Thiên Lý

Thiên Lý

Trong Sương Mù

Sương mù giăng khắp chân mây
Một màn trắng đục phủ dày trên cao
Tôi đi chẳng biết hướng nào
Khói vây quanh, tưởng đang vào thiên thai

Thoảng đưa trong gió hương lài
Xa nghe tiếng sáo theo hoài bước chân
Nhác trông bóng hạc bay gần
Vẫy đôi cánh mỏng khuất dần vào mây

Để lại giữa đám sương dày
Những vòng sắc đủ màu quay nhẹ nhàng
Sắc xanh, đỏ, tím, cam vàng
Rực lên một ánh hào quang sáng ngời

Hồn tôi mơ đến cõi trời
Lẫn trong nhịp mõ là lời kinh thơ
Tôi mơ đến được bến bờ
Nương theo Phật pháp đón chờ từ bi

Trắng lòng, trắng cả lối đi
Đời như sương khói nên vì tu tâm
Nhân từ tỏa ngát hương trầm
Gieo xuống dương thế hạt mầm yêu thương

* Một buổi sáng sương mù
trên đường đi Albuquerque

Lời Tỏ Tình Dưới Trăng

Tôi gặp Thắng trong căn bếp nhỏ ở chùa Quang Minh. Lúc ấy, cả hai đều bận rộn với công việc “công quả” của mình. Thắng thì loay hoay sửa cái ống nước rỉ ở dưới bồn rửa chén, còn tôi và các chị bạn khác thì đang bận dọn dẹp những chén dĩa dơ sau một bữa cơm chay cho cả trăm Phật Tử đến dự nhân ngày lễ Phật Đản. Khi xếp lại những chồng dĩa sạch để cất lên một ngăn tủ trên cao. Tôi cố kiễng chân và nhảy lên hai ba lần để đặt chồng dĩa giấy lên ngăn tủ. Do sức đẩy mạnh của tôi, nên có một chồng rổ nhựa, rổ nhôm trên ngăn tủ đã đồng loạt rơi xuống đúng ngay lúc Thắng vừa quay đầu ra khỏi cái bồn. Rổ rơi lốp bốp lên đầu chàng rồi mới chạm xuống đất vang lên một âm thanh lớn. Thắng ôm đầu la lên:
– Úi da, đau quá!
Tôi hốt hoảng nói lớn:
– Thôi chết, em xin lỗi, em xin lỗi!
Cùng với tiếng nói của tôi là mấy câu hỏi dồn của các chị bạn:
– Cái gì vậy? Làm sao để rớt đồ dữ vậy Như?
Tôi ngượng ngùng, ấp úng:
– Tại cái tủ cao em cố với…
Tiếng chị Thuận cắt ngang:
– Lần sau mà với không tới thì nhờ người khác lấy dùm, em đừng có ráng với, có ngày đổ hết chén là mệt đó. May là chỉ có mấy cái rổ thôi. Ủa, mà ai để rổ trên ngăn cao vậy? Rổ người ta để dưới gầm tủ này chứ.
Thắng nói giọng như rên:
– Tôi để đó, tại sửa cái sink nên tôi phải dẹp bớt mấy cái rổ ở dưới, bỏ nó lên cao cho rộng chỗ. Rồi xoa đầu mình Thắng tiếp- Ui da, đau quá.
Chị Thuận lại gần Thắng hỏi:
– Đâu, đưa chỗ đau tui coi chảy máu trắng chưa? Xạo quá, có mấy cái rổ mà làm như là gạch rớt xuống đầu hổng bằng.
Thắng cười cười:
– Sao chị biết tôi xạo?
Chị Thuận nói như diễu:
– Biết chứ sao không, tôi rành mấy ông cựu Không Quân như anh quá mà. Bây giờ anh muốn ăn vạ gì đây?
– Thôi nghe, đừng có móc tôi nữa, tôi muốn hỏi cái cô nào mà liệng rổ lên đầu tôi đó, giận tôi cái gì thì nói ra làm gì mà nặng tay quá vậy. Tôi muốn cô đó phải chuộc lỗi đó nhé.
Tôi ngập ngừng:
– Anh muốn em chuộc lỗi …làm sao?
Thắng đưa cái đèn pin cho tôi nói:
– Cô chịu khó cầm cái đèn này soi dùm tôi để tôi dán keo vô cái ống này coi. Nãy giờ tôi vừa làm vừa soi một mình, mỏi tay, mỏi mắt quá trời.
Tôi hăng hái:
– Ồ, tưởng anh bắt chuộc lỗi gì lớn lao chứ cầm đèn pin thì dễ quá.
Tôi cầm cái đèn soi cho Thắng, chàng bảo tôi soi bên trái, rồi sang phải, dơ lên cao chút nữa, lại hạ thấp xuống chỗ này. Chưa hết, chàng còn sai tôi đi lấy đinh, lấy vít, lấy kềm. Lấy không đúng cỡ cứ phải chạy lên chạy xuống tìm kiếm, mỏi cái chân. Làm thợ vịn để chuộc lỗi coi vậy mà cũng mệt ghê! Tôi chỉ biết làm nhiệm vụ cho đến khi chàng sửa xong cái ống nước rỉ. Mấy chị bạn đã về bớt, còn lại chị Thuận và tôi cùng hai người đàn bà lớn tuổi trong căn bếp.Tôi nghe Thắng bắt chuyện với chị Thuận. Lần này tôi không để ý đến câu chuyện của hai người, hình như chị Thuận cũng thân với Thắng lắm thì phải? Tôi lẳng lặng thu dọn tàn dư đinh, ốc mà Thắng vất bừa bãi trên sàn nhà vào cái thùng đồ nghề của nhà chùa, rồi quay sang nhặt những cái rổ sắp lên nhau cất vào ngăn tủ phía dưới bồn.

Sau lần làm thợ vịn chuộc lỗi ấy, tôi chỉ xemThắng như một người quen giống như bao nhiêu người tôi quen đến chùa tự nguyện làm việc. Nhưng rồi, tôi đã bắt đầu chú ý đến chàng nhiều hơn khi tôi biết trước kia Thắng đã từng là lính Không Quân. Tôi rất có cảm tình với chữ “lính” bởi nghe qua chữ ấy, nó bao hàm một sự gian khổ, can trường, một đời sống kỷ luật gắt gao trong tập luyện. Nó còn hiển hiện một hình ảnh hào hùng, hiên ngang của những chàng trai mang trên người bộ quân phục. Với chữ “lính”, tôi cũng thấy lại hình ảnh của cha, của anh tôi trong thời chinh chiến đã qua.

Tôi còn nhớ vào năm mùa hè đỏ lửa 72, khi anh tôi đang chuẩn bị thi tú tài toàn phần, mà anh lại lười biếng không chịu ôn luyện bài vở, cứ rong chơi suốt ngày. Mẹ tôi thì nuông chiều anh hết sức làm cha tôi tức giận nói:
– Mày mà thi rớt kỳ này tao “tống” mày vào lính cho mày nên người. Bằng tuổi mày đã có khối thanh niên trai tráng cận kề với súng đạn, chết chóc mỗi ngày, chứ đâu có phải sung sướng như mày nhởn nhơ, chỉ ăn rồi học mà cũng không chịu khó.
Mẹ tôi xót xa nói:
– Trời ơi, sao ông lại muốn đưa con mình vào chỗ chết vậy?
Cha tôi nói giọng bực bội:
– Sao lại là chỗ chết, đâu phải đi lính ai cũng chết. Bà nuông chiều nó cho lắm vào để nó hư thân, con trai từng ấy tuổi rồi mà cứ núp sau áo mẹ, học cũng không ra hồn thì làm sao nên người, tôi quyết định rồi, nó đậu hay rớt gì cũng vào lính.

