Trần Yên Hòa

Tran Yen Hoa

Chuyến Về

Nhìn lạ, lạ hoắc lạ huơ, lạ như chưa gặp một lần nào, nơi chốn nầy, nơi chốn mà Nhự vẫn hằng nhớ tới bằng những giấc mơ mộng tưởng, nơi chốn mà suốt ba năm anh ấp ủ một cuộc trở về, trong đó có Đông Ngạn, có Hậu, có những bạn bè thân. Bây giờ thì Nhự chạm trán với nơi chốn ấy, thành phố với những dòng xe, dòng người bất tận.

Khi ra khỏi phi trường, Nhự ngơ ngác với khung cảnh mới, một hàng rào thân nhân đứng phía bên ngoài đón đợi, những vẫy tay, những tiếng kêu. Nhự nhìn thấy đứa con gái ngay khi anh đẫy chiếc xe chở vali ra cổng, đứa con gái ở lại của anh ngày ấy thon tròn, nhẹ nhàng, dễ thương, bây giờ đen và gầy. Tiếng kêu ‘’ba, ba, ba‘’ Đông Ngạn đưa cánh tay cầm bó hoa vẫy vẫy. Anh đi lại phía con và ôm con vào lòng, ba năm, đứa con gái của anh nay đã là mẹ và anh đã lên chức ông ngoại, đứa con gái bây giờ như lạ, anh hôn và bế đứa cháu, baby bụ bẫm, Đông Ngạn nói, ‘’chào ngọai đi con.’’

Hậu đứng đằng xa vẫy vẫy tay, nàng mặc bộ áo dài màu xanh da trời trông Hậu trắng bạc, một thân hình mập, cái dáng dấp của những người đàn bà trên bốn mươi tuổi, dáng dấp mà hằng đêm anh vẫn tưởng tượng với những cơn mộng du ảo ảnh, những nhớ thương tha thiết, những đam mê chất ngất cõi lòng. Bây giờ thì Hậu đang đứng trước mặt anh bằng xương bằng thịt, Nhự vẫy tay gọi Hậu lại và cầm tay nàng, anh nói:
– Em khỏe không?
Hậu cười vui có chút xa lạ:
– Em khỏe, anh về với em là em vui, đi đường có mệt không anh?
Nhự nói:
– Đi máy bay mà mệt gì, anh về với em đây mà.

Những ngày ở Mỹ, hằng đêm như có môt tiếng gọi nào đó, u uất, trầm thống kêu gọi anh về, khi anh điện thoại về cho Đông Ngạn, Đông Ngạn nói, ’’Ba về với con nghe, con thèm gọi tiếng ba quá’’ và Hậu, ’’Anh về với em, em đợi anh muôn đời muôn kiếp‘’. Những tiếng đó qua đường dây điện thoại anh có cảm tưởng như một âm thanh nào vọng từ thinh không của sự hiển linh gọi kêu anh về, tụ tập những ước mơ từ trong tim, suy nghĩ trong hân hoan của một chốn nơi hạnh phúc, có người và người, có hàng xóm thân quen, những nẻo đường đầy cây lá, những vòm me xanh và quán nước xưa, hay một chốn thôn quê quạnh vắng nơi anh sinh ra và lớn lên đầy ắp một tuổi thơ dân dả. Anh chợt thấy ngày ở Mỹ dài hơn, những cơn nắng gắt mùa hè càng hừng hực hơn, những ngày rét cóng mùa đông lạnh lẽo đến tột cùng. Vào hãng làm thịt heo, đứng trên line, dây chuyền sản xuất, cùng với tụi Mỹ, tụi Mễ, tụi Bosnia, anh thường nói như một khoe khoang, ‘’Tau làm ở đây để dành tiền rồi tau sẽ về Việt Nam, quê tau, ở đó tau có đứa con gái, có cháu ngoại rất dễ thương và có một người đàn bà đẹp chờ tau ở đó, rất tuyệt vời.‘’ Anh làm một động tác ái ân và tụi Mỹ, Mễ cười phụ họa, chúng dơ cao ngón tay cái, nói, ‘’number one’’

Anh đến môt tiểu bang lạnh, đến là để ‘’cày’’ bạt mạng, để kiếm tiền, để quên đi nỗi cô đơn của cuộc sống một mình trên đất Mỹ, làm việc 8 giờ đồng hồ ban ngày rồi làm tiếp over time ban đêm, anh vẫn nghĩ, phải kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để làm lại cuộc đời, để bù đắp lại những ngày cơ cực cũ.

Từ trại tập trung ra anh chỉ còn cái thân thể gầy gò ốm yếu, Ngọc, người vợ không chịu được sự cô đơn đã bỏ đi mất biệt, ba đứa con anh tản mát mỗi đưá mỗi nơi, chúng đi ăn nhờ ở đậu tấm lòng của hai bên bà con nội ngoại. Nhớ những ngày ở Việt Nam, ngày anh mới ra trại tập trung, đi chẻ củi thuê, đạp xe ba gát, đạp xích lô, vá xe đạp lề đường, nghề nào anh cũng trải qua và nghề cuối cùng là nghề đi bỏ hàng xe đạp. Những ngày vất vã bò lê bò càng trên chiếc xe đạp leo dốc với mấy giỏ hàng phụ tùng xe đạp đi bán dạo ở các cửa tiệm bán phụ tùng. Ngày tháng lê lếch, ăn uống ở những quán ăn bình dân tồi tàn nhất, tháng ngày cơm hàng cháo chợ. Bây giờ thì anh đã đi qua cảnh ấy, nó đứng phía sau anh mà nhiều lúc ngoảnh cổ ngó lại, anh thấy hình ảnh cũ như là một người khác chứ không phải là mình.
*
Mối tình của Hậu cũng như những mối tình khác đã qua đời anh, một hôm anh đang lấy hàng ở chợ Tân Thành thì Phồn, người bạn cùng nghề, ghé qua nói:
– Tối nay đi uống cà phê nghe, tau giới thiệu cho một em, được lắm.
Nhự hỏi lại:
– Em thế nào?
Thằng Phồn.
– Múp lắm.
Nhự:
– Rồi, chiều tối 7 giờ nghe, tau đợi mầy ở chỗ cũ.
Phồn vừa nói vừa đạp xe:
– Nhớ đúng giờ, chỗ cũ.

