Cái Trọng Ty

Cái Trọng Ty
Khoái Châu

Ô lý sầu giăng ngàn dặm thẳm
Khoái châu bản địa bẻ kiếm treo
Oán ca nguyệt tận phường vô cảm
Nào hay thu tứ động bờ tây

Chuốt thêm túy lúy sầu viễn xứ
Đêm đêm ngóng vọng bến sao mờ
Thời lai mấy độ đời du thủ
Mắt bão đèn khuya vạn lý sầu

Phượng đã bao mùa trên bền cũ
Xanh xanh sóng nước vỗ bờ xa
Tráng sĩ ra đi không trở lại
Mồ hoa cỏ dại mấy thu phai

Vọng cố hương hề tiên tổ cội nguồn
Bến cộ đò xưa một chấm xanh
Đã mấy mươi mùa trăng cổ lục
vọng tiếng vô thanh tử cấm thành

Ta chôn tâm sự vô phương giãi
Có loài lau cỏ bạc mái đầu
Đêm kinh động sao mù mịt nháy
Tỉnh dậy mơ hồ nghe vó câu

Năm tháng chìm theo đạn réo tên bay
Hỡi những hồn ma ôm súng ngũ
Chân ôm mông mị về biên tái
Lính trận chết rồi ai khóc cho ngươi

Cũng đành thôi người bạn chiến chinh
Kiếp dã tràng xe cát phù vinh
Nhớ thương người bão dông trần thế
Đành thôi cuộc diện khuất sông hồ

Chiều Xanh Quan Ải

những ngọn cỏ chiều mưa
đầm đìa hạt lệ
tôi về qua nhà em
ước gì gặp lại
mây trùng dương từ mấy tâng cao
rơi xuống trần gian bơ vơ
đêm nguyệt táng thuyền trôi
mắt biển dài
chiều hiu quạnh lam mờ xám mái
tiếng đồng không lạnh lẽo âm cung
ngày đi nhà cũ lưa thưa gió
vệt nắng chiều ôm ấp mái hiên xưa

em yêu dấu
một thời động loạn
sông núi kinh hoàng
mang thương tích lầm than
chiếc bóng buồn lê tiếng xích thô
một ngày như mọi ngày trong tủi nhục
hạnh phúc phân thây nỗi ước mơ
dấu nhọc nhằn in sâu mắt biếc
bến tây phù bờ bãi khó đi

em xưa hồng nhạn bay về biển
theo mây thái cổ mờ trong tranh
chiều quanh quan ải chìm sương quạnh
đốm lửa tình ta lờ lững khói mây

Cái Trọng Ty

Luân Hoán

Luân Hoán
Nụ Thơ Hàng Xóm

khi đứng rửa chén một mình
thỉnh thoảng vô cớ thình lình liếc nghiêng
bộ bàn ghế đặt ngoài hiên
thoáng như có bóng ai yên vị ngồi

định thần nghiêng cổ trông vời
chỉ là cơn gió khẻ rời ghế không
giật mình tưởng tượng viễn vông
một con ma nữ môi hồng lén thăm

hai tay đầy bột xà bong
làm tuột đôi đũa theo dòng nước trong
nhích người xê dịch khoảnh hông
nhìn ra cửa kính mênh mông không người

cô hàng xóm có chồng rồi
tóc vàng môi rộng đẹp đôi Hoa Kỳ
lắm lần không biết nghĩ chi
cô làm tôi nhột chỉ vì nhìn qua

ánh mắt lạ lạ rất là
không đâu, rất khó thể mà, vẩn vơ
hẳn bị bắt gặp bất ngờ
đang rửa chén, dị, khù khờ thế kia

tôi lành như tấm mộ bia
của cô vợ đảm thật xua lâu rồi
làm sao tránh khỏi mơ chơi
chân dài bụng hở em ngồi hướng qua

một mình lúc thúc ở nhà
rửa xong đống chén lần ra hiên ngồi
con chim nuôi hót không tồi
mang ra luôn, thế một người bạn thân

vợ vắng, cô láng giềng gần
thiếu bàn cờ tướng bần thần cách chi
chờ dài cổ chưa thấy gì
ngoài quân với lính ông thi sĩ cùn

thơ cùng nước lọc uống suông

Hương Bài Thơ Cũ

bốn mốt năm xa chợt sáng nay
hương bài thơ cũ gợn chân mày
tiếng vàng thỏ thẻ reo hồn nhạc
đánh thức tình vui mở cánh bay

đứng lại trên hè ngã tư xưa
một thời chờ đợi run tay đưa
đôi câu viết vội trên bao thuốc
tim đập liên hồi quên gởi thưa

kịp nhớ bàn tay rất thẹn thùng
giấu ngay vào vạt áo rung rung
quay mình thả bước nhanh theo bạn
nhưng gót chừng như vướng nhớ nhung

em khuất dần trong đám bạn bè
ta vào trở lại quán cà phê
trái tim rộn rã chưa kịp tĩnh
và suốt cả ngày như vẫn mê

ta vậy, còn em… đến bây giờ
mới hay em vẫn đợi chờ thơ
những hôm qua ngã tư quen ấy
ta vắng, em buồn lo ngẩn ngơ

tội nghiệp cho em đã hết lòng
vì thơ, đã vội vã qua sông
mang theo tất cả bao câu chữ
truy niệm cuộc tình chẳng trổ bông

cảm tạ tình em nuôi dưỡng thơ
ươm thơm thương nhớ đến bây giờ
cũng may thơ chính là em đấy
ta với em là… cũng chính thơ

vốn hiểu lòng nhau đã quá lâu
từ hôm mắt chạm mắt lần đầu
bài thơ không chở nguồn ngôn ngữ
chỉ đựng tình yêu trao gởi nhau

vẫn nhớ đêm trong cánh võng xanh
đêm trên nền phản ván yên lành
mắt tình quấn quít tay không chạm
hạnh phúc reo theo gió lướt mành

sẽ nhắc nhiều hơn kể nhiều hơn
cửa đông mãi ngát những hương thơm
hương bài thơ cũ chưa hề cũ
vẫn mới tinh khôi ở trong lòng

