Trần Văn Lương

Tran Van Luong

Phải Chi Ngày Đó…

Xa nhau cuối độ thu tàn,
Trăm năm giọt lệ trễ tràng còn vương.

Dạo

Ngụm khói vỡ lau mặt người trắng bệch,
Mẩu thuốc tàn cấn lệch nửa vành môi.
Chiều lao chao, chân vấp váp liên hồi,
Đường nghĩa địa, nắng lôi thôi buồn tẻ.

Ngôi mộ mới nằm im lìm quạnh quẽ,
Người thẫn thờ lặng lẽ đứng trầm ngâm,
Sau ánh mắt lặng câm,
Nỗi hối hận vẫn âm thầm lấp ló.

Em yêu dấu, phải chi ngày xưa đó,
Anh biết rằng sẽ có cảnh hôm nay,
Thì chúng mình đã chẳng phải chia tay,
Chẳng gánh chịu lắm đọa đày cách trở.

Ba năm cơm đường cháo chợ,
Anh quắt quay khổ sở đêm ngày,
Tự mắng mình quên hạnh phúc trong tay,
Chân khờ dại miệt mài theo ảo vọng.

Ba năm thả mồi bắt bóng,
Ngông cuồng mơ biển rộng trời xa,
Để giờ đây, lòng chua xót nhận ra,
Thiên đường chính là mái nhà duyên nợ.

Anh đã trách oan em làm đổ vỡ,
Những gì mình gây dựng thuở hàn vi,
Đâu biết rằng giọt nước cuối tràn ly,
Là kết quả của những gì đi trước.

Phải chi anh biết được,
Rằng suốt ngày em xuôi ngược đó đây,
Trở về nhà khi anh đã ngủ say,
Cũng vì bởi tương lai bầy con nhỏ.

Phải chi anh hiểu rõ,
Lý do làm em cãi cọ cùng anh,
Thì nhà mình đâu lâm cảnh chiến tranh,
Khi hai đứa khăng khăng giành phần thắng.

Nhìn cha mẹ oang oang lời cay đắng,
Đàn con rụt rè như rắn mùng năm,
Níu tay nhau, rón rén kiếm chỗ nằm,
Mắt ti hí lén thăm dò cuộc chiến.

Việc phải đến cuối cùng rồi đã đến,
Anh lạnh lùng đề xướng chuyện chia tay,
Bao ân nghĩa sâu dày,
Vì nông nổi, phút giây đành tan rã.

Rồi mỗi người mỗi ngả,
Đàn con tất tả theo em.
Anh một mình, cuộc sống mới dần quen,
Mừng tưởng sẽ chóng quên ngày tháng cũ.

Nhưng qua những chuỗi đêm dài mất ngủ,
Nhìn ánh đèn, ủ rũ nhớ người thân,
Đếm tháng năm theo lá úa rơi dần,
Anh chợt thấy mình sai lầm nghiêm trọng.

Ôm gối lẻ, lòng thẹn thùng với bóng,
Thoáng ngậm ngùi nghĩ đến mộng đoàn viên,
Thầm mong câu tha thứ của vợ hiền,
Mơ vực dậy chút tình duyên đã chết.

Nhưng đau đớn, trời xanh kia khắc nghiệt,
Anh bàng hoàng khôn xiết lúc nghe tin,
Em đơn côi một tối bỏ gia đình,
Bỏ con cái, đăng trình về chốn ấy.

Phải chi anh biết vậy,
Thì đã không lần lữa bấy lâu nay,
Để khi anh chua xót muốn giãi bày,
Thì em hỡi, tiếc thay đà quá trễ.

Anh xớ rớ một mình trong tang lễ,
Họ hàng xem anh như kẻ qua đường,
Mỉa mai nhìn những giọt lệ tiếc thương,
Đang lã chã cuối chặng đường hối lỗi.

Anh nào dám mong gia đình thứ tội,
Vì dù cho sám hối đến bao lần,
Cũng không sao chuộc lại được một phần,
Những sai sót, lỗi lầm anh mắc phải.

Xưa trót lỡ gây nên điều oan trái,
Phút giây này, đành trọn hái buồn đau.
Chỉ khi mình đã vĩnh viễn mất nhau,
Mới hiểu được thế nào là ly biệt.

Gió lạc bước rên từng hồi thê thiết,
Nghĩa trang nhờ, người mỏi mệt lang thang.
Cành cây khô, trong tiếc nhớ trễ tràng,
Nhẹ rải xác lá vàng trên mộ mới.

