Mang Viên Long

Anh MANG VIEN LONG

Đọc “Nhành Hoa Súng Ái Nghĩa”
Của Luân Hoán

Năm nhà thơ Luân Hoán xuất bản tập thơ đầu tiên cũng là năm tôi vào học năm thứ nhất, khóa 3 trường Quốc Gia Sư phạm Qui Nhơn: Đó là tập “Về Trời” (nhà xuất bản Văn Học Saigon – 1964). Trước khi được đọc “Về Trời”, tôi đã đọc nhiều thơ anh trên Bách Khoa, Văn Học, Khởi Hành, Văn, Nghiên Cứu Văn học, Vấn Đề… từ vài năm đầu thập niên 1960.

Ngay từ thuở ấy, tôi đã có cảm nhận dòng thơ Luân Hoán bao giờ cũng thật dịu dàng, tươi mát, sâu sắc và rất đỗi hồn nhiên, cho dầu đôi khi anh phải đối diện với “nén hương cho bàn chân trái”! Sự hồn nhiên sảng khoái trong thơ anh đã cho tôi niềm vui, niềm tin và nhất là niềm say mê mỗi khi được “gặp” thơ anh trên các tạp chí, tuần báo văn học… Đôi khi tôi nghĩ, sự hồn nhiên (thơ ngây) trong sáng, có chút khinh bạc ấy, luôn tiềm ẩn trong từng dòng thơ anh, đã thể hiện rõ nét bản chất của “con người” anh mẫu mực, chân thành trải lòng, vô tư khi đến với cuộc đời…

Tôi lại có ý nghĩ: xứ Quảng dường như “thích hợp” với những người làm thơ tình? Cuộc đất xinh đẹp yên vắng mà lắm truân chuyên Hội an – Quảng nam đã nâng bước thơ cho nhiều nhà thơ xứ nầy nổi danh với những dòng thơ tình in đậm bản sắc rất riêng. Tôi yêu những bài thơ Luân Hoán – nhất là những bài thơ tình, chính vì cái thật thà, chơn chất, mà vô cùng đằm thắm, dễ thương của một miền đất đầy ắp tình người.

“Nhành Hoa Súng Ái Nghĩa” là một bông hoa thôn dã thắm tươi trong vòm trời “Hơi Thở Tình Nhân” của anh, là tiếng lòng khẽ khàng mà âm vang, là xúc cảm tinh khôi của tình yêu chân chính dạt dào muôn thuở!

Lời chàng trai “tự bạch” một cách giản dị, mà rất bản lĩnh với cô gái ở thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc – Quảng nam) như sau:

“ta chẳng có tài gì hay ho cả
ngoài ngón nghề tán gái rất nên thơ
em khuê cát, ta như chàng bán dạo
nhưng đã yêu, chưa biết ngại bao giờ…”

Ngay từ đầu, chàng khẳng định hai điều: “tán gái rất nên thơ / đã yêu, chưa biết ngại bao giờ”. Đó là hai “điều kiện cần và đủ” để cho người con gái yên tâm tin tưởng. Dù đã (tỏ ra) khiêm tốn nhìn nhận mình “chẳng có tài gì hay ho cả”, nhưng “ngón nghề tán gái rất nên thơ” và ngay sau đó là “ đã yêu, chưa biết ngại bao giờ” thì “người đẹp” khó tính nào mà không xiêu lòng?

Chàng kể:

“lần thứ nhất tình cờ em qua ngõ
quá bất ngờ đành ngẩng mặt trông theo
ánh mắt ta, điện dưới tần cao thế
chỉ đủ giúp em biểu diễn vòng eo”

Sự “tình cờ em qua ngõ” một lần như duyên lành đã làm cho chàng, ngay phút ấy, chỉ biết ”ngẩng mặt trông theo” thôi (mà không biết làm gì khác!) Ngẩng mặt – có nghĩa là “đơ mặt”, nét mặt biểu lộ một xúc cảm như khi bị “sét đánh ngang tai”, tái xanh vì quá đỗi ngạc nhiên trước dung nhan mặn mà, và vô hồn (tê dại) vì bị giai nhân “hút hồn mất”! Rồi sau đó chỉ phút giây, chợt nhận ra ánh nhìn đăm đắm của mình cũng chỉ là “điện dưới tần cao thế” không ăn thua gì; nhưng tia nhìn mê đắm dõi theo kia, đã đủ “năng lực” để người đẹp “biểu diễn vòng eo” quyến rũ của mình! Cũng có nghĩa là, dù “điện dưới tầng cao thế” nhưng đã “chạm” được đến người đẹp, và nàng cũng đã nhận ra “tín hiệu dòng điện” chàng đang soi chiếu theo từng bước chân nàng…

Rồi tiếp theo:

“sau mánh lới điều tra vội vàng hiệu quả
ta mở ngay chiến dịch trông vời
phải nắm chắc từng phân nhan sắc
để mở tình đón nhận cánh chim rơi”

Không chút giấu diếm, sau lần nàng “tình cờ qua ngõ” đã để lại dấu ấn sâu đậm không thể nào quên; chàng vội dùng ngay “mánh lới điều tra” đơn giản nhưng vô cùng “hiệu quả”. Đi điều tra (dò hỏi) – nhất là điều tra về người đẹp, thì chắc chắn phải có “mánh lới” (có thể gọi là kỹ thuật, phương cách) mới có thể giữ được bí mật an toàn (và có hiệu quả)! Khi biết được “tọa độ & lực lượng” của “địch” rồi, thì chàng “mở ngay chiến dịch trông vời” – đây là chiến dịch theo dõi, thăm dò, lắng nghe “động tĩnh” của đối phương, để “tùy cơ ứng biến”! Sự chuẩn bị khá kỹ theo binh pháp xuất quân “nắm chắc từng phân nhan sắc”, đồng nghĩa với biết rõ “lực lượng & động tĩnh” đối phương (biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng), thì chiến dịch mới thành công: “mở tình đón nhận cánh chim rơi”. Người đẹp, trong đôi mắt chàng, đã là một cánh chim xinh xắn yêu thương mà chàng phải “nắm bắt” trước khi vuột bay…

Và:

“em mới đến trọ, sau nhà ta mấy bữa
có nghĩa là em thường phải về ngang
chẳng có thể bắt ghế ngồi ngoài cửa
để hồ đồ thưởng thức nét dung nhan”

Biết rõ “đường đi nước bước” hằng ngày như vậy, nhưng kẻ “tán gái rất nên thơ” không thể “bắt ghế ngồi ngoài cửa / để hồ đồ thưởng thức nét dung nhan” được. Sự tôn trọng trước cái đẹp, sự tự trọng với tình yêu thương, là điều kiện quan trọng và thiết yếu để thăng hoa tình yêu, nâng cao phẩm cách của con người. Có lẽ, đây cũng là quan niệm sống của nhà thơ trước cuộc đời?

“ta lập tức xoay lại chiều bàn học
mặt hướng ra đường nay thay lại tấm lưng
một chiếc gương đủ to để thu đời phản chiếu
có cả em trong dáng bước ngập ngừng”

Không thể ngồi chờ đợi ngoài hiên để ngắm nhìn, để “hồ đồ thưởng thức”, chàng đã nghĩ ra cách “xoay lại chiều bàn học / mặt hướng ra đường nay thay lại tấm lưng”. Đã xoay bàn học rồi, ngồi nhìn thử ra đường, với tư thế kín đáo ấy vẫn chưa thấy “ưng bụng”, chàng lại thêm “sáng kiến” mới, dùng “một chiếc gương đủ to để thu đời phản chiếu / có cả em trong dáng bước ngập ngừng”. Yêu thương là sáng tạo. Nhờ tình yêu thương, loài người luôn có sáng tạo mới cho đời, bởi “những tư tưởng lớn đều xuất phát từ trái tim” (Vauvernargues). Giống như chàng nhà thơ đang “mở tình đón nhận cánh chim rơi”:

“rất nhiều bữa em liếc vào kín đáo
rất nhiều lần em ngoái lại bâng khuâng
đôi mắt to hàng chân mày khá đậm
cánh mũi thon giúp đỉnh ngực phập phồng”

Chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp qua tấm gương to, chàng đã nhận ra: “rất nhiều bữa em liếc vào kín đáo / rất nhiều lần em ngoái lại bâng khuâng”. Không yêu thương, không “để tâm” thì “liếc vào” để làm gì nhỉ? Lại nữa “rất nhiều lần em ngoái lại bâng khuâng” – sau cái “liếc vào kín đáo”, thì nàng đã ngoái nhìn lại mà không trông thấy bóng dáng chàng, nên mới “bâng khuâng” thương nhớ chăng? Tỉnh yêu đã bắt đầu làm cho tâm hồn cả hai trở nên thơ trẻ, rất dễ thương! Bên nầy khung cửa, chàng cũng đã thấy “đôi mắt to hàng chân mày khá đậm / cánh mũi thon giúp đỉnh ngực phập phồng”. Cái “sự thấy” nầy của chàng, tôi nghĩ – là do lòng thương nhớ, tưởng tượng nhiều hơn! Nhưng không sao, đó lại là một “nét đẹp” trong sáng cần thiết của tình yêu.

“ta quả thật rất vụng về mô tả
chân dung em không thuộc dạng Thúy Kiều
cũng chẳng giống Kiều Nguyệt Nga của Lục
giản dị bởi vì đúng dạng ta yêu”

Ban đầu đã khiêm tốn tự giới thiệu “ta chẳng có tài gì hay ho cả”, bây giờ lại “ta quả thật rất vụng về mô tả” – nhưng sau khi so sánh người mình yêu thương với hai giai nhân tuyệt sắc Thúy Kiều, Kiều Nguyệt Nga, thì chàng cũng phơt lờ hai giai nhân kia, bởi không “đúng dạng ta yêu”! Chỉ có nàng – “Nhành hoa súng Ái Nghĩa” – mới đích thực là người ta yêu, thương nhớ! Đây là một cách nói “ngây thơ & trẻ con” mà đã đạt được tình cảm cao độ cho người đọc, nhất là với nàng!

Chàng đã khẳng định:

“sẽ rất nhảm nếu vẽ em bằng chữ
hay bằng thơ bằng nhạc ba hoa
xin nói gọn: em là tuyệt sắc
đệ nhất giai nhân trong cõi người ta”

Cách “nói gọn” sau khi cho “vẽ em bằng chữ / thơ / nhạc / họa” đều “ba hoa” (nghĩa là đều bất lực) – bởi khi đã yêu, người mình yêu thương là “tuyệt sắc” nên phải là: “đệ nhất giai nhân trong cõi người ta” cũng là chuyện rất đỗi bình thường! Không có ai đẹp & tốt hơn người yêu của mình, là vậy!

