Hoàng Định Nam

Hoàng Định Nam
Tôi, Cổ Viện – Hoàng Định Nam

Lòng tôi, một thời , là rừng hoang.
Em, con thú nhỏ ,dạo lối mòn.
Vết chân để lại trên bờ suối.
Nước trôi hoài chưa xóa hết dấu son.

Lòng tôi, một thời, là phố thị.
Phố đông người, phố vẫn nhận ra em.
Em qua đó một lần, rồi xa khuất.
Chút bụi hồng lưu lại vẫn có tên.

Lòng tôi, một thời, là sông vắng.
Em, cánh buồm, thiếu gió xuôi trường giang.
Sông hoang lạnh cả đôi bờ lau sậy.
Thuyền trôi rồi,gợn sóng mãi chưa tan.

Lòng tôi, một thời, là sa mạc.
Em cơn mưa qua đấy một lần.
Mưa tan nhanh trả lại trời nắng cháỵ
Sao cát vàng giữ mãi giọt nước xanh.

Lòng tôi, một thời, là bão tố
Em ,cành mềm,lả ngọn ,bình yên.
Trường lớp ấy, em đi về mấy buổi
Có buổi nào em học chuyện nhân duyên?

Lòng tôi, bây giờ, là cổ viện
Bảo tàng những kỷ niệm xa xưa .
Em có đến, mời em, người du khách.
“…vâng! ngày tàn, nên hoang vắng, xin thưa”

Nói Với Em Sau Cơn Bão

Khi em về, cơn bão đã qua lâu
Cây đã lặng và mây trời đã tĩnh
Nước đã trở lại dòng sông cố định
Mà người nay đã tan tác nơi đâu

Em trở về hiểu được nghĩa biển dâu
Thì tâm hồn đã hằn sâu vết xướt
Gió từ đâu mang dòng sông chảy ngược
Ngập hồn em, xám ngắt cả màu trời

Em đến đây từ đổ nát xa xôi
Từ chiến tranh ,từ hận thù đen tối
Tưởng chìm sâu dưới tháng ngày qua vội
Em đâu ngờ thêm lần nữa tang thương

Đất nước này ,em trải mộng mười phương
Giờ lại “đứng dưới một trời đổ nát”*
Dẫu cuộc đời có muôn ngàn bi đát
Có cần không, em nếm qúa nhiều lần ?

Khi em về, đâu nữa những người thân
Nhà đổ sập, bên lòng em gò đống
Em ơi! biển vẫn xanh, sông vẫn rộng
Đường thênh thang cho lần nữa em đi

Triệu bàn tay dìu em thoát hiểm nguy
Cũng từ đó triệu làn hơi sưởi ấm
Truyền qua em từ những lòng rất đậm
Dù chẳng cùng ngôn ngữ, khác màu da

Có thể làm em chua chát, xót xa
Khi nhớ lại những gót chân cuồng bạo
Từ những kẻ cùng chung giòng máu
Đã bao lần vùi dập tuổi thơ em

Tuổi thơ em cơn ác mộng từng đêm
Ngày nắng cháy trên đồng khô mót ,lượm
Khoai, cháo thay cơm còn chưa đầy bụng
Cá thịt bây giờ là cổ tích xa xưa

Cha tù đày, mẹ đội nắng dầm mưa
Nuôi con lớn theo ngược triền gian khổ
Chưa vào đời đã trùng trùng giông tố
Thổi điên cuồng trên dốc ngược tưong lai

Rồi… mười mấy năm vàng những nắng mai
Em ấm áp giữa muôn tình xa lạ
Dẫu hôm nay Katrina ,nỗi buồn nghiệt ngã
Cũng còn đây-Em-triệu tấm lòng son .

Hoàng Định Nam

Huỳnh Hữu Võ

Huỳnh Hữu Võ
Đà Lạt Tháng Giêng Hồng

nếu như trời không gió
mưa sẽ về đồi thông
nếu như em không đến
sẽ vô cùng mênh mông

Đà Lạt chiều xuống thấp
bóng ai bên hàng cây
chắc nỗi buồn đứng nấp
cho trời chiều đầy mây

bỗng dưng lòng hoang vắng
gió lạnh đâu tìm về
từ cõi nào xa thẳm
để buồn lên tái tê

giọt sương như lay động
nõn xanh bên bờ hồ
bóng em cứ xao động
trong tim anh từng giờ

nếu như em không đến
Đà Lạt tháng giêng hồng
hoa quỳ không còn nở
giữa vô cùng mênh mông

Ngày Trở Lại Phan Rí

Tôi về Phan Rí qua vườn táo
Cắn trái vàng thơm ngọt đượm tình
Cắn trái xanh chua lòng thiếu nữ
Men đời còn xanh trên lá xanh

Lưu lạc bao năm lòng vẫn nhớ
Mái nhà khóm táo của ngày xưa
Ở đây gió cát như dòng chảy
Đời lún sâu khi biển mất mùa

Tôi về Phan Rí đi xe ngựa
Qua cầu, qua cầu đến làng Chăm
Chiêm nữ đội vò đi lấy nước
Dưới đồi đồng lúa trải mênh mông

Như có chút gì còn sót lại
Một thời hưng thịnh thuở vàng son
Tôi thấy hình như trong đáy mắt
Chiêm nữ còn in nét tủi buồn

Tôi về Phan Rí bơi thuyền nhỏ
Qua dòng sông luỹ lặng lờ trôi
Bèo mây có lúc tan rồi hợp
Tôi lại về đây lúc nửa đời

Bên kia một dãy đồi Xích Thố
Đồi đứng mà như ngựa ruổi dong
Phải chăng xưa đó là trận mạc
Nên cát đồi trăng cứ đỏ hồng

Tôi về Phan Rí trông ra biển
Một thành phố nổi một rừng sao
Ở đây lắm mực nhiều tôm cá
Nguồn sống cư dân tự thuở nào

Bao năm tôi lại về Phan Rí
Thăm mấy người thân mấy bạn thơ
Lớp trước thầy cô đâu cả nhỉ?
Trường xưa buồn vắng bóng người xưa.

Một Ngày Với Sóc Trăng

Chiều về Liêu Tú thênh thang gió
Bóng nhỏ đường thôn bước diệu kỳ
Lòng như mây trắng lưng trời biếc
Bên rặng dừa nghiêng Sơn Phos Ly

Em dấu nỗi buồn trong cúc áo
Để cho trăng mười sáu nhạt nhòa
Bếp đùn khói tỏa mờ Buôn, Sóc
Như níu chân người khách phương xa

Lịch Hội Thượng còn là nỗi nhớ
Chùa Khờ me chìm trong mưa giăng
Đưa tay em vẫy lời chia biệt
Để muôn đời thầm gọi: Sóc Trăng

Lung linh nước và mênh mông lúa
Đẹp tuyệt vời đôi mắt Khờ me
Mềm môi vị ngọt lời Nam Bộ
Cỏ rối vướng tay chậm bước về

Sẽ có một ngày em ước hẹn
Con thuyền gác mái nước sông trôi
Là trên bến vắng chiều Liêu Tú
Có kẻ si tình đứng gọi: Phos Ly ơi!

Đà Lạt
Tháng Giêng Hồng

nếu như trời không gió
mưa sẽ về đồi thông
nếu như em không đến
sẽ vô cùng mênh mông

Đà Lạt chiều xuống thấp
bóng ai bên hàng cây
chắc nỗi buồn đứng nấp
cho trời chiều đầy mây

bỗng dưng lòng hoang vắng
gió lạnh đâu tìm về
từ cõi nào xa thẳm
để buồn lên tái tê

giọt sương như lay động
nõn xanh bên bờ hồ
bóng em cứ xao động
trong tim anh từng giờ

nếu như em không đến
Đà Lạt tháng giêng hồng
hoa quỳ không còn nở
giữa vô cùng mênh mông

Ngày Xưa

Em đi giữa dòng đời
Một khung trời thơ mộng
Giọt buồn nào lắng động
Rơi xuống đáy hồn tôi

Làm sao em biết được
Những sáng mờ hơi sương
Làm sao em biết được
Giữa lòng tôi tơ vương

Cửa nhà em đóng chặt
Khép kín một tình yêu
Tôi về qua ngõ quạnh
Khuya khuya niềm cô liêu

Mai em về bến mới
Sóng nhỏ chao lòng thuyền
Em tung tăng dưới nắng
Nón không buồn che nghiêng

Ngày xưa em là mộng
Ngày xưa em là thơ
Giữa hồn tôi còn đọng
Những giọt buồn ngày xưa

Huỳnh Hữu Võ

Huy Phương

Huy Phương
Lạy Ngài

Hồi chúng tôi còn nhỏ bé tí vẫn nghe người lớn tuổi chung quanh dùng tiếng “Ngài” để gọi Vua Bảo Đại trong những câu như “Ngài ngự ra Bắc”, hay để gọi Thần cây đa cây đề như mỗi lần mẹ tôi xuýt xoa khấn vái một điều gì “trăm lạy Ngài linh thiêng phù hộ…”. Đó là cái thời vừa phong kiến vừa mê tín dị đoan đã qua, bẳng đi đã lâu khoảng chừng ba mươi năm, tôi lại nghe chính miệng người Cộng Sản nói hay dùng trong các văn bản tiếng “Ngài” một cách khá khúm na, khúm núm với các chức vụ như Tổng Thống, hay Đại Sứ nước ngoài. Thật tình đây là bản dịch tiếng Việt nên các Ngài này cũng không được đọc và hiểu chúng gọi mình bằng danh xưng nào, nhưng chủ ý điều này chỉ để cho người dân biết là mình đã trang trọng thế nào đối với những nhân vật ngoại giao quốc tế.

Tiếng Ngài được dùng khi gọi một nhân vật tôn giáo để tỏ lòng tôn kính nghe không chướng tai, nhưng khi dùng cho một nhân vật chính trị nghe có vẻ vướng vất một chút hèn hạ như người đi xin ân huệ. Trước đây trong một chương trình phỏng vấn truyền hình, một ký giả đã có sáng kiến dùng một danh từ đã lâu không ai dùng, để gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng “Ngài” nghe đã lạ tai, nay lại được biết ông Nguyễn Cao Kỳ lại dùng tiếng “Ngài” để tâng bốc cái ông đối thủ ngày trước, nhỏ tuổi hơn ông là Nguyễn Minh Triết bằng tiếng “Ngài” như lời ông phát biểu trong một bản tin của báo Vieweekly: “Tôi không ngần ngại gọi những nhà lãnh đạo hiện hữu là ngài, vì đó là thủ tục tối thiểu, tôi cũng là một người lãnh đạo quốc gia”.

Thật là mỉa mai và xấu hổ hết chỗ nói! Có ai bắt ông Kỳ phải khúm núm gọi ông Triết bằng Ngài đâu, mà chỉ cần gọi “Ông Chủ Tịch” đúng với chức vụ, cũng như trước đây người ta chỉ cần gọi ông là “Ông Phó Tổng Thống” là đủ. Nếu hồi đó có thằng nào nịnh bợ xin xỏ ông một ân huệ nào mà gãi đầu gãi tai trước mặt ông, gọi là “Ngài Phó Tổng Thống” thì ông đã điên tiết lên mà bợp tai đá đít nó, vì tôi biết tính ông cũng nóng nảy mà ngang ngược lắm, có đời nào đứng yên để nghe lời nịnh bợ trơ trẽn như thế.

Chuyện này làm tôi chợt nhớ đến một chuyện ngụ ngôn La Fontaine, “Thần Chết và Lão Tiều Phu”(La Mort et Le Bucheron). Ông tiều phu khổ quá than thở muốn chết đi cho xong, bèn gọi tên Thần Chết, nhưng khi Thần Chết hiện ra thì ông lại sợ quýnh lên, líu lưỡi gọi Thần Chết là Ngài:“- Nhờ tay Ngài nhắc đỡ (bó củi) lên vai…” (bản dịch rất Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Vĩnh). Thường thường khi gọi ai bằng Ngài là lòng ta đã run sợ lắm, kiểu như ông tiều phu ở trên và bà mẹ tôi mỗi lúc con cái trở trời ấm đầu thì ra cái miếu sau nhà hay dưới gốc cây đa mà kêu Ngài lia lịa vì sợ Ngài quở hay Ngài phạt.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Khi một người đứng trước một người, mà giở cái giọng thưa bẩm, gọi người đối diện bằng Ngài thì ta cũng thấy con người đó nhỏ nhoi tội nghiệp chừng nào, chưa nói đến cái tư cách run sợ, khép mình để cầu xin ân huệ của người ấy.

Một chuyện khác là, tôi cũng không hiểu vì sao trong văn thư của Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở Nha Trang gởi cho Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, đề ngày 7 tháng 7-2007, mà chúng ta đọc được ở hải ngoại, lại viết là: “Cụ Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, rồi lại “Kính thưa Cụ Chủ Tịch”, cuối cùng là “Kính chúc Cụ sức khoẻ”. Chữ Cụ trong văn thư này có cần thiết không? Cụ Triết còn trẻ lắm, chắc chắn là dưới thất thập, cụ Triết lại chưa có râu, gọi cụ ấy bằng cụ chắc cụ ấy buồn hơn là vui.

Theo ngôn ngữ Việt Nam, chữ “Cụ” không dùng cho chức tước mà chỉ dùng để tỏ lòng kính trọng đối với một người già như Cụ Phan Bội Châu, Cụ Nguyễn Hải Thần, Cụ Phan Chu Trinh, hay chưa già như Cụ Ngô đối với dân miền Nam (cụ Ngô về nước chấp chánh mới có 47 tuổi) cụ Hồ đối với dân miền Bắc (được làm là chủ tịch cũng ở tuổi xem-xem), vì người ta không thể gọi là Cụ Tổng Thống hay Cụ Chủ Tịch.

Thời Pháp thuộc, phong kiến, ở thôn quê, vì nỗi sợ hãi đối với những người cầm quyền có thế lực, người dân đen đã dùng tiếng Cụ để gọi các ông Lý Trưởng, Phó Lý như trong chuyện “Tắt Đèn” có nhân vật chị Dậu.

Thị Mịch trong Giông Tố thì van lạy Nghị Hách bằng danh từ “Quan”: “Xin Quan tha cho con!”. Thời Pháp hễ ai có chút Tây học hay tham gia chính quyền đều được gọi bằng Quan như Quan Chánh, Quan Quản kể cả vào nhà thương thì lạy Quan Đốc Tờ, vào trường xin cho con đi học thì lạy Quan Đốc Học. Vì vậy Quan cứ hếch mặt lên, coi đám dân đen như cỏ rác.

Nhiều khi chúng ta chê ngôn ngữ Tây Phương nói về danh xưng, vai vế ai cũng cá mè một lứa “ toi, moi” hay “you, me”, nhưng nói về chữ nghĩa Việt Nam, thì những Cụ, những Ngài, những Quan nghe nhiều khi phát mệt và thường tỏ ra cái tinh thần tôn kính quá đáng, mang đầy mặc cảm tự ti.

Từ khi miền Nam được nếm mùi Cộng Sản, thì danh xưng lại được “cách mạng hoá” triệt để. Cấp trên, cấp dưới gọi nhau như bà con trong nhà, như hồi mới ở trong bưng, mới nghe qua tưởng như bình dân, thân mật lắm. Nhân viên thì gọi Giám Đốc, Trưởng Phòng bằng Bác Năm, Chú Ba… nhưng chú Ba thì cấu mông cháu thư ký, bác Năm thì nhìn nữ nhân viên như Chó sói nhìn “cô bé… quàng khăn đỏ”. Bác Hồ thì “mục hạ vô nhân”, tất cả các ông già bà cả cho tới đàn bà con nít đều một tiếng “Bác Hồ”, hai tiếng “Bác Hồ”, mà chẳng nghe ai than phiền, khiếu nại.

Chúng ta gọi ai bằng Ông, Bà cũng đủ tỏ lòng kính trọng. Người viết sử cũng có thể viết ông Hồ Chí Minh hay ông Ngô Đình Diệm mà không sợ ai nói vô lễ hay xấc xược. Có chăng là ở thái độ tự ty của người gọi và sự tôn xưng quá đáng cho người được gọi. Không biết những nhà “cách mạng vô sản” như Nguyễn Minh Triết nghĩ sao khi được người khác gọi là “Ngài” hay “Cụ”, còn liêm sĩ thì biết ngượng ngùng, không thì mang thêm mặc cảm tự cao tự đại.

