Hoàng Ánh Nguyệt

Hoàng Ánh Nguyệt

Đời Màu Hồng

Niềm vui có bạn tâm giao
Xoá bao ẩn ức gió gào qua song
Cuộc đời như mớ bòng bong
Thoáng buồn giây phút chìm trong luân hồi

Ta về đổ nắng ra phơi
Đổ trăng ra đếm đổ lời ra đong
Đổ bao vướng vít trong lòng
Giúp ta lấp được khoảng không bên trời

Giá ta là áng mây trôi
Dần tan trong gió mà thôi muộn phiền
Chẳng mong lắm của nhiều tiền
Sắc không, không sắc, hồn nhiên vui cười

Cho đi phiền muộn xa trôi
Cho tình thơ sáng khắp trời tương lai
Vui lên ta cứ mơ say
Tri âm trao chuốt cùng ai đôi dòng

Xô niềm Vô, Hữu long đong
Đời xinh như mộng thỏa lòng ước mơ
Khách thi xin chớ hững hờ
Tiếng thơ hòa nhịp đón chờ Tao Nhân!.

Cảm Thông

Trăm năm ủ mộng bên trời
Công hầu rũ áo… chợ đời lỡ duyên
Tội tù… đành lỗi ước nguyền
Ngàn năm mãi nguyện giữ nguyên lời thề

Dù xa mấy dặm sơn khê
Tấm lòng ưu ái hằng về cố hương
Hồn mơ giây phút tương phùng
Bên em… trang trải tận cùng… đam mê

Nửa vòng trái đất… xa quê
Nhìn trăng viễn xứ…. bốn bề quanh hiu
Niềm riêng gửi mộng vào chiều
Vần thơ định mệnh cuốn theo biển đời

Những trang sầu hận của người
Khiến cho… một kẻ bùi ngùi cảm thông
Xin người thoải mái… phiêu bồng
Cho thơ nhẹ cánh chín tầng trời cao…

Tình Xuân

Mới đó mà nay xuân đã sang
Nhớ xuân quê cũ nhớ mai vàng
Xuân về vạn cánh hoa đua nở
Tiễn tiết đông tàn dạ ngỗn ngang

Xuân nữa lại về trong mắt em
Lung linh màu nắng toả bên thềm
Tình xuân đất khách càng tha thiết
Trao gởi lời thương những nỗi niềm!

Rộn rã xuân về nhớ cố hương
Lòng nghe canh cánh nỗi đau thương
Biên Hòa quê cũ còn mơ mãi
Khát vọng sum vầy khách viễn phương

Sự Chung Thủy
Trong Thơ Dương Quân

Trước hết nói đến thơ là phải nói đến những niềm vui, nỗi đam mê, là thành tựu cao của phong cách nghệ thuật, của người yêu thơ “ Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm” (Voltaire). Cảm nhận cái đẹp, cái đẹp trong văn chương thi phú bao đời nay luôn luôn là cái đẹp hấp dẫn, phải có nhân cách mới biểu hiện được một nhân cách con người. Tâm hồn con người là cả một thế giới phong phú. Mà thơ là sản phẩm của tâm hồn, nên mang nhiều những điều kỳ diệu.
Trong cuộc sống, không phải ai cũng làm được thơ, mặc dù trong mỗi con người mà tạo hóa sinh ra đều ít nhiều có chất thi sĩ. Làm thơ đã khó, làm thơ hay lại càng khó hơn. Ngay ở những nhà thơ lớn, không phải bài nào cũng hay. Bởi thơ ca là một sáng tác “ đặc biệt”, rất “cá thể” là địa hạt của ước mơ, nhưng nó phải gắn liền với thực tại, nhất là trong cuộc sống có nhiều những muộn phiền này.
Trên chặng đường ngót nửa thế kỷ làm thơ của anh Dương Quân với lòng mộc mạc, thiết tha đã xuất hiện những bài thơ về tình yêu, yêu nhiều và thất bại không ít, có lúc thất tình nhưng chỉ trong thơ thôi.
Tình trong thơ anh Dương Quân thì trăm hình vạn trạng: Tình say đắm, tình thoáng qua, tình gần gủi, tình xa xôi, tình thế gian, tình tiên giới lẫn tình đã khuất… Vì người trong mộng, trong thơ, đến cả người ngoài đời, đôi khi có những khoảng cách khó khăn. Do đó tình yêu của Dương Quân có nhiều bài đượm buồn đến chua chát lẫn đắng cay và nuối tiếc. Thơ anh luôn nói nhiều đến cái hữu hình và vô hình. Ở đó vừa là mộng vừa là thực.
Trong thơ anh Dương Quân cho thấy cái đáng nói ở đây là luôn thể hiện lòng chung thủy, chung thủy với gia đình, chung thủy với tình yêu đôi lứa, với hoàn cảnh, với bạn bè, quê hương, chờ người ra đi và hứa hẹn đợi người còn ở quê nhà, chung thủy vì thân phận, tất cả những nhân vật trong thơ anh đều có chung sự chung thủy rất trọn vẹn, thật tuyệt vời.
Tôi đã đọc hầu hết những bài thơ trong bốn tập thơ của anh Dương Quân đã để lại trong tôi cái cảm khái. Những bài thơ với hồn thơ đẹp, ý thơ đằm thắm, tình thơ chân thành, Trong mỗi bài thơ tôi đọc đều thấy một tấm lòng, một nỗi niềm, một ước vọng, một khao khát riêng. Tôi không phải là người bình thơ, nhưng cũng tìm thấy nét rất riêng cũng như tiếp nhận được có một sự gần gũi cho mình.Tôi chỉ xin nêu vài nhận xét tiêu biểu một số bài thơ trong bốn tập thơ về Sự Chung Thủy Trong Thơ Dương Quân:

Tình gia đình:

