Phan Các Chiêu Hằng
Đường Về
Nàng nghiêng người nhìn ra bầu trời xanh ngắt bên ngoài khung cửa sổ nhỏ. Tiếng động cơ vẫn nổ đều rì rầm bên tai. Phía dưới kia, những rặng núi bắt đầu hiện rõ hình dáng. Phi cơ bắt đầu xuống thấp dần, bởi nàng có thể nhìn thấy những vách đá thẳng đứng không bị tuyết bao phủ. Nhìn thấy được cả chút màu xanh ẩn hiện đâu đó của những rừng cây thông nằm sâu trong thung lũng xa mịt mờ dưới kia, nơi lớp tuyết trắng như bông đã dần tan. Tháng bảy rồi còn gì. Nơi thành phố nàng vừa bỏ lại sau lưng, cái nắng nung người dữ dội đã bắt đầu từ mấy tháng trước. Mùa xuân và mùa hè không có biên giới nào rõ rệt. Nàng chợt nghe lòng mình quặn lên, hốt hoảng. Nàng cúi nhìn xuống đôi bàn tay của mình xếp lại nằm im thẳng thớm trên nền áo màu vỏ măng cũt tím sẫm. Chàng vẫn bảo, tính em đâu có ủ ê sầu não, mà sao quần áo cứ lựa màu buồn bã tối tăm. Chiếc nhẫn vàng trơ trụi nằm trên ngón tay áp út, thân quen như đã trở thành một bộ phận sống của cơ thể. Như tay chân. Như buồng phổi. Như trái tim. Vậy tôi đang làm gì ở đây, chiếm một chổ ngồi nhỏ nhoi khiêm nhường trong lòng phi cơ này, bay về một nơi chốn lạ? Phi cơ đang vùn vụt hướng tới trước, mà lòng tôi sao cứ giật lùi? Khung cảnh chung quanh rất đỗi bình thường. Người đàn bà bên cạnh vẫn ngủ ngon lành từ lúc phi cơ cất cánh. Đầu bà lúc ngoẹo qua bên phải, lúc ngoẹo qua bên trái, lúc lắc nhịp nhàng. Cô tiếp viên hàng không thỉnh thoảng qua ngang, ngó cười thân thiện. Vậy đó, mà sao trái tim tôi lại đập rộn ràng rối nhịp như những ngày xưa, khi bồn chồn ra vào lắng nghe tiếng chân chàng lao xao trên lối sỏi. Một thuở hẹn hò. Một thời yêu đương. Dùng chữ “một thời” chắc cũng không đúng, vì nó biểu hiệu cho những gì có bắt đầu và đoạn kết. Bắt đầu, dĩ nhiên là có. Còn đoạn kết, làm sao tôi biết được! Bởi tôi vẫn nghĩ chuyện kết thúc đã xảy ra bao năm về trước. Mà nếu thế, giờ này tôi đã chẳng ngồi đây để hồn trôi theo những tầng mây lênh đênh vô định. Rốt cuộc, có phải lâu nay tôi đã tữ lừa dối chính mình?
Nàng chớp mắt, nghĩ tới chàng, và tự dưng mỉm cười vu vơ. Nàng nhớ tới ngọn đồi con ở gần ngôi nhà cũ. Ngôi nhà có mảnh vườn giáp mé với bìa rừng, có dàn wisteria dây leo uốn éo ngoài sân sau vẫn nở từng chùm hoa tím thơm ngát vào mùa xuân. Mỗi lần chàng ghé qua, hai đứa hay dẫn nhau lên ngọn đồi sau nhà, nằm dài ra trên cỏ nói chuyện bâng quơ. Nàng gối đầu trên cánh tay chàng, nghe tiếng chim hót, nghe tiếng gió đùa, và nghe hạnh phúc lao xao len lỏi vào từng hốc kẹt trong trái tim hồn nhiên. Hồn nhiên? ừ, thì nàng mới mười bảy, mườn tám chi đó. Mà những ngày rong ruổi lang thang trên đồi dưới suối với chàng phải vào mùa hè. Vì trời ấm, xanh, và cao ngất mấy từng không.
Phía bên kia ngọn đồi là dòng suối nhỏ, nước trong veo, chảy róc rách không ngừng. Mùa xuân, tuyết tan, dòng suối rộn ràng linh động hơn. Mùa hè và mùa thu, nhịp nước trôi lặng lờ êm ả. Chàng nắm tay nàng đi dọc theo bên bờ, nàng tung tăng bước nhỏ, luôn co chân đá tung những hòn đá lăn lông lốc xuống ven suối, rồi cười hớn hở, hồn nhiên. Chàng gầm gừ hăm dọa:
– Em mà không hết lăng xăng, chắc anh phải đi mua sợi dây xích về cột chân em lại.
– Nàng chu môi, cười ngạo nghễ một cách dễ giận:
– Em thách đó. Anh không nghe người ta nói “when you love something, set it free…”? Anh đòi cột em lại là làm sai sách vở hết trơn.
– Cột lại không thôi thì nói làm gì. Với em thì chắc anh còn phải… đóng chuồng. Em tuổi con gà, phải không? Gà tre hay gà ác? Em thích sửng cổ cải cọ, chắc phải là gà lôi hay gà nòi. Con gà thì bị nhốt vô chuồng là đúng quá rồi chứ còn gì nữa.
Nàng nheo nheo mắt, làm bộ suy nghĩ:
– Em nhớ hình như em bị làm khai sanh… lộn. Đúng ra là em cầm tinh con khỉ, thích leo trèo và ăn… khô bò.
– Khỉ ăn chuối chứ làm gì có chuyện khỉ ăn khô bò?
Nàng cười khúc khích:
– Đây là khỉ… thành tinh mà anh.
Mùa thu, trời trở lạnh. Nàng không mò mẫm xuống suối nữa mà chịu nằm yên ngoan ngoãn trên đồi, gối đầu lên tay chàng, dĩ nhiên, và đếm lá vàng… rơi. Khung cảnh ảm đạm làm nàng buồn đi một chút, vì thảm cỏ đã bắt đầu tàn tạ héo hon và bầu trời đùn mây thấp xám nặng màu chì. Nàng hỏi chàng:
– Anh có nhớ cái chuyện ngắn “chiếc lá cuối cùng” bằng tiếng Anh hồi ở trung học không?
Chàng cười, lắc đầu:
– Anh già quá rồi, làm sao nhớ chuyện từ thời ở trung học. Với lại hồi đó anh chỉ tới trường để được… hoãn dịch, chứ đâu phải để thu thập kiến thức. Mà truyện đó đầu đuôi như thế nào?
Nàng nhìn chàng ngờ vực, nhưng vẫn hắng giọng kể:
– Thì cái chuyện viết về một con nhỏ bị bệnh nặng, nằm chèo queo trên giường suốt ngày ngó ra ngoài cửa sổ ngắm lá rụng. Con nhỏ in trí là khi cái lá vàng cuối cùng mà rụng đi, thì nó cũng chết. Có thằng cha họa sĩ hàng xóm nghe nói vậy lấy làm tội nghiệp cho con nhỏ, nên trời lạnh căm căm mà ban đêm thằng cha cũng lén mò ra ngoài để vẽ lên tường hình mấy cái lá vàng…
– Để làm chi vậy?
Chàng ngắt ngang, làm bộ ngớ ngẩn. Nàng cau mày, suỵt suỵt:
– Đừng hỏi lộn xộn làm em mất hứng, anh sao kỳ cục quá, em đang kể ngon trớn… ờ, để coi. Thì làm như vậy để con nhỏ đó tin là cây vẫn còn lá, thì nó chưa chết. Hình như tại thằng cha họa sĩ cứ mò ra ngoài ban đêm lạnh lẽo như vậy nên cuối cùng bị cảm lạnh tới sưng phổi, hui nhị tì… End of story.
Chàng la trời:
– Hình như?… Em kể chuyện gì kỳ vậy? Đoạn kết gay cấn vậy mà em chỉ nhớ là “hình như”?
Nàng cười:
– Ai biểu anh đi học mà không chịu để ý làm chi. Bài trả lại hết cho thầy cô. Phải chi anh nhớ, thì cần gì em kể cho nghe? Mà không nghe, đã không ấm ức bực bội la làng…
Chúa nhật, nàng lon ton theo chàng đi xem lễ vào buổi sángg. Nhà thờ cách đó không xa, chừng nửa dặm đường. Hai người đi bộ ngang qua con đường có những dãy nhà hai tầng cũ kỹ, vách ván, sơn những màu nhàn nhạt tương tự nhau. Nhà nào cũng có một khoảnh sân nhỏ trải sỏi hay trồng cỏ và vài bụi cây kiểng xác xơ, èo uột. Qua hết con đường, quẹo trái, là bầu trời như chợt đậm đà ra với màu xanh của những hàng cây khuynh diệp sừng sững cao trong công viên phía bên tay mặt. Giữa công viên là một cái hồ nhỏ xíu, nước xanh thẳm một màu rêu, luôn luôn có mấy chú vịt nhàn nhã lội bơi. Chàng trêu nàng, gọi là cái “ao tù”. Nàng sừng sộ:
– Đây là hồ… Tĩnh Tâm của người ta. Em hay ra đây ngồi ngắm mấy con vịt, mỗi lần có chuyện… suy nghĩ.
