Đọc thơ Nguyễn Đức Nhơn

Phạm Văn Nhàn

Vào giữa tháng tám, năm 2006, nhà thơ Nguyễn Đức Nhơn gởi đến tôi tập bản thảo thơ văn hợp tuyển Mùa Gió Bấc nhờ tôi viết bạt.
Có lẽ, anh nghĩ, giữa tôi với anh có sự quen biết từ lâu khi còn ở quê nhà, nhất là sau tháng 4 năm 1975, khởi đầu cho một cuôc đời “nghiệt ngã” mà tôi đã gặp anh trong trại Cà Tót:

“đêm về lạnh lẽo đêm Cà Tót
hiu hắt mưa khuya tạt chiếu nằm
núi rừng vây hãm người thua cuộc
hì hục quanh tôi tiếng hổ gầm”

Địa danh Cà Tót là một khu rừng già nguyên sinh chưa bao giờ có dấu chân người đến. Núi rừng bao phủ, với những cây to bóng lớn nằm sâu trong tỉnh lộ 8 đường lên Lâm Đồng. Với 4 câu thơ trên trong bài: Sau Mùa Chinh Chiến tôi trích ra từ tập thơ văn hợp tuyển Mùa Gió Bấc của anh như để nhắc đến ngày đầu tiên chúng tôi bị đưa lên mật khu Cà Tót: núi rừng vây hãm người thua cuộc.
Để rồi bao nhiêu lần chuyển trại trong những năm nghiệt ngã của tôi và anh. Đi đâu rồi cũng: cái gô và chiếc quần bao cát. Nó lại theo tôi đứng giữa trời…!! (anh nhắc giùm cho chúng tôi)
Nhiều khi tôi muốn quên đi những năm tháng ấy. Nhưng tập thơ văn anh gởi đến như gợi lại trong tôi những hình ảnh như mới ngày hôm qua. Nhớ lại những năm tháng ấy, anh sống thật lặng lẽ, ít nói. Cứ lầm lũi mà đi trong lao động. Thỉnh thoảng tôi thấy anh “lảm nhảm” như nói cho chính anh nghe. Ừ, phải rồi, tôi nghĩ, có lẽ anh đang lập lại những câu thơ mới thoáng hiện trong đầu… Cũng có thể lắm; vì giấy chẳng có. Mực cũng không. Mà nào ai dám viết! Chỉ còn viết trong tư tưởng phải không Nguyễn Đức Nhơn? Nhiều bạn bè “cùng khổ” trong đội sản xuất cứ gọi anh là “ông đạo”. Có lẽ vì cuộc sống “thanh bần, lạc đạo” của anh. Gọi như thế, anh vẫn cười.

Vâng, có như thế, sau những năm tháng thăng trầm ấy, bạn bè gặp lại, ngồi nhắc chuyện xưa thấy vui và cũng thấy tủi buồn cho cái thân phận “người tù” sau tháng 4 năm 1975 ấy.
Với anh, tôi biết đã lâu. Vẫn một đời nặng nợ với thơ văn… thì trong cái bối cảnh nghiệt ngã đó anh “lảm nhảm” đọc lại những câu thơ mới làm trong tư tưởng để quên đi:

“những bước chân đi thật não nề
mây mù giăng kín nẻo sơn khê
bao nhiêu chiếc bóng vô hồn ấy
sáng sớm ra đi chiều lại về”
(Sau Mùa Chinh Chiến)

Thời gian: sáng sớm ra đi chiều lại về làm tôi nhớ những bạn bè, đồng đội đi âm thầm như bóng ma, gầy gò trong bộ áo quần rách nát mà anh đã viết rất đúng, rất thật:
“cái gô và chiếc quần bao cát/ nó lại cùng tôi đứng giữa trời”.
Muốn quên mà không quên được phải không Nguyễn Đức Nhơn? … Nhiều khi nhắc lại càng thêm tủi. Nhưng khổ nỗi, khi đọc lại những dòng thơ mang theo những hình ảnh “ảm đạm” ấy, kỷ niệm lại hiện về.

Thế rồi những năm tháng lận đận cũng qua đi. Và anh và tôi rồi cũng chia tay nhau trở về quê nhà như người khách lạ. Trong bài thơ “Khách Lạ” đọc đoạn thơ nào cũng thấy hay. Anh viết thay cho tôi và, có lẽ thay cho những bạn bè cùng “bên trời lận đận” chữ của nhà văn Trần Hoài Thư. Lận đận không phải còn ở trong trại mà lận đận ngay cả ngoài đời. Khi mà:

“khách về đây sông nước ngại ngùng
con thuyền nhỏ chở đầy sóng gió
trở về neo trên bờ bến lạ
thuyền bập bềnh giữa bến chiều hoang”
hay:

“khách băn khoăn chân bước ngập ngừng
từng nhịp thở gõ đều trên nỗi nhớ
kìa ai lạ? khách sửng sờ hỏi nhỏ
ai ngồi kia xỏa tóc im lìm?

khách bàng hoàng nghe máu ứa về tim
hàng dương liễu cũng gục đầu thổn thức
khách lặng lẽ quay về sông nước
bến chiều xa khói cũng mơ hồ!”