Đưa Đò

đưa người tha thiết đưa người
lạ quen qua lại ngược xuôi mỗi ngày
dòng nước chảy ngày hôm nay
khác hôm qua khác mai này ra sao ?

miên man gió thở rì rào
vi vu gió hát nắng đào mưa bay
đôi bờ chim hót trong cây
bình yên hoa nở lá dày cành xanh

người chậm chạp kẻ tinh nhanh
cùng chung vẻ đẹp hiền lành bao dung
con đò từ tốn khiêm cung
tay dầm khua nước vui chung với lòng

hỡi ơi ai đã qua sông
có nghe tiếng sóng của sông của người ?
tưởng chừng như chẳng buồn vui
man man tâm sự ngậm ngùi xót thân

vu vơ có được mấy lần
ngắt hoa súng đặt nơi chân đứng người !
chỗ ngồi gió thổi mất hơi
vẫn như đọng lại nụ cười vu vơ

bờ qua rồi lại qua bờ
trên trời dưới nước mây hờ hững trông
người đưa đò phút ngồi không
hình như biết nhớ biết mong điều gì

hồn nhiên trời đất thầm thì
con đò chiếc lá tre đi lừng khừng
sóng trong nước còn nhớ nhung
sóng trong lòng có nhịp rung theo đời ?

trôi sao mau hết kiếp người
hỡi ơi !

Luân Hoán

Lãm Thúy

Lãm Thúy
Còn Nói Gì Quên Nhớ

Đời sống không tiếng than
Ta ngậm niềm ly biệt
Lặng lẽ qua tháng năm
Cũng không cần ai biết

Còn hỏi ta làm chi
“Đâu những điều bất toại?”
Nào ta đạt được gì
Suốt cuộc đời trôi nổi !

Ba mươi năm rồi sao?
Tưởng như vừa mấy bữa
Gió thổi buốt lòng sầu
Ta qua sông lần đó

Một lần là trăm năm
Còn nói gì quên, nhớ
Sông dài, cá mù tăm
Chim bay trời giông tố

Tại người nhắc chuyện xưa
Nên lòng ta lạ quá
Qua hết thời mộng mơ
Sao tim còn rộn rã…?

Cảm Xúc

Cứ như là thuở ban đầu
Khi ta đứng nép vào nhau. Chụp hình
Chạm nhau rất khẻ. Vô tình
Mà trong tim – máu vỡ thành tiếng ngân

Nghe chừng nắng rọi đầy sân
Như xưa dại dột. Có lần… Ồ ! Không…
Lâu rồi , ai nhớ mà mong
Ai thương mà đợi. Ai trông mà về !

Lạnh lùng như thuở xưa đi
Không dưng gặp lại . Chẳng vì ước mơ
Thực ra . Chỉ tại tình cờ
Nói chi như thể tình xưa vẫn nồng

Nhớ làm chi một bờ sông
Buổi đưa tiển ấy. Nhắc. Lòng còn đau
Không thương sao nhỏ lệ sầu
Không thương sao để vì nhau mỏi mòn?

Có người tóc bạc. lòng son
Đã thành quá vãng vẫn còn bâng khuâng
Nói gì như mấy mươi năm
Nỗi rung động ấy vẫn thầm trong ta

Nhắc gì tóc chải năm xưa
Soi gương chung bóng còn chưa quên người
Nhớ chi cho tội một đời
Đã muôn trùng vậy, ngậm ngùi mà chi !

Nói gì trong mắt ngày đi ?
Tay còn chưa chạm, đường thì xa xôi
Người về nhớ nữa hay thôi
Ta sang bên ấy, một trời hoài mong

Biết Sợ Thời Gian

Ôi! Ta từ quá tuổi năm mươi
Biết sợ thời gian, sợ bóng đời
Năm tháng lăn dài con dốc thẳm
Ngậm ngùi nghe đá nát, vàng phai…

Đâu có nhiều chi mộng tuổi xanh
Mà bao chìm nổi, thác qua ghềnh
Trăm năm ngó lại. Đời như khói
Một nhánh sông buồn. Ta quẩn quanh…

Một nhánh sông buồn. Ta nổi trôi
Hoa rơi, bèo giạt xót xa đời
Nở trong ly loạn thời binh lửa
Tan tác xuôi theo ngọn sóng giồi !

Hạnh ngộ, từ ly khóc đã nhiều
Sinh ly, tử biệt cuốn mình theo…
Trăm năm mà sống như nghìn tuổi
Một mảnh hồn tan nát, hắt hiu !

Ngó lại đời ta, lệ đã đầy
Nghe niềm tàn tạ rớt quanh đây…
Chiều thu, đứng lặng bên triền dốc
Xót lá thu vàng tơi tả bay !

Bày Tỏ

Có người, dù xa , vẫn nhớ người
Một thời nuôi mộng, thả mây trôi
Nằm nghe sóng vỗ con thuyền cạn
Đợi ánh đèn khuya hắt bóng soi

Ta cứ chờ như thế mỗi đêm
Nghe từng rộn rã bước chân quen
Bàn tay mầu nhiệm đêm thương tích
Người tái sinh đời ta. Chẳng quên !

Những ngày tháng đó dù tai ương
Mà còn mơ ước để sinh tồn
Người mang đến bao niềm hy vọng
Thả chiếc phao vào giữa đại dương.

Thuở ấy, lòng ta như gương soi
Ngưỡng vọng ai : Thiên sứ tư trời
Ôi ! Có lời thơ nào đủ đẹp
Để ta thành kính tạ ơn người !

Rồi đời phân ly , người xa người
Chân trời góc bễ đã chia phôi
Mấy mươi năm giữa dòng lưu lạc
Theo dấu tìm nhau cũng cạn đời !

Người tái sinh đời ta một lần
Xua ngày băng giá , trãi hoa xuân
Khi ta còn sống , còn hơi thở
Sẽ chẳng bao giờ quên nghĩa ân !

