Kinh Dương Vương

Kinh Dương Vương
Bài Thơ Cho Bạn Tôi

Dáng anh cao lớn và oai nghiêm, thoạt trông trẻ con hoảng sợ. Nhưng rồi chúng đến vây quanh anh thân ái, khi chúng nhìn thấy đôi mắt hiền, buồn như mắt của một nghé tơ và giọng nói nhẹ dịu lòng. “Các cháu lại đây với chú. Nào, lại đây với chú”

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Anh hãy còn độc thân. Anh yêu một người con gái, nhưng nàng không yêu anh, đã từ lâu, và anh còn yêu nàng mãi… Anh vẫn viết thư thường xuyên cho nàng, những bức thư là những bài thơ tình tuyệt vời không bao giờ có hồi âm.

Bạn tôi, anh là lính trận, nhưng cũng là một thi sĩ. Tôi nghĩ rằng anh chỉ là một thi sĩ. Anh viết những bài thơ trong bụi rậm, trên quyển sổ tay nhỏ, giấy bao thuốc lá hay những mảnh giấy vụn. Những bài lục bát không bao giờ xuất hiện trên mặt báo. Nhưng cây lá, những cỏ mọn hoa hèn và côn trùng – những chú dế nhỏ, cào cào, sâu bọ – biết qua giọng ngâm gợi cảm của anh. Và vài người bạn thiết nhận được những bài thơ của anh từ những vùng hành quân xa xôi.
Anh liên miên đi từ chiến trường này đến chiến trường khác.

Đầu Thu: Anh đang ở mặt trận Tây nguyên, Kontum. Nơi đó có gia đình vợ con tôi. Anh thường ra thăm lũ trẻ, đem theo những viên kẹo và những chiếc bánh ngọt – anh đã mua với số tiền nhín ra từ đồng lương ít ỏi của anh.

Khi tôi về phép thăm nhà thì anh đã theo đơn vị đến một chiến trường khác vùng duyên hải. Tôi không được gặp anh.

Anh gởi người bạn mang về cho tôi tập thơ “Kẻ tiên tri” của Kalil Gibran, anh đã cẩn thận, sửa những lỗi in sai. Anh viết cho tôi trong một bức thư ngắn với nét chữ run rẩy, rằng anh đang bị sốt rét rừng. Anh gởi lời thăm tôi và gia đình an mạnh, mong giữa mùa thu sẽ gặp lại. Tôi viết thư trả lời anh. Cầu chúc anh luôn gặp những điều may mắn và cũng mong sẽ còn gặp lại nhau.
Nhưng anh đã nhận được thư của tôi chưa?
Giữa mùa thu:
Tôi được tin anh đã trở lại chiến trường Pleime, nơi đó anh bị thương. Một mảnh thép đã len vào thân thể anh, nằm trong phổi khiến máu anh chảy ra nhiều cùng với những chiếc bong bóng màu hồng. Việc tản thương chậm chạp và anh đã bất tỉnh. Anh vào nằm bệnh viện và qua một cuộc giải phẫu.
Người bạn anh nhờ mang sách về cho tôi kể chuyện:

Buổi sáng, anh tỉnh dậy sau cơn mê man suốt đêm. Anh đã ngồi lên được và anh hút thuốc – thú vui duy nhất của anh đó mà. Buổi trưa anh cảm thấy mệt nhiều. Anh đã nói với người bạn nhờ nhắn lại cho gia đình tôi biết, nếu anh mệnh hệ nào. Đúng nửa đêm hôm đó…

… Bạn tôi, người bạn thi sĩ mà tâm hồn cao thượng và hiền hòa như lá cây đã vĩnh viễn từ biệt cuộc đời.

Có linh hồn không? Và linh hồn anh đã bay về đâu? Hẳn là linh hồn anh đã nhập vào những nụ xanh của một mùa xuân vĩnh cửu. Hay đến cư ngụ nơi một vì sao, trong ánh trăng vô thủy vô chung, hay đang bay lượn trên những tầng thanh khí? Ở đó, anh không còn là thi sĩ nữa, anh chính là thơ. Một bài thơ vô thanh vô sắc mà con người chỉ có thể nhận ra bằng linh cảm, với xúc động bàng hoàng. Một bài thơ đẫm lệ âm u.

Từ nay, trên thế gian, không nơi đâu tôi có thể tìm thấy bạn tôi, với nụ cười hiền hòa và đôi mắt như mắt một con nghé tơ nữa. Cuộc đời chúng tôi đã bị chia cách bởi một vực thẳm huyền bí mang tên Tử biệt. Chúng tôi có bị chia cách thật không? – Không – Tôi muốn tin như thế cho đến ngày tôi bước vào thế giới của anh và cuộc đời chúng tôi được nối kết lại – anh vẫn còn tiếp tục sống trong đời sống của tôi.

Tôi lần dở những trang sách anh tặng tôi vào đầu mùa thu. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài nét chữ của anh. Hẳn những dấu tay anh mà tôi không trông thấy còn in lại trên những trang sách? Những trang sách giữ lại một cách vô tình hơi hướm của anh? Tôi đọc lại bức thư cuối cùng. Những nét chữ run rẩy vì cơn sốt rét rừng giờ đây run rẩy trong tâm hồn tôi.

Sáng nay, một buổi sáng xanh có nắng trong nhuộm rực rỡ khu rừng nơi dừng quân, tôi nhớ đến bạn tôi. Tôi muốn nghĩ rằng ở một nơi nào đó anh vẫn còn đang sống. Trong ánh nắng vàng trong vắt của bình minh kia anh đang cười và trên những chiếc lá xanh kia anh đang viết những câu thơ lục bát bằng ngòi viết tâm hồn anh và mực nắng ban mai. Anh đang nhớ đến người con gái anh yêu, gia đình anh, bè bạn và đời sống.

Nhưng không, mặc cho sự phỉnh phờ của cơn mơ mộng, trong tận cùng tâm trí tôi có một nơi bóng tối không chịu rời xa – dù chỉ một chút bóng tối nhỏ nhoi – từ đó một tín hiệu âm u liên tục đánh đi và tâm hồn tôi luôn tiếp nhận, rằng: “Bạn anh đã chết! Bạn anh đã chết! Đã. . . chết!”

[/read]

 

Ông Thơm

Tạo hóa công bình khi đặt sự sống dưới dạng hóa học là acit amin. Con người ăn bất cứ chất hửu cơ gì, tiêu hóa đều biến thành acit amin nuôi sống được cơ thể. Nếu người ta chỉ sống được nhờ cá, thịt bò, thịt heo, thịt trừu, thịt dê, bơ sữa – là những thức ăn cao cấp – chảy trong huyết quản thì dứt khoát người nghèo không thể sống được vì họ chỉ ăn rau, ăn cỏ, ăn củ, cua sò ốc hến vì các thứ thịt cấp cao hay cấp thấp cũng đều biến thành ra máu, thành acit amin.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Thân khỏe mạnh suốt thời gian dài trong nghịch cảnh cũng nhờ sự công bình đó của tạo hóa. Dạo ấy, người ta truyền miệng thành châm ngôn : “Cái gì nhúc nhích là ăn”. Nhưng có một loại côn trùng nhúc nhích, lại rất nhiều mà không ai dám ăn. Riêng Thân dám ăn.

– Tại sao không ? Thân nghĩ. Bên Tây cũng có món ăn như vậy, mà còn cho là cao cấp nữa, chỉ giới quý tộc sang trọng mới có mà ăn. Ở đây loại côn trùng này chỉ khác môi trường sống thôi. Một hôm đi ngoài ở cầu tiêu lộ thiên, nhìn xuống hàng triệu triệu con côn trùng đang nhung nhúc, thỏa thuê hưởng thụ vũng phân người, Thân nghĩ ra món ăn đó : dòi phân.

Thân đan một giỏ tre lỗ nhỏ. Mỗi lần đi cầu lén múc đầy một giỏ dòi đem xuống suối tẩy rữa thật kỹ, luộc chín, cẩn thận thay nước nhiều lần, rang vàng, giả nhuyển trộn với vài thứ lá rừng thơm rồi cho vào lọ cất. Mặc dù vậy cái mùi chất thải thấm vào thịt dòi không thể nào mất đi được. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, Thân kín đáo lấy ra, nín thở uống một muỗng canh với nước lả. Có người trông thấy tò mò hỏi, Thân nói trớ là uống thuốc Nam gia truyền.

Chẳng bao lâu nhờ chất protein thị dòi, Thân từ ốm yếu trở lại bình thường và khỏe mạnh, dù không được thăm nuôi, Thân ít bị đau ốm. Ðược tạm tha, Thân về gặp lại vợ con da thịt hồng hào.

Thân rất hãnh diện về sáng kiến của mình. Nhưng đó là một bí mật tuyệt đối của Thân, sống để dạ chết mang theo xuống mồ. Kể cả vợ con là người đầu gối tay ấp Thân cũng không hé môi.

Thân sống vui vẻ hạnh phúc, được mấy năm bỗng bị một chứng bệnh lạ.

Vợ Thân kể :
– Chị ạ, thoạt tiên ảnh kêu không ăn được cá thịt hoặc những món gì có mùi tanh. Mắm là món ảnh rất thích nhưng giờ chỉ ngửi xa xa cũng đủ làm ảnh không chịu nổi. Ảnh nói :
– Cái màu xám nhờ nhờ và cái mùi… giống món “thuốc Nam gia truyền” quá !
– Món thuốc gì anh ? Em thắc mắc hỏi.
– À không. Nghe mùi mắm trong cổ họng anh như có con gì ngọ nguậy… Rồi ảnh ôm bụng nôn thốc tháo, ra cả mật xanh mật vàng. Em phải mua đồ chay cho ảnh ăn, nhưng ảnh lại không chịu nổi mùi chao. Ít lâu sau, cơm cũng làm cho ảnh sợ. Thân nói :
– Nhìn vào chén cơm anh thấy ghê ghê làm sao. Cơm chúng bò nhung nhúc em ạ.

Từ đó ảnh chỉ sống nhờ bắp khoai ăn với muối.