Chàng thừa biết điều đó, cũng như biết là nàng còn lẩm cẩm đến độ đặt tên cho những con vịt mà nàng… nhận diện được, nào là Vịt-cồ, Vịt-đẹt, Vịt-bầu… nên chàng bèn cười:
– Vậy sao không gọi là Hồ Vịt, nghe nó dễ hiểu hơn? Em sao mà rắc rối lắm chuyện.
Qua khỏi công viên là nhà thờ, với tường vôi trắng, nóc nhọn, và những bậc thềm đá hoa cương lấm chấm đen trắng như rắc bụi. Nàng là kẻ ngoại đạo, nhưng chăm chỉ đi nhà thờ, chăm chỉ đọc kinh làu làu một cách rất nghiêm trang thành khẩn. Nhưng không bao giờ chịu công nhận là vì chàng. Nàng lý luận:
– Em vừa đi chùa, vừa đi nhà thờ. Vừa “kính mừng Maria…” vừa “Nam mô A-di-đà…” Em lo xa như vậy, mai mốt chết không được Chúa cứu thì em cũng được Phật độ.
– Lỡ không ai thèm ra tay nghĩa hiệp vì thấy em … ba phải?
Nàng cười:
– Chúa, Phật đều là “người” tốt, sức mấy mà đành đoạn bỏ rơi em. Em là người nhiều đức tin lắm, anh đừng có giỡn mặt!
Chàng lắc đầu chịu thua, rồi mơ mộng chuyện tương lai xa vời:
– Mai mốt đất nước mình yên vui, anh sẽ đưa em về quê anh. Lúc đó em đỡ mất công hơn.
– Sao vậy hả anh?
– Tại vì quê anh có nhà thờ chính tòa và chùa nằm sát bên nhau, cách có cái hàng rào. Tha hồ cho em… chui rào qua lại. Gần đó lại có lò bánh mì ngon nổi tiếng lắm, nhỏ ơi. Em mê bánh mì, “nhất cử” mà tới … “tam tiện”!
Nàng cười khúc khích, ra chiều hài lòng với viễn ảnh tương lai. Mắt chàng bắt đầu đượm vẻ mơ màng:
– Nhất định phải đưa em đến thăm trường cũ của anh nữa. Ngôi trường đẹp đẽ và ngon lành nhất nhì nước Việt Nam Cộng Hòa đấy nhé, cô nhỏ. Trong khuôn viên trường có ba con đường chính chụm đầu lại vào nhau thành hình tam giác. Anh chỉ còn nhớ có hai tên, Đỗ Mai Lộ và Hoàng Hoa Lộ. Hoàng Hoa Lộ có tên như thế là vì dọc theo con đường này người ta trồng hai hàng cây muồng đen giao ngọn vào nhau. Cây muồng đen đẹp lắm em ạ. Có lá nhỏ lăn tăn và hoa vàng nở thành từng chùm rực rỡ vào mùa hè. Trường anh có một nơi gọi là vườn cây Mẫu, trồng đủ loại cây để dùng vảo việc thực tập khảo cứu như cây sao, cây vàng tâm…, có Đại Thánh Đường uy nghi nằm cạnh hồ sen thơ mộng dùng để họp hành hay trình diễn văn nghệ. Kế đó là vườn trúc đẹp tuyệt vời như trong tranh vẽ. Rồi anh sẽ đưa em qua cầu Trắng về phố chợ, đi uống cà phê và thưởng thức nhạc tình ở quán Ngọc Loan hay quán Anh Đào nằm bên bờ hồ. Ngày còn đi học thì bọn anh thích quán Anh Đào. Vào lính rồi, khi về phép thì anh mới có… can đảm để ghé quán Ngọc Loan. Mà chắc phải mình nên đi quán Ngọc Loan, em ạ, cho em có dịp ăn thử thịt… chó.
Nàng xanh mặt, kêu lên:
– Ghê! Quê của anh sao khủng khiếp vậy? Toàn dân… nhậu không hả? Quán thì bán thịt chó. Trường thì có đường tên Mai-Quế-Lộ.
Chàng nhăn mặt, sửa sai:
– Đỗ Mai Lộ, cô nhỏ ơi. Gì mà có Mai-Quế-Lộ trong đó! Ghê vậy thì thôi, không thèm dẫn em đi xem đồi trà hay đồn điền cả phê. Cho người quê mùa lục tỉnh khỏi có dịp nhìn hoa cà phê trắng…
Nàng xuống nước năn nỉ. Thôi nói cho em nghe về vườn trà với hoa cà phê đi. Kể cho em nghe về tháng ngày tuổi nhỏ khi anh theo mẹ đi hái trà trên những nương đồi chập chùng xanh ngắt. Tả làm sao cho em có thể hình dung được màu lục mơn mởn tươi tắn củ những đọt trà non vừa hái, những đọt trà chớm nẩy mầm với hai chiếc lá con bé xíu dễ thương khi mùa mưa tìm về làm đục mờ bầu trời cao nguyên bụi đỏ. Anh nói thêm cho em biết về những nụ hoa trà dại màu trắng điểm chấm tim tím nhỏ xíu mà bãng lãng mùi hương thơm ngát núi rừng. Những cảnh đó nghe thơ mộng hơn quán Ngọc Loan bán thịt chó của anh nhiều… Nàng thủ thỉ bên tai chàng, mắt sáng long lanh mở lớn đợi chờ.
Mùa đông về mang theo tuyết trắng phủ kín ngọn đồi và dòng suối sau nhà. Những chú vịt lang bạt ngoài hồ Tĩnh Tâm của nàng cũng biến đi đâu mất. Nàng không còn lang thang giang hồ vặt được nên dặn dò chàng:
– Anh đem mấy cái áo thun lại đây. Bây giờ em rảnh rồi. Em sẽ “trang trí” mấy cái áo cho anh, chớ áo gì chỉ có một màu nhìn hoài chán chết.
Chàng hốt hoảng:
– Em định vẽ gì lên đó? Em biết anh bị… dị ứng với hoa cỏ, thú vật, chim muông, mặt người kỳ dị…
– Anh đừng lo. Em chỉ vẽ hình lập thể và trừu tượng…
Chàng ngẩn người, không biết có nên tin lời nàng? Nhưng cãi làm chi cho mất vui. Vài cái áo thun mà đánh đổi một nụ cười. Mười đầu ngón tay của nàng có đến chín cái xoắn ốc “hoa tay”. Nàng vẽ vời rất khá, chàng biết điều đó, nhưng thà mất lòng trước, được lòng sau, nên chàng cẩn thận giao hẹn:
– Đừng cho màu gì nhiều “nữ tính” quá, nhớ nghe em…
Vẽ xong mấy cái áo được chàng gật gù khen thưởng nhiệt tình, nàng cười vui hớn hở. Mùa đông vẫn chưa qua hết. Nàng nhắc nhở:
– Hôm trước anh nói mới thâu một đống băng nhạc mới, muốn em kẻ chữ đề tựa. Lần tới anh nhớ mang lại. Bảo đãm không đẹp là không tính tiền.
Rồi nàng đề nghị:
– Hay là em may áo chemise cho anh nghe? Anh vẫn muốn có cái áo màu đen phải không?
Chàng lắc đầu phục lăn mớ tài vặt của nàng:
– Em biết may nữa?
Nàng tỉnh bơ:
– Em chưa may quần áo lần nào, nhưng thấy cũng dễ. Anh kiếm cái áo cũ cũ, đưa cho em tháo ra làm ni. Cái đó là quan trọng nhứt. Có ni rồi, cứ may cho mấy miếng vải rời dính lại… thành chùm với nhau chớ có khó khăn gì đâu?
Hai tuần sau, nàng khoe với chàng công trình vĩ đại của mình. Cái áo chemise đen nhìn cũng y như thật. Đường may thẳng. Cổ đứng. Nút đơm… cùng một bên. Nhưng rộng thùng thình. Nàng ngượng ngập giải thích:
– Em thấy cái áo anh đưa làm ni sao coi ốm nhom ốm nhách. Em nghĩ là anh phải mập hơn nên nới thêm cho anh vài phân.
Rồi phụng phịu:
– Em còn thêu tên hai đứa lên cổ áo. Thêu bằng chỉ đỏ đàng hoàng cho nó nổi. Chưa nghe anh khen tiếng nào!
Chàng vạch cổ áo ra ngắm nghía tên mình và tên nàng nằm cạnh bên nhau, trông có vẻ rất là chung sống hòa bình. Chàng mỉm cười, lòng chợt ấm áp không đâu. Vây mà em vẫn chưa thèm nói tiếng yêu ta. Quả là con người bướng bỉnh cứng đầu.
