Phạm Ngũ Yên

Pham_Ngu_Yen

Gởi Lời Thăm Mùa Xuân

1.
Những dòng chữ sáng hôm nay ngỡ ngàng như cánh bướm. Chúng đậu xuống trang giấy cũng ngỡ ngàng một thơ dại. Thời mới lớn tôi làm một người lính xa nhà. Việt Hà ngày đó hai mươi tuổi và hồn nhiên như chim. Tôi đứng chôn chân bên đường trong khi những dòng mưa phù phiếm bay ngang thành phố biển. Mưa cũng làm ướt át những cây bàng già nua trước nhà nghĩ mát Công Chức. Cửa sổ xanh, những chấn song yên tỉnh. Đàng sau đó khép kín một chân dung. Khép luôn những giấc mộng.

Mùa màng mang tiếng gió lạnh khô nhưng úa vàng nỗi nhớ. Khóm tường vi bên đường run rẩy như bờ môi đợi nụ hôn lần thứ nhứt. Phải bao nhiêu tháng ngày tôi mới quên được nàng? Quên con phố hẹp chia tay với bàn chân yếu mỏng. Cơn gió nào thổi ngược đường tôi đi?

Thời gian tôi trở về làm việc tại trường Truyền Tin, Việt Hà đang đứng coi tiệm với mẹ nàng trong những ngày không đến lớp. Một tiệm bán kem nằm giữa ngả tư Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học. Từ quán của nàng, khách có thể thoải mái vừa ăn kem vừa nhìn ra bốn hướng đường. Hai hướng đi vào chợ và những phố tiệm mang đầy sức sống. Một hướng đi ngược về chân núi. Nơi có một bệnh viện và một sân vận động. Hướng cuối cùng dẫn ra biển. Khách hàng là những người lính gồm đủ thành phần, đủ mọi binh chũng. Vì Vũng Tàu ngày đó là nơi trú đóng của nhiều trại lính và quân trường. Tôi thuộc quân trường Truyền Tin. Mỗi tuần có vài ngày tôi ra ngoài để ngồi đồng nơi quán kem của nàng. Đa số là lính nghèo. Những người lính nghèo sẽ không nói được những gì trước những cô gái đem hồn nhiên và tươi tắn vào đời. Nhiều khi tôi bối rối nhờ gió thay dùm lời tỏ tình. Tôi chỉ là một người lính trẻ nhưng không tự hào vì lon lá. Vậy mà không biết sao Việt Hà lại chịu đi chơi với tôi. Nàng nói rằng Ba Mẹ nàng cảm thông để tôi đưa nàng đi dạo phố. Đôi lần, tôi đã liều lĩnh thắp lên hạnh phúc khi nắm bàn tay của nàng. Mặc kệ những tia nhìn, những xét nét.

Chúng tôi đi bộ một hồi lâu trên đoạn đường ra bãi trước. Qua những Kiosque đang tắm mình dưới màu đèn. Qua những ghế đá nằm bâng khuâng nghe sóng vỗ ngoài xa. Lòng biển cạn đang lố nhố đá ngầm, giống như trò chơi dang dở của người khổng lồ. Những thân dừa run rẫy cành nhánh. Bưu điện có sân rộng nhìn thấy rõ bên trong, nếu là buổi sáng người ta sẽ thấy người phát thơ đang sắp xếp những chồng thư vào trong kệ. Và vài nữ nhân viên đang cúi đầu ghi chép. Một cây bàng trước sân thả bóng mát mỗi ngày như thả những buồn vui hối hả. Đâu đây, tiếng chuông nhà thờ ngân lên.

Nàng theo tôi vào quán cà phê Năm Tròn.
– Lạnh rồi. Nàng nói.
– Nếu Hà không chê áo nghèo của lính, thì anh cho mượn…

Tôi cởi chiếc Jacket nhà binh khoác lên vai nàng. Nàng bé nhỏ trông thấy. Mái tóc bay ngược về phía sau, giống như một cánh dơi đêm đang dẫy dụa. Những ngón tay đài các của nàng nằm trong bàn tay tôi. Ánh mắt của nàng như cười cợt, như dò xét. Có thể những ngày tháng tới của tôi, sẽ không còn bình yên. Tôi kêu cho Việt Hà ly đá chanh muối còn tôi thì vẫn cà phê. Quán đông người và may mắn chúng tôi tìm được chỗ trống. Ly cà phê đắng và nóng làm tôi bị bỏng môi vì vội vàng.

Với tôi, Vũng Tàu là thành phố của một mối tình bèo bọt. Tôi nhìn Việt Hà. Hai gò má hơi cao của nàng hồng lên, mỗi khi nàng nghe những lời khen ngợi của tôi. Người ta nói con gái có gò má cao, thường lận đận tình duyên. Tôi không biết điều đó đúng bao nhiêu. Nhưng lời cầu mong của tôi bây giờ là nàng được suông sẻ tình yêu. Nàng đừng đi qua những tháng năm dài với lòng đầy phù sa để biển trở thành sầu muộn.

Vài chiếc xích lô chở khách vượt qua. Tiếng ồn ào trong quán muốn chạy đuổi theo những vòng bánh xe. Từng miếng buồn vui quấn quít. Có cơn mưa chợt về. Tiếng mưa rời rạc gõ nhịp trên mái quán. Không ầm ĩ nhưng cũng làm lòng ướt át. Những ngăn đời cũng chật theo thương nhớ, mơ hồ.

Ánh điện nửa sáng nửa tối hắt xuống tận chỗ ngồi hai chúng tôi. Có tiếng hát vang lên từ chiếc Radio cũ. Bài Ngày Em Hai Mươi Tuổi. Tôi không biết bài hát có đánh động lòng cô gái, từ một đêm ngỡ ngàng sẫy chân với người lính tầm thường là tôi. Nhưng quả thật nàng đã “hơn hai mươi tuổi, nhưng chưa biết nói yêu người…” Việt Hà uống hết phần nước của mình, muốn về. Chiếc áo lụa khoét hơi sâu ở cổ. Lớp ren mềm ôm khít bờ ngực phập phồng. Có tiếng một con dế ngủ quên vừa trở mình gáy vang trong một hốc đá. Đó là lần cuối tôi ngồi ở cà phê Năm Tròn.

Tôi làm việc ở Trường Truyền Tin chỉ có một vài năm. Vì chán sự gò bó ở quân trường, nhân dịp mùa hè đỏ lửa tôi làm đơn xin Đại tá Vũ Duy Tạo (đang là Chỉ Huy Trưởng quân trường Truyền Tin) chuyển ra Vùng 2. Lúc đó, đối với tôi, thành phố nào cũng được vì tôi chỉ cần ra khỏi nơi đó. Số phận dung rũi khiến tôi lại trở về Đà Lạt. Nơi từng ghi xuống một tình yêu khốc liệt làm nát ngứu một thanh xuân. Tôi sẽ viết chuyện này vào một dịp khác.

Riêng Việt Hà, sau 1975 nàng vẫn cùng gia đình buôn bán tại Vũng Tàu. Nhưng đó là chuyện tạm thời. Chuyện lâu dài là Việt Hà toan tính vượt biên một mình. Một người bạn trai học chung trường mà nàng thân thiết gọi là Bé Tư đã cùng nàng hùn mua một chiếc ghe nhỏ, tự lo bến bãi, tự tìm kiếm phương tiện. Chuyến đi trót lọt và tin tức gởi về làm hài lòng hai gia đình. Nơi dừng chân cuối cùng nơi bến bờ tự do, là Sydney, Australia.

Mọi thứ với tôi, gần như mất dấu. Khi tình yêu trở thành một xác lá ngủ vùi, thì màu xanh người ta sẽ khó lòng tìm lại.

Mới đó mà đã gần 40 năm. Từng trang giấy đời lem luốt màu thời gian mỗi ngày lật qua với lòng rười rượi buồn. Tôi vẫn đi trên bốn phía cuộc đời, trong khi nàng như một dòng sông chảy yên giữa hai bờ nông cạn.

Khi rời Vũng Tàu và xa Việt Hà, tôi không biết có bao giờ nàng chịu nhớ đến tôi, người đàn ông không còn trẻ đang sưởi ấm nỗi nhớ già nua bằng giá rét trong lòng. Nơi ngôi nhà đường Heatherglen, tại thành phố Austin, tiểu bang Texas, tôi hồi tưởng lại những đam mê ngào ngạt. Nơi những cửa bể mù lòa, bao lòng thuyền vừa mất hướng. Người con gái dấu giữa môi hôn một âm phách kiêu kỳ.

Ước gì những giấc mơ đến không giống như cuộc đời. Giấc mơ thì quá rộng, cuộc đời thì chật, nên đầy những nỗi buồn. Những tình yêu mang dấu vết thơ dại, giống như mưa bóng mây. Bây giờ, nhìn lui lại, tôi với Việt Hà cùng chung một quá khứ, và cùng lớn lên theo những dâu bể, nhưng hình như giữa tôi và nàng chưa nhìn thấy nhau. Tôi và nàng nhìn qua vai nghe cơn mưa khát trong nhau từ thủa trước. Giống như hai phía địa cầu. Nơi tôi mùa hè, nơi nàng là mùa đông. Tôi từng có thời gian ngồi tìm kiếm một dấu vết của Việt Hà, sau những buồn vui phiêu bạt, lòng thầm mong biết về nàng có còn như lá xanh? Tôi không biết mỗi ngày nhìn vào gương soi, có khi nào nàng thấy thiếu vắng một điều gì đó? Còn tôi, từng có nhiều buổi sáng nghe tiếng chim sau vườn, âm vọng rã rời như nhắc về một trống trải. Trên trang vở đời, tình yêu giữa tôi và nàng được viết xuống, nhưng bằng những nét chữ không ngay hàng mà lấm lem vết mực. Tôi nhủ lòng mình đừng buồn. Những bờ cỏ xanh hổn hển giọt sương khuya. Căn phòng đêm không nhốt hết gió lùa. Những lời chia tay bay qua buổi sớm mai…

2.
Cách đây một năm, tôi và Quỳnh về thăm lại Việt Nam. Không gian là Vũng Tàu và thời gian là sau những ngày Tết. Hai chúng tôi rảo quanh một vòng hai dãy phố chợ. Đi dọc theo đường Trần Hưng Đạo không chủ đích. Chỉ để ngắm những thay đổi. Dấu vết về một nơi chốn vừa là quán kem, vừa là cà phê không thấy đâu. Những bờ đường mùa xuân tìm không ra cây bàng già. Cũng không thấy một cành sứ vừa ra hoa. Thành phố tôi yêu kỳ lạ ngày nào đang trở mình lo nghĩ. Từng giấc mơ cũng lớn theo thời gian, theo những ngôi nhà cao tầng. Còn chăng quá khứ nằm im dưới những thữa đường đang bóng nắng nhấp nhô. Mỗi bảng tên đường dấu khép một lời tâm sự.

