Nguyễn Đình Toàn

Nguyễn Đình Toàn 12

Khi Em Về

Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng đỗ ong bướm về sân
Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng

Mặt đất mềm bước chân em chợt nặng
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vồng hoa trắng
Và đầy thềm lá rụng liếp phên che

Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu
Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá

Khi em về bước xưa chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã vắng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước
Từ máu mình hoài rứt khỏi đường tim

Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu, cứ thế, rồi ra đi
Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giầy mai sẽ lá sương che

Nguyễn Đình Toàn
Viết Về Hoàng Hải Thủy

Hoàng Hải Thủy là một trong những nhà văn đã nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông nổi tiếng trước nhất như một người viết phóng sự, sau đó, như một dịch giả và một người viết tạp văn.
Từ tạp văn ở đây hiểu theo nghĩa, gặp gì viết nấy, trộn lộn cả phóng sự, văn chương, trích dẫn thi ca, âm nhạc, những ngôn ngữ do ông sáng tạo, bịa đặt ra.

Cái cách viết của ông có thể có nhiều người không thích. Nhưng khi người ta nói không thích cách đùa cợt trớt nhả của ông, có nghĩa là người ta đã đọc ông rồi.
Có phải như vậy chăng?
Phải công nhận rằng, tất cả những gì Hoàng Hải Thủy viết , đều có một sức hấp dẫn, dù nó được ký tên Hoàng Hải Thủy hay Công Tử Hà Đông. Đang viết bình thường, ông thêm vào một chữ “vưỡn“, “em vưỡn yêu anh, mí nị em thơm như múi mít.” Trong ngôn ngữ miền Bắc của chúng ta, hai từ “mí nị“, cũng có người nói là “mí lỵ” là hai tiếng “mới lại” được phát âm trẹo đi. Hoặc, những tiếng “ê, a” không có nghĩa gì, nhấn mạnh vào những chữ ấy chỉ để chê bai, chọc quê. Nghe một người con gái nói: “Em vưỡn yêu anh” thì có lẽ không anh nào dám tin đó là sự thật. Cái phần sự thật có thể có đó, so với cái phần sự thật có thể không trong câu nói nghiêm chỉnh hơn “Em vẫn yêu anh” có gì khác.
Các bông đùa của Hoàng Hải Thủy luôn ở trên lằn ranh vui buồn, thật giả đó.
Đọc “Sống và Chết ở Sài Gòn” người ta được biết những chuyện liên quan tới một số văn nghệ sĩ, trí thức, như Vũ Hoàng Chương, Thượng toạ Trí Siêu ( Lê Mạnh Thát ), Thanh Nam, Vũ Bằng, Duyên Anh, Thái Thủy, Mai Thảo, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Uyên Thao.. .., về Trại Giam Phan Đăng Lưu, nơi Hoàng Hải Thủy đã trải nhiều năm tù.
Chương Hoàng Hải Thủy kể lại những năm tù ở Trại Phan Đăng Lưu với nhiều tù nhân khẳng khái được Nhà văn Đặng Trần Huân coi là một chương tuyệt tác.
Người ta nhớ lại những năm sau 1975, hầu hết các văn nghệ sĩ ở Sài Gòn cũ, đều bị bắt giam.
Hoàng Anh Tuấn sau khi được thả, đã được thân nhân bảo lãnh ra khỏi nước. Hoàng Hải Thủy có mấy câu thơ gửi Hoàng Anh Tuấn được các bằng hữu của ông thỉnh thoảng nhắc lại:
Hai chuyến xe hoa về đất mẹ,
Bây giờ xa-lộ sáng đèn chưa ?
Ở đây thì chán, đi thì nhớ,
Sài Gòn mưa mà Mỹ cũng mưa.
Hẳn nhiều người đều biết Hoàng Anh Tuấn ngoài việc làm thơ còn là một đạo diễn điện ảnh. “Hai Chuyến Xe Hoa” “Đất Mẹ” và “Xa Lộ Không Đèn.” Hoàng Hải Thủy nhắc trong bài thơ tên những cuốn phim Hoàng Anh Tuấn đã thực hiện.
Sống và Chết ở Sài Gòn được viết theo kiểu tùy hứng, nhớ đến đâu viết đến đấy.