Ngày cưới, nàng làm bộ điệu hạnh, eo xèo một chút như trong bài hát. “khóc như cô thiếu nữ lúc bước đi về nhà chồng. Phút xe hoa khép kính tiễn nét trăng độ vừa tròn…” Chàng an ủi vỗ về:
– Bây giờ thì em luôn luôn có anh trong đời, home is where your heart is.
Nàng khóc nhiều hơn một chút nữa, thổn thức:
– Nhưng mà em còn nhỏ quá, em đâu có biết làm dâu. Hồi đó tới giờ má đâu có bắt em làm công chuyện nhà gì đâu. Em chỉ mới biết “dọc mùng” là cây bạc hà. Cái “môi” là cái dá múc canh.
Chàng kêu trời:
– Vậy sao em nhận lời lấy anh bây giờ. Mình chờ thêm vài năm nữa cũng đâu có sao.
Nàng lau vội nước mắt, nhìn chàng cười ngỏn ngoẻn:
– Nhưng mà em thích ở bên cạnh anh suốt ngày đêm, hết năm này qua năm nọ. Chờ lâu, phát mệt. Lỡ cô nào nhào vô là em… lúa.
Tuần trăng mật ở miền biển là chuỗi ngày đẹp như trong truyện thần thoại hoang đường. Tháng bảy là mùa thiên đường của nắng hồng, trời xanh và mây trắng. Tháng bảy quay cuồng mê đắm của những tấu khúc hân hoan. Màu cát trắng chói lòa như bốc hơi trong nắng nhiệt đới, bãi biển cạn với con dốc thật lài, chạy mãi tuốt ngoài khơi tít tắp. Hai người kéo nhau đi miết ra xa, khi không còn mấy ai quanh mình. Nàng ngụp lặn đùa giỡn theo nhịp sóng đẩy đưa, hai bàn tay mềm quấn quít bám siết trên vai chàng, trôi tuột xuống miền bụng phẳng phiu, tiếng cười nàng dòn tan như thủy tinh vỡ. Những giọt nước biển trong vắt mặn mà đẫm ướt mắt môi. Những nụ hôn nồng nàn cuống quít. Chàng thì thầm bên tai nàng, lời rì rào êm ái như gió đùa trên sóng. Nhỏ ơi, ta yêu em. Anh yêu em. Và nàng lại cười. Nụ cười tươi long lanh hạnh phúc. Buổi tối, trên balcon hiu hiu gió thoảng thơm ngát mùi hương ngọc lan, nàng nằm khoanh ngoan ngoãn trong vòng tay ấm áp của chàng, mặt hướng về biển tối mịt mờ ngoài xa. Hai người cùng im lặng lắng nghe những xúc cảm dịu dàng trôi nổi lênh đênh trên miền thịt da êm ái. Tiếng sóng vỗ về thì thầm lẫn trong tiếng những tàu lá dừa xào xạc đong đưa trong gió. Rồi chàng đưa tay chỉ bâng quơ ra ngoài trời bao la, thì thào với nàng:
– Em có thấy không? Có thấy là anh mang dâng tặng nguyên cả một bầu trời rộng và một góc biển riêng tư cho em để dành làm chút gia tài yêu thương cho ngày sau?…
Nàng hay nhớ lại những ngày tháng đó trong những lần ngồi chờ chàng về trước mâm cơm đã nguội lạnh. Nước mắt rơi xuống cũng mặn như nước biển năm nào, nhưng cõi trời xưa đã khép và lời biển xưa đã im lìm. Bầu trời xanh bao la giờ thu lại trong căn nhà nhỏ, chỉ chứa đủ những bước chân loanh quanh buồn bã của nàng. Bước âm thầm của những đêm lui tới ngóng chờ chàng về. Bước hối hả chạy đi lấy chiếc thau con để cho chàng ụa mửa thốc tháo trong cơn say. Bước nhẫn nhục đi tìm cái khăn ướt để lau mặt cho chàng tỉnh táo, pha cho chàng một ly nước chanh ít đường chua đến gắt cổ, se môi. Nước mắt nàng lại đầm đìa rơi xuống. Vài giọt lẻ loi đọng lại trên mặt chàng. Khuôn mặt xương với triền mũi thẳng và đôi mắt chan chứa yêu thương đã cuốn hút trái tim nàng năm nào. Đôi mắt giờ hằng những đường gân máu đỏ chạy dọc ngang như những vết chém thảng thốt gạch nát trên mảnh hồn buốt lạnh tê điếng của nàng.
Ngày hai người ly thân, người chị chồng tốt bụng đã an ủi:
– Thôi cũng may cho em. Nếu hai đứa có con với nhau thì còn khổ thêm. Ít nhất như vầy em còn rảnh tay tạo lập lại cuộc đời.
Bà cô ruột thì chép miệng:
– Phước đức đó, con ơi. Bỏ được cái thằng rượu chè say sưa như vậy là tốt lắm rồi. Tiếc làm chi…
Nàng dọn vào căn apartment một mình. Vừa loay hoay sắp xếp đồ đạc, vừa cố gắng… đếm những cái “may mắn” và “phước đức” của mình mà hình như những người chung quanh ai ai cũng nhận diện thật dễ dàng. Vậy mà sao nàng chỉ nhìn thấy thảm cỏ xanh trên đỉnh đồi con và dòng suối nhỏ hiền hòa sau ngôi nhà thời con gái. Khu rừng bạch dương với những thân cây màu trắng bạc điểm lấm tấm lá vàng vào mùa thu. Những con đường nhỏ đã tay đan tay đi qua cùng chàng. Những chuyến xe bus đã thả chàng xuống góc đường ở cuối ngõ nhà nàng. Những đêm trăng bàng bạc trải lụa ngà trên chăn chiếu thơm tho, tắm đẫm nồng nàn trên môi mắt. Sao trong tận cùng những góc thẳm của vòm trời ký ức, nàng chỉ nhớ được màu trùng dương xanh biếc và tiếng sóng rì rào thiết tha réo gọi. Và chỉ biết là từ đây và mãi mãi về sau, sẽ không bao giờ còn nữa những buổi sáng vừa mơ màng thức giấc, nằm khoanh tròn lười lĩnh trong vòng tay chàng ấp ủ, cùng lặn nhìn dòng nắng vàng rực rỡ hay những bông tuyết trắng xóa bay ngập trời phía bên kia vuông cửa sổ của một thời đằm ấm yêu thương.
Có đôi lần nàng nhìn thấy trong chiêm bao cảnh tượng này. Những bước chân nôn nao cuống quít trong lòng con đường hầm nối liền cửa phi cơ và tòa nhà. Nàng hiện ra ở cuối con đường hầm đó, bỡ ngỡ ngó quanh tìm kiếm. Và nhìn thấy chàng. Vẫn dáng cao và gầy. Cũng trong chiêm bao, chàng đứng tựa lưng bên cạnh bức tường ngăn bằng kiếng, cạnh gốc dừa kiểng thưa lá cao lêu khêu, bồn chồn đợi chờ. Chàng mặc quần xanh olive, màu nàng vẫn thích, áo chemise màu rêu nhạt lấm tấm những hình vuông tròn lẫn lộn nhỏ xíu màu đen và cà phê sữa. Giấc mơ luôn luôn nằm vào thời điểm của một ngày mùa đông. Nên chàng mặc thêm áo len dầy, sợi nhỏ đan vào nhau quấn quít, màu cặn rượu đậm đà. Trên vai chàng khoác hững hờ cái áo da màu đen. Nàng hơi hụt hẫng một chút, nhớ đến khu rừng và ngọn đồi ngày cũ, nơi đã bao nhiêu lần nàng nhìn thấy chàng trong áo khoác mùa đông màu đỏ ấm áp. Màu của lửa ngọn nồng nàn. Nhưng trong chiêm bao, rõ ràng chiếc áo da khoác trên vai chàng có màu đen tuyền, mịn màng, trơn láng, đã kề sát môi má nàng khi vòng tay chàng khép chặt quanh thân. Rồi hai đứa lơi tay ra để nhìn nhau cười nhẹ, nụ cười ngượng ngập, ấm áp… Nàng nhìn qua vai chàng, bên kia bức tường kiếng là phi đạo trải dài hun hút. Xa xa nữa là những núi đồi chập chùng tuyết phủ. Nàng nhớ lời chàng vẫn hát vào mùa hè năm xưa. “Rước em lên đồi, cỏ hoa ngập lối…”
Nhưng đó là trong chiêm bao. Giờ nàng đứng đây, ở cuối con đường hầm, đối diện với bức tường kiếng trong vắt cao sững sờ. Dĩ nhiên là chàng không có đó để đợi chờ, vì làm sao chàng biết được là nàng đang có mặt trong thành phố này, dù những lời nhắn gửi đã ngân vang bao lần trong đầu nàng. Em đã đến. Cuối cùng, em đã tìm đến đây, dù chỉ trong khoảnh khắc đủ để nhìn nhau rưng rưng ngậm ngùi. Nhưng có vội vàng ngắn ngủi đến đâu thì cũng là một câu trả lời mà anh thấu hiểu, phải không? Trước đây, bao lần chàng hỏi. Chưa bao giờ nàng hứa hẹn điều gì, mà chỉ lẳng lặng thở dài. Gặp nhau chi nữa, chỉ làm rối rắm đời nhau thôi anh. Chàng buồn rầu. Vậy mà có lần em nói khi đã chấn chỉnh lại đời mình thì anh cứ cất lời gọi tên, thì dù bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, em cũng sẽ quay về… Nàng im lặng, không biết trả lời sao với chàng. Không lẽ đổ thừa tại… định mệnh đã an bài, nên chuyện đôi lứa sum vầy thôi đành… hẹn kiếp sau? Hay nhắc nhở cho chàng biết, là em đâu có hứa dù đang “bất cứ với ai”, em cũng sẽ tìm về…
Lúc đứng chờ lấy xe, nàng sờ tay lên chiếc nhẫn vàng trơn, xoay xoay. Giờ này chắc chồng nàng đang chúi đầu vào chồng giấy tờ ở văn phòng, hay bận rộn trong buổi họp nào đó. Lảm sao biết được nàng đang đứng giữa thành phố lạ lẫm này, cách xa bao dặm đường và hàng hàng lớp lớp những dãy núi đồi chập chùng cao vòi vọi, đang lao đao lặn ngụp trong cõi mù sương vây khốn của riêng nàng? Nàng lục lọi trong sắc tay, kéo ra tấm bản đồ thành phố và mẩu giấy nhỏ ghi nguệch ngoạc số điện thoại và địa chỉ. Tên đường cũng là một con số. Con số đon cao nhất. Nàng mỉm cười, có thể hình dung ra được nụ cười nửa miệng tếu tếu trên khuôn mặt chàng. Đại loại, chàng có thể giễu một câu như:
– Chín nút, chưa bù. Dấu hiệu tốt. Em có thấy là đời anh luôn gặp may mắn không?
