Khải Triều

Khải Triều

Cây Đa Quê Hương

Cây đa và Giếng nước ở làng quê Bắc Việt, là biểu tượng của văn hóa nông nghiệp, là bản sắc của dân tộc Việt, có lẽ đã đi theo Tổ tiên từ khi rời lưu vực sông Dương Tử xuống tận các đảo Đông Hải. Các bộ lạc Việt chia thành ba hệ : Lạc Việt, Mân Việt, Âu Việt.
– Lạc Việt : từ Hồ Nam xuống Bắc Việt, Thượng Lào;
– Mân Việt : Phúc Kiến, Quảng Đông (khoảng đầu thập niên 40 thế kỷ 20, ở Phúc Kiến còn 300 nhà dòng giống Việt gọi là Đĩnh Hồ);
– Âu Việt : Tứ Xuyên, Quý Châu, Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân (x. Lý Đông A với công cuộc Cách mạng Dân tộc, do Thái Hùng biên soạn, Mùa Hạ 1989 (4.868 tuổi Việt, tr 96).

Trong cuộc di cư xuống phương Nam này, có lẽ Tổ tiên của bộ tộc Lạc Việt đã mang theo cả Cây đa và Giếng nước. Vì cả hai rất cần thiết cho nhà nông, về mặt đời sống tự nhiên và đời sống tâm linh. Người theo đạo Kitô thì còn có thánh đường. Cho nên, đối với tôi, cây đa, giếng nước và ngôi nhà thờ là những biểu tượng của một đời sống toàn diện, nhân bản. Thiếu nó trong cuộc sống thì hầu như là trống trải. Tôi đã trải qua kinh nghiệm này trong đời.

Đó là sau thánh lễ Giao thừa một năm nọ, tôi trở về nhà, đợi chờ chuông nhà thờ đổ, báo hiệu giây phút giao thừa, giữa cái cũ và cái mới. Cuối cùng thì giây phút thiêng liêng theo tinh thần văn hóa Đông phương đã điểm : chuông nhà thờ của giáo xứ tôi và mấy xứ lân cận đổ dồn, vang lên trong không gian thinh lặng. Tôi cảm thấy một nỗi xao xuyến trong lòng khi đứng trước bàn thờ Chúa trong nhà và trước di ảnh của hai đấng sinh thành ra tôi. Những giọt nước mắt hoài niệm bỗng dưng chảy dài xuống hai bên má già nua của tôi. Thế rồi, những kỷ niệm về một làng quê miền Bắc, vùng châu thổ sông Hồng, thời niên thiếu của tôi vụt xuất hiện như một cuốn hồi ký, được một bàn tay vô hình nào đó, mẹ tôi chẳng hạn, lần mở giúp tôi từng trang, từng bước chân non của tôi những ngày sống bên người. Một hình ảnh quen thuộc ở quê nhà cũng xuất hiện trong tâm trí tôi. Đó là cái Giếng nước và Cây đa trong làng. Lúc này cả hai trở nên thân thiết với tôi một cách lạ lùng, như thể là hai “điểm hẹn” thiêng liêng vậy. Thế là tôi đã có một đề tài để “khai bút” ngay trong đêm giao thừa năm ấy.

Giếng nước và cây đa trong làng ở miền quê đất Bắc là những hình ảnh quá quen thuộc, nó trở nên gần gũi và thân thiết với hết thảy mọi người, như của riêng mình, trải qua từ thế hệ này đến thế hệ khác, mà không ai cần biết nó có từ bao giờ. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nó được hình thành từ lúc những người đầu tiên dừng bước trên mảnh đất mà sau này gọi là “làng” hay “thôn”. Vì nước là một nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống của con người cũng như của mọi tạo vật khác.

Vì vậy, giếng nước chẳng những là nơi cung cấp nước cho người dân trong làng, mà còn là nơi gặp gỡ để trò chuyện, để trao đổi tâm tình mỗi khi người ta ra đó để kín nước mang về nhà. Nó cũng còn là nơi dừng chân của khách bộ hành đi đường xa mỏi mệt, vì ở trước sân đình gần đó là cây đa cổ thụ, có bóng che mát cho khách. Khát nước, khách có thể xuống vốc nước bằng hai bàn tay chụm lại, hoặc lấy nón lá múc nước mà uống thỏa thuê, an lành.

Hình ảnh này cho ta thấy, giếng nước là một không gian đáp ứng hai nhu cầu của con người : vừa là nơi gặp gỡ thân tình, vừa là nơi cung cấp nước cho nhu cầu thể chất và cũng là nơi dừng chân của khách bộ hành qua đường. Ngoài những lợi ích nhân bản và tự nhiên, giếng nước còn nhắc nhở người ta “uống nước nhớ nguồn”. Nguồn ở đây vừa hiểu là nơi phát sinh mạch nước, tuôn chảy về giếng, vừa hướng về những bậc tiền nhân trong làng đã khơi dòng nước này cho các thế hệ hậu sinh, nhắc nhở họ đến cội nguồn sâu thẳm và thiêng liêng.

Thế nhưng, Giếng nước này và Cây đa quê hương tôi, giờ chỉ còn trong ký ức, trong hoài niệm. Nó là nơi thân thiết trong thuở thiếu thời của tôi, là nơi những đứa trẻ cùng trang lứa ngày ngày ra đó đánh khăng, đánh đinh đánh đáo, chơi quay (con vụ), đêm trăng thì ra chơi trò “bịt mắt bắt dê” hay trò “ú tim”. Hồi hộp và năng động lắm.

Giếng thì đã bị lấp đất lên, làm nhà ở. Vì nghe nói sau năm 1954 có một người đàn ông trong làng đã gieo mình xuống giếng tự tử chết, nên giếng nước này không dùng được nữa.

Còn cây đa cổ thụ, thời bình dân học vụ đã được hạ xuống, lấy gỗ đóng bàn ghế, ban ngày học trò nhỏ ngồi học, ban tối dành cho người lớn. Cây đa này ở trước sân đình.Theo lời các cụ cao niên trong làng, trước khi ngôi đình được phá đi, các tượng Phật được rước về làng Văn Hội, phía Bắc cùng xã với làng tôi. Còn cây đa, có người kể rằng, trên cây có một con rắn rất lớn xuất hiện từ bao giờ thì không ai biết. Các cụ trong làng không có cách nào đuổi nó đi, cũng không ai dám nghĩ đến việc đánh chết nó. Người làng Đồng Cả, phía Nam làng tôi, khác xã, nghe biết chuyện này, đã lên xin các cụ, cho họ được rước con rắn về làng mình. Để rước nó, người ta đem lư hương, có các cụ bận lễ phục cổ truyền, có trống, chiêng đi trước, con rắn từ trên cây đa mới từ từ bò xuống và đi theo đoàn rước về Đồng Cả. Lại cũng có người kể rằng, người làng Đồng Cả mang một cây phướn lớn, giang rộng ra phía dưới cành cây con rắn nằm, rồi dùng một cây sào dài khều vào bụng nó, con rắn ngã xuống đúng vào cây phướn, người ta bọc nó lại, khiêng về làng.