Bỗng mặt chị đỏ bừng :
– Nói xấu hổ, vợ chồng em dạo sau này không ngủ chung nữa. Khi bệnh mới phát, những khi gần gũi ảnh chỉ tránh né không hôn em. Ảnh không dám để miệng chạm vào da thịt em chị à. Dường như da thịt em dơ bẩn vậy. Em hôn miệng ảnh cũng đẩy ra. Rồi ít lâu ảnh lơ hẳn chuyện vợ chồng, ra nằm riêng. Hễ em hay các con đến gần là ảnh lảng đi. Có một việc hết sức trái với tính nết ảnh, ảnh rất ghét nước hoa, kể cả em cũng không cho dùng, vậy mà bây giờ ảnh lại xức nuớc hoa, còn xức quá lố nữa. Mỗi ngày tắm bốn năm lần, kỳ cọ cả tiếng đồng hồ. Ngửi tay chân kiểu chó đánh hơi. Bị em bắt gặp ảnh nhìn em lấm lét. Em biết ảnh bị bệnh nhưng không biết bệnh gì. Ðưa đi nhà thương ảnh không chịu.

Một hôm ảnh nhìn em với ánh mắt xa lạ hỏi :
– Chị ngửi tôi có thối không ? Rồi ảnh cười. Một vũng phân đây nè. Dòi bò lúc nhúc chị không thấy hả. Chúng đang ăn thịt da xương tủy tui, chúng đục khoét thân thể tui… hà hà… Chị ạ, nhà em điên thật rồi.

Thân xa lánh hẳn vợ con, bỏ nhà đi lang thang. Từ đó Thân có biệt danh là “ông Thơm”. Tiền có được từ những người hảo tâm Thân mua hết nước hoa tẩm vào người. Trẻ con chạy theo chàng gọi ” ông Thơm… ông Thơm”, nghếch mũi lên hít hít ” thơm quá… thơm quá “.

Thân sống nhờ rau cỏ, bắp khoai hái trộm trên nuơng rẫy. Ăn nguyên chẳng nấu nướng. Có lần bị chủ rẫy bắt được đánh bể đầu. Vợ đem thức ăn đến Thân không ăn, chạy trốn.
– Cuối cùng ảnh sợ hãi tất cả mọi người, lánh ở những nơi vắng vẽ, có khi chui rúc ngồi trong lùm bụi.

Như vậy Thân cũng chưa yên tâm. Chàng cẩn thận viết tấm bảng ” cấm hốt phân ” đeo trên cổ, quàng ra trước ngực, sau lưng. Có người đùa dai khi gặp chàng làm cử chỉ như muốn vồ, Thân vừa chạy vừa la : “Ðừng hốt tôi ! Ðừng hốt tôi !”.

Thân thể Thân càng ngày càng tiều tụy. Vợ Thân đưa chàng vào bệnh viện tâm thần, điều trị được ít lâu thì Thân mất.

***

[/read]

 

Những Giọt Nước

Người thanh niên dần dần hồi tỉnh sau khi ngất đi vì bị một trận đòn hội chợ bằng dùi cui và báng súng. Anh mở hé cặp mắt nặng trĩu sưng húp, trước mắt có một cái bóng chờn vờn che khuất, hơi thở nóng của một người nào đó phả nhè nhẹ và những sợi tóc dài lòa xòa trên mặt làm anh nhột nhạt.- Minh tỉnh rồi! Tiếng người con gái thốt lên vui mừng. Một bàn tay mịn, mát rượi đặt lên làn trán nóng hâm hấp của anh.
– Chị Lan hả? Gã liếm làn môi khô, cố cất tiếng hỏi. Còn mấy người kia đâu? Anh thốt nhớ đến các bạn.
– Ở cả đây, trong khám, người con gái tên Lan đáp, giọng đượm vẻ bởn cợt. Bị hốt cả rồi.
Người thanh niên bật ngay dậy, nhưng một cơn nhức đầu khủng khiếp vật ngã anh trở lại. Anh có cảm tưởng bị hai gọng kìm nhọn kẹp chặt vào hai bên thái dương. Đầu anh giật lên từng cơn đau buốt làm mắt anh đổ lửa.
– Minh nằm xuống nghỉ đi! Người con gái vội đỡ cho anh từ từ nằm xuống. “Bị hốt cả rồi”, anh nghe mơ hồ lời người bạn gái nói, nước mắt bỗng trào ra khỏi hai khóe mắt nhắm.
Lúc sau anh lại mở mắt ra.
– Minh thấy trong người thế nào? Vẫn giọng trong trẻo dịu dàng ấm áp của người con gái.
– Cám ơn chị, đã khá. Người thanh niên trả lời sau một giây im lặng. Chưa chết đâu chị, đừng sợ. Anh trở mình ra thấy toàn thân đau như dần.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Anh nằm trên nền xi măng lạnh ẩm, một mùi hôi thối xông lên trong căn phòng tối mờ. Khi đôi mắt anh quen dần với bóng tối, nhận ra gương mặt đẹp của cô bạn gái, nhem nhuốc và mái tóc rũ rượi, nhưng đôi mắt vẫn trong sáng vẻ ngạo nghễ, đang trìu mến nhìn anh lo âu. Hai vành môi đỏ thắm hơi khô, nhưng hình như đang mỉm cười.
– Minh bị ngất đi có hơn hai giờ rồi. Nàng nói. Họ xúm lại đánh Minh dữ quá. Đủ các loại cớm chìm nổi. Minh vừa ngất đi thì hàng ngũ cũng tan rã, cả bọn bị hốt vất lên xe GMC.
– Cho tôi ngồi lên – Anh nói. Người con gái khó khăn xê dịch đỡ anh tựa vào vách. Anh nghe tiếng kim khí va chạm cùng phòng, hai chân anh không nhúc nhích được – Anh đưa tay vuốt ve chiếc còng sắt lạnh lẽo.
– Còn chị Lan? Anh chỉ đưa mắt hỏi.
– Cũng thế! Người con gái mỉm cười đáp. Thì cùng là tội đồ mà! Nàng thốt cười lên nho nhỏ. Minh cũng cười.

Tuổi trẻ thật đáng yêu biết mấy. Nghịch cảnh không làm nản chí họ được vì lòng họ tràn đầy những ước vọng tinh khiết. Với bầu máu nóng, họ lao vào hành động. Chết cho lý tưởng không nao núng, có một niềm hân hoan và nên thơ. Trái tim luôn giữ niềm hy vọng chói sáng. Trái tim chứa những búng máu tươi đỏ thắm đọng lại thành hồng ngọc.

Anh nhìn những người bạn đang ngủ trên bậc xi măng cao hơn, họ ngủ say bình thản như đang nằm trong chăn ấm dưới mái gia đình. Một niềm thương yêu bao la lớn lên trong lòng anh.
“Bạo lực có thể tiêu diệt thể xác nhưng không thể tiêu ý chí”. Anh thầm nghĩ. “Bạo lực sẽ nguội lạnh còn ý chí tuổi trẻ luôn luôn được nối tiếp nung nấu. Tuổi trẻ như măng rừng. Người ta có thể đốn ngã những thân tre, nhưng rừng măng từ lòng đất vẫn tiếp tục mọc lên không ngớt. Rừng măng tua tủa như rừng gươm.

“Tuổi trẻ như lửa, ý chí như gió lớn”. Lửa ngọn có thể bị dập tắt, nhưng không thể dập tắt lửa âm ỉ cháy trong muôn triệu trái tim trẻ. Và không thể ngăn cho gió đừng thổi. Gió bất tận rẽ đưa lửa đi, thứ lửa của nhiệt huyết tiềm tàng, thiêu cháy rụi kim cương”…Trái tim anh bỗng đập mạnh. Máu chảy nhanh trong các huyết quản làm thân thể anh trở nên ấm nóng. Trước mắt anh lại hiện ra những gương mặt trẻ, mắt sáng ngời, lòng háo hức. Những đêm thức ròng rã đánh máy, quay ronéo, viết biểu ngữ. Những chữ Hòa bình – Tự do, cơm áo… được tô đậm nét trên nền vải trắng đỏ chói như viết bằng máu thơm đẹp tuyệt vời… Đoàn người hăm hở kéo đi như một thác lũ, như cuồng lưu, sắp sửa quét sạch những rác rưới nhơ bẩn. Nhưng một bức tường đã chắn lối. Đoàn người quyết vượt qua bức tường kẽm gai, mặc cho những mũi gai nhọn đâm tuôn máu.

Những quái vật hình người mặt thú xuất hiện. Quái vật phun nọc độc mù mịt. Nọc độc làm cho những đôi mắt sáng chợt tối tăm. Nọc độc làm cho bao tử cồn cào, nôn mửa, rồi ngất xỉu. Nọc độc thấm ướt áo quần làm cho ngứa ngáy, lở da bỏng thịt. Đoàn quái vật tiến lên, những người trai trẻ bị chúng cắn, cấu xé chảy máu. Họ thất thế. Các quái vật mang họ về sào huyệt.
Tất cả đã tỉnh dậy. Họ nhìn nhau, im lặng cười. Những nụ cười hồn hậu như lóe sáng trên những gương mặt thư sinh.
Cánh cửa sắt nặng nề bỗng vụt mở. Ánh chiều tà dọi vào làm sáng hẳn căn phòng. Người thanh niên nhìn rõ quanh miệng lỗ tròn của hầm tiêu phân người khô đóng lớp dày mà với ánh sáng ít ỏi từ một lỗ vuông gần trần nhà soi vào không nhận ra được.
Gương mặt một người đàn ông ló vào.
– Đói chưa? Gã hỏi, giọng khô khan. Đó là cái giọng đặc biệt của người cầm dao đối với lũ cá trên thớt.
– Đói! Đói! Đói! Những cái miệng tranh nhau nói lẫn với những cái miệng cười đùa cợt.
– Đợi! Y nói, rồi đóng mạnh cửa lại.
Một lúc những vắt cơm nguội nhét muối, nước lã được đưa vào qua một lỗ nhỏ ở cửa sắt. Tất cả ăn ngon lành. Họ hát đồng ca những “bài hát cho quê hương” vang dội trong phòng kín. Không phải tuổi trẻ, không mang bầu nhiệt huyết sôi sục, người ta không thể cất lên tiếng hát hùng tráng đó. Tiếng hát sẽ bay qua bốn bức tường, vang tiếng tận mỗi trái tim những người trai trẻ khác. Và họ sẽ bắt giọng cất lên hát theo.