Bình thường, chắc nàng cũng “phang” cho chàng một câu:
– Cái đó còn tùy anh đang chơi bài gì. Chín nút hay chỉ là ngầm chín. Bù hay được ngầu hầm.
– Đường vào thành phố trơ trọi không một bóng cây. Hai bên là cánh đồng cỏ khô cháy vàng hoe như màu lúa chín, chạy dài ngút mắt. Rồi nối theo là những cơ xưởng, hàng quán, nhà phố. Cái nào cũng cũ kỹ với màu sắc ảm đạm như nhau. Khung cảnh đìu hiu buồn tẻ như những ý nghĩ chập chùng trong đầu nàng. Nàng rời xa lộ, rẽ vào con đường thẳng tắp hướng về miền Nam, chạy một đỗi xa. Những bảng tên đường mang số xuống thấp dần. Lại trở ngược về hướng đông. Những tên đường bây giờ hoàn toàn là tên của cây cối. Nàng cố tình tạo sự bận rộn cho trí óc mình bằng cách nghĩ vẩn vơ. Cái ủy ban, hội đồng nào đặt tên đường cho thành phố này đúng là nơi tụ họp của một nhóm người kém trí tưởng tượng và lười suy nghĩ. Số? tha hồ mà đếm. Cây? có cả một tự điển đầy. Cứ tự do tiếp tục xây cất, phá núi, mở đường. Nhảy thêm một con số, cộng thêm tên một loại cây, rồi thì nhét vào North, South, East, West là xong. Tiện việc sổ sách trăm bề.
Lúc đi những bước cuối cùng về hướng cửa bệnh viện, nàng mới bắt đầu cảm thấy hai chân mình run rẩy, luống cuống. Toàn thân nàng như chợt hóa băng, rờn rợn, lạnh toát. Nàng nhớ đến cú điện thoại bất ngờ chiều qua. Tiếng chuông vang rền lạnh lẽo như cứa mạnh vào không khí tĩnh mịch của ngôi nhà yên ắng. Nàng đang chuẩn bị làm cơm chiều, thì thà rau cải bày biện đầy trên mặt bàn. Giọng nói của người nữ y tá ngọt ngào, mềm mỏng. “Trước khi được đưa vào phòng mổ, ông ấy đã đọc số điện thoại và nhờ tôi làm giùm một đặc ân là tìm cách báo tin cho bà. Thương tích của ông có phần trầm trọng. Nếu được, chắc bà cũng nên cố gắng đến thăm một lần. Tôi chỉ dám đoán chừng bà là người quan trọng đối với ông ấy, dựa theo cách ông nhắc nhở dặn dò tôi mấy lần… “Nàng định hỏi, còn bà ấy đã biết tin chưa, nhưng kịp ngưng ngang. Dĩ nhiên là bà ấy phải được báo tin. Không biết vô tình hay cố ý mà đôi khi nàng vẫn quên đi cái chi tiết quan trọng đó, là chàng đã “đi thêm bước nửa”, cũng như nàng.
May là chồng nàng không có ở đó. Nên ít nhất nàng đã có được những giây phút riêng tư cần thiết để ngồi yên bàng hoàng với những cơn khóc run vai. Nàng thu người trong lòng ghế, chập chờn tưởng nhớ. Đã bao năm rồi hai người không gặp lại nhau. Mối liên lạc duy nhất là những cú điện thoại không hẹn trước vẫn làm nàng thẫn thờ luôn mấy ngày sau đó. Tại sao vẫn chia sẻ với em những biến cố, vẫn kể lể cho em nghe những vui buồn. Nàng hỏi. Chàng mềm giọng. Bởi vì nhìn quanh quất lại trong đời, em vẫn là một trong số người rất hiếm hoi đã thương yêu anh vô điều kiện mà anh luôn luôn có thể đặt trọn vẹn niềm tin. Chuyện anh đã vụng về để vuột mất em cũng đâu có thay đổi được những thứ tình cảm đó. Những lỗi lầm em đã tha thứ, phải không?… Khi dọn dẹp xong buổi ăn tối với chồng, nàng đã biết rằng sáng hôm sau, bằng mọi cách, nàng cũng sẽ ra phi trường để bay về thành phố của chàng. Nàng phải nhìn thấy chàng, dù chỉ một lần này thôi.
Nàng bước vào trong diện tích hẹp của những khung cửa kiếng tự động xoay vòng, đặt chân vào khu vực tiếp tân của bệnh viện. Nàng dừng lại một chút trước tấm bảng chỉ dẩn hướng đi đến thang máy. Hành lang dài thẳng tắp. Tường sơn màu xanh da trời dịu mắt, kẻ những đường vân màu vỏ trứng gà nhu nhã. Sàn gạch trắng được chùi lau cẩn thận, bóng loáng dưới ánh sáng của những hộp đèn từ trần nhà tỏa xuống lạnh lẽo.
Nàng ghé lại bàn của y tá trực. Vài người đang chụm đầu xì xào nói chuyện. Người nữ y tá có mái tóc vàng óng ả ngẩng đầu lên nhìn nàng, đôi mắt xanh biếc mở tròn, chờ đợi. Tự dưng nàng thấy lòng nhẹ nhõm khi nhận ra bảng tên trên ngực áo của cô là tên người đã điện thoại cho mình chiều qua. Nàng nở nụ cười ấm áp, tự giới thiệu mình. Cám ơn cô đã chịu khó báo tin chiều qua. Giờ thì tôi bằng xương bằng thịt đây. Vâng, tôi đã vội vàng đến bằng chuyến bay rời thành phố sớm nhất buổi sáng này. Mua được vé vào giờ chót trong mùa thiên hạ nghỉ hè du lịch đông đảo như vầy là tôi may mắn quá, phải không cô? Bây giờ thì xin cô làm ơn cho tôi biết số phòng của anh ấy.
Nàng thấy mấy cặp mắt hốt nhiên cùng quay lại một lúc, nhìn nàng đăm đăm thảng thốt. Những khóe nhìn đọng vũng xót thương.
Chỉ Là
là sương mỏng buổi chiều thu
là mường tượng khói của mù mịt xa
là mơ hồ vạt nắng tà
mà sao rất thật lệ ta khóc người.