Trích vài đoạn trong bài “khách Lạ” của anh, đọc mà thấy thấm đẫm trong lòng. Khách lạ, vâng, đúng vậy. Con phố cũ, ngã tư đường, xóm làng xưa, con đê đó… lạ lẫm đối với người tù cải tạo trở về. “Lạ và sợ” tất cả. Bởi vì: “con thuyền nhỏ chở đầy sóng gió” cho một cuộc sống mới đầy âu lo.

2.
Sau bao nhiêu năm trôi dạt trên xứ người, tôi gặp lại anh. Và mời anh đến với chúng tôi qua tạp chí văn học Thư Quán Bản Thảo. Mà tôi nghĩ trong bài: Cảm Ơn anh đã nói lên cái gần gũi, bao dung của người cầm bút, bạn bè như những năm trước 1975. Dù có cầm súng ngoài mặt trận, hay trở về phố với bao nỗi buồn cô đơn như bài thơ anh viết:

“có những buổi hoàng hôn êm ả
ta thẫn thờ trên bến Vân Lâu…”

Tôi nghĩ chỉ có bạn bè khi đến với nhau – thật tình – vẫn còn cái tình, cái mến:

“cảm ơn đời đã cho tôi
cuộc chơi chữ nghĩa niềm vui bạn bè
cảm ơn tôi biết đam mê
cảm ơn tôi biết hả hê khóc cười”

Vâng! Chỉ có bạn bè mới hiểu được nhau đến thế.

Tháng 8, chỗ tôi ở nóng, có ngày lên đến cả 100 độ F. Tập thơ: Mùa Gió Bấc của Nhơn đến làm dung hòa được giữa cái nóng thực bên ngoài, và cái lạnh của mùa đông qua tựa của tập thơ văn hợp tuyển của anh. Cho nên khi đọc xong, tôi thấy ấm lòng với những con chữ thật giản dị và rất gần gũi với tôi qua 95 bài thơ và 10 truyện ngắn trong Mùa Gió Bấc.
95 bài thơ vừa ngắn có, vừa dài có. Nhưng không quá dài để cho người đọc “ngán ngẩm” mà còn ngược lại thích thú khi đọc thơ của Nhơn. Quả như vậy; vì những con chữ trong thơ anh không cầu kì, giản dị nữa là khác. Những ngôn ngữ trong thơ anh không cần phải đi tìm kiếm, hay mang một ẩn dụ nào khó hiểu, nó hiện thực trong đời sống bình thường như chính cuộc đời của anh: trầm lặng và giản dị. Sự giản dị của anh đến nỗi có bạn bè cho anh là “lập dị” nhưng tôi thì không nghĩ như thế.
Khi còn trong trại, anh ví anh như con ngựa già:

“con ngựa già đuối sức
Ta thấy lòng quặn đau”

Con ngựa già ấy đã một lần và vĩnh viễn:

“ta lột giầy vất kiếm
ném mũ cởi chiến bào”

Rồi cũng có lúc tâm trí thảnh thơi, anh lại nghĩ con đường đã đi qua. Mười năm trong nghiệp binh đâu phải ít ỏi. Thế mà, mới đó đã thoáng qua mau:

“chiều nghe loáng thoáng màu thu
lá xanh níu
lá vàng đu trên cành
ta ngồi tiếc lá màu xanh
nhớ xưa trót lỡ tành hanh với người”

Lúc ấy anh đã trở về lại quê cũ. Ở đâu? Một miền quê: “đồng khô một dải mù sương khói” ấy để anh cứ nghĩ: ừ thì dầu gì cũng đã mười năm. Nay cứ ôm ấp cái mộng thanh bình để an ủi cho thân phận. Cứ vui bên mái tranh. Cứ nhìn ngọn Xã Thô đứng chơ vơ

bao nhiêu lần mây trắng phủ. Trong khung cảnh buồn ấy, người lính già – anh cứ cho như thế – để an vui với đàn gà:

“mười năm ôm ấp mộng thanh bình
trả súng đạn về bên mái tranh
gọi đàn gà nhỏ về mở hội
dưới bóng me tàn ươm lá xanh”

Và:

“mười năm rồi lại mười năm nữa
mái tóc phai dần theo tháng năm
trả súng đạn về nương xóm cũ
người lính già buồn nhớ xa xăm”