Sự sống người cho ta, đã trôi
Đứa con yêu dấu đã qua đời
Mà sao kỷ niệm còn lưu mãi
Năm tháng phai tàn. Đâu dễ nguôi !

Có người vẫn nhớ, dẫu muôn trùng
Vốn chẳng hẹn hò sao thủy chung?
Còn nghe vạt sóng bao năm cũ
Bâng khuâng , dào dạt vỗ bên lòng …

Ta bữa về thăm , có ghé qua
Bên bờ quê cũ hết còn hoa
Sao dời vật đổi từ lâu lắm
Chẳng dễ chi tìm ra dấu xưa

Người cũ không còn , cảnh chẳng quen
Khơi lòng ta một nén hương nguyền
Ngậm ngùi đứng lại, nghe tàn tạ
Nuốt thầm, sao lệ cứ dâng lên!

Lãm Thúy

Lê Ký Thương

Lê Ký Thương
Bánh Căn Đường Phố Sài Gòn

Một chiều Sài Gòn lất phất mưa, chạy xe trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tình cờ bắt gặp tấm biển nhỏ vỏn vẹn dòng chữ :”Bánh căn Phan Rang” treo trước căn nhà mặt tiền, lòng bỗng dưng nhớ đến hình ảnh bà Tự mỗi sáng ngồi đổ bánh căn ở cái thị xã nhỏ nhất miền Trung và cũng hiền hoà, bình yên nhất miền Trung trước năm 1975. Bánh căn vốn là món ăn dân dã, chỉ có ở miền Trung, người miền Bắc và miền Nam khi nghe nói đến, họ không thể hình dung ra là món gì.

Hồi nhỏ ở quê, mỗi năm đến mùa mưa lụt hay cuối mùa lúa, nhiều nhà trong xóm giàu thì đổ bánh xèo, nghèo thì đổ bánh căn. Trời lạnh, cả nhà ngồi quây quần bên lò bánh toả hơi nóng, chờ mẹ hay chị cạy bánh chín từ khuôn bỏ vô chén, phết một muỗng nhỏ hành xào với mỡ heo, vừa nóng vừa dòn, đậm đà với nước chấm, cắn một miếng nghe rôm rốp trong miệng, ngon thiệt là ngon! Thổi thổi ăn ăn, quên cả mưa giông hay bão tố. Không hiểu tại sao nó hấp dẫn mình đến thế! Thật ra, nó chỉ là chút bột gạo loãng, nếu sang thì pha thêm lòng trứng gà hay vịt, được nướng chín trong khuôn đất, nhưng ngon hay dở chính là nhờ tay người… pha chế nước chấm. Ăn mỡ với nước chấm nhiều khát nước, chạy ra vò nước giếng tu một gáo rồi vô ăn tiếp. Ăn đến lúc “cành hông” mới thôi.

Lớn lên, tôi về Phan Rang làm việc một thời gian. Buổi sáng đầu tiên, người bạn thân sinh trưởng ở đây mời đi ăn sáng. Anh nói sẽ đãi tôi món “đặc sản” nổi tiếng quê anh. Từ đường phố chính, cũng là đoạn hơn cây số của quốc lộ 1A, rẻ sang con đường nhỏ yên tĩnh, hai bên rợp bóng cây me Tây cổ thụ, đi trăm bước là đến nơi bán món “đặc sản” của anh. Đó là hàng bánh căn trên lề đườngï, đối diện với rạp chiếu bóng Việt Tiến, rất đông người chen nhau ngồi ăn, ngồi chờ trên những chiếc đòn gỗ nhẵn thín. Không hẳn là những người lao động tay chân mà có cả những cô môi son má hồng, những anh sơ-mi trắng đóng thùng và những cô cậu học sinh lớn nhỏ, khác xa hình ảnh những hàng bánh căn nép mình ở góc chợ mà tôi thường gặp suốt dải miền Trung. Một bà cụ khoảng bảy mươi, ngồi giữa hai lò bánh căn rực than hồng, bên cạnh là một xoong bột gạo thật lớn và những đồ đựng nhiều loại nước chấm khác nhau. Hai tay thoăn thoắt, bà vừa múc bột đổ bánh, vừa giở nắp khuôn nóng cạy bánh chín cho khách, động tác thuần thục. Bà đổ bột từ khuôn này sang khuôn khác một cách nhuần nhuyễn, không giọt nào rơi vãi ra ngoài. Thật điệu nghệ như người bán dầu phụng trong truyện cổ tích! Phụ giúp bà lo cho khách là người con gái tuổi cũng đã năm mươi. Tôi chú ý đến chiếc vá nhôm múc bột của bà, trên miệng khuyết một chỗ ở nơi bột chảy vào khuôn, thật đúng là “nước chảy đá mòn”. Cái vá khuyết ấy chính là dấu ấn không thể xoá được trong tâm trí của nhiều thế hệ sinh trưởng và làm việc trong lòng thị xã hết sức dễ thương này. Và cũng chính nó đã làm nên thương hiệu “Bánh căn bà Tự” nổi tiếng. Bánh căn bà Tự có nhiều loại nước chấm, ngoài mắm nêm, mắm nước trộn với xoài sống băm nhỏ, đặc biệt nhất là nước cá cơm kho (mà cá cơm cũng là đặc sản của vùng biển Ninh Thuận, hầu như có quanh năm)…

Hàng bánh căn bà Tự còn được khách đặt tên là “Đài phát thanh thị xã”, vì nơi này là “trung tâm thu phát và bình luận” mọi tin tức từ tin “xe cán chó” đến “chó cán xe”, từ chuyện gia đình ông A bà X trong cái thị xã chỉ cần “thở nhẹ trong nhà đã ra ngoài ngõ”õ đến chuyện quốc gia đại sự… Mẹ con bà Tự thay nhau làm “phát thanh viên”. Vì vậy có người ghiền đến đây không chỉ để ăn mà còn để nghe tin nóng hổi, giống như người Sài Gòn ghiền đọc báo sáng sớm. Đôi khi khách hàng trung thành của bà Tự cũng hụt hẩng vì có hôm đến mà không thấy “đài” cũng chẳng thấy “phát thanh viên”. Lúc đó, không nói ra ai cũng biết rằng có “VIP lớn” về. “VIP lớn” ở đây không ai khác hơn là tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu quê làng Tri Thuỷ, cách thị xã khoảng mười cây số, thời nhỏ cũng từng ăn bánh căn bà Tự,ï nên mỗi lần về thăm tỉnh nhà đều cho xe rước mẹ con bà và cả đồ nghề vào dinh Tỉnh trưởng, nơi ông trú ngụ, đổ bánh cho ông điểm tâm.