“Đi lính để nên người” vỏn vẹn năm chữ ấy của cha tôi mà ý nghĩa cho anh trai tôi biết chừng nào. Anh đã thực sự trưởng thành sau chín tháng vào trường Bộ Binh Thủ Đức học. Lần đầu anh về phép thăm nhà, tôi thấy anh thay đổi không ngờ được. Trông anh thật oai nghiêm trong bộ đồ lính. Tuy anh đen và gầy hơn hồi còn ở nhà, anh vẫn khoẻ mạnh, xách thùng nước nặng như không. Mẹ tôi là người ngạc nhiên nhiều nhất khi thấy vẻ công tử bột của anh đã mất hẳn. Đặc biệt là anh tôi lại hiền ra, không cáu gắt hay cú đầu tôi như trước nữa. Tôi thán phục đời lính quá chừng. .. Và tôi cũng đã thầm mơ ước nếu anh tôi mà giới thiệu cho tôi một ông “bồ” là lính thì vui biết mấy! Nhưng dạo ấy tôi chưa đủ lớn để nói chuyện bồ bịch, cũng chưa tới tuổi yêu thì chiến tranh đã kết thúc.

Anh tôi mất tích luôn từ cái ngày “giải phóng miền nam”. Không biết anh đã ngã gục ở chiến trường nào? Hay anh bị bắt làm tù binh? Hoặc anh đã trốn thoát được ra hải ngoại? Mẹ tôi như người chết dở, buồn rũ rượi … Rồi sau đó cha tôi bị lệnh đi tù. Nỗi buồn lo, sợ hãi lẫn nhớ thương con trai và chồng dai dẳng làm mẹ tôi suy sụp tinh thần, mẹ đau ốm liên miên. Cuối cùng mẹ đã từ biệt tôi ra đi mãi mãi… Tôi bơ vơ giữa cuộc đời nghèo khó, sống dựa nơi cửa chùa làm đủ mọi nghề để nuôi thân và nuôi cha tôi ở trong tù…

Bao nhiêu khốn khổ của ngày cũ đã đi qua, sao hình ảnh người lính của thời chinh chiến vẫn còn phảng phất trong tôi mãi. Nhiều khi buồn, tôi hay lái xe xuống khu Wesminter đến chỗ tượng đài hai người lính Việt – Mỹ, đứng hàng giờ nhìn bức tượng mà tưởng nhớ đến cha và anh tôi, rồi lại khóc một mình. Sau này, khi quen người đàn ông nào, tôi cũng hỏi người ấy trước kia làm gì, nếu không phải là lính thì tôi không muốn quen nữa… Và tôi cứ chờ đợi, cứ mơ mộng về một người lính xa xưa đến nỗi héo mòn cả tuổi xuân mà tôi vẫn phòng không gối chiếc…
Nghĩ đến Thắng, người lính năm xưa lòng tôi thấy vui vui làm sao.Tôi hí hửng khoe với 3 bà bạn ở chung nhà:
– Mấy chị biết không, em mới quen được một anh chàng hồi xưa là lính Không Quân đó, oai chưa!
Tôi vừa dứt câu thì đã được nghe bao nhiêu lời diễu cợt lẫn cảnh giác kế tiếp. Đầu tiên, chị Hoà trề môi nói ngay:
– Ôi trời, lính Không Quân hả, “danh tiếng muôn đời”, tiếng xấu không đó nghe. Hào hùng cũng dữ, mà trăng hoa cũng lắm.
Chị Thúy tiếp:
– Nè, hồi xưa Như có nghe câu “cầu nào cao bằng cầu ông Đốc, lính nào dóc bằng lính Không Quân” không? Lính Không Quân ghê lắm đó, cẩn thận đi em.
– Ê, bà còn quên câu “đường nào dài bằng đường Phi Đạo, lính nào xạo bằng lính Không Quân” đó nghe. Tiếng chị Hậu chen vào.
Chị Hoà lắc đầu, nhìn tôi châm chọc:
– Ờ, mà Không Quân nào thèm quen đứa nhà quê như mày hả Như? Mấy tay đó chỉ thích con gái đẹp, nhảy đầm giỏi thôi.
Câu nói của chị Hoà làm tôi nổi tự ái lên cãi:
– Thôi đi, ông đó bây giờ đâu còn là Không Quân nữa, ổng cũng già rồi, đàn bà đẹp nào mà chịu quen mấy ông già…
Chị Hoà ngắt ngang:
– Ấy, ấy tại mày không biết đó thôi, mấy ổng ỷ có cái “ mác” Không Quân hồi xưa đó, đâu có nghĩ là mình già, nên hãy còn lả lướt lắm. Hỏi chị Thúy mày kìa kinh nghiệm tình trường với các chàng Không Quân ra sao, nói cho nó biết đi Thúy.
Chị Thúy cười cười:
– Mấy chàng đó chỉ thích “mì ăn liền” thôi.
Tôi ngơ ngẩn hỏi:
– Là sao hả chị?
– Là “ready lên giường” đó. Không có chuyện hẹn hò romantic đâu cưng à.
– Thiệt vậy sao?… Ngừng một chút, tôi tiếp… Nhưng mấy chị ơi, theo em nghĩ thì đâu phải ông Không Quân nào cũng xạo. Mấy chị lên án lính Không Quân dữ quá.
Chị Thúy đổi giọng đồng tình:
– Ờ há, biết đâu chừng chàng của con Như hiền lành chất phác thì sao.
Chị Hòa lại trề môi:
– Úi trời ơi, tao chưa nghe lính Không Quân nào mà hiền lành, chất phác hết, toàn là “bán trời không mời thiên lôi” cả.

Tôi chợt nhớ đến lời nói đùa của chị Thuận hôm Thắng than cái đầu bị đau: “tui rành mấy ông cựu Không Quân như ông quá mà”. Lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn vu vơ. Tôi nói:
– Em chỉ mới quen ổng ở chùa thôi chưa có gì hết mà, mấy chị nói làm em xuống tinh thần quá.
– Là dặn dò em theo kinh nghiệm của tụi chị để em cẩn thận chứ đâu có ai nói cho em nản làm chi. Chị Hậu ôn tồn nói.
Tôi nhìn chị Hậu hỏi:
– Ồ, hôm nào em rủ ổng lại đây chơi ăn cơm với tụi mình há, lúc đó cho mấy chị tha hồ mà phỏng vấn ổng về cái vụ “danh tiếng muôn đời” của Không Quân nghe , được không?
Chị Hoà hỏi:
– Mày dám rủ không? Mà ổng dám tới mới là Không Quân thiệt đó.
– Em rủ chắc ổng tới.
– Vậy chừng nào? Chị Thúy hỏi
Chị Hoà nhìn lên tờ lịch:
– Để coi, cuối tuần tới đi, chủ nhật mình đóng cửa sớm, tao sắp xếp thợ cho mày nghỉ ở nhà nấu nướng nghe Hậu, rồi chị cười, sẵn dịp tụi mình coi mặt chàng cựu Không Quân của em Như chúng ta luôn.
Giọng chị Thúy và chị Hậu: – OK!
***
Thế là Thắng đã trở thành người bạn chung của bốn đứa chúng tôi. Bốn người đàn bà độc thân cùng sống với nhau dưới một mái nhà. Chị Hoà là người lớn tuổi nhất trong nhóm. Chị đang làm chủ một tiệm nail, căn nhà mà chúng tôi đang ở là của chị Hoà. Chị ly dị chồng, hai con gái lớn đã lập gia đình ra ở riêng.Chị Hậu là em họ chị Hoà, hãy còn độc thân, chị đến từ tiểu bang Arizona để làm nail cho tiệm chị Hoà. Chị Thúy thì góa chồng, được con gái bảo lãnh từ VN sang khoảng 5, 6 năm gì đó. Do bất đồng về cung cách sống cũng như sinh hoạt trong gia đình các con. Thúy giận con dọn ra ngoài, tấp vào ở với chị Hòa và Hậu. Chị Thúy làm việc ở một tiệm bánh. Người nhỏ tuổi hơn các chị là tôi. Đời sống tôi cũng cô độc, tôi theo cha định cư ở Mỹ theo diện H.O. Thời gian đầu, hai cha con tôi sống ở Concord với một người bà con xa bên mẹ. Sau đó vài năm cha tôi qua đời, tôi dọn về Nam Cali trôi dạt vào làm việc ở hãng medical vùng Irvine này, vì muốn đi làm gần nhà, nên tôi đã mướn một phòng ở nhà chị Hoà cho tiện.