Cái Nốt Ruồi

Kim đồng hồ đeo tay chỉ đúng 1 giờ 10. Thế là lớp học đã bắt đầu được 10 phút. Lại trễ nữa! Nhìn về phía cánh cửa đang mở rộng của giảng đường Hội Hữu của trường Văn Khoa, tôi tần ngần không biết có nên vào lớp hay không. Chẳng lẽ “cúp cua” thêm một bữa? Tôi đã trốn lớp mấy ngày rồi vì cái tội la cà các quán cà phê nên tới trường trễ.
Tôi ngần ngại không muốn ngất ngưởng đi vào lớp một mình, một phần vì thấy kỳ kỳ và một phần sợ bị thầy nhớ mặt và ghi tội, một điều hơi phiền toái nếu phải thi vấn đáp vào ngày cuối khóa. Tuy nhiên nếu bỏ học nữa thì cái lương tâm bèo nhèo của tôi sẽ bị cái hàm răng giả của nó cắn… nhột không chịu được. Hơn nữa, nghỉ nhiều thế thì không biết bài vở sẽ ra làm sao. Các Đại Học miền Nam hồi đó rất thiếu giáo sư và thường thường một số thầy phải “chạy” trường. Các đại học cố gắng sắp xếp thời khóa biểu làm sao để các thầy chỉ tới trường vài lần trong mỗi lục cá nguyệt. Mỗi lần như thế, các thầy đều ở lại nhiều tuần liên tiếp, dạy dồn dập mỗi ngày nhiều giờ cho hết chương trình. Vì thế, chỉ cần cúp cua một ngày là sinh viên sẽ lội bì bõm cho đến cuối khóa. Do đó, tôi bèn nghiến chặt răng, đầu cúi thấp, nhẹ nhàng bước vào lớp và ngồi vào hàng ghế trống cuối cùng. Tôi nhìn lên bục, thầy đang hăng hái giảng bài và hình như không chú ý đến tên sinh viên đi trễ. Tôi thở phào nhẹ nhõm, và bắt đầu láo liên cặp mắt quan sát các hàng ghế chung quanh. Hầu hết mọi người đều chăm chú nghe giảng bài và tôi chỉ thấy được phía sau hay cùng lắm là một bên khuôn mặt của mỗi người.

Tôi bỗng như chạm vào đường dây điện cao thế khi ánh mắt quét tới hàng ghế bên cạnh. Người con gái, mặt mày nghiêm trang lạnh lùng như một bức tượng bằng thạch cao, mắt nhìn thẳng về phía bục giảng bài, chăm chú theo dõi lời thầy. Tôi quả là không nói ngoa khi bảo rằng khuôn mặt của cô gái giống như bức tượng. Tôi chỉ thấy được phần nghiêng của khuôn mặt vì thủy chung nàng không hề quay về phía tôi, dù chỉ là trong một vài giây ngắn ngủi. Nét mặt nhìn nghiêng thật là thanh tú với sống mũi cao và thẳng nằm ngay dưới một khuôn mắt mang nhiều nét Tây phương. Làn môi không dày không mỏng được khép một cách hờ hững, và khóe miệng về phía tôi hơi nhếch lên một tí. Và đặc biệt nhất, ngay trên khóe miệng đó, có một cái nốt ruồi to gần bằng nửa hạt đậu đen. Vì không nhìn thẳng đuợc khuôn mặt cô gái nên tôi không thể biết được là nốt ruồi đó làm tăng hay giảm sắc đẹp của “bức tượng”. Mặc dù thế, nhìn nghiêng, cái nốt ruồi cộng thêm cái khoé mép hơi nhếch lên và cái sống mũi thon nhỏ có một sức quyến rũ thật là mãnh liệt. Và do đó, thay vì nghe thầy giảng bài, đầu óc của tôi lúc nào cũng gởi trọn về khuôn mặt bên cạnh, trong khi bên ngoài vẫn làm ra vẻ chăm chú nhìn về phía trước. Thỉnh thoảng tôi giả bộ ngọ nguậy uốn mình cho đỡ mỏi lưng và liếc nhanh về phía trái, chỉ đủ để thấy cái nốt ruồi đậm màu trên một làn da trắng bóc, nằm chênh chếch trên bờ môi mọng đỏ. Ôi, màu sắc sao mà hoà hợp một cách lạ kỳ. Chưa bao giờ tôi thấy ba màu đỏ, trắng và đen đi với nhau một cách tuyệt diệu như thế! Tất cả lại lồng trong ánh nắng chiều xanh như màu nước chè tươi của mùa thu Đà Lạt. Trời ơi, không lẽ Thiên đàng lại ở trong lớp học nhỏ bé này sao? Tôi bần thần theo dõi một cách kín đáo người hàng xóm “Trời cho” này. Trước mặt nàng, cuốn sách mở sẵn trên bàn được đều đặn lật qua trang mới, đi rất sát với lời giảng của thầy, mà cô nàng thủy chung không cần liếc xuống nhìn vào sách. Tôi thầm nghĩ trong bụng rằng cô bé này giỏi thật, và cũng bắt chước nàng lật sách như một cái máy. Hễ nàng lật là tôi lật, mặc dù chẳng biết, và cũng chẳng thắc mắc, mình đang ở trang nào.

