Trần Bang Thạch

Trn_Bang_Thch_2(1)

Không Có Chỗ
Cho Một Tình Yêu

Phòng khách xem chừng không còn chỗ để bắc thêm một vài cái ghế. Hai ba khuôn mặt bạn bè vẫn còn thiếu. Tôi chuẫn bị những cái ly thủy tinh cổ cao để bắt đầu buổi tiệc với vòng rượu vang khai vị. Ngọc đang loay hoay bên giàn stéreo, nói: Nhạc đêm nay phải là nhạc nhẹ, nhạc tình của thế kỷ 19 thì mới đúng điệu, phải không bà chủ nhà. Tôi ậm ừ rồi nói thêm: Con nhỏ mày nói đúng đó. Phải là nhạc tình. Nhạc tình thật mùi rệu, đặc biệt cho đêm nay, nhen Ngọc. Tôi cảm nhận có điều rất thật trong câu nói ấy của mình, nhưng cớ sao tôi có chút nhếch mép và chút đắng chát trong cổ họng. Trong ánh sáng mờ mờ tôi hy vọng Hồng không thấy cái nhếch mép của tôi cũng như không nghe được chút cay đắng trong câu tôi vừa mới nói. Phải mà. Đêm nay phải là một đêm của tình yêu. Đêm của một tình yêu trở lại và đêm của một tình yêu khăn gói ra đi. Đêm của những lời tình và đêm của từng dòng nước mắt. Đêm của tình yêu hồi sinh và đêm của tình yêu tự tử. Ý nghĩ bất chợt này làm mắt tôi cay và lòng tôi thật chùn. Hồng đỡ lấy cái ly trên tay tôi, có lẽ chị thấy tay tôi hơi run. Từ hồi xế chiều Hồng luôn luôn bên tôi, đã giúp tôi thật nhiều trong việc bày biện thức ăn, chuẫn bị đĩa muỗng ly tách. Còn Quân thì có lúc ngồi trầm ngâm ngoài phòng khách với mấy tờ tạp chí, có lúc thì thơ thẩn ở vườn sau với điếu thuốc cháy dở trên tay. Có lần từ cửa kính ngó ra sau vườn tôi thấy Quân đi tới cái băng đá kê dưới gốc mimosa, dừng lại một chút rồi bỏ đi. Có lẽ chàng định ngồi xuống. Cái băng đá Quân và tôi đã ngồi từ nhiều năm nay bây giờ cũng đang bị bỏ không, nằm trơ ra đó. Mặt đá đã nổi vân. Một đầu băng đã gãy cụp. Chỗ tựa lưng cũng đã bể mất. Đâu sá gì cái băng thương tích. Mình sẽ suốt đời ngồi sát bên nhau như thế này, tựa vào nhau như thế này, em không thấy sao. Có. Thuở đó tôi có thấy. Mấy tuần trước tôi vẫn còn thấy. Nhưng giờ thì không. Tôi và cái băng đá bây giờ nào có khác gì nhau. Lạnh căm, cô đơn và thương tích. Người ta nói đá có niềm đau của đá, tôi cũng nghĩ vậy, và muốn nghĩ thêm: đá cũng có niềm đau của người.