Chương ông viết về việc ông bỏ lỡ chuyến di tản năm 1975 là một chuyện cười ra nước mắt.
Khi đó, Hoàng Hải Thủy đang làm việc cho USIS tức Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Trước ngày 30/4 ông Giám đốc USIS cho biết sẽ cho nhân viên đi nhưng con trai các nhân viên phải dưới 17 tuổi mới được đi theo bố mẹ. Nhân viên phàn nàn, ông nói ông phải làm theo lệnh của chính phủ Việt Nam, không thể làm trái luật pháp, cũng không thể nhận diện em nào trên hay dưới 17 tuổi. Ngay lúc đó Hoàng Hải Thủy thật thà không hiểu câu nói của ô. Giám đốc Alan Carter, ý ông muốn bảo “các anh cứ khai các con anh 16 tuổi chứ tôi có cần các anh chứng minh đâu“. Y hệt như câu thơ của T.T.K.H, “đến khi tôi hiểu thì tôi đã” muộn mất mấy chục năm rồi.
Trong cuốn sách Hoàng Hải Thủy có nhắc đến cái chết của các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Mạnh Côn, nhà báo Minh Vồ, nhiều chi tiết về những năm đen tối, khốn khổ sau 1975 mà người dân miền Nam đã phải trải qua.
Được biết cuối năm 2002 nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội/Hà Nội đã cho xuất bản cuốn “Hai Mươi Nhăm Năm Một Vùng Tiểu Tuyết” ý muốn nói tiểu thuyết ở miền Nam, nội dung đề cập tới tiểu thuyết miền Nam từ 1887 tới Hồ Biểu Chánh rồi nhẩy vọt qua tiểu thuyết từ 1975 đến 2000 đề cao những tác giả cộng sản nhất là các tác giả từ miền Bắc vào. Tất cả văn học miền Nam ( từ 1954-1975 ) không có một dòng.
Nhà văn Đặng Trần Huân viết: “Với chủ trương rõ ràng của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam hiện nay như thế, thử hỏi nếu không có những bộ sách như Văn Học Miền Nam của Võ Phiến hay những tạp bút như Sống và Chết ở Sài Gòn thì sau này lấy đâu ra tài liệu về văn học và đời sống của văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hoà ? Ta phải cám ơn Võ Phiến, cám ơn Hoàng Hải Thủy đã giúp ta tài liệu để còn nhớ không quên những văn nghệ sĩ một thời sáng chói, dù nhớ cách nào đi chăng nữa.”
Các văn nghệ sĩ của chúng ta sống ở miền Nam trước 1975, cho đến nay, đã mất đi nhiều lắm. Người chết trong tù, chết trong nước, người chết già, chết bệnh, người chết nơi xứ lạ, quê người, số còn lại e rằng ít hơn số đã mất.
Và, trong số những người còn lại, Hoàng Hải Thủy là người duy nhất cho đến nay vẫn viết và viết được một cách đều đặn. Cách viết của ông gần như không có gì thay đổi, pha trộn văn chương với phóng sự, nửa đùa, nửa thật. Nhưng với cái nhìn sâu sắc của người đã ở ngoài cái tuổi “cổ lai hy”, đọc ông, người ta có cảm tưởng mọi sự trên đời đều hình như lúc nào cũng có ha mặt, một mặt bi thương và một hài hước.
Nói đến mọi sự trên đời, bởi vì, Hoàng Hải Thủy đề cập tới rất nhiều chuyện trong các bài viết của ông, bằng hữu, nghề nghiệp, kỷ niệm, tình yêu, chính trị, thời sự, tù đầy, cảm khái trước cái đẹp của thiên nhiên, thời tiết, kiếp sống tha hương.
Loạt bài mới nhất của ông cho đăng trên các báo chí gần đây, những phê phán chua chát của ông đối với chế độ cộng sản, sách báo của các tác giả ở trong nước và những người ông cho là đến bây giờ vẫn còn bị cộng sản mà mắt, được rất nhiều người đọc. Dù có cùng quan niệm với ông hay không, người ta vẫn thấy ở ông một tấm lòng thiết tha với đất nước, yêu cái đẹp, yêu sự thật.
Tập Đất Hồ Ngàn Năm của Hoàng Hải Thủy cho xuất bản mới đây gồm tám đoản văn: Huyền thoại Vương Chiêu Quân, Giang Tả Cầu Hôn, Rồng Nằm, ngựa chạy, Sự Tất Như Thử, Trăm Năm Binh Lửa, Thơ và Sự Khốn Cùng, Mơ Ngày Về Vẽ Lông Mày, Thiên Long Tình Sử.

Hoàng Hải Thủy cho biết ông bắt chước ông Lê Quý Đôn ghi lại những chuyện hay hay đọc được cùng với những suy luận, những nhận xét của mình.
Qua cuốn sách người ta được biết thêm một Hoàng Hải Thủy rất yêu thơ, đọc rất nhiều thơ Đường, dịch nhiều thơ Đường và còn có thể làm thơ bằng chữ Hán nữa.
Đoản văn về “Thơ và Sự Cùng Khổ” của Hoàng Hải Thủy gây nhiều xúc động trong lòng độc giả. Hoàng Hải Thủy viết đoản văn này sau khi đọc một bài thơ của Nguyễn Du trong “Bắc Hành Thi Tập”, chắc Nguyễn Du đã sáng tác trong chuyến đi sứ sang Bắc Kinh và qua nơi có ngôi mộ Đỗ Phủ.
Thi hào Đỗ Phủ trong một chuyến đi xa đã nhuốm bệnh và chết trên một con thuyền trên sông Tương. Vì nhà nghèo, vợ con không đưa được ngay di hài ông về quê nhà, phải tạm chôn ở Nhạc Châu. Bốn mươi năm sau, người cháu của Đỗ Phủ là Đỗ Tư Nghiệp mới rời được hài cốt Đỗ Phủ về Yểm Sư, mai táng trên núi Thú Dương, thuộc Hà Nam.
Tuy vậy ở Lỗi Dương vẫn có ngôi mộ giả của Đỗ Phủ do viên Huyên lệnh Lỗi Dương họ Nhất xây để tưởng niệm nhà thơ lớn.
Người Hoa ngày xưa thường xây những ngôi mộ giả các nhân vật họ kính trọng.
Đỗ Phủ thơ hay tuyệt thế nhưng suốt đời nghèo khổ, nghèo đến độ không nuôi nổi vợ con và thân mình, để đến nỗi một người con nhỏ của ông phải chết vì thiếu ăn.
Nguyễn Du đặt câu hỏi, ông (Đỗ Phủ) cùng khổ đến thế phải chăng vì thơ ? Phải chăng ta có thể quy tội làm ông khổ là thơ ?
Chính Đỗ Phủ khi nhớ tới Lý Bạch, nhớ tới Khuất Nguyên tự trầm mình ở sông Mịch La đã than thở: “Làm thơ hay như Khuất Nguyên, như Lý Bạch mà cuộc đời khổ sở đó là vì văn chương ghen ghét những người mệnh đạt. Văn chương không cho những người làm thơ được thành công trong đời.”
Bàn về thơ và sự cùng khổ Âu Dương Tu, một danh sĩ khác của Trung Quốc viết: “Không phải thơ làm người ta cùng khổ. Chính vì người làm thơ có cùng khổ thơ của người đó mới hay.”
Đỗ Phủ nói: “Văn chương ghét mệnh.”
Nguyễn Du cho rằng: “Làm gì có chuyện văn hương ghét mệnh. Làm gì có chuyện trời ghen với người.”
Nhưng trong truyện Kiều Nguyễn Du lại viết :
Lạ gì bỉ sắc, tư phong.
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Hoàng Hải Thủy viết: “Đây không phải một điều mâu thuẫn trong quan niệm về nhân sinh của thi sĩ. Không phải Nguyễn Du bất nhất trong quan niệm của ông về đời người. Ý thức của chúng ta rất phức tạp, đa dạng. Nguyễn Du tất nhiên là phức tạp hơn người thường.”
Hoàng Hải Thủy lấy trường hợp của ông để nói thêm về câu hỏi được nêu ra: Thơ có làm cho người làm thơ phải khổ sở không ?
“Viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi, có thể nói tôi suốt một đời yêu thương, gắn bó, sống chết với việc viết truyên. Với tôi, viết là hạnh phúc. Tôi đã sống để viết, viết để sống và trước năm 1975, tôi đã sống được với việc viết truyện của tôi. Trước 1975, ở Sài Gòn, Thủ đo Quốc Gia Việt Nam Cộng hòa của tôi, trong hai mươi năm, tôi đã sống để viết và đã viết để sống. Sau 1975, tuy biết viết là tù tội, tôi vẫn viết. Dù vậy tôi vẫn không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi: “Thơ có làm cho người làm Thơ cùng khổ hay không ?”
Tôi thấy Nguyễn Du đúng khi thi sĩ nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần.”, “ngu si hưởng thái bình.”
Người có tài thường gặp tai họa. Chuyện đó tôi thấy thường xẩy ra trong đời và trong thời loạn.
Tôi chịu câu nói của Âu Dương Tu: “Thơ không làm cho người làm thơ cùng khổ. Chính vì có cùng khổ thơ mới hay.”

