Huy Phương

Huy Phương Gốc

Tìm Bạn Tri Âm

Ngày 21 tháng 6 vừa qua, truyền thông Mỹ vừa loan tin cô nữ sinh Katherine Lester, 16 tuổi, “tìm bạn tri âm” qua website đã phải lòng anh chàng người Palestine Abdulad Jinzawi, 20 tuổi. Cô định lên máy bay sang Jesuralem, nhưng đã bị nhà chức trách Hoa Kỳ giữ lại vì lý do an ninh. Nguồn tin cho biết có 87 triệu người vào trang Myspace.com để tìm bạn, trong đó có tới 20 triệu là tuổi choai choai như cô nữ sinh người Mỹ kể trên.
Tại Úc đã có 4,5 triệu người độc thân đã tìm đến việc hẹn hò qua internet. Match.com và RSVP, mỗi website có hơn hai triệu thành viên, và những thành viên này, ngày nay đã có đôi thành vợ thành chồng. Giám đốc điều hành những website này đã cho biết số người tìm bạn tăng rất nhanh trong vòng ba năm trở lại đây. Tuổi kết hôn của một người bình thường là từ 27 đến 29 tuổi, nhưng trong tuổi này, người ta lại quá bận rộn với những công việc sinh kế hằng ngày, ngoài thương trường hay trong công sở, nên ít có cơ hội giao tiếp với người khác phái để tìm hiểu và dẫn nhau tới hôn nhân. Vì vậy internet là cơ hội dễ dàng để những người này vào, trao đổi, tìm hiểu và cuối cùng đồng ý một chỗ hẹn hò. Trong nhiều năm qua, nhiều tội ác đã xẩy ra vì trao đổi trên internet, nhưng đó chỉ là con số nhỏ, nhu cầu trao đổi tìm bạn, tìm người để đi đến hôn nhân trên internet vẫn cần thiết.
Phụ nữ thường ở thế thụ động, nhưng internet chính là nơi để cho quý bà quýù cô chủ động khi đưa hồ sơ mình lên net và sẵn sàng liên lạc với đối tượng nào mà họ thấy thích.
Ngày xưa, cách đây nửa thế kỷ, lúc chưa có internet, và ngay cả bây giờ tại trong và ngoài nước, đối với một số đông còn ít xử dụng tới internet, thì những dòng chữ trên báo vẫn còn quý giá để người ta có cơ hội trao đổi, tìm hiểu và chọn một người tri kỷ hay là một người tình. Kết quả đi đến hôn nhân, đương nhiên cũng có thể có, nhưng với bản tính người Á Ðông, không ai muốn tiết lộ rằng mình lấy chồng hay lấy vợ là do mục “tìm bạn tri âm” trên báo chí.
Tôi nghĩ tờ Thẩm Mỹ là tờ báo đầu tiên ở Saigon, cũng có thể là ở Việt Nam mở ra mục Tìm Bạn Tri Âm, để làm nhịp cầu cho người ta tìm đến nhau bằng thư từ gởi theo lối cổ điển là qua bưu điện. Cho đến nửa thế kỷ sau, ở quê nhà hay ở hải ngoại, tìm bạn vẫn là một nhu cầu cần thiết cho những tâm hồn cô đơn, mặc dầu tiết mục đã đổi qua nhiều tên khác nhau: “Tìm Bạn Tri Kỷ”, “Tìm Nhau Qua Lá Thư Hồng”, “Kết Bạn Thư Tín”…
Ngày trước, không biết có bao nhiêu người trưởng thành phải cần đến mục Tìm Bạn Tri Âm để kiếm cho được một người tri kỷ trong cái quãng đời trống vắng của họ, nhưng cái bọn học sinh trung học chúng tôi thời ấy thằng nào cũng sung sướng có được một vài lá thư xanh xanh từ Saigon, Nha Trang hay từ Vạn Tượng, Nam Vang hồi âm. Vài tuần trước đó, bọn chúng tôi đã cố nắn nót viết một bức thư trên giấy pelure xanh để gởi tới địa chỉ một cô nàng nào đó trên báo Thẩm Mỹ, rồi ngày ngày ngóng chờ người phát thư đi qua nhà gọi tên. Lẽ cố nhiên không bao giờ dám để cho ông bố