Sau mùa giông bão

Long và Quỳnh dìu nhau đến ngồi trên chiếc cầu gỗ bắt ngang con mương nhỏ ở khu vườn phía sau. Con mương với dòng chảy hiền hòa, êm ả cung cấp nước quanh năm cho hai vụ mùa ở khu vực này. Hai bên bờ mương, lau lách mọc đầy. Những chú cá đủ loại, thỉnh thoảng trồi lên mặt nước đớp mồi tạo nên những gợn sóng mơ hồ chắp chới mông lung. Đây là lần sau cùng họ gặp nhau vì ngày mai Quỳnh phải theo Bác Sĩ Tân về Sài Gòn sau khi lễ cưới hoàn tất. Dưới ánh trăng thu vằng vặc, hai người ngồi sát vào nhau giống như một pho tượng đôi. Ba má Quỳnh là một đôi vợ chồng nông dân nghèo, suốt đời lam lũ trên hai thửa ruộng và một miếng vườn nhỏ bao bọc quanh nhà. Họ luôn ước mơ có một ngày nào đó, đời sống của họ khá giả hơn. Niềm mơ ước đó kéo dài lê thê cho đến một hôm có người mai mối Quỳnh cho Tân, một Bác Sĩ góa vợ, con của một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Ông bà Trần mừng húm. Niềm ước mơ của ông bà giờ đây được gởi thác trên người Quỳnh. Ông bà dùng đủ mọi cách để thuyết phục nàng. Cuối cùng Quỳnh cũng phải khuất phục trước quyết tâm sắt đá của ông bà. Nàng đem hết mọi việc kể cho Long nghe. Với bản chất hiền hòa đôn hậu của một chàng trai miệt vườn, Long chỉ biết chấp nhận sự tan vỡ của mối tình đầu như một việc tất nhiên vì gia đình chàng quá nghèo. Sau đêm gặp Quỳnh, Long bỏ lên Sài Gòn vì chàng không đủ can đảm nhìn người yêu của mình lên xe hoa. Long sống lang bạt ở Sài Gòn một thời gian rồi tình nguyện vào quân đội, phục vụ ở một đơn vị tận ngoài Vùng 1 Chiến Thuật.