Chuyện con rắn trên cây đa làng tôi không biết xảy ra từ bao giờ, cả ngôi đình cũng thế, phá đi từ khi nào. Điều dễ tin nhất, có lẽ hai việc này xảy ra kể từ khi làng tôi đón nhận Tin mừng của Chúa Giêsu. Nhưng đón nhận từ khi nào thì hiện chưa biết được chính xác. Tuy nhiên họ hàng tôi có một linh mục, xưa kia dân gian thường gọi là Cụ Điều. Theo Nguyễn Khắc Xuyên, tác giả cuốn Lịch sử địa phận Hà Nội, 1626-1954, Paris 1994, trang 191 nói về tình hình địa phận Hà Nội năm 1860, có đăng một bức thư viết tay bằng chữ quốc ngữ, đề ngày mồng 6 tháng 7 năm 1860, kể lại những việc xảy ra lúc đó, của Juse phó Đông vít vồ Acanthe kí, 2 Februariô 1860:

“Kì 12 – Cũng một khi ấy (ngày 23 tháng December), Đô Tú bắt được cụ Điều và cụ Trình ở Hà Thao ngoại.”.

Hiện nay, tại nhà truyền thống và trong cuốn Kỷ yếu của giáo xứ Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội, kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ, 1903-2003, trang 100, có cho biết là cha già Điều, quê ở Kẻ Lường (là quê tôi, tên gọi trong đạo), làm chính xứ Hà Hồi (tên cũ là Kẻ Vồi) từ 1820-1835.

Mấy sự kiện về cha già Điều trên đây, chúng tôi chỉ nhằm nói đến việc làng tôi đón nhận Tin mừng Chúa Giêsu từ rất sớm, khoảng gần 200 năm. Bởi vì, cha già Điều đã về Hà Hồi làm chính xứ từ năm 1820. Như thế cũng nói lên một vấn đề, đó là việc làng tôi ít ra cũng đã theo đạo Công giáo từ đầu thế kỷ 19, nên mới có người theo đạo và người đi tu. Người đi tu cũng phải có một thời gian dài để học tập rồi mới chịu chức linh mục được. Vì thế, câu chuyện về việc làng tôi theo đạo Chúa, việc phá đình và con rắn trên cây đa cổ thụ, có liên hệ với nhau và cùng lúc với nhau không, thì ngày nay không ai biết được. Cho nên mới có hai chuyện kể khác nhau về việc làng Đồng Cả mang được con rắn về làng của họ.Hai mẩu chuyện này, đều tập trung vào tín ngưỡng trong dân gian, cho rằng cây đa hay cây đề là nơi trú ngụ của một vị thần. Ngôi đình cũng thế, đấy không chỉ là gạch, ngói hay các cây cột vô tri giác. Song một khi đã có khói hương quyện lên mỗi khi có tế lễ, thì không còn là thuần vật chất nữa. Bên cạnh đình hay chùa, thường có cây đa, cây đề là vậy.

Hiện nay trong nhà tôi có một cây đa mang về từ quê hương tôi, do con gái tôi một lần ra Hà Nội, rồi về quê, đi thăm mấy người thân trong họ hàng. Khi đến nhà một người là con gái của bác ruột nó, nhìn thấy trên sân có một cây đa còn non, trồng trong chậu. Nó ngỏ lời xin mang về Sài-Gòn vì biết chắc chắn tôi thích. Lúc đó tôi đang làm Cây gia phả của 5 chi tộc trong họ hàng, nên hình ảnh một cây đa ở quê hương luôn nhắc nhở tôi về quá khứ, cái thời niên thiếu của tôi, có biết bao nhiêu là tình thương của mọi người.

Lúc trở về, vừa bước chân vào trong nhà, nét vui mừng lộ rõ trên mặt con gái tôi. Nó nói ngay, con có một món quà đặc biệt từ quê hương tặng ba, chắc ba thích lắm. Vừa nói nó vừa mở cái bọc ny lông, bên trong là một cây đa nhỏ. Nó nói rằng, cây đa này được trồng ở một cái chậu nung đỏ, có nhiều rễ và đất. Nhưng lên tới sân bay, an ninh bắt rũ bỏ hết đất mới cho mang lên máy bay. Sau đó, nó mua một cái chậu đất nung đỏ, có đường kính 50cm, đặt cây đa vào giữa rồi đổ đất và chất dưỡng cây. Những ngày sau đó, chúng tôi thay nhau chăm sóc tưới nước cho cây. Sáng nào, sau khi thức dậy, tôi cũng ra đứng ngắm nó thật lâu, mong nhận ra những dấu hiệu của sự sống và sự phát triển của cây đa này. Sau một tuần lễ, đổi đất, khí hậu và nước, cây đa vẫn không có dấu hiệu xấu nào, để chỉ nó không hợp đất, nước và khí hậu nóng của miền Nam. Tôi hiểu ra điều này, chính là một dấu hiệu tốt, nó ẩn dấu từ trong cốt lõi, từ trong mỗi lớp thân cây và từng cái lá, từng cái rễ có sắc đỏ ở đầu. Rồi mấy tháng sau, cây đa phát triển sự sống thấy rõ, đặc biệt là chiều cao, thân cây cao 50cm với hai nhánh lớn chĩa ra, hướng lên cao. Ở chỗ chạc hai, mọc lên những cành nhỏ và rễ. Hai nhánh lớn phát triển thêm cành nhỏ và rễ cũng buông xuống. Những cành và lá non như xé thân cây ra, như thể chúng muốn nhìn ngắm bầu trời miền Nam, nhìn ngắm chủ nhân người cùng quê hương với chúng. Đến lúc này, sau hơn một năm, mỗi khi nhìn cánh lá vàng rơi trên nền gạch ngoài sân, tôi có cảm giác thời gian không ngừng biến đổi. Tôi cũng thế, phải biến đổi đi, không có gì hết mà thực ra, khi tôi bước vào một trạng thái tĩnh lặng và hư vô, thì chính lúc đó, tôi lại có tất cả trong ân sủng Thiên Chúa.

Trắc Ẩn

Trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc năm 1956, các “địa chủ” bị đưa ra “Tòa án Nhân dân” đấu tố. Một chi họ của tôi cũng lâm vào cảnh này.Bản thân tôi không phải chứng kiến cái cảnh người nhà của mình bị đưa ra đấu tố, nhưng sau ngày 30/4/1975, người nhà tôi vào thăm kể lại những câu chuyện không chỉ có ở quê tôi, thuộc miền đồng bằng sông Hồng ,mà còn ở các làng xã trong vùng. Sau này, một số nhà văn phục vụ chế độ miền Bắc cũng đã viết về chiến dịch này. Có người bảo đó là một việc “long trời lở đất”.