Có người không phải dân Phan Rang chính gốc, chỉ sống ở đó một thời gian, nhưng khi đi xa vẫn nhớ bánh căn bà Tự. Cô bạn Việt kiều gốc Bắc, thuở nhỏ học ở Phan Rang, xa nơi chốn này gần nửa thế kỷ, khi về nước lần đầu, ghé lại đó chỉ cốt mua cho được lò bánh căn của người Chăm Bầu Trúc mang về tận Mỹ. Khi “hàng” về đến nhà an toàn, cô vui mừng điện thoại báo tin nóng cho bạn bè sống cùng tiểu bang biết “thành tích” của mình và mời họ họp mặt để khai trương lò bánh căn mang hồn đất quê nhà. Có người không ngại đường xa, lái xe mất năm tiếng đồng hồ chỉ để được cùng bạn bè ngồi quanh lò bánh căn đốt bằng lửa gas thay cho than củi vừa ăn vừa ôn lại những kỷ niệm ngày xưa.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Một lần lên Đà Lạt, người bạn rủ đi ăn bánh căn ở dốc hẽm đường Phan Đình Phùng. Hàng này cũng đốt lò bằng lửa gaz, lòng cảm thấy mất một nửa hứng thú, mặc dù trời se lạnh rất hợp với không khí thưởng thức món ăn dân dã này. Người bạn chê mình nặng lòng hoài cổ. Đành chịu.

May mà bánh căn giữa phố Sài Gòn còn dùng than củi, nhưng họ không dùng vá mà dùng ấm trà nhôm rót bột vào khuôn, ngôn ngữ công nghiệp gọi là “cải tiến kỹ thuật”. Chủ hàng bánh căn nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tuy cũng là dân Phan Rang nhưng đã sinh sống ở Sài Gòn từ bé, không phải là hậu duệ của bà Tự. Nhưng đặc biệt những người đổ bánh và chạy bàn đều là người Phan Rang để bảo đảm thương hiệu “Bánh căn Phan Rang” của họ. Thương hiệu này nói lên đặc sản của địa phương, giống như “Nem Ninh Hòa”, “Bún bò Huế”, “Bánh tráng Trảng Bàng”, “Chả cá Lã Vọng”… Còn khách hàng bây giờ phần đông có lẽ ăn vì cái tiếng hơn là vì cái miếng. Họ là những trai thanh gái lịch, hay những người lớn tuổi đưa cả gia đình đi ăn bằng taxi hay xe riêng. Món ăn này giờ đây đã lên… bàn chớ không còn cảnh người ăn ngồi bệt quanh lò, nôn nóng chờ từng cái bánh lốc từ khuôn ra chén, nên không còn là món ăn của con nhà nghèo. Chỉ có con nhà nghèo ngày xưa bây giờ đã khá giả mới rủ bạn bè, gia đình vào đây để ăn chút… kỷ niệm xa vời.

[/read]

Hồn Sách Cũ

Tôi chẳng nhớ cái máu mê sách cũ đã “lậm” vào người mình lúc nào… Hễ có tiền trong túi là phần xác dắt phần hồn tôi đến các cửa hàng sách cũ rẻ tiền trong thành phố. Ở đó, tôi có thể tìm mua được những quyển sách năm xửa năm xưa mà mình cần hay mình thích, với giá hợp túi tiền khiêm tốn của mình. Những quyển sách này hiếm khi được đứng đàng hoàng trên kệ. Chúng thường nằm lăn lóc dưới nền nhà, bụi bám đầy “người”, có khi thân hình còn nguyên vẹn, có khi rách một vài trang, có khi áo quần (bìa) nửa còn nửa mất, hoặc bị lột sạch, mùi ẩm mốc xông lên khiến mình có cảm giác không còn mũi để thở. Chúng giống như những đứa con rơi. Mà chúng bị bỏ rơi thật! Vì chủ nhân của chúng không cần chúng nữa, để trong nhà cũng vô tích sự, lại thêm chật nhà, chi bằng bán cho mấy bà ve chai được đồng nào hay đồng đó. Rồi mấy bà ve chai lại đem bán ký cùng giấy, báo loại cho các cửa hàng sách cũ… Nhờ thế, những người mê sách cũ như tôi mới có duyên may gặp được… “người tình trong mộng”.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Rước quyển sách về nhà, trân trọng đặt nó lên bàn, ngồi lật từng trang, cẩn thận vuốt những nếp nhăn cho thẳng, dán lại những chỗ rách cho lành, tôi thấy phảng phất trên đó một bàn tay ngà ngọc hay một bàn tay thư sinh đã từng lật từng trang để đọc với niềm say mê, những câu, những đoạn đắc ý thì gạch bút đỏ hay đánh dấu bên lề. Rồi tôi hình dung khuôn mặt thể hiện tình cảm vui, buồn, yêu, giận khi họ bắt gặp những tình tiết trong cuốn truyện… Những cuốn sách xưa, có lời tặng ghi trang đầu, cho tôi biết rằng ngày tháng năm đó có một chàng yêu một nàng mà không dám trực tiếp tỏ tình, bèn mượn sách đưa duyên… Mà chàng hay nàng đó bây giờ đã có cháu kêu bằng cố, nếu lập gia đình trễ cũng lên chức nội, ngoại, hoặc đã thành người thiên cổ. Mới hay thời nào sách cũng “hỗ trợ tích cực” cho những mối tình đầu, dù mối tình không thành, nhưng cũng là một kỷ niệm đẹp. Đúng là “lật trang sách cũ, thấy hồn người xưa”.