Nửa đêm, trong khi mọi người đang ngủ, họ bị đánh thức dậy đột ngột. Ánh sáng một ngọn đèn chói chang như xỉa xói vào mắt họ.
– Ai tên Minh. Tiếng một người đàn ông hỏi.
– Có tôi. Người thanh niên lên tiếng.
– Ngồi riêng ra. Ai tên Lan?
– Tôi. Người con gái đáp nho nhỏ, mắt dịu dàng nhìn thẳng vào mặt gã.
Gã đàn ông nhìn cô xoi mói, khèo một ngón tay làm dấu…
– Hai người theo tôi..
Những vòng sắt được đưa từ cổ chân lên cổ tay. Cánh cửa đóng ập lại. Một lúc, mở ra, đóng ập lại. Rồi lại được mở ra, nhiều lần. Lần cuối cùng khi cánh cửa nặng nề nằm im thì căn phòng hoàn toàn vắng vẻ.

Nhật ký của Minh.
Mãi sau này tôi mới nhận ra, thuở nhỏ tôi là một đứa trẻ độc ác. Nhưng sự độc ác đó, có lẽ cũng giống như hầu hết những đứa trẻ cùng tuổi khác vậy.

Khi đã khôn lớn, có lần tôi bắt được một con chuồn chuồn rất đẹp, đem cho đứa em nhỏ nhất nhà, yên trí rằng nó cũng nhận thấy như tôi là con vật đẹp đẽ dễ thương và nó sẽ nâng niu. Tôi hoàn toàn lầm lẫn về điều đó, tôi vừa quay đi nó đã tẩn mẩn bứt cánh, ngắt đầu, xé manh xé mún con vật ra, vất tứ tung. Thoạt tiên, tôi giận, định mắng nó một trận, nhưng bỗng nó ngước mắt lên nhìn tôi cười, nụ cười ngây thơ với đôi mắt long lanh đen láy như hai hạt nhãn nằm trên một nền trời xanh trong ngọc bích. Một tình cảm đối nghịch liền đến làm cho cơn giận tôi an đi. Đó là hình ảnh của tôi. Phải, chẳng khác tí chút nào.

Hành động đó đâu phải là tội ác, nó làm vậy mà nào biết rằng đó là một tội ác đối với con vật? Không thể đem một qui tắc luân lý nào để kết tội nó. Không có một mục đích, một mưu toan, hay suy tính nào trong hành động đó mà chỉ dưới mắt tôi, mới có tính cách độc ác mà thôi. Nhắc lại nó không cảm thấy đó là tội ác, nó làm không chút hối hận, cứ trông nụ cười hồn nhiên và đôi mắt ngây thơ vô tội của nó thì biết.

Lúc nhỏ, tôi rất mê chơi đá cá thia thia. Tôi thường bỏ buổi học, giấu cặp sách trong các bụi rậm, lội xuống những đám ruộng cỏ mọc thấp, nước xấp xấp, đi “đâm” cá thia thia.

Cá thia thia là một giống cá nhỏ, có nhiều màu sắc xanh, đen, đỏ, lục, biếc rất đẹp, đặc tính của nó rất hiếu chiến. Chúng thường ở chỗ nước đọng, trong những bụi cỏ kín đáo. Cá đực nhả bọt trắng phau như một bãi nước miếng đặc làm tổ cho cá cái đẻ vào đó. Cá đực ở lại giữ cho ca cái khỏi ăn và ở lại trông coi cho đến khi trứng nở, sau đó lại giữ cho đến lúc cá con rẽ bầy. Đi dậm cá chúng tôi chỉ cần tìm những nơi cá đóng bạt, dùng một cái rổ nhỏ xúc là bắt được những con cá đực, đem về nuôi trong những cái keo hay chai thủy tinh trắng. Cá ăn cung quăn hay trùn chỉ, nuôi khoảng ba bốn hôm thì cá sung sức, lên nước mun đen, trổ hết các mầu sắc lấp lánh và cá bắt đầu đá bóng trong gương soi. Có khi chỉ cần để một ngón tay vào cá cũng phùng mang, xòe đuôi, giương kỳ xấn tới tấn công rất hung hăng, có thể cáp độ đá được rồi.

Cá thia thia hiếu chiến một cách kỳ lạ. Có lẽ vì cái tánh hiếu chiến đó nên người ta mới lợi dụng xua chúng vào cuộc để mua vui trong trò đen đỏ. Chúng đá rất hăng, gặp nhau là sấn vào cắn nhau tơi bời hoa lá, cho đến khi có một con chạy hoặc “đâu mỏ”, rồi cả hai kiệt sức mà chết. Gặp trường hợp này cử tọa vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt và hai chủ cá cũng cảm thấy hảnh diện đã nuôi được một con cá anh dũng gan lì.

Những con thắng cuộc được đem về o bế, săn sóc kỹ lưỡng. Con nào thua tôi đem ra xử tội ngay.

Tôi không biết cái cách thức giết những con cá bại trận đáng thương một cách độc ác như vậy do ai bày ra, chỉ thấy mấy đứa trẻ khác làm, tôi bắt chước theo.

Tôi để những con cá “sọc dưa” vào một chai nhỏ đầy nước, đậy nút lại thật chặt, lấy một cái que nhỏ gõ vào chai. Gõ mạnh thì chỉ cần một hai lần là cá đã dẫy lên mà chết tốt, nhưng như tôi đã nói, tôi là một đứa trẻ độc ác, tôi thích kéo dài thời gian làm tình làm tội con vật, theo tôi, đã phạm một trọng tội: thua cuộc! Tôi chỉ gõ nhẹ nhẹ từng cái một, mỗi lần gõ con cá nhỏ như bị điện giật, nẩy lên lật ngữa ra, bất tỉnh một lúc. Tôi chờ cho cá tỉnh lại rồi gõ tiếp, tôi gõ như vậy có đến vài chục lần con cá mới chết hẳn. Như thế chưa hả, tôi còn lấy xác cá ra bắt đầu ngắt hết kỳ vi, đuôi, mọi thứ rồi bóp con cá giữa hai ngón tay đến nát nhầy ra.

Còn một lối giết cá khác nữa. Tôi cũng cho cá vào một chai nước đầy nong một ngón tay vào miệng rồi giật mạnh ra. Cách này tàn bạo hơn cách trước, tuy nhiên, con cá tránh được thời gian kéo dài sợ đau đớn. Nó chết ngay.

Khi ngón tay rút ra khỏi miệng chai, một tiếng “póc” nhỏ vang lên như tiếng mở rượu sâm banh. Con cá từ dưới đáy vọt lên miệng chai như một mũi tên, lật ngữa cái bụng trắng hếu ra tức nước, chết tươi. Sức ép của nước do cái rút tay tạo nên có khi làm vỡ cả cái chai nữa. Tôi nhìn xác nó, từ từ nhìn xuống, cảm thấy hả dạ.

Nhớ lại, tôi thấy quả thật tôi là một đứa trẻ quá sức độc ác khi tôi thưởng thức một cách thích thú sự quằn quại của con cá bị tôi hành hạ.

Bây giờ chính tôi đóng vai một con cá thua cuộc. Tôi không ngạc nhiên nhưng tôi cảm thấy một nỗi đau đớn về tinh thần.

Tội ác của tôi, dẫu sao cũng có thể tha thứ được, tôi chỉ hành hạ một con vật nhỏ bé thôi mà, lại ở trong lứa tuổi chưa có ý thức về lẽ thiện ác. Tôi không thể tưởng tượng nổi nếu như tôi cùng là giống cá thia thia như chúng mà tôi lại có thể hành hạ chúng như vậy. Còn tôi, tôi bị chính những đồng loại mình hành hạ. Chai nước đổi thành thùng phuy nước xà phòng và cái que nhỏ đổi ra một thanh gỗ to.

Làm sao có thể để biện minh một cứu cánh coi như lý tưởng để hành hạ một cá nhân có những tư tưởng đối lập? Phương chi cứu cánh đó chỉ là một hoài vọng nông nổi – nếu không muốn nói là ngụy tạo và vụ lợi – và sự hành hạ thì hoàn toàn, có tính cách đàn áp tiếng nói đối lập chính đáng, phản kháng những tệ trạng hậu quả của những chính sách hư mê?

Dập tắt tiếng nói đối lập bằng bạo lực chỉ có thể là phương thức của những chế độ độc tài quân phiệt. Những tay sai ngu xuẫn thì coi sự hành hạ đó như một sự trả thù, một sự bỏ tức vô lý ngây thơ – nếu nghĩ có một tí ti lý tưởng nào trong những hành vi tàn nhẫn của họ thì khôi hài hết sức – họ chỉ làm cho đã cái nư giận của họ vì chúng tôi đã làm rầy rà họ – nếu không thì họ sẽ có thì giờ nhiều hơn để giải trí – không cư xử tàn nhẫn với tôi một cách vô tội vạ và vô trách nhiệm – đó chính là điều làm cho tôi cảm thấy một nỗi đau đớn sâu xa. Một nỗi hổ thẹn không kềm chế.

Nhật ký của Lan

Anh yêu dấu,
Em sẽ kể anh nghe cơn ác mộng em vừa trải qua.
Em buồn rầu vùi mình vào lòng anh để xin anh tha lỗi. Mọi sự xảy ra, chắc chắn không do tự nơi em, trong một cơn ác mộng em hoàn toàn phải đóng vai thụ động. Em đau đớn về cả thể xác lẫn tâm hồn, và nỗi đau lớn lao quá đã làm cho lòng em trở nên dửng dưng một cách kỳ lạ, như em cam chịu phần số không may cùng với lòng khinh bỉ.

Hẳn là em còn nhớ rất rõ ràng điều nhục nhã xảy đến cho em, vậy mà lúc đó cũng như giờ đây, em không nhỏ ra được một giọt nước mắt. Nhưng anh đừng đột ngột hiện ra bên em mới được, vì nếu anh có mặt ngay bây giờ ở đây, thì em không thể giữ mình được, dẫu em có bị trói bằng dây sắt, em cũng phá tan để lết tới bằng đầu gối ngã vào lòng anh mà khóc như dông bão, và em tưởng chừng nước mắt em hoàn toàn làm ngập lụt ướt đẫm hai thân thể chúng ta. Chúng ta sẽ tắm bằng nước mắt của em, để gột sạch những xúc động nhơ nhớp mà người ta đã gieo lên thân thể em với ác tâm. Vâng, em sẽ khóc, khóc để tẩy uế.