nghiêm khắc của mình biết chuyện, vì không lo học mà “tìm bạn tri âm”, cũng như không dám khoe với bạn bè. Về phía con gái thì những cô thiếu nữ con nhà giàu, đẹp đẽ, nết na, đã không thiếu những anh chàng đeo đuổi, có khi chưa học xong trung học, đã có người đưa xe hoa tới rước, cần gì phải mất công đi tìm người trong mộng qua tờ báo. Về phía con trai, thì những anh chàng có “3 chữ gi..” thời ấy là những chàng “học… giỏi, nhà… giàu, đẹp…giai” thì đâu cần đi tìm những người chưa biết mặt biết tên, như những chàng trai mơ mộng khác:“Chưa biết tên nàng, biết tuổi nàng,
mà sầu trong dạ đã mang mang”…(Huy Cận)
Ðất nước chúng ta, qua chiến tranh, ly biệt, đổi đời, con người gặp phải những hoàn cảnh đổ vỡ, ngang trái, nhiều người phải chịu cảnh cô đơn, nên trên mặt báo những mục tìm bạn tri âm, tri kỷ lúc nào cũng đông khách. Cũng có những trường hợp nam tìm nam, nữ tìm nữ, những thiếu phụ một lần đổ vỡ, những gái lỡ thời “chưa một lần kết hôn”, muốn tìm bạn trai “để sống nốt cuộc đời còn lại bên nhau”.
Năm 1975, sau khi bỏ nước ra đi, thi sĩ Cao Tần đã chán nản, đau xót kêu lên: “ta làm gì cho hết nửa đời sau?”. Thì đây là câu giải đáp trong mục “Tìm Bạn…”của một nam nhân 52 tuổi “thích dạo biển, dạo sông lúc hoàng hôn”: “ta dìu nhau đi cho hết 1/3 cuộc đời còn lại”, hay là của một single mom 50 tuổi :“nửa cuộc đời còn lại trao hết cho anh!”(nửa cuộc đời còn lại này chúng ta phải hiểu tính từ 50 đến chẵn 100 tuổi, vậy ai là người có lòng, xin đừng ngần ngại nữa!)
Không chỉ những thanh niên, thiếu nữ trung niên, dang dở cuộc đời, chính tuổi già đơn lẻ cũng cần tìm nơi nương tựa cuối đời. Không thiếu những ông cụ lục tuần, hay sắp sửa bước tới tuổi “cổ lai hy”, cũng có những lời nhắn tha thiết “tìm một bạn gái khoảng 50 tuổi nhưng vẫn còn say yêu.”!
Trên những dòng rao người ta tìm thấy một nền văn chương rất là mùi mẫn, ai oán làm xúc động lòng người, như bài thơ sau đây, vần điệu rất vững vàng:- “Sáu mươi xuân lẻ, vẫn đơn côi
Khuya sớm cày thuê trả nợ đời.
Ðất khách tào khang đà gẫy đổ
Quê nhà đơn độc, lệ đầy vơi.
Trần gian, nhi nữ ai tri kỷ
Chắp nối tơ duyên, trọn kiếp người”.
Khó mà tìm được trên các tờ báo tây hay trên internet, một dòng tìm bạn sang cả, đầy tính văn học như vậy, vì mỗi người Việt Nam là một thi sĩ. Ðiều đó thật không ngoa.
Bây giờ không phải chỉ ở hải ngoại tìm nhau, mà thấy nhiều cô gái ở Việt Nam, dư bằng cấp nhưng nuôi giấc mơ “đi lấy chồng xa”, mơ đi Mỹ, hèn chi con gái danh giá của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy Việt kiều Mỹ cũng phải. Qua lời rao chúng ta thấy: Ðại Học Ngoại Thương, Cử nhân Ðại Học Tổng Hợp, Cao Ðẳng Nha Khoa, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học, đang học Tiến sĩ, giáo sư Ðại Học Saigon- đăng báo ở đây để tìm chồng như lời rao sau đây:-“Tốt nghiệp đại học Anh Văn, ngoan hiền, mơ Mỹ Quốc. Thư đầu nhờ người bác ở Quận Cam chuyển”, -“Cao Ðẳng Nha Khoa Saigon, hiền ngoan, muốn làm quen với các anh có quốc tịch Mỹ, thật lòng muốn về Việt Nam cưới vợ”.