Đến gần 8 giờ thì mọi người đã có mặt. Mấy chục cái ghế kê chung quanh chỗ khiêu vũ đã có người ngồi. Tôi mở cửa đi ra sân trước cắt hai cánh hoa hồng để một chốc nữa đây dành tặng cho đôi vợ chồng mới xum họp. Dưới ánh sáng nhờ nhờ của 2 chiếc đèn lồng treo hai bên cổng ra vào, tôi thấy một cánh hoa màu đỏ bầm như máu khô, còn cánh hoa kia vẫn một màu hồng tươi. Hoa mà cũng có cái buồn cái vui, cái sắc hương, cái tàn tạ, tôi tự hỏi như vậy. Driveway rộng và cả cái cul-de-sac đã đầy xe, nhiều xe phải đậu hai bên đường. Tôi thoáng nhìn con đường sâu hun hút chạy thẳng từ sân nhà tôi tới một rừng thông dưới chân đồi. Hai hàng cây bên đường giao ngọn như những tình nhân trong bóng đêm. Tôi chưa kịp bước qua khung cửa để vào nhà thì chợt thấy Quân đứng nơi hàng hiên, trong một gốc tối, điếu thuốc còn một đóm lửa nhỏ. Ngay lúc đôi chân tôi khựng lại, hồn tôi bỗng đi xa thì môi tôi cũng nhận một chiếc hôn bất thần với lời nói nghe như trong mộng mị: Thi. Tha thứ cho anh. Anh lúc nào cũng yêu em. Và cũng trong mộng mị, hai tay tôi ôm chặt một dáng hình nửa như thân quen gần gũi, nửa như lạ lẫm xa xôi nghìn trùng. Chúng tôi hôn nhau không kịp thở, chúng tôi uống từng dòng nước mắt của nhau. Chúng tôi như hai xác thân thoát ra từ một chốn chân không, như hai tên đồng thiếp đến từ một vùng khói sương không tên không tuổi, không dĩ vãng, chẳng tương lai, không ràng không buộc, không đạo lý luân thường. Chúng tôi lướt đi như hai cánh bướm khuya, tung tăng chao lượn giữa mùi hương quế trong tiếng nhã nhạc từ lưng chừng trời. Cho đến khi tôi loáng thoáng nghe vài cái tên quen thuộc và nhác thấy một vệt đèn xe từ phía đầu dốc thì tôi buông Quân ra, hai tay bụm mặt, khóc. Hồn tôi bây giờ mới trở lại. Và tim tôi đã bắt đầu rướm máu. Có phải chúng tôi là một loài thú đã tiệm sinh từ thời tiền sử, nay bỗng chốc thành người, thành đôi tình nhân tội nghiệp, đang rút co trong bóng tối, chốc nữa đây sẽ trườn mình ra khỏi vùng hang động để nhận hàng trăm giáo gươm bén ngót và hàng muôn ngàn tên nhọn. Chúng tôi rời bỏ bóng tối hành lang, bước vào nhà như những con thú hoang với con tim đầy thương tích. Quanh chúng tôi bây giờ tiếng nói tiếng cười, là ánh điện màu, là những mắt nhìn, là hương thơm, là tiếng nhạc. Tôi nghe như từ xa xăm có tiếng gọi tên mình. Tôi cảm nhận có đôi bàn tay bóp nhẹ hai vai tôi. Có tiếng thầm thì bên tai tôi. Có chút hơi ấm trên cổ tôi. Rồi một người nào đã dìu tôi ra giữa pistre, bảo phải nói vài lời khai mạc dạ vũ. Thi, mày hãy đứng vững. Chớ khi nào ngã quị nghe con. Không phải từ 10 năm nay mày đã chuẫn bị cho cái ngày thương khó này sao con. Tôi đã tự nói với tôi như vậy trước khi tôi nói với mọi người. Thi rất cảm ơn sự hiện diện tối nay của tất cả quí bạn. Đặc biệt cảm ơn anh Quân và chị Hồng đã cho Thi được đứng ra tổ chức buổi gặp gỡ đêm nay để mừng ngày anh chị xum họp sau nhiều năm xa cách. Rồi tiếng vỗ tay. Rồi thêm những lời chúc. Tiếng nổ của champagne. Tiếng rút nút của rượu mạnh. Tiếng loảng xoảng leng keng của ly tách. Một điệu nhạc slow thoát đi như một làn khói nhẹ với tiếng kèn trompet dặt dìu cuốn theo lời ca của Pattie O’ Connor qua một nhạc khúc của Jesse Schneider viết từ thời thập niên 30. Bản nhạc đã từng nhiều lần dìu bước chân của tôi và Quân trên chính nền gỗ láng bóng của phòng khách này những lúc chỉ có tôi và chàng. Chúng tôi đã từng hát chung ở phần điệp khúc. Oh, my Dear, dream, dream a picturesque dream. Love, love an endless love. Quân nói chàng thích nghe bản nhạc này để ngũ trên tay tôi. Còn tôi thì muốn vừa nghe bản nhạc vừa khóc trên vai chàng. Tôi biết không phải là Quân mà là một người nào đã vô tình phát ra bản nhạc định mệnh này. Và trên pistre bây giờ, mở màn cho đêm dạ vũ dĩ nhiên là hai nhân vật của đêm nay, Quân và chị Hồng. Giữa lúc người ta đang dìu nhau theo điệu nhạc thì tôi, một con thú bị thương cố làm người an lành hạnh phúc, một lãng tử thất tình phải gượng làm một giáo sĩ hiền lương. Rượu không làm tôi say mà sao tôi nghe tay chân mình không còn gân cốt. Tim tôi có còn đập hay không mà tôi nghe như mình không còn chút sức lực nào. Trong góc tối này tôi nghe những lời ca cũ. Dream, dream. Endless love. Trong tình yêu, tôi đã mơ một giấc mộng quá dài để cuối cùng thì tình cũng ra đi. Trong góc tối này, tôi ngồi đây nhìn hạnh phúc của mọi người. Nhìn hạnh phúc của chàng với người vợ vừa mới đón tại phi trường trưa nay sau hơn 10 năm cách biệt. Chị Hồng, người đàn bà hạnh phúc nhất đêm nay, với thân hình nhỏ gọn trong chiếc áo dài màu tím than đang như một cánh tigone đong đưa trong đôi tay rắn chắc của chồng. Chị Hồng, hơn 10 năm chờ đợi để có ngày này, ngày hạnh phúc. Còn tôi, tôi cũng có 10 năm với chàng. Mười năm cho một tình yêu tuy muộn màng nhưng thật đẹp. Mười năm yêu nhau tôi không biết mình đã đổ bao nhiêu là nước mắt. Tôi cũng không nhớ đã bao nhiêu lần trong vòng tay chàng tôi đã khóc khi nghĩ tới một ngày chia ly không thể tránh. Trong gặp gỡ đã nhuốm mầm ly biệt, một nhà thơ đã nói như vậy rồi. Mười năm không thiếu với nhau một ngày bỗng nhiên bị cắt lìa, bị chặt đứt, bị bứng rể, bị đốn ngọn, để bây giờ trong góc tối này tôi yên lặng nghe tiếng kèn đồng thổn thức và nghe lòng mình nhói đau. Cũng từ góc tối này tôi đã dấu đi những dòng nước mắt.