Cuối tuần nào Thắng cũng ghé qua nhà chơi, gọi là chơi chứ thường chẳng có ai ở nhà. Thỉnh thoảng thì Thắng gặp chị Thúy, có khi thì gặp chị Hòa vài phút rồi chị lại tất tả chạy ra tiệm. Hậu cũng thế, nghề nail cuối tuần là ngày bận rộn hơn cả. Còn tôi, thì cũng hiếm hoi lắm mới gặp được chàng, vì hãng tôi hay làm“overtime” cuối tuần. Dù chẳng gặp được ai thường xuyên trong nhà, Thắng vẫn đều đặn ghé qua hàng tuần để “duyệt” một danh sách sửa chữa lặt vặt cho chúng tôi mà không hề nhận một thù lao nào. Có tuần chàng sửa cái sink bị nghẹt, cái lò hư, cái máy giặt không chạy. Có tuần thì máy lạnh có vấn đề, máy tưới cỏ bị hư…

Tôi không biết Thắng siêng năng như vậy với mục đích gì, tôi đoán hoài không ra được mục đích của chàng. Tôi chỉ biết chàng là một người bạn tốt, bên cạnh tấm lòng tốt của chàng, sự “cảnh giác” về cựu không quân của các chị đã dần dà tan biến… Ai cũng khen Thắng nhanh nhẹn trong công việc, hoạt bát trong xã giao, tài giỏi trong những chuyện sửa chữa. Đồng thời tôi cũng nhìn thấy sự thay đổi đôi chút từ ba chị. Chị Hậu bắt đầu trang điểm nhiều hơn, chị Thúy tự nhiên thích diện đồ “fashion” để cho trẻ ra. Chị Hòa vốn lười biếng chuyện bếp núc nay lại hay sưu tầm các món nhậu để ra tay nấu nướng đãi Thắng…Chỉ có tôi vẫn là “bà nhà quê” muôn thuở, có điều tôi cảm thấy vui hơn mỗi khi gặp chàng, niềm vui gặp một người bạn, một người đã từng là lính cho tôi có nhiều cảm mến. Thỉnh thoảng nhìn Thắng, tôi lại nghĩ đến Long anh trai tôi, anh mà còn sống thì chắc cũng cỡ tuổi Thắng hiện giờ…

Tình cảm con người thật là khó hiểu vô cùng, người ta có thể ghét nhau lúc đầu rồi lại thương nhau về sau. Tôi đã nhiều lần bắt gặp ánh mắt tha thiết của chị Hậu nhìn Thắng, cử chỉ làm điệu của chị thật khác thường lúc ngồi chuyện trò với chàng. Tội nghiệp cho chị, một thời xuân sắc qua nhanh với những mối tình không có đoạn kết khiến chị lỡ hết tuổi xuân. Nhưng so với số tuổi của chị hiện tại, thì mùa xuân hình như chưa qua hẳn, chị biết sửa soạn khéo léo, nên từ cách ăn mặc, trang điểm đều toát ra vẻ thanh tao, trẻ trung. Chị Hậu cũng là một người đẹp đó chứ, chị có khuôn mặt trái soan tròn, nhìn rất phúc hậu, thêm nụ cười với hai cái lúm đồng tiền sâu sâu bên má duyên dáng làm sao. Đôi mắt chị hình chiếc lá được viền xâm rất khéo càng làm nổi bật lên một màu đen dịu dàng toát ra từ ánh mắt. Tôi nghĩ chị Hậu mà quen Thắng thì cũng xứng, cả hai người đều có vóc dáng cao ráo, Thắng cao hơn chị Hậu nửa cái đầu. Chị Hòa cũng vui vẻ với Thắng không kém. Chị có khuôn mặt đẹp “after” như mặt pho tượng Mannequin, chị rất mãn nguyện với vẻ đẹp sau khi “sửa chữa” hoàn chỉnh của mình, gặp người phụ nữ nào mà thấy xấu một chút là chị khuyên đi thẩm mỹ. Chị hết sức tán dương sự màu nhiệm của thẩm mỹ đã biến đổi cái xấu thành đẹp một cách nhanh chóng không ngờ được. Tôi cũng là người “bị” chị thuyết phục nhiều lần về chuyện sửa sắc đẹp. Có một lần, chị làm tôi bực mình khi chị bình phẩm tôi:
– Mặt mũi mày coi cũng được mà người mày ốm quá Như à, vú vê chả thấy gì hết, đi bơm lên nhìn cho hấp dẫn một chút. Hà tiện tiền làm chi, chết có mang theo được đâu.
Tôi cau có gắt lớn:
– Kệ em đi, chị nói kỳ cục quá! Mẹ em sinh ra em chỉ có vậy thôi, không có khuyết tật là tốt lắm rồi. Người ta nhỏ con thì cái gì cũng phải nhỏ mới cân xứng chứ, cần gì phải đi bơm. Em không có muốn nghe chuyện sửa sắc đẹp nữa đâu đó.

Từ đó, chuyện sửa sắc đẹp của chị không còn dành cho tôi. Chị Thúy thì rất vui tính, chị hay nói chuyện tếu lâm. Chị không đẹp lắm mà nhìn rất có duyên, tôi thích chị Thúy và chị Hậu nhiều hơn chị Hoà. Không biết rồi trong ba chị này ai sẽ là người Thắng đặt vào trái tim chàng. Thắng sống độc thân đã lâu nghe nói chàng cũng ly dị, vợ chàng là người Mỹ, chàng có một đứa con trai cũng đi lính, hiện đang ở North Carolina với vợ con. Thắng làm thợ bảo trì cho một công ty cơ khí, chàng hay dành thì giờ rảnh rỗi đến chùa sửa chữa vặt. Chàng nối đây điện làm đèn chớp nháy chung quanh các tượng Phật, chàng chỉnh “timer” những bóng đèn tắt mở tự động ở ngoài cổng chùa.Chàng đóng lại cánh cổng gãy, sửa cái trần dột…Tóm lại, tất cả những hư hao từ lớn đến nhỏ nào ở chùa, Thắng đều lãnh trách nhiệm làm. Tôi mến tấm lòng tốt đẹp và sự năng nổ của chàng.