Cưới nhau gần 2 năm rồi mà Quỳnh và Tân vẫn chưa có mặt con nào. Tân suốt ngày ở bệnh viện. Khi tan sở lại đi đâu đó cho đến gần nửa đêm mới về. Quỳnh thui thủi ở nhà một mình. Nguồn vui duy nhất của nàng là đọc sách. Thỉnh thoảng Tân cũng có đưa Quỳnh đi ăn hoặc dạo chơi ở một vài nơi nào đó, nhưng Quỳnh thừa biết đây chỉ là việc làm bất đắc dĩ của Tân để lấp vào cái khoảng trống giữa hai người. Ngồi một mình ở phòng khách. Cái vắng lặng về đêm trong căn nhà rộng lớn làm Quỳnh rùng mình. Nàng vói tay lấy tờ tạp chí mở ra đọc. Những hàng chữ nhảy múa nhòe nhoẹt truớc mắt Quỳnh. Nàng đưa tay lau nước mắt định trở về phòng thì Tân bước vào:
“Em chưa ngủ à?”
“Em đang chờ anh”
Tân không nói gì thêm, vói tay cầm tờ báo, nhìn thoáng qua rồi lặng lẽ về phòng. Thái độ lạnh lùng, im lặng của Tân càng kéo dài càng làm cho Quỳnh bồn chồn, lo lắng. Quỳnh đang chờ đợi một cái gì đó sẽ xẩy ra sau lần Tân vô tình bắt gặp lá thư của Long gởi cho nàng hồi hai người vừa mới yêu nhau, nhưng đã nửa năm rồi mà chưa thấy Tân tỏ ra một thái độ nào rõ rệt. Cũng với cái vẻ lầm lì cố hữu. Cũng đêm đêm lầm lũi hiện về như một bóng ma.
Ông bà Trần dưới quê lên thăm, đang trò chuyện với Quỳnh ở phòng khách thì Tân bước vào. Nhìn thấy ông bà Trần, Tân chào lấy lệ rồi quay trở ra cửa đi luôn. Ông bà Trần ngẩn người nhìn Quỳnh. Nàng cúi đầu nói khẽ:
“Ba má về đi”
Ông Trần nhìn Quỳnh với đôi mắt đầy ngạc nhiên, lo lắng:
“Vợ chồng phải hòa thuận với nhau”
Trên chiếc taxi, ông Trần ngồi ở ghế trước đăm chiêu nhìn ra bên ngoài. Bà Trần ngồi băng sau với Quỳnh:
“Hai người xẩy ra chuyện gì vậy?”
Quỳnh nói khẽ vào tai bà Trần:
“Chuyện dài dòng. Vài bữa nữa về thăm nhà, con sẽ nói cho ba má biết”.
Bà Trần biết có hạch hỏi thêm cũng chẳng được gì, nên cũng ngồi im lặng nhìn ra bên ngoài. Cảnh phồn hoa đô hội của Sài Gòn làm bà choáng mắt. Bà thở dài sườn sượt… Đưa ông bà Trần về xong, Quỳnh ghé qua nhà Loan, một người bạn chí thân từ thời còn đi học. Nhìn vẻ mặt buồn buồn của Quỳnh, Loan ái ngại:
“Có chuyện không vui à? Độ này anh Tân ra sao rồi?”
“Cũng vậy thôi”
Loan nhìn thẳng vào mặt Quỳnh không nháy mắt. Quỳnh bối rối trước cái nhìn quái gở của bạn:
“Làm gì mà mày nhìn tao như muốn ăn tươi nuốt sống vậy?”
“Quỳnh à! Có việc này muốn nói với mày từ lâu, nhưng tao cứ ngần ngại mãi”
“Có gì cứ nói. Bộ mày quên hai đứa mình là cặp bài trùng rồi sao?”
“Anh Tân đã… đã…”
Quỳnh đoán biết Loan muốn nói gì, nhưng nàng tỏ ra vẻ tò mò:
“Nói đi. Sao cứ ấp úng hoài vậy”
“Anh Tân có bồ bên ngoài”
Quỳnh tỉnh bơ như chẳng có gì quan trọng:
“Thì có sao đâu”
“Hả? Chuyện như sét đánh mà mày tỉnh queo. Tao phục mày sát đất rồi đó Quỳnh”
“Thực ra tao cũng biết việc này từ lâu rồi. Có điều tao không muốn làm lớn chuyện. Cứ xuôi theo tự nhiên thì hơn”
Loan giương cặp mắt tròn xoe nhìn Quỳnh:
“Bộ mày điên rồi sao?”
“Thôi tao về”
Quỳnh vừa nói vừa đứng lên bước ra cửa. Loan ngã người trên ghế salon lẩm bẩm có thiệt không vậy, chồng có bồ khác mà tỉnh queo!…
Về đến nhà, bước lên lầu, Quỳnh thấy Tân đang ngồi với một người đàn bà trẻ đẹp. Quỳnh khựng lại. Tân vừa dìu người đàn bà đứng lên vừa ném xuống bàn một xấp giấy rồi cả hai cùng bỏ xuống lầu. Quỳnh mở xấp giấy ra xem, thì ra đây là bản sao tập hồ sơ xin ly dị của Tân. Quỳnh lẩm bẩm:
“Việc phải đến cuối cùng rồi cũng đến”
Hồ sơ xin ly dị của Tân được giải quyết êm thắm tại Tòa, vì cả hai đương sự đều không có một khiếu nại nào. Sau phiên tòa vài ngày Quỳnh từ giã Tân về quê sống với ông bà Trần. Ông bà Trần cảm thấy hối hận về chuyện ép hôn nên cư xử rất thân thiện hòa nhã với Quỳnh. Ngược lại Quỳnh cũng tỏ ra vui vẻ cho an lòng cha mẹ trong lúc tuổi già.