“ta thú thật chưa làm thơ tán gái
ngộ em rồi cũng muốn thử tài chơi
ngồi một chặp thơ tình ra cả đống
chỉ hình như chưa đúng độ tuyệt vời”

Một lời “tự thú” nữa cũng rất “tuyệt”, đã góp phần tô điểm cho tình yêu của chàng đối với nàng, bằng lời lẽ rất tự nhiên. Những từ ngữ “thú thật / ngộ / một chặp / cả đống” diễn tả rất chân xác hoàn cảnh, xúc cảm của chàng khi ngồi nghĩ nhớ về nàng. Khi đã yêu, ai mà không vậy?

“thơ viết nhiều làm sao cho em đọc
gởi báo đăng là chuyện đương nhiên
báo chạy đủ cả tên người được tặng
mà xem chừng rất đỗi vô duyên”

Điều quan trọng hơn là “thơ viết nhiều làm sao cho em đọc”? Đây mới là điều khiến chàng đêm ngày ăn ngủ không yên. Nếu nàng không đọc được, thì làm sao hiểu rõ tấm chân tình của của mình đây? Thơ làm nhiều hóa ra vô ích hay sao? Nhưng, “gởi báo đăng là chuyện đương nhiên / báo chạy đủ cả tên người được tặng / mà xem chừng rất đỗi vô duyên”.
Không chọn theo cách làm “vô duyên” (và thiếu tự trọng) ấy, chàng đã:

“tìm mọi cách quen cậu em sau xóm
và trời xanh không phụ kẻ có lòng
ta đã được theo em về Ái Nghĩa
ta đã nhìn thật rõ nét mi cong”

Rồi cuộc tình, cuộc đời của cả hai, cũng lênh đênh “như áng mây trôi” một ngày nào không xa, sau đó:

“chỉ vậy thôi rồi từ từ phai nhạt
cũng sau khi thăm chị ở Hội An
em hiền hậu đã trở thành y tá
còn ta đây là thương binh tan hàng

đời chẳng như sông chỉ vài ba nhánh
ta trôi xa thật quá đỗi tứ tung
mỗi một chặng lượn một nhành hoa súng
em cũng là… đóa hoa lạc trên sông”

“Tất cả tướng đều từ duyên sinh, cũng từ duyên diệt” – đây là định luật bất biến của vạn hữu, nhưng trong cõi vô thường nầy, với “Nhành hoa súng Ái Nghĩa” của tình yêu thương, nhà thơ Luân Hoán đã lưu mãi hương thơm cho đời!

Mang Viên Long
***

Nhành Hoa Súng Ái Nghĩa

ta chẳng có tài gì hay ho cả
ngoài ngón nghề tán gái rất nên thơ
em khuê cát, ta như chàng bán dạo
nhưng đã yêu, chưa biết ngại bao giờ

lần thứ nhất tình cờ em qua ngõ
quá bất ngờ đành ngẩn mặt trông theo
ánh mắt ta, điện dưới tần cao thế
chỉ đủ giúp em biểu diễn vòng eo

sau mánh lới điều tra vội vàng hiệu quả
ta mở ngay chiến dịch trông vời
phải nắm chắc từng phân nhan sắc
để mở tình đón nhận cánh chim rơi

em mới đến trọ, sau nhà ta mấy bữa
có nghĩa là em thường phải về ngang
chẳng có thể bắt ghế ngồi ngoài cửa
để hồ đồ thưởng thức nét dung nhan

ta lập tức xoay lại chiều bàn học
mặt hướng ra đường nay thay lại tấm lưng
một chiếc gương đủ to để thu đời phản chiếu
có cả em trong dáng bước ngập ngừng

rất nhiều bữa em liếc vào kín đáo
rất nhiều lần em ngoái lại bâng khuâng
đôi mắt to hàng chân mày khá đậm
cánh mũi thon giúp đỉnh ngực phập phồng

ta quả thật rất vụng về mô tả
chân dung em không thuộc dạng Thúy Kiều
cũng chẳng giống Kiều Nguyệt Nga của Lục
giản dị bởi vì đúng dạng ta yêu

sẽ rất nhãm nếu vẽ em bằng chữ
hay bằng thơ bằng nhạc ba hoa
xin nói gọn: em là tuyệt sắc
đệ nhất giai nhân trong cõi người ta

ta thú thật chưa làm thơ tán gái
ngộ em rồi cũng muốn thử tài chơi
ngồi một chặp thơ tình ra cả đống
chỉ hình như chưa đúng độ tuyệt vời

thơ viết nhiều làm sao cho em đọc
gởi báo đăng là chuyện đương nhiên
báo chạy đủ cả tên người được tặng
mà xem chừng rất đổi vô duyên

tìm mọi cách quen cậu em sau xóm
và trời xanh không phụ kẻ có lòng
ta đã được theo em về Ái Nghĩa
ta đã nhìn thật rõ nét mi cong

chỉ vậy thôi rồi từ từ phai nhạt
cũng sau khi thăm chị ở Hội An
em hiền hậu đã trở thành y tá
còn ta đây là thương binh tan hàng

đời chẳng như sông chỉ vài ba nhánh
ta trôi xa thật quá đỗi tứ tung
mỗi một chặng lượn một nhành hoa súng
em cũng là… đóa hoa lạc trên sông

Luân Hoán

Chuyện Cô Bé
Xấu Số Và Ông Lão

Một người bạn đã kể lại rằng:
“Có một cô bé vừa gầy vừa cao bị thầy giáo loại ra khỏi dàn đồng ca; cũng chỉ vì cô bé nhà nghèo, lúc nào cũng mặc mỗi một bộ quần áo vừa rách, vừa cũ, lại vừa rộng nữa…
Cô bé buồn tủi ngồi khóc một mình trong công viên. Cô bé nghĩ, tại sao mình lại không được hát? Chẳng lẽ mình hát tồi đến thế sao? Cô bé nghĩ mãi rồi cô cất giọng hát khe khẽ. Cô bé cứ hát hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả mới thôi.
“Cháu hát hay quá!’.
Một giọng nói vang lên: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ, cháu đã cho ta cả một buổi chiều thật vui vẻ”. Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô là một ông cụ tóc bạc trắng. Ông cụ nói xong liền đứng dậy và chậm rãi bước đi.

Hôm sau, khi cô bé tới công viên đã thấy ông già ngồi ở chiếc ghế đá hôm trước, khuôn mặt hiền từ mỉm cười chào cô bé. Cô bé lại hát, cụ già vẫn chăm chú lắng nghe. Ông vỗ tay nói lớn: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ của ta, cháu hát hay quá!”. Nói xong cụ già lại chậm rãi một mình bước đi.
Cứ như vậy, nhiều năm trôi qua, cô bé giờ đây đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng khắp nước. Cô gái vẫn không quên cụ già ngồi tựa lưng vào thành ghế đá trong công viên nghe cô hát ngày nào. Một buổi chiều, cô đến công viên tìm thăm cụ nhưng ở đó chỉ còn lại chiếc ghế đá trống không.
Hỏi một người làm trong công viên, cô nghe được câu trả lời:
“Cụ già ấy đã qua đời rồi. Cụ ấy sống cô độc, và bị điếc đã hơn 20 năm nay!” . Cô sững sốt giây lâu, rồi thẩn thờ bước đến ngồi xuống ngay chỗ ông lão vẫn thường ngồi bên cô ngày nào; đôi mắt đỏ hoe, rưng rưng hai dòng nước long lanh chảy dài xuống đôi má…”

Tôi đã “bị” câu chuyện đơn giản ấy ám ảnh hoài suốt ngày: Cô bé bị “loại ra khỏi dàn đồng ca” của tập thể nhà trường chỉ vì nghèo! Cô vừa buồn, vừa cảm thấy xấu hổ, bởi sự “phân biệt” không chính đáng của người thầy, mà lẽ ra – chính nơi ấy không nên có. Loại ra khỏi “dàn đồng ca” – cũng có nghĩa là “loại ra khỏi tập thể” chỉ vì “ngoại hình” (hay dù bất kỳ một lý do nào khác ngoài tài năng, đức hạnh, trong bất kỳ một môi trường, lãnh vực nào, cũng là một việc làm không đạo đức). Loại ra khỏi xã hôi, bỏ mặc bên lề đời sống cộng đồng, lại là một hành động không có trách nhiệm! Sự cư xử không công bằng, bất công, vô cảm của người thầy nọ; cũng giống với những sự bất công dẫy đầy trong xã hội, mà chúng ta vẫn thường gặp!

Ồng lão sống cô độc, lại bị điêc đôi tai; nhưng tâm hồn ông vô cùng trong sáng, yên tịnh. Mặc dù ông lão không còn có “đôi tai để nghe” bình thường như mọi người; nhưng lại có “đôi tai mầu nhiệm của tâm hồn”; đã lắng nghe được tất cả nỗi vui buồn, bất hạnh của cô bé, như đôi tai của Bồ tát Quan Thế Âm! Ông cảm nhận được niềm hân hoan, hạnh phúc của cô bé mỗi khi nghe được lời ông khen tặng, cám ơn! Và, ông đã luôn luôn “tặng” cho cô bé những lời nói yêu thương dịu dàng như “ban tặng” cho cô bé “những đóa hoa của sắc đẹp” (“Tiếng nói từ ái là bông hoa của mọi sắc đẹp” – Xenon Dêlee) suốt một thời gian dài…

Với cô bé, dù đang nghèo khó, bị “nhận chìm” trong khổ đau, thất vọng – nhưng đã nổ lực tự mình vươn lên, bền bỉ, bên nỗi “cảm thông & chia sẻ” chân thành của ông lão bị “điếc đôi tai để nghe” nhưng có đôi tai “để biết và yêu thương”; cuối cùng, cô đã nhận được sự thành công vẻ vang bằng chính năng lực, và sự kiên nhẫn của mình, không phải ai cũng có thể có được!

So với ông lão, chúng ta rất diễm phúc có đủ đôi tai “để nghe” tốt, nhưng có bao giờ trong đời, chúng ta đã lắng nghe bằng “đôi tai của tâm hồn” để mang lại niềm vui sống, hạnh phúc cho người thân, bạn hữu, như ông lão chưa? Đã “sử dụng” đôi tai không bệnh tật, để nghe những điều đáng nghe cho đời sống mình an vui, đời sống người được yên bình chưa? .

So với cô bé, rất nhiều người trong chúng ta cũng được diễm phúc hơn (đời sống sung túc, dáng người toàn vẹn, gia đình quan tâm v v v); nhưng đã làm được gì để lợi lạc cho chính mình, và cho cả những người thân yêu như cô bé chưa?