Quỳnh đi bên tôi, mắt nhìn quanh dè chừng những chiếc xe gắn máy vụt ngang. Mái tóc lòa xòa trước trán, nàng trang sức bằng nụ cười hồn nhiên cùng những bước chân như khiêu vũ. Tháng hai, còn cái rét từ thời tiết mùa đông, tôi nghe bàn tay nàng run trong tay tôi. Cái run, đủ để sau này, khi xa nàng, tôi vẫn cảm nhận được. (Thời gian chúng tôi về VN, thì ở Hoa Kỳ, nơi chúng tôi đang sống đang bị bão tuyết vùi dập. Những cơn gió lạnh từ Bắc Cực thổi xuống làm điêu đứng hai phần ba nước Mỹ. Mọi sinh hoạt bị đình trệ. Các công sở và trường học bị đóng cửa. Chính quyền khuyến cáo người dân nếu không có chuyện cần thiết, nên bớt đi ra ngoài)…

Tôi đưa nàng đi ngang ngôi trường cũ. Tôi rời trường quá lâu để cảm nhận được những dấu vết từng bị thời gian bào mòn. Những lớp học chắc già theo tháng năm? Chính vì vậy, bây giờ người ta đã phá bỏ và xây lại thành hai dãy lầu. Từ ngoài đường nhìn vào, màu tường vàng và ngói đỏ mới mẻ như một cô gái xuân thì. Các đầu hồi uốn cong nhìn xuống những bồn hoa óng ả màu gạch. Những lá cỏ như ướt át màu tương tư. Sân trường có thêm nhiều chỗ lát gạch nên nhìn thấy rộng thêm. Những cây điệp khom lưng ngoái nhìn lui một mùa hè. Không biết có còn những con sâu màu xanh rớt xuống vai ai sau những ngày lạnh? Hai cánh cửa sắt kiên cố bắt chết vào 2 cổng xi măng. Từ nơi đó, những chàng trai, những cô gái từ giả phấn trắng bảng đen để đi xuống cuộc đời. Chân họ dẫm lên những phong ba hay chạm vào hạnh phúc? Trong khi biển ngoài kia mỗi ngày âm vọng những lời gió thầm thì.

Nhà Thờ Lớn bên kia đường, nhìn từ Ty Cảnh sát cũ, phân cách với trường bởi hàng rào dâm bụt được cắt tĩa cẩn thận. Ánh nắng mặt trời đang chất ngất trên thềm đá sơn màu vôi trắng. Nơi đó từng ghi xuống những tình yêu một chiều. Từng là chỗ ngồi ủ chật thương đau hay khóc ngất một chân trời. Một nơi chốn ghi dấu những giờ không lớp của đám nam sinh ngồi nhìn theo những gót hồng. Cùng nỗi nhớ nhung bên đường rơi rụng.

Đường Lý Thường Kiệt chạy dài đến xóm Vườn, trước khi đụng quán Cây Duối, là một khu nhà xây cất cho những nữ tu, có tên là Nazareth. Bây giờ có tên mới là nữ tu viện Thánh Phao Lồ. Những cây phượng hối hả ra hoa suốt một mùa hè. Màu hoa cháy đỏ mang theo những điều quen lạ của một thành phố và những tuổi thơ chúng tôi. Biết ai còn ai mất. Ai còn chờ nhau ở phía xa. Nơi những con đường?

Chưa một lần Quỳnh biết về Vũng Tàu. Nhưng hình như để nhớ về tôi, nàng đã biết thương từng gốc bàng già nua lớn theo mỗi ấm lạnh tình đời. Từng cây sứ ra hoa trong những ngày giáp Tết. Nàng chưa từng sống ở Vũng Tàu, nhưng tình yêu nàng dành cho tôi giống như sóng, vừa dịu êm vừa dữ dội làm sao.

Sau 3 tuần lễ, Quỳnh vừa chia tay tôi để trở về Hoa Kỳ. Nàng về trước tôi vì còn có nhiều việc phải về sớm. Những lời phone nũng nịu vừa im bặt bên tai. Đâu rồi tia nhìn nóng bỏng như lửa và những sợi tóc mệt nhoài trên gối. Những cuộc tình tưởng như đã già nua, nhưng thật sự còn rất trẻ. Nàng không kịp nhìn lui lại một tháng giêng ững hồng, từ một mùa xuân vừa đâm chồi gấp gáp.

Nàng đi rồi tôi về ở nhà em gái tôi, chờ hết tuần lễ Tết. Nhà nó nằm sâu cuối đường dẫn vào Hang Ông Hổ. Đó là tên gọi ngày xưa. Bây giờ đổi lại thành đường Trần Xuân Độ. Đêm ngủ một mình trong gian nhà hẹp nghe thấy hết tiếng xe gắn máy chạy bên ngoài. Tiếng những người bài bạc chơi khuya về kéo lê dép trên đường. Tiếng ho khan và tiếng khạc nhỗ tùy tiện. Tôi thao thức nhìn lên mái tôn có nhiều rảnh sét mờ ão vì mưa nắng như những đường tàu lạc mất sân ga. Vũng Tàu của đêm về sáng luôn gợi trong lòng tôi nỗi bồi hồi. Khi tháng năm xào xạc trở mình cùng tiếng thở dài của đêm cũng là lúc những nỗi nhớ về nhau hiện về. Mỗi nỗi niềm như một phấn hoa, dù tan vỡ mà vẫn còn thoang thoảng.

Lạ lùng làm sao, khi xa nhau, lúc nào người ta cũng thấy một khoảng trống- mà gió dù nhiều đến đâu cũng không thể lấp đầy- Những cơn gió thổi qua đời nhau lặng lẽ. Cái hơi thở của tình yêu cũng vậy.

Có nhiều cuộc chia tay ráo hoảnh nước mắt và không có kịp môi hôn. Mấy mươi năm trước hay bây giờ đều giống nhau. Vì ngày xưa thì quá trẻ để không dám hôn. Đến khi già thì ngại ngùng. Sợ bị thiên hạ cười.

Có những dự tính không biết nói sao cho vừa? Vì biển ngoài kia dù yên bình, nhưng ẩn dấu trong lòng bão tố. Có những đêm thức khuya, những ngày ngủ muộn. Những ngôi sao dù chạy qua những thiên hà cũ, nhưng vẫn còn lưu lại những vết sáng và những bụi tro. Giống như tình yêu. Nó có khả năng vùi lấp hay làm rực rỡ một kiếp người.

Tôi nhớ buổi sáng trước ngày về của Quỳnh, gió cũng đang thổi ngược về những góc đường nghẹt kín xe cộ. Tôi chưa kịp mở lòng để đón nghe một tiếng chim đang trong trẻo trên đầu. Mọi màu sắc, mọi tiện nghi từng chuẫn bị cho ngày Tết, đang kéo dài vô tận. Người ta dựng lên những bảng hiệu tượng trưng cho một mùa xuân óng ánh, không có đông phai hoặc thu buồn. Những bức tường tráng lệ dưới chân Núi Nhỏ mời gọi khách du lịch. Những biểu tượng mang màu sắc mới mẻ và những hoa văn chạy dài hai bên lộ. Vài đôi tình nhân đứng đợi xe taxi nơi lề đường. Những thịt da phơi bày như trãi nghiệm với đời những hoan lạc. Còn tôi?

Mới đây thôi, tôi còn đứng cùng Quỳnh trước quán Mr. Két, gần nhà Bưu Điện cũ. Một bông sứ trắng lạc lõng nằm yên bên lối đi, may mà chưa bị bàn chân người vùi dập. Tôi cúi xuống nhặt lên với lòng run rẩy buồn. Hình ảnh của quán cà phê Năm Tròn chỉ còn trong ký ức. Khó lòng tìm kiếm được một nơi chốn mang dấu vết thơ dại và rất mong manh ngày nào. Nắng chan hòa làm chói mắt. Cái nắng giống như thuở nào, khi tôi vào đời. Ba người bạn học chung trường, nhưng nhỏ hơn tôi nhiều tuổi ra gặp chúng tôi ở quán để cùng uống cà phê. Người đàn ông tên Báu. Hai người kia là phụ nữ. Một người tên Ái Nhân, một người tên Hồ Mai. Lúc này họ đang loay hoay với máy chụp hình. Cuộc sống vô tình đi qua từng ngày. Đi qua những tròn trịa, những góc cạnh của đời thường và giấc mơ trộn lẫn. Nên cần phải có hình ảnh gì lưu lại (nếu không thì sẽ mất). Mọi người đều cố gắng tươi tỉnh dù lát nửa sẽ chia tay bùi ngùi. Bãi cát sau lưng và một góc biển cạn nước. Những hòn đá hiện hình như trêu chọc. Hình như có một người nào đó đang cắm cúi đào kiếm một miếng hào hay một con ốc giữa mênh mông đất trời. Có còn ai đào kiếm trong hỗn độn và xô bồ của đời sống hôm nay, một chút quá khứ của ngày xưa?

3.
Bức ảnh như vậy, trong một bố cục tự nhiên không dàn dựng, vừa đưa lên Face Book, sau khi tôi về Mỹ. Người đưa lên là Ái Nhân. Một cô gái có đôi mắt tròn đen, nghiêm nghị. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì biết thêm tin Việt Hà cũng vừa về thăm Vũng Tàu. Khi tôi ngồi trên chuyến bay về Mỹ, cũng là thời gian Việt Hà bay về Việt Nam. Những nghịch lý luôn tìm cách len lỏi vào hoàn cảnh bình yên, để làm nên nỗi đau thực sự.

Lúc tôi yêu Việt Hà, ba mươi mấy năm về trước, tôi chưa có những nan đề. Tôi chưa từng kinh nghiệm về một lời chia tay. Lòng biển cạn dấu kín tình yêu tôi khi nàng cùng Bé Tư bước chân xuống lòng thuyền. Bao nhiêu nẽo đường nàng đi qua, nhưng tiếng cười nàng gởi lại.

Tôi biết tin nàng qua những người bạn học chung lớp với nàng. Rằng nàng vừa ly thân. Rồi ly dị. Nơi căn phòng dùng làm phòng thẫm mỹ ở một thành phố trong tiểu bang Victoria, nàng đi ra đi vào mỗi ngày trong vai trò một thư ký lấy hẹn cho khách hàng. Từng mùa xuân trôi qua trên các thảo nguyên mượt mà. Nơi những bầy Kangaroo lao xao nhảy qua những hàng cây không biết nói. Những mối tình muộn màng và già nua quá đỗi.

Ngày đó, ai bảo những phu nữ có gò má cao là gian truân chuyện chồng con? Nhưng còn những người đàn ông nhiều phong sương và nợ nần với nhân gian thì sao?

Có những tình yêu tròn trịa nhưng bị chết đuối ngoài biển khơi, dù bão giông chưa hề. Ai đã từng đi qua thãm kịch mới biết.

Một đêm, trên trang FB tôi thấy hình ảnh một cuộc họp bạn ở Vũng Tàu. Vài người ngồi trong gian phòng còn lãng đãng màu sắc của Tết. Một bình hoa mai to đùng và những ly rượu mừng Xuân uống nửa chừng. Một hình ảnh làm trái tim tôi thót lại. Việt Hà ngồi giữa những người bạn. (có vài người tôi biết, vài người không). Chiếc áo màu hột gà hay một màu gì tương tự trên thân thể Việt Hà khiến nàng tạo cảm giác cho người nhìn nàng cao và thanh thoát hơn ngày xưa.