Anh có những nỗi niềm. Ấy là sự ray rứt, xót xa lẫn ân hận, bài thơ viết từ những rung cảm sâu xa về cuộc chia ly da diết, điều mà mỗi người không thể tránh khỏi trong cuộc đời, thường là chứa đựng tâm trạng đau buồn và mất mát. Bi kịch của cuộc đời thăng trầm, anh đã thể hiện thật đầy đủ trong bài thơ “Đêm Giao Thừa Trong Trại Cải Tạo Quảng Ninh”:
Từ buổi xa nhà đi cải tạo
Xuân nầy thắm thoát đã ba xuân
Vì chưng mất nước nên tù tội
Giam hãm đời trai giữa núi rừng
Vì mất nước nên đành chấp nhận thân tù tội, giam hãm đời trai khi công danh chưa toại, với nỗi đau luôn giằng xé cõi lòng. Từ suy tư ngậm ngùi tác giả kẻ tha phương, nghĩ tới số phận mình càng ngậm ngùi hơn, đáng thương hơn với nỗi trăn trở nhớ quê mang nặng tình nghĩa với người vợ hiền, một mối tình đẹp và sâu sắc, và anh luôn tự hỏi có phải:
Có phải đêm nay dưới mái nhà
Vợ hiền đang nhớ đến người xa
Lật từng kỷ niệm trang thơ cũ
Ôn lại tâm tình xưa thiết tha
Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu thắc mắc, sống ở cõi đời đầy chông gai, con người không nguôi nuối tiếc, lật từng trang thơ cũ để nhớ lại tình xưa, đau buồn từ những mất mát:
Hay nhà đã bị tịch thu rồi?
Hay là thất thểu tự ngàn phương?
Hay là mẹ đã bước sang ngang?
….
Cuộc sống là sự liên tục, từ trạng thái này sang trạng thái khác, là bấy nhiêu nỗi dằn vặt tâm hồn, da diết đến dường nào! thật oái oăm. Còn bao nhiêu tưởng tượng “Hay là”, là nguồn gốc đau xót trong anh, giữa cuộc đời tù tội, tương lai mờ mịt này liệu tình em có còn đậm như xưa, thương xót biếtbao, thêm vào đó trái tim khao khát yêu gia đình mà không được trọn vẹn, càng nghĩ lại luôn trĩu nặng nỗi buồn :
Hay là đất ẩm phủ khăn sô?
Lạnh lẽo tàn đông mấy nấm mồ
Con trẻ cùng chôn vùi với mẹ
Cỏ gà héo úa mọc lơ thơ
Cảm giác thật đau buồn chất chứa gởi trong vần điệu hoài nghi “ Hay là đất ẩm phủ khăn sô?” trong các từ gợi hình ấy, biết rằng cảnh tù đày xa xứ không hẹn ngày trở về, nhưng vẫn hy vọng và mơ ước:
Rồi mai, xuân cũng đến mười phương
Ta chúc gì nhau lúc đoạn trường
Có phải điều ta mơ ước nhất:
“ Gia đình sum họp vẹn yêu thương”
(Đêm Giao Thừa Trong Trại Cải Tạo Quảng Ninh – Trang 30 Điểm Hẹn Sau Cùng)
Tâm trạng hầu hết đều có chung hoàn cảnh khởi đi từ cuộc chiến, trải qua biết bao bi thương nhọc nhằn, của những người cùng thân phận tù tội, hoang mang nhưng vẫn thiết tha gia đình sum họp.
Bài thơ “Đêm Giao Thừa Trong Trại Cải Tạo Quảng Ninh”, được anh Dương Quân viết bằng lối thơ bảy chữ, niêm luật chặt chẽ. Bài thơ đã làm rung động người đọc, nhưng cũng đã gieo vào tâm hồn những bạn tù đồng cảnh ngộ một niềm tin ”Có phải điều ta mơ ước nhất. Gia đình sum họp vẹn yêu thương”. Mỗi lời, mỗi ý thơ biểu hiện một cách thấm thía khiến cho người đọc xót xa, ý nghĩa bài thơ đằm thắm tình đời, tình người, người đọc thấy ở đó hiện ra những tâm tư khác nhau, nhưng cũng cùng gặp nhau ở chỗ trân trọng cuộc sống, với những nét tinh tế, với những yêu thương, mơ ước và với bằng tất cả nước mắt …Cho nên bài thơ bao giờ cũng có tính chất ngậm ngùi, bâng khuâng, vì thế cho thấy bài thơ càng hay…
Hình ảnh cuộc đời cũng như cho đến tình chị em trong thơ anh Dương Quân có một sự tha thiết đến dường nào:
Mai em sẽ trở về thăm chị
Đón chuyến xe chiều chắc khách thưa
Vẫn trắng tay em, không hành lý
Vườn nhà, giếng cũ…có như xưa?
(Về Thăm Chị – Ttrang 47 Chập Chờn Cơn Mê)
Đối với anh Dương Quân sự cách trở bao giờ cũng cho thấy tín hiệu của lòng yêu thương nhớ nhung về những kỷ niệm, với người chị ở quê nhà, Về thăm chị nhưng có một nỗi băn khoăn “Vẫn trắng tay em, không hành lý” Vì những suy nghĩ buồn vui, nhớ nhung của chính mình, của cuộc đời, luôn luôn làm anh trăn trở, nhiều câu tiêu biểu cho lối xúc cảm thời tác giả còn cắp sách đến trường, đó chính là cảnh ngộ thực :
Chị hiểu rằng em thiếu bạc tiền
Mấy lần mua sắm gởi cho em
Nhận quà, sách vở, em thương chị
Mỗi tối chong đèn học trắng đêm
(Chị Học Trò – Trang 51 Chập Chờn Cơn Mê)
Qua thơ anh Dương Quân . Đặc diểm đáng được đề cao đó là tinh thần trách nhiệm với gia đình luôn có sức rung động riêng:
Nay về thăm nữa chị Tâm ơi!
Nhà lạnh vườn hoang cũng lạnh rồi
Trông trước , nhìn sau, buồn bã quá
Ngậm ngùi thương chị, biết sao vơi.
(Thăm Chị – Trang 55 Chập Chờn Cơn Mê)
Cho thấy một nỗi đau mất mát người thân,với nỗi lòng thảng thốt, lâng lâng . Gây xúc động cho người đọc. Đọc thơ anh , ta gặp những cung bậc đa thanh về nỗi đau tâm hồn. Một đặc điểm đáng được nhắc đến trong bài thơ “Thư Cuối Cùng”:
Quê người em vẫn thương về Chị
Dành dụm gởi tiền cho chị tiêu
Chị lại góa chồng – buồn héo hắt
Bàn thờ, bóng Chị đổ xiêu xiêu
Nỗi hiu hắt thương cảm, khi hay tin chị đã qua đời, tác giả đã bôc lộ một tình cảm thiết tha với người chị mến thương, cùng với bao kỷ niêm thời thơ ấu, những lời thơ làm người đọc nghẹn ngào:
Thế nào em cũng về thăm Chị
Nấm mộ vườn sau – Chỗ Chị nằm
Thắp nén trầm hương – em khấn nguyện
Ngậm ngùi: Vĩnh biệt Chị! Ngàn năm!
(Thư Cuối Cùng – Trang 46 Điểm Hẹn Sau Cùng)
Ý nghĩa bài thơ không vơi cạn ở đó, người đọc thấy ở đó hiện ra những tâm tư khác nhau, nhưng cùng gặp nhau ở chỗ trân trọng.
Tâm hồn anh Dương Quân luôn khát khao, niềm thiết tha về cuộc sống . Yêu gia đình, yêu cuộc sống. Trong bài thơ “Cọp Lấy Chồng”, một bài thơ với nhiều nỗi nhớ, liên tưởng tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ, anh đã nhắc lại thời tuổi trẻ, bâng khuâng nuối tiếc tháng ngày qua với những nỗi buồn ngày cọp đi lấy chồng, cho ta cái cảm giác những hình ảnh đẹp của một gia đình hạnh phúc nay không còn:
Thế rồi ba phải bỏ quê hương
Cuộc sống lưu vong vạn dặm trường
Nơm nớp lo về con gái rượu
Lại nhằm tuổi Cọp khó ai thương.
Trải qua những nhọc nhằn trong nỗi buồn tha phương, đọc thơ anh Dương Quân một hồn thơ ý thức diễn tả tinh tế và thấm thía, khi nghe tin cô con gái rượu Vu Qui:
Mẹ hiền tổ chức Lễ Vu Qui
Ba ở phương trời nên vắng mặt
Rượu mừng Ba chẳng được nâng ly…
… Thương con Cọp nhỏ buổi Vu Qui
Ba viết bài thơ vội nhắn về
Thay của hồi môn, thay kỷ vật
Thay màu pháo đỏ tiễn con đi
Anh ở phương trời xa tít nên vắng mặt, tuy nhiên khi nghe con gái Vu Qui anh thấy trong lòng tràn hạnh phúc, trộn lẫn niềm đau. Nhưng anh không quên có mấy lời dặn dò con gái:
… Mấy lời Ba muốn dặn dò con
Vun quén tình yêu thật vẹn toàn
Chung Thủy là nền xây Hạnh Phúc
Thăng trầm vẫn giữ tấm lòng son.
(Cọp Lấy Chồng – Trang 83 Như Thật Như Mơ)
Tác giả minh thị tất cả đều Chung Thủy, và thơ anh luôn ca ngợi lòng “Chung Thủy là nền xây Hạnh Phúc”. Nền có vững thì Hạnh Phúc mới bền, mới chắc chắn được.
Quỳnh Hương không khỏi không cảm động, trong cả bài thơ anh Dương Quân dựng chân dung khá độc đáo, nhất là những câu làm Quỳnh Hương nghẹn ngào, lời thơ bình dị nhưng, rất điển hình và nhiều xúc cảm.