Đến quá nửa đêm thì mọi người lần lượt ra về. Vợ chồng Quân về sau cùng. Chúc Thi ngủ ngon, anh chị về. Dạ, Thi chúc anh chị về nhà an toàn va øngủ ngon. Chúng tôi đã nói với nhau như vậy khi tôi tiễn hai người ra cửa. Ngủ ngon, tôi biết chắc là Quân và tôi là những người sẽ thao thức suốt đêm nay. Từ 10 năm nay chúng tôi đâu có nói với nhau những lời khách sáo ấy. Và từ 10 năm nay có lần nào Quân rời khỏi khung cửa nhà này mà không có cái hôn từ giả, như tối hôm nay. Mất, tôi đã tình nguyện làm mất hết những gì mà tôi có từ 10 năm nay. Trong ngăn kéo của lòng tôi chắc cũng không được quyền cất giữ mối tình này.

Đêm mịt mùng. Đêm im vắng. Đêm đen. Tôi trở vào nhà. Sau khung cửa khép là tôi với ly dĩa ngổn ngang trên bàn và mấy mươi cái ghế trống. Hai cánh hồng dự định chúc mừng ngày vui nằm ơ hờ trên nấc cầu thang lên lầu, những cánh hoa đã không còn nguyên vẹn, màu hoa cũng đã tím bầm. Tôi thấy đời mình đâu có khác chi một cành hoa úa.

Tôi để nguyên đồ dạ hội, ngã mình lên chiếc sofa. Khóc một mình trong đêm. Tiếng kèn đồng như còn lướt thướt quanh đây.

Đem Theo, Ngày Xa Xứ

Có một sự kiện hầu như bất di bất dịch từ nhiều năm nay: hai cây mai trước nhà nở đầy bông vào hạ tuần tháng Tư Tây mỗi năm. Dù bà Thuận có bón phân, tỉa cành, lặt lá… có săn sóc thế nào đi nữa hai cây mai vẫn không nở rộ đúng vào dịp Tết Âm lịch mỗi năm như cây mai mẹ ở sân nhà thuở trước. Cũng là mấy cái hột từ cây mai ở quê nhà vậy mà nó cứ một mực nở trái mùa. Chắc mai cũng mang thân phận của người xa xứ, gởi thân nơi xứ người cho nên phải ít nhiều uốn nắn cách sống của mình cho phù hợp với hoàn cảnh xung quanh. Hay mai nở muộn để nhắc một ngày ngang trái nào đó đáng nhớ trong đời của ông bà chủ của mình? Mỗi lần nhìn hoa nở như hai trái cầu vàng bên ngoài khung cửa sổ trước nhà, các đóa hoa sáu cánh hai từng vàng nghệ nhắc ông bà Thuận là ngày 30 tháng Tư lại sắp trở về. Không phải ông bà Thuận quên cái ngày này; ông bà nhớ lắm chớ, nhiều khi nhớ bất chợt, nhớ bất cứ vào ngày nào, tháng nào khi có một sự kiện nào đó liên quan tới ngày đau buồn này. Chẳng hạn như khi nhớ chuyện thằng con lớn ra biển rồi biệt tích hay như chuyện giỗ quãy mấy người bạn tù… là cái ngày 30 tháng Tư bất chợt hiện ra . Nhiều khi nghĩ tới cha mẹ, anh em… ông bà Thuận cũng lại nhớ tới ngày 30 tháng Tư. Thật là trớ trêu khi cái hận của một ngày đen tối luồn lách vào nỗi nhớ và nỗi buồn của người ta. Như hạt cát chui vào chiếc giầy, thật là khó chịu. Không có ngày oan nghiệt 30 tháng Tư thì đâu có các thảm cảnh này. Màu vàng của các hoa mai như hồi chuông gióng lên mỗi năm một lần trong trí nhớ ông bà Thuận.

Không phải chỉ hai cây mai nhắc ông bà Thuận ngày này. Từ cả tuần nay, các đài phát thanh và truyền hình Việt ngữ không ngớt nói về ngày 30 tháng Tư. Gặp các nhân vật thường hay sinh hoạt cộng đồng cũng nghe nói về các buổi hội họp, hội thảo, mết-tinh…nhân ngày kỷ niệm sắp đến. Những năm cuối thập niên bảy mươi và kéo dài cho tới đầu thập niên tám mươi, cái điệp khúc nghe hoài: “Hôm nay mình tụ họp ở đây, hẹn năm sau chúng ta cùng gặp nhau ở Sài Gòn, gặp nhau ở Sài Gòn, Sài Gòn, Sài Gòn!” phát ra từ cái micro trên tay các ông cộng đồng trên khán đài các buổi mết-tinh, lúc đầu thì cả một rừng người hưởng ứng, miệng hô to, tay đưa cao nắm đấm; dần dần những năm sau khí thế hình như hơi nguội. Điệp khúc nầy từ hơn chục năm nay có chiều hướng thay đổi, có lẽ vì “đường đi sao quá xa”. Người ta vẫn có những buổi hội họp mỗi năm. Hội họp lớn thì cả ngàn người với cờ xí, biểu ngữ trống kèn, ca hát; các bài diễn văn mỗi năm hình như có ít hơn, ngắn hơn và vắng bớt những kêu gào của thập niên đầu, thay vào là những đòi hỏi tự do nhân quyền, tự do tôn giáo… Và hình như những buổi tổ chức nếu muốn có thật đông người tham dự thì có lẽ phải có đông ca sĩ nổi tiếng từ thủ đô tị nạn Cali. Ca nhạc, xổ số…nhiều năm có cả múa lân rình rang. Trước kia đâu có truyền thanh hay truyền hình Việt ngữ để đọc thông báo, thơ mời, nhưng qua truyền miệng hay qua vài tờ báo Việt ngữ địa phương, dù cho không có lấy một ca sĩ nổi danh, người ta nô nức chờ và tham dự rất đông. Bây giờ các thông báo, thơ mời, hội thoại liên quan tới ngày 30 tháng Tư nghe hoài hằng bữa trên các đài. Có lẽ người ta nghĩ càng có nhiều người tham dự thì buổi tổ chức ngày quốc hận càng thành công và càng thêm ý nghĩa chăng? Hay cái hận này trong một số người đã mõi mệt, cần thêm những lều thuốc để lên giây cót? Nếu vậy thì quả là không thể được. Niềm đau thấu trời xanh thì trăm năm vẫn còn; còn trong trí nhớ thì cũng vẫn còn đau.