Phồn và Nhự thân nhau vì cùng ở chung một trại tâp trung, hai đứa đã nằm bên nhau suốt mấy năm tù, đã chia xẻ ngọt bùi cay cực trong những hoàn cảnh đau thương nhất. Ngày Ngọc bỏ Nhự mà đi, không tiếp tế thăm nuôi Nhự nữa, thì Phồn ra tay cứu giúp, đùm bọc. Gia đình Phồn ở Sàigòn nên cứ ba tháng Phồn được tiếp tế một lần, Phồn đã tự ngỏ ý cùng Nhự ăn cơm chung. Ơi cái miếng ăn ở chốn lao tù thật là quý hóa, có những người được thăm nuôi, được nồi cá, miếng đường, gói thưốc lào thì tự động tách ra ăn riêng ngay vì sợ phải chia xẻ cho những người bạn ‘’con bà phước’’, còn với Phồn thì không như vậy, được thăm nuôi bao nhiêu Phồn đều chia xẻ cho Nhự. Nhự cũng thấy áy náy lắm nên đã hơn một lần đòi tách ra, để Phồn được tự do, nhưng Phồn một mực bảo đừng ái ngại gì hết, vì vậy đối với Nhự, Phồn là người bạn đầy ân nghĩa. Ngày về hai đứa lại gặp nhau và rủ nhau đi làm chung, Phồn thấy Nhự cô đơn quá như vậy nên thường kiếm những “mối đàn bà độc thân” làm mai cho Nhự, suốt mấy năm, đã mấy mối mà chẳng có cuộc tình nào thành đạt, có thể là Nhự tự khó với mình hay mối tình của người vợ cũ đã ám ảnh, khiến anh sợ sệt đàn bà, với đàn bà bây giờ, theo anh là bến tạm cho qua nỗi buồn đau mà thôi.

Chỗ cũ là quán cà phê Hồng, một quán nước có dãi sân rộng ở Thị Nghè mà hai đứa thường đến uống cà phê. Hôm đó, buổi chiều gần tối, trong bóng nhá nhem của ánh đèn màu, anh gặp Hậu, qua lời giới thiệu của Phồn, rồi Phồn uống vội ly cà phê, lật đật bỏ đi. Người đàn bà ba mươi tám tuổi, vẻ mặt hiền, phúc hậu, cặp đồ bộ bằng vải gấm Thượng Hải màu xanh nhạt ôm bó sát lấy thân hình dong dỏng cao, khiến trông người đàn bà thanh thoát, trẻ trung. Nhự đã nói quanh quất đâu đó chuyện trên trời dưới đất, và khi sắp ra về anh hẹn với nàng một ngày khác ở đây. Lần thứ hai, sự ham muốn, sự thích mới lạ, sự đa tình đã khiến anh tán Hậu. Lần thứ ba ở trong một quán cà phê khác vắng hơn, quán cà phê có những ghế ngồi riêng biệt cho hai người, âm nhạc rất nhẹ như rót từ thinh không xuống, anh uống ly cà phê trong bóng tối, anh hôn nàng lần đầu, nụ hôn có một chút lửa tình dục trong bàn tay sờ soạn của một kẻ phàm phu, đôi vú nhỏ, thon, tròn, vừa tay, cặp đùi lẵng, dài, Hậu nói, ‘’đừng anh’’ nhưng đôi mắt đã nhắm nghiền lại, anh biết đã được và lần sau hai người dẫn nhau vào phòng trọ.

Chuyện bình thường như nhiều lần anh đã có với những người đàn bà khác, nhưng với Hậu, anh thấy có một điều lạ, là yêu đương cuồng nhiệt, nhưng khi ra khỏi cuộc mây mưa, nàng hiền như đức Phật bà. Khuôn mặt phúc hậu và âm thanh, giọng nói hiền đến nổi anh có cảm tưởng như Hậu chưa giận ai bao giờ, sự khác biệt giữa trước và sau, giữa cái thanh và tục, giữa lằn ranh của tình dục và đời thường, nó như một níu kéo anh dừng lại và anh dừng lại thật, không lang bang, không yêu ai nữa.

‘’Không yêu ai nữa mà chỉ yêu mình em thôi‘’, đó có phải là sự dứt bỏ một quá khứ, quên lãng sự cô đơn, bỏ đi những ba hoa, những đam mê, những kiếm tìm bóng sắc, ‘’không yêu ai nữa mà chỉ yêu em thôi’’, câu nói anh thường nói với Hậu, một nửa thật, một nửa ởm ờ che lấp, hình như qua cái tuổi trên bốn mươi, những ham muốn của người đàn ông chựng lại, có thể nói đến cái già, cái cằn cổi đã tới, sự tiếp nối giữa thanh niên và trung niên, những người đàn bà ngày trước với Nhự là một sự chinh phục cái thế giới lạ, hơi hám lạ, con người lạ, cử chỉ lạ, da thịt lạ, làm anh bùng cháy những những cơn mê điên loạn, những háo hức rực tình, còn bây giờ anh chỉ muốn tìm một chỗ bình yên, một bóng mát để yên thân một đời.
*
Đường phố Sài gòn đầy đặc người và đầy đặc xe, xe cộ chạy bất cần luật lệ hay luật lệ quá lỏng lẻo, mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy đi. Xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, xe ba gát, xe hơi, xe vận tải, hình như có một quy luật chung là cứ chạy rồi ‘’signal‘’ tay, rồi đạp thắng cho xe chậm lại rồi chạy tiếp. Lúc mới lên xe từ phi trường về nhà, ngồi trên chiếc xe hơi 8 chỗ ngồi của Đông Ngạn nhờ người bạn chở hộ, Nhự từ bên trong nhìn ra dòng người xe bất tận đi bên ngoài thật vô trật tự. Thắng xe làm việc liên miên, người xe qua lại bên ngoài nhiều lúc sát sạt bên hông xe, chiếc xe Van luồn lách giữa đám đông ken đặc như nêm, anh chợt nghĩ đến môt trật tự lưu thông ở Mỹ, những đường phố láng bong, những xa lộ ngút mắt và một quy luật lưu thông rõ ràng, bây giờ ngồi nhìn đám đông người xe chạy bên ngoài anh chợt nghĩ đến một nơi không thể sống được.

