Phạm Cao Hoàng
Bây Giờ
Tặng Cúc Hoa và tôi, một thời lưu lạc
bây giờ nhớ núi nhớ rừng
nhớ sông nhớ biển nhớ trăng quê nhà
thương em ngày nắng Tuy Hòa
chiều mưa Đức Trọng, sáng Đà Lạt sương
thương em và những con đường
một thời tôi đã cùng em đi v
bây giờ lạ đất lạ quê
bước chân phiêu bạc biết về nơi đâu (*)
thương em nắng dãi mưa dầu
đau cùng tôi với nỗi đau riêng mình
chia cùng tôi một chút tình
của ngàn năm trước và nghìn năm sau
về đâu chẳng biết về đâu
thôi thì về lại buổi đầu gặp em
dòng sông xưa ấy êm đềm
mùa thu năm ấy bên thềm lá bay
bàn tay nắm chặt bàn tay
dìu nhau qua những tháng ngày gian nan
bây giờ ngồi nhớ Việt Nam
bên trời tuyết lạnh hai hàng lệ rơi
Dù Sao Vẫn Cám Ơn Đời
* Tặng anh Trần Hoài Thư
dù sao vẫn cám ơn đời
cỏ cây và gió mặt trời và hoa
cám ơn những đám mây xa
đang bay về phía quê nhà chiều nay
cám ơn những sớm heo may
lạnh se sắt lạnh bên này đại dương
cám ơn giọt nắng vô thường
lung linh ở cuối con đường khổ đau
mười năm nước chảy qua cầu
chuyện về đất nước là câu chuyện buồn
mười năm sống kiếp tha phương
thân nơi biển bắc mà hồn biển đông
mười năm thương ruộng nhớ đồng
lòng còn ở lại sao không quay về
mười năm nhớ đất thương quê
bước đi một bước nặng nề đôi chân
mười năm một thoáng phù vân
tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người
dù sao vẫn cám ơn đời
biển xanh và sóng núi đồi và em
cám ơn những sáng êm đềm
khói cà phê quyện bên hiên nhà mình
đứng bên bờ vực tử sinh
vẫn nghe em hát bản tình ca xưa
mười năm như một giấc mơ
Sau Chiến Tranh
Trở Lại Tuy Hòa
khi về thăm lại cố hương
thấy quê nhà nghĩ càng thương quê nhà
hắt hiu một bóng mẹ già
một ngôi mộ cỏ xanh và khổ đau
bâng khuâng một chút vườn sau
ngậm ngùi ngõ trước lao xao nắng vàng
đã qua chưa cuộc điêu tàn
đám mây năm cũ biết tan nơi nào
Mây Trắng
* Tặng anh Trần Huiền Ân
ngày đi về phía mặt trời
tôi nghe tiếng gọi của người năm xưa
và nghe tiếng mẹ ầu ơ
bên dòng sông với đôi bờ quạnh hiu
xóm thôn một thuở tiêu điều
gian nan cùng với cuộc phiêu lãng này
ngày về trắng hai bàn tay (*)
người về ôm lấy cụm mây trắng buồn
khói ngày xưa ấy còn vương
sương còn đọng lại bên dòng cổ thi
ngày về nhớ lúc ra đi
biển gào lên khúc biệt ly sao đành
vậy mà…
biền biệt bao năm
Ngày Tôi
Trở Lại Miền Đông
ngày tôi trở lại miền đông
tôi mang theo một nụ hồng cao nguyên
vẫn là tôi, vẫn là em
vẫn khu vườn cũ, vẫn thềm nhà xưa
đi cùng tôi nhé, Cúc Hoa
trên con đường mịt mù mưa xứ người
và xin cảm tạ đất trời
đã cho em lại nụ cười hồn nhiên
đi cùng tôi, giọt sương đêm
nhẹ nhàng như nhạc và hiền như thơ
mơ cùng tôi nhé Cúc Hoa
Giấc mơ Đà Lạt
thời chưa biết buồn
vẫn là tôi, vẫn là em
vẫn khu vườn lạnh tiếng chim gọi đàn
vẫn là mây trắng ngàn năm
Thương Em
Và Những Con Đường…
…
Đến 3 giờ chiều thì ca mổ xương chậu hoàn tất và hai tiếng sau đó họ đưa tôi vào phòng hồi sức gặp Cúc Hoa. Tôi bước vào, nhìn thấy Cúc Hoa. Mặt Cúc Hoa hơi sưng và có một vết bầm nhỏ trên mũi, còn chân trái thì băng kín mít. Cúc Hoa mở mắt nhìn tôi, không nói gì, rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn trên má. Khuôn mặt và đôi mắt của Cúc Hoa buồn một cách lạ lùng. Suốt đời tôi, tôi sẽ không bao giờ quên khuôn mặt Cúc Hoa và những giọt nước mắt ấy. Khuôn mặt của sự chịu đựng một đời gian khó cùng những giọt nước mắt của hạnh phúc xen lẫn khổ đau.
Chúng tôi yêu nhau thời chiến tranh, cưới nhau lúc hòa bình, cuộc sống triền miên vất vả, và bây giờ Cúc Hoa phải chịu những đớn đau ghê gớm về thân xác trong những ngày lưu lạc ở xứ người. Tôi tự hỏi tại sao không phải là tôi mà lại là Cúc Hoa. Tôi cũng không ngờ có một ngày Cúc Hoa phải rơi vào một hoàn cảnh như thế này vì Cúc Hoa vốn là người lái xe rất cẩn thận.
Đêm đó ai cũng muốn ở lại trong bệnh viện với Cúc Hoa nhưng họ chỉ cho phép một người . Tôi nói các con cứ về đi làm bình thường, còn tôi sẽ là người ở lại. Trong những giờ phút khó khăn nhất của Cúc Hoa, tôi cần phải có mặt bên nàng.