Cuối cùng, sự quay trở lại công viên để “tìm thăm ông lão” ngày xưa, sau khi đã thành đạt lẫy lừng của cô bé nghèo hèn; là sự “quay về” của Tình thương yêu, của lòng Biết ơn; mãi mãi tỏa ngát hương cho đời sống như lời Đức Phật đã dạy: “Hương Chiên đàn, hương Da già la, hương Bạt tất kỳ, hương Thanh liên; đều là những thứ hương vi diệu, nhưng không bằng hương Đức hạnh xông ngát tận chư thiên!”

“Tuyệt Huyết Ca”
Của Đặng Tấn Tới

Tại sao tôi chọn đọc thi phẩm “Tuyệt huyết ca” mà không là “Thi Thiên” (tác phẩm thứ tư, phát hành mùa Thu Quí Sửu), hay thi phẩm mới nhất vừa phát hành trong mùa Xuân 1974 là “Trúc Biếc” của Đặng Tấn Tới ? Tại sao là một tập thơ mỏng manh, được in ra vội vàng trong một năm đầy biến cố (mùa hè 1972), kỹ thuật trình bày cũng xoàng xỉnh, mà không là một tập nào trong 04 tập thơ xem như được độc giả lưu ý nhiều nhất ?

Chọn đọc “Tuyệt Huyết Ca” tôi cần nói tới hai điều :

1-Nỗi bi thiết tuyệt diệu và vô cùng của kẻ sĩ Việt Nam (hay nói cách khác: Nỗi bi thiết tuyệt diệu và vô cùng của người nghệ sĩ Việt Nam) hai mươi năm “lạnh nghe hồn réo mười phương, Ngợp lòng hoa huyết buốt xương tương tàn”.

2-Minh chứng, lần chót nhưng không phải là thừa thãi, không có sự phân chia (không phải sự tìm hiểu, nghiên cứu) nào trong Thi ca là thích hợp ; hay nói cách khác, không thể uốn nắn, xếp loại một cách gượng ép, cứng nhắc, với nhiều ác ý để từ đó đưa ra những luận cứ nhất thời rất hàm hồ, về những thi phẩm đã được giới thiệu.

Phần một (xin tóm tắt) : Thi phẩm “Tuyệt Huyết Ca” gồm 27 đoạn thơ song thất lục bát, tất cả 108 câu thơ, chung quanh một nhan đề chính đã được chọn. Sử dụng lối thơ cổ truyền Việt Nam để diễn tả những khúc ca máu hồng tuyệt vời của dân tộc, Đặng Tấn Tới đã dồn hết rung cảm tích tụ kỳ diệu bao năm giữa “Trăng cổ độ ố mầu tăng hải, Trải thu phần quan tái vài bông”, trong cảnh tượng đời sống ghê khiếp như ma quái “Người vất vưởng tận hang cùng cốc. Kiếp lạc loài oan khốc kêu sương” vào thời gian được ghi nhận là biến loạn nhất trong hai mươi năm chinh chiến.

Tôi tạm chia “Tuyệt Huyết Ca” thành một bố cục như sau : Đoạn một : (08 câu đầu) Tình cảm mang mang thúc đẩy lần viết (hay lần mở) từng trang tuyệt huyết của Dân tộc. Đoạn hai : (72 câu tiếp) có thể chia làm 04 tiểu đoạn. Tiểu đoạn a: (08 câu) Viết (hay mở) với tư thái thong dong, trang trọng, chua xót và có chút gì như là chán nản. Tiểu đoạn b : (16 câu) . Những trang đầu tiên – là một cuộc tao ngộ kỳ bí, đưa đẩy tác giả túy lúy trong cảnh “Sông nước chảy chiêm bao máu rạng. Chén vàng thanh ngồi nán đêm sương”. Tiểu đoạn c: (16 câu) . từ cuộc hội ngộ “chung tuyệt huyết” tri kỷ trên, thảm cảnh ma quái trần gian tỏ lộ sáng ngời như đời sống ngày đêm của Dân tộc đã hai mươi năm “Người vất vưởng tận hang cùng cốc/ Kiếp lạc loài oan khốc kêu sương/ Máu khô thịt nát bên đường, Rợp mầu tinh huyết đò dương đắm chìm”. Tiểu đoạn d : (32 câu) . Thái độ tìm thấy khi đã kinh qua cảnh đoạn trường (ở đây cũng là tâm sự, thái độ của kẻ sĩ – hay nghệ sĩ, đối với mọi biến động) : Giải quyết những nỗi ưu tư bi thiết bằng sự an ủi của chính mình, bằng sự xoa dịu của đôi mắt nhân ái trầm buồn của Phật Lão, và sau rốt, bằng vào sự hy vọng (vẫn còn hy vọng) : “Non nước cũ rạng ngời sông núi / Trời trong xanh muôn tuổi thơ ngây / Nước trôi mây cuốn chưa đầy / Ngày sương nắng biếc hồng rây ánh vàng”. Đoạn 3 (28 câu cuối): Con người đau khổ thống thiết từ đầu (cuộc tao ngộ) đã đổi khác : Ở đây là một cõi mới, một đời sống tiên cảnh lạ thường, hay là một cõi chiêm bao mộng mị của đa số nghệ sĩ Việt Nam. Nhờ đâu con người (em Nguyên Thủy) đã chết với máu me, với hình hài tiều tụy, với xương trắng cát lạnh, đã được sống lại vào đoạn kết ? Nhờ đâu? Xin thưa : Nhờ niềm hy vọng. Nhờ ước mơ. Nhờ mơ tưởng. Nhưng phải chăng mọi hy vọng ở tương lai cũng chỉ là chiêm bao ? Đoạn kết : “Mây gió nổi trôi ngàn bước mộng/ Bàn chân không lùa sóng vô biên/ Ta đi dạo khắp cõi miền/ Này là phố thảo kia triền xóm hoa”.

Đặng Tấn Tới trong “Tuyệt Huyết Ca” không phải u mặc như Tâm Thu Kinh, cũng không gảy những đoản khúc du dương (hân hoan hay bi lụy) liếc ngó đời sống với đôi mắt nhuốm đượm màu sắc Lão Trang – một thái độ ẩn dấu, e dè, nản chán – đó là thái độ hay tâm sự của kẻ sĩ hiện thời. Trong 108 câu thơ ở “Tuyệt Huyết Ca” đã kéo được tấm màn cho ngần ngại cho thấy rõ ràng một hình ảnh của nhà thơ : Đây là những hình ảnh trung thực, gần gũi, linh hoạt, chứa chất nhiều tâm sự bi đát (không giấu diếm – qua những cái nhìn, đến tư tưởng) có thể đại diện cho đa số kẻ sĩ (hay nghệ sĩ) hiện thời : Thương nhớ quê hương, xót xa vì vận nước, nhưng chỉ thể hiện bằng những thái độ tiêu cực (Than thân trách phận, buồn nản, tuyệt vọng, hy vọng, mơ ước, mộng mị, chiêm bao, và thoát tục : Một tính chất biểu hiện hiển nhiên trong vài năm gần đây tâm sự, quan niệm, đời sống của người nghệ sĩ (hay kẻ sĩ) rất phù hợp với vận nước, cùng những cố gắng khai phá cho Thi ca một lối thoát). Sự chuyển biến tâm tư trên có thể giải thích tóm tắt : Quá Đau Khổ Ngao Ngán -> Thất Vọng -> Quá Thất Vọng -> Hy Vọng – > Trở Về Với Mình = Mộng / Ước / Chiêm Bao / Thoát Tục, v.v…. Tất cả những trạng thái tình cảm quanh co nầy đã được ghi dấu trong “Tuyệt Huyết Ca” bằng một giọng trầm tĩnh, trang trọng nhưng lại quá lâm li bi đát.

Tình cảm đó là:

Mang mang cát bụi lên đường
Những xương máu cũ phai hường là đâu?
Trăng cổ độ ố mầu tang hải
Trải thu phần quan tái vài bông
Nao nao gió giục sang hồng
Rụng bao nhiêu cánh giữa lồng nhân sinh
Ngậm ngùi thương cảm :
Ghé trong mây trắng môi cười
Một xe cát bụi xô người ra đi

Và :

Vin sắc máu trong tòa hồng sử
Tay run mầu lữ thứ cô hương
Lạnh nghe hồn réo mười phương
Ngợp lòng hoa huyết buốt xương tương tàn

Nồng nhiệt, tha thiết:

Ta uống cạn giòng trong bích ngạn
Cuộn tâm bào ức vạn sinh linh
Quá giang ca ngộ cô tình
Lấp mầm sinh tử như mình như ai
Người thoáng hiện di hài cuối nguyệt

Đoạn trường:

Hồn đau nhỏ máu tơ đồng
Mấy cung hồ rợn mênh mông gió gào
Sông nước chảy chiêm bao máu rạng
Chén vàng thanh ngồi nán đêm sương

Chán nản :
Mây trôi lớp lớp vô thường
Trời xanh còn lại con đường chim bay

Nhìn thấy:

Người vất vưởng tận hang cùng cốc
Kiếp lạc loài oan khốc kêu sương
Máu khô thịt nát bên đường
Rợn mầu tinh huyết đò dương đắm chìm

Và:

Phơi xương trắng ngoài đêm cát lạnh
Vùi đó đây từng mảnh thân non
Đất bay đá chạy chi còn
Bi thương cổ lục héo mòn tân thanh !

Vì thế, tâm sự:

Trường thu hận tan tành sông núi
Bao mạng người làm củi nung tim
Mây ơi nở nụ im lìm
Chở hồn hoa trắng bay tìm tình tang

Tiếng kêu thương trầm thống còn vọng mãi muôn đời:

Nghìn thu trước ai tình xanh mắt
Nghìn thu sau hiu hắt hồn hương
Cùng nhau về tụ đầu sương
Long lanh chút mộng cuối đường tài hoa.

………………………………….

Không kể đến những tâm sự được giải bày mạch lạc trong một bố cục chặt chẽ (điều nầy cố ý hay vô tình ? Tác giả đã : “Ta cũng sầu mở quá độ chơi”) phô diễn và liên kết từng dòng xúc cảm, từng chặng thăng trầm, như một lan tràn tươi mát của suối nguồn. Ngoài một lối sử dụng thể thơ song thất lục bát độc đáo, mới lạ, tuyệt vời nhất trong những áng thơ song thất lục bát đã có tự cổ chí kim (Tôi chịu trách nhiệm về những phát biểu đã nói hôm nay cho tới ngàn sau), không có một câu thơ nào trong 108 câu của “Tuyệt Huyết Ca” tì vết, suy suyễn (mà bạn có biết là tại sao có 108 câu?). Tôi có thể ví như một xâu chuỗi hạt, 108 hạt ngọc đều ngời sáng và quí giá như nhau. Không chú trọng tới những ưu điểm hình thức, điều quan trọng tôi muốn nói lên khi chọn đọc “Tuyệt Huyết Ca”, phân đoạn và dẫn chứng, rằng không có sự phân chia nào trong Thi ca là thích hợp cho mỗi tác giả, không cố định và bắt buộc phải chịu dán cái nhãn hiệu kỳ quặt xa lạ đối với họ (Thi sĩ) Rằng Thơ phải đọc bằng tâm hồn, rung cảm tự nhiên, đọc và mê man tàng tịch trong mỗi dòng mỗi chữ. Rằng thơ phải như thế – xúc cảm ; nồng nhiệt, phẫn nộ, hay đau xót, hân hoan cũng phải chảy vào lòng người bằng ngõ ngách sâu khuất nhất của tâm hồn. Chứ không phải là một kỹ thuật dụng chữ. Dụng ngôn. Đao to búa lớn. Tôi có thể vắn tắt : Sự rung cảm truyền đạt bền bỉ và sâu sắc là phần quyết định chân giá trị của một thi phẩm chứ không phải : Viễn mơ, Dấn thân, Thiền hay một cái gì ngộ nghĩnh khác.