Ngày Tháng

Tôi bước xuống lối đi, và mặc cho mưa hắt vào mặt rát và lạnh. Ông khách nhìn theo tôi trong mái hiên tối. Trời mưa tầm tã. Dưới những tàn cây cao và quãng trống hai bên đường gió thổi bạt hơi và mây đen dầy đặc. Sự rét mướt hắt hủi quấn lấy tôi. Đường vắng ngắt, chỉ còn những ngọn đèn đường tỏa ánh sáng xuống các vũng nước trên mặt nhựa, gió thổi làm lướt đi từng loạt. Tôi bỏ mũ cho mưa dội trên đầu và khi về đến nhà thì ướt hết cả người. Bà bạn chưa về.

Tôi thắp đèn, tắm rửa thay quần áo, nhớ đến tiếng nước dội của bà bạn hôm qua tôi không khỏi rùng mình, những dòng nước lấp lánh sáng và trong tuôn chảy trên người. Đó là hạnh phúc hay sự nhơ nhớp, bất hạnh ?

Thêm một lần nữa tôi cảm thấy mình mất mát một cái gì. Một cái gì đó không phải nó đã lọt khỏi tay gìn giữ của tôi mà như tự nó đã tách rời, đã lìa xa mình, một sự tự băng rã. Mấy ngày liền tôi sống trong tình trạng vừa ngẩn ngơ vừa nóng nảy. Bà bạn có vẻ nghi ngờ nhưng bà không hỏi gì tôi cho mãi tới hôm đi chơi chùa. Lúc chúng tôi lễ xong và ra ngoài sân chùa ngồi chơi trên ghế đá dưới gốc cây điệp lớn, bà mới nói bóng nói gió hỏi. Trời hôm đó rất đẹp. Nắng trong, sân chùa lơ thơ những ngọn cỏ non mọc ở những khe gạch, hơi mát tỏa từ những vòm lá xanh lẫn mùi thơm của hoa dại. Ở phía sau chùa là những ngôi nhà do các Phậ tử cất, và các em nhỏ đang tập hát một bài hát đạo trước thềm sau giọng cao của một huynh trưởng.

Bà bạn nói:
-Chúng ta tiếp tục cuộc rong chơi tay ba này cho đến khi ông không còn ở đây nữa.
Ông khách nhìn bà bạn bảo:
-Tôi sắp phải về Saigòn rồi.
Tôi nghe tiếng hát của bầy trẻ, nói:
-Bản nhạc này tôi thuộc từ hồi còn bé.
Bà bạn ngửa cao mặt lên nhìn trời. Tôi cũng nhìn theo bà. Ở sau ngọn cây cao nhất, là những cành khô, trụi lá của những cây chung quanh, mặt trời chiếu những tia vàng chói và linh động. Ánh sáng bay múa bằng những vồng, hạt và những tia nhọn.
Bà bạn bảo:
– Cứ nhìn một lúc chắc hoa mắt. Mọi người sống đều kỳ cục, lúc nào và ở đâu cũng tìm cách che dấu, trong nhà cửa, trong quần áo, bộ dạng.

Ông khách nói:
– Khi già thì người ta không dấu gì được nữa. Tóc trắng và da nhăn. Như tôi đang bắt đầu đây.
Tôi nhìn ông khách và bà bạn thấy họ sống thật dễ dàng: muốn ăn, ngủ, đi chơi, nói gì thi nói. Khuôn mặt ông khách không xấu quả thật ông bắt đầu già. Tôi nghĩ giá đừng có gì trở ngại tôi có thể ở gần ông và tôi sẽ truyền hết cái tươi trẻ của tôi cho ông. Chúng ta sẽ san bằng hạnh phúc phải không anh? Bằng đủ mọi cách.
Bà bạn hỏi tôi:
– Cô không nói gì sao ?
Tôi cười với họ, bảo:
– Tôi nghe bà và tôi sung sướng lắm.

