Phan Bá Thụy Dương

Phan-B-Thy-Dng-001

Phan Bá Thụy Dương
Viết Về Thơ Thy An

Thy An: 40 năm làm thơ, yêu đời và yêu người.
Thy An tên thật là Nguyễn Thế Tài, sinh năm 1952.
Anh xuất thân trường Pháp tại Việt Nam, tốt nghiệp ngành khoa học tại Âu châu và cư ngụ tại Bỉ quốc. Thy An cho biết anh rất yêu thích thi ca và văn chương Việt Nam ngay từ khi còn bé.

Học sinh, sinh viên miền Nam VN, nhất là người theo học chương trình Pháp như Nguyễn Thế Tài hay chọn ngành chuyên biệt Pháp ngữ trên các phân khoa đại học, những người yêu thích thi ca phương Tây, thi ca hiện đại, không ai không biết hay từng say mê, đọc qua Stephane Mallarmé, Paul Verlaine, Arthur Rimbeau, đặc biệt là Guillaume Apollinaire [1880-1918] – ít nhất, qua Le Pont Mirabeau và Le Voyageur, hoặc Victor Hugo [1802-1885] với Les Misérables, Alphonse De La Martine [1790-1869] qua Méditations… mà thi phẩm Le Lac của vị đại thi hào này thì dường như ngay cả học sinh trung học chương trình Việt trước 1975 có thể nói ai cũng thuộc lòng.

Thy An theo học trường Pháp từ thuở thiếu thời, nên có điều kiện thuận lợi để đọc, tiếp xúc rộng rải với nền văn hóa, văn học Tây phương, do đó tôi nghĩ phần nào anh đã chịu ảnh hưởng của những thi sĩ trứ danh nêu trên, để từ đó anh yêu và làm thơ hơn 40 năm qua.

Và qua Tuyển Tập Thơ Thy An, nếu cần nhắc thêm ảnh hưởng về dòng thi ca trữ tình, lãng mạn VN thì người đọc còn nhận ra trong thơ Thy An phảng phất âm hưởng, tiết tấu, phong vận của Đinh Hùng, Hồ Dzếnh, Hàn Mạc Tử.

Hầu hết những người làm thơ không ai là không chịu ảnh hưởng ít nhiều của những thi sĩ thành danh đi trước. Ngôn ngữ thi ca, thi ảnh… mỹ miều không nhiều, nên tự thân việc chịu ảnh hưởng về một mặt nào đó vốn là chuyện đương nhiên, bình thường. Vấn đề là người chịu ảnh hưởng, thấm nhuần tư tưởng thi ca của các thế hệ đi trước có biết cấu trúc, hài hòa để tự sáng tạo cho thơ mình một ” chân dung ” mới, một con đường mới hay không. Theo tôi, Thy An đã thực hiện được điều hay đó một cách trọn vẹn, hoàn hảo.

Thơ Thy An được cấu trúc chặt chẽ, hài hòa và đầy nhạc tính, với những nhân dáng, hình ảnh sâu đậm, mà Robert Bly và nhóm thi hữu của ông như James Wright, Louis Simpson, William Stafford… đã tận dụng, khai thác và được họ mệnh danh là “deep images”. Lời thơ dù mang sắc thái lãng mạn, trữ tình, hoặc cảm xúc trước sông hồ, biển cả, núi non như được biểu tượng hóa, đều luôn phảng phất, tiềm tàng tinh thần nhất quán của một bản thể tính hoài niệm.

Thơ anh nhẹ nhàng và dài hơi, nhất là trong thể loại 8 chữ, thơ mới. Nguồn thi cảm của anh phong phú, dạt dào và được giao thoa, dàn trải một cách thiết tha, lắng đọng.

Thi ngữ Thy An xử dụng thường mới lạ, âm vận êm đềm, đồng thời chuẩn mực về thi pháp và quy luật, nên dễ lôi cuốn người đọc tiếp tục hành trình khám phá, thưởng ngoạn tuyển tập thơ của anh. Đây là một tác phẩm hay cần có trong tủ sách gia đình.