Cuối năm 1968, Tân bị động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau khi học xong chương trình huấn luyện quân sự cơ bản, Tân được chuyển về ngành quân y, phục vụ tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, nhưng mới được 6 tháng thì bị thuyên chuyển ra Vùng I Chiến Thuật, phục vụ tại một bệnh viện dã chiến của Trung Đoàn 51 bộ binh. Từ những năm 70 trở đi, tình hình chiến sự tại Vùng I Chiến Thuật vô cùng sôi động. Trung Đoàn tổ chức hành quân liên miên. Hàng ngày Tân phải tiếp nhận và chữa trị rất nhiều thương binh từ mặt trận chuyển về. Trong số đó, Tân đặc biệt tận tâm chửa trị cho một Thiếu Úy mà chàng đã quen khá thân từ những ngày đầu đáo nhận đơn vị. Tấm thẻ bài khắc tên Phạm Long còn dính đầy máu. Sau một thời gian điều trị, Tân quyết định chuyển Long ra Tổng Y Viện Duy Tân, nơi có đầy đủ phương tiện để điều trị tốt hơn. Một tháng sau Tân ra Đà Nẵng thăm Long.
“Sao ông bạn thấy đỡ phần nào chưa?”
“Đã bớt nhiều rồi. À này Tân. Mày giúp tao một việc được không?”
“Được chứ. Chuyện gì vậy?”
“Nhờ mày viết một lá thư gửi về cho ba má tao. Bàn tay phải của tao bị đơ cứng, không cử động được”
“Yên chí. Nhưng phải viết như thế nào?”
“Tao đọc cho mày viết”
“Đọc đi”
Kính ba má,
Độ này ba má có khỏe không? Ba má nhớ giữ gìn sức khỏe. Phần con vẫn bình thường. Ba má đừng lo gì cả. Ít hôm nữa con sẽ xin phép về thăm ba má. À, Quỳnh độ này ra sao rồi má? Thằng Lượng viết thư cho con bảo là Quỳnh đã ly dị với Bác sỉ Tân, có đúng vậy không má?
Nghe Long đọc đến đây, Tân chợt nhớ đến lá thư Long gởi cho Quỳnh hồi hai người vừa mới yêu nhau. Chàng thắc mắc tại sao lại có sự trùng hợp lạ lùng thế này? Tân ngừng viết hỏi:
“Này Long. Có phải quê mày ở xã Tân Hoài, Huyện Mỹ Sơn, tỉnh Kiến Hòa không vậy?”
“Sao mày biết?”
“Ờ, hồi nãy tao hỏi Bác Sĩ mày nằm phòng nào, ông ấy có hỏi lại tao quê quán của mày ở đâu”
“Thì ra là vậy”
Tân nhanh trí bịa chuyện thật tài tình khiến Long không còn thắc mắc gì cả. Tân với giọng buồn buồn nói:
“Đọc tiếp đi”
“Tao đọc đến đâu rồi Tân?”
“Chỗ mầy nói Quỳnh ly dị với Bác Sĩ Tân nào đó. Ờ… ờ mầy hỏi má mầy Quỳnh đã ly dị với Bác Sĩ Tân rồi phải không”
“Thôi Tân. Tao thấy hơi mệt. Như vậy cũng được rồi. Mầy ghi địa chỉ này rồi ghé bưu điện gởi đi giùm tao được không?”
“Được. Thôi tao về. Chúc mày mau lành”
Tân nói xong bỏ đi ngay. Bầu trời Đà Nẵng âm u lất phất mưa phùn. Tân lên xe bảo tài xế ghé bưu điện bỏ thư rồi lên đường trở về đơn vị. Đêm đó Tân trằn trọc mãi, không làm sao chợp mắt được. Không lẽ mình còn thương Quỳnh chăng? Không lẽ mình ghen với Long chăng? Tân tự mâu thuẩn với mình. Tân nghĩ về người đàn bà đã xúi chàng ly dị với Quỳnh để làm lại cuộc đời, nhưng khi chàng vào quân đội không bao lâu thì bà ta lại cặp bồ với một Bác Sĩ khác cùng làm chung bệnh viện với chàng lúc trước.
Long xuất viện với đề nghị giải ngũ vì bàn tay phải bị đơ không thể cầm súng được. Long ghé đơn vị để từ giã bạn bè trước khi trở về quê nhà chờ ngày ra Hội Đồng Y Khoa. Long rủ Tân về Hội An uống cà phê. Tân vui vẻ nhận lời. Tân cho tài xế nghỉ phép và chàng tự lái xe cùng Long về Hội An. Thời tiết Quảng Nam Đà Nẵng vào mùa này lúc nào cũng mưa lâm râm, gió thổi nhè nhẹ tạo thành một không gian u ám, buồn tẻ. Ngồi trên xe, Long nói luôn miệng còn Tân thì chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Thành phố Hội An chìm trong lớp mưa phùn dày đặc. Tân cho xe đậu lại trước một quán cà phê. Chủ quán là một góa phụ tuổi chừng ba mươi, khá đẹp. Nghe nói chồng bà ta đã chết trong trận Mậu Thân, để lại cho bà cái quán cà phê này.
“Cô em cho ly cà phê đen”
Cô chủ quán trề môi. Vành môi đỏ hồng trông rất khiêu gợi.
“Ê! Gọi chị đàng hoàng nghe không?”
“Nhưng em lỡ yêu chị rồi làm sao đây?”
Thì ra Long thường “chuồn” về Hội An ghé quán cà phê này tán gẫu. Khác với bản tính đôn hậu thư sinh khi còn ở quê nhà, Long có vẻ sỏi đời hơn nhiều. Long hỏi Tân uống cà phê gì. Tân trả lời lập lờ cà phê gì cũng được. Tân thả khói thuốc thành những vòng tròn trông rất đẹp. Bà chủ quán bưng hai ly cà phê đặt trước mặt hai người rồi nhìn Long nguýt một cái. Đây là cách câu khách của những bà chủ quán dày dạn trong nghề. Long vừa nhâm nhi cà phê vừa kể cho Tân nghe về mối tình đầu của mình ở quê nhà.
“Mày biết không. Tao và Quỳnh yêu nhau thắm thiết. Cứ tưởng sẽ ăn đời ở kiếp với nhau. Nào ngờ có thằng Bác Sĩ mắc dịch ở Sài Gòn cướp mất”
“Vậy mày có hận ông ta không?”
“Hận làm mẹ gì. Đời là vậy đó. Con chim trong lồng, con cá trong chậu có khi còn bị vuột mất, huống chi…”
Long nói đến đây bỗng khựng lại. Nét mặt chàng biến đổi thật nhanh. Ngoài trời cơn mưa phùn vẫn bay lất phất trong gió. Long nhìn ra ngoài thở dài sườn sượt. Tân biết rõ tâm trạng của Long nên cố tình lảng sang chuyện khác:
“Khi nào mày về Kiến Hòa cho tao gởi lời thăm mấy người bạn của mày nghe”
Long nhìn châm bẩm vào mặt Tân:
“Bạn tao mắc mớ gì đến mày mà gởi lời thăm?”
Tân ú ớ:
“Ừ, thì tao coi mấy đứa con gái làng mày như những em gái hậu phương của tao thôi mà”
Long không nói gì thêm. Nét mặt chàng u ám như cơn mưa phùn đang bay lả tả bên ngoài song cửa. Long nhớ đến Quỳnh. Những kỷ niệm của mối tình đầu luôn ám ảnh đến tâm tư tình cảm chàng. Long nhìn Tân với giọng buồn buồn:
“Ngày mốt tao lên máy bay. Không biết bao giờ mới gặp lại mày. Súng đạn vô tình, mày nhớ cẩn thận đấy”
“Rất tiếc tao không thể đưa mày ra Đà Nẵng được. Mày biết mà, không có phép làm sao vắng mặt qua đêm được. Hơn nữa dạo này các đơn vị đụng độ thường xuyên nên tao phải có mặt ở đơn vị để chăm sóc thương binh. Tao nghĩ nếu mình có duyên thì sẽ gặp lại nhau thôi”
Long gọi bà chủ tính tiền rồi cùng Tân ra xe. Tân cho nổ máy, bắt tay Long lần cuối rồi nhấn ga, chiếc xe trườn lên phía trước, bỏ lại một nhụm khói từ từ tan đi trong lớp bụi mưa phùn.