Khi tan lớp, vào khoảng 5 giờ chiều, nàng là người rời lớp học sau cùng. Tôi ra trước và phất phơ đứng hút thuốc ngoài sân, mục đích là sẽ lẽo đẽo theo sau để tìm xem “hang cọp” ở chỗ nào. Cuối cùng cái bóng áo dài trắng thướt tha cũng rời lớp và thong thả đi về hướng nhà thờ Năng Tĩnh. Nàng hình như không hề biết là có một gã đầu trâu mặt ngựa đang dở trò trinh thám theo sau. Nàng đi thẳng vào nhà nguyện, và… dĩ nhiên tôi cũng vào theo. Nàng tiến đến gần bàn thờ và quỳ ngay hàng ghế đầu tiên trước cung thánh. Tôi chỉ dám thu mình trong chiếc ghế cuối góc nhà thờ để nhìn lên, không có can đảm tiến tới phía trước. Không hiểu tại sao mỗi khi “định mệnh run rủi” tôi phải vào nhà thờ, tôi chỉ thấy thoải mái khi được ngồi ở hàng ghế sau cùng vì, thú thật, mỗi lần nhìn lên Chúa trên cây Thánh Giá tôi thấy ngài ngại làm sao, có lẽ vì mặc cảm rằng mình là kẻ ngoại đạo và tự cảm thấy mình quá ư là bê bối. Nàng quỳ im lìm, đầu hơi cúi xuống. Mái tóc kiểu Sylvie Vartan màu đen tương phản với màu trắng của chiếc áo dài. Ánh sáng lờ mờ do tia nắng chiều èo uột xuyên qua những khung kính đục rơi lên trên hàng ghế nàng quỳ tạo thành một bức tranh đen trắng lung linh huyền ảo. Nàng miệt mài cúi đầu cầu nguyện, mặc thời gian trôi qua một cách chậm rãi đến sốt ruột. Đúng là Trời hại tôi, “bức tượng” của tôi chẳng những có đạo mà còn là một con chiên quá sức ngoan đạo! Than ôi, số tôi thật là khổ! Điệu này lại phải mất công đi làm quen một vị linh mục hay một vị nữ tu nào để xin học đạo. Cái món giáo lý coi bộ hơi khó nuốt đối với tôi. Trong suốt thời gian gần chục năm nội trú ở trong một trường đạo, tôi chỉ nhớ được có mỗi một điều là Đức Chúa Trời có 3 Ngôi, còn 3 Ngôi như thế nào thì mù tịt. Nếu bị hỏi ép quá thì đành giở trò bài bây: ngôi thứ nhất là “Mỏa”, ngôi thứ hai là “Toa” và ngôi thứ ba là ”Lủy”…

Nhìn đồng hồ tay đã thấy gần 7 giờ tối mà “bức tượng” vẫn không nhúc nhích, tôi đành phải bấm bụng rời nhà nguyện để tới quán ăn cơm tháng cho kịp vì không muốn phải mất ngủ vì bao tử trống không. Với cái lạnh của đêm khuya Đà Lạt, cảm giác đói bụng không phải là một điều dễ chịu, mặc dù đối với những sinh viên nghèo như tôi, cái cảm giác này đã trở thành một người bạn thân thiết.

Và từ đó trong vòng bốn tuần lễ liên tiếp, ngày nào tôi cũng tới lớp, ngồi hàng ghế cuối cùng, sau “bức tượng” một hàng, lén lút chiêm ngưỡng trong thầm lặng cái nốt ruồi tai hại, và khi tan lớp lại lếch thếch đi theo nàng lên nhà nguyện. Nhiều lúc tôi cũng có ý muốn bước nhanh lên để gợi chuyện làm quen, nhưng khi thoáng liếc qua gương mặt lạnh như ly cà phê sữa đá trong một buổi sáng Đà Lạt, bao nhiêu can đảm đều theo khói thuốc Bastos Quân Tiếp Vụ bay lên nhập vào đám mây dày đặc của bầu trời thu xám xịt. Và ngày nào cũng như ngày nấy, đến giờ cơm tối nàng vẫn còn gục đầu cầu nguyện, tôi lại đành phải thầm tạm biệt nàng để đi săn sóc cái bao tử lép kẹp của mình. “Thương em thì thương rất nhiều” nhưng “anh phải sống”, em ơi!!!

