Vĩnh Hảo

Vĩnh Hảo

Khoảng Trống

(viết cho người anh đã khuất, đồng thời kính dâng Me,
và thương tặng tất cả anh chị em của tôi)

Chúng tôi cùng được sinh ra từ một người cha, một người mẹ.
Chúng tôi cùng được lớn lên trong một căn nhà, lúc lớn, lúc nhỏ, lúc chỗ này, lúc chỗ kia, nhưng cuộc sống gia đình tương đối êm ấm, thuận hòa.

Cha mẹ chúng tôi thương yêu, kính thuận nhau, và cũng hết mực thương yêu con trẻ, không bao giờ có ý ngăn cản sự góp mặt chào đời của mỗi đứa chúng tôi trong gia đình ấy. Vì vậy mà anh chị em ruột thịt chúng tôi thật là đông: đến 7 gái, 7 trai!

Bầy con lớn như thổi, thoắt cái mà người chị cả đã trên 70, và cậu em út thì năm nay đúng 50. Anh chị em chúng tôi, mỗi người mỗi ý hướng, mỗi sở thích khác nhau, chọn lấy lối sống của mình theo lý tưởng riêng, hay theo sự xô đẩy của hoàn cảnh xã hội. Nhiều anh chị em đã đi thật xa, không ở gần ngôi từ đường bên ngoại mà mẹ đang sống với chuỗi ngày cuối đời ở tuổi cửu tuần.

Cuộc sống tất bật áo cơm, việc công, việc tư, cùng với khoảng cách không gian đã chia cách anh chị em chúng tôi bao năm tháng, khó có cơ hội gặp nhau riêng rẽ từng người, nói gì một cuộc đoàn tụ đông đủ. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi còn có nhau. 14 anh chị em trọn vẹn. 14 anh chị em của một cha, một mẹ. 14 anh chị em có tiếng “phong lưu” theo cái nghĩa là văn nghệ; nói chính xác hơn, là những anh chị em đồng nghiệp, nối bước cha mẹ trên con đường văn học nghệ thuật. Từ những bàn viết cách xa nhau, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn còn liên lạc và thưởng thức nhau qua những sáng tác văn thơ đăng báo này báo nọ, hoặc trên những websites, blogs, facebooks…

Gần 30 năm trước, cha chúng tôi ra đi. Tang lễ của ông, anh chị em chúng tôi có người về được, có người không. Tất cả chúng tôi, trong đó có người chị cả ở nước ngoài và hai em trai đang ở tù, đã cùng mẹ chia sẻ nỗi mất mát to lớn lần đầu tiên đến với gia đình. Mẹ ngồi lại nơi căn từ đường suốt những năm dài sau đó, mỗi dịp sinh nhật, đón nhận lời chúc tụng của bầy con 14 đứa cùng với một đàn cháu chắt ở gần, ở xa. Mẹ đã ngoài 90, như ngọn đèn trước gió. Nhưng tâm mẹ thanh thản, hạnh phúc nhìn bầy con 14 đứa vuông tròn, dù trong gian khó vẫn sống an vui, giữ được nhân đức và phong cách của những người nghệ sĩ ôm đàn, cầm cọ, cầm bút. Hơn 70 năm nuôi dạy con cái, cha mẹ đã không để lại gia sản gì cho bầy con ngoài hai chữ “nhân đức,” và năng khiếu văn nghệ ươm trong máu huyết. Anh chị em chúng tôi thật sự vui hưởng gia sản ấy, không kêu ca than vãn gì. Nhưng có thể nói, trong tất cả những đứa con cưng của cha mẹ (đứa nào cha mẹ cũng cưng), đặc biệt chỉ có anh tôi, Vĩnh Hiền—nhà thơ Phù Du, mới đích thực là một nghệ sĩ tài hoa, đúng nghĩa nhất.