Với nỗi buồn “cô đơn” ấy. Ta lại nghe anh tâm sự:

“chiều buồn ra hiên ngồi khọn
mắt mờ chẳng thấy được xa
chỉ thấy con ruồi con muỗi
đánh mùi bu lại quanh ta”

Bốn câu thơ trên nghe thân phận người lính già NĐN buồn quá đỗi. “Ngồi khọn” ngôn ngữ trong thơ anh rất “đặc trưng” nơi miền quê của tôi. Nó không biến dạng qua ngôn ngữ thơ mà nó vẫn hiện diện một cách rõ nét ngoài đời, “ngồi khọn” là ngồi một mình, buồn vu vơ. Có thể nói ngồi trong cái cảnh rất là “cô đơn”. Ngoài ra những hình ảnh trong thơ của anh cũng thật gần gũi với tôi, như: cười ngất ngư/ đàn gà con/ đàn vịt rỉa lông/ giàn bầu giàn mướp… mà chắc rằng nơi phố thị khó mà tìm thấy được những hình ảnh đó: lặng lẽ quay về sông nước/ bến chiều xa khói cũng mơ hồ đó mà.

3.
Phải nói là những con chữ trong thơ của anh không mang một ẩn dụ nào khó hiểu. Nhưng nó (con chữ) vẫn nhẹ nhàng như khói như sương như những giòng lục bát anh làm trước 1975. Như:

“mưa còn rơi
buốt giòng sông
lênh đênh
một chiếc đò không mái chèo
đò em
tôi lén gieo neo
giữa khoang
một chiếc đèn leo lét buồn”

hay:

“trăng tàn, bến Ngự mù sương
nửa đêm nghe tiếng dòng Hương trở mình
bao nhiêu nước bao nhiêu tình
đàn ai trổi khúc Nam Bình nỉ non”

Trước 1975 tôi biết anh đang công tác ở vùng 1 chiến thuật. Chỉ thấy núi với rừng. Như trong bài thơ: Mây ngàn. Có lẽ qua bài thơ này để tôi biết được người lính trẻ NĐN chân ướt chân ráo mới đổi ra miền Trung. Anh thấy gì nơi ấy: Mây và núi chập chùng. Đời lính của anh cũng bắt đầu từ trong những dãy núi chập chùng ấy:

“bóng chiều vương cánh sắt
lạc lõng giữa trời Trung
mây ngàn mây lãng bạc
núi gợn núi chập chùng”

Để rồi, hơn mười năm trong đời binh nghiệp, anh được gì? Cuối cùng người lính già NĐN rồi cũng trở về quê cũ, nhìn ngọn Xã Thô mây đùn quanh năm ấy để mở hội chơi với đàn gà, đàn vịt. Để rồi người lính già NĐN ngẫm nghĩ mà ngộ ra:

“cũng bày trò chiến quốc
cũng hợp tung liên hoành
bủa vây trùm trời đất
trò chơi còn mới toanh”

Cái đáng nói ở đây: “ trò chơi còn mới toanh” đó, chỉ còn kết quả là:

“con ngựa già đuối sức
ta thấy lòng quặn đau
con ngựa già ngã gục
ta nát cả tâm bào

ta lột giầy vứt kiếm
ném mũ cởi chiến bào
một mình trên đường vắng
ta và ta dìu nhau”

Dìu nhau đi đâu hả Nguyễn Đức Nhơn? Những con chữ trong câu thơ trên thật bình thường. Nhưng sao nghe lòng đau quá đỗi. Anh, tôi và còn nhiều người nữa làm sao quên được khi chiều xuống trong khu rừng rậm nguyên sinh Cà Tót? Âm khí bốc lên làm hao mòn từng thân xát của mỗi con người. Mới thấy hôm nay, sáng hôm sao đã thấy: bao nhiêu chiếc bóng vô hồn ấy.
Đọc bài: Sau Mùa Chinh Chiến của anh mà ngậm ngùi

“chiều hun hút giữa rừng thiên nước độc
đêm uy linh nhờn nhợn tiếng ma Hời
từng giọt máu căng phồng bầy muỗi đói
tôi bỗng sờn da, bỗng rợn người”

Phải nói, với anh, thơ không là “một phương tiện” để anh hận thù trong những năm gian khổ trong trại cải tạo; mà anh làm thơ viết văn như để trang trải tấm lòng cùng với bạn bè, trong lúc mà những bạn bè anh như: “những đám mây chiều trôi lãng đãng” thì tại sao lại không:

“cái thú điền viên
hai thằng đầu bạc
bê rượu ra sân
chén tạc, chén thù
ngửa mặt lên trời
cười đến ngất ngư”