Một chiều chủ nhật đẹp trời, Thắng mời cả bốn người chúng tôi lại nhà chàng chơi rồi sau đó đi ăn tiệm. Chàng ở trong khu town house Garden Grove. Căn nhà nhỏ xinh mà cũng có được ba phòng. Mặc cho ba bà ngồi tán chuyện với Thắng, tôi hỏi chàng cho tôi đi xem chung quanh nhà, bởi tôi cũng đang dành dụm tiền để mua một căn nhà town house nhỏ cho riêng mình… Dạo một vòng, tôi thấy thích kiểu nhà town house ở khu này vô cùng, bên ngoài còn có cái hồ bơi xanh mát. Tôi cứ tấm tắc khen hoài, khiến chị Hòa phải gắt lên:
– Thôi Như à, mày giống như nhà quê ra tỉnh thứ thiệt đó, thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp. Ngồi xuống đi.
Tôi ngượng ngùng chống đỡ:
– Thì hồi nào tới giờ em có được đi nhiều như chị đâu mà biết.
Sau màn tán gẫu là đi ăn. Thắng nói sẽ chở 4 đứa chúng tôi trên chiếc xe của chàng. Khi ra xe, Thắng có ý muốn tôi ngồi phía trước thì chị Hoà đã nhanh nhẹn đẩy tôi ra băng sau nói:
– Mày nhỏ con ngồi sau đi, bự như tao ba đứa ngồi băng sau sao vừa.
Tôi nói:
– Ngồi đâu cũng được mà.

Thắng chọn một nhà hàng sang của Nhật, mọi người đều có vẻ chuộng món sushi, trừ tôi ra. Sợ bị chị Hoà lại “nhiếc móc” tôi là nhà quê, nên cũng đành phải gọi sushi theo mấy chị cho… sang. Nhưng khi món ăn bưng ra, tôi không chịu được mùi cá sống, phản ứng tự nhiên là tôi đưa tay che miệng để khỏi ụa. Chị Hoà cau mày hỏi:
– Mày sao vậy Như? Bất lịch sự quá!
Tôi ấp úng:
– Em… chưa quen mùi này, khó..chịu… lại muốn ụa, tôi phải đứng lên chạy nhanh ra ngoài. Tôi nghe tiếng chân người phía sau, quay lại, tôi thấy chị Thúy. Chị hỏi tôi:
– Như làm sao thế? Có bị cái gì không mà không ngửi được mùi cá?
Tôi dựa lưng vào tường nói:
– Chắc tại em không thấy khoẻ trong người, nghe mùi cá sống em ghê quá.
– Sao hồi nãy Như còn order làm chi?
– Em order đại thôi, người ta có món gì khác không chị?
– Có chứ. Tiếng Thắng chen vào, làm tôi và Thúy giật mình quay lại
Chị Thúy hỏi:
– Ủa, anh Thắng ra đây chi vậy, Như với Thúy vô bây giờ nè.
– Ờ thì ra coi Như làm sao, nếu Như không thích sushi thì anh gọi món khác cho Như, thôi vào đi. Thắng dịu dàng bảo.
Tôi bước vào bàn trở lại lén nhìn chị Hòa. Chị lườm tôi khó chịu nói:
– Làm mình làm mẩy quá vậy cô nường.

Tôi im lặng, Thắng gọi người bồi bàn nấu cho tôi một tô bánh canh Nhật, chàng bảo món này dễ ăn lắm Như à… Tôi cố nuốt từng muỗng bánh canh nhạt thếch… Bữa ăn cũng trôi qua trong sự vui vẻ của mọi người.
Lúc Thắng dừng xe trước cửa nhà chàng để chúng tôi chuyển sang xe của chị Hoà. Thắng cố ý giữ tôi lại trong xe và hỏi nhanh:
– Như à, anh có chuyện muốn nói riêng với Như, thứ bảy tới Như có làm overtime nữa không?
Tôi lắc đầu:
– Dạ không, có chuyện gì quan trọng không anh?
– Chuyện riêng thôi, à, hay Như cho anh số cell của Như đi. Quen Như bao lâu rồi mà không có số phone của Như.

Vừa nói, Thắng vừa sờ túi áo rồi tặc lưỡi: – Ồ, mà anh lại không có cây viết nào ở đây. Để coi trong ngăn này coi.
Tôi nhìn Thắng loay hoay tìm cây viết, thầm hỏi không biết anh muốn nói chuyện gì với mình mà có vẻ cuống lên thế nhỉ? …Chợt tôi nghe tiếng chị Thúy gọi to:
– Như ơi, lên xe về.
Tôi nói vội:
– Thôi thứ bảy anh tới chơi đi rồi Như cho anh số cell của Như sau.
Nói xong, tôi hấp tấp ra khỏi xe của Thắng, tôi nghe Thắng nói vói theo:
– Đợi tới thứ bảy cũng hơi lâu, thôi đành chờ. Bye Như nghe.

Thắng vẫy tay tạm biệt và nhìn theo xe chúng tôi cho đến khi khuất hẳn cuối đường. Trên xe, tôi bị chị Hòa cằn nhằn về chuyện tôi buồn nôn chạy ra ngoài, chị nói tôi làm như người thai nghén, ghê cơm tanh cá. Tôi bỗng thấy ấm ức cho mình và ghét cái miệng lải nhải của chị. Tôi nói chị Thúy mở nhạc lên nghe, tiếng chị Hòa cùng tiếng nhạc quyện vào nhau làm tôi thiếp đi nhanh trong giấc ngủ.

Đêm nay trời có trăng thật đẹp, bóng trăng tròn sáng rõ cả một khoảng sân rộng phía sau nhà. Tôi bước ra sau vừa đi, vừa ngắm trăng đang di chuyển theo mình. Tôi thấy lại thời thơ ấu, cũng một đêm trăng, anh Long và tôi đang đi bên cạnh nhau để thi đua xem ai đi mau hơn trăng. Đi một hồi tôi mỏi chân quá, đòi nghỉ chơi thì anh lại rủ tôi chạy để xem trăng có chạy nhanh như mình không. Tôi nghe lời anh chạy mà mắt thì cứ ngước lên nhìn trăng, không thấy những vật cản ở phía trước, nên tôi đã bị vấp té xước cả đầu gối…Lần cuối cùng anh em tôi gặp nhau là lần anh về phép đầu năm 75, anh cho tôi xem một cuốn thơ dày cũ nát, là cuốn thơ kỷ niệm của một người bạn trước lúc hy sinh đã tặng cho anh. Trong đó có bài thơ “Hoa Nở Để Mà Tàn” của Xuân Diệu là bài anh rất thích, anh dạy tôi đọc theo anh say sưa:

Hoa nở để mà tàn
Trăng tròn để mà khuyết
Bèo hợp để mà tan
Người gần để ly biệt
Hoa thu không nắng cũng phai màu
Trên mặt người kia in nét đau.