Bạn bè tôi nhiều người ngạc nhiên khi thấy tôi lên nhà thờ mỗi buổi chiều sau lớp học mà không hiểu nguyên do. Tôi nhủ thầm thật là may mắn khi cái lũ quỷ sứ này không phát giác ra mục tiêu của sự theo đuổi của tôi. Chỉ cần một đứa biết thì cả đám ôn thần dịch vật này sẽ làm rùm beng lên, thậm chí còn có đứa dám tìm cách gài bẫy để tặng cho tôi nhiều cú đau đớn. Vì biết thế, nên tôi càng cẩn thận hơn không dám theo nàng quá sát và cũng không dám liều lĩnh làm quen. Một điều làm tôi ngạc nhiên là hầu như trong lớp, ngoài tôi ra, không ai để ý đến nàng cả. Có thể là quan niệm về thẩm mỹ của tôi khác với mọi người, hay là mắt mũi của tôi kèm nhèm chẳng nhận ra được nỗi lòng thầm kín của những kẻ chung quanh. Không tìm được câu trả lời thỏa đáng, và cũng không dám tâm sự cùng ai, tôi đành bỏ không thèm thắc mắc thêm làm chi cho mệt xác.

Hôm nay là ngày cuối cùng của khóa học. Trên đường tới lớp, tôi tự nhủ chiều nay thế nào cũng phải gợi chuyện với nàng cho bằng được, sống chết gì cũng phải làm cho cóc mở miệng. Đây là cơ hội cuối cùng. Nhưng khi bước vào lớp, tôi choáng váng như bị ông thợ rèn gần nhà nện cho một búa vào đầu: nàng không có mặt trong lớp! Điều này có vẻ không ổn tí nào. Ngày học cuối thường là ngày quan trọng nhất vì các thầy đều cho biết những chi tiết quan trọng liên quan đến kỳ thi cuối khóa. “Bức tượng” đã có mặt trong tất cả các buổi học, mà lại vắng mặt ngày hôm nay, đó là điều tôi không thể tưởng tượng được. Suốt mấy tiếng đồng hồ, tôi như người mất hồn, không biết và không nhớ được một lời nói nào của thầy. Quanh đi quẩn lại trong óc cũng chỉ có ba điều: nốt ruồi đen, bờ môi đỏ và màu da trắng mà thôi. Tôi cứ lẩm nhẩm mãi một câu hát không biết nhặt được từ một xó xỉnh tối tăm nào của mấy quán cà phê: “Em ơi, bây giờ em ở nơi đâu…”

Vừa tan lớp, tôi tức tốc chạy lên Năng Tĩnh. Nhưng than ôi! Nhà nguyện hoàn toàn trống trơn, chỉ có Chúa nhìn tôi và tôi… không dám nhìn Chúa! Vắng nàng, cung thánh bỗng rộng mênh mông và lạnh lẽo như hồn người trinh nữ bên hồ Than Thở trong buổi chiều đông. Tôi gục đầu vào lưng hàng ghế trước, đầu óc trống rỗng. Mắt nhắm lại, tôi cố hình dung lại trong đầu khuôn mặt lạnh như tiền của nàng và cái nốt ruồi yêu dấu nằm trên khóe môi được nhếch lên một cách ngạo nghễ. Đang nhắm mắt lơ mơ, tôi bỗng có cái cảm giác là tôi không phải là người duy nhất trong nhà nguyện. Ngẩng đầu lên, tôi chợt thấy nơi hàng ghế đầu tiên, chỗ nàng thường quỳ trong mấy tuần qua, hình bóng của một vị nữ tu trong bộ áo dòng đen và tấm khăn che đầu phủ xuống ngang lưng. Tôi bàng hoàng tự hỏi, chẳng lẽ đó lại là nàng! Phi lý, nàng không thể là một nữ tu được, tôi không muốn thế! Vì chỉ thấy được phía sau lưng, nên tôi không biết hư thực ra sao. Nhưng cái tư thế quỳ, cái dáng đầu hơi cúi xuống sao mà giống quá. Dù trong lòng xốn xang, nhưng tôi không dám đường đột đi lên gần cung thánh để nhìn mặt. Giá chi đừng có bộ áo dòng thì khung cảnh sẽ y hệt như mấy tuần qua: Một người con gái nghiêm trang quỳ cầu nguyện ở phía trên, và một chàng trai cuối nhà thờ ngồi nghĩ hươu nghĩ vượn…

Và cũng như cũ, gần 7 giờ tôi lại phải luyến tiếc rời nhà thờ để đi lo phục vụ cho cái bao tử lép kẹp của tôi.
Thế rồi cái điệp khúc này được lặp đi lặp lại mỗi ngày sau đó. Không biết tôi bắt đầu biết cầu nguyện từ lúc nào, nhưng một hôm tôi chợt bắt gặp mình đang lẩm bẩm: “Lạy Chúa, xin cho con được gặp lại nàng và nhất là cho nàng đừng phải là bà Soeur! Chúa muốn con làm gì, con cũng sẵn sàng làm hết, trừ việc… bắt con đi tu.”