Dầu gì thì cũng nên gặp nhau để nhắc nhớ một ngày đau buồn. Những buổi gặp gỡ nhỏ thì năm bảy chục, hay trăm ngoài. Người ta ngồi lại để cùng nhau kể chuyện, như chuyện giờ thứ 25 của Sài Gòn, hay chuyện vượt biên, rồi chuyện thành đạt của thế hệ thứ nhất, thứ một rưỡi, thứ hai…của cộng đồng mình nơi xứ này. Nếu có chen đôi chút chánh trị thì nói chuyện càng ngày càng có thêm các chánh quyền địa phương chấp nhận cờ vàng là lá cờ của cộng đồng tị nạn Việt Nam, hay chuyện các nhà tranh đấu cho quyền làm người ở Việt Nam đang sinh sống trong nước hay tại hải ngoại. Những chuyện nho nhỏ như vậy cũng đủ cho người ta sống những giờ phút buồn, vui trong ngày đáng nhớ của mỗi người tị nạn.

Sống nhiều năm tại hải ngoại, sau những năm tháng vất vả tạo dựng một nếp sống ổn định trên đất mới cho cả gia đình, ngày 30 tháng Tư vẫn còn đó nhưng có lẽ người ta càng ngày càng muốn biết những bí ẩn đằng sau cái chết tức tưởi của một chánh quyền đang lần lần được hé mở từ những hồ sơ đang được giải mật, từ những bài nghiên cứu, những trang hồi ký hay từ những nhân vật có thẩm quyền thời đó. Người ta cũng nhìn ngày 30 tháng Tư qua những bước đi càng ngày càng vững vàng của lớp con cháu trong dòng sống của đất nước tạm dung này. Nhớ hồi năm ngoái, tại một trung tâm sinh hoạt người cao niên một cựu tướng lãnh vùng 4 đã làm cho nhiều người rơi lệ khi nhắc tới ngày giờ cuối cùng của một quân đoàn thiện chiến Miền Tây. Súng đạn, lính tráng còn đủ, kế hoạch hành quân sẵn sàng nhưng cuối cùng thì cấp chỉ huy người tự sát, người vào tù, dân, quân tứ tán, nhà tan, cửa nát.

Hôm qua một bạn văn ở Melbourne, gởi qua email một bài thơ nhân ngày mà anh gọi là ngày nước mắt, nhà tan. Anh còn mở ngoặt, đóng ngoặt nói thêm: “mắt chớ hổng phải mất, đất nước này còn giành lại sao mà mất được”. Điều nầy chắc có nhiều người cho là chí lý! Từ hồi nào tới giờ ôngThuận và một số bạn đâu có dễ dàng chấp nhận cái từ “mất nước” này. Dù có đúng đi nữa thì cũng không lòng dạ nào mà chấp nhận. Bị Tàu cai trị cả ngàn năm, xài cả chữ viết của họ, rồi bị đô hộ hết Nhật đến Tây cả trăm năm, nước mình cũng đâu có mất. Nước mình còn ràng ràng ra đó mà. Hồn thiêng sông núi vẫn chập chờn trên Hồng Lĩnh, Thất Sơn. Anh linh tiền nhân, khí phách anh hùng, liệt nữ vẫn trải dài trên sông Hồng, sông Cửu. Vẫn một dãy giang san gấm vóc hình chữ S bên bờ biển Đông. Mất là mất cái chánh quyền tự do dân chủ miền nam, khiến cho người dân miền nam cũng mất luôn tất cả những quyền căn bản của con người. Người ta chỉ tạm thời chiếm đoạt được cái ghế ngồi trong căn nhà quyền lực mà thôi. Họ ngồi đó mà thấy cửa nhà dần dần mục nát, người bỏ nhà đi tứ tán, người còn lại thì lòng bất an, tâm bất phục, sống với hy vọng đổi đời. Kẻ chiếm quyền chủ nhà ngồi trên cái ghế một chân thì làm sao mà bền cho được.