Mắt nàng lai láng sắc cầu vòng nơi cửa biển xưa vừa cạn nước. Và nụ cười đang làm cho buổi chiều vui lên. Tôi nhìn nàng, lòng tiếc cho một thời nông nổi.

Một đêm, vẫn trên FB, tôi đọc tin nhắn từ nàng. Nàng nhắc tôi về con đường dẫn ra quán cà phê Năm Tròn. Chiếc áo Jacket nhà binh và ly chanh muối trở thành một quá khứ nhiệm mầu.
– Đoạn đường đi của chúng ta ngắn quá phải không? Nàng viết.
– Đúng với Hà. Nhưng rất dài với anh. Tôi trả lời.
– Tại sao?
– Vì Hà rẽ qua đường khác…
– Nhưng em vừa biết tin tức anh.
– Về chuyện gì?
– Anh đã có một bông hồng. Đúng hơn là đang có mùa xuân?
Nàng ám chỉ đến Quỳnh. Người bạn đời muộn màng. Tôi không trả lời thẳng câu hỏi của nàng:
– Hà có biết rằng trước khi có một mùa xuân, anh đã sống bao nhiêu lâu, bao nhiêu tháng ngày không tìm ra phương hướng?
– Đâu có phải là lỗi tại em?
– Anh không phiền trách em. Chỉ phiền trách một trang đời đáng lẽ không nên mở ra.
– Hãy nói cho em nghe có khi nào anh cầu mong em hạnh phúc?
– Anh cầu mong mỗi ngày. Ngay cả khi biết em đang hạnh phúc.
– Anh có hạnh phúc không?
– Hình như…
– Lạ lùng. Anh và Hà cùng đọc một trang sách, nhưng mỗi người hiểu sai một nghĩa.
– Cho nên mới có ngày hôm nay.

Một thoáng im lặng bên kia. Lằn gạch nhỏ đang chớp nháy, ghi dấu Hà đang gõ xuống. Một khuôn mặt cười hiện ra. Nàng đang nhắc nhở tôi niềm vui nào vậy?

Tôi nghĩ về thành phố đang nắng lóe của nàng. Vì nơi tôi bây giờ đang rét căm. Những luồng xe đi về, qua đời nhau, vội vàng. Không một ánh đèn hay một tiếng kèn xe chào hỏi. Nghe đâu đây vọng về lời ca, ngày em hai mươi tuổi.
– “Mùa xuân” của anh đang sống ở Việt Nam hay ở Mỹ?
– Ở Mỹ.
– Vậy thì anh phải cười lên thường xuyên, chớ sao mặt mủi lại khó chịu? (chắc nàng nhìn dung nhan tôi trên Face Book)
– Tại vì cuộc đời nó làm anh thương tổn.
– Nói em nghe đi…
– Đừng. Anh thích nuốt nỗi buồn xuống lòng…
– Vậy thì… Cho em gởi lời thăm mùa xuân… của anh…

Tin nhắn của Hà chỉ có bao nhiêu. Nhưng ngào ngạt và ấm áp một giấc mơ.

Suýt chút nửa tôi chúc nàng ngủ ngon, vì nơi nàng bây giờ là ban ngày. (Hai thành phố cách nhau cả một thái bình dương). Mới đó mà đã hai đầu nỗi nhớ. Màu áo trắng nhạt nhòa của nàng nhô lên giữa cuộc vui, từ đàng sau những môi cười bao cuộc đời thao thức? Hà ơi?

Vũng Tàu mùa này đang có gió. Nàng về võn vẹn có vài tuần nhưng đem hết cả mùa Xuân đi…?

Nếu Để Chia Tay Thì Đừng

Khi nàng bỏ đi rồi, trong suốt nhiều năm tôi mơ chỉ một giấc mơ. Là thấy nàng trở về. Những cơn mơ trống hoác nhưng chật chội hình ảnh nàng và những giọt nước mắt rơi không thành tiếng. Làm sao để kiểm soát được việc nhớ tới một người. Lại cũng không thể ép bản thân thôi đừng nhớ về người đó. Tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào, chỉ biết rằng để trãi nghiệm một nỗi đau mà con tim đang chín đủ đau buồn, tôi đã phải thức trắng nhiều đêm. Trong căn nhà ba phòng, con gái tôi và đứa cháu ngoại chiếm hai phòng, còn tôi một phòng. Gần 3 giờ sáng, ai cũng ngủ chỉ mình tôi thức. Con chó ngủ bên cạnh sô pha, lâu lâu nức lên, dường như nó cũng nằm thấy một giấc mơ? Ai đó nói rằng văn chương đi ra từ cuộc đời. Và như vậy thì tôi sẽ ghi lại một vết thương chưa kịp kéo da non và mới vừa đây mùa đông đã trở nên lạnh vô cùng. Tháng mười hai sắp bắt tay với tháng một. Nơi đầu hồi trước nhà, tiếng gió thổi lạnh căm như một hơi thở vừa rụng qua vai. Một phía của bình minh chưa đến. Nhưng một phía kia là bóng tối và tình yêu muốn nhờ gió đêm gởi đến cho nàng. Người đàn bà đang ở thì quá khứ…
Góc đường 24 và Guadalupe, đối diện cổng ra vào trường Đại Học Austin, Texas (UT) là quán cà phê Medici. Hương vị không đậm đà bằng Starbuck’s, có mùi giống như cà phê Pháp, nhưng chỗ ngồi thoáng và nhìn được ra đường. Có Wifi và giá cả thì vừa phải, vì khách uống đa số là sinh viên nghèo. Một điểm khiến tôi hài lòng là đối diện ngay với trạm lên xuống của nhiều chuyến xe buýt chạy về hướng nhà tôi. Nếu cần phải làm việc tại đây mà không bận tâm về phương tiện di chuyển, tôi có thể xữ dụng xe buýt mỗi ngày. Trong cái góc êm ả nhìn ra con đường dập dìu xe cộ và những thanh niên thiếu nữ qua lại từng phút giây, đời sống sẽ trở nên chật chội vì hạnh phúc là một điều có thật và lâu dài. Nó làm cho người ta có cảm tưởng không buồn và không một mình. Chỉ cần đứng lên khỏi chiếc bàn đang ngồi, và ly cà phê trước mặt, bước ra ngoài, là tôi đã chạm mặt với hạnh phúc. Một lần như vậy, tôi thấy nàng.
Khi nàng quay đầu nhìn lại, từ một trạm xe, tôi thấy tôi bâng khuâng một góc đời thơ dại, nơi những tình yêu đuổi theo nhau miệt mài. Ánh nắng cuối ngày xao xuyến hơn bao giờ. Có những con đường mà người ta đi hoài không hết, nhưng bất chợt vừa dừng lại, đã chạm đến hoàng hôn… Nàng đứng đó, dáng điệu cũng lặng lẽ mơ hồ như trụ đèn đường và con phố chiều nay có mùa đông rất lạ.
Bờ đường lác đác những chiếc lá vàng từ mùa thu. Một băng ghế ngồi bằng sắt uốn cong và một thùng rác công cộng lạnh như chưa từng. Vài hình vẽ bằng sơn xịt do những ai đó nổi loan phá phách, đậm màu trên những viên gạch đầy rét lạnh căm.
Chiếc áo thun màu tro và chiếc jupe đen ôm sát. Một đôi giầy da đen cao cổ gần đến đầu gối. Bên ngoài cùng là chiếc áo jean bạc màu nhẹ tênh. Mái tóc nàng cột về phía sau và hai dây headphone cắm trong hai lổ tai làm tôn vinh ngấn cổ trắng ngần. Dáng điệu vừa lơ đảng, vừa khép kín và đôi vai như chưa từng gánh tròn những bão going. Những con đường đuổi theo nhau cùng những hàng cây phong trần bụi bậm. Vài người đứng chờ xe giống nàng, nhưng hình ảnh nàng vượt lên, nổi trội. Nàng giống như mới vừ khuôn viên trường đại học bước ra. Nhưng hình như dáng vẻ nàng phản lại điều đó. Nàng không như những sinh viên chung quanh vì vẻ bụi đời trên mặt, cùng đôi mắt trong suốt. Và những chiếc lá rơi bên đường chiều như giải thích về sự cô độc. Chiếc túi đeo lung màu cà phê nhẹ tênh, đến nỗi tiếng gió mùa vượt qua vai nàng mất hút. Tình yêu cũng chưa hề?
Những dấu giày chưa bao giờ biết nói, nhưng sao rộn ràng tín hiệu? Vạt nắng tự thuở nào vẫn dấu biệt trong nó hơi ấm một thời. Tôi thấy mình yếu đuối và hụt hẫng vì lát nửa đây sẽ mất nàng.
Lần đầu tiên gặp nàng như vậy và không có được một nụ cười.
Nhưng hình ảnh đó cứ mãi theo tôi trên đường về. Thì ra, giữa những âm điệu xô bồ, hỗn loạn của cuộc sống vẫn còn có những khoảng lặng đẹp đẽ và bình yên. Lần thứ nhì gặp nàng khi nàng đứng giơ tay mời mọc khách qua đường ghé thăm gian hàng bán hoa của nàng. Nói là gian hàng hoa cho có vẻ trịnh trọng, thực ra đó là những giỏ hoa đặt tạm bợ trên một ngạch cửa từ một shop bán đồ trẻ em có tên là Fanny và Marius. Tôi ái ngại nhìn những đồ vật bày biện. Nhưng đôi mắt xanh của nàng ngầm nói với tôi là không cần ở ai lòng thương hại.
Có vài chậu hoa màu sắc lạ lùng không biết nàng lấy từ đâu nhưng rất đặc biệt, giống như con người nàng. Một tay nàng đang cầm những xấp giấy màu có in hình một trang trại, có vẽ như khu vườn thì đúng hơn. Những luống hoa mọc ngay hàng dưới ánh nắng nhấp nhô. Một ngôi nhà dường như hiện ra để cầu chứng sự hiện hữu của nó với cuộc đời vội vàng. Nàng nói, với một giọng tiếng Mỹ không lưu loát:
– Mời ghé lại xem, các bạn ơi…
Trong này quán cà phê, tôi tần ngần nhìn ra. Nàng mang dáng vẻ không lo âu, cũng không trì kéo. Nàng vừa hồn nhiên, vừa dạn dĩ bên phố đầy người ngược xuôi và ồn ào . Giống như một kẻ chào mời mùa xuân đồng thời cũng gõ vào trái tim người nghe những âm điệu buồn.
Không biết sao, những điều như vậy làm tôi chạnh lòng. Tôi thấy những tháng ngày cô độc không biết làm gì trước một vùng biển bao la tưởng như không phải là của mình, dù tôi đã lớn lên từ đó.
Những năm tháng lang bạt và phiền muộn biết bao. Bây giờ, dù bình an trên xứ người, nhưng tôi không thể nào quên được ngày xưa. Nơi thành phố biển lớn lên mỗi ngày cùng những cơn mưa nhỏ xuống đời day dứt. Tiếng mưa làm trôi giạt mùa hè ra cửa. Trôi giạt những con thuyền ra khơi. Mặt nước rộng mênh mông và chất đầy nỗi sợ. Đàng sau lưng là bảy sắc cầu vồng.
Từ trên những góc đường của phố cũ, mỗi ngày, các chiếc loa phóng thanh phát đi những lời phù hư, làm ám ảnh tôi suốt nhiều năm như một ký ức sai lạc nẫy mầm. Những giấc mơ xa lạ trên xứ người và những tháng ngày để rơi cơn tỉnh táo, tôi dấu Việt Nam trong lòng. Như dấu một tình yêu ngỡ ngàng, bão gió.
Mười tám năm sống buồn bã nơi quê nhà. Những tiếng ve kêu ran cả một mùa không ai hay. Tôi rời Việt Nam lúc chương trình định cư đang thành hình. Tôi mang những tiếng ve ướt đẫm như lệ đời sang Hoa Kỳ. Những bước đi không đành mà nhìn lui thì không muốn.