Một ngày kia, có lẽ vì thương tình hay vì quá mệt mỏi với lời cầu xin bá láp của tôi mà Chúa đã động lòng trắc ẩn. Mới vào khoảng 5 giờ, vị nữ tu đã đứng dậy, làm dấu Thánh giá và quay người đi ra. Trong ánh nắng ảm đạm của buổi chiều Đại học, tôi bỗng nhận ra khuôn mặt quen thuộc. Cả người tôi như đóng băng. Chẳng lẽ đó là “nàng” thật ư? Quả là tai hại bạc triệu. Còn đang bàng hoàng, thì “nàng” đã đi ngang, và… Chúa ơi, “nàng” nhìn con và mỉm cười gật đầu chào!!! Không biết cái cảm giác được lên Thiên đàng như thế nào, nhưng tôi dám chắc là không thể hơn được nỗi sung sướng của tôi lúc đó. Nếu có ai hiện diện nơi đây, họ sẽ phải phì cười vì cái bản mặt ngờ nghệch và lơ láo của tôi, vốn dĩ đã xấu xí và đần độn hơn người. Như cái máy, tôi đứng bật dậy và lẽo đẽo đi theo “nàng”. May quá, không gặp bất kỳ ai trên đường. Vừa qua khỏi quãng đất trống trước nhà thờ và đến đầu con đường dốc nhỏ trải nhựa nằm giữa giảng đường Hội Hữu và Thư Viện, “nàng” đứng lại chờ tôi. “Nàng” quay nhìn tôi, ánh mắt hơi ngời lên một tí tinh nghịch, và nhẹ nhàng bảo:
– Có lẽ là anh lầm tôi với chị Thanh!

Tôi ngơ ngác lẩm nhẩm trong miệng hai chữ “chị Thanh” và quan sát kỹ khuôn mặt của người đối diện. Cũng khuôn mặt trái soan đó, cũng cái mũi nho nhỏ thanh tú đó, cũng bờ môi thắm đỏ và hơi cong lên ở bên mép… Nhưng kìa, ơ hay… Như đoán được ý nghĩ của tôi, vị nữ tu giải thích:
– Nhiều người cũng lầm tôi với chị Thanh như anh. Chúng tôi là hai chị em ruột, và giống nhau như hai giọt nước, chỉ khác nhau có một điểm là chị Thanh có cái nốt ruồi trên mép phải.

Quả thế thật, trên da mặt mịn màng của vị nữ tu tôi không thấy một cái nốt ruồi nào cả. Thật là bé cái lầm. Trong sự ngỡ ngàng bối rối, tôi lại cảm thấy lóe lên một tia hy vọng nhỏ: Biết đâu Thanh không có đi tu, và chỉ có cô em này làm Soeur mà thôi! Nhưng niềm hy vọng của tôi không kéo dài được lâu. Vị nữ tu kể tiếp:
– Hai chị em chúng tôi là con của một ông trùm xứ tại một họ đạo di cư gần Ban Mê Thuột, và đều đi tu tại dòng Mến Thánh Giá ở trên tỉnh. Chị Thanh được nhà dòng gửi tới đây đi học, và chị ấy đã trở về lại nhà Chúa. Chị có nói chuyện với tôi… về anh.
Tôi giật mình. Chết chửa, thế mà cứ tưởng là “nàng” không biết những chuyện ruồi bu của tôi.
Vị nữ tu lại lém lỉnh nói tiếp:
– Chị Thanh nhờ tôi nhắn với anh là ráng quên chị ấy đi và cố gắng học hành vì ngày thi sắp đến và nếu anh trượt thì sẽ bị đi lính đấy. Chị nhờ tôi tặng anh một tấm hình của chị để anh cầu nguyện cho chị mỗi khi nhớ đến chị.

Tôi thẫn thờ cầm lấy tấm ảnh đen trắng vị nữ tu trao cho, và chua xót nhìn khuôn mặt của người đẹp của tôi đang tươi cười trong bộ áo dòng ủi thẳng nếp ngày khấn tạm. Hỡi ơi, khuôn mặt đó, bờ môi đó, và cố nhiên cái nốt ruồi thân yêu đó… tất cả sao mà xa xôi cách trở. Tôi lí nhí nói lời cám ơn và vội vàng nhét bức ảnh vào túi áo blouson khi nhác thấy mấy thằng bạn trời đánh của tôi đang từ phía Thư Viện đi tới. Chúng cố tình đi ngang chỗ tôi đứng nói chuyện với vị nữ tu, nhìn phớt qua hai đứa, cất tiếng cười khúc khích với nhau và nháy mắt với tôi một cách rất ư là đểu giả. Vị nữ tu vẫn tỉnh bơ làm như không để ý đến, mỉm cười nói lời từ biệt và đi về hướng cổng Viện. Tôi đứng đó ngơ ngác nhìn theo cho đến khi bóng dáng chiếc áo dòng đen đã khuất sau lưng giảng đường Minh Thành.