Gia đình ông bà Thuận cũng là người từ căn nhà bị chiếm đoạt ấy mà ra đi. Không đi quá sớm như nhiều người lên máy bay hay lên mẫu hạm, cũng không quá trễ như hàng trăm hàng ngàn cựu tù nhân chánh trị, nhưng thời gian gần ba mươi năm đủ để ông bà Thuận nhận biết những mất, những được và những còn trong gia đình ông bà.

Nhớ ngày chuẩn bị ra đi, ông Thuận tìm những khai sanh, hôn thú, bằng cấp đủ cỡ đủ hạng, và đào bới từ cháy nhà, góc bếp chứng chỉ tại ngũ, chứng minh thư, giấy khen, huân chương, quân hàm. Tất cả bỏ vào một túi ny-lông rồi ép kín miệng lại. Ông hy vọng những thứ này sẽ rất hữu ích nếu ông có may mắn vào một đất nước tự do, nhất là vào được nước Mỹ, một đồng minh cũ của nước ông. Vô hình chung ông gói niềm hy vọng lớn vào một cái túi nhỏ chỉ bằng bàn tay. Vậy mà từ khi trải qua nhiều cuộc phỏng vấn ở trại tị nạn cho đến khi đặt chân lên nước Mỹ và khi làm thủ tục thi quốc tịch, ông bà Thuận chưa khi nào buộc phải xuất trình những thứ giấy tờ cá nhân này. Nhiều khi ông Thuận tự hỏi không biết người ta nghe nhưng có tin lời mình hay không: ông muốn xòe tờ giấy trước mặt họ để chứng tỏ mình khai thật. Ông điền đơn thế nào thì người ta biết lý lịch mình như vậy. Kể cả cái Chứng chỉ tại ngũ hay hai cái bằng cấp đại học ông cũng không cần trưng ra, làm như CIA đã nắm hết lý lịch và hồ sơ cá nhân của ông không bằng! Lâu dần ông mới biết người ta mướn ông và giữ chân ông lâu hay mau là do khả năng thật sự của ông. Bây giờ sắp hưu trí, nghĩ lại gần 30 năm làm việc cho một công ty duy nhất quả là một thời gian dài, nghĩ tới mà giựt mình. Các đồng nghiệp trong sở ai nghe qua cái thâm niên này cũng thè lưỡi thán phục. Có người trầm trồ: Làm một công việc mỗi ngày trong suốt ba mươi năm, quả là superman! Có gì lạ đâu: lạc nghiệp để được an cư mà; dại gì làm cái con job hopper như nhiều người khác, nhảy hoài cũng có ngày lọi tay, què cẵng, có khi còn là homeless chớ chẳng phải chơi! Ăn chắc mặc bền mà hay. Đoạn đường dài đi làm mỗi ngày ông Thuận đã chứng kiến nhiều thay đổi trong một thành phố đổi thay từng giờ, từng phút. Ông cũng thấy tâm trạng mình cũng có nhiều đổi thay. Người Mỹ chia loại nhân viên thành white collars và blue collars. Không phải là điều dễ dàng khi ông Thuận vốn là một cổ trắng từ bên nhà đang trở thành một cổ xanh tại hãng xưởng này. Sa vào hoàn cảnh này, tư tưởng ông Thuận chạy nhảy lung tung lắm. Mặc cảm nầy nọ cũng không thiếu. Chữ nghĩa, quyền lực ngày nào của ông chạy đi đâu hết rồi. Xếp của ông bây giờ là những con người cục cằn, thô lỗ, dốt nát đó sao? Ta ơi, hãy nuốt vào, nuốt vào đi, nuốt vào đi ta những hào quang cũ, nuốt vào đi ta những chén đắng nghẹn ngào này. Ông Thuận đã thật lực cố hết sức mình để đôi tay, đôi chân thành thạo với cái bù lon, đinh ốc, với máy móc, búa kềm. Tâm trạng của ông cũng phải uốn cho nó đi song song nhuần nhuyễn với đôi tay đôi chân. Những năm đầu, ông Thuận đã đem theo ông con người Việt Nam Cổ Trắng để đặt vào giữa trung tâm của thế giới Mỹ Mễ Cổ Xanh, và phải làm như họ; nhiều khi ông muốn tập nói như họ, có khi tập nghĩ như họ để gọi là hòa đồng cho dễ làm lụng với nhau. Uốn nắn tay chân thì cố gắng vài tuần hay một tháng cũng làm được; vã lại công việc cũng không nặng nhọc gì so với việc đào kinh đắp đê trên cánh đồng xã nghĩa sau tháng Tư đen; nhưng tập cách nói, cách nghĩ như họ thì quả là khó. May mắn cho ông, cái khó này chưa làm được thì ông nhận rằng có lẽ không cần thiết khi ông đã chân cứng, đá mềm với công việc quen tay hàng ngày. Ông lao động còn hơn bao nhiêu đồng nghiệp khác nhờ ông siêng năng, chịu khó, tháo vát và làm việc có sáng kiến. Mấy đợt sa thải cộng chung cả mấy trăm mà ông Thuận đã không hề hấn gì mà lại còn leo lên từng bậc thang nghề nghiệp. Nhiều ông xếp cũng lần lượt ra đi, bây giờ nếu muốn kể lại tên của họ, ông Thuận cũng không nhớ hết. Gần ba mươi năm bộ mặt của công ty và cả cái tên công ty đã đổi thay mấy lần, ông Thuận vẫn vừa là cái bánh xe trong cổ máy, vừa là người đứng nhìn các bánh xe đang lăn. Ông Thuận cũng lần lần hiểu rằng nhờ tay nghề của một cổ xanh mà ông còn được giữ lại và có lẽ nhờ không ăn nói tục tằng trây trúa mà ông giữ được một chút con người cổ trắng của mình. Rõ ràng là mình nên học cái tốt mà không học cái thói quen xấu. Vừa giữ được nồi cơm, vừa giữ được cái vốn quí nhân cách trong con người của mình.