Tôi chầm chậm bước chung quanh vòng cỏ ngoằn ngoèo lẩm nhẩm đọc lại từng lời thơ cũ ấy mà lòng nhói đau. Tôi nhớ đôi mắt đỏ ngầu của cha, khuôn mặt mếu máo của mẹ. Tôi nghe rõ tiếng khóc nấc nghẹn của mình trong ngày nghe tin anh mất tích… Thẫn thờ thả mình xuống chiếc ghế, tôi ngồi bó gối, áp một bên má lên hai cánh tay, mắt hướng về bóng trăng. Nơi tôi đang cố tìm lại cảnh gia đình quây quần bên mâm cơm đạm bạc thuở nào…Rồi từ ánh trăng, tôi mơ màng thấy một luồng ánh sáng rực rỡ chiếu ra… Thấp thoáng trong vùng sáng đó là bóng dáng anh Long đang đi đến phía tôi cùng với một cô gái rất đẹp trong bộ đồ trắng, trên đầu cô cũng đội một vòng hoa màu trắng. Anh tôi gọi:
– Kìa Như, đứng dậy đi thay đồ chứ, hôm nay là ngày cưới của anh, có bố mẹ đến dự nữa nè.
Tôi mừng rỡ chạy lại gần anh hỏi:
– Đâu, bố mẹ ở đâu hả anh Long?

Anh không trả lời, tôi ngơ ngác nhìn quanh, có một đám mây xanh nào vừa kéo tới lẫn trong luồng sáng rực kia, làm chói lòa cả một góc trời trước mắt. Tôi không còn nhìn thấy anh tôi và cô gái nữa, Tôi hốt hoảng gọi:
– Anh Long, anh Long.
Tiếng gọi của tôi đã đánh thức tôi. Mở mắt ra, tôi thấy một người đàn ông mặc áo trắng ngồi trước mặt mình mờ mờ, lung linh. Tôi dụi mắt:
– Ủa, anh Thắng.
Thắng mỉm cười:
– Trời ơi, Như ngồi ở đây mà sao không khoá cửa trước, ngủ kiểu này ăn trộm vô nhà khiêng chủ nhà đi chắc cũng không biết.
Tôi ngượng ngùng:
– Như mới chợp mắt một chút thôi, bộ anh đến lúc Như đang ngủ hả, sao anh không gọi Như dậy?
– Gọi làm gì, thấy Như ngủ ngon quá, trông giống con mèo cuộn mình trên ghế. Như mơ thấy người yêu cũ hả, Long nào thế?
– Long là anh trai Như đó, không biết Như chợp mắt từ lúc nào mới vừa thấy anh Long đây, rồi anh lại biến mất. Buồn quá.
– Như ngủ đúng 14 phút 20 giây tính từ lúc anh đến đây. Anh trai Như bây giờ ở đâu?
Tôi buồn bã nói nhỏ:
– Anh Long mất tích lâu rồi, không biết bây giờ anh ở đâu nữa… Rồi như sợ Thắng hỏi thêm, tôi vụt đứng dậy nói tiếp- thôi để Như đi rửa mặt đã.
Tôi chưa kịp bước đi thì Thắng đã nắm tay tôi kéo lại:
– Thôi đừng, Như rửa mặt làm chi mất hết nét hồng hào của cái mặt ngái ngủ.
Tôi gỡ tay Thắng ra:
– Anh chọc quê Như hoài.
Thắng nghiêm mặt nói chậm rãi:
– Như, anh muốn nói chuyện này với Như, ngồi xuống đi, mấy bà kia đâu hết rồi?
Tôi ngồi xuống nói:
– Chị Hậu với chị Hòa đi làm chắc tới gần mười giờ mấy chị mới về, còn chị Thúy thì về nhà con gái ăn sinh nhật cháu ngoại rồi. Tối nay chị ở lại đó.
Thắng cười cười:
– Anh có chuyện muốn nói với Như, đang lo mấy bà có ở nhà, may quá lại gặp được một mình Như ở đây.
Tôi tò mò hỏi:
– Có chuyện gì vậy anh?
– Ờ, là thế này, đầu tháng mười một này có cuộc hội ngộ khoá cựu sinh viên sĩ quan không quân của tụi anh ở San Antonio, anh muốn mời Như đi với anh. Như đi nhé.
Tôi hỏi lại:
– San Antonio ở đâu hả anh?
– Ở Texas cách Houston khoảng 3 tiếng lái xe.
– Vậy anh có mời mấy chị kia đi luôn không?
Thắng lắc đầu:
– Không, chỉ mời có mình Như thôi.
– Sao vậy anh? Như đi mà không có mấy chị kia Như ngại quá…
Thắng ngắt ngang lời tôi, giọng bực dọc:
– Anh nói lại là anh chỉ muốn có một mình Như đi với anh thôi, sao Như cứ muốn kéo mấy bà bạn vào theo là thế nào?
Tôi cúi mặt nhìn xuống chân mình nói:
– Tại anh là bạn của mọi người trong nhà, không phải chỉ riêng Như…
Thắng lại cắt ngang lời tôi, chàng cao giọng nhấn mạnh:
– Nhưng anh chỉ thích có Như, anh thích Như… Nói cho rõ là anh có cảm tình với Như nhiều hơn hết. Như biết không?

Tôi nhìn Thắng sững sờ… tưởng như có một mảnh trăng vừa rớt xuống chính giữa tôi với chàng. Ánh vàng phản chiếu rõ đôi mắt đắm đuối, nồng nàn kia đang xuyên suốt vào tận trái tim sầu héo của tôi. Ánh vàng rọi sáng trên vai áo chàng, trên mái tóc đã điểm bạc, trên vầng trán in dấu tích thời gian… Tôi bối rối di di ngón chân mình trên đất tự hỏi; có thật như lời anh nói không? Sao anh lại thích đứa “nhà quê” như mình mà không phải là Hậu, Thúy, hay Hòa… Thắng nhích ghế lại gần tôi, chàng chống hai khuỷu tay trên đầu gối, rồi đưa hai bàn tay nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi nói tiếp:
– Như, hãy nghe anh nói; anh biết Như đã lâu kể từ khi anh bắt đầu vào chùa làm đèn. Vẻ hiền dịu với tính giản dị của Như đã gây chú ý cho anh rất nhiều…Đã bao nhiêu lần anh muốn làm quen với Như, nhưng mà lúc nào Như cũng quanh quẩn bên mấy bà, nên anh chẳng có dịp nào để bắt chuyện được. Mãi đến cái hôm Như làm rớt rổ lên đầu anh, thì anh mới quen được Như. Rồi Như mời anh về nhà chơi, trời ơi, lúc đó anh vui biết là bao, nghĩ rằng anh sẽ được bày tỏ những tâm tình riêng tư của anh cho Như nghe, sẽ được đi chơi với Như, sẽ được ở bên Như hoài…Nào ngờ, Như biến anh thành bạn chung của mọi người trong nhà. Anh vì tha thiết muốn gặp Như cứ phải đến đây hàng tuần, cố tìm một việc gì làm để chờ Như. Còn dặn lòng mình phải kiên nhẫn. Đôi lúc, anh cảm thấy buồn vì Như thờ ơ quá, rồi anh lại giận chính mình sao Như ngay đó mà anh không thể bày tỏ những điều riêng cho Như biết. Sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn, anh không thể chờ đợi lâu hơn nữa, vì vậy anh đã quyết định phải nói với Như một lần… một lần như đêm nay… Nói thật với Như nhé, có nhiều đêm anh mơ thấy Như trong giấc ngủ… lại còn ao ước một ngày nào… Như sẽ… bằng lòng về sống với anh cho hết cuộc đời còn lại…