[/read]

Nhớ Nhớ Quên Quên

Cái quên làm cho tôi khó chịu và xấu hổ nhất là quên tên bạn bè đang đứng trước mặt mình. Rõ ràng chúng tôi biết nhau quá nhiều, có khi đã sống với nhau qua một thời gian mài đũng quần trên ghế nhà trường, trong đơn vị quân đội hay lăn lóc với nhau trong trại tù. Giá như mà sơ giao thì còn có thể giả lả: “Xin lỗi ông, lâu ngày quá tôi quên mất tên ông,” đằng này quá thân tình, thú thật không biết phải xử trí làm sao, không lẽ cứ “mày mày tao tao” hay “anh anh tôi tôi” mà không gọi được cái tên cho thân mật.

Ðược nhớ lại cái tên mà reo lên một tiếng mừng rỡ, thân tình thì đẹp đẽ, vui sướng biết bao nhiêu. Nói chuyện này ra, cũng có nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ đem lòng thương hại, thông cảm với với mình và nếu có người giúp mình trong tình huống khó khăn này, thì chỉ có bà vợ. Nếu có vợ đi bên cạnh thì đành quay sang hỏi nhỏ tên người này. Có khi đang ở ngoài phố, phải điện thoại về nhà hỏi có còn nhớ tên cái ông này, bà nọ, hồi đó, ở đâu tên gì không?

Rõ ràng là đến tuổi này, trí nhớ coi bộ bắt đầu trục trặc, khó có thể phục hồi như người ta có thể phục hồi bu-gi xe gắn máy. Chuyện nhỏ như cái chìa khóa xe, vào nhà không nhớ vứt ở đâu, cái bill điện đến ngày quá hạn trả, lúc lấy ở thùng thư vào thuận tay không biết bỏ nơi nào, mặc dầu ngay cửa ra vào đã có tấm gỗ gắn mấy chùm chìa khóa, hay cái ngăn đựng bill. Chuyện lớn như ngày sinh nhật mẹ vợ, ngày giỗ ông già, hứa cuối tuần này đưa vợ đi công việc. Chuyện lớn hay nhỏ đều phải nhờ cậy đến bộ nhớ của “một nửa kia” của mình là bà vợ nhà, người thân tín đang ở bên cạnh. Các bạn cũng biết đàn bà có khả năng nhớ rất lâu, mà nhớ rất dai, họ có thể dễ dàng giúp bạn trong những trường hợp như thế, nhưng phải khéo léo mà sử dụng đừng bấm nhầm nút mà toi mạng.

Bây giờ đôi khi lái xe ra khỏi nhà, lên freeway rồi mới chợt hỏi, mình đi đâu đây? Ðịnh thần một hồi mới nhớ ra công việc phải làm, nơi mình phải tới. Có khi quên cái cell phone ở nhà, cũng có lúc quên cả ví đựng bằng lái xe, giấy tờ. Buồn lắm, nếu một ngày kia ở chỗ làm việc ra, hay đi đâu đó mà không còn nhớ cả con đường về nhà, thì giờ này làm sao nhớ nỗi “con đường xưa em đi.” Thì ra, lú lẫn, quên trước quên sau cũng là một cái bệnh. Có những cụ già không còn nhận ra con cháu, không nhận ra đêm ngày, không nhận ra mình đã dùng bữa chưa. Ôi tuổi già u ơ như một đứa trẻ nít. Ngay cả người đầu gối tay ấp của mình gần hết cuộc đời cũng không còn nhớ mà lẩn thẩn hỏi:“Ai đây!” Người bị bệnh lú lẫn Alzheimer’s thường quên những điều trong hiện tại mà còn nhớ lại những điều rất xa trong quá khứ, rồi dần dần, trí óc như có một đám mây mù che kín. Tưởng như những khuôn mặt thân yêu, những khổ đau, hạnh phúc ở đời “fade out” như một đoạn phim rồi tan biến hẳn.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Hạnh phúc thay có những điều chúng ta đã quên được như nhiều điều bất hạnh trong quá khứ, nhưng cũng khổ đau cho chúng ta, nếu giờ đây không còn nhớ những gì chúng ta đã từng muốn nhớ mãi. Bi quan thì người ta cho rằng được quên tất cả là một điều hạnh phúc, nhưng nếu chúng ta còn thấy cuộc đời đẹp mà không còn nhớ gì thì cũng tội nghiệp. Hình như những người bị bệnh lãng quên, không cảm thấy buồn mà cũng không thấy vui, cũng không để lộ cảm xúc trên nét mặt, như những triết gia, những nhà tu đã đạt tới ý nghĩa của cuộc đời này, vốn tất cả đều là huyễn ảo, không có thực.

Có nhiều điều chúng ta tưởng mình đã quên, nhưng không? Nó được dìm sâu vào trong tiềm thức, nếu tiềm thức có đáy sâu thì nó ở dưới đó, rồi một ngày kia, trong giấc mơ nó hiện ra. Ðó là những ngày xưa thơ ấu, con đường làng, khuôn mặt của những người thân yêu trong ngày tháng cũ mà trong những lúc bình thường, có muốn nhớ lại cũng không làm sao nhớ nỗi. Có những chuyện muốn quên đi mà không làm sao quên được. Ba mươi lăm năm rồi, nhiều đêm tôi vẫn còn thấy ác mộng, những ngày trong trại tù tuyệt vọng không có ngày về.

Có những biến cố xảy ra trong cuộc đời mà người ta khó có thể quên. Bạn nghĩ gì khi có những cuộc vượt biên hãi hùng đầy máu và nước mắt, mà sự kêu gào khóc than không với được đến Trời, những nỗi đau khổ nghẹn ngào như xuống đến tận cùng Ðịa Ngục. Và cuối cùng, chúng ta đã sống sót để có được ngày hôm nay. Bạn nghĩ gì với những ngày đói khát giữa biển cả mênh mông, trong tình trạng tuyệt vọng phải ăn thịt đồng loại để sống còn, những đêm cầu nguyện để có được một những giọt nước mưa từ trời cao để có thể thấm vào đôi môi khô héo vì nắng cháy giữa biển Ðông. Và cuối cùng chúng ta đã sống sót đến đây, ăn uống dư thừa, đôi khi phải sợ cả thực phẩm, phải kiêng khem. Bạn còn nhớ những ngày chúng ta bỏ nước ra đi trong đêm cuối cùng của cuộc chiến, ở ngoài trận tuyến súng vẫn còn nổ, và người anh em chúng ta đang còn ngã xuống, chưa bao giờ tháo chạy hay biết đầu hàng. Bạn có bao giờ nhớ lại ngày đứng trước hàng quân, nhận lấy tấm huy chương và vòng hoa chiến thắng giữa tiếng kèn khai quân hiệu, trong nhà Vĩnh Biệt, anh em chúng ta, thi thể không còn nguyên vẹn, chưa được chôn cất. Niên trưởng là người tướng lãnh cầm quân, có còn nhớ gì không? Mỗi lần thêm một ngôi sao trên cổ áo thì trong nghĩa trang dài thêm những hàng bia mộ, và những vòng khăn tang đã được quấn lên đầu bao nhiêu mẹ góa, con mồ côi.

Có những điều mới được nói ra hôm qua đây, nay đã trở thành xa lạ, chẳng những như người ta chưa hề nói, mà còn hành động trái ngược hoàn toàn lại những điều đã nói.

Có thể trong cuộc đời có nhiều điều phải quên để mà sống, nhưng cũng có nhiều điều quên có thể trở thành những điều ô nhục không bao giờ rửa sạch, nhiều điều quên của người sống có thể cho linh hồn bao nhiêu người chết oan khuất không được siêu thoát.
“Anh nói với em như rìu chém xuống đá
Như rạ chém xuống đất
Như mật rót vào tai
Bây chừ anh đã nghe ai
Xiêu lòng lạc dạ, chẳng đoái hoài đến em.”
Ðây không phải là quên, mà là phản bội.

Xin tạ lỗi cùng người yêu dấu, bằng hữu xa gần, trong cuộc đời này có nhiều điều muốn quên đi để sống mà quên không được, cũng có nhiều điều rất muốn nhớ mà nhớ mãi không ra.

[/read]

Tiếng Chim Buổi Sớm

Ngày bị đày ra tận Hoàng Liên Sơn, “lán” tù tôi ở bên một dòng suối nhỏ, đầu “lán” có một cây rừng, đến mùa hè hoa nở đỏ. Buổi sáng, tôi thường thức giấc sớm, nghe có con chim lạ đến hót những tiếng líu lo ở trên cành. Tôi nằm yên, quên hết phiền muộn, tận hưởng những âm thanh tuyệt diệu, âm thanh đầu tiên của một ngày. Để sau đó, không bao lâu, là tiếng kẻng tù gắt gỏng nổi lên giữa buổi sớm mai, bắt đầu một ngày lưu đày khốn khổ.

Ai cũng cho rằng khi nằm trên giường thì bắp thịt ta được nghỉ ngơi, nhịp tim đều đặn, hơi thở nhẹ nhàng, giác quan tinh tế hơn, và ta có thể tập trung tinh thần vào những cảm giác hay những ý tưởng của mình một cách tuyệt đối. Ông Lý Lạp Minh, một nhà văn Trung Quốc khuyên ta buổi sáng nên nằm giường mà nghe chim hót, là điều thú vị nhất. Tôi cũng đã hưởng được những giây ấy, mặc dù là ngắn ngủi. Ở thành phố hay thôn quê, đâu cũng có chim, chẳng qua là vì cuộc sống tất bật, chúng ta không để ý đó thôi.
Tôi còn nhớ Saigon, buổi sớm mai, những quãng đường như Hồng Thập Tự với những hàng cây cao đầy bóng mát, luôn luôn ríu rít tiếng chim kêu. Ngày ấy đời còn vui, chim còn đậu đất lành, tiếng động cơ của xe cộ hay tiếng xích lô máy nổ dòn dã cũng không đuổi hết đàn chim phải bay rời xa tổ. Ngày đất nước rã rời, phải lên tàu Sông Hương ra Bắc, những hôm phải vác một con dao lên những đồi tre, qua những cánh rừng, chặt chục cây mương hay kiếm mớ củi, cô đơn lầm lũi giữa làn cây, nghe tiếng chim kêu mới thấy nỗi sầu trong dạ.
Có những tiếng chim chiêm chiếp như tiếng gà con, bồi hồi nhớ đến đàn con còn bé dại ở quê nhà. Có tiếng chim cu gáy xa xa, đáp lại ở đâu đó tiếng đồng loại hoà điệu, nghĩ lại tấm thân cô đơn với nỗi buồn nơi xứ lạ. Rồi tiếng chim rừng khắc khoải “bắt cô trói cột” vẫn thường nghe mỗi trưa nơi rừng Việt Bắc, tiếng kêu kéo dài cho đến lúc nắng quái buổi chiều. Tiếng kêu đanh lại, nghe như gằn từng tiếng, theo đầu óc tưởng tượng của mỗi người với những hoàn cảnh riêng, như lời kêu thống thiết, oán thán, trách móc não nuột. Tiếng chim “bắt cô trói cột” nghe thành “hết cơm tới bột” còn chút khôi hài, đói rã họng “đói cơm đứt ruột” còn nghe lời động viên “khó khăn khắc phục” lập đi lập lại nghe tới nhàm chán. Nghĩ theo lời chim, mường tượng như nỗi than khóc “nhớ con đứt ruột”.
Rồi con chim “cuốc” lầm lũi đâu đó trong khóm lúa, bụi cây, vào cuối xuân hay đầu mùa hè, không hề biết hót mà kêu lên những tiếng khắc khoải, từng tiếng từng tiếng một, nghe ra não nùng, hờn oán của người “mất nước” phải khoanh tay, để “nhớ nước đau lòng con quốc quốc” (Bà Huyện Thanh Quan). Con chim này được gọi là Đỗ Quyên hay Từ Quy, theo tích xưa, là hoá thân của Vua Thục Đế, mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hoá thành con chim, cất lên những tiếng kêu não nùng. Tiếng chim “cuốc” nghe xót xa phù hợp tâm trạng người “mất nước” phải xuống tàu đày đi biệt xứ. Nhớ lại câu thơ của Chu Mạnh Trinh:
“Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.”
Cung miếu triều xưa nay vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải “cuốc” kêu thâu.
(Tiên Đàm dịch)
Hay của tướng trung liệt Phan Thanh Giản:
“Ải Bắc ngày chờ tin nhạn vắng,
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu!”
Còn loài “chim quyên” khác ta thường thấy là một loài chim nhỏ, có bộ lông óng ánh, nâu pha đốt đỏ, có tiếng hót rất hay, thường vào ban trưa ở trong bụi hay đầu hồi nhà. Nhưng không hiểu tại sao người ta lại đánh giá cao để ví chim quyên cao như người quân tử, quân tử sao mà sa cơ, như “chim quyên xuống đất ăn trùn, anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than”.
Gà là loại cầm, nó không biết hót, nhưng con gà trống có tiếng gáy vào buổi ban trưa làm cho người ta nhớ đến bao nhiêu điều: “hiu hắt gà trưa gáy não nùng”. (Lưu Trong Lư)

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Nhà văn Lâm Ngữ Đường thích nghe tiếng kêu của một loại “gà nô” ( tiếng Tàu còn gọi là “giá cô”). Nói là giống gà nhưng nó hót như chim. Tiếng hót có bốn âm do, re, mi … âm mi kéo dài hai ba nốt, ngưng hẳn một tí, rồi tiếp theo bằng một nốt thấp hơn. Giống chim này có nhiều ở phía Nam Trung Quốc, hót trễ vì đây là một giống chim dạn dĩ, không sợ giàng thun bọn trẻ, trái lại hầu hết loại chim khác đều hót sớm vì sợ loài người ác độc. Có khi chúng bặt tiếng luôn vì lưới bẫy giăng khắp nơi, ví lưới chim đem ra chợ bán là một nghề mới kiếm cơm.
Tiếng hót của giống gà nô này có ba âm và âm cuối kéo dài, có người nghe là “chè, xôi, chuối … thịt”, âm thịt kéo dài ra, thấp xuống rồi ngưng bặt (theo Nguyễn Hiến Lê). Nghe giống như ý nghĩ mấy ông xôi thịt làng xã ngày trước và ngay cả hôm nay. Giống chim này ở Việt Nam cũng có, thời Tây thuộc tôi có nghe người ta nhại tiếng chim là “père, mère, frère … tout est perdu” (cha mẹ anh em mất cả rồi). Nghe ra ngậm ngùi làm sao, như sau một trận hồng thủy, chiến tranh… như một câu oán than: “cha mẹ già đã khuất núi, quê hương đã thất lạc, mộng ước đã tàn phai …” (Bùi Bích Hà).
Tôi có người bạn già vẫn bị người ta chê là đã vì tự do mà bỏ xứ, sao bây giờ lại giam cầm bao nhiêu loại chim trong khu vườn nhỏ, gây nên cảnh “chim lồng cá chậu”, khuya sớm lo quạt nồng, ấp lạnh, vất vả tấm thân già. Nhưng bù lại, bạn tôi hưởng được cái thú ở đời là mỗi buổi mai thức giấc nằm nướng trên giường nghe tiếng chim khướu hót ngoài hiên. Những buổi sáng đầu mùa hè, tiếng chim sơn ca (chiền chiện) trong ánh sáng mờ mờ của buổi rạng đông đã bắt đầu cất tiếng hót. Những lúc sung sức, ăn uống đầy đủ giọng sơn ca “luyến láy” tuyệt vời, nói theo danh từ làng ca kỹ. Ban trưa, khi trời nắng ấm là lúc những con chim khoen (gọi là vành khuyên vì trên mắt chim có hai vòng khoen trắng) rộn ràng tiếng hót. Buổi tối nếu trong nhà còn đèn sáng, sơn ca vẫn còn cất tiếng, khi có tiếng nhạc ồn ào, thì giống chim khuyên cũng líu lo tưng bừng. Ban trưa nắng, trời ấm nghe tiếng chim cu gù. Những đêm trăng, chúng ta còn nghe tiếng chim “mocking bird” kêu, một loại chim có rất nhiều trên đất Mỹ. Dù là giống chim trời của bốn phương, nhưng giống chim cùng loại đậu ở đâu cũng hót tiếng như nhau, nên người chơi chim còn nghe được chút âm thanh quê hương đâu đó. Hoạ Mi, khướu và những giống chim Á Đông đã theo những người nuôi chim bằng nhiều con đường khác nhau, sang đến miền đất này, để khuya sớm chuyện trò với gia chủ bên tách trà buổi sớm.
Trời đất yêu loài chim nên tạo ra rừng cây, loài người yêu chim thì phát minh ra cái lồng. Ông Trịnh Bản Kiều bên Tàu, ngày xưa khuyên em ông đừng bao giờ nhốt chim trong lồng, vì chúng ta nên dung hoà với thiên nhiên và vui với vạn vật. Ông cho rằng không phải vì không yêu chim mà ông khuyên em đừng nhốt chim trong lồng, nhưng vì có cái đạo yêu chim và nuôi chim. Muốn nuôi chim thì trồng vài trăm cây chung quanh vườn nhà để chim tìm tới làm tổ. Buổi sáng tỉnh giấc, còn trăn trở trên giường mà nghe tiếng chim hót thì còn gì thần tiên bằng. Lúc đã xuống giường, mặc áo, đánh răng súc miệng, uống trà, còn thấy chim vỗ cánh rực rỡ, bay qua bay lại thì cái vui nhìn chim trong lồng đâu có so sánh được.
Ở trên đời này ai cũng ghét giọng con chim cú, nhất là chim cú kêu nửa đêm, để người ta miệt thị là “cú giòm nhà” hay “cú kêu nhà bệnh”. Cũng là loài chim, nhưng chúng lại không có tiếng hót của trời cho, mà chỉ có tiếng kêu như giống ngan ngỗng tầm thường. Một loài chim khác chỉ biết kêu hay nói, là giống vẹt. Chúng mang màu sắc sặc sỡ như xiêm áo của bà đồng cốt, tiếng kêu chát chúa chói tai mà nhiều người vẫn thích do cái tài bắt chước ngọng nghịu tiếng nói của loài người, đó là “nói như vẹt”. Đến thăm nhà nuôi vẹt, nghe tiếng vẹt nói ngộ nghĩnh, chúng ta thường cất tiếng cười hỉ hả, nhưng giống vẹt lại cho đó là tiếng tán thưởng vì giọng nói ngô nghê, sao chép vô nghĩa của nó. Ta có bao nhiêu giọng nói quen thuộc, chúng ta chưa đến nỗi thiếu giọng người, thế mà cũng có người thích giọng vẹt-người.
Những ngày mới đến Mỹ, tôi có nhận thấy ở Mỹ có nhiều bầy quạ đen. Chúng kêu loét choét sau vườn, nhiều khi sà cả bầy xuống sân cỏ. Tôi cho đây là loại chim vô tích sự. Người đời quý màu sắc, mà loài quạ chỉ mỗi màu đen. Người ta thích tiếng hót mà loài quạ chỉ biết kêu. Ai cũng thích sự hiếm quý, mà loài quạ bay đến từng đàn, đuổi đi không hết. Vậy mà nhà thơ Trương Kế của Trung Hoa ngày xưa, nửa đêm nghe tiếng quạ kêu cũng sinh tình làm bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” bất hủ. (Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên…)
Trong khi trái đất này còn quá nhiều loại quạ, vẹt, cú, kên kên… mà chúng ta còn nghe được có tiếng chim hót, hạnh phúc biết bao! Nếu bạn ở trong một vùng vắng tiếng xe, một buổi sớm mai nào đó, thức giấc, nằm yên trên giường, xin im lặng, thử tìm nghe có tiếng con chim nào đến hót trên cành cây ở đầu nhà không?