Câu chuyện tôi kể dưới đây liên quan đến một cán bộ trong làng có dính dấp đến chiến dịch đấu tố địa chủ ngay trên mảnh đất quê tôi.Nếu như ông này không ký tên vào một Thư Mời những người đồng hương xa quê như chúng tôi, ở Sài Gòn cũng như ở nước ngoài, kêu gọi đóng góp tài chính vào việc sửa chữa và nới rộng ngôi nhà thờ ở làng tôi, sau gần một trăm năm (từ năm xây dựng 1914 đến lúc khánh thành 1918), nay đang trong tình trạng hư hỏng và với dân số của làng trên 2000, toàn tòng, nay trở nên chật hẹp, thì chúng tôi,những người đã xa quê từ trước khi xảy ra những trận bão tố trong lòng người dân ở quê, cũng không muốn nói đến nữa.Vết thương theo thời gian và những sóng gió của cuộc đời, bình thường thì có lẽ cũng đành quên, nhưng nay tận mắt lại nhìn thấy tên của kẻ đã gây nên những tan hoang đổ vỡ của cả một chi tộc, trên Thư Mời gửi cho từng người xa quê đã bao nhiêu năm trời, cho dù bên cạnh chữ ký của người cán bộ này, quan trọng hơn hết, vẫn là tính danh của Linh mục Tổng Quản cả một khu vực trên mười giáo xứ lớn nhỏ cũng như được sự chấp thuận của Giám mục Giáo phận, thì cũng khó mà bảo những con cháu của nạn nhân quên đi nỗi hận thâm căn trong lòng. Vì vậy, giữa những người đồng hương chúng tôi tại Sài Gòn có hai ý kiến.

Một vị có tuổi cao nhất đảm nhận việc gửi những lá Thư Mời cho người đồng hương ở nước ngoài,đã tự ý xóa tên người cán bộ ký tên trên Thư với lý do là người này chẳng những đã gây nên bao nỗi khổ cho con cháu của một chi tộc trong họ nhà mình, mà người này còn can thiệp vào đời sống đạo của cả dân làng, bằng đe dọa, cấm cản những biểu hiện lòng đạo của họ, như thấy ai cầm hoa thì giật lấy ném xuống đất, lấy bàn chân dẵm lên, day day cho nát, vì biết người cầm hoa là để dâng vào nhà thờ hoặc trên bàn thờ của mình.Mặc dù những việc này đã xảy ra lâu rồi, nhưng vẫn phải xóa tên người ấy, vì không nên để con cháu của những người đã chết thấy cái tên của người đó, rồi lại nghĩ ngợi, đau khổ.Mặt khác,đây là cái thư chung của cả dân làng, những người ký tên vào lá thư chỉ là đại diện, cho nên việc riêng tư không nên nói đến, để cho con cháu những người đã khuất cũng chung một lòng đóng góp tài chính, sửa chữa lại ngôi nhà thờ mà chính tổ tiên dòng họ nhà mình đã cùng với các dòng họ khác trong làng, khó nhọc xây dựng nên trong suốt mấy năm trời, theo như lời các cụ kể lại.Nếu không xóa tên người ấy đi thì thử hỏi, con cháu của người đã chết, nhìn thấy cái tên của người ấy,chắc gì họ chịu đóng góp ?

Một vị khác thì nói, cái thư người ta gửi cho mình,viết những gì, ai ký tên thì cứ để nguyên như vậy, không việc gì phải xóa đi. Trước kia ông ta là cán bộ, nhưng nay đã nghỉ công tác. Vả lại cũng có lòng hoán cải thì phải tha thứ cho ông ấy (Lc 17,4).

Vì cái thư đã xóa tên người cán bộ ấy gửi đi rồi nên không ai có ý kiến gì thêm. Còn thư gửi cho những người đồng hương khác tại Sài Gòn thì vẫn để tên người cán bộ, không thấy có dư luận gì về người này.

Hai ý kiến trên đây có khác nhau về ngôn từ, nhưng xét về mặt tâm linh tôn giáo, tôi nghĩ rằng ranh giới thù hận – tha thứ không còn khoảng cách nữa.Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể nói điều này thay cho chính con cháu theo dòng trực hệ của những người đã nằm xuống trong oan khuất khi việc đấu tố địa chủ xảy ra.Ngày nay, những con cháu của họ đã thành đạt. Mấy lần tôi về thăm nhà đều được nghe những lời nói trong chỗ riêng tư, tín nhiệm : Con cháu của các cụ nhà ông, bây giờ đều khá giả. Ngày trước họ chẳng làm điều gì ác đức. Năm đói 45, còn đổ thóc gạo trong nhà cho người nghèo vay mượn. Sau này ai có thì trả, không có thì thôi, không đòi.Thế mà, khi Đội Cải Cách về, một người thì bị bắn chết ở đầu làng.Ông cụ của ông buộc phải tới tận nơi để tận mắt nhìn cảnh cháu mình chết. Còn một người thì đi tù, nhưng vì có sửa sai nên được tha về, ít lâu sau cũng chết. Người thứ ba trong nhà ấy chết không ở trong thời kỳ có chiến dịch vì lúc đó ông này đang ở Hà Nội. Nhưng chả biết làm sao, bỗng dưng quay về làng. Ngày ngày ra đồng chăn một đàn vịt mấy trăm con. Cán bộ năm nào thỉnh thoảng đến nhà chơi, cười nói vui vẻ, kéo nhau ra quán đầu làng chén thù chén tạc, ai mà chả thấy. Vậy mà, có một ngày, cũng người cán bộ ấy đến nhà, bảo ông giơ tay lên, bắt trói ông. Tưởng cán bộ đùa dỡn, ông không tin, còn cười. Nhưng lần này thì người cán bộ ấy không cười như những lần trước nữa.Ông bị trói giật cánh khuỷu,bị bỏ đói, bị dẫn đi các làng quanh vùng, những nơi ngày trước ông đi hành quân vì lúc đó ông là lính của Bảo Đại. Cuối cùng ông bị dẫn xuống bờ sông Chuôn ( cách làng tôi vài cây số ). Các người trong họ hàng cũng bắt phải đi theo để chứng kiến cảnh xử ông ấy. Tại đây, một cái hố đã được đào sẵn, ông bị điệu đến đứng bên miệng hố. Cán bộ đọc bàn án tử hình. Vừa dứt thì ông bị xô ngã xuống đó. Đất được lấp lên vội vã!

Buổi chiều hôm mấy người đồng hương chúng tôi nói chuyện về cái Thư Mời, kêu gọi đóng góp tài chính để sửa chữa nhà thờ ở quê, tôi dự lễ tại một nhà thờ nhỏ ở trong một cư xá, nơi có một cộng đoàn nữ tu áo trắng, Dòng thánh Phao-lô. Hôm đó cộng đoàn nữ tu này có một thánh lễ đặc biệt.