Bà bạn lắc đầu, nhắm mắt làm một bộ điệu thật là dễ thương. Nắng chiều qua kẽ lá làm thành những vòng tròn nhỏ và đa dạng xao động trên sân, bám trên người bà bạn. Bà ngồi vắt chân lên nhau và hơi nghiêng về một bên, đùi bà tròn, dài, trông lớn, trông đẹp và khoẻ mạnh. Tôi tự hỏi sao trông bà như thế mà bà không có con ?
Bà nói với ông khách:
– Nếu Tết này ông dựng được kịch thi chúng tôi sẽ về Saì-gòn xem.
Ông khách cười bảo:
– Ôi cả đời tôi chỉ có mỗi một việc tôi làm được trọn vẹn đó là việc tôi chẳng làm trọn được việc gì cả.

Bà bạn bắt chước tiếng kêu của ông nói:
– Ôi vậy mà đến bây giờ ông vẫn còn chua chát được như thế sao ?
Ông khách cười nhìn mọi người. Bà bạn đứng dậy đi xuống chỗ lũ trẻ đang tập hát bên dưới, bà nói phải đi một tí ngồi mãi bị tê chân.
Còn lại ông khách trên ghế. Tôi mở to mắt nhìn ông.
Ông hỏi:
– Hôm nọ em về có ướt không?
Tôi gật đầu không nói gì. Tự nhiên tôi thấy sự bỏ đi của bà bạn thật đúng lúc. Bà biết để lại sự lố bịch cho người khác. Tôi thấy mọi cử chỉ của tôi đều có vẻ thừa thãi, không cần thiết, không biểu tỏ được gì, ngoài sự ngớ ngẩn. Vẻ bình tĩnh, đến lạnh nhạt của ông khách làm tôi choáng váng hết cả ngườìi. Tôi cảm thấy khốn khổ, nhục nhã, những gì nặng nề nhất trong giây phút chụp lấy mình. Và rất nhanh nước mắt tôi đột ngột chảy ra.
Ông khách nhìn tôi yên lặng giây phút rồi bảo:
– Em nhìn việc gì cũng nặng nề cả.

Tôi thấy lao đao lần thứ hai, không phải vì sự đổi thay trong giọng nói của ông khách mà chính vì tôi vừa chợt nhận ra không có gì lạ đã rơi vào giữa chúng tôi. Nghĩ thế tôi lại sợ. Tôi sợ cái khoảng không đó. Bởi đằng sau nó đã có một cái gì xẩy ra rồi. Tôi bị bao vây bởi sự khốn khó nào đây? Em không dám nói lời yêu anh nữa, dù chỉ với một mình em, ngấm ngầm như một lời an ủi. Em muốn dấu mặt mình cho cả mình không ngó thấy. Chân tay long ngónng, em phơi bầy ra đây sự đần độn của mình.
Ông khách lấy bàn tay vuốt ve, cử chỉ vừa thân mật vữa pha lẫn chút thất vọng. Tôi biết ông thất vọng. Vì cách cư xử quá trẻ con của tôi.
Ông nói:
– Tâm hồn em đuối, em lại thích tạo những xúc động mạnh, em không chịu nổi những xúc động đó, rồi em nhìn gì cũng qua làn nước mắt tủi thân và tự bó mình như thế có ich lợi gì ?
Tôi nói:
– Em sợ anh khinh em.
Ông bảo:
– Em liều lĩnh lại hay sợ hãi. Phải can đảm sống lấy một mình chứ. Không cho ai quyễn về mình cả.

Tiếng nói của ông cho tôi một niềm tin tưởng vu vơ. Như bóng nắng bên ngoài có đó, tôi nhìn thấy, nhưng chẳng nắm giữ, nương tựa được gì. Giữa nó và tôi có một sự chia lìa rõ rệt. Khi anh không còn ngồi đấy, khi em chỉ còn lại một mình nó sẽ đổ vỡ, sẽ tan biến, sẽ đêm tối. Khi em bằng lòng nhận anh vào tận thân thể có thể nào em nghĩ anh không có quyền gì về em không? Chính nghĩ như thế, anh đã đẩy em vào chỗ sa ngã. Đó không phải là một cái quyền người ta có thể cho hay không cho. Mà là một tự nguyện. Em có thể nghĩ đến anh như một niềm an ủi, một nơi nương tựa cái đầu sợ hãi của em khi biết rằng anh không từ chối. Anh có đấy nhưng anh không nhận điều em nghĩ đến anh, thì em nhận gì nơi anh?
Tôi nín khóc và ngồi lại ngay ngắn. Tôi cố lấy lại bình tĩnh để cho mắt khỏi đỏ, ngộ nhỡ bà bạn trở lại nhìn thấy.
Ông khách nói:
– Có lẽ tôi phải cho em biết điều này; bằng tuổi tôi khi người ta nói yêu một người, câu nói ấy không còn có cái nghĩa như khi người ta còn trẻ nói nữa. Nó không phải câu nói vồ vập, gìn giữ, hòa mình, mà nó chỉ biểu tỏ một chút cảm tình thành thật nào đó trong giây phút. Thế thôi. Người ta không để ý đến sự đằm thắm hay phai nhạt nữa.
Tôi nói tôi phải cám ơn sự thành thật của ông. Thực ra thì vì tôi không được yêu, chúng ta không ở trong tình yêu, nên tiếng nói của chúng ta mới mang vẻ lạnh nhạt của những kẻ đứng bên ngoài. Và chúng ta chỉ hiểu nhau qua sự lạnh nhạt đó. Ông khách bảo, đó là sự tham lam nhầm lẫn của tuổi trẻ. Mỗi người cần có đủ sự lạnh nhạt để có một đời sống riêng: đó là của cải của chúng ta.