Các cô gái tại quốc nội tìm chồng, không phải trường hợp từng người, mà có những lời rao từng “chùm”, như “chùm thơ”, “chùm tư tưởng” theo ngôn ngữ trong nước: “Sáu cô gái, người miền trung, đang đi học tại Nha Trang, Saigon. Cha mẹ đang ở tỉnh X. Muốn tìm bạn trai, bên này, hợp ý, sẽ tiến tới hôn nhân…”
Ðang đi học xa nhà, mà đã muốn tìm chồng, đề nghị cha mẹ gọi về … đét đít.
Cũng có người ở hải ngoại đăng báo tìm chồng cho “một chùm” con cháu như sau: “Mình mới về Việt Nam thăm nhà, có ba đứa cháu tuổi từ 18 đến 22, hiền ngoan, thùy mị, đang học đại học muốn tìm bạn trai ở Mỹ, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, tuổi tác, miễn là có quốc tịch.”
Năm 1975, nhà nước Cộng Sản đã để cho chảy máu chất xám. Trí thức khoa bảng ùn ùn xuống tàu vượt biển vì không ưa chế độ Cộng Sản, bây giờ vì mơ Mỹ, nhiều cô tốt ghiệp đại học tại Việt Nam lại muốn bỏ nước ra đi theo con đường …tìm chồng. Không khéo lại xẩy ra một cuộc thất thoát chất xám thứ hai.
Ởû Mỹ này người ta bắt đầu sợ mập, nên trong lời rao cô nào cũng cẩn thận ghi hai tiếng “không mập”, còn đàn ông thì lại sợ bị chê lùn, nên anh nào cũng không quên nhắc hai tiếng “cao ráo”. Một anh chàng lại ghi trong lời rao: “Nam, mong tìm được một nàng không ngoài 54, dáng gầy gầy…”.
Những lời rao trên các trang tìm bạn, hay cả trên internet chưa chắc đã là những lời nói thật, có lẽ mọi người đều giảm cái xấu của mình đi một tí và tăng cái tốt của mình thêm lên. Chuyện xưa kể rằng, có một cô gái chẳng may bị vá môi, khi chụp ảnh gởi cho bạn, cô ngậm một đoá hoa hồng, trông “romantic” hết ý! Phía chàng trai, trời bắt có cái lưng gù, chàng gởi cho nàng một bức ảnh đang ngồi trên lưng ngựa đang phi, trông hùng dũng biết bao! Thế mà trên một mục rao tìm bạn, một cô nàng đã dám ghi rõ “dữ và xấu, nên bị chồng bỏ, muốn tìm người thích bị ăn hiếp…”
Có lẽ vì vậy, mà nhiều lời nhắn nhe đã vừa cảnh cáo, vừa năn nỉ : “xin đừng đùa giỡn mà tội nghiệp!”
