Tiểu Tử
Thầy Năm Chén
Sau trận Tết Mậu Thân (1968) ở Huế, gia đình ông thầy thuốc Nam đó chết hết, chỉ còn lại có hai cha con. Nhà cửa tiêu tan, sự nghiệp tiêu tan, thầy không muốn ở lại cái vùng đất mà thầy cho là còn gần với quân xâm lăng miền Bắc. Thầy gạt nước mắt, dẫn thằng con trong tuổi quân dịch đi vô Nam. Thầy nói: “Ở trong nớ tuy tứ cố vô thân nhưng chắc chắn là mình được yên ổn lâu dài”.
Trên chuyến xe vào Sài Gòn, ông bắt chuyện với một sư ông lên xe ở trạm Nha Trang. Thì ra sư ông cũng là thầy thuốc Nam nữa. Nhờ vậy, tâm sự được dàn trải dễ dàng. Sư ông trụ trì ở chùa Thiền Lâm Gia Định, vừa làm phật sự vừa bắt mạch vừa bốc thuốc. Sư ông nói:
– Tôi làm không xuể.
– Bịnh nhân có đông không ?
– Tùy mùa. Nói chung chung thì cũng nhiều. Với tôi, phật sự là chánh, còn chữa bịnh là phụ. Vì không đủ thời giờ nên tôi đành từ chối bịnh nhân … Thấy cũng tội nghiệp !
Khi sư ông biết tình cảnh của cha con ông thầy thuốc Nam, sư đề nghị:
– Nếu ông anh không chê thì tôi xin mời ông anh về tá túc với chúng tôi. Mình sẽ phụ nhau chữa bịnh cho đồng bào thì thật là hoan hỉ.
Trong cảnh “tứ cố vô thân”, đề nghị của sư ông như một cái phao. Ông thầy nhận lời và cám ơn rối rít. Sư ông nói:
– Đời sống trong chùa đạm bạc như thế nào chắc ông anh cũng đoán biết, không cần phải giải bày. Duy chỉ có điều này là cần nói rõ: bịnh nhân đến chùa phần đông là đồng bào nghèo, mà chùa thì không có khả năng tài chánh để chữa thí, vì vậy, mình chỉ lấy tiền thuốc thôi.
– Ngoài nớ, gặp bịnh nhân nghèo, tôi cũng làm như rứa. Đôi khi còn không lấy tiền.
– A di đà Phật …
… Chùa Thiền Lâm nằm giữa một nghĩa trang vây quanh bởi một bức tường rào xây bằng gạch bờ-lóc không có tô và cũng không quét vôi. Nhiều nơi tường bị nứt dài, gạch bể lỗ đỗ. Dọc theo mặt tiền là mấy “tiệm” hớt tóc (Không biết gọi là gì cho đúng. Mấy anh thợ hớt tóc, trước đây hớt tóc dạo, bây giờ … đóng đô ở đó bằng cách đóng lên tường mấy cây đinh rồi móc tấm ni-lông hay tấm vải trắng cỡ thước rưỡi bề ngang, có mấy cây trúc chống căng ra như một mái nhà. Bên dưới, đặt hai ghế đẩu – một cho khách, một cho thợ hớt tóc – và trên tường treo ngang tầm mắt người ngồi ghế đẩu là tấm kiếng cỡ hai trang giấy lớn. Trên tường cũng có viết nguệch ngoạc bằng sơn dầu các kiểu tóc và giá cả. Chiều, họ gỡ hết đem đi. Sáng, họ trương lên, ngồi đánh cờ tướng với nhau hay hút thuốc rung đùi … đợi khách !). Cổng vào nghĩa trang, bằng sắt rỉ sét xiêu vẹo, mang một bảng gỗ đã mục nhiều nơi, lớp sơn tróc rơi để lòi sớ gỗ, nhưng cũng còn vừa đọc vừa … đoán ra được hàng chữ: “Nghĩa trang Hội Tương tế X…”. Từ ngoài ngõ chạy thẳng vô chùa là đường đất đỏ nằm giữa hai hàng cây điệp. Vây quanh chùa là mả thấp mả cao xếp hàng dài dài …
Chùa là một ngôi nhà cất theo kiểu xưa: nền cao, nóc bánh ích, cột kèo gỗ, ba gian hai chái, hàng ba thật rộng. Không có mái cong chạm rồng chạm phụng gì hết. Mới nhìn tưởng là nhà ở chớ không phải chùa ! Biết là chùa nhờ có tấm bảng nằm dưới mái hiên: “Thiền Lâm Tự” ! Bên trong không có “năm ngăn bảy nắp đầy dẫy tượng Phật, tượng Bồ Tát sơn son thếp vàng” như mấy chùa nổi tiếng. Nhưng cũng có đầy đủ ngôi tam bảo với các vật dụng cần thiết để làm phật sự. Ở đây, đúng là một cảnh chùa nghèo. Tuy nhiên, theo lời sư ông, những ngày rằm ngày vía, phật tử đến cúng bái khá đông. Phần lớn là đồng bào ở trong vùng và những người không thích “chùa nhà giàu” – chính họ nói như vậy.
Về chùa Thiền Lâm, sư ông phân công rõ rệt: sư ông và người đệ tử lo phật sự và trông nom trong ngoài, còn cha con ông thầy thì lo phần chữa bịnh kể cả việc đi bổ thuốc. Cái chái phía bên phải xưa nay vẫn là phòng mạch, bây giờ giao hẳn cho ông thầy tự do sắp xếp. Cha con ông được cho một căn buồng ở hậu liêu, có cửa sổ nhìn ra vườn rau cải của chùa. Lâu lâu, có ai rước sư ông đi làm đám ở đâu thì cha con ông thầy lãnh phần đèn nhang cúng bái thường nhựt …
Ông thầy chữa bịnh mát tay nên bịnh nhân càng ngày càng đông. Thầy bắt mạch, rờ trán, xem lưỡi… rồi bốc thuốc gói từng thang bằng giấy báo. Khi trao thuốc lúc nào thầy cũng dặn: “Đổ vô năm chén nước, sắc còn một chén uống”. Thang nào của thầy cũng là năm chén nước và không thang nào là không đi kèm với câu dặn dò trên. Vì vậy, bịnh nhân và người trong vùng gọi ổng là “thầy năm chén”. Lâu ngày thành tên luôn, làm như thầy thứ Năm và tên Chén vậy ! Cho nên, về sau, khi nói chuyện với thầy, bịnh nhân gọi thầy bằng “thầy Năm” rất tự nhiên. Không thấy thầy ngạc nhiên hay cải chánh gì hết !
