Vương Đàm

Vương ĐàmGốc

Giá Trị Huyền Sử Việt

Giữa Huyền sử Việt và huyền sử Mường có nhiều nhân vật gần giống nhau: Lạc Long Quân có tên gần như dịch âm sang chữ nho từ ba tiếng Lang Cun Cần. Cuộc đời của Lạc Long Quân bất tử, cuộc đời của Lang Cun Cần cũng bất tử.
Những nhân vật như: bà Thu Thiên, bà Da Dần, nàng Ả, nàng Dật Cái Dành, thằng Bờm, Toóng In, Rùa Vàng v..v… có trong huyền sử Mường, tuy không hoàn toàn, nhưng cũng gần giống với các nhân vật: bà Âu Cơ, bà Thiếu Hoa (tổ nghề dệt lụa làng Cổ Ðô, Hà Tây), thằng Bờm, Thủy Tinh, thần Kim Qui v..v… của huyền sử Việt. Trứng chim “chín cạnh bảy góc” nở ra nhiều giống người cũng không khác mấy so với “bọc trăm trứng nở trăm con” của huyền sử Việt. Các hiện tượng sinh thái như cây si, cây chu của Mường cũng gần giống như cây chiên đàn của Việt. Chim Tùng, chim Tót có trong huyền sử Mường khiến cho người ta liên tưởng tới chim Hồng, chim Lạc là hai thứ chim tượng trưng cho giòng giống Việt Nam, nhiều người Việt không quên câu “Việt điểu sào nam chi” (chim Việt làm tổ cành phía nam).
Nội dung chính của hai huyền sử Việt và Mường khác nhau ở chỗ: huyền sử Việt như đóa hoa thơm tỏa hương mời gọi mọi người vào trong cộng đồng: hợp chủng, hợp nhất, bình đẳng, tương thân. Trái lại huyền sử Mường như tòa thạch trụ kiên cố, tạo nên sức mạnh tự chủ để bảo vệ.
Quan niệm của Việt là:
” Ở đời muôn sự của chung,
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”.
Quan niệm của Mường là:
” Lúa ở mường Trời,
Nghe lời mường con gọi,
Lúa về mường này làm giàu làm có.
Bao nhiêu khốn khó bay về mường xa”.
Huyền sử Việt đã trải qua giai đoạn “lột xác” để vươn cao hòa đồng, để có sắc thái nhân sinh quảng đại, gắn bó nhiều chủng tộc Việt như một chủng tộc trong cuộc sống càng ngày càng tiến bộ, liên kết, hợp quần giữa con người và con người.
Buổi tương cận giữa huyền sử Việt và huyền sử Mường là khi các khu vực quần thể dân tộc còn ở các điểm: vùng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả cùng một số đảo thuộc vịnh Hạ Long. Vào thời cổ cư dân sống tại các vùng nói trên chưa có sự giao lưu nhiều. Ðặc biệt sinh hoạt cư dân Việt miền trung bộ sông Hồng có môi trường thuận tiện để tiếp xúc, giao lưu sớm với các cư dân Việt miền thượng nguồn sông Hồng, miền Lĩnh Nam, đồng thời lại tiếp cận hòa hợp rộng lớn với các quần thể cư dân Việt các vùng trung du, duyên hải và hải đảo cùng nhiều dân các nơi phương xa tới lưu trú. Huyền sử Việt vì thế ngay từ thuở ban đầu, thay đổi biến hóa để phù hợp với nhiều huyền sử Việt khác. Trong khi đó huyền sử Mường tồn tại với tính chất thuần túy chủng tộc, bảo tồn truyền thống các cư dân tiếp cận rừng núi như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn Tây, Phú Thọ, Việt Trì, Sơn La. Ðặc biệt các vùng đất có dân tộc Mường cư trú, về phong tục tập quán bảo vệ được nhiều sinh thái cổ. Ðó là các vùng có địa lý sinh hoạt vừa có tính chất tài nguyên tự túc vừa có địa hình hẻo lánh (thí dụ vùng mường Pi ở Hòa Bình).

Tháp Bút bên bờ hồ Hoàn Kiếm Hà Nội
trên thân tháp có ba chữ nho ngụ ý viết
lên trời: tả thanh thiên
Sách “Lĩnh Nam chích quái” viết về huyền sử Việt:
“Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trăm trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội. Hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, đem về nuôi nấng không phải cho ăn, cho bú, mà tự nhiên cao lớn, tài trí song toàn, ai cũng mến phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường… Lạc Long Quân hay đi và ở lâu dưới thủy cung, mẹ con Âu Cơ kéo nhau lên biên giới phía Bắc. Hoàng Ðế nghe tin lấy làm sợ mới đem binh trấn ngự quan tái. Mẹ con không tiến về phương Bắc được, đêm ngày gọi Long Quân:
-Bố ở phương nào làm mẹ con ta thương nhớ?
Lạc Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp vợ và các con ở Tương Dạ. Âu Cơ nói:
-Thiếp vốn người gốc trên đất, cùng ở một nơi với chàng, sinh được một trăm trai mà không có gì nuôi dưỡng, xin cùng theo nhau, chớ nên xa cách bỏ nhau khiến cho mẹ con thiếp không chồng, không cha, sống vò võ bơ vơ.
Long Quân bảo:
Ta là loài Rồng sinh trưởng ở thủy tộc. Nàng là giống Tiên người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hòa hợp lại mà có con, nhưng khác loài, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau lâu dài. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi con về biển phân trị các xứ, năm mươi con theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước, nhưng có việc gì thì cùng nghe không được bỏ nhau”.
Ðọc huyền sử “cha Rồng mẹ Tiên” thấy chính Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “-Ta là loài Rồng sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống Tiên người ở trên đất”. Rõ ràng nhân vật hệ trọng nhất trong huyền sử đã tự xác nhận chính bản thân mình thuộc giòng giống loài Rồng sinh trưởng ở thủy tộc. Rồng là đệ nhất trong bốn linh vật, từ xưa là một linh vật tưởng tượng của người Á Ðông tượng trưng cho trời, mây, nước, qua những thay đổi biến hiện hình sắc. Rồng cũng là linh vật tối linh, cao quí đối với con người, thường người xưa cũng cho rằng các bậc minh quân hoàng đế đem lại hạnh phúc cho lê dân là những bậc có tướng diện như rồng. Hiển nhiên lời nói của Lạc Long Quân đầy đủ sự chính xác để xóa bỏ những giòng huyền sử ngụy tạo: Ðế Minh sinh ra Lộc Tục (Kinh Dương Vương) và Lộc Tục sinh ra Sùng Lãm (Lạc Long Quân). Khi tự thân huyền sử đã xác định cho chính huyền sử, không có giòng sử nào có thể xuyên tạc được.
Sự kết hợp giữa Rồng của trời, mây, nước với Tiên trong đất mà sinh ra “bọc trăm trứng” rồi nở ra “trăm con trai”.
Trời, mây, nước và đất được nhân cách hóa trong huyền sử theo trí tưởng tượng của người xưa. Hai tên gọi tôn kính cùng trừu mến: Lạc Long Quân và Âu Cơ là hai tên gọi chỉ Trời và Ðất chuyển biến theo thời gian, vừa nhân cách vừa thần linh hóa của huyền sử. Không ai có thể chối cãi: Ðất cần có Nước, ánh sáng và không khí mới nảy sinh thực vật, động vật. Và nhiều loại động vật phải có mặt trên trái đất trước khi có con người.
Cái “bọc trăm trứng” cũng nên hiểu là khoảng không gian to rộng bao la gồm ánh sáng, thời tiết, không khí. “Hơn bảy ngày trứng nở” cũng ngầm hiểu mỗi ngày của huyền sử dài hàng triệu năm, tương tự như bảy ngày tạo ra trời, đất và người của huyền sử Kitô giáo.
Vị vua Hùng đầu tiên của giòng họ Hồng Bàng (Hồng ngụ ý tươi hồng rực rỡ, Bàng là rộng lớn. Nghĩa rộng là vừng hồng thái dương lúc bình minh lan tỏa khắp nơi), chắc không phải là người con trưởng ở trong số trăm con. Vì “bọc trăm trứng” khi Âu Cơ sinh ra rồi đem bỏ ra ngoài đồng nội, hẳn chẳng thể có ai làm chứng nhân để biết: – Trứng nào nở trước? – Ai trưởng? – Ai thứ? Suy luận như thế mong thấy lẽ công bằng, hợp lý của huyền sử đối với các chủng tộc trong cộng đồng dân tộc. Huyền sử Việt không thấy có sự phân biệt kỳ thị nào. Nó cũng ngụ ý: bọc sinh trăm trai tất không thể sinh ra các con cháu về sau, sẽ phải kết hợp với các giống nữ các giống người khác. Ngay từ khởi thủy giống Việt đã là sự kết hợp của nhiều chủng tộc.
Chủ thuyết và chế độ phong kiến bất động không tiến bộ, nhưng nó đã tồn tại trong cõi nhân thế Á Ðông khoảng hai nghìn năm. Chính nó là thủ phạm làm huyền sử Việt bị xuyên tạc và bị bôi nhọ. Huyền sử Việt đã phải chấp nhận thời gian dài những phi lý và bất xứng.
Những nhận xét chân thực và rõ ràng về huyền sử Việt, căn cứ ở ba điểm:
1. Huyền sử Việt nêu tính chung một gốc của mọi người dân Việt, dù con người đã có từ thuở mới có đất nước, hay sau này mới tới để hội nhập.