Anh yêu,
Anh còn nhớ cây đào tiên với đôi quả kề nhau mới chín tới của em không? Cây đào hiếm hoi quí báu mà cha em đã công khó vun trồng, săn sóc, gìn giữ suốt hai mươi năm nay và từ khi em biết được sự quí giá chúng em cũng đã góp công gìn giữ. Hai quả đào tiên đó là của hồi môn duy nhất cha mẹ em để lại cho em. Em tâm niệm dành thức ăn quí hiếm đó cho anh, người chồng tương lai yêu dấu của em. Anh không biết được rằng em yêu anh đến chứng nào và em quyết rằng khi chúng ta đã thành chồng vợ em sẽ hiến dâng cho mình anh tận hưởng của hồi môn của em: đôi quả đào tiên đó. Em chỉ nhận sự sung sướng khi nhìn anh cấu vào làn da hồng căng rạn mịn màng của quả đào chất nước thơm ngọt ngào sẽ tiết ra thắm đượm từng kẻ răng anh, chan hòa lưỡi mềm mại của anh. Em chỉ tham dự vào khoái cảm của anh thụ động, nhưng em vô cùng sung sướng, sự sung sướng em tìm thấy trong đôi mắt nhắm ngây ngất của anh, ở những ngón tay tham lam quờ quạng run rẩy của anh.

Đó là lý do duy nhất vì sao em từ chối chưa trao tặng anh đôi quả đào tiên ấy để đến nỗi đôi khi em phải đau lòng vì sự buồn bã lộ ra trên gương mặt khả ái của anh. Vả chăng nếu anh biết rằng, có khi giá trị của nó chính ở nơi lòng mong mỏi, ở thời gian đằng đẵng của chờ mong mà mà không do phẩm chất của nó. Con người dẫu ở tuổi trưởng thành vẫn còn giữ tâm lý của trẻ con, chúng chỉ mơ ước những điều mới lạ. Và khi đã thỏa mãn rồi chúng không còn lòng ham muốn thèm thuồng nôn nả nữa.

Chớ có giận em, anh cũng chỉ là một trong những đứa trẻ con đó thôi. Nhìn thấy hai quả đào hồng mơn mởn treo bên cạnh, những chiếc lá xanh anh đem lòng mơ ước xôn xao, và sự mơ ước không được thỏa mãn sẽ tạo ra nơi anh một nỗi đam mê thắm thiết. Em cần lòng đam mê đó của anh. Anh có quyền nhìn ngắm nó thỏa thuê, nhưng em vẫn xin anh đừng vội ăn quá sớm. Nó chưa chín đủ. Có thể nó sẽ có một vị chua, đắng, lúc ấy… lúc ấy anh sẽ đối với em ra sao? Chính vì thế, do lòng vị kỷ rất đáng yêu của giống cái, phần nào em đã cư xử với anh như đối với một đứa trẻ con. Để khuyến khích sự say mê của nó trong việc học, người lớn chỉ hứa cho nó sự sở hữu món đồ chơi nó thích, và nó cần phải đạt đến một mong muốn nào đó của họ thì nó mới được sở hữu trọn vẹn, hoặc thi đậu hoặc đứng đầu lớp. Ở anh chính là sự thử thách bằng thời gian.

Thực tế đã đánh đổ tất cả khi cơn ác mộng xảy đến. Tuy nhiên, thử thách đó vẫn còn đúng trên suy luận. Suy luận, đó là một chứng bệnh trầm trọng của thời đại chúng ta. Hành động theo một tiêu chuẩn đinh ninh do suy luận, bất chấp những hậu quả thảm khốc. Một loại hành động mù quáng đem cứu cánh biện minh cho phương tiện, trong khi cứu cánh, thực ra chỉ là sâu thẳm què quặt của cá nhân, chứ không phải của quần chúng. Em lầm lỗi, phải không anh? Và dù mọi sự đã xảy ra như vậy, đối với anh, trong suy luận của em, vẫn chưa có gì quan trọng lắm để khiến em không còn ao ước được gặp lại anh đâu. Ân hận đôi chút, nhưng em giống như những người có tinh thần bảo thủ – có lý tưởng chứ không vì quyền lợi – em nghĩ rằng em không nên có thái độ bi lụy quá đối với anh, dầu là em đã trải qua cơn ác mộng đó. Vì cơn ác mộng chỉ có thể xúc phạm đến thể xác em mà thôi, trong khi tình yêu của em dành cho anh đã cô đọng thành một khối kim cương sáng chói trong tâm hồn em không một sức nóng nào có thể làm cho nó tan chảy – ngay khi sự phản bội của anh đi nữa, yêu anh là em đã sống đến mức của sự sống, chính là sự chết, vậy thì còn gì có thể huỷ diệt được tình yêu đó nữa? – đó là khối ngưng đọng của tinh thần, của tình yêu tuyệt đối.
Anh yêu,
Anh biết không, gã đàn ông dơ dáy, bẩn thỉu, tàn nhẫn, có gương mặt mất hẳn nhân tính, đã dùng hơi độc làm em mê man, đưa em vào cơn mộng dữ, cưỡng bức em bằng một phương pháp hết sức lạ lùng.

Gã tàn bạo xé rách quần áo em ra với hai bàn tay gân guốc thô bạo của gã. Em trần truồng như nhộng trước mắt gã, đôi mắt đỏ ngầu rực lên ánh lửa thèm thuồng. Dưới tia nhìn bốc lửa của con quỷ dâm dục, da thịt em, tấm thân trong trắng hoàn toàn trống trải của em như bị muôn ngàn tia đèn pha cực sáng dọi vào thiêu cháy. Em cảm thấy một nỗi xấu hổ kinh tởm tột độ, cũng bằng như em bị bắt khỏa thân trên một khán đài mà bên dưới có hàng triệu tia mắt của những tên “”sa đích” rạo rực nhìn lên. Sự kinh tởm lẫn với lòng sợ hãi đã khiến cho làn da thịt của em mềm nhũn mát rượi dưới bàn tay êm ái nóng ấm của anh trở nên đông cứng lại giá buốt.

Ôi! Phải chi em là một người đã từng qua trong cảnh trần truồng trước mắt những con quỉ thèm thịt sống, anh ơi, em là một gái trinh, anh ơi, em chỉ là một trinh nữ. Và em rùng mình chờ đợi.

Gã đàn ông thô bỉ đứng bên cạnh gốc đào, đôi môi thâm dày ngậm chặt điếu thuốc cháy đỏ, mỉm cười nham hiểm. Gã nói với em bằng ngôn ngữ của chúng ta, nhưng em hoàn toàn không hiểu được gã muốn nói điều gì với những câu như phù chú đó. Và em im lặng. Sự im lặng của em như một thách thức làm cho gã tức giận. Nên thay vì đưa hai tay sần sùi mân mê hai quả đào như gã đã làm trước đó, thình lình gã bấu chặt lấy chúng. Những ngón tay cứng bóp mạnh làn da căng nỏn nà với hết sức lực, như tay kẻ sát nhân trên cổ tử thù.

Hành động đó đưa đến một hậu quả tích cực, gã thấu hiểu. Cây đào với đôi quả trong thời kỳ chín mọng, gã biết em quí đến chừng nào. Sự hành hạ từ núm cuống hai quả đào đến tận gốc rễ của thân cây sẽ làm cho em cực kỳ đau đớn em cắn chặt răng lại, chịu đựng không thốt lên một lời kêu than và mê man đi trong một thời gian ngắn. Khi em tỉnh dậy đã thấy gương mặt hắn úp vào hai quả đào, hai tay nâng lên sờ mó, hàm răng nhơ bợn của gã cắn nhẹ lên núm đào, và cái lưỡi rắn nhám tanh tưởi của gã lè ra, mơn trớn khắp trên làn da. Em phải thú thật với anh điều này vì nếu không sẽ là một xúc phạm lớn đối với anh và anh không sao tha thứ được.

Em phải nói cho anh biết, giữa hai quả đào và thể xác em có một liên hệ xúc cảm mật thiết, chỉ cần một hơi gió thoảng qua trên da thịt chúng cũng đủ làm cho em thoắt rùng mình – chiếc lưỡi nhám liếm lên cuống đào, rà khắp lên thân hai quả đào mà làn da cực kỳ nhạy bén đã tạo ra luồng điện êm ái nhưng mãnh liệt truyền vào thân thể em, khiến thân xác em bủn rủn, em không làm chủ được cảm xúc thuần thể xác của mình nữa, trong giây lát xúc cảm do sự mơn trớn trên cơ thể, em quên mất sự dơ bẩn của cái miệng hôi hám nhờm gớm kia, buông mình vào cơn đê mê ngây ngất.

Nhưng như em đã nói, đó chỉ là xúc cảm tác động lên thân xác em. Không gây một ảnh hưởng tâm lý xấu xa nào đến phần tinh thần em, mà chính tinh thần mới là thành lũy cuối cùng của em. Thứ nhục cảm em thụ hưởng thụ động do gã đàn ông gieo trên thân thể em giống như chất thuốc mê, và sự đê mê của em giống như sự mê man của một người bị đánh thuốc mê vậy – Em là nạn nhân, hoàn toàn không tham dự. Phương chi, đó chỉ là một cách thức thi hành độc thủ?
Một lúc, gã đàn ông ngẩng đầu lên khỏi hai quả đào nói với em bằng ngôn ngữ quen thuộc nhưng em không sao hiểu được điều gã nói.

Thoát ra khỏi cơn đê mê, em trố mắt nhìn gã trân trối như để nhận diện một con quái vật. Gã đốt thuốc, gương mặt lầm lì của gã hiện lên những nét cực kỳ hiểm độc. Gã rít liên tiếp những hơi thuốc dài, điếu thuốc đỏ rực lên trong bóng tối. Gã thong thả dí đầu lửa đỏ lên núm cuốn hai quả đào và kề miệng rít cho lửa rực lên thêm. Một mùi khét lẹt từ đó bay ra cùng với tiếng réo xèo xèo, như mùi khét của da thịt người bị đốt cháy. Còn em thì ngất đi. Em tỉnh dậy rồi lại ngất đi nhiều lần với trò chơi ác độc đó. Hai quả đào với làn da căng hồng mơn mởn bị lửa đầu thuốc đốt cháy đen bầm. Nhựa từ vết thương rỉ ra đỏ thắm như máu.