Cúc Hoa nằm đó, trên giường bệnh, lặng lẽ, hơi thở mệt nhọc. Tôi ngồi bên cạnh, nghĩ lan man đủ thứ chuyện, nhớ mênh mang đoạn đường đời mà hai chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi quen nhau trong một đêm thơ nhạc do nhóm bạn Phan Bá Chức, Nguyễn Ngọc Phong, Trần Minh Triền, Nguyễn Khắc Nhượng và Nguyễn Hiền Tiên phối hợp với Lê Uyên Phương tổ chức ở quán Lục Huyền Cầm, Đà Lạt. Thuở ấy tôi mê thơ và nhạc hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời này. Tôi là một con ngựa hoang chỉ thích rong ruổi lang thang đây dó. Khi quen Cúc Hoa, mọi thứ bắt đầu thay đổi, và tôi biết đã đến lúc tôi cần phải dừng bước giang hồ. Cúc Hoa đến với tôi nhẹ nhàng , nồng nàn, và vô cùng lãng mạn.
Thế hệ chúng tôi, mà Trần Hoài Thư gọi là “thế hệ chiến tranh”, là một thế hệ không may mắn. Thời chiến tranh thì sống trong chết chóc, lo âu, sợ hãi. Khi hòa bình thì sống trong cơ cực, khó khăn. Sự nhẹ nhàng, nồng nàn, và lãng mạn của Cúc Hoa đã giúp tôi vượt qua những khó khăn nhiều lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi.
Cúc Hoa nằm đó, trong nỗi đớn đau của thân xác.
thương em ngày nắng Tuy Hòa
chiều mưa Đức Trọng sáng Đà Lạt sương
thương em và những con đường
một thời tôi đã cùng em đi về
bây giờ lạ đất lạ quê
bước chân phiêu bạc biết về nơi đâu
thương em nắng dãi mưa dầu
đau cùng tôi với nỗi đau riêng mình
chia cùng tôi một chút tình
của ngàn năm trước và nghìn năm sau
Cúc Hoa nằm đó, vẫn khuôn mặt thánh thiện nhưng có hằn lên những nét khổ đau. Một đời Cúc Hoa hết tình hết nghĩa với tôi và các con. Tôi cầu mong sao vết thương không nặng lắm để Cúc Hoa có thể vượt qua tai ách này.
Đến gần nửa đêm, Cúc Hoa tỉnh thuốc mê và đã có thể gượng nói chuyện với tôi.
– Em có nhớ mọi việc xảy ra như thế nào không?
– Em chỉ nhớ là mình lái xe chạy trên đường Westfields, qua khỏi bưu điện thì không biết gì nữa.
– Em thấy trong người thế nào?
– Đau nhức và ê ẩm khắp người. Em bị thương có nặng không anh?
– Chân trái em bị rạn hai chỗ. Chiều nay họ đã mổ và chỉnh sửa phần bị rạn ở xương chậu.
– Chừng nào họ mổ chỗ còn lại?
– Họ nói phải theo dõi sự hồi phục và sức chịu đựng của em rối mới tính tiếp.
– Liệu sau này chân em có bị tật hay không?
– Không đâu em.
Tôi nói để Cúc Hoa an tâm chứ thật ra chỉ có trời mới biết rồi đây Cúc Hoa sẽ như thế nào.
Cúc Hoa trầm ngâm, im lặng hồi lâu.
– Em đang nghĩ gì?
– Em buồn quá . Hết chuyện này đến chuyện khác. Muốn yên mà vẫn không yên.
– Em cứ bình tĩnh, mọi việc rồi cũng sẽ ổn thôi.
– Em nhớ Đà Lạt. Mai mốt lành bệnh anh đi với em về Đà Lạt anh nhé.
– Ừ, anh sẽ đi với em. Sao em lại nghĩ về Đà Lạt trong lúc này?.
– Thật ra, không phải lúc này, mà lúc nào em cũng nghĩ về Đà Lạt. Em tìm thấy sự bình yên ở đó.
– Anh cũng nghĩ như em.
…
Trở Về Mái Trường Xưa
* Tặng Nguyễn Đình Cai, Phạm Thành Long,
Đoàn Việt Hùng, Nguyễn Thị Trang,
Phan Thị Thanh Trúc, Nguyễn Thị Ruộng
chiều nay ghé thăm trường cũ
nép mình bên gốc phượng xưa
chợt nghe trăm ngàn thương nhớ
hình như thu đã sang mùa
tìm lại tuổi thơ chốn này
lần theo những tháng ngày qua
lần theo những dòng kỷ niệm
tuổi thơ và nhũng nụ hoa
chiều nay ghé thăm trường cũ
cây bàng xưa vẫn còn đây
hỏi thăm những người thuở ấy
bạn tôi nay ở phương nào
tìm lại người xưa chốn này
thầy ơi, con đã về đây
ai còn, ai đi, ai nhớ ?
cuối trời hiu hắt mây bay
chiều nay ghé thăm trường cũ
nghe mùa thu hát ngoài kia
chợt nghe trong lòng man mác
những ngày thơ ấu xa xưa
Mỗi Người
Chia Nhau Một Chút Khổ
1.
Những ngày đầu tháng 5.1975 Sài Gòn lên cơn sốt thuốc tây và xe đạp. Thiên hạ đổ xô đi mua thuốc tây và xe đạp vì có tin đồn rằng tiền miền nam sẽ không còn giá trị và hai mặt hàng này sẽ trở nên khan hiếm trong những ngày sắp tới. Giá thuốc tây và xe đạp tăng vùn vụt nhưng người mua vẫn cứ tranh nhau mua.
Trong gia đình tôi, anh Bảy vốn là người nhạy bén với những biến động kinh tế theo kiểu này nên ngay từ lúc bắt đầu cơn sốt anh mua một chiếc xe đạp do Nhật sản xuất, sau đó anh tìm mua các loại thuốc tây thường dùng.