Tôi im lặng nghe từng lời của Thắng như đang tận hưởng một dòng nước mát từ từ thấm nhẹ vào những góc cạnh khô nứt trong tâm hồn mình. Hơn hai mươi năm qua, tôi đã đắm chìm trong cuộc hành trình mơ tưởng về một tình yêu với người lính. Tôi đã sống với những mộng ước viễn vông, với sự chờ đợi héo hắt, với niềm hy vọng thật mong manh. Tất cả đã vắt kiệt gần hết sự ướt át của thời tuổi trẻ trôi nhanh theo năm tháng, cho tôi ngỡ là trái tim lẫn tâm hồn mình đã chết héo tự lâu rồi. Thực lòng tôi cũng cảm mến Thắng, nhưng tôi vốn là đứa hay mặc cảm tự ti, cứ khép mình trong một thế giới an phận, biệt lập.Tôi không dám nghĩ đến một ngày nào có một người đàn ông, một người là cựu lính chiến, sẽ đến bên tôi để nói những lời tỏ tình khi tuổi xuân của tôi đã ngày càng ở xa. Thế mà đêm nay, dưới bóng trăng, tôi đang có Thắng ở bên cạnh, đã cho tôi những lời tình êm như mơ, nhẹ như dòng nước đang lan rộng dần, tràn ngập lên môi, lên mũi, lên mi cho những giọt nước mắt hạnh phúc trào ra trên má tôi không kềm được…
Thắng chuyển qua ngồi trên chiếc ghế cạnh sát bên tôi, chàng quàng tay qua vai tôi hỏi giọng lo lắng:
– Kìa, sao Như khóc vậy? Anh nói làm Như buồn sao?
Tôi bặm môi lắc đầu, lấy ngón tay chậm nước mắt.Tôi ấp úng nói:
– Như vui cũng … khóc… Như cũng sợ… không biết… anh nói… thiệt lòng không?
Thắng nâng mặt tôi lên:
– Như, nhìn thẳng vào mắt anh đi, anh không bao giờ nói dối Như. Tại sao lại nghi kỵ anh vậy, Như chạm tự ái anh rồi đó.

Tôi cúi xuống im lặng, nghĩ đến câu: “Đường nào dài bằng đường Phi Đạo, lính nào Xạo bằng lính Không Quân”… Tiếng Thắng tiếp:
– Như à, trước khi anh lấy vợ, ngay cả lúc gặp người vợ trước, anh chưa từng có một cảm giác nào đặc biệt như cảm giác lúc gặp Như, nhất là bây giờ… Ngừng một lúc, Thắng chỉ lên mặt trăng nói , Như nhìn lên mặt trăng đi, hôm nay là ngày 14 sám hối đó, trăng 14 là mảnh trăng đầu cho 2 ngày 15, 16. Nó trong sáng rõ ràng như tấm lòng của anh, tròn đầy như tình cảm anh dành cho Như.
– …
– Như có thể không tin anh… Như cũng có quyền không thích hay không thương anh, nhưng hãy cho anh cái quyền. ..thương Như, nghĩ đến Như, anh chỉ mong là Như sẽ đi dự họp hội ngộ với anh nhé?
– …
– Như nói gì đi chứ!
Tôi nhìn Thắng hỏi:
– Anh muốn Như nói cái gì bây giờ?
– Nói gì cũng được, nói là Như đi dự hội ngộ với anh.
Tôi gật đầu:
– Như sẽ đi, hôm đó anh có mặc đồ quân phục không?
– Có chứ!
– Hôm nào có dịp anh mặc đồ bay vào cho Như coi với. Như chưa bao giờ nhìn thấy quân phục của binh chủng Không Quân ra sao.
Thắng trợn mắt:
– Như nói thiệt không? Chưa bao giờ thấy quân phục không quân hả, sao vậy?
Tôi gật đầu:
– Như nói thiệt, hồi đó ba Như với anh Như đi lính bộ binh, Như chỉ thấy bộ đồ lính của ba với anh Như thôi. Như chưa thấy những người lính mặc đồ khác bao giờ. Lúc 75, Việt Cộng vào Như mới học lớp 8 à, đâu có biết gì về lính không quân như anh đâu.
Thắng cười:
– Ok, mai anh chở Như lại nhà anh chơi, anh lấy đồ bay mặc cho Như coi, chịu không?
Tôi mỉm cười gật đầu, Thắng nhìn tôi đăm đăm, ánh mắt biết nói của chàng sao tha thiết đến thế. Tôi hỏi chàng:
– Sao anh nhìn Như hoài vậy, bộ mặt Như còn ngái ngủ hả?
Thắng phì cười:
– Không, tại Như dễ thương quá.
Vừa nói chàng vừa đưa tay vuốt tóc tôi, rồi mạnh dạn hôn nhẹ lên trán tôi… Chợt có tiếng động phía sau, tôi và Thắng cùng quay lại, bóng chị Hậu vừa lướt qua cánh cửa. Chắc chắn là chị đã nhìn thấy Thắng hôn tôi. Tôi ngượng ngùng đứng dậy, bỏ mặc Thắng chạy theo Hậu:
– Chị Hậu, chị Hậu mới về hả?
Tôi nghe tiếng Thắng phía sau:
– Anh ra đằng trước hút thuốc một chút.
Không trả lời Thắng, tôi đi quanh tìm chị Hậu, thấy chị đang đứng gần cánh cửa phòng giặt. Tôi nói:
– Em cứ tưởng là chị với anh Thắng thương nhau…
Hậu cắt ngang lời tôi:
– Thương hồi nào… Thắng thương em thì có…
Tôi ấp úng một cách ngớ ngẩn:
– Ảnh mới vừa…
Chị Hậu lại cướp lời tôi:
– Mới vừa tỏ tình với em xong chứ gì. Thắng nhờ chị sắp xếp để gặp em riêng lâu rồi, nhưng chị bảo anh ta phải tự cố sắp xếp lấy.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên:
– Sao chị không nói với em? Em đang phân vân vì cứ nghĩ đến câu: “đường nào dài bằng đường Phi Đạo…” mà chị nói hôm bữa.
Chị Hậu cười lớn:
– Không đâu, chàng cựu Không Quân của Như đặc biệt đó, chàng thuộc người chân thật nhưng chắc là chỉ chân thật với Như thôi. Ủa, mà ổng trốn đi đâu rồi?
– Ổng đi ra ngoài hút thuốc. Tôi vừa nói vừa xếp mấy cái chén sạch vào ngăn tủ.
Chị Hậu bước ra, giằng lấy cái chén trên tay tôi:
– Thôi, ra ngoài đó nói chuyện với người ta đi, đừng làm bộ luẩn quẩn ở đây nữa.
Tôi ngần ngại một lát, chị Hậu đẩy tôi tới giục:
– Đi đi!
Tôi bước ra ngoài sân trước, nhìn quanh tìm Thắng. Chàng đứng bên cạnh cây Tùng xanh cao, mắt ngước nhìn lên trời. Tôi đi nhẹ đến sau lưng chàng hồi hộp hỏi:
– Ủa, sao anh bảo ra đây hút thuốc?
Thắng quay lại nhìn tôi mỉm cười:
– Anh định hút thuốc, nhưng thôi…Rồi Thắng quàng tay qua vai tôi xiết nhẹ, chàng cúi xuống thì thầm. – Anh muốn hôn Như quá…
Tôi mắc cỡ quay đi, hỏi sang chuyện khác:
– Ngày mai anh có đến chơi không?
– Có chứ, ngày mai anh sẽ đến chở Như đi chơi, Như muốn đi chơi đâu?
– Như muốn đi ngắm biển, đêm trăng trên biển chắc đẹp lắm hả anh?
– Ừ, đẹp lắm.
Tôi nhắc thêm:
– Rồi anh sẽ mặc quân phục cho Như coi nữa.
Thắng cười cười:
– Ừ, sẽ cho Như thấy hình ảnh của người lính Không Quân… già.