Tôi lang thang quanh khu Năng Tĩnh một lúc rồi tất tả trở về cái phòng trọ lạnh lẽo ở đường Hàm Nghi. Việc đầu tiên khi vào phòng là lôi tấm hình ra ngắm nghía và kẹp cẩn thận vào giữa cuốn Thánh Kinh trên bàn trước khi đi ăn tối. Cuốn Thánh Kinh này do một thằng bạn vừa mới theo đạo Tin Lành tặng cho tôi, với mục đích dụ tôi theo đạo của hắn. Mỗi lần gặp mặt là hắn cứ bảo tôi phải đọc cuốn sách này. Tôi cũng ráng chiều ý bạn nhưng chẳng bao giờ đọc hết được một trang trước khi hai mí mắt sập xuống. Sau này bị hắn thúc quá, tôi bèn nổi quạu và bảo hắn: “Sách gì mà đọc chán thấy mồ tổ, thua truyện Kim Dung xa. Thế này mà mày cứ bắt tao đọc hoài thì làm sao tao đọc được. Hôm nào rảnh, tao sẽ đem trả cho mày để mày cho người khác!”. Từ đó tôi ít có dịp gặp lại hắn và cũng quên chưa trả lại cuốn sách. Đó là lý do tại sao một kẻ ngoại đạo như tôi lại có cuốn Thánh Kinh nằm trên bàn học.

Vừa bước chân vào quán ăn, thì cả đám lâu la đã chờ sẵn và thi nhau pháo kích:
– Ối giời ơi, cái thằng ông nội này hết chuyện làm rồi hay sao mà lại đi tán tỉnh kẻ tu hành như thế này…
– Ê con trai, coi chừng xuống Hỏa ngục đó con ạ…
-“Khen cho con, mắt tinh đời!”. Em đẹp như Ma Xơ, cắc cắc bùm…
– Cái nốt ruồi trên mép quả đáng đồng tiền bát gạo…

Tôi giật bắn mình. Cái nốt ruồi? Làm gì có cái nốt ruồi? Không biết thằng này đào đâu ra cái ý tưởng về cái nốt ruồi. Chẳng lẽ chúng nó biết mình lẽo đẽo theo sau nàng từ trước mà đến giờ này mới nói? Tôi cứ loay hoay mãi với ý nghĩ này thành ra không biết sau đó chúng nó còn tung ra những điều gì tệ hại hơn nữa.

Cắm đầu cắm cổ nuốt vội vàng cho xong phần ăn, tôi bay về nhà trọ, để nguyên áo quần leo lên giuờng nằm thừ ra suy nghĩ. Tôi ôn lại trong đầu từng lời của cô nữ tu. Không biết cố ý hay vô tình mà vị nữ tu đã cho tôi biết những chi tiết thật là đáng giá: Ông bố làm trùm xứ một họ đạo di cư, hai chị em đi tu ở nhà dòng Mến Thánh Giá Ban Mê Thuột… À, tại sao mình không điều tra thêm thử xem sao. Tôi chợt nhớ ngay đến Hoa, cô em họ của tôi. Hoa là con của bà dì ruột tôi, chơi rất thân với tôi lúc nhỏ. Lớn lên, Hoa lấy chồng Công giáo, và theo chồng về ở họ đạo Hà Lan B thuộc giáo phận Ban Mê Thuột. Tôi có thể nhờ Hoa điều tra giùm về hai chị em Soeur Thanh (Trời ơi là Trời, chữ “Soeur” đọc lên nghe đau lòng quá!). Tôi hy vọng là cùng đạo với nhau, Hoa có thể cho tôi nhiều chi tiết hữu ích về hai “người đẹp” này. Tôi hăng hái choàng ngồi dậy, viết một lèo xong bức thư cho Hoa, chạy qua bà chủ nhà mượn con tem và ba chân bốn cẳng bay ra bưu điện tống ngay vào thùng thư chính.