2. Huyền sử xác nhận sự bình đẳng giữa con người và con người.
3. Huyền sử đề cao tương thân và đoàn kết, dù “trăm trứng trăm con” nhưng vẫn chung “một bọc”. Khi đã biết đoàn kết thì tản ra để sống; sống với đất và sống với biển, tới khi hữu sự thì tương thân, vẫn là những người con chung một gốc kết hợp lại, vượt qua mọi tai họa.
Ý nghĩa huyền sử Việt có tầm nhận định cao: Trời, Mây, Nước và Ðất sinh ra con người cũng tương tự như Thích Ca giải thích: con người là tứ đại thể gồm đất, nước, gió, lửa. Ý nghĩa ấy không khác theo nhận thức của người Kitô giáo: con người do từ cát bụi mà có.

Truyện tích “Trầu cau” là một trong những truyện tích thời cổ. Nội dung truyện tích đưa ra các bi thiết tình nghĩa để rồi phân định tình nghĩa liên hệ giữa con người và con người. Trước hết con người có trách nhiệm với chính bản thân về tình cảm, đạo lý để định hướng tình cảm, thành lập gia đình. Từ gia đình con người hiểu: đạo lý ông cha, đạo vợ chồng, tình nghĩa anh em, mến yêu quê hương, rồi từ những tình cảm ấy cảm nhận rộng ra tình yêu tổ quốc, đồng bào cùng tình yêu nhân quần xã hội. Truyện tích “Trầu cau” kể:
” Thời xa xưa, có một vị quan lang dáng người cao lớn, vua ban cho họ Cao. Ông có hai con trai tên là Tân và Lang diện mạo thật giống nhau. Hai anh em theo học nhà đạo sĩ họ Lưu. Họ Lưu cũng có người con gái cùng trang lứa tuổi với hai anh em họ Cao. Sau thời gian ngắn, người con gái muốn kết hôn với một trong hai người anh em họ Cao. Nhưng nàng cần phải chọn người anh, nên đem một bát cháo lên mời hai người ăn. Thấy người em nhường cho người anh ăn trước, nàng ghi nhớ diện mạo người anh và trình bày ý định của nàng cùng cha mẹ. Cha mẹ nàng cũng đồng ý gả con gái cho người anh. Sau khi cưới nhau tình nghĩa vợ chồng ăn ở thắm thiết.
Người em thấy từ khi người anh có vợ, tình cảm người anh đối xử với mình không bằng xưa, buồn rầu rồi bỏ đi. Khi người em đi tới bờ sông hết đường đi, ngồi than khóc rồi chết, hóa thành cây cau. Thấy mất em, người anh đi tìm em tới bờ sông cũng buồn rầu, ngồi tựa lưng vào cây cau rồi chết hóa thành tảng đá. Vợ người anh đi tìm chồng, tới bờ sông cũng lại buồn rầu và chết hóa thành dây trầu bò leo lên trên tảng đá. Vợ chồng nhà đạo sĩ họ Lưu đi tìm con gái, con rể và học trò, khi đến bờ sông hỏi ra mới biết sự tình, than khóc và lập đền thờ tại đó. Dân gian bấy giờ ai đi qua nơi ấy cũng cảm xót anh em, vợ chồng tình nghĩa mặn nồng chung thủy, đều vào đền đốt cỏ thơm van vái cúng lễ.
Về sau vua Hùng đi tuần trong nước, khi đi qua chỗ đền này vào trú chân nghỉ mát, vua nhìn thấy có cây cau, dây trầu, tảng đá lạ mọc đan kết lại với nhau, vua hỏi ra mới biết sự tích như trên. Vua truyền lệnh cho cận thần hái trái cau, lá trầu, nhai rồi nhổ lên trên đá, thấy hiện ra sắc đỏ thắm, thoảng có mùi thơm.
Vua về triều bèn ban lệnh khuyên nhân gian: phàm các việc lễ tục, cưới hỏi, hội họp đều phải lấy trầu cau ăn để mở đầu mọi việc. Người nước Việt có tục ăn trầu từ đấy”.
(Theo “Lĩnh Nam chích quái”)
Mỗi công dân Việt đều có niềm tự hào dân tộc mình có gần năm nghìn năm văn hiến. Song nếu có người đặt câu hỏi:
-Sự nghiệp văn hiến ấy bắt đầu từ cái gì? Và từ lúc nào? Thật khó có thể trả lời. Hầu như chúng ta phải dựa vào thời gian lập nước và những giá trị lịch sử không rõ là thực của ta hay đã phải vay mượn của nước khác. Các triều đại thời Hùng đã có tổ chức triều chính, kỷ cương xã hội, sinh hoạt văn hóa, học hành đạo lý tức là đã có “Văn Hiến”, (cách nay hàng nhiều trăm năm nhiều người đã nói: “nước Việt có bốn nghìn năm văn hiến”, cho tới nay nhiều người vẫn nói: “bốn nghìn năm văn hiến”, có lẽ nhiều trăm năm sau người ta vẫn cứ nói “bốn nghìn năm văn hiến”, chính là chỉ vì người ta không tự tìm hiểu nước Việt bắt đầu có văn hiến từ mốc thời gian lịch sử là bao giờ?).
Tục lệ ăn trầu cau, rất nhiều dân tộc miền Ðông Nam Á có. Ðặc biệt dân tộc Việt có tục ăn trầu cũng từ rất lâu đời. Trong cuộc bang giao Việt tặng Trung Quốc chim trĩ trắng đời Thành Vương nhà Chu, đã thấy sứ giả Việt giải thích tới bang giao vì “biển không nổi sóng đã ba năm” (ngụ ý thanh bình, miền biên giới phía bắc không có giặc), mục đích để thảo luận tìm chân lý cho hòa bình, trong đó có nói tới việc “ăn trầu”. Trong truyện tích “trầu cau” nói: vua Hùng đi tuần và phát kiến ra việc ăn trầu, ban truyền lệnh ăn trầu. Việc vua ban lệnh ăn trầu, vào thời cổ xưa có thể là sự thực, hoặc nếu vua không ban lệnh chăng nữa, tục ăn trầu đã là quốc lệ từ lâu, từ thời Hồng Bàng.
Thoạt mới nghe truyện tích “trầu cau”, nội dung chỉ như là một trong số những câu chuyện tình duyên ngang trái, trắc trở. Sau nhận định kỹ, cũng chẳng có gì là ngang trái, trắc trở. Người anh kết hôn với người con gái thầy dạy học, hợp lý, hợp tình, không có ai ngăn cản. Người em bỏ đi rồi chết không phải là thất tình vì mất người yêu. Người em ra đi chỉ vì cảm thấy mất tình anh em. Sự ra đi ấy chính là sự ra đi mà người em nghĩ đi để tìm khuây khỏa khi tình anh em đã phai nhạt, đã mất, có sống cũng không còn ý vị gì nữa. Tới bờ sông hết đường đi, người em tuyệt vọng mà chết. Khi người anh đã mất em, cũng ra đi để tìm lại tình anh em thực sự đã mất, tới bờ sông, thực tế hiện ra: nước chảy mênh mông, sóng cuộn nước trôi, hình bóng người em không thấy, tâm trạng bơ vơ chỉ còn biết ngồi tựa vào thân cây rồi chết. Vợ người anh đi tìm chồng, vì nàng vừa mất một thứ tình mới lạ và say đắm nhất, kể từ khi cha mẹ sinh ra, với nàng tình nghĩa vợ chồng là tình nghĩa đặt nền cho mọi tương lai hạnh phúc mai sau, thiếu nó nàng cũng không thể sống được. Nàng phải đi tìm lại cho bằng được. Khi gặp dòng sông chắn ngang, tuyệt vọng nàng tựa mình ngồi cạnh tảng đá, thân cây mà chết.
Vợ chồng người thầy dạy học họ Lưu đi tìm con gái, con rể và học trò, vì những thứ tình cảm ấy đan kết nhau trong cuộc sống con người, nếu bị mất đi, xã hội đời sống con người sẽ bị hạ thấp xuống gần ngang với xã hội loài vật. Khi tới bờ sông vợ chồng người thầy dạy học, nhìn cây, nhìn đá mọc quấn quýt lạ lùng xen nhau, lại được nghe thuật lại từ những người biết chuyện. Ở nơi đó người thầy dạy học đã suy tôn tình nghĩa chung thủy cao đẹp của con, của học trò bằng cách lập đền thờ. Nhưng ông cũng đã khóc. Ông khóc vì những thứ tình nghĩa cao quí của con, của học trò chưa được khai thông, chưa tìm thấy hướng đi để thăng hoa, để cuộc sống con người không bị rơi vào cõi chết bi thiết về các tình cảm cao quí, để đáng lý ra, những cây những đá vô tri trở thành những mầm sống tốt tươi cho tương lai cuộc đời. Mọi người dân khi đi qua đó, vào đền đốt cỏ thơm, van vái cũng chỉ để chiêm bái những tình nghĩa cao quí và suy tư những tình cảm cần dung hòa cùng và đúng theo lý trí con người.