Bây giờ, trước mắt tôi là một hình dáng mong manh nhưng đậm màu một nỗi buồn thật sự. Tháng mười hai chạy đuổi theo mùa đông, cùng tiếng gió rít ngoài mặt cửa quán. Có đôi lúc vì công việc tôi phải về khu Downtown. Những đêm muộn màng lái xe trở về. Thềm đêm lấp lánh ánh đèn như những ảo giác.
Lần gặp thứ ba, kể từ hai tuần trước, cũng vẫn chỗ cũ, nhưng lúc này nàng có thêm một chiếc mũ len trùm đầu. Trời lạnh đột ngột từ chiều qua. Dáng cô độc và bất cần vẫn còn. Nàng nói, sau khi quan sát tôi từ đầu đến chân:
– Rảnh nhỉ?
– Sao cơ?
– Làm ơn đừng bám theo tôi nửa để tôi bán có được không?
– Xin lổi, tôi không thể…
– Tại sao?
– Vì cô là người giới thiệu hoa và tôi là người thưởng lãm. Vì tôi thích cái dáng vẻ của cô.
– Điên quá. Ông có hối tiếc cái thời gian phải bỏ ra như vậy không?
– Không bao giờ. Tôi chỉ hối tiếc nếu cô không chịu nói với tôi với tôi về cái gì đó. Một cái tên chẳng hạn…
– Ông biết gì về hoa và màu sắc của hoa? Nàng đốp chát.
– Không nhiều lắm. Nhưng tôi biết cô chọn lựa hoa như một người vừa có một trãi nghiệm buồn bã. Cái màu sắc dữ dội nhưng cuốn hút cuộc đời.
Nàng cười. Nụ cười không rõ rệt nhưng rất tươi, làm ấm lòng. Trời đổ mưa lất phất tình cờ. Chung quanh không có chỗ nào để núp tránh. Ngoại trừ quán cà phê tôi vừa ngồi. Một quán bán Pizza nằm kế.
– Tôi phân vân không biết có thể mời cô đi uống nước vào một ngày nào đây?
– Tại sao không hôm nay luôn?
Nàng giống như một người hà tiện lời nói. Nàng ôm xấp Progam trước ngực, theo tôi chạy vào quán. May mắn còn chỗ trống. Quán cà phê nhưng cũng có bán bia, sau 3 giờ chiều. Tôi gọi cho tôi một chai bia còn nàng thì một ly Espresso nóng.
– Ông đang làm việc ở Downtown hả ?
– Chút ít thôi. Tôi vừa mất việc làm nhưng cũng vừa tìm thấy việc làm. Đang bàn luận giá cả và hợp đồng. Vì dù sao cũng đang trong 6 tháng Relax.
Đúng là dân miền Nam.
– Tại sao?
– Vì thất nghiệp mà còn chơi bảnh. Nàng nhún vai.
– Đó là thói quen chớ không phải bốc đồng. Mà đã là thói quen thì không thể từ bỏ.