Những anh chị em khác, kể cả tôi, cũng viết văn, làm thơ, vẽ, đàn ca… nhưng hầu như trong đời sống cũng như trong biểu đạt nghệ thuật, ai cũng cố gắng gìn giữ nề nếp gia phong và tư cách cá nhân, do ảnh hưởng bởi chức năng nhà giáo, nhà tu, công chức, và trên tất cả: con của cha mẹ, của một gia đình hoàng phái (dù chỉ còn trên danh nghĩa). Không ai trong anh chị em chúng tôi thực sự sống như một nghệ sĩ, mà chỉ là những nhà giáo, những người đạo đức làm văn nghệ.

Vĩnh Hiền đã sống một đời sống đúng mực phong lưu, nghệ sĩ. Hai câu thơ của anh—mà tất cả anh chị em trong nhà, cũng như bằng hữu văn nghệ đều nhớ nằm lòng, có thể nói là châm ngôn, là quan niệm sống (và chết) của chính anh:
“Sống là thơ mộng mà chơi
Chết là nhảy giữa giọng cười hư không.”

Anh không sợ sống với nghèo khổ, gian khó. Anh cũng không sợ đớn đau, không sợ chết. Anh thách thức đời sống, và thách thức cái chết.

Hơn bốn mươi năm làm thơ, viết văn, trải cả tâm can và trí tuệ cho văn thi đàn, để lại nhiều tác phẩm tuyệt vời. Vẽ tranh, đàn ca, uống rượu, giốc hết chân tình với bằng hữu bốn phương. Đã từng yêu hết mực, và đã từng khổ đau hết mực vì tình yêu. Đã từng xót đau cái khổ chung của quê hương mà múa bút cất lời hiệu triệu để phải trải thân tù tội bao năm. Đã từng một lần trúng số độc đắc, chia sẻ tận cùng với anh chị em và bằng hữu để rồi tiếp tục trắng tay làm nghệ sĩ nghèo. Đã từng vào ra bệnh viện mấy lần, mổ xẻ, đối diện với thần chết vì bệnh nan y. Gã nghệ sĩ ấy, không ai can ngăn được thói phong lưu, bạt mạng. Nhưng ở nơi căn gác xép tồi tàn kia, gã vẫn chu toàn trách nhiệm của người chồng quí vợ, và người cha tận tụy thương yêu chăm sóc con.

Một con người như thế, một đời sống như thế, quá phong phú, quá “chịu chơi,” đâu phải ai cũng làm được. Cho nên, 63 năm ở đời của anh, không thể nói là mệnh yểu. Khi một người hạnh phúc với từng giây phút hiện hữu của mình, người ấy không có tuổi; và cuộc đời người ấy không thể đo bằng thời gian, năm tháng.

Một chiều đầu năm, anh nằm đọc báo trên chiếc giường xếp, rồi ra đi.

Gia đình không dám báo tin cho mẹ biết, sợ bà buồn lòng, chịu không nổi với tuổi già yếu. Đã hơn 70 năm đếm 14 đứa con đầy đủ gần 3 lần trên bàn tay năm ngón, nay hụt mất đi một đứa, mẹ sẽ đau xót xiết bao! Đứa con nào mẹ cũng thương, nhưng đứa mẹ quan tâm nhất là đứa không chịu nghe lời khuyên của bà: không chịu bớt hút thuốc, không chịu cữ rượu… để giữ gìn sức khoẻ, để sống lâu bên mẹ. Ôi, mẹ ơi, hẳn mẹ cũng biết rằng dù anh ấy không giảm thuốc, cai rượu như lời mẹ dặn, anh ấy cũng thương mẹ vô vàn, như 13 đứa con kia, có khác gì. Nhưng nếu con người nghệ sĩ bạt mạng kia chưa từng hút thuốc uống rượu trước đây, hoặc đã từng mà ngày nay phải ngưng hút thuốc, ngưng thù tạc cốc rượu với bạn bè văn nghệ… e rằng đã không có một cõi thơ bát ngát và một con người nghệ sĩ đích thực trong gia đình chúng ta.