Tới khi vua Hùng đi qua, nhìn thấy đền thờ và nghe được tình tiết câu chuyện, nhìn cảnh cây và đá gần gũi, quấn quýt bên nhau, nhà vua đã tóm thâu được trọn vẹn nguyên lý cơ bản xây dựng cuộc sống con người. Vua Hùng đang có trách nhiệm nặng nề nhất nước, trong việc xây dựng xã hội có nếp sống tình cảm lành mạnh cao đẹp. Nhà vua ý thức rõ: tình vợ chồng là đầu mối mọi thứ tình cảm: cha con, mẹ con, thầy trò, anh em, bè bạn, đồng bào, vua tôi, quê hương, tổ quốc, xã hội… Nếu con người không tôn trọng tình vợ chồng, cha con, anh em trong gia đình thì không thể nào có được và làm tròn bổn phận được đối với những tình yêu khác. Không có tình yêu anh em, tất không có tình yêu đồng bào, đồng đội. Không có tình thầy trò cũng sẽ không có văn hóa, lễ nghĩa, tiến bộ, để con người có thể xứng đáng là con người. Và các tình yêu tổ tiên, cha mẹ, nhà cửa, quê hương nếu không có hẳn cũng không thể có tình yêu đất nước và tổ quốc.
Sự phân định tình cảm trong gia đình không thể để tình cảm che khuất lý trí, mọi sự buông lỏng hay gò bó quá độ giáo dục và nuôi dưỡng cả hai mặt lý trí, tình cảm, sẽ dẫn tới sự tai họa lớn hay nhỏ ở gia đình tuỳ theo bị ảnh hưởng xấu nhiều hay ít. Vua Hùng trong sự mục kiến bi kịch về tình vợ chồng, tình anh em qua truyện tích “Trầu cau”, nhà vua đã ý thức rõ: tình vợ chồng là nền tảng khởi đầu cho gia đình, khi gia đình sung mãn cần nhân hoá thành nhiều gia đình tiếp nối. Gia đình là nguyên tố tối ưu nuôi dưỡng, giáo dục con người tích lũy nên sự xây dựng xã hội, đất nước. Xã hội hoàn toàn bất lực trong việc dưỡng giáo con cái trong gia đình ở thời kỳ thơ ấu và thiếu niên. Một đất nước, một xã hội đánh mất lý trí, tình cảm nền tảng giá trị gia đình, hậu quả tất yếu xã hội đó sẽ bị hoang loạn và sụp đổ.
Những tình cảm trên luôn cần thiết và gắn bó với con người. Gắn bó bằng cách người ta ăn trầu để luôn nghĩ tới chúng, để chúng thấm sâu, hòa nhập trong cơ thể và cả trong tư tưởng con người. Ăn trầu trong lễ nghi phong tục, ăn trầu trong quan, hôn, tang, tế, ăn trầu trong hội họp thảo luận, ăn trầu trong triều chính việc nước. Muốn được khắp nơi áp dụng, chính vua Hùng đã ăn trầu khởi đầu rồi ban truyền khắp dân gian. Khi lệnh vua ban hành, toàn dân tuân theo, xã hội cùng dân nước đã hoàn thành xong nền tảng đạo lý, kỷ cương. Nếp sống xã hội con người có lễ nghi, văn hóa, lương tâm, trách nhiệm, vị tha; có kỷ cương trật tự trong các mối liên hệ nhân ái: vua tôi, thầy trò, vợ chồng, cha con, anh em, đồng bào, quê hương, tổ quốc. Ðời sống con người được xây dựng trong tòa lâu đài chan chứa tình người.
Như vậy, trước khi ở Trung Quốc có Khổng Tử ra đời đưa ra các khuôn phép kỷ cương: “quân, thần, phụ, tử” buộc chung vào sợi dây “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” thì ở đất nước Việt đã hình thành một nền văn hiến đầy đủ, toàn vẹn.
Tình cảm người dân Việt, ở những thế hệ sau, cũng nhờ ý nghĩa “trầu cau” mà bảo tồn, nâng cao được nhiều tình cảm cao quí.
Hãy nghe người con gái hát giao duyên với người con trai qua miếng trầu:
“Trầu này trầu tính trầu tình,
Ăn vào vào cho đỏ môi mình môi ta.
Trầu này mới hái đêm qua,
Ăn vào cho đỏ môi ta môi mình”.
Khi tình cảm con người đã tiến xa hơn, ý nghĩa “trầu cau”, cần phân tích và cũng cần có cả lý trí, tư duy:
“Này là trầu túi, trầu khăn,
Cùng trầu giải yếm anh ăn trầu nào?”
Qua lời mời “miếng trầu” dàn trải sự lựa chọn, đúng cách, hợp tình cảm, lại cần tỏ thái độ thanh lịch, chàng trai trước mắt xanh người đẹp đã biết trả lời:
“Trầu túi thì để phần cha,
Trầu khăn phần mẹ, đôi ta trầu này!”
Câu hỏi bài toán tình cảm đã được giải đáp, “miếng trầu” tình yêu chẳng cần phải nói đúng tên là “trầu giải yếm”, chàng chắc cũng được nàng thân ái mời trao miếng trầu có “hương vị tình yêu” mà chàng mong muốn!
Nói đơn giản “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trong thực tế khi người xưa ăn miếng trầu, suy nghĩ, tìm hiểu, khám phá ra rất nhiều vấn đề, tính chất ăn trầu khác với ăn các thực phẩm: cá, thịt, cơm, canh cho ngon, cho no bụng, bồi dưỡng cơ thể. Tính chất ăn trầu chú ý sự “ăn có nhai nói có nghĩ”, bồi dưỡng lý trí, nên tình giao duyên người xưa còn thể hiện:
“Nàng về ta chẳng cho về,
Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ”.
Người bị nắm vạt áo, dù là phái nữ thơ ngây, cũng không lúng túng thẹn thùng, bối rối, vì người ấy là con cháu của các bà Trưng, bà Triệu, là công dân của dân tộc từng có nền văn minh “ấn đồng thao xanh” từ thuở vua Hùng dựng nước. Người con gái đã bình tĩnh trả lời ngưòi định nắm vạt áo mình:
“Bài thơ “ba chữ”rành rành:
Chữ “trung”, chữ “hiếu”, chữ “tình”, ai ơi!”.
Ðể những công dân Việt khi bắt đầu cảm nhận tình yêu đôi lứa, cũng là khi bắt đầu trưởng thành bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, nhận thức được:
“Chữ “hiếu” thì để phần cha,
Chữ “trung” phần nước, đôi ta chữ “tình”.
Là xứ nông nghiệp trồng lúa nước, từ xa xưa dân Việt có truyện tích thần Lúa:
“Vào thời rất xa xưa, các loại cây ăn quả tự nhiên mà có, người ta chưa phải trồng cây. Các thứ cây có quả tự tìm về mọc ngay bên cạnh người.
Có một người đàn ông vào rừng gặp một hạt lúa, ông ta xem xét kỹ biết ngay là hạt quí, có thể nuôi sống người. Ông đi tìm những hạt thóc quí ấy ở trong rừng rồi khuyên mời chúng mọc tại quanh nhà. Ông được mọi người gọi là thần Lúa. Hạt lúa ngày ấy rất to. Ông thần Lúa có nhiều lúa để ăn và còn ban phát cho mọi nhà đều có lúa ăn. Vợ thần Lúa là người lười biếng, một hôm chồng có việc đi xa, bà vợ ở nhà đang gội đầu thì tới giờ lúa chín chạy vào nhà. Các loại lúa thi nhau vào chật nhà, đầy sân, khắp cả vườn, ngõ. Vợ thần Lúa đang gội đầu lúa cũng chạy tràn vào ngập cả lối đi, tràn cả vào chỗ gội đầu. Vốn tính lười lại hay nổi nóng, bà vợ thần Lúa nổi giận lấy đòn gánh đánh đuổi họ hàng nhà lúa ra khỏi nhà. Khi thần Lúa trở về thấy lúa không còn về nhà nữa, mọi người không còn lúa ăn. Ông lại vào rừng kêu nài, năn nỉ lúa về, nhưng lúa nhất định không chịu về. Tuy thế, lúa cũng thương cho mọi người không có gì ăn để sống, lúa chỉ bằng lòng cho người ăn nếu mọi người chăm chỉ gieo giống, cày cấy, vun xới lúa, hết lòng chăm sóc lúa, biết quí và không phũ phàng với lúa, lúa sẽ cho người ăn để sống. Từ đó thần Lúa dạy mọi người cách trồng lúa. Ai ai cũng phải chăm chỉ cày cấy mới có lúa ăn và hạt lúa so với trước kia cũng nhỏ hơn nhiều”.
Truyện tích thần Lúa thường được nghe người dân miền đất Tổ ở Việt Trì, Phú Thọ kể lại, nội dung như cảnh giác con người trước trách nhiệm sản xuất thực phẩm nuôi sống con người. Ngũ cốc có nghĩa chỉ về năm thứ lúa, trên thực tế, lúa là nền tảng bắt nguồn mọi kế hoạch tiến bộ. Câu ca dao cổ của người Việt, xuất phát từ căn bản cuộc sống nông nghiệp khẳng định:
“Nhất niên chi kế mạc như chủng cốc,
Thập niên chi kế mạc như chủng mộc,
Bách niên chi kế mạc như thụ nhân”.
Có nghĩa: “Làm kế hoạch một năm thì trồng lúa gạo. Làm kế hoạch mười năm thì trồng cây. Làm kế hoạch trăm năm thì nuôi dạy con người”.
