá bận rộn với những công việc sinh kế hằng ngày, ngoài thương trường hay trong công sở, nên ít có cơ hội giao tiếp với người khác phái để tìm hiểu và dẫn nhau tới hôn nhân. Vì vậy internet là cơ hội dễ dàng để những người này vào, trao đổi, tìm hiểu và cuối cùng đồng ý một chỗ hẹn hò. Trong nhiều năm qua, nhiều tội ác đã xẩy ra vì trao đổi trên internet, nhưng đó chỉ là con số nhỏ, nhu cầu trao đổi tìm bạn, tìm người để đi đến hôn nhân trên internet vẫn cần thiết.
Phụ nữ thường ở thế thụ động, nhưng internet chính là nơi để cho quý bà quýù cô chủ động khi đưa hồ sơ mình lên net và sẵn sàng liên lạc với đối tượng nào mà họ thấy thích.
Ngày xưa, cách đây nửa thế kỷ, lúc chưa có internet, và ngay cả bây giờ tại trong và ngoài nước, đối với một số đông còn ít xử dụng tới internet, thì những dòng chữ trên báo vẫn còn quý giá để người ta có cơ hội trao đổi, tìm hiểu và chọn một người tri kỷ hay là một người tình. Kết quả đi đến hôn nhân, đương nhiên cũng có thể có, nhưng với bản tính người Á Ðông, không ai muốn tiết lộ rằng mình lấy chồng hay lấy vợ là do mục “tìm bạn tri âm” trên báo chí.
Tôi nghĩ tờ Thẩm Mỹ là tờ báo đầu tiên ở Saigon, cũng có thể là ở Việt Nam mở ra mục Tìm Bạn Tri Âm, để làm nhịp cầu cho người ta tìm đến nhau bằng thư từ gởi theo lối cổ điển là qua bưu điện. Cho đến nửa thế kỷ sau, ở quê nhà hay ở hải ngoại, tìm bạn vẫn là một nhu cầu cần thiết cho những tâm hồn cô đơn, mặc dầu tiết mục đã đổi qua nhiều tên khác nhau: “Tìm Bạn Tri Kỷ”, “Tìm Nhau Qua Lá Thư Hồng”, “Kết Bạn Thư Tín”…
Ngày trước, không biết có bao nhiêu người trưởng thành phải cần đến mục Tìm Bạn Tri Âm để kiếm cho được một người tri kỷ trong cái quãng đời trống vắng của họ, nhưng cái bọn học sinh trung học chúng tôi thời ấy thằng nào cũng sung sướng có được một vài lá thư xanh xanh từ Saigon, Nha Trang hay từ Vạn Tượng, Nam Vang hồi âm. Vài tuần trước đó, bọn chúng tôi đã cố nắn nót viết một bức thư trên giấy pelure xanh để gởi tới địa chỉ một cô nàng nào đó trên báo Thẩm Mỹ, rồi ngày ngày ngóng chờ người phát thư đi qua nhà gọi tên. Lẽ cố nhiên không bao giờ dám để cho ông bố nghiêm khắc của mình biết chuyện, vì không lo học mà “tìm bạn tri âm”, cũng như không dám khoe với bạn bè. Về phía con gái thì những cô thiếu nữ con nhà giàu, đẹp đẽ, nết na, đã không thiếu những anh chàng đeo đuổi, có khi chưa học xong trung học, đã có người đưa xe hoa tới rước, cần gì phải mất công đi tìm người trong mộng qua tờ báo. Về phía con trai, thì những anh chàng có “3 chữ gi..” thời ấy là những chàng “học… giỏi, nhà… giàu, đẹp…giai” thì đâu cần đi tìm những người chưa biết mặt biết tên, như những chàng trai mơ mộng khác:“Chưa biết tên nàng, biết tuổi nàng,
mà sầu trong dạ đã mang mang”…(Huy Cận)
Ðất nước chúng ta, qua chiến tranh, ly biệt, đổi đời, con người gặp phải những hoàn cảnh đổ vỡ, ngang trái, nhiều người phải chịu cảnh cô đơn, nên trên mặt báo những mục tìm bạn tri âm, tri kỷ lúc nào cũng đông khách. Cũng có những trường hợp nam tìm nam, nữ tìm nữ, những thiếu phụ một lần đổ vỡ, những gái lỡ thời “chưa một lần kết hôn”, muốn tìm bạn trai “để sống nốt cuộc đời còn lại bên nhau”.
Năm 1975, sau khi bỏ nước ra đi, thi sĩ Cao Tần đã chán nản, đau xót kêu lên: “ta làm gì cho hết nửa đời sau?”. Thì đây là câu giải đáp trong mục “Tìm Bạn…”của một nam nhân 52 tuổi “thích dạo biển, dạo sông lúc hoàng hôn”: “ta dìu nhau đi cho hết 1/3 cuộc đời còn lại”, hay là của một single mom 50 tuổi :“nửa cuộc đời còn lại trao hết cho anh!”(nửa cuộc đời còn lại này chúng ta phải hiểu tính từ 50 đến chẵn 100 tuổi, vậy ai là người có lòng, xin đừng ngần ngại nữa!)
Không chỉ những thanh niên, thiếu nữ trung niên, dang dở cuộc đời, chính tuổi già đơn lẻ cũng cần tìm nơi nương tựa cuối đời. Không thiếu những ông cụ lục tuần, hay sắp sửa bước tới tuổi “cổ lai hy”, cũng có những lời nhắn tha thiết “tìm một bạn gái khoảng 50 tuổi nhưng vẫn còn say yêu.”!
Trên những dòng rao người ta tìm thấy một nền văn chương rất là mùi mẫn, ai oán làm xúc động lòng người, như bài thơ sau đây, vần điệu rất vững vàng:- “Sáu mươi xuân lẻ, vẫn đơn côi
Khuya sớm cày thuê trả nợ đời.
Ðất khách tào khang đà gẫy đổ
Quê nhà đơn độc, lệ đầy vơi.
Trần gian, nhi nữ ai tri kỷ
Chắp nối tơ duyên, trọn kiếp người”.
Khó mà tìm được trên các tờ báo tây hay trên internet, một dòng tìm bạn sang cả, đầy tính văn học như vậy, vì mỗi người Việt Nam là một thi sĩ. Ðiều đó thật không ngoa.
Bây giờ không phải chỉ ở hải ngoại tìm nhau, mà thấy nhiều cô gái ở Việt Nam, dư bằng cấp nhưng nuôi giấc mơ “đi lấy chồng xa”, mơ đi Mỹ, hèn chi con gái danh giá của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy Việt kiều Mỹ cũng phải. Qua lời rao chúng ta thấy: Ðại Học Ngoại Thương, Cử nhân Ðại Học Tổng Hợp, Cao Ðẳng Nha Khoa, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học, đang học Tiến sĩ, giáo sư Ðại Học Saigon- đăng báo ở đây để tìm chồng như lời rao sau đây:-“Tốt nghiệp đại học Anh Văn, ngoan hiền, mơ Mỹ Quốc. Thư đầu nhờ người bác ở Quận Cam chuyển”, -“Cao Ðẳng Nha Khoa Saigon, hiền ngoan, muốn làm quen với các anh có quốc tịch Mỹ, thật lòng muốn về Việt Nam cưới vợ”.
Các cô gái tại quốc nội tìm chồng, không phải trường hợp từng người, mà có những lời rao từng “chùm”, như “chùm thơ”, “chùm tư tưởng” theo ngôn ngữ trong nước: “Sáu cô gái, người miền trung, đang đi học tại Nha Trang, Saigon. Cha mẹ đang ở tỉnh X. Muốn tìm bạn trai, bên này, hợp ý, sẽ tiến tới hôn nhân…”
Ðang đi học xa nhà, mà đã muốn tìm chồng, đề nghị cha mẹ gọi về … đét đít.
Cũng có người ở hải ngoại đăng báo tìm chồng cho “một chùm” con cháu như sau: “Mình mới về Việt Nam thăm nhà, có ba đứa cháu tuổi từ 18 đến 22, hiền ngoan, thùy mị, đang học đại học muốn tìm bạn trai ở Mỹ, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, tuổi tác, miễn là có quốc tịch.”
Năm 1975, nhà nước Cộng Sản đã để cho chảy máu chất xám. Trí thức khoa bảng ùn ùn xuống tàu vượt biển vì không ưa chế độ Cộng Sản, bây giờ vì mơ Mỹ, nhiều cô tốt ghiệp đại học tại Việt Nam lại muốn bỏ nước ra đi theo con đường …tìm chồng. Không khéo lại xẩy ra một cuộc thất thoát chất xám thứ hai.
Ởû Mỹ này người ta bắt đầu sợ mập, nên trong lời rao cô nào cũng cẩn thận ghi hai tiếng “không mập”, còn đàn ông thì lại sợ bị chê lùn, nên anh nào cũng không quên nhắc hai tiếng “cao ráo”. Một anh chàng lại ghi trong lời rao: “Nam, mong tìm được một nàng không ngoài 54, dáng gầy gầy…”.
Những lời rao trên các trang tìm bạn, hay cả trên internet chưa chắc đã là những lời nói thật, có lẽ mọi người đều giảm cái xấu của mình đi một tí và tăng cái tốt của mình thêm lên. Chuyện xưa kể rằng, có một cô gái chẳng may bị vá môi, khi chụp ảnh gởi cho bạn, cô ngậm một đoá hoa hồng, trông “romantic” hết ý! Phía chàng trai, trời bắt có cái lưng gù, chàng gởi cho nàng một bức ảnh đang ngồi trên lưng ngựa đang phi, trông hùng dũng biết bao! Thế mà trên một mục rao tìm bạn, một cô nàng đã dám ghi rõ “dữ và xấu, nên bị chồng bỏ, muốn tìm người thích bị ăn hiếp…”
Có lẽ vì vậy, mà nhiều lời nhắn nhe đã vừa cảnh cáo, vừa năn nỉ : “xin đừng đùa giỡn mà tội nghiệp!”
Khi người đời còn có nhu cầu, thì những mục tìm bạn trên báo chí hay qua mạng vẫn còn cần thiết. Nhiều người lúc nhỏ đi học, ra trường đi làm, chạy theo nghề nghiệp hay có người còn phải lo bổn phận cho gia đình, như nhân vật “Người Anh Cả” trong tác phẩm của Lê Văn Trương, chưa bao giờ nghĩ tới hạnh phúc của cá nhân mình. Lúc nhìn lại, thì ngày tháng quá quạnh hiu mà tình cảnh quá cô độc. Mỗi người mỗi cảnh, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay!” Phải chăng hình phạt dành cho một người tù là sự cô độc, vậy xin những ai đang còn cô đơn khuya sớm một mình, nếu không chịu nỗi sự trống vắng, quạnh hiu xin đừng ngần ngại, vì “lời nhắn không quá 45 chữ, thư làm quen xin dán sẵn tem, kèm theo chi phiếu $5.00, xin gởi về…”
Xin các bạn yên tâm: “sẽ hồi âm, dù thư đến trễ…”