Nếu một lúc nào đó mẹ vô tình đọc đến những giòng này và biết là anh con đã vĩnh viễn ra đi trước khi mẹ trăm tuổi, con xin thay mặt người anh quá cố của con, cũng như thay mặt tất cả anh chị em còn lại, sám hối với mẹ, xin mẹ hãy bình tâm, đừng quá xót lòng. Mẹ hãy cứ an vui và tiễn anh con bằng một bài thơ; và hãy tin rằng sự ra đi của anh con như thế là tốt đẹp, không có gì đáng phải phiền nàn. Anh đã sống hết mình, sống trọn vẹn, cuộc đời của một nghệ sĩ tài hoa, luôn thiếu thốn vật chất nhưng rất giàu có về tinh thần. Anh con đã rất vững vàng khi sống, và hẳn nhiên cũng rất vững vàng, thản nhiên khi chết. Mẹ hãy lau khô nước mắt và đọc thơ cho anh con đi.

Riêng tôi, lần đầu tiên trong đời, trải nghiệm nỗi đau mất mát của tình anh em ruột thịt. Ngạn ngữ có nói, “Anh em như thể tay chân.” Tôi xa gia đình từ bé, không cảm nhận được sự gắn bó thiêng liêng ấy như các anh chị em tôi. Chỉ đến bây giờ, khi nghe tin anh tôi mất, tôi đã im lặng nhiều ngày… và quả nhiên, có cảm giác là tay chân tôi tuy còn đây, mà như rụng rời, đứt đoạn. Có một khoảng không, một sự trống rỗng, hụt hẫng nào đó ở trong tôi khi mất đi một người anh ruột, một nhà thơ đã từng gây hứng cảm và mở đường nghệ thuật cho những thành viên trong gia đình, trong đó có tôi.

Bất Sinh

Lá đã úa màu trên cây. Cũng có những lá đã vàng, khô, rơi lác đác trên thảm cỏ xanh, và trên những con đường dẫn quanh khu xóm. Trời bắt đầu lạnh. Từ lúc trời sẩm tối cho đến buổi sớm hôm sau, sương giăng dầy đặc khiến cho ngọn đèn đầu đường chỉ có thể tỏa ra một vùng sáng nhỏ, lòa nhòa.
Khi mùa thu chuẩn bị qua đi, mùa đông chớm đến.
Thực ra thì mùa đông đã có trong mùa thu. Mùa thu đã có trong mùa hạ. Mùa hạ đã có trong mùa xuân. Mùa xuân đã có trong mùa đông.