Trong bài diễn giảng Tin Mừng, linh mục chủ tế kể lại một câu chuyện về một toán cướp xông vào một nhà dòng cướp của và toan giết vị đan sĩ. Nhưng đan sĩ yêu cầu bọn cướp hai điều trước khi ông chết. Chúng đồng ý.Đan sĩ nói : Các ông chặt cho tôi một cành cây, nhỏ thôi. Bọn cướp làm liền, chẳng những một cành mà nhiều cành nữa.Đan sĩ nói tiếp : Điều thứ hai là các ông hãy hàn gắn lại những cành cây mà các ông vừa chặt. Bọn cướp phá lên cười, mắng đan sĩ là thằng điên, làm sao mà gắn lại được. Đan sĩ mới nói : Người anh hùng nhất, mạnh nhất chính là người hàn gắn được những gì đổ vỡ, hay hư hỏng. Nếu các ông làm được điều đó thì giờ đây tôi có chết cũng là đủ rồi. Nghe nói thế, bọn cướp suy nghĩ một tí rồi lặng lẽ bỏ đi, không giết đan sĩ và cũng không lấy một vật gì của Đan viện nữa.

Linh mục chủ tế kết luận: Thời đại chúng ta hôm nay cũng thế,chúng ta phải biết tha thứ, khoan dung để hàn gắn những chia rẽ và thù hận.

Ngoài trời có mưa nhẹ, gió hơi lạnh lùa vào thánh đường. Thánh lễ cũng vừa xong. Kinh cuối cùng là Truyền tin. Từng tiếng chuông tắt lửa âm vang nhè nhẹ, hòa trong hơi gió lạnh, trong lời kinh của cộng đoàn đức tin, trong đó có tâm tư tận hiến của các Nữ tu Áo trắng. Đèn trong nhà thờ đã tắt, chỉ còn ngọn đèn chầu như một đốm lửa nhỏ, dấu chỉ của một sự HIỆN DIỆN Mầu Nhiệm. Tôi cúi đầu bước ra khỏi hàng ghế quì, lặng lẽ đi trong sân nhà thờ thấm lạnh. Bên ngoài, đường xá cũng thấm ướt. Mưa như hơi sương ban chiều ở cao nguyên Ban mê thuột của những năm nào tôi sống trên đó, sau khi rời ghế nhà trường. Rồi những con đường làng quê tôi, nghèo khó nhưng an lành từ một thuở xa xưa.

Đối với tôi, một buổi chiều như thế là dấu ấn của hạnh phúc. Đã lâu lắm rồi đến bây giờ tôi mới lại được nếm cái hương vị ngọt ngào như mật ong của nó.

Cái dòng văn của tôi viết tới đây thì như gặp phải một tia sáng của sao băng, đột nhiên ngừng lại. Câu chuyện tưởng như đến đấy là hết, nên theo thói quen, tôi hạ bút ghi tên mình và năm tháng xuống dưới bài ở bên phải. Một lúc sau chợt nhớ còn một chi tiết về người cán bộ ở quê, đã ký tên vào Thư Mời kêu gọi những người đồng hương xa quê đóng góp tài chính trùng tu nhà thờ làng.Chi tiết tôi chưa nói thuộc về đời sống thiêng liêng của ông.Mặt khác, có bắt đầu thì cũng phải có chung cuộc, ở đây là việc sửa chữa và hoàn tất. Với một công trình lớn như ngôi Thánh đường cổ đã trăm năm, thì việc hoàn tất cũng có nghĩa là một ngày hội của cả dân làng, nên có ngày lễ Tạ Ơn, ngày Khánh thành.

Hai năm sau đó, chúng tôi lại nhận được một Thư Mời khác, lần này là về dự lễ khánh thành.Một phái đoàn trở về được thiết lập, trong đó có người là anh em với người cán bộ nói đến ở đây.Sau ngày lễ, chúng tôi trở lại Sài Gòn, người anh em này mới kể lại câu chuyện liên quan đến người cán bộ ấy.

Theo lời kể, ông ta được người anh em chúng tôi yêu cầu đi “xưng tội” sau mấy chục năm bỏ để đi theo Đảng. Anh có thấy cả làng người ta đi xưng tội không. Các cha trong Sài Gòn ra, có lúc nào được rảnh đâu, hay là ngồi tòa liên tục. Anh không thể khất lần khất lữa mãi. Nghỉ hưu rồi, lại đang giúp giáo xứ, thì đây là dịp tốt cuối cùng.Tổ tiên của dân làng đã xây dựng ngôi nhà thờ này, bây giờ đến phiên chúng ta, đều là con cháu các cụ, đứng ra sửa chữa những gì hư hỏng. Làm mới lại ngôi nhà thờ bằng gạch, xi măng, sắt thép thì chúng ta cũng phải làm mới lại lòng chúng ta, tâm hồn chúng ta, bằng cách tẩy rửa, sám hối. Đó là đi xưng tội…Anh yên tâm đi, các cha người nhà mình không bắt anh làm việc đền tội nhiều đâu, cần cái lòng thành thật của mình.

Người anh em tôi kể tiếp: Đến ngày hẹn đi xưng tội, anh đến nhà người cán bộ anh em để cùng đi, thì thấy ông đang nằm trên giường, chùm chăn.Anh biết đây là cách giả vờ sốt, nên đến ngay giường, tung chăn lên và lôi ông dậy. Đã hẹn hôm nay đi thì phải đi…

Ngày lễ khánh thành nhà thờ, được coi như Ngày Hội của cả dân làng. Cho nên, một người từ xa về thì chỉ biết còn dịp này thôi.Hơn nữa, người anh em chúng tôi cũng đã trải qua tình trạng bỏ bê phần linh hồn trong nhiều năm của tuổi trẻ, nên anh không thể bỏ lỡ dịp này như những lần về trước. Còn người cán bộ kia, thì thấy cảnh trí bên ngoài dân làng từ một tuần lễ nay, nhà nào cũng cờ xí phất phới, trang hoàng đẹp đẽ trước cửa nhà, đặc biệt với những nhà nằm trên các con đường chínhdẫn đến nhà thờ. Ngôi tháp chuông nhà thờ cao ngất kia, cũng biểu lộ niềm tin và vui mừng một cách công khai sau mấy chục năm vắng bóng, qua lá cờ hai màu Trắng Vàng, mà dưới cái nhìn của người công giáo bình dân, đấy là sự hiện diện của Tòa Thánh Vatican, dấu chỉ của hiệp thông, của tinh thần hiệp nhất giữa một đơn vị nhỏ nhất là giáo xứ với Trung Tâm của Giáo Hội Công Giáo trên hoàn vũ là Tòa Thánh.