Một nơi có thể sống được và một nơi không thể sống được, đó là một tâm trạng hoang mang đau buồn bất tận. Khi qua tiểu bang lạnh làm việc kiếm tiền, Nhự cũng cắn răng sống và nghĩ, nơi nầy không thể sống được, “sống” đồng nghĩa với niềm vui, mà nơi nầy toàn rét cóng, hoang vu và cô tịch quá, một nơi không có người nào tri kỷ, nói một câu, một ý nghĩa không ai hiểu. Cái tuổi của anh là muốn tìm về dĩ vãng, đó như là một nhu cầu tâm lý để làm nguôi ngoai nỗi đau thân phận ở xứ sở nầy. Nhớ ngày xưa khi ở trại cải tạo ra, đi chẻ củi thuê, đi vá xe đạp lề đường, sống qua ngày, sống không nổi, anh bỏ lên Tây Ninh với anh Giảng, một vùng kinh tế mới, suốt ngày chun vào rẫy cày cuốc, phát cỏ, nghe sao buồn tẻ quá, thì đâu là đất lành cho chim đậu đây.

Buổi đầu tiên của ngày trở về, trên căn gát chỉ có một mình anh với Hậu, anh ‘’yêu‘’ nàng. Những đam mê dồn nén dâng lên như nước thuỷ triều, cuốn trôi, thiêu đốt, tàn phá hung bạo, mê đắm. Rót cuộc thì chuyện mong chờ trong ba năm cũng rã rời, như sự ham muốn tắt ngấm lặng chìm sau đó, nó như trả lời anh về sự trở về, niềm hân hoan hay buồn thảm? Sự gặp lại con và người tình, nó đan bện trong anh một nửa sự bất an, một nửa sự quạnh quẽ và tự nhiên anh thấy mìnhcô đơn quá đổi.

Sự thật thì sự trở về sau ba năm là gần, là rất gần, nó như một sự tạm xa thành phố rồi trở lại, nhưng trong anh đã có cái nhìn khác. Hình như sự bận rộn bên nước Mỹ đã tiêm nhiểm anh nhiều trong đời sống thường nhật. Buổi sáng thức dậy ra xe đi làm, đâu đó có một trật tự rõ ràng, không vọng động. Hết giờ trở về với sự êm ả, sẽ bật tivi, sẽ bật nhạc, những CD với giọng hát êm nhẹ của một ca sĩ quen thuộc nào đó dội vào lòng anh sự thanh thản thoải mái, anh sẽ ngồi vào bàn viết một cái gì đó, đọc một vài tờ báo rồi đi ngủ. Bây giờ thì anh đang ở thành phố quê nhà, thành phố mà anh nhớ nhung quay quắt, bây giờ thành phố toàn người là người, sự đông đảo như một đàn kiến chuyển động trên mọi ngã đường khiến anh ngộp thở. Hình như ai cũng có một công việc gì đó để đi, để chen lấn, để ra đường. Ngày đầu tiên cầm tay lái chiếc xe gắn máy honda, anh nghe thật lạng quạng. Đông Ngạn nói, ‘’Ba để con lái cho, ba lái không quen đâu dễ đụng lắm’’. Anh vội nhường tay lái cho con. Ngồi phía sau và cùng hòa mình vào đàn kiến luân lưu trên đường phố, nhiều lúc anh thấy mình như bị cuốn trôi giữa dòng người bất tận và điều anh lo âu của anh là sợ sự va quệt. Anh bấu sát vào thân chiếc xe gắn máy, mới ba năm trước, anh đã từng đi hết các con đường, từ Chợ Lớn qua Vĩnh Hội, Khánh Hội rồi vòng lên Gò Vấp, Tân Bình, một ngày chạy không biết bao nhiêu cây số đường với chiếc mobylette cà tàng, thế mà anh đã sống, đã làm việc miệt mài, mới đó chứ có đâu xa.

Nhưng bây giờ thì anh đầu hàng, thành phố quá đông người và xe chạy lọan xạ, có thể anh sẽ quen, sẽ chạy xe nhanh bạt mạng, sẽ chen lấn dành giựt từng đoạn đường, sẽ len lỏi lên trên, lạng qua lạng lại để được đi trước, đi sớm hơn. Và điều mà anh sợ nhất là cái nóng, cái nóng hừng hực của mặt trời, cái nóng khét lẹt của hơi người, nhiều lúc đang đi giữa đường với Hậu, anh đã nói to ‘’về nhà đi em, về ngay, nóng quá không chịu nổi’’.

Thành phố ngày anh trở lại còn gì, hơn gì ngày trước, có chăng là những khách sạn được xây thêm, nhà hàng được mở ra nhiều để hốt bạc du khách, những quán cà phê đèn mờ luôn luôn mời gọi tuổi trẻ nhào vô hưởng thụ, hũy hoại niềm tin về một ngày mới.
*
Hôm nay, anh muốn kéo cả nhà đi ăn một bữa thật ngon ở quán bánh xèo đường Đinh Công Tráng, quán bánh xèo nổi tiếng Saì gòn từ trước đến nay. Đông Ngạn cùng chồng, anh và Hậu, đi trên đường phố lâu dần rồi cũng quen, nước da anh đã sạm đen, áo quần đi ngoài về luôn luôn bám đầy bụi và mồ hôi. Những ngày anh mới về, Hậu ngồi sau xe, thường ôm sít người anh, lấy mũi hít hít vào chiếc áo anh đang mặc, Hậu nói, ‘’Thơm quá, thơm mùi Mỹ quá, cái gì cuả anh cũng thơm’’. Bây giờ thì nàng không hít nữa mà chỉ lặng lẽ tuyên bố, ‘’Hết thơm rồi, hết mùi Mỹ rồi’’ tự nhiên anh bật cười vô nghĩa.

Anh nghĩ ngày mai sẽ ra phi trường, sẽ trở lại thế giới đó, anh một nửa buồn một nửa vui, nhưng một điều chắc chắn là anh không hề có ý định ở lại.

Quán bánh xèo nằm trong con đường nhỏ, khi Nhự đến, quán đã đông khách, những tay ‘’cò ‘’ ra tận ngoài đường mời chào đon đả, anh cho gởi xe vào một căn nhà khác rồi cùng Hậu đi vào quán. Đông Ngạn hôm nay vui và mập lên vì thời gian qua anh đã lo cho chuyện ăn uống đầy đủ, anh nghĩ cái vật chất cũng là một điều quan trọng vô cùng khiến con người có thể thành sang hèn, xấu đẹp rất mau.