Huy Phương

[/read]

Hoàng Thị Thanh Nga

Hoàng Thị Thanh Nga
Mùa Thu Mưa Bay

Từ ngày anh tôi đậu đại học, khoác danh hiệu sinh viên, tôi trổ mã thành thiếu nữ 16 tuổi, căn nhà vốn êm ả trầm lặng của gia đình bỗng tấp nập khách khứa. Tất cả “khách” đều là bạn chung lớp với anh hai. Những anh mới bước vào ngưỡng cửa đại học, mang bao ước mơ hoài bão to tát, đang tập tành làm… người lớn. Các anh thích đến nhà tôi chơi vì giống như đi “dã ngoại”. Nhà tôi cách thành phố Saìgon 20km, không có vườn tược ao hồ cây trái gì cả, nhưng ai cũng thích đến. Cả lớp kháo nhau “thằng Thái có nhỏ em đẹp lắm”.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Tôi chỉ là cô bé lọ lem con nhà nghèo, còn nguyên nét quê mùa ngơ ngáo. Gia đình tôi sống trong một xóm đạo toàn người Bắc di cư, nên tôi nói rặt giọng “Bắc kỳ dốn” kéo dài thượt.
Có lần, má đi buôn về, mua cho quả mít, dặn tôi xẻ ra mang biếu bà cụ nhà đối diện một miếng. Quả mít thì quá nhỏ, anh em tôi lâu lắm mới được má “hào phóng “mua cho chút trái cây. Tiếc rẻ, tôi đem biếu bà miếng nhỏ sát cuống. Lúc sau, bà cầm cái vỏ mít sang tìm tôi “mắng vốn”.
-Sao mày cho “chị” miếng mít… nguyên… thơ là… thơ ế. (miếng mít toàn xơ là xơ thế)
Từ đó chúng tôi hay dùng câu: nguyên thơ là… thơ để nói đến món gì quá hẻo. Giọng Bắc của tôi cũng vậy, lúc nào cũng có chữ “ế” kéo dài đằng sau, nghe đúng “giai điệu” Bắc kỳ.
Tuy mang tiếng là “đẹp lắm” nhưng quần áo tôi cũ mèm, xốc xếch, tóc cột đuôi gà bằng sợi thun, thay cho chiếc kẹp nhiều màu lóng lánh mà tôi hằng mơ ước. Trên người tôi không có món “trang sức” nào qúi giá, tai đeo đôi bông bằng hột… nhựa, chờ mãi một đôi bông vàng 18k bà nội hứa cho từ hồi còn nhỏ xíu chưa xỏ lỗ tai đến giờ chưa thấy. Tính tôi cũng còn con nít ham chơi, rảnh một chút là chạy biến ra sân nhà thờ tụ tập chơi đùa, chẳng quan tâm đến “thời sự” sôi động trong nhà.
Trong số bạn anh Thái đến chơi, có ba anh rất thân với anh tôi là anh Quế Anh, Trường Giang và Thiên Phú. Bốn anh được bạn trong lớp phong cho danh hiệu… tứ đại công tử. “Đaị công tử” là ba anh kia thôi, chứ anh Thái tôi con nhà nghèo làm sao là “công tử” được, nhưng anh tôi lại cao ráo, đẹp trai, trắng trẻo nên có vẻ cũng xứng với danh hiệu.
Các anh siêng năng tặng quà cho em gái… út, dù chẳng có dịp gì, còn nếu là sinh nhật em thì các món qùa càng đặc biệt “nặng ký” hơn. Anh tôi hay hỏi đùa em út:-Sao sinh nhật út mà toàn là bạn anh tặng quà vậy? (bạn út nhỏ xiú làm sao có quà)
Cuối cùng chỉ còn anh Quế Anh giữ lại truyền thống… tốt đẹp này. Sau mới biết, thì ra hai anh kia đứng lại “nhường đường” cho Quế Anh.
Một hôm, ngồi chơi chán, Quế Anh rủ anh Thái đi uống cafê, thằng em ở đâu chạy về, mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, nó cuống quýt lắp bắp:-Anh Què… Ành chò èm đì vời.
Quế Anh ngạc nhiên sửng sốt hỏi anh Thái.-Nó nói cái gì vậy? Sao nó bảo tao…què???
Chúng tôi lăn ra cười sặc sụa, thằng em mắc cở chạy mất, anh Thái cố nín cười giải thích.
-Nó nói mày cho nó đi với, nó nói Quế Anh chứ không phải… què.
Quế Anh vẫn thắc mắc.
-Sao nhà mày kỳ vậy? Mày người Nam, em gái mày người Bắc, em trai mày người… Trung.
Má tôi người Bắc, ba người Nam. Sau ngày “giải phóng” ba đi “học tập”, má quá khó khăn chật vật nuôi anh em tôi, nên gởi anh hai và thằng em về bên nội ở nhờ một thời gian, vì thế anh nói tiếng Nam. Còn lại, tôi và em gái ở với má và bà ngoại trong xóm rặt người Bắc nên nói tiếng Bắc là đương nhiên, nhưng không hiểu sao thằng em kế tôi lại “đột phá” thanh âm, biến thành giọng …Trung. Nhà tôi qui tụ cả ba miền đất nước.
Ba được “nhà nuớc khoan hồng” cho về “đoàn tụ” với gia đình từ năm tôi 12 tuổi, nhưng vì ba má không hợp nhau, nên ba về sống với bên nội. Bà ngoại mất đã lâu. Má con tôi dọn ra Thủ Đức ở cho gần trường anh hai đi học, vì má rất lo lắng hồi hộp mỗi ngày anh đạp xe mười mấy cây số đi về, trên con đường tỉnh lộ xe ben chở đất đá chạy bạt mạng, cán người như ngóe.
Dù còn rất nghèo, không biết bằng cách nào má xoay sở mua được căn nhà xuống cấp trong cư xá Kiến Thiết và sang lại một quán cafê nhỏ trong sân nhà người ta cho tôi bán. Ngày ấy, có trào lưu cafê sân vuờn và nghe nhạc nước ngoài, người ta không còn thích ngồi uống cafê trong nhà với bốn bức tường bí bức, quạt quay vù vù, nghe nhạc “sến” rên rỉ.
Quán tôi gọi là “sân vuờn” cho… sang, chứ thật ra chỉ là mảnh sân nhỏ, để vài chậu dừa kiểng, vài chậu thiết mộc lan rải rác. “ Dàn âm thanh” là cái mini cat sét giấu trong quầy, phát ra loa nghe rồ rồ rẹt rẹt, vì thế tôi không cho ai đứng gần quầy, sợ họ phát giác ra “dàn máy hiện đại” của tôi thì xấu hổ chết người.
Người ta bỏ tiền ra đi uống cafê sân vuờn là để hưởng không khí trong lành, gió mát thiên nhiên, thưởng thức âm nhạc với dàn hifi tuyệt hảo, nhạc của những boyband, girlband nổi tiếng thế giới. Quán tôi chỉ có vài ba cuốn băng, (vì anh em tôi không ai rành nhạc nước ngoài), cộng với âm thanh máy phát ra… rẹt rẹt, khách đổi tên quán Thiên Lý của tôi thành quán… Bi Di, vì chỉ có băng BGs là hay nhất và tôi mở cả ngày đến nhão nhoẹt.
Khi mùa mưa tới, những tấm bạt che ở trên mái tạm lủng lỗ, dột. Nước mưa rơi lõm bõm xuống ly. Mưa gió hắt tứ tung. Khách phải mặc… áo mưa ngồi uống Cafe. Tôi thủ mấy cái áo để trong quầy, khách nào quên mang, tôi phát cho một cái, mặc vào ngồi… “nước lụt” trên ghế, uống cafê, nghe nhạc rột rẹt cùng với tiếng giọt mưa rơi lộp bộp trên tấm bạt, lạnh run. Khách vẫn vui vẻ, dù đôi khi có phàn nàn ca cẩm đôi chút.
Có một người khách đặc biệt, anh ngồi lặng lẽ ở một góc khuất, uống ly cafê đen đặc quánh, mỗi ngày…
Anh đẹp trai như diễn viên điện ảnh, khuôn mặt hiền lành trầm lặng, nụ cười sẵn sàng nở trên môi khi nói chuyện. Nhưng anh rất it nói, không phàn nàn khi nghe nhạc dở, không mặc áo mưa khi trời mưa, khiến lòng tôi phải áy náy. Tôi động tâm thỉnh thoảng kín đáo nhìn trộm anh, thì bắt gặp đôi mắt ấy cũng đang nhìn lại, lần nào cũng vậy!…
Tôi thấy lòng mình rộn lên một cảm giác là lạ, không biết gọi tên, nhưng vô tư không nghĩ đến nhiều. Vả lại, tôi còn đang “ bận rộn” sàng lọc, phân tích, đối phó với bao nhiêu lờì bóng gió xa xôi của nhiều người, vừa là bạn anh hai, vừa là khách quen trong quán
Thì ra người “khách đặc biệt” kia cũng là ban chung lớp với anh hai, từ lâu anh có nghe lời đồn “em thằng Thái đẹp lắm”, nhưng vì tính hiền lành nhút nhát, anh không muốn bon chen. Cho đến một lần, anh Thái rủ anh ra quán uống cafê. Từ đó anh trở thành “khách đặc biệt”, mỗi ngày đến quán… ngồi đồng.
Anh tiến lại gần quầy, chỗ tôi ngồi, nói nhỏ:
-Anh muốn nói chuyện với Châu một chút.
Phản ứng tự nhiên như mọi khi, tôi “xua đuổi”.
-Anh đừng đứng đây, má Châu la.
Anh nài nỉ.
-Vậy thì chỗ khác, Châu cho anh một cái hẹn đi, lúc nào Châu rảnh?
-Châu chỉ rảnh buổi trưa, khi vắng khách, có thể nhờ anh Thái coi quán giùm.
Anh vui mừng hấp tấp nói:
-Vậy thì trưa mai, lúc 1 giờ, anh chờ Châu ở…
Tôi ừ đại cho anh khỏi đứng lại nói thêm, sợ má ra bất chợt trông thấy lại bị rầy.
Trưa hôm sau, tôi… quên béng mất cuộc hẹn “tình đầu”, vô tư ngồi nhiều chuyện với nhỏ bạn. Khoảng 3 giờ, bạn thân của anh là anh Tánh hớt hơ hớt hải chạy đến báo tin:
-Châu, sao em hẹn với thằng Chương mà không đến? Nó đứng chờ em say nắng… xiủ rồi, mới tỉnh lại. Em đi gặp nó chút.
Tôi áy náy quá, vội vàng theo anh Tánh đến gặp anh. Mặt mày anh xanh mét như vừa trải qua một cơn bịnh nặng. Anh hẹn tôi ở một quán cafê khác, nhưng đứng ngoài đường chờ vì sợ trong quán toàn thanh niên, tôi ngại. Nắng giữa trưa tháng hạ thiêu đốt cơ thể, nhưng anh kiên nhẫn đứng chờ cho đến khi đổ gục. Sau chuyện này, chúng tôi thân nhau hơn.
Sắp đến 2/9 là ngày lễ “độc lập” của nước “cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN”, anh muốn rủ tôi đi chơi nên đến nhà xin phép má. Nhà tôi không có sofa cho khách ngồi, chỉ có mấy chiếc ghế đẩu, anh không dám ngồi ngang hàng với má nên xếp bằng ngồi dưới đất. Má tôi cao giọng nói mát mẻ, kiểu chua chát cuả người Bắc.
-Nhà tôi nghèo, con tôi còn phải buôn bán phụ với gia đình, đâu có sung sướng nhàn rỗi như các anh các chị nhà giàu, đi chơi lễ chơi lạt, thôi anh để nó yên, đừng rủ rê nó chơi bời nữa (người bắc nói “chơi bời” là đi chơi).
Má nói nhiều lắm, toàn giọng mỉa mai chua chát. Anh ngồi im bất động, thỉnh thoảng “dạ” nhỏ. Má thôi nói đã lâu, anh mới dám đứng dậy, nhưng lại ngã khụy xuống, vì ngồi xếp bằng quá lâu nên đôi chân bị tê cứng.
Tôi bất nhẫn cho anh và thầm trách má quá khắt khe với tôi. Là con nhà nghèo, từ nhỏ đến giờ tôi chẳng được đi đâu chơi. Nơi xa nhất và vui thú nhất là nhà nội, không phải vì bên nội thương yêu qúi hóa chúng tôi mà vì nhà nội là nơi duy nhất để đến và có nhiều bánh trái mà ở nhà không có, nhưng bây giờ chúng tôi không thích về nội nữa, vì nhận biết được sự ghẻ lạnh nơi đó.
Tôi đã làm lụng miệt mài, phụ giúp má kiếm tiền từ khi còn rất nhỏ, chưa bao giờ được thụ hưởng niềm vui từ bên ngoài. Chưa bao giờ được rong ruổi nơi những khung trời lạ, ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, hồn nhiên vui đùa một ngày, không cần lo lắng chuyện bán buôn đắt ế…
Má thật bất công!!!… Cái đầu nông nổi khờ dại của tôi đã nghĩ như thế và đưa đến quyết định – Má khó quá, thôi về ở với ba – Nghĩ là làm, tôi giấu vài bộ quần áo, trốn má đón xe về thẳng nhà nội ở Bà Rịa. Tôi sẽ về ở với ba. Ba dễ hơn má!
Đó là sự an bài của thượng đế, khi để xảy ra xung đột giữa hai má con tôi, nhờ vậy chúng tôi mới được gặp ba lần cuối, vì từ khi dọn ra chỗ ở mới, bên nội không biết địa chỉ nhà tôi. Khi về đến, mới hay ba đã nhập viện và vừa ở phòng mổ ra. Ba có vẻ tỉnh táo, thấy tôi, ba mừng rỡ rưng rưng nước mắt, nắm chặt lấy tay tôi dặn dò, nghe như lời trăn trối!
– Cả đời ba có lỗi với má con, các con hãy hiếu thảo với má, bù đắp thay cho ba!
Tôi cuống quýt nhắn tin về. Khi má đến nơi thì ba đang hấp hối, không nói được gì nữa, chỉ khẽ nhúc nhích mấy ngón tay. Ba biết có má hiện diện bên cạnh, nhưng thân xác đã đóng băng, khô lạnh, từ từ chìm sâu vào giấc hôn mê cuối cùng.
Hỡi ôi!!! Tay nghề cuả các bác sĩ “giải phóng” quá tệ, vết mổ bị nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Ba tôi mất đúng vào ngày rằm tháng 8, tết Trung Thu.
Ngày đưa ba đến nơi an nghỉ cuối cùng, mưa sụt sùi buồn thảm. Tôi thuơng ba quặn lòng. Tuy ba không gần gũi, không hy sinh lao nhọc để nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng tôi, không thắm thiết tình phụ tử. Nhưng dòng máu đang chảy trong huyết quản chúng tôi là của ba, anh em tôi có mặt trên chốn nhân gian này cũng là nhờ ba. Xảy ra việc tôi giận má về đây mới kịp nghe được một lời trăn trối và má con tôi có thể làm tang lễ tiễn ba chặng cuối cùng, nếu không thì chắc ba cô đơn lạnh lẽo lắm. Dù ba đã có người vợ sau và đứa em cùng cha. Nhưng họ đâu có thể khỏa lấp được khoảng trống của chúng tôi.
Trong lúc tôi đớn đau suy sụp, bước thấp bước cao trên đường ruộng dẫn ra huyệt mộ, khóc ngất từng cơn, Chương vẫn ở sát một bên, nắm chặt tay tôi chia xẻ, diù đỡ mỗi khi tôi sắp ngã, lo âu cuống quýt khi tôi ngất xiủ, tha thiết vỗ về an ủi cho tôi nguôi. Tình anh trao cho tôi sâu vời vợi, mêng mang êm ả như mặt hồ lộng bóng trăng thu. Anh trầm lặng ít nói, không biết dùng từ ngữ để biểu đạt tâm tư, nếu không xảy ra biến cố trọng đại này, làm sao tôi hiểu được tình anh.
Khi biết chúng tôi yêu nhau, Quế Anh buồn thiu, tâm sự với anh Thái.
-Tao …thương Châu từ dạo mới chơi với mày mà không dám nói, bây giờ muộn màng rồi, hai thằng kia (Giang và Phú) chửi quá trời, tụi nó thấy tao… nhát nên nhường đường cho, nếu không đâu tới phiên thằng Chương, rốt cuộc tao… hỏng bét.
Anh Thái an ủi.
-Tại duyên số thôi, mà cũng tại …mày, không dám nói với nó sao không kêu tao nói giùm, thằng Chương lù đù mà vác cái lu chạy, tao cũng không dè.
Quế Anh ngập ngừng.
-Không phải tao… cầu cho họ… tan vỡ, nhưng ngày nào Châu chưa đám cưới, tao …vẫn chờ.
Bạn anh Thái ai cũng dễ mến. Người dí dỏm hài hước, người lanh lợi hoạt bát, riêng Quế Anh rất hiền, gần gũi thân thiết với chúng tôi nhất, tôi mến anh, coi anh như anh Thái, nên rất hồn nhiên vô tư. Nếu anh bày tỏ tình cảm, tôi không biết cảm giác của mình ra sao nữa!
Mấy mùa thu trôi qua. Nói cho lãng mạn, chứ ở miền nam chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa thu là mùa mưa. Không có lá vàng rơi. Không có con nai vàng nào ngơ ngác đạp trên lá khô xào xạc cả. Mùa chỉ có mưa sụt sùi, lê thê, chèm bẹp. Chương trở nên thân thiết trong gia đình tôi. Má thấy Chương hiền lành lễ phép nên cũng chấp nhận. Người thích thú nhất là thằng em miền… Trung, mỗì lần anh đến nó rất mừng, vì được mượn chiếc môtô phân khối lớn chạy rong trong xóm, nó mê xe như người ta mê… thuốc lào… Chương cũng muốn nó đi càng lâu càng tốt, cả hai đều có lợi.
Gần tết năm đó, Chương đưa tôi về giới thiệu với gia đình. Nhà Chương giàu vì ba Chương là dược sĩ, có nhiều tiệm thuốc tây. Má Chương dù ở trong nhà vẫn trang điểm cầu kỳ, đôi mắt xếch tô đậm, nhìn rất dữ. Ban đầu bà vồn vã tiếp đón tôi niềm nở. Sau khi hỏi về gia cảnh, tôi thật tình kể. Biết tôi là con nhà nghèo, chỉ mới học hết cấp ba, bà liền thay đổi hẳn thái độ, lạnh nhạt như muốn tiễn tôi về ngay.
Ra về với nỗi buồn tủi ngập lòng. Sao mẹ Chương lại coi trong sự giàu nghèo đến thế. Có bao nhiêu chàng trai giàu có đang theo đuổi tôi, nhưng tôi yêu Chương vì mối chân tình tha thiết của anh. Ở bên anh, tôi cảm nhận được sự êm ả bình yên. Tình yêu là cảm xúc bất chợt, nhưng dằng dặc nỗi chắt chiu mơ ước.
Tuy tôi chỉ học đến cấp ba, nhưng đó là sự cố gắng phi thường của má, sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân và có những điều tôi học được ở trường đời, không hề có trong giáo trình trường học, vậy không tốt sao!?
Tôi ngậm ngùi nói lời chia tay với Chương, anh buồn rũ như tàu lá héo, nắm chặt tay tôi rưng rưng.
-Em ráng chờ thêm một thời gian, để anh thuyết phục mẹ.
Không biết Chương thuyết phục mẹ bằng cách nào? Riêng tôi, tôi không đủ tự tin để làm dâu một bà “mẹ chồng” kỳ thị giai cấp như thế.