Thật đáng khâm phục trí tưởng tượng phong phú bằng nhà văn Trần Hiuền Ân. Anh mua được một quyển sách cũ từ một bà ve chai – quyển “Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, in lại tại Pháp năm 1954, do Văn Mới xuất bản và phát hành tại Việt Nam. Chính hai câu ca dao: “Có trầu mà chẳng có cau, làm sao cho đỏ miệng nhau mà làm” viết trên trang đầu quyển sách cùng tấm thiệp chúc Xuân của một người đang ở trong Trại học tập cải tạo gởi về cho vợ con kẹp bên trong nó, đã gây niềm hưng phấn cho anh viết truyện ngắn Người chứng ít lời in trên báo Thanh Niên cách đây gần chục năm. Truyện vừa đến tay bạn đọc thì tòa soạn báo nhận được lá thư của một nữ độc giả nhận mình là cháu kêu bằng chú của nhân vật chính trong truyện, nhân vật đó cùng gia đình đã định cư ở Mỹ. Mặc dù truyện hoàn toàn hư cấu, nhưng lạ lùng thay, cuộc đời của nhân vật chính lại giống với cuộc đời thật của người chú cô độc giả kia! Đây không phải là một giai thoại mà là chuyện thật trăm phần trăm.

Sách cũ còn cho tôi biết được thời kỳ tiếng Việt còn phôi thai, cha ông chúng ta viết, học như thế nào. Giở bộ “An Nam sử lược” (2 quyển) của cụ Trần Trọng Kim, sách giáo khoa dành cho lớp sơ học, in lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1916, chúng ta sẽ thấy câu văn tuy dài lê thê, hết “cái sự” này đến “cái sự” nọ – có lẽ cách diễn đạt này bị ảnh hưởng tiếng Pháp thời bấy giờ – nhưng từng dấu phẩy, dấu chấm trong từng câu rõ ràng, dứt khoát, không hề có câu què. Bây giờ, thỉnh thoảng đọc vài cuốn sách hay bài báo của vài vị có học hàm, học vị, đang ngon trớn bỗng gặp một câu què hay chữ tắt, chữ ngược chận đường, tức cành hông, giống như mình đang say mê lái xe rượt theo một bóng hồng bất ngờ gặp đèn đỏ ở ngã tư đường! Lúc đó, đành tự trách mình không theo kịp “đà tiến triển của tiếng
Việt” chứ sách báo ngày nay đều có người đứng tên biên tập hẳn hoi kia mà. Cái đèn đỏ có tội vạ gì đâu mà trách, nếu mình biết rõ luật đi đường?

Sách cũ cũng dạy cho tôi biết được nhân cách của người làm sách thời xưa. Cầm quyển “Thơ Hậu Vân Tiên” của Nguyễn Bá Thời tân soạn, loại sách dành riêng cho giới bình dân thích truyện thơ, tuồng tích ngày xưa, đọc xong rồi vất, thấy ngay nơi trang bìa: tổng phát hành: Thuận Hòa, xuất bản: Phạm Văn Thình, bên lề trái ghi “Nhà buôn Thuận Hòa – 54, đ. Tháp Mười – Cholon” bên lề phải ghi “Bổn này ông Phạm Văn Thình đã nhường đứt bản quyền lại cho tôi: Trần-văn-Sửu”. Nhà buôn Thuận Hòa của ông Trần Văn Sửu chuyên tổng phát hành “các thứ thơ, tuồng hát bộ, bài ca, tiểu thuyết của nhà xuất bản Phạm Văn Thình”. Thật rõ ràng và trung thực, tuy lúc bấy giờ không có “Luật xuất bản” và “Luật bản quyền”!

Bạn là người mê sách cũ, chắc chắn sẽ có khi mua được những quyển sách có bút tích, chữ ký (và cả triện son) của tác giả đề tặng ông A bà B, cả những tác giả nổi tiếng và những người được đề tặng nổi tiếng. Khi gặp những quyển sách này, không phút giây chần chừ, tôi mua ngay, cho dù đã rách nát, hay đã có trong tủ sách. Tôi mua nó với ý nghĩ luôn nằm sẵn trong bụng là chỉ tốn vài ngàn, nhiều nhất là vài chục ngàn (hiếm khi), nhưng mình “cứu vớt” được linh hồn một quyển sách. Một quyển sách góp mặt với đời, ngoài danh xưng là đứa con tinh thần của tác giả còn có công sức đóng góp của nhiều người. Nào là người biên tập của nhà xuất bản, thợ xếp chữ, người sửa morasse, “xếp ty-pô” – (bây giờ là nhân viên ở khâu chế bản, bình phim), thợ nhà in, người làm ra giấy in, kim, chỉ khâu, keo, hồ dán v.v… Tác giả hãnh diện vì nó, sung sướng ngồi viết tặng từng người đáng kính, từng người thân yêu, bạn bè mà không hề nghĩ rằng có một ngày nào đó, vì duyên cớ nào đó, nó bị vất ra cửa hàng sách cũ! Thật tiếc thương cho số phận những quyển sách đó và đáng trân trọng mang nó về tủ sách nhà mình.

Năm nay, nhân Hội chợ Sách của Thành phố có sáng kiến tổ chức cuộc thi và trưng bày Những quyển sách “Vàng” được xuất bản cách đây năm mươi năm trở lên. Tôi nghĩ, đây là cơ hội tốt cho những người mê sách gặp gỡ và trao đổi nhiều điều thú vị quanh “những đứa con cưng” của mình. Và biết đâu, sáng kiến của Nhà xuất bản TP.HCM bước đầu sẽ tác động đến ý thức của thế hệ trẻ biết quí trọng và gìn giữ cẩn thận tủ sách gia đình mình.