Tác phẩm đã xuất bản:
* Albert Einstein, nhà bác học đam mê và chân thật (biên khảo, xuất bản tại Bruxelles năm 2007, tái bản lần thứ nhất 2008)

* Tuyển Tập Thơ Thy An tác giả ấn hành tại Bruxelles, cuối 2008. Sách dày 220 trangvới nhiều phụ bản tranh màu của các họa sĩ trứ danh: ?, Monet, Vangogh, Jacobha, Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức, Bé Ký… Địa chỉ giao dịch điện thư : thyan278@yahoo.fr

Dưới đây là một số bài được trích từ tuyển tập thi ca nói trên :

Lời Độc Thoại
đời một nửa nghiêng sâu vào tình sử – hồn lung linh theo tiếng hát lên trời
đỏ nước mắt gửi niềm đau ngọc nữ – rồi ngày qua, ngày qua vẫn thấy rã rời
chiều thắp sáng nguồn đau chờ sám hối – giấc chiêm bao như héo úa tàn canh
theo tiếng gió gửi lời ca buổi tối – thương ngày mai như thương khoảng ngày xanh

Có Phải Em Về
có phải em về đèn khuya héo úa – cho cả bầu trời ẩm đục sương đêm
tay đốt lửa soi đời ngày đối mặt – ôi khuôn mặt xưa mờ mịt bên thềm

có phải em về phấn hương tẻ nhạt – môi vẫn hồng tóc vẫn chấm ngang vai
những thương yêu ấp ủ ở bàn tay – hay ngày mai chỉ là cơn gió lạnh

ngày ra đi, đời ta buồn ủ chặt – nghe hương xưa thoang thoảng áo phong trần
trời có biếc, mắt có trong màu trinh nữ – ta vẫn mình ta khua nhịp đều chân

trên đỉnh trời sầu loài cây nhớ gió – một lần trót thương vạn kiếp u mê
ta đã xót xa ngày tháng lê thê – nghe gãy mục từng cảnh đời vàng ố

có phải em về thời gian vỡ đổ – để ngọn đèn khuya nức nở thâu đêm
ôi dung nhan của một thuở êm đềm – ta bỗng sợ cho ngày mai gió bão

có phải em về buồn lên sắc áo – ánh đèn vàng đâu soi rõ đời nhau
đời của em lẽ nào buồn da diết – để lời thơ ta mãi mãi sầu đau ?

Bài Thơ Du Tử
rồi mai anh về thơ thành hoa thành lá – có bao giờ hoa lá ngủ trên vai
có bao giờ em thương mến ngày mai
hay suốt đời thơ anh – chỉ là giọt sương buổi sáng ?

khi đã ngã nghiêng một vùng đời quên lãng – anh chợt về vầng trán nét suy tư
có thể nào thôi vàng lá mùa thu – để anh tiếc ngày đêm làm du tử

tình của anh là tiếng buồn cô lữ – dưới hiên nhà trên đồi núi sơn khê
nghe vang xa từng tiếng suối đê mê – nghe thương nhớ mảnh trăng thề chờ đợi

anh vẫn tiếc những tháng ngày diệu vợi – con đường nào hàng me lá bay bay
đã quên chưa em cơn hò hẹn tình dài – hay kỷ niệm chỉ là thời vang bóng ?

ngày ra đi anh vẫn biết đời biển động – nên đã cười mà đau đớn xót xa
cũng như ngày xưa anh đã chọn thi ca – làm giấc ngủ trong những đêm phiền muộn

và trời Liège khi sương chiều buông xuống – phủ lòng anh đêm rừng núi vây quanh
anh đã nhớ tới em qua làn khói mong manh – qua kẽ hở bàn tay mùa gió lạnh

có lẽ nào mùa thu đã đem về hiu quạnh – để lòng anh se sắt đớn đau
có lẽ nào bàn tay đã đánh mất tin yêu – để mãi mãi anh một đời rong ruổi

rồi mai anh về, thơ thành hoa thành lá – đậu bờ vai hay hàng giậu trước hiên
anh sẽ về tìm bắt cánh chim khuyên – hay nỗi nhớ muôn đời là nỗi nhớ ?