Người tiếp viên đến tận bàn đưa anh một tấm thực đơn, anh cầm đọc và nói luôn.
– Cho bốn bánh xèo đặc biệt và bốn lon tiger.
Người tiếp viên ghi vào trong sổ rồi đi vào trong quày nói lớn:
– Bốn bánh xèo và bốn tiger cho bàn số 5.

Anh nhìn quanh quất quán ăn trong sự xô bồ hỗn độn, chung quanh người ta vẫn ăn nhậu ngon lành. Ở đây được một cái tự do là nhậu thả ga và chạy xe bạt mạng mà không sợ cảnh sát, quán xá mọc lên như nấm từ quán nhậu bình dân đến nhà hàng năm sao, đâu đâu cũng biến thành chỗ ăn uống nhậu nhẹt được.

Đông Ngạn hỏi.
– Ba thấy Sài gòn có vui không?
Anh trả lời hàng hai.
– Cũng vui mà cũng không vui, được cái nầy mất cái kia.
Đông Ngạn nói:
– Vậy thì ba qua lo bảo lãnh cho gia đình con nghe.
Nhự ậm ừ.
– Bảo lãnh chứ, nhưng từ từ, đợi ba vô quốc tịch đã.

Một chiếc xe hơi đời mới chạy chậm chậm trên đường vào quán, các hành khách đi xe gắn máy phải dạt sang một bên, những người giữ xe trong nhà chạy ùa ra mời khách, ‘’cho xe vào đây anh, ở đây giữ xe trong vườn bảo đảm lắm, bảo đảm thật mà‘’. Họ la hét dành nhau chí chóe. Cuối cùng thì chiếc xe cũng được lái vào một căn nhà có khu vườn rộng dành cho xe hơi. Trong quầng sáng chói của ánh đèn néon, anh thấy một người đàn ông người Mỹ bước xuống xe và đi qua phía bên kia mở cửa trước, một người đàn bà bước xuống xe, anh nhìn kỹ và sững sờ, Ngọc, người vợ cũ của anh, là mẹ Đông Ngạn. Hai người đã li dị nhau từ ngày anh ở trại tập trung về khoảng hai năm, từ đó đến nay anh không có tin tức gì của Ngọc nữa.

Ngọc và người đàn ông Mỹ đi qua phía bên kia của quán thì Đông Ngạn cũng thấy Ngọc và kêu lên, ‘’Ô, Me kìa ba.’’ Nhự thấy mất bình tỉnh và hồi hộp, nói nhỏ với con, ‘’ Ừ me, me về không báo tin cho con sao?’’ Đông Ngạn nói, ‘’ Dạ không.’’

Nhự quay lại nói với cả bàn một cách buồn bã:
-Ăn lẹ đi rồi ba phải về, mai còn đi sớm.
Đông Ngạn nói:
– Ăn xong ba và cô về trước nghe, con phải đi vào tìm me chút đã.
Anh đáp:
– Tuỳ con, ba phải về trước.
Bữa ăn không ngon tí nào, anh ăn vội vã, xong anh đứng lên trả tiền và giục Hậu.
– Mình về em, hai con về sau nghe.

Anh vội vã ra xe và chợt nghe thấm buồn, nỗi buồn có thật.

Anh Tư

Sao mà đến khi tôi có trí nhớ thì tôi không thấy anh tư tôi đâu. Cũng có thể ảnh với tôi gần nhau quá khiến cho tôi không thấy ảnh những lúc này. Trong trí nhớ tôi, ảnh thấp thoáng không đặc sắc lắm, đó là một đứa con trai hơn tôi ba, bốn tuổi gì đó, khuôn mặt ngây ngô nhưng sáng sủa, với đôi mắt lớn, mái tóc đen dày, dáng người thẳng, chắc…đi với nhau người lạ ít ai nghĩ tụi tôi là hai anh em. Nhưng đúng là hai anh em, vì rằng ảnh là “cu anh” còn tôi là “cu em”…
Ảnh học hơn tôi hai lớp, tôi cũng không nhớ là hồi nhỏ ảnh học ở đâu…Sau này nghe ảnh kể lại là khi tôi và bọn thằng Trịnh Tộ, thằng Lư Nho đi học ở trường Chiên Đàn thì ảnh được cha gởi xuống học đâu dưới chợ Vạn. Đến khi tôi về học lớp ba ở trường tiểu học thì ảnh mới về học lớp nhất…Tôi nhớ được chi tiết này vì có một lần, anh em tôi có đánh lộn với thằng Đồng, một bạn học cùng lớp. Anh em tôi chơi “hai chọi một”, nhưng thằng Đồng khoẻ quá, nó ở xóm Long Phước, là con nhà nông dân thứ thiệt, nên kết quả “hột kê huề”. Tôi thì bị sưng mặt vì thằng Đồng đấm những cái búa tạ như trời giáng vào mặt, còn anh tư thị bị chảy máu răng tùm lum tà la…
Cũng có một lần nữa, là anh em tôi hợp đồng tác chiến, cùng đánh lộn với thằng Trương Chá ngoài chợ. Thằng Trương Chá con bà Chá bán bánh tráng. Hàng ngày lúc rãnh, Trương Chá đội bánh tráng đi bán rong khắp chợ, khắp xóm, nên đôi chân, đôi tay nó khỏe như voi. Không biết vì lý do gì mà tụi tôi gây sự, rồi lăn xả vào đánh nhau. Thằng Chá mạnh và to con hơn thằng Đồng, dĩ nhiên một chọi hai, hột kê cũng huề, nhưng tụi tôi cũng bị u đầu, sứt trán.