“Cười ngất ngư” để quên đi cái cảnh hợp tung của thời xuân thu chiến quốc ( chữ thường)… để rồi khi trở về làng cũ với mảnh đời rách nát, đi đâu cũng thấy mình là khách lạ, may còn một ít bạn bè hiểu anh để “ngất ngưởng bên nhau nói chuyện bao đồng/ khi trở về có lội suối, qua sông/ nhớ chống gậy mà dò sâu, cạn…” (đọc và hiểu ý của anh qua câu thơ trên)

Viết về NĐN qua tập “thơ văn hợp tuyển Mùa Gió Bấc”, chưa đủ để nói hết về con người của anh qua 95 bài thơ và 10 truyện ngắn. Sống trên xứ người ở cái tuổi xắp xỉ bước qua 70 mươi (chỉ còn vài năm nữa thôi) mà anh lúc nào cũng nhớ đến “chốn xưa làng cũ” dưới chân núi Ông. Có ai định vị đươc núi Ông ở quê tôi? Chắc là không, chỉ nghe nơi đó:

“đêm nằm nghe tiếng ếch kêu
râm ran giữa chốn đìu hiu núi rừng
đôi bờ mắt chợt rưng rưng
lời thơ buồn cũng ngập ngừng trên môi
chập chờn trong cõi đầy vơi
như con nước lững lờ trôi giữa dòng
trong cơn chìm nổi phiêu bồng
tôi mơ về lại cõi hồng hoang xưa”

Và hiện tại nơi anh đang ở. Cõi hồng hoang xưa đó dù gì cũng đủ để anh “chập chờn” trong giấc ngủ để mơ về một cõi xa. Còn hơn, hôm nay:

“Lọm khọm bước lần theo lối nhỏ
Ra ngồi trước cửa nớt sinh hôm
Ông lão nhớ một thời trai trẻ
Mộng đời ươm kín bờ môi thơm”

Có lẽ không lâu đâu, tôi hay anh rồi cũng thế.

Phạm Văn Nhàn

Đọc luc bát Hoàng Xuân Sơn

Vũ Linh

Lời tòa soạn:
Để tưởng niệm cố Nhà văn Vũ Linh, Tạp chí Trầm Hương đăng lại bài này như một nén hương lòng cầu nguyện anh sớm về cõi vĩnh hằng.

Họa sĩ Đinh Cường từ Virginia đến Houston triển lãm tranh lần thứ ba, lần này ngoài anh còn có Họa sĩ Nguyễn đình Thuận đến từ Nam Cali. Cả hai đã để lại cho giới thưởng lãm địa phương những ấn tượng sâu sắc về nghệ thuật sáng tạo và sử dụng màu sắc trong mỗi tác phẩm. Một già một trẻ cùng một trường phái nhưng mỗi tác giả có cách suy nghĩ và màu sắc riêng qua những bức tranh sơn dầu đã trưng bày tại Houston. Tại đây tôi cũng được hân hạnh gặp Hoàng Xuân Sơn và không ngờ anh và tôi có chung một người bạn Đinh Cường. Cái đáng quý ở anh, từ Quebec Canada bay sang để gặp gỡ và hổ trợ bạn bè trong cuộc triểm lãm vì rằng ngoài tài làm thơ, anh còn là một ca sĩ, một nhạc sĩ đã chơi đàn và hát chung với Khánh Ly trong đêm khai mạc phòng tranh tại Viet Art Gallery Houston ngày 19/01/2008.

Buổi đầu gặp gở, trong cái bắt tay tự giới thiệu về mình, tôi cứ mãi ngờ ngợ về cái tên Hoàng Xuân Sơn của anh, hóa ra anh chẳng xa lạ gì, là một trong số “mấy con ngựa” ở Thư Quán Bản thảo mà tôi quen biết và cũng mấy lần đọc thơ anh trên Tạp chí này. Mãi đến lúc cầm tập thơ “Lục bát Hoàng Xuân Sơn” do anh tặng, tôi có hơi ngạc nhiên và nhìn anh thêm một lần nữa. Sau mấy cái chớp mắt, tôi lật vội mấy trang, ngoài động thái lịch sự khi tiếp nhận một tăng phẩm, hơn thế nữa lại là một tặng phẩm chữ nghĩa. Một lẽ khác hay đúng hơn hai chữ “Lục bát” to đùng đứng trước tên Hoàng Xuân Sơn, nó đã làm cho tôi lúng túng và thầm khâm phục sự can đảm của tác giả mà tôi vừa quen biết. Vì rằng hơn năm mươi năm trước, tôi cũng tập tành làm thơ và thể loại tôi cho là khó làm được một bài thơ hay đó là Lục bát. Cho đến thời điểm này, ngoại trừ Nguyễn Du tiên sinh, một số thi sĩ tiền chiến cũng như về sau vẫn có những bài thơ lục bát hay xuất hiện nhưng vượt trội hơn cả, tôi nghĩ chỉ có Nguyễn Bính. Điều này rất có thể chỉ là cảm nhận của riêng tôi và với Hoàng Xuân Sơn tôi cũng chỉ ghi lại cảm nhận của mình sau khi đọc tập thơ do anh tặng chứ không hề làm công việc phê bình.