Thằng con thầy Năm Chén, tên Kiệt, thông minh học giỏi cần cù. Kiệt thi đậu vào trường kỹ thuật Cao Thắng. Mấy năm sau, chưa ra trường đã phải nhập ngũ, đi công binh. Lâu lâu được kỳ phép, về chùa giúp cha bổ thuốc bốc thuốc, giống như thời mới vào Nam với hy vọng “nơi ni mình sẽ được yên ổn lâu dài”…
… Vậy rồi có ngày 30 tháng tư 1975…
Hồi thời Tết Mậu Thân, thầy còn chạy vô Nam. Bây giờ, thầy không biết chạy đi đâu nữa. Thầy thở dài: “Đúng là cái số !”. Bản chất thầy hiền hòa mộc mạc như các vị thuốc Nam của thầy, cho nên sự miền Nam mất vào tay cộng sản, thầy nghĩ rất đơn giản: “Tại ông Trời ! Nhơn bất thắng Thiên, ông bà mình dạy như rứa. Khi ổng đã định, mần răng mà cãi được !”. Hồi xưa, thầy học “chữ thánh hiền” trước khi thầy học thuốc. Chữ thánh hiền đã cho thầy có cái nhìn rất khiêm tốn khi thầy chữa bịnh: “Chẳng qua là phước chủ may thầy …”. Bây giờ, sống trong nghĩa trang, ngày ngày nhìn mấy lô mả to mả nhỏ nằm im hàng hàng, thầy càng tin ở số mạng. Cái số thầy phải bỏ xứ để vô Nam, cái số thầy phải ở chùa bốc thuốc, rồi bây giờ cái số thầy “bị mất nước; sống mần răng với bọn cộng sản đây ?”. Nghĩ đến đó, thầy tự an ủi: “Chừ, mình sống giữa những người chết, chắc bọn nó để cho yên …”.
Kiệt đi học tập mấy hôm rồi về chùa phụ sư ông quét dọn trong ngoài, bởi vì bên phòng mạch bịnh nhân cũng vắng. Làm như người ta lo sợ quá rồi … quên bịnh ! Trái lại bên phía chùa thì lại đông người lui tới và ngày nào cũng có người. Làm như bây giờ người ta chỉ còn biết … dựa vào Phật !
Thời gian sau, Kiệt tìm được việc làm ở Khánh Hội, trong một ga-ra nằm cạnh bờ sông, chuyên sửa máy xe hơi máy tàu. Thầy Năm Chén và sư ông lâu lâu đóng cửa phòng mạch, đóng cửa chùa để đi học tập chánh trị. Bởi vì “tư tưởng Mác Lê là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại”, phải thông suốt để về chùa làm phật sự cho đúng … “tác phong cách mạng” và về phòng mạch kê toa bốc thuốc cho hợp với … “yêu cầu đấu tranh giai cấp” !
Một hôm, mấy cán bộ thành vào viếng nghĩa trang. Sau khi đi một vòng, họ khen … hai hàng phượng đẹp ! Cuối cùng, họ nói:
– Theo quy hoạch của thành phố, nơi này sẽ là công viên cây xanh, để đồng bào quanh vùng có nơi thư giãn. Việc bốc mộ sẽ có thông cáo. Mấy người được ở lại đây để trông chừng việc bốc mộ cho đến thời hạn ấn định trong thông cáo là phải dọn đi ngay. Rõ chứ ?
Sư ông làm thinh. Thầy Năm Chén cũng làm thinh. Nói cái gì bây giờ ? Đối với những người không biết luật pháp, đối với chế độ CS không có luật pháp, thì nói “ừ” hay nói “không” cũng đều là vô nghĩa ! Bởi vì họ không chấp nhận sự đối thoại. Ngoài ra, họ kiêu căng đến mức độ có thể viết một câu tổ bố và lố lăng quá mức mà ai cũng thấy trên đường đi Bến Lức – câu này dân chúng chuyền miệng cho nhau nghe từ mấy tháng nay và chính mắt thầy Năm Chén đã đọc khi đi bổ thuốc ở vùng đó – “Thằng trời đi chỗ khác chơi; Để cho Nông Hội tiến lên làm mùa”. Thì … còn lời gì để nói ?
Nhưng sự “làm thinh” của sư ông và thầy Năm Chén không phải chỉ đơn thuần ở chỗ “hết nước nói”, mà còn là cách để tỏ thái độ của hai ông: làm thinh là khinh miệt bọn chúng, những thằng không đáng để nói chuyện, những thằng mất gốc, tổ tiên không thờ đi thờ hai thằng tây mũi lõ Mác gì gì Lê gì gì đó không biết nữa. Sự làm thinh của hai ông – sự làm thinh của kẻ sĩ – có giá trị gấp mấy lần những lời thóa mạ chửi bới, vậy mà mấy cán bộ CS lại cho là “thành quả của giác ngộ cách mạng” !
Mấy hôm sau, thầy Năm Chén kéo thằng con ra góc nghĩa trang, thấp giọng nói:
– Cha có chuyện ni muốn nói với con. Nhưng con phải giữ kín.
– Dạ.
– Con nên tìm đường đi chui đi.
– Cha nói chi lạ rứa ?
– Không có chi lạ hết. Cha không muốn con ở lại xứ ni. Mình không còn đất đứng nữa, con à.
Nói đến đây, giọng thầy nghẹn lại. Thầy không nhìn con. Thầy nhìn ra mấy lô mả. Thầy chớp mắt thật nhanh để nước mắt đừng đọng thành giọt. Rồi thầy thở dài …
Mồ mả sao mà an bình chi lạ. Rồi sẽ không còn được như vầy nữa, nay mai … Chế độ không để cho ai được yên, kể cả người chết !