Đó là nói cho ngon thế chứ, tôi vốn nhát gan, đâu có giám gây sự với ai, hai lần đánh lộn là tôi đã tởn da gà rồi, chắc anh tư tôi cũng vậy.
Anh tư tôi đẹp trai hơn tôi là cái chắc, có hai cái tôi thua xa ảnh là đôi mắt và mái tóc. Đôi mắt ảnh lớn và mái tóc ảnh đen mượt, phía ót sau ảnh xuôi nên khi hớt tóc, “hớt thấp”, thì mái tóc phía sau ôm cái đầu “không có chớn”, rất đẹp.
Còn đôi mắt của tôi thì ti hí, nhỏ xíu, nhiều khi cười tít mắt không thấy đất trời đâu. Mái tóc tôi thì cứng như rễ tre, phía sau ót có cái xương mọc nhô lên, nên dù những thợ hớt tóc “nghề” nhất chợ Quán Rường như anh năm Lý, hay anh Được, sau một hồi hì hục, cho tông đơ hay kéo rà qua rà lại, rà lên rà xuống, vẫn lắc đầu chịu thua, mái tóc tôi không xuôi được mà vẫn còn có “chớn”.
Cũng xin mở dấu ngoặc thêm là ở quê tôi có những người thợ hớt tóc sau đây.
Đầu tiên là anh năm Xuân.
Anh năm Xuân là con một ông cựu chánh tổng, gia đình anh “rân rác” lắm. Nhưng ảnh ỷ con nhà giàu nên ham chơi, chẳng lo học hành gì, nên sau khi quốc gia tiếp thu anh mở một cái chòi nhỏ gần chợ Quán Rường để hớt tóc cho cánh đàn ông. Cái tiệm hớt tóc được dựng lên gần sát cổng ra vào nhà ông tú Khảm. Ông Khảm đậu tú tài nho học nên được dân làng gọi là ông tú, nhưng ông chẳng làm được chức gì, chỉ nhà giàu, có ruộng có đất cho tá điền “làm rẻ”. Đến ngày mùa, tá điền đong lúa cũng ăn dư dã. Ông tú Khảm có một đàn con lớn, người vợ lớn đã mất nên ông lấy một bà vợ sau, nhỏ hơn ông ba con giáp. Cô Lan đẹp người, nên đi ra chợ ai cũng nhìn ngắm, trầm trồ. Anh năm Xuân biết ông tú Khảm già rồi, không còn “xíu quoách” nên đem “lời to tiếng nhỏ” tán cô Lan. Anh lấy câu phương châm tán gái là “nhất cự ly, nhì tốc độ” ra thực hành. Nghe thiên hạ đồn rằng, cứ buổi tối đến, anh năm Xuân cởi áo quần nằm trong quán hớt tóc phục sẳn, cô Lan ra đóng cổng khu nhà đồ sộ của ông tú. Cô ngó trước ngó sau không thấy có ai, liền chui tọt vào quán hớt tóc. Hai người “ịch đụi” nhau chừng mười phút, thì cô Lan vọt ra, vội vàng đóng cổng, khóa cổng vào nhà. Cuối năm đó cô sinh một đứa con gái kháu khỉnh, ai cũng nói con năm Xuân, nhưng ông tú Khảm thì vẫn đinh ninh là con mình, nên ông thương lắm.
Chuyện tình đến đó là hết, anh năm Xuân nghe nói buồn vì “tình đời đen bạc” nên bỏ vào Sài Gòn làm ăn.
Sau đó thì tới anh thợ hớt tóc thứ hai tên là Giống. Anh cũng làm một cái quán thô sơ bên ngã ba đường, gần quán bà cả Trâu và trường tiểu học Kỳ Mỹ. Anh là con trai mới lớn, cao to, lực lưỡng. Không ngờ anh bị đưa vào tầm ngắm của chị Hồng. Chị Hồng người gầy như que tăm, ốm nhom ốm nhách, gương mặt đầy tàn nhang, mỗi lần nói chuyện nước miếng văng tùm lum, nên gần ba mươi tuổi mà chẳng có chàng trai nào tới rước.
Chị Hồng nưng niu anh hết mực, dỗ ngon dỗ ngọt sao đó mà chị lại mang bầu. Cuối cùng, cũng mấy tháng sau, có lẽ nhìn lại thấy chị Hồng gầy gò, ốm o quá, nên anh Giống cũng bỏ đất mà đi, để lại chị Hồng với đứa con còn trong bụng mẹ.
Người thứ ba là anh Được, chồng chị Lâm. Hai người làm nhà gần cây bàng ở chợ Quán Rường. Cặp đôi này trông rất hạnh phúc. Chị Lâm bán nước chè (quê tôi gọi là “đổi” nước chè), còn anh Được hớt tóc. Anh Được hớt tóc đẹp, khéo tay, nên quán rất đông khách. Muốn hớt tóc anh Được phải ra quán ngồi đợi ít nhất cũng ba mươi phút. Anh hớt đẹp mà không trị nổi mái tóc của tôi, nên dù có “gò” bao nhiêu, mái tóc tôi phía sau ót vẫn còn có “chớn”.
Người thứ tư là anh năm Lý. Anh năm Lý lớn tuổi, khoảng trên bốn mươi. Anh hiền lành, thật thà. Ảnh hớt tóc kỹ lưỡng nhưng không đẹp bằng anh Được. Khi tôi biết là mái tóc tôi khó trị, tôi thôi không ra ngồi chờ ngoài quán anh Được nữa, mà nhảy qua quán anh năm Lý để được ảnh hớt, gọt, tỉa, cạo mặt, lấy ráy tai. Ảnh có môn lấy ráy tai thần sầu, khi ảnh để cái que ráy vào lỗ tai, xoay vòng vòng thì trời đất chung quanh đều quay cuồng, vì nhột mà sướng. Xong đâu đó anh còn lấy tay xoa xoa ngoài vành tai rồi búng chách chách nữa.