Nhìn một cách chung chung, văn học nghệ thuật nước ta kể từ sau 1954 cả hai miền đất nước có nhiều biến đổi. Ngoài Bắc xóa bỏ gần như hầu hết giá trị văn học nghệ thuật theo lề lối cổ xưa. Họ chủ truơng văn học theo chiều hướng mới, văn học nghệ thuật nhằm phục vụ cho chế độ, cho con người mà đảng của họ đang nặn ra và hướng tới. Trong khi Miềm Nam cởi mở và tự do hơn, chấp nhận giá trị truyền thống cổ xưa đồng thời cũng sẵn sàng tiếp nhận những nhóm chủ trương đổi mới, sáng tạo trong lảnh vực văn học nghệ thuật, trong đó hội họa và thơ là rõ nét nhất. Cho đến sau 1975 những Văn nghệ sĩ Miền Nam lưu vong tiếp tục làm công việc đó và dường như những năm gần đây trong nước cũng có những biến chuyển đáng kể trong lãnh vực này. Tuy nhiên cho dù trong nước hay hải ngoại đã và đang làm cái công việc đổi mới trong lãnh vực văn hoc nghệ thuật nhưng đa số chủ trương một bài thơ, một bản nhạc và đặc biệt trong lãnh vực hội họa, tác giả sáng tác với cảm xúc, bằng suy nghĩ của riêng mình trong mỗi tác phẩm. Nhà phê bình cũng như những bậc thầy các trường phái, chưa chắc đã hiểu hết ý nghĩa của nó nếu không được sự diễn giải của chính tác giả, cho dù mỗi trường phái đều có những qui ước chung để đi vào thế giới của họ. Bởi thế, người thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật bây giờ, không đơn thuần chỉ nhìn hay sờ mó mà cần vận dụng đến sự suy nghĩ nhiều hơn, óc tưởng tượng phong phú hơn, may ra mới bắt gặp những điều tác giả muốn nói trong tác phẩm.Trở lại với tập thơ Lục bát Hoàng Xuân Sơn, phần mở đầu tác giả ngỏ: Ừ! xem sáu tám ngược đời/ chữ ngất ngư chữ câu đòi đoạn câu/ gọi rằng lục bát nằm lâu/ ể mình đứng dậy thành câu thơ rời
Lời ngỏ này chẳng khác gì qui ước để đọc những bài thơ của anh và được tác giả minh họa ngay ở lời ngỏ bằng những “câu thơ rời” hay cũng có thể nói chữ ngất ngư chữ câu đoài đoạn câu:

Ừ! Xem
sáu
tám
ngược đời

chữ ngất ngư
chữ
câu đòi đoạn
câu
gọi rằng
lục bát nằm lâu
ể mình đứng dậy
thành
câu thơ
rời

Chúng ta được Hoàng Xuân Sơn trao cho chìa khóa để mở cửa đi vào thơ của anh. Bên cạnh đó, chúng ta còn bắt gặp những cái dấu chấm nữa đời nữa đoạn như:

Cám ơn em, chiếc cổ tròng
vô thân áo. ấm. chút nồng nàn. Xưa
cám ơn em vạt trời mưa
nước hắt lưng. trộm. vai đùa cợt. hương

– – – – – – (Cám ơn, trang 67)

Hay như là:

Nghiêm. đi qua đó. mặt buồn
mà trăng sáng rở đêm. khuôn hạ vàng
óng mềm hệ lụy đa đoan
thương vương mấy cõi xanh. toàn vẹn. im
thơ khúc mắc. dấu chấm. ghìm
cơn rung hối hả nghe lìm lịm. trôi
đừng nói. đừng. thêm nặng lời
mặt nghiên qua đó
buồn khơi lạc dòng

– – – – – – – – (Hạ tuyền, trang 108)