Kiệt nhìn cha, bồi hồi. Con người đó xưa nay hiền hòa, an phận. Vậy mà bây giờ lấy một quyết định có tánh cách chống đối dầu là tiêu cực, chứng tỏ ông “chịu đựng hết nổi”.
– Nghèo như mình thì lấy vàng mô mà đi chui, cha ?
– Cha nghe nói có nhiều người làm việc trên tàu. Họ đi được.
– Nhưng đó là họ đi một mình. Đi đánh cá, gặp dịp là đi luôn.
– Thì cha cũng muốn con tìm cách làm như rứa. Con cũng một mình chớ mấy mình.
– Không ! Con còn có cha nữa.
– Đừng lo cho cha. Cha già rồi. Tương lai là con, mô phải là cha.
– Gia đình mình chết hết, còn lại có hai cha con. Con đâu thể nào bỏ cha được, cha.
– Chính bởi vì cha chỉ còn lại có mình con mà cha muốn con phải đi khỏi xứ ni. Cha không muốn thấy con làm tôi mọi cho một lũ ngu dốt. Cha muốn thấy con được sống trong một xứ tự do. Có nghèo cũng nghèo trong tự do. Mà rủi có … rủi có chết cũng chết trong tự do, con à.
Đến đây thì Kiệt không dám nhìn cha, bởi vì gương mặt héo hon đó vừa nhăn nhúm lại như một miếng cau khô. Lòng quặn thắt, Kiệt nhìn đi nơi khác.
Mồ mả sao mà an bình chi lạ. Đằng kia, hai hàng phượng trổ bông đỏ ối. Màu đỏ trong nghĩa trang, xem vừa lạc lõng vừa vô duyên, không hợp tình hợp cảnh chút nào. Vậy mà bao lâu nay Kiệt không hề để ý. Làm như phải lâm vào một nghịch cảnh, người ta mới nhìn thấy rõ những nghịch cảnh chung quanh ! Bây giờ thì đến phiên Kiệt thở dài …
… Từ ngày có thông cáo dán trên cổng nghĩa trang, đồng bào tới lui chùa nườm nượp. Làm như thiên hạ muốn gần Phật thường hơn, đều đặn hơn, lâu hơn … trong những ngày những tháng còn lại này. Bởi vì Phật sẽ không còn được ở đây nữa, mặc dầu – theo lời ông già bà cả trong xóm – Phật đã được an vị ở chùa này gần ba mươi năm, hồi thời chưa có nghĩa trang, hồi thời bà phủ S. chưa bán đất cho Hội Tương tế X. Họ nói với nhau: “Nhà Nước CS này ngang ngược không nể nang ai hết. Có ngày sẽ bị Trời Phật trừng phạt cho coi !”.
Bên phòng mạch, bây giờ, lúc nào cũng đông người. Có bịnh nhân đến xem mạch và có những người không phải đến xem mạch nhưng đã từng uống thuốc của thầy Năm Chén. Những người này, sau khi cúng bái bên chùa, bước qua đây ngồi nói chuyện cà kê. Làm như để hỗ trợ tinh thần thầy vậy. Có người hỏi:
– Rồi thầy dọn đi đâu ?
– Biết đi mô chừ !
– Quân gì mà vô nhân đạo. Muốn đuổi ai thì đuổi. Muốn lấy của ai thì lấy. Mà mở miệng ra là “cho nhân dân, vì nhân dân”.
– Tại cái số của tôi như rứa, mấy ông à. Nói mần chi ?
Bây giờ, thầy Năm Chén, sau khi trao mấy thang thuốc cho bịnh nhân, không phải chỉ nói vỏn vẹn câu quen thuộc “đổ năm chén nước, sắc còn một chén uống”, mà còn dặn dò thêm phải ăn uống như thế nào, phải kiêng cữ những gì bởi vì “cái tạng ni dễ bị bịnh khi trái gió trở trời”… Thầy còn nói: “Khi mô thấy bắt đầu khó chịu thì lấy bao nhiêu lá gì với lá gì kèm theo bao nhiêu bông gì với bông gì … sắc uống cho nó chận”. Thầy làm như ngày mai thầy sắp đi xa. Và chắc đi lâu lắm, bịnh nhân cần bảo trọng lấy thân. Người nào cũng cảm động khi nhận mấy thang thuốc của thầy, mấy thang thuốc không phải chỉ có những vị này vị nọ, mà có cả tình người nằm trong đó. Chất liệu trân quí này, trong thời buổi này, thật hiếm hoi. Cho nên, khi cầm trên tay mấy thang thuốc, cử chỉ của họ bỗng trở nên trang trọng. Và người nào cũng nghĩ: “Tội nghiệp ! Người hiền hậu như vậy, bảy tám năm nay giúp đỡ đồng bào bịnh nhân ai cũng mang ơn … Vậy mà nhà cầm quyền CS cũng không để cho yên !”.
… Ít lâu sau, Kiệt được một người bạn có tàu đánh cá rủ đi chui bởi hắn đang cần người xếp máy. Kiệt về chùa cho cha hay. Thầy Năm Chén mừng rớt nước mắt:
– Rứa là lời cầu nguyện của cha đã được Ơn Trên chứng giám. Khi mô đi ?
– Mười hôm nữa.
– Ờ … Chừ thì mình vô thắp nhang lạy tạ Trời Phật, đi con.
Năm hôm sau, bỗng thầy Năm Chén than “khó thở”, “tỳ vị bất thông”. Thầy không ăn được cơm, thầy ăn cháo. Cháo với chao, tương, rau luộc. Không ăn được những món cứng như dưa leo, dưa cải, củ cải muối … những món thường dùng trong bữa cơm chay lạt ở chùa. Không thấy thầy uống thuốc. Thầy nói: “Cứ ăn cháo vài hôm là khỏi”. Sư ông thương hại, an ủi: “Họ đuổi thì mình đi. Thầy lo làm chi cho sanh bịnh. Chừng hết hạn bốc mộ, tôi sẽ đưa thầy về quê tôi ở Nha Trang. Ở đó, cũng có một ngôi chùa nhỏ như vầy. Mình sẽ tiếp tục giúp đồng bào như đã làm lâu nay. Thầy yên tâm đi. A di đà Phậ t…”.
