Tâm Thanh

Hương Xưa

Cây soan làm hồn tôi choáng ngợp. Tôi chỉ thấy màu tím nhạt nhòa như mây vương trên tàn lá màu lục, lửng lơ giữa bầu trời hè xanh trong điểm mây trắng.
“Đông! Anh sao vậy?” Karin, cô nhiếp ảnh đi chung, vỗ vai tôi.
Tôi giật mình, tỉnh người, nhưng mắt vẫn không rời được vùng tím lưng trời.
“Cây hoa tím này, tôi không biết tiếng Na-uy gọi là gì…”
Karin đã nhiều lần thấy tôi thẫn thờ, như lúc máy bay hạ thấp vào không phận Sài Gòn, tôi thấy những thửa ruộng, những mái nhà trải ra bên dưới; lúc tôi nghe xôn xao tiếng mẹ đẻ ùa vào tai; lúc tôi thấy một cây cầu khỉ vắt vẻo qua con lạch… Cô đã quen và thông cảm với một người trở lại quê hương sau mười lăm năm xa cách, tuy, theo cô, tôi hơi đa cảm so với con người tôi mà cô quen biết hằng ngày trước đây. Đôi khi cô rình chụp tôi, cô nói biết đâu những hình ảnh này có thể dùng cho bài phóng sự của chúng tôi.
“Mười lăm năm không gặp…?” Karin hóm hỉnh.
“Không phải mười lăm năm, mà lâu hơn nhiều.” Tôi cải chính.
“Anh mới bỏ Việt Nam mười lăm năm thôi mà?”
“Nhưng cái cây này… chỉ mọc ở quê hương miền Bắc của tôi. Tôi bỏ miền Bắc từ nhỏ.”
Nụ cười Karin hiền. Tôi đoán cô cười vì những chữ “cái cây này” của tôi. Sao tôi biết đó là cây này hay cây kia? Nhưng đối với tôi, chỉ có một cây soan trên đời. Cây soan vào mùa đông trụi lá, cành khô lẩn vào sương mờ như một ni cô, nhưng đến khoảng giữa mùa xuân thì bừng nở hoa tím, kiêu xa như một nàng tiên giáng trần.
“Đối với tôi, chỉ có một cây soan của tuổi thơ, ừ, cô cứ gọi tiếng Việt là ‘soan’, nào, ‘s…oa…n’. Nghe êm dịu không, Karin?”
“Không thấy gì cả.”
Thấy màu tím hoa soan hơi giống màu tím của hoa tử đinh hương, tôi hỏi:
“Syrin có gợi gì trong tai cô không?”
“Vừa trong tai, vừa trong mũi. Tôi ngửi thấy một buổi chiều thơm có gió rì rào.”
Karin hỏi chuyện khác:
“Quê anh ở đâu, Đông?”
Tôi lấy bản đồ chỉ một địa danh. Xong, tôi rủ cô vào một quán nước, nơi vẫn có thể nhìn thấy những bông hoa soan đong đưa. Gió núi từng cơn hừng hực. Karin áo loang mồ hôi. Cô có bộ ngực bề thế. Người tài xế cứ nhìn trộm hoài. Tôi kể tiếp:
“Di cư vào Nam, tôi vẫn mơ tưởng hoa soan, thích những người con gái có khuôn mặt trái soan. Vật đổi sao dời, hơn hai chục năm sau, tôi được tái ngộ cây soan khi trở về quê cũ như một người tù, trong số hàng ngàn sĩ quan, công chức và trí thức miền Nam. Toán chúng tôi được bỏ giữa rừng trong màn đêm trùng trùng. Sau một hồi cảnh cáo về hình phạt đương nhiên của trốn tù là cái chết, chúng tôi được tháo xiềng chân. Chúng tôi chỉ kịp trải tấm vải nhựa và lăn ra ngủ vùi. Gần sáng thì tôi thức giấc vì lạnh. Mùa đông ở đây lạnh khủng khiếp. Bây giờ cô khổ vì cái nóng, nhưng hồi đó tôi khổ vì lạnh.”
“Anh có nhớ nhà tù đó ở đâu không? Có gì mình đi tới đó quay phim?”
“Không, chúng tôi không định được vị trí.”
“Có thể là vùng này?”
“Tôi có cảm giác như vậy… Để tôi kể tiếp cô nghe:

Sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu tự cất nhà ở. Cái cảm giác tê lạnh đêm hôm đã thúc đẩy chúng tôi nỗ lực cất nhà gấp cho kịp đêm xuống. Nhờ thế trong thời gian kỷ lục, cả trại đã ổn định, với hàng rào, hội trường để học tập chính trị, nhà cho quản giáo, cầu tiêu, láng giam, nhà bếp… Khi cất trại tù xong thì chúng tôi bắt đầu đi lao động, mà việc chính là đốn nứa và canh tác mưu sinh. Một buổi chiều đi rừng về, tới cổng trại, tôi làm một cử chỉ mà trước đây ít khi làm là ngẩng đầu lên. Tôi nhìn thấy cây soan. Mặc dầu vào mùa đông, cây soan trụi hết lá, và lâu năm không thấy cây soan, không nhớ hình thù “ni cô trong sương mù” của tôi ra sao… nhưng thấy cây khẳng khiu này vào mùa đông, tôi nhất định cho là cây soan.”
“Mà đúng là soan không?” Karin hỏi và hút một ngụm nước dừa.
“Cô đoán coi: Tôi mải nhìn cây mà ngẩn người, nên bước đi chậm lại. Tên gác tù quát: ‘Cái anh kia! Sao không đi mà đứng đực ra làm cái gì?’ Tôi nói ‘Cây soan! Ôi! Cây soan! Có phải cây soan không, cán bộ?’ Tôi không dằn được cảm xúc. Người gác tù quát: ‘Chỉ lãng mạn tiểu tư sản!’ Anh ta không thúc báng súng vào hông như mọi khi. Điều này khiến tôi ngạc nhiên, đêm nằm ngẫm nghĩ, và khám phá ra một điều thật an ủi rằng người gác tù đó cũng có lần rung động vì hoa soan. Bằng chứng là tôi vừa nhắc tới hoa soan anh ta đã cho là lãng mạn tiểu tư sản. Cô biết không, cô đoán đúng, cũng như tôi, cuối xuân, cây soan nở đầy hoa tím ngát.”
Karin khỏe như voi. Con gái mà vác cái camera Sony nặng mười hai kí quay phim hằng giờ không biết mỏi. Nhưng cô có một tâm hồn mềm yếu, ngay lúc ở Na-uy cũng thế, mỗi lần đi công tác chung, tôi kể một chuyện gì về quá khứ gian truân của tôi, cô đều rươm rướm nước mắt, và nói anh phải viết sách kể lại cuộc đời anh đi. Và bao giờ cô cũng đưa ra một cảm tưởng, gián tiếp coi như cái lý do tại sao tôi nên viết. Karin bây giờ cũng thế, mắt rươm rướm, nói:
“Hôm nay anh được tái ngộ cây soan một lần nữa, như một người tự do.”
Chúng tôi đi chuyến này một công đôi việc, thứ nhất là theo Công Chúa Na-uy về khánh thành một làng cô nhi ở Việt Trì, thứ hai là làm phóng sự về những người vượt biên sang Hồng Kông bị hồi hương. Tình cờ, lộ trình này gần trùng với lộ trình cuộc tản cư của gia đình tôi năm xưa. Thành ra, đi quay phim mà như đi hành hương.
Tôi không nhớ rõ mình kể cho cô đồng nghiệp Karin hay chỉ lẩm bẩm một mình truyện sau:
***
Thầy tôi đi đâu không biết mà đến tối mịt mới về nhà.
Ông nghiệm giọng ra lệnh: “Tản cư!”
Cả nhà vội vàng thu vén quần áo, tư trang, thực phẩm đi đường, dồn vào tay nải, sáng sớm hôm sau lên đường.
Tôi đương nhiên đi tay không. Lòng mừng khấp khởi nghĩ tới chuyến đi chắc là xa, rất xa. Chưa bao giờ được đi xa như thế. Từ Hà Nội lên Tam Đảo, Việt Trì, ngược Lạng Sơn. Có lúc đáp ô-tô, có lúc đi thuyền, có lúc đi bộ. Núi đồi hùng vĩ, đồi sim bát ngát, suối con, thác lớn, hoa đẹp, chim lạ… làm hồn trẻ thơ tôi ngây ngất. Những bữa ăn dọc đường, những câu truyện ma rừng mẹ kể trong quán trọ, trên đò dọc, đò ngang… khiến tôi như lạc vào thế giới nửa thần tiên, nửa quái dị, hư hư, thực thực. Ngay những lúc có báo động máy bay địch, người lớn lo âu, tôi đi nấp như chơi ú tim. Nhưng cuộc phiêu lưu kết thúc bằng một thảm kịch ở Lạng Sơn. Nhà tôi vừa định ở lại sinh sống trong một trang trại của bác Xiển, một đồng nghiệp với thầy tôi ở sở lục lộ. Mới được chừng một tuần lễ, tôi chưa được trèo hết các loại cây, chưa thuộc tên và tiếng hót, cách vỗ cánh của hết các loại chim, và cái ổ chim ròng rọc dài như trái mướp bên bờ suối chưa có trứng nào… thì anh Nuôi tôi bị tình nghi là Việt gian, bị chặt cổ bêu xác ngoài chợ.
Thầy mẹ tôi nuôi anh sau khi sanh ra hai người con đầu là gái cả, để… nhử cho con trai ra đời. Quả nhiên, sau khi anh Nuôi vào gia đình, thì anh Dũng, Hùng chen nhau ra chào đời một ngày. Mẹ sanh thêm hai người chị nữa rồi tới tôi, út. Anh Nuôi thương tôi nhất nhà, vì thế tôi khóc ngất đi khi nghe tin anh chết thảm. Và trong lòng lại nơm nớp lo sợ, lỡ anh bắt tôi theo. Tình cảm mâu thuẫn đó, tôi không dám thố lộ với ai, ngoài đứa con gái cùng tuổi, con Hương, con út bác Xiển.
Hương nói già:
“Hễ anh Nuôi bắt anh đi, em kéo anh lại.”
Nghe thế tôi vừa yên tâm phần nào, vừa khoái chí vì lần đầu tiên được gọi bằng anh.
Chôn cất anh Nuôi xong, thầy mẹ và hai bác Xiển xì xầm to nhỏ lâu lắm.
Một hôm thầy tôi lại hô: “Hồi cư!”
Bác Xiển trai sai Hương dẫn đường cho chúng tôi vì, theo lời cắt nghĩa của thầy tôi sau này, con bé đi “thám thính” thì không ai nghi ngờ, trong khi đó cả gia đình bác phải ở trong nhà, thắp đèn Hoa-kỳ giã gạo, xay bột rầm rập, bóng người in rối rít lên vách, du kích quân tưởng tất cả đang làm bún. Hương thoăn thoắt đi trước, qua nhiều đường tắt, một sườn đồi, một con suối cạn. Tôi nắm chặt tay thầy, đi mà run, vừa sợ du kích, vừa sợ hồn anh Nuôi đòi… đi theo. Tới bờ sông, nước đêm đã lên lớn hơn bác Xiển dự tính, tôi và Hương không tự lội qua được. Thầy cõng tôi, chị Cả đưa tay nải sang cho anh Dũng để cõng Hương. Mẹ và các anh các chị giắt díu nhau lội bì bõm. Trong ánh trăng mờ, tôi thích thú nhìn sang Hương đúng lúc nó cũng nhìn sang tôi. Khi sang bên kia bờ, mẹ ngồi xuống, ôm Hương vào lòng, vạch cổ nó, nhìn một miếng ngọc đeo bằng một sợi dây dù, mỉm cười hài lòng.
“Cháu tạm về, nhá,” mẹ vuốt tóc nó nói, “từ đây bác trai biết lối rồi.”