Tình Yêu .

Những hình ảnh xưa cũ, mỗi nỗi nhớ đều mang âm hưởng tình nghĩa, thủy chung, nhớ thương đến day dứt lòng. Trong tình yêu của anh có cái gì lung linh anh hồi tưởng:
Thuở ấy một lần xa phố cũ
Tôi rời đô thị đến An Xuyên
Chân trời cuối Việt xa thăm thẳm
Không có người thân, chẳng bạn hiền
Vì công vụ nên anh phải rời đô thị đến tận chân trời cuối Việt xa thăm thẳm. Bởi trong người trai trẻ tuổi này, lòng khát khao giao cảm với cuộc đời rất mãnh liệt:
“Tôi đến An Xuyên lòng khắc khoải
Những trưa gà gáy gọi hoàn hôn
Những chiều gió biển đùn mây xám
Gợi tiếng sầu dâng tận đáy hồn”
Anh suy nghĩ đến những tháng ngày đã qua, những ngày đã sống, đã gian lao và yêu thương, bức tranh quê hương được anh vẻ lại bằng thơ rất gợi cảm, trong sáng :
“Gặp em vào buổi ban sơ ấy
Chung chuyến đò qua ghé bến quê
Tôi chép câu hò đem đến tặng:
“Cà Mau đi dễ, khó quay về”
Không chỉ nhà thơ yêu thương cô gái quê với sức sống mơn mởn, chung chuyến đò lần đầu gặp gỡ, mà bất cứ một ai khác ở vào hoàn cảnh của anh cũng thấy lòng tha thiết mà nó thấm tình người “Cà Mau đi dễ, khó quay về”.
“Em hẹn chèo ghe ra họp chợ
Tôi chờ, trưa nắng, bóng sông trôi
Cắm sào, che nón, em cười nụ
Lòng ngỡ rằng em nói vạn lời”
Bức tranh “Em hẹn chèo ghe ra họp chợ, Tôi chờ, trưa nắng, bóng sông trôi” Thật thơ mộng, chính cái thơ mộng này đã làm đắm say lòng một Đốc Sự trẻ, anh rất tinh tế trong cách miêu tả:
“Nhà em có mảnh vườn rau nhỏ
Uống nước trời mưa, gạo giã tay
Tuổi mẹ như vừng xôi nếp mọt
Cha già như trái chín trên cây
Hái rau đem bán lo tiền chợ
Mót củi rừng thưa, nhúm bếp cơm
Cha mẹ tuổi già, con gái muộn
Tảo tần ngày tháng đáp công ơn.”
Những lời thơ thắm tình người trong cảnh vật, đã làm cho thiên nhiên và con người hài hoà trong tình gia đình, anh đã thổi vào đó một ngọn gió nồng nàn, một gia cảnh nghèo , cha mẹ già con gái muộn, nên cô gái quê phải “Tảo tần ngày tháng đáp công ơn.”Tấm lòng của anh luôn mang những mơ ước cao đẹp về cuộc sống, không chỉ thuần túy mà gắn bó sâu sắc, như một lẽ yêu đời, một niềm khao khát không ngừng:
“Từ đó tôi yêu miền cuối Việt
Yêu đôi mắt đẹp, cổ tay tròn
Áo bà ba trắng, môi cười nụ
Yêu gái Cà Mau vẹn sắt son.”
(Hương Tình Cà Mau – Trang 91 Chập Chờn Cơn Mê)
Tác giả miêu tả tình yêu bằng những biểu hiện cụ thể, rất tự nhiên mà gây nên ấn tượng sâu đậm, cảnh vật trong thơ hiền dịu, mộc mạc, đậm chất Nam Bộ, tình người được anh miêu tả ngọt ngào. Anh Dương Quân đã được Nhà thơ/ Văn/ Xuất Bản Thư Quán Bản Thảo, tác giả Qua Sông Mùa Mận Chín, Ô Cửa, (Thơ Trần Hoài Thư) và nhóm Sưu Tập đã chọn và đăng hai bài thơ Lối Xưa (1962) và Hương Tình Cà Mau (1967) vào Bộ Sưu Tập Thơ Miền Nam Thời Chiến (cùng với 262 tác giả khác) Đây là một vinh dự cho tác giả.
Đọc bài thơ “Em Bên Ấy” cho tôi cái cảm giác như nhìn ngắm lại chân dung của người tình mà anh đã lỗi hẹn, đành rằng không thể sống mãi với quá khứ nhưng ở đây tác giả không bao giờ quên, bởi đó là những nấc thang của cuộc đời:
…Ba mươi năm, anh bước đời lận đận
Em võ vàng, cõi nhớ chẳng mờ phai
“Ôi nhớ lắm! Những ngày hoa gấm cũ. ..Ôi nhớ lắm! Nõn nà tà áo lụa” Điệp khúc Ôi nhớ lắm anh lập lại như một lời ân hận vì “Ba mươi năm, anh bước đời lận đận” …Thề non hẹn biển đành vỡ tan, em ngây thơ tin lời anh ích kỷ:
“Để lỡ làng nhuộm tím cả xuân xanh”
Nhưng em vẫn trọn đời chung thủy như đã hứa, trong khi anh vẫn biền biệt dấu quan hoài:
Xin cho anh tạ lỗi buổi quay về.
Lời thơ chân thành mà thật cảm động, đường trần ai tuy bước chân đã rời rã, nhưng tâm hồn anh luôn khát khao mơ tìm lại phút tương phùng:
Đường trần ai, đây bước chân rời rã
Anh vẫn mơ tìm lại phúc tương phùng
Chỉ thấy bao la khung trời băng giá
Và hồn thơ mòn mỏi kiếp lưu vong.
(Em Bên Ấy – Trang 50 Điểm Hẹn Sau Cùng)
Lời thơ như phác họa một thực tế của dòng đời trôi cuồn cuộn những đau buồn, thâu canh trằn trọc không ngủ, luôn nhớ về em, trong thời loạn mà anh đã trải qua, với cuộc sống mòn mỏi kiếp lưu vong:
Nhiều đêm trằn trọc anh không ngủ
Sao nhớ về em – nhớ lạ lùng
Hai kẻ hai phương trời cách biệt
Sá gì hai kẻ cuối, đầu sông
Biệt ly là định luật, với bao nhiêu những đổi thay của cuộc đời, những kỷ niệm buồn vui trong cuộc sống, nhưng định mệnh, lương duyên âu cũng là xếp đặt của tạo hóa…nhưng xa rồi hai kẻ hai phương trời:
Em ở quê nhà – em có biết
Mỗi lần ngắm lại tấm hình em
Ngỡ em, gần gũi trong gan tấc
Chia sớt cùng anh những nỗi niềm
Theo bước thời gian cho dù xa cách mà năm tháng dài không trở thành phai nhạt, một tình yêu không thành tựu, trái ngang, nghiệt ngã nhưng lúc nào cũng nhớ về nhau “ Khấn nguyện được gần nhau mãi mãi. Cho đời thôi lạnh những đêm đông” Nhưng xúc động nhất vẫn là nỗi nhớ thương da diết của tác giả đối với người yêu, mỗi lần ngắm lại tấm hình em, cứ ngỡ gần gũi trong gan tấc. Nếu tình yêu không lắm chuyện bẽ bàng, thì làm gì người đời hay chính tác giả có được những câu thơ chan chứa ngàn lời, muôn đời vẫn giữ chữ thủy chung:
….Hôm nay anh ghép vần thơ nhớ
Gởi vội về em nhắn mấy giòng…
…”Dẫu có xa em, đời có khổ
“Lòng anh như một gốc cây tùng
“Vẫn xanh màu lá, dù sương tuyết
“Vẫn giữ muôn đời chữ thủy chung”.
(Lời Trần Tình Cho Em – Trang 21 Trên Đỉnh Nhớ)
Tác giả bày tỏ nỗi nhớ nhung sự trân trọng của mình. Cuộc đời dù có khổ đau, mất mát,
“ Lòng anh như một gốc cây tùng”.Gốc cây tùng thì bền chắc, dù cho sương giăng tuyết phủ vẫn xanh màu lá “Vẫn giữ muôn đời chữ Thuỷ Chung”.
Những cuộc tình trong mỗi người chúng ta ở tuổi thiếu thời có lẽ ai cũng trải qua một vài cuộc tình đáng ghi nhớ! Bây giờ nó đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên, những cuộc tình êm ả, lãng mạn, thơ mộng, đôi khi thoáng qua nhưng hầu hết đều dang dở. Bài thơ diễn tả cảnh chia tay của đôi trai gái miền quê, không thành, âm hưởng của nó lại bị vò xé tâm tư tình cảm một cách nghiệt ngã, khi chàng trót yêu thương bông hoa đã có chủ:
Bậu về khuất rặng trâm bầu
Qua còn đứng ngắm bên cầu ô rô
Rạch bần nước chảy nhấp nhô
Chiều hôm đã mỏi cánh cò. Bậu ơi!
Cầu ô rô đầy gai góc, không thể bước qua chướng ngại, ngăn cách. Cầu ô rô ý tác giả muốn nói không thể gặp lại được. Cánh cò đã mỏi thì đuối sức khiến tác giả cảm thấy u uất một sự chia ly:
Qua về khép lại mái hiên
Giăng màn nhựt nguyệt, đắp mền tương tư
Kiếp sau qua sẽ hẹn chờ
Để xin cùng bậu một giờ bên nhau
(Phút Chia Tay – Trang 50 Như Thật Như Mơ)
Tác giả đành trở về khép lại mái hiên màn sương chiếu đất “Giăng màn nhựt nguyệt, đắp mền tương tư” tác giả mơ tưởng, nhưng không có đắp gì, kiếp này tuyệt vọng, để xin kiếp sau rất khiêm nhường, chỉ xin một giờ bên nhau thôi. Qua bài thơ, tác giả có ý ca ngợi tình yêu dù đắm say nhưng thuần khiết, cũng phải hẹn chờ một tương lai không hiện thực vì yêu trong hoàn cảnh éo le ngang trái để rồi nó có thể là dấu ấn tuyệt vời cũng có thể là suy tư trăn trở trong suốt chiều dài cuộc sống.
Có những giây phút để đợi, để chờ, những kỷ niệm đã qua mang nỗi buồn bâng khuâng, tâm trạng “Chờ hết trăm năm, đợi hết đời” của người đang mong mỏi, chờ đợi cuộc đoàn tụ:
Sao em không về đây em ơi
Chờ hết trăm năm, đợi hết đời
Vẫn mịt mù tăm, không bóng dáng
Sức tàn lực kiệt mỏi mòn hơi.
Là tâm trạng cháy bỏng trường kỳ với ước vọng của kẻ yêu nhau chưa lần hội ngộ, khắc khoải, tha thiết, ngậm ngùi, chờ hết trăm năm sức tàn lực kiệt:
Em hãy về đây, ta có nhau
Thời gian như nước chảy qua cầu
Nội dung bài thơ tràn dâng khi tuổi thanh xuân lùi nhanh về dĩ vãng, có thể mầm tuyệt vọng đã đến gần:
Phút chốc thanh xuân đã bạc đầu.
Tiếng gọi em về vọng thiết tha…
Dòng đời như bóng câu qua cửa . Một hồn thơ chờ đợi, lắng xuống xót xa. Nhưng cái lưu luyến bùi ngùi là ở chỗ. Sao em không về?:
Có lẽ từ đây rồi mãi mãi
Chẳng còn có dịp gặp nhau thôi.
(Sao Em Không Về – Trang 136 Như Thật Như Mơ)