Ngày thứ mười, cha con thầy Năm Chén qua chùa lạy Phật. Xong, thầy đưa cho Kiệt một gói bằng vải đỏ đã phai màu nhỏ bằng đầu ngón tay cái, cột làm nhiều gút, nói:
– Cha cho con cái ni. Con giữ kỹ trong người để hộ thân.
Kiệt cho vào túi áo trên ngực, cẩn thận gài miệng túi bằng cây kim tây, nhìn cha cảm động, nghĩ: “Cha thật chu đáọ Còn nhớ cho mình bùa ngải để hộ thân nữa”.
Chia tay mà hai cha con không dám ôm nhau. Sợ người ta để ý. Thầy không đưa con ra cổng nghĩa trang. Sợ người ta để ý. Thầy không dám để rơi một giọt nước mắt. Sợ người ta để ý ! Thầy chỉ thở dài. Thời buổi bây giờ, chỉ có thở dài là không thấy ai để ý. Bởi vì, ai cũng thở dài hết !
… Thời gian sau, thầy Năm Chén theo sư ông về chùa ở ngoại ô Nha Trang. Thầy lại bốc thuốc giúp đồng bào nghèo. Kiệt đi chui, lọt. Rồi định cư ở Canada …
Một hôm, sực nhớ gói bùa ngải của cha, Kiệt tò mò mở ra xem: đó là ba cái răng vàng, loại răng cấm. Thì ra thầy Năm Chén đã cạy ba cái răng vàng của mình để cho con làm của hộ thân ! Không còn răng để nhai cơm, thầy chịu ăn cháo suốt phần đời còn lại. Nhớ cha, thương cha, Kiệt cầm ba cái răng vàng trong tay mà khóc hết nước mắt …
Giọt Mưa Trên Tóc
Đường Hai Bà Trưng. Chiều. Một trai một gái tuổi độ 17, 18, đạp xe về hướng Tân Định, đi song song. Bỗng, trời nổi gió ào ào rồi mây đen kéo về vần vũ. Mọi người đều hối hả, đi như chạy, để tránh mưa. Đứa con trai giục:
– Đạp lẹ lên Kim! Qua khỏi đoạn này mới có chỗ đụt.
Đứa con gái gật đầu, chồm lên nhấn mạnh bàn đạp, nhưng chỉ vài phút sau mưa đã rơi lắc rắc xuống hai đứa làm chúng nó cười lên hăng hắc, cái cười hồn nhiên thanh thoát khi thấy mình bị mưa đuổi kịp, cái cười còn nguyên nét trẻ con trong trò chơi “cút bắt”! Chúng nó vội tấp vào mái hiên một tiệm giày. Sau khi dựng xe đạp lại ngay ngắn, Kim nhìn bạn, hơi ân hận:
– Tại Nghĩa đợi Kim mới bị mưa ướt đó. Phải hồi nãy Nghĩa đạp đi trước thì đâu có sao?
Đứa con trai tên Nghĩa vừa nhìn quanh vừa trả lời, người hơi lắc qua lắc lại giống như cành cây đong đưa trong cơn gió thoảng:
– Mình đi chung mà Kim.
Nghe bạn nói, Kim yên lặng nhìn ra mưa mà nghe lòng thật ấm cúng. Sự nhạy cảm của người con gái ở tuổi đó đã giúp Kim nhận thấy một tình yêu nho nhỏ đang nhen nhúm giữa hai đứa, một “cái gì” vừa nhẹ nhàng vừa tinh khiết, mà lại vừa thật là rung động. Một “cái gì” cứ bắt phải cần có nhau; một “cái gì” cứ bắt phải nghĩ đến nhau. Một “cái gì”… Một “cái gì”… Không biết nữa! Kim cảm thấy nóng hai vành tai. Kim nhìn xuống chiếc áo bà ba trắng đang dán vào người từng mảng nhỏ. Tự nhiên, Kim khoanh tay lại che ngực, rồi tự trách thầm: “Phải nghe lời má đội nón thì bây giờ đã có cái gì để ôm cho đỡ ngượng. Con gái gì mà đi đâu cũng đầu trần! Cho đáng…”. Thật ra, Kim thấy đội nón bực bội quá, cứ nghe ngứa ngáy trên đầu như mấy ngày chưa gội và sau đó khi lấy nón ra tóc cứ như bị dán keo nằm nhẹp xuống coi thật chướng mắt. Cho nên, thảng hoặc có đi đâu với má thì Kim cầm theo cái nón lá cho khỏi bị rầy, kỳ dư là đi đầu trần – dù đi học hay đi lao động cũng vậy. Thành ra, tóc Kim bồng lên thật đẹp, đen huyền xõa xuống ngang vai, chao qua chao lại khi Kim nghiêng đầu và lúc nào cũng tự do phất phơ theo chiều gió. Mấy thằng bạn cùng lứa – nhứt là Nghĩa – thường hát ghẹo: “Nắng lên, gió lên cho tóc em bồng…” Và Kim thấy hãnh diện với “mái tóc em bồng” đó.
Cơn mưa thật lớn. Vỉa hè, mặt đường… đều lai láng nước. Làm như là nước từ dưới đất dâng lên!
Bên kia đường là nhà thờ Tân Định với bức tường cao kéo dài. Bên này, chỗ nào có mái hiên là có người đứng đụt. Cách chỗ hai đứa đứng vài căn phố là tiệm nước mà phía trước là chiếc xe mì với hàng ghế đẩu đứng trong mưa chờ khách.
Mái hiên chỗ hai đứa đụt bỗng nghiêng triền qua một bên, đổ ào nước xuống như một dòng thác. Không bảo nhau mà cả hai đứa cùng nhảy lùi vào trong và cùng đứng về phía mái hiên không đổ nước. Khoảng trống không bị ướt dưới mái hiên bây giờ thu hẹp lại chỉ còn một góc nhỏ vừa đủ cho hai đứa đứng. Không đứng sát vào nhau, nhưng đứng thật gần nhau…
Nghĩa quay nhìn phía sau: cửa lưới sắt tiệm giày đóng im lạnh ngắt. Bên trong tủ kiếng, kệ hàng trống bốc, bụi đầy. Nhìn sang Kim, Nghĩa nói:
– Kim biết không? Ông chủ tiệm giày này đã đưa gia đình vượt biên cách đây ba bốn tháng…
– Sao Nghĩa biết?