Những Mùa Xưa
những mùa xưa lá đỗ
đã âm thầm về đâu
tháng mười qua bước nhỏ
nắng chìm dưới mưa mau
những mùa xưa vàng ngát
nụ hoa bên lối chờ
chiêm bao về đã lạc
đường quen bướm ngẩn ngơ
những mùa xưa tóc mướt
những mùa xưa tay mềm
những mùa xưa mắt biếc
xoay vòng giữa nhớ quên
chiều nay nhìn mưa xuống
ơ thờ bên lũng xa
những mùa xưa cõi tạm
ừ thôi, mùa xưa qua…
Xõa Tóc
Ngồi khoanh nhớ nắng hôm qua
Giọt nghiêng thềm cũ la đà tóc em
Nay về nắng đã ngủ quên
Nhạt nhoà dấu bụi in nền gạch hoa
Tóc xưa hương cũ la đà
Rộn ràng đâu tiếng chân qua một thời…
Thuyền Xưa
Ngày hay tin chị Thuyền ôm cầm sang… thuyền khác, tôi biết anh Long buồn ghê lắm, mặc dù thật ra cả nhà không ai lấy làm ngạc nhiên. Chẳng gì, chị Hiền đã kể cho mọi người trong gia đình nghe về lần gặp gỡ cuối cùng giữa anh Long và chị Thuyền trước đó không lâu. Cuộc hẹn hò “mặt đối mặt, tay… chẳng cầm tay” này do chị Thuyền đề xướng đã xảy ra ở nhà chị Hiền trên Gia Ðịnh, nơi anh Long đang ở nhờ trong thời gian mới bắt đầu đi làm việc. Chị Hiền chép miệng, rươm rướm nước mắt khi kể với má tôi:
– Má biết không, con Thuyền khóc dữ quá nên con cứ sợ nó lăn đùng ra xỉu bất tử. Thằng Long nhà mình thì cứ ngồi im rơ trên ghế salon như hóa đá, còn con Thuyền thì ngồi phệt dưới đất ôm chân nó mà năn nỉ ỉ ôi, van xin nó tha thứ. Con gái Huế nói chuyện hay thiệt, văn hoa bóng bẩy quá trời, câu nào câu nấy nghe muốn rụng rời tay chưn hết trơn làm hai mẹ con con núp đàng sau nhà bếp nghe lén mà cũng mủi lòng khóc bù lu bù loa. Vậy đó, mà thằng Long cứ im thin thít không thèm trả lời trả vốn tiếng nào. Con Thuyền nói cả nửa tiếng đồng hồ không dứt. Cuối cùng thằng Long chỉ buông ra có một câu duy nhất, thôi em về đi!…
Tôi say mê ngồi nghe, há hốc miệng sững sờ. Thôi em về đi? Dù “thôi” như trong bài hát “Thôi em đi về đi xa xôi rồi thăm nhau mà chi…”, hay là “Thôi em đừng nhắc nữa làm gì…”, hoặc “Thôi nín đi em lệ đẫm vai rồi buồn thương nhớ ơi…” với ba động từ nặng trĩu buồn-thương-nhớ đi một dọc lê thê theo nhau của ông nhạc sĩ chuyên viết nhạc thất tình Ðỗ Lễ, khi chữ “thôi” nằm ở đầu câu, trong hầu hết mọi trường hợp, không phải là dấu hiệu… khả quan. Nhất là khi hai người yêu nhau đang có chuyện lục đục trầm trọng như anh Long và chị Thuyền. Tôi hồi hộp hỏi chị Hiền, bất chấp tia nhìn đe dọa kiểu “con nít đừng bầy đặc lộn xộn” của má:
– Rồi sao nữa chị Hiền?
Chị Hiền thở dài não nuột, nhìn tôi hơi gắt gỏng:
– Thì còn làm sao nữa! Con Thuyền phải đứng dậy đi về chớ sao bây giờ?
Rồi chị quay sang má, tiếp tục kể lể:
– Thằng Long cứ ngồi im một chỗ không thèm màu mè đưa tiễn gì hết. Con Thuyền lủi thủi đi ra mở cửa rào một mình, vừa đi vừa khóc tức tưởi. Thấy cũng tội nghiệp!…
Tôi tròn mắt:
– Anh Long nhà mình coi vậy mà… ngon lành quá hén?
Chị Hiền bĩu môi, lắc đầu:
– Ngon lành cái con… khỉ mốc! Nó chỉ chờ con nhỏ kia đi khuất ngoài đầu đường là vô phòng nhào ra khóc như con nít bị ăn chổi lông gà!
Tôi lặng người ngơ ngác. Anh Long tài ba, chững chạc, hùng dũng của tôi mà lại khóc như con nít vì một người con gái? Ngàn năm tôi cũng không tưởng tượng được chuyện này. Nhưng dù cho tính chị Hiền hay vẽ rồng vẽ rắn đến đâu đi nữa, chắc chị không dám “đẩy cây” với má. Tôi lấm lét nhìn má, dò chừng xem phản ứng của bà trước tin động trời này. Nét mặt má vẫn trầm tỉnh hiền hòa như bao giờ. Bà chỉ nói một câu… xuôi xị:
– Chuyện vợ chồng là chuyện duyên số, con ơi. Chắc tại hai đứa nó có duyên mà không nợ nần gì nhau. Thì thôi, biết tánh con nhỏ kỳ cục như vậy trước khi tụi nó lấy nhau vẫn hơn. Chớ chờ lấy nhau rồi, con cái lùm đùm rồi bỏ nhau thì mới thiệt là khổ!…
Câu “thiên duyên tiền định” cũ mèm xưa rích được đem ra xài kèm theo lời phán xét thực tế nhưng phũ phàng của má như gáo nước lạnh dội xuống trái tim mới lớn còn nóng bỏng sôi nổi của tôi. Trái tim đang bừng bừng dậy sóng, đang nghiêng ngửa đảo điên vì chuyện tình yêu của… thiên hạ bỗng xìu xuống, eo xèo. Trong mắt của con nhỏ mới mười sáu tuổi đang lẫm đẫm tập tểnh làm thơ tình với rất nhiều… tưởng tượng như tôi, đoạn kết mối tình dễ thương và lãng mạn của anh Long và chị Thuyền là một chung cuộc lãng nhách, đáng lẽ không bao giờ được quyền xảy ra.
Tôi không đến độ đau khổ tuyệt vọng như anh Long, nhưng cũng ngơ ngẩn bàng hoàng mấy tháng trời. Cả Trúc nữa. Suốt ba năm trời, tháng nào hai chị em tôi cũng gò gẫm viết thư qua lại với chị Thuyền ít nhất là hai ba lần. Hai đứa cùng hăng hái bớt tiền ăn hàng vặt để dành mua tem thư. Chị Thuyền là người lớn duy nhất chịu khó viết thư “trao đổi tâm tình” với tôi cho nên tôi quí chị lắm. Trước chị, tôi chỉ thư từ qua lại với Hạnh, con nhỏ bạn thân người Bắc chơi với tôi từ ngày mới vô trường nữ tiểu học thị xã. Hai đứa học chung đến năm cuối cùng ở tiểu học, sau vụ Tết Mậu Thân kinh hoàng, thì ba Hạnh đột ngột được lệnh đổi về Sài gòn. Rồi sau đó Hạnh thi đậu vào trường Trưng Vương thơ mộng nằm gần sở thú, nơi mà nó vẫn cố thuyết phục tôi phải gọi là “thảo cầm viên” nghe cho nó nhẹ nhàng văn vẽ hơn, trong khi tôi “chôn vùi tuổi xuân” ở trường nữ trung học công lập trong thị xã. Thư từ trao đổi giữa tôi và Hạnh đề tài chung chung là những mẫu chuyện làng nhàng dính dáng đến học hành, trường lớp, than van về thầy cô nghiêm khắc và bài vở khô khan khó nhớ, hay bàn bạc lung tung xèng về quần áo, thời trang. Hạnh luôn “cập nhật tin tức”, cho tôi biết hiện nay ở Sài gòn người ta đang diện mốt gì, còn tôi thì biết để mà… quên. Chứ nhớ để làm gì bây giờ? Con gái tỉnh nhỏ như tôi, muôn đời ra đường nếu không mặc áo dài khi đi học thì cũng chỉ quần satin đen với áo bà ba bằng tơ lụa nội hóa. Thỉnh thoảng tôi và Hạnh nổi hứng làm một màn thề nguyền rất cảm động là hứa hẹn với nhau một ngày nào khi lớn lên, có chút đỉnh tiền túi và được phép đi xa một mình, hai đứa sẽ lặn lội đi tìm nhau để… sum vầy.
Tình bạn “bút đàm” của tôi nghèo nàn èo uột như vậy cho nên khi chị Thuyền trở thành người yêu của anh Long và… đi vào đời tôi, tôi và Trúc hoan nghinh bằng cả hai tay lẫn… hai chân. Hai đứa tôi tranh nhau hì hục viết thư làm thân với chị. Chị Thuyền hội đủ tất cả điều kiện để thỏa mãn cái tính mơ mộng lãng đãng của hai chị em tôi. Anh Long khoe chị hát rất hay, hay nổi tiếng trong trường đại học Khoa Học, nhất là với những tình khúc nhẹ nhàng mà ray rứt của Cung Tiến, những Hoài Cảm, Hương Xưa, Nguyệt Cầm… mà tôi đang yêu mê mết. Anh Long thì có ngón đàn guitar vô cùng bay bướm, ai nghe anh đàn nhạc cổ điển tây phương cũng ngẩn ngơ hồn. Anh là người đã đem chút “văn học nghệ thuật” giới thiệu vào đời con em gái tỉnh lẻ nhà quê, cho tôi biết Chopin qua Nocturne, Mozart qua Elvira Madigan, Beethoven qua Moonlight… Như vậy, anh Long và chị Thuyền đúng là đôi tình nhân… nghệ sĩ. Nghe lãng mạn làm sao! Thêm vào đó, chị Thuyền có dáng dấp rất ẻo lả dễ thương khi chị mặc áo dài. Anh Long chụp vô số hình chị đứng ngồi đủ kiểu trong chiếc áo dài dịu dàng tha thướt. Quỳ trên đồi cỏ xanh non. Thơ thẩn dưới rặng thông già. Nghiêng mình bên dòng suối nhỏ. Tôi và Trúc tha hồ vác hình chị đem khoe nhặng xì ngầu với lũ bạn nhà quê cùng lớp. Còn nữa, chị Thuyền là người Huế, nhà chị lại ở xa tít mù trên vùng núi đồi cao nguyên đất đỏ bụi mù, là… “giống người” hoàn toàn lạ lùng với tụi tôi. Bởi vậy cho nên đối với những kẻ “vọng ngoại” như tôi và Trúc, bao nhiêu hình ảnh có thật và tưởng tượng về chị bỗng mang đầy vẻ hoang đường và lãng mạn trong đó.