Sáng hôm ấy, anh Bảy tiếp tục đi mua thuốc tây rất sớm. Ở nhà chẳng biết làm gì, tôi lang thang ra chỗ đường Lê Văn Duyệt tìm một quán cóc để uống một ly cà phê sáng. Khi đi ngang qua tiệm thuốc tây, tôi thoáng thấy anh Bảy trong đó.
Tôi bước vào tiệm thuốc tây.
– Xong chưa? Đi uống cà phê với em.
Anh Bảy quay lại, thay vì trả lời tôi, anh nhìn ra ngoài đường, mặt biến sắc, hốt hoảng, lắp bắp:
– Chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp mới mua. Đứa nào lấy rồi. Anh mới vừa bước vào đây thôi mà.
Cạnh tiệm thuốc tây có một con hẻm nhỏ. Tôi phản ứng rất nhanh:
– Chắc nó đi chưa xa. Em đuổi theo con hẻm này, còn anh đuổi theo hướng đường Lê Văn Duyệt.
Nói xong, tôi chạy vào con hẻm. Chưa bao giờ tôi chạy nhanh như bữa đó. Cứ lao về phía trước. Không thấy gì cả. Được khoảng 200 mét thì thấm mệt. Tôi bắt đầu giảm tốc độ, chạy chậm hơn. Vừa lúc ấy một bé trai khoảng hơn 10 tuổi, dáng vẻ lanh lợi, đang đứng trước cổng nhà, hỏi:
– Có chuyện gì vậy chú?
Tôi dừng lại:
– Cháu có thấy ai đi một chiếc xe đạp mới ngang qua đây không?
– Xe màu gì vậy chú?
– Màu đỏ.
Đôi mắt cậu bé sáng lên:
– Có. Cháu thấy thằng Thảo vừa đi chiếc xe đạp màu đỏ ngang qua đây.
Tôi thoáng thấy một tia hy vọng:
– Cháu này. Hồi nào tới giờ thằng Thảo có xe đạp không?
– Không đâu chú. Nó thường chơi với bọn cháu, cháu biết rõ mà. Nó làm gì có xe đạp.
– Cháu biết nhà nó ở đâu không?
– Biết chứ chú, ở gần đường xe lửa phía sau ga Hòa Hưng.
– Cháu có thể đưa chú đến nhà thằng Thảo không?
– Được mà chú. Cháu sẽ đưa chú đến nhà thằng Thảo.
Trên đường đi, tôi hỏi:
– Cháu tên gì?
– Cháu tên Thắng.
– Cháu học lớp mấy?
– Cháu học lớp năm.
– Thằng Thảo học lớp mấy?
– Nó lớn hơn cháu hai tuổi nhưng nghỉ học lâu rồi. Nhà nó nghèo lắm. Cha nó đi lính chết trận. Nó phải nghỉ học theo mẹ đi lượm ve chai để bán.
– Trước giờ nó có thường ăn cắp không?
– Không đâu chú. Nó chơi thân với cháu, cháu biết rõ mà. Nó rất đàng hoàng. Chú này, lát nữa tới nhà thằng Thảo chú đừng vào. Mẹ nó sẽ đánh nó nếu biết nó ăn cắp. Cháu sẽ vào gọi nó ra gặp chú.
Thắng đưa tôi đi thật xa, dọc theo đường rầy xe lửa, rồi chỉ vào một căn nhà nhỏ tồi tàn, cũ kỹ, mái tôn, vách ván.
– Nhà thằng Thảo đó chú. Chú đứng né vào chỗ lùm cây kia chờ cháu.
Một lát sau Thắng trở ra, chạy nhanh đến chỗ tôi.
– Nó không có ở nhà. Mẹ nó nói nó đi từ sáng sớm đến giờ chưa về.
– Tối nay chú trở lại chỗ này, cháu cố gắng tìm thằng Thảo để chú gặp. Được không?
– Thôi chú. Biết giờ nào nó mới về. Chú cứ để đó cháu tìm nó rồi đưa nó lên phường gặp chú. Cháu biết chú là “cách mạng đang làm trên phường” mà.
Câu nói của Thắng làm tôi ngớ ra vì bất ngờ. Tôi là giáo chức trong chính quyền cũ, từ miền trung di tản vào đây, có biết trụ sở phường nằm ở chỗ nào đâu, bỗng dưng cậu bé này lại gọi tôi là “cách mạng đang làm trên phường”.
Tôi hỏi Thắng:
– Sao cháu biết chú là “cách mạng đang làm trên phường”?
– Chiều hôm qua cháu theo mấy thằng bạn chơi đá banh ở trên phường. Cháu thấy chú ở trong đó.
Như vậy là Thắng đã lầm tôi với một người nào đó trên phường. Tuy nhiên, tôi không giải thích.
– Thắng này, nếu cháu tìm được thằng Thảo, cháu đừng đưa nó lên phường, mà đưa nó đến nhà chú vào buổi tối. Được không?
– Phải đưa nó lên phường nó mới sợ chú ơi!
– Đừng cháu. Đừng làm nó sợ. Cứ đưa nó đến nhà chú là được rồi. Nhà chú cũng ở gần đây thôi.
Tôi đưa Thắng địa chỉ chỗ tôi và mấy anh em trong gia đình đang ở nhờ và hỏi Thắng:
– Cháu biết địa chỉ này không?
– Biết chứ chú. Dễ mà. Trong xóm này, hẻm nào cháu cũng biết mà.
2.
Về nhà, tôi kể lại mọi chuyện cho mấy ông anh nghe. Nghe chuyện tôi là “cách mạng đang làm trên phường” anh Năm cười ngặt nghẽo:
– Có khi như vậy cũng hay. Để đó xem sao.