Vì thế, nếu người ta cứ quên đi kế hoạch một năm không trồng lúa để nuôi sống con người, con người không đủ lương thực để ăn, mà lại vội thực hiện các kế hoạch khác thì xã hội con người không thể thực hiện bất cứ ước mơ nào, không thể có bất cứ kế hoạch nào thành đạt mà con người mong muốn. Và nếu người ta coi việc nuôi dạy con người như trồng một cái cây thì sự giáo dục, bồi dưỡng nhân bản con người không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết.
Ðền Hùng ở vào giữa hai thị trấn Việt Trì và Phú Thọ, cách mỗi nơi khoảng mười cây số. Trên đỉnh núi có đền Thượng. Tương truyền ngôi đền này có từ khi mới dựng nước, là nơi vua Hùng thờ trời, truyền mãi lệ thờ cho các đời sau, nên đền Thượng còn có những tên như: “kính thiên lĩnh điện” và “cửu trùng tiên điện”. Cũng từ ngày xưa, trên bàn thờ ngoài hình tượng thờ trời, còn thờ một hòn đá lớn trông giống hạt lúa, tượng trưng cho thờ thần Lúa. Tại đây cũng là nơi các vua Hùng cầu trời, cầu Lạc Long Quân mỗi khi có việc hệ trọng. Thí dụ như việc cầu trời giúp đánh giặc Ân. Trong đền có bức hoành phi đề bốn chữ “Nam Việt triệu Tổ”. Có ý nghĩa là nơi thờ tất cả những vị Tổ tiên liệt gây dựng nên nước Việt.
Nhân dân Việt ở thời cổ coi thần Lúa như vị thần đáng quí, đáng kính, được cùng thờ trong ngôi đền thờ trời và Lạc Long Quân. Tính chất truyền thuyết điển tích thần Lúa của Việt khác hẳn với điển tích Thần Nông của Trung Quốc. Bọn thái thú, thứ sử Tàu sang đất Việt, phải chăng chúng thấy dân Việt tôn thờ thần Lúa, chúng đã khôn khéo lợi dụng, chúng đã xuyên tạc lịch sử tạo ra thuyết: Lạc Long Quân là con cháu mấy ông vua Tàu thuộc họ Thần Nông?
Huyền thoại Ngư Tinh và Hồ Tinh là những huyền thoại ghi nhớ công nghiệp kỳ vĩ của Lạc Long Quân. Nhân dân Việt thường nhắc nhở:
“Ngoài biển Ðông có Ngư Tinh, mình dài hơn trăm trượng, có nhiều chân tay, hay ăn thịt người. Trên bờ biển và các đảo gần bờ, thời cổ cũng đã có người ở. Ngư Tinh trú ngụ trong hang núi, miệng và răng nhô ra ngoài biển. Thuyền bè đi lại thường bị Ngư Tinh làm hại. Dân ngoài biển muốn đi lối khác thì bị mắc cát đá không đi được. Một đêm có tiên ở trên trời xuống giúp dân, vét cát đá để dân có đường đi không bị nạn. Ngư Tinh giả làm tiếng gà gáy sáng. Các tiên nữ tưởng là trời sáng, thôi vét cát đá bay đi. Nay vẫn còn đường thuyền nhỏ đi được, gọi là đường Bụt.
Lạc Long Quân thương dân bị Ngư Tinh làm hại, làm một chiếc thuyền, lại ra lệnh cho loài quỷ Dạ Xoa dưới nước cấm thần Biển không được làm sóng gió, rồi Long Quân chèo thuyền tới núi Ngư Tinh ở, giả như đem người lại cho Ngư Tinh ăn. Ngư Tinh há miệng toan nuốt, bị Long Quân ném khối sắt nung đỏ vào miệng. Long Quân chém đứt đuôi Ngư Tinh thành đảo Bạch Long Vĩ, khúc đầu thành đảo Cẩu Ðầu, khúc mình trôi dạt vào man cầu gọi là Cẩu Man Cầu”.
(theo “Lĩnh Nam chích quái”)
Việc Lạc Long Quân diệt Hồ Tinh cũng có huyền thoại: Hồ Tây của thành Thăng Long còn có tên là Thi Hồ Trạch là nơi xưa kia Lạc Long Quân trấn yểm Hồ Tinh.
Miền đất mở đất dựng nước của dân Việt buổi đầu thuộc khu vực giao lưu các con sông: sông Hồng, sông Ðà, sông Thao, sông Lô. Các giòng sông này bắt nguồn từ các miền Vân Nam, Tứ Xuyên bên Trung Quốc, qua nhiều ghềnh núi ngăn cản chịu đựng lưu lượng khá lớn nước về mùa lũ. Nuớc lũ cao thường ứ đọng và lan tràn ngập lụt ra nhiều nơi đồng bằng. Việc đắp đê ngăn nước chống lụt, không phải chỉ có ở các thời sau. Thời thượng cổ đã có truyện tích:
“Khi bắt đầu dựng nước Văn Lang, trời muốn giúp dân Việt có địa thế vững: vừa có hình thế ngăn giữ được nước lụt, lại vừa có vị trí hiểm trở chống được giặc ngoài xâm phạm. Trời sai một chàng trai trẻ có sức mạnh đắp núi, lấp sông, từ trên trời xuống đắp thành xung quanh núi Nghĩa Lĩnh (tức núi của đền Hùng).
Chưa đầy một đêm, chàng trai nhà trời đắp được cả một dãy đồi xung quanh núi Hùng. Chàng định gánh đất nữa để ngăn nước từ phía sông chảy vào chân núi, nhưng đang gánh nửa đường thì trời sáng. Phép trời chỉ cho chàng được làm lúc ban đêm. Chàng đành phải quăng quang gánh, nằm đợi qua ngày chờ đến đêm sau sẽ làm tiếp tục. Không may gặp lúc ban ngày trời nắng quá, chỗ đất bùn chàng nằm bị khô cứng, cả người chàng dính liền vào đất, không đứng dậy được. Chàng trai nhà trời nằm mãi mãi lâu ngày rồi cũng biến thành đất. Tới nay, địa hình chỗ đất chàng nằm có hình người, mặt người hướng về núi Hùng. Hai sọt đất thành hai trái núi nhỏ. Ðòn gánh của chàng nay thành đồi, dân địa phương gọi là đồi Ðòn Gánh. Nơi chàng trai lấy đất sâu xuống nay được dân gọi là đầm Ðợi. Xã Kim Ðức thuộc huyện Phong Châu đời này tới đời khác truyền tụng câu chuyện này cho tới ngày nay”.
(theo truyền thuyết dân Phong Châu tỉnh Phú Thọ)
Các huyền thoại lịch sử Việt có rất nhiều, ngoài khu vực quanh thủ đô nuớc Văn Lang ngày xưa, nhiều khu vực khác cũng có nhiều huyền thoại. Các huyền thoại đều có giá trị bảo lưu nền văn hóa buổi đầu của đất nước. Thời gian bắt đầu có nước, chưa bị ảnh hưởng Khổng học, sơ đẳng về khái niệm “con người” được coi là nguyên nhân, là mô hình để bắt nguồn cho muôn việc, muôn sự ở đời. Có “con người” mới có tất cả và tất cả do con người, vì con người.
Cũng từ “con nguời” người ta nhìn thấy và biết được, làm được những giá trị, sự nghiệp tuyệt vời trong cuộc sống. Như chàng trai nhà trời thuở khai nước lập dân đã gánh đất đắp thành quanh đền Hùng, để rồi nằm với đất thành đất, thành nước. Nét nhân bản do từ vũ trụ bao la hiện thành mà mỗi “con người” là một vũ trụ thu nhỏ. Người dân Việt luôn tự xác định được giá trị nhân bản, mỗi khi họ dùng từ “mình” để chỉ chính bản thân, chính “con người” của họ. Khi một lứa đôi trai gái lớn lên yêu nhau thì từ “mình” ấy lại rất mực vị tha. Trong tình yêu họ sẽ nói với nhau “anh của em” và “em của anh”; nghĩa là “con người” của chính mình lại thuộc về người mình yêu. Nhưng tới khi đã thành vợ, thành chồng thì cả hai người lại chỉ còn như là một người. Ðó là giá trị cùng ý nghĩa khi thấy các cặp vợ chồng Việt: vợ gọi chồng là “mình” và chồng cũng gọi vợ là “mình”. Diễn biến ngôn ngữ sẽ lại thay đổi khi hai vợ chồng bắt đầu có con, họ gọi nhau nhưng lại như nhắc nhở lẫn nhau rằng: cả hai đã thuộc về con. Vợ chồng xưng hô cùng nhau bằng ba tiếng “bố thằng Cu” hoặc “mẹ con Tí” v..v… Ngầm hiểu như cả hai người chồng và vợ đều thuộc về con của nhau, hy sinh vì con. Trong gia đình các liên hệ huyết thống, tình cảm cũng được coi là các bộ phận của thân thể “con người”, thường cha mẹ được coi như cái đầu, vì ngạn ngữ có câu: “áo mặc không qua khỏi đầu” để xác định sự tôn kính của con cái đối với cha mẹ; còn anh chị em trong nhà được coi như chân tay cũng do câu: “anh em như thể chân tay”.