“Cho cháu theo tới chợ đi!” Hương rụt rè nói, mắt nhìn giòng sông đang lên.
Cả nhà nhìn con bé với vẻ ái ngại. Mẹ tôi nghĩ là nó sợ không dám lội về, vội nói:
“Cháu đừng ngại, anh Dũng cõng cháu sang sông. Hùng, Dũng! đứa nào cõng em về bên kia, mau!”
Anh Dũng vừa ngồi xuống sẵn sàng cho Hương bám cổ, nó lảng ra, nói như van lơn:
“Cho cháu… chơi thêm tí nữa.”
Câu nói của nó vừa làm tim tôi đập bình bình vì sung sướng. Tôi nhớ lại những ngày ở nhà bác Xiển, tôi chơi với nó vui biết bao nhiêu. Tôi không hề nghĩ tới việc khi hồi cư là chúng tôi phải chia tay. Khi tới bờ sông, tôi cũng không hề nghĩ khi qua sông là Hương hết nhiệm vụ đưa đường. Lúc này, tôi nghĩ nên nói hùa một câu với Hương, nhưng không hiểu tại sao, tôi không mở miệng được, và chân tôi như bị chôn xuống đất, mặc dầu tôi muốn bước lại gần nó để chứng tỏ tôi cũng thích chơi với nó thêm tí nữa. Nhưng có cái gì đó làm tôi ngượng ngập. Đó là lần đầu tiên tôi có sự rung động khác lạ.
“Rồi làm sao em về?” chị Cả hỏi Hương đang gặm gấu áo cánh.
“Em theo… chị ra chợ… Tan chợ em qua sông bằng đò,” Hương trả lời thành thạo.
“Vậy mình đi đi cho kịp xe ca, sáng bét rồi!” mẹ nói.
Tôi mừng rỡ, quên cảm giác lạ ban nãy, chạy lại ôm lấy nó. Hai đứa nắm tay nhau, chạy ù đi trước và bỏ người lớn một quãng thật xa.
“Về Hà Nội, anh không được chơi trò đố lá nữa,” tôi nói và đi chậm lại.
“Sao vậy, anh?” Hương hỏi.
“Nhà anh không có cây. Đằng trước chỉ có cây bàng. Không có bìm bịp, móng rồng, lưỡi rắn, mồng gà, cứt lợn, mõm chó… cái gì gì nữa.” Tôi chỉ nhớ những cây mang tên loài vật.
“Em cho anh cái này…” Hương móc trong túi áo cánh nâu một vật gì “Xòe tay ra!”
“Cái gì thế?”
“Đố anh biết!”
“Cái nụ hoa.”
“Hoa gì?”
“Anh không biết hoa gì.”
“Nói đi! Nói sai không kể.”
“Chịu thua.”
“Hoa chè đấy.”
“Thơm không?”
“Ngửi đi!”
Tôi đưa nụ hoa lên mũi hít vào.
“Chẳng ngửi thấy mùi gì sất.”
“Đưa đây! Bóc vỏ ra. Ngửi đi.”
“Hơi thơm… Càng bóc ra càng thơm… mùi chè.”
“Đã hẳn. Chè mà.”
“Ăn được không?”
“Anh nếm thử đi!”
“Chát chát.”
“Chờ một tẹo.”
“Ngòn ngọt.”
“Anh bóc hết ra đi!”
“Cánh hoa trắng quá, nhẩy? Cái nhụy vàng. Và thơm gớm!”
“Thơm lắm. Pha nước chè thơm lắm đấy.”
Hương nói, rồi móc trong túi ra một vộc nụ hoa trà, nói:
“Cho anh mang về Hà Nội.”
“Đút vào túi quần hộ!”
Tôi banh túi quần soọc ra cho Hương bỏ nụ hoa vào, nhưng nghĩ sao tôi lại banh túi ngực áo sơ-mi.
Hương dặn:
“Nhớ phơi khô đí!”
“Mấy nắng?”
“Em chả biết. Cứ khô thôi.”
Hôm mới về nhà bác Xiển, tôi đã cho Hương một hòn bi ve và một hòn bi sắt. Nhưng lúc này tôi nghĩ phải cho nó cái gì để làm… kỷ niệm. Trong túi tôi có mấy hột na mà tôi cho là một loại hột kỳ lạ.
“Cho em cái này…” tôi vét túi đưa cho Hương mấy hột na.
“A! Hột na!”
“Em biết hột na nó mọc làm sao không?”
“Em chả biết.”
“Nó biết nhảy đí.”
“Thảo nào, nó giống con bọ vắt. Sao em chả thấy nó nhảy?”
“Giồng xuống đất nó mới nhảy chứ lị!”
“Lạ quá, nhỉ? Ai bảo anh biết thế?”
“Chị Sen… Chị ấy bảo nó mọc chỗ nào phải lấy nồi đất mà úp… Thế mà có khi sáng ra chẳng thấy nó đâu.”
“Nó biết độn thổ nữa à?”
“Không. Chị ấy thấy cái nồi có cái lỗ. Tại hột na bung ra đí mà, khiếp chưa?”
“Eo ơi!”
Con Hương rụt cổ lại, muốn trả lại hột na.
“Không sao đâu. Em vùi nó xuống đất, rồi lấy cái gáo dừa mà úp, bên ngoài úp thêm cái nồi đất là nó biệt có nhảy đi đâu được.”
***
Cô nhiếp ảnh viên cùng tôi đang ngồi xe lửa trở về Sài Gòn. Thấy tôi ngồi thừ nhìn đăm đăm qua cửa sổ, Karin nói:
“Đông! Chắc anh lại thấy thêm một cái gì… sau năm mươi năm?”
“Không, lần này tôi lại tìm một cái không thấy…” Tôi trả lời.
Tôi muốn nói cây na.
“Anh nói lạ, cái gì?” Karin dò hỏi.
“Cây na. Lại một loại cây tôi không biết tiếng Na-uy gọi là gì. Một loại cây ăn trái.”
“Có gì đặc biệt với trái đó?”
“Trái này cũng có nhập cảng từ Thái-lan vào Na-uy. Hình thù giống trái lựu đạn, ngon lắm. Nhưng không phải vị ngon của nó làm tôi ngẩn ngơ đi tìm.”
“Chứ cái gì?”
“Hạt nó biết nhảy!”
Và tôi kể cho Karin nghe câu chuyện về hạt na phải nhảy chỗ khác để nảy mầm như tôi đã kể cho bé Hương năm mươi năm trước.
“Có thật không?” Karin hỏi.
“Không biết. Cho tới bây giờ tôi vẫn tin như thế.” Tôi trả lời.
“Có phải anh là người duy nhất tin?”
“Còn hai người khác. Người thứ nhất là chị Sen, chị đã chết trong trận đói lớn. Người thứ hai là Hương.”
“Bây giờ Hương… bà Hương ở đâu?”
“Tôi không biết. Thầy tôi không đưa gia đình về Hà Nội mà lại về nhà bà nội dưới quê. Bác Xiển cũng đưa gia đình về thăm chúng tôi, ở khoảng một tháng. Đó là một tháng thần tiên nhất đời tôi. Tôi dắt Hương đi câu cá, cỡi trâu, chơi chòi, chơi đố lá, ướp hoa trà. Vào tuần thương khó trước lễ Phục sinh, dân làng hái hoa soan thơm trộn với ‘bỏng’, bỏ vào quan tài Chúa Giêsu, cho giáo dân tới kính viếng và hôn. Trẻ con như tôi thấy chân Chúa có dấu đinh và máu me thì sợ lắm, nhưng lại ham bỏng, nên rủ nhau vào ‘viếng mộ’ để hốt bỏng. Hốt mỗi đứa đầy một vạt áo dài xong, tôi và Hương leo lên gác chuông nhặt hoa soan để riêng, bỏng để riêng. Ăn hết bỏng, lại vào ‘viếng mộ’ nữa. Hoa soan trên gác chuông, được nắng, khô lại, gặp gió bay lả tả.”
Bỗng tôi ngưng kể, vì chợt nghĩ chắc Karin sẽ thấy nhàm chán phải nghe về những sắc hoa, mùi hương cô chưa bao giờ rung cảm.
“Rồi mối tình của anh với Hương ra sao?” Karin hỏi đùa.
“Trẻ con mau quên.”
Tôi nói nhưng biết đứa trẻ con đó vẫn còn trong tôi.