Anh vẫn ngồi lặng lẽ ở góc quán. Giọt mưa rơi lộp bộp xuống bàn, vào ly cafê, tan loãng, tung tóe như những hướng đời phân chia muôn ngả.
Anh tiến về phía tôi, đưa một tờ giấy gấp tư, nói nhỏ.
-Anh về!
Tôi ái ngại.
-Còn mưa mà, anh có đem áo mưa không?
-Anh quên rồi! Không sao đâu.
Nhìn bóng anh khuất sau làn mưa trắng, tôi nghe lòng dâng lên nỗi xót xa bùi ngùi. Có làn khói nào vương vào khóe mắt, cay. Mở tờ giấy anh đưa ra coi, chỉ ngắn ngủi mấy câu …thơ:
Đếm bước trở về theo lối chân quen / Giọt mưa ngâu điệu buồn rơi lặng lẽ / Ánh đèn vàng bên đường soi bóng lẻ / Đêm ngủ rồi anh vẫn thức vì em / Em hỡi em, xin đừng nói gì thêm / lời ly biệt cho tình đầu tan vỡ….
Tôi ngẩn ngơ mất vài giây: – Trời!… cái “ông” này, bình thường “nói không ra răng” mà trở thành thi sĩ từ bao giờ? “Ổng” đi môtô mà làm như đi bộ vậy.
Dù có… tưởng tượng trong thơ một chút, thì vẫn là lời phát ra từ trái tim. Đi xe, nhưng chiếc bóng anh lầm lũi cô đơn. Tôi buồn đến nao lòng.
***
Anh đến nhà, dựng vội chiếc xe rồi lao vào tôi như cơn lốc, vui mừng rối rít.
-Em, má chiụ rồi. Chủ nhật này anh đưa em qua nhà cho má nói chuyện.
Chủ nhật. Tôi hồi hộp đi theo anh, không hình dung được thái độ của mẹ anh ra sao. Bằng cách nào anh đã thuyết phục được mẹ??? Một người rất quan trong chuyện môn đăng hộ đối và không thích tôi ra mặt. Sau khi đợi tôi khép nép ngồi xuống ghế, bà vô đề ngay:
-Tôi nói thế này, cháu suy nghĩ rồi về bàn với mẹ xong trả lời tôi. Cháu nói nhà cháu đơn chiếc, không có bà con thân thuộc, vậy thì kiếm vài người hàng xóm nào đó cho đủ chục người, bên này hai mẹ con tôi qua. Tôi sẽ đưa cháu mấy trăm ngàn để làm mâm cơm cho xong lễ hỏi, vậy nhé.
Chương tái mặt nhìn mẹ. Tôi lặng người chết điếng, sao bà có thể thốt ra được những lời khinh man quá đáng như vậy. Đây là một cách sỉ nhục cho tôi nản, không phải bà thật lòng muốn tổ chức một đám hỏi theo nghi thức thông thường. Sau mấy giây trấn tĩnh, tôi ngồi thẳng người, nhìn bà, dõng dạc nói:
-Thưa bác, con trả lời ngay, không để bác chờ lâu. Nói về đám hỏi, nhà con là đàng gái, cho dù một bàn hay mười bàn, cho dù nghèo, má con cũng xoay xở lo được, không phải dùng tiền của bác. Phía đàng trai, con thấy gia đình bác rất đông, chưa kể họ hàng gần xa, sao lại chỉ có bác và anh Chương qua nhà con, không giống đám hỏi….
Tôi chưa nói hết câu, bà ngắt ngang:
-Nhà tôi đông, nhưng mọi người bận buôn bán làm ăn, không đi được.
-Nếu việc làm ăn nhà bác quan trọng hơn nghi thức cưới hỏi, thì con cũng không cần đám cưới đám hỏi với anh Chương nữa. Con không phải gái hư, con chỉ nghèo, nhưng nghèo không là cái tội, con hãnh diện khi sống trong mái gia đình nghèo của con, bác không cần sỉ nhục gia đình con bằng cách đó.
Để mặc bà há hốc miệng tức giận, tôi quay sang Chương.
-Anh đưa em về.
Ra đến sân, tôi còn nghe tiếng bà tru tréo trong nhà.
-Mày thấy chưa Chương? Chưa làm dâu mà nó đã trả treo như thế, mai mốt về đây làm sao tao chiụ được?
Trên đường về, anh khẽ trách:
-Sao em không nhịn má một chút, để từ từ anh tính.
Tôi chua chát:
-Anh tính được gì, má anh chiụ cưới hỏi em đàng hoàng sao? Hay cứ dùng cách kẻ cả khinh mạn đó đối xử với gia đình em. Em có thể vì anh nhịn nhục, nhưng má em không đáng phải chiụ nhục như vậy. Má em phải ngẩng cao đầu hãnh diện với mọi người, cho bõ công lao nhọc cực khổ nuôi dạy tụi em. Mình không có duyên vợ chồng, em không thể làm dâu má anh được đâu!.
Anh im lặng, tôi chỉ nghe tiếng thở dài đắng lòng.
Đã bao năm trôi qua. Giòng đời đưa tôi dạt đến phương này. Ở đây, mùa thu lá vàng rực rỡ rơi đầy trên thảm cỏ, xào xạc dưới chân. Tôi vẫn nhớ mùa thu chốn cũ, nơi có những cơn mưa dai dẳng sụt sùi. Giọt mưa rơi vào ly cafê đắng, tan loãng, phôi pha…
Về sau, vợ Chương cũng có tên Châu giống tôi. Nhưng không biết có thay thế được tôi trong lòng anh? Và hình bóng anh tôi còn cất giữ trong một góc trái tim. Tình đầu đâu dễ phai phôi.
Quế Anh mới lấy vợ sau ngày tôi rời VN. Bạn bè thân thiết cũ của anh Thái tản mác mỗi người một phương, xa xôi. Những ngày tháng cũ vui vẻ hồn nhiên lùi sâu vào dĩ vãng, làm sao tìm lại được…

[/read]