Khi người đời còn có nhu cầu, thì những mục tìm bạn trên báo chí hay qua mạng vẫn còn cần thiết. Nhiều người lúc nhỏ đi học, ra trường đi làm, chạy theo nghề nghiệp hay có người còn phải lo bổn phận cho gia đình, như nhân vật “Người Anh Cả” trong tác phẩm của Lê Văn Trương, chưa bao giờ nghĩ tới hạnh phúc của cá nhân mình. Lúc nhìn lại, thì ngày tháng quá quạnh hiu mà tình cảnh quá cô độc. Mỗi người mỗi cảnh, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay!” Phải chăng hình phạt dành cho một người tù là sự cô độc, vậy xin những ai đang còn cô đơn khuya sớm một mình, nếu không chịu nỗi sự trống vắng, quạnh hiu xin đừng ngần ngại, vì “lời nhắn không quá 45 chữ, thư làm quen xin dán sẵn tem, kèm theo chi phiếu $5.00, xin gởi về…”
Xin các bạn yên tâm: “sẽ hồi âm, dù thư đến trễ…”

Tiếng Chim Buổi Sớm

Ngày bị đày ra tận Hoàng Liên Sơn, “lán” tù tôi ở bên một dòng suối nhỏ, đầu “lán” có một cây rừng, đến mùa hè hoa nở đỏ. Buổi sáng, tôi thường thức giấc sớm, nghe có con chim lạ đến hót những tiếng líu lo ở trên cành. Tôi nằm yên, quên hết phiền muộn, tận hưởng những âm thanh tuyệt diệu, âm thanh đầu tiên của một ngày. Để sau đó, không bao lâu, là tiếng kẻng tù gắt gỏng nổi lên giữa buổi sớm mai, bắt đầu một ngày lưu đày khốn khổ.

Ai cũng cho rằng khi nằm trên giường thì bắp thịt ta được nghỉ ngơi, nhịp tim đều đặn, hơi thở nhẹ nhàng, giác quan tinh tế hơn, và ta có thể tập trung tinh thần vào những cảm giác hay những ý tưởng của mình một cách tuyệt đối. Ông Lý Lạp Minh, một nhà văn Trung Quốc khuyên ta buổi sáng nên nằm giường mà nghe chim hót, là điều thú vị nhất. Tôi cũng đã hưởng được những giây ấy, mặc dù là ngắn ngủi. Ở thành phố hay thôn quê, đâu cũng có chim, chẳng qua là vì cuộc sống tất bật, chúng ta không để ý đó thôi.
Tôi còn nhớ Saigon, buổi sớm mai, những quãng đường như Hồng Thập Tự với những hàng cây cao đầy bóng mát, luôn luôn ríu rít tiếng chim kêu. Ngày ấy đời còn vui, chim còn đậu đất lành, tiếng động cơ của xe cộ hay tiếng xích lô máy nổ dòn dã cũng không đuổi hết đàn chim phải bay rời xa tổ. Ngày đất nước rã rời, phải lên tàu Sông Hương ra Bắc, những hôm phải vác một con dao lên những đồi tre, qua những cánh rừng, chặt chục cây mương hay kiếm mớ củi, cô đơn lầm lũi giữa làn cây, nghe tiếng chim kêu mới thấy nỗi sầu trong dạ.
Có những tiếng chim chiêm chiếp như tiếng gà con, bồi hồi nhớ đến đàn con còn bé dại ở quê nhà. Có tiếng chim cu gáy xa xa, đáp lại ở đâu đó tiếng đồng loại hoà điệu, nghĩ lại tấm thân cô đơn với nỗi buồn nơi xứ lạ. Rồi tiếng chim rừng khắc khoải “bắt cô trói cột” vẫn thường nghe mỗi trưa nơi rừng Việt Bắc, tiếng kêu kéo dài cho đến lúc nắng quái buổi chiều. Tiếng kêu đanh lại, nghe như gằn từng tiếng, theo đầu óc tưởng tượng của mỗi người với những hoàn cảnh riêng, như lời kêu thống thiết, oán thán, trách móc não nuột. Tiếng chim “bắt cô trói cột” nghe thành “hết cơm tới bột” còn chút khôi hài, đói rã họng “đói cơm đứt ruột” còn nghe lời động viên “khó khăn khắc phục” lập đi lập lại nghe tới nhàm chán. Nghĩ theo lời chim, mường tượng như nỗi than khóc “nhớ con đứt ruột”.
Rồi con chim “cuốc” lầm lũi đâu đó trong khóm lúa, bụi cây, vào cuối xuân hay đầu mùa hè, không hề biết hót mà kêu lên những tiếng khắc khoải, từng tiếng từng tiếng một, nghe ra não nùng, hờn oán của người “mất nước” phải khoanh tay, để “nhớ nước đau lòng con quốc quốc” (Bà Huyện Thanh Quan). Con chim này được gọi là Đỗ Quyên hay Từ Quy, theo tích xưa, là hoá thân của Vua Thục Đế, mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hoá thành con chim, cất lên những tiếng kêu não nùng. Tiếng chim “cuốc” nghe xót xa phù hợp tâm trạng người “mất nước” phải xuống tàu đày đi biệt xứ. Nhớ lại câu thơ của Chu Mạnh Trinh:
“Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.”