Tiếng Chim

Tiếng chim chiền chiện
Chao liệng trên không
Dệt lụa tơ hồng
Mùa xuân hiển hiện

Tiếng chim chiền chiện
Chao liệng trên không
Ru giấc mục đồng
Tơ trời phụng hiến

Tiếng chim chiền chiện
Nhỏ giọt chân kinh
Khắp cõi ba sinh
Hưởng đầy phúc lạc.

Mơ Và Mộng

Trên tấm bố trắng tinh
Giữa bốn bề sóng động
Tôi thấy hiện nguyên hình
Một thảo lư thơ mộng.

[/read]

Ân Tình Và Nước Mắt
Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh

1.
Tháng 10 năm 1970, khi nhà thơ Tô Đình Sự vào Sài Gòn nhận Sự vụ lệnh biệt phái về Ty Thuế vụ Cam Ranh, thì bạn bè ở Phan Rang hết sức bất ngờ và ngỡ ngàng hay tin anh chết bất đắc kỳ tử vì tai nạn ô-tô!Mới cách đó hai hôm, anh còn kéo tôi đi nhậu với “băng” Thuế vụ, dẫu anh biết rằng tôi vẫn là… cá lòng tong chuyên phá mồi. Tô Đình Sự khoảng một năm trước khi mất, tính tình anh thay đổi hẳn.Từ một người ít nói, sống nhiều với nội tâm, với những mất mát, những khổ đau trong kiếp người, dù đang thanh xuân, anh trở thành một người “ồn ào”, lúc nào cũng “oang oang cái mồm”, ưa “cà khịa” với bạn bè, rất dễ làm mích lòng nhau. Trường hợp cụ thể nhất là giữa Tô Đình Sự với Chu Trầm Nguyên Minh.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Hai anh là bạn thân và bạn thơ với nhau. Khi Chu Trần Nguyên Minh in tập thơ “Quê hương Thơ và Nước mắt” do Mai thực hiện vào năm 1968 tại Phan Rang, ở căn nhà số 11 Nguyễn Thái Học, thì hôm đó có cả Tô Đình Sự, từ trường Hạ sĩ quan Đồng Đế Nha Trang chạy xe Honda vượt đoạn đường hơn một trăm cây số, về dự buổi ra mắt tập thơ của bạn mình. Trong không khí thân tình giữa một nhóm bạn bè văn nghệ ít ỏi ở Phan Rang, Sự vừa nhìn thấy bìa tập thơ do họa sĩ Thanh Hồ trình bày đã vội thốt lên: “Quê hương thơ và nước mắm”. Không biết có phải vì quê hương Phan Thiết của Chu Trầm Nguyên Minh nổi tiếng nhờ nước mắm không, hay vì một lý do nào đó động chạm đến lòng tự ái và cả lòng tự trọng, nên Chu Trầm Nguyên Minh “đỏ mặt tía tai”, hét to: “Đm., mày dám nói xóc óc tao hở? Có ngon thì ra đây chơi!” – “Chơi thì chơi, tao sợ gì mày”… Sáng hôm đó, thay vì bạn bè văn nghệ sẽ kéo đến quán cà-phê Diễm “uống cà-phê nghe nhạc Trịnh” ăn mừng tập thơ còn nóng hổi mùi mực in ronéo, thì phải can ngăn một cuộc ấu đả sắp xảy ra giữa hai người bạn thân nhau.

Khi Tô Đình Sự mất, bạn bè thân đều đưa anh đến nơi yên nghĩ cuối cùng là nghĩa trang Cà Đú. Tôi thấy Chu Trầm Nguyên Minh đứng một mình một góc nghĩa trang, đầu trần giữa cái nắng cháy da người của Phan Rang.Lặng lẽ buồn. Đôi mắt hoe đỏ vừa khóc tiễn đưa người bạn thân vắn số. Những giọt nước mắt ấy đã xóa tan phút giây giận bốc đồng của tuổi trẻ thường có. Những giọt nước mắt ân tình và cũng là thân tình!

Bốn mươi ba năm sau, khi tập san Quán Văn chuẩn bị ra số “Viết về Sông Dinh – Phan Rang”thì Chu Trầm Nguyên Minh, người từng sống và dạy học ở Phan Rang 10 năm, sốt sắng bảo tôi viết về Tô Đình Sự vì biết tôi là bạn thân của Sựvà một người làm thơ sinh sống ở Phan Rang nữa là Ngọc Thùy Khanh. Nhưng vì lý do vừa khách quan vừa chủ quan, tôi thất hứa với anh. Tôi chỉ cung cấp một số tư liệu về Tô Đình Sự có sẵn trên mạng cho Nguyên Minh thực hiện số báo này. Còn Ngọc Thùy Khanh thì tôi không quen.

2.
Sau Tết 2013, Nguyên Minh rủ tôi, Lữ Kiều và Sâm Thương về Phan Rang ăn giỗ người Cô – mẹ kế của Nguyên Minh – người mà tôi và bạn bè của Nguyên Minh gọi là Cô Hai, hay vắn tắt là Cô, một cách trân trọng. Trước 75, thời gian tôi sống ở nhà Cô chừng bảy năm, nhưng không liên tục, đi xa một thời gian chừng hai năm rồi về lại “căn nhà số 11 Nguyễn Thái Học”. Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp ở nơi chốn này.Cô và những người em của Nguyên Minh coi tôi như một thành viên thân tín của gia đình.Nhưng ngày Cô mất, tiếc rằng tôi không có mặt ở Phan Rang.Bây giờ là dịp thuận lợi để về dự ngày giỗ Cô.