Bà bạn trở lại với vẻ mặt của người ban ân huệ. Bà đã cho chúng tôi tự do. Điều đó làm tôi lộn ruột. Lúc nào bà cũng tỏ ra mình ở trên kẻ khách. Sự tức giận xâm chiếm tôi một cách mau lẹ.
Và tôi muốn tỏ cho bà biết như thế. Nhưng bà cười nói tự nhiên, bảo:
– Thôi đi về chứ, trưa rồi, còn ăn cơm không đói.
Tôi tự thấy mình thật là hàm hồ và không thể nào bằng bà được. Một lần nữa tôi lại thấy ghen với bà. Họ xứng đáng với nhau hơn tôi.
Tâm trạng tôi cứ luôn thay đổi không lường như thế. Nên tôi thường khổ một mình. Tôi như kẻ tay này làm tay kia phá đổ.
Ông khách bảo:
– Bà hãy ngồi cho đỡ mệt, mồ hôi ướt cả lưng áo kia kìa.
Bà ngồi xuông bên cạnh tôi, giọng vui đùa:
– Dạo này cô hay sầu dữ. Phải vui lên. Rình mò mình mãi có ích gì đâu.

Tôi có cảm tưởng bà đã trải qua hết những gì tôi sống nên bà đoán và nói đúng. Tôi đã sống như một kẻ rình mò mình. Vết tàn tật kia là cái chết ám ảnh từng giây từng phút. Tôi tức giận đột ngột, yêu thương đột ngột và nguội quên đột ngột. Tất cả những thứ ấy thành một nỗi nhớ không hình ảnh nguyên cớ, là quãng đường tôi đi qua, là đứa trẻ không cha mẹ, là một gia đình đầy sự ghen ghét trẻ con, là tuổi thơ đã mất, không ngừng dày vò không tên.
Chúng tôi trở về quán ăn. Trong lòng tôi vẫn còn ấm ức với bà bạn. Tôi lại nghĩ giá đừng có bà, đừng có những sự ngăn trở vẩn vơ này, có lẽ tôi đã được sống những giây phút hạnh phúc với ông khách.
Bà bạn bảo:
– Có những người viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc, và chúng ta hưởng cái hay ho của họ. Đừng tham dự vào đời họ làm gì.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Sao tự nhiên bà lại nói thế ?
Bà bạn nhìn ông khách và tôi tủm tỉm cười. Môi bà ướt bóng, hai mắt long lanh, trời nắng làm cho má bà đỏ hồng, trông bà đẹp và duyên dáng. Bà nói:
– Tôi nghĩ vậy. Em ưa đọc sách và gặp ông ấy tất hai người sẽ nói với nhau truyện sách vở. Và là dịp ông gieo sự khó khăn cho em.

Nói xong bà cười lớn tiếng và nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi chột dạ, và không hiểu thực ra, bà định nói gì. Phản ứng tự nhiên khiến tôi nghĩ nếu quả thật bà định ám chỉ gì tôi, thì tôi sè nói thẳng
với bà, như đã có lần bà nói với tôi: “tôi đã ngủ với ông khách”. Nhưng nghĩ lại tôi lại thôi. Cũng câu nói ấy bà nói với tôi nó chỉ có nghĩa là một sự thật. Đến lần tôi nói ra nó lại có vẻ tục tĩu. Tại sao vậy ? Hình như tại khi nói ra điều ấy lòng bà ngay thẳng còn tôi gian lận.
Tôi nói, và phải vừa nói vừa cười cho lời nói bớt vẻ gay gắt :
– Tôi nghe bà và sẽ giải quyết mọi sự khó khăn một mình, nếu có, và theo đúng ý mình.
Bà lấy khăn chùi miệng, ngước mắt nhìn thẳng vào mặt tôi, dịu dàng:
– Tôi cũng chỉ muốn chúng ta vừa lòng như thế!

Ông khách nói:
– Tôi không ăn tráng miệng nhưng sẽ dùng cà phê. Bà và cô uống gì ?
Chúng tôi đồng ý không ăn tráng miệng và dùng cà phê, bà bạn lấy cớ trưa bà sẽ không ngủ, còn phải thức đánh bài, tôi nói dù uống cà-phê muốn ngủ tôi vẫn ngủ được.
Buổi trưa nắng nhưng gió từ trên núi thổi xuống nên ơn ớn lạnh. Quán hàng vắng chỉ còn ba chúng tôi. Tôi nhìn bóng ba người sâu trong tấm kính cửa và bên ngoài phố người đi lại cùng với xe cộ. Tôi nhìn xuống bao diêm của ông khách để trên góc bàn. Mày sẽ thua thiệt nêu lúc nào mày cũng nhìn mọi sự qua lần nước mắt. Em không muốn nhìn thấy anh qua làn nước mắt của em nữa. Thôi tỉnh dạy đi con nhỏ, đừng nói lẩm cẩm một mình như thế.
Bà bạn hút thuốc cùng vói ông khách. Bà mời ông đến nhà ăn một bữa cơm từ biệt trước hôm ông về Sài-gòn, và bà muốn tôi có đồng ý không? Tôi cười bảo tôi sẽ làm một món ăn đặc biệt đó là bún chả và tự khoe là tôi pha nước mắm rất ngon.
Ông khách cười bảo với tôi:
– Rồi tôi biết trả ơn cô bằng gì ?
Bà bạn xen vào:
– Ông chịu khó sống lâu viết kịch cho cô ấy đọc.
Ông khách tiếp:
– Thế còn bả ?
Bà bạn cười đứng dậy bảo:
– Thôi mình về chứ . Còn tôi ấy à ? Được, nếu muốn gì tôi sẽ điều đình với ông .
Lời nói của bà trao nghiêng hẳn người tôi đi. Tôi không chịu nổi mẩu đối thoại của họ mà đằng sau là cái hình ảnh tôi đã nhìn thấy. Tôi có nghĩ oan cho họ chăng? Tôi không biết. Chỉ biết nghe bà nói như vậy tôi bỗng thấy choáng váng như có người đẩy hẳn đi một cái.