Trở lại chuyện anh tư.
Anh tư có hàm răng khá đẹp, nhưng còn nhỏ nên ảnh làm biếng đánh răng lắm, hàm răng thường có bợn vàng. Chị hai gọi đó là hàm răng “đóng khớm”. Hồi đó chưa có kem đánh răng, chưa có bàn chải đánh răng, nên chị hai thường lấy vỏ cau khô cắt nhỏ, đem “ép” anh tư và tôi đánh răng. Chị đưa miếng vỏ cau khô và đứng canh chừng, khi chúng tôi lấy xác cau chà qua chà lại hàm răng, khoảng năm phút, chị mới đi. Hình như hai ba ngày hay một tuần gì đó, tụi tôi mới được đánh răng một lần. Vỏ cau khô đánh răng cũng tuyệt lắm. Đánh xong nhìn vào gương thấy hàm răng mình trắng nhởn ra.
Anh tư ăn mặc chỉnh tề, khi nhà tôi đã sắm được cái bàn ủi “con gà trống” thì ảnh ủi áo quần thường xuyên. Tôi có lẽ còn nhỏ và tính cẩu thả, nên áo quần thường giặt qua loa xong là tròng vào ngay.
Gần phía bên trên nhà tôi là nhà ông tư Trí, ông này có một đức tính là hay cằn nhằn vợ con lắm. Có chuyện gì mà vợ con làm sai ý ông thì ông “nhằn” lớn tiếng, cả dưới nhà tôi cũng nghe. Câu cuối cùng lúc nào ông cũng nói như rên lên: “Răng tui khổ quá thế này nề trời. Trời ơi là trời!” Anh tư tôi cũng vậy, có chuyện gì không vừa ý thì ảnh cằn nhằn, rằng rực suốt, nên chị hai tôi thường đùa, “thằng nhằn như ông tư Trí”, sau này thành biệt danh của ảnh luôn.
Có một điều khác biệt giữa hai đứa tôi là, tôi mau mắn, nhậm lẹ, “lất cất” bao nhiêu, thì anh tư tôi chậm rãi, rề rà, “nước đến chân mới nhảy” bấy nhiêu. Buổi tối ngồi học bài chung trên chiếc bàn trong buồng nhà ngang, thì tôi “rống” cả xóm ai cũng nghe, còn ảnh thì đọc từ từ, lại hay ngủ gà, ngủ gật. Tôi thì học không hết bài, mà ảnh cứ tỉnh bơ, ngáy khì khì, khò khò.
Những trò chơi chung như đánh bóng chuyền, đá bóng, hai đứa tôi đều không xuất sắc, chỉ xếp hạng C trong xóm. Nên khi thành lập đội banh thiếu niên của xã, tụi tui đành ra rìa.
Cũng có vài kỷ niệm vui vui, dù khác tính nhau và ảnh là anh tôi, nhưng nhiều khi chúng tôi cũng “hợp đồng tác chiến” trong chuyện “con gái”. Như là tụi tui cùng rũ con Tình ra chỗ giếng nước, dụ hái trái dâu đất cho nó, rồi thò tay rờ thử “núm cau” của nó ra sao. Tuy còn nhỏ, nhưng có lẽ vì tính hiếu kỳ, tò mò của con nít, nên chúng tôi đã thành công. Con Tình không nói gì mà còn cười vui vẻ nữa. Buổi chiều hôm đó, mẹ tôi kêu hai đứa ra giếng tắm, vì tranh giành cái gàu múc nước không được, nên tôi nổi cáu, định mét mẹ là: “anh tư rũ con bóp v. con Tình, mẹ à”. Trong lúc ảnh sợ lộ tẩy, bèn xô mạnh tôi té nhào vào đám vò hốt giá của mẹ, nên tôi chưa kịp nói hết câu. Tôi bị té nhào vào đám mảnh sành, bị xóc, chảy máu tùm lum. Mẹ tôi hoảng quá kéo tôi vào nhà, lấy thuốc lá rê rịt cho cầm máu. Vết té bây giờ vẫn còn, và câu định nói đó, tôi chưa nói ra hết được bằng lời, coi như cuốn theo chiều gió bay đi, bay mãi đến bây giờ, chỉ có hai anh em tôi biết.

Anh tư học chỉ khá thôi chứ không giỏi, nhưng kỳ thi đệ thất năm đó, anh thi đậu vào trường công lập Trần Cao Vân, một ngôi trường tỉnh, nên cả nhà tôi vui như tết. Cha tôi làm một bữa tiệc đãi các thầy dạy ở trường tiểu học và các bạn đồng liêu ở hội đồng xã cũng mười mấy mâm. Thế là ngon, cả tỉnh cũng hơn ngàn thí sinh, lấy khoảng trăm rưởi, mà đậu được là ngon.
Thế là từ niên khóa đó anh tư bắt đầu đi học trung học, anh phải ở trọ, ăn cơm tháng dưới thị xã, mỗi cuối tuần mới được về nhà. Tôi cũng nhớ ảnh lắm, nhưng rồi tôi cũng có một số bạn học rũ chơi đủ mọi trò, nên cái nhớ cũng vợi bớt đi.
Như vậy thì tôi thua anh tư tôi nhiều điều, nhưng gẫm cho cùng, tôi cũng có duyên ngầm với nụ cười có hai cái lúm đồng tiền trời cho, nên cũng vớt vát lại. Những năm sau đó, tôi cũng thành công trong công cuộc trường chinh tán gái, cũng là tay “sát gái” dễ nễ.
Sau này lớn lên, cùng chạng tuổi nhau, nên có lúc, tôi và anh tư cũng có nghĩ đến và thương ngầm một cô học trò nào đó, nhưng đó chỉ là “thương ngầm” mà thôi, không có “mối tình chung” nào sống động để đời, để nhớ đến…

Người Chết Hai Lần

Một người làm ruộng cho gia đình tôi là chú sáu Quắn. Chú ở dưới miệt Kỳ Anh, tức là dưới vùng biển Tam Ấp, tên thường gọi là xóm Đồng Rạ hay là Đầm.

Mẹ tôi không biết duyên do nào đã biết chú và nhờ chú, đến mùa cấy hay mùa gặt là chú lên nhà tôi ở lại suốt mấy tháng để làm việc.
Chú sáu Quắn là một thanh niên to con, cao ráo, lực lưỡng, đẹp trai. Mỗi lần chú gánh lúa từ ruộng về, chú thường ở trần trùng trục. Tôi nhìn từ xa, đôi chân chú săn chắc, vồng ngực nở nang, mái tóc hớt ngắn để lộ cái đầu to, dù trời có nắng đến mức độ nào chú vẫn để đầu trần, không hề đội mũ hay nón gì cả.

Chú ăn cơm rất nhiều và nhanh. Ở nhà quê bữa ăn đâu có thức ngon vật lạ gì cho cam. Mẹ tôi nấu một nồi cơm đầy, có khi độn thêm khoai lang tươi, khoai lang khô, hay bắp, ăn với một dĩa mắm cơm hay mắm nục được muối mặn chát, một rổ rau sống đủ loại rau trộn chung vào, như rau cải cay xắt nhỏ, bắp chuối, tần ô, tía tô, và một loại rau đặc biệt nữa gọi là rau sân. Cây rau sân không trồng nhưng mọc hoang trên bờ rào, cành cây lớn có gai mọc chen chúc nhau. Rau sân chỉ ăn được những mầm xanh tía, rau có mùi thơm rất dễ chịu, hơi gây gây nhưng nồng nàn lắm. Trong một rổ rau lớn mà có trộn thêm một chút đột rau sân thì có ngồi từ xa cũng ngữi được mùi thơm thoang thoảng. Thêm một tô canh rau muống xắt nhỏ nấu loảng để chan húp cho dể trôi cơm. Bữa cơm chỉ có thế mà ai ăn cũng ăn ngon lành, chan, húp, nhai, nuốt, sột soạt suốt cả bữa ăn.