Gặp “KINH PHÁP BẢO ĐÀN”
Của Lục Tổ Huệ Năng

* Cùng Hòa Thượng Thích Thiện Đạo
Tại Chánh Điện Chùa Phi Lai.

Sau hơn một tuần sống ở Phi Lai, một buổi sáng, sau bữa cơm chung vui vẻ với các cô chú, tôi xin phép thầy Thiện Đạo xuống Tuy Hòa thăm chơi vài hôm. Tôi muốn đi loanh quanh trong cái thị xã đầy ắp kỷ niêm một thời ấy, để ghé thăm vài người bạn đồng nghiệp, bạn văn, nhân tiện mua ít sách báo để về lại Phi Lai có cái đọc cho vui, sau những giờ mải mê kinh sách!

Về Tuy Hòa, tôi thường ghé lại nhà anh chị Trần Huiền Ân, có lần ăn ngủ ở đó – cũng có khi về “tạm trú” nhà chị Lê Tămh Mính. Nhà chị Mính khá rộng, đó là một vila có nhiều phòng, giữa khu vườn nhiều cây xanh, rất thoáng mát. Chị dành cho tôi ở ngay căn phòng mà lúc xưa khi còn dạy học ở Nguyễn Huệ, tôi đã ở. Căn phòng có cửa sổ rộng nhìn ra vườn, có giường nằm cá nhân, có bàn làm việc, có tủ chứa áo quần, rất thuận tiện. Hai nơi nầy là “địa chỉ thường trú” của tôi khi “có dịp” vào Tuy Hòa…

Tôi ngồi uống trà cùng Thầy ở chiếc bàn thấp kê sát cửa sổ ở nhà khách như mọi buổi sáng, tôi nói: “Thưa thầy, hôm nay tôi định đi Tuy Hòa vài hôm…” Thầy cười: “Ờ, ông nên đi thư giãn một chút, nếu muốn!” Nói xong, Thầy quay vào phòng riêng, phía sau nhà Tổ – trở ra, Thầy đưa cho tôi tập sách dày, giấy hẩm: “Này, cầm quyển nầy về dưới đọc đi!” Cầm tập sách trên tay, tôi thoáng đọc tựa sách: “Kinh Pháp Bảo Đàn” của Lục Tổ Huệ Năng, do Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành nội bộ, in ronéo. Tôi nhìn Thầy, cười: “Thầy cho tôi mượn hay sao?” – “Tôi đã đưa cho ông, là của ông rồi!” Thầy Thiện Đạo trả lời rất gọn. Tôi cảm thấy rất vui vì có thêm tập Kinh mới…

Không thể chờ đợi các chuyến xe lam, bởi từ chợ Hòa Thịnh đến bến xe lam Tuy Hòa, có thể mất hẳn một buổi; tôi đi bộ ra chợ, đón xe thồ đi ngay. Tôi đến Tuy hòa khoảng 9 giờ, ghé lại nhà chị Mính. Tôi tìm đến phòng ở dành cho tôi như ở nhà mình. Chồng kinh sách trước đây tôi đọc, vẫn được xếp nằm ngay ngắn trên bàn, phòng ốc sạch sẽ; tôi đẩy mở rộng hai cánh cửa sổ cho nắng tràn vào.

Ngồi ngay vào bàn, tôi mở vội “Kinh Pháp Bảo Đàn” ra đọc, với sự nao nức, hưng phấn, như mỗi lần có được tập kinh sách mới. Tôi say sưa đọc, cẩn trọng từng câu, cảm thấy lời kinh đã có một sức hấp dẫn lạ lùng, nhất là cảm thấy rất gần gũi, thân thiết. Đọc đến trang 14 – đến đoạn kinh sau đây, tôi bỗng cảm thấy không còn có ham muốn đọc thêm nũa: “(…) Huệ Năng sau đến Tào Khê lại bị bọn người ác tìm đuổi mới ở nơi Tứ Hội tị nạn trong đám thợ săn, trải qua mười lăm năm, khi đó cùng những người thợ săn tùy nghi nói pháp. Những người thợ săn thường bảo giữ giềng lưới, khi Huệ Năng thấy những con vật mắc lưới đều thả. Mỗi khi đến bữa ăn, hái rau gởi luộc trong nồi thịt, hoặc có người hỏi thì đáp: “Chỉ ăn rau ở bên thịt.” Một hôm, mới suy nghĩ: “Thời hoằng pháp đã đến, không nên trọn trốn lánh.” Huệ Năng liền đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết-bàn. Khi ấy có gió thổi, lá phướn động, một vị tăng nói gió động, một vị tăng nói phướn động, hai người cãi nhau không thôi. Huệ Năng tiến tới nói: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động (….)”

Chỉ một lời nói của Lục tổ Huệ Năng với mấy vị sư đang tranh cãi về chuyện “phướn động hay gió động” đã như dòng thác lũ, bất ngờ tuôn chảy vào trong tâm thức tôi: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động (….)”, tôi lạnh người, nghe âm vang cứ lớn dần, hình ảnh lá phướn trên cột cờ cao trước sân chùa Pháp Tánh bay trong gió lộng cứ ám ảnh trong tôi; với nỗi bàng hoàng khôn xiết! Tôi ngồi bất động, ngơ ngẩn giây lâu. Đôi mắt tôi dường như được tiếp nhận một thứ ánh sáng mới, nhìn ở đâu tôi cũng thấy mới lạ; tôi quay nhìn ra vườn thấy tàng cây màu xanh im sững một nỗi lặng thầm ngàn năm; nhìn lên chồng kinh sách đang nằm yên lặng trên mặt bàn, như trơ cứng, lạnh lùng, không còn quyến rũ, réo gọi tôi như trước đây nữa. Bất giác, tôi tự nghĩ, sao mình lại có thể giữ lại những quyển sách này đến bây giờ? Tôi ngồi im lặng đắm chìm trong giây phút bị xáo trộn chóng vánh ấy, với quyển kinh đang mở rộng trước mắt. Tôi định gấp quyển kinh lại, nhớ là “trang 14”, không đọc tiếp nữa…

Ngay phút ấy, tiếng chị Mính từ phòng nhà sau vọng vào: “Anh Long ơi! Thầy Thiện Đạo gọi…” Tôi ra khỏi phòng, đến nhận ống nghe từ tay chị Mính: “Chào thầy…” – “Ờ, đã đọc quyển “Kinh Pháp Bảo Đàn” chưa?” – “Thưa thầy, đã đọc, nhưng đến đoạn kinh nầy, tôi quyết định không đọc nữa!” – “Đoạn nào vậy?” Tôi đọc thuộc lòng: “… Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động (….)” Sau tiếng cười, Thầy khuyên: “Cứ đọc tiếp đi nhé!” Tôi do dự: “Thưa Thầy, tôi sẽ đọc tiếp, nhưng không phải lúc nầy! Cám ơn Thầy rất nhiều…”

Tôi trở về phòng, nằm yên, không muốn làm gì, để tận hưởng giây phút hiếm hoi quý báu khi nhận được nguồn pháp hỷ vô bờ từ “Kinh Pháp Bảo Đàn”. Tôi lại nhìn ra bầu trời, lá cây bên ngoài cửa sổ, vẫn cảm thấy chúng là sự hiện hữu lạ lẫm, nhiệm mầu. Tôi có suy nghĩ: “Dù “Pháp Bảo Đàn kinh”, đúng quy định, được xếp là “Luận”, nhưng, chính đó là một quyển “Kinh” rất mầu nhiệm, vì đã làm cho những cái tâm vô minh, được bước dần vào Đạo!” Tôi nghĩ tiếp: “Bất kỳ lời nói nào có năng lực làm cho chúng sanh điên đảo, u tối được tĩnh tâm, an lạc và đạt đến ‘bất thối chuyển’, đều là Kinh!” Tôi vội lấy hai tờ giấy manh khổ nhỏ luôn có sẵn trên bàn, ghi lại vài “cảm nhận” về giây phút bất chợt rất linh diệu vừa qua; (như ghi lại một kỷ niệm, một trang nhật ký) tuy vẫn biết rằng “văn tự” rất giới hạn và khô cứng đối với xúc cảm và sự nhiệm mầu của chân tâm!

Viết xong phần cuối của tập Hồi ký (đã chia sẻ trên newvietart.com & hoadongphuong) hơn nửa năm sau, đang đọc lại và biên tập lần cuối Hồi ký đã viết – tình cờ lục trong mấy thùng sách cũ để tìm lại bản thảo các truyện, tôi đã bắt gặp tập “Kinh Pháp Bảo Đàn” ngày nào nằm yên lặng, còn nguyên vẹn ở đó (mà tôi cứ nghĩ quyển sách đã thất lạc đâu đó trên bước đường lận đận bao năm). Là một duyên may – trong quyển Kinh cũ nầy có bốn trang tôi viết tay trên hai tờ giấy manh khổ nhỏ, với đề tựa bằng bút lông hai mầu xanh đỏ: “Buổi Sáng Nhân Đọc “Kinh Pháp Bảo Đàn” Của Lục Tổ Huệ Năng” được xếp bỏ vào giữa quyển Kinh. Xin ghi lại nguyên văn nội dung – như lưu giữ một kỷ niệm:

“Quyển “Kinh Pháp Bảo Đàn” giảng giải của Lục Tổ Huệ Năng, do Ngài thuyết nói, đệ tử sau nầy ghi lại, được Thiền viện Thường Chiếu in ronéo, để “phổ biến nội bộ”; không thấy ghi ngày tháng năm ấn hành.

Trong lời “lược khảo”, người dịch bảo đúng lý xưa nay, lời của Phật mới được gọi là Kinh; lời của Chư Bồ Tát, Chư Tổ thì gọi là Luận; còn lời của Thiền sư thì gọi là “Ngữ Lục”.