Ra đến cửa bà bạn chia tay tôi và ông khách đi đến nhà bạn bà. Bà mở ví soi qua lại mặt và xem có quên thưốc lá và diêm không, xong bà băng ngang đường đi về phía vườn hoa.

Ông khách hỏi tôi có buồn ngủ thì ông đưa tôi về nhà tôi trước rồi ông về sau. Tôi nói không buồn ngủ và chúng tôi đi chơi với nhau. Một lát mỏi chân chúng tôi gọi xe về nhà ông khách. Ông bắc ghế ra ngoài hiên sau và chúng tôi ngồi nói chuyện. Vườn sau nhà ông ăn liền với khu rừng. Nắng soi vàng các lá cây và chiếu những luồng ánh sáng trong xuống các nền cỏ. Rừng càng sâu trông càng mát, tôi nghe tiếng chim hót nhưng không nhìn thấy một con nào. Ông khách nhường cho tôi chiếc ghế xích-đu nên tôi có thể ngả mình rất dễ chịu. Tôi nhớ đến bà bạn và tự nghĩ trong hai người tôi là kẻ gian lận. Không phải tôi gian lận với bà vì nghĩ cho cùng ra, tôi cũng chẳng có bổn phận gì với bà.

Tôi gian lận với linh hồn vô tội của tôi. Tôi đã bịp bợm nó để sống. Ông khách ngồi trong một cái ghề bành mây có nệm và tựa bằng bông bọc vải vàng. Ông kéo ghế sát vào chỗ tôi và ông hôn tôi dưới chiếc ống sắt của tay ghế. Cuộc đi chơi kéo dài đã cho tôi cảm giác nhàm chán, mệt mỏi nhưng tôi không từ chối cái hôn của ông. Tôi nằm yên lặng trên chiếc ghế vải nhìn ông.
Mùi khói thuốc lẫn trong hơi thở của ông. Gió mát từ khu vườn ùa ra mơn man trên da mặt và chân tay. Khi ông khách hôn tôi lần thứ hai thì tôi phản đối. Tôi xây mặt đi. Tôi không còn gì để gìữ gìn đối với ông, nhưng tôi tự thấy thật là tội nghiệp cả ông lẫn tôi, nếu chúng tôi cứ để lôi kéo vào trong chuyện đó một sự trượt chân.

Tôi giữ ông lại bảo:
– Không thể như thế được. Trước đây chúng ta là người lạ. Nhưng bây giờ chúng ta đã biết nhau. Xin cho em được sống với anh, không phải sự sa ngã.