Mưa ít, nhưng pha trộn rất nhiều giá rét. Thời tiết lạ lùng vì mùa này rất ít khi mưa. Con đường trước mặt chùng xuống và buổi chiều ảm đạm giống như sắp tối. Những dòng nước run run trên mặt kiếng rồi lăn thành từng dòng, tiếc nuối.
– Có một màu hoa nơi những chậu hoa của cô tôi chưa từng biết tên. Nó ám ảnh tôi khi thấy nó.
– Nó màu gì và ra sao?
– Màu tím đậm. Và nhỏ bằng đầu ngón tay…
– Đó là mạc lan.
– Chúng giản đơn nhưng đẹp. Giống cô.
– Coi chừng lầm. Tôi không có giản đơn.
Nàng nói, môi đang cong lại vì chạm vào ống hút. Đôi mắt xanh đừng hư ảo nhé, đêm nay tôi sẽ về tương tư.
– Quê của ông ở đâu? Việt Nam?
– Vũng Tàu.
– Còn tôi Đà Lạt. Hoa mạc lan mà ông vừa nói, ở Đà Lạt tràn đầy.
– Tôi không biết ở Mỹ cũng có loài hoa này.
– Có chứ. Sao ông không hỏi tôi đã có gia đình hay chưa? Để khỏi hối hận khi lát nửa chia tay với tôi?
– Tôi định hỏi mà không dám. Tôi thích sự lãng mạn.
– Sự lãng mạn của ông vừa tàn phá buổi chiều như hôm nay. Tôi có chồng, và chồng tôi vừa qua đời.
– Xin lỗi
– Trong hoàn cảnh này, lời nói tệ nhất là lời xin lỗi. Anh ấy chưa vào công dân Mỹ. Vừa mới mất vì uống rượu lái xe… Trong khi tôi cũng sắp hết hạn di trú tại đây…
Nàng nói về người bạn đời, như nói về một người qua đường nào đó. Nàng tóm gọn cuộc đời hiện tại của mình một cách suông sẽ, không vấp váp, chồng chềnh. Bây giờ người hà tiện lời nói không phải là nàng, mà là tôi. Tôi nhìn mê đắm trên đôi môi màu phượng của nàng, cảm giác những đau đớn ùa về, không phải cho tôi mà là cho nàng.
Đâu đó có tiếng vang động của còi hụ ngoài kia. Tôi hay nàng tự huyễn hoặc về những ngôn từ? Và làm sao lý giải về một hoàn cảnh đi gần đến thãm kịch?
Mưa ngớt và đường chiều đông người trở lại. Uống vừa dứt ly cà phê của mình nàng vội vàng đứng lên. Cám ơn tôi ly cà phê và rón rén những bước chân như một người vừa đi trên những vũng lầy hấp hối. Tôi nghĩ nàng trên dưới ba mươi tuổi. Người đàn bà ba mươi tuổi không cần sự lãng mạn. Họ chỉ muốn sở hữu.
– Chúc ông sớm tìm thấy việc làm.
Nhưng tôi chưa biết tên của cô.
– Đâu cần. Chúng ta qua đường, gặp gỡ. Cùng trú mưa và cùng uống cà phê. Bởi vì chung quanh đây không có ai và chỉ tôi và ông là Việt Nam. Cám ơn những lời khen tặng về mấy chậu hoa.
Khi người đàn bà đi, điều gì đó còn ở lại. Chẳng hạn như mùi hương từ thân thể. Chẳng hạn như ánh mắt lấp lánh nhưng phảng phất những mây trời. Mãi sau này, tôi mới biết không phải mây trời mà là… khói thuốc.
Nàng không đứng bán những chậu hoa sau ngày ngồi quán với tôi. Tôi không biết tung tích nàng. Giống như một cơn mưa rơi xuống tình cờ, người đàn bà đó không còn hiện hữu? Nàng đi về đâu khi mắt vẫn nhìn lơ đảng phía trước? Tôi không tin nàng biến mất dễ dàng và nàng sẽ tồn tại trong một số phận ấm áp. Sự gặp gỡ giữa tôi và nàng, dù là một giấc mơ, nhưng tôi muốn đó là một giấc mơ tỏa sáng.
Tôi vốn không để ý đến người khác. Nhưng càng ngày tôi càng tò mò về nàng.
Một đêm, tôi về trễ hơn mọi lần vì gặp gỡ những người chủ hợp đồng và ăn tối cùng họ. Gần mười hai giờ khuya tôi còn lang thang trên đường Congress. Chỗ đậu xe cách nơi đây vài Block đường. Những cảnh trí và màu sắc óng ả từ các cửa tiệm, hàng quán nối tay nhau bất tận, khiến đêm dường như dài ra, cuốn hút từng bước chân bộ hành. Đêm lạnh như cả một thành phố được ủ bằng nước đá. Tôi biết tôi sẽ khó lòng quay lưng lại với thời tiết tuyệt diệu của một mùa Lễ lạc. Những thềm đá nghe trên lưng nó tiếng gió và mưa bụi thầm thì. Một cây Giáng Sinh khổng lồ được đặt trước điện Capitol. Nó sẽ nằm yên và khoe vẽ diễm lệ của nó suốt nhiều tuần lễ, cho đến qua Tết Dương Lịch. Những chiếc taxi quanh co thả những khách đêm xuống từng ngưởng cửa tiệm đêm và ai đã thổi tiếng trompet nơi góc đường như một điệu kinh cầu hồn.
Tôi không muốn làm một đứa trẻ để vừa mới đụng tới cái cô đơn mà đã khóc.
Cho đến khi tôi không còn hứng thú để thả bộ thì tôi thấy ai giống nàng. Lạy Chúa. Nàng không phải đang hòa nhập vào đêm và giá rét để hóa thân thành một sứ giả của đường phố, để khua khoắng một tình yêu ngoài trần thế? Nàng đang bé nhỏ và rất mong manh, giống như một người đang phê thuốc. Nàng nửa nằm nửa ngồi trên băng ghế chờ xe buýt. Rất mệt lã và tái xanh.
Có lẽ mọi câu chuyện đều khởi đầu và kết thúc bằng những cơn đau? Và ai đó nói rằng mùa đông là mùa mà người ta cần yêu thương nhất. Nàng đang oằn oại và khốn đốn trong khi tôi không kinh nghiệm để giúp cho nàng. Có một lúc nàng nhìn tôi, không từng biết tôi trên đời. Tia nhìn giống như màu đêm ướt át đậu trên cành mạc lan. Nó sâu và cuốn hút. Phải khó khăn lắm tôi mới làm cho nàng bình tỉnh lại. Nàng nhận ra tôi và lặng im như một người câm. Đêm cựa mình vì những cánh lá dẫy dụa trên đường.
– Nhìn đủ chưa? Nàng cấm cẳn. Tiếng nói không muốn thoát ra hai hàm răng nghiến lạnh. Nếu đủ rồi thì biến đi.
Nếu có ngôn ngữ nào diễn tả sự sống sượng và trần trụi của một người đàn bà chắc là lúc này. Giọng điệu nàng lạnh lùng hơn như buổi chiều nào cùng tôi trú mưa. Giá mà có lỗ nào mọc ra bên đường để tôi chui vào trong đó.
Tôi đứng chôn chân bên chiếc ghế nhìn đôi chân nàng co lên (có đôi giầy bốt đen làm chứng và là hình ảnh chưa biểu lộ sự thảm hại từ nàng). Hai tay ôm choàng đầu gối. Chiếc áo Jean bạc màu nửa mặc nửa đắp hờ lên chiếc ngực run. Không đủ đâu vào đâu. Mắt nàng xanh như biển của tôi ngày nào, chưa bão tố.
– Tôi sẽ không biến đi nếu cô không để tôi đưa về.
– Về đâu?
– Về nhà cô hay nơi nào cũng được. Vì tôi không muốn cô nằm đây. Cảnh sát họ sẽ tìm gặp cô và đưa cô vào một nơi, mà dù đêm có bao la cách mấy, cô cũng sẽ thấy chật chội. Cô chịu không?
Hơi thở nàng yếu ớt. Không phải là gió mùa nhưng đủ làm cho đôi môi run kia vỡ òa bao điều quen lạ? Tôi nghe tiếng gầm gừ trong miệng nàng. “Tôi không về nhà”.
Tôi không có thời gian để tìm đến bãi đậu xe của mình, vẫy vội một chiếc taxi trờ qua. Nói đại một tên của khách sạn nào đó. Dù sao tôi cũng không về nhà đêm nay. “Đồ điên”. Đó là tiếng cuối cùng mà tôi nghe được trước khi đặt nàng gọn gàng trong xe. Những sợi tóc thấm đẫm sương mù, bện vào nhau ép sát hai bên thái dương. Nàng ngước mặt nhìn tôi. Tia nhìn trong suốt.
Mọi hoàn cảnh trên đời liên kết với nhau và không cần những lý giải. Đêm qua lâu trong vùng Downtown nhưng tiếng bánh xe vẫn liền lạc đuổi theo dưới đường. Tôi nghĩ về một tình huống trớ trêu khi tôi phải đối mặt với nàng trong lúc này. Trên chiếc giường mênh mông nàng nằm yên như một nàng công chúa ngủ trong rừng. Tôi kéo chiếc chăn len dầy đắp cho nàng và định bụng sẽ xuống quầy rượu kiếm vài ly bia uống, vừa chờ sáng. Vừa không muốn nhìn một người đàn bà ngủ.
Quầy rượu vẫn còn lác đác vài dân nhậu đêm. Chúng tôi không quen nhau nhưng mạnh dạn cụng ly và chúc nhau sức khỏe dù ai cũng biết lời chúc vô nghĩa và phù phiếm hơn bao giờ.
Càng uống, tôi lại càng không thể không nghĩ về nàng. Tôi nhớ lại dáng điệu vừa lơ đảng vừa khép kín của nàng. Và nổi đau nào vừa qua? Tình yêu hay sự đau khổ đã làm nàng gục ngã? Trong khi lòng tôi dấy lên một cảm xúc không muốn rời xa nàng. Phải mất bao nhiêu lâu, bao nhiêu tháng ngày để người ta nuôi trồng nó? Vì nếu đã là cảm xúc thì khó tìm được kết thúc và bắt đầu…
Khi hết vại bia thứ ba thì tôi cảm giác không yên tâm khi nghĩ nàng đang một mình. Tôi trở lên phòng. Có một chút bình minh mờ nhạt hiện ra sau một bức rèm nơi tiền sảnh. Một đêm không ngủ nhưng tôi không cảm giác mệt mõi. Không thấy nàng nằm trên giường. Có ánh đèn dọi ra từ phòng tắm và tiếng nước chảy. Giống như tiếng đời câm trôi sóng sượt theo những cơn mưa mù lòa. Nàng hiện ra sau một thời gian dài dễ chừng làm tiêu hao mấy chục gallon nước của khách sạn. Rồi ngạc nhiên khi bước ra nhìn thấy tôi. Chiếc khăn tắm choàng sơ sài trên người làm nàng lúng túng. Trong một thoáng tôi cảm nhận mùi hoa Lavender trên tóc nàng.
– Thật là một đêm ngu ngốc phải không?
Nàng nói và ngồi yên ả trên giường. Hai tay nàng thủ trước bụng. “Mấy món quần áo của em đã lấm lem từ tối qua.” Nàng nói. “Anh phải đền cho em”. Lần đầu tiên từ lúc gặp nhau tôi nghe nàng xưng hô như vậy.
– Anh sẽ mua đền cho em bằng số lương thất nghiệp. Tôi cũng đổi cách xưng hô.
– Bởi vậy em mới nói anh bảnh.
Nàng không giống với người đàn bà hồi đêm. Với môi run và chân mỏi. Nhưng màu mắt nàng vẫn như hai hòn bi làm bằng đá xanh. Nàng ôm chiếc gối trong lòng.
– Em… hút từ bao giờ? Tôi hỏi mà sợ nàng giận dỗi.
– Từ khi anh ấy loan báo cho em biết là không có khả năng bảo lãnh em ở lại đây.
– Em tuyệt vọng nhiều đến vậy sao?
Nàng không trả lời. Đôi mắt nhìn về hướng khác. Tôi thấy thực sự nỗi đau của nàng. Như một sân ga không hề muốn gánh bão giông nên phải cố nén lòng khi tàu đã rời đi khỏi.
– Không ngờ, bên ngoài, lúc nào em cũng tỏ ra rất mạnh mẽ, nhưng bên trong lại dễ tổn thương.
– Em phải ồn ào như vậy để dấu đi nước mắt. Nàng cười cợt. Khi người ta ngã một lần thì người ta sẽ ngồi lại và không muốn đứng lên.
– Thật sự anh rất đau lòng khi nghĩ em cô đơn một mình.
– Có muốn em trả ơn anh không? Nàng rụt rè hỏi.
Tôi không ngờ nghe câu nói đó từ nàng. Nhưng đó không phải là câu nói tệ hại.
– Vì sao?
– Vì những gì anh làm cho em.
– Không cần. Anh chỉ muốn thấy em cười.
– Đơn giản thế sao?
– Vì như vậy thì anh mới có thể cười. Như vậy có tham lam quá không?
– Đúng là tham lam quá rồi.
Nàng ngồi xích vào phía trong nhường chỗ cho tôi ngồi.
– Ai nói với anh em đang cô đơn?
– Những việc làm của em. Và những đóa hoa của em. Đứng giữa phố phường mà sao hờ hững…
– Mai mốt anh sẽ không còn thấy những cành mạc lan…
Tôi nhìn nàng. Ở đó, đôi vai non yếu của nàng đang run. Không phải vì lạnh mà vì đang thổn thức.
– Anh ấy mất là một phần do em. Thời gian có vẽ như gấp rút để trở lại Việt Nam của em làm anh ấy căng thẳng.
– Bao giờ thì em phải trở về?
– Lúc đầu tưởng không còn cơ hội. Nhưng vừa may em có một người đàn ông hứa sẽ bảo lảnh em, nếu em chịu kết hôn với ông ta.
– Cho dù như thế nào, anh cũng muốn em hạnh phúc.
– Để coi. Tháng sau em sẽ về Florida. Em có một người bạn gái ở đó. Nó ghi tên em vào một lớp cai nghiện. Nó hứa sẽ giúp em.
Tôi thấy mệt mõi. Những tia nắng đầu ngày xuyên qua mành cửa, dù vẫn chưa được mở ra để tôi thấy hết bình minh bên dưới. Căn phòng vuông vức như một hộp diêm mùa Giáng sinh, chỉ thiếu có một que diêm thôi đủ làm bùng lên ngọn lữa. Nàng quay mình trở lại. Chiếc khăn tắm bây giờ không che kín hết thân thể và chỉ thêm một cữ động nhẹ nửa thôi, người đàn bà sẽ phơi bày ra hết những quanh co khuất lánh. Như một dòng sông không dấu diếm những tháng năm đi qua những bến bờ son trẻ. Còn những buồn bã nào làm nên những trầm tích? Khi dòng sông đó muốn chảy lui về thượng nguồn?
– Anh có ham muốn em không?
Tôi vuốt ve trên ngực nàng. Không có lời nói nào đủ trong hoàn cảnh này.
Trong một ý nghĩa giản đơn nhứt, là giữa một trong hai người, cơ hội để ngã vào nhau chính là sự yếu lòng của người kia.

Tôi thấy bàn tay mình ôm lưng nàng. Cái ôm chặt và cần cho một thân thể rã rời sau một đêm dài thức trắng. Nghe cánh tay nàng vòng trên cổ tôi, nặng nề… Thời gian dễ chừng phải đi qua nhiều chục năm.
– Nếu em muốn hôn anh thì sao?
– Nếu để chia tay thì đừng…
– Rồi phải như vậy thôi. Chúng ta sẽ trở về với vị trí của mình.
Tiếng nói nàng nhỏ gần như một lời gió. Đôi mắt nhắm nghiền không đủ lấp kín một màu biển xanh.

Những ngày còn lại nàng bán lại “hành lang hoa” cho một người khác. Tờ Progam đổi mới và ghi lên đó một địa chĩ lạ. Những chậu hoa cũng thôi không còn nằm ké trên ngạch cửa tiệm bán đồ con nít. Hoa cũng giống như người. Đều không thích cô đơn. Chúng lớn lên mỗi ngày bằng cách nghe bước chân của người trồng nó. Trong thời gian này, tôi ít khi gặp nàng vì tôi đã vào công việc mới. Nhưng tôi không an lòng vì chưa biết rõ ngày nàng rời khỏi đây.