Những dấu chấm như thế rải rác trong khắp thơ anh và 141 bài thơ lục bát, không có một dấu chấm nào đuợc sử dụng một cách bình thường cũng như không bài thơ nào có dấu chấm câu. Bên cạnh đó, anh còn dùng ký hiệu thay cho chữ (trang 40, 55 …) và còn trình bày một bài thơ theo một hình thể nào đó (trang 10, 31, 49, 67…) mà chỉ có anh mới giải thích được. Tại sao ư? Tất cả những dòng thơ vặn vẹo, rơi rớt, bất thường này của Hoàng Xuân Sơn đã được một người “chữ nghĩa bề bề” Cao Vị Khanh, tác giả “Lệ từ nét ngang” giải mã trong lời bạt cuối tập thơ.
Chúng ta cứ tạm thời chấp nhận lời giải của Cao Vị Khanh trong nhóm Thư quán Bản thảo, vì anh là người gần gũi nhất với tác giả và có thể hiểu được Hoàng Xuân Sơn (Cùng ở Canada và làm việc chung sở) Tuy nhiên 141 bài thơ trong Lục bát Hoàng Xuân Sơn, ít ra anh cũng còn giữ được 15 bài “y như hồi nào tới giờ”, thế là thế nào đây Hoàng Xuân Sơn và Cao Vị Khanh?
Mọi việc xin hãy tạm để đó. Chúng ta đi xa thêm một chút về Hoàng Xuân Sơn, ngoài việc làm thơ anh còn sử dụng đàn, chơi nhạc cổ điển và hát những bài tình ca của Pháp, Anh…. Từ đó, tại sao chúng ta không nghĩ “những câu thơ rời” là một lối “viết hoà âm” của những anh sành nhạc? Ở đây có thể dành cho nghệ sĩ ngâm, biết đâu mai này nó còn dành cho những bản nhạc được phổ từ thơ của anh!

Thật ra, nếu ta sắp xếp lại những câu thơ rời của 126 bài thơ viết theo lối “Soạn hòa âm” và 15 bài có sẵn thì Lục bát Hoàng Xuân Sơn vẫn “y như hồi nào tới giờ”!
Hình thức Lục bát Hoàng Xuân Sơn là như vậy đó, còn nội dung thì sao?
Như phần nhận định trên, đọc- xem- nghe- nhìn một tác phẩm bây giờ không thể không động não, nếu đơn thuần là “thơ Hoàng Xuân Sơn” thì không có gì để nói. Đằng này chọn “Lục bát” tức là Hoàng Xuân Sơn chọn một thể thơ có nguồn gốc của nó, có những luật lệ riêng của nó. Ngôn ngữ, vần điệu làm cho những câu thơ dễ nhớ, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người nhưng nếu chỉ đơn thuần chỉ có thế nó sẽ không hẳn là một bài thơ lục bát. Cái hay của lục bát là ở chỗ đó, cái hay của Truyện Kiều cũng ở chỗ đó, cái tài tình của Nguyễn Du cũng ở đó. Và nếu ngày xưa, điển tích có một vị trí nào đó để làm nên thể thơ lục bát trong Truyện Kiều thì nay “lập thể, trừu tượng, siêu thực” là những thứ không thể thiếu trong một bài thơ hay một bức tranh của những tác giả hiện đại. Nhưng nếu vận dụng quá đáng hình thức trên, nhiều người cho đó là thơ văn thuộc loại “cõi trên”, chỉ có tác giả và thượng đế may ra mới hiểu được. Truyện Kiều trước đây đã đưa vào chương trình giáo dục ở Miền Nam, điển tích trong truyện đã làm cho người học nó mất ăn mất ngũ trong lúc thi cử. Cái khó của Lục bát là chỗ đó và Lục bát mãi mãi là Lục bát cũng ở đó, cho dù Hitler có lập thêm mấy ngàn lò thiêu thì người Do thái vẫn còn, nước Nhật có phải gánh chịu thêm mấy trái bom nguyên tử thì nước Nhật vẫn của người Nhật. Và cho dù có trải qua bao thế kỷ nữa thì thể thơ lục bát, Truyện Kiều Nguyễn Du vẫn “y như hồi nào tới giờ”!

Hoàng Xuân Sơn có lẽ cũng đã nhận ra lý lẽ này nên dù “thơ khúc mắc, dấu chấm ghìm” nhưng nếu sắp xếp lại nguyên thể, chúng ta vẫn thấy những câu 6-8 mượt mà thân quen dể hiểu và dể nhớ:

Sáng nghe chim nhạn kêu bầy
mới hay biển động mùa cây lá tàn
không chừng mây bão lần sang
níu chân người ở lang thang dặm về

– – – – – (gọi bầy, trang 11)

Lòng anh muốn nói đôi khi
nhìn con nắng hẹn nhớ gì mây bay
đêm trăng đồi hú gọi bầy
sói hoang đồng nội nhớ ngày đi rong
lòng anh cũng muốn khóc ròng
sông xanh quê ngoại nắng hồng ngõ mai
sợi giăng tơ nhện u hoài
con chim sẻ nhỏ cùng thời lớn khôn.