Tôi nói và chợt nghe tiếng mình. Tiếng nói xa lạ như một sự vỗ về của cơn sóng vào bãi bể. Tôi không nói với ông khách. Tôi đã nói với một người khuất mặt nào. Hình như đó là một lời tạ lỗi với ba tôi, một lời cầu xin phù hộ, một sự kêu gọi dẫn dắt nào. Hình ảnh người chết hiện đến mơ hồ lúc ấy làm tôi tủi cực. Bóng dáng mẹ tôi còn xa hơn người chết. Nhưng tất cả các thứ đó có lẽ chỉ là sự liên tưởng. Tôi thấy tôi bị đứt rời khỏi mọi liên lạc, tôi nằm đấy với linh hồn vô tội xa lạ vói mọi cảm giác, mọi sự việc, đó là đứa trẻ đi lạc không có ai kêu gọi. Trong một cơn mê hoặc tôi đã nói lại với ông khách hết cả những điều tôi nghĩ này. Tôi nói và tôi khóc lúc nào không hay. Mãi tới lúc tôi thấy ông lắc mạnh vai tôi và gọi rất lớn tôi mới choàng tỉnh, lúc ấy sự thổn thức dâng nghẹn ngực, và tôi khóc nức nở. Ông vuốt ve tôi và bảo tôi nín đi, nín đi. Sau đó ông dắt tôi vào chơi trong rừng. Khi tôi lấy lại được bình tĩnh hoàn toàn tôi bảo với ông đừng nhớ gì những lời tôi nói. Ông đặt tôi ngồi trên một thân cây khô để trên một bãi cỏ, và ngồi xuống bên cạnh bảo, năm nay ông đã ngoài bốn mươi, ông cũng chẳng có gia đình của cải gì, ông không nghĩ đến chuyện lấy vợ nữa, nhưng nếu tôi muốn thì chúng tôi có thể lấy nhau. Tôi nói, tất cả những gì tôi nói với ông vừa rồi để dẫn đến việc muốn ông hỏi lấy tôi. Tôi cũng nói rằng, ông không thể lấy một người vợ như tôi được, bởi với cái dấu vết tàn tật tôi mang trên mặt có thể là điều trở ngại cho ông sau này. Tôi cũng hỏi ông là sự quyết định vừa rồi của ông có phải vì ông thương hại tôi hay vì muốn nhận lãnh một trách nhiệm gì? Ông bảo mọi sự không rõ ràng như cách tôi đặt câu hỏi, ông không biết trả lời thế nào, nhưng nếu tôi muốn ông sẽ xin cưới tôi. Tôi hỏi thế ông có nghĩ vẻ mặt xấu xí của tôi ông có thể chịu đựng được mãi không, rồi còn bạn bè ông nữa, họ sẽ nghĩ thế nào về ông? Ông bảo ông không định tôn tất cả cái xấu của tôi thành cái đẹp, ông có ít bạn bè, nhưng tất nhiên vẻ mặt của tôi cũng tránh được một vài điều bàn tán gì đó, nhưng điều ấy không có nghĩa gì với ông. Tôi nói, như thế ông đâu có được lấy vợ, ông phải chịu đựng tôi suốt đời sao? Ông bảo, mặc cảm tự ti của em là kẻ thù nguy hiểm nhất. Ông cũng nói, ông không cho việc lấy tôi là một hạnh phúc của đời ông, nhưng ông cũng không cho đó là một tai nạn. Tôi bảo, như thế tôi sẽ trở thành người vợ dửng dưng của ông sao? Ông nói tôi có nhiều vẻ đáng yêu, nhưng từ lâu rồi, đời sống ông ít còn ồn ào. Tôi nói, vậy tôi cũng từ chối làm hòn đá thử chiều sâu của cái giếng yên lặng đó. Ông cầm lấy tay tôi bóp mạnh và nói như tự nói với mình, ông sợ ông không còn đủ nhanh nhẹn để vượt qua cái hàng rào tôi tự rào quanh mình. Tiếng nói của ông làm tôi đau đớn, vì tôi biết rằng ông không hề coi tôi như một vật báu của đời ôNg, không thể không chiếm giữ. Nhưng nếu tôi muốn tôi tin ông sẽ lấy tôi. Nhưng lấy như thế để làm gì ? Không phải chúng tôi lấy nhau mà là giải quyết một vấn đề. Vấn đề đó là gì? Là muốn được nhìn thẳng vào lương tâm mình mà không hổ thẹn sao?
Bỗng nhiên tôi nhìn lên mái tóc khô của ông và vẻ già nua thoáng hiện trên mặt ông và thấy hết sức cảm động. Tôi biết ông thành thật với tôi. Hay ít ra thứ đó cũng là một cố gắng thành thật một cố gắng tốt. Tôi vẫn tin rằng thành thật là một điều khó khăn, thiếu cố gắng và thiện chí không thể thành thật được. Nên tôi nói ông tôi ít giao thiệp, có ít kinh nghiệm trong việc này, nhưng mỗi lần ở gần ông tôi thấy tôi rất dễ cư xử. Suốt buổi chiều ông không tìm cách hôn tôi nữa. Ông dẫn tôi đến các khu rừng rất đẹp có nhiều hoa lạ và lan trắng. Ông bảo khi về Sài-gòn rồi tôi có thể rủ bà bạn hoặc ra đây chơi một mình. Tôi bảo ông đừng nhắc đến việc trở về Sàì-gòn nữa. Chiều bắt đầu nhạt và khói núi bốc lên, gió reo trên các ngọn thông, rừng mờ hơi sương và rét. Chúng tôi trở về nhà, hai bàn tay tôi lạnh giá, trên áo còn thơm mùi hoa. Căn nhà mờ trong bóng tối. Hai chiếc ghế và mặt bàn bỏ không đã đầy lá. Tôi chạy vào nằm luông xuống chiếc ghế vải. Chiếc ghế đu đưa và lần vải mềm ôm sát lấy lưng. Đêm đen dưới lớp ngói mái hiên. Bóng tối ru tôi vào đời sống thật của mình, tôi nhớ đến chiếc bao lơn ở nhà, nhớ tới ông tôi và bà cô, ông chú. Ông khách rủ đi ăn và chúng tôi khiêng vàn vào trong nhà. Nhà tối om. Ông khách nói, mình đi luôn chứ ? Nhưng khi tôi bước lại gần ông, ông bỗng nắm lấy vai tôi kéo lại gần ông. Ông ôm chặt tôi vào lòng và cúi hôn trên môi tôi. Mùi nhựa thông, phấn hoa, thuốc lá trên tay và trên mặt ông làm tôi ngây ngất. Tôi run sợ, nhưng muốn biết bao được ông âu yếm như thế. Bóng tối đã che đậy cho mọi sự giả dối, và chúng tôi đã trở thành những người tình thực sự. Chúng tôi bỏ bữa cơm chiều.

Ba ngày sau, ông khách trở về Sài-gòn. Bà bạn và tôi mời ông ăn một bữa cơm như đã dự định.
Bà bạn tiếp cái ăn và rót rượu cho ông. Sự bí mật giữa tôi và ông khách không biết bà có biết không, nhưng bà thản nhiên, đúng hơn bà cười nói và cư xử rất tự nhiên. Riêng tôì ngồi với họ mà thấy mà thấy tự chính mình mới là kẻ gây ra tội lỗi. Nếu tôi đừng sa vào cuộc, cuộc tình của họ sẽ như trăm ngàn cuộc tình khác. Có tôi vào, nó chia ba và trở thành xấu, thành tội. Lúc ông khách ra về tôi tránh không đưa tiễn ông, tôi đứng trong cửa sổ chỗ giường bà bạn nhìn ông qua lần kính. Bà bạn trở vào nhìn tôi mỉm cười, nhưng rồi bà như nghi ngờ điều gì, mặt bà chợt tư lự. Chúng tôi lo dọn dẹp bữa ăn, sau đó ai về giường người ấy. Bà bạn mời tôi hút thuốc, trở trở dậy đi lại phía giường bà lấy thuốc hút. Khói thuốc cay và đắng xốc lên mũi và làm tê đầu lưỡi.
Tôi cười bảo:
– Có ngon lành gì đâu mà bao nhiêu người nghiện thế.
Bà nhìn tôi cười bao dung nói:
– Vậy đừng tập làm gì.