Em Về, Ta Về
* Tặng NKChi

em về rũ áo tà huy – sương mai hóa ngọc, xuân thì nở hoa
phù vân dòng suối tóc ngà – cuốn theo hư ảo nhạt nhòa chân mây

ta về, tâm thức : tỉnh, say – uyên nguyên hạt bụi lung lay phong trần
vai mềm, áo bạc che thân – nghe kinh huyễn ảo chín phần nổi trôi

em về hoa nở trên môi – tiếng thơ rơi rụng núi đồi vọng mê
lần nghe tiếng gió gọi về – trời xanh biển rộng sơn khê ngậm ngùi

ta về, nỗi nhớ : ngược, xuôi – giọt kinh phủi xuống buồn vui muộn màng
lên đồi bát nhã thênh thang – vẽ lên tấm áo hai hàng sen thơm

Bài Thơ
Làm Tại Giảng Đường
người về đó rêu bồng xanh mái tóc – đá hoang vu mòn nhẵn cạnh trùng khơi
trong mê lốc ta nghe đời hao đổ – thoáng hương xưa trên vai áo rối bời

nghiêng bóng nắng môi cười không thành nụ – ta trở về, tim ủ nẫu tình xưa
đem ước mơ về phủ gót chân thừa – xô dạt mãi gió mưa ghềnh thác lũ

người về đó chim muông thành cầm thú – cướp hồn ta đêm cào máu thành thơ
đã chín chưa ôi vời vợi mong chờ – hay mưa bụi vẫn bay bay thềm cũ ?

mùa thu đó đã về đây yên ngủ – áo người xanh rồi cũng phủ mờ sương
hồn của ta rồi cũng rụng bên đường – mai đi dạo dưới chân người vần vũ

người đã đến đã đi đời trôi nổi – vớt hồn ai trên dục vọng cuồng điên
lắng xuống đi đời ta vỡ trăm miền – chìm lỉm mãi bao quanh vùng biển tối

người có nhớ về đây nhìn tội lỗi – lỗi đời ta ngày mưa gió yêu người và bài LTLĐ dưới đây có thể nói đã thể hiện rõ rệt nhất bản chất tiêu dao, thanh thoát cùng những hoài niệm trầm mặc, thiền vị trong thơ Thy An NTT:

Lững Thững Lên Đồi
ôm nỗi nhớ ta về qua triền núi – rừng xa xưa cất tiếng gọi khôn nguôi
con suối trong xanh soi bóng bùi ngùi – bao kỷ niệm nghe buồn hơn yên lặng

đá vắng lạnh nên hồn ta cũng lạnh – tóc thiên thu vén lại mấy tầng mây
lững thững lên đồi hát với cỏ cây – mắt hoang dại tìm dung nhan bất tận

núi vẫn đó trông xuống đời lận đận – cuộc phong trần đá cũng phải hư hao
chuyện tình người như sông biển chờ nhau – chân bước mỏi nẻo sơn khê lỡ vận

mây gọi mưa ở cuối trời hiu quạnh – núi và rừng vẫn xanh mãi cùng ta
lững thững lên đồi hát bản tình ca – trong gió thoảng hương thơm ngàn hoa lạ

ôm nỗi nhớ ta về cùng cỏ lá – dặm đường xa đi dưới bóng tà huy
vạt nắng cuối non ôi thật nhu mì – nghe như tuổi thanh xuân thời mộng mị

lững thững lên đồi ta quên hệ lụy – núi cùng ta to nhỏ với hư không.

Tình Khúc Nếu Mai Em Về
1.
nếu mai em có về xóm biển
thả gió về trời cho mây bay
bên con suối ngọc mơ màng ngủ
cho tóc em nồng hương cỏ may
nước mắt mẹ –
có rơi dài đêm tối?
nỗi niềm cha –
còn u ẩn tháng năm?
em – em đó sầu dâng mấy độ
ngóng trăng suông và lạnh chỗ nằm
2.
nếu mai em có về quê cũ
đánh thức dùm tôi nhánh ô môi
đang rủ sắc buồn bên song cửa
với giàn bông giấy đắm sương mai
có băng qua bãi,
băng qua suối
theo tiếng thì thầm trong khói mưa
mặc gió hững hờ rung tà áo
đã quên sầu,
hết xót xa chưa
3.
nếu mai em có về xóm biển
hãy thắp dùm tôi mấy nén nhang
cho bạn bè trên đường bỏ xứ
lỡ trầm mình dưới đáy đại dương
thắp thêm nhiều nén trên bia mộ
cho thân bằng quyến thuộc anh em
đã ngã gục qua lằn tên mủi đạn
thủa chiến chinh chia cắt đôi miền
4.
nếu mai em có về quê cũ
đọc lại tình thư đã nhạt màu
mà dư lệ đã lem nhòa trang giấy
với muộn phiền chất ngất lao đao
đò qua xóm vắng ai xuôi ngược
có chở đầy trời thương nhớ không
mộng hồn nào vấn vương tóc rối
gót chân sen em có động chiều hồng?