Xe lửa chạy qua những đồi chè, tôi im lặng ngắm. Hết những đồi chè lại tới những làng mạc tiêu điều, tôi kể tiếp cho Karin nghe về thời kỳ khủng bố có tên là cải cách ruộng đất.

“Một ngày kia, thầy tôi đi đâu vắng nhà cả nửa tháng. Về tới nhà, thầy gọi mẹ vào buồng, đóng cửa nói chuyện xầm xì, và tôi nghe mẹ khóc thút thít. Các anh chị sợ, chỉ đứng ngoài chờ tin dữ. Tôi cậy được cưng chiều, xô cửa vào, đứng bên thầy. Trong bóng tối, thầy cầm tay tôi kể lại tai họa vừa xảy đến cho gia đình bác Xiển. Hai bác bị đấu tố. Bác Xiển nhắn thầy lên để cứu em Hương, nhưng không kịp, hai bác đã chết, cả nhà đã tan nát, các anh chị và Hương không ai biết đi đâu. Mẹ hỏi tôi có biết tại sao em Hương quan trọng như thế đối với gia đình mình không. Tôi biết em quan trọng đối với tôi lắm lắm, nhưng tôi không biết nó quan trọng thế nào đối với gia đình tôi. Tôi lắc đầu thưa con không biết. Mẹ mở hộp tế nhuyễn lấy một miếng ngọc, trong ánh sáng lờ mờ, miếng ngọc xanh chiếu sáng thật đẹp. Mẹ đeo ngọc cho tôi, và nói hai gia đình đã hứa gả con cho nhau, chỉ chờ ngày trưởng thành là làm đám cưới.”
Karin chồm người về phía trước hỏi:
“Rồi có cưới nhau không?”
Tôi lặng người đi một lát rồi lắc đầu, đáp:
“Gia đình tôi di cư vào Nam, và bặt tin Hương từ đó. Hai chục năm sau Miền Nam đổi chủ. Tôi được chở ra Bắc ‘cải tạo’, tự tay trồng những cây trà thành nụ, nở hoa thơm ngát. Thỉnh thoảng tôi thấy hoa soan rơi trong gió hè. Một hôm đi qua xóm nghèo, tôi thấy một cái nồi đất nằm úp ngoài vườn một mái nhà tranh. Tự nhiên tôi nghĩ bên dưới cái nồi chắc có một hạt na. Nhìn thấy cái nồi bể một lỗ, có ngọn rau càng cua xanh non ngoai ra, tôi tưởng tượng hạt na đã nhảy đi nơi khác để nẩy mầm.
Gần đó, một người đàn bà đang lom khom tưới rau.”