Bà nói và bảo tôi bắc ghế lại gần bà ngồi và nếu thích thì hát cho bà nghe với. Tôi lấy ghế và đàn lại, dù cay bỏng miệng tôi cũng nhất định không chịu bỏ thuốc đi. Tôi hát cho bà nghe ít câu trong bản nhạc “Ngày Đó Chúng Mình” của Phạm Duy. Bà nằm yên lặng mở mắt mơ màng nhìn lên trần. Khói thuốc thơm vẽ trên mặt bà những đường mỏng mềm mại. Em hát cho anh, cho em, cho cuộc tình không tên của chúng ta: “Ngày đó có em ra khỏi đời rồi, và đem theo trăng sao chết cuối trời u tối…Ngày có kêu gọi hồn người, trùng dương ơi có sót sa cũng hoài mà thôi …”
Nghe tôi hát xong bà bảo:
– Em phải tìm cách chữa cái mặt mới được.
Tôi nói:
– Để tôi có thể trở thành một người vợ đẹp đẽ sao?
Bà tiếp:
– Chúng ta đều là những kẻ tàn tật cả. Nhưng …như thế để đỡ bi thảm đi.
Đây là lần thứ nhất tôi nghe người ngoài đề cập đến vết thương của mình mà không thấy đau sót hay buồn. Vì đó là một ước muốn tốt, thật, của bà đối với tôi chăng? Hay niềm đau ấy đã trải qua quá nhiều cơn và ngày tháng, nên đã trở thành trai cứng ?

Tôi nói với bà, thực ra có lắm lúc tôi cũng không biết có phải ước muốn thứ nhất trong đời tôi là chữa khỏi bệnh chăng? Bà bảo, ôi nghĩ thế thì biết thế nào mà lường, cảm thấy cần làm gì thì hãy cứ làm đã chứ. Tôi nói, lắm lúc tôi thấy bà thật là lãng mạn lúc lại thấy bà thật thực tế. Bà bảo bà ít để ý đến sự phân tách về mình. Vì nếu cứ quanh quẩn với việc dò la mình thì đến phát điên. Nhưng bà cũng tin lãng mạn chỉ là nhận xét của tôi, chứ bà tự thấy bà không phải thế. Tôi hỏi thế cuộc tình của bà với ông khách không mang một chút tính lãng mạn nào sao ? Bà cười đáp, nếu nói như cô thì ai cũng lãng mạn hết. Tôi nói, tôi tin đó là vật báu của đời người nó làm cho chúng ta trở nên dễ thương và đẹp trước mặt người khác. Bà ngồi cao lên dựa lưng vào thành giường,duỗi thẳng hai chân dưới lần chăn mỏng nói, có lẽ sự cần thiết đó đối với mỗi người khác nhau chăng ? Tôi không biết tôi đã có nhìn người khác qua con mắt lãng mạn không ? Bà tiếp, nhưng nếu sống như em mọi quyết định đều quan trọng cả. Tôi nói, nếu quyết định đó liên quan đến mình. Bà bảo, như thế có khi lại có nghĩa ngược lại, không có gì quan trọng đối với em nữa. Lời nói của bà làm tôi sững sờ. Nếu việc gì em cũng cho là quan trọng thì có gì quan trọng nữa đâu, bà tiếp. Tôi bật cười trước lối giảng giải của bà. Buổi trưa giống những buổi trưa khác lọt vào phòng những tiếng động nhỏ của các cành cây và lá va chạm, tiếng máy nổ ở xa. Một cảm tưởng thân yêu chợt nẩy ra trong lòng tôi đối với bà, cùng một lúc tôi cũng nhớ lại hình ảnh bà ở trong khu rừng với ông khách? Treo cây đãn lên chiếc đinh trên tường, tôi nói với bà bạn những lời xua đuổi những ám ảnh bực bội. Bà rủ tôi buổi chiều nếu muốn thì đi chơi với bà xem bà đánh bài. Tôi nhận lời. Bà nói, cô sẽ học được đủ mọi tật xấu. Tôi nói đùa với bà, tôi chỉ còn thiếu có những tật xấu thôi, để trở thành hoàn toàn. Tôi cũng hỏi bà thích đánh bài lắm sao ? Bà chặc lưỡi làm bộ điệu lắc đầu bảo, không nên hỏi một người nào câu hỏi ấy. Nhưng theo bà, đánh bài là một đam mê thích thú. Nói quá ra, nó biểu hiện một tinh thần độc lập và ưa chuộng tự do. Bởi không lúc nào người ta cảm thấy tự do và toàn quyền bằng khi quyết định cây bài. Và bà thêm vào sau hết, nhưng dầu sao thì đó cũng là một biểu hiệu tai hại. Tôi hỏi, bà lục ở đâu ra những lý lẽ kỳ cục đó ? Bà cười đáp, ở trong sự hư thân và những ngày sống một mình. Bà nói và nhìn xuống hai bàn tay mình đang úp trên bụng. Hơi thở của bà phập phồng đưa tấm chăn và hai bàn tay lên cao, xuống thấp.

Tôi hỏi, bà có yêu ông khách không? Bà cười bảo, sao cô cứ băn khoăn về chuyên đó. Ông ấy cũng là người đáng yêu đấy chứ ? Lối trả lời không trả lời của bà làm tôi ngượng. Bà tiếp, đối với tôi tình yêu có thể đến trước hay sau cuộc gặp gỡ giữa hai người cũng được. Tôi nói, tôi đã cố gắng nhưng không thể nào có được một quan niệm sống chắc chắn như bà. Bà vẫn cười, bộ cô tưởng tôi nói như thế có nghĩa là những khuôn số, nếu mọi việc rơi vào trường hợp sẽ có những giải đáp nhất định à? Tôi cũng cười bảo, tôi đang ngớ ngẩn. Chiều tôi đi theo bà xem đánh bài và mặc dầu cố để ý tôi cũng vẫn không phân biệt được vài cái khung với các chữ. Vì không biết chơi, nên ngồi một lúc tôi chán bỏ về nhà nằm đọc sách. Nhưng sách cũng không đọc được. Căn nhà trống trải, tôi thấy buồn, đứng dậy đi lại trong nhà, tới phía cửa sổ, ngó ra con đường ông khách đã đi qua. Ở ngoài đó bây giờ là buổi chiều. Trời xám và những cây thông den thẫm vẽ vào triền núi những cành lay động. Tôi mở toang cửa sổ và nghe tiếng chim sáo kêu rất lớn lọt vào phòng./.

Nguyễn Đình Toàn