Cuối cùng, trước khi bỏ đi – vì gã biết rằng không thể thuyết phục nổi một ý chí sắt đá – gã đã dùng những ngón tay cào mặt đất – nơi một kẻ nứt có những rễ nhỏ bám sâu và dí làn thuốc vào kẻ nứt đốt cháy những rễ con, khói bốc ra như mùi tóc đốt. Em bất tỉnh. Và đó là cảm giác đau đớn cùng tuyệt gã đàn ông đã gieo vào cây đào – có liên hệ xúc giác đối với cơ thể em – trước khi gã bất lực bỏ đi.

Gã không nhận được nơi em những gì gã mong mỏi. Nhận một tội lỗi mà em không hề phạm.
Giật mình thoát ra khỏi cơn mộng kinh hoàng, giữa đêm, em chạy ra gốc đào, đưa tay lên mò mẩm trong bóng tối, hai tay hai chân em ngượng ngập như vừa được mở cổng. Nhựa từ hai quả đào rây ra tay em nhầy nhụa. Em thảng thốt nhận ra cơn ác mộng, cùng lúc đã xảy ra trong thực tế.

Anh ơi! Nói lên tiếng nói phản kháng của những kẻ bị đàn áp phải chăng là một tội lỗi?
Nào em có tội tình gì cho cam. Em và đồng bào em lâm vào cảnh đói rách nhọc nhằn. Một buổi sáng, dưới ánh nắng rực rỡ của mặt trời – mặt trời là mắt công bình xa vời phải không anh? – em cùng với những bọn trẻ đồng cảnh ngộ, chúng em đã họp nhau lại kéo nhau ra phố hát lên nỗi thống khổ của mình. Nhưng chung quanh chúng ta, có những kẻ sống một cách vương giả nhờ vào sự bần cùng của chúng ta. Họ muốn chúng ta im lặng, chết rục trong sự khốn cùng đó, họ không muốn chúng em, những kẻ bạo gan dám cất lên tiếng nói phản kháng, và họ, chối tai vì những giọng hát kèn đồng đã cất cao lên, bởi tiếng hét ấy đã phát ra từ ngõ động mạch những trái tim sôi sục lửa căm thù, tiếng hét ấy đã làm cho họ run sợ bị tiêu diệt, tiếng hát đã đốt tiêu ra tro than bọn người nhơ nhớp, tồn tại được nhờ những dòng mồ hôi chảy ràn rụa trên trán, trên lưng của lớp người cùng đinh, nhờ vào suối máu từ những thân thể trẻ trung của các thanh niên tuôn ra trên khắp các mặt trận.

Chúng ta không lạ gì, bởi chúng ta đã sinh ra và lớn lên trong một thời đại mà quyền tự do của con người được tấn phong để rao bán như một món hàng hào nhoáng mặt ngoài mà đục ruỗng bên trong.

Bọn người dùng quyền rao bán đó bắt mọi người phải trả một giá đắt, bị bó buộc phải mua và phải tin rằng đó là một báu vật họ có nhã ý trao tặng chúng ta. Nhưng bổn phận của chúng ta là phải nói cho tất cả mọi người trên thế giới biết rằng đó chỉ là một sự lừa bịp trắng trợn vĩ đại, một âm mưu trục lợi, tin vào đó là tự tiêu diệt đời mình.

Chính vì thế mà chúng em đã cất lên tiếng hát đồng ca và bọn người có uy thế kia đã xua lũ tay sai ngu dốt chúng thuê mướn – với một món tiền ít oi, cũng là những đồng bào chúng ta mà, phải không anh? – đến dập tắt tiếng hát ấy.

Nói sự thật là một tội trọng, đó là một châm ngôn mọi người đều học được trong thời buổi mạt thế này. Nhưng bổn phận chúng ta là phải nói lên sự thật, phải rao giảng chân lý dù chúng ta có bị bạo lực ngàn lần đàn áp đi nữa.

Cuối cùng chân lý bao giờ cũng tỏ lộ dưới ánh sáng huy hoàng của chính nó. Tất cả những gì không phải là chân lý, giả ngụy sẽ bị tiêu diệt.

Anh yêu,
Em đã trở về căn phòng nhỏ tăm tối của em, đốt lên một cây nến trắng. Ánh nến bừng lên soi rõ bức hình anh với đôi mắt sáng trầm tĩnh đầy cương nghị.

Em nhìn vào bức hình như nhìn vào gương mặt thật của anh, đang ngồi trước em. Đôi mắt anh nhìn em âu yếm, bao dung, em soi mặt mình vào đó để tìm thấy chân dung em: tuy vừa trải qua cơn ác mộng, gương mặt vẫn còn giữ được vẻ đẹp ngây thơ, dịu dàng với đôi mắt bồ câu long lanh. Em đã hôn lên đôi môi anh trong bức ảnh để thấy lòng mình bình yên trở lại, vì em vẫn còn cảm thấy kinh hoàng khi nhớ lại những gì đã xảy đến cho em.

Có điều lạ lùng, là khi đem thuật lại giấc mộng cho những người bạn gái của em nghe, họ xác nhận là cũng đã trải qua trong cùng đêm đó, giống như những gì em đã kể, tuy nhiên các chi tiết không đồng nhất và gương mặt, hình dáng gã đàn ông mỗi người đã trông thấy hoàn toàn khác biệt.

Em đã kể cho anh cơn ác mộng xảy đến cho em, những ảnh hưởng.
Chắc chắn là anh phải làm một cái gì cho em, tựa như những vuốt ve êm ái. Anh hãy về ngay với em, để trông thấy hai trái đào vưu vật của anh đã bị gã đàn ông xâm phạm. Chúng đang cần hơi hám của bàn tay anh ấp ủ để những vết thương chóng se mặt, những tế bào mới có thêm sinh lực nẩy nở nhanh chóng, những vết sẹo mau biến đi nhường chỗ lại cho làn da hồng căng mơn mỡn như xưa.
Hôn anh, Lan.

Nhật ký của R… bạn của Minh và Lan
Trong quảng đời tuổi thơ của quí vị, hẳn là có đôi lần, quí vị thích thú cởi trần truồng dầm mình trong những cơn mưa lớn. Từ đầu, khi những hạt nước thưa thớt rớt xuống từ một bầu trời mây đen vần vũ, rơi lộp độp trên mái nhà, quí vị đã cỡi bỏ áo quần ra đứng giữa trời nhảy nhót, hay chạy dong dong la hét ầm ĩ, chờ cơn mưa tới. Nhưng ngay trong lúc đó, khi cơn mưa còn xa, gió mạnh đã đẩy những hạt nước rơi sớm, bay tới rơi lên da trần của quí vị, gây một cảm giác rát nhẹ như những cái tát liên tiếp của một bàn tay nhỏ. Không thích thú gì, vì nhiều cái tát như vậy liên tiếp nhưng thưa thớt, vả vào khắp người khiến quí vị cảm thấy khó chịu? Chính tôi đã trải qua những cảm giác đó. Tôi không thưởng thức những cái tát nhỏ, tôi chờ đợi một cơn mưa lớn nhưng với những hạt nước mịn. Nhà tôi ở gần một bờ biển, vì thế tôi có nhiều dịp quan sát sự xâm thực của sóng nước vào chân các núi đá và những giòng nước nhỏ chảy qua một mặt đá phẳng.

Nếu có một so sánh về thể chất giữa nước và đá, việc làm đó đưa đến kết luận có một khác biệt lớn đến trở thành khôi hài, như nếu có người bày tỏ ý định sẽ lấy nước để bổ đôi, hay để đập tan một tảng đá. Ý định đó không còn gì điên vì thiếu thực tế cho bằng, chúng ta tất sẽ nghĩ như vậy. Nhưng nếu ai cho đó là một ý nghĩ có tính cách khôi hài, có lẽ những người đó đã không chú ý đến yếu tố thời gian.

Chân núi đá vững chải dường nào thì đợt sóng đánh vào có hề hấn gì! Thoạt nghe có vẻ chí lý, cũng như giòng nước nhỏ chảy qua một mặt đá thì làm thế nào có thể bổ đôi tảng đá ra được.
Đó là một ý tưởng nông cạn và sai lầm.

Sự thật, đợt sóng đã có một tác động tích cực trong cùng đích của nó và giòng nước chảy qua mặt đá kia cũng vậy. Chúng ta không nhìn thấy sự xê dịch của kim đồng hồ, phải đâu là chúng không di chuyển? Một nụ hoa phong kín đâu phải không nẩy nở để đến lúc mãn khai và vẻ đẹp trông như rực rỡ kia đâu phải không đang tiến dần đến vẻ héo tàn? Tôi đã từng thấy những chân núi đá bị sóng nước đục thủng vào, và những núi đá gẫy gục xuống vỡ ra thành những đống đá vụn, những khe lõm sâu trên mặt đá chỗ giòng nước chảy qua. Đó là sự xâm thực nhẹ nhàng bị lãng quên trong thời gian, giống như sự cháy ngầm của không khí tác dụng vào sắt thép trông có vẻ vô hại ban đầu nhưng đưa đến một hậu quả hủy hoại khôn lường về sau.

Bây giờ, chúng ta lấy một miếng vải nhung – nhung thì êm ái biết bao! – chà nhẹ lên một khoảng da nhất định. Ở những lần đầu, sự va chạm nhẹ nhàng của nhung vào làn da sẽ khiến chúng ta có một cảm giác được vuốt ve. Tôi tin rằng, chỗ da nhận sự ve vuốt nhẹ nhàng đó sẽ đỏ rần rồi phồng lên nếu chúng ta cứ tiếp tục lập lại sự va chạm êm ái đến một lúc nào đó. Lúc đầu, nếu có người cam đoan, với những cái ve vuốt nhẹ nhàng của một miếng nhung, sẽ làm cho da chúng ta phồng lên, hẳn chúng ta sẽ mỉm một nụ cười tha thứ rất ngạo mạn. Gần gũi hơn, chúng ta có thể nhìn thấy những lỗ thủng sâu xuống dưới mặt đất, ngay dưới mái hiên nhà. Có lẽ một vài người đã vội nghĩ đến những giòng nước của một cơn mưa rào. Không đâu, cần gì đến những giòng nước nặng đó, chỉ là nước sương đọng nhỏ xuống từng giọt một trong suốt những đêm của mùa sương mù thôi. Những cái lỗ cũng đủ sâu hàng năm phân dưới mặt đất rắn.
Hắn cố vặn vẹo cái thân thể trần truồng mà tay chân đã bị cột chặt vào những khoen sắt chôn sâu, gắn xuống nền xi măng lạnh, ẩm ướt. Hắn muốn xê dịch đi một chút, chỉ một phân thôi cũng được để tránh những giọt nước lạnh buốt từ một độ cao, đang rơi xuống nhất định trên khoảng xương che tiểu não. Nhưng hắn bị hai bục gỗ với những đinh sắt nhọn tua tủa giữ chặt sát hai bên đầu và mặt úp xuống nền xi măng. Hắn muốn cất đầu lên để đập xuống cho vỡ tan nhưng một thanh gỗ chắn ngang sát vào làn da trên gáy khiến hắn không thể cựa quậy xê xích được, dù chỉ một ly. Hắn muốn ấn thái dương vào những mẫu đinh nhọn nhưng cảm giác đau đớn đã khiến hắn phải hủy bỏ ngay ý định.