Thiên Nga Giữa Cõi Người

Cặp thiên nga nổi bập bềnh như hai cụm mây trắng muốt vừa rớt từ nền trời xanh xuống mặt hồ Eidselva. Giống thiên nga này được xếp vào giống thiên nga đẹp nhất trên vùng sông hồ Telemark. Có lẽ vì bộ lông xồm trắng như tuyết, căng phồng lên như một nụ hoa sắp nở, con vật diễm lệ này được gọi là knoppsvane (thiên nga nụ, cũng có người nói gọi như thế vì mỏ nó có một cái khoen đen duyên dáng). Nhưng tiếng kêu của nó lại bệ rạc hơn bất cứ loại vịt, ngỗng nào. Mùa hè khi chúng mon men lại gần bờ để chờ đợi những mẩu bánh mì của khách bãi tắm, tôi nghe từ cặp mỏ vàng óng ả phát ra những tiếng khò khè khàn đục, tôi có cảm tưởng ngỡ ngàng thất vọng y như thấy một mệnh phụ xinh đẹp mở miệng thốt ra lời thô lậu. Ðúng là một loài chim để nhìn ngắm xa xa.

Từ nhiều năm nay -ít nhất là từ ngày tôi về định cư tại xã Nome- cặp thiên nga nụ đã trở thành những vật trang điểm duyên dáng cho bãi tắm vào mùa hè, đồng thời là những người bạn già đạo mạo của trẻ con. Không biết do ai bắt đầu mà người ta gọi con trống là Romeo và con mái là Juliet (người Na-uy viết thành Julie). Cho đến hôm xảy ra một tai nạn xôn xao cả vùng. Hôm đó tình cờ tôi cũng có mặt. Tôi đang nằm hóng mát trên bãi cỏ thì nghe tiếng náo động, hô hoán ầm ỹ ngoài mé sông. Tôi vùng dậy nhìn ra chỗ đám đông đang xúm lại coi thì thấy trên mặt nước một trong hai con thiên nga (không biết con Romeo hay con Juliet) đang nhào lộn đánh nhau với một con vật gì dưới nước, hình như một con cá khổng lồ. Khi “con cá” lặn xuống sâu thì con thiên nga (có người tinh mắt đã nhận ra con Romeo) bay vụt lên không chừng mươi thước, lượn một vòng quan sát. Khi vật dưới nưới trồi đầu lên, tôi đã nhận ra – không phải cá khổng lồ – mà là một người, một đứa bé. Vừa nhìn thấy đứa bé, con Romeo đã nhào xuống như một tia chớp trắng. Ðôi cánh của nó giang ra như cánh buồm, dài có hai thước dư. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy đôi chân của nó – đen thui, càng thêm vẻ hung hãn. Cũng may, đứa bé bơi lặn thật giỏi. Và không biết nó mấy tuổi mà khôn thế, nó lặn xuống để bơi vào bờ, tránh đòn của con chim. Con chim cũng không vừa, nó đề phòng, không bơi trên mặt nước như bình thường, mà lao vun vút như con thoi trên trời, chờ địch thủ ngóc đầu lên lấy hơi, là nhào xuống mổ. Ðôi cánh mà trước đây mỗi lần giang ra, trắng muốt như bạch ngọc tắm nắng, tôi thường thầm ví như đôi cánh thiên thần, bây giờ trông như cánh con bạch quỉ. Ðã có nhiều người nhào xuống nước bơi ra cứu đứa bé. Những người đứng trên bờ thì khua chân, múa tay dọa nạt con chim để trợ uy. Cuối cùng bốn người lớn, trong đó có một cô gái, đã bơi ra xua đuổi con chim và dìu đứa bé vào bờ. Ðứa bé trai tám tuổi không hề hấn gì, trừ vài vết trầy rướm máu đầu. Trong vòng tay bà mẹ rưng rưng khóc, thằng bé vừa hoảng hốt vừa có vẻ hãnh diện vì được đám đông tán thưởng đã can đảm chống cự được với con ác điểu.