Cái này luôn có mặt trong cái khác, và ngược lại.
Nếu cái này có một thực thể, một thực tánh nhất định thì không cái gì khác có thể làm duyên hay kết hợp với nó, và ngược lại.
Như vậy, nhờ không có thực tánh nhất định mà tất cả mọi sự vật đều có thể nương vào nhau mà sinh khởi, cũng nương vào nhau mà thay đổi và hủy diệt.
Triết lý nhà Phật nói sát-na sinh-diệt: nếu cái sinh ra không diệt đi ngay trong sát-na ấy thì nó sẽ sanh mãi không ngừng.
Thực ra thì không có cái gì sanh mãi. Nếu sanh mãi thì đất rộng trời cao này, không gian vũ trụ kia, có chỗ đâu mà dung chứa những con người, muông thú và sự sự vật vật!
Cho nên dù thế nào, tất cả những gì có thể nắm bắt, thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận được, đều phải sinh-diệt.
Mong đợi hay trốn chạy, nó vẫn như thế, vẫn đến trên những chập chùng có-không, mộng-thực; vẫn đến lững thững chậm chạp như con ốc sên bò qua vùng cỏ rối, như lá xanh chuyển màu thơ mộng trên những hàng cây, hay cuồng nộ thần tốc như bão lũ cuốn trôi những con người, làng mạc và ruộng đồng…
Chúng ta sáng tạo, diễn tả, hân thưởng cuộc sống của chính chúng ta và muôn loài muôn vật trên giòng thời gian chuyển biến và trong không gian đổi dời ấy. Vẽ trên mặt cát những ước mơ thật đơn giản đến ngây ngô, cho đến những giấc mộng hão huyền vĩ đại không bao giờ trở thành hiện thực. Những ước mơ và giấc mộng ấy có khi là thảm họa dài lâu cho đồng loại.
Vậy mà, đâu đó quanh ta, vẫn có những con người dường như không hề hay biết gì về những thống khổ bất an của kẻ khác. Vẫn có những con người loay hoay một đời, chuẩn bị cho mình nơi chốn an thân, nhàn nhã; mặc tình cơn bão lốc vô thường có thể quét qua những lâu đài thần thoại cổ tích, cuốn đi những dinh thự kiên cố hiện đại, hoặc phủi sạch những dự án mơ hồ ngày mai…
Và cũng đâu đó quanh ta, có những kẻ nghịch thường, đi ngược dòng đời, như thể đang đi tìm một cái gì trường cửu bất diệt.
Có chăng một cái gì bất diệt? — Đó là cái chưa từng sinh. Đó là cái bất sinh. Cái đó không thể tìm (vì chưa bao giờ mất); không thể sở hữu (vì luôn hằng hữu). Vậy mà vẫn tìm kiếm. Cũng không phải là tìm kiếm, mà thực ra là lên đường, trở về cội nguồn xưa.

Trần gian trôi mãi trong giòng cuồng lưu biến-dị vô cùng. Con đường trở về cũng dài bất tận, bởi lẽ, nó chưa từng được sinh ra, chưa từng được vẽ vời hay sáng tạo bởi bất cứ ai trong cõi trời, cõi người.
Và trong khi những con thú đông-miên chuẩn bị tìm nơi an ổn cho giấc ngủ dài, từ nơi băng tuyết, vươn lên những loài dị thảo.

Biển Đời Muôn Thu

Biển buổi sớm yên tĩnh như thể chưa muốn vươn dậy để đón chào ánh nắng mai rực rỡ đang trải một tấm lụa kim tuyến khắp không gian mênh mông, soi chiếu xuống tận bề sâu thăm thẳm của đáy nước. Thỉnh thoảng mới có một gợn sóng nhỏ phả vào bờ nhưng không gây được một âm thanh nào đáng kể. Sóng vỗ như vỗ lấy lệ và biển hãy còn ngơi nghỉ.

Nhưng, trên bãi cát ướt keo sơn với biển cả chạy dài từ góc trời này đến góc trời kia, bao nhiêu sinh vật li ti đang múa nhảy, đang trườn tới, đang nỗ lực chống lại sự cuốn hút của biển hoặc đang tự thả trôi đời mình cho sự đẩy xô của sóng nước vô tận.