– – – – – – ( tin thơ, trang 46 )

Và bây giờ chúng ta thử lấy một bài thơ viết theo lối “hòa âm” của tác giả, sắp xếp lại theo trật tự của nó:
Buồn buồn cõng chị đi chơi

bế em ra ngõ nhà người nói thơ
hát cho đỡ tủi cơ đồ
trăm câu thân ái ru bờ bụi hoang
đầy thơ cho đựng bát vàng
nghiên trăng nhân loại bình an rót về
vịn em thơ đứng giữa hè
thắp tình chị sang mù mê bụi hồng

(Chị em thơ, trang 52)
Bài thơ chỉ có tám câu nhưng được sắp xếp lại, có ai nói đây không là bài Lục bát hoàn chỉnh với đầy đủ ý nghĩa của nó?

Thơ Hoàng Xuân Sơn chuyên chở tình người, tình bạn, sự rung động trước thiên nhiên và lay quay trong kiếp trầm luân. Tuy có thổn thức, có dâng trào, có nức nở qua những cái dấu chấm đứt đoạn chia lìa, những con chữ rơi rớt nhưng cũng chỉ là những bước fantasy của một điệu nhảy, vừa cổ điển vừa hiện đại của một nghệ sĩ chơi đàn và hiểu biết về âm nhạc.

Trong bất cứ lãnh vực nào sự sáng tạo và đổi mới cũng là điều cần thiết. Riêng lãnh vực Văn học nghệ thuật nước ta cũng đã làm những công việc này từ thế kỷ trước, rõ nét nhất là trong 2 lãnh vực thơ văn và hội họa. Tùy theo quan niệm về nghệ thuật để trả lời cho câu hỏi sự sáng tạo và đổi mới đó đã thuyết phục hay được chấp nhận đến mức độ nào. Nói gì thì nói, một thế kỷ cũng đã qua vẫn chưa có tác phẩm nào thay thế cho Truyện Kiều của Nguyễn Du và thế giới cũng chưa có họa phẩm nào khả dĩ hấp dẫn nhiều người như Mona Lisa của Vinci. Chính vì thế những người làm Văn học nghệ thuật vẫn phải tiếp tục tìm tòi, sáng tạo và đổi mới.

Tóm lại Lục bát Hoàng Xuân Sơn tuy hình thức mới lạ, mang tính sáng tạo và hẳn anh cũng đã hiểu bên cạnh sự sáng tạo bao giờ cũng có sự đào thải, sẵn sàng ngồi chờ. Có lẽ vì thế, không ít thì nhiều anh vẫn giử lại cái truyền thống của Lục bát, một loại Lục bát Hoàng Xuân Sơn với những âm điệu dễ nhớ, lời thơ dễ hiểu hay nói cách khác “vẫn như hồi nào tới giờ”!

Lan Cao
Vùng tưởng
hàng mi ngủ say
bất động
da thịt mùa đông
hơi thở đứng trên môi khô khát
bút rơi
bài thơ tình dang dở
tôi nhặt lên viết tiếp vần sau
trong tiếng nấc chạy vòng hốt hoảng
để lại cho đời
“quê hương ngàn dặm”
thơ
truyện
Anh Vân
từng trang tĩnh lặng
xếp gầy thời gian
một thời áo lính
điếu thuốc xẻ mười
ru nhau giấc nhỏ
trong chiến trường địa ngục
thơ học trò vừa chạy vừa xem
chừ
trong lòng đất
tiếng dế khóc cầu hôn
tôi đứng lặng tiễn nụ cười vô tận
người bạn thơ văn

cúi đầu
ngôi sao xa lấp lánh đón: Anh Vân

Chiều mơ
chiều mùa hạ
nắng Houston vàng dịu
nỗi lòng mình thêm nhớ trải tình mong
cây đổ bóng
về Đông Phương gởi gắm
Sài Gòn ơi! ta tâm sự chất chồng
chừ vạn dặm
buồn vươn cao hơn núi
núi nằm yên, sông cuộn xoáy sân lòng
chiều sẽ tắt
nắng trườn qua đỉnh thác
mắt vương theo, vách đá đuổi quay về
em chờ đợi
sân ga chiều nắng nhớ
nắng như tàu, đi đến thế mà thôi
anh quay quắt
hoàng hôn về vội vã
mong làm sao cho kịp chuyến em chờ
mình gặp lại
tóc em vui chẻ nắng
ôm tuổi đời, ta vẫn trẻ như thơ.