Ngày Xưa Thân Ái

Chuyến này đi Ba mê Thuột tôi mang thằng con lớn cùng đi. Mùa hè, mỗi lần đi buôn tôi mang theo một đứa, để má bớt nhọc nhằn chăn dắt lũ trẻ đang tuổi nghịch phá, cũng để bớt một miệng ăn ở nhà. Vả lại đem theo con nít vừa dễ mua vé, vừa có thêm hai bắp chân và cái bụng mặc áo giáp cột Café.
Từ ngày gặp Lan, mỗi chuyến lên tôi được Lan đưa về nhà trong thôn Kim Châu. Chuyến nào không đi cùng bạn, tôi vẫn có chỗ để ung dung đến, không phải vạ vật bến xe. Sau hai ngày đường mệt mỏi, ngồi bó gối như con heo bị trói, về được đến nhà thật hạnh phúc. Bữa cơm nóng dọn ra, cả gia đình mười mấy người thêm hai mẹ con tôi, chỉ có một diã rau muống luộc. Con tôi còn nhỏ không ý tứ, nó không biết phải ăn dè, mỗi lần nên gắp một cọng mà thôi, cứ thế “pháo kích” vào diã rau tận tình. Tôi ngại chín người.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Hôm qua vừa đến chân đèo Phượng Hoàng thì xe “ban”. Những chiếc xe già nua cũ kỹ từ mấy chục năm trước, đến “trào” sau này không được tu bổ, thay thế, nên việc nằm đường chẳng có gì lạ. Mấy nắm cơm tôi gói từ nhà đem theo ăn đường đã hết, không có hàng quán dưới chân đèo hẻo lánh. Hành khách túa vào những nhà trong xóm ngồi nhờ nghỉ chân. Người có tiền mua gà vườn, nhờ chủ nhà luộc lên chấm muối tiêu ăn không cũng đủ no. Tôi không dám ăn kiểu “quí tộc” vậy! Hai mẹ con ngồi nhờ ngoài đầu hè, thỉnh thoảng liếc nhìn vào trong, gia đình người ta đang ăn, bữa cơm chỉ với điã rau muống luộc chấm nước mắm giã ớt tỏi đặc sệt. Trong cơn đói thắt ruột, bụng kêu rồn rột, tôi không kìm được ánh mắt nhìn theo tay họ nhịp nhàng gắp cọng rau xanh mướt, chấm vào chén nước mắm đỏ thắm màu ớt. Nước miếng ứa trong miệng…Thèm chén cơm với cọng rau kia như Tôn Ngộ Không thèm trái đào tiên! Đối với tôi bây giờ, miếng ngon không phải là nem là chả, là thịt kho tàu mềm rục bóng mượt. Cũng không phải là phở gà Hiền Vương hay bún bò giò heo Huế chợ Đông Ba, dù những thứ này tôi chưa được “gặp” chúng từ sau ngày “giải phóng”. Cao lương mỹ vị giờ đây chỉ là chén cơm với rau muống luộc! Thằng con tôi cũng nuốt nước miếng ừng ực. Giờ về đây có diã rau đến từ giấc mơ hôm qua, nó hưởng ứng nhiệt tình.
Ngày còn nhỏ tôi thường bị bạn bè trêu chọc, gọi là Bắc kỳ rau muống. Cái “danh hiệu” này nghe thật khó chịu, nhiều lúc tôi nổi giận sung thiên đánh nhau cả với con trai. Con nít sĩ diện hão, cho rằng “Bắc kỳ” của mình bị chê là nghèo đói, suốt đời chỉ ăn rau muống! Sau này rau muống có mặt thường xuyên trong mỗi bữa cơm gia đình Nam kỳ, thậm chí cứu đói vào những tháng năm Việt Nam “tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghiã xã hội”. Và thực tế nhất là lúc này đây.
Cơm nước no nê xong, còn nồi bắp mới luộc nóng hổi. Tới mùa bắp non, mỗi khi muốn ăn, người trong nhà “gợi ý” thì Cúc lặn lội ra rẫy xa gần chục cây số, chặt một bao đem về. Trái bắp nếp to tròn hột đều bóng loáng, ngọt lừ dẻo quẹo, dù no đến đâu hoặc mắt đã dính híp, cũng không thể từ chối. No dồn đói ép. Rồi vừa ăn vừa…ngủ.
Trong nhà Cúc là người xốc vác, chịu khó làm rẫy nhất. Nàng lại cao ráo thanh mảnh, khác với Lan, Phượng, Thuỷ, Trang, hết thảy ngắn như tai nấm, tròn vo tròn ủng. Lan có nghề may, nhưng thời buổi cơm không đủ no lấy đâu ra mặc mà may? Lan thất nghiệp đi buôn.
Nghề “buôn lậu” phải nhanh nhẹn xốc vác tinh khôn thì mới “được ăn cả”, chậm thì “ngã về không”. Lan cầm tinh Tề Thiên nhưng chẳng giống cốt khỉ nhanh nhẹn. Nàng chậm chạp rị mọ như con ốc sên, bởi vậy thường “ngã” dúi dụi, kéo cả tôi cùng chỏng gọng. Buôn bán kiểu gì!? Hai đứa chỉ còn mỗi bộ đồ mặc ra đường. Tiếng là đồ “ăn nói”, nhưng áo vá nhìn hệt bà Cả đọi, quần đen bạc màu như model của dân Hip-Hop. Có lần hai đứa bàn may một cái áo, thay phiên nhau mặc chung, thay đổi với chiếc áo cũ mòn tơi từng sớ vải. Tôi cao, Lan thấp. Khổ thay! Lan quên mất nhiệm vụ cái áo có bổn phận phục vụ hai người thước tấc khác nhau. Lan may theo số đo của nàng. Khi tôi hân hoan xỏ thử áo mới thì… Hỡi ôi! áo ngắn hở rốn, khoe ra cái bụng tròn vo rất là …gợi cảm. Áo này mặc với chiếc quần đen đổi màu như lá bàng mùa thu cũ, thì mấy anh thuế vụ chết đứ, bởi…choáng!
Đã vậy, mợ còn giao Lan nhiệm vụ tha lôi con út Trang đi buôn cùng, để mợ ở nhà rảnh tay làm công việc. Con nhỏ này phải gọi là út nhè mới đúng! Nó như đứa con thơ của Lan, sểnh tí là mặt nhão ra, mỏ dài thượt, lè nhè sốt ruột, chị Lan ơi…ờ…i, chị Lan đâu rồi…ồ…i? mỗi lần Lan đi giải quyết chuyện riêng bí mật.
Phượng tháo vát lanh lợi nhưng phải tội lười làm rẫy, sợ đen da cháy tóc. Nàng chỉ thích đội thúng đi bán thịt heo chui. Lâu lâu ba Lan mổ “chui” một con heo đem “phân phối”. Từ ngày xhcn tràn vào miền Nam, dân chúng buộc phải ăn chay trường, tránh tội sát sinh. Khổ chung cả nước chứ khổ riêng ai? Nhất là mang thân kinh tế mới ở miền rừng núi cao nguyên này! Nên có “sát” thì để nhà nước sát. Thỉnh thoảng hợp tác xã mổ một con heo bán tiêu chuẩn, chả bõ dính kẽ răng dân chúng. Bởi vậy nghề bán thịt heo “chui” nhà Lan cũng khấm khá, chỉ là hơi hồi hộp con tim. Khi ba dọn sạch chỗ mổ heo, mợ và Phượng cắp thúng không trở về thì “con tim đã vui trở lại” như bài hát của nhạc sĩ Đức Huy. Ba mợ lo vì tính hay lo vậy thôi! Trong thôn toàn người Bắc “ri cư” phe ta, không ai có hứng thú hở chút “báo cáo” hay bị ép phải đi tố “địa chủ” …mổ heo lậu với xã, như thời cải cách ruộng đất ngoài Bắc ngày xưa. Hơn nữa có người dám mổ heo bán thì bà con mới có chút thịt thà dinh dưỡng, bù đắp cho sức lực tiêu hao bởi những ngày “lao động vinh quang” vất vả. Hôm nào tôi lên trúng ngày nhà Lan mổ heo, được ăn bát cháo lòng có miếng dồi, miếng gan, miếng phèo phổi…Ôi sao mà ngon thế! Tô cháo có tí mùi thịt động vật sau nhiều ngày bóp bụng ăn chay toàn là rau cỏ, gây phấn chấn tinh thần thanh bạch của tôi, khiến đôi mắt lờ đờ mỏi mệt đường xa phút giây sáng rỡ, như yêu tinh được ăn thịt Tam Tạng! Dù đây mới chỉ là nếm chút thịt họ Trư.
Đi làm rẫy Cúc khoác thêm áo lính lụng thụng, đầu choàng cái khăn rằn vắt chéo ngang cổ trước khi đội nón, nhìn như …bà đẻ, dù nàng hơ hớ xuân thì. Phượng cũng vậy, mỗi khi ra đường đội thúng bán thịt heo, nàng “phục sức” theo mô đen thời thượng miền …Kim Châu, bởi nắng cao nguyên đốt cháy da con gái. Chị em nhà hoa…Lan, Phượng, Cúc vì thời thế buộc ở rừng ở rẫy, nhưng các nàng rất ư là nghệ sĩ, đàn giỏi hát hay. Vừa đi rẫy về, các nàng “tranh thủ” tắm trước để giành nhau cây đàn. Đêm sáng trăng. Chị Hằng to tròn lộng lẫy mỉm cười với núi rừng u tịch, bỗng nghe thanh âm réo rắt trước hiên nhà. Tiếng đàn Guitar thánh thót của Cúc, Phượng, đệm theo tiếng hát trong trẻo của Lan, có vài khán gỉa ngồi hóng cũng đủ khiến đêm “văn nghệ hội diễn” thêm phần rôm rả.
***
Thoắt qua hai mươi năm. Tôi từ giã BMT đã lâu. Xứ đó đúng là buồn … muôn thuở! Buồn vì ngủ màn trời chiếu đất ngoài bến xe, đêm mùa đông lạnh buốt không có manh áo ấm. Buồn vì trường kỳ buôn lậu, mỗi lần qua trạm lo lắng teo tóp trái tim mà túi ngày càng rỗng, nghèo xơ ruột muớp!…
Tôi vẫn giữ liên lạc với Lan, nên biết Phượng theo chồng về Saigon. Cúc cũng đi Saigon, nhưng không phải theo chồng mà…tránh chồng. Nhà Lan nhiều con gái như một vườn hoa đẹp nhiều màu sắc, nhưng mợ không cho đó là điều hãnh diện. Mợ lo con gái…ế! Có người dạm hỏi mợ gả ngay. Lần đó đám cưới một ngày hai đứa. Phượng may mắn có chồng hiền lành, chịu khó làm lụng cho vợ hưởng nhàn. Ngược lại chồng Cúc giành phần nhàn hạ, đùn đẩy công việc trụ cột gia đình cho vợ, bởi chàng là con trai một được cưng chiều, ỷ lại vào cha mẹ và mấy chị đã quen, nay có thêm vợ giỏi chàng ung dung hưởng thụ.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] Nếu chỉ lười làm việc cũng không đáng nói. Chồng Cúc còn bái sư xin làm đệ tử “bác thằng bần”. Cúc đầu tắt mặt tối sớm hôm, nuôi bốn con với một chồng. Hàng ngày Cúc thồ hàng bằng xe đạp chất cao ngang tầm mắt, đạp mấy chục cây số về đến nhà khuya khoắt. Gần đến nhà phải qua một con dốc cao, Cúc xuống xe chổng mông đẩy. Xe hàng vừa nặng vừa cồng kềnh, sức phụ nữ dù khỏe đến đâu cũng không giữ được xe khỏi chao đảo, nhìn từ sau không thấy người chỉ thấy chiếc xe với khối hàng cao nghệu, uốn lượn như Dương Qúi Phi múa khúc nghê thường! Bỗng một hôm xe nhẹ hẳn, cũng không “múa” nữa. Thì ra có chàng hàng xóm giàu lòng nghĩa hiệp, tối đứng dưới chân dốc chờ Cúc về qua, đẩy giúp và đỡ phụ hàng xuống xe. Chồng nằm khểnh trong nhà xem Tivi đợi kết qủa dò số đề, thậm chí không chạy ra sân giúp vợ. Chàng hàng xóm một hôm ngân nga.
Đưa người ta không đưa qua sông, sao nghe tiếng sóng ở trong lòng…(*)
Cúc không chịu được cảnh chồng thì vô tình, hàng xóm thì đa tình. Và để lánh nạn …tình, Cúc bèn dắt bốn đứa con vào Saigòn sinh sống, sau khi nhắn nhủ với chồng một mai thiếp có xa chàng, đôi bông thiếp trả, đôi vàng…í quên, con chàng thiếp xin.
Thằng con trai lớn tôi có bằng kỹ sư. Nhưng “nhờ” lý lịch là con “nguỵ” nên chẳng thể tiến thân mà chỉ …hiến thân cho ma men! Bởi sau mỗi công trình cha con lão làng gốc “cách mạng” chia chác với nhau hết tiền, chỉ đưa nó đi nhậu an ủi. Ăn nhậu riết, huyết áp cao hơn mấy em chân dài. Vả lại có học vị nhưng không có chức tước, phải dưới quyền mấy kẻ dốt nó không chiụ được, bỏ làm về lấy vợ. Hai vợ chồng hai bằng đại học cất kỹ trong rương như cất cuốn gia phả nhiều đời. Mở quán Cafê sống qua ngày. Ở VN bây giờ, có bằng đại học mà không có tiền …tệ hay quan hệ (gốc cách mạng) thì lấy bằng cử nhân xong an nhiên về nhà làm nghề cha truyền con nối. Chẳng hạn ở xóm nhang thì chẻ tăm nhang. Ở ngoại ô thì chặt lồ ô “thiết kế” thang tre. Ở biển thì đi ghe làm ngư phủ. Ở chợ Cũ thì chạy xe ôm, vá xe đạp!…Con tôi may mắn hơn, làm chủ quán Café … tạp nhạp.
Từ Ba mê Thuột vào Cúc ở nhờ nhà em trai, mỗi sáng nấu xôi bán rong. Lời lãi không bao nhiêu nên mỗi ngày Cúc chỉ dùng riêng cho nhu cầu “ẩm thực” của mình hai ngàn, chia đều cho hai bữa là gói bún chan nước tương ăn với dưa leo. Xem ra tình hình kinh doanh…xôi có vẻ không khấm khá. Tôi bàn Cúc nấu một nồi hủ tiú ngồi trước quán Cafê của con, bán buổi sáng. Lỡ ế, ăn hủ tíu trừ cơm cũng đỡ hơn ăn xôi nóng ruột.
Cúc bằng lòng ngay, không phải vì tương lai sáng lạn “ăn hủ tiú ế đỡ nóng ruột hơn xôi ế” mà bởi ở kế nhà em trai có gã hàng xóm, gã “mết” Cúc, thường sang quấy rối tình…yêu. Nói cho ngay gã không phải người xấu, chỉ là có tí máu “sư phụ” bẩm sinh. Năm giờ sáng thấy bên nhà Cúc nổi lửa nấu xôi, gã lo trời đang còn tối Cúc sợ ma bèn gõ cửa xin sang ngồi chung bếp, hát bài “tâm sự đời tôi” cho đỡ buồn. Thấy Cúc nói chuyện vui vẻ gã tưởng bở giở trò giỡn mặt, liền bị hai cái tát xiếc nổ đom đóm mắt, nhưng xem chừng chưa tởn thần ôn! Nên Cúc nghe lời tôi bàn, đổi mặt hàng “kinh doanh”. Vả lại thằng con trai lớn, ngày xưa tôi từng đem theo đi Ba mê thuột, “chia xẻ” dĩa rau muống nhà Cúc, hai cô cháu có “nhịp cầu tri âm” từ xưa, cũng thân gần với nhau.
Mỗi sáng Cúc nấu nồi hủ tíu bán điểm tâm. Nồi nước lèo của Cúc rất đa năng, cho ra “thực đơn” nhiều món, nào là hủ tiú mì, bún mọc, bánh canh… Chỉ khác chất liệu tên món, nước lèo dùng chung. Mấy ngày đầu có hai mẹ con Lan ra giúp. Mẹ con nhà ốc sên không quen dậy sớm, mắt mũi kèm nhèm tay chân lóng ngóng, chẳng đỡ đần được bao nhiêu mà vướng lối! Lan càng ngày càng chậm. Mười mấy năm trước sống chung với chồng dưới quê Châu Pha. Ngoài công việc thợ may, sáng Lan “tranh thủ” dậy sớm bán phở. “Cửa hàng ăn uống” của Lan ngoài nồi nước lèo nhỏ hơn nồi canh của gia đình ngoài Ban Mê Thuột, còn có dĩa thịt bò tái khoảng…hai lạng, bởi người quê chỉ quen ăn cơm nguội chắc bụng đi rẫy, dùng điểm tâm phở sợ …đau ruột. Gã chồng Lan thuộc loại tham ăn lười làm, ngủ đến sáng bảnh mắt, ra hàng tự phục vụ một tô đặc biệt với lạng rưỡi thịt. Gã “nhân đạo” chừa lại vài lát mỏng để Lan ngồi bán cho… vui, bõ công thức khuya dậy sớm!…
Cúc được bốn đứa con ngoan. Con gái lớn đi tu. Ba đứa em ngoài giờ đi học thay phiên nhau giúp mẹ bưng bê, rửa tô lau chén. Tôi cũng có việc. Trong “thực đơn” có món bún mọc. Tôi dành phần bào rau muống, không cho Cúc mua rau bào sẵn ở chợ, bởi tận mắt thấy họ để bệt rau dưới sàn đất dơ bẩn, bào soèn soẹt rồi nhúng vào thau nước vớt ra bán, đem về có rửa lại cũng không thể sạch được. Tôi cầu kỳ nhặt rau non, bào nhiễn, rửa thật kỹ kẻo khách ăn đau bụng, tội. Thế là tôi ôm việc vào người. Nhưng vui!
Mỗi sáng tôi lật đật dậy sớm, hoàn thành “trách nhiệm”…rau, đem ra hàng. Về đi chợ, nấu nướng thật nhanh để đó cho con, rồi chạy ra ngồi tán gẫu. Giờ đó Cúc bán đã vãn khách. Chị em nói chuyện thơ văn âm nhạc, tương đắc, cười đùa vui vẻ…