Chúng tôi hẹn gặp nhau ở ga Sài Gòn để cùng nhau đi chuyến tàu đêm. Trước khi lên tàu, Nguyên Minh cho biết có thể Chu Trầm Nguyên Minh cùng đi trên chuyến tàu này để về thăm lại Phan Rang, nơi anh đã dạy học ở Trường Trung học Duy Tân và Trường Trung học Pklong Garai bảy tám năm trời.Nói “có thể” vì anh quyết định về chuyến đi muộn trong khi chúng tôi đã mua vé tàu trước đó rồi. Khi tàu bắt đầu lăn bánh, tôi là người nhỏ tuổi nhất, được bạn bè “đề cử” đi khắp các toa tìm xem có anh không. Tôi đi dần về phía toa ghế ngồi thì gặp anh, tay bắt mặt mừng, nhưng thấy vẻ mặt anh không tươi, không vui chút nào, mà thay vào đó là nụ cười xanh xao và gượng gạo. Tôi đã biết anh mang chứng bệnh ung thư gan sáu bảy năm nay, tôi hỏi anh có cảm thấy mệt không và sao không đi toa giường nằm. Anh trả lời: mình ngồi quen rồi, nằm nó lại mệt. Anh hỏi lại tôi: Thương đi tàu có khỏe không? Sở dĩ anh hỏi vậy là vì biết tôibị tai biến mạch máu não đã hơn ba năm. Tôi trả lời vui, cốt cho anh an tâm: Sức khỏe của mình hầu như bình thường, tốt, chỉ còn cơ bàn tay hơi yếu, mình đi làm bằng xe gắn máy, còn làm tài xế chở bà xã dạo phố được mà…

Khi tới Phan Rang, chúng tôi đã được Sơn, em của Nguyên Minh, đặt phòng trước ở khu resort nằm trên bãi biển Ninh Chữ. Tôi, Nguyên Minh và Chu Trầm Nguyên Minh ở cùng phòng. Lữ Kiều cùng Sâm Thương ở một phòng. Chúng tôi nói đùa với nhaubốn thằng mình thuộc hạng VIP, đi chơi mà đem theo bác sĩ riêng. Bác sĩ riêng của chúng tôi là Thân Trọng Minh, tức LữKiều, cả bốn đều là bệnh nhân của anh.

Lúc này, chúng tôi thấy Chu Trầm Nguyên Minh tươi tỉnh hẳn lên, đã bỏ lại nụ cười gượng của anh trên chuyến tàu đêm.Trong ba ngày vui chơi thăm thú và dự đám giổ Cô Hai ở Phan Rang, Chu Trầm Nguyên Minh được gặp lại người học trò cũ mà anh dạy vẽ ở trường Poklong Garai. Anh đã phát hiện người học trò này có năng khiếu hội họa đồng thời khuyến khích, giúp đỡ cậu ta đi theo con đường nghệ thuật. Anh học trò Đàng Năng Thọ ngày xưa bây giờ trở thành họa sĩ, hiện nay là Giám đốc Bảo tàng Chăm Ninh Thuận. Ở Phan Rang anh còn một cô học trò nữa ở trên đường đi xuống làng Tấn Tài, chúng tôi phải “lặn lội” trong đêm vì đường xá mới mở, không có đèn đường, hỏi thăm nhiều người mới tìm ra nhà. Cô học trò này nói nhờ anh động viên từ thời còn “học thầy” mà đến nay đã xuất bản trên 30 tác phẩm (!).

Đêm trước khi chúng tôi rời Phan Rang, con trai của Ngy Hữu mời “mấy chú” đi uống cà-phê ở quán “xịn và to nhứt” ở đây. Trong không khí bạn bè ấm cúng, thân tình và khung cảnh nên thơ, Chu Trầm Nguyên Minh mặc sức trút bầu tâm sự. Anh kể lại cái duyên gặp lại Nguyên Minh vào năm 2012 để rồi không ngờ có hứng viết lại và viết nhiều, viết hăng sau khi “bỏ bút” từ tháng 3 năm 1975. Rồi anh kể sang giai đoạn đi “học tập cải tạo”, giai đoạn làm huấn luyện viên tennis ở Sài Gòn khi đưa cả vợ con từ Phan Rang vào, nhờ thế mà có tiền nuôi vợ, nuôi con ăn học đàng hoàng… Anh say sưa kể hết chuyện này sang chuyện khác, chúng tôi chỉ im lặng ngồi nghe. Lần đầu tiên tôi thấy anh phấn chấn nói nhiều như vậy. Tôi trộm liên tưởng tới trường hợp “đột biến” của Tô Đình Sự, bạn thân của anh và cũng là bạn thân của tôi.

3.
Trước Tết 2014, khi nghe Đỗ Hồng Ngọc cho biết tin Chu Trầm Nguyên Minh đã vào bệnh viện trở lại, tôi bèn gọi điện cho anh. Anh nói với tôi: mình khỏe lại rồi, để hôm nào xuất viện mình báo cho Thương biết, Thương đến nhà thăm. Sau Tết, tôi gọi cho Nguyên Minh hẹn hôm nào đến nhà thăm anh,cùng đi cho vui, thì Nguyên Minh báo cho biết anh đã nhập viện lại hôm mùng 2 Tết, và lần này ở bệnh viện Triều An, tít trên An Lạc, gần bến xe Miền Tây. Nguyên Minh phải chờ đứa con ăn Tết ở Phan Rang về, mới nhờ cháu chở đi được. Rất may , hôm 11-2 Trương Văn Dân điện thoại cho tôi hẹn sáng hôm sau đến thẳng bệnh viện thăm Chu Trầm Nguyên Minh, Dân cũng cho biết rõ khoa nào, phòng nào.

Khi tôi chạy xe gắn máy đến bệnh viện Triều An thìmọi người đã có mặt trong phòng điều trị rồi. Lúc đầu, tôi đã đứng trước cửa phòng của anh, nhưng không dám gõ cửa bước vào, vì thấy tấm bảng đề chữ VIP.Đến khi tôi gọi điện thoại cho Trương Văn Dân hỏi lại cho rõ, thì Dân mở cửa chạy ra đón tôi.Khu này ở tầng 2, dành riêng cho khách “VIP”, mỗi người một phòng.