Kim ngạc nhiên, bởi vì nhà Nghĩa ở xóm Chi Lăng, còn đây là chợ Tân Định.
Nghĩa chỉ tay sang nhà thờ:
– Con nhỏ em của Nghĩa học ở trường nhà thờ bên kia. Chiều nào Nghĩa cũng tới đón nó. Trong khi chờ đợi, nghe mấy anh xích lô nói chuyện với nhau mới biết.
– Họ đi thoát không?
– Không biết nữa. Mà không phải có tiệm giày đi thôi đâu. Cả dãy phố này đều lần lượt chui hết. Cho nên nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, Kim thấy không? Nhà Nước tịch thâu lâu rồi sao không thấy cấp cho ai hết.
Kim nhìn ra mưa, bâng khuâng:
– Không biết họ đi có thoát không?
Im một lúc, bỗng Nghĩa ngập ngừng hỏi nhỏ:
– Gia đình Kim có định… có định… đi không Kim?
Kim nhìn bạn, nửa ngạc nhiên, nửa dò xét. Rồi khi thấy không có gì khác lạ trên gương mặt của người bạn trai, Kim thở dài nhìn ra mưa:
– Gia đình Kim mà đi đâu, Nghĩa! Chạy gạo hằng ngày thì lấy vàng đâu mà đi chui?
Nghĩa bối rối, người hơi lắc lư:
– Thì… hỏi là hỏi vậy thôi, chớ Nghĩa cũng biết…
Ba của Kim làm thầy giáo. Hồi thời “ngụy”, bị động viên, rồi chạy chọt được biệt phái trở về đi dạy học – để khỏi đi đánh giặc. Qua trào Việt Cộng, hai chữ “biệt phái” đã làm cho họ nghi là CIA nên bắt đi học tập từ đó đến giờ. Ở nhà, má và chị Hai của Kim chạy ngược chạy xuôi lảnh đồ về may để nuôi năm miệng ăn và góp nhóm chút đỉnh để lâu lâu đi thăm ba của Kim một chuyến. Cho nên, nói chuyện “lo đi vượt biên” cũng như chuyện xuống biển mò trăng…
Bên gia đình Nghĩa cũng không hơn. Ngày xưa, ba Nghĩa làm kế toán ngân hàng, bây giờ đan giỏ chầm nón ở tổ “Mây Tre” Phú Nhuận với má Nghĩa. Hai ông bà sáng đi tối về, đèo nhau trên xe đạp. Nghĩa và con nhỏ em đi học, tối về dán bao giấy bỏ mối cho mấy bà ngoài chợ gói hàng. Bữa cơm gia đình thường là tương chao hoặc ba cái trứng luộc dầm nước mắm. Chuyện “vượt biên” đúng là chuyện mò trăng đáy biển!
Bỗng Kim nhìn Nghĩa, một thoáng tinh ranh nằm trong ánh mắt:
– Còn Nghĩa? Có tính đi không?
Nghĩa phì cười, miệng rộng huệch:
– Kim trả thù hả?
Kim cười bằng mắt, nhái lại câu của Nghĩa khi nãy, người cũng nhẹ lắc lư:
– Thì… hỏi là hỏi vậy thôi.
Không bảo nhau mà cả hai cùng phá lên cười, cái cười che giấu sự sung sướng bên trong của mỗi đứa, cái cười của những người cùng cảnh ngộ gặp nhau, cái cười không phải của niềm vui mà là của sự an ủi. Rồi chúng nó nhìn nhau một thoáng, trước khi quay nhìn đi nơi khác để cảm thấy thật gần gũi nhau vô cùng.
Mưa thôi ồ ạt nhưng vẫn chưa dứt hột thì nửa vùng trời đã hé nắng ở đằng kia. Ánh nắng xiên xiên thật sáng, thật trong làm như vừa được mưa lau sạch bụi! Nắng chiều mà giống như nắng sáng.
Nắng xuyên mưa đổ xuống chỗ Kim và Nghĩa, giống như vệt đèn pha sân khấu. Nghĩa nhìn Kim đứng trong vùng ánh sáng đó bỗng nhớ tới vở kịch thần thoại Liên Xô mà hai đứa đóng trong trường cách đây mấy tháng, trong đó Nghĩa làm người cùng khổ còn Kim là bà tiên áo trắng, mái tóc đầy kim tuyến lấp lánh như kim cương. Bây giờ, những giọt mưa đọng lại trên tóc Kim cũng lấp lánh như kim cương trong tia nắng chiều nghiêng chụp xuống. Đẹp quá!
Kim chợt bắt gặp cái nhìn ngây dại của bạn, nóng bừng hai tai.
– Nhìn gì kỳ vậy Nghĩa?
Nghĩa giật mình, người hơi lắc lư:
– Nghĩa đang nhìn mấy giọt nước trên tóc Kim. Nó… Nó…
Kim mỉm cười, lắc mạnh đầu mấy cái rồi đưa hai tay vuốt tóc tém vào ót. Tóc được gom lại, dính vào nhau thành một cái đuôi cong cong.
Nghĩa tiếp:
– Nó giống như kim cương. Thật giống kim cương. Uổng quá!
– Cái gì uổng?
Kim ngạc nhiên hỏi. Nghĩa đang tiếc rẻ hình ảnh đẹp của Kim khi nãy với những giọt mưa trên tóc, bất ngờ bị hỏi vặn, không biết phải trả lời làm sao. Nghĩa đưa tay gãi ót, chặc lưỡi:
– Thì…
Mắt Nghĩa bỗng sáng lên, mặt hí hửng. Một ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu, Nghĩa chụp lấy như người sắp chết đuối chụp lấy cái phao:
– Uổng quá chớ! Nếu là kim cương thiệt thì Kim dư sức đưa gia đình đi vượt biên rồi.
Rồi Nghĩa cười lên ha hả, cái cười của người vừa thoát nạn. Kim cũng cười theo bạn, nhưng cười vì cái ý nghĩ ngộ nghĩnh bắt nguồn từ những giọt mưa trên tóc.