Liên Khúc Vô Thường
* Tặng Trần Thiện Hiệp

1.
Đốt công án vất kinh thư khải ngộ
Theo đường trăng –
trăng khi tỏ khi lu
Tìm người hiền nơi thâm cốc âm u
Thỏng tay vào rừng giả làm ẩn sĩ
Giòng sinh mệnh
chừng nhuộm màu chướng khí
Bến nhân gian ai quán niệm vô thường
Hành trình xa ngựa đà lỏng dây cương
Trên vách núi chân dung in mờ tỏ

2.
Ném công án chôn kinh thư bất ngộ
Nương sông ngòi biển cả tới an nhiên
Nửa u hoài, nửa chợt nhớ, chợt quên
Bỗng tan tác cùng tiên thiên tự ngã
Tay huyễn hoặc đề lời thơ trên lá
Hồn xanh xao mờ mịt chốn tang bồng
Người đâu rồi,
người đâu rồi sao tịch mịch hư không
Hương dạ thảo đang chớm mùa khai nở

3.
Hủy công án buông kinh thư giác ngộ
Vào chợ đời áo mỏng phất phơ bay
Bụi khói mê man,
chênh chếch nắng gầy
Lời phố thị chập chờn như ảo giác
Ta là ai –
ta là ai sao tâm linh ngơ ngác
Người là ai –
người là ai mà sắc diện mơ hồ
Rượu độc ẩm hề chân lạc loài đưa
Mây biến dịch mưa chắt chiu giọt nhỏ.

Trên Nỗi Tình Người 4

1.
mấy ngàn dặm hai khung trời cách biệt
em một phương
và ta ở một phương
trăng tuyết ở đây sao cũng dị thường
như khơi động nỗi niềm người viễn xứ

lỡ mai mốt em về qua xóm cũ
ta lạc loài từ thuở dấy đao binh
đường xưa em đi cô lẻ một mình
ôm khắc khoải thẫn thờ trong dư ảnh

2.
mưa bên ấy –
chắc làm em thấm lạnh
gió Hạ buồn có làm tóc em bay
trời đất mang mang sông bể vơi đầy
ai đếm được con nước ròng, nước lớn

thôi nhé em –
góp chi từng sợi nắng
nuối tiếc gì bụi khói đã trôi xa
nhớ nhung nào năm tháng chẳng phôi pha
mà chợt khóc, chợt cười trong ảo mộng

3.
đốt lửa lên em –
đốt lửa lên em, hâm thêm rượu nóng
để mình say quên bão táp vô tình
sao mắt em buồn như giọt sương đêm
tìm đôi bàn tay –
tìm đôi bàn tay, cũng chưa thấy ấm

biết về đâu ta nửa đời phiêu lãng
giấu u tình trong cổ mộ hoang vu
có còn chăng bèo bọt với mây mù
và ủ ấp bóng người trong lặng lẽ

4.
sóng biển hỡi – xin vỗ về thật nhẹ
cát vàng ơi – thôi xóa dấu hài hoa
sỏi đá nào dòng nước đã trôi qua
sao heo hắt muộn phiền như rêu cỏ

gác chuông Bắc ta treo hồn trên đó
đợi em về hong tóc gọi đêm Thu
cho mưa nguồn giăng lá thắm sa mù
và em cất tiếng, ru ta ngàn kiếp.