Ngoài con dâu của anh, tôi thấy có vợ chồng Đặng Châu Long, vợ chồng Trương Văn Dân, Vũ Tiến Thành và một cây viết của Quán Văn (xin lỗi tôi quên tên) ngồi vây quanh giường bệnh. Trông anh gầy hẳn, chứ không vàng vọt như tôi tưởng. Tôi nắm cánh tay anh, hỏi thăm sức khỏe, anh trả lời “mình khỏe rồi Thương” với giọng mềm yếu hẳn, hình như anh rơm rớm nước mắt…

Lần thứ nhất, cách nay 44 năm, tôi thấy những giọt nước mắt của anh khóc vĩnh biệt một người bạn thơ, bạn thân.Lần này, những ngấn lệ của anh có phải để chuẩn bị tiễn biệt chính mình?

Lê Ký Thương

[/read]

Dạ Dung Vũ

Dạ Dung Vũ
Mượn Thơ Anh Trả Thơ Anh

Một đóa vô ưu hoa tịnh trai
Hoá thành sương khói mộng bi hài
Ngày như khánh tận đêm mất hút
Bóng ảo hồn ai, mộng liêu trai

Mơ một ánh sao suốt dặm dài
Lạc giữa tinh cầu ánh nguyệt phai
Vẫn dõi theo anh từ truyền kiếp
Vọng tiếng nguyệt cầm khúc bi ai

Hỡi anh,
Em chỉ là loài hoa cỏ dại
Một đoá hoa hồn lạc tình phai
Đơm mộng tràn lan trên mặt đất
Chút tình nhân thế, khởi bi hài

Hôm nay mười sáu tháng hai
Là ngày sinh nhật của ai…..dại khờ…?
Tình trần một cõi bơ vơ
Tình thơ, lại chỉ là thơ giỡn đời

Ơi anh
Một ngày rồi lại một ngày
Ngày qua cũng lại qua ngày thế thôi
Chiếc thuyền định mệnh đời tôi
Đong đưa số phận nổi trôi từng ngày
Để rồi,
Vai anh nặng với hai vầng nhật nguyệt
Còn vai nào anh dành lại cho em
Ghé mái đầu ấp yêu làn hương thoảng
Một chút ấm hương yêu nơi xứ lạ
Vai anh nặng chở hai vầng nhật nguyệt
Em vô tri khóc ngất ướt vai anh
Tim thoi thóp run kêu lời tha thiết
Ở nơi đâu…chút ấm mộng tình người

Thơ Ghi Trên Tuyết

Anh cứ lang thang giỡn mặt đời
Tỉnh như không giữa dòng chơi vơi
Nhưng hãy hiểu rằng có đáp số
Bóng cười khan… đối ẩm đầy vơi

Em không nói và viết thêm nữa
Nỗi đau đã lấp đầy lại như xưa
Lời tế nhị… chưa xong… người đã nói
Đã quá đủ… nếu em vẫn chưa chừa

Nếu nỗi đau lại đầy như xưa cũ
Có nghĩa là đáp số đã sai
Lời tế nhị là lời sám hối
Đẩy nổi đau quá khứ đi xa

Sao lại hiểu như là lời chối
Những ân tình gần lắm chứ không xa
Không ẩn ý khi tình theo hơi thở
Cùng rung lên với nhịp đập con tim

Hãy cố nghĩ cho cạn lời đấy ý
Vì anh ơi! em thất thế vì anh.


Em nhỏ máu đề thơ trên tuyết trắng
Tuyết tan thơ bầm đỏ còn nguyên
Người xúc tuyết ngại ngần không dám xúc
Vì ý tình người là quà quý của tự nhiên.

Anh như tuyết trắng ngần trong nắng ấm
Em chỉ là giọt máu đọng trong thơ
Sao anh biết nỗi buồn đông đá nhĩ
Em ngu ngơ giữa tuyết lạnh không ngờ

Cám ơn anh đã nói lời không thật
Cho em thêm chút nghị lực để gần anh
Khi người nói đang không là đã có
Anh bảo là đang có chính là không

Lời từ chối ngọt ngào trong mật đắng
Vẫn là lời mời gọi tiếng yêu thương
Hãy yêu nhau mặc đời thêm vướng bận
Vì nếu không đời sẽ hóa vô duyên
Sẽ đắng nhạt như cà phê thiếu ngọt
Và sẽ não lòng mỗi lúc bóng chiều lên.

Hãy cứ thử một lần anh yêu nhé
Quên hôm qua và hướng tới ngày mai
Anh sẽ thấy đêm không dài vô nghĩa
Và ngày nắng lên giữa tuyết trắng ngần.

Vấn Duyên

Tặng riêng hàn sĩ chút dịu dàng
của phù dung nở muộn màng đêm xuân

Pháo hoa nở ấm đêm xuân
Duyên thừa không khỏi phân vân bàng hoàng
Tình thơ đón nửa hồn hoang
Em đây ngơ ngẩn, ơi chàng biết không?
Đoạn trường đau đáu tơ lòng
Cũng nghe nỗi nhớ thơm nồng thịt da
Hình nghiêng trở bóng thiết tha
Đêm ba mươi, gọi… hồn ma lưu đày
Bầu rượu lạnh nhỏ máu say
Chuyền tay ly cạn quắt quay đường về
Về đâu?… chung một cõi mê
Trần ai chỉ lắm não nề gian truân
Bến yêu chững lại ngại ngần
Vàng hong tóc rối lựa lần thời gian
Thôi thì tháp cánh thiên thần
Ta du mộng ảo đường trần thiên thai
Hồ ly hóa kiếp trang đài
Nho sinh bẻ bút hòa hài cung thương
Thoắt canh một giấc vấn vương
Lay chồng vợ gọi, mơ hương nơi nào
Em kìa,… là giấc chiêm bao
Bên anh chỉ có vườn đào của em

Đêm ba mươi quá êm đềm
Nồng say ngất ngưỡng bên thềm xuân phân
Hồn hoang trả giấc phong trần
Chiêm bao tỉnh mộng hồ cầm thi thơ.

Dạ Dung Vũ

1 2 3 4 58