Ðất nước, xã hội cũng từ “con người” làm mô hình căn bản, qua gia đình, xây dựng nên đất nước xã hội. Người ta khuyến khích cố gắng giữa “con người” và “con người” nên coi nhau như anh em ruột thịt một nhà. Ngôn từ giao tế với nhau ngoài xã hội của người Việt hầu như không thấy có trong đất nước, xã hội, nào khác trên thế giới. Trong mọi sinh hoạt giao tế ngoài xã hội, người Việt xưng hô với nhau như người chung hệ thống huyết tộc trong hệ thống gia đình, với các danh xưng: cụ, ông, bà, bác, bố, mẹ, chú, cô, cậu, dì, mợ, dượng, anh, em, con, cháu… để chào hỏi, giao dịch, nói chuyện với nhau trong mọi giao tế sinh hoạt xã hội, dù trong thực tế họ không có bất cứ liên hệ huyết thống thân thích nào về gia tộc, không thực sự là cha, mẹ, anh, em, con, cháu… của nhau. Ðã là người dân Việt không ai không biết câu ca dao: “Thương người như thể thương thân”. Qua ngôn ngữ giao tế ngoài đời như trên, chính thức người Việt đã gia đình hóa xã hội.
Cũng như câu ca dao dưới đây có triết lý sống khá sâu sắc:
“Thương người, người lại thương ta,
Ghét người thì lại hóa ra ghét mình”.
Ba từ “tình đồng bào” của người Việt hiện ra trong tâm hồn mỗi công dân Việt: cô đọng, thiêng liêng, trữ tình nhưng lại rất thực tế đúng với ý nghĩa huyền sử. Vì rằng: “đồng bào” có nghĩa là chung nhau một một vỏ bọc, hiểu cách điệu thì là chung nhau một màu da. Vỏ bọc của huyền sử là “vỏ bọc trăm trứng” nên ngoài ý nghĩa đồng bào thông thường còn gắn thêm tình đồng bào chung “một bọc trăm trứng nở trăm con” có ở tình cảm người công dân dân tộc Việt.
Tình tự đồng bào như trên khiến người Việt mau chóng trắc ẩn tâm tình “thóc bồ thương kẻ ăn đong” và “nhường cơm sẻ áo” đối với người hoạn nạn khốn cùng. Cảnh đời nhiều khi có những bất trắc xảy ra, ngay cả vua, chúa hay người phú gia địch quốc thì cũng có thể gặp cơn hoạn nạn khốn cùng:
“-Ăn mày là ai? -Ăn mày là ta.
Ðói cơm rách áo hóa ra ăn mày.”
Dường như chỉ những công dân hiểu hết ý nghĩa huyền sử Việt, mới thể hiện vào cuộc sống được cách sống có trắc ẩn tình thương:
“Thương người tất tả, ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ;
Thương ngưòi ôm dắt trẻ thơ,
Thương người đau, yếu, già nua, bần hàn.
Thương người quan, quả, cô, đơn,
Thương người tuổi tác lầm than ngoài đường.
Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân.
Người ta gặp bước khó khăn tới nhà,
Ðồng tiền, bát gạo đem ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên.
May ta ở chốn bình yên,
Còn người tàn phá chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng: ngày đói tháng đông,
Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng.
Của là muôn sự của chung.
Sống không, thác lại tay không có gì!
(Ðoạn thơ trên trích trong “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi, do Tân Việt Sài Gòn xuất bản. Tuy nhiên nhiều giả thuyết văn học cho là không chính xác. Nay trích đăng vẫn tôn trọng quyền tồn nghi công luận).

Nữ Vương Phật Nguyệt

Truyện tích “Nữ Vương Phật Nguyệt” là huyền sử nữ chúa hồ Ðộng Ðình thuộc tỉnh Hồ Nam ở Trung Hoa, lại xảy ra vào thời Hai Bà Trưng là khi thời đại Hồng Bàng đã chấm dứt, nhưng cũng viết thành một chương trong sách này, vì các lẽ:
Thời đại Hai Bà Trưng là thời đại vận động phất cờ khởi nghĩa quy mô lớn, không cách thời Hồng Bàng quá lâu và Hai Bà dựng nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt, có lãnh thổ quốc gia rộng tương đương với lãnh thổ thời nước Văn Lang lúc cường thịnh.
Thời đại Hai Bà Trưng là thời đại có tổ chức hệ thống chính trị và nề nếp đời sống nhân dân giống với thời đại Hồng Bàng nhất, so với các thời về sau.
Triết lý, tư tưởng nhân sinh cùng ý thức hệ vũ trụ của truyện tích “Nữ Vương Phật Nguyệt” có những nét đặc trưng và tự hào riêng có ở dân tộc Việt, khi chưa bị ảnh hưởng các tư tưởng Phật, Lão, Khổng.
Trước khi viết về “Nữ Vương Phật Nguyệt”, xin được viết sơ lược về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng:
Hai Bà phất cờ khởi nghĩa điểm khởi đầu ở Cổ Lôi trang (nay là làng Hạ Lôi gần chân núi Ba Vì, có lúc giòng chảy của sông Nhị Hà vào mùa nước lũ chuyển giòng, đã chia làng, chia dân chạy nước lụt, thành hai làng Hạ Lôi ở cả về hai bên bờ sông, vì vậy nay ở hai tỉnh Vĩnh Yên và Sơn Tây tại mỗi tỉnh đều có làng Hạ Lôi), sau tập trung nhiều lực lượng tại làng Hát Môn cho tiện điều hành cả quân thủy lẫn quân bộ, rồi mới nhanh chóng tiến đánh Luy Lâu, thủ phủ cai trị của giặc Hán.
Do có sự liên kết, chuẩn bị bí mật nên địa bàn khởi nghĩa lan rộng ngay từ những ngày đầu. Tất cả có chín quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Uất Lâm (tức Quế Lâm), Thương Ngô, Nam Hải, Hợp Phố, Châu Nhai và Ðạm Nhĩ, tổng cộng có 65 huyện thành. Giao Chỉ là một trong số những quận lớn, lại cũng là quận đứng đầu cuộc khởi nghĩa có những huyện thành là: Mê Linh, Chu Diên, Long Biên, Liên Thụ, An Ðịnh, Cẩu Lâu, Khúc Dương, Bắc Ðới, Kê Từ, Tây Vu. Trong số 10 huyện này căn cứ khởi nghĩa quan trọng là hai huyện Mê Linh và Chu Diên, coi núi Ba Vì cùng với sông Hồng làm điểm tựa và là nơi xuất phát những mũi tấn công chính. Nhìn vào bản đồ miền Hoa Nam và đất nước Việt ngày nay, đích thực lãnh thổ cùng cư dân khởi nghĩa nổi lên trong hệ thống đất nước Hai Bà làm vua, có cương giới rộng gần ngang tầm với nước Văn Lang mà “Ðại Việt sử ký toàn thư” đã viết: “Khi Hùng Vương lên ngôi, dựng nước gọi là nước Văn Lang. Nước ấy phía đông giáp biển Nam; phía tây tới Ba Thục; phía bắc đến hồ Ðộng Ðình, phía nam tiếp với nước Hồ Tôn”.
Lực lượng khởi nghĩa theo Hai Bà khiến hàng loạt các tên thái thú quan lại cai trị 9 quận của Hán triều: kẻ bị giết, kẻ chạy trốn, kẻ đầu hàng, thậm chí có kẻ khiếp sợ phải cải trang làm đàn bà chạy trốn như tên thái thú Tô Ðịnh coi quận Giao Chỉ. Oanh liệt hơn nữa là không phải chỉ có hơn hai vạn quân Hán sang trấn áp cuộc khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo như sử Hán viết, thực sự có thể có hàng chục vạn quân Hán bị thảm bại trước sức mạnh quật cường của quân dân người Việt. Chứng cớ đích xác và đúng sự thực thì tới năm 49 sau công nguyên, sau khi tìm cách rút quân khỏi Giao Chỉ, tên giặc Mã Viện cùng với đám tàn quân còn sót lại cũng bị quân dân khởi nghĩa theo Hai Bà tại miền đất Ngũ Khê (Vũ Lăng) vây hãm, bị chết trận, chết vì bệnh đậu mùa, kể cả tên tướng Mã Viện cũng không thoát khỏi tử thần.
Dù đã trải qua khoảng hai nghìn năm, nhiều lúc có sự cấm đoán cũng không ngăn được các cư dân người Hoa gốc Việt sống ở các nơi thời xưa là lãnh thổ Hai Bà cai quản, nay không còn thuộc đất nước Việt, vẫn tưởng nhớ công ơn Hai Bà và các tướng sĩ của Hai Bà. Tại các tỉnh: Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Ðông, Hồ Nam không nhiều thì ít, nơi nào cũng có đền miếu thờ “đạo Hai Bà”, hoặc thờ các tướng lĩnh của Hai Bà, con số có thể lên hàng nhiều trăm nơi thờ. Sự tôn thờ tưởng nhớ của dân chúng được nâng lên như một tín ngưỡng tôn giáo gọi là “đạo Vua Bà”. Nếu muốn tìm hiểu thêm tâm tư người dân và hỏi họ: -Tại sao lại thờ “đạo Vua Bà” và Vua Bà là ai? Sẽ được những người am hiểu cho biết: – Thờ “đạo Vua Bà” là đạo của Trưng Vương người quận Giao Chỉ dấy quân chống bọn tham quan áp bức dân.