Trời cũng vừa hết mưa. Đường phố khi nãy vắng tanh, bây giờ đầy người trở lại. Làm như mưa ngừng cho nước rút xuống để rừng người mọc lên! Nghĩa và Kim nhập vào đoàn người đạp xe về ngã Phú Nhuận. Không khí sau mưa mát rượi. Hai đứa đều có cảm giác như mặt mũi mình vừa được rửa sạch trong cơn mưa.
Đến ngã tư Phú Nhuận, Nghĩa vẫy tay chào bạn:
– Thôi, “bye” nghe Kim.
Rồi cắm đầu đạp nhanh về hướng Gia Định trong lúc Kim quẹo sang trái để về cổng Phi Long.
Sau bữa cơm tối, ba gọi Nghĩa và con nhỏ em vào buồng, kéo ngồi xuống chiếc chiếu trải dưới đất, vẻ nghiêm trọng, thấp giọng nói:
– Hổm rày ba má giấu tụi con. Bây giờ, tới lúc phải cho tụi con biết. Khuya nay mình vượt biên.
Nghĩa cảm thấy choáng váng mày mặt, mồ hôi đổ ra như tắm. Trước mắt Nghĩa bỗng là một khoảng trống không mơ hồ. Nghĩa không còn thấy ba. Nghĩa không còn thấy em. Nhưng Nghĩa còn loáng thoáng nghe tiếng ba nửa xa nửa gần:
– Ba sẽ chở má. Nghĩa chở em. Mình đạp xuống cầu Kinh, bỏ xe ở nhà bác Tám rồi băng ruộng ra bờ sông cách đó chừng năm trăm thước. Ghe chờ ở đó. Tụi con đừng đem gì theo hết. Cứ đi tay không như mình đi thăm bác Tám vậy. Hiểu chưa?
Nghĩa gật đầu như người máy, nhưng Nghĩa không hiểu. Thật tình không hiểu! Ba má vẫn hay than vắn thở dài: “Phải chi nhà mình có chút đỉnh gì để liều một chuyến vượt biên như thiên hạ coi ra sao”. Khi gặp bạn bè, ba thường chép miệng: “Tôi mà biết bị kẹt lại như vầy, tôi đã đưa gia đình di tản cha nó hồi bảy mươi lăm rồi! Bây giờ thì thôi. Đành muôn năm ở lại với Bác!”. Vậy mà bây giờ… bây giờ… Nghĩa không hiểu! Thật tình không hiểu! Mới hồi nãy đây, còn đứng đụt mưa chung với Kim, còn đùa nhau về chuyện vượt biên – lý do để hai đứa thấy gần nhau hơn nữa – còn đạp xe song song trên đường dài – dù đường dài có dài thăm thẳm chắc hai đứa lúc nào cũng đạp xe song song… Vậy mà bây giờ… bây giờ… Sao nó giống như ngã tư Phú Nhuận, mỗi đứa đi về một hướng, hai hướng ngược nhau trên một đường thẳng, nghĩa là chẳng bao giờ gặp lại nhau dù có kéo mãi về vô tận. Và những giọt mưa trên tóc. Ờ… những giọt mưa trên tóc! Những gì hồi nãy mới thấy đây, mới hiện diện đây, những rung động, những cảm nhận thật rõ ràng mới đây, hồi nãy, khi đứng đụt mưa với Kim dưới mái hiên tiệm giày… bây giờ sao giống như giọt mưa trên tóc, chỉ một cái lắc đầu đã rơi mất trong không gian! Còn Kim?… Kim?… Kim sẽ làm sao? Một câu hỏi thật ngớ ngẩn nhưng nói lên chiều sâu của tình yêu vừa chớm, thứ tình yêu chưa rõ nét như bước chân chập chững của trẻ thơ, thứ tình yêu còn thơm mùi giấy mực học trò, còn thật thà như đọc cửu chương hai! Nghĩa bỗng thấy cần phải gặp Kim. Gặp ngay bây giờ. Không biết để làm gì, nhưng phải gặp. Không biết sẽ nói cái gì, nhưng cứ gặp trước cái đã. Có một cái gì thúc đẩy từ bên trong. Có một cái gì kêu gọi từ bên ngoài. Nghĩa không hiểu nữa. Cảm thấy thật cần thiết, thật cấp bách!
Nghĩa bước ra phòng khách, với tay lên kệ lấy đại hai quyển sách gì đó rồi nói với ba đang soạn giấy tờ trên bàn:
– Con đem trả sách cho thằng Tuân.
Khi thấy ba nhìn mình soi mói, Nghĩa tiếp:
– Trả cho nó học.
Ba gật đầu:
– Ờ… Nhưng ba cấm con nói “chuyện đó” với bất cứ ai, dù là bạn thân cũng vậy. Nghe chưa?
Nghĩa gật đầu, đẩy xe đạp ra sân. Ba nói với theo:
– Trả rồi về ngay nghe con, Nghĩa.
Nghĩa “dạ” rồi phóng lên xe, đạp thật nhanh. Trên đường Phan Đăng Lưu (Chi Lăng cũ), Nghĩa ném hai quyển sách vào một đống rác rồi đi thẳng.
Nhà Kim ở xóm cổng Phi Long. Nghĩa vẫn quen lui tới. Vậy mà bây giờ sao thấy nó xa thăm thẳm. Mặc dù xe đã lao nhanh nhưng Nghĩa vẫn có cảm tưởng như hãy còn quá chậm. Nghĩa vừa nhấn mạnh bàn đạp vừa nghĩ miên man: “Không biết phải nói làm sao đây? Ba đã cấm thì mình làm sao nói? Mà không nói làm sao Kim hiểu? Không biết mình đi có thoát không? Rồi cuộc đời sẽ ra sao? Không có Kim mình sẽ ra sao? Còn Kim? Kim sẽ ra sao? Ra sao?… Ra sao?…”. Thật nhiều câu hỏi để không có được một câu trả lời. Người con trai đó cảm thấy thật chơi vơi, tất cả đều vuột khỏi tầm tay, tất cả đều vượt khỏi tầm suy
luận của nó, nó không hiểu được gì hết, không chủ động được chuyện gì hết! Lần đầu tiên, người con trai đó nhận thấy cuộc đời này quá nhiều rắc rối chớ không đơn giản như những bài toán ở trong trường, mà mình thì giống thằng học trò dốt nhìn tấm bảng đen thấy nó rộng bằng cái sân banh…
Khi Nghĩa vừa thắng xe trước cổng nhà Kim thì con chó chạy ra sủa mấy tiếng rồi chồm lên cửa sắt vẫy đuôi mừng. Có tiếng má của Kim hỏi vọng ra:
– Ai đó?