Người cán bộ ấy bất ngờ ngồi dậy với một thái độ mạnh mẽ. Ông nhìn người anh em của mình từ xa về vẫn ngồi ở thành giường từ lúc vào nhà, kiên nhẫn đợi chờ.Ông nở nụ cười rất tươi, nói lời “Xin Lỗi”. Rồi cả hai cùng song hành đi về phía nhà thờ…

Việt Kiều Dỏm

“Việt kiều dỏm” là mấy chữ đầu tiên hai bạn già chúng tôi nghe ông lái xe ôm gán cho mình, khi chúng tôi vừa từ trên một xe bus của hãng hàng không Jetstar Pacific, dừng bánh tại một địa điểm trên đường Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để hành khách xuống xe. Chúng tôi từ chối lời mời của mấy ông lái xe ôm, ngay chỗ chiếc bus đậu, cho nên một ông thấy bộ dạng hai bạn già chúng tôi có vẻ “bụi”, nói theo dân Sài-Gòn là “Tây ba-lô”, nên đã “xổ” ra mấy tiếng “Việt kiều dỏm” cho bõ ghét.

Mà quả thật, chúng tôi sắm vai “Tây ba-lô” trong chuyến về Hà Nội vài ngày, dịp Tết Quý Tỵ (2013) vừa qua, không phải là du lịch, vì đây là một ngẫu hứng, một bất ngờ, nghĩa là cả hai chúng tôi đều không có dự định trước. Nhưng thật ra chỉ có người bạn tôi là Việt kiều thôi, còn tôi thì vẫn là một người tự vác thập giá của thân thể mình đi lầm lũi trên quê hương đau nhức. Cao Thế Dung đã viết về tôi như thế từ năm 1969 trong tác phẩm Thi ca và thi nhân của ông. Bây giờ, sau 44 năm, tôi vẫn thế. Lời của Cao Thế Dung như một lời nguyền về tôi. Tôi cám ơn ông. Cao Thế Dung có thể sai ở đâu đó, nhưng với tôi, lời ấy không sai. Những lần về quê, tôi đều đã đặt chân xuống Hà Nội nhiều lần rồi, khi thì về bằng xe lửa, xuống ga Hàng Cỏ, khi thì xe bus của Jetstar Pacific dừng bánh ở 14 Đào Tấn. Lần này họ đổ khách xuống Trần Quang Khải. Chúng tôi đã đặt chỗ trước ở một khách sạn gần Hồ Gươm, phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, nên chỉ cần đi bộ một đoạn đường Trần Nguyên Hãn, khoảng 5 hay 10 phút là tới rồi.

Được người lái xe ôm khoác cho cái áo “Việt kiều dỏm”, có lẽ người bạn đồng hành với tôi đã có những tiếng cười thỏa thuê, thư giãn với bạn bè hay người thân khi trở về Hoa Kỳ, coi lời ấy như một câu chuyện dọc đường, kể cho nhau nghe. Hai chúng tôi có chung một điểm giống nhau, đó là việc chúng tôi nên một với nhau qua biến cố ngày 30/4, nên một với nhau trong tâm thức Việt Nam đau thương. Bạn tôi chắc chắn không bao giờ tự coi mình là một Việt kiều, điều này chỉ làm anh buồn, anh bị xúc phạm, bị người đồng chủng khước từ, coi anh như người ngoại chủng. Tôi cũng nên đồng hành với anh trong thân phận những con người “lạc lõng” trên chính mảnh đất ngàn năm văn hiến của mình. Anh trở về nơi này, sau gần 50 năm biệt ly. Anh trở về, vì anh còn mang tâm thức Việt Nam, nhớ những gì thân yêu nhất trong cuộc đời của một người Việt Nam, có nguồn có cội, 5.000 năm lịch sử, có một chiến công lẫy lừng trên Bạch Đằng giang. Một người Việt Nam ý thức rõ rệt mình có một lịch sử “hiếm” như thế, “vàng son” như thế, không ai đánh gục họ được.

Sau những ngày trở lại Sài-Gòn, ngồi hồi tưởng về chuyến đi này, tôi vẫn còn bâng khuâng. Vì chuyến đi, đối với cả anh bạn và tôi, đều không trọn vẹn, còn vương vấn khi đứng trước khu nhà cũ của gia đình anh ở phố Hàm Long. Bịn rịn, bồn chồn, lưu luyến! Rồi anh kéo tay tôi về phía nhà thờ lớn, định tâm vào viếng Thánh Thể mà cũng là để tìm lại hình bóng ngày thơ bé của mình. Cũng trên mảnh đất này, từ xa xưa lắm, tổ tiên dòng họ Đỗ đã sống tại đây. Ngày xa xưa ấy là làng Chân Cầm, nay là Ngõ Huyện. Thế hệ sau cùng cư trú ở đây gồm có gia đình Đỗ Đình Đạo, anh em thúc bá với Đỗ Đình Duyệt. Ông Đạo bị bà Thụy An đầu độc chết, theo dư luận từ nội bộ VNQDĐ, do ông và một số chiến hữu đã chống lại quyết định chia cắt đất nước vào năm 1954.Nhưng sáng hôm ấy, nhà thờ còn đóng cửa, chúng tôi bèn ghé vào trường Dũng Lạc xưa, cạnh đó. Người bảo vệ có tuổi tiếp chúng tôi niềm nở, kể cho chúng tôi những thay đổi, dẫy nhà phía trong thì làm mới, còn phía ngoài, giáp với con ngõ vào nhà xứ, vẫn để nguyên. Ông nói, nhiều người đi xa trở về cũng đều tới đây thăm hỏi chuyện cũ chuyện nay. Tôi thầm hỏi, không rõ người bạn tôi lúc đó, có nhớ đến một hình bóng quá thân thiết, quá anh hùng và xuất chúng, mà cuộc đời của vị này đã gắn liền với mảnh đất thiêng chúng tôi đang đứng đây hay không. Bởi vì, ngay lúc gọi điện cho tôi, nói là anh đang có mặt ở Việt Nam, anh đã nhắc đến hình bóng này. Cho nên, tôi chắc anh không quên, vì tính danh của vị này đã nổi lên một cách mạnh mẽ, kiên cường, giữa cái thời đổi thay quyền lực tại Hà Nội cũng như trên toàn cõi Việt Nam, cái thời mà những tiếng nói ở đài phát thanh, báo chí có lúc đã dồn dập, liên tiếp chuyền đi một lời da diết : “Ai ơi! Đừng phân chia Nam Bắc Trung”! Nhưng tôi nhớ ngay đến chính bạn tôi đây, lần đầu tiên trong gần 50 năm trường, trước Tết Quý Tỵ, anh gọi điện cho tôi. Nghe tên anh: “Duyệt đây, Đỗ Đình Duyệt đây…”.Tôi bất ngờ quá, vượt qua giây phút mệt mỏi của tuổi già, tiếng tôi như vỡ òa trong máy : “Đỗ Đình Duyệt! Anh đang ở đâu ? Còn nhớ Zarathustra đã nói như thế không?” Tôi hỏi anh ngay chuyện này, vì là cái mốc thời gian, đánh dấu sự cách biệt giữa hai chúng tôi, từ đó đến nay.–“Duyệt đang ở Việt Nam. Vẫn nhớ Zarathustra đã nói như thế, ngày anh cưới mà, một đám cưới hiếm có ở Sài-Gòn ngày đó. Ông Khải Triều ơi, ông có biết “Thằng khùng, thanh gỗ ngang trên cây thập tự giá không?” – “Biết mà! Linh mục Nguyễn Văn Vinh.”- “Đúng rồi! Không ngờ thế đấy. Gặp nhau sẽ nói nhiều” – “Vậy thì hay rồi, có thể đến nhà tôi tâm sự trọn một đêm nhé.” – “Ý tưởng hay đấy”.