Quỳnh đang lui cui quét dọn ở sân trước, bất chợt thấy Loan từ ngoài cổng đi vào. Quỳnh vừa ngạc nhiên vừa mừng. Nàng ném cây chổi trên tay, chạy vội ra ôm lấy Loan. Hai người mừng mừng tủi tủi sau bao tháng trời xa cách. Hai người nắm tay nhau đi vào nhà. Ông bà Trần cũng rất vui, hỏi Loan đủ thứ chuyện. Thăm hỏi ông bà Trần xong, Loan kéo Quỳnh ra vườn sau, lục bóp lấy ra một phong thư đưa cho Quỳnh nói mày đọc đi. Tao dạo vườn mày một chút. Quỳnh ngồi xuống chiếc sạp gỗ kê dưới tàn cây, chậm rãi đưa phong bì lên xem. Nàng ngẩn người khi thấy ba chữ Huỳnh Quang Tân hiện ra trước mắt. Nàng do dự một chút rồi mở phong bì ra xem. Bức thư chỉ võn vẹn mấy dòng:
“Quỳnh ơi, Anh không dám nghĩ đến việc nối lại nhịp cầu đã gẫy. Anh chỉ cầu xin em tha thứ sự lỗi lầm của anh. Long, bạn anh sắp được giải ngũ và sẽ trở về quê nhà trong nay mai. Hy vọng hai người sẽ nối lại duyên xưa… Tân”
Đọc xong thư, một quá khứ đau buồn trổi dậy phủ kín tâm hồn Quỳnh. Nàng uể oải đứng lên, từng bước đến đưa bức thư cho Loan xem. Loan hỏi:
“Mày nghĩ thế nào?”
“Chuyện đã thành quá khứ rồi”.