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] Do công việc phải tiếp xúc nhiều với nước, mười đầu ngón tay Cúc bị lở loét, đau nhức tới từng đốt xương. Bác sĩ phán, nếu không kiêng cữ nước có ngày phải …tháo khớp. Ôi!…Dù chưa bị dao kéo động vào, Cúc đau khổ hệt như mấy ngón tay đã rụng.
Rồi lại tới ngày tôi lên đường xuất cảnh. Thế là chia ly. Trước khi tôi đi, Cúc “chỉ thị” con trai tự tay kẻ nốt mấy bản nhạc xưa cũ để tôi ôm qua xứ xa tập đờn từng tưng đỡ buồn…
***
Những lúc rảnh rỗi tôi gọi về Việt Nam. Mỗi khi nghe tiếng tôi Cúc reo mừng rỡ. Tiếng reo giòn như tiếng pháo ngày tết, rồi líu riú huyên thuyên. Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm xưa. Chuyện qua đã lâu rồi mà vẫn như mới trong tâm tư hoài niệm. Người ta nói -Tuổi trẻ nghĩ về tương lai. Người gìa nhớ về quá khứ – Tuy Cúc và tôi chưa…già, nhưng quá khứ đầy ắp kỷ niệm không thể quên. Cúc hồi tưởng:
– Em nhớ, cứ đến khoảng hơn 9 giờ là em bắt đầu ngóng. Em căng mắt nhìn về phía cuối đường mong thấy bóng chị đi đến. Rồi những ngày chị bận rộn qua đất mới lo làm nhà trồng cây, bán xong ngồi một mình, lủi thủi dọn hàng em buồn quá…Mấy đứa nhỏ cũng buồn! Chị đi rồi em về Ban Mê Thuột ở với ba mợ, ngày ấy tưởng phải giống …Hàn Mặc Tử, sợ quá!
Tôi trêu:
-Giống đã sao? Thường thì có tật có tài, nếu ngày đó Cúc bị vậy biết đâu ngày nay tai tiếng….í quên nổi tiếng, con chị này chẳng có cơ hội tiếp chuyện đâu…
Cúc phụ họa:
-Ơ, đúng rồi, biết đâu em nổi tiếng trở thành …Hàn Mặc Nữ…hì hì.
Nhớ đến đám trẻ, tôi hỏi thăm:
-Con bé đi tu của Cúc khấn trọn đời chưa?
Nghe nhắc đến con, cô em phấn khích:
-Rồi chị…Cháu khấn được mấy năm rồi.
Tôi lại trêu:
-Á à…vậy thì chị phải gọi Cúc là gì cho đúng nhỉ? Mẹ của linh mục thì giáo dân gọi bà Cố. Mẹ dì phước thì ta gọi bà…Cụ vậy nhé…haha.
“Cụ” cười sằng sặc, rên:
-Giời ạ!…Em lậy chị, chị gọi vậy thì em … già sắp chết rồi hở…hic!
-Còn bé Bi, nó có chí hướng đi tu với chị nó không?
-Chúa tôi!…Nó mà đi tu thì vãi tội trong nhà dòng à? Chị ta mô đen lắm, điệu mát trời ông địa, làm sao tu được…
-Vậy còn ba mợ khỏe không? Các ngài vẫn ở BMT hở? Sao không vào đây ở với mấy chị em cho vui? Xa xôi cách trở, đi lại thăm nhau cũng khó khăn…
-Vào đây thì làm gì có cây cho cụ ông…trèo? Hằng ngày cụ vẫn lùng sục ngoài vườn làm hết việc nọ đến việc kia. Hôm trước ngã cái oạch từ trên cây xuống, bò vào nhà đau mấy tháng. Hết đau cụ lại ra cây trèo! Vả lại bây giờ từ BMT vào Sài gon đi xe máy lạnh có tám tiếng, nhanh và tiện lợi lắm. Không phải như ngày trước chị đi hai ngày đâu…
-Còn cụ bà thì sao?
Cúc cười giòn, nói như sắp nhai vào lưỡi:
-Há…há…mợ em bây giờ là fan …cuồng của chị đấy! Rảnh rỗi chút là, Cúc ơi đọc truyện chị Nga … Truyện đọc em còn diễn cảm, bởi vậy đọc đi đọc lại mợ vẫn thích mê…ha ha…
Tiếng cười lây nhanh.
-Vậy thì đâu phải truyện của chị hay! Hấp dẫn là nhờ em gái có tài diễn xuất, thuyết minh đó chớ.
Nhớ đến Lan, tôi băn khoăn:
-Còn Lan bây giờ ra sao? Làm ăn khá không?
Tiếng cười chợt ngưng, như cái “đài” đang mở bị nhấn nút tắt:
-Chị Lan…Chị Lan vẫn vậy. “Sự nghiệp” vẫn bò theo vận tốc của con rùa, chẳng khá gì hơn!
Tôi nhắn lời an ủi:
-Thôi…Nói Lan đừng buồn, rồi cũng phải có lúc sau cơn mưa, trời lại sáng chớ. Có điều mưa hơi…dai!
Mỗi người một số mệnh. Lan là chị lớn trong gia đình. Từ nhỏ đã vất vả chăm sóc các em giúp mợ, ẵm em trẹo ba sườn. Lan ẵm Cúc ra sân nhà thờ chơi, chị chơi đàng chị em chơi đàng em, em chơi chán thì bốc cứt gà …ăn!
Lan tuổi thân, cái tuổi “thầu” hết mọi gian truân trắc trở cuộc đời…
Cúc lại nói:
-Mấy chiếc áo chị để lại, giờ em vẫn còn đang mặc. Cái gì của chị em cũng quí. Em thích cả kiểu tóc của chị nữa. Hồi em còn đau tay mỗi lần gội đầu phải nhờ chị Lan giúp. Chị Lan bàn em cắt tóc ngắn giống chị, vừa dễ gội đầu vừa đẹp, vì “sọ khỉ” của em cũng tròn đầy sau ót như chị. Em đắn đo suy nghĩ mãi, xưa giờ để tóc dài cột lên nhìn đã quen mắt, nhưng chị Lan “thuốc”, cắt tóc nhìn sẽ giống chị Nga. Nghe thế em hăm hở đi cắt… Giời ôi! Cắt xong nhìn mặt như con ngố, em phải trùm khăn suốt mấy tháng. Lại sui là vào ngày tết…
Tôi đùa:
-Thì kiểu tóc của chị là vậy. Cúc nhìn mặt chị cũng …ngố nghệt ra đó thôi.
Lại rúc rích tiếng cười. Cúc khoe hôm trước mới nghĩ được mấy câu thơ ứng khẩu, nhưng tôi phải gặng hỏi khuyến khích mãi nàng mới ngượng ngùng tằng hắng mấy cái, lấy “khí thế” đọc:
Ngồi buồn lại nhớ chị Nga
Tuy rằng cách mặt không xa cách lòng
Bên kia trái đất nửa vòng
Bên này em nhớ em mong từng ngày
Em mong chị sớm về đây
Về thăm người cũ cảnh này năm xưa…
Tới đó Cúc ngập ngừng. Tôi cố nén cười giục:
-Rồi sao nữa, đọc tiếp đi.
-Ơ…ơ em…quên rồi. Nhưng mà, chị thấy em làm thơ có…được không?
Tôi sốt sắng “động viên”:
-Được… được lắm, có họ hàng với ….con cóc …hihi.
-Vậy mai mốt chị về chỉ thêm cho em với.
-Ha…ha…chị làm thơ có hơn Cúc một chút, nhưng sao giám chỉ? Vì ta cũng có họ hàng với con ễnh ương.
Ha…ha…a!
Chợt nhớ dì Ngọ… Cúc thông tin:
-Chú Ngọ đã mất! Dì vẫn khỏe, nhìn bà chẳng thấy già…còn đẹp lắm.
Tôi nhớ, có lần đi xe đạp đang thả dốc, cái nón lá bị gió thổi úp vào mặt. Xe đạp thồ miền núi không bóp thắng bằng tay, muốn ngừng phải thò chân vào bánh xe chận lại. Tôi luống cuống không kịp “phanh”, xe lao xuống dốc “rơi tự do” vào hàng rào nhà dì Ngọ! Kẽm gai cào rách bàn tay, vào bụng xoạc mấy đường. Hai thằng em con dì vội chạy ra đỡ tôi đem vào bôi thuốc, rịt vết sước đang tứa máu. Tình người thân thương…
Có dịp về Việt Nam, nhất định tôi sẽ đi BMT một chuyến, thăm lại người xưa cảnh cũ. Người còn người mất! Cảnh có đổi thay? Cảnh với người gắn bó cùng tôi thời cơ hàn khốn khó. Và cưu mang tôi lây lất một quãng đời.

(*) Hai câu trong bài
Tống Biệt Hành của tác giả Thâm Tâm.

Giã từ,
thành phố có anh,
một sớm mai chan hòa bóng nắng.
Trời lấp lánh mây bay.
Trên muôn trùng diụ vợi,
biển dưới kia xanh thẳm mêng mang.
Ôi!…biển sao biết khóc?
Sóng xô bờ từng vạt trắng rưng rưng.
Em đi rồi,
ai có nhớ nhung?
Gởi lại anh con đường,
mới diù nhau qua mà như thân quen lắm.
Thu vừa sang,
lá vội đổi màu.
Gởi lại anh biển lộng gió chiều sâu,
nắm nhẹ tay nhau run run như thuở đầu đời khờ khạo.
Gió bay tà áo,
gió cuốn trôi những hờn giận vu vơ.
Đi bên anh, em tìm lại tuổi mộng mơ,
thời con gái ngại ngần e ấp.
Gởi cho anh,
chút tình rất thật, như hải âu lưu luyến biển xanh.
Nhớ không anh?
Buổi tạ từ tưởng chừng êm ả,
không âu sầu buồn bã giọt mi phai.
Nụ hôn gió lốc,
run rẩy bờ vai,
đợt sóng ngầm dạt xô đáy biển.
Gởi lại anh khung trời âm vang kỷ niệm,
gởi lại con đường tình tự hôm qua.
Em đi rồi đôi ngã chia xa.
Hai nẻo đời mỗi người một hướng….

[/read]

Mùa Thu…

Từ ngày anh tôi đậu đại học, khoác danh hiệu sinh viên, tôi trổ mã thành thiếu nữ 16 tuổi, căn nhà vốn êm ả trầm lặng của gia đình bỗng tấp nập khách khứa. Tất cả “khách” đều là bạn chung lớp với anh hai. Những anh mới bước vào ngưỡng cửa đại học, mang bao ước mơ hoài bão to tát, đang tập tành làm… người lớn. Các anh thích đến nhà tôi chơi vì giống như đi “dã ngoại”. Nhà tôi cách thành phố Saìgon 20km, không có vườn tược ao hồ cây trái gì cả, nhưng ai cũng thích đến. Cả lớp kháo nhau “thằng Thái có nhỏ em đẹp lắm”.
Tôi chỉ là cô bé lọ lem con nhà nghèo, còn nguyên nét quê mùa ngơ ngáo. Gia đình tôi sống trong một xóm đạo toàn người Bắc di cư, nên tôi nói rặt giọng “Bắc kỳ dốn” kéo dài thượt.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] Có lần, má đi buôn về, mua cho quả mít, dặn tôi xẻ ra mang biếu bà cụ nhà đối diện một miếng. Quả mít thì quá nhỏ, anh em tôi lâu lắm mới được má “hào phóng “mua cho chút trái cây. Tiếc rẻ, tôi đem biếu bà miếng nhỏ sát cuống. Lúc sau, bà cầm cái vỏ mít sang tìm tôi “mắng vốn”.
-Sao mày cho “chị” miếng mít… nguyên… thơ là… thơ ế. (miếng mít toàn xơ là xơ thế)
Từ đó chúng tôi hay dùng câu: nguyên thơ là… thơ để nói đến món gì quá hẻo. Giọng Bắc của tôi cũng vậy, lúc nào cũng có chữ “ế” kéo dài đằng sau, nghe đúng “giai điệu” Bắc kỳ.
Tuy mang tiếng là “đẹp lắm” nhưng quần áo tôi cũ mèm, xốc xếch, tóc cột đuôi gà bằng sợi thun, thay cho chiếc kẹp nhiều màu lóng lánh mà tôi hằng mơ ước. Trên người tôi không có món “trang sức” nào qúi giá, tai đeo đôi bông bằng hột… nhựa, chờ mãi một đôi bông vàng 18k bà nội hứa cho từ hồi còn nhỏ xíu chưa xỏ lỗ tai đến giờ chưa thấy. Tính tôi cũng còn con nít ham chơi, rảnh một chút là chạy biến ra sân nhà thờ tụ tập chơi đùa, chẳng quan tâm đến “thời sự” sôi động trong nhà.
Trong số bạn anh Thái đến chơi, có ba anh rất thân với anh tôi là anh Quế Anh, Trường Giang và Thiên Phú. Bốn anh được bạn trong lớp phong cho danh hiệu… tứ đại công tử. “Đaị công tử” là ba anh kia thôi, chứ anh Thái tôi con nhà nghèo làm sao là “công tử” được, nhưng anh tôi lại cao ráo, đẹp trai, trắng trẻo nên có vẻ cũng xứng với danh hiệu.
Các anh siêng năng tặng quà cho em gái… út, dù chẳng có dịp gì, còn nếu là sinh nhật em thì các món qùa càng đặc biệt “nặng ký” hơn. Anh tôi hay hỏi đùa em út:
-Sao sinh nhật út mà toàn là bạn anh tặng quà vậy? (bạn út nhỏ xiú làm sao có quà)
Cuối cùng chỉ còn anh Quế Anh giữ lại truyền thống… tốt đẹp này. Sau mới biết, thì ra hai anh kia đứng lại “nhường đường” cho Quế Anh.
Một hôm, ngồi chơi chán, Quế Anh rủ anh Thái đi uống cafê, thằng em ở đâu chạy về, mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, nó cuống quýt lắp bắp:
-Anh Què… Ành chò èm đì vời.
Quế Anh ngạc nhiên sửng sốt hỏi anh Thái.
-Nó nói cái gì vậy? Sao nó bảo tao…què???
Chúng tôi lăn ra cười sặc sụa, thằng em mắc cở chạy mất, anh Thái cố nín cười giải thích.
-Nó nói mày cho nó đi với, nó nói Quế Anh chứ không phải… què.
Quế Anh vẫn thắc mắc.
-Sao nhà mày kỳ vậy? Mày người Nam, em gái mày người Bắc, em trai mày người… Trung.
Má tôi người Bắc, ba người Nam. Sau ngày “giải phóng” ba đi “học tập”, má quá khó khăn chật vật nuôi anh em tôi, nên gởi anh hai và thằng em về bên nội ở nhờ một thời gian, vì thế anh nói tiếng Nam. Còn lại, tôi và em gái ở với má và bà ngoại trong xóm rặt người Bắc nên nói tiếng Bắc là đương nhiên, nhưng không hiểu sao thằng em kế tôi lại “đột phá” thanh âm, biến thành giọng …Trung. Nhà tôi qui tụ cả ba miền đất nước.
Ba được “nhà nuớc khoan hồng” cho về “đoàn tụ” với gia đình từ năm tôi 12 tuổi, nhưng vì ba má không hợp nhau, nên ba về sống với bên nội. Bà ngoại mất đã lâu. Má con tôi dọn ra Thủ Đức ở cho gần trường anh hai đi học, vì má rất lo lắng hồi hộp mỗi ngày anh đạp xe mười mấy cây số đi về, trên con đường tỉnh lộ xe ben chở đất đá chạy bạt mạng, cán người như ngóe.
Dù còn rất nghèo, không biết bằng cách nào má xoay sở mua được căn nhà xuống cấp trong cư xá Kiến Thiết và sang lại một quán cafê nhỏ trong sân nhà người ta cho tôi bán. Ngày ấy, có trào lưu cafê sân vuờn và nghe nhạc nước ngoài, người ta không còn thích ngồi uống cafê trong nhà với bốn bức tường bí bức, quạt quay vù vù, nghe nhạc “sến” rên rỉ.
Quán tôi gọi là “sân vuờn” cho… sang, chứ thật ra chỉ là mảnh sân nhỏ, để vài chậu dừa kiểng, vài chậu thiết mộc lan rải rác. “ Dàn âm thanh” là cái mini cat sét giấu trong quầy, phát ra loa nghe rồ rồ rẹt rẹt, vì thế tôi không cho ai đứng gần quầy, sợ họ phát giác ra “dàn máy hiện đại” của tôi thì xấu hổ chết người.
Người ta bỏ tiền ra đi uống cafê sân vuờn là để hưởng không khí trong lành, gió mát thiên nhiên, thưởng thức âm nhạc với dàn hifi tuyệt hảo, nhạc của những boyband, girlband nổi tiếng thế giới. Quán tôi chỉ có vài ba cuốn băng, (vì anh em tôi không ai rành nhạc nước ngoài), cộng với âm thanh máy phát ra… rẹt rẹt, khách đổi tên quán Thiên Lý của tôi thành quán… Bi Di, vì chỉ có băng BGs là hay nhất và tôi mở cả ngày đến nhão nhoẹt.
Khi mùa mưa tới, những tấm bạt che ở trên mái tạm lủng lỗ, dột. Nước mưa rơi lõm bõm xuống ly. Mưa gió hắt tứ tung. Khách phải mặc… áo mưa ngồi uống Cafe. Tôi thủ mấy cái áo để trong quầy, khách nào quên mang, tôi phát cho một cái, mặc vào ngồi… “nước lụt” trên ghế, uống cafê, nghe nhạc rột rẹt cùng với tiếng giọt mưa rơi lộp bộp trên tấm bạt, lạnh run. Khách vẫn vui vẻ, dù đôi khi có phàn nàn ca cẩm đôi chút.

Có một người khách đặc biệt, anh ngồi lặng lẽ ở một góc khuất, uống ly cafê đen đặc quánh, mỗi ngày…
Anh đẹp trai như diễn viên điện ảnh, khuôn mặt hiền lành trầm lặng, nụ cười sẵn sàng nở trên môi khi nói chuyện. Nhưng anh rất it nói, không phàn nàn khi nghe nhạc dở, không mặc áo mưa khi trời mưa, khiến lòng tôi phải áy náy. Tôi động tâm thỉnh thoảng kín đáo nhìn trộm anh, thì bắt gặp đôi mắt ấy cũng đang nhìn lại, lần nào cũng vậy!…
Tôi thấy lòng mình rộn lên một cảm giác là lạ, không biết gọi tên, nhưng vô tư không nghĩ đến nhiều. Vả lại, tôi còn đang “ bận rộn” sàng lọc, phân tích, đối phó với bao nhiêu lờì bóng gió xa xôi của nhiều người, vừa là bạn anh hai, vừa là khách quen trong quán
Thì ra người “khách đặc biệt” kia cũng là ban chung lớp với anh hai, từ lâu anh có nghe lời đồn “em thằng Thái đẹp lắm”, nhưng vì tính hiền lành nhút nhát, anh không muốn bon chen. Cho đến một lần, anh Thái rủ anh ra quán uống cafê. Từ đó anh trở thành “khách đặc biệt”, mỗi ngày đến quán… ngồi đồng.
Anh tiến lại gần quầy, chỗ tôi ngồi, nói nhỏ:
-Anh muốn nói chuyện với Châu một chút.
Phản ứng tự nhiên như mọi khi, tôi “xua đuổi”.
-Anh đừng đứng đây, má Châu la.
Anh nài nỉ.
-Vậy thì chỗ khác, Châu cho anh một cái hẹn đi, lúc nào Châu rảnh?
-Châu chỉ rảnh buổi trưa, khi vắng khách, có thể nhờ anh Thái coi quán giùm.
Anh vui mừng hấp tấp nói:
-Vậy thì trưa mai, lúc 1 giờ, anh chờ Châu ở…
Tôi ừ đại cho anh khỏi đứng lại nói thêm, sợ má ra bất chợt trông thấy lại bị rầy.
Trưa hôm sau, tôi… quên béng mất cuộc hẹn “tình đầu”, vô tư ngồi nhiều chuyện với nhỏ bạn. Khoảng 3 giờ, bạn thân của anh là anh Tánh hớt hơ hớt hải chạy đến báo tin:
-Châu, sao em hẹn với thằng Chương mà không đến? Nó đứng chờ em say nắng… xiủ rồi, mới tỉnh lại. Em đi gặp nó chút.
Tôi áy náy quá, vội vàng theo anh Tánh đến gặp anh. Mặt mày anh xanh mét như vừa trải qua một cơn bịnh nặng. Anh hẹn tôi ở một quán cafê khác, nhưng đứng ngoài đường chờ vì sợ trong quán toàn thanh niên, tôi ngại. Nắng giữa trưa tháng hạ thiêu đốt cơ thể, nhưng anh kiên nhẫn đứng chờ cho đến khi đổ gục. Sau chuyện này, chúng tôi thân nhau hơn.