Bàng bạc, nuối tiếc, đủ làm đau lòng người viễn xứ, cuộc đời sao lắm bẽ bàng, từ dĩ vãng anh trở về hiện tại, biết rằng vẫn chưa quên cũng đành “Nhắn Lại Người Thương” vì:“Qua đành mãn kiếp lưu vong xứ người” Tâm tình của tác giả trong hoàn cảnh nhiểu nhương của đất nước:
… Có ai thương bậu, ngỏ lời
Bậu ưng đi! – kẻo cuộc đời tàn phai
Chừng nào mây trắng còn bay
Qua còn nhớ bậu những ngày…xa xưa.
(Nhắn Lại Người Thương – Trang 29 Trên Đỉnh Nhớ)
Lời thơ thật dễ thương làm sao, có bao giờ mây trắng thôi bay? Có ai lại không muốn tình yêu muôn đời vẫn mãi mãi gắn bó. Nhưng sự trái ngang tình đời thường hay làm lỡ dỡ. Tình rất nên thơ nhưng cũng là món nợ mà người đời phải đeo mang có khi trọn đời suốt kiếp vẫn chưa trả hết.
Có lẽ là thu đang đến đây lời thơ trong sáng, êm như ru, ý thơ nhẹ nhàng, man mác, tỏa ra như mây khói, mà dễ thương, huyền diệu biết bao. Cả bài thơ Quỳnh Hương có cảm tưởng như một bức tranh sống động:
Có lẽ là thu đang đến đây
Cho sương khói ủ mộng thêm đầy
Có con én muộn chao ngoài ngõ
Mang hết hạ tàn theo cánh bay
Hình ảnh chớm thu vốn vô tri nhưng đã trở thành đối tượng tâm tình để miêu tả, hiện lên trong những câu thơ hay đẹp xiết bao! Nhà thơ Dương Quân tâm sự:
Có chi nhung nhớ rất đìu hiu
Nhè nhẹ vương trong sắc nắng chiều
Hồn của muôn loài hoa cỏ mục
Đợi hoàng hôn tắt, bóng trăng treo
Câu thơ của anh đã nói lên cái mong ước, cái khát vọng tình cảm chân thành chất chứa ở bên trong rất khiêm nhường và ý nhị. Cho thấy thơ của anh thật gắn bó với cuộc đời. Thời gian là bước đi tàn nhẫn thêm vào đó nếu không là sự xoay chuyển của vũ trụ. Mà vũ trụ thì có bao giờ ngừng quay, nên không cản được dòng chảy của thời gian. Một ngọn bút tài hoa diễn đạt nên những câu thơ đẹp, có linh hồn và lung linh như thế:
Ai có vui gì nghênh đón Thu
Thời gian không hẹn bước giang hồ
Thu tàn, đợi tiết xuân xanh lại
Riêng mảnh tình phai vẫn xác xơ.
(Thu Cảm – Trang 77 Như Thật Như Mơ)
Bài thơ Thu Cảm QH đọc rất cảm xúc, cho thấy tác giả diễn đạt rất tinh tế, trong tình cảm và trong cảm nhận, vào lúc trời đất giao mùa thơ thường đượm buồn. Có lẽ do sức gợi cảm của gió đầu mùa se se lạnh của sương thu. Vượt lên trên những cảm nhận tinh tế, trước cảnh đất trời vào thu, bài thơ còn đau đáu khôn nguôi.
Có những cuộc tình lãng mạn, cuồng nhiệt lẫn tha thiết . Tình yêu muôn đời vẫn là tất cả, tình yêu và đam mê