Đã liên tiếp ba hôm nay, người ta bắt hắn chịu hình phạt lạ lùng này buộc hắn khai thêm những bạn bè hắn mà người ta gọi là “những phần tử phản động”, tiếp tay cho giặc phá rối công cuộc trị an, đã ngăn trở bước tiến của toàn quân toàn dân trên đường xây dựng chế độ tự do dân chủ.
Thoạt tiên, người ta cho những giọt nước rơi xuống trên ngực hắn. Thật lạ lùng và khôi hài, hắn nghĩ, hắn tưởng rằng với tội lỗi mà người ta đã gán cho hắn, hắn phải chịu những hình phạt kinh khủng mới phải, sao họ lại bày ra cái trò tắm hắn với những giọt nước hà tiện! Và trong lúc những giọt nước đầu tiên rơi xuống, hắn đã yên tâm chợp đi một giấc ngắn… Nhưng sau đó, không rõ bao lâu, đột ngột hắn bị đánh thức dậy trong một cảm giác toàn thần rúng động vì một cơn đau đớn như vừa nhận một nhát búa bổ mạnh trên lồng ngực. Hắn mở choàng mắt trong lúc ngơ ngác chưa hiểu rõ nguyên nhân cơn đau thì một giọt nước rơi xuống trên lồng ngực hắn.
– Ôi! Hắn nẩy người, kêu lên thảng thốt mở mắt trừng trừng nhìn lên nóc nhà và hắn hiểu ra.
Sự đau đớn như bị một nhát búa đập chẳng qua chỉ là tác động của những giọt nước kia được lập lại mà lúc đầu hắn cảm thấy hết sức vô nghĩa. Hắn cảm thấy thân thể trở nên lạnh buốt, từng miếng thịt thoát khỏi sự kềm chế, tự do run lên. Những giọt nước cứ tiếp tục rơi xuống, đập lên ngực hắn như những nhát búa. Hắn mở mắt thao láo, kinh hãi nhìn giọt nước đang dần dần tụ lại, long lanh. Hắn tưởng như thấy rõ những lượng nước nhỏ từ từ rỉ ra cho đến khi giọt nước thành hình. Khoảng thời gian đợi chờ càng lúc càng trở nên nặng nề nghẹn thở… giọt nước vừa rời khỏi đáy thùng, đang rơi xuống. Hắn nhắm mắt lại. Một, hai, ba. Giọt nước đập vào ngực.
– Giết tôi đi! Giết tôi chết đi! Trời ơi!…tiếng thét kinh hoàng của hắn vang âm trong bốn bức tường,.

Giọt nước lại đang tụ dần dần. Giọt nước trong vắt lung linh, đôi mắt quáng của hắn nhận ra vô số những giọt nước.
– Rơi xuống đi! Rơi xuống mau đi! Hắn rên rỉ. Nhưng giọt nước vô tri không vội vã hãy còn đong đưa, đợi thêm một lượng nước nhỏ nữa cho đủ nặng. Vào lúc hắn không còn đủ sức đợi chờ nữa, bất ngờ giọt nước buông mình rơi xuống.
– Độp! Hắn rủn người:
– Giết tôi đi! Giết tôi chết đi! Hắn thét lên vang dội cả căn phòng.
Cánh cửa sắt mở hé, một người lách mình vào, tiến đến đứng bên hắn, chống tay lên cạnh sườn, nhìn lên trần nhà, gã chiếu tia mắt lạnh lùng lên thân thể nạn nhân:
– Hãy giết tôi đi! Hắn nói gần như rên rỉ, nhìn người vừa vào với đôi mắt van lơn. Hắn muốn được chết.
– Hãy giết tôi ngay đi! Hắn phẫn nộ thét lên thất thanh.
– Thế nào, nhóc con? Người kia hỏi. Mày đã chịu nói thằng nào chủ mưu vụ nhịn ăn phá rối chưa?
– Giết tôi đi! Tôi không biết! Hắn đáp.
Phải khai với ông thế nào đây, hắn nghĩ. Làm gì có người chủ mưu? Làm sao có đủ chỗ giam giữ tất cả số người đông đảo vô kể gồm 90% dân số dân tộc kia chứ?
– Mày muốn phá rối chế độ hả? Người kia hỏi gằn.
– Tôi muốn cho chế độ khá hơn.
– Khá hơn cái con đĩ mẹ mày!
Gã rít lên lời mắng mỏ tức tối, sút một cú mỏ nhọn như trời giáng vào sườn hắn.
– Ngoan cố hả? Phản động hả? Y càu nhàu. Ông sẽ cho mày chết rục.
Y hối hả trở ra, đóng ập cánh cửa khóa tự động lại. Hắn không nghe y nói gì. Hắn đã ngất đi khi nhận cú đá sút.

Hắn tỉnh dậy trong một căn phòng khác. Trong bóng tối mờ mờ, dần dần hắn nhận ra những người bạn. Tình trạng của họ không kém hắn, nhưng trong vẻ mệt mỏi dường như họ không để mất đi thứ ý chí bất khuất trong những tia mắt sáng. Căn phòng hoàn toàn im lặng. Ngoài những hơi thở đều nhè nhẹ, hắn có cảm tưởng như đã bị đưa đến một nôi hoang vu, xa hẳn thế giới loài người. Hắn trở mình định ngồi dậy nhưng người đau như dần, tay chân, những khúc xương trong thân thể như sắp sửa rời ra.

Hôm sau, người ta cho những giọt nước rơi trên trán hắn, hôm sau nữa trên ngay đỉnh đầu và bây giờ …

Những giọt nước rơi trên xương che tiểu não dần dần làm cho hắn mê thiếp đi.
Tôi đã trở về nhà với một tấm thân thể tiều tụy. Một cái gì bất ổn ghê gớm đã xảy ra trong ngũ tạng tôi, tựa như từng mỗi cơ phận nhỏ đã bị dần cũ kỹ, nát nhũn ra, lõng lẻo. Đầu tôi với óc não như chảy ra, lỏng bỏng. Trí nhớ tôi mỗi ngày giảm sút đi và tình trạng đó gia tăng từ hơn ba tháng nay. Tôi không thể gọi đúng tên những đồ dùng thông thường chung quanh tôi nữa. Ban đêm giữa giấc ngủ tôi thường bị đánh thức dậy, cảm thấy như có người đập búa tạ lên ngực tôi, lên trán tôi, lên sọ tôi, ngực tôi đau ran như sắp vỡ. Những cơn nhức đầu tưởng chừng làm cho những mảnh sọ tôi nứt rạn. Bác sĩ cho tôi biết rằng, thân thể tôi đang ở vào thời kỳ suy yếu trầm trọng cần phải bồi bổ, thần kinh tôi đã rối loạn, cần phải chạy chữa kịp thời. Nếu để tình trạng mất trí nhớ tiếp tục, tôi sẽ bị điên.

Cha tôi chỉ là một công nhân. Cả gia đình sống nhờ vào số lương ít ỏi của ông. Trong tình trạng kinh tế suy đồi này, số lương của ông không đủ để ăn hai bữa cháo qua ngày thì còn lấy tiền đâu chạy chữa cho tôi?

Tôi chờ đợi thân thể tôi suy nhược dần dần sức lực. Tôi chờ đợi máu tôi khô cạn, tôi chờ đợi cơn bệnh thần kinh tăng dần đưa đến trạng thái điên cuồng, có lẽ sẽ xảy đến một ngày không xa. Cả hai yếu tố đó hợp lại đưa tôi về cõi chết.

***

[/read]

 

Hoa Quỳnh

“Trong tuổi thơ, tôi còn nhớ cha tôi rất yêu hoa Quỳnh. Một hôm ông mang về một lá Quỳnh, trồng trong một chậu sứ Tàu men lam Ceradon, trang trí hoa văn cánh sen rất đẹp.Cha tôi chăm chút, nâng niu. Ông bón phân bằng xác trà, “để giữ cho hoa được tinh khiết”, ông nói . Từ một lá nhỏ Quỳnh phát triển thành một bụi lớn, hàng chục chiếc lá dài xanh cứng cáp, mạnh mẽ.Mỗi lần Quỳnh nở lòng cha tôi cũng nở theo. Ông vui như trẻ con được quà, một cách hồn nhiên không kềm chế .

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Thời gian chờ đợi Quỳnh ra hoa, lòng cha tôi nôn nao. Ngày nào ông cũng xăm xoi, nhìn ngắm những lá Quỳnh như muốn khám phá một thế giới bí mật…còn che dấu. Ông chờ một cái gì thiêng liêng sắp hiển lộ.

“Khi hoa chưa xuất hiện thì hoa ở đâu ? Trong cây, trong lá, trong nhựa nguyên?” Tôi thấy rõ trong ánh mắt nhìn của ông như tia X quang muốn soi thấu điều ẩn tàng sâu kín bên trong. Cho đến một hôm, như có hẹn, hàng chục nụ hoa nho nhỏ hồng hồng cùng lúc rủ nhau xuất hiện ở các nách lá. Một niềm vui khó tả hiện lên trên nét mặt cha tôi, như có ánh hào quang. Mặt ông sáng rạng rỡ.

Chờ trông hoa lớn lên là một thú vui thanh nhã của cha tôi. Mỗi ngày ông ngắm các nụ hoa nhiều lần, gởi gắm tình cảm của ông cho hoa. Buổi sáng ông dậy sớm, ngồi uống trà, hút thuốc bên chậu hoa, nét mặt hân hoan. Buổi chiều đi làm về, bên hoa cha uống rượu trầm ngâm, thỉnh thoảng đưa tay nâng cánh lá lên ve vuốt dịu dàng. Buổi tối trước khi đi ngủ, cha đứng lặng lẻ trong bóng mờ ngắm hoa như gởi lời chào “ chúc hoa ngủ ngon”.