Nói xong, Thắng nâng mặt tôi lên, nhẹ nhàng đặt môi chàng lên môi tôi một nụ hôn dài say đắm. Tôi chơi vơi trong cảm giác lâng lâng, ngẩn ngơ nhìn bóng trăng đang lặng lẽ dấu một nửa mặt sau làn mây, chỉ hắt ra một chút ánh sáng mờ ảo kỳ diệu. Ánh sáng của tình yêu sau bao nhiêu năm dài u tối, tôi nhắm mắt lại nghe trái tim đập lên từng nhịp bồi hồi. Đêm nay tôi sẽ mơ một giấc mơ đoàn tụ thật vui, thật ngọt ngào có cha mẹ, có anh Long và có Thắng…

Ta Còn Nợ Nhau

Ngày xa anh, lòng em đầy u uẩn
Tưởng ân tình như dứt được từ đây
Đêm một mình bên gối, mắt lệ cay
Tim đau đớn trào lên bao thổn thức

Nghĩ đến anh sao cứ hoài ấm ức
Sớm mai buồn, chiều lại thấy bơ vơ
Em ra vào quanh quẩn với âu lo
Sợ anh ốm biết ai người săn sóc?

Đã bao lần, em dặn mình đừng khóc
Phải vững lòng chèo chống với cô đơn
Phải tĩnh tâm không nghĩ đến tủi hờn
Phải can đảm sống trọn đời cô độc

Thời gian đổi thay nhanh trên màu tóc
Nỗi ưu phiền ám ảnh lẫn ngày đêm
Anh võ vàng, tiều tụy đến tìm em
Mình đau xót nhìn nhau… rồi lệ ứa

Bỗng, giận dỗi …dường như …không còn nữa
Chỉ là đây ánh mắt ngập thương yêu
Lệ vui mừng trôi hết những quạnh hiu
Những cay đắng, uất hờn theo dĩ vãng

Mình trở về thành phố xưa êm vắng
Vì chữ “tình” ta còn mãi nợ nhau
Vì chữ “quên” ta làm lại từ đầu
San sẻ hết cho cuộc đời sau cuối…

Tìm Nhau

Tìm nhau từ lúc nổi trôi
Tìm nhau bạc tóc dẫu đời phù du
Tìm trong gió cát bụi mù
Trong cô liêu rụng, đau vùi nỗi đau
Trong nghìn kiếp đợi mong nhau
Trong hơi sương muộn bạc màu trăng khuya

Yên Sơn

Họa

Tìm nhau từ thuở cách chia
Qua bao dâu bể đành lìa tình mơ
Đêm, tìm kỷ niệm vào thơ
Nhớ người xưa lại ngẩn ngơ nỗi lòng

Thiên Lý

Tìm Nhau

Tìm nhau trong giấc mơ hồng
Đôi ta cùng uống chung dòng thơ say
Trăng như tan loãng vào mây
Gió khe khẽ ủ vòng tay ân tình
Đêm cô quạnh chỉ một mình
Em như chiếc bóng theo hình nơi xa
Tìm anh trong chén rượu ngà
Hơi men nồng đẫm lệ nhòa mắt sâu
Yêu thương tím cả trời sầu
Tâm tư chôn hết vào câu thơ buồn…

Tình Thơ Trên Giấy

Từ khi mình quen nhau
Em mới tập làm thơ
Gởi bao niềm yêu dấu
Vào cõi mộng vu vơ

Những đêm nhìn trăng sáng
Ngơ ngẩn một nỗi lòng
Thẫn thờ bên giấy trắng
Viết hoài chữ nhớ mong

Có đôi lần ao ước
Bóng trăng là bóng anh
Dõi theo em từng bước
Trên những chuyến độc hành

Thơ viết đầy trang giấy
Từ dạo mình quen nhau
Em rụt rè biết mấy
Nào dám tỏ bày đâu

Từ khi mình quen nhau
Trăng tròn rồi lại khuyết
Buồn len trong mắt nâu
Em lo ngày ly biệt
***
Rồi từ lúc quen nhau
Tháng tư làm rạn vỡ
Anh tù tội vùng sâu
Tình ta đành dang dở…

Mấy mùa trăng em đợi
Tin anh vẫn bặt tăm
Lòng ngổn ngang trăm mối
Nỗi buồn thương xa xăm

Một chiều mây tím giăng
Hãi hùng nghe tin dữ
Anh chết giữa mùa trăng
Nơi đồi cao mưa lũ

Anh nằm lại trên đồi
Thân chôn cùng cỏ mục
Giữa bốn bề đơn côi
Hồn đau trong khổ nhục

Tan nát cả cõi lòng
Quay cuồng theo giông bão
Hết rồi chữ nhớ mong
Con tim sầu áo não

Chưa bao giờ em nói
Được một lời cùng anh
Mấy mùa trăng em đợi
Chỉ ghi vào thơ xanh

Tình thơ còn trên giấy
Mãi mãi tháng tư nào
Tìm nhau hoài không thấy
Nửa đời tim xé đau…

Một Thời Giông Bão

Đã mấy năm rồi bặt tin anh
Buồn, lo, thương, nhớ lệ năm canh
Con khóc đòi cha mà đau ruột
Biết nói làm sao để dỗ dành

Tin báo về anh ở trại tù
Nghẹn ngào, mừng rỡ mở tờ thư
Bỗng thêm lo lắng vì xa lạ
Địa chỉ hòm thơ chốn mịt mù

Vắn tắt anh ghi chỉ mấy dòng
Hỏi thăm con có khoẻ hay không?
Xin em tiếp tế vài ba thứ
Để giúp anh qua lúc đói lòng

Em xót xa trong nỗi thẫn thờ
Chuyện đời cơm áo với con thơ
Giữa cơn giông bão em phải cố
Gồng gánh hai vai trách nhiệm chờ

Con bồng con dắt quá thảm thê
Cuộc sống không anh thật não nề
Sóng gió bao lần xô em ngã
Thương con, gắng dậy đợi anh về

Năm tháng trông mong đã mỏi mòn
Thân tàn sức kiệt dạ héo hon
Em đang lây lất từng giây phút
Tiếng nấc nghẹn sâu nỗi tủi hờn
*
Không kịp cho con những dặn dò
Mẹ đi trong giấc ngủ như mơ
Cha về một buổi chiều thu tím
Chết lặng hồn đau chẳng thể ngờ

Rồi cha thay mẹ đẩy thuyền trôi
Dắt díu con qua trận bão đời
Thuyền dẫu chòng chành, cha vững lái
Giữ tay chèo đưa con tới nơi

Tự do yên ấm ở chốn đây
Cái giá mà cha đã tù đày
Còn bao xương máu người ngã xuống
Còn cả trăm điều rất đắng cay

Một thời giông bão đã đi qua
Mấy mươi năm đâu dễ xoá nhoà
Mỗi tháng Tư về cơn sóng nhớ
Muôn người ký ức nổi phong ba

Đêm nằm nghe tiếng thời gian
Một đời mơ mắt lệ tràn dấu son
Căn nhả nhỏ mảnh vườn con
Ngày ngày đọc sách dưới vòm thông xanh
Chiều ra đan áo bên mành
Nhìn bao lá rụng từ cành thu sang
Thảnh thơi ngắm mặt trời vàng
Từ từ khuất bóng bên hàng núi tây
Ráng chiều nhuộm đỏ chân mây
Đàn chim vỗ cánh theo bầy bay xa
Gió reo trên ngọn thông già
Vẳng đưa tiếng trẻ hát ca bên đồi
Mặt hồ thoáng bóng ai ngồi
Thuyền câu dăm chiếc thả trôi theo giòng
Chiều đi giữa khoảng trời không
Màu chiều yên tĩnh lắng trong tâm hồn
Chuông chiều buông mấy tiếng buồn
Từ nơi xa vắng cõi hồn chơ vơ
Căn nhà nhỏ, mảnh vườn thơ
Trở mình thức dậy… giấc mơ tan rồi.