Hình ảnh nhân vật của anh Dương Quân mang tính chất thủy chung tuyệt vời, bài thơ cho ta thấy dẫu ngang trái, nhưng không hề nửa lời than trách, hình ảnh người tình muôn đời vẫn nhớ , vẫn hứa khi tình yêu kia luôn ở nguyên trong hồn, môt trạng thái cam chịu:
Ta đã bao lần hứa với em
Từ khi nguyệt bạch rớt bên thềm
Chia nhau nhặt nửa vầng trăng vỡ
Để giữ làm tin mãi chẳng quên.
Ta đã vì em phát nguyện cầu
Một mình chấp nhận hết thương đau…
Chia nhau nhặt nửa vần trăng để làm tin vì yêu mà tác giả đã chấp nhận hết thương đau “Cho em phơi phới mùa xuân sắc. Ta sẽ chung thân chịu dãi dầu”… Tác giả thể hiện lòng chung thủy, qua bao thăng trầm của cuộc sống, mặc cho đời trải gió sương vẫn giữ lời hẹn ước :
Ta ghép vần thơ thế kỷ dài
Nối liền dĩ vãng đến tương lai
…Cho câu hò hẹn chừng vô tận
Ôm nửa vầng trăng nhớ miệt mài.
(Muôn Thuở Tình Chung trang 118 Như Thật Như Mơ)
Và “tình chung” sẽ được giải thích bằng cả bài “Muôn Thuở Tình Chung”, lời thơ dường như đắm hơn, rạo rực hơn, cái rạo rực của thiết tha da diết, âm thầm giữ lấy cuộc tình để rồi “Ôm nửa vầng trăng nhớ miệt mài”.
Biệt ly là định luật, với bao nhiêu đổi thay của cuộc đời. Cuộc sống là những bài toán khó mà ta không tìm ra đáp số. Trong cuộc đời có nhiều thứ để quên, nhưng tình yêu khó mà phai nhạt tác giả đã chân thành bày tỏ qua thi phẩm Gánh Trầu Mỹ Hội:
…Gặp nhau rồi lại xa nhau nữa
Căn dặn đừng quên sớm trở về
Em đứng bên bờ sông Cát Lái
Nhìn theo như níu bóng người đi.
Dòng sông, bến đò được sử dụng như là biểu tượng của sự chia ly,em đứng bên bờ sông Cát Lái nhìn theo như níu bóng người đi, người đi đã đi mà lòng ngổn ngang tâm sự:
…Như mảng lục bình trong nước xoáy
Không về trở lại bến sông xưa
Trong bài “Gánh Trầu Mỹ Hội” của anh Dương Quân , anh đã sớm vương nỗi buồn, hình ảnh lục bình trôi trong nước xoáy. Anh liên tưởng đến thân phận, của kiếp người chìm nổi long đong? Phiêu bạc giữa cuộc đời như mảng luc bình trôi vô định:
…Dòng đời xô dạt anh xa mãi
Mà bóng người thương chẳng nhạt mờ
Thật cảm động lời thơ nào cũng khiến cho QH đọc phải xao xuyến, tình yêu thật dễ thương và cũng ngang trái như thế, nên trần gian đầy rẫy những ưu phiền.
Chờ đợi, hò hẹn không gặp vì hoàn cảnh vì thân phận, từ thời thiếu niên cho đến kiếp sau dù qua bao thăng trầm của cuộc đời mà bóng người thương chẳng nhạt mờ trong tâm khảm của anh.
Đời như dòng nước, hình ảnh cuộc đời buồn lắm. Như dòng sông cứ chảy, như thác ngàn quanh co. Vẫn chờ vẫn đợi, vẫn nhớ lời hẹn ước mà vì hoàn cảnh không về. Thật vô vàn thương cảm, mỗi từ ngữ của tác giả như là một giọt đắng:
Anh đốt trầm hương xin khấn Mẹ
Sau này được kết nghĩa trăm năm
Em làm nội trợ nuôi con nhỏ
Thôi gánh trầu, thôi những nhọc nhằn
Rất đời thường, “Em làm nội trợ nuôi con nhỏ” nhưng cũng không thành với người con gái ngây thơ trong trắng. Hình ảnh người ra đi xa dần xa dần nhưng vẫn hy vọng một ngày có ai về quê nhắn dùm “Xin hiểu lòng nhau – tạ lỗi lầm”:
…Biết có ai về quê Mỹ Hội
Nhắn dùm người cũ mấy lời thăm
Giờ thân viễn xứ còn trôi nổi
Xin hiểu lòng nhau – tạ lỗi lầm.
(Gánh Trầu Mỹ Hội – Trang 111 Điểm Hẹn Sau Cùng)
Những vần điệu mộc mạc đơn giản nhưng đã để lại trong tôi nỗi xúc cảm.
Theo thuyết nhà Phật luân hồi, hẹn gặp nhau dù chờ “Một Ngàn Năm” vẫn không thay đổi, giữ nguyên lời thề:
…Ngàn năm đã đủ hay chưa
Trầm luân mấy cõi cho vừa giấc say?
Ngàn năm bể nhớ vơi đầy
Đường trần đã lỡ kiếp nầy mất nhau.