Con ốc xoay mình theo cơn sóng nhỏ, lăn lóc và cạ cái vỏ cứng của nó trên nền cát lạnh sắc. Sự cọ xát này có vẻ như không gây tác động nào vào linh hồn bé nhỏ của nó nhưng ít ra cũng nói lên được ý nghĩa rằng cái vỏ ốc đủ cứng, đủ kín đáo để vây bọc và che chở nó trong một thế giới riêng biệt, an ổn và thầm lặng. Tuy nhiên, cũng chính từ trong cái thế giới bưng bít kia, nó lắng nghe được một nỗi niềm gì đó như là một sự thúc bách, một sự mời gọi, một sự lôi cuốn đầy khích lệ của những mới lạ từ thế giới bên ngoài. Nó không thể chịu đựng nổi sự khép kín vĩnh viễn của cặp vỏ dù rằng đó là cách duy nhất để tự vệ và được an ổn. Nhưng cũng chính từ sự an ổn đó, cảm giác trơ trọi trống vắng cũng cùng hiện hữu. Vì thế, nó hé mở cặp vỏ: ánh sáng, nước và bụi cát lùa vào. Đau rát, ê ẩm. Nó phải chống lại và chịu đựng tất cả những thứ ấy để xông xáo tìm hiểu thế giới bên ngoài và mặt khác, sự phóng ngoại này cũng là cách để trốn chạy niềm cô đơn man rợ tự bên trong. Đau khổ, đau khổ. Thế giới bên ngoài chỉ tạo nên những đau khổ. Nó cảm nhận được điều đó rất sớm, ngay tự phút đầu của chặng đường tìm kiếm, nhưng nó vẫn hy vọng sẽ bắt gặp được một cái gì khác hơn, mới lạ hơn, một cái gì đó mà nó chưa hiểu. Cái đó sẽ mang lại cho nó hạnh phúc, cái đó sẽ vĩnh viễn xóa lấp đi nỗi buồn trơ trụi của nó. Nó tin như vậy và nó đi tìm. Nó lên đường chạy theo tiếng gọi mơ hồ bí ẩn kia. Nó vượt qua bao thử thách, bao khó khăn và khốn khổ. Và cuối cùng, nó tìm thấy một con ốc khác. Một con ốc đồng loại nhưng khác giới tính. Hai con ốc cô đơn tìm thấy nhau. Bàng hoàng, rung động. Chúng lập tức nghe được trong nhau thứ ngôn ngữ của yêu thương và chúng quyện lấy nhau, gắn bó với nhau trong khoảnh khắc phù du nhưng đầy lạc thú, bỏ quên thế giới biến động vây quanh. Biển, cát, ánh sáng lòa chói, không là gì cả. Chỉ có hai tâm hồn, hai thể xác thể nhập trong nhau trong một giao cảm tuyệt vời. Nhưng sau cái khoảnh khắc cực kỳ thỏa mãn kia, chúng bỗng nhận chân rằng sự nỗ lực hướng ngoại của chúng để chạy trốn cô đơn chỉ làm tê buốt và lạnh giá thêm nỗi hiu quạnh ngàn đời của chúng mà thôi.“Ngà ơi, có bao giờ em cảm nhận được điều đó không?”

“Có. Đã có lần anh hỏi vì sao em buồn. Em chẳng biết trả lời sao. Em chỉ thấy buồn, buồn kinh khiếp lắm mà không hiểu gì cả. Em không muốn nhìn nhận nó, không muốn tìm hiểu nó, không dám đối diện với nó. Nó như là một khoảng không, hay một vực thẳm sâu hút… Em chỉ biết có anh, tin vào anh và trao hết thương yêu cho anh để mà xua đuổi nó. Là nó đó, có lẽ. Em chẳng hiểu vì sao.”“Là bởi chúng ta cố gắng đi tìm sự đồng nhất. Chúng ta không muốn mãi mãi là một cá thể bị cô lập. Nhưng chính cái khuynh hướng “đi tìm” đã là một tiền đề đầy mâu thuẫn rồi. Anh đi tìm em có nghĩa rằng anh đã và sẽ chẳng bao giờ là em cả; cũng vậy, em đi tìm anh, em cũng chẳng bao giờ là anh cả. Thì làm sao có sự đồng nhất! Cuối cùng, anh vẫn là anh, em vẫn là em. Chúng ta chỉ gượng gạo chấp nhận nhau để mà lãng quên nỗi cô đơn của chúng ta mà thôi.”“Anh đừng nói nữa.”

Chương ôm lấy Ngà. Nàng nép gọn vào lòng chàng như muốn tìm một chỗ nương tựa. Chương hỏi nhỏ: “Em sợ à?”“Vâng, em sợ. Đừng nghĩ đến nó được không anh?”