Dĩ nhiên tôi và Trúc không làm sao đoán biết được tình cảm chị Thuyền dành cho mình thật giả, nông sâu như thế nào. Nhưng những lá thư từ phương xa của chị luôn mang đến bao nhiêu niềm vui rộn ràng cho hai chị em tôi. Chị cũng tỏ ra chịu khó lấy lòng hai cô nhỏ có viễn ảnh trở thành em chồng tương lai của chị, viết thư riêng cho từng đứa, kể chuyện trời trăng mây nước dông dài. Thư chị viết trên giấy trắng không kẻ hàng, chữ viết tròn trĩnh thẳng thớm. Nhiều khi chị hấp tấp, viết tháu, những chữ “o” không bao giờ khép thành vòng tròn nghiêm chỉnh mà tôi thấy coi cũng hay hay. Những mẫu chuyện vụn vặt chị kể cho tụi tôi nghe bao giờ cũng ngộ nghĩnh và dễ thương. Sao tôi thấy cái gì liên can tới chị Thuyền cũng có vẻ hay ho đặc biệt hết. Tôi và Trúc thường hỏi nhau, hay có lẽ tụi mình cũng bắt chước anh Long, bị… mù quáng vì tình yêu? Từng lá thư của chị được tôi cẩn thận xếp lại theo thứ tự để đọc đi đọc lại như đọc tiểu thuyết.
Vì vậy mà hai chị em tôi cùng chia sẻ từng biến cố lớn nhỏ trong mối tình của chị Thuyền và anh Long. Ðầu mùa Hè, giọng thư chị ướt sủng nước mắt. Chị kể chuyện hôm anh Long về quê nghỉ hè trong khi chị còn phải ở lại trường thêm vài hôm để thi cho xong. Mặc dù anh đã dặn dò chị đừng ra bến xe đưa tiễn chỉ thêm buồn, chị đã lén tìm đến, đứng nép người sau góc tường bên cạnh bến xe để nhìn anh đi mà không dám đưa tay vẫy gọi. Tôi nghe lòng mình cũng quặn đau theo từng dòng chữ chị phơi trải tâm tình trên những trang giấy vô hồn. Tôi tưởng tượng ra vóc dáng nhỏ nhắn cô đơn của chị Thuyền đứng ủ rũ trong bầu trời xám lạnh với những giọt mưa phùn lác đác phất phơ bay. Buổi sáng Ðà Lạt chắc phải “lạnh lùng sương rơi heo may”. Còn anh Long chắc phải vai mang nặng hành lý và “chân bước phân vân lòng ngập ngừng”. Rồi chị Thuyền lủi thủi co ro một mình trở về nữ đại học xá sau khi chuyến xe đò cũ kỷ từ từ lăn bánh mang anh đi xa, chìm khuất trong màn sương trắng xóa mịt mờ. Tôi chỉ tưởng tượng bấy nhiêu đó thôi mà còn lòng đau thổn thức, mắt ứa lệ rưng rưng, thì trái tim hai người trong cuộc chắc phải… bầm dập tan nát đến dường nào. Qua đầu Thu, giọng thư chị Thuyền trở lại xôn xao ríu rít sau những lá thư buồn thảm của mùa hè. Chị và anh Long đều đã trở lại trường để bắt đầu cho niên học mới. Ðà Lạt dễ thương quá, tuyệt vời quá, Liên ơi, vì hôm nay chị đã gặp lại anh Long sau cả một mùa hè dài như trăm năm. Chị lao xao kể chuyện vui tái ngộ. Tôi nôn nao đọc thư, uống từng dòng chữ, lòng nhẹ hẫng lâng lâng.
Sau ngày anh chị cùng tốt nghiệp đại học, chị Thuyền trở về quê đi dạy. Tôi “ghen” với mấy cô học trò ngang tuổi tôi của chị, tự dưng cảm thấy như mình bắt đầu mất mát một cái gì. Ở Pleiku hay Ðà Lạt gì thì chị cũng xa tôi ngút ngàn, và với tôi thật ra chị vẫn còn là “người tình không chân dung” vì chưa lần nào gặp gỡ, vậy mà tôi mơ hồ cảm thấy một Thuyền của Pleiku không còn là một Thuyền của Ðà Lạt ngày nào. Thuyền với đôi tà áo dài thướt tha bay lượn trong bầu trời bãng lãng khói sương của Ðà Lạt nhất định phải nên thơ hơn là Thuyền với áo dài lấm tấm bùn lầy đất đỏ của Pleiku, và buồn nhất là “Thuyền của chị em tôi” đang sống giữa những người… xa lạ vì anh Long phải về Sài gòn tiếp tục lên cao học.
Hơn nửa năm sau, ba má tôi khăn gói theo anh Long ra mãi tận Pleiku gặp gia đình chị Thuyền để làm đám hỏi cho anh chị rồi… để đó, chờ anh Long học xong mới tính chuyện tiến hành đám cưới. Tôi và Trúc thì thấp thỏm trông ngóng chờ ngày anh Long cưới vợ để hai đứa được biết mùi đi máy bay coi ra thể nào. Trúc ăn cắp chữ nó mới đọc trong truyện Thằng Vũ của ông Duyên Anh đem ra áp dụng liền, ngày đêm hớn hở bàn với tôi, “đi máy bay cao tít trên trời chắc phải sướng… rêm mé đìu hiu, chị Liên hả?…”
Hai lần đám cưới trong gia đình tôi, của chị Hiền rồi đến anh Tùng, xe hơi còn chưa được xài đến thì đừng nói gì đến máy bay. Ngày chị Hiền lấy chồng, gia đình anh rễ tôi ở ngay sau lưng nhà tôi, cách nhau cái hàng rào xi măng cao không qua đầu người. Bình thường con cái hai nhà có thể bắt ghế trèo qua trèo lại như không. Dĩ nhiên là chị Hiền chưa bao giờ thú nhận là chị có từng làm chuyện này giống như đám em út của chị hay không. Gần sát bên như vậy, nhưng không thể đón đưa dâu theo kiểu “trèo tường khoét vách” nên ngày cưới của chị Hiền hai gia đình phải đánh một vòng… gần tròn, đi ra tới đầu ngõ, quẹo phải, đi dọc theo đường hẻm bên hông để qua nhà bên kia. Khúc đuôi của đoàn rước dâu còn dồn cục bên nhà trai thì khúc đầu đã vô tới cổng rào bên nhà gái. Chị Hiền chỉ sắp xếp hành lý sơ sài lấy có vì lỡ quên thứ gì thì cứ chạy ra sân sau réo lũ em đưa đồ qua bờ tường. Năm đầu tiên còn ở bên nhà chồng, chị Hiền đi làm dâu mà chiều chiều cứ tuôn về nhà cha mẹ để tụ tập ăn hàng vặt và tán dóc, cãi cọ với em út.
Ðến phiên anh Tùng đi lấy vợ thì nhà bà chị dâu ở bên cù lao nằm giữa sông, đối diện với chợ. Vậy là đoàn rước dâu đi bằng đò, áo xanh áo đỏ, dù hồng dù tím màu mè rực rỡ chói mắt cả một khúc sông. Chiếc xuồng chở đám con nít tụi tôi tròng trành suýt lật úp khi đi vào những con lạch nhỏ vì cả đám cứ xô đẩy lao nhao để chọc hái những trái ổi, trái mận chín hồng thơm tho hấp dẫn đong đưa trên mấy nhánh cây de ra hai bên bờ kinh.
Nghĩ tới đám cưới của anh Long và chị Thuyền, tôi cười thầm, chắc thời kỳ đám cưới “thủy quân lục chiến” bao gồm từ đường bộ đến đường sông trong gia đình đã chấm dứt, không còn cảnh đi bộ tà tà như đi hóng mát hay ngồi đò lênh đênh trên sông nước.