Cho Lá Thắm

1.
kể từ độ quan san chung cách biệt
bởi tự thân mình đã lỡ căn phần
ngày qua ngày ta sám hối ăn năn
em hờn dỗi ôm tình chôn đáy mộ
trót gieo hạt nảy mầm trên đất khổ
đường nhân gian ta thất thểu độc hành
ta treo hồn trên suối tóc em xanh
bay – bay mãi trong cuồng mê lầm lạc

2.
sao khắc khỏai chẳng hao mòn tan tác
mà dật dờ như bọt sóng lênh đênh
thử hỏi lòng lau sậy có điêu linh
có mặc niệm lời bi ca ẩn dụ
em thả gió thả hương vào vũ trụ
ta miệt mài đuổi bóng dưới trăng khuya
rượu tàn canh –
rượu tàn canh mù mịt lối đi về
tay huyền hoặc đề thơ trên giấy máu

3.
em đến thực hay mơ trong mộng ảo
cho ta nâng niu
từng ngón tay mềm
nụ hôn nào vương vấn má môi em
mà chua xót, ngọt ngào đêm kỳ ngộ
dưới huyệt lạnh em còn thương còn nhớ
chiều Gò Công có hoang vắng nhạt mưa
Lá Thắm ơi –
Lá Thắm đã về chưa
để ta ấp ủ hình hài em thánh thiện

4.
rượu tàn canh –
rượu tàn canh ta ngẫn ngơ tìm kiếm
em –
em nơi nào – trời đất có bao dung
ta lạc hồn trong cõi nhớ mông lung
réo gọi mãi chỉ thấy tòan dư ảnh

5..
có phải bây giờ
thủy triều đang xuống
thuyền đã đưa em về chốn hư vô
nên ráng chiều mây biếc cũng bơ vơ
và hiu hắt muộn phiền trong cô lặng
dẫu gom góp từng giọt sương sợi nắng
cũng âm u như lời hát chiêu hồn
em ơi em –
ở bên này hay bên đó buồn hơn
ta thao thức dỗ từng cơn ngủ muộn.

Trên Nỗi Tình Người 7

1.
Kể từ độ quan san chung cách biệt
bởi tự thân mình đã lỡ căn phần
ngày qua ngày ta sám hối ăn năn
em hờn dỗi ôm tình chôn đáy mộ
Trót gieo hạt nảy mầm trên đất khổ
đường nhân gian ta thất thểu độc hành
ta treo hồn trên ngọn tóc em xanh
bay –
bay mãi, trong cuồng mê lầm lạc
Sao khắc khoải chẳng hao mòn tan tác
mà dật dờ như bọt sóng lênh đênh
thử hỏi lòng lau sậy có điêu linh
có mặc niệm lời bi ca ẩn dụ

2.
Em thả gió thả hương vào vũ trụ
ta miệt mài đuổi bóng dưới trăng khuya
rượu tàn canh –
rượu tàn canh mù mịt lối đi về
tay hư huyễn đề thơ trên giấy máu
Em đến thực hay mơ trong mộng ảo
cho ta nâng niu
từng ngón tay mềm
nụ hôn nào vương vấn má môi em
sao chua xót, ngọt ngào đêm kỳ ngộ
Dưới huyệt lạnh em còn thương còn nhớ
chiều Sơn Qui có hoang vắng nhạt mưa
Lá Thắm ơi –
Lá Thắm đã về chưa
để ta ấp ủ
hình hài em thánh thiện

3.
Rượu tàn canh –
rượu tàn canh ta ngẩn ngơ tìm kiếm
em –
em nơi nào –
em nơi nào, trời đất có bao dung
ta lạc hồn trong cõi tạm mông lung
réo gọi mãi chỉ thấy toàn dư ảnh
Có phải bây giờ
thủy triều đang xuống
thuyền đã đưa em về chốn hư vô
nên dáng chiều mây trắng cũng bơ vơ
cũng hiu hắt muộn phiền trong cô lạnh
Dẫu gom góp từng giọt sương sợi nắng
cũng âm u như lời hát chiêu hồn
em ơi em –
ở bên này hay bên đó buồn hơn
ta thao thức dỗ từng cơn ngủ muộn.