Sáng hôm nay, tôi đưa nàng ra phi trường về Florida. Trời mưa.
Muôn đời, mưa vẫn là cái cớ để người ta nhìn về nội tâm mình. Vì bên những tiếng rời rụng của mưa, bao nhiêu người đã nối kết thành những trang tình yêu ướt đẫm.
Tôi kéo dùm nàng túi hành lý có bánh xe. Nàng không còn mỏng manh mà rất mạnh mẽ trong bộ đồ đen có áo len chùng bên ngoài. Dây thắt cột hờ hững không ôm hết vòng lưng thon. Giầy Vascapa cũng màu đen và mái tóc bay ngược khi hối
hả chạy qua hành lang. Tình yêu đau nhói trong lòng tôi cũng chạy đuổi theo bước chân nàng. Tôi không biết tình yêu ấy- cái tình yêu trái mùa đó- tồn tại bao lâu. Nhưng với nàng chắc chẳng là mãi mãi.
Chỉ còn nửa tiếng nửa là nàng sẽ rời khỏi phòng “check in” để bước vào cổng chánh. Bao lâu nữa sương sẽ phủ chật đường về và gió qua đường vẫn cất vang tiếng hát? Sau lưng chúng tôi, qua một góc parking bằng xi măng có kẻ lằn sơn trắng, những chiếc xe nằm nín thở. Có những hành khách vội vàng xuôi ngược, giống như từng cuộc đời xuôi ngược không hề tìm thấy một trạm dừng? Trong giây phút đó, tôi cảm giác như nàng sẽ quay lưng lại với tôi, quay lưng lại với một quá khứ mà sự cô độc mỗi ngày đang đè nặng lên nàng.
Tôi nhìn thấy bóng tôi và nàng dội lại trong bức tường gương phi trường. Nàng đang sửa lại áo khoác ngoài và khăn choàng cổ lất phất. Còn tôi sáng mai sẽ là nỗi cô đơn như đã từng.
– Ngu ngốc.
– Em nói sao?
– Mấy tháng qua anh theo đuổi một người phụ nữ dù biết người đó có chồng?
– Phải. Ngu ngốc thật. Nhưng tình yêu mà em. Anh không thể bắt trái tim mình làm khác được.
– Hãy quên em. Hãy trao tình yêu của anh cho người xứng đáng nhận nó.
Trước khi đứng xếp hàng để chờ gọi đến tên mình, nàng hôn tôi:
– Anh bảnh lắm. Thật đó…
Nụ hôn tê điếng đủ làm tôi liêu xiêu. Tôi vẫn chưa biết tên nàng. Có cần thiết hay không? Nếu nhớ nàng, tôi sẽ gọi thầm Mạc Lan. Người đàn bà có đôi mắt mở to, trong sáng luôn làm tôi thấy bình yên…

Nhìn Lui Một Định Mệnh

1.
Mười tám năm tôi xa quê và ba mươi ba năm Vũng Tàu của tôi đã phai nhạt màu xanh. Muối của biển có còn mặn mà hay phôi pha vì mỗi mùa giông bão? Ngọn hải đăng mỗi đêm có còn soi rọi những hướng đi về tương lai cho những chiếc tàu đã không còn tay lái? Nghe nói con đường chạy quanh Núi Lớn, Núi Nhỏ đã khang trang hơn vì nhu cầu du lịch, nhưng tấm lòng của người dân đang cạn hẹp và ngổn ngang những gai góc tình người.

Mẹ tôi không còn cách đây nhiều năm. Khi bà mất tôi không thể về. Có những lầm lỗi mà chúng ta có thể quên được, nhưng có những lầm lỗi không bao giờ san sẻ hay bị đồng hóa dù chúng ta biện minh bằng những lý do nào đi nữa. Suốt đời tôi sẽ hối hận vì điều này. Và mọi thành công sau này nếu tôi vươn tay tới được, sẽ nặng trĩu lòng thống hối. Nó sẽ làm lem luốt mọi mùi thơm và mọi vinh quang trên những vòng nguyệt quế.

Có biết bao nhiêu người Từ Mẫu đã hụt hơi đi bên cạnh bước chân thơ dại của con mình? Có biết bao nhiêu người Mẹ còn giữ cho đời một chút màu xanh hi vọng? Mẹ tôi là một trong những người Mẹ đó. Bà đã ươm trong hồn tôi, từ ngày thơ ấu những hơi thở tươi mát như gió biển. Bà không đủ giàu để mua tặng tôi chiếc vé xe mộng ước để chạy đuổi theo những thành phố hào nhoáng vật chất. Nhưng bà đã đặt tôi trang trọng trên chỗ ngồi của lòng can đảm – để từ đó đi xuống đời bằng bước đi chân cứng đá mềm.

Trên đất nước tạm dung nơi đây có ngày lễ Mẹ. Người Mỹ thích cho thế giới thấy sự hiếu thảo của họ, dù chung quanh vùng Down Town có những căn nhà Nursing Home. Có bao nhiêu chiếc ghế xích đu đong đưa nỗi cô đơn của những ông bà già, như đong đưa niềm hi vọng? Ở đó cũng còn có người trợ tá đút cơm cho những người không còn trí nhớ suốt ngày cười nói như một đứa trẻ, trong khi màn ảnh truyền hình chiếu đi chiếu lại những bộ phim tình yêu. Những quảng cáo thuốc tăng cường sinh lực. Mọi điều có vẽ như một mặt khác của đời sống. Nó trùng lấp, hỗn độn và đầy gai góc. Và chúng ta nhìn vào bức tranh đó, chúng ta sẽ thấy rõ tương lai của chúng ta ra sao.

Những đứa con của Hợp Chũng Quốc Hoa Kỳ thích vinh danh những người Mẹ. Hãy để cho chúng có việc để làm và có một sự bận rộn dể thương bên cạnh những căng thẳng nhà xe, cơm áo.

“Có phải nơi kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn
Ðâu? Ðâu có ngụm đèn xanh
Rèm che nhòe cửa sổ
Nín đi thôi. Nín đi thôi các đại lộ nhiều cây…” (Trần Dần)

Ðêm mênh mang những cánh gió rượt theo vòng lăn của bánh xe và con đom đóm bay dật dờ trong đám cỏ. Không lâu nửa con gái tôi sẽ trưởng thành. Nhưng chắc còn lâu nó mới hiểu tường tận về bà nội của nó nơi một góc phố mà ba nó sinh ra. Trong khi nền văn hóa tại đây không dạy cho nó cái cảm giác về sự ràng buộc mật thiết của tình mẫu tử. Nên nó sẽ đi vào đời với một đóa hồng rất hời hợt ngày Mother‘s Day. Một lần tôi chỉ cho nó tấm hình chụp chung với bà Nội, lúc nó mới vừa bốn tuổi. Khi chúng tôi về thăm lại Ðà Lạt. Bà Nội nó đội khăn mỏ quạ và trông có vẽ “quê mùa” dưới mắt nó. Nhưng với tôi, cuộc đời sẽ không lớn lao và văn minh được nếu không có những chiếc khăn mỏ quạ. Từ những vuông khăn đó, mồ hôi và nước mắt khổ đau đã được lau khô. Hạnh phúc và niềm vui cũng gói ghém trong đó. Chúng tôi, cùng khôn lớn theo màu thời gian phai mờ trên từng sợi vải và tương lai phồng căng trên đó như một cánh buồm.

Những chiếc khăn mỏ quạ che kín những vai đời, trong khi nắng gió làm già háp mộng ước thời niên thiếu. Tôi lớn lên theo những mùi thơm ngào ngạt toát ra từ nổi buồn, như hóa thân của thời gian . Chiếc khăn cũng vậy. Nó bạc màu theo tuổi già của Mẹ tôi. Nhưng sao tôi vẫn thấy nó chứa đựng bao điều mới mẽ.

2.
Gần tới mùa tựu trường. Gió thu hiu hắt những hồi tưởng. Khi tôi còn là học sinh trọ học bất đắc dĩ trên thành phố Sài Gòn. Vũng Tàu của tôi là một tỉnh nhỏ, khi học xong Trung Học đệ nhị cấp phải về thành phố để thi Tú Tài. Một người bạn cùng lớp đã rũ tôi lên nhà bà cô của anh để chuẫn bị ngày thi. Căn gác trọ nằm trên đường Nguyễn Cư Trinh. Căn nhà số 105 ngày đó là một nhà gỗ hai tầng. Phía dưới dùng làm kho chứa đồ. Tầng trên dùng làm sinh hoạt cho cả gia đình.

Ðó là những năm của thập niên 60. Lúc đó bến xe đò lục tỉnh nằm hai bên đường Nguyễn Cư Trinh, chưa dời ra ngoại ô. Mỗi tháng thay đổi vị trí chỗ đậu xe một lần. Tháng trước xe về đậu bên này đường. Tháng sau về đậu phía bên kia. Sự huyên náo, ồn ào chia đều cho hai bên và người dân hai khu phố quen thuộc với những hoạt cảnh mỗi ngày. Từ một buổi sáng nào đó, trên căn gác trọ số 105, tôi nhìn xuống con đường và những đời xe tất tả, xuôi ngược, tôi thấy hết nhịp sống của Sài Gòn. Mọi loại xe đều hiện diện trong ngần ấy không gian chật chội, giữa những tiếng động nhức nhối. Tiếng kèn xe, tiếng máy nổ chờ lăn bánh, tiếng rao hàng, tiếng cải cọ, tiếng đồ vật rơi đổ, tiếng một con chó gầm gừ do bị đánh bởi một bà bán hàng nóng tính, tiếng chọc ghẹo, tỏ tình sỗ sàng từ những người lơ xe bạt mạng giang hồ với các cô gái bán hàng. Xen lẫn giữa mùi thơm của cà phê, của hủ tiếu và hơi thuốc lào là mùi cống rãnh nghẹt ứ, mùi rác rến tùy tiện.

Cái nhịp đời đó không bao giờ nằm im trong trí nhớ tôi. Nó vẫn sừng sững dù nhiều năm bể dâu biến động. Vì nó đánh dấu một mối tình mới lớn. Người con gái của hơn bốn chục năm về trước mà tôi từng yêu khi về sống tại Sài Gòn. Căn gác ván cũ kỹ, (sau này được xây ba tầng gạch, nhưng vẫn chật chội bề ngang) mỗi đêm tôi về nghe lại tiếng cười và tiếng nói chuyện của những cô gái con bà chủ nhà người Bắc. Nhà không có đàn ông. Những bữa cơm tối muộn màng vì mọi người bận bán hàng ở chợ Thái Bình, tôi đói bụng lén xuống đường kiếm món gì ăn đỡ dạ. Tôi biết buồn và biết đau khổ từ những ngày đó. Và cũng biết thêm những thôi thúc giang hồ theo tiếng kèn xe. Nơi căn gác còn có thêm một bà cô mù suốt ngày ngồi một mình, nghe tiếng bước chân chúng tôi lên gác mà mừng rỡ. Tôi biết bà thương tôi và kỳ vọng ở tôi một chàng cháu rể không cứng đầu. Những con mèo tam thể ẻo lả nằm quấn quít cạnh bà trong khi tôi lắng nghe bà kể lể chuyện đời. Ðôi lúc câu chuyện của bà bị ngắt quãng vì tiếng cãi lộn bên dưới. Những tiếng chửi thề và nhiếc móc đay nghiến nhau của những đôi vợ chồng vọng lên căn gác, như những vết cắt đau điếng làm cho đời sống thêm sần sượng, gai góc. Cái góc phòng chật hẹp và bề bộn những tiếng động đó nhưng đại diện cho một Sàigòn lớn lao.

Bây giờ, một vài người nơi căn nhà 105 đó vẫn còn. Những người lớn thì đã mất vì thời gian -trong đó có bà cô chủ nhà và bà cô mù. Một trong ba người con gái nơi căn gác đó vẫn không chịu có chồng và sống thui thủi một mình bên những ngày tháng rời rộng khổ đau nhưng thiếu vắng hơi thở hạnh phúc. Tôi chắc như vậy vì sau một cuộc đổi đời mọi đời sống đều như vậy. Tôi không biết trong tâm hồn người con gái lở thì đó có bao nhiêu hình ảnh của tôi, có bao nhiêu khoảng trống cho một kẻ giang hồ như tôi cư ngụ? Nhưng với tôi, tình yêu tự nó thu xếp những chổ trú trong tim. Nó giống như những chuyến xe đò mỗi chiều về tìm bến đậu. Có một lúc nào, tự chính nó, vì bận rong chơi trên đường dài, lúc tàn cuộc quay về, sẽ mất hẳn một chỗ nằm khiêm tốn qua đêm. Chỉ tội nghiệp cho những quang gánh chất đầy mộng ước, bị bỏ quên dưới gầm xe vì không có người thu nhặt, phải chờ đến bình minh…

Một buổi chiều chủ nhật, trước ngày thi một ngày trời đổ mưa. Mưa dai dẳng từ buổi trưa, kéo dài đến chiều tối. Tiếng mưa gõ buồn bã trên các mái tôn cũ nghèo. Trên những mâm cơm tức tửi nỗi cơ hàn. Tôi đứng trú mưa giữa hành lang nối liền hai dãy nhà, lòng trống trãi một quạnh hiu. Vẵng đâu đây từ một chiếc radio, tiếng hát Phương Dung vọng xuống. Bài “Nỗi Buồn Gác Trọ”.