Hôm sau đọc tờ báo địa phương Varden tôi thấy có đăng tin thiên nga tấn công trẻ em như một tin lạ, với hình con Romeo đàng hoàng. Người ta nói đôi chim tạm cư ở đây được khoảng bốn mùa hè (tôi cứ tưởng lâu hơn, từ khi chúng tôi dọn tới đây), quê quán chúng mãi trên vùng Moere, và mỗi con cân nặng khoảng 20 kg. Không ai biết lý do tại sao con vật tự dưng nổi điên như thế. Vợ chồng tôi đã hết hai tuần nghỉ thường niên, nên đi làm về chỉ kịp quanh quẩn ngoài vườn với mấy luống rau thơm và luống hoa là hết ngày, chúng tôi không hay ra bãi nữa, tôi không biết con thiên nga có nổi điên làm bậy nữa không. Và lúc này tôi mới thắc mắc không biết, lúc chồng nó nổi điên, con Juliet ở đâu. Tưởng sự việc được quên lãng như trăm ngàn việc vặt khác, không ngờ tới mùa đông tờ báo Varden lại đăng tin con thiên nga có thể bị tử hình. Tờ báo gọi nó là một con thiên nga “kỵ người” (mannevond svane).
Người ta kể rằng “phiên tòa” trên tòa hành chánh xã diễn ra gay go giữa Ủy ban Bảo vệ Thiên nhiên, Hội Phúc lợi xã Nome và Sở Công viên và Thể thao (ở Tỉnh về). Những người kết tội con Romeo đưa ra nhiều lý do: Thứ nhất nó đã đe dọa tính mạng một đứa trẻ. Họ nói từ lâu họ đã để ý hai con thiên nga nụ tỏ ra kênh kiệu, tàng tàng, không hiền lành như chim bồ câu, hay ít ra từ tốn như các con thiên nga khác. Chúng thuộc loại “kỵ người”. Thứ hai từ ngày cặp thiên nga này về định cư mùa hè ở hồ Eidselva, mấy con thiên nga khác không dám về nữa. Chúng độc chiếm giang sơn. Hồ rộng như thế chỉ có hai con chim làm cảnh, mất vẻ sinh động. Chúng đã thù người lại còn “độc tài, độc trị” đối với đồng loại, thì nên giết đi để bảo toàn cho khách lai vãng bãi tắm, nhất là trẻ em, và để hồ tắm thiên nhiên có nhiều thiên nga về. Thứ ba, “sự thay đổi tác phong không tiên đoán được” (nguyên văn trong bản báo cáo tâm lý) là một trong các triệu chứng điên, có thể trở thành nguy hiểm cho con người. Phe bênh vực con Romeo chả có căn bản vững chắc nào để bác lại ngần ấy lý lẽ. Họ chỉ có thể viện cớ vu vơ (cảm tính nhiều hơn là lý tính) như: dầu sao đôi chim cũng thuần từ nhiều năm nay. Việc tự nhiên một con tấn công người là một điều bất thường, chắc phải do một động lực bí mật, mọi người nên tìm hiểu thêm trước khi quyết định. Ðồng thời họ mời một chuyên viên về điểu học tới phiên họp, ông này cho biết rằng ông chưa bao giờ thấy một con thiên nga có “tác phong” như thế, trừ trường hợp nó bị phá ổ, mà trường hợp này không đúng ở đây, vì cặp thiên nga này là loại thiên di, chỉ mùa hè chúng mới về. Họ đề nghị bắt nhốt con chim lại để nghiên cứu xem nó có điên không rồi hẵng giết. Nếu nó không điên thì “phóng thích” và “quản chế”, đủ rồi. Những người gác bãi tắm sẽ có nhiệm vụ canh chừng nó. Hễ nó giở chứng nữa thì bắn hạ tại chỗ cũng chưa muộn. Cuối cùng khi lấy biểu quyết thì đa số đồng ý giết hai con chim. Phe bênh lúc đó mới có dịp vớt vát: tội ai nấy chịu, con Romeo hành hung đứa trẻ thì chỉ giết nó thôi, tha cho con Juliet. Ông điểu học lúc đó cho biết thêm thiên nga là loài một vợ một chồng, con trống con mái sống trọn đời trọn kiếp, giết con Romeo, con Juliet khó sống lắm. Người Na-uy quí trẻ em như vàng, nhưng cũng yêu thiên nhiên và loài vật, dù đã “lên án tử” con Romeo, họ cũng không biết xử với con Juliet ra sao. Ðằng nào thì cũng phải chờ tới mùa hè, chờ cặp chim vô tình dẫn xác về rồi tính.

Gấp tờ báo lại, đầu óc tôi nghĩ miên man về những điều mâu thuẫn. Một đàng tôi bồi hồi nhớ lại truyện L’Amour (Tình yêu) của Guy de Maupassant về cặp ngỗng trời, con mái bị thợ săn bắn hạ nằm sõng dưới đất, và con trống bay lượn trên trời kêu khóc thảm thiết, rồi nhào xuống lãnh đạn, chết theo người yêu. Hồi nhỏ khi đọc truyện tôi khóc, nhưng bởi vì tình yêu giữa đôi chim cao cả quá sức, tôi nghi là tác giả chỉ nhân cách hóa, bây giờ đọc lời phát biểu của nhà chuyên môn về chim muông, tôi mới biết rằng nhà văn Pháp tả chuyện thật. Cũng thế, khi đọc nhà văn Việt Nam Võ Phiến tả con chim cu chung thủy bịn rịn bên người yêu không cất cánh được, tôi cũng nghi là ông thi vị hóa. Không ngờ các vị đó nói thật cả, cái tình trong trời đất là thật, là bao la thắm thiết. Nhà văn, nhà thơ lớn có thể hư cấu chứ không bịa đặt. Ðằng khác tôi không hiểu được tại sao con vật kiều diễm, dạn người đó bỗng chốc trở thành hung hãn, nhào xuống tấn công đứa trẻ vô tội. Ðiều gì làm cho nó thành như vậy? Cái động lực bí ẩn thúc đẩy một kẻ thân người thành kẻ “kỵ người” thật là bi đát hơn chính bản án tử của nó.
Tôi đã để tâm theo dõi số phận cặp thiên nga có cái tên định mệnh Romeo-Juliet, nên khi thấy những dấu hiệu đầu tiên của mùa hè – búp lá dương cuộn tròn như tổ kén nở bung ra lung linh cẩm thạch, và ánh dương rực rỡ- tôi đạp xe ra bãi tắm mỗi buổi chiều sau khi đi làm về. Tôi thấy cặp thiên nga quen thuộc đã trở về. Và hoàn toàn do tình cờ tôi đã chứng kiến cảnh con Romeo bị giết. Tôi nói tình cờ vì lẽ ra ngày thường tôi chỉ có thể ra bãi tắm vào buổi chiều sau khi tan sở, hoặc vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng tôi biết, để tránh xúc động nhân tâm, xã sẽ không hành quyết con Romeo vào cuối tuần lúc có đông người ngoài bãi. Tình cờ, thứ hai đó tôi được nghỉ bù cho ngày công tác thứ bảy, nên từ sáng sớm tôi đã cuộn tấm nệm và một cuốn sách, đạp xe ra bãi. Bãi không một bóng người. Mặt hồ phẳng lặng in bóng trời xanh, mây sữa pha ráng mật ong nửa lãng đãng trên trời nửa nhễu xuống nước. Thỉnh thoảng một làn gió nhẹ làm lao xao mặt hồ và hắt những tia nắng lung linh vào mặt tôi.