Bóng Thời Gian

biển lặng sóng nước xanh như mắt ngọc
liểu vờn bay như suối tóc người tình
cơn nắng hồng – giọt nắng mới lung linh
thuyền ai đó mái chèo khua bỡ ngỡ

ôm khổ hạnh én lần qua đất nhớ
gió về đâu
nghiêng ngã khóm phi lau
gió về đâu
mà bụi khói xôn xao
mây lờ lửng trên đỉnh trời vàng vọt

cành lá biếc
vừa đâm chồi nảy lộc
ai báo Xuân cho lau cỏ rộn ràng
nhịp trống nào xa
khoan nhặt mênh mang
nghe phảng phất bóng thời gian vời vợi.

Gõ Thức Đêm Đen
* cho Anh Thuần và Lá Thắm

1.
Lửa đã lịm trong lòng anh đó sao
Mà lời nguyện cầu nghẹn tắt
Tình đã dậy trong tim em đó sao
Mà tiếng ca ấm êm ngọt mật
Anh oằn vai vác gỗ qua sông
Chợt thấy bóng dã nhân
run run, ngơ ngác
Đôi chân lạnh hững hờ trên cát
Lưu dấu mù mờ ấn tích bi thương.

2.
Quanh quẩn đâu đây bên chổ anh nằm
Chỉ có tiếng thở dài âm u
của người tù già biệt xứ
Quanh quẩn đâu đây, trong tâm thức anh
Chỉ có đôi mắt em rưng rưng giọt lệ
Và tiếng hét hận thù
của bầy ngạ quỷ nồng nặc mùi tử khí tanh hôi
Không còn gì không còn gì nữa em ơi.

3.
Quanh quẩn đâu đây
bên chổ anh nằm
Đêm tối đen, vắng nhịp chuông gõ thức
Anh thèm một nụ hôn trên môi, trên tóc
Thèm một giọt nước cam lồ, cứu rỗi
Và đôi bàn tay dịu mềm
vỗ về trong cơn khát, đói
Không có gì – không có gì, ngoài âm hưởng xích xiềng rơi
Lặng câm – tịch mịch – rã rời.

4.
Anh oằn vai vác đá băng rừng
Con đường mòn khổ dịch
gập ghềnh – xa xăm – vô định
Quanh quẩn đâu đây trong tiềm thức anh
Tiếng hú đồng vọng, tiếng gió qua truông
Sao rờn rợn, hung hăng
Như ánh mắt ma tinh của loài cú vọ
Hình hài anh cùng trái tim anh
Rịn chảy – âm ỉ những giòng máu đỏ
Mặt trời đã lặn, đã ngủ mê trong cõi chết
Không còn gì – không còn gì nữa đâu em
Ai – ai sẽ khua trống, chuông đồng
gõ thức đêm đen ?

Liên Khúc Vô Thường
* Tặng Trần Thiện Hiệp

1.
Đốt công án vất kinh thư khải ngộ
Theo đường trăng –
trăng khi tỏ khi lu
Tìm người hiền nơi thâm cốc âm u
Thỏng tay vào rừng giả làm ẩn sĩ
Giòng sinh mệnh
chừng nhuộm màu chướng khí
Bến nhân gian ai quán niệm vô thường
Hành trình xa ngựa đà lỏng dây cương
Trên vách núi chân dung in mờ tỏ

2.
Ném công án chôn kinh thư bất ngộ
Nương sông ngòi biển cả tới an nhiên
Nửa u hoài, nửa chợt nhớ, chợt quên
Bỗng tan tác cùng tiên thiên tự ngã
Tay huyễn hoặc đề lời thơ trên lá
Hồn xanh xao mờ mịt chốn tang bồng
Người đâu rồi,
người đâu rồi sao tịch mịch hư không
Hương dạ thảo đang chớm mùa khai nở

3.
Hủy công án buông kinh thư giác ngộ
Vào chợ đời áo mỏng phất phơ bay
Bụi khói mê man,
chênh chếch nắng gầy
Lời phố thị chập chờn như ảo giác
Ta là ai –
ta là ai sao tâm linh ngơ ngác
Người là ai –
người là ai mà sắc diện mơ hồ
Rượu độc ẩm hề chân lạc loài đưa
Mây biến dịch mưa chắt chiu giọt nhỏ.