Tiếng hát ráo hoảnh giữa những dòng mưa. Tiếng hát chạy thêng thang trên những lòng đường bên dưới. Con nhạn trắng Gò Công giữa những thập niên 60, vừa vươn cánh bay xa khỏi ruộng lúa và những bờ sông phèn lợ phù sa để bay về thành phố. Tiếng hát chơn chất miền nam đôi lúc bay cao như cánh diều, đôi lúc la đà như sương mỏng.

Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn đêm
Nhớ nhung đi vào quên
Sông sâu cố nhân ơi đi về đâu
Gởi hồn chìm vào đôi mắt
Ái ân chưa trọn để ngàn đời nhớ nhau…
Phố nhỏ đường mưa trơn lối về
Trăng sầu nhân thế đọng hoen mi
Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ
Nỗi niềm đầy lại vơi
Mỗi mùa tiển đưa một người…”

Nàng hát cho ai nghe giữa một lòng mưa hắt hiu như vậy? Không phải cho tôi nhưng sao tôi cảm giác được nỗi chông chênh gập ghềnh, một mai khi bước xuống cuộc đời. ”Mỗi mùa tiễn đưa một người…”

Tôi không biết sáng mai tôi có thể hoàn tất những bài thi hay không, nhưng chưa gì tôi đã hình dung ra ngày niêm yết danh sách không có tôi đứng lẫn lộn giữa đám đông để rà soát tên mình. Lũ lượt những đứa học trò vượt qua biển dâu. Cũng như có những đứa học trò cam tâm chấp nhận ngày đi lính. Tôi là một trong những số đó. Ngày thi tôi nạp bài thật sớm và không buồn ký tên vào phiếu hồ sơ. Những quỹ tích, hàm số biến mất không để lại dấu vết trong đầu. Những bào tử, những bộ phận tim gan phéo phổi con người cũng vậy. Chỉ còn lại tiếng hát trong vút mượt mà nhưng đậm một một tình yêu tan vỡ. Người con gái đó chắc không biết tiếng hát của mình từ một buổi chiều mùa hạ đã làm cháy bỏng một đời trai. Nàng cũng không biết giọng ca ướt sũng lời mưa của mình đã níu chân một đứa con trai đứng lại bên ngoài cổng thiên đường. Sáng mai, sẽ có một người thu vén một chổ ngồi trên chuyến xe đò để xuôi giạt về quê. Chắc nỗi buồn sẽ lớn lao và làm cay mắt. Nhưng bù lại, đời sống cũng vừa thu nhập một vốn liếng khác, là sự lãng mạn ngọt ngào.

Nhiều chục năm sau, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ về một giọng hát chơn chất đó như ngày nào chưa trưởng thành. Nếu một tiếng hát hay một bài ca đều phảng phất một định mệnh, thì tại sao chúng ta lại từ chối nắm bắt trong tay một định mệnh và ủ nó trong lòng?

Chúng ta không thể làm khác hơn với một hạnh phúc hay một tan vỡ- vì tất cả đều biểu lộ một tính chất mạnh mẻ của đời sống. Chúng tượng trưng cho một đời sống không thể chọn lựa khác hơn.

Khoảng trời xưa của tôi. Tiếng hát hạnh phúc cũ của tôi. Mọi thứ hình như đã xa rồi. Bây giờ chỉ còn lại tiếng gió đang rượt đuổi theo sau vòng quay của bánh xe, mệt lã như vòng đời. Gió không biết buồn nhưng gió luôn vùi lấp những khao khát. Gió cũng ít khi bùng lên những hi vọng buồn bã.

Tiếng hát dội vào lòng tôi như điềm dự báo một số phận. Lần đầu tiên trong buổi chiều xa nhà, tôi cảm biết rằng tình yêu sẽ làm cho con người ta lớn lao hơn hay bé nhỏ hơn. Lần đầu tiên tôi cảm biết rằng đời sống có những giá trị khác, tuyệt vời hơn. Không phải đơn điệu chỉ màu sắc của cơm áo, của công danh hay những thành đạt. Mà còn có sự lãng mạn của nắng mưa, của thời tiết. Của hạnh phúc và những đau khổ trộn lẫn. Của tình yêu tơi tả, bầm vập vì không tìm ra lối thoát.

“Mỗi mùa vắng đi một người”. Như mỗi đứa học trò sẽ trụ lại hay sẽ rời bỏ trường lớp sau một mùa thi. Ðể trôi lăn trên những vòng đời chóng mặt?

Năm đó tôi thi rớt Tú Tài 1. Tôi nạp bài thi trước hết và ra khỏi phòng. Lòng tôi trống trải như bến xe đêm về sáng. Không còn tồn động một phương trình hay một định lý nào trong trí tôi. Tôi lang thang gần nửa ngày, qua rất nhiều ngả tư ồn ào xe cộ. Qua những quán cà phê và những cô chủ quán yêu kiều. Tôi tập làm người lớn và tập hút điếu thuốc đầu tiên trong đời. Khói thuốc sẽ làm khô môi nhưng ướt sũng hạnh phúc được pha chế bằng mùi vị đau khổ. Những vòng khói níu chân tôi bước xuống cuộc đời và tôi nghe trong đó hương thơm của sầu mộng. Những vòng khói quấn quít, như những vòng tay ôm.

3.
Mỗi người có một định mệnh từ một cuốn phim hay một bài hát. Tôi không ra ngoài ngoại lệ. Bài hát Nỗi Buồn Gác Trọ đã cắt hồn tôi thành hai mảnh đời. Và tôi sẽ không bao giờ ghép hai nửa mảnh đời đó nhập lại cùng nhau. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên được giọng hát làm trái tim tôi trầy trụa. Tiếng hát cắm vào hồn tôi những chiếc gai nhức nhối có khả năng làm rơi máu lệ. Tiếng hát như một định mệnh đẩy tôi trôi trên những nhánh sông buồn.

Con nhạn trắng Gò Công chắc không thể hình dung được rằng cách đây đúng 40 năm, tiếng hát của nàng đã gây cho tâm hồn đứa con trai mười tám tuổi cơn địa chấn. Không phải cấp 4 hay cấp 5. Mà là cơn địa chấn ngọt ngào hơi thở của môi miệng và ràn rụa của nước mắt.

Nhiều năm trôi qua, hồn tôi vẫn còn rung động như ngày nào, khi nghe lại Nỗi Buồn Gác Trọ. Vẫn in như ngày mới lớn, vẫn mới mẻ ngần ấy những rung động.

Nhiều năm trôi qua. Từng có biết bao nhiêu gác trọ hiện ra bên cạnh cuộc đời. Một lần ở khu Bàn Cờ. Một lần ở Bảo Lộc. Một lần ở Chi Lăng, ở đường Hai Bà Trưng, Ðà Lạt. Vài gác trọ trên đất nước người có danh xưng khô khốc là Motel, bên những chặng nghỉ đường dài. Nhưng sự rung động bớt đi những sôi nổi, bồi hồi.

Hình như chúng chỉ tiếp nối những định mệnh, chớ không phải bắt đầu một định mệnh.

Viết Cho Hồn Thơ Dại

* thư viết từ đường heatherglen

1.
Có những lúc tôi muốn đi về phía một tình buồn, như đi về một trạm dừng của định mệnh. Nơi phố khuya miệt mài những hàng cây và con đường mệt đuổi theo những quá khứ. Đêm chưa kịp thắp đèn mà đêm đã mù mịt giăng mưa. Những đời xe nối đuôi nhau ướt át theo dòng đời. Không ai đón tôi nơi cuối đường. Không cả vòng tay chật ấm cùng với nụ hôn dài cả một đời người cộng lại.
Đâu rồi nụ cười của em, cùng tia nhìn bão lửa? Tôi trói mình vào gian phòng đang ủ kín mùa xuân trong khi gió lạnh còn tạt hối hả qua lòng.
Góc đường tháng hai đang ẩm ướt mưa bụi. Ai đợi chờ tiếng phone của ai đêm cuối năm và tiếng thời gian đi từng bước thầm trên tờ lịch cũ. Có rất nhiều đời sông vội vã đi qua một khúc quành để kịp chảy xuôi về biển lớn. Tình yêu nàng dành cho tôi giống như dòng sông ngày nào. Nàng chảy ngược ngang đời tôi rồi xóa nhòa một dấu tích.
Con người luôn có trái tim yếu đuối, nhưng lạ lùng thay nó có thể chịu đựng được hết mọi thống khổ tình yêu. Mùa này, những cây sứ đang nở hoa trên đường về Dinh Ông Thượng. Màu hoa trắng tinh chở chuyên hạnh phúc thời con gái của em. Và trái tim lãng mạn cho đi mà không biết lấy về. Hương thầm của hoa và hơi thở em đang hòa nhập làm một đọng lại giữa hồn tôi hớn hở, trong khi môi em cuống quít một màu son.
Mùa này, Việt Nam đang mùa Tết. Tôi đã qua một tuổi thơ mộng mị để bay bổng những điều tưởng như cỗ tích. Bụi thời gian dù có chồng chất từ sau một cuộc biển dâu, nhưng không làm sao xóa mờ những ngăn ký ức. Giống như ngọn lửa giữa đêm về sáng của ngoại tôi bên nồi bánh chưng. Thơ ấu của tôi còn rõ nét một buổi chiều cuối năm như vậy, để tôi biết rưng rưng một màu nắng. Có phải nó đang nằm yên nơi ngạch cửa để chờ đợi vỡ òa khôn lớn. Và trái tim sắp chín đủ đau buồn?
Nhiều năm rồi tôi vẫn còn nhớ như mới vừa hôm qua, một lần tôi được thức khuya để coi bà ngoại tôi nấu bánh chưng. Lòng náo nức một niềm vui vì sáng mai được mặc quần áo mới, được tiền lì xì làm tôi không thấy buồn ngủ. Đêm tối đen xào xạc tiếng lá cây sau vườn. Nơi có những cành lá chuối sau nhà xô giạt vào nhau như tiếng đùa cợt của hồn ma bóng quế. Tuổi nhỏ luôn có nhiều lý do để sợ hải. Tôi tin những điều huyễn hoặc được nhào nặn, thêu dệt của người lớn. Bây giờ hồi tưởng lại tôi thấy buồn cười. Nó thay đổi theo thời gian và gắn chặt trong lòng tôi có thứ tự lớp lang như bố cục tuyệt vời của chuyện cổ tích. Tôi không dám ra vườn ban đêm và khi ngủ tôi dành nằm phía trong hoặc giữa mấy người lớn. Chiếc mền trùm kín không để hở chân. Lòng an tâm tự nhủ nếu có gì xãy ra thì tôi sẽ là người sau cùng đối diện với bất trắc. Có lần, tôi làm gan đi theo ông ngoại tôi ra sau vườn, để tìm một con gà lạc đàn không chịu về ngủ ở chuồng. Dưới ánh đèn “bão” xanh mướt thắp bằng dầu hôi, tôi co rúm bước theo ông, mắt nhìn dáo dác, sợ bất cứ một tiếng động nào vang lên hoặc sợ gió làm tắt ngọn đèn và tôi sẽ lạc mất ông tôi. Và một ông thần hung ác hay một con quỉ sẽ nhảy bổ ra, bắt tôi đem về hang của nó.
Buổi chiều bà ngoại tôi sai bà chị lớn của tôi tướt lá chuối để bà gói bánh. (Bây giờ bà chị đã đi tu. Không biết mùa xuân có làm chị tôi nao lòng khi tiếng gió thổi qua sân chùa. Nơi có góc vườn bồ đề trở trăn một kiếp người ngắn ngủi?). Nếp và đậu xanh được chuẩn bị từ buổi sáng. Mọi thứ được gói gém gọn gàng thành từng phần đều nhau. Chính giữa là thịt mỡ và cuối cùng được bọc bên ngoài bằng lá chuối, sau đó cột dây chặt chẻ chung quanh. Một bà chị khác lo châm củi nấu nước. Nồi nấu bánh là một thùng sắt vuông có từ thời Nhựt Bổn đô hộ. Má tôi cũng không hở tay, bà lo làm thịt một con gà để cúng ông bà. Trên bàn thờ gia tiên đã có vài ngụm khói. Những sợi khói quẩn quanh không chịu bay xa mấy bộ lư bằng đồng. Vài đĩa mức. Vài đĩa trái cây. Một chai rượu mua ngoài tiệm “ba tàu” còn nguyên giấy kiếng chưa mở ra. Không thể thiếu một bình hoa vạn thọ vàng chói nằm bên cạnh. Và một phong pháo dài treo trước cửa. Đúng nửa đêm cậu tôi sẽ đốt.
Đêm chưa đến bao lâu, nhưng tôi nghe lác đác vài tiếng pháo vội vàng của ai đốt tiển đưa một năm sắp tàn. Tiếng ồn ào của nhà gần đó, đang mở vội một sòng bầu cua. Tiếng cười nói, tiếng nhạc mừng xuân từ chiếc radio mở hết âm độ từ một căn nhà khác.