Tôi trải nệm trên cỏ, nằm ngửa, thả hồn trôi theo mây nước, tận hưởng chút hạnh phúc như cụ Nguyễn Công Trứ – “kho trời chung mà vô tận của mình riêng”. Phút giây này tôi biết sẽ phù du, sẽ tan biến khi lát nữa đây bãi tràn ngập người ta. Vẫn là trời này, vẫn là đất này, và tôi vẫn ở vị trí này, trên vuông nệm này, chắc chắn sẽ không ai xua đuổi tôi, có người còn chào hỏi tôi, nhưng hồn tôi sẽ co lại như con sên giữa chốn đông người bản xứ. Toàn là những người bản xứ tử tế, lịch thiệp, nhiều người không thiếu ân cần. Họ biết tôi từ lâu năm, và tôi biết họ, tôi biết ơn, thân mật, chung đụng với họ, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy hoàn toàn hòa nhập với họ như hòa nhập với trời đất. Tôi có thể “tu luyện” để hưởng được hơi ấm của một giọt nắng trong vườn tuổi thơ ngay lúc còng người đi trong cơn bão tuyết. Nhưng lạ quá, tôi chưa bao giờ tránh được cơn gió bấc vô hình giữa con người. Tôi biết hoàn toàn là lỗi tôi, buồn lòng lắm, nhưng không làm gì được.
Bỗng tôi nghe tiếng xe ngừng ngoài lộ, rồi tiếng người nói và tiếng bước chân đi lại. Tôi ngồi dậy, thấy ba người đàn ông đi ra bãi tắm. Một trong ba người cầm khẩu súng săn. Tôi biết việc gì sắp xảy ra. Và thảm thương thay, cặp thiên nga lại không biết gì cả. Hai cái chấm trắng từ từ tách ra khỏi làn sương trắng mờ từ bên kia bờ, bơi sang … đất người. Tôi khấn thầm “Ðừng! Ở bên đó đi! Ðừng sang đây!” Nhưng cặp tình nhân vẫn nhởn nhơ bơi bên nhau như đi vào nơi non bồng nước nhược, cổ cất cao đài các, bơi tới đâu để lại sau hai vệt nước như tà áo choàng lụa mềm mại, gắn ngàn vạn hạt kim cương lấp lánh. Khi đôi thiên nga tới gần, tôi đã nhận ra chính là cặp Romeo-Juliet. Chúng bắt đầu khò khè xin đồ ăn. “Rất tiếc, ta quên mang bánh mì, làm ngươi không được ăn bữa tiệc cuối cùng”, tôi nói nhỏ với cặp thiên nga, và thấy xót xa trong lòng. Tôi nói bằng tiếng Việt để người ta đừng nghe “Bay đi! Trốn mau đi!” và lượm một viên sỏi liệng gần để đuổi chúng đi. Nhưng cặp vợ chồng chim lại tưởng tôi liệng đồ ăn, nghiêng mắt nhìn theo vành sóng tròn trên mặt nước, rồi tẽn tò, giương cánh vỗ nắng. Cặp chim trông như một cặp vũ ballet, cùng nghểnh cổ, cùng nghiêng đầu, cùng xoay mình, cùng đứng im. Tôi nghe tiếng của một trong ba người.
– Con bên trái, phải không?
– Ðúng nó đó, con có mào.
Một người không cầm súng nói với tôi:
– Ông không sợ tiếng nổ chứ?

Tôi lắc đầu. Và ông kia đưa súng lên nhắm. Nhưng ông ta không nổ súng được, vì đôi chim cứ quấn quít bên nhau. Tôi khấn thầm “Bơi sát lại nhau nhé, đừng rời nhau”. Nhưng thật là định mệnh, đôi chim không rời xa nhau, nhưng lại tiến lại gần người hơn nữa, ngay tầm súng. Ðoàng! Quác! Quác. Ðôi chim kêu thất thanh. Con Juliet bay bổng lên trời. Nhưng con Romeo chỉ nẩy lên, rồi sa xuống, đôi cánh trắng vùng vẫy tuyệt vọng trên mặt nước, xoãi ra, đầu gục xuống. Nó co giật vài cơn, rồi bất động. Con Juliet quác quác mấy tiếng thất thanh, lượn một vòng, rồi sà xuống, gục gặc bên cạnh con Romeo. Máu loang như ráng đỏ quyện lấy bóng cặp thiên nga in dưới nước như hai đám mây trắng. Con Juliet chũi đầu vào cánh chồng, lấy mỏ nâng cổ người yêu lên khỏi mặt nước. Nhưng cái cổ dài của con Romeo cứ trĩu xuống. Một người trong nhóm lấy một cây sào khều con chim chết vào bờ, trong khi con chim mái lẽo đẽo bơi theo, nửa giận dữ, nửa hãi sợ. Khi người ta nhét xác con Romeo vào một cái bịch rác đen lớn, con Juliet nhảy lên bờ đứng ngơ ngác. Xe pickup chở xác con Romeo đi rồi, con Juliet vẫn đứng trên bờ nhìn theo, lâu lâu nghển cổ kêu khò khè, như một người đàn bà khóc chồng tới khản tiếng.