Ơi! Người say đắm ta yêu
Ngàn năm miễn được một chiều có em.
(Một Ngàn Năm – Trang 99 Trên Đỉnh Nhớ)
Thật đáng khâm phục sự thủy chung , dù đợi ngàn năm, dù thời gian trôi qua, cái hữu hạn của cuộc đời con người. Cuộc đời sẽ mất đi, tuổi xuân sẽ qua đi, nhưng thời gian sẽ mãi là thời gian. Chờ đợi vẫn mãi chờ đợi chỉ mơ cùng người say đắm ta yêu “Ngàn năm miễn được một chiều có em” đã gây cho tôi một ấn tượng tuyệt vời.
Mỗi nỗi buồn của anh Dương Quân đều mang âm hưởng tình nghĩa, những vần thơ êm đềm, sâu lắng, anh tả cảnh thiên nhiên của biển vì nó đẹp, với những nét độc đáo, đầy màu sắc, gợi hình , đó là thái độ của nhà thơ lãng mạn:
Mời em một chuyến rong chơi
Thăm miền biển vắng thăm người cô đơn
Quanh hiu những lá hoa cồn
Bình minh sương phủ, hoàn hôn sóng gào
Em về đây ta có nhau
Trà chuyên đối ẩm dạt dào ý thơ…
Lời mời của biển, hy vọng, chờ đợi “Em về đây ta có nhau”…Không bao giờ tác giả nguôi nỗi chờ mong, như biển kia không bao giờ ngưng vỗ sóng vào bờ:
…Vườn xuân đã héo lại ươm”
Gối chăn đã nguội hãy còn hồi sinh…
Vẫn nhớ vẫn mời gọi “Em về đây chắp lỡ làng” “Kề vai sao rụng, mây quàng tóc thơm” Hãy về đây gối đầu kề vai cùng anh, trên bải biển thiên nhiên, kho báu trời cho ta có sẵn, em về đây bên nhau đời vô tư không phiền muộn. Đọc bài thơ anh Duơng Quân hơn một chút hay nhiều lần, hẳn cũng nhận thấy tình ý trong thơ rất nồng nàn, một cội rễ nguyên nhân xa hay gần mới có thể có những câu:
…Sá gì sơm nắng chiều mưa
Trà chuyên đối ẩm cũng thừa giấc say
Tình yêu lặng thầm như thế, tha thiết như thế, mời gọi như thế đối với tình yêu dù là vô vọng nhưng vẫn ngọt ngào:
,,,Mời em thu xếp về đây
Hành trang xin nhớ chất đầy túi thơ.
(Lời Mời Của Biển – Trang 135 Như Thật Như Mơ)
Để rồi kết luận cũng thắm thiết, thủy chung dù chỉ là hư ảo, không suồng sã, không màng vật chất, chỉ mong lời mời được chấp nhận , thu xếp về với biển “Hành trang xin nhớ chất đầy túi thơ” .Những lời rất ý nhị, nhẹ nhàng.
Tình yêu mang đến cho ta hạnh phúc, nhưng vẫn thường đi kèm với đau khổ. Chúng ta ai nấy đều tìm kiếm tình yêu trong suốt hành trình cuộc sống, đây là một trong những bài thơ thể hiện phong cách, bằng hình tượng chứ không dùng khái niệm. Nhờ thế thơ anh giàu ý nghĩa cũng như tình yêu trong thơ anh hàm súc của ẩn dụ, tình yêu luôn có nhiều điều kỳ diệu, lãng mạn:
Tối nay có thể em về
Chiều rơi đã lạnh bốn bề rưng rung
Nai tơ chắc đã quên rừng
Núi cao cũng khuất mấy từng mây che
Chàng hy vọng, chờ đợi, gợi ý, gợi tình mong mỏi, trong thơ bao giờ tác giả cũng thể hiện một chất sống mãnh liệt, dạt dào từ cảm xúc đến suy tưởng :
Em về tâm sự lâm ly
Tóc bay bát ngát hương thề trăm năm
Trong cuộc đời của anh Dương Quân, thơ văn gắn liền với tình yêu, như bóng với hình. Gần như hễ có thơ là có tình. Thế nhưng tình của anh không biểu lộ giao tiếp song phương để cụ thể hóa mối tình đó mà anh chỉ cảm ứng và khi khái quát hóa, thơ anh trở nên thú vị, có sức hấp dẩn:
…Trải thơ làm chiếu em nằm
Giũ mây em đắp khơi trầm em xông
Tưởng tượng của anh phong phú kỳ lạ, ước mơ của anh thiết tha chân thành, có thể xem anh là một nhà thơ đào hoa, lãng mạn, tác giả đả nâng cảm xúc lên thành suy nghĩ, trải thơ làm chiếu và giũ mây em đắp. Hãy đọc những lời thơ thành thật:
…Ru em giấc ngủ bềnh bồng
Nai tơ quên cả núi rừng hoang vu
(Hy Vọng – Trang 125 Như Thật Như Mơ)
Anh vẫn cứ hy vọng, cứ ước mơ “Từng đêm hy vọng mong chờ. Tối nay có thể nghe thơ em về”. Ước mơ trong bao nhiêu ngày tháng, bao nhiêu giấy mực, lời thơ, bao nhiêu hy vọng cứ chơi vơi, không đi đến đâu cả.
Nghĩ chờ đợi lâu, chàng mơ viễn vong thả hổn tưởng tượng, mơ Công Chúa Tiên Triều, mơ người thật, người tiên, hẹn với tiên, mơ một ngày kia làm rễ trên trời…Đó không chỉ là cách cảm thụ bình thường mà tìm ở một thế giới cao và xa, nửa mộng nửa thực, nửa là cuộc sống trần gian, nửa là cuộc sống tiên cảnh:
Ta trải dài ước mơ trên bãi cát
Dấu chân ta vô tận, bước khôn cùng
Duyên tiền định, nên xui ta đã gặp
Người đẹp khuynh thành: Công Chúa Tiên Dung.
Những lời ước mơ tội nghiệp ấy, thất vọng tự lừa dối mình thật trớ trêu và hết sức nhún nhường:
Nhưng Công Chúa ơi!
Ta chẳng ham Phò Mã
Những buộc ràng, áo mão với cân đai
Ta chẳng muốn lễ nghi thêm phiền toái
Nơi cung son, điện ngọc chốn vương đài.
Cuộc đời quá phũ phàng, âu đó cũng là quy luật của tình cảm, nỗi dằng xé ấy cùng với tiếng lòng thổn thức nhà thơ cảm thấy tình cảm phát ra lời thơ và trong trí tưởng tượng những cái vô hình cũng có thể hóa ra hữu hình:
Em yêu dấu! hãy cùng ta ở lại
Với trời xanh, mây trắng, biển hoang vu…
Ngai vàng đó: Trong tim ta mãi mãi
Và tình yêu là biển cả vô bờ.
(Bức Thư Tình Vương Giả – Trang 63 Như Thật Như Mơ)
Những lời thơ nồng nàn, chan chứa làm cho người đọc mường tượng đến một tình yêu vô bờ.
Trên dòng chảy của thời gian, tác giả muốn nhắc lại vẻ đẹp, một sự việc đã tạo nên những kỷ niệm, những tình cảm ngày xưa còn bé ham chơi:
Ngày xưa còn bé hay đùa giỡn
Ham chạy rong chơi biếng học hành
Những kỷ niệm thuở ấu thơ đẹp như mơ, tình yêu ơi, đẹp quá tuổi thơ ngây, là kho tàng của tuổi mộng mơ “Anh thích làm Vua, em Hoàng Hậu. Xưng mình là Trẫm, gọi em: Khanh” tác giả diễn đạt tình ý tự nhiên:
Em bảo, sau này khi lớn khôn
Em làm heo nái (!) đẻ mười con
Năm chàng Hoàng Tử, năm Công Chúa
Hết tiền, ăn cám để thay cơm…
Nhà thơ sống bằng cảm giác rất tế nhị nhưng cũng rất lãng mạn, rồi do cảm xúc và tưởng tượng khi lớn khôn nàng làm heo nái đẻ cho chàng mười con, không tiền ăn cám thay cơm. Anh đã phát họa nhiều nét thật đáng yêu và từ đó hình ảnh: “ Thời gian thấm thoát trôi mau. Mấy chục năm qua bạc mái đầu. Sống gởi thân tàn nương đất khách. Vẫn hằng canh cánh ngóng tin nhau”. Những câu thơ thật tha thiết, tình yêu trong thơ Dương Quân không phải là chuyện huyền bí, nhưng lại rất thiêng liêng, lúc nào anh cũng nhớ và luôn ngóng tin nhau:
Nhắc chuyện ngày thơ luống ngậm ngùi
Nhớ em, hình bóng chẳng hề nguôi
Nếu sang kiếp khác còn tao ngộ
‘Em đẻ mười con”. Hãy nhớ lời.
(Trẫm và Khanh – Trang 126 Như Thật Như Mơ)
Những suy nghĩ nhắc chuyện ngày thơ nhiều khi quá tự nhiên, anh luôn tỏ ra nồng nhiệt dầu sang kiếp khác anh vẫn nhớ lời “Em đẻ mười con” cho anh như đã hứa. Trong bản chất tốt đẹp của tình yêu rất trong sáng.
Những người yêu nhau thường diễn tả tình yêu là cái cao khiết của tâm hồn là một phần của sự sống, để rồi từ đó làm cho người đọc thấy rằng nếu không có những lời thơ mang hình thái lãng mạn mà cũng thật huyền diệu. Chính anh đã tạo dựng hình thái thơ ca đó xuất phát từ hồn thơ đầy xúc cảm.