Anh Bảy bàn với tôi sẽ đi mua một chiếc xe đạp khác. Xem như chiếc kia đã mất. Không mua, vài hôm nữa sẽ chẳng còn xe để mua. Chưa chắc thằng Thảo ăn cắp chiếc xe đó, và nếu nó ăn cắp thì chuyện lấy lại chiếc xe cũng không phải là dễ dàng.
Ngay sáng hôm sau, anh Bảy xuống các cửa hàng bán xe đạp để mua xe như đã bàn. Tuy nhiên, dự tính bất thành vì giá xe đạp tăng ngất ngưởng; số tiền ít ỏi còn lại trong túi anh Bảy không đủ để mua chiếc thứ hai.
Buổi tối, trời rất nóng. Tôi và anh Bảy đang ngồi trước hiên nhà bàn công chuyện cho ngày mai bỗng nhiên có hai cậu bé dừng trước cổng nhà, ngần ngừ một chút rồi bước vào.
Trời hơi tối, chưa kịp nhận ra hai cậu bé này là ai thì một trong hai đứa nói lớn:
– Cháu đưa thằng Thảo đến gặp chú. Nó lấy chiếc xe của chú đó chú ơi.
Thì ra là Thắng. Khi đưa địa chỉ nhà cho Thắng, tôi cũng đưa theo kiểu cầu may, không nghĩ Thắng sẽ đến.
Tôi bước ra, nói với Thắng:
– Cháu giỏi thật. Cám ơn cháu rất nhiều.
Để cho Thảo không sợ, tôi đến vỗ vai nó:
– Cháu vào đây chơi, nói chuyện với chú.
Tôi đưa hai đứa vào hiên nhà, ngồi trên bậc tam cấp. Thảo có khuôn mặt hơi khắc khổ, tóc khô, nước da ngăm đen. Tôi chưa kịp nói gì thì Thắng lại lên tiếng:
– Cháu tìm được nó chiều nay ở ngoài chợ Hòa Hưng. Cháu nói chú là “cách mạng đang làm trên phường” nên nó sợ lắm.
Anh Năm từ trong nhà nói vọng ra:
– Đem nhốt nó lại.
Nghe vậy, Thảo khóc rống lên:
– Cháu sợ lắm. Đừng nhốt cháu.
Anh Năm là sĩ quan trong quân đội vừa tan hàng, chưa biết sẽ bị người ta nhốt lúc nào, bây giờ anh lại dọa, đòi nhốt thằng Thảo. Quả là buồn cười. Tôi không nhịn cười được, nói vọng vào:
– Không nhốt thằng Thảo. Nhốt anh thì có.
Thảo thật thà:
– Thiệt hả chú? Không nhốt cháu hả chú?
Nãy giờ anh Bảy ngồi im nhưng mừng ra mặt. Anh dỗ Thảo:
– Cháu để chiếc xe đạp ở đâu? Cháu đừng sợ. Sẽ không nhốt
cháu đâu.
Thắng chen vào:
– Nó bán cho ông Bốn thợ mộc rồi.
– Tiền bán xe cháu để ở đâu?
– Cháu đã lấy một ít để mua thuốc và đồ ăn cho mẹ cháu. Gần một tuần nay bán ve chai không ai mua, nhà chẳng còn tiền, mẹ cháu lại bị đau…
Nói xong, nó lấy một gói nhỏ gói bằng giấy từ trong túi quần soọc đưa cho tôi:
– Tiền vẫn còn đây. Xin chú tha tội cho cháu.
Tôi đưa gói tiền cho anh Bảy đếm. Đếm xong, anh Bảy có vẻ không vui. Anh nói với Thảo:
– Chú muốn mua lại chiếc xe đạp này. Cháu dẫn chú đi gặp ông Bốn thợ mộc được không?
Thảo có vẻ do dự:
– Cháu không có tiền để trả lại ông Bốn. Chú ơi, cháu không dám gặp ông Bốn đâu.
– Cháu dẫn chú tới đó, còn mọi việc cứ để chú thương lượng.
– Mấy chú không nhốt cháu thì biểu cháu làm gì cháu cũng làm. Giờ này chắc ông Bốn đã đi ngủ.
– Sáng mai đi được không?
– Dạ được.
Thắng và Thảo chào rồi ra về. Tôi đi với hai cậu bé một đoạn, vừa đi vừa hỏi Thảo:
– Chú trông cháu cũng là người đàng hoàng, sao lại ăn cắp xe đạp?
– Gần một tuần nay ve chai lượm bao nhiêu cũng có nhưng bán chẳng ai mua. Mẹ cháu lại bị đau, nhà hết tiền, cháu làm liều kiếm tiền mua thức ăn và mua thuốc cho mẹ cháu.
– Cháu tự làm chuyện này hay có ai bày không?
– Thằng Toán ở cùng xóm bày cháu. Thằng này rất giỏi chuyện ăn cắp. Nó nói theo kinh nghiệm của nó, sau khi dựng xe đạp, người ta đi thẳng vào trong tiệm, ít khi quay lưng nhìn lại. Do vậy, mình canh sẵn, họ vừa quay lưng là mình chớp thật nhanh và chạy đi ngay. Cháu làm theo lời thằng Toán bày.
– Cháu có biết là ăn cắp thì sẽ bị ở tù không?
– Cháu không biết, nhưng mẹ cháu thường nói với cháu ăn cắp là không tốt, mai mốt chết xuống sẽ bị trừng phạt. Cháu đi lượm ve chai với mẹ, thấy đồ đạc người ta để quanh nhà nhưng không bao giờ cháu lấy. Chú ơi, chú tha tội cho cháu. Cháu lỡ lần này thôi.
– Chú sẽ chẳng làm gì cháu đâu. Chú cũng không phải là “cách mạng đang làm trên phường đâu”.
Tôi quay sang Thắng:
– Chắc Thắng lầm chú với người nào trên phường.
Thắng cười bẽn lẽn:
– Vậy mà cháu cứ tưởng …. Làm thằng Thảo hết hồn.