Nắng chiều buồn như cỏ úa. Tôi uể oải rời nhà thờ mà lòng mềm oặt như cọng bún thiu. Con đường trở về nhà trọ sao mà lê thê và những tuần lễ chờ đợi sao trôi qua quá chậm chạp. Mỗi buổi chiều tôi đều lên Năng Tĩnh, với hy vọng mong manh là được gặp lại “Cái Nốt Ruồi” hay em gái nàng. Nhưng than ôi, bóng chim tăm cá! Tôi đâm ra thù cái ông thi sĩ Tàu vớ vẩn nào đó đã nói một câu rất ư là vô duyên lãng xẹt: “Giai nhân nan tái đắc”. Điểm an ủi duy nhất cho tôi là quý Cha và Frères, mà tôi thỉnh thoảng xui xẻo gặp mặt ở trong khuôn viên nhà thờ, càng ngày càng tỏ ra có cảm tình với thằng bé “ngoan đạo”! Các ngài đâu có biết rằng người mà thằng bé ước tìm gặp là “nàng”, chứ không phải Chúa của các ngài. Tuy thế, tôi vẫn phải luôn làm mặt tươi cười để đáp lễ lại những cái nhìn khuyến khích và khen thưởng của các ngài. Tôi nghĩ thầm trong bụng rằng phải chi các Cụ cầu nguyện Chúa cho tôi được gặp lại “nàng” thì có phải là quý hoá hơn không! May quá, các ngài không thấy được ý nghĩ này trong cái đầu đen kịt của thằng quỷ sứ! Về đến nhà, sắp mở cửa phòng trọ thì tôi nghe tiếng gọi của bà chủ nhà:
– Cậu Văn ơi, có thư.

Nhìn thấy tên người gửi là cô em họ tôi từ Ban Mê Thuột, tôi mừng rơn, mừng còn hơn cả lúc nhận được mandat từ nhà mỗi đầu tháng. Chạy vội về phòng, khóa kín cửa lại, tôi xé vội phong bì và đọc ngấu nghiến bức thư của Hoa dưới ánh đèn điện vàng vọt của phòng trọ:

Ban Mê Thuột ngày…
Anh Văn mến,

Sau đây là những chi tiết về Soeur Thanh mà anh đã hỏi em: Em rất thân với gia đình Soeur Thanh, vì Bác Trùm Xuân, bố của Soeur Thanh, là ông bác họ của nhà em. Bác được gọi là Ông Trùm, vì bác ấy đã từng là Trùm Xứ của họ đạo Hà Lan A, cách họ đạo Hà Lan B của em không mấy xa. Không hiểu sao anh lại nói gặp em gái của Soeur Thanh, vì bác Trùm chỉ có một người con duy nhất là Soeur Thanh mà thôi…

Tôi giật nẩy mình, linh cảm có điều gì hơi bất thường. Sau ít giây sững sờ, tôi đọc tiếp:

Bác Trùm cho Soeur Thanh đi tu ở Dòng Mến Thánh Giá Ban Mê Thuột từ khi Soeur được khoảng 12 tuổi. Đến năm 18 tuổi, Soeur đậu Tú tài II. Sau khi vào nhà tập khoảng một năm và sau khi khấn tạm, Soeur được nhà Dòng gửi đi học ban Cử nhân Triết tại Viện Đại Học Đà Lạt của anh đó. Em đã được gặp Soeur rất nhiều lần. Soeur rất đẹp và dễ thương. Đặc biệt nhất là cái nốt ruồi trên khoé môi của Soeur làm cho Soeur hết sức có duyên.

Cách đây mấy tháng (vào khoảng đầu tháng Mười), bác Trùm gái bỗng nhiên đau nặng, sợ không qua khỏi, nên Soeur phải lật đật rời Đà Lạt để về thăm mẹ lần cuối. Không ngờ trên đường về nhà, xe đò bị trúng mìn gần Ban Mê Thuột và tất cả mọi người trên xe đều tử nạn…

Trời ơi! Tôi bàng hoàng buông tờ thư, ngồi phịch xuống thành giường, hồn xác tê dại. Tôi cố nhớ lại, đầu tháng Mười chính là lúc tôi nhìn thấy Soeur Thanh lần đầu tiên trong lớp học. Chẳng lẽ… Tôi từ xưa vốn không tin chuyện ma quỷ, nhưng giờ đây tự nhiên cảm thấy xương sống hơi lành lạnh. Đang lơ mơ thì cánh cửa phòng trọ, mà tôi nhớ đã khoá lại sau khi vào, bỗng dưng tự động mở ra. Không biết có phải là do thần hồn nhát thần tính hay không mà tôi có cảm giác mình vừa thoáng thấy một bóng đen vụt ra khỏi cửa và tan dần vào trong những tia nắng xanh xao của buổi chiều đông Dalat.

Và chợt như do linh tính, tôi chồm tới bàn học, chụp vội cuốn Thánh Kinh, mở ra để tìm tấm ảnh. Tấm ảnh vẫn còn đó, nhưng bây giờ… đã thành một tờ giấy trắng. Khuôn mặt của người trong ảnh, mà tôi còn thấy rõ ràng ngày hôm qua, đã hầu như hoàn toàn biến mất. Tất cả chỉ còn lại một chấm tròn đen nho nhỏ nằm ở vị trí cũ của cái nốt ruồi duyên.

Quyển Lịch Vơi

Dạo:

Vừa dứt tiếng oa oa,
Nửa đời đã vụt qua.
Tuổi già hoa mắt đỏ,
Vò võ kiếp xa nhà.