Thuyền Lá

Xa xa một chiếc thuyền trôi
Mỏng manh như chiếc lá rơi giữa giòng
Bóng chiều pha tím mặt sông
Trăng soi ánh biếc mênh mông giải vàng
Trong làn sương phủ mơ màng
Thuyền theo gió đẩy nhẹ nhàng thong dong
Bâng khuâng lòng tự hỏi lòng
Biết thuyền có ghé bến mong thuở nào?

Ngẩn Ngơ

Chiều rơi chút ánh nắng tàn
Chiếu vài tia mỏng dưới giàn hoa mây
Gió nhè nhẹ thổi hơi say
Chân trời điểm dấu chim bay xa vời
Chìm trong cõi mộng chơi vơi
Dòng thơ ngày cũ một trời thu xưa
Thoảng nghe khúc nhạc dưới mưa
Ngẩn ngơ lại nhớ thuở chưa biết buồn .

Buồn

Một ngày nào mình đã quên nhau
Giữa cảnh trời thu lá đổi màu
Bài thơ dang dở buồn trên giấy
Viết nữa làm chi, thêm nỗi đau

Những buổi chiều thu gió giận hờn
Trút hàng lá đổ khóc cô đơn
Trăng soi sầu muộn cho tình khuyết
Nửa mảnh thơ rơi buốt lạnh hồn

Đêm Buồn Cuối Năm

Đêm buồn khai rượu một mình
Cụng ly với bóng trút tình tự tâm
Nghe ngoài hiên gió than thầm
Cây chưa xanh lá mà năm qua rồi
Nhấp ly rượu, sao đắng môi
Nồng cay lên mắt, bồi hồi nhớ quê
Chập chờn như tỉnh như mê
Đón năm mới đến lòng tê tái buồn

Mộng Đêm Xuân

Đêm mơ, thấy lạc giữa rừng
Bốn bề yên lặng, côn trùng ngủ say
Ô kìa, trăng rớt trên cây
Ngàn sao chụm lại gần mây tỏ tình
Đêm mơ, ngồi khóc một mình
Bên con suối vắng, nhớ hình bóng ai
Nhẹ nhàng gió lướt qua vai
Nghe như những tiếng thở dài của đêm
Đêm mơ, thấy anh cùng em
Chèo con thuyền nhỏ êm đềm trên sông
Trăng theo đôi bóng khua giòng
Rải lên mặt nước vàng trong ánh ngà
Mơ màng sương phủ mây xa
Núi non mờ ảo, bao la đỉnh trời
Thuyền đi không định hướng, nơi
Cứ trôi, trôi mãi bên đời mơ thôi
Đêm mơ, thấy mộng vỡ rồi
Con thuyền tan tác, trăng thời gãy đôi!
Nửa vầng trăng gãy chơi vơi
Cuốn vào mây nỗi nhớ người trong mơ
Nào ai hiểu được tình thơ
Đêm xuân mộng thắm vương tơ não nùng

Tháng Mười Năm Đó

Ta hẹn nhau bờ sông không tên
Một chiều thu phố đã lên đèn
Sương mờ giăng nhẹ bên kia núi
Anh dạo cung đàn khúc nhạc quen

Trời tháng mười hoàng hôn xuống nhanh
Chim sớm bay về tổ trên cành
Phương tây mang sắc hồng pha tím
Quyện khói sương chiều lên mỏng manh

Anh hát em nghe bản nhạc “ Chiều”
Cung trầm giai điệu luyến buồn hiu.
Hiện trong ký ức nào xa thẳm
Hình ảnh quê mình xưa dấu yêu

Hơi lạnh từ sông lên buốt da
Em co ro muốn trở về nhà
Anh bảo, hãy ngồi thêm tí nữa
Để anh bàn tính chuyện đôi ta.

Anh tặng em một chiếc nhẫn xinh
Hẹn năm sau đám cưới chúng mình
Em cười sung sướng rơi giòng lệ
Chợt ấm lòng nhau mấy phút tình

Trời tháng mười hôm ấy nhiều sao
Em bồi hồi lẫn cả nôn nao
Khi nghĩ đến ngày xa vùng núi
Về bên anh miền biển ngọt ngào.

Rồi từng thu qua em vẫn mong
Niềm thương nỗi nhớ ngập trong lòng
Đếm lá rơi buồn theo năm tháng
Mỏi mòn em đợi hoá như không .

Anh ra đi tìm một thiên đường
Nơi nhiều bóng sắc ngát mùi hương
Say trong men rượu tình quên lãng
Hẹn ước tan rồi câu yêu thương

Trời tháng mười gió bay lang thang
Cuốn lá rơi xao xác tiếng đàn
Bên khung cửa nhỏ em ngồi nhớ
Chiều vắng bên sông đã úa vàng

Vầng Trăng Thơ Ấu

Tôi dắt em về thơ ấu xưa
Vùng trời êm mát bóng xanh dừa
Có lời ru nhẹ trong hơi gió
Kẽo kẹt trưa hè nhịp võng đưa

Tôi dắt em về một đêm trăng
Cùng nhau vui chạy nhảy tung tăng
Và nghe bà kể bao huyền thoại
Chú cuội cây đa với chị Hằng

Rồi thả hồn theo những giấc mơ
Đêm trăng sương lạnh phủ xa mờ
Bóng Hằng Nga lướt trên sân cỏ
Mang chiếc đèn lồng sáng ánh tơ

Trung thu như giấc mộng thần tiên
Riú rít vui sao hội rước đèn
Lân múa rộn ràng khua trống nổi
Trăng cười hiền dịu sáng trên hiên

Tôi yêu màu nến đỏ lung linh
Thắp sáng đèn hoa đủ dạng hình
Yêu đêm trăng rạng ngàn sao thẳm
Yêu tiếng em cười trong thủy tinh

Em hỏi tôi: sao trăng biết đi
Trăng theo em mãi để làm gì?
Em trốn trăng ngồi sau gốc mía
Vẫn thấy trăng cười rung khoé mi

Trăng theo em, trăng cũng theo tôi
Ta nắm tay nhau chạy xuống đồi
Đón ánh trăng vàng xem chú cuội
Chờ Hằng Nga đến để vui chơi

Mấy chục năm dài thơ ấu qua
Ta không còn dịp ngắm trăng ngà
Không còn thấy lại đèn hoa nữa
Cả bóng trăng vàng như cũng xa

Ta dắt nhau về thơ ấu xưa
Một đêm trăng lác đác sao thưa
Vẫn trong hơi gió lời ru nhẹ
Và nhịp võng nào đưa cứ đưa.

Thiên Lý