Tôi hỏi Thảo:
– Nghe nói mẹ cháu bị đau. Mai cho chú ghé thăm mẹ, rồi hẵn đến gặp ông Bốn thợ mộc. Được không?
Thảo lắc đầu quầy quậy:
– Không được đâu chú ơi. Lỡ chú nói với mẹ chuyện cháu làm bậy, mẹ sẽ đánh cháu.
– Chú sẽ không nói gì hết. Chỉ thăm mẹ thôi.
– Thôi chú. Cháu sợ lắm.
Tôi lấy một ít tiền lẻ dúi vào tay Thắng:
– Cho cháu cái này. Cháu mua cái gì cho Thảo cùng ăn. Chắc nó đang đói. Mai hai đứa nhớ đến, đưa chú đi gặp ông Bốn thợ mộc.
Thắng thích chí:
– Đúng đó chú. Chiều đến giờ thằng Thảo chưa ăn gì. Cháu sẽ mua bánh mì pa-tê. Mai tụi cháu sẽ đến sớm.
Tôi quay về, nói với anh Bảy:
– Có thiếu chút ít nhưng dù sao nó cũng trả tiền lại rồi. Đi tìm ông Bốn thợ mộc làm gì cho mất công?
Anh Bảy lật qua lật lại gói tiền Thảo đưa, cười buồn:
– Hồi nãy chưa kịp nói với chú. Đã nghèo còn gặp cái eo. Tiền thằng Thảo đưa chỉ hơn nửa số tiền anh bỏ ra để mua chiếc xe đạp. Chắc nó bán rẻ. Rẻ người ta mới mua. Bây giờ chỉ còn cách tìm người mua để lấy lại chiếc xe đạp.
3.
Sáng sớm, vừa mở cửa, Thắng và Thảo đã ngồi sẵn trước hiên nhà.
– Các cháu đến sớm vậy?
Thắng nhanh nhẩu:
– Thằng Thảo nói với cháu nó rất hối hận. Nó muốn đưa chú đến gặp ông Bốn thợ mộc ngay để lấy lại chiếc xe. Đêm qua nó chỉ mong trời sáng để sang gặp chú.
– Chờ chú một chút. Chú vào thay quần áo rồi đi.
Anh Bảy và tôi theo hai cậu bé đi lòng vòng qua nhiều đường hẻm ở phía ga xe lửa Hòa Hưng. Mất hơn 20 phút đi bộ mới đến nhà ông Bốn thợ mộc. Căn nhà không đến nỗi tồi tàn như nhà thằng Thảo nhưng nhìn vào có thể nhận ra ngay nhà của dân nghèo.
Bốn thợ mộc trạc 40 tuổi, người hơi thấp, tóc cắt ngắn, khuôn mặt trông có vẻ thật thà. Đặc biệt, đôi chân của ông hơi khập khiểng. Thấy chúng tôi đi với Thảo và Thắng, có lẽ ông đoán được chúng tôi là ai. Ông bước ra, mặt hơi ngượng ngùng, mời chúng tôi vào. Thắng và Thảo cũng vào theo.
Bước vào nhà, tôi thấy một bé trai và một bé gái khoảng hơn 10 tuổi, nước da tái, tóc tai bù xù, đang ngồi ăn cháo với cá khô. Nghề ông là thợ mộc, nhưng nhìn quanh nhà không thấy bàn, tủ, hay đồ đạc gì đáng giá. Tôi có ý quan sát để xem ông để chiếc xe đạp ở đâu nhưng không thấy.
Anh Bảy làm ra vẻ thân thiện:
– Chào anh Bốn. Chị đâu rồi? Sao không ăn sáng với mấy cháu?
– Bà ấy bệnh và qua đời cách đây hai năm. Tôi gà trống nuôi con.
– Anh làm nghề thợ mộc lâu chưa?
– Hơn 10 năm.
– Trước anh cũng ở trong quân đội?
– Không. Chân tôi bị tật nên được miễn dịch vì lý do sức khỏe. Từ khi mẹ cháu qua đời đến giờ, một mình nuôi con, cực khổ quá, có gì không phải mấy anh bỏ qua cho.
Tôi trấn an:
– Không có gì đâu anh Bốn. Thảo nói nó bán chiếc xe đạp cho anh?
Bốn thợ mộc gật đầu:
– Nó bán cho tôi trưa hôm qua. Nó đi ngang nhà, hỏi tôi có muốn mua xe không, nó bán.
– Anh có biết đó là đồ ăn cắp không?
– Thật tình tôi không biết. Tôi thiệt thà, ai nói gì cũng tin. Nó nói đó là xe của nó thì tôi tin là của nó nhưng khi thấy các anh đến đây tôi mới hiểu ra.
– Sao anh không mua xe ngoài tiệm, có hóa đơn, có nguồn gốc đàng hoàng?
Bốn thợ mộc thở dài:
– Bữa trước tôi có tính mua ngoài tiệm nhưng không đủ tiền.
Anh Bảy đứng dậy, nhìn quanh, rồi nói:
– Anh Bốn này. Thằng Thảo đã đưa tiền bán xe cho tôi, bây giờ tôi trả lại anh, anh cho tôi lấy lại chiếc xe đạp.
Nói xong, anh Bảy để gói tiền trên bàn.
Bốn thợ mộc ngồi im một một lúc, khuôn mặt thẫn thờ.
– Tôi bán lại cho người khác rồi.
Anh Bảy không tin:
– Mới trưa hôm qua anh mua của thằng Thảo, bây giờ anh nói anh bán cho người khác rồi. Sao mà nhanh vậy?