Tần ngần ngắm quyển lịch vơi,
Bâng khuâng sống lại một thời đã qua.
Rời vòng tay ấm mẹ cha,
Mon men dọ nẻo bướm hoa dập dìu.

Lời tình vụng dại chắt chiu,
Năm canh mắt trũng nâng niu bóng sầu.
Rong chơi nắng dãi mưa dầu,
Ngày say ánh mắt, đêm đau tiếng cười.

Sân trường én lả oanh lơi,
Một mình lặng đứng nhơi nhơi cọng buồn.
Nương nhờ chút nắng hoàng hôn,
Hoàng hôn lịm tắt, xác hồn chỏng chơ.

Giã từ sách vở tuổi thơ,
Đường xa định mệnh chực chờ đã lâu.
Lang thang núi thẳm rừng sâu,
Mịt mùng khói lửa biết đâu ngày về.

Một cơn hồng thủy não nề,
Đưa chân mấy bận, tái tê bấy lần.
Chăm chăm ngày tháng xoay vần,
Đành hanh con tạo khép dần cuộc chơi.

***
Bồi hồi gỡ quyển lịch vơi,
Lại thêm nữa một phần đời ra đi.
Đóng khung dĩ vãng làm vì,
Cuối đường luân lạc còn gì trong tay.

Khật khùng nửa dại nửa ngây,
Cùng bầy tóc trắng mượn say giết sầu.
Sống về đâu, chết về đâu,
Quê hương đã mất, bể dâu sá gì.

Sống còn chi, thác còn chi,
Còn chăng nỗi nhớ thương ghi đậm lòng.
Thương về một dải non sông,
Từ lâu bất hạnh nằm trong tay người.

Canh khuya nếm hạt sương rời,
Nghẹn ngào nhớ đến phương trời đã xa.
Bao năm nước mắt mẹ già,
Đầy hơn mưa lũ rót qua ruộng gầy.

Con nay đất khách dạn dày,
Đôi chân mỏi mệt, gót giày xót xa.
Đăm đăm dõi lối quê nhà,
Đớn đau nhìn ánh sao sa cuối trời.

***
Bùi ngùi đốt quyển lịch vơi,
Dường như có tiếng à ơi vọng về.

Chiều Đua Với Nắng

Dạo

Mai kia nắng trở về đây,
Biết chăng lữ khách chiều nay không còn.

Đường thon thon nét bút,
Lộ trình dài, hun hút bóng xe thưa.
Người nôn nao vớt vát ánh dương thừa,
Cố đến đích khi ngày chưa tắt nắng.

Cánh đồng hoang bằng bặn,
Cây khô lẳng lặng giật lùi.
Con bò khờ cặm cụi lui cui,
Bòn vét chút ngọt bùi trong cỏ áy.

Bon bon xe chạy,
Nóng nảy nắng về xa.
Hai kẻ không nhà,
Cùng bôn ba chung lối.

Trời chông chênh sụp tối,
Giật mình bối rối nhìn quanh.
Đường thiên lý lạnh tanh,
Người chán nản nhẹ quành ra ngõ vắng.

Chiều chạy đua với nắng,
Dù ai thắng ai thua,
Cũng là chuyện vui đùa
Vô ích tựa giữa mùa thu đếm lá.

Con chim nhỏ lạnh lùng trên tảng đá,
Mỉa mai nhìn người khách lạ băn khoăn.
Chốn trần gian vốn đã sẵn nhọc nhằn,
Sao vẫn mãi lăng quăng mua phiền khổ.

Kiếp sống tạm, khác nào manh áo cũ,
Mặc lâu rồi, cũng phải giũ quăng đi.
Người dù may, ít gặp cảnh sinh ly,
Nhưng tử biệt trước sau gì cũng đến.

Đời mỗi người mỗi bến,
Đã lên bờ, quyến luyến cũng bằng không.
Hãy để mặc con sông
Đưa định mệnh đi về trong tĩnh lặng.

Dòng lịch sử bao năm dài đằng đẵng,
Chốn phù du, nào kẻ thắng người thua,
Nào công hầu, nào giặc cướp, nào vua,
Ai thoát được lời thiên thu réo gọi?

Đêm luống cuống, mây vật vờ trôi nổi,
Sương mệt nhoài, gió rối thổi miên man.
Ảo vọng vỡ giòn tan,
Người hoang mang dụi mắt.

Dĩ vãng đà khuất mặt,
Bằn bặt nẻo tương lai.
Chỉ còn đây thân xác cũ rạc rài,
Gượng lê lết trên lối dài hiện tại.

Trăm năm nữa, nắng kia còn trở lại,
Người hôm nay mãi mãi sẽ không còn.
Họa còn chăng một nấm đất cỏn con,
Cùng mảnh đá đã mòn phai nét chữ.

Trần Văn Lương