Riêng chú sáu Quắn thì ăn rất im lặng, một chén cơm chú và vào miệng rồi nhai, nuốt, đâu hai, ba lần là hết, xong, chú gắp một con mắm to bỏ vào miệng, chú lại nhai gọn như không nhai, chú nuốt lẹ rồi bới chén cơm khác. Chú chan canh cũng im lặng như ăn, không húp sì sụp như mọi người mà như chú nuốt trộng, rất nhẹ nhàng và gọn. Một bữa ăn chú bới khoảng sáu, bảy chén cơm đầy, thế mà lúc nào chú cũng bỏ đủa trước.

Những lúc nhà nông nhàn rổi, nhà tôi không có việc làm thì chú về lại quê Kỳ Anh. Chú đi cất lưới bắt cá hay đi giăng câu. Kỳ Anh là một xã sát biển, ở đây ai cũng biết bơi rất giỏi, giăng câu rất nghề. Chú sáu Quắn cũng vậy, những ngày kiếm được cá nhiều, chú mang cả thúng cá lên chợ Quán Rường bán, riêng nhà tôi, chú lựa những con cá to, ngon, đem biếu. Những lúc như vậy, mẹ tôi thường cho lại chú mấy lon đậu đen hay đậu xanh.

Tôi coi chú như người nhà, có lúc tôi leo lên vai chú để chú vác công kênh đi chơi, vác đi long rong đi trên đường làng từ xóm này qua xóm kia, hay đi qua các bờ ruộng. Ngồi trên vai chú tôi thấy tôi như người khổng lồ, sung sướng lắm.

Chú chưa có vợ con gì, dù đã hăm mấy tuổi. Mẹ tôi có làm mai cho chú mấy đám mà không thành. Mấy cô gái quê tôi thì chê quê chú nhà quê hơn quê tôi, chê chú là “nậu đầm”, ai mà muốn gã con xuống “đầm”. Có lẽ quê chú ở gần biển, nên lúc thủy triều lên, nước biển tràn vào nhà, khi nước rút đi để lại đất bùn dơ dáy, như một cái đầm lầy, nên người ta gọi là “đầm” chăng? Chú cũng không thấy thế mà buồn, gương mặt chú lúc nào cũng tươi cười, vô tư, thản nhiên lắm.

Mà đúng quê chú là “đầm” thiệt và chú cũng là dân “nậu đầm” thiệt.
Tôi nói vậy vì có một lần, do công việc cần kiếp, mẹ tôi sai tôi xuống kêu chú sáu Quắn lên làm việc. Tôi một mình đi bộ từ nhà tôi đến ngã ba Chiên Đàn, rồi hỏi thăm người ta xuống “đầm”. Người ta chỉ đến đâu, tôi đi theo đó. Qua một trảng cát rộng, đi rát cả chân, vì tôi lội bộ bằng chân không chứ đâu có guốc giép gì. Tôi bước trên trảng cát như đi qua sa mạc, không một bóng cây, chỉ có những hàng dương liễu lơ thơ. Cát nóng trong buổi trưa nắng cháy, thế mà tôi lầm lũi đi, đên cả mấy tiếng đồng hồ mới tới nhà chú sáu Quắn, nên bàn chân dộp lên, đau rát lắm.

Nhà chú đúng là một cái chòi. Bà mẹ chú đôi mắt bị “nheo”, có lẽ vì gió cát và nước mặn thổi suốt ngày nên ở đây ai cũng bị “nheo” mắt – đôi mắt cứ nhíu nhíu, đầy nước mắt và ghèn.

Nhà chú đúng là cái chòi, mấy miếng tranh gát trên mái và được che chắn chung quanh bằng những tấm mành mành. Mẹ chú đi bắt ốc mò cua, được chút gì thì đem lên chợ Chiên Đàn bán mua gạo và thức ăn. Hai mẹ con sống heo hút trong cái chòi nhỏ bé đó.

Thấy tôi xuống kêu chú lên nhà tôi đi làm, chú mừng lắm.
Giọng chú xăng xái:
– Ê cu em. Mi đi một mình xuống đây hả? Ai chỉ đường cho mi.
Tôi liếng thoắng:
– Thì tui hỏi người ta.
– Trời ơi, cái chưn mi đỏ kìa, sao không nói mẹ mi mua cho đôi giép.
– Tui đi chân không quen rồi, đi giép không được.
– Thôi ngồi đó đi, tau nướng cho củ khoai ăn rồi tau cỏng về.

Chú vào bếp nướng cho tôi củ khoai lang, rồi chú cỏng tôi lên lưng, vì chân tôi bị cát nóng sưng dộp lên từng mảng đỏ. Chú cỏng tôi trên lưng đi băng băng qua cái nổng cát dài, băng băng qua mấy con suối, rồi lên đi đường bộ đến nhà tôi một mạch mà chú không mệt tí nào.

Chú có một cái tài là trèo cây và bắn chim. Khu vườn nhà tôi trồng rất nhiều cây to, cành cây là xum xuê mát cả một khu vườn. Mùa hè thì mát lắm, nhưng đến mùa đông thì quê tôi thường hay bị bão, lụt, nên cha mẹ tôi nhờ chú sáu Quắn leo lên chặt những cành cây to hoặc đốn hẳn cây nào quá già. Lúc này chỉ có cưa tay chứ chưa có cưa máy, nên công việc đón cành, cắt lá rất khó khăn. Những cây to, muốn cưa cành thì chú phải leo tuốt lên trên cao, rồi ngồi bám vào một chỗ nào chú thấy chắc chắn và chú bắt đầu cưa. Tôi đứng phía dưới nhìn thấy chú treo trên cao như vậy, chỉ nhìn cũng đủ thấy ngợp thở rồi, huống hồ gì chú từ trên cao ngó xuống, thế mà chú tỉnh bơ như không. Còn chú bắn chim thì thật là thiện xạ.