Nước mắt, nhà tan. Phải. Đêm từ biệt cha mẹ và anh em ra đi, nước mắt của những người ở lại đã đi theo gia đình ông mấy chục năm nay, nước mắt của ông một phần đã để lại bến sông quê nhà, một phần ông đã mang theo cho tới bây giờ. Có một cái ông Thuận đã mang theo cho đến nay đã gần hết cuộc đời, không phải cái túi ny-lông đựng bằng cấp, đựng quân hàm, mà đó là nhân cách của một người tị nạn chánh trị Việt Nam. Điều này lúc ra đi ông Thuận không hề nghĩ tới, vậy mà hôm nay nó là vật tùy thân quí giá. Nó làm cho ông dù không ngẫng cao đầu nhưng chưa phải cúi gằm trước mọi người. May là ông không đánh mất trong dòng đời xuôi ngược tại xứ người.

Còn bà Thuận thì đơn giản hơn ông. Ngày ra đi bà không có gì nhiều để mang theo. Ngoài con người nội trợ đảm đang có sẵn từ thời con gái đến người vợ rồi người mẹ hết dạ lo cho chồng con, ngoài những vật dụng, áo quần cần thiết cho cả nhà, bà Thuận đem theo mấy hột giống rau cỏ, hoa trái từ vườn nhà. Hột ổi, hột cam, hột ngò gai, hột quế, hột bầu, hột bí…đặc biệt là mấy hột mai sáu cánh, hai từng. Mấy hột mai nầy bà cất giữ từ cây mai ông Thuận đã trồng trước sân nhà để kỷ niệm cái tết đầu tiên của vợ khi về làm dâu nhà chồng. Đặt chân tới Mỹ, sau vài tháng ổn định, bà Thuận đã đi làm ngay cho một cửa hàng bán thực phẩm. Vốn là người siêng năng, tháo vát bà Thuận không thấy khó khăn gì đối với công việc buôn bán hàng ngày. Bà cũng không có cái mặc cảm cổ xanh, cổ trắng gì như ông chồng nên bà như người bơi xuồng, cứ cho xuồng ra giữa dòng rồi bơi, nước trong, nước đục, nước lớn nước ròng gì bà cũng đâu có quan tâm; miễn sao mỗi chiều về nhà bà nấu một bữa cơm ngon để cả nhà ngồi ăn, vừa nghe chuyện chồng con, vừa nhìn hạnh phúc của mình trong căn nhà nhỏ. Về sau, những bữa ăn không đủ mặt các con, có đứa này thì vắng đứa kia, nhưng những thành tích học tập và tánh tình của các con cũng đã phần nào làm cho hạnh phúc gia đình bà vẫn luôn có mặt.

Không biết có phải vì lúc ra đi bà Thuận đã vô tình đem theo một nội tướng tài ba trung thành, hắn tiềm ẩn trong cái dáng vấp nhỏ nhắn của bà mà gia đình vợ chồng bà từ lâu đã thành một tổ ấm giữa xứ người, có ngăn có nắp, có trên có dưới, có tình có nghĩa, có thành có đạt. Cũng có thể là do cái khuôn mẫu của một gia đình nề nếp đã theo ông bà Thuận vượt biên tới đây.

Nói gì thì nói, ngoài con người nội tướng của vợ mà ông đã biết từ lâu, ông Thuận phục sát đất bà vợ của mình đã rất “hiện thực chủ nghĩa” khi bước xuống ghe đem theo gói hột giống. Chỉ một gói giấy nhỏ nằm gọn trong túi áo bà ba mà từ nhiều năm nay khu vườn rau trái sau nhà luôn luôn có mặt, để cả nhà nhìn nó như nhìn một góc sân quê nhà, để có hoài hương vị vườn nhà trong các bữa ăn. Đặc biệt là hai cây mai hai từng, sáu cánh trổ bông vàng nghệ vào khoảng cuối tháng Tư hàng năm. Rõ ràng, ngoài bao nhiêu thứ khác, người vợ yêu quí của ông vào phút cuối đã đem theo kỷ niệm của vợ chồng ông. Bốn mươi năm trước, người rễ mới đã âu yếm trồng cây mai tặng cô dâu mới để kỷ niệm ngày bắt đầu của một hạnh phúc. Vợ ông thích loại mai nầy khi ông bà chưa cưới nhau. Bông mai có hai từng như cái bông sen, mỗi từng 6 cánh; từng dưới nâng đỡ từng trên như chồng nâng đỡ vợ, cho nên mai được đặt tên là mai phu thê. Một lần, nhìn mai, ông Thuận nói với vợ: Chúng ta phải có một lố con như 12 cánh mai vàng hực nầy!Bây giờ, bốn mươi năm sau, một cây mai mẹ ở quê nhà nay đã thành hai cây mai lưu vong đầy bông vàng nghệ, vẫn 6 cánh dưới mạnh mẽ nâng 6 cánh trên. 12 cánh mai như đàn con 12 đứ chạy lúo súp dưới chân cha mẹ. Phải chăng đó là hạnh phúc đã nhân đôi, nghĩa phu thê đã chói lòa hào quang rực rỡ? Ở chân trời góc biển nào thì kỷ niệm vẫn đi theo, hạnh phúc vẫn có mặt khi người ta biết trân quý, giữ gìn nó.