Sắp đến 2/9 là ngày lễ “độc lập” của nước “cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN”, anh muốn rủ tôi đi chơi nên đến nhà xin phép má. Nhà tôi không có sofa cho khách ngồi, chỉ có mấy chiếc ghế đẩu, anh không dám ngồi ngang hàng với má nên xếp bằng ngồi dưới đất. Má tôi cao giọng nói mát mẻ, kiểu chua chát cuả người Bắc.
-Nhà tôi nghèo, con tôi còn phải buôn bán phụ với gia đình, đâu có sung sướng nhàn rỗi như các anh các chị nhà giàu, đi chơi lễ chơi lạt, thôi anh để nó yên, đừng rủ rê nó chơi bời nữa (người bắc nói “chơi bời” là đi chơi).
Má nói nhiều lắm, toàn giọng mỉa mai chua chát. Anh ngồi im bất động, thỉnh thoảng “dạ” nhỏ. Má thôi nói đã lâu, anh mới dám đứng dậy, nhưng lại ngã khụy xuống, vì ngồi xếp bằng quá lâu nên đôi chân bị tê cứng.
Tôi bất nhẫn cho anh và thầm trách má quá khắt khe với tôi. Là con nhà nghèo, từ nhỏ đến giờ tôi chẳng được đi đâu chơi. Nơi xa nhất và vui thú nhất là nhà nội, không phải vì bên nội thương yêu qúi hóa chúng tôi mà vì nhà nội là nơi duy nhất để đến và có nhiều bánh trái mà ở nhà không có, nhưng bây giờ chúng tôi không thích về nội nữa, vì nhận biết được sự ghẻ lạnh nơi đó.
Tôi đã làm lụng miệt mài, phụ giúp má kiếm tiền từ khi còn rất nhỏ, chưa bao giờ được thụ hưởng niềm vui từ bên ngoài. Chưa bao giờ được rong ruổi nơi những khung trời lạ, ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, hồn nhiên vui đùa một ngày, không cần lo lắng chuyện bán buôn đắt ế…
Má thật bất công!!!… Cái đầu nông nổi khờ dại của tôi đã nghĩ như thế và đưa đến quyết định – Má khó quá, thôi về ở với ba – Nghĩ là làm, tôi giấu vài bộ quần áo, trốn má đón xe về thẳng nhà nội ở Bà Rịa. Tôi sẽ về ở với ba. Ba dễ hơn má!
Đó là sự an bài của thượng đế, khi để xảy ra xung đột giữa hai má con tôi, nhờ vậy chúng tôi mới được gặp ba lần cuối, vì từ khi dọn ra chỗ ở mới, bên nội không biết địa chỉ nhà tôi. Khi về đến, mới hay ba đã nhập viện và vừa ở phòng mổ ra. Ba có vẻ tỉnh táo, thấy tôi, ba mừng rỡ rưng rưng nước mắt, nắm chặt lấy tay tôi dặn dò, nghe như lời trăn trối!
– Cả đời ba có lỗi với má con, các con hãy hiếu thảo với má, bù đắp thay cho ba!
Tôi cuống quýt nhắn tin về. Khi má đến nơi thì ba đang hấp hối, không nói được gì nữa, chỉ khẽ nhúc nhích mấy ngón tay. Ba biết có má hiện diện bên cạnh, nhưng thân xác đã đóng băng, khô lạnh, từ từ chìm sâu vào giấc hôn mê cuối cùng.
Hỡi ôi!!! Tay nghề cuả các bác sĩ “giải phóng” quá tệ, vết mổ bị nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Ba tôi mất đúng vào ngày rằm tháng 8, tết Trung Thu.
Ngày đưa ba đến nơi an nghỉ cuối cùng, mưa sụt sùi buồn thảm. Tôi thuơng ba quặn lòng. Tuy ba không gần gũi, không hy sinh lao nhọc để nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng tôi, không thắm thiết tình phụ tử. Nhưng dòng máu đang chảy trong huyết quản chúng tôi là của ba, anh em tôi có mặt trên chốn nhân gian này cũng là nhờ ba. Xảy ra việc tôi giận má về đây mới kịp nghe được một lời trăn trối và má con tôi có thể làm tang lễ tiễn ba chặng cuối cùng, nếu không thì chắc ba cô đơn lạnh lẽo lắm. Dù ba đã có người vợ sau và đứa em cùng cha. Nhưng họ đâu có thể khỏa lấp được khoảng trống của chúng tôi.
Trong lúc tôi đớn đau suy sụp, bước thấp bước cao trên đường ruộng dẫn ra huyệt mộ, khóc ngất từng cơn, Chương vẫn ở sát một bên, nắm chặt tay tôi chia xẻ, diù đỡ mỗi khi tôi sắp ngã, lo âu cuống quýt khi tôi ngất xiủ, tha thiết vỗ về an ủi cho tôi nguôi. Tình anh trao cho tôi sâu vời vợi, mêng mang êm ả như mặt hồ lộng bóng trăng thu. Anh trầm lặng ít nói, không biết dùng từ ngữ để biểu đạt tâm tư, nếu không xảy ra biến cố trọng đại này, làm sao tôi hiểu được tình anh.
Khi biết chúng tôi yêu nhau, Quế Anh buồn thiu, tâm sự với anh Thái.
-Tao …thương Châu từ dạo mới chơi với mày mà không dám nói, bây giờ muộn màng rồi, hai thằng kia (Giang và Phú) chửi quá trời, tụi nó thấy tao… nhát nên nhường đường cho, nếu không đâu tới phiên thằng Chương, rốt cuộc tao… hỏng bét.
Anh Thái an ủi.
-Tại duyên số thôi, mà cũng tại …mày, không dám nói với nó sao không kêu tao nói giùm, thằng Chương lù đù mà vác cái lu chạy, tao cũng không dè.
Quế Anh ngập ngừng.
-Không phải tao… cầu cho họ… tan vỡ, nhưng ngày nào Châu chưa đám cưới, tao …vẫn chờ.
Bạn anh Thái ai cũng dễ mến. Người dí dỏm hài hước, người lanh lợi hoạt bát, riêng Quế Anh rất hiền, gần gũi thân thiết với chúng tôi nhất, tôi mến anh, coi anh như anh Thái, nên rất hồn nhiên vô tư. Nếu anh bày tỏ tình cảm, tôi không biết cảm giác của mình ra sao nữa!
Mấy mùa thu trôi qua. Nói cho lãng mạn, chứ ở miền nam chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa thu là mùa mưa. Không có lá vàng rơi. Không có con nai vàng nào ngơ ngác đạp trên lá khô xào xạc cả. Mùa chỉ có mưa sụt sùi, lê thê, chèm bẹp. Chương trở nên thân thiết trong gia đình tôi. Má thấy Chương hiền lành lễ phép nên cũng chấp nhận. Người thích thú nhất là thằng em miền… Trung, mỗì lần anh đến nó rất mừng, vì được mượn chiếc môtô phân khối lớn chạy rong trong xóm, nó mê xe như người ta mê… thuốc lào… Chương cũng muốn nó đi càng lâu càng tốt, cả hai đều có lợi.
Gần tết năm đó, Chương đưa tôi về giới thiệu với gia đình. Nhà Chương giàu vì ba Chương là dược sĩ, có nhiều tiệm thuốc tây. Má Chương dù ở trong nhà vẫn trang điểm cầu kỳ, đôi mắt xếch tô đậm, nhìn rất dữ. Ban đầu bà vồn vã tiếp đón tôi niềm nở. Sau khi hỏi về gia cảnh, tôi thật tình kể. Biết tôi là con nhà nghèo, chỉ mới học hết cấp ba, bà liền thay đổi hẳn thái độ, lạnh nhạt như muốn tiễn tôi về ngay.
Ra về với nỗi buồn tủi ngập lòng. Sao mẹ Chương lại coi trong sự giàu nghèo đến thế. Có bao nhiêu chàng trai giàu có đang theo đuổi tôi, nhưng tôi yêu Chương vì mối chân tình tha thiết của anh. Ở bên anh, tôi cảm nhận được sự êm ả bình yên. Tình yêu là cảm xúc bất chợt, nhưng dằng dặc nỗi chắt chiu mơ ước.
Tuy tôi chỉ học đến cấp ba, nhưng đó là sự cố gắng phi thường của má, sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân và có những điều tôi học được ở trường đời, không hề có trong giáo trình trường học, vậy không tốt sao!?
Tôi ngậm ngùi nói lời chia tay với Chương, anh buồn rũ như tàu lá héo, nắm chặt tay tôi rưng rưng.
-Em ráng chờ thêm một thời gian, để anh thuyết phục mẹ.
Không biết Chương thuyết phục mẹ bằng cách nào? Riêng tôi, tôi không đủ tự tin để làm dâu một bà “mẹ chồng” kỳ thị giai cấp như thế.

Anh vẫn ngồi lặng lẽ ở góc quán. Giọt mưa rơi lộp bộp xuống bàn, vào ly cafê, tan loãng, tung tóe như những hướng đời phân chia muôn ngả.
Anh tiến về phía tôi, đưa một tờ giấy gấp tư, nói nhỏ.
-Anh về!
Tôi ái ngại.
-Còn mưa mà, anh có đem áo mưa không?
-Anh quên rồi! Không sao đâu.
Nhìn bóng anh khuất sau làn mưa trắng, tôi nghe lòng dâng lên nỗi xót xa bùi ngùi. Có làn khói nào vương vào khóe mắt, cay. Mở tờ giấy anh đưa ra coi, chỉ ngắn ngủi mấy câu …thơ:
Đếm bước trở về theo lối chân quen / Giọt mưa ngâu điệu buồn rơi lặng lẽ / Ánh đèn vàng bên đường soi bóng lẻ / Đêm ngủ rồi anh vẫn thức vì em / Em hỡi em, xin đừng nói gì thêm / lời ly biệt cho tình đầu tan vỡ….
Tôi ngẩn ngơ mất vài giây: – Trời!… cái “ông” này, bình thường “nói không ra răng” mà trở thành thi sĩ từ bao giờ? “Ổng” đi môtô mà làm như đi bộ vậy.
Dù có… tưởng tượng trong thơ một chút, thì vẫn là lời phát ra từ trái tim. Đi xe, nhưng chiếc bóng anh lầm lũi cô đơn. Tôi buồn đến nao lòng.
***
Anh đến nhà, dựng vội chiếc xe rồi lao vào tôi như cơn lốc, vui mừng rối rít.
-Em, má chiụ rồi. Chủ nhật này anh đưa em qua nhà cho má nói chuyện.
Chủ nhật. Tôi hồi hộp đi theo anh, không hình dung được thái độ của mẹ anh ra sao. Bằng cách nào anh đã thuyết phục được mẹ??? Một người rất quan trong chuyện môn đăng hộ đối và không thích tôi ra mặt. Sau khi đợi tôi khép nép ngồi xuống ghế, bà vô đề ngay:
-Tôi nói thế này, cháu suy nghĩ rồi về bàn với mẹ xong trả lời tôi. Cháu nói nhà cháu đơn chiếc, không có bà con thân thuộc, vậy thì kiếm vài người hàng xóm nào đó cho đủ chục người, bên này hai mẹ con tôi qua. Tôi sẽ đưa cháu mấy trăm ngàn để làm mâm cơm cho xong lễ hỏi, vậy nhé.
Chương tái mặt nhìn mẹ. Tôi lặng người chết điếng, sao bà có thể thốt ra được những lời khinh man quá đáng như vậy. Đây là một cách sỉ nhục cho tôi nản, không phải bà thật lòng muốn tổ chức một đám hỏi theo nghi thức thông thường. Sau mấy giây trấn tĩnh, tôi ngồi thẳng người, nhìn bà, dõng dạc nói:
-Thưa bác, con trả lời ngay, không để bác chờ lâu. Nói về đám hỏi, nhà con là đàng gái, cho dù một bàn hay mười bàn, cho dù nghèo, má con cũng xoay xở lo được, không phải dùng tiền của bác. Phía đàng trai, con thấy gia đình bác rất đông, chưa kể họ hàng gần xa, sao lại chỉ có bác và anh Chương qua nhà con, không giống đám hỏi….
Tôi chưa nói hết câu, bà ngắt ngang:
-Nhà tôi đông, nhưng mọi người bận buôn bán làm ăn, không đi được.
-Nếu việc làm ăn nhà bác quan trọng hơn nghi thức cưới hỏi, thì con cũng không cần đám cưới đám hỏi với anh Chương nữa. Con không phải gái hư, con chỉ nghèo, nhưng nghèo không là cái tội, con hãnh diện khi sống trong mái gia đình nghèo của con, bác không cần sỉ nhục gia đình con bằng cách đó.
Để mặc bà há hốc miệng tức giận, tôi quay sang Chương.
-Anh đưa em về.
Ra đến sân, tôi còn nghe tiếng bà tru tréo trong nhà.
-Mày thấy chưa Chương? Chưa làm dâu mà nó đã trả treo như thế, mai mốt về đây làm sao tao chiụ được?
Trên đường về, anh khẽ trách:
-Sao em không nhịn má một chút, để từ từ anh tính.
Tôi chua chát:
-Anh tính được gì, má anh chiụ cưới hỏi em đàng hoàng sao? Hay cứ dùng cách kẻ cả khinh mạn đó đối xử với gia đình em. Em có thể vì anh nhịn nhục, nhưng má em không đáng phải chiụ nhục như vậy. Má em phải ngẩng cao đầu hãnh diện với mọi người, cho bõ công lao nhọc cực khổ nuôi dạy tụi em. Mình không có duyên vợ chồng, em không thể làm dâu má anh được đâu!.
Anh im lặng, tôi chỉ nghe tiếng thở dài đắng lòng.