Trong những khu vườn mùa hè, chim chóc bay kêu ríu rít trong những chùm cây rậm, những con chim cu đậu tuốt trên ngọn những cây gòn, thế mà chú đứng dưới dùng ná cao su nhắm bắn, không sai chạy một li.
Chú còn có một ngón nghề nữa là chặt tre. Nhà tôi có một hàng tre dài cao vút, rậm, mọc khít nhau. Nhiều bụi tre đứng từ ngoài nhìn vào không biết cây tre xuất phát từ đâu. Nhìn từ bên ngoài, cha tôi muốn chặt mười cây này, cây này…vì cha cần tre vót nan để đan gàu giai, gàu sòng hay đan thúng, mủng, rổ, rá hay làm lạt cột. Cha tôi chỉ mười cây thì chú sáu đón ngay mười cây đó ngay chốc, không sai cây nào.

Nói con gái quê tôi không ưng chú thì cũng đúng. Họ không yêu chú vì nhà chú quá nghèo. Con gái về làm dâu xứ “đầm” quanh năm suốt tháng sống với bùn lầy nước đọng thì ai cũng ớn, nhưng nhìn chú sáu với thân thể cường tráng của một lực điền như vậy, thì cô thôn nữ nào không mê.
Trong đó có mối tình với chị Mỹ Ly.

Mỹ Ly là tên của cô sáu Cần, con ông Học gần nhà tôi.
Nhà cô Cần cách nhà tôi chỉ có cái bờ rào tre và một đường mương thôi. Cô Cần mười tám tuổi, không đẹp nhưng có duyên. Cô có khuôn mặt bầu bầu, hàm răng trắng đều xinh xắn.

Một lần cô Cần gặp chú sáu đang chặt tre bên hàng rào nhà tôi, giáp với vườn ông Học, thấy chú sáu là người lạ, nhưng trông cường tráng, khoẻ mạnh, đẹp trai, nên cô Cần lân la lại gần hỏi chuyện:
– Anh chặt tre cho cậu Khiêm hả?
Chú sáu trả lời:
– Ừ thì chặt tre.
– Chặt làm gì?
– Thì đan bồ.
– Đan bồ làm gì?
– Nghe ổng nói đan bồ đựng lúa, chứ để lúa ở ngoài, chuột ăn hết.
– Anh tên gì?
– Sáu Quắn.
– Tên gì lạ kỳ, tóc anh đâu có quăn.
– Thì cha mẹ đặt vậy.
Thế là hai người quen nhau.

Cô Cần là một thôn nữ, nhưng cũng có chút máu học đòi thành thị. Cô có chiếc xe đạp dàn đầm, một ngày chạy đi đi về về từ Quán Rường xuống Tam Kỳ học may. Cô Cần biết thoa son đánh phấn, biết làm duyên với chú. Sau này cô còn phi dê mái tóc cho quăn tuýt lên và bịt một hàm răng vàng sáng chói, thật đúng là “cười lên đi cho răng vàng sáng chói”. Về sau cô bỏ tên Cần quê mùa để lấy tên là Mỹ Ly.

Trong một buổi văn nghệ ở đình An Mỹ, cả hai cùng đi coi. Buổi văn nghệ có anh Lương diễn kịch, chú Trà diễn tuồng, chị Khiêm ca tân nhạc Gạo Trắng Trăng Thanh cũng hay lắm.
Duyên đâu mà khán giả đi xem cũng hai, ba trăm người, mà chú sáu lại đứng gần chỗ cô Cần.

Khi cô hai Khiêm lên hát bản Gạo Trắng Trăng Thanh, đến đoạn… Đêm chơi vơi gạo cười tươi, như chuyền hơi ấm ấm lòng người…hò hô hò… thì tay chú sáu và cô Cần đã nắm chặt lấy nhau.
Mối tình của chú sáu Quắn và cô Cần chỉ đến đó.
Một hôm, cô Cần hỏi:
– Quê anh Quắn ở đâu vậy?
– Ở Đồng Rạ chứ đâu.
– Đồng Rạ là dưới “đầm” hả?
– Chứ đâu nữa.
– Dưới đó bùn lầy không à, làm sao sống, làm sao mang giép, mang guốc.
– Thì sinh ở đó thì sống ở đó thôi.
Cô Cần từ từ rút tay chú sáu ra khỏi tay mình và lẳng lặng bỏ đi.

*
Đó là chú sáu Quắn làm ruộng cho nhà tôi là vậy, hiền từ, dễ thương là vậy, mà khi “giải phóng” đến quê chú, chú cũng phải theo, cũng vác súng AK, cũng đi bắn sẻ, đi đắp mô, đủ hết.
Và cuối cùng, chú phải lãnh một viên đạn M16 của lính biệt lập ông Liệu, phục kích đón lỏng mấy ông du kích tối tối mò về.

Mẩu đạn M16 ghim vào lồng ngực chú, nhìn phía trước như một vệt mực nhỏ, nhưng nhìn phía sau lưng, một vòm da thịt rộng bị phá nát, máu đóng thành vũng. Lính phe quốc gia còn đặt dưới lưng chú một quả lựu đạn đã rút chốt, để đồng bọn chú có tới lấy xác chú, thì sẽ bị nổ, sẽ bị chết thêm. Cũng may, cái trò nầy du kích gặp hoài nên rút kinh nghiệm, bỏ mặc chú sáu Quắn nằm đó, không ai giám mò tới.

Xác chú được để mấy ngày, ruồi nhặng bay đậu đầy, rồi nắng gắt làm mùi hôi bốc lên thúi kinh khủng. Dân chúng nghe mùi hôi thúi không chịu nổi nên than vản, khiến trung đội trưởng nghĩa quân phải ra lệnh cho một anh nghĩa quân viên lấy dây buộc vào chân chú, rồi chạy ra, đứng từ xa mà kéo xác. Khi xác chú nhích lên thì một tiếng nổ ầm long trời lỡ đất bùng lên. Xác chú bay tả tơi, quần áo banh hết, rơi lả tả, da thịt, tay chân rơi ào ào, tứ tán.

Đúng như lời một bản nhạc “người chết hai lần, thịt da nát tan.”
Chị Cần nghe tin chú Sáu chết, có khóc thầm mấy tuần rồi cũng quên.
Không ai biết về mối tình đó, chỉ có tôi, chị sáu Cần kể tôi nghe, khi tôi đã lớn…

Trần Yên Hòa