– Dạ thưa cháu.
Nghĩa trả lời.
– Nghĩa hả? Đi đâu tối vậy?
Rồi đèn dưới hiên được bật lên, một bóng đèn nhỏ xíu tỏa ánh sáng vàng vọt như ánh sáng cây đèn dầu. Má của Kim bước ra mở cổng:
– Cháu ngồi chơi. Em nó tắm rồi ra bây giờ. Bác còn phải vô may tiếp mớ đồ để mai giao…
Nghĩa “dạ”, rồi dựng xe vào tường rào. Con chó chạy lại quắn quýt mừng rồi chạy vào trong sủa mấy tiếng như để báo là nhà có khách! Nghĩa nhìn quanh: nhà vắng teo, chỉ nghe có tiếng máy may xành xạch đều đều. Nghĩa nghĩ: “Chắc mấy đứa nhỏ về dưới quê hết rồi. Chớ không thì đã chạy ào ra mừng như mọi khi”. Sân nhà Kim tuy nhỏ nhưng tráng xi măng sạch sẽ. Ở góc sân có cây mận khá lớn, tàng gie ra phủ lấy sân như cây lộng. Dưới gốc mận, có mấy gộc củi to đặt đứng để làm ghế ngồi. Trên thân cây mận, hãy còn treo mấy giỏ phong lan mà ba của Kim trồng hồi đó.
Khi Nghĩa vừa ngồi xuống cạnh gốc mận thì Kim cũng vừa bước ra hiên nhà. Tóc Kim chải ngược về phía sau, để lộ khuôn mặt đều đặn với đôi mắt ngời tinh anh. Kim dừng ở hiên một chút… như để định hướng, rồi mới bước tiếp ra sân. Chỉ trong một thoáng đó thôi – một thoáng dừng lại của Kim – Nghĩa bỗng thấy không gian chìm mất chỉ còn lại gương mặt của người bạn gái là hiện hữu, là sinh động, là rạng rỡ… Nghĩa thấy gương mặt đó thật rõ, thật sáng. Thấy mái tóc hãy còn láng nước, tóc mai còn dán vào má vào tai. Thấy vầng trán rộng, thấy đôi mày dài. Thấy ánh sao trong mắt, thấy nét cười phớt nhẹ làn môi… Chỉ trong có một giây thật ngắn ngủi – như một chớp mắt – mà sao ngần đó nét, ngần đó chi tiết được Nghĩa nhìn thấy hết, thâu nhận rõ hết. Phải chăng đó là hình ảnh của Kim mà Nghĩa muốn ghi lần cuối cùng vào tim vào óc? Ghi lấy để giữ lấy mãi mãi, bởi vì, sẽ không còn có lần nào khác nữa để Nghĩa được nhìn Kim như bây giờ…
Kim vừa bước về hướng Nghĩa, vừa hỏi:
– Ủa? Đi đâu mà tối vậy Nghĩa?
Yên lặng. Từ cái thoáng dừng lại khi nãy của Kim, từ cái thoáng đặt hết tâm tư vào gương mặt của người bạn gái, Nghĩa không còn cảm nhận được sự hiện diện của mình. Tiếng của Kim, Nghĩa nghe loáng thoáng như trong chiêm bao.
Nghĩa chỉ sực tỉnh khi Kim đã ngồi đối diện. Người con gái đó có dáng ngồi thật thẳng, thật ngoan, thật dễ thương với hai bàn tay đặt nằm thoai thoải trên đầu gối. Ở Kim, toát ra một cái gì vừa tươi mát vừa tinh khiết, lại vừa trầm lặng với sức sống căng đầy. Nghĩa cảm thấy bối rối, không biết phải nói cái gì, nói làm sao, rồi miên man nghĩ: “Chắc Kim sẽ buồn lắm khi nghe mình nói. Chắc Kim cũng sẽ… cũng sẽ đau khổ lắm khi biết mình đi. Bây giờ còn ngồi đây với nhau chớ lát nữa đây, rồi ngày mai, rồi mãi mãi sẽ không còn gặp nhau nữa. Vĩnh viễn không gặp nhau nữa. Vĩnh viễn… Vĩnh viễn…”. Nghĩa thấy thương Kim. Nghĩa thấy thương Nghĩa. Nghĩa thấy thương hai đứa. Nghĩa muốn khóc! Nghĩa không dám nhìn thẳng mặt Kim. Nghĩa nhìn đôi bàn tay thon nhỏ của Kim, đôi bàn tay ngoan hiền nằm trên đầu gối. Đôi bàn tay đó đã từng vẫy gọi Nghĩa trong đám đông, đã từng vỗ vào nhau thành nhịp khi Nghĩa đàn, và một hôm, đã từng kết lại giùm Nghĩa cái nút áo, sau một lần vật lộn với bầy em của Kim. Đôi bàn tay đó, rồi đây, suốt cuộc đời về sau, Nghĩa sẽ không còn được cầm lấy, nắm lấy, hay nhìn thấy, dù là trong giấc mộng. Không tự chủ được, Nghĩa nghiêng người tới cầm lấy hai bàn tay của Kim. Một cử chỉ thật đột ngột làm Kim sửng sốt định rút tay về, nhưng khi thấy Nghĩa chẳng có nét gì sỗ sàng nên để yên. Nghĩa giữ tay Kim trong tay mình như giữ một vật gì đẹp nhứt, quí nhứt của cuộc đời này. Như hơi thở. Như nhịp tim. Như tình yêu… tình yêu… tình yêu…
Yên lặng. Nghĩa ngồi như pho tượng. Lưng khom khom, đầu chúc xuống, cùi chỏ chống lên đùi làm hai vai nhô lên. Kim không nhìn thấy mặt Nghĩa, nhưng Kim “nhìn” thấy tâm tư của Nghĩa trong đôi bàn tay
và trong dáng ngồi của bạn. Đôi bàn tay muốn nắm thời gian ngừng lại và dáng ngồi nói lên niềm thống khổ vô biên…
Yên lặng. Rồi có tiếng Kim hỏi, thật trầm tĩnh: “Nghĩa đi hả?”