Chương bật cười:
“Đừng nghĩ. Điều này chứng tỏ rằng em công nhận có nó, phải không?”
“Em không biết… nhưng nếu chúng ta đào sâu về nó… có ngày chúng ta sẽ chán nhau, phải không anh? Em không muốn vậy. Em có thể chịu đựng được một nỗi buồn vu vơ thỉnh thoảng mới xâm chiếm lòng mình chứ không thể tưởng tượng nổi là sẽ có một cuộc chia xa vĩnh viễn với những gì mình yêu quí.“
“Yên tâm đi, anh chỉ thắc mắc, chỉ suy tư về nó. Trên thực tế, anh vẫn là chồng em, vẫn yêu em mà.”
“Nhưng cần gì phải suy tư về nó, hở anh? Những suy tư như vậy phỏng có ích lợi gì thêm cho tình yêu, cho cuộc sống của chúng ta chứ?
“Bởi anh hy vọng rằng khi chúng ta hiểu thấu được bản chất của tình yêu, hiểu thấu về bộ mặt thực của nỗi cô đơn trong ta, có lẽ từ đó chúng ta sẽ có hạnh phúc hơn.”
“Vậy lâu nay anh không cảm thấy hạnh phúc khi chung sống với em sao?”
“Anh không có ý nói vậy. Anh chỉ nghĩ là có một thứ hạnh phúc to lớn và trọn vẹn hơn cái hạnh phúc mà chúng ta đang hưởng.”
“Vậy thì anh hãy làm Thượng Đế đi.”
Cả hai cùng cười. Rồi im lặng. Trời đổ mưa bên ngoài. Lạnh.

Một chốc, Ngà bước xuống giường, sửa ngay lại cái gối của nàng, không nhìn Chương, nàng nói:
“Trên thực tế, anh vẫn là con người.”
“Và anh vẫn là chồng em, vẫn yêu em như thuở ban đầu.”
“Và cũng sắp đến giờ anh đi làm rồi đó.”
***

Chương mang dù bước ra xe. Trên đường đến sở, Chương nhớ lại một ngày mưa như hôm nay cách đây hai năm, chàng đã quen Ngà. Lúc đó, vì một cơn mưa bất ngờ, hai người phải đứng nấp mưa dưới một hàng hiên rộng của một khu phố. Quanh đó chỉ toàn người Mỹ. Hai người Việt Nam nhìn thấy nhau, câm lặng chẳng nói gì, nhưng hai tâm hồn bỗng dưng gần lại với nhau, cảm thấy ấm áp, quen thuộc và tự nhiên với nhau qua một tia nhìn và một nụ cười mỉm. Ngà đẹp lắm, đẹp một cách nghiêm trang và thầm kín. Thế giới trong chàng, thế giới trong nàng, cùng mở ra một lúc, cùng đón nhận và trao nhau một cách trọn vẹn mà hầu như không cần một sự giải thích nào. Không phải trước đây chàng chưa từng gặp một đối tượng khác. Có, nhiều lắm. Nhưng chỉ là những thoáng bất chợt, gượng gạo. Chàng cũng chưa hề có ý nghĩ rằng sẽ lấy một cô gái nào đó làm vợ cho đến khi gặp Ngà. Tự thâm tâm, Chương biết rằng không phải chỉ vì Ngà đẹp mà chàng quyết định cưới nàng. Nhưng chính vì từ nơi Ngà, từ nơi cái phút đầu nàng mỉm cười chào chàng, Chương đã bắt gặp được cái bóng dáng của sự toàn vẹn mà chàng tìm kiếm bấy lâu. Và như thể Ngà là hiện thân của một cái gì ở trong chàng mà chàng không sao nhìn thấy rõ; hoặc của cái gì mà chàng đã đánh mất. Chàng lao theo bóng dáng đó với trọn vẹn bản thể của mình, chinh phục nó, chiếm hữu nó. Chàng đã được tất cả mà không cần phải tìm hiểu, phân tích hay suy tư gì về nó cả. Nhưng bây giờ, chẳng biết sao chàng lại thấy muốn tìm hiểu, muốn có một cái nhìn thấu đáo tận nguồn cội nỗi khát vọng yêu thương trong chàng.