2.
Khi đi vào đời, rồi vào lính, những mùa xuân như vậy không còn được bao nhiêu. Nó không theo tôi vì mỗi năm hoàn cảnh đổi thay. Lòng người cũng đổi thay theo. Những hơi thở chất ngất tình tự gia đình đã chìm khuất trong một ngăn đời quá tải. Những chiếc bánh tét, bánh chưng thơm mùi lá chuối non cũng mai một dần dà. Chiến tranh và nhịp sống vội vã đã đẩy những hình ảnh thân thiết đó vào tận cùng tâm hồn tôi và trái tim tôi chai mòn kỹ niệm.
Tiếng pháo, đôi khi thay bằng tiếng súng bên kia núi, làm mùa xuân trở nên cay đắng hơn. Tôi không còn thường xuyên ở thành phố. Dấu chân mòn vẹt đế giầy “sô” trên các vùng chiến thuật. Năm trước ở vùng 1. Năm sau ở vùng 2. Màu áo treilli cũng phai màu nắng mưa trong khi tóc tai bồng bềnh bụi đường từ một quán gió. Những bài hát về lính, ca ngợi tình lính luôn tuôn chảy trên làn sóng điện, khi dừng chân tại một khu gia binh. Những bài hát thời thượng tôi không muốn tha thiết để nghe, vì tôi nghĩ nó hơi cường điệu và hơi làm nản lòng … chiến sĩ : “đồn anh đóng bên rừng mai, nếu mai không nở, anh không biết xuân về hay chưa…” (nhưng bây giờ, sau ba mươi mấy năm tôi nghe lại thấy cũng hay).
Những mùa xuân xa nhà trong đời lính rất nhiều. Những gác trọ quen thuộc cũng vùi dập một đam mê khi tôi đi phép về Sàigòn. Con đường Nguyễn Thiện Thuật khu Bàn Cờ và căn nhà giặt ủi Như Ý. Tôi đã có những ngày tết đầy đủ nhan sắc và mùi vị học trò. Bà chủ nhà tốt bụng cũng là người dân Vũng Tàu. Mấy anh em của Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Hải Đông, và các cô em Thu, Cúc đã yêu mến tôi coi tôi như người nhà. Tôi ghé ở tại đó vài hôm Tết, trước khi đón xe đò về Đà Lạt.

Mùa Xuân Sàigòn luôn lấp lánh những suối nắng chảy dọc dài các ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Sàigòn đầy bụi cuốn tung khi gió theo bước chân các cô nữ sinh tan trường về. Tà áo dài quấn quít e thẹn khi họ băng qua đường. Sàigòn muôn thuở thiếu mùa thu và Vũng Tàu mùa đông cũng ngỡ ngàng xác hoa muồng rụng xuống trên tam cấp nhà thờ. Tôi đứng trên ban công căn nhà 16/14 đường Nguyễn Thiện Thuật nhìn xuống người đi như lá xanh. Các xe Honda luồn lách tài tình trong đường hẽm chật chội. Vài xe xích lô nổ máy chờ đợi khách hàng trả giá bên vựa dưa hấu chồng chất, bên gánh hàng hoa đủ màu. Tiếng rao bán vé số và tiếng hát mời gọi một thời vận huy hoàng của Trần Văn Trạch vang lên quen thuộc ”kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta /mua vé số này giàu sang mấy hồi…”
Bên kia đường là quán cà phê Năm Dưỡng. Một góc khác là lớp dạy Anh Ngữ có tên là Trung Hiếu. Tôi đã từng là khách quen của cà phê Năm Dưỡng khi về thăm lại Bàn Cờ. Ngồi ở một chiếc bàn gỗ thấp, trước mặt là ly “xây chừng”- đôi khi là ly bạt xĩu- Châm điếu thuốc Bastoz xanh và rít một hơi vào trong buồng phổi, trước khi thở ra ngoài. Khói chảy tràn lơ đảng. Tôi thấy đời sống cũng tất bật và ồn ào giống như xe cộ đang xuôi ngược bên ngoài. Vài xe hủ tiếu, xe bánh cuốn, xe bò bía đậu chênh vênh trên vỉa hè. Lâu lâu có vài chị bán mía ghim, bán trái cây ngừng lại. Mọi hình ảnh tưởng chừng như nhỏ nhoi và rời rạc đó, nhưng là mảnh keo vặm vỡ nối kết đời sống này trở thành một phần của Sàigòn muôn mặt.
Những ngày như vậy tôi rất hạnh phúc. Có những xác hoa vàng đại diện một mùa xuân đã nằm lại đâu đó trên góc phố. Tiếng cười mật ngọt của người con gái bên kia lan can lầu ghi dấu một câu chuyện tình dang dở bị chết non. Từ lâu tôi cố gắng nhớ lại một dung nhan tình cờ trên chặng đường xuôi ngược. Và một mùa xuân êm ả bên dòng đời. Nhưng thời gian giống như cơn sóng, xua đi những rác rến cùng những cành hoa trôi hết ra ngoài khơi biển động. Cuối cùng không để lại dấu vết.

Người con gái trên lầu hoa một lần tôi thấy khi đứng bên này nhìn sang. Chiếc áo dài màu xanh da trời và chiếc áo lạnh màu đen hờ hững, trông nàng vừa sang trọng vừa lạnh lùng. Chỉ có đôi mắt hấp háy nụ cười hoặc không khí mùa xuân làm nàng có vẻ tự tin, yêu đời? Ngay cả cái tên của nàng tôi cũng không biết. Tôi hỏi thăm Thu, Cúc thì biết nàng không phải là người địa phương, giống như tôi, từ xa về thăm bà con ở Sàigòn. Cứ coi như tôi và nàng là “hai người dưng khác họ”, nhưng lạ lùng làm sao, không biết tại sao tôi cứ đem lòng hoài vọng?…
“Hãy gọi cho anh khi đêm đã khuya rồi
Khi anh đã về với mình rất thật
Khi anh thấy tận trong anh- sâu nhất
Ánh mắt em nhìn trách móc suy tư” (?)
Đoạn thơ của ai đó, tôi không biết tên tác giả chợt tạt qua trí nhớ, như minh họa lại một góc quá khứ đậm đặc nỗi buồn mà mãi sau này tôi mới biết, sau những ấm lạnh tình đời…

3.
Bây giờ căn nhà 16/14 đường Nguyễn Thiện Thuật đó vẫn không thay đổi một chút nào. Không sửa sang thêm cũng không tàn phai thêm. Bà chủ nhà dĩ nhiên có già đi chút đỉnh, nhưng vẫn mang dáng điệu sang trọng, quí phái của một người phụ nữ Hà Nội. Còn Thu, Cúc hai cô gái đã có chồng.
Chỉ có Đông và Nam không tin tức sau ngày vượt biên. Không ai biết về chuyến ghe có hai anh em trên đó. Tội nghiệp người đàn bà vẫn hơn ba mươi năm chắt chiu hi vọng nhìn thấy hai đứa con trai trở về. Bà không tin Đông và Nam là hai vì sao xấu số trong muôn vạn vì sao đang lấp lánh trên trời. Những thày bói, những cô đồng nổi danh Sài gòn đều được bà ghé lại hỏi han. Những số tiền không nhỏ bỏ ra chỉ để thu về một kết quả lạc quan ít ỏi. Nhưng tất cả đều sai lạc, mơ hồ…
Tôi ghé thăm bà một lần. Rồi không bao giờ dám ghé lại một lần thứ hai. Không phải tôi vô tình nhưng tôi không muốn nhìn thấy hi vọng của ai kia bị bầm vập dưới những bước chân đời, như cành hoa mùa xuân bị tàn phai sau một ngày tan chợ.
Dỉ nhiên, người con gái trên lầu hoa cũng biền biệt. Tình yêu đi qua đời nhau nhẹ nhàng, lặng lẽ. Nhưng làm buồn và rách rưới một tương lai.

Sáng nay, một đóa hoa xuân rụng bên thềm vì gió lạnh, khi tôi đi ra ngoài lấy thơ. Mưa rơi mỏng như sương mù. Hoa đã chết non một đời hoa vì cuộc đời không chịu xanh hồn thơ dại. Nhưng trái tim vẫn râm ran những bản tình ca dù tình yêu đã ngã xuống lâu rồi…

Phạm Ngũ Yên