Từ ngày trở về sống ở quê nhà, chiều nào Quỳnh cũng thả bộ trên con đường mòn râm mát xuyên qua mấy khu vườn dẫn ra cánh đồng phía trước. Cỏ cây, hoa lá, chim muông hai bên đường quyện lấy nhau hài hòa dưới ánh nắng chiều dìu dịu khiến Quỳnh vơi đi phần nào nỗi buồn trong quá khứ. Quỳnh đang thả nhẹ từng bước, chợt nghe tiếng chân người phía sau. Nàng quay lại, sững sờ khi nhận ra người đối diện mình là Long. Cũng với nụ cười nửa vui nửa buồn cố hữu, Long khẽ hỏi:
“Em khỏe không?”
“Dạ cũng được”
“Anh sắp được giải ngũ và sẽ về đây ở luôn”
“Em có nghe lờ mờ về việc anh bị thương. À, chắc anh biết em và Tân đã ly dị?”
“Nghe ba má anh nói”
“Thời gian trôi mau quá. Mới đó mà đã gần hai năm!”
“Ừ, gần hai năm rồi em nhỉ?”
Buổi chiều ở thôn quê thật êm ả. Hai người tiếp tục hướng về phía trước, sánh vai bên nhau trên con đường nhỏ xuyên qua cánh đồng lúa non xanh rờn bao la bát ngát.

“… Tình ngỡ đã phôi pha
Nhưng tình vẫn còn đầy
Người ngỡ đã đi xa
Nhưng người vẫn quanh đây…”
                                                                     Trịnh Công Sơn

Nguyễn Đức Nhơn

Sài gòn trong tôi

Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!… Sài Gòn ơi!”

     Chiếc phi cơ của hãng hàng không Korea airline hạ thấp dần. Thành phố Sài Gòn hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh khổng lồ. Những con đường, những mái nhà lô nhô, những chiếc xe đủ loại chen chúc nhau ngược xuôi trên những con đường chật hẹp. Tất cả lớn dần, rõ dần rồi mất hút khi bánh phi cơ cọ xát trên đường băng, gầm lên như một con quái thú. Tôi bước theo dòng người tiến vào nhà ga phi trường. Làm thủ tục nhập cảnh xong, tôi thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều. (Tôi nghe nói những chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế thường đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất về đêm, nhưng chuyến bay 1940 này phải nằm lại phi trường Seoul một thời gian vì thời tiết xấu).
     Chiếc taxi đưa tôi về nhà người em gái nằm trong thành Ô Ma. Khi đến đầu con hẻm anh tài xế cho xe đậu lại nói con hẻm này nhỏ quá chạy vô không được. Tôi nài nỉ xin anh cố gắng vào nhà giùm chứ hành lý của tôi quá nhiều làm sao đi bộ được. Cuối cùng anh tài xế cũng cho xe chạy vào con hẻm. Chiếc xe nhích từng chút. Anh nhấn còi inh ỏi. Miệng càm ràm nho nhỏ những gì tôi không nghe được. Tôi chợt nhớ lại khi xưa cũng con hẻm này:

Vào một chiều:

     Ông Hai Sẹo ngồi trên chiếc chiếu cũ, trải ngay trên lề con hẻm dẫn đến nhà em gái tôi. Ông chỉ mặc một chiếc quần đùi, tay cầm cây quạt bằng lá buông, vừa phe phẩy cho mát vừa đập mấy con ruồi. Rất hiếm thấy Hai Sẹo ngồi uống rượu với bạn bè. Thường thì ông ngồi một mình với một xị rượu và một dĩa mồi nhỏ. Ông rất dễ dãi với mọi người, kể cả đám trẻ con thường hay nghịch ngợm, phá phách. Người ta gọi ông là Hai Sẹo vì trên mặt ông có hai vết sẹo nhỏ, còn tên thật của ông là gì thì không ai biết. Con hẻm nằm trong khu vực thành Ô Ma. Một số gia đình bỏ quê chạy về Sài Gòn kiếm sống. Họ đến đây dựng những căn lều nhỏ, nằm sát nhau. Lúc đầu độ chừng vài chục gia đình, nhưng dần dần, cả con hẻm không còn chỗ nào trống. Ban ngày, khu nhà ổ chuột này chỉ thấy trẻ em và người già. Chiều tối con hẻm mới trở nên ồn ào đông vui. Ông Hai Sẹo là người sau cùng đến cắm dùi ở khu ổ chuột này. Ông sống hòa đồng, cởi mở, vui vẻ với mọi người nên chẳng ai buồn để ý, tò mò, tìm hiểu đời tư của ông làm gì. Chỉ biết ông là người miệt lục tỉnh và đến sống ở đây một mình. Nghe nói ông làm công nhân khuân vác cho một kho hàng xuất nhập cảng tận trong Chợ Lớn. Có lẽ vì vậy mà người ta chỉ thấy ông xuất hiện vào buổi chiều, khi thành phố sắp lên đèn.
     Có một điều trùng hợp khá lý thú. Ở giữa con hẻm, nơi thường xảy ra những cuộc ẩu đả, giật xách những người đi bộ vào ban đêm, cũng có một ông tên là Hai Sẹo. Nhưng cái tên Hai Sẹo này được xác định lý lịch hẳn hoi, gần như mọi người ở đây đều biết rõ về cái quá khứ của lão. Để dễ phân biệt, tôi xin tạm gọi lão là ông Sẹo Ngực, bởi vì hai vết sẹo của lão nằm trong ngực, chéo lên nhau, hình như do bàn tay con người chứ không phải do một tai nạn nào đó gây ra. Mỗi lần uống rượu cao hứng, lão thường vạch áo ra và dõng dạc tuyên bố thằng Hai Sẹo này không ngán ai đâu. Bọn lính Lê Dương tao còn không coi ra gì ờ… ờ…
     Có lần ngang qua chỗ Hai Sẹo ngồi uống rượu, lại nhầm lúc lão Sẹo Ngực vừa vạch áo vừa la lối om sòm, ông Hai Sẹo nhìn tôi phân bua, cái quá khứ của hắn thúi hơn cứt, khai hơn nước đái mà lúc nào hắn cũng vạch áo ra cho thiên hạ xem. Ông trời cũng trớ trêu thật. Hai cái sẹo của hắn đáng giấu, hắn lại cứ khoe ra. Còn hai cái sẹo của tôi, nói thiệt nghe, nó rất xứng đáng được khoe ra, nhưng tôi muốn giấu lại không làm cách nào giấu được, hề… hề… ồ sẵn dịp, ngồi xuống làm một cốc chơi anh Hai.
     Tôi ngồi xuống ở một góc chiếu nói cảm ơn. Ông Hai sẹo cầm chai rượu rót vào cái chén nung bằng đất sét. Nét mặt ông thoáng một chút vui. Tôi nóc cạn chén rượu rồi nói bâng quơ, không cần đâu. Ông Hai sẹo nhìn chăm bẵm vào mặt tôi cất cao giọng nói sao không. Tôi ngước mặt nhìn trời. Bầu trời trước mắt tôi dường như bị thu hẹp lại thành một vệt sẩm đục vắt ngang đỉnh đầu. Tôi thở dài sườn sượt nói ở đời ai cũng có một vết tích gì đó để giấu và để khoe. Có người, vết tích hằn rõ bên ngoài. Có người lại chìm khuất bên trong. Nhưng dù trong, dù ngoài, dù xấu, dù đẹp gì rồi cũng khổ vì nó thôi. Ông Hai Sẹo dương cặp mắt sáng quắc nhìn tôi nói có chút triết lý. Tôi nói cộc lốc hình như vậy. Ông Hai Sẹo tò mò, anh nói giống như anh cũng có một vết sẹo đang nằm đâu đó. Có chứ. Nó nằm trong tim tôi. Ông Hai Sẹo nhìn theo một người đàn bà vừa mới ngang qua lẩm bẩm, cũng tại đàn bà cả. Ông chép chép miệng rồi quay qua tôi nói, ồ vậy thì không cần phải bận tâm. Không ai nhìn thấy được đâu… ờ… ờ… mà anh cũng không làm cách nào banh nó ra để khoe với thiên hạ được… hề… hề. Tôi nói, không phải thiên hạ mà là một người. Một người đàn bà?”. Hả?. Ờ không, ý tôi không phải vậy. Đùa thôi. Ông nói đúng. Là một người đàn bà. Vết sẹo trong tim tôi do bà ta gây ra nhưng chính bà ta cũng không hề hay biết. Còn tôi thì cho đến bây giờ vẫn không đủ can đảm mổ ngực mình ra cho bà ấy xem! Thôi nhé. Cám ơn cốc rượu. Chào.
Đèn đường bật sáng. Con bóng của tôi ngã dài trên mặt đường loang lỗ, gồ ghề dẫn đến cuối con hẻm và, đó là lần sau cùng tôi ngang qua con hẻm này. Mãi về sau, tôi mới có dịp ghé ngang thành Ô Ma, nhưng con hẻm lúc này chỉ còn lại đống rác, cột đèn, chó đói và… tôi!
Kỷ niệm xưa thoáng qua đầu tôi thật nhanh. Anh tài xế cho xe dừng lại ở căn nhà mang số 150 hỏi phải nhà này không?. Vâng anh cho tôi xuống đây. Cảm ơn nhiều.