Mấy ngày sau, Đỗ Đình Duyệt ghé tôi. Trong lúc hàn huyên, tôi nói anh nghe, ngày 14 Tết Quý Tỵ này, tôi đi Hà Nội mấy ngày, ở một khách sạn gần Hồ Gươm, phố Lý Thái Tổ. Nghe nói thế, Duyệt hơi tư lự, chỉ nói là “hay đấy”, rồi tôi chở anh về nhà người thân dưới Xóm Mới.

Tôi về Hà Nội dịp Tết Quý Tỵ, không phải là dự tính của tôi, mà theo sắp xếp của con gái. Một chiều nọ đi làm về, nó vừa cười vừa nói cho tôi biết, “Ba có một tin vui.”. Tôi hỏi ngay là tin vui gì, ba làm gì còn tin vui nào nữa, ngoài cái vui của ba là hoàn tất bản gia phả của họ hàng. Nó nói là “con đã đăng ký cho ba về Hà Nội mấy ngày, 14 Tết khởi hành, một tuần sau, khi con và hai cháu ở ngoài quê trở về. Ba chuẩn bị đi nhé”. Tôi mắng con gái mấy câu, chuyện gì liên quan tới ba thì phải bàn với ba trước. Ba mới về dịp tháng 8 vừa rồi, nay lại về là sao. Nhưng tôi chợt nhớ đến việc lập bản gia phả của họ Nguyễn chúng tôi, còn một vài chi tiết cần kiểm tra lại, nên tôi nói, thôi cũng được. Ba còn gia phả, chưa xong.

Còn về Đỗ Đình Duyệt, một hôm anh gọi điện cho tôi, nói là muốn đi Hà Nội, làm sao để cùng đi chung một chuyến máy bay với tôi thì tuyệt quá. Lúc đó con gái tôi cũng có nhà, nghe chúng tôi nói về việc đi Hà Nội, nó nói với bác Duyệt cho nó biết vài chi tiết trên cái visa, năm sinh của bác. Rồi nó bắt liên lạc ngay với hãng máy bay mà nó đã đăng ký vé cho tôi, nhất là để bác Duyệt đi cùng chuyến ra Hà Nội với tôi. Mấy phút im lặng, vì đại diện hãng máy bay kiểm tra chuyến bay của tôi, xem còn chỗ không. Được cho biết là còn chỗ, con gái tôi mừng quá, vì bỗng dưng tôi có bạn đồng hành, nó an tâm rồi. Bác Duyệt được báo ngay, có chỗ cho bác trong cùng chuyến ra Hà Nội với tôi. Còn chỗ ngồi trên máy bay thì có thể đổi cho người khác để chúng tôi ngồi cạnh nhau. Bác Duyệt cũng thấy vui, tiếng cười vang lên trong điện thoại.

Việc hai bạn già chúng tôi đi Hà Nội như vậy, là chuyện bất ngờ. Một bất ngờ khác là chuyến đi của chúng tôi nửa chừng thay đổi.

Chúng tôi ra Hà Nội sáng thứ bảy, 23/2 dl, tức 14 Tết Quý Tỵ. Vừa bước vào tiền sảnh của khách sạn, một nữ nhân viên hỏi ngay: “Có phải bác Tuy?”- “Vâng, tôi là…, có phòng cho chúng tôi chưa?” Chúng tôi trao cho họ giấy tờ tùy thân, sau đó họ đưa chìa khóa phòng cho chúng tôi. Nhận phòng xong, tôi ngả lưng ngay xuống giường nằm nghỉ. Còn Duyệt, có lẽ anh đã quen với những chuyến đi xa, nghỉ ở khách sạn, đơn giản và gọn gàng, không rườm rà như tôi, bận tay bận chân nhiều như tôi. Anh khoác sau lưng cái ba lô cũ kỹ, đựng mấy món vật dụng, một bộ quần áo thay đổi đã bạc màu, giống như da thịt trên thân thể chúng tôi. Duyệt đeo ba lô trên lưng, còn tôi thì tay cầm cái túi xách và vài món vật dụng. Thấy tôi hơi lỉnh kỉnh trong một chuyến đi xa như thế này, như mang theo bình xà bông để cạo râu với dao cạo Gillette 2 lưỡi, nghe nói dùng một lần rồi bỏ, nhưng tôi thì dùng đến 4,5 lần, anh bảo, cái lằn xanh trên lưỡi dao thay cho xà bông, có chất nhờn, dễ cạo. Quần áo thì, một bộ mặc trên người, áo bỏ thõng ra ngoài, và một bộ dự phòng. Như thế, với tôi cũng là đơn giản hết mức. Vì ngay từ đầu, chúng tôi không có hành lý gì để gửi. Chuyến đi càng nhẹ nhàng càng thư thái. Có lẽ vì thế mà chúng tôi được kể vào hàng ngũ “Việt kiều dỏm”.

Tuy nhiên, hai con người với hai vóc dáng bình dị hết mức cộng với hành trang trên vai, chúng tôi chẳng có tí gì để được xếp vào thành phần Việt kiều, cho dù là “Việt kiều dỏm”. Chúng tôi còn kém xa những đồng bào trong nước, khi họ đi làm hay khi đi du lịch, sống tại các thành phố đầy vẻ văn minh trần trụi.Vì vậy, nghĩ đến mà vui, cái vui của tuổi già.Vì mình được làm bạn đồng hành với bạn hữu, những người viễn xứ “u uất nỗi bơ vơ” (thơ Vũ Hoàng Chương)

Sau giấc ngủ êm ả, hai chúng tôi ra phố tìm một chỗ ăn trưa. Cửa tiệm ăn chúng tôi bước vào là một địa điểm ăn có tiếng tại khu vực đó, như lời một trong hai thiếu nữ ngồi cùng bàn với chúng tôi nói thế. Hai chúng tôi rời xa Hà Nội lâu lắm rồi, nay vì nhớ mà trở về…Vừa lạ lẫm mà lại như gần gũi. Vừa ghét mà lại như thân thương. Phải chăng Thăng Long hay Hà Nội này, cũng là giòng máu di duệ của Bách Việt! Còn được bao nhiêu!