Đêm Trên Bãi Cà Ná

dường như lá ngủ trong mê
lũ chim muông đã tìm về núi xa
trên cao bên dãy thiên hà
có vì sao rụng bóng tà long lanh
nổi chìm trong nước biển xanh
nhấp nhô sóng bạc xô gành đá non
còn chi ẩn mật u tàng
bãi đêm quanh quẩn
rượu càng nhạt môi
sinh sinh hóa hóa dòng đời
cũng hư huyễn với kiếp người phù du
lều ai heo hắt đèn lu
lẫn trong hơi gió cát mù mù bay

Bên Dòng Sông Lạnh

Thử hỏi dòng sông Seine –
theo thủy triều xuôi ngược
Mỏi mệt chưa qua năm tháng thăng trầm
Du thuyền nọ ai đưa và ai đón
Có hao gầy với mưa nắng mong manh

Cửa khải hoàn có chia niềm kiêu hảnh
Ngọn Eiffel còn thao thức dung tình
Ðền nguyện cổ có trao lời kinh sáng
Rửa hoà chưa bao tội lổi nhân sinh

Này dòng thủy triều miệt mài trôi chảy
Ðã u hoài mấy độ dưới trăng khuya
Ðèn heo hắt –
sao ánh đèn heo hắt quá
Có đủ ấm lòng tận đáy sâu kia

Thử hỏi con nước sông Seine –
đong đưa khi ròng khi lớn
Mỏi mệt chưa sao còn vẫn luân lưu
Hãy soi chiếu mặt người như gương thánh
Rồi bềnh bồng trong quên lãng, vô ưu

Có cánh chim vừa đáp trên cành trúc
Và mây đang quấn quít rũ nhau về
Thôi, xin vảy tay chào –
xin vảy tay chào dòng sông êm ả
Một lần quen một lần nhớ thiên thu

Như Vì Sao Lạc
* Bài thủ vĩ ngâm cho Hồ Thành Đức

1.
như một vì sao lạc giữa sơn khê
nhìn trần thế âm u màu chướng khí
người rũ áo – xoa hành tinh, ứa lệ
gọi hồn thiêng sông núi đến tự tình
đem hạt nhân hòa, nhân ái kết tinh
âm thầm cấy dưới đồng ngô, ruộng lúa

2.
rải thương yêu, ngọt ngào trên đất khổ
tô màu xanh cho biển rộng xanh thêm
điểm son hồng trên môi má nhung êm
pha hương sắc cho đời thôi u uất

3.
người quỳ đó: cô đơn và trầm mặc
viết tâm kinh mà tâm thức hắt hiu
tay khẳng khiu hứng từng đợt nắng chiều
phủ trên mộ, trên rừng hoang cô quạnh
có phải người hóa thân làm ánh sáng?
soi rọi tự thân, soi chiếu đêm mê
như một vì sao lạc giữa sơn khê

Nếu Mai Em Về
1.

nếu mai em có về xóm biển
thả gió về trời cho mây bay
bên con suối ngọc mơ màng ngủ
cho tóc em nồng hương cỏ may
nước mắt mẹ –
có rơi dài đêm tối ?
nỗi niềm cha –
còn u ẩn tháng năm ?
em – em đó sầu dâng mấy độ
ngóng trăng suông và lạnh chỗ nằm

2.
nếu mai em có về quê cũ
đánh thức dùm tôi nhánh ô môi
đang rủ sắc buồn bên song cửa
với giàn bông giấy đắm sương mai
có băng qua bãi,
băng qua suối
theo tiếng thì thầm trong khói mưa
mặc gió hững hờ rung tà áo
đã quên sầu,
hết xót xa chưa

3.
nếu mai em có về xóm biển
hãy thắp dùm tôi mấy nén nhang
cho bạn bè trên đường bỏ xứ
lỡ trầm mình dưới đáy đại dương
thắp thêm nhiều nén trên bia mộ
cho thân bằng quyến thuộc anh em
đã ngã gục qua lằn tên mủi đạn
thủa chiến chinh chia cắt đôi miền

4.
nếu mai em có về quê cũ
đọc lại tình thư đã nhạt màu
mà dư lệ đã lem nhòa trang giấy
với muộn phiền chất ngất lao đao
đò qua xóm vắng ai xuôi ngược
có chở đầy trời thương nhớ không
mộng hồn nào vấn vương tóc rối
gót chân sen em có động chiều hồng?