Tuy vậy, theo di chúc của Lục Tổ Huệ Năng đã dạy: “Sau khi ta tịch, các ngươi muốn làm lợi ích cho đời sau, thì nên ghi lại những lời ta dạy, thành một quyển sách, đề tên là “PHÁP BẢO ĐÀN KINH”. Vì thế Ngài Pháp Hải, một vi Thiền sư đệ tử của Lục tổ, trụ trì chùa Bảo Lâm, đã ghi lại như thế.” Lời “lược khảo” kết luận: “(…) nên y theo lời dạy của Lục tổ, quyển sách nầy đề tên như thế; chứ đúng ra, quyển sách nầy được xem là một quyển “Ngữ Lục’ mà thôi!” (trang 1).

Nay ta được căn lành nhiều kiếp, được đủ duyên đọc “Pháp Bảo Đàn Kinh” của Lục tổ do Thượng Tọa ân sư trao cho, chỉ kịp đọc đến dòng thứ 3 và 4 trang 14, đã được hiểu rõ, ta chợt bừng thấy được bản tánh chơn tâm, thầm khế hội vô ngôn ý của Lục tổ, qua lời đáp: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhơn giả động”. Vậy mà đã gần suốt 15 năm ta đã khổ đau, phiền não, không ngày giờ nào được yên ổn thân tâm, có lúc đã nghĩ tới sự tự hủy thân mình…

Trong gần 15 năm tối tăm đó, ta đã vào chùa xin Quy y Tam bảo (cho ta và cả bốn đứa con); đã ăn chay nằm đất tại nhiều ngôi chùa. Ta đã vào đảnh lễ Phật, niệm Kinh, cầu nguyện, sám hối tại 10 ngôi chùa trong nước – nơi ta đã có dịp dừng chân trên bước đường lưu lạc – mà chưa thấy thực an lòng!

Ta đã được các thiện tri thức cho đọc kinh sách Phật, được trì đọc và biên chép cả Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, luận Tối Thượng Thừa của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn; mà vẫn chưa thấy được mối nhân duyên trùng điệp từ bao kiếp của đời ta, chưa có niềm an lạc hoàn toàn!

Sáng nay, lúc 10 giờ 20 phút ngày 15 tháng 3 năm Ất Hơi (14 tháng 4 năm 1995) khi từ chùa Phi Lai trở về phòng trọ, đang có sẵn tập “Kinh Pháp Bảo Đàn” trong tay, ta mong ước được đọc hết quyển sách quý, vì lòng ta đã tha thiết, ngưỡng vọng với Phật pháp từ rất lâu rồi!

Chỉ trong vài phút đọc, trang 14 đến dòng thứ 3-4, nghe Lục tổ tình cờ nói với chư vị sư chùa Pháp Tánh: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhơn giả động” – ta chợt hiểu suốt đời ta, Tâm ta, liền thấy hoàn toàn thanh tịnh, an lạc… cho dù, thân ta đang còn trôi nổi trong dòng nhân duyên hiện kiếp!

Ta tự biết chính Tâm ta là núi trân bảo!

Ta tự coi mình như vừa mới được sinh ra, kể từ thời gian 10 giờ 20 phút, ngày Rằm tháng Ba – Ất Hợi.(14.4.95), với đầy đủ chơn Tâm, Phật tánh từ vô thủy vô chung nào, chưa hề mất!

Ta đã buông sách xuống, thật trong lòng không muốn đọc thêm một dòng nào nữa. Ta thực không còn nghĩ, nhớ, tưởng tới chồng Kinh sách đang nằm chờ sẵn trên bàn, như trước đây mươi phút nữa. Tất cả Kinh sách ấy bây giờ đối với ta là KHÔNG. Pháp tức KHÔNG!

Ta cũng chợt nhận ra rằng, tại sao Lục tổ trước khi tịch, đã di chúc, phải ghi tên tựa quyển sách là “Pháp Bảo Đàn Kinh”. Tại sao gọi là KINH? Có gì đâu phải chia ra “Luận”, chia ra “Ngữ lục”, chia ra “Kinh”! Chia ra như thế, là đã làm trái ý Phật. Không hiểu Phật pháp. Làm sai lời Phật dạy rồi!

Ngài đã buồn lòng biết bao!

Phàm lời của bất cứ người nào nói ra, làm cho một người (hay nhiều người) được thấy rõ ngọn nguồn của Tâm mình, bản tánh của mình, mà được an vui – tuy là một cử chỉ, một sự im lặng, chỉ đủ cho một chúng sanh thôi, giác ngộ Tâm Phật của chính mình, và tri kiến gỉải thoát giữa dòng sinh tử; thảy đều được gọi là Kinh cả, được gọi là Phật cả!

Chúng sanh là Phật sẽ thành…

Lục tổ Huệ Năng đã để lại lời dạy trong Kinh Pháp Bảo Đàn cho ta (và bao người) được cơ duyên giác ngộ – ta gọi đó là Kinh, là lời Phật…

Ngài đã biết trước được điều nầy chăng?
Cúi xin đảnh lễ!

Tuy Hòa, Rằm tháng Ba Ất Hợi”

Từ đó, tôi rất vui, khi tự đặt cho mình một “đạo hiệu” là Huệ Thành (pháp danh được bổn sư đặt cho khi quy y là Sơn Thành), ngay buổi sáng hôm ấy!

Về sau, nhớ tới giấc mơ năm xưa đã được bổn sư ở chùa Ngọc Lộ giải thích, cho là “Con sẽ nhận được một quyển sách quý” – tôi tin, quyển sách quý mà tôi luôn mong chờ từ bao năm nay, chính là “Kinh Pháp Bảo Đàn” của Lục Tổ Huệ Năng đã đến với tôi hơn chục năm sau!

Tôi rất biết ơn thầy Thiện Đạo – vị “Ân Sư” của tôi, người thầy đã trao “Kinh Pháp Bảo Đàn” buổi sớm nào ở Phi Lai với lời nói “Tôi đã đưa cho ông, là của ông rồi!”, tri ân nhiều bậc thiện trí thức mà tôi đã có “duyên lành” gặp gỡ trong gần bốn chục năm qua trên bước đường lưu lạc đó đây, và ngay cả trong quãng đời còn lại, đang trôi nổi hôm nay…

(Còn tiếp…)

Thêm Một Buổi Sáng Chủ Nhật
Ấm Áp Nghĩa Tình

Sáng hôm nay – chủ nhật, 13.7.2014, cũng tại quán cà phê Biên Thùy thân quen yên vắng nằm ở vùng quê Nhơn Hưng, quý văn hữu An Nhơn đã có buổi gặp gỡ cà phê đầu ngày nhân dịp tác phẩm thứ 20 của tôi vừa được ấn hành: tập tiểu luận và tạp bút “Như Những Giọt Sương” tập 3 (nhà XB Hội Nhà Văn – trình bày bìa họa sĩ Lê Sa Long – chân dung và phụ bản họa sĩ Đinh Cường) để cùng nhau chia sẻ niềm vui, cảm nhận, trong không khí đầm ấm, thân thiết, nghĩa tình.

Người bạn văn vong niên Trúc Lập – Đỗ Văn Liệp, người cao tuổi nhất (86 tuổi), đã có mặt rất sớm. Anh là người bạn văn đồng hương thân thiết, luôn chia sẻ, động viên tôi, và rất chí tình với anh em trong mọi sinh hoạt thường nhật, nhất là trong các buổi gặp gỡ giao lưu văn nghệ. Anh Trần Duy Đức – người cao tuổi thứ 2 (68 tuổi), cũng đã đến rất đúng hẹn ngay sau đó. Quý thân hữu Từ Văn Minh (từ Đập Đá), Trình Ngọc Chương (Bình Định), Nguyễn Như Tuấn, Minh Nguyên, Đỗ Xuân Phương, Hoàng Trọng Quý, cô giáo Thu, Nguyễn Hồng Sơn (từ Nhơn Khánh) luôn là những “hạt nhân” của tình văn nghệ ở An Nhơn. Nhà thơ Phạm Văn Phương dù đang rất bận rộn chuẩn bị đi Nam Định “viếng gia” để hỏi vợ cho quý tử, cũng đã không thể vắng mặt. Hai người bạn văn gọi đến chia vui và “xin lỗi” vắng mặt là nhà thơ Nguyễn An Đình đang “bị mấy chiếc răng đau nhức hành hạ” và Trần Minh Nguyệt còn đang bận bịu với công tác chấm thi, Còn Bùi Hoài Vân lại “đang ngồi bàn họ dự đám cưới”. Đặc biệt, nhạc sĩ Lê Minh Thế – người con đất An Nhơn đang sinh sống và làm việc ở Kontum- về thăm quê cũng đã đến chung vui, góp thêm “hơi ấm” cho buổi gặp gỡ…

Đáp lại những tấm chân tình nồng hậu ấy, tôi đã rất hạnh phúc được bày tỏ lời cảm ơn đến với tất cả anh em đã luôn gần gũi, chia sẻ, đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui và an ủi để tiếp tục cuộc “vui chơi” cùng anh em thêm nhiều hơn nữa. Tuy buổi gặp gỡ rất đơn sơ nhưng đã ghi dấu trong tôi rất sâu đậm, khó quên trong cuộc đời cầm bút nhiều gian khó của mình. Tôi cũng bày tỏ lòng mong mỏi được đón đọc những tác phẩm mới của tất cả, để có dịp chia vui cùng nhau như hôm nay.

Anh Trúc Lập đã thay mặt anh em ngỏ lời chúc mừng và chia vui với tôi nhân tác phẩm thứ 20 vừa được xuất bản. Anh cho biết dịp này cũng là nguồn động lực cần thiết cho tất cả để anh em “lấy đà” giới thiệu tác phẩm mới của mình trong tương lai gần.

Tiếp lời, anh Trần Duy Đức cũng đã chia sẻ cảm nhận khi được cầm trên tay tập sách dày dặn, mỹ thuật thứ 20 của tôi với hy vọng trong những tháng ngày kế tiếp tôi sẽ có thêm nhiều tác phẩm mới bởi (theo nhận định của anh) sự sáng tạo và sức sống trong tôi còn tràn đầy…

Quý anh Lê Minh Thế, Như Tuấn, Trình Ngọc Chương, Đỗ Xuân Phương, cô giáo Thu, Minh Nguyên… cũng đã lần lượt chúc mừng, chia vui, cùng có chung niềm tin tưởng và hy vọng vào những tác phẩm tiếp theo của tôi để tất cả cùng nhận được “những giọt sương” tươi mát, cần thiết cho đời sống vốn có nhiều ưu phiền.