Cung miếu triều xưa nay vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải “cuốc” kêu thâu.
(Tiên Đàm dịch)
Hay của tướng trung liệt Phan Thanh Giản:
“Ải Bắc ngày chờ tin nhạn vắng,
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu!”
Còn loài “chim quyên” khác ta thường thấy là một loài chim nhỏ, có bộ lông óng ánh, nâu pha đốt đỏ, có tiếng hót rất hay, thường vào ban trưa ở trong bụi hay đầu hồi nhà. Nhưng không hiểu tại sao người ta lại đánh giá cao để ví chim quyên cao như người quân tử, quân tử sao mà sa cơ, như “chim quyên xuống đất ăn trùn, anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than”.
Gà là loại cầm, nó không biết hót, nhưng con gà trống có tiếng gáy vào buổi ban trưa làm cho người ta nhớ đến bao nhiêu điều: “hiu hắt gà trưa gáy não nùng”. (Lưu Trong Lư)
Nhà văn Lâm Ngữ Đường thích nghe tiếng kêu của một loại “gà nô” ( tiếng Tàu còn gọi là “giá cô”). Nói là giống gà nhưng nó hót như chim. Tiếng hót có bốn âm do, re, mi … âm mi kéo dài hai ba nốt, ngưng hẳn một tí, rồi tiếp theo bằng một nốt thấp hơn. Giống chim này có nhiều ở phía Nam Trung Quốc, hót trễ vì đây là một giống chim dạn dĩ, không sợ giàng thun bọn trẻ, trái lại hầu hết loại chim khác đều hót sớm vì sợ loài người ác độc. Có khi chúng bặt tiếng luôn vì lưới bẫy giăng khắp nơi, ví lưới chim đem ra chợ bán là một nghề mới kiếm cơm.
Tiếng hót của giống gà nô này có ba âm và âm cuối kéo dài, có người nghe là “chè, xôi, chuối … thịt”, âm thịt kéo dài ra, thấp xuống rồi ngưng bặt (theo Nguyễn Hiến Lê). Nghe giống như ý nghĩ mấy ông xôi thịt làng xã ngày trước và ngay cả hôm nay. Giống chim này ở Việt Nam cũng có, thời Tây thuộc tôi có nghe người ta nhại tiếng chim là “père, mère, frère … tout est perdu” (cha mẹ anh em mất cả rồi). Nghe ra ngậm ngùi làm sao, như sau một trận hồng thủy, chiến tranh… như một câu oán than: “cha mẹ già đã khuất núi, quê hương đã thất lạc, mộng ước đã tàn phai …” (Bùi Bích Hà).
Tôi có người bạn già vẫn bị người ta chê là đã vì tự do mà bỏ xứ, sao bây giờ lại giam cầm bao nhiêu loại chim trong khu vườn nhỏ, gây nên cảnh “chim lồng cá chậu”, khuya sớm lo quạt nồng, ấp lạnh, vất vả tấm thân già. Nhưng bù lại, bạn tôi hưởng được cái thú ở đời là mỗi buổi mai thức giấc nằm nướng trên giường nghe tiếng chim khướu hót ngoài hiên. Những buổi sáng đầu mùa hè, tiếng chim sơn ca (chiền chiện) trong ánh sáng mờ mờ của buổi rạng đông đã bắt đầu cất tiếng hót. Những lúc sung sức, ăn uống đầy đủ giọng sơn ca “luyến láy” tuyệt vời, nói theo danh từ làng ca kỹ. Ban trưa, khi trời nắng ấm là lúc những con chim khoen (gọi là vành khuyên vì trên mắt chim có hai vòng khoen trắng) rộn ràng tiếng hót. Buổi tối nếu trong nhà còn đèn sáng, sơn ca vẫn còn cất tiếng, khi có tiếng nhạc ồn ào, thì giống chim khuyên cũng líu lo tưng bừng. Ban trưa nắng, trời ấm nghe tiếng chim cu gù. Những đêm trăng, chúng ta còn nghe tiếng chim “mocking bird” kêu, một loại chim có rất nhiều trên đất Mỹ. Dù là giống chim trời của bốn phương, nhưng giống chim cùng loại đậu ở đâu cũng hót tiếng như nhau, nên người chơi chim còn nghe được chút âm thanh quê hương đâu đó. Hoạ Mi, khướu và những giống chim Á Đông đã theo những người nuôi chim bằng nhiều con đường khác nhau, sang đến miền đất này, để khuya sớm chuyện trò với gia chủ bên tách trà buổi sớm.