     Sau ba mươi năm tất nhiên Sài Gòn có những thay đổi nhất định của nó. Có một số khu vực mộc lên những tòa nhà đồ sộ bề thế nhưng cũng có những khu vực vẫn còn giữ nguyên bộ mặt buồn hiu, hốc hác, bệ rạc… như một người đàn bà luống tuổi. Những ngày loanh quanh ở thành phố Sài Gòn, nơi mà tôi đã gởi gắm đầy ắp những kỷ niệm vui buồn của một thời trai trẻ, đã phơi bày những cảnh tượng khó lòng tin nổi. Những buổi họp mặt bạn bè bên cạnh những món ăn thơm phức, những chai bia ướp lạnh ngọt ngào, những cô hầu bàn xinh đẹp lả lơi. Thành phố Sài Gòn đã đổi mới chăng. Tôi không nghĩ thế. Tôi nhìn rõ bộ mặt giả tạo của Sài Gòn, nó mang dáng dấp của một mụ điếm già thất cơ lỡ vận, cố trét lên mặt những lớp phấn son dày cộm mà người ta cứ tưởng là nó đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Nó hiện rõ nét pha trộn màu sắc, đường nét của một họa sĩ tồi. Từ những tòa nhà năm bảy tầng. Từ những ngôi nhà lụp sụp. Từ những con đường chật hẹp già nua. Từ những gánh hàng rong đè nặng trên vai của những người buôn gánh bán bưng. Anh hiểu được gì qua những hình ảnh đó. Thật tình tôi không dám nghĩ về một Sài Gòn sau 30 năm xa cách.
Thắm thoát mà đã đến ngày rời Sài Gòn, trở về Mỹ. Bạn bè tụ họp từ giả nhau. Tôi bâng khuâng không biết còn có dịp trở về thăm lại Sài Gòn nữa không. Hay chuyến trở về Mỹ lần này sẽ là chuyến cuối cùng rồi vùi chôn thân xác ở một xứ sở ngút ngàn xa cách. Đứng bên trong cửa kính vẫy tay từ giã người thân và bạn bè, tôi lững thững đi vào bên trong. Bầu trời quê hương ảm đạm. Lòng người cũng ảm đạm. Tôi không dám nghĩ đây là lần từ giã cuối cùng.

Nguyễn Đức Nhơn