Tôi đã rất vui và hạnh phúc được trao đến tận tay tất cả tác phẩm mới là những trang viết tâm huyết qua bao năm tháng của mình. Nhân dịp này, tôi có “hai món quà nhỏ” muốn gởi tặng, nhưng chưa biết “giải quyết” thế nào cho ổn, vì chỉ có hai (trong lúc tổng số là 14): Đó là bức phác họa chân dung tôi của họa sĩ Đinh Cường gởi cho và tạp chí Quán Văn sổ 23 có đăng bài tạp bút “Hai món quà của họa sĩ Đinh Cường” của tôi như chia sẻ niềm hạnh phúc với tất cả…

Anh em đã vừa vui vẻ góp ý, mạn đàm, vừa lai rai cà phê, trà , và cả Tiger (theo nhà thơ Như Tuấn là để cho… thêm ấm áp!).

Cuối cùng món quà phác họa chân dung tôi của họa sĩ Đinh Cường được gởi cho anh Trúc Lập (người cao tuổi nhất); và tạp chí Quán Văn 23 được gởi cho anh Trần Duy Đức (người cao tuổi thứ hai). Cả hai món “quà nhỏ” ấy có giá trị vật chất chưa quá 50 ngàn đồng nhưng tất cả cũng đều nghĩ như tôi: đó là một kỷ niêm vô giá trong trong tình văn nghệ và bằng hữu.

Họa sĩ Từ Văn Minh đã làm công việc “phóng viên nhiếp ảnh” – ghi lại những giờ phút của buổi sáng chủ nhật đầy tình thương yêu và tình văn nghệ…

Buổi gặp gỡ đã tạm kết thúc sau hai giờ tâm tình, trao đổi – ghi thêm trong những kỷ niệm đời mình những lần sum họp và vui vẻ , khó quên.

Ăn Giỗ Vợ Bạn

An có thói quen tắt nguồn diện thoại trước lúc đi ngủ. Phòng ngủ của anh lại gần kề phòng con và các cháu; nên mỗi lúc chuông điện thoại reo mà chưa kịp bắt máy, thì con cháu không ngủ yên được! An bị rầy rà mấy lượt, nên khi uống hai viên Rotundin, chuẩn bị lên giường, là đã tắt máy ngay! Cho khỏi phiền…

Đêm hôm qua, không rõ vì sao, An đã lên giường ngủ một giấc, mà điện thoại lại reo vang inh ỏi? Lúc ấy vào khoảng 10 giờ 30, cả nhà đang ngủ say hết. An giật mình, đưa vội tay lên đầu giường như cái máy, mở to mắt nhìn, thấy tên “Nguyễn Viết Đào”…Anh bắt máy, chủ yếu chỉ nghe, không dám nói. Câu nói duy nhất của An trước khi tắt máy, tắt nguồn, là “Tôi sẽ đến. Cám ơn anh!”.

Nếu An nhớ tắt nguồn như mọi đêm, thì đã bỏ mất một cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với bạn. Sự “quên ngẩu nhiên” có lẽ, đôi khi – cũng là một diều tốt, An nghĩ vậy – cũng có thể là một “nhân duyên lành”; vì trong cái rủi vẫn có cái may bên cạnh…

Sáng sớm hôm sau, An gọi cho Đào để xin lỗi, và cho biết lý do đêm qua không thể trò chuyện lâu hơn được. Biết An sẽ có mặt, Đào rất vui: “Anh em ít có dịp gặp nhau, nay nhân ngày giỗ bà xã, cậu nhớ xuống để mình còn cảm thấy gần gũi – như xưa nhé!”.

Lời người bạn như âm vang trong đầu An “để anh em còn cảm thấy gần gũi như xưa”; thật ra quê của Đào chỉ cách An khoảng mười mấy cây số thôi, nhưng anh em ít có dịp gặp nhau lâu. An chợt nhớ lời người bạn vừa thuật lại tuần trước, khi An được mời đến dự ngày giỗ cha của anh ta. Anh ta kể, vừa gọi cho một cậu bạn đang là Phó giám đốc một cơ quan ngày xưa của anh, với lời mời rất thân tình, dầu cậu ấy nhỏ tuổi hơn: “Nhân ngày giỗ ông già mình, mời cậu mười giờ hơn ghé uống chén rượu cùng gia đình và anh em…” – người bạn đáp gọn một câu “chưa chắc!”, rồi cúp máy cái rụp; mà không thể hiểu nổi sự kì quặt của một con người, có thể nói là đã “có chút địa vị và học thức” trong xã hội của chính mình đang sống! Mỗi ngày, An vẫn thường bắt gặp những sự kỳ quặt như thế nhiều hơn, mà không thể giải thích được…

Đào mời An có mặt từ khoảng 10 giờ đến 10 giờ 30, nhưng An đã quyết định đi sớm, để đến sớm hơn. An có thói quen “không dám” đi trễ. Nếu bận việc phải đến trễ hơn 15 phút – đều gọi báo và xin lỗi trước. Đào lớn hơn An hai tuổi, học cùng trường Cường Đễ, nhưng học trên một lớp. Cả hai đã có thời gian ba năm sống chung một nhà trọ từ lớp đệ tứ. Đào thi hỏng tú tài hai, bị động viên vào học trường võ bị Thủ Đức; trong lúc An tiếp tục học đệ nhất, và cuối năm vượt qua được kỳ thi với tỷ số đậu mười phần trăm giai đoạn thi viết, qua phần oral chỉ còn lại tám phần trăm. An chọn thi vào trường Đại học Sư Phạm Saigon…

Đào là con út một gia đình phú nông khoa bảng, danh giá ở xã TP, được lo cho việc ăn học xa rất chu đáo; trong lúc An ít khi trả tiền cơm tháng một lần cho bà chủ nhà trọ đúng hẹn. Trong đám chín cậu học trò đang tá túc ở trọ ấy – có lẽ, An là người bất hạnh nhất: An mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, sống nhờ vào chút tình thương của người anh. An luôn trả tiền cơm một tháng đến hai ba đợt vì người anh chưa bao giờ vui vẻ đưa cho An một lần . Nhưng, Đào lại chọn An để kết thân, gần gũi, quý mến anh nhiều nhất. Cả hai thường đi học chung mỗi sáng. Đào thường rủ An đi long rong ngoài phố, vào quán ăn kem, vào xi nê chiều thứ 5, hay ra biển mỗi chiều tối, trước giờ ngồi vào bàn học cho đến khi đôi mắt không mở ra được nữa. Đào vẫn hay dành nhiều thời gian cho việc chải chuốt, săm soi gương mặt, mái tóc, áo quần; nên khiến An thường bị đi học trễ vì chờ đợi Đào đứng trước tấm gương soi hơi lâu…Có hôm, đã ra đến đường – Đào còn kéo An lại, hỏi: “Cậu nhìn thấy cái đầu tóc mình thế nào? Mình ăn mặc vậy có được không?” – “Number-one, trễ rồi, cha nội…”. An không ưa Đào về chuyện chải chuốt, nhưng lại mê Đào về chuyện đàn hát; Đào chơi guitar rất giõi, nhưng hát thì chỉ “hay hát” thôi (chứ không phải hát hay)…

Đào ra trường bộ binh một thời gian, nhưng sau đó được tuyển vào không quân. Có lẽ vì nhu cầu, cũng có thể vì “bộ gió” cao ráo, khỏe mạnh, hào hoa của anh ta nữa. Đào được cử sang Mỹ học lái máy bay trực thăng và L19 hơn một năm, về nước phục vụ ở phi trường Cam Ranh; trong lúc An đang còn học năm cuối đại học.

Khi còn ở Saigon, nghe Đào báo tin sẽ cưới Kim Thanh vào dịp cuối năm – An hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng không ngạc nhiên nhiều. Thuở còn học đệ nhị, trong lúc đang nổ lực để chuẩn bị thi tú tài phần một, An đã nghe Đào rỉ rả tâm sự về cuộc tình của anh với Kim Thanh. Rất mùi mẫn. An chỉ nghe, mà không ý kiến. Mới vừa tuổi mười tám , nhà nghèo, An chỉ lo cắm đầu học, không hề dám nghĩ nhiều đến chuyện yêu đương, mặc dầu cũng có đôi bóng hồng chen vào đầu An, nhưng không ở lại lâu, không sâu đậm…An hiểu lờ mờ rằng, Tình Yêu rất rắc rối, rất kỳ cục – nên An chỉ ngồi nghe Đào say sưa kể chuyện vì nể tình, mà không dám góp vào câu nào…Không biết rõ, tốt hơn là nên im lặng – An luôn ghi nhớ lời khuyên đó của chị, khi rời nhà đi học xa.

Đào đã giới thiệu KimThanh cho An biết vào một lần gặp nhau ở bãi biển. Kim Thanh đẹp. Có duyên. Vóc dáng gợi cảm. Cô có học qua năm đệ nhất ở trường tư thục Bồ Đề, nhưng thi tú tài hai không đậu; đang làm việc ở Ty Xã hội. Trước khi gặp Đào, Kim Thanh đã có một đứa con trai hai tuổi với chàng trung úy thiết giáp, mà chưa làm đám cưới. Rút cuộc, chàng trung úy hào hoa đã theo đoàn xe tăng lên cao nguyên, không hẹn ngày trở lại…Trước ngày nhận về làm “phù trể” cho Đào, An còn nghe vài người bạn cùng trường thuở xưa cho biết, Kim Thanh còn lớn hơn Đào hai tuổi! An cười: “Cậu không nhớ lời ông bà ta đã nói sao? – “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một” đó mà!”. Ngày theo họ nhà trai đến nhà gái để làm lễ, An chỉ trông thấy một mình mẹ của Kim Thanh (và chú bác, cô dì…) trên bàn họ đón khách – hỏi nhỏ Đào: “Ông già của Kim Thanh đâu rồi, cậu?” – Đào thì thầm: “Ông già còn đang ở Hà Nội!”.

Cách nay chín năm, Kim Thanh mất vì bệnh ung thư, mặc dầu Đào đã lo chạy chữa cho vợ gần như “sạch sẽ” vốn liếng còn lại sau năm 75. Kim Thanh mất, để lại cho Đào bốn người con – Đào gọi người con riêng của Kim Thanh là “con Cả”, người con trai đầu tiên của Đào là “con Trưởng”, và tiếp theo là cô gái và một cậu con trai út. Đào đã cùng Kim Thanh lo việc xây dựng gia đình cho người con Cả bài bản, dù hoàn cảnh lúc ấy đang rất khó khăn. Hai người con trai sau nầy của Đào đang sống và làm việc ở Saigon. Chỉ có người con Cả và cô con gái giữa là vẫn sống ở quê, gần Đào. Tất cả, cho đến nay – đều đã được lập gia đình riêng, có cửa nhà, công việc làm ăn tương đối ổn định. Đào đã có cháu nội và ngoại đầy đủ, đuề huề.