Đã bao năm trôi qua. Giòng đời đưa tôi dạt đến phương này. Ở đây, mùa thu lá vàng rực rỡ rơi đầy trên thảm cỏ, xào xạc dưới chân. Tôi vẫn nhớ mùa thu chốn cũ, nơi có những cơn mưa dai dẳng sụt sùi. Giọt mưa rơi vào ly cafê đắng, tan loãng, phôi pha…
Về sau, vợ Chương cũng có tên Châu giống tôi. Nhưng không biết có thay thế được tôi trong lòng anh? Và hình bóng anh tôi còn cất giữ trong một góc trái tim. Tình đầu đâu dễ phai phôi.
Quế Anh mới lấy vợ sau ngày tôi rời VN. Bạn bè thân thiết cũ của anh Thái tản mác mỗi người một phương, xa xôi. Những ngày tháng cũ vui vẻ hồn nhiên lùi sâu vào dĩ vãng, làm sao tìm lại được…

[/read]

Chuyến Tàu Vắng

Đám cưới Hoàng gia Anh được mệnh danh là đám cưới cổ tích giữa thế kỷ 21. Đôi tân hôn ngồi trên xe tứ mã tiến vào Hoàng cung sau Thánh lễ Hôn Phối. Chàng là Bạch mã Hoàng Tử thứ thiệt, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cô dâu mặt rạng ngời hạnh phúc, chiếc áo cuới trắng tinh khiết, ẩn hoa trên nền vải, phủ tràn lên thảm như vạt hoa cúc trắng ngát, lãng mạn thanh tao. Mấy cô bé gái theo sau, áo đầm trắng xinh, đầu đội vòng hoa như những thiên thần nhỏ. Hình ảnh đám cưới tuyệt mỹ làm tôi vô cùng ngưỡng mộ.
Thuở còn là một cô bé, tôi theo mẹ đi dự tất cả những đám cưới được mời. Lúc nào cũng vậy, mẹ con tôi chỉ là những người khách bình thường, chẳng có chút thân thích gì với gia chủ, nên không bao giờ được tham gia vào việc tổ chức đám tiệc. Thuở ấy, niềm khao khát thèm thuồng nhất của tôi là được cùng với mấy đứa trẻ khác đi sau cô dâu nâng tà áo cưới dài lê thê. Đó là nghi thức trang trọng thời bấy gìờ và cũng để tà áo không… quét đất.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] Cô bé nào cũng thích được đi sau cô dâu nâng áo. Những đứa được chọn sung sướng hoan hỉ không thua gì … chú rể. Chúng nó được mẹ trang điểm cầu kỳ: má hồng như cái bánh cam, môi đỏ chót, mắt lấp lánh kim tuyến, tóc uốn quăn tít. Được “cấp” một chiếc áo đầm trắng mới tinh, đầu đội vòng hoa. Được theo sau cô dâu ra giữa nhà thờ, trang trọng. Vì thế, đứa nào mặt mũi cũng hỉnh lên, căng thẳng nghiêm nghị như đang thi hành một sứ vụ vô cùng trọng đại mà chỉ có chúng nó mới làm được, làm tôi rất khát khao thèm muốn.
Một lần, gia chủ đám cưới là bạn thân của mẹ, thấy tôi vừa tầm với mấy đứa kia nên đề nghị cho tôi cầm đuôi áo. Biết được tin này, cô bé Ngân mừng rỡ sung sướng, nôn nao mong chờ đến ngày cưới hơn cả đôi tân hôn. Nhưng cuối cùng, họ gạt tôi ra để thay vào đứa khác. Con bé này ngay từ đầu không được chọn vì quá cao lớn, không đều một lứa. Nó về nhà ăn vạ, gia đình nó là bà con ruột với nhà đám cưới nên cuối cùng nó được thay chỗ tôi. Lần đó, tôi từ chối đi đám cưới với mẹ, ở nhà khóc cho đã, để không ai nhìn thấy.
Đó là số mệnh. Chữ “cưới” không có duyên với tôi. Lúc nhỏ không được cầm đuôi áo cưới. Lúc lấy chồng không được mặc áo cưới cô dâu.
Tuổi mới lớn, tôi bồng bột nông nổi cãi lời mẹ lấy một người, vì mẹ không chấp nhận nên cuộc hôn nhân không có đám cưới, không có nghi lễ hôn phối ở Thánh Đường và … không có niềm vui, hạnh phúc, chỉ có nỗi buồn đong đầy nước mắt.
Năm tháng cuồn cuộn trôi. Khi chồng qua đời, tôi mới vừa bốn mươi, tuổi như bông hoa mãn khai, mặn mòi nhất của đời người phụ nữ. Lúc còn trẻ, tôi đuối trong cả núi công việc nhà với đám con, không còn thời gian soi gương chải tóc. Tôi để mình trở thành người đàn bà luộm thuộm già cỗi, dù thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một vài ánh mắt nhìn theo vương vấn.
Khi bóng hoàng hôn thời gian buông xuống, con cái đã trưởng thành, yên ổn, tôi mới thấm thía nỗi cô đơn của mình. Hình như tôi chưa biết yêu và chưa được yêu đúng nghĩa. Dù không ít mối tình “chạy” ngang qua đời, cũng chỉ như những chuyến tàu vắng, ngừng lại sân ga, không người bước xuống. Người đứng chờ vô vọng, lầm lũi trở về chốn riêng, trăm năm cô đơn ….Mỗi lần đi ngang tiệm áo cưới, tôi kín đáo ngắm nhìn, so sánh kiểu này đẹp hơn kiểu kia và…chiếc nào vừa cho mình?
Mùa Thu, lá run rẩy lìa cành, cuốn bay theo cơn gíó, xa lìa cội cây. Vầng trăng sáng vằng vặc, lẻ loi riêng một góc trời. Mùa Thu mang gió heo may về. Khi Thu tàn, Đông đem đến giá lạnh, mưa bão. Trời lúc nào cũng rưng rưng muốn khóc, thân cây khô đứng trân mình thảm hại trong băng tuyết, buồn …
Mùa đông chà xát, nghiến sâu vào thân thể người, bằng những cơn đau đớn trong xương khớp, làm khó thêm giấc ngủ. Bệnh khó ngủ thì suốt bốn mùa, tôi phải uống nước hoa Cúc hằng ngày để đêm có giấc ngủ ngon. Nhưng hoa Cúc đôi khi không tác dụng. Những đêm thức trắng, miên man tự hỏi mình những câu không lời giải đáp. Có khi tôi thấy mình “muốn” cũng hơi quá. Chẳng phải tôi đã sung sướng hạnh phúc hơn nhiều người rồi sao?
Không có những khát khao của bản năng. Tôi chỉ ước mong một người tâm đầu ý hợp, để cùng nhau đi đến cùng trời cuối đất và cuối…đời, thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp. Một bàn tay xoa diụ những cơn đau nhức khi đông về. Một cử chỉ ân cần chăm sóc. Một bờ vai để dựa khi nỗi buồn ập đến, một nụ cười để chia xẻ niềm vui. Một vòng tay ấm áp khi thu tàn. ( Ước nhiều quá làm sao có ?)
Có lẽ ông trời cảm thấy áy náy khi lỡ tay “đưa” cái số phận quá hẩm hiu lận đận cho tôi, bèn bù đắp bằng cách ban cho chút duyên … dzùng, có sức lôi cuốn đối với người khác, để đời tôi bớt tẻ lạnh đìu hiu. Nên tôi có nhiều bạn trai (bạn là “con trai”). Nhưng tình bạn thường không lâu bền giữa hai người khác phái.
Người đến với tôi chỉ là thêm chút thi vị cho cuộc sống đơn điệu hằng ngày, bên những bà vợ quá khô khan, chỉ còn biết chăm lo cho con, cháu, không thèm “đếm xỉa” đến ông chồng … quá cũ, quá nhàm và yên tâm gối cao đầu “ngủ khỏe”, vì đã được cấp giấy “sở hữu” chồng trọn đời. “Bạn trai” coi tôi như “hồng nhan tri kỷ”, nên khó giữ được tình bạn thuần túy. Khi họ có dấu hiệu bất ổn, là tôi … hô biến, vì họ đều có vợ, những người đàn ông tốt hay được lãnh “án” chung thân, phụ nữ sẽ không buông ra người chồng còn….sai được của mình. Đàn ông cũng chẳng ai muốn rời bỏ mái nhà quen thuộc, dù nơi đó còn là mái ấm hay mái đã lạnh.
Tôi không muốn làm người tình bên lề cuộc sống của họ, chia sẻ tranh giành chút tình cảm vốn đã rất ít ỏi trong trái tim đàn ông, lấy về phần mình không được bao nhiêu mà vương mang nhiều hệ lụy.
Khi nghe ai đó ca bài Lý con cua: Bắt con cua mà bỏ vô trong giỏ, nó kêu chàng hỡi, nó kêu chàng ơi. Chàng đà yên phận đủ đôi, thương thân thiếp lẻ loi một mình….Buồn đứt ruột, thảm sầu gấp trăm lần nỗi cô đơn hiện tại. Vì thế, tôi tự đặt ra ”luật” cho mình: không yêu người đang có vợ.

Tôi có hai người bạn, tuy họ chưa “mãn hạn”, nhưng ở hai nơi rất xa (an toàn).
Một người ở phía tây bắc, chỉ liên lạc bằng email. Những giòng email ngắn ngủi, cụt ngủn trên máy mà đem lại cho tôi niềm vui thật. Bao giờ anh cũng mở đầu : Hôm nay vui hay buồn? ”siêng” hơn thì thêm hai chữ: Ngân ơi, hôm nay vui hay buồn? và kết thúc bằng câu : Chúc Ngân có thêm một ngày vui.
Những câu chuyện không đầu không đuôi, vu vơ lãng đãng, khi vui vẻ sôi nổi, khi rời rạc hững hờ. Lúc đùa nhây nham nhở, lúc dí dỏm pha trò. Chúng tôi chọc ghẹo nhau hồn nhiên như bạn bè thân thiết hồi còn đi học. Tôi bướng bỉnh, tinh nghịch gọi anh bằng “bạn” hoặc bằng “bác”. Đáp lại, anh kính cẩn “thưa” tôi bằng “cụ”, cuối cùng anh đành xuống nước kèo nài : Ngân gọi bằng anh đi, gọi bác nghe …gìà lắm.
Lúc buồn, tôi mail cho anh chỉ mấy chữ: Hôm nay quá buồn, lập tức anh gởi file mp3 nhiều những bản nhạc tôi yêu thích và cả chính giọng anh hát. Lúc ấy tôi chưa nói chuyện bằng điện thoại với anh, nên chưa nghe được giọng nói, nhưng tiếng hát của anh thật tuyệt vời; truyền cảm, ấm áp : Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ em chở mùa hè của tôi đi đâu/ cành phượng vỹ em cầm là tuổi tôi 18/ thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…
Giọng hát đưa tâm hồn tôi chơi vơi bay bổng tìm về ngày tháng cũ. Thuở áo trắng sân trường riú rít hồn nhiên, chuyên môn xúi dại mấy gã…khờ trèo lên cây bẻ cành hoa phượng, bị thầy giám thị điểm mặt chỉ tên, hôm nào may mắn, thoát được “sổ vàng đề tên” thì quần áo cũng bị lếch thếch te tua,vậy mà không chừa, thích được mấy “cô nương” nhờ vả…Tôi lại rất yêu hoa phượng, hoa của tuổi học trò thơ mộng nhất đời người, màu hoa đỏ thắm đẹp rực rỡ, vả lại, thấy cành phượng lác đác nở hoa là biết sắp …được nghỉ hè. Tôi bỗng ghiền bài hát, hay là ghiền …tiếng hát của anh… không biết.
Mỗi đêm trước khi ngủ, tôi nghe anh hát như lời thầm thì ru giấc mộng :Mối tình đầu cuả tôi, là mưa giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả giấc mơ, là bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về…………
Ngày tháng nhân lên sự gần gũi thân thiết, khi tôi chậm trả lời thư, anh réo gọi : Ngân ơi, Ngân đâu rồi ? Ngược lại, khi check mail không thấy thư anh, tôi bâng khuâng…buồn, dù ”lá thư” chỉ ngắn ngủi vài chữ, dù tôi không phải người tình, cũng chẳng là ”Hồng nhan tri kỷ” của anh.
Lúc buồn, coi lại thư cũ, những lời tếu táo dí dỏm làm tôi bật cười, vui. Chút vô tư trong trẻo như thời học sinh, cách biệt bởi hai phương trời, thật mà ảo….

Một người ở phía tây nam.
Mỗi ngày vào giờ cố định, anh phone cho tôi. Giọng anh dịu dàng nhỏ nhẹ, anh hay cười, cho tôi cảm giác anh rất hiền. Chúng tôi nói chuyện mưa nắng thời tiết, chuyện xã hội xưa nay, chuyện trên trời dưới đất, cũng là những mẩu chuyện vu vơ, không đầu không cuối, cũng là hai phương cách biệt.
Anh chiụ khó lắng nghe tôi kể lể nỗi buồn. Tôi đọc cho anh nghe bài thơ của Trần huy Phương : Nếu có một ngày em cảm thấy cô đơn/ Hãy về đây dựa vai anh mà khóc/ Kể cho anh nghe chuyện đời gai góc/ Chia bớt cho anh cảm giác xót xa/Vì anh suốt đời là một sân ga,/ đón nhận vui buồn con tàu em chở đến./ Dù có một ngày con tàu em thay bến/ thì sân ga sẽ vẫn còn đây/ rồi hôm nao sầu nặng dáng em gầy/ hãy trở lại dựa vai anh mà khóc….

Tiếng anh thở nhẹ.
– Nghe sao buồn quá! Lúc nào cần, mình cho …mượn vai.
Anh luôn tìm cách làm tôi vui. Anh gởi những tấm hình mấy con thú hoang dã đẹp ngộ nghĩnh. Những đoàn tàu đi trong băng tuyết, hoang vu lãng mạn. Những bức tranh vẽ sinh động như hình chụp, đẹp tuyệt vời và cả một group nhạc xưa nay, với lời nhắn: Enjoy it em nhé.
Tôi có ”người yêu” xa nửa vòng trái đất, “yêu” nhau khá lâu nhưng chưa gặp mặt. Một lần, tôi quyết định đi gặp “chàng”. Khi trở về anh hỏi thăm:
– Sao rồi, gặp người ấy có vui không, hạnh phúc không?
Tôi nhăn nhó.
– Chán …phèo. Đến không vui, đi không buồn, lạt lẽo vô vị.
Anh ngạc nhiên sửng sốt:
– Sao kỳ vậy, dân pilot ngày xưa lãng mạn ga lăng lắm đó, vậy mà Ngân không vui sao?
– Ai biết, chắc tại…già nên ổng quên hết bài bản rồi, lãng nhách.
Anh băn khoăn:
– Vậy Ngân có …buồn không?
Tôi đáp gọn:
– Không buồn,
– Có cần mượn…vai anh khóc cho chuyện tình lãng … nhách đó không?
Anh lúng túng trong cách xưng hô với tôi, nên khi xưng ”mình”, khi xưng ”anh” ngại ngùng. Sự ngại ngùng dễ thương.
Anh quan tâm hỏi han khi tôi buồn, chọc ghẹo pha trò cho tôi vui. Càng ngày anh càng rót mật vào giọng nói, ngọt ngào trìu mến. Lần này, chính tôi là người chao đảo chứ không phải “đối tượng phía bên kia” như truớc.
Anh phone cho tôi thường xuyên gần như mỗi ngày, nhưng cuối tuần thì không. Đàn ông có vợ là thế. Cuối tuần và những ngày lễ phải lui về “cố thủ” gia đình…. Vậy thôi, niềm vui vay mượn chỉ có thế, được bao nhiêu hay bấy nhiêu!…

Một hôm anh bất ngờ xuất hiện, tôi kinh ngạc xen lẫn mừng vui, hỏi một câu rất…thừa:
– Sao anh lại đến đây ?
Vẫn giọng nói đùa.
– Đem …vai đến cho Ngân mượn.
Tôi vui vẻ:
– Không đúng lúc rồi, em đang vui nên không cần.
Anh nắm tay tôi kéo ra xe.
– Để anh đưa Ngân đến chỗ này.
Nơi đến là cánh rừng nhỏ. Ven rừng có vạt hoa Cúc trắng lóa bát ngát dưới nền trời xanh. Vài cơn gió nhẹ mơn man, làm dợn sóng trên những khóm hoa, hương Cúc hăng hăng thoảng trong gió. Tôi kinh ngạc trầm trồ:
– Đẹp quá, sao anh biết chỗ này?
– Anh trồng đó, để Ngân ra đây hái hoa về nấu uống cho dễ ngủ, thích không?
Tôi cảm động reo lên:
– Thích…, thích chứ, từ nay khỏi ….tốn tiền mua hoa khô của China
Anh nhẹ vuốt ve mái tóc cụt ngủn, xơ xác, phai màu của tôi, giọng chùng xuống:
-Vậy… em ráng chăm sóc cho nó mãi ra hoa mà dùng, anh chỉ làm được cho em bấy nhiêu thôi.
Nói xong anh quay lưng lầm lũi bước. Tôi thảng thốt chạy theo với gọi. Anh cứ đi, đi mãi, không quay lại….

Giật mình chợt tỉnh, thì ra tôi đang mơ mộng vớ vẩn. Tôi nhớ anh!? Tôi thấy lòng bất ổn!!! Tôi đang phạm “luật”của mình!?
Hai anh là bạn của nhau. Chúng tôi là “mối tình tay ba” thuần khiết, vui nhộn, chia cho nhau những tràng cười dòn dã.
Rồi sẽ đến lúc tôi phải chia tay hai người bạn thân thiết dễ thương này. Tình bạn giữa hai (ba) người khác phái thường không bền.
Chuyến tàu dừng ở sân ga, không người bước xuống. Tôi lại trở về chốn riêng cô độc….
….Ta khác chi bến bờ hoang vắng. Từng thu sang đợi mãi cánh buồm. Ánh chiều tà chút nắng còn vương. Và mây trắng lững lờ bay mãi.

Hoàng Thị Thanh Nga

[/read]

1 2 3