Có thật là có tình yêu không? Chương tự hỏi. Khi người ta vẽ ra những điều kiện về tính chất (với hiền thục, đoan trang, nhu mì…) và về thể chất (với đôi mắt phải như vậy, cái mũi phải như vậy, đôi môi phải như vậy và dáng dấp phải thế kia…) trong một tiêu chuẩn khả dĩ đáp ứng được sự đòi hỏi của sở thích, liệu rằng sự đòi hỏi đó có khách quan không và đó có phải là tình yêu chân thật và toàn vẹn hay không? Rõ ràng là chàng đã tự phác họa sẵn một kiểu mẫu ở trong chàng và khi Ngà xuất hiện một cách trùng hợp và y khuôn với kiểu mẫu đó, chàng liền rung cảm đón nhận và khao khát chiếm lấy. Như thế chàng đã yêu chính mình và yêu cho mình, vì mình, yêu cái bóng dáng của sự toàn vẹn mà mình ôm ấp. Nếu Ngà không có sẵn trong chàng, nàng sẽ không bao giờ làm rung động được nỗi khao khát chiếm hữu của chàng. Nhưng cái bóng dáng đó đã được vẽ ra, được thoát thai từ nỗi cô đơn của chàng. Chàng nghĩ rằng khi tìm được nó, nỗi cô đơn sẽ tan biến. Đến khi tìm được nó, chàng lại thấy rằng bóng dáng vẫn là bóng dáng; sự hiện diện của một bóng dáng bên ngoài mình chỉ tô đậm và xác nhận thêm rằng chàng vẫn mãi mãi là một con ốc tự ly cách mình với thế giới chung quanh mà thôi.

Thời gian gần đây, những suy tư đó ám ảnh Chương liên tục trong nhiều ngày. Chàng vẫn chung sống với Ngà, vẫn ăn chung ngủ chung, trò chuyện, đọc sách, đi làm. Nhưng có một cái gì đó gượng gạo, vô hồn len lỏi vào từng phút giây của cuộc sống. Chàng thấy buồn cười cho những vở kịch mà mọi người, kể cả chàng, đã và đang phải đóng một cách mù lòa, an phận và lặng câm trong suốt cuộc tình mâu thuẫn của họ.

Sau cuộc truy hoan, hai con ốc buồn bã rời nhau. Không phải là cơn buồn nôn, chán chường và mệt mỏi của thể xác sau khi trút hết sinh lực để đắm say trong khoái cảm, mà là nỗi thất vọng trong nỗ lực khỏa lấp cô đơn. Một con ốc tiếp tục buông mình theo sóng nước và sỏi cát. Con còn lại cố gắng lách mình, nương sóng trườn lên một hốc đá, nơi đó nó tránh được sự vồ chụp của những cơn sóng và cũng không còn nữa, những bụi cát mù mịt làm đau rát cơ thể; nơi đó, nó mỉm cười tự hỏi tại sao những con ốc khác không tìm đến những hốc đá cao như nơi chốn nó tìm đến để được thong dong, nhàn hạ.