Rời tiệm ăn, chúng tôi trở ra phía hồ Hoàn Kiếm, nhẹ bước hết một vòng, thỉnh thoảng dừng chân ghi một vài tấm hình, Duyệt gọi là “Hình ảnh người Thăng Long”. Sau đó, Duyệt kéo tôi đi qua một vài phố cổ, từ Lò Sũ xuống Bà Triệu, qua Lý Thường Kiệt rồi tới phố Hàm Long. Anh dừng lại ở một góc phố này, nói vài lời về hình bóng cũ của nó. Anh nói nhỏ, khu nhà tôi trước kia đây… Anh lặng lẽ rời gót…Mái nhà xưa của anh nay không còn. Chỉ thấy những hình ảnh xa lạ, những kẻ xa lạ. Anh cũng là kẻ xa lạ đối với mảnh đất này. Xa lạ trước ngôi nhà của mình! Anh đâu còn thấy một dấu chân xưa nào của anh nơi đây nữa!

Ngày hôm sau Chủ nhật, Duyệt đi Vĩnh Phúc Yên, tôi đi lễ ở nhà thờ lớn. Chiếc taxi chở chúng tôi dừng lại trước cửa nhà thờ, tôi xuống xe, còn Duyệt tiếp tục cuộc hành trình dài. Sau lễ, một đứa cháu đưa tôi về quê, dự tính ngày thứ năm, tôi sẽ lên Hà Nội cùng Duyệt đi thuyền trên một đoạn sông, có di tích bãi cọc của trận Bạch Đằng. Thế nhưng, mấy ngày sau, vào một buổi chiều, lúc tôi đang ngồi trên bờ một con mương câu cá, (trước khi đi, một cô cháu nói là để cháu lấy cái giỏ cho cậu. Tôi bảo, “cậu đi câu không cầu được cá”. Nó cười: “Chẳng có ai như cậu.”), thì chuông điện thoại reo. Có tiếng của Duyệt…Tôi nghe hình như anh có chuyện gì đó, phải trở về Mỹ ngay, nhưng không rõ nên tôi nói: “Tôi đang câu cá ở ngoài ruộng, gió lớn quá không nghe rõ. Tối anh gọi lại.”

Tôi bỏ ngang việc câu cá, trở về đợi điện thoại của Duyệt. Sau bữa cơm tối, giữa lúc các con cháu của anh chị tôi có mặt, Duyệt gọi điện cho tôi. Đúng là anh phải về Mỹ gấp. Hai ngày vừa qua, anh đã phải xoay sở để có vé về Mỹ. Mọi chuyện đã xong. Anh hỏi tôi có giữ phòng ở khách sạn không, nếu cần thì anh sẽ giữ lại.Việc thứ hai là anh còn một tí việc nhờ tôi giúp, trao cho người thân của anh ở Xóm Mới, tôi đã tới nhà hôm trước. Việc này, anh gửi văn phòng khách sạn, nhờ họ trao lại cho tôi. Duyệt cũng liên lạc với con gái tôi trong Sài-Gòn, nó bèn gọi điện cho một đứa cháu tôi ở Hà Nội, nhờ đến khách sạn đó ngay, gặp ông Duyệt. Ông đưa cái gì thì nhận, rồi mang về quê cho ông. Đứa cháu tôi trở về, mừng quá, vì “đã gặp ông bạn của ông”.

Tôi kể chuyện này ra, vì nó mang một kỷ niệm trong tuổi già của hai chúng tôi, cũng rất khó quên trong ký ức của mỗi người. Vì lúc còn trẻ, hai chúng tôi cũng đã có những việc, không lừng lẫy gì, nhưng cũng gọi được là một nỗ lực của tuổi trẻ. Trong chiến tranh và trong các thế lực, chúng tôi không đứng bên lề.

Trở về quá khứ.
Tạm lấy cái mốc thời gian tôi và Đỗ Đình Duyệt gặp nhau qua Đỗ Tất Phú, là vào năm 1963. Nay tròn 50 năm, trước đó vài năm nữa là con số lẻ. Số lẻ này dành riêng cho Phú.

Vào một buổi sáng, tôi thấy có hai thanh niên đến thuê nhà, chung một căn gác với tôi, trên đường Nguyễn Thông, trước cổng vào ga xe lửa Hòa Hưng. Dáng hai người này cũng bình thường, cả hai dong dỏng cao. Một người lâu lâu nhìn tôi cười lặng lẽ, còn người kia thì có da mặt tái xanh, sống mũi quặp xuống, ít khi ở nhà. Họ không ở lâu.Một hôm, người thanh niên hay nhìn tôi cười, đến bên tôi, lấy ra trong túi áo một tấm hình, đưa cho tôi xem, rồi hỏi: “Cậu có biết ông này là ai không?” Tôi nói ngay: “Nguyễn Thái Học”. Anh ta bảo: “Cậu có con mắt tinh đời”. Rồi anh cho biết tên là Đỗ Tất Phú, người kia là Cao Thế Dung.

Một sáng nọ tôi đi học về, không thấy hai người đó. Chủ nhà nói hai cậu ấy đã dọn đi nơi khác.Tôi quên họ ngay. Ít lâu sau tôi cũng không ở đó nữa. Tôi lên Ban Mê Thuột, sống vài năm, trở lại Sai-Gòn năm 1960, thuê căn gác của một y tá “ chích theo toa bác sỹ”, đường Nguyễn Thông nối dài, gần cống Bà Xếp, khu vực nổi danh về bất ổn xã hội.

Như thường lệ, lúc chiều tối, tôi thường “xuống núi” ra ngoài ăn cơm, quán cơm bình dân, bên cạnh đường rầy xe lửa. Đi được một quãng thì chợt thấy Đỗ Tất Phú đang đạp xe về phía tôi. Tôi bật tiếng gọi anh. Nghe có người gọi, Phú dừng xe, nhận ra tôi.

Tôi hỏi:
– Đi đâu thế, anh Phú?
– Tớ đi tìm chỗ trọ, không có tiền trả tiền mướn nhà, chủ nhà họ đuổi, không cho ở nữa.
– Anh về ở với tôi.
Tôi dẫn Phú trở lại gác trọ, đẩy chiếc xe vào trong nhà, rồi trở ra quán cơm ăn tối. Từ đó Phú sống với tôi.