Ðôi khi, trong những lúc “trà dư tửu hậu”, tôi và Trúc hay đem chuyện anh Long và chị Thuyền ra mà mổ xẻ phân tích để chứng tỏ như mình cũng đã hiểu ít nhiều về chuyện yêu đương bồ bịch của người lớn. Trúc cho ý kiến:
– Dĩ nhiên là chị Thuyền phải thương anh Long nhiều lắm, chị Liên há? Anh mình học giỏi, đẹp trai, tài hoa, hiền lành, chung thủy, dễ thương…
Con nhỏ mới bước qua tuổi mười bốn, miệng còn hôi sữa, tập tành nói chuyện tình yêu như dân sơn đông mãi võ rao bán thuốc dán, thuốc tiêu, thuốc tể, cao đơn, hoàn tán…, chỉ còn thiếu hai chữ “mại dzô, mại dzô…”Tôi bật cười. Trúc phân trần:
– Vậy chớ không phải chị Thuyền là người “tấn công” anh Long trước hay sao?
Tôi suỵt suỵt:
– Anh Long mà nghe mày ăn nói kiểu đó thế nào cũng bị cú đầu vài cái.
Anh Long ghét tụi tôi dùng hai chữ “tấn công” này lắm, nói như vậy là ám chỉ chị Thuyền đã “chạy” theo anh, nghe… đại hạ giá con gái người ta quá! Anh hay bênh vực chị Thuyền đủ điều, tụi tôi đồng ý với nhau, ngay cả cái chuyện ai đã theo ai trước nào có mất mát thiệt thòi gì đâu mà anh cũng cố lấp liếm bào chữa cho chị. Có lẽ tại đầu óc anh có phần hơi… cổ lỗ sĩ. Cô Út của tôi đã quả quyết:
– Tao dám chắc thằng Long nhà này là hậu thân của Khổng Tử. Người đâu mà xưa như trái đất!
Từ đó mà anh Long mới có thêm cái tên gọi ở nhà là cụ đồ Long.
Mùa hè năm đó, cuối cùng tôi và Trúc cũng được gặp mặt “thần-tượng-từ-miền-cao-nguyên -đất-đỏ” là chị Thuyền. Nhân dịp nghỉ hè, hai đứa được ba má cho phép lên nhà chị Hiền ở chơi hai tuần lễ, gặp đúng dịp chị Thuyền từ Pleiku bay về thăm anh Long. Mấy anh chị em rủ nhau lên Ðường Sơn Quán ăn uống mừng ngày gặp gỡ. Chị Thuyền mặc áo dài màu vàng rực rỡ như nắng thu, quần satin trắng ống rộng mềm mại phất phơ. Dáng chị đẹp như tranh vẽ, đẹp hơn cả những tấm hình tôi đã được nhìn qua. Tóc chị suông, để dài quá vai, đường ngôi rẻ giữa thẳng tắp. Ngoài đời, nhan sắc chị cũng không thuộc vào hàng xuất sắc, nhưng chị có duyên và được trời phú cho đôi mắt sáng long lanh ướt mềm cộng thêm nụ cười e ấp dễ thương. Tôi có thể đoán được là chính đôi mắt như sao trời của chị đã làm ông anh tôi hụt chân, té nhào. Mắt em là nước hồ thu… Tôi đọc ở đâu đó câu ví von này. Nhìn vào mắt chị Thuyền buổi sáng hôm ấy, tôi hiểu ngay được sự so sánh thơ mộng này. Cả một bầu trời mây xanh nắng hồng rực rỡ như in bóng trong đôi mắt hồ thu của chị Thuyền ngày hôm đó.
Tôi ngồi cạnh chị và anh Long. Ghế ngồi là những gốc cây già cưa ra thành từng khoanh tròn, đặt quanh mấy cái bàn gỗ trong khoảng sân rộng với những tàn lá cao su xanh rì cao ngất ngưởng lao xao nhảy múa trên không. Tiếng xe cộ vùn vụt qua ngang ngoài xa lộ mơ hồ vọng lại âm thanh rầm rì dễ chịu nghe như tiếng ru. Buổi trưa thanh vắng tịnh yên với một chút gió thoáng qua rất nhẹ làm lung linh những giọt nắng chập chờn dọi trên nền đất phẳng phiu. Mà rồi cũng chẳng ai thèm để ý cảnh trí chung quanh vì mải mê nghe chị Thuyền nói chuyện. Chị Thuyền ở ngoài đời có lối nói chuyện ngọt ngào không khác mấy những lá thư chị viết, giọng chị nhẹ nhàng trầm bổng với bao nhiêu đề tài lý thú khác nhau. Chị quay sang hỏi Trúc về “danh lam thắng cảnh” của quê tôi. Trúc cười lúng túng:
– Quê em không có chỗ nào tên nghe hay như ở ngoài Huế của chị hết. Mấy cái tên ở ngoài đó nghe không cũng phát thèm. Trường Tiền, Hương Giang, Vỹ Dạ, Ðông Ba…
Chị Thuyền cười xòa:
– Chị đâu có biết Huế ra làm sao. Gia đình chị dọn vào Pleiku lâu lắm rồi.
Tôi dùng mớ kiến thức văn nghệ nghèo nàn của mình để “cứu bồ” Trúc:
– Thì Pleiku của chị cũng được ông Vũ Hữu Ðịnh với ông Phạm Duy làm thành… bất tử với “phố núi cao phố núi đầy sương…” đến đỗi anh khách lạ cũng phải đi lên đi xuống, đi tới đi lui… Còn Vĩnh Long, chị có nghe bản nhạc nào nói về Vĩnh Long thơ mộng chưa?
– Vậy quê em có gì thì cứ kể cho chị nghe…
Trúc nhíu mày suy nghĩ:
– Quê em có nhiều cầu lắm. Cầu Cái Cá, cầu Cái Côn, cầu Cái Cam… Nghe “cái mà” thấy ghê luôn.
Chị Thuyền bật cười, tiếng cười chị trong veo, ấm áp:
– Rồi gì nữa Trúc?
– Cầu Lộ, cầu Lầu, cầu Kinh Cụt, cầu Công Xi Heo, cầu Vòng, cầu Ông Me, cầu Bà Ðiều, cầu… đủ thứ giống!
Trúc kể lể một hơi dông dài nghe gần muốn đứt hơi, gom góp hết tên những cây cầu trong thị xã mà nó nhớ được để trả bài với chị Thuyền. Rồi nó nhìn lại nét mặt chị Thuyền càng lúc càng tỏ ra… kinh hải với những tên cầu nghe thật chẳng giống ai, con nhỏ bỗng sượng sùng ngưng ngang, ngồi thộn mặt ra ngó quanh bàn. Mọi người cùng phì cười trong khi chị Thuyền cố nói năng một cách đàng hoàng:
– Em nói đúng ghê. Quê em quả thật là nhiều sông nhiều cầu. Cứ y như là một Venice của Việt Nam!
Chị Thuyền quả thật là người khéo ăn khéo nói, vừa nhanh trí lại vừa lịch sự hết chỗ chê. Dù không biết Venice là cái quái đản gì, tròn méo ra sao và nằm ở xó nào trên năm châu lục địa, tôi chỉ lụp chụp nghe được cái tên ngoại quốc là khoái tỉ tê trong lòng. Ừ, thì Vơ-nít nghe cũng từa tựa như… Vĩnh Long, cùng bắt đầu bằng một chữ V, như vậy chắc chắn là có… bà con xa gần rồi. Anh Long chăm chú lắng nghe tụi tôi nói chuyện, cười tủm tỉm rồi lắc đầu làm bộ ra vẻ chán nản ê chề.
Hôm chị Hiền đột ngột về thăm nhà, tôi đoán chắc có chuyện gì không ổn, dựa theo cái vẻ đi đứng bồn chồn nóng nảy, mặt cau mày có của chị từ lúc bước chân vào nhà. Sau buổi cơm chiều, khi mấy chị em quây quần quanh bàn ăn chăm chú nhìn má dạy cách đổ rau câu sơn thủy, chị mới thì thầm kể lể với má:
– Vụ thằng Long với con Thuyền chắc là không xong đâu má à!…
Má tôi ngước lên nhìn chị Hiền, không giấu được sự ngạc nhiên:
– Sao vậy? Bộ tụi nó hục hặc gì hả?..
Chị Hiền thở ra:
– Anh Quang con có người bạn cũ cùng dạy một trường với con Thuyền, người ta biết Long là em con nên mới nói cho biết là con Thuyền đang cặp bồ với một anh chàng giáo sư cùng trường. Thành phố nhỏ xíu nên chuyện trong nhà chưa hay thì ngoài ngõ đã biết. Hôm tháng trước thằng Long bay ra ngoài đó gặp con Thuyền để hỏi rõ sự tình, con Thuyền thề sống thề chết là nó vẫn thương, vẫn chờ thằng Long. Thấy cũng tạm êm rồi…, ai dè đâu tuần trước bạn thân thằng Long làm việc ở ngoài Nha Trang lại gọi cho nó, nói gặp con Thuyền ở khách sạn với người đàn ông nào coi thân mật tình tứ lắm. Con Thuyền trông thấy nó là mặt mày xanh lè, hết đường chối cãi…
Má tôi buông người nặng nề xuống ghế, ngước mắt nhìn chị Hiền nhưng không nói được lời nào. Tôi bỗng thấy nghẹn thở và không muốn nghe tiếp những lời chị Hiền kể lể. Chưa yêu ai ngày nào mà tôi cảm thấy đau đớn như chính mình là người bị phụ tình. Chị Hiền ôm vai má tôi, nhẹ giọng vỗ về:
– Con về đây để nói cho má biết là thằng Long mới đánh điện tín ra Pleiku cho ba mẹ con Thuyền hôm qua để xin từ hôn.