Theo lời người dân sống phía nam sông Dương Tử kể lại, từ trước năm 1949 nhiều nơi trong dân gian có tổ chức các nghi lễ “lên đồng” cũng giống như ở nhiều nơi tại Việt Nam thường tổ chức nghi thức lễ “lên đồng”, nhất là đối với giới phụ nữ. Lễ tục này đã có từ rất lâu đời tại các vùng cư dân có các chủng tộc người Việt sinh sống. Qua các truyện tích như: thánh Gióng, Kim Qui, đều thấy thuật lại việc các vị vua lập đàn làm lễ cầu trời, rồi thấy ứng hiện lên một người có cử chỉ, lời nói giống như một vị thần nhân, nói ra những điều linh ứng, tương tự như sự linh ứng trong nghi lễ “lên đồng”. Nếu những người dân miền Hoa Nam đã tôn trọng lễ “lên đồng” là đạo, tức là một thứ tôn giáo, thì tôn giáo ấy chắc hẳn đã có từ lâu đời, từ thời thượng cổ.
Trong một cuộc nghiên cứu, sưu tầm, phái đoàn thuộc Viện Pháp Á (tức Institut Franco Asiatique, sách này đã dẫn chung tài liệu tại chương 5. Ðất nước Tổ Hùng) vào hai năm 1978, 1979, họ đã tham quan hàng trăm nơi tại các tỉnh lưu vực phía nam sông Dương Tử (Trường Giang) có thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của Hai Bà. Ðích thân vị Giám đốc Sự vụ Trung Hoa của Viện Pháp Á đã đọc được tại Thư viện bảo tàng di tích cổ của tỉnh Hồ Nam một bản tài liệu cổ được viết vào thế kỷ thứ tám, nói về “Sự tích Nữ Vương Phật Nguyệt” như sau:
“Ngày xưa Ngọc Hoàng Thượng Ðế ngự trên điện Linh Tiêu, có hai công chúa đứng hầu. Vì sơ ý hai công chúa đánh vỡ chén ngọc, Ngọc Hoàng Thượng Ðế nổi giận đày hai công chúa xuống hạ giới. Hai công chúa đi đầu thai được mấy ngày thì vị tiên lại giữ sổ trên thiên giới tâu rằng: có 162 vị tiên cũng đầu thai xuống hạ giới theo hai công chúa. Ngọc Hoàng Thượng Ðế thấy thế sợ hai công chúa làm loạn ở hạ giới, ngài mới truyền Thanh Y đồng tử đầu thai theo để dẹp loạn. Thanh Y đồng tử sợ địch không lại hai công chúa, có ý ngần ngừ không dám đi. Ngọc Hoàng Thượng Ðế truyền nhị thập bát tú đầu thai theo. Thanh Y đồng Tử sau là vua Quang Vũ nhà Hán. Nhị thập bát tú đầu thai thành hai mươi tám vị văn thần võ tướng đời Ðông Hán. Còn hai công chúa đầu thai xuống quận Giao Chỉ, vào nhà họ Trưng, chị là Trắc, em là Nhị. Lúc Trưng Trắc sinh ra có hương thơm đầy nhà, từ nhỏ đã thông minh quán chúng, sau lớn có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, được gả cho Ðặng Thi Sách. Thi Sách làm phản, bị thái thú Tô Ðịnh giết chết. Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, được 162 anh hùng, liệt nữ các nơi nổi lên giúp sức, nên chỉ trong một tháng chiếm hết sáu quận của Trung Quốc ở phía nam sông Trường Giang là các quận: Cửu Chân, Nhật Nam, Giao Chỉ, Quế Lâm, Thương Ngô, Nam Hải (tiếp theo sau còn có thêm ba quận khởi nghĩa là Hợp Phố, Châu Nhai và Ðạm Nhĩ). Chư tướng tôn Trưng Trắc lên làm vua, thường gọi là Vua Bà.
Quang Vũ nhà Hán sai Phục Ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện và Long Nhương tướng quân Thân hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt Tổng Trấn hồ Ðộng Ðình đánh chặn, Mã Viện và Lưu Long bị đánh bại. Vua Quang Vũ truyền lệnh cho nhị thập bát tú tới nghênh chiến, tất cả cũng bị đánh bại. Nữ Vương Phật Nguyệt phép thuật tài giỏi vô cùng, một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn, đánh quân Hán chết xác lấp sông Trường Giang và hồ Ðộng Ðình, oán khí bốc lên tới trời. Ngọc Hoàng Thượng Ðế sai Thiên binh, Thiên tướng xuống trợ chiến cũng bị Nữ Vương Phật Nguyệt đánh bại. Ngọc Hoàng phải sai thần Du Liệt sang Tây Phương cầu cứu Phật Như Lai. Ðức Phật sai mười tám vị Kim Cương ba nghìn La Hán tới trợ chiến cũng bị bại trận. Cuối cùng Phật truyền Quán Thế Âm Bồ Tát tham chiến, Nữ Vương Phật Nguyệt với Quan Âm Bồ Tát đấu phép ba ngày, ba đêm, bất phân thắng bại. Sau Quán Thế Âm thuyết pháp mới khiến Nữ Vương Phật Nguyệt giác ngộ, bà bỏ đi tu.”

Cảnh tế thần linh tại một ngôi đền thuộc tỉnh
biên giới Lạng Sơn, nơi tiếp giáp lãnh thổ với nước Tàu
Ðối với bọn giặc Tần rồi giặc Hán, trước cũng như sau, việc chia cắt nước Việt thành quận, huyện, chẳng những tiện cho chúng về việc phân cấp hệ hành chính cai trị, còn chia cắt sức mạnh đoàn kết dân trong nước từ một khối thành những vùng nhỏ. Vì vậy đối với các quận để bảo tồn sức mạnh, người dân Việt coi nhau dù là ngưòi Nam Hải, Giao Chỉ hay Thương Ngô v..v. đã là người trong chín quận phải coi nhau là người chung một nước. Còn đối với các huyện người Việt thường bảo nhau tự lập người cầm đầu huyện là người Việt, vẫn gọi các chức huyện lệnh là các “lạc tướng” là chức hiệu có từ thời Hồng Bàng. Dân ngấm ngầm tìm cách không đóng thuế hay trốn vào rừng núi ở, nếu là các viên huyện lệnh do Tần hay Hán cắt cử. Vì vậy cai quản huyện Mê Linh là vị “lạc tướng” cha của Hai Bà Trưng và cai quản huyện Chu Diên là “lạc tướng” Ðặng Thi Sách. Trước khi khởi nghĩa cũng như khi cầm quân chống giặc Hán, thấy trong truyện tích các nơi ứng nghĩa, có nhiều nơi nói về công tác vận dụng của bà Trưng Nhị, tạo nên sức mạnh lòng dân Việt đoàn kết thương xót nhau thể hiện qua câu ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng!
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Ðặc biệt nhất là đối với giới phụ nữ, khi được biết Hai Bà đang ngấm ngầm tuyên truyền, giao kết, huấn luyện, tổ chức việc khởi nghĩa, tưởng như mỗi người phụ nữ Việt đều muốn mau chóng hóa thân thành các nữ thiên thần, quyết chí diệt giặc giải phóng đất nước, giải phóng phụ nữ.
Cử mục sơn hà vô Hán tướng;
Thệ tâm thiên địa hữu Trưng Vương.
Ðó là đôi câu đối nói lên ý nghĩa các anh hùng liệt nữ cùng toàn dân Việt nhiệt tâm, tận lực hướng về cuộc khởi nghĩa: cho dù hệ thống cai trị của bọn tướng giặc dày đặc khắp nơi, ai ai mở mắt trông khắp núi sông cũng coi như không có bọn tướng giặc Hán; trong tâm can mọi người nguyện một lòng thề với trời đất chỉ biết có Trưng Vương.
Với ý chí yêu nước thương nòi đã được kết tụ, ngay từ đầu thế kỷ thứ nhất, của thiên niên kỷ thứ nhất theo công nguyên, những công dân Việt đáng tự hào, đáng vinh danh cả nữ lẫn nam chung sức một lòng quét sạch họa cường bạo xâm lăng mạo danh “con trời” chiếm cứ nước Việt. Họ thiết lập được một chế độ độc lập, có tính dân chủ, tự trị và phân quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp (dưới sự chỉ đạo: lập pháp do bà Trưng Trắc, hành pháp do bà Trưng Nhị, tư pháp do bà Xuân Nương) được gọi là chế độ “Hai Vua”, ấy là một chế độ văn minh thời cổ, cả hàng nghìn năm cảnh lê dân chìm đắm trong bóng tối chủ nghĩa phong kiến, chưa thể có được!
Toàn dân Việt sống dưới chế độ “Vua Bà” mà lại có những hai vua, không cần biết tới những tên “thiên tử” bịp bợm, chuyên chế độc tài, thường là hôn quân vô nhân tàn ác, dù là kẻ nào, dù cai trị một nước lớn nào chăng nữa! Dân Việt nhìn thấy bọn thái thú, thứ sử cùng bầy đàn quân lính giặc Hán trốn chạy trong khởi nghĩa như loài chuột nhắt và những tên còn lại bị thương tích, bị ốm đau, đã đầu hàng đang sống chui rúc như bầy chó đói. Chúng đang ngước trông sự rộng lượng bao la cùng những tấm lòng thương người của người dân Việt tha tội và cứu sống chúng. Chế độ của các tộc Việt có cơ sở dân chủ “thôn làng tự trị” do các trưởng làng, già làng cai quản, trên có các lạc tướng, hùng tướng chăm sóc, trên nữa có các lạc hầu, hùng hầu giúp Hai Vua trông coi các việc chính trị, quân bị, đúng như bốn câu thơ đời sau truyền tụng, ca ngợi về thời Hai Bà Trưng:
“Một xin rửa sạch nước thù;
Hai xin lập lại nước xưa họ Hùng;
Ba kẻo oan ức lòng chồng;
Bốn xin vẻn vẹn thửa công lênh này”.