Hằng ngày, người con Cả ở trên phố chợ đều chạy về tưới vườn cây cảnh, quét dọn khu vườn cho Đào một lần vào buổi sáng sớm. Trưa, cô con gái mang thức ăn đã nấu sẵn đến cho Đào và đứa cháu nội (con của người con Cả) dùng cả ngày. Đào chỉ nấu nồi cơn điện, cho vui – tùy thích. (đứa cháu nội lớn nhất chín tuổi con của người con Cả đã về sống với ông nội từ hai năm nay, cho ông nội vui!). Nhờ có đứa cháu nội, Đào có thể nhờ đỡ vài việc lặt vặt như chạy lên phố chợ mua gói thuốc, mấy lạng café, hay cái card điện thoại khi đang bận soạn tiếp vở tuồng hát bội “Kim Vân Kiều” (sau khi đã soạn xong tuồng “Ngọn Sóng Bạch Đằng” và “Tiếng Gọi Biên Thùy”), hay đang có bạn ghé thăm chơi. Hằng ngày, vào lúc ông cháu được thư thả -Đào chăm chút dạy thêm cho cháu học Anh ngữ, rồi học đàn. Ngôi nhà lá mái cũ nơi cái xóm vắng giữa đồng của vợ chồng Đào chỉ cách khu phố chợ mấy đám ruộng, một đoạn đường bê tông vài trăm mét, thường là nơi giao lưu của những người bạn Đào từ thời còn cắp sách, đến bây giờ đã “răng long – tóc bạc”. Đây cũng là ngôi nhà từ đường của dòng họ “Nguyễn Viết” bởi người anh trưởng của Đào đã chết trong chiến tranh.

Buổi chiều, hai ông cháu thường ngồi ở chiếc ghế đá ngoài góc sân, Đào ôm đàn hát đủ thứ bài, từ tân nhạc, đến cổ nhạc – đứa cháu ngồi bên chỉ nhìn Đào mà cười, rồi vỗ tay! Nhiều bạn thân, kể cả bà con của Kim Thanh, có đôi lần góp ý, mong Đào “bước thêm bước nữa” cho có người kề cận sớm hôm, cho vui, mỗi khi nhìn vóc dáng Đào đã 62 nhưng còn rất phong độ; nhất là khi nhìn thấy cảnh sống quạnh hiu lúc đứa cháu nội chưa về sống chung – nhưng anh chỉ cười: “Tìm bồ bịch thì dễ ợt, nhưng tìm vợ – khó lắm!”.

Sau năm 75 – trong buổi giao thời rẫy đầy đổi thay khó lường, đời sống đang gặp vô vàn khó khăn, lòng người hiểm sâu khó biết; nhưng Đào vẫn áo sơ mi thẳng nếp, quân tây, bỏ vào trong tươm tất, giày vớ nhiêm túc, đầu tóc chải chuốt gọn gàng, mỗi khi có việc phải ra đường…Có việc lên thị trấn, Đào đều ghé thăm An thân tình, gần gũi như thuở cùng nhà trọ hơn bốn mươi năm trước, dầu lúc nầy An đang là người thợ lem luốc, vất vả (chứ không còn làm thầy nữa!). Lần nào gặp Đào (dù tình cờ ở đâu), An cũng vẫn thấy Đào “không có chút gì thay đổi” – nghĩa là vẫn áo quần thẳng thốm, giày tất đầy đủ; cử chỉ thong dong, kỹ lưỡng, và đạo mạo; khi thời cuộc đang thay đổi. Và An cũng đã tìm thấy nơi hình ảnh bạn một niềm vui sống trong cảnh ngộ bi đác đang phải vượt qua – nhất là mỗi lần được gặp, trò chuyện với Đào bên tách café nơi góc quán hiên nhà vỉa hè nào đó…

Ngày giỗ lần thứ ba của Kim Thanh, để xả tang – Đào có gọi mời An xuống nhà “uống ly rượu”, và anh đã có mặt dầu ngay chiều hôm ấy là phải bươn bả vào Saigon. Trong buổi sáng hôm ấy, An đã rất vui được gặp lại anh và chị của Kim Thanh, mà đã hơn ba mươi lăm năm không có dịp gặp lại. Buổi sáng hôm ấy, có đông đủ các cháu gọi Đào bằng “dượng”, bằng “chú”. Từ con Cả đến con Út – đều đông đủ, sum họp – khiến An cứ nghĩ rằng, đó là một cuộc gặp gỡ hạnh phúc…

An xin phép Đào được thắp nén hương đầu tiên cho Kim Thanh sau ngày chị ra đi. Bức ảnh của Kim Thanh chụp năm 92 được Đào rọi lớn, đặt giữa bàn thờ sáng rực ánh đèn, vẫn còn ghi rõ nét duyên dáng, hồn hậu nơi gương mặt phảng phất buồn của chị; đã làm An bàng hoàng nhớ lại một thời tuổi trẻ nơi bãi biển, lần đầu được Đào giới thiệu. An thoáng nghĩ, thời gian đã làm đổi thay tất cả – nhưng, tình yêu thương vẫn còn đây bên đời sống của Đào đang nghi ngút khói hương…

Mùa Vu Lan Năm Ấy

Mùa hè năm ấy tôi vừa học hết năm thứ ba ở trường Đại học Sư phạm – khoa Văn, thì lớp học tình thương ở chùa Từ Nhẫn của Sư cô Diệu Sơn cũng bắt đầu khai giảng. Buổi tối Rằm tháng Tư – Lễ Phật Đản, tôi theo mẹ đi chùa lễ Phật, rồi đến vấn an sức khỏe Sư cô. Sư cô Diệu Sơn bao giờ cũng niềm nở, thân tình trò chuyện với mẹ tôi, với mọi người – như người thân ruột thịt trong nhà. Vẻ điềm đạm, khoan hòa của Sư cô như tỏa ra niềm an lạc cho người được gần gũi. Tôi cảm thấy như có một sức lôi cuốn vô hình mỗi khi được đến thăm Cô với mẹ. Có lẽ tình thương yêu chân tình của Sư cô dành cho tất cả là mãnh lực mầu nhiệm chăng?

Dịp này, Sư cô cũng cho biết, lớp học tình thương của chùa Từ Nhẫn, dự định sẽ khai giảng vào dịp hè. Nghe vậy, tôi liền ngỏ ý xin Cô cho tôi được tham gia dạy môn Văn. Sư cô vui vẻ nhận lời ngay: “Nếu con có lòng phụ giúp thì tốt lắm chứ – Cô cám ơn con!”.

Tối ấy về nhà, tôi đem việc xin làm cô giáo của lớp học tình thương chùa Từ Nhẫn kể lại với ba tôi. Ông cười : “Con là Phật tử, đã quy y Tam Bảo, mà lâu nay cứ đi chùa lễ Phật không thôi, thì chỉ đứng ngoài cổng mà chưa gần được Đạo…”.
– Thế làm sao để gần được Đạo, hở ba ? – Tôi tò mò hỏi.
– Có khó gì đâu ? – Ba tôi lại cười, nên siêng đọc Kinh sách, thâm hiểu ý Phật, làm theo lời Phật dạy …

Dường như nhìn thấy nét mặt tôi còn ngơ ngác – ông vui vẻ tiếp : “Ví dụ như lời dạy của Chư Phật : “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý …”. (chớ làm các điều ác / siêng làm các việc lành / giữ tâm ý trong sáng, thanh tịnh).
Tôi reo lên : “Phật chỉ dạy có bấy nhiêu thôi sao, ba ? Thế thì dễ quá!”.

Ba tôi lại cười – nụ cười ẩn chứa chút gì như châm biếm, như thương hại, trách móc. Ông không trả lời ngay cho tôi mà kể lại câu chuyện thi hào Bạch Cư Dị đến tham vấn thiền sư Sào Đạo Lâm: Để đáp lại câu hỏi của Bạch Cư Dị “Thế nào là đại ý của Phật Pháp?” – Thiền sư Ô Khoa – tên thường gọi của thiền sư Sào Đạo Lâm, vì Ngài có chiếc “tổ” nhỏ trên cành cây cổ thụ cao để thiền định; Ngài đã đọc bài kệ ấy. Bạch Cư Dị cười ngạo mạn : “Tôi tưởng điều gì lạ, chứ việc ấy, trẻ con 7, 8 tuổi cũng đều biết cả! “. Thiền sư Ô Khoa đã ôn tồn dạy : “Đúng vậy, trẻ con 7, 8 tuổi đều biết, nhưng ông già 80 vẫn chưa làm xong!”.

Ba tôi mỉm cười : “Nhiều người đã thường lầm tưởng như thế. Lời Phật không cao siêu, khó hiểu hay thần bí – mà lại rất gần gũi, đơn giản; nhưng có bao nhiêu người đã thực hành được?”.

Ba tôi gọi những người học Phật suông chỉ chuộng hình thức, là những “Kẻ chăn bò thuê!” – như tôi chẳng hạn. Là kẻ đi chăn bò thuê, thì suốt đời đâu có được lợi ích gì lớn lao cho mình?

Đang dịp nghỉ hè, được thực tập làm cô giáo, lại có cả cha mẹ, các em hỗ trợ tinh thần; tôi đã đến lớp giảng dạy cho các em rất chuyên cần. Biết được hoàn cảnh khó khăn của các em, tôi tự nhủ càng phải nổ lực dạy tốt hơn nữa. Nghe Sư cô đang cần giáo viên dạy tiếng Anh, tôi chủ động đến gặp, xin Sư cô “kiêm nhiệm” luôn môn này. Bởi vậy, cả tuần, ngày nào tôi cũng có giờ lên lớp. Tội nguyện sẽ hết lòng làm việc để khỏi phụ lòng mọi người. Nhất là của Sư cô và các em…

Chỉ dạy hơn một tháng mà tôi đã “nhận được” nhiều thứ: Được làm cô giáo, được quý Sư cô thương mến, được đám học trò yêu quý, quấn quít không rời. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì chưa có mùa hè nào tôi làm được việc đem lại niềm vui cho nhiều người như thế. Làm điều thiện, việc nghĩa là để “cho đi”, mà tôi lại “nhận về” nhiều quá!

Phần thưởng lớn nhất đến với tôi thật bất ngờ: Vào buổi sáng ngày Rằm tháng Bảy năm ấy, vừa bước chân vào cửa lớp – tôi đã thấy toàn là hoa Hồng ở mấy dãy bàn. Mỗi em cầm một đóa Hồng thật tươi, thật rực rỡ – vừa đứng dậy chào tôi, vừa đồng thanh nói lớn: “Chúng em xin chúc mừng cô!”.

Một thoáng bàng hoàng – tôi đang choáng ngợp bởi hơn ba mươi đóa Hồng tới tấp chạy ùa lên bàn tôi; đặt vào tay tôi – cùng với tiếng cười rộn rã hồn nhiên. Tôi cảm nhận ngay được niềm vui của người có diễm phúc được tặng hoa Hồng ngày Vu Lan thật to lớn biết bao! Kẻ cho, người nhận – đều có được niềm hạnh phúc mênh mang, khó tả.
– Cô cám ơn các em ! Cám ơn tất cả các em… Tôi nói lớn giọng – gần như thét lên !