Không có tiếng trả lời. Nhưng Nghĩa gật gật đầu, cái đầu đã ở sẳn tư thế cúi thấp xuống của một người nhận chịu số phận! Rồi vai Nghĩa bỗng run run, Nghĩa gục xuống tay nấc lên khóc. Bấy giờ – và chỉ bấy giờ – những ngón tay của hai đứa mới đan vào nhau, tự nhiên đan vào nhau, giữ lấy nhau, giữ chặt lấy nhau. Không biết tại sao? Không biết để làm gì? Mà cần gì phải biết, khi tất cả đều vô nghĩa? Vô nghĩa!
Yên lặng. Không gian không còn nữa. Thời gian không còn nữa. Vũ trụ bây giờ nằm trọn trong lòng tay hai đứa, một vũ trụ rách nát, đau thương. Ở đó, giữa những ngón tay đan chặt vào nhau, tình yêu vừa mới sinh ra, còn măng non nhưng sao đã thấy già nước mắt….
Yên lặng. Kim không khóc. Kim vẫn ngồi thẳng, nhìn thẳng, tuy tâm hồn đã tê dại. Phải một lúc lâu sau, thật lâu sau, Kim mới trở về với chính mình để nhận thấy rằng bỗng nhiên mình già đi mười mấy tuổi! Kim nhìn xuống Nghĩa, chỉ thấy cái đầu tóc ngắn, cái ót gầy gầy, đôi vai nhô cao. Hình ảnh cuối cùng của Nghĩa là đây chăng? Người con trai có đôi mắt xếch xếch, có cái cười rộng huỵch làm cho một bên má lúm đồng tiền, người con trai đã làm Kim rung động, người con trai đã làm Kim xao xuyến, người con trai đó, bây giờ, Kim chỉ nhìn thấy được có cái ót và đôi vai thôi! Rồi mai mốt… mai mốt… Một chua xót đang trạo trực dâng lên. Kim cắn môi kềm lại. Yên lặng…
Một lúc sau, Kim hỏi, giọng lạc đi:
– Chừng nào?
Nghĩa ngồi thẳng lên, tay vẫn không rời tay Kim, mặt còn đầy nước mắt, giọng cũng lạc đi:
– Khuya!
Kim nhìn gương mặt méo mó vì đau khổ của Nghĩa bỗng nghe xúc động dạt dào. Kim muốn chồm tới ôm lấy Nghĩa, ôm lấy gương mặt đầy nước mắt đó áp vào má mình, ôm thật chặt, xiết thật chặt, để mọi niềm đau được cùng chia sớt, để mọi nỗi hận được cùng xẻ đôi. Nhưng Kim gượng lai, gượng lại vì lễ giáo, và gượng lại vì sợ không rời nhau ra được nữa… Trào lòng dâng dậy miên man, Kim nhắm nghiền mắt lại, siết những ngón tay của Nghĩa, siết với hết sức mình, siết thật mạnh, siết thật đau, siết như để nén một trời thống khổ, siết như để bóp vỡ một cái gì uất nghẹn trong tim, siết như đang cố gắng nuốt một liều thuốc đắng, siết như… siết như để chia tay lần cuối trước khi lìa đời… Kim cắn răng để đừng bật khóc!
Yên lặng. Lâu sau, Nghĩa buông tay Kim đứng lên, lủi thủi lại lấy xe đạp. Kim bước theo, nhẹ như một cái bóng. Kim mở cổng, tiếng cổng rỉ sét rên lên. Nghĩa dẫn xe ra, không dám nhìn lại cũng không dám nói một lời, chỉ phóng lên xe đi thẳng. Kim đóng cổng, cổng sắt lại rên lên trước khi kêu cái rầm khô khan. Kim có cảm tưởng như mình vừa bị nhốt trong tù. Ngoài kia, đã là một thế giới khác.
Khi Kim bước lên cầu thang để lên gác – cái gác lửng ba làm cho Kim ngủ và học riêng một mình trên đó – Kim bỗng nghe hai chân mình yếu đi, chẳng còn chút sức lực nào hết. Kim cố bám từng nấc thang, mồ hôi đổ ra như tắm. Lên đến bên trên, Kim chỉ còn đủ sức gieo mình xuống giường, úp mặt xuống gối, khóc ngất… Bao nhiêu nước mắt trần gian xin gởi hết cho Kim, người con gái mang tâm trạng người góa phụ.
Trời mưa Paris. Ở đây không có “mưa rồi chợt nắng” như ở Sàigòn. Ở đây, mưa không ngập tràn cống rãnh, mưa không đưa rác trôi quanh phường phố. Cũng không có trẻ con cởi truồng chạy giỡn trong mưa. Cho nên, chẳng có gì để gợi nhớ như mưa Sàigòn…
Nghĩa ngồi một mình uống cà phê trong một bar ở khu Maubert. Hai cô đầm tránh mưa kéo vào ngồi bàn trước mặt. Những giọt mưa trên mái tóc vàng gợi nhớ những giọt mưa trên mái tóc đen của Kim hồi đó. Hồi đó, nghĩa là đã hơn bảy năm. Bảy năm không một tin tức gì hết của Kim, mặc dù đã gởi không biết bao nhiêu thơ, đã nhắn không biết bao nhiêu lời qua bạn bè của hai đứa! Cứ im lìm trống rỗng, làm như những chuyện gì đã xảy ra hồi đó chỉ là một ảo ảnh, một giấc mơ…
Những giọt mưa trên tóc hai cô đầm trước mặt vẫn lấp lánh dưới ánh đèn trong bar càng gợi lại hình ảnh Kim trong lần đụt mưa hồi đó với những giọt mưa trên tóc, rõ ràng như Nghĩa đang nhìn bây giờ. Vậy mà bây giờ….
Nghĩa đốt điếu thuốc. Hít một hơi dài bỗng nghe khói thuốc thật đắng và làm cay chảy nước mắt!
Tiểu Tử