Một thời gian sau, tại gác trọ này hay tại một vài nơi khác, tôi gặp lại Cao Thế Dung. Theo lời Phú, lúc trước, Cao Thế Dung nghi tôi là việt cộng nằm vùng vì tôi là người Bắc mà sao lại ở nhà người miền Nam, và có lẽ thế mà hai người này đã không ở căn gác đó lâu. Ngoài Cao Thế Dung ra, tôi còn được là bạn với Đỗ Đức Thịnh, “cây thuốc lào” tại Đại học Văn khoa Sài-Gòn, Nguyễn Cái Thế, con của cụ Nguyễn Văn Lực, trong nhóm Caravelle; Nguyễn Tường Uyển, con gái của cụ Toan Ánh, một học giả về phong tục học Việt Nam. Sau này, Nguyễn Cái Thế và Nguyễn Tường Uyển nên duyên vợ chồng; rồi Lưu Thái Hưng, Đỗ Đình Duyệt.

Tôi với Phú khác biệt về quan điểm chính trị, và có lẽ các bạn anh cũng vậy. Tôi làm cho tờ nhật báo Dân Việt, khuynh hướng Ngô Đình Diệm, còn Phú thì tôi không thấy anh có những hành động cụ thể nào để nói là chống ông Diệm. Ngay đến “nhóm” của anh, mãi sau ngày có cuộc đảo chính năm 1963, khi các anh nhờ tôi viết bài cho tờ Sống Động, tiếng nói của Tổng bộ Thanh niên Sinh viên VNQDĐ, thường gọi là Tổng bộ Yên Bái, tôi thật sự mới biết quan điểm và lập trường chính trị của các anh. Còn trước đó một đôi lần trong chỗ riêng với tôi, Phú chỉ phê phán một cách chung chung chính sách của ông Diệm, không khác biệt lắm với những khuynh hướng chống Ngô Đình Diệm. Vì vậy giữa chúng tôi có một tình thân thiện. Chúng tôi tôn trọng nhau.

Tổng bộ Yên Bái là một tổ chức trí thức trẻ của VNQDĐ, do Đỗ Tất Phú và Đỗ Đình Duyệt vận động thành lập. Phú giữ vai Chủ tịch, Duyệt phó chủ tịch, Phạm Nam Sách ủy viên Tuyên huấn và một số ủy viên khác, như Nguyễn Cái Thế, Nguyễn Tường Uyển, Lưu Thái Hưng, Đỗ Đức Thịnh, Quách Trọng Phụ v.v…Tổ chức này có khuynh hướng độc lập, không thuộc hệ phái nào, nhưng có liên hệ mật thiết với gánh Chủ Lực do Lê Hưng lãnh đạo, trong đó có Chu Tử Kỳ.

Từ dạo đó đến nay, 50 năm rồi. Những chuyện liên quan đến Đỗ Tất Phú và tôi, đều đã được ghi lại trong truyện Ngọn nến ăn năn. Trong cuốn này, tôi viết về đời sống của hai chúng tôi trong gác trọ một cách đầy đủ, tôi cũng nói đến tập truyện ngắn Ba mẹ con của Phú, qua bút hiệu Đỗ Ngọc Trâm. Tập truyện mô tả một phần nào đời sống của một bộ phận thanh niên ngày ấy có một lý tưởng, một hoài bão, nhưng bế tắc. Nó phản ảnh con người tác giả của nó nói riêng và những thành phần thanh niên giữa thời loạn. Nhưng, chuyện đấu tranh và với nhóm bạn hữu của Phú trên đây, là một chuyện hệ trọng của các anh, tôi không thể nói theo cảm tính, hay văn chương hư cấu. Vì vậy, trong cuốn truyện của tôi, vấn đề này không được đề cập tới. May mà Đỗ Đình Duyệt về Việt Nam dịp Tết Quý Tỵ vừa rồi, tôi lại là người được anh ghé chơi, lại dành cho tôi gần trọn một đêm tâm sự tại căn gác nghèo của tôi. Nhờ đó tôi hỏi lại chuyện của Phú và các anh, được anh nhắc lại một vài chi tiết. Vì thế, tôi an tâm công bố ra đây. Chỉ tiếc rằng, Đỗ Tất Phú đã không còn nữa. Anh đã nằm xuống tại mảnh đất miền Tây, quê hương của vợ anh.

Nhớ Đỗ Tất Phú, viết về anh ít hàng nơi đây, nhắc lại một thời tranh đấu của anh, là một nén hương tinh thần, tôi xin dâng lên anh linh người bạn hiền của tôi.

Trong cái đêm ngủ tại nhà tôi, Đỗ Đình Duyệt đã nhớ lại đám cưới của tôi vào đầu tháng 12 năm 1971, tiệc cưới tổ chức tại Trường Đại học Thành Nhân, tiền thân của nó là Viện Khoa học Giáo dục Sài-Gòn, góc đường Hùng Vương-Nguyễn Tri Phương, do Tiến sĩ Mai Tâm, Sư huynh dòng Lasan Taberd làm Viện trưởng. Duyệt kể, trước khi anh và Lưu Thái Hưng bước vào phòng tiệc, hai anh đã phải đi tới đi lui khu vực đó mấy lần, nghe ngóng xem bên trong có động tĩnh gì không, rồi mới vào. Bởi vì, thời gian ấy, mật vụ của chế độ đang ráo riết theo dõi dư luận xôn xao về việc ông Nguyễn Bảo Kiếm, án tử hình khiếm diện trong vụ đảo chính ngày 19/2/1965 truất phế Tướng Nguyễn Khánh, có thể hiện diện trong một cuộc hội ngộ thân hữu nào đó mà họ không nắm được địa điểm và thời gian. Khi ấy, hình ảnh ông Kiếm treo khắp Sài-Gòn Chợ Lớn, với số tiền thưởng lên tới hàng chục triệu đồng cho ai bắt được hay chỉ nơi ẩn nấp của ông. Một người trong thân thuộc của Đỗ Đình Duyệt, phong thanh nghe nói anh sẽ có mặt trong buổi hội ngộ thân hữu ấy, đã gợi ý anh nộp “cái đầu” Nguyễn Bảo Kiếm để nhận lãnh món tiền thưởng khổng lồ này. Cái “buổi hội ngộ thân hữu” mà nhà đương cuộc ngày ấy muốn biết, không ngờ lại là bữa tiệc cưới đơn giản của vợ chồng chúng tôi.

Tôi nghe chuyện này mà thót giật mình. Ngày đó tôi hoàn toàn không biết đến dư luận ấy. Lúc tôi đi gặp ông Nguyễn Bảo Kiếm mời dự tiệc cưới của tôi, ông chỉ nói với tôi là đừng nói cho ai biết ông có mặt. Và tôi đã hoàn toàn giữ im lặng, cho mãi khi ông bước vào phòng tiệc cùng với Bác sỹ Trần Kim Tuyến, Luật sư Phạm Kim Vinh v.v…

Đỗ Đình Duyệt không nói ra điều này, chắc chắn nó cũng chìm xuống hố thẳm của đời tôi thôi. Như thế đủ biết, lời Kinh thánh nói không thể qua đi, cho dù một dấu phẩy.

“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” (Lc 12,2)

Khải Triều