Ðó là lý do chị Thuyền đã vội vã bay về Sài gòn để xin gặp mặt anh Long. Tôi bần thần suy nghĩ tới lui, nhưng không đoán được tại sao chị còn năn nỉ van xin anh Long tha thứ để làm gì. Mọi chuyện hình như đã đi quá xa, như những vòng bánh xe lăn đã đưa đến sát bên bờ vực thẳm mà không còn cách nào đứng dừng hay quay đầu trở lại.
Buổi tối, tôi và Trúc rút vào phòng sớm hơn thường lệ, thì thào bàn bạc về chuyện mới xảy ra. Hai đứa cùng ngẩn ngơ đau khổ như nhau. Tôi bỗng dưng nhớ đến mẫu giấy tập học trò lấm tấm vài vệt nâu loang lổ mà tôi và Trúc tình cờ nhìn thấy trong cái bóp da nhỏ của anh Long. Anh Long giải thích, đó là tờ giấy chị Thuyền đã gói ô mai tặng anh để làm quen. Trúc nghe qua, nhăn mặt kêu lên:
– Em đâu biết cụ đồ Long mà cũng biết ngậm ô mai cam thảo…
Tôi hả họng cười:
– Vậy chớ mày không nghe má thường hay nói sao, khi người ta thương nhau thì biểu ăn “bùa mê thuốc lú” gì cũng ăn, nói gì tới ba cái ô mai, xí muội, cánh chỉ, trần bì…
Ðó là chuyện vui trong quá khứ. Còn hiện tại thì mấy anh em tôi cay đắng cùng nhau ngậm… bồ hòn. Tôi và Trúc lục soạn moi móc ra hết những tờ thư cũ của chị Thuyền, ngồi lẩm nhẩm đọc lại từng dòng chữ như để tìm bất cứ dấu hiệu nào cho tụi tôi có thể đoán biết là một ngày nào đó chị sẽ hững hờ quay lưng. Dĩ nhiên là tôi không tìm thấy gì hết. Cho nên tôi tự an ủi là tình yêu một thời chị dành cho anh Long là điều có thật. Những giọt nước mắt chị nhỏ xuống với anh là những giọt nước mắt chân thành. Và có lẽ, ngay cả những lời cầu xin anh tha thứ cũng xuất phát từ trái tim, mặc dù tôi không đoán được chị sẽ xử sự ra sao nếu anh đồng ý chấp nhận cho chị quay về. Tôi không biết chị đã tìm được một tình yêu khác trưởng thành hơn tình yêu lãng mạn và mong manh của thời làm sinh viên mơ mộng, hay chị đang hốt hoảng cuống quýt chợt nhận ra giá trị của những gì sắp sửa vuột xa ngoài tầm tay với. Dù có là gì đi nữa, trong thâm tâm tôi biết chắc là chị không hề dự định chỉ yêu anh Long một thời cho… vui. Tôi thầm đoán, trên một đoạn đường đời đã cùng đi chung bước, như bao nhiêu đôi tình nhân khờ khạo ngu ngơ khác trên cõi đời này, hai người cùng trao nhau bao lời thệ nguyền dài lâu bằng cả tấm lòng thành mà không nhìn thấy trước được những thử thách gian nan, những hố thẳm vực sâu đang chực chờ trước mặt.
Tôi lẩn thẩn nghĩ, cái câu “duyên số tại trời” của má suy ngẫm vậy mà… có lý. Có lẽ cuối cùng thì cũng không phải lỗi tại ai mà chỉ tại… ông trời. Nhưng rồi tôi thấy phân tích lung tung để chứng tỏ mình là người hiểu biết, bao dung và… quân tử là một chuyện, sự thật thì nỗi đau vẫn nằm nguyên đó, là cũng như anh Long, tôi đã mất chị Thuyền. Mất đành đoạn xót xa. Mất bàng hoàng tức tưởi. Khi bị tình phụ thì chắc người quân tử chính hiệu con nai vàng hay người quân tử… tàu cũng đều đau khổ quắt lòng, cũng đòi đoạn tâm can như nhau!..
Tôi ngồi co người ở mép giường với hai tay vòng ôm gối, đầu lắc lư nhịp nhàng theo tiếng mưa rơi gõ đều trên mái ngói, bâng khuâng nghĩ đến chuyện sẽ chẳng bao giờ còn nhận được những lá thư mang nét chữ quen thuộc từ “phố núi cao, phố núi trời gần…” nữa, và tự dưng nghe lòng buồn quá đỗi…
Vui Nhé
Những Ngày Sau
Mênh mông giữa ngày tàn
lặng lờ bước tháng năm
chiều nay chợt bàng hoàng
tiếng hát vọng dư âm
gió lướt qua hiên thu
đong đưa bóng chiều tà
trong nỗi niềm thực hư
man mác giữa mưa hoa…
Tháng mười nghe xôn xao
như mùa thu ban đầu
thuyền về ghé đêm nao
bến đời nghiêng nắng chao
tóc rối chẻ đường bay
phấn hoa vương nét ngài
nhắn người xa dặm dài
vui nhé những ngày mai
Xin giữ tim khoan dung
giữa đời bao lỗi lầm
xin vòng tay tri ân
dù chẳng phải tình chung
Thì thôi, người thuở xưa
trả lại mộng ban đầu
thì thôi, người thuở xưa
vui nhé những ngày sau…
Cơn Đau Nỗi Khốn Cùng
này người cõi sương mù
còn nhặt lá vườn thu
giấu chôn tình mật ngọt
nuôi dưỡng đời cằn khô
này người cõi mây giăng
co bóng lẻ qua đường
xin mưa về gội rữa
vết buồn của tháng năm
này người phố cao nguyên
này người ở trong tim
của đời qua lặng khép
của tình nào chưa yên
xin đem trăng ước nguyện
về soi hồ mắt duyên
xin dâng môi thánh thiện
còn chứa chan nỗi niềm
đôi khi trong nắng vỡ
dáng về giữa mông lung
đôi khi trong tim nhỏ
còn đau nỗi khôn cùng.
Nhắc Chi Hoài Trăm Năm
nhìn trăng treo cuối phố
nhớ màu trăng năm nào
trăng này là mấy nữa
héo tàn trên hư hao
nhìn đêm sâu trăn trở
nhớ gối chăn ban đầu
đêm nay là mấy nữa
chìm hẫng xuống lao đao
nhìn tay thon ngón nhỏ
nhớ tay trên phím đàn
đâu rồi tay một thuở
lùa trong tóc em ngoan
nhìn gương soi mắt đỏ
vẫn long lanh kiếm tìm
gương ơi, còn đâu đó
hình hài trong đáy tim
nhìn mưa qua buổi nọ
che kín lối trăng vàng
trăng ơi, thôi đã lỡ
nhắc chi hoài trăm năm.
Lời Cho Rừng Thu
rừng thu ơi
lối cỏ vàng
chân khiêu vũ dưới màu trăng năm nào
mảnh ân tình gửi về đâu
mà đêm gió lạ mang sầu về đây
rừng thu ơi
bóng trăng gầy
đăm đăm dõi bước đường mây cuối trời
hoa thơm hương nhẹ nhàng rơi
sao lòng nặng những bùi ngùi không đâu
rừng thu ơi
áo lụa nhầu
ngọt hương chăn gối của đầu tiên xưa
cỏ hoa nghiêng buổi gió đùa
vô tình xóa dấu chân đưa thuở nào
rừng thu ơi
nắng mai sau
có như nắng thuở ban đầu khôi nguyên?…
Đi Chùa
Hình như nắng sớm ngủ quên
Cho mây len lén về trên vai nàng
Em đi giữa lối hoa vàng
Tháng hai giũ lụa trên tàn lá cao
Áo em đôi vạt xôn xao
Lượn bay trước cổng xuân chào mùa sang
Nhắn người phương ấy về ngang
Bên sân chùa lắng nghe hàng thông reo
Lời kinh chìm giữa quạnh hiu
Ru em từng tháng ngày đều đặn qua
Bướm ơi, xin nhớ hồn hoa
Hẹn mai chết dưới hiên chùa tịnh tâm
Khi môi thơm khép nghìn năm
Tàn hơi thở muộn khóc lần chia phôi
Bướm gom mộng chở về trời
Làm mưa rơi ấm trên đời người thương
Em đi chùa tóc mây buông
Lời kinh cầu gửi người ngàn năm xa
Em quỳ, nghiêng xuống hư vô
Khói hương che khuất đôi bờ thiên thu…
Phan Các Chiêu Hằng