Đêm Bên Dòng Sông Lạnh
* Bài Cho Anh Đinh Từ Thức

thử hỏi dòng sông Seine –
theo thủy triều xuôi ngược
mỏi mệt chưa
qua năm tháng thăng trầm
du thuyền nọ ai đưa và ai đón
có hao gầy với mưa nắng mong manh

cửa Khải Hoàn
có chia niềm kiêu hãnh
ngọn Eiffel
còn thao thức dung tình
đền Nguyện Cổ
có trao lời kinh sáng
rửa hoà chưa bao tội lổi nhân sinh

này dòng thủy triều miệt mài trôi chảy
đã u hoài mấy độ dưới trăng khuya
đèn heo hắt –
sao ánh đèn heo hắt quá
có đủ ấm lòng tận đáy sâu kia ?

thử hỏi con nước sông Seine –
đong đưa khi ròng khi lớn
mỏi mệt chưa sao còn vẫn luân lưu
hãy soi chiếu mặt người như gương thánh
rồi bềnh bồng trong quên lãng, vô ưu

có cánh chim vừa đáp trên cành liễu
và mây đen quấn quít rũ nhau về
thôi, xin vẩy tay chào –
xin vẩy tay chào dòng sông êm ả
biệt kinh kỳ ta tìm chốn sơn khê.

Thôi Ta Về Ôm Góc Núi

1.
Áo nhuộm phong trần chưa rũ sạch
Tóc đã pha màu nắng quan san
Thôi thôi ta về ôm góc núi
Đẽo gỗ trầm hương tạc tượng nàng

Gõ phách mà ca bài độc đạo
Hứng tinh hoa nhật nguyệt càn khôn
Mang ẩn tích về treo cổng gió
Chợt phân vân ngẫm chuyện sinh tồn

2.
Mềm môi cạn rượu đêm trừ tịch
Lại nhớ người xưa, hương tóc xưa
Đường thăm thẳm bước chân lơ đãng
Thoảng nghe lạc điệu pháo giao thừa

Thôi thôi ta về bên dốc đá
Dựng am đường hội chứng vô âm
Rủ chim chóc ngao du rừng trúc
Đốt cảo thơm chuyển hóa huyễn thần

3.
Dư ảnh chập chờn như bụi khói
Ảo chân rời rạc giữa lưng trời
Thôi thôi ta về ôm góc núi
Đục gỗ trầm hương tạc tượng người

Gõ nhịp mà ngâm bài tuyệt tận
Gọi hồn Lá Thắm suốt đêm thâu
Gió sương phơ phất đời cô lặng
Nhòa nhạt chưa phiến thạch mộ sầu?

Trên Nỗi Tình Người 5

cơn gió thổi mộng hồn bay lả bóng
trời hoang vu mấy độ phủ hồn em
ôi mắt ngọc của ngày xưa hiển hiện
ta ngẩn ngơ thao thức những canh huyền

sao thương nhớ những nụ sầu giông bão
sao u tình dằn vặt suốt đêm thiêng
ta mệt mỏi ghi vào trang giấy máu
nụ hôn đầu trong ký ức trinh nguyên

Niệm Khúc Tôi

ta về tóc phủ sương đông
áo tà huy quyện bụi hồng phấn tơ

hốt nhiên tỉnh giấc mộng hờ
mắt từ dung đã lững lờ tử sinh

rán chiều rực lửa vô minh
nhịp chuông chiêu niệm
lời kinh cầu vàng

ta về cõi trú thênh thang
bỏ dương thế
với địa đàng hoang vu.

Cũng Còn Kỷ Vật

em dâng trái cấm đầu mùa
với trăm mộng ước ban sơ ngọc ngà

anh ngồi góp ánh trăng sa
cho em đan áo tình tha thiết tình

dẫu mai đời có phiêu linh
cũng còn kỷ vật để mình nhớ nhau.

Phan Bá Thụy Dương