Trời đất yêu loài chim nên tạo ra rừng cây, loài người yêu chim thì phát minh ra cái lồng. Ông Trịnh Bản Kiều bên Tàu, ngày xưa khuyên em ông đừng bao giờ nhốt chim trong lồng, vì chúng ta nên dung hoà với thiên nhiên và vui với vạn vật. Ông cho rằng không phải vì không yêu chim mà ông khuyên em đừng nhốt chim trong lồng, nhưng vì có cái đạo yêu chim và nuôi chim. Muốn nuôi chim thì trồng vài trăm cây chung quanh vườn nhà để chim tìm tới làm tổ. Buổi sáng tỉnh giấc, còn trăn trở trên giường mà nghe tiếng chim hót thì còn gì thần tiên bằng. Lúc đã xuống giường, mặc áo, đánh răng súc miệng, uống trà, còn thấy chim vỗ cánh rực rỡ, bay qua bay lại thì cái vui nhìn chim trong lồng đâu có so sánh được.
Ở trên đời này ai cũng ghét giọng con chim cú, nhất là chim cú kêu nửa đêm, để người ta miệt thị là “cú giòm nhà” hay “cú kêu nhà bệnh”. Cũng là loài chim, nhưng chúng lại không có tiếng hót của trời cho, mà chỉ có tiếng kêu như giống ngan ngỗng tầm thường. Một loài chim khác chỉ biết kêu hay nói, là giống vẹt. Chúng mang màu sắc sặc sỡ như xiêm áo của bà đồng cốt, tiếng kêu chát chúa chói tai mà nhiều người vẫn thích do cái tài bắt chước ngọng nghịu tiếng nói của loài người, đó là “nói như vẹt”. Đến thăm nhà nuôi vẹt, nghe tiếng vẹt nói ngộ nghĩnh, chúng ta thường cất tiếng cười hỉ hả, nhưng giống vẹt lại cho đó là tiếng tán thưởng vì giọng nói ngô nghê, sao chép vô nghĩa của nó. Ta có bao nhiêu giọng nói quen thuộc, chúng ta chưa đến nỗi thiếu giọng người, thế mà cũng có người thích giọng vẹt-người.
Những ngày mới đến Mỹ, tôi có nhận thấy ở Mỹ có nhiều bầy quạ đen. Chúng kêu loét choét sau vườn, nhiều khi sà cả bầy xuống sân cỏ. Tôi cho đây là loại chim vô tích sự. Người đời quý màu sắc, mà loài quạ chỉ mỗi màu đen. Người ta thích tiếng hót mà loài quạ chỉ biết kêu. Ai cũng thích sự hiếm quý, mà loài quạ bay đến từng đàn, đuổi đi không hết. Vậy mà nhà thơ Trương Kế của Trung Hoa ngày xưa, nửa đêm nghe tiếng quạ kêu cũng sinh tình làm bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” bất hủ. (Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên…)
Trong khi trái đất này còn quá nhiều loại quạ, vẹt, cú, kên kên… mà chúng ta còn nghe được có tiếng chim hót, hạnh phúc biết bao! Nếu bạn ở trong một vùng vắng tiếng xe, một buổi sớm mai nào đó, thức giấc, nằm yên trên giường, xin im lặng, thử tìm nghe có tiếng con chim nào đến hót trên cành cây ở đầu nhà không?

Huy Phương