Niềm vui của cha mỗi ngày tăng thêm theo đà lớn của hoa. Thời gian âm thầm trôi qua và niềm vui của cha tôi tăng lên mỗi ngày. Ông quấn quít bên chậu hoa không muốn rời, như một chàng trai quấn quít người yêu.

Rồi cũng đến ngày hoa Quỳnh nở. Từ lúc giữa trưa đến buổi chiều, đầu nụ hoa bắt đầu chúm chím, e ấp một màu trắng ngà ngọc, ấy là lúc hoa Quỳnh hé nhụy. Cha tôi có kinh nghiệm, biết rằng đó là điềm báo buổi tối hoa nở. Mỗi lần như vậy, ông chuẩn bị lễ nghênh đón hoa.Ông kê chậu hoa trên một chiếc ghế mây thấp, lấy khăn ướt lau chậu sạch sẽ.Cha tôi mời bạn bè đến uống trà Ô Long, ăn bánh ngọt – không ngậm kẹo sỏi như các cụ ta xưa nữa – thưởng thức cảnh hoa Quỳnh nở trong đêm. Ngắm hoa Quỳnh nở có cái thú là thời gian đợi chờ – như chờ người yêu đến, lại đến trong đêm khuya khoắt! Hoa bắt đầu nở từ lúc đầu đêm đến tận giữa đêm mới mãn khai. Nếu tinh mắt có thể thấy các cánh hoa đang từ từ hé nhụy. Chỉ lơ đễnh một chút, khi nhìn lai đã thấy hoa khác trước. Các cụ ta xưa ăn kẹo sỏi để xem hoa Quỳnh nở là thế. Lòng thanh thản không lo lắng, thật thảnh thơi mới tận hưởng được cái thú xem hoa Quỳnh nở. Xem hoa Quỳnh nở là cái thú thanh nhã của các tao nhân mặc khách.

Đầu đêm, Quỳnh như cô gái dậy thì e ấp sửa soạn xiêm y, chúm chím hé nhụy, đến khuya thì hoa mãn khai.
Nhìn hàng chục đóa Quỳnh như các thiếu nữ khuê các đang khoe sắc, tỏa hương ngạt ngào, lòng tôi dạt dào xúc động.

Cha tôi đưa một cây nến trắng đến gần hoa, nói với các bạn: “Các bác xem này, từ trong lòng hoa có một làn hương thổi ra làm dạt ngọn nến!” Tôi cố nhìn, nhưng thú thực không thấy ngọn nến dạt. Các ông bạn của cha tôi chắc cũng thế, nhưng không ai nở làm mất cảm hứng của ông, nên gật gù tán thưởng. Hoặc đúng ra là họ thưởng thức cái ý tưởng nên thơ của cha tôi mà thôi. “Một làn hương từ trong lòng một đóa hoa Quỳnh thổi ra làm cho ngọn nến dạt đi.” Còn ý tưởng nào nên thơ hơn thế!

Cha tôi cũng tin rằng hoa Quỳnh nở báo điềm lành, vận hên. Ông mua vé số tặng các bạn ông, với lời cầu chúc tốt lành.

Hoa Quỳnh mãn khai, cánh hoa có dáng một chiếc thuyền, trắng ngọc ngà, như màu lụa áo một tiểu thư khuê các liêu trai. Riêng tôi chỉ mường tượng đến hình bóng một Công Tằng Tôn Nữ trong chốn cung đình.

Tôi có tham vọng vẽ hoa Quỳnh hiện thực, đã vài lần thử, nhưng đều thất bại. Tôi không diễn tả được cái vẻ đài các phong lưu, thanh cao trong trắng ngọc ngà như tiên nữ của loài hoa trong mộng tưởng.

Tôi đã thử diễn tả bằng sắc màu trừu tượng, vẫn không thành công. Ôi! Đẹp làm sao, duyên dáng kiều mị vô ngần là vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng quyến rũ của Công Tằng Tôn nữ. Phải vẽ bằng hương, bằng ánh sắc cầu vồng trên lụa là Hằng Nga, chứ nhất quyết không thể nào dùng sắc màu trần tục mà pha chế, vẽ vời cho thành được. Ôi! Đó là vẻ đẹp của nhan sắc lên hương, của sen ngó nuột nà!

Tôi đành thúc thủ, thầm ngâm hai câu thơ của Huy Cận để trốn chạy sự bất tài, bất hạnh của mình:

Có lẽ hồn ta không đẹp nữa
Bút thần thôi họa nét thiên duyên

Tôi bỏ ý định vẽ hoa Quỳnh từ đó.

Hoa Quỳnh có một đức tính rất đáng yêu, đáng quí trọng. Những loài hoa khác, khi tàn dáng hình đều rất tầm thường, đều cho hình ảnh “hoa tàn nhụy rửa”, màu phai, cánh tả tơi rơi rụng, khác hẳn hoa Quỳnh sang trọng đài các, trước khi tàn sửa soạn vén khéo xiêm y, Quỳnh khép các đài hoa lại cho kín đáo như khi còn búp.

Nàng Quỳnh – xin quí bạn đọc cho phép tôi từ đây được gọi hoa Quỳnh như thế, mới thỏa với lòng tôi- đã khép mình lại trước khi tàn vì không muốn mắt đời trông thấy vẻ tiều tụy của thân xác mình. Nàng Quỳnh chỉ muốn giữ mãi hình ảnh hương sắc tuyệt trần trong lòng nhân thế mà thôi.

Thật đáng quí, đáng yêu biết bao nhiêu cái đức mà trời đất đã phó thác cho nàng Quỳnh.

Quỳnh khoe sắc hương, dâng hiến cho đời.
Quỳnh héo tàn trong lặng lẻ, thầm lặng mà tự trọng.
Quỳnh mãn khai trong đêm,tỏa hương cùng đêm.
Đến giây phút cuối đời, dọn mình kín đáo rồi mới giả từ nhân thế.

Tôi đã xem một tuồng Nô trong phim Sayonara có cảnh cô gái thất tình, cô tìm cái chết bằng cách trầm mình xuống biển làm tôi rất xúc động. Tôi liên kết hai hình ảnh, cô gái và hoa Quỳnh. Cô gái sửa soạn cho thân thể mình sau khi chết được kín đáo, không phô ra lỏa lồ trước mắt nhân thế. Nàng quấn lụa trắng bọc kín thân thể, mặc áo Kimono ra ngoài trước khi trầm mình. Hoa Quỳnh trước khi héo tàn cũng đã khép kín các đài hoa, chuẩn bị cho cái chết của mình, như người nữ trong tuồng Nô.

Hoa Quỳnh khi mãn khai, khoe hết sắc hương cũng chính là lúc hoa bắt đầu những giây phút đầu tiên của úa tàn. Có ai biết đâu là ranh giới, nơi chập chờn thời gian giữa mãn khai và bắt đầu sát na của úa tàn đó nhỉ ?

Những lần đầu thưởng thức hoa Quỳnh nở, tôi muốn cùng cha thức suốt đêm để ngắm hoa, nhưng không sao thức nổi .Nhưng nếu tôi có thức thì cũng không cứu vãn được gì cho hoa. Tôi chỉ chứng kiến những giây phút trôi qua, đưa hoa đến tàn úa mà đau lòng thôi. Buổi sáng, lòng hối hận tôi vội vàng chạy ra với hoa. Hình ảnh hàng chục đóa Quỳnh rũ xuống khiến tôi mường tượng như bao cô gái thanh tân mới mấy giờ trước đây còn khoe hương sắc, giờ rũ xuống chết thảm thương. Nhìn hoa tôi đau xót cả lòng.

Hoa Quỳnh, nếu khi nở sắc hương trinh bạch đem lại niềm vui bao nhiêu, khi hoa tàn khiến ta buồn đau thương cảm bấy nhiêu. Các bạn đã bao giờ ngắm dáng hoa Quỳnh tàn rũ chưa? Thật là một hình ảnh khêu gợi sâu xa lòng thương cảm.

Hoa Quỳnh chỉ nở khoe hương sắc trong một đêm.

Hoa Quỳnh mãn khai trong đêm.
Tỏa hương cùng đêm.
Khoe sắc cùng đêm.
Tàn úa cùng đêm.

Trong tuổi thơ, tôi yêu hoa Quỳnh như tình yêu đầu đời , một tình yêu lý tưởng. Hoa Quỳnh hóa thân thành một người nữ tuyệt vời, thầm lặng chiếm lĩnh trái tim tôi, cõi hồn máu huyết tôi. Nàng là Kiều, Thôi Oanh Oanh, Scarlette, Lara…Những người nữ của cõi văn chương không có thực trong đời. Lớn lên tôi đi tìm những người nữ mộng tưởng đó và không thể yêu một người nữ nào khác, vì bao nhiêu người nữ tôi gặp không ai sánh nỗi với nàng Quỳnh diễm tuyệt. Hoa Quỳnh là tình yêu lý tưởng thầm kín, một người nữ hóa thân với sắc hương lụa là ngọc thạch.

Cha tôi đã mất từ lâu. Giờ tưởng nhớ Cha, tôi trồng hoa Quỳnh. Một lẽ nữa, vì không tìm thấy ở một người nữ nào trên cõi đời có vẻ đẹp chiếm ngự xác hồn tôi nên tôi muốn có hoa Quỳnh bên cạnh để an ủi tình cảm cô đơn.

Và trời đã không phụ tôi, lòng thủy chung với nàng Quỳnh. Tôi đã gặp nàng bằng xương, bằng thịt.Tôi đã gặp MÍA LAU …khi tôi bước vào tuổi chín mươi. Nàng vừa mười tám tuổi.

MÍA LAU là hóa thân của hoa Quỳnh, hiển hiện với tràn đầy hương sắc. Nàng là người nữ tôi đã mất đời người trăm năm để kiếm tìm.

Chúng tôi yêu nhau.”
………………………………………………………………………………
Những lời này được tìm thấy trong sổ ghi chép của một họa sĩ già, nằm chết bên cạnh bức tranh vẽ chân dung MÍA LAU, sắc màu như sương khói, một gam màu trong như ngọc thạch. Từ trong bức tranh tỏa ra ngạt ngào hương của Quỳnh hoa.