KHÔNG CÓ EM
không có em
anh chỉ là một tên say khờ dại
sống lang thang trong vô nghĩa cuộc đời
lửa mặt trời, hồn đốt cháy tả tơi
thàng đá cuội, phơi sương buồn rã rượi
không có em
mùa xuân ai chờ đợi
trái đất này cát bụi phủ màu tang
cả gối chăn, băng giá cũng dâng tràn
anh như một A Đam thời đất hứa
không có em
nhân loại đâu còn nữa
sách viết gì? ngôn ngữ nói điều chi?
cả thơ anh, thơ cũng chẳng biết gì
tim rả nát trôi hoang vào núi lửa
không có em
mắt anh đâu cần nữa
mắt làm gì khi chẳng được nhìn nhau
kẻ đui mù còn bớt được niềm đau
hơn ánh sáng mà tìm em chẳng thấy.

Phan Các Chiêu Hằng
Chiều trên đồi suối bạc
ta nằm giữa đất trời
trên đỉnh đồi suối bạc
chiều nhạt bóng thu phơi
lệ sương đau nhánh tóc
ta nằm nơi phố lạ
nghe năm tháng mịt mùng
bới tìm bao thương nhớ
niềm đau soi mắt trong
ta chờ mãi mùa thu
về qua chân gõ nhẹ
trên phiến đời hư vô
phơi ngày xanh hoang phế
ta nằm đây nhớ lại
những bờ bến vô tình
chiều nay trên dốc núi
đời mệt nhoài lênh đênh
ta trú trong động khô
ôm trái tim sủng ướt
ngoài kia trời đổ mưa
mùa thu âm thầm chết
chiều lên đồi suối bạc
nghiềm ngẫm đời hôm qua
biết còn hay đã mất
áo lộng dưới trăng tà …
hóa là thiên thu
mùa xuân như mới về ngang
để rơi lại cánh hoa vàng làm tin
ngõ về dốc đứng chông chênh
trái tim bình thản bỗng hình như đau
nhớ xưa nắng trãi lụa đào
vườn ai hoa cúc tỏa ngào ngạt hương
đường lên chùa hai bên đường
có con bướm ngẩn ngơ vờn cánh bay
em từng bước nhỏ trang đài
dáng nghiêng thềm nắng hình hài bỗng xa
bàn tay vẫy chào hôm qua
tưởng trong giây phút hóa là thiên thu.
mai về phương ấy không
hư không là mấy cõi
mà hồn chia trăm đường
mắt cười công chúa nhỏ
còn gợn bóng mây buông
xa xôi là mấy thuở
hương còn thắm giữa hồn
môi mềm công chúa nhỏ
vẫn ấm một lần hôn
biển xa là mấy dặm
còn âm vang sóng cuồng
quanh tim công chúa nhỏ
trói mấy vòng tơ vương?
núi cao là mấy ngọn
nghiêng bóng xuống nghìn trùng
bước chân công chúa nhỏ
mai về phương ấy không?
ở một buổi tình cờ
gặp nhau cười nhắc chuyện xưa
nghe man mác lạnh hơi mưa ngõ về
hỏi nhau còn nhớ những gì
chút êm đềm thuở hẹn thề vu vơ
chút bâng khuâng, chút dại khờ
chút xôn xao buổi đợi chờ đón đưa
hỏi tình thơ nhẹ bay chưa
về theo mây trắng cuối mùa hoa niên.

đời sau
(gửi C.)

xin tay còn nuối vòng ôm
xin môi còn ấm nụ hôn ban đầu
xin yêu lần nữa, đời sau
ta về
dỗ giấc chiêm bao
đợi người

Kiêt Tấn
áo đỏ cầu tàu
chiều chiều ra đứng cầu tàu
ngó mong lụa áo rực màu đỏ tươi
nụ đâu chẳng nở môi cười
sao em nỡ để bùi ngùi dạ anh
bờ sông anh đứng một mình
chờ xe em đạp thình lình hiện ra
nối xe anh đạp tà tà
xe em quẹo trái anh rà rà theo
một cơn gió lốc bay vèo
thuyền hương em thả anh chèo mải mê
“dù em lạc sở sang tề
thì em nhớ gởi thơ về anh hay”
biết không em anh ngóng hoài
an thành làm chứng miệt mài cù lao
lục bình dù có ra vào
lòng anh thề chẳng phai màu đợi em.

cầu lộ cầu lầu
an thành vườn tược tốt tươi
bắc qua đò lại rộn người chợ đông
cổ chiên ồ ạt tuôn dòng
cù lao trồi ngó vĩnh long đất liền
bốn bề sông nước tràn biên
cầu gần cầu lộ cầu thiềng đức xa
cầu lầu cái cá bắt qua
chờ cho đêm xuống để ta thăm nàng
sân em có cội mai vàng
đường anh xanh mát hai hàng me tươi
tan trường vang guốc rộn vui
anh ra cửa sổ lui cui đánh đờn
sáu dây phiếm cũ đã sờn
tình si em rạng nguồn cơn chăng nào.

Vũ Linh