Bốn thợ mộc chùng giọng:
– Thấy rẻ thì ham và mua. Mua xong thấy kham không nổi. Gần một tuần nay không đi làm vì chẳng ai thuê. Nhà hết gạo, hết đồ ăn. Vốn liếng chỉ có chừng đó. Chiều hôm qua phải bán lại cho một người qua đường, cũng bằng giá tiền đã trả cho thằng Thảo, không lời lỗ gì. Tôi thật có lỗi với các anh.
Anh Bảy quay sang nhìn tôi, lộ vẻ thất vọng. Tôi nhìn Bốn thợ mộc. Khuôn mặt chơn chất hiền hậu thoáng có chút sợ hãi của ông trông thật tội nghiệp. Hai đứa nhỏ vừa ăn cháo xong, đang dọn chén bát mang ra ngoài sân rửa. Thảo đứng khép nép trong góc phòng. Thắng đứng bên cạnh, cầm bàn tay Thảo.
Tôi nói với anh Bảy:
– Thôi anh Bảy. Tiếc làm gì? Đáng lẽ mình đã chết trong chiến tranh, bây giờ vẫn còn sống là may lắm rồi. Còn người còn của mà. Anh Bốn đây thì nghèo, mình cũng khổ, mà mẹ thằng Thảo cũng cơ cực. Thôi thì mỗi người chia nhau một chút khổ trong lúc khó khăn này./.
Mây Khói Quê Nhà
bữa đó con về thăm Phú Thứ
gặp lại mùi hương của ruộng đồng
gặp lại những năm và tháng cũ
mây khói quê nhà nhẹ bước chân
mùi hương của đất làm con nhớ
những giọt mồ hôi những nhọc nhằn
cha đã vì con mà nhỏ xuống
cho giấc mơ đời con thêm xanh
mùi hương của đất làm con tiếc
những ngày hoa mộng thuở bình yên
nồi cá rô thơm mùa lúa mới
và tiếng cười vui của mẹ hiền
ngày mai con lại ra đi nữa
cứ đi hoài mà chẳng đến nơi
ước mơ ngày ấy giờ chưa đạt
mà bóng thời gian đã muộn rồi
Giáng Sinh Ở Việt Nam
nghe trong tiếng nhạc vàng réo rắt
gót chân ai bước xuống bên đời
cả trần gian nở hoa thơm ngát
hãy cùng nhau quì xuống đợi tin Người
lạy Chúa tôi đêm nay Người đã đến
mưa ngoài trời đang tạt giữa hồn tôi
tim có se nhưng máu tôi vẫn chảy
đời buồn tênh vẫn mỉm môi cười
giữa phù vinh có khi buồn ứa máu
sống như là đã chết giữa vô tăm
vẫn biết Người có trái tim nhân ái
mặt đất này còn đợi phúc Người ban
vẫn biết Người sáng danh Thiên Chúa
trong hồn tôi là bóng mát hiển linh
nên đêm nay tôi nghe lòng phơi phới
dù phúc kia đâu phải riêng mình
lạy Chúa tôi đêm nay Người có thấy
đường tôi đi lớp lớp mộ bia xanh
có phải sống là tự mình hủy diệt
tự lưu đày giữa biên giới phân tranh
có phải sống là rơi nước mắt
khóc ngậm ngùi bên những dải khăn tang
Chúa tôi ơi Người có nghe tiếng súng
nổ bên trời hiu hắt giọt mưa sương
tôi vẫn đợi một ngày được thấy
chút yên bình của thuở xa xưa
và trên cánh đồng thơm lúa chín
cánh diều bay trong gió dật dờ
tôi vẫn mơ có một chiều trở lại
những con đường rộn rã bước chân quen
hay giữa lòng heo may tháng chạp
tiếng còi tàu giục giã đêm đêm
nhạc vẫn trổi bên bờ vô tận
hãy cúi đầu chờ đợi phút linh thiêng
dìu dặt tiếng thánh ca trong mưa bấc
nghe vang vang trên mặt đất ưu phiền
lạy Chúa tôi đêm nay Người đã đến
trong hồn tôi hoa nở đóa nhiệm mầu
trăm năm sau dưới trời cô độc
tạ ơn Người này một trái tim đau
Trở Về Mái Trường Xưa
Chiều nay ghé thăm trường cũ
nép mình bên gốc phượng xưa
chợt nghe trăm ngàn thương nhớ
hình như thu đã sang mùa
tìm lại tuổi thơ chốn này
lần theo những tháng ngày qua
lần theo những dòng kỷ niệm
tuổi thơ và nhũng nụ hoa
chiều nay ghé thăm trường cũ
cây bàng xưa vẫn còn đây
hỏi thăm những người thuở ấy
bạn tôi nay ở phương nào
tìm lại người xưa chốn này
thầy ơi, con đã về đây
ai còn, ai đi, ai nhớ ?