Có cuộc khởi nghĩa sáng rực hào quang, các dân tộc Việt lại được âu ca đoàn kết, sống trong thanh bình với hệ thống tương giao kết nghĩa “ấn đồng thao xanh”, có từ thuở khởi nghiệp thời đại Hồng Bàng. Hậu thế đã hai nghìn năm dài với hàng chục lần các thời bị ngoại xâm đe dọa: Hán, Ngụy, Tấn, Tề, Lương, cho tới Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Tuy thế vẫn vĩ đại oai hùng cùng công đức sự nghiệp Hai Bà, trong tâm hồn dân Việt, vẫn mỗi ngày hào quang một rạng rỡ hơn thêm.
Ngay trên cả những miền đất ở thời cổ xưa cũng như ở thời Hai Bà vốn là dân, là đất thuộc lãnh thổ nước Việt cổ, dù nay không còn thuộc nước Việt, tại các nơi ấy tồn tại nâng cao sự nghiệp Hai Bà như một tín ngưỡng tôn giáo bất diệt bằng ba tiếng tôn danh: “Ðạo Vua Bà”.
Phân tích lược qua giá trị triết học của sự tích Nữ Vương Phật Nguyệt còn lưu giữ tại tỉnh Hồ Nam đã thấy ý chí, sức mạnh, lý tưởng của giống nòi Việt không dễ gì một chủ nghĩa hay lý tưởng ngoại dị có thể khuất phục. Vì ngoài sức mạnh trường tồn của dân tộc thì lý tưởng từ nghìn xưa của dân Việt đã đầy đủ chân lý, giá trị nhân sinh, chứa đựng lòng nhân nghĩa, bác ái. Vì người dân phải sống trong khoảng không gian chứa tư tưởng “thiên tử” bịp bợm, trăm nghìn khuôn phép vô nghĩa lý áp đặt, nên mở đầu truyện tích cũng đã viết: “Ngọc Hoàng Thượng Ðế ngự trên điện Linh Tiêu, có hai công chúa đứng hầu…”. Rồi đến bố cục sự tích Nữ Vương cũng phải giống như các sự tích thần phả của các cây bút “nòi” chủ nghĩa phong kiến “con trời” hoang tưởng.
Nhưng đến cái lý cuối cùng, cứu cánh của sự tích, thuyết “thiên tử” hoàn toàn bị hất bỏ. Nữ Vương Phật Nguyệt chỉ là một vị tướng của “Vua Bà”, nhưng lại đánh bại bọn Mã Viện đệ nhất danh tướng lịch sử các vương triều phong kiến nhanh như phủi bụi. Rồi tất cả đám nhị thập bát tú là các tướng lưu danh thiên cổ của Hán cũng bị đại bại. Như thế toàn bộ tướng mạnh binh hùng của Hán Quang Vũ bị bại rồi còn gì nữa. Dường như pháp thuật của Nữ Vương Phật Nguyệt kể khắp từ trên trời cao cho xuống dưới toàn cõi thế ai cũng phải thua bà, vì một tay bà cầm núi Thái Sơn, một tay bà cầm núi Nga Mi nhổ lên như nhổ cỏ, tất nhiên khi bà ra tay thì xác giặc Hán chết phải lấp đầy cả hồ Ðộng Ðình và sông Trường Giang. Hàng vạn xác giặc Hán bị chết ấy oán khí bốc lên tận trời cao. Liệu trời cao có minh xét được rằng tội ác là do chính tên vua và triều đình Hán bắt lương dân vào lính đi cướp nước người? Nhưng không! Ngọc Hoàng Thượng Ðế lại sai Thiên binh, Thiên tướng từ trên trời xuống trợ chiến giúp bọn giặc xâm lăng. Nên Nữ Vương Phật Nguyệt cũng chẳng nề hà gì mà không đánh cho bọn Thiên binh, Thiên tướng sứt đầu mẻ tai tìm đường chạy trốn. Có lẽ vì ngồi ở trên cao quá, mà bầu trời mênh mông vô hạn, ông Ngọc Hoàng Thượng Ðế (do mấy ông nhà văn Tàu nặn ra) quên không nhìn thấy lương tâm cùng chân lý loài người đặt ở chỗ nào mà điều chỉnh, nên ông ấy không thấy cái sai của Hán Quang Vũ, ông ta lại sai thần Du Liệt sang Tây Phương cầu cứu Phật Như Lai. Thật khó hiểu và nên đoán là vì nể tình “trời, phật” giao hảo từ lâu, nên Phật đã truyền lệnh cho mười tám vị Kim Cương cùng ba nghìn La Hán xuống trợ chiến giúp bọn giặc Hán. Không có lẽ gì cả trời, cả đất, cả phương Ðông, cả phương Tây đều mù mịt u ám không loé ra được ánh sáng chân lý hay sao? Vì vậy nên Nữ Vương Phật Nguyệt cứ đánh tan tác mười tám vị Kim Cương cùng ba nghìn La Hán thua chạy, người thì bay lên trời, người chui xuống đất, lặn hướng Ðông, biến hướng Tây không còn ai, để cho cả trời và đất không thể mù mịt mãi, phải hiện ra ánh sáng chân lý bình minh hợp với ý nguyện toàn thể loài người. Nữ Vương Phật Nguyệt ngoài tước hiệu Nữ Vương bà còn có phật hiệu là Phật Nguyệt, có thể vì thế đức Phật Như Lai với phật nhãn của người, người tin rằng Nữ Vương Phật Nguyệt cũng là một vị phật siêu đẳng, nên người truyền đức Quan Thế Âm Bồ Tát tới gặp Nữ Vương Phật Nguyệt rồi tùy cơ Bồ Tát định liệu mọi sự. Khi Quan Thế Âm Bồ Tát đối diện cùng Nữ Vương Phật Nguyệt, hai ngài đều đem tất cả các pháp thuật cao cường, siêu đẳng ra quyết tâm hàng phục người dám đối địch với mình. Cuộc đấu phép vô tiền khoáng hậu này diễn ra suốt ba ngày ba đêm mà vẫn bất phân thắng bại. Cuối cùng Bồ Tát đành phải ngừng tay thu hồi các pháp thuật của người, rồi cùng Nữ Vương Phật Nguyệt hòa giải, bàn thảo tới các phương pháp cứu độ cho loài người sống trong thanh bình, an vui. Trong thâm tâm Nữ Vương Phật Nguyệt cũng tự biết dùng chiến tranh, dẫu cho là chiến thắng, cũng tạo sự sát hại nhiều sinh linh vô tội bị cưỡng bức vào chiến tranh, cũng không thể là phương thức cứu độ loài người, nên bà đã bỏ việc chiến tranh rồi đi tu.
Nữ Vương Phật Nguyệt đi tu, nhưng con đường chính đạo của bà không giống với phương pháp tu của Quan Thế Âm Bồ Tát. Nữ Vương tu theo “Ðạo Vua Bà”. Cũng từ đó cư dân các dân tộc gốc người Việt sống tại lưu vực hai bờ sông Dương Tử, nhiều nơi lập các đền, miếu thờ Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh của Hai Bà. Nếu có những người lưu tâm nghiên cứu, tìm hiểu kỹ những tinh hoa, triết lý, tư tưởng của “Ðạo Vua Bà”, lại biết cải tiến, nâng cao các giá trị thánh thiện, loại dần những thấp kém, dị đoan, mê tín do bọn vua quan phong kiến kém tài tạo nên, tất nhiên “Ðạo Vua Bà” sẽ trở thành một tôn giáo tín ngưỡng ích lợi cho nhân quần xã hội.
Chân lý về vũ trụ và nhân sinh của dân tộc Việt, như đã viết ở chương “Bánh dầy bánh chưng” đã có giá trị là sự thực chân lý bao trùm mọi thứ đạo của cõi thế và gắn bó quan thiết với đất đai sông núi, với cuộc sống loài người cùng muôn loài, cùng vũ trụ bao la. Có thể lấy bài ca “Duy Tân” của phong trào “Ðông Kinh nghĩa thục” vào đầu thế kỷ hai mươi là quan niệm, trên một bình diện nào, điển hình cho “cách tu” của người Việt:
Phen này cắt tóc đi tu,
Tụng kinh niệm Phật ở chùa Duy Tân.
Ðêm ngày khấn vái chuyên cần
Cầu cho ích nước lợi dân mới là.
Tu cho mở trí dân nhà,
Nước ta độc lập dân ta phú cường.
Lòng thành thắp một nén hương
Nam mô Phật Tổ Hồng Bàng chứng minh.

Góc chùa Tây Phương tại Hà Tây, ngoài các mái cong
đặc biệt các khuôn tròn cửa sổ biểu tượng triết lý
âm dương đối xứng, không ở nơi nào có
Từ khi xảy ra cuộc chiến giữa quân Hai Bà đánh quân giặc Hán tại hồ Ðộng Ðình, rồi tới khi Nữ Vương Phật Nguyệt bỏ đi tu, thời gian về sau đã hình thành nên “Ðạo Vua Bà”. Bản “Sự tích Nữ Vương Phật Nguyệt” lược thuật trên đây được viết vào thế kỷ thứ tám. Từ thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ thứ tám là thời gian dài thích hợp cùng khuynh hướng cả loài người phát triển nhiều tôn giáo còn trường tồn tới ngày nay. Cũng từ qui luật tổng thể chung, “Ðạo” của Nữ Vương Phật Nguyệt là truyền nối sự nghiệp, công đức Hai Bà Trưng, nhưng thời đại Hai Bà Trưng là kế nghiệp thời đại Hồ⮧ Bàng. Lịch sử Việt để lại nền móng xây dựng, mỗi viên gạch lại được trau chuốt, chọn lựa qua thời gian kết hợp thành tòa lâu đài kiến trúc lý tưởng.