***

Con Mén

Cơn chuyển bụng đẻ của Mén trùng với cơn chuyển mưa, nhưng cơn chuyển mưa vần vũ, sấm chớp ầm ì một lúc rồi trút nước xuống như cầm tĩn đổ, chẳng mấy chốc đã tạnh mà con Mén thì cứ nằm ôm bụng lăn qua trở lại, bẻ gãy hết mấy song cửa sổ bằng tre, xé nát tấm chiếu, khóc la đã hai ngày, hai đêm vẫn chưa đẻ được. Cái bụng căng cứng trì xuống, nước ối vỡ ướt.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Mồ hôi Mén toát ra dầm dề đẫm cái áo bà ba hở nút màu cháo lòng và cái quần đen dày cứng vá chằng vá đụp. Đực, chồng Mén thì tỉnh queo, cứ làm việc nhà bình thường, thỉnh thoảng chạy vô rờ bụng vợ hỏi:
– Sao mầy hổng chịu đẻ? Đẻ đi! Kỳ trước mầy đẻ thằng Chó mau lắm mà.

Rồi Đực lại đi ra. Thằng con trai tên Chó, ba tuổi, cũng chạy ra chạy vô rờ bụng mẹ. Nó mặc một cái áo sơ mi ngắn tay không nút, phanh rốn, nhìn không ra màu gì. Nó hỏi Mén:
– Em trong này hả? Nó con gì? Mén hay Đực?
Nó níu Đực:
– Ông ơi! Sao ông hổng nấu cơm tui ăn? Tui đói bụng rồi. Ông nói bà rặn em mau đi. Sao nằm khóc hoài vậy?
– Thì mầy nói bả đi. Tao không nói được. Nó không chịu ra. Để tao luộc mì cho mà ăn.

Đực ra góc rẫy nhổ hai bụi mì. Trời nhá nhem tối. Khu rừng phía sau rẫy mì đen sẫm. Đực ngồi coi lửa, nhìn ra khu rừng mà sợ. Đêm nay voi về phá rẫy phá nhà như năm ngoái thì làm sao đây. Nó đâu có cõng vợ và thằng Chó mà chạy được. Từ đây ra tới đường cái phải băng qua mấy đồi tranh cao quá đầu người, không khéo bị voi dày chết hết. Đực chạy vô hối vợ:
– Mầy ơi! Đẻ mau đi! Tao sợ voi về phá rẫy phá nhà.
– Trời ơi! Mén rên rĩ. Thì mầy đẻ cho tao đi. Tao sắp chết rồi.
– Mầy đừng nói bậy. Đẻ đi! Đẻ đi! Tao lấy mì mầy ăn nghen.
Đực vớt mì ra rổ, lấy hai khúc đưa cho vợ:
– Nè ăn đi! Chắc mầy đói nên đẻ không ra. Ăn vô no cho mau đẻ.

Hai cha con ngồi ăn trong bóng tối. Lửa bếp sắp tàn, thỉnh thoảng phựt lên soi hai gương mặt như đá tạc. Ăn xong Đực kéo manh đệm trải dưới cái sạp Mén nằm, hai cha con lăn ra ngủ. Muỗi rừng bu đen kín mặt, nhưng họ ngủ say như chết.

Sáng hôm sau, thằng Chó con ngủ, Đực dậy sớm thăm vợ xem đã đẻ chưa. Nó nói:
– Để tao đè bụng mầy cho nó lòi ra nghen.
Mén rền rĩ:
– Trời ơi! Đè cho tao bể bụng chết sao? Mầy mổ lấy nó ra đi! Tao sắp chết rồi.
– Mổ sao? Tao đâu biết mổ.
– Thì giống như mầy làm gà, làm thỏ đó. Mổ bụng vạch ra, lấy nó ra.
– Lấy gì mổ đây mậy? Đâu có gì mổ đâu.
– Mầy lấy… Trời ơi! Đau chết đi! Lần sau mầy đừng có đè tao mà đụ nữa nghe Đực… Con dao… Mầy lấy con dao phay dưới bếp đó. Mau lên. Mổ… Mổ… Lấy nó ra giùm tao mau lên.

Đực chạy ra sau chái lấy con dao phay. Nó cầm con dao đứng nhìn cái bụng vợ tần ngần.
– Mổ gà, thỏ thì để làm thịt ăn. Còn mổ vợ thi…
– Mầy mổ đi! Con Mén kêu lên. Còn đứng dòm cái gì vậy?
– Tao sợ!
– Sợ cái thằng cha mầy.

Đực vén áo vợ lên, bắt đầu mổ. Nó vạch một lằn. Cái dao lụt quá, bụng Mén chỉ trầy một đường rơm rớm máu.
– Trời ơi! Đực ơi! Mén rên lên – Mầy đi mài dao đi.

Nó chạy ra cục đá ở góc nhà mài lia lịa, xong chùi vô ống quần xà lỏn đang mặc rồi vào tiếp tục mổ.

– Da người ta dai quá,” nó nghĩ. Nó mổ cả chục lần mới banh được bụng vợ ra. Máu con Mén chảy dầm dề. Đực thấy hài nhi ngo ngoe trong bụng vợ, mừng rỡ vất con dao, thọc hai tay vô bụng móc đứa nhỏ ra. Nó đỏ lòm, nhuộm máu, cuốn rốn dính lòng thòng.

– Được rồi mầy ơi! Con mén.
Đực thấy cái hẽ của đứa bé, la lên.
– Con mén giống mầy.

Đực lấy dao cắt cuống rốn, mặt hớn hở, bưng hai tay đem đứa nhỏ ra sau, múc nước trong lu rửa mặt sạch. Nó kỳ cọ hồi lâu, đứa nhỏ đang đỏ trở nên tím ngắt.
– Nè, con mén nè.

Đực nói với vợ, đặt đứa bé bên cạnh. Mén nằm nhắm mắt, thở dốc lên. Máu chảy đọng vũng dưới nền đất.
– May… bụng… tao lại. Mén phều phào.
– Lấy gì may giờ?
– Kim… chỉ… trong…. Mén thở nấc lên.

Đực lục tìm hồi lâu mới thấy cây kim và cuộn chỉ đen. Nó xỏ mãi mà chỉ không vô lỗ kim. Nó thấm nước miếng đầu chỉ, se lại cho nhọn, nhưng lỗ kim nhỏ quá, chỉ không lọt. Cuối cùng nó xỏ được và bắt đầu may. Hai bàn tay dính đầy máu, nó không còn thấy kim chỉ đâu nữa. Nó loay hoay may, nhưng kim không đâm lủng da được. Mồ hôi trên trán nhỏ giọt xuống đống thịt bầy nhầy bụng Mén. Nó đưa tay gạt, mặt quằn quện máu me.
– Mầy ơi! Tao đang may bụng mầy nè. Đừng có la đau nghen. Da mầy dai như da heo rừng vậy.

Mén không còn thấy đau nữa, không la nữa, dẫu cho Đực có may bụng nó bằng lẹm chằm nóp. Đực nhìn vợ, thấy mặt Mén xanh lè, miệng hả ra, mắt trợn nguợc, hết thở.
– Trời ơi! Mầy ơi! Đực gào lên. Mầy chết hả? Mầy thành ma rồi hả? Mầy bỏ tao hả?
Nó ôm thây vợ khóc mếu máo. Thằng Chó nghe tiếng khóc, chạy vô:
– Gì vậy ông? Sao ông khóc?
– Má mầy thành ma rồi. Chết rồi.
– Ma hả? Bả chết hả?
Nó chạy ra, theo dấu một con bướm đang bay chập chờn quanh căn chòi.

Khóc một hồi, Đực chợt nhớ ra, nó chạy băng băng qua mấy vạt đồi tranh ra đến đường cái đứng la làng:
– Bớ làng xóm ơi! Bà con ơi! Vợ tui nó thành ma rồi! Vợ tui… Vợ… tui…
Đực mệt gần đứt hơi. Nó la khản cổ cả tiếng đồng hồ mới có người nghe. Họ theo Đực vào chỗ ở của hai vợ chồng, đào lỗ, chôn Mén nơi bìa rừng.
*
Phóng viên một tờ báo Thành phố đến phỏng vấn Đực.
– Xin anh vui lòng cho biết quí danh.
– Danh gì. Hổng biết.
Anh phóng viên ngơ ngác, chợt hiểu ra.
– Anh tên là gì?
– Hổng có. À… Đực.
– Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
– Hổng biết tuổi. Thấy lớn vậy thôi.
– Cha mẹ anh ở đâu?
– Hổng biết. Hổng có cha mẹ.
– Chị Mén bao nhiêu tuổi?
– Hỏng phải chị. Con Mén.
– Vâng, chị… à con Mén mấy tuổi?
– Hổng biết luôn. Nó cũng lớn như tui.
– Mén có cha mẹ không?
– Hông. Hổng biết.
– Anh chị gặp nhau trong trường hợp nào?
– Hổng có trường hợp.
– À… Anh gặp chị ở đâu?
– Tui gặp nó làm rẫy, tui cũng làm rẫy.
– Anh biết chữ không?
– Chữ gì? Hổng có chữ.
– À… Nghĩa là anh có biết đọc, biết viết không?
– Đọc gì? Hổng biết gì hết.
– Anh có biết rằng anh đã làm một hành động đối với vợ anh như là một kẻ giết người không?
– …
– À… Anh… đã giết chị Mén.
– Hông! Đực chợt hét lên. Tui hổng giết nó. Nó hổng chịu đẻ. Nó đau quá, biểu tui lấy dao mổ cho nó đẻ. Rồi nó chết thành ma. Hu hu… Tui thương nó. Hu… hu…

Đực khóc sụt sùi:
– Nó chết… tui ở với ai giờ đây?

Anh phóng viên nhìn Đực:
– Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn. Xin chia buồn với anh.
Đực còn ngồi tiếp tục khóc:
– Mầy ơi! tao thương mầy. Mầy thành ma rồi! Mầy bỏ tao! Hu hu…
– Ông ơi! Thằng Chó chạy chơi về. Sao ông khóc vậy? Về nấu mì cho tui ăn đi ông. Tui đói bụng rồi. Nó kéo tay Đực, nhưng Đực dằng tay nó ra, khóc:
– Hu… Tao biết ở với ai! Mén ơi!

Kinh Dương Vương

[/read]