cuối trời hiu hắt mây bay
chiều nay ghé thăm trường cũ
nghe mùa thu hát ngoài kia
chợt nghe trong lòng man mác
những ngày thơ ấu xa xưa
Phạm Cao Hoàng
Friday, 28 February 2014 15:01
Written by Phạm Cao Hoàng
Nhớ…* Phạm Cao Hoàng
Nhớ Cúc Hoa
đất anh ở và rừng anh thở
sáng anh đi chiều lại trở về
rừng vi vút những đêm gió thổi
bóng anh chìm với bóng hư vô
đôi khi đứng bên triền đá dựng
anh hoang mang sợ núi đè mình
có khi thấy con chồn con cáo
anh giật lùi lòng thoáng hãi kinh
anh đi qua rừng cao quá đỗi
anh đi về rừng quá đỗi cao
anh thu mình như con sâu nhỏ
nằm rung rinh giữa đám lá rì rào
và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ
núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu
núi ngó anh và anh ngó núi
núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu
đất anh ở và rừng anh thở
quá lâu ngày nên thấy hoang mang
anh sống dở và anh chết dở
giữa núi rừng cao ngất ngàn năm
Hành Phương Đông
Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng
Nào biết tìm đâu một mái nhà
Nguyễn Bính
bạn ta, áo ngươi sao bạc thếch
chiều nay còn một ngươi với ta
ngươi nhớ gì dưới trời mây trắng
ta nhớ màu hoàng hôn năm xưa
ngươi phong trần ta cũng giang hồ
vó ngựa qua nhịp khua lóc cóc
buổi ra đi đâu mơ ngày về
nhưng chiều nay ngươi ơi ta muốn khóc
ngươi ba mươi ta cũng ba mươi
kể cũng đã mười năm rồi, xa lắc
thì vui đi cho hết một đời
rằng ta kẻ trời cho sống sót
đôi khi ta mơ một căn nhà trống
dù thu sang hay lồng lộng buổi mưa về
gõ trên quãng đời xưa mà hát
rằng ngàn năm mây trắng đời ta
bạn ta, còn đây lưng chén rượu
ta mời ngươi cạn nốt cùng ta
dẫu lòng ta bạc hay ngươi bạc
cũng cầm bằng như bóng mây qua
cũng như là những giọt máu hồng
đã nhỏ xuống trong mùa xương máu
bên trời kia, ngươi nghe gì không
tiếng ai vọng đau mấy chiều cố xứ
trong lòng ta có một dòng sông
dòng sông xưa đục mù bến nước
lau lách khuya sương lạnh hàng hàng
bạn ta hỡi, làm sao quên được
ta chợt thấy trong đôi mắt ngươi
có điều gì ngươi chưa thể nói
mây vẫn còn giăng trắng một trời
hồn ta cũng giăng đầy sương khói
có nỗi buồn nào đang len trong từng mạch máu
có mũi nhọn nào đâm trong tim ta từng cơn
cạn chén rượu thấy trời đất sụp
ta cũng như ngươi, có vui gì hơn
bạn ta, ngươi sống có bao năm
mà sương gió đầy trên mái tóc
ta cùng ngươi đi giữa phương đông
đất rộng quá nên ngàn năm còn cô độc
mây trắng quá và chiều tê tái lắm
biết về đâu giữa lúc hoàng hôn phai
ta cùng ngươi những bóng đời lếch thếch
chiều tan mau rồi vẫn bóng đêm dài
sống nửa đời chẳng có một quê nhà
buổi lận đận thân gửi nhờ đất khách
chẳng lẽ ta ôm lòng mà chờ
chờ một thuở huy hoàng trên mặt đất
chẳng lẽ ta bắt chước người xưa
ôm chí lớn đi cùng trời đất
trăm năm rồi như bóng mây qua
chí đã cùn nên thiên thu đành chôn chặt
chẳng lẽ ta học người thất thế
mượn dăm chén rượu lãng quên đời
hay ngửa mặt ngâm câu khí khái
giữa chợ đời lê gót rong chơi
bạn ta, vui chi mà cười ngất
buồn chi đập chén vỡ tan tành
mây phương nam có khi mù phương bắc
có khi là mây chia cắt ngàn năm
ta có khi đứng bên tuyệt lộ
thấy một màu nắng úa dưới nhân gian
lớp lớp những mồ xanh bóng cỏ
huyệt sâu kia ta đã có phần
thời xuân thu chẳng thấy ngọn ngô đồng
chim phượng bay dưới trời tan tác
thời hoàng kim của mưa đổ máu hồng
kẻ thất chí nhìn trời rơi nước mắt
ta với ngươi đứng giữa vực tử sinh
vẫn thấy bay một trời mây trắng
nghe quanh đây trời đất quá điêu tàn
không còn ai giữa chiều thoi thóp nắng
trong mắt ngươi có bóng đời ta tan vỡ
có mùa đông quê cũ rét mưa phùn
có đầu thu rụng đầy bông khế
có bông cúc vàng nở rộ chớm sang xuân
có chuyến tàu đi trong chiều sương lạnh
nhả khói buồn tan với hoàng hôn
có chiếc khăn tay vẫy ngang mắt lệ
bánh sắt lăn như nghiến nát cả lòng
chiều nay đèn nhà ai thắp sáng
nghe rộn ràng bên lớp khói đùn quanh
mười năm, ta hay ngươi người viễn khách
rét về chưa mà hồn lạnh căm căm
ta cùng ngươi đi giữa phương đông
giày đã rách nhưng chân chưa thấy mỏi
vỗ trên lưng ngày tháng mà ca rằng
giữa trần gian ta như hạt bụi
bụi dẫu có ngàn năm chờ đợi
cũng ngậm ngùi tan với hư không
ngươi dẫu cạn bao nhiêu hồ rựou
cũng dễ chi đã ấm được lòng
cũng không bằng một sớm mùa đông
quàng khăn rét ngồi bên cửa sổ
hay co ro bên bếp lửa hồng
ấm đời nhau dăm câu chuyện kể
thời bây giờ ta như chim bị đạn
kêu đau thương nay đã suốt bao chiều
bay lảo đảo dưới trời hiu quạnh
đợi tan tành cùng mặt đất buồn thiu
thời bây giờ, của những giọt nước mắt
ướt đẫm khăn hồng người con gái năm xưa
thời của những khăn tang chít vội