Tôi phải lập đi lập lại đến mấy lần, chúng mới yên lòng trở về chỗ ngồi. Tôi lấy một đóa Hồng gắn vào ngực áo mình, thầm cám ơn đám học trò đã nhắc cho tôi nhớ niềm vinh hạnh lớn lao trong cuộc đời mình: Tôi còn có Mẹ ! Đồng thời, tôi cũng ngậm ngùi nghĩ rằng, trong đám học trò nghèo khó, thơ dại trước mắt tôi – đã có nhiều em không còn mẹ bên cạnh đời mình nữa.

Sau buổi dạy, tôi gom hết mấy chục đóa Hồng, mang về nhà. Người đầu tiên tôi tặng lại hoa là mẹ tôi. Bà cầm đóa hoa, ánh mắt bỗng sáng lên – rồi long lanh giọt lệ! Tôi thoáng ngỡ ngàng, im lặng trước những giọt nước mắt của mẹ. Mẹ tôi khóc vì bà đã nhớ mẹ xưa? Mẹ khóc vì nghĩ đến ngày không còn bên tôi? Tôi hân hoan tặng hoa cho ba tôi. Tặng cho các em tôi. Hoa Hồng rực rỡ trong phòng khách, bàn học, còn được cắm trên mấy khung ảnh dọc vách tường nữa … Tôi nhìn hoa, thoáng nghĩ : “Chưa bao giờ mình được tặng hoa nhiều như thế này, có nhiều tiền dễ gì mua được niềm vinh hạnh này nhỉ? “.

Mùa hè năm sau tôi ra trường, xin dạy tại trường PTTH Krong But – tỉnh Đăk Lăk. Ý nguyện của tôi là được dạy gần nhà, có thời gian chăm sóc cho ba mẹ, các em và nhất là được tiếp tục dạy thêm ở lớp học tình thương Từ Nhẫn. Tuy vậy, mọi việc trong đời dường như ít khi đến với ta như sở nguyện: Tôi không chen nổi ở một ngôi trường nào trong thị trấn, trong huyện, dầu tôi đã phấn đấu tốt nghiệp với loại giỏi!

Từ thưở nhỏ, được sống quanh quẩn ở thị xã miền duyên hải; lên đến Cao nguyên tôi cảm thấy như có một sức hấp dẫn thầm kín, mới lạ. Ở Krong But, cỏ cây, núi rừng, bầu trời … đều như xanh hơn, trong sáng hơn, và cũng “có hồn” hơn. Tôi như một cánh chim biển bay lạc lên Cao nguyên – luôn cảm thấy ngơ ngác trước bao điều mới lạ. Tôi thầm nghĩ: Mai kia, có khi nào tôi sẽ là cư dân thường trú ở cái thị trấn cheo leo giữa núi đồi bát ngát này không nhỉ ?

Mấy tháng đầu tôi nhớ nhà quá chừng. Nói rõ là nhớ ba mẹ tôi, các em tôi – nhớ cuộc sống được chở che, được chia sẻ trong một mái gia đình … Đi xa, tôi thiếu nhiều thứ, và cũng nhớ nhiều thứ. Tôi là một cánh chim đang chuyền cành, rời tổ. Tôi đang bước từng bước rụt rè đi vào cuộc đời tôi với nỗi tiếc nhớ mênh mang.

Tôi dành thời gian để viết thư về nhà cho ba mẹ tôi, nói đến sự cô độc, nỗi buồn, mỗi chiều đứng ở hiên trường hay từ cửa sổ phòng trọ nhìn ánh mặt trời khuất dần bên dãy núi đen sẫm. Đôi lúc, tôi cũng đã bày tỏ sự mong muốn trở về bên gia đình như chấp nhận sự thất bại. Nói tóm lại, tôi viết miên man, viết đủ thứ chuyện, để hy vọng vơi đi nỗi buồn trống vắng …

Cuối cùng, những lời khuyên nhủ và động viên của ba tôi, đã kéo dần tôi trở lại cuộc sống bình thường. Trong một thư, ba tôi dặn : “… Con đừng để sự buồn phiền nhàn rỗi làm hư hỏng mình. Con hãy tìm niềm vui trong công việc bên cuộc sống quanh con đang chờ đợi…”. Một buổi chiều, tôi ngồi nắn nót viết lại lời Đức Phật dạy mà ba tôi đã từng đọc cho tôi nghe: “Tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác”. Hôm sau, lại viết thêm lời này trên tấm bìa cứng, dựng ngay trước bàn làm việc : “Une vie oisive est une mort anticipée” (Một đời sống nhàn rỗi là một cái chết trước kỳ hạn) của Woefgang – Goethe.

Bốn năm trôi qua – thời gian hơn một ngàn bốn trăm ngày tuy không dài, nhưng đời tôi đã phải trải qua những biến động, đổi thay, không thể tưởng tượng nỗi: Mẹ tôi mất. Rồi sau đó không lâu, cha tôi bị tai biến mạch máu não – phải tập đi bằng dụng cụ chuyên dùng. Tôi bị chao đảo, bồng bềnh, như con thuyền trước bão. Ý nghĩ xin nghĩ dạy lại trở về, bởi vì, ba tôi đang cần có tôi bên cạnh. Nghĩ đến những bước chân xiêu vẹo, run rẩy, mỗi sáng ba tôi tập đi lại trước sân nhà bên cạnh đứa em; lòng tôi càng se thắt, đớn đau. Biết được dự định cuả tôi, ba tôi đã nghiêm khắc dạy : “Con đừng quá yếu đuối như vậy! Con hãy tiếp tục những bước đi của con. Việc nhà đã có các dì phụ giúp, đã có cô bác, bà con xóm giềng; đời sống, hạnh phúc của con là của ba!”.

Tôi đã tiếp tục bước đi của tôi, nhưng làm sao có thể xóa tan nỗi buồn đau khi tôi hãy còn quá trẻ? Tôi mãi mê bên công việc như một cách để tự rèn luyện, và an ủi mình. Ngoài những giờ lên lớp, tôi tham gia sinh hoạt trong gia đình Phật tử Liên Hoa của khuôn hội thị trấn; luôn có mặt trong các chuyến công tác từ thiện xã hội; xin dạy Văn (và Anh Văn) cho lớp Sơ cấp Phật học của huyện. Khi có dịp, tôi cũng đã tham dự các khóa Bát quan trai một hai ngày; công việc đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui thật bất ngờ.

Một trong những niềm vui ấy là tôi đã gặp Viên – người bạn đồng nghiệp, nhưng dạy khác trường với tôi trong một chuyến cứu trợ ở một bản xa. Buổi trưa giữa rừng, chúng tôi đã ngồi bên nhau ở triền suối; Viên đã chân thành kể về đời anh cho tôi như với một người thân yêu: Nhìn ánh mắt, nghe giọng nói trầm ấm của anh; tôi nghĩ, anh thèm muốn nói chuyện, tâm sự, như chưa bao giờ được bộc bạch cùng ai. Tôi biết được anh hiện đang sống với gia đình một người chị, anh mồ côi cả cha mẹ từ thuở còn rất nhỏ, anh đã theo chị lưu lạc lên Đăk Lăk rồi đến Krông Bút nhiều chục năm… Anh kể lại đời mình một cách tự nhiên, không dấu diếm, cũng không chút mặc cảm . Ngồi nghe anh, mà tôi như nghe rõ nỗi xao xuyến thăng trầm của chính cuộc đời mình! Anh đã chiếm trọn trái tim đang trống trải, ưu phiền của tôi mất rồi! Tôi có cảm giác như hơi thở anh, giọng nói anh, đã truyền vào tôi hơi ấm nồng nàn, tươi mát, khó quên!

Từ ngày được gần anh, có anh – tôi càng yêu mến cuộc đất tràn ngập nắng gió nghèo khó này hơn bao giờ hết. Tôi thầm phục nhà thơ Chế Lan Viên, khi ông viết : “Tình yêu làm đất lạ hóa Quê hương”. Quả thật vậy, tình yêu thương của Viên đã bắt đầu làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã không còn chút phân vân, e ngại trên mỗi bước chân đi trên cuộc đất hiu quạnh, xa lạ nầy như xưa nữa. Nổi quyến rủ nhẹ nhàng của núi rừng, trời mây quanh tôi, như càng siết chặt lấy tôi, từng ngày qua…

Vào một buổi sáng sớm ngày chủ nhật núi rừng còn ấp ủ một màn sương mờ đục; Viên đã đến gõ cửa phòng trọ của tôi, trên tay cầm hai đóa hoa hồng trắng. Gặp anh, tôi rất đỗi ngạc nhiên – đang phân vân ngơ ngác, thì anh đã cười :
– Còn hai hôm nữa mới đến Vu Lan, nhưng chiều qua đi dạy về, trông thấy có hoa hồng trắng đẹp, anh chọn hai đóa tặng em …

Tôi cố che giấu niềm xúc động – giọng có vẻ như thờ ơ, lạnh lùng:
– Thứ ba mới đến Rằm cơ mà!

Nói xong, tôi chợt nhận ra, nỗi buồn thầm lặng se thắt bấy lâu, đang bắt đầu trỗi dậy. Ánh mắt ngời sáng, chợt long lanh đôi hạt lệ của mẹ khi tôi mang hoa hồng ở lớp học tình thương chùa Từ Nhẫn về tặng cho bà, bỗng hiện về như hai mũi kim sâu thấu tim tôi. Viên nhìn tôi lặng đi trong giây phút, có lẽ anh cũng đã nhận ra trên gương mặt, đôi mắt tôi, một nỗi nhớ thương sâu khuất? Một nỗi cô độc lặng thầm của kiếp nhân sinh?

Viên cầm lấy tay tôi. Đặt hai đóa hoa hồng trắng vào giữa lòng bàn tay tôi – giọng anh vừa chân thành, vừa cố ý vỗ về tôi: “Anh phải tặng hoa cho em trước, nếu không, lỡ có người tặng hoa cho em trước mất thì sao? “.

Cầm hai đóa hồng trắng, mà tâm trí tôi lại choáng ngợp bỡi một màu hồng rực rỡ tươi thắm của mùa Vu Lan năm nào ở lớp học Từ Nhẫn. Những đóa hồng nồng nàn kia sẽ mãi mãi không còn được ở trên ngực áo tôi nữa, mà sẽ được thay vào – ngay giữa tim tôi, những đóa hồng trắng lạnh lẽo và u buồn !

Tôi gắn một đóa hồng trắng lên túi áo Viên – giọng rưng rưng chực khóc : “Em xin tặng anh, chúng ta sẽ cùng chia sẻ niềm bất hạnh cho đến hết cuộc đời…”

Mang Viên Long