Hàng năm mỗi lần Tết đến, ông bà Thuận ước chi hai cây mai nở đầy trước mắt như ngày xưa ở quê nhà hai người nhìn mai đón Tết, nhìn mai rồi kín đáo nhìn nhau để nhớ cái thuở ban đầu. Nhớ trọn vẹn. Vui trọn vẹn. Nhiều năm nay ông bà Thuận cũng có dịp nhìn mai nở rộ trái mùa mỗi năm để nhớ ngày cưới của mình và sống với kỷ niệm. Nhưng thật là lạ lùng, đâu có ai bỏ túi hay lộn lưng ngày Tháng Tư Đen oan nghiệt, đáng ghét ấy, cớ sao nó cứ đi theo bước chân hai người để chen vào các đóa hoa mai kỷ niệm của vợ chồng, để hai người vừa sống với kỷ niệm riêng, vừa nhớ, vừa đau nỗi đau chung của dân tộc.

Lịch sử thật là oái oăm sanh làm chi cái ngày Tháng Tư Đen để nước mắt, nhà tan; lại còn khiến cho cây mai dù đã lưu vong vẫn phải ép bụng nở hoa trái mùa! Thương cho hoa mà cũng thương cho mình!

Người Đuổi Bắt Dĩ Vãng

Lão Ngạc thấy mình gần như đứt hơi, đôi chân muốn đỗ quị, thân người thì lảo đảo như trong cơn say rượu. Mặt trời đỏ ối trước mặt càng lúc càng to nhưng khoảng cách giữa lão và ông mặt trời thì mỗi lúc một xa. Bây giờ thì mặt trời đã chạy trốn ở đâu phía sau dãy núi đằng trước. Đàn quạ đen cũng đã bỏ núi mà bay về hướng biển. Lão Ngạc biết rằng mình sẽ bị mất phương hướng kể từ đây. Chạy. Lão Ngạc vẫn cứ chạy. Lão như bị hút bởi con trốt xoáy có cái đuôi dài ngoằn xoắn trôn ốc trôi dập dềnh từ rất xa, còn cái miệng con trốt thì như một lổ trũng rộng hoang hoác đang ở phía trước mặt lão; nó hút lão Ngạc về phía trước. Lão quị xuống, nó nâng lão lên bắt lão phải chạy tiếp tục. Lão té sấp, nó lật ngữa lão dậy, đẩy lão tiến tới. Con trốt đưa đôi chân lão chạy hụt hơi lên đồi cao, kéo đôi chân lão khập khiễng nặng nề chạy xuống lũng thấp. Lão chạy trong vùng sương khói ở lưng chừng núi, lão chạy trên đá sạn gai gốc dưới chân đồi. Lão chạy từ khi mặt trời còn ở trên đỉnh đầu. Lão chạy từ khi cơn gió bắt đầu thổi mạnh từ hướng tây nam. Khắp người lão Ngạc đã ướt đỏ vì mồ hôi và máu; vậy mà lão không thấy đau đớn một chút nào. Lão Ngạc chỉ thấy một mái tóc. Phải rồi, một mái tóc lẩn lộn trong con trốt xoáy, cũng xoay tròn trong cái lòng phễu, khi ẩn khi hiện, đuôi tóc cũng trôi dập dềnh ở phía xa, oằn oại. Mái tóc như có hồn ma bóng quế, như có một hấp lực vô hình khiến lão Ngạc cứ theo sức hút của con trốt mà chạy về phía trước.Trong mùi biển mặn bốc lên từ dưới thấp và mùi khốc khô của núi đá chung quanh, lão Ngạc nghe có mùi hương cũ thoát ra từ giòng tóc xoáy. Và phải chăng từ một dĩ vãng thật xa mờ mà lão nghe từng sợi tóc thầm thì những tiếng nói thân quen. Mùi hương xưa và những dáng hình xa xăm đang có đó, tất cả như quấn cuộn theo giòng tóc đang trôi nổi giữa buổi hoàng hôn chờ giờ dãy chết. Con trốt càng xoáy nhanh thì giòng tóc càng có ma lực biến hình. Lão Ngạc đã cảm nhận được hết những điều này trên những bước chân đầu tiên trở lại vùng trú ngụ mà lão đã bỏ đi từ thật lâu. Từ thật lâu, cái thị trấn nhìn lên là núi, nhìn xuống là biển tưởng đâu đã nằm yên đâu đó trong ngăn kéo của một đời luân lạc. Đầu tiên có lẽ là mái tóc dài bay nhẹ nhàng theo từng lượn sóng ngoài khơi và theo cơn gió liu riu trên bãi cát vắng. Người nữ như một bóng ma hời trôi nhập nhòa trong màu chiều, ẩn hiện sau hàng dương liễu. Em biết cuối cùng thì cuộc tình này cũng sẽ trả em về với biển. Không còn anh ở đây thì em chỉ biết sống