Hôm sau, và suốt tuần lễ đi làm tôi không có dịp ra bãi nữa, nhưng lúc nào cũng bị ám ảnh về cái chết của con thiên nga trống và về số phận của con thiên nga mái. Vì thế sáng thứ bảy tôi đạp xe ra bãi từ sớm. Tôi phập phồng chờ đợi con thiên nga mái, mà không thấy nó xuất hiện. Tôi đoán hoặc người ta đã giết nó luôn, hoặc nó đã tự vẫn như lời đồn về những con chim chung tình tuyệt vọng. Quá trưa, tôi buồn bã trở về nhà. Suốt mùa hè tôi không ra bãi nữa.

Một đêm trăng mùa thu vợ chồng tôi rủ vợ chồng người bạn chèo ghe sang bờ hồ bên kia câu kreps (chúng tôi gọi là “tôm bọ cạp” như hình thù của nó). Mùa tôm bọ cạp năm nay bắt đầu từ ngày 6 đến 20 tháng 8, và vợ tôi đã mua sẵn 4 cái thẻ người lớn để được phép câu, mỗi cái 75 kroner. Sở Bảo vệ thiên nhiên ra chỉ thị năm nay chỉ được bắt những con từ 9,5 cm trở lên. Chúng tôi câu bằng hai kiểu, vừa bỏ đó, vừa thả thuyền gần bờ, một người soi đèn pin, người kia thấy tôm quáng đèn ngoi lên là dùng vợt hớt. Mùa hè năm nay ấm nên trúng mùa tôm, không đầy hai tiếng đồng hồ bốn người chúng tôi câu được gần một sô đầy. Anh Linh nổi hứng đề nghị xuôi ghe xuống hòn đảo hoang để nướng tôm nhậu. Khi đi lang thang trên hoang đảo dưới ánh trăng bỗng tôi nhìn thấy một đống lông trắng. Tôi giật mình nghĩ ngay tới con Juliet. Tôi lại gần thì quả là xác con thiên nga đã mục rữa. Bên cạnh là những mảnh vỏ trứng. Lúc đó tôi mới nhớ một việc vào cuối mùa xuân năm ngoái trước khi xảy ra vụ thiên nga đánh trẻ em. Tôi gọi vợ và hai bạn lại, chỉ đám lông trắng, nói:
– Anh chị Linh và em coi nè! Con Juliet chết ở đây. Ðúng ngay tại ổ của nó.
Vợ tôi hỏi:
– Sao anh biết là ổ thiên nga?
Tôi kể:
– Em còn nhớ cái bữa trời thật đẹp trước lễ Phục sinh năm ngoái không? Anh rủ em đi câu cá, nhưng em bận gì đó không đi được, anh chèo ghe một mình sang đảo. Anh nhìn thấy hai quả trứng to dị thường nằm trắng phau trong ổ cỏ lau. Anh đoán là trứng thiên nga.
Anh Linh nhận xét:
– Người ta nói thiên nga làm ổ ở nơi khác, tới mùa hè mới thiên di về đây. Sao cặp này lại làm ổ ở nơi dễ bị quấy nhiễu như thế này?
Tôi trả lời:
– Tôi không biết chắc. Tôi chỉ đoán cặp thiên nga này đã quen nước quen hồ đến nỗi chúng coi đây là nhà và định cư tại đây.
Chị Linh đùa, chêm tiếng Na-uy:
– Coi như là chúng “tam” (thuần) rồi.
Anh Linh vặn vợ:
– Thuần sao lại tấn công người ta?
Tôi rủ ba người trở lại đống lửa cho ấm trong lúc “câu giờ” suy nghĩ về câu hỏi của bạn. Cuối cùng tôi nói ra giả thuyết của mình:
– Anh chị Linh và em nghe tôi giải thích thế này có hợp lý không nhé. Hồi mà trên xã bàn về cặp thiên nga, tôi theo dõi báo chí, và nhớ cái ông chuyên viên điểu học có nói thiên nga chỉ tấn công bất thần như vậy khi nó bị phá ổ. Nhưng ông đã loại bỏ giả thiết đó vì ông không nghĩ cặp chim thiên di có thể làm ổ ở nơi đông người thế này.
Cả bốn người cùng im lặng suy nghĩ. Anh Linh tiếp:
– Bây giờ chúng ta đã gặp ổ thiên nga ở đây, tức là cặp thiên nga này đã chọn nơi đây làm nhà.
Tôi gật đầu:
– Và bây giờ tôi mới nhớ ra thêm một chi tiết quan trọng. Hôm đó, lúc thằng bé bơi ra giữa hồ, tôi thấy cái đầu nó ngoi lên ngụp xuống nước giống hệt con rái cá.
Vợ tôi dè dặt:
– Có phải anh cho rằng lúc đó con thiên nga mái đang ấp trứng, và con thiên nga trống tưởng thằng bé là rái cá tới làm hại vợ con nó?

Tôi im lặng để khỏi phải xác nhận hay phủ nhận. Cả bốn cùng nhìn ra mặt hồ loang loáng ánh trăng bạc. Bỗng có tiếng kêu quác quác trên không. Chúng tôi thấy một cặp thiên nga bay trong ánh trăng.

Tâm Thanh