Nghệ thuật kiến trúc “Sự tích Nữ Vương Phật Nguyệt” đạt mức hùng, bi, thiện mỹ ở chỗ: phá đổ và vùi lấp thuyết “thiên triều bịp bợm”, nhưng lại dùng ngay nó bị khuất lấp để xây dựng “Ðạo Vua Bà” lên trên. Loài người có thể ước mơ tới tương lai nào đó, cả loài người chung sống trong hạnh phúc và tiến bộ. Liệu điều mơ ước ấy có phải là tôn chỉ cùng là cứu cánh của “Ðạo Vua Bà” hay không?
Lý tưởng khởi nghĩa của Hai Bà không thích hợp với quan niệm độc tôn:
Các sách “Xuân Thu” của Khổng Tử và “Tả thị Xuân Thu” của Tả Khâu Minh đều có những chỗ viết chung một ý:
“Trời sinh ra dân, đặt ra vua, ra thầy, đều để giúp Thượng Ðế”. Hoặc: “Trời làm chủ thiên hạ, vua nối trời mà cai trị dân. Kẻ chịu mệnh trời mà cai trị dân là thiên tử”.
Kinh Lễ trong thiên “Vương chế” đưa ra nguyên tắc bất bình đẳng giữa các nước khác so với Trung Hoa là:
“Ðông phương viết Di. Tây phương viết Nhung. Nam phương viết Man. Bắc phương viết Ðịch.” (Dân ở phương Ðông gọi là giống Di. Dân ở phương Tây gọi là giống Nhung. Dân ở phương Nam gọi là giống Man. Dân ở phương Bắc gọi là giống Ðịch). Với quan niệm các câu nói này, người Trung Quốc xưa đều coi những người sống ở bốn phương không phải là dân Trung Quốc đều là các giống: mán, mọi, rợ, hồ, chưa đầy đủ các tiêu chí để được gọi là người! Còn xét theo chiết tự chữ nho, cả bốn chữ: Di, Nhung, Man, Ðịch đều thuộc trong các bộ chữ ám chỉ các giống: sâu, bọ, điểu, thú, mà thôi!
Sách Luận Ngữ ở thiên Quí thị có chỗ viết:
“Khổng Tử viết: Thiên hạ hữu đạo tắc lễ, nhạc, chinh, phạt, tự thiên tử xuất. Thiên hạ vô đạo, tắc lễ, nhạc, chinh, phạt, tự chư hầu xuất. Tự chư hầu xuất, cái thập thế hy bất thất hỹ! Tự đại phu xuất, ngũ thế hy bất thất hỹ! Bồi thần chấp quốc mệnh, tam thế hy bất thất hỹ! Thiên hạ hữu đạo tắc chính bất tại đại phu. Thiên hạ hữu đạo tắc thứ nhân bất nghị”. Tạm dịch: “Khổng Tử nói: Thiên hạ có đạo thì lễ, nhạc, chinh, phạt đều do thiên tử mà ra. Thiên hạ không có đạo thì lễ, nhạc, chinh, phạt do các nước chư hầu mà ra. Từ các nước chư hầu mà ra, hẳn trong vòng mười đời nước bị mất. Từ quan đại phu mà ra, trong vòng năm đời nước bị mất. Các quan coi phụ việc nước mà lộng quyền, trong vòng ba đời nước bị mất. Thiên hạ có đạo việc chính trị không do quan đại phu. Thiên hạ có đạo người dân thường không được nghị bàn”.
Thực tình chưa chắc những lời nói trên đã là của Khổng Tử, hay chỉ là lời của bọn hủ nho, quan lại nô bộc nền quân chủ chuyên chế phản quyền dân, quyền người đã tự nặn ra thứ tư tưởng trên, rồi gán cho là do Khổng Tử nói. Tuy nhiên cũng nên xét về giá trị những câu nói đó, vì nó đã đè nặng nhiều đau thương lên kiếp người Ðông Á. Thân phận con người sinh ra giữa cõi trời đất, nếu cứ như số đông các thánh nhân, triết gia, văn nhân ở Trung Hoa, châu đầu phục vụ cho ông thiên tử, khom lưng quì gối trước cái ngai vàng, thì trong bầu trời bao la minh bạch của cụ Lang Liêu người Việt đã xác định, xét ra những cái lý về thiên tử đã chẳng minh bạch chút nào. Bầu trời lại bị vẩn đục, vì ở đó lại cũng có một vị Ngọc Hoàng Thượng Ðế ngồi trên ngai vàng, có trăm quan văn võ, đầy đủ nghi vệ triều đình, giống như hệt những gì mà ông vua Tàu được thụ hưởng. Sự tưởng tượng ấy cũng chung qui chỉ để định đặt ra “luật trời”, một thứ mô hình phiên bản, dành nhiều đặc quyền cho thiên tử ở dưới trần gian. Còn thân phận của muôn triệu dân đành cam chịu cảnh lầm than hèn mọn, do chế độ tạo ra biết bao tệ nạn tham quan, hà khắc, bất công, phi lý. Hỏi như thế còn đâu là quyền công dân? Còn đâu là quyền con người?
“Ðạo Vua Bà” được mọi người dân tín ngưỡng là do lòng dân ước mơ được sống trong xã hội loài người không còn cảnh bịp bợm phi nhân, phi nghĩa.
Ðiều bi thiết vô cùng thương tâm là chính đám người lương dân sống đáy cùng xã hội bị đày đọa bóc lột, lại là những người phải chịu tai họa nhiều nhất, khi chế độ phi nhân lung lay. Họ bị cưỡng bách ra ngoài mặt trận lao vào đất chết để phải đàn áp các phong trào khởi nghĩa, hay phải đi xâm chiếm các nước lân bang chỉ để củng cố vững vàng và thỏa mãn tham vọng của tên thiên tử cùng chế độ phi nhân nghĩa. Do đó dù Nữ Vương Phật Nguyệt thắng bọn Mã Viện, Lưu Long, lại rất đau lòng nhìn thấy xác chết quân giặc lấp đầy cả hồ Ðộng Ðình và sông Trường Giang, nên Nữ Vương Phật Nguyệt gác ra ngoài chuyện chiến tranh, chiến thắng. Người đi tu để tìm chân lý mới cho cuộc sống con người. Lịch sử để lại những hình thành của lịch sử, các thế hệ sau nên xây dựng, tô thắm lịch sử, phục hưng những gì đích thực lịch sử, không nên xuyên tạc, bôi nhọ, làm rối loạn, phức tạp sự thừa kế lịch sử nhằm thỏa mãn những tham vọng phi nhân, phi nghĩa. Vấn đề hệ trọng đặt ra đối với tuyệt đại đa số những người Hoa Nam vốn gốc là dân Việt và những người Việt sống trên đất Việt ngày nay, đều cần nhớ là dù là Việt hay Hoa cũng đều chung ruột thịt huyết thống, phải thương yêu nhau bằng tình ruột thịt huyết thống. Khái niệm quốc gia đa số thường gồm nhiều chủng tộc. Khi hai quốc gia chung biên giới lại có nhiều cư dân chung một chủng tộc sinh sống ở cả hai phía nơi phân cách biên cảnh, ý nghĩa cao đẹp nhất là nhân dân hai quốc gia Việt, Hoa phải loại bỏ mọi sự tranh chấp bất hòa, dù chỉ là sự mưu chiếm lấn một vài trăm cây số vuông đất biên cương hoặc tham lam nhận chủ quyền vô lý ở một vùng biển, vài hòn đảo hay gây xáo trộn bất ổn biên giới. Tốt nhất, giới cầm quyền hai nước nên chú tâm vào việc nâng cao dân sinh, dân trí và tình thương yêu lân bang để nơi ranh giới quốc gia cũng là nơi kết nối tình huyết thống ruột thịt.
Nhận định cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cùng truyền thuyết Nữ Vương Phật Nguyệt tức vị nữ Chúa hồ Ðộng Ðình cộng với tín ngưỡng Ðạo Vua Bà trải qua lịch sử kéo dài cho tới ngày nay, khiến mỗi công dân người Việt không thể không liên tưởng nghĩ: – Ðã có biết bao nhiêu cuộc vận động, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa và kháng chiến hào hùng đồng loạt diễn ra dưới thời đại Hai Bà Trưng và truyền lại ý chí bất khuất mãi mãi cho hậu thế ra sao? Những cuộc khởi nghĩa tranh hùng ấy đã bị lịch sử ngoại xâm xuyên tạc, đã bị bụi thời gian che khuất mất bao hào quang?

(Chương 13. Nữ Vương Phật Nguyệt cũng như ở chương 5. Ðất Nước Tổ Hùng, tác giả khi viết có trích dẫn, tham khảo bài diễn văn của Giám đốc Trung Quốc Sự Vụ thuộc Viện Pháp Á (Institut Franco Asiatique) đọc vào dịp khai giảng niên khóa học 1991 – 1992 của Viện Pháp Á, nguyên văn tiếng Pháp, do Tăng Hồng Minh dịch sang Việt ngữ).

Vương Đàm