thời ruột đau như cắt nỗi chia lìa
thời huy hoàng của những bầy quạ đen
bay phơi phới giữa phương đông hực lửa
thời của những người đã đánh mất trái tim
chỉ còn bóng hận thù vây mọi phía
cắn trong răng một trái bồ hòn
không thể nói những điều muốn nói
ta cùng ngươi những bóng đời thầm
nhìn mây trắng lòng đau vời vợi
đã bao năm dòng máu ta sắp cạn
mà nơi đây không một bóng ai về
rụng tan tác những mùa hoa rụng
mà mây thì mây trắng lê thê
ta cùng ngươi vẽ bóng mà chờ
cùng mặt đất quay theo thời chiến quốc
chiều nay còn một ngươi với ta
bước khập khiểng dưới trời cô độc
có tiếng tù và vang vang trong gió
âm thanh buồn xé vỡ không gian
cũng là lúc nụ cười ta héo hắt
chiều thê lương trời đất quá điêu tàn
có tiếng ai vọng từ muôn kiếp trước
bông hồng nào vừa rụng giữa lòng ta
trong mắt ngươi có chút gì u uất
soi long lanh bóng dáng một quê nhà
kể cũng đã mười năm rồi ngươi hỡi
ngửa nghiêng cùng lịch sử thăng trầm
vui có khi cười ra nước mắt
có khi là rượu say khướt hoàng hôn
ruột có khi tưởng lìa chín khúc
máu có khi ứ giữa buồng tim
cũng đành sống cho qua thời mạt kiếp
dù tháng ngày chụp xuống những oan khiên
bạn ta, bên kia sông là núi
núi của ngàn năm đá vọng bóng người đi
núi tiếp sông và sông tiếp biển
sông tiễn người qua bến phân ly
sông ngậm ngùi vỗ sóng thiên thu
mùa bão tới gầm lên hồi bi thiết
gờn gợn trên sóng bạc những căm thù
bởi máu đã nhuộm hồng sông nước
bấc đã lụn nên đèn leo lét
gót ai qua rờm rợp khắp non sông
trên mặt đất người người rơi nước mắt
và nơi đây ta ngậm nỗi căm hờn
ta cùng ngươi đi giữa phương đông
thương vườn ai đìu hiu dăm xác lá
mái rêu phong cửa khép im lìm
nhà ai đó giống quê nhà ta quá
giậu ai đó đỏ hàng dâm bụt
ngỡ như màu mực tím thuở mười ba
nghe thoang thoảng mùi hương sách mới
có chút gì nghèn nghẹn giữa tim ta
bóng chim nào lạc cánh cuối trời xa
đất rộng quá biết đâu là cố lý
và nơi đây hiu hắt những đời người
dài râu tóc ngồi mơ thời thịnh trị
lúc tuổi trẻ đã tan rồi chí khí
sống nửa đời ta chẳng thấy quê hương
nhìn lên cao mây còn bay lớp lớp
ta cùng ngươi quay với bóng tang thương
Bây Giờ
bây giờ nhớ núi nhớ rừng
nhớ sông nhớ biển nhớ trăng quê nhà
thương em ngày nắng Tuy Hòa
chiều mưa Đức Trọng, sáng Đà Lạt sương
thương em và những con đường
một thời tôi đã cùng em đi về
bây giờ lạ đất lạ quê
bước chân phiêu bạc biết về nơi đâu (*)
thương em nắng dãi mưa dầu
đau cùng tôi với nỗi đau riêng mình
chia cùng tôi một chút tình
của ngàn năm trước và nghìn năm sau
về đâu chẳng biết về đâu
thôi thì về lại buổi đầu gặp em
dòng sông xưa ấy êm đềm
mùa thu năm ấy bên thềm lá bay
bàn tay nắm chặt bàn tay
dìu nhau qua những tháng ngày gian nan
bây giờ ngồi nhớ Việt Nam
bên trời tuyết lạnh hai hàng lệ rơi.
Mùa Phượng Hồng
có ai qua đó góp dùm tôi
những đám mây bay trắng một trời
những bông phượng đỏ màu nhung nhớ
gửi làm quà tặng buổi chia phôi
sẽ xa, thôi cũng đành xa nhé
người về cuối bãi kẻ đầu sông
có chút gì đau như cắt ruột
tay chào, tay vẫy, nón che ngang
sẽ xa, ừ thôi nhé đành xa
rồi mai trên những lối tôi về
tôi biết lòng tôi nghe rộn rã
nhịp guốc ai đùa trong nắng trưa
bỗng dưng tôi thấy mình tiêng tiếc
những tà áo trắng nắng nghiêng nghiêng
những bàn tay giở lần trang sách
e ấp tờ thư trước cổng trường
có ai qua đó hái dùm tôi
những đóa hoa thơm ngát một thời
ép vào tim để nghe thương nhớ
để nghe sầu giạt đến muôn nơi
sẽ xa, thôi cũng đành xa nhé
người về cuối bãi kẻ đầu sông
bóng hoa bay mấy chiều tan tác
hoa rụng ba năm trắng bến hồng
rồi mai khi gió mùa thu tới
khi nắng tàn phai trên lối xưa
có biết người xa xôi trở lại
hay là biền biệt đến muôn thu
trời bỗng mang mang, đất ngậm ngùi
những tà áo trắng năm xưa ơi
có ai qua đó cho tôi gửi
một trái tim đau của một thời
Chiều New Delhi
chiều New Delhi
có tiếng chim tu hú gọi mùa
có nắng reo trên lối tôi về
khói quê nhà quyện cuối phương xa
tôi nghe chiều Delhi
xôn xao mùa phượng tím
bên kia trời quê hương
nhớ em lúc Phục Sinh
tôi thương chiều Delhi
nên yêu màu phượng tím
yêu con người quanh tôi
và yêu cả đất trời
chiều New Delhi
tiếng sáo đâu đây rất êm đềm
bỗng thấy nao nao nhớ quê mình
dáng em gầy
và mái tranh xưa
chiều New Delhi
có niềm vui dù rất muộn màng
có bóng tôi
trên xác lá vàng
với trái tim
thơm ngát tình người.
Dù Sao Cũng Cám Ơn Đời
* Tặng anh Trần Hoài Thư
dù sao vẫn cám ơn đời
cỏ cây và gió mặt trời và hoa
cám ơn những đám mây xa
đang bay về phía quê nhà chiều nay
cám ơn những sớm heo may
lạnh se sắt lạnh bên này đại dương
cám ơn giọt nắng vô thường
lung linh ở cuối con đường khổ