Không thể chịu đựng nổi thái độ lạnh nhạt, dửng dưng và sự trầm tư ngùn ngụt bất thường trong nhiều ngày của Chương, một đêm nọ, Ngà hỏi chàng:
“Anh nói đi, sao mấy hôm nay anh thay đổi quá vậy?”
Chương ngập ngừng một lúc:
“Anh thấy có một cái gì đó thật phi lý trong tình yêu.”
“Tình yêu cũng cần có lý nữa sao?”
“Ở đời chẳng có gì mà chẳng có lý lẽ của nó.”
“Nhưng nếu cần phải viện dẫn lý lẽ một cách tường tận thì anh và em đã không thể nào yêu nhau, anh không thấy vậy sao?”
“Bởi vậy anh mới nói là có cái gì phi lý đó.”
“Để rồi đi đến đâu? Những suy tư rởm đời của anh có giải quyết được cái gì chăng? Hàng tỉ người trên thế giới, tự cổ chí kim, không thắc mắc, họ đã yêu nhau, sống với nhau hết một đời.”
“Nếu phải y khuôn với mọi người thì…”
“Tầm thường quá, phải không? Anh à, anh tưởng rằng một con ốc nằm trên hốc đá cao thì khác với những con ốc ở dưới nước cạn và sình lầy sao? Vẫn chỉ là con ốc mà thôi. Chưa đập vỡ cái vỏ thì con ốc muôn đời vẫn là con ốc. Nhìn lại thực tế đi, anh là con người, phải không? Nếu anh cho rằng cuộc sống chung này thất bại, rằng chẳng có gì thực sự là tình yêu, em chấp nhận chia tay theo ý anh. Nhưng trước khi quyết định, anh hãy suy nghĩ đi, trong ba ngày hay trong một tuần cũng được. Em chờ đợi câu trả lời của anh.”
Nói rồi, Ngà ôm chăn gối qua phòng khách ngủ riêng. Chương nằm lại một mình trên giường. Chàng thử tưởng tượng không có Ngà, chàng sẽ sống thế nào. Sáng dậy ăn điểm tâm, đi làm, tối về tắm, nấu ăn, ăn, đọc sách, rồi ngủ một đêm, lại thức dậy tiếp tục một ngày khác. Những ngày đó sẽ không có mái tóc Ngà buông dài qua bờ vai nhỏ mà rộng dáng bao dung. Những ngày đó sẽ không có cái nhìn sâu thẳm tình tứ từ đôi mắt mang đầy ẩn ngữ của Ngà. Những ngày đó sẽ không có đôi môi hồng nũng nịu thèm khát yêu đương. Sẽ không có tất cả. Khi chưa tìm thấy cái toàn vẹn thì bóng dáng của nó có vẻ như chính là nó. Bám chặt lấy bóng dáng này vẫn thấy cô đơn, nhưng buông bỏ nó thì niềm cô đơn cũng ác liệt không kém. Cái cô đơn truyền kiếp kia cứ bám theo, bám theo hoài, không sao khỏa lấp.

Trằn trọc mãi đến nửa đêm, cuối cùng, Chương cũng ngủ được một giấc. Trong mơ, Chương thấy Ngà nằm trong vòng tay kẻ khác và chàng điên tiết.

Đến sáng, đồng hồ báo thức gọi chàng dậy, nhưng chàng biết hôm nay là thứ bảy, nghỉ làm; chàng nằm đó, nhìn bâng quơ ra cửa sổ. Trời hãy còn mưa. Mưa suốt đêm rồi. Trời mưa gợi đầy kỷ niệm. Chàng đưa tay qua bên cạnh, không thấy Ngà. Chàng nằm im rất lâu trong tư thế của một con ốc nhỏ bị kẹt lại trong hốc đá. Cảm thấy thiếu vắng một cái gì.

Con ốc bỗng nhớ sóng, nhớ nước, nhớ những hạt cát quất vào thịt da đau rát, nhớ cả con ốc khác giới tính hôm nào.
Và con ốc lên đường, trở về biển cát.
Ngà bước vào phòng thay đồ. Chương nhìn ngắm nàng. Ngà vẫn đẹp như thuở nào. Từ đường cong của đôi môi cho đến đường cong của ngực nàng, không chỗ nào mà không nói lên ý nghĩa sâu kín và toàn vẹn của vũ trụ mênh mang muôn thuở. Nơi đó, thật là vô ích và thừa thãi cho một tiếng nói hay một ý niệm được cất lên.
Chương rời khỏi giường, đến ôm lấy thân thể nóng bỏng của Ngà.
Hai con ốc im lặng quyện lấy nhau.
Và họ tiếp tục trò chơi tình yêu.

Vĩnh Hảo