Tiếng Chim Buổi Sớm

Ngày bị đày ra tận Hoàng Liên Sơn, “lán” tù tôi ở bên một dòng suối nhỏ, đầu “lán” có một cây rừng, đến mùa hè hoa nở đỏ. Buổi sáng, tôi thường thức giấc sớm, nghe có con chim lạ đến hót những tiếng líu lo ở trên cành. Tôi nằm yên, quên hết phiền muộn, tận hưởng những âm thanh tuyệt diệu, âm thanh đầu tiên của một ngày. Để sau đó, không bao lâu, là tiếng kẻng tù gắt gỏng nổi lên giữa buổi sớm mai, bắt đầu một ngày lưu đày khốn khổ.

Ai cũng cho rằng khi nằm trên giường thì bắp thịt ta được nghỉ ngơi, nhịp tim đều đặn, hơi thở nhẹ nhàng, giác quan tinh tế hơn, và ta có thể tập trung tinh thần vào những cảm giác hay những ý tưởng của mình một cách tuyệt đối. Ông Lý Lạp Minh, một nhà văn Trung Quốc khuyên ta buổi sáng nên nằm giường mà nghe chim hót, là điều thú vị nhất. Tôi cũng đã hưởng được những giây ấy, mặc dù là ngắn ngủi. Ở thành phố hay thôn quê, đâu cũng có chim, chẳng qua là vì cuộc sống tất bật, chúng ta không để ý đó thôi.
Tôi còn nhớ Saigon, buổi sớm mai, những quãng đường như Hồng Thập Tự với những hàng cây cao đầy bóng mát, luôn luôn ríu rít tiếng chim kêu. Ngày ấy đời còn vui, chim còn đậu đất lành, tiếng động cơ của xe cộ hay tiếng xích lô máy nổ dòn dã cũng không đuổi hết đàn chim phải bay rời xa tổ. Ngày đất nước rã rời, phải lên tàu Sông Hương ra Bắc, những hôm phải vác một con dao lên những đồi tre, qua những cánh rừng, chặt chục cây mương hay kiếm mớ củi, cô đơn lầm lũi giữa làn cây, nghe tiếng chim kêu mới thấy nỗi sầu trong dạ.
Có những tiếng chim chiêm chiếp như tiếng gà con, bồi hồi nhớ đến đàn con còn bé dại ở quê nhà. Có tiếng chim cu gáy xa xa, đáp lại ở đâu đó tiếng đồng loại hoà điệu, nghĩ lại tấm thân cô đơn với nỗi buồn nơi xứ lạ. Rồi tiếng chim rừng khắc khoải “bắt cô trói cột” vẫn thường nghe mỗi trưa nơi rừng Việt Bắc, tiếng kêu kéo dài cho đến lúc nắng quái buổi chiều. Tiếng kêu đanh lại, nghe như gằn từng tiếng, theo đầu óc tưởng tượng của mỗi người với những hoàn cảnh riêng, như lời kêu thống thiết, oán thán, trách móc não nuột. Tiếng chim “bắt cô trói cột” nghe thành “hết cơm tới bột” còn chút khôi hài, đói rã họng “đói cơm đứt ruột” còn nghe lời động viên “khó khăn khắc phục” lập đi lập lại nghe tới nhàm chán. Nghĩ theo lời chim, mường tượng như nỗi than khóc “nhớ con đứt ruột”.
Rồi con chim “cuốc” lầm lũi đâu đó trong khóm lúa, bụi cây, vào cuối xuân hay đầu mùa hè, không hề biết hót mà kêu lên những tiếng khắc khoải, từng tiếng từng tiếng một, nghe ra não nùng, hờn oán của người “mất nước” phải khoanh tay, để “nhớ nước đau lòng con quốc quốc” (Bà Huyện Thanh Quan). Con chim này được gọi là Đỗ Quyên hay Từ Quy, theo tích xưa, là hoá thân của Vua Thục Đế, mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hoá thành con chim, cất lên những tiếng kêu não nùng. Tiếng chim “cuốc” nghe xót xa phù hợp tâm trạng người “mất nước” phải xuống tàu đày đi biệt xứ. Nhớ lại câu thơ của Chu Mạnh Trinh:
“Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.”
Cung miếu triều xưa nay vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải “cuốc” kêu thâu.
(Tiên Đàm dịch)
Hay của tướng trung liệt Phan Thanh Giản:
“Ải Bắc ngày chờ tin nhạn vắng,
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu!”
Còn loài “chim quyên” khác ta thường thấy là một loài chim nhỏ, có bộ lông óng ánh, nâu pha đốt đỏ, có tiếng hót rất hay, thường vào ban trưa ở trong bụi hay đầu hồi nhà. Nhưng không hiểu tại sao người ta lại đánh giá cao để ví chim quyên cao như người quân tử, quân tử sao mà sa cơ, như “chim quyên xuống đất ăn trùn, anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than”.
Gà là loại cầm, nó không biết hót, nhưng con gà trống có tiếng gáy vào buổi ban trưa làm cho người ta nhớ đến bao nhiêu điều: “hiu hắt gà trưa gáy não nùng”. (Lưu Trong Lư)
Nhà văn Lâm Ngữ Đường thích nghe tiếng kêu của một loại “gà nô” ( tiếng Tàu còn gọi là “giá cô”). Nói là giống gà nhưng nó hót như chim. Tiếng hót có bốn âm do, re, mi … âm mi kéo dài hai ba nốt, ngưng hẳn một tí, rồi tiếp theo bằng một nốt thấp hơn. Giống chim này có nhiều ở phía Nam Trung Quốc, hót trễ vì đây là một giống chim dạn dĩ, không sợ giàng thun bọn trẻ, trái lại hầu hết loại chim khác đều hót sớm vì sợ loài người ác độc. Có khi chúng bặt tiếng luôn vì lưới bẫy giăng khắp nơi, ví lưới chim đem ra chợ bán là một nghề mới kiếm cơm.
Tiếng hót của giống gà nô này có ba âm và âm cuối kéo dài, có người nghe là “chè, xôi, chuối … thịt”, âm thịt kéo dài ra, thấp xuống rồi ngưng bặt (theo Nguyễn Hiến Lê). Nghe giống như ý nghĩ mấy ông xôi thịt làng xã ngày trước và ngay cả hôm nay. Giống chim này ở Việt Nam cũng có, thời Tây thuộc tôi có nghe người ta nhại tiếng chim là “père, mère, frère … tout est perdu” (cha mẹ anh em mất cả rồi). Nghe ra ngậm ngùi làm sao, như sau một trận hồng thủy, chiến tranh… như một câu oán than: “cha mẹ già đã khuất núi, quê hương đã thất lạc, mộng ước đã tàn phai …” (Bùi Bích Hà).
Tôi có người bạn già vẫn bị người ta chê là đã vì tự do mà bỏ xứ, sao bây giờ lại giam cầm bao nhiêu loại chim trong khu vườn nhỏ, gây nên cảnh “chim lồng cá chậu”, khuya sớm lo quạt nồng, ấp lạnh, vất vả tấm thân già. Nhưng bù lại, bạn tôi hưởng được cái thú ở đời là mỗi buổi mai thức giấc nằm nướng trên giường nghe tiếng chim khướu hót ngoài hiên. Những buổi sáng đầu mùa hè, tiếng chim sơn ca (chiền chiện) trong ánh sáng mờ mờ của buổi rạng đông đã bắt đầu cất tiếng hót. Những lúc sung sức, ăn uống đầy đủ giọng sơn ca “luyến láy” tuyệt vời, nói theo danh từ làng ca kỹ. Ban trưa, khi trời nắng ấm là lúc những con chim khoen (gọi là vành khuyên vì trên mắt chim có hai vòng khoen trắng) rộn ràng tiếng hót. Buổi tối nếu trong nhà còn đèn sáng, sơn ca vẫn còn cất tiếng, khi có tiếng nhạc ồn ào, thì giống chim khuyên cũng líu lo tưng bừng. Ban trưa nắng, trời ấm nghe tiếng chim cu gù. Những đêm trăng, chúng ta còn nghe tiếng chim “mocking bird” kêu, một loại chim có rất nhiều trên đất Mỹ. Dù là giống chim trời của bốn phương, nhưng giống chim cùng loại đậu ở đâu cũng hót tiếng như nhau, nên người chơi chim còn nghe được chút âm thanh quê hương đâu đó. Hoạ Mi, khướu và những giống chim Á Đông đã theo những người nuôi chim bằng nhiều con đường khác nhau, sang đến miền đất này, để khuya sớm chuyện trò với gia chủ bên tách trà buổi sớm.
Trời đất yêu loài chim nên tạo ra rừng cây, loài người yêu chim thì phát minh ra cái lồng. Ông Trịnh Bản Kiều bên Tàu, ngày xưa khuyên em ông đừng bao giờ nhốt chim trong lồng, vì chúng ta nên dung hoà với thiên nhiên và vui với vạn vật. Ông cho rằng không phải vì không yêu chim mà ông khuyên em đừng nhốt chim trong lồng, nhưng vì có cái đạo yêu chim và nuôi chim. Muốn nuôi chim thì trồng vài trăm cây chung quanh vườn nhà để chim tìm tới làm tổ. Buổi sáng tỉnh giấc, còn trăn trở trên giường mà nghe tiếng chim hót thì còn gì thần tiên bằng. Lúc đã xuống giường, mặc áo, đánh răng súc miệng, uống trà, còn thấy chim vỗ cánh rực rỡ, bay qua bay lại thì cái vui nhìn chim trong lồng đâu có so sánh được.
Ở trên đời này ai cũng ghét giọng con chim cú, nhất là chim cú kêu nửa đêm, để người ta miệt thị là “cú giòm nhà” hay “cú kêu nhà bệnh”. Cũng là loài chim, nhưng chúng lại không có tiếng hót của trời cho, mà chỉ có tiếng kêu như giống ngan ngỗng tầm thường. Một loài chim khác chỉ biết kêu hay nói, là giống vẹt. Chúng mang màu sắc sặc sỡ như xiêm áo của bà đồng cốt, tiếng kêu chát chúa chói tai mà nhiều người vẫn thích do cái tài bắt chước ngọng nghịu tiếng nói của loài người, đó là “nói như vẹt”. Đến thăm nhà nuôi vẹt, nghe tiếng vẹt nói ngộ nghĩnh, chúng ta thường cất tiếng cười hỉ hả, nhưng giống vẹt lại cho đó là tiếng tán thưởng vì giọng nói ngô nghê, sao chép vô nghĩa của nó. Ta có bao nhiêu giọng nói quen thuộc, chúng ta chưa đến nỗi thiếu giọng người, thế mà cũng có người thích giọng vẹt-người.
Những ngày mới đến Mỹ, tôi có nhận thấy ở Mỹ có nhiều bầy quạ đen. Chúng kêu loét choét sau vườn, nhiều khi sà cả bầy xuống sân cỏ. Tôi cho đây là loại chim vô tích sự. Người đời quý màu sắc, mà loài quạ chỉ mỗi màu đen. Người ta thích tiếng hót mà loài quạ chỉ biết kêu. Ai cũng thích sự hiếm quý, mà loài quạ bay đến từng đàn, đuổi đi không hết. Vậy mà nhà thơ Trương Kế của Trung Hoa ngày xưa, nửa đêm nghe tiếng quạ kêu cũng sinh tình làm bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” bất hủ. (Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên…)
Trong khi trái đất này còn quá nhiều loại quạ, vẹt, cú, kên kên… mà chúng ta còn nghe được có tiếng chim hót, hạnh phúc biết bao! Nếu bạn ở trong một vùng vắng tiếng xe, một buổi sớm mai nào đó, thức giấc, nằm yên trên giường, xin im lặng, thử tìm nghe có tiếng con chim nào đến hót trên cành cây ở đầu nhà không?