với biển và im lặng cùng biển. Biển ôm ấp. Biển vỗ về. Biển vô cùng bao dung. Biển biết nghe từng lời thổn thức của em để mà chia xẻ. Phải chăng đó là những lời tiên tri mà em đã bất chợt nói với tôi trên một bãi cát vùng cửa biển năm nào, hởi em yêu dấu? Hôm đó là những ngày đầu mình mới yêu nhau, làm sao tôi quên được. Những cay đắng của cuộc tình. Làm sao tôi quên được những khổ nạn đổ ụp xuống vai em ngay sau những ngày đầu chứa chan hạnh phúc. Em nói đúng. Có lẽ chỉ có biển mới có vòng tay rộng để ôm ấp và vỗ về em, người tình muộn của tôi. Còn tôi, đến với em tôi chỉ là một cơn sóng cuồng, trong một phút chếnh choáng lạc loài, từ ngoài khơi va vào bờ cát, ham hố liếm những gót chân trần, rồi quày quả trở ra khơi nhập vào giòng sóng cũ. Rốt cuộc chỉ còn biển để nghe em thì thầm. Chỉ có biển mới đủ rộng để chứa hết những tâm sự của em, người tình chỉ biết cho đi hết cõi lòng mà không mong một mảy may bồi đắp. Chỉ có biển mới biến giòng tóc em thành mây trôi gió nổi làm tím một trời chiều. Giòng tóc đó đang trong cơn lốc bây giờ để tự hóa thân thành đôi mắt ướt. Nửa khuya hôm đó giữa lưng chừng con dốc chảy vào thị trấn, bên những toa xe đầy, em biết từ đó tôi sẽ bỏ biển, bỏ cái vách đá cheo leo bốn mùa gió hú này để trở về với đồng bằng. Em biết khi chuyến xe lăn xuống núi sẽ để rớt lại những âm thanh buồn. Chuyến xe đó, em biết, cũng sẽ không trở lại bao giờ. Đêm hôm ấy em đâu có nói một lời nào, vậy mà chừng như tôi đã nghe hết những gì em muốn nói. Trên vai tôi, đôi mắt của em đã nói biết bao điều. Tôi nghe những lời tình cuối thoát ra từ hai hồ lệ rồi lăn dài xuống đôi má đã xanh xao tự những ngày đầu hệ lụy. Tôi thấy vùng tối âm u của cuộc tình buồn trong hố mắt của em. Tôi nghe ruột em cuộn chín khúc. Tôi nghe lòng tôi đau chín chiều. Phải chi em đã khóc ngất trên vai tôi, hay em đã nói với tôi một lời. Phải chi em, như thường tình, trách người sẽ bỏ thuyền bỏ bến bỏ biển bỏ đồi. Tất cả nỗi đau em đã nén chặt vào trong đôi tròng mắt ướt đẫm của em, rồi em nuốt trọng vào lòng mình, cưu mang trọn kiếp. Sao em không nói gì hết để chuyến xe xuống đồi hôm ấy bớt đi một cân nặng. Sao em không nắm chặt tay tôi để cánh chim đêm hôm ấy bớt lẻ loi trên vòm trời đầy sương mù tháng chạp. Và để hôm nay tôi thấy bớt đi một chút màu buồn trong đôi mắt đang xoay cuồng trong cơn lốc trước mặt.

Chạy. Lão Ngạc cứ ráng rướn người chạy theo cơn lốc trước mặt, cơn lốc có mái tóc dài và hai hố mắt sâu. Mái tóc thì có lúc xoắn lấy từng con sóng cao từ ngoài khơi đổ ập vào bờ cát. Từng cọng tóc như cố bắt lấy từng con sóng để cột chặt vào bãi bờ. Như người tình lang bạc, sóng vẫn muôn đời ra khơi. Có ai mà cột được con sóng bao giờ. Chỉ có mái tóc rối tung mệt lã cỗi cằn thương tích nằm sóng soài trên cát ướt. Còn hai hố mắt sâu thì bây giờ như hai ngọn đèn pha của một toa tàu xuống núi. Đôi mắt soi thủng màn đêm để tìm trong đá cát, trong sương khuya chút ảnh hình còn rớt lại sau một lần tiễn đưa nhiều năm trước. Cát đá thời gian có lẽ đã vô tình vùi lấp những tàn dư, nên đôi mắt bỗng thất tình, bỗng mù đui va vào vách núi, rồi rớt xuống vực sâu, chết thảm trên kè đá. Ngọn tóc ướt kế bên buông ra tiếng thở dài.

Từ trên triền núi cao, cơn lốc bây giờ đã ngoạm được thân hình lão Ngạc, nhấc bổng lão lên, và nuốt.

Trần Bang Thạch