TÌNH BẠN:

Với anh Dương Quân ngoài tình cảm gia đình, tình cảm với quê hương đất nước, anh rất quý mến bạn bè anh trân trọng với bằng cả tấm lòng:
“Xin hãy đến với nhau
Khi con người còn sống
Khi chết nằm một đống
Chớ thắp hương nguyện cầu”
(Hồi Âm Thư Bạn-Trang 138 Chập chờn cơn Mê)
Thơ anh bâng khuâng, day dứt, nhất là sau cuộc đổi đời năm 1975 bạn bè kẻ còn người mất, nhục nhằn cùng chung cảnh tù đày, buồn vui của cuộc đời luôn tiếp diễn, từ dĩ vãng anh trở về hiện tại, từ mộng ảo anh trở về hiện thực. Vốn rất nhiều tâm tình, những hình ảnh ngày xưa và nhọc nhằn hôm nay, những cảm giác đó đã bộc lộ trong những lời thơ:
Ai có ngờ đâu, ra vận nước
Bỗng nhiên-trời đất nổi cuồng phong
Bỗng nhiên-chính nghĩa thành tro bụi
Tang tóc bao trùm khắp núi sông.
(Gặp Bạn Tâm Tình-Trang 17 Điểm Hẹn Sau Cùng)
Rồi cuộc đời lại có thêm những khổ đau, có thêm những mất mát, nhất là những bạn bè đã khuất , đau yếu bởi gian khổ không ngờ của cuộc sống, của tù đày những câu thơ thương tiếc KHÓC BẠN:

Khương lên Đồi Sả Khương nằm
Bạn bè còn lại âm thầm khóc anh
Đời trai thôi hết tung hoành
Nấm xương giữa núi rừng xanh mịt mờ
(Khóc Bạn -Trang 107 Chập Chờn Cơn Mê)
Và thêm một nén hương tiễn biệt anh khóc và thương tiếc bạn thân Trần Quang Trí nghe áo nảo quá:
Anh về thiên cổ rồi sao?

Nào hay, anh chán cõi trần
Thong dong, lặng lẽ âm thầm ra đi
Tiếc thương thắp nén hương nầy
Tiễn anh về chốn Bồng Lai Vĩnh Hằng
(Nén Hương Tiễn Biệt-Trang 55 Điểm Hẹn Sau Cùng)
Trong nhiều bài thơ, những lời thơ của tác giả thường nhớ lại những quãng đời, những câu thơ không đẫm lệ mà thật xót xa, thấm vị chua cay của đời, của thế thái nhân tình, anh viết trong bài thơ Thư Thăm Bạn:
Ngày tháng qua nhanh, giờ hóa lão
Tang bồng trót gởi áng mây bay
Nhiều khi anh nhớ lại thời niên thiếu để rồi thầm tiếc cho đời trong hoàn cảnh tha hương khi vận nước đổi thay, luôn canh cánh trong lòng mà nhớ rằng mình có một quê hương đang bị gót độc tài dẫm nát, thật não nùng:
Nhiều khi nhớ lại thời niên thiếu
Thầm tiếc cho đời, lỡ chí trai.

Ai ngờ đất nước trùm tang tóc
Dẫm nát quê hương gót độc tài
Với tám năm tù đày khổ ải anh Dương Quân tâm sự:
Giờ ta đi đứng không còn vững
Bệnh hoạn theo nhau tiếp đọa đày
Mặc dù vậy, anh vẫn không quên tình bằng hữu, nghĩa bạn bè với thái độ thành thực:
Muốn đến thăm người, nhưng thật khó
Nhớ nhau viết vội lá thư nầy.
Đó là chuyện tất nhiên, là qui luật của tình cảm và trong suy nghĩ của anh, tuổi đời chồng chất, nhưng cuộc đời là vậy, thật đáng yêu, đáng quý, dù đi đâu, ở đâu vẫn nhớ về quê hương về bạn bè, anh ngậm ngùi:
Thư bất tận ngôn!
Xin chúc bạn:
Ráng mà gầy dựng chút tương lai.
Nghĩ đến thân phận mình chấm dứt những ngày tháng vui tươi.Nó giằng níu anh trong một vùng suy tư để rồi ray rứt, bâng khuâng, nuối tiếc những tháng ngày đã qua, anh cảm nhận được điều đó, thấu hiểu được điều đó, cả một trời tâm sự thật buồn :
Phần ta, còn quãng đời hiu hắt
Như khói hoàng hôn muộn cuối ngày.
(Thư Thăm Bạn-Trang 106 Điểm Hẹn Sau Cùng)
Ngày tháng qua nhanh, trong thế hệ của anh Dương Quân đi làm công chức, đi lính, đi tù, đi Mỹ, hầu hết đều có chung bởi hoàn cảnh khởi đi từ cuộc chiến tranh tương tàn thảm khốc, cho nên những lời thơ của anh là những lời tâm tình của người hiện đang sống xa quê hương, với cái mong manh, cái tuổi đang dần tàn héo, là những tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi.
Tiếng thơ của anh đã đến với ta như những lời nhắn gởi gẩn gũi và ngậm ngùi, gợi lên trong người đọc những rung động sâu kín, cảm xúc từ lời thơ lắng đọng lại sâu trong lòng người, nhiều tâm sự riêng của mình cái hoàn cảnh luôn phải trăn trở mọi khó khăn. Có cái gì đó như chất chứa nghẹn ngào, lời thơ xúc tích, giản dị. Đôi khi tác giả cố vui mà vẫn như cuốn theo nổi đau khổ, nó như dấy lên từ tiềm thức tâm hồn, một sự độc đáo với phong cách lãng mạn của nhà thơ. Anh luôn tạo ra trong thơ anh một thế giới đầy hình thái những nghịch lý tột cùng của khát vọng về vẻ đẹp, về tình yêu, về cuộc sống con người. Với anh con người thường là vậy, vẫn chỉ yêu, chỉ quý, và cảm thấy hối tiếc hơn khi những cái quý giá ấy đã không còn.
Trong tất cả bốn tập thơ của anh Dương Quân như những bản nhạc giao hưởng lôi cuốn người đọc về những kỷ niệm, về quá khứ, và về với tình người, anh Dương Quân luôn nghĩ về quá khứ, yêu quá khứ và nhất là chung thủy với những kỷ niệm mà tác giả đã từng yêu người, yêu đời.
Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn mãi mãi với thời gian.Thơ của anh Dương Quân sẽ mỗi ngày mỗi thêm rạng ngời như ánh trăng.

Hoàng Ánh Nguyệt