Huy Phương

Hoàng Ánh Nguyệt

Huy Phương
Lạy Ngài – Huy Phương

Hồi chúng tôi còn nhỏ bé tí vẫn nghe người lớn tuổi chung quanh dùng tiếng “Ngài” để gọi Vua Bảo Đại trong những câu như “Ngài ngự ra Bắc”, hay để gọi Thần cây đa cây đề như mỗi lần mẹ tôi xuýt xoa khấn vái một điều gì “trăm lạy Ngài linh thiêng phù hộ…”. Đó là cái thời vừa phong kiến vừa mê tín dị đoan đã qua, bẳng đi đã lâu khoảng chừng ba mươi năm, tôi lại nghe chính miệng người Cộng Sản nói hay dùng trong các văn bản tiếng “Ngài” một cách khá khúm na, khúm núm với các chức vụ như Tổng Thống, hay Đại Sứ nước ngoài. Thật tình đây là bản dịch tiếng Việt nên các Ngài này cũng không được đọc và hiểu chúng gọi mình bằng danh xưng nào, nhưng chủ ý điều này chỉ để cho người dân biết là mình đã trang trọng thế nào đối với những nhân vật ngoại giao quốc tế.

Tiếng Ngài được dùng khi gọi một nhân vật tôn giáo để tỏ lòng tôn kính nghe không chướng tai, nhưng khi dùng cho một nhân vật chính trị nghe có vẻ vướng vất một chút hèn hạ như người đi xin ân huệ. Trước đây trong một chương trình phỏng vấn truyền hình, một ký giả đã có sáng kiến dùng một danh từ đã lâu không ai dùng, để gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng “Ngài” nghe đã lạ tai, nay lại được biết ông Nguyễn Cao Kỳ lại dùng tiếng “Ngài” để tâng bốc cái ông đối thủ ngày trước, nhỏ tuổi hơn ông là Nguyễn Minh Triết bằng tiếng “Ngài” như lời ông phát biểu trong một bản tin của báo Vieweekly: “Tôi không ngần ngại gọi những nhà lãnh đạo hiện hữu là ngài, vì đó là thủ tục tối thiểu, tôi cũng là một người lãnh đạo quốc gia”.

Thật là mỉa mai và xấu hổ hết chỗ nói! Có ai bắt ông Kỳ phải khúm núm gọi ông Triết bằng Ngài đâu, mà chỉ cần gọi “Ông Chủ Tịch” đúng với chức vụ, cũng như trước đây người ta chỉ cần gọi ông là “Ông Phó Tổng Thống” là đủ. Nếu hồi đó có thằng nào nịnh bợ xin xỏ ông một ân huệ nào mà gãi đầu gãi tai trước mặt ông, gọi là “Ngài Phó Tổng Thống” thì ông đã điên tiết lên mà bợp tai đá đít nó, vì tôi biết tính ông cũng nóng nảy mà ngang ngược lắm, có đời nào đứng yên để nghe lời nịnh bợ trơ trẽn như thế.

Chuyện này làm tôi chợt nhớ đến một chuyện ngụ ngôn La Fontaine, “Thần Chết và Lão Tiều Phu”(La Mort et Le Bucheron). Ông tiều phu khổ quá than thở muốn chết đi cho xong, bèn gọi tên Thần Chết, nhưng khi Thần Chết hiện ra thì ông lại sợ quýnh lên, líu lưỡi gọi Thần Chết là Ngài:“- Nhờ tay Ngài nhắc đỡ (bó củi) lên vai…” (bản dịch rất Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Vĩnh). Thường thường khi gọi ai bằng Ngài là lòng ta đã run sợ lắm, kiểu như ông tiều phu ở trên và bà mẹ tôi mỗi lúc con cái trở trời ấm đầu thì ra cái miếu sau nhà hay dưới gốc cây đa mà kêu Ngài lia lịa vì sợ Ngài quở hay Ngài phạt.

Khi một người đứng trước một người, mà giở cái giọng thưa bẩm, gọi người đối diện bằng Ngài thì ta cũng thấy con người đó nhỏ nhoi tội nghiệp chừng nào, chưa nói đến cái tư cách run sợ, khép mình để cầu xin ân huệ của người ấy.

Một chuyện khác là, tôi cũng không hiểu vì sao trong văn thư của Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở Nha Trang gởi cho Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, đề ngày 7 tháng 7-2007, mà chúng ta đọc được ở hải ngoại, lại viết là: “Cụ Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, rồi lại “Kính thưa Cụ Chủ Tịch”, cuối cùng là “Kính chúc Cụ sức khoẻ”. Chữ Cụ trong văn thư này có cần thiết không? Cụ Triết còn trẻ lắm, chắc chắn là dưới thất thập, cụ Triết lại chưa có râu, gọi cụ ấy bằng cụ chắc cụ ấy buồn hơn là vui.

Theo ngôn ngữ Việt Nam, chữ “Cụ” không dùng cho chức tước mà chỉ dùng để tỏ lòng kính trọng đối với một người già như Cụ Phan Bội Châu, Cụ Nguyễn Hải Thần, Cụ Phan Chu Trinh, hay chưa già như Cụ Ngô đối với dân miền Nam (cụ Ngô về nước chấp chánh mới có 47 tuổi) cụ Hồ đối với dân miền Bắc (được làm là chủ tịch cũng ở tuổi xem-xem), vì người ta không thể gọi là Cụ Tổng Thống hay Cụ Chủ Tịch.

Thời Pháp thuộc, phong kiến, ở thôn quê, vì nỗi sợ hãi đối với những người cầm quyền có thế lực, người dân đen đã dùng tiếng Cụ để gọi các ông Lý Trưởng, Phó Lý như trong chuyện “Tắt Đèn” có nhân vật chị Dậu.

Thị Mịch trong Giông Tố thì van lạy Nghị Hách bằng danh từ “Quan”: “Xin Quan tha cho con!”. Thời Pháp hễ ai có chút Tây học hay tham gia chính quyền đều được gọi bằng Quan như Quan Chánh, Quan Quản kể cả vào nhà thương thì lạy Quan Đốc Tờ, vào trường xin cho con đi học thì lạy Quan Đốc Học. Vì vậy Quan cứ hếch mặt lên, coi đám dân đen như cỏ rác.

Nhiều khi chúng ta chê ngôn ngữ Tây Phương nói về danh xưng, vai vế ai cũng cá mè một lứa “ toi, moi” hay “you, me”, nhưng nói về chữ nghĩa Việt Nam, thì những Cụ, những Ngài, những Quan nghe nhiều khi phát mệt và thường tỏ ra cái tinh thần tôn kính quá đáng, mang đầy mặc cảm tự ti.

Từ khi miền Nam được nếm mùi Cộng Sản, thì danh xưng lại được “cách mạng hoá” triệt để. Cấp trên, cấp dưới gọi nhau như bà con trong nhà, như hồi mới ở trong bưng, mới nghe qua tưởng như bình dân, thân mật lắm. Nhân viên thì gọi Giám Đốc, Trưởng Phòng bằng Bác Năm, Chú Ba… nhưng chú Ba thì cấu mông cháu thư ký, bác Năm thì nhìn nữ nhân viên như Chó sói nhìn “cô bé… quàng khăn đỏ”. Bác Hồ thì “mục hạ vô nhân”, tất cả các ông già bà cả cho tới đàn bà con nít đều một tiếng “Bác Hồ”, hai tiếng “Bác Hồ”, mà chẳng nghe ai than phiền, khiếu nại.

Chúng ta gọi ai bằng Ông, Bà cũng đủ tỏ lòng kính trọng. Người viết sử cũng có thể viết ông Hồ Chí Minh hay ông Ngô Đình Diệm mà không sợ ai nói vô lễ hay xấc xược. Có chăng là ở thái độ tự ty của người gọi và sự tôn xưng quá đáng cho người được gọi. Không biết những nhà “cách mạng vô sản” như Nguyễn Minh Triết nghĩ sao khi được người khác gọi là “Ngài” hay “Cụ”, còn liêm sĩ thì biết ngượng ngùng, không thì mang thêm mặc cảm tự cao tự đại.

Nhớ Nhớ Quên Quên 

Cái quên làm cho tôi khó chịu và xấu hổ nhất là quên tên bạn bè đang đứng trước mặt mình. Rõ ràng chúng tôi biết nhau quá nhiều, có khi đã sống với nhau qua một thời gian mài đũng quần trên ghế nhà trường, trong đơn vị quân đội hay lăn lóc với nhau trong trại tù. Giá như mà sơ giao thì còn có thể giả lả: “Xin lỗi ông, lâu ngày quá tôi quên mất tên ông,” đằng này quá thân tình, thú thật không biết phải xử trí làm sao, không lẽ cứ “mày mày tao tao” hay “anh anh tôi tôi” mà không gọi được cái tên cho thân mật.

Ðược nhớ lại cái tên mà reo lên một tiếng mừng rỡ, thân tình thì đẹp đẽ, vui sướng biết bao nhiêu. Nói chuyện này ra, cũng có nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ đem lòng thương hại, thông cảm với với mình và nếu có người giúp mình trong tình huống khó khăn này, thì chỉ có bà vợ. Nếu có vợ đi bên cạnh thì đành quay sang hỏi nhỏ tên người này. Có khi đang ở ngoài phố, phải điện thoại về nhà hỏi có còn nhớ tên cái ông này, bà nọ, hồi đó, ở đâu tên gì không?

Rõ ràng là đến tuổi này, trí nhớ coi bộ bắt đầu trục trặc, khó có thể phục hồi như người ta có thể phục hồi bu-gi xe gắn máy. Chuyện nhỏ như cái chìa khóa xe, vào nhà không nhớ vứt ở đâu, cái bill điện đến ngày quá hạn trả, lúc lấy ở thùng thư vào thuận tay không biết bỏ nơi nào, mặc dầu ngay cửa ra vào đã có tấm gỗ gắn mấy chùm chìa khóa, hay cái ngăn đựng bill. Chuyện lớn như ngày sinh nhật mẹ vợ, ngày giỗ ông già, hứa cuối tuần này đưa vợ đi công việc. Chuyện lớn hay nhỏ đều phải nhờ cậy đến bộ nhớ của “một nửa kia” của mình là bà vợ nhà, người thân tín đang ở bên cạnh. Các bạn cũng biết đàn bà có khả năng nhớ rất lâu, mà nhớ rất dai, họ có thể dễ dàng giúp bạn trong những trường hợp như thế, nhưng phải khéo léo mà sử dụng đừng bấm nhầm nút mà toi mạng.

Bây giờ đôi khi lái xe ra khỏi nhà, lên freeway rồi mới chợt hỏi, mình đi đâu đây? Ðịnh thần một hồi mới nhớ ra công việc phải làm, nơi mình phải tới. Có khi quên cái cell phone ở nhà, cũng có lúc quên cả ví đựng bằng lái xe, giấy tờ. Buồn lắm, nếu một ngày kia ở chỗ làm việc ra, hay đi đâu đó mà không còn nhớ cả con đường về nhà, thì giờ này làm sao nhớ nỗi “con đường xưa em đi.” Thì ra, lú lẫn, quên trước quên sau cũng là một cái bệnh. Có những cụ già không còn nhận ra con cháu, không nhận ra đêm ngày, không nhận ra mình đã dùng bữa chưa. Ôi tuổi già u ơ như một đứa trẻ nít. Ngay cả người đầu gối tay ấp của mình gần hết cuộc đời cũng không còn nhớ mà lẩn thẩn hỏi:“Ai đây!” Người bị bệnh lú lẫn Alzheimer’s thường quên những điều trong hiện tại mà còn nhớ lại những điều rất xa trong quá khứ, rồi dần dần, trí óc như có một đám mây mù che kín. Tưởng như những khuôn mặt thân yêu, những khổ đau, hạnh phúc ở đời “fade out” như một đoạn phim rồi tan biến hẳn.

Hạnh phúc thay có những điều chúng ta đã quên được như nhiều điều bất hạnh trong quá khứ, nhưng cũng khổ đau cho chúng ta, nếu giờ đây không còn nhớ những gì chúng ta đã từng muốn nhớ mãi. Bi quan thì người ta cho rằng được quên tất cả là một điều hạnh phúc, nhưng nếu chúng ta còn thấy cuộc đời đẹp mà không còn nhớ gì thì cũng tội nghiệp. Hình như những người bị bệnh lãng quên, không cảm thấy buồn mà cũng không thấy vui, cũng không để lộ cảm xúc trên nét mặt, như những triết gia, những nhà tu đã đạt tới ý nghĩa của cuộc đời này, vốn tất cả đều là huyễn ảo, không có thực.

Có nhiều điều chúng ta tưởng mình đã quên, nhưng không? Nó được dìm sâu vào trong tiềm thức, nếu tiềm thức có đáy sâu thì nó ở dưới đó, rồi một ngày kia, trong giấc mơ nó hiện ra. Ðó là những ngày xưa thơ ấu, con đường làng, khuôn mặt của những người thân yêu trong ngày tháng cũ mà trong những lúc bình thường, có muốn nhớ lại cũng không làm sao nhớ nỗi. Có những chuyện muốn quên đi mà không làm sao quên được. Ba mươi lăm năm rồi, nhiều đêm tôi vẫn còn thấy ác mộng, những ngày trong trại tù tuyệt vọng không có ngày về.

Có những biến cố xảy ra trong cuộc đời mà người ta khó có thể quên. Bạn nghĩ gì khi có những cuộc vượt biên hãi hùng đầy máu và nước mắt, mà sự kêu gào khóc than không với được đến Trời, những nỗi đau khổ nghẹn ngào như xuống đến tận cùng Ðịa Ngục. Và cuối cùng, chúng ta đã sống sót để có được ngày hôm nay. Bạn nghĩ gì với những ngày đói khát giữa biển cả mênh mông, trong tình trạng tuyệt vọng phải ăn thịt đồng loại để sống còn, những đêm cầu nguyện để có được một những giọt nước mưa từ trời cao để có thể thấm vào đôi môi khô héo vì nắng cháy giữa biển Ðông. Và cuối cùng chúng ta đã sống sót đến đây, ăn uống dư thừa, đôi khi phải sợ cả thực phẩm, phải kiêng khem. Bạn còn nhớ những ngày chúng ta bỏ nước ra đi trong đêm cuối cùng của cuộc chiến, ở ngoài trận tuyến súng vẫn còn nổ, và người anh em chúng ta đang còn ngã xuống, chưa bao giờ tháo chạy hay biết đầu hàng. Bạn có bao giờ nhớ lại ngày đứng trước hàng quân, nhận lấy tấm huy chương và vòng hoa chiến thắng giữa tiếng kèn khai quân hiệu, trong nhà Vĩnh Biệt, anh em chúng ta, thi thể không còn nguyên vẹn, chưa được chôn cất. Niên trưởng là người tướng lãnh cầm quân, có còn nhớ gì không? Mỗi lần thêm một ngôi sao trên cổ áo thì trong nghĩa trang dài thêm những hàng bia mộ, và những vòng khăn tang đã được quấn lên đầu bao nhiêu mẹ góa, con mồ côi.

Có những điều mới được nói ra hôm qua đây, nay đã trở thành xa lạ, chẳng những như người ta chưa hề nói, mà còn hành động trái ngược hoàn toàn lại những điều đã nói.

Có thể trong cuộc đời có nhiều điều phải quên để mà sống, nhưng cũng có nhiều điều quên có thể trở thành những điều ô nhục không bao giờ rửa sạch, nhiều điều quên của người sống có thể cho linh hồn bao nhiêu người chết oan khuất không được siêu thoát.
“Anh nói với em như rìu chém xuống đá
Như rạ chém xuống đất
Như mật rót vào tai
Bây chừ anh đã nghe ai
Xiêu lòng lạc dạ, chẳng đoái hoài đến em.”
Ðây không phải là quên, mà là phản bội.

Xin tạ lỗi cùng người yêu dấu, bằng hữu xa gần, trong cuộc đời này có nhiều điều muốn quên đi để sống mà quên không được, cũng có nhiều điều rất muốn nhớ mà nhớ mãi không ra.

Lạy Ngài

Hồi chúng tôi còn nhỏ bé tí vẫn nghe người lớn tuổi chung quanh dùng tiếng “Ngài” để gọi Vua Bảo Đại trong những câu như “Ngài ngự ra Bắc”, hay để gọi Thần cây đa cây đề như mỗi lần mẹ tôi xuýt xoa khấn vái một điều gì “trăm lạy Ngài linh thiêng phù hộ…”. Đó là cái thời vừa phong kiến vừa mê tín dị đoan đã qua, bẳng đi đã lâu khoảng chừng ba mươi năm, tôi lại nghe chính miệng người Cộng Sản nói hay dùng trong các văn bản tiếng “Ngài” một cách khá khúm na, khúm núm với các chức vụ như Tổng Thống, hay Đại Sứ nước ngoài. Thật tình đây là bản dịch tiếng Việt nên các Ngài này cũng không được đọc và hiểu chúng gọi mình bằng danh xưng nào, nhưng chủ ý điều này chỉ để cho người dân biết là mình đã trang trọng thế nào đối với những nhân vật ngoại giao quốc tế.

Tiếng Ngài được dùng khi gọi một nhân vật tôn giáo để tỏ lòng tôn kính nghe không chướng tai, nhưng khi dùng cho một nhân vật chính trị nghe có vẻ vướng vất một chút hèn hạ như người đi xin ân huệ. Trước đây trong một chương trình phỏng vấn truyền hình, một ký giả đã có sáng kiến dùng một danh từ đã lâu không ai dùng, để gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng “Ngài” nghe đã lạ tai, nay lại được biết ông Nguyễn Cao Kỳ lại dùng tiếng “Ngài” để tâng bốc cái ông đối thủ ngày trước, nhỏ tuổi hơn ông là Nguyễn Minh Triết bằng tiếng “Ngài” như lời ông phát biểu trong một bản tin của báo Vieweekly: “Tôi không ngần ngại gọi những nhà lãnh đạo hiện hữu là ngài, vì đó là thủ tục tối thiểu, tôi cũng là một người lãnh đạo quốc gia”.

Thật là mỉa mai và xấu hổ hết chỗ nói! Có ai bắt ông Kỳ phải khúm núm gọi ông Triết bằng Ngài đâu, mà chỉ cần gọi “Ông Chủ Tịch” đúng với chức vụ, cũng như trước đây người ta chỉ cần gọi ông là “Ông Phó Tổng Thống” là đủ. Nếu hồi đó có thằng nào nịnh bợ xin xỏ ông một ân huệ nào mà gãi đầu gãi tai trước mặt ông, gọi là “Ngài Phó Tổng Thống” thì ông đã điên tiết lên mà bợp tai đá đít nó, vì tôi biết tính ông cũng nóng nảy mà ngang ngược lắm, có đời nào đứng yên để nghe lời nịnh bợ trơ trẽn như thế.

Chuyện này làm tôi chợt nhớ đến một chuyện ngụ ngôn La Fontaine, “Thần Chết và Lão Tiều Phu”(La Mort et Le Bucheron). Ông tiều phu khổ quá than thở muốn chết đi cho xong, bèn gọi tên Thần Chết, nhưng khi Thần Chết hiện ra thì ông lại sợ quýnh lên, líu lưỡi gọi Thần Chết là Ngài:“- Nhờ tay Ngài nhắc đỡ (bó củi) lên vai…” (bản dịch rất Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Vĩnh). Thường thường khi gọi ai bằng Ngài là lòng ta đã run sợ lắm, kiểu như ông tiều phu ở trên và bà mẹ tôi mỗi lúc con cái trở trời ấm đầu thì ra cái miếu sau nhà hay dưới gốc cây đa mà kêu Ngài lia lịa vì sợ Ngài quở hay Ngài phạt.

Khi một người đứng trước một người, mà giở cái giọng thưa bẩm, gọi người đối diện bằng Ngài thì ta cũng thấy con người đó nhỏ nhoi tội nghiệp chừng nào, chưa nói đến cái tư cách run sợ, khép mình để cầu xin ân huệ của người ấy.

Một chuyện khác là, tôi cũng không hiểu vì sao trong văn thư của Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở Nha Trang gởi cho Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, đề ngày 7 tháng 7-2007, mà chúng ta đọc được ở hải ngoại, lại viết là: “Cụ Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, rồi lại “Kính thưa Cụ Chủ Tịch”, cuối cùng là “Kính chúc Cụ sức khoẻ”. Chữ Cụ trong văn thư này có cần thiết không? Cụ Triết còn trẻ lắm, chắc chắn là dưới thất thập, cụ Triết lại chưa có râu, gọi cụ ấy bằng cụ chắc cụ ấy buồn hơn là vui.

Theo ngôn ngữ Việt Nam, chữ “Cụ” không dùng cho chức tước mà chỉ dùng để tỏ lòng kính trọng đối với một người già như Cụ Phan Bội Châu, Cụ Nguyễn Hải Thần, Cụ Phan Chu Trinh, hay chưa già như Cụ Ngô đối với dân miền Nam (cụ Ngô về nước chấp chánh mới có 47 tuổi) cụ Hồ đối với dân miền Bắc (được làm là chủ tịch cũng ở tuổi xem-xem), vì người ta không thể gọi là Cụ Tổng Thống hay Cụ Chủ Tịch.

Thời Pháp thuộc, phong kiến, ở thôn quê, vì nỗi sợ hãi đối với những người cầm quyền có thế lực, người dân đen đã dùng tiếng Cụ để gọi các ông Lý Trưởng, Phó Lý như trong chuyện “Tắt Đèn” có nhân vật chị Dậu.

Thị Mịch trong Giông Tố thì van lạy Nghị Hách bằng danh từ “Quan”: “Xin Quan tha cho con!”. Thời Pháp hễ ai có chút Tây học hay tham gia chính quyền đều được gọi bằng Quan như Quan Chánh, Quan Quản kể cả vào nhà thương thì lạy Quan Đốc Tờ, vào trường xin cho con đi học thì lạy Quan Đốc Học. Vì vậy Quan cứ hếch mặt lên, coi đám dân đen như cỏ rác.

Nhiều khi chúng ta chê ngôn ngữ Tây Phương nói về danh xưng, vai vế ai cũng cá mè một lứa “ toi, moi” hay “you, me”, nhưng nói về chữ nghĩa Việt Nam, thì những Cụ, những Ngài, những Quan nghe nhiều khi phát mệt và thường tỏ ra cái tinh thần tôn kính quá đáng, mang đầy mặc cảm tự ti.

Từ khi miền Nam được nếm mùi Cộng Sản, thì danh xưng lại được “cách mạng hoá” triệt để. Cấp trên, cấp dưới gọi nhau như bà con trong nhà, như hồi mới ở trong bưng, mới nghe qua tưởng như bình dân, thân mật lắm. Nhân viên thì gọi Giám Đốc, Trưởng Phòng bằng Bác Năm, Chú Ba… nhưng chú Ba thì cấu mông cháu thư ký, bác Năm thì nhìn nữ nhân viên như Chó sói nhìn “cô bé… quàng khăn đỏ”. Bác Hồ thì “mục hạ vô nhân”, tất cả các ông già bà cả cho tới đàn bà con nít đều một tiếng “Bác Hồ”, hai tiếng “Bác Hồ”, mà chẳng nghe ai than phiền, khiếu nại.

Chúng ta gọi ai bằng Ông, Bà cũng đủ tỏ lòng kính trọng. Người viết sử cũng có thể viết ông Hồ Chí Minh hay ông Ngô Đình Diệm mà không sợ ai nói vô lễ hay xấc xược. Có chăng là ở thái độ tự ty của người gọi và sự tôn xưng quá đáng cho người được gọi. Không biết những nhà “cách mạng vô sản” như Nguyễn Minh Triết nghĩ sao khi được người khác gọi là “Ngài” hay “Cụ”, còn liêm sĩ thì biết ngượng ngùng, không thì mang thêm mặc cảm tự cao tự đại.

Tìm Bạn Tri Âm

Ngày 21 tháng 6 vừa qua, truyền thông Mỹ vừa loan tin cô nữ sinh Katherine Lester, 16 tuổi, “tìm bạn tri âm” qua website đã phải lòng anh chàng người Palestine Abdulad Jinzawi, 20 tuổi. Cô định lên máy bay sang Jesuralem, nhưng đã bị nhà chức trách Hoa Kỳ giữ lại vì lý do an ninh. Nguồn tin cho biết có 87 triệu người vào trang Myspace.com để tìm bạn, trong đó có tới 20 triệu là tuổi choai choai như cô nữ sinh người Mỹ kể trên.
Tại Úc đã có 4,5 triệu người độc thân đã tìm đến việc hẹn hò qua internet. Match.com và RSVP, mỗi website có hơn hai triệu thành viên, và những thành viên này, ngày nay đã có đôi thành vợ thành chồng. Giám đốc điều hành những website này đã cho biết số người tìm bạn tăng rất nhanh trong vòng ba năm trở lại đây. Tuổi kết hôn của một người bình thường là từ 27 đến 29 tuổi, nhưng trong tuổi này, người ta lại quá bận rộn với những công việc sinh kế hằng ngày, ngoài thương trường hay trong công sở, nên ít có cơ hội giao tiếp với người khác phái để tìm hiểu và dẫn nhau tới hôn nhân. Vì vậy internet là cơ hội dễ dàng để những người này vào, trao đổi, tìm hiểu và cuối cùng đồng ý một chỗ hẹn hò. Trong nhiều năm qua, nhiều tội ác đã xẩy ra vì trao đổi trên internet, nhưng đó chỉ là con số nhỏ, nhu cầu trao đổi tìm bạn, tìm người để đi đến hôn nhân trên internet vẫn cần thiết.
Phụ nữ thường ở thế thụ động, nhưng internet chính là nơi để cho quý bà quýù cô chủ động khi đưa hồ sơ mình lên net và sẵn sàng liên lạc với đối tượng nào mà họ thấy thích.
Ngày xưa, cách đây nửa thế kỷ, lúc chưa có internet, và ngay cả bây giờ tại trong và ngoài nước, đối với một số đông còn ít xử dụng tới internet, thì những dòng chữ trên báo vẫn còn quý giá để người ta có cơ hội trao đổi, tìm hiểu và chọn một người tri kỷ hay là một người tình. Kết quả đi đến hôn nhân, đương nhiên cũng có thể có, nhưng với bản tính người Á Ðông, không ai muốn tiết lộ rằng mình lấy chồng hay lấy vợ là do mục “tìm bạn tri âm” trên báo chí.
Tôi nghĩ tờ Thẩm Mỹ là tờ báo đầu tiên ở Saigon, cũng có thể là ở Việt Nam mở ra mục Tìm Bạn Tri Âm, để làm nhịp cầu cho người ta tìm đến nhau bằng thư từ gởi theo lối cổ điển là qua bưu điện. Cho đến nửa thế kỷ sau, ở quê nhà hay ở hải ngoại, tìm bạn vẫn là một nhu cầu cần thiết cho những tâm hồn cô đơn, mặc dầu tiết mục đã đổi qua nhiều tên khác nhau: “Tìm Bạn Tri Kỷ”, “Tìm Nhau Qua Lá Thư Hồng”, “Kết Bạn Thư Tín”…
Ngày trước, không biết có bao nhiêu người trưởng thành phải cần đến mục Tìm Bạn Tri Âm để kiếm cho được một người tri kỷ trong cái quãng đời trống vắng của họ, nhưng cái bọn học sinh trung học chúng tôi thời ấy thằng nào cũng sung sướng có được một vài lá thư xanh xanh từ Saigon, Nha Trang hay từ Vạn Tượng, Nam Vang hồi âm. Vài tuần trước đó, bọn chúng tôi đã cố nắn nót viết một bức thư trên giấy pelure xanh để gởi tới địa chỉ một cô nàng nào đó trên báo Thẩm Mỹ, rồi ngày ngày ngóng chờ người phát thư đi qua nhà gọi tên. Lẽ cố nhiên không bao giờ dám để cho ông bố nghiêm khắc của mình biết chuyện, vì không lo học mà “tìm bạn tri âm”, cũng như không dám khoe với bạn bè. Về phía con gái thì những cô thiếu nữ con nhà giàu, đẹp đẽ, nết na, đã không thiếu những anh chàng đeo đuổi, có khi chưa học xong trung học, đã có người đưa xe hoa tới rước, cần gì phải mất công đi tìm người trong mộng qua tờ báo. Về phía con trai, thì những anh chàng có “3 chữ gi..” thời ấy là những chàng “học… giỏi, nhà… giàu, đẹp…giai” thì đâu cần đi tìm những người chưa biết mặt biết tên, như những chàng trai mơ mộng khác:“Chưa biết tên nàng, biết tuổi nàng,
mà sầu trong dạ đã mang mang”…(Huy Cận)
Ðất nước chúng ta, qua chiến tranh, ly biệt, đổi đời, con người gặp phải những hoàn cảnh đổ vỡ, ngang trái, nhiều người phải chịu cảnh cô đơn, nên trên mặt báo những mục tìm bạn tri âm, tri kỷ lúc nào cũng đông khách. Cũng có những trường hợp nam tìm nam, nữ tìm nữ, những thiếu phụ một lần đổ vỡ, những gái lỡ thời “chưa một lần kết hôn”, muốn tìm bạn trai “để sống nốt cuộc đời còn lại bên nhau”.
Năm 1975, sau khi bỏ nước ra đi, thi sĩ Cao Tần đã chán nản, đau xót kêu lên: “ta làm gì cho hết nửa đời sau?”. Thì đây là câu giải đáp trong mục “Tìm Bạn…”của một nam nhân 52 tuổi “thích dạo biển, dạo sông lúc hoàng hôn”: “ta dìu nhau đi cho hết 1/3 cuộc đời còn lại”, hay là của một single mom 50 tuổi :“nửa cuộc đời còn lại trao hết cho anh!”(nửa cuộc đời còn lại này chúng ta phải hiểu tính từ 50 đến chẵn 100 tuổi, vậy ai là người có lòng, xin đừng ngần ngại nữa!)
Không chỉ những thanh niên, thiếu nữ trung niên, dang dở cuộc đời, chính tuổi già đơn lẻ cũng cần tìm nơi nương tựa cuối đời. Không thiếu những ông cụ lục tuần, hay sắp sửa bước tới tuổi “cổ lai hy”, cũng có những lời nhắn tha thiết “tìm một bạn gái khoảng 50 tuổi nhưng vẫn còn say yêu.”!
Trên những dòng rao người ta tìm thấy một nền văn chương rất là mùi mẫn, ai oán làm xúc động lòng người, như bài thơ sau đây, vần điệu rất vững vàng:- “Sáu mươi xuân lẻ, vẫn đơn côi
Khuya sớm cày thuê trả nợ đời.
Ðất khách tào khang đà gẫy đổ
Quê nhà đơn độc, lệ đầy vơi.
Trần gian, nhi nữ ai tri kỷ
Chắp nối tơ duyên, trọn kiếp người”.
Khó mà tìm được trên các tờ báo tây hay trên internet, một dòng tìm bạn sang cả, đầy tính văn học như vậy, vì mỗi người Việt Nam là một thi sĩ. Ðiều đó thật không ngoa.
Bây giờ không phải chỉ ở hải ngoại tìm nhau, mà thấy nhiều cô gái ở Việt Nam, dư bằng cấp nhưng nuôi giấc mơ “đi lấy chồng xa”, mơ đi Mỹ, hèn chi con gái danh giá của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy Việt kiều Mỹ cũng phải. Qua lời rao chúng ta thấy: Ðại Học Ngoại Thương, Cử nhân Ðại Học Tổng Hợp, Cao Ðẳng Nha Khoa, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học, đang học Tiến sĩ, giáo sư Ðại Học Saigon- đăng báo ở đây để tìm chồng như lời rao sau đây:-“Tốt nghiệp đại học Anh Văn, ngoan hiền, mơ Mỹ Quốc. Thư đầu nhờ người bác ở Quận Cam chuyển”, -“Cao Ðẳng Nha Khoa Saigon, hiền ngoan, muốn làm quen với các anh có quốc tịch Mỹ, thật lòng muốn về Việt Nam cưới vợ”.
Các cô gái tại quốc nội tìm chồng, không phải trường hợp từng người, mà có những lời rao từng “chùm”, như “chùm thơ”, “chùm tư tưởng” theo ngôn ngữ trong nước: “Sáu cô gái, người miền trung, đang đi học tại Nha Trang, Saigon. Cha mẹ đang ở tỉnh X. Muốn tìm bạn trai, bên này, hợp ý, sẽ tiến tới hôn nhân…”
Ðang đi học xa nhà, mà đã muốn tìm chồng, đề nghị cha mẹ gọi về … đét đít.
Cũng có người ở hải ngoại đăng báo tìm chồng cho “một chùm” con cháu như sau: “Mình mới về Việt Nam thăm nhà, có ba đứa cháu tuổi từ 18 đến 22, hiền ngoan, thùy mị, đang học đại học muốn tìm bạn trai ở Mỹ, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, tuổi tác, miễn là có quốc tịch.”
Năm 1975, nhà nước Cộng Sản đã để cho chảy máu chất xám. Trí thức khoa bảng ùn ùn xuống tàu vượt biển vì không ưa chế độ Cộng Sản, bây giờ vì mơ Mỹ, nhiều cô tốt ghiệp đại học tại Việt Nam lại muốn bỏ nước ra đi theo con đường …tìm chồng. Không khéo lại xẩy ra một cuộc thất thoát chất xám thứ hai.
Ởû Mỹ này người ta bắt đầu sợ mập, nên trong lời rao cô nào cũng cẩn thận ghi hai tiếng “không mập”, còn đàn ông thì lại sợ bị chê lùn, nên anh nào cũng không quên nhắc hai tiếng “cao ráo”. Một anh chàng lại ghi trong lời rao: “Nam, mong tìm được một nàng không ngoài 54, dáng gầy gầy…”.
Những lời rao trên các trang tìm bạn, hay cả trên internet chưa chắc đã là những lời nói thật, có lẽ mọi người đều giảm cái xấu của mình đi một tí và tăng cái tốt của mình thêm lên. Chuyện xưa kể rằng, có một cô gái chẳng may bị vá môi, khi chụp ảnh gởi cho bạn, cô ngậm một đoá hoa hồng, trông “romantic” hết ý! Phía chàng trai, trời bắt có cái lưng gù, chàng gởi cho nàng một bức ảnh đang ngồi trên lưng ngựa đang phi, trông hùng dũng biết bao! Thế mà trên một mục rao tìm bạn, một cô nàng đã dám ghi rõ “dữ và xấu, nên bị chồng bỏ, muốn tìm người thích bị ăn hiếp…”
Có lẽ vì vậy, mà nhiều lời nhắn nhe đã vừa cảnh cáo, vừa năn nỉ : “xin đừng đùa giỡn mà tội nghiệp!”
Khi người đời còn có nhu cầu, thì những mục tìm bạn trên báo chí hay qua mạng vẫn còn cần thiết. Nhiều người lúc nhỏ đi học, ra trường đi làm, chạy theo nghề nghiệp hay có người còn phải lo bổn phận cho gia đình, như nhân vật “Người Anh Cả” trong tác phẩm của Lê Văn Trương, chưa bao giờ nghĩ tới hạnh phúc của cá nhân mình. Lúc nhìn lại, thì ngày tháng quá quạnh hiu mà tình cảnh quá cô độc. Mỗi người mỗi cảnh, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay!” Phải chăng hình phạt dành cho một người tù là sự cô độc, vậy xin những ai đang còn cô đơn khuya sớm một mình, nếu không chịu nỗi sự trống vắng, quạnh hiu xin đừng ngần ngại, vì “lời nhắn không quá 45 chữ, thư làm quen xin dán sẵn tem, kèm theo chi phiếu $5.00, xin gởi về…”
Xin các bạn yên tâm: “sẽ hồi âm, dù thư đến trễ…”

Tiếng Chim Buổi Sớm

Ngày bị đày ra tận Hoàng Liên Sơn, “lán” tù tôi ở bên một dòng suối nhỏ, đầu “lán” có một cây rừng, đến mùa hè hoa nở đỏ. Buổi sáng, tôi thường thức giấc sớm, nghe có con chim lạ đến hót những tiếng líu lo ở trên cành. Tôi nằm yên, quên hết phiền muộn, tận hưởng những âm thanh tuyệt diệu, âm thanh đầu tiên của một ngày. Để sau đó, không bao lâu, là tiếng kẻng tù gắt gỏng nổi lên giữa buổi sớm mai, bắt đầu một ngày lưu đày khốn khổ.

Ai cũng cho rằng khi nằm trên giường thì bắp thịt ta được nghỉ ngơi, nhịp tim đều đặn, hơi thở nhẹ nhàng, giác quan tinh tế hơn, và ta có thể tập trung tinh thần vào những cảm giác hay những ý tưởng của mình một cách tuyệt đối. Ông Lý Lạp Minh, một nhà văn Trung Quốc khuyên ta buổi sáng nên nằm giường mà nghe chim hót, là điều thú vị nhất. Tôi cũng đã hưởng được những giây ấy, mặc dù là ngắn ngủi. Ở thành phố hay thôn quê, đâu cũng có chim, chẳng qua là vì cuộc sống tất bật, chúng ta không để ý đó thôi.
Tôi còn nhớ Saigon, buổi sớm mai, những quãng đường như Hồng Thập Tự với những hàng cây cao đầy bóng mát, luôn luôn ríu rít tiếng chim kêu. Ngày ấy đời còn vui, chim còn đậu đất lành, tiếng động cơ của xe cộ hay tiếng xích lô máy nổ dòn dã cũng không đuổi hết đàn chim phải bay rời xa tổ. Ngày đất nước rã rời, phải lên tàu Sông Hương ra Bắc, những hôm phải vác một con dao lên những đồi tre, qua những cánh rừng, chặt chục cây mương hay kiếm mớ củi, cô đơn lầm lũi giữa làn cây, nghe tiếng chim kêu mới thấy nỗi sầu trong dạ.
Có những tiếng chim chiêm chiếp như tiếng gà con, bồi hồi nhớ đến đàn con còn bé dại ở quê nhà. Có tiếng chim cu gáy xa xa, đáp lại ở đâu đó tiếng đồng loại hoà điệu, nghĩ lại tấm thân cô đơn với nỗi buồn nơi xứ lạ. Rồi tiếng chim rừng khắc khoải “bắt cô trói cột” vẫn thường nghe mỗi trưa nơi rừng Việt Bắc, tiếng kêu kéo dài cho đến lúc nắng quái buổi chiều. Tiếng kêu đanh lại, nghe như gằn từng tiếng, theo đầu óc tưởng tượng của mỗi người với những hoàn cảnh riêng, như lời kêu thống thiết, oán thán, trách móc não nuột. Tiếng chim “bắt cô trói cột” nghe thành “hết cơm tới bột” còn chút khôi hài, đói rã họng “đói cơm đứt ruột” còn nghe lời động viên “khó khăn khắc phục” lập đi lập lại nghe tới nhàm chán. Nghĩ theo lời chim, mường tượng như nỗi than khóc “nhớ con đứt ruột”.
Rồi con chim “cuốc” lầm lũi đâu đó trong khóm lúa, bụi cây, vào cuối xuân hay đầu mùa hè, không hề biết hót mà kêu lên những tiếng khắc khoải, từng tiếng từng tiếng một, nghe ra não nùng, hờn oán của người “mất nước” phải khoanh tay, để “nhớ nước đau lòng con quốc quốc” (Bà Huyện Thanh Quan). Con chim này được gọi là Đỗ Quyên hay Từ Quy, theo tích xưa, là hoá thân của Vua Thục Đế, mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hoá thành con chim, cất lên những tiếng kêu não nùng. Tiếng chim “cuốc” nghe xót xa phù hợp tâm trạng người “mất nước” phải xuống tàu đày đi biệt xứ. Nhớ lại câu thơ của Chu Mạnh Trinh:
“Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.”
Cung miếu triều xưa nay vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải “cuốc” kêu thâu.
(Tiên Đàm dịch)
Hay của tướng trung liệt Phan Thanh Giản:
“Ải Bắc ngày chờ tin nhạn vắng,
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu!”
Còn loài “chim quyên” khác ta thường thấy là một loài chim nhỏ, có bộ lông óng ánh, nâu pha đốt đỏ, có tiếng hót rất hay, thường vào ban trưa ở trong bụi hay đầu hồi nhà. Nhưng không hiểu tại sao người ta lại đánh giá cao để ví chim quyên cao như người quân tử, quân tử sao mà sa cơ, như “chim quyên xuống đất ăn trùn, anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than”.
Gà là loại cầm, nó không biết hót, nhưng con gà trống có tiếng gáy vào buổi ban trưa làm cho người ta nhớ đến bao nhiêu điều: “hiu hắt gà trưa gáy não nùng”. (Lưu Trong Lư)
Nhà văn Lâm Ngữ Đường thích nghe tiếng kêu của một loại “gà nô” ( tiếng Tàu còn gọi là “giá cô”). Nói là giống gà nhưng nó hót như chim. Tiếng hót có bốn âm do, re, mi … âm mi kéo dài hai ba nốt, ngưng hẳn một tí, rồi tiếp theo bằng một nốt thấp hơn. Giống chim này có nhiều ở phía Nam Trung Quốc, hót trễ vì đây là một giống chim dạn dĩ, không sợ giàng thun bọn trẻ, trái lại hầu hết loại chim khác đều hót sớm vì sợ loài người ác độc. Có khi chúng bặt tiếng luôn vì lưới bẫy giăng khắp nơi, ví lưới chim đem ra chợ bán là một nghề mới kiếm cơm.
Tiếng hót của giống gà nô này có ba âm và âm cuối kéo dài, có người nghe là “chè, xôi, chuối … thịt”, âm thịt kéo dài ra, thấp xuống rồi ngưng bặt (theo Nguyễn Hiến Lê). Nghe giống như ý nghĩ mấy ông xôi thịt làng xã ngày trước và ngay cả hôm nay. Giống chim này ở Việt Nam cũng có, thời Tây thuộc tôi có nghe người ta nhại tiếng chim là “père, mère, frère … tout est perdu” (cha mẹ anh em mất cả rồi). Nghe ra ngậm ngùi làm sao, như sau một trận hồng thủy, chiến tranh… như một câu oán than: “cha mẹ già đã khuất núi, quê hương đã thất lạc, mộng ước đã tàn phai …” (Bùi Bích Hà).
Tôi có người bạn già vẫn bị người ta chê là đã vì tự do mà bỏ xứ, sao bây giờ lại giam cầm bao nhiêu loại chim trong khu vườn nhỏ, gây nên cảnh “chim lồng cá chậu”, khuya sớm lo quạt nồng, ấp lạnh, vất vả tấm thân già. Nhưng bù lại, bạn tôi hưởng được cái thú ở đời là mỗi buổi mai thức giấc nằm nướng trên giường nghe tiếng chim khướu hót ngoài hiên. Những buổi sáng đầu mùa hè, tiếng chim sơn ca (chiền chiện) trong ánh sáng mờ mờ của buổi rạng đông đã bắt đầu cất tiếng hót. Những lúc sung sức, ăn uống đầy đủ giọng sơn ca “luyến láy” tuyệt vời, nói theo danh từ làng ca kỹ. Ban trưa, khi trời nắng ấm là lúc những con chim khoen (gọi là vành khuyên vì trên mắt chim có hai vòng khoen trắng) rộn ràng tiếng hót. Buổi tối nếu trong nhà còn đèn sáng, sơn ca vẫn còn cất tiếng, khi có tiếng nhạc ồn ào, thì giống chim khuyên cũng líu lo tưng bừng. Ban trưa nắng, trời ấm nghe tiếng chim cu gù. Những đêm trăng, chúng ta còn nghe tiếng chim “mocking bird” kêu, một loại chim có rất nhiều trên đất Mỹ. Dù là giống chim trời của bốn phương, nhưng giống chim cùng loại đậu ở đâu cũng hót tiếng như nhau, nên người chơi chim còn nghe được chút âm thanh quê hương đâu đó. Hoạ Mi, khướu và những giống chim Á Đông đã theo những người nuôi chim bằng nhiều con đường khác nhau, sang đến miền đất này, để khuya sớm chuyện trò với gia chủ bên tách trà buổi sớm.
Trời đất yêu loài chim nên tạo ra rừng cây, loài người yêu chim thì phát minh ra cái lồng. Ông Trịnh Bản Kiều bên Tàu, ngày xưa khuyên em ông đừng bao giờ nhốt chim trong lồng, vì chúng ta nên dung hoà với thiên nhiên và vui với vạn vật. Ông cho rằng không phải vì không yêu chim mà ông khuyên em đừng nhốt chim trong lồng, nhưng vì có cái đạo yêu chim và nuôi chim. Muốn nuôi chim thì trồng vài trăm cây chung quanh vườn nhà để chim tìm tới làm tổ. Buổi sáng tỉnh giấc, còn trăn trở trên giường mà nghe tiếng chim hót thì còn gì thần tiên bằng. Lúc đã xuống giường, mặc áo, đánh răng súc miệng, uống trà, còn thấy chim vỗ cánh rực rỡ, bay qua bay lại thì cái vui nhìn chim trong lồng đâu có so sánh được.
Ở trên đời này ai cũng ghét giọng con chim cú, nhất là chim cú kêu nửa đêm, để người ta miệt thị là “cú giòm nhà” hay “cú kêu nhà bệnh”. Cũng là loài chim, nhưng chúng lại không có tiếng hót của trời cho, mà chỉ có tiếng kêu như giống ngan ngỗng tầm thường. Một loài chim khác chỉ biết kêu hay nói, là giống vẹt. Chúng mang màu sắc sặc sỡ như xiêm áo của bà đồng cốt, tiếng kêu chát chúa chói tai mà nhiều người vẫn thích do cái tài bắt chước ngọng nghịu tiếng nói của loài người, đó là “nói như vẹt”. Đến thăm nhà nuôi vẹt, nghe tiếng vẹt nói ngộ nghĩnh, chúng ta thường cất tiếng cười hỉ hả, nhưng giống vẹt lại cho đó là tiếng tán thưởng vì giọng nói ngô nghê, sao chép vô nghĩa của nó. Ta có bao nhiêu giọng nói quen thuộc, chúng ta chưa đến nỗi thiếu giọng người, thế mà cũng có người thích giọng vẹt-người.
Những ngày mới đến Mỹ, tôi có nhận thấy ở Mỹ có nhiều bầy quạ đen. Chúng kêu loét choét sau vườn, nhiều khi sà cả bầy xuống sân cỏ. Tôi cho đây là loại chim vô tích sự. Người đời quý màu sắc, mà loài quạ chỉ mỗi màu đen. Người ta thích tiếng hót mà loài quạ chỉ biết kêu. Ai cũng thích sự hiếm quý, mà loài quạ bay đến từng đàn, đuổi đi không hết. Vậy mà nhà thơ Trương Kế của Trung Hoa ngày xưa, nửa đêm nghe tiếng quạ kêu cũng sinh tình làm bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” bất hủ. (Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên…)
Trong khi trái đất này còn quá nhiều loại quạ, vẹt, cú, kên kên… mà chúng ta còn nghe được có tiếng chim hót, hạnh phúc biết bao! Nếu bạn ở trong một vùng vắng tiếng xe, một buổi sớm mai nào đó, thức giấc, nằm yên trên giường, xin im lặng, thử tìm nghe có tiếng con chim nào đến hót trên cành cây ở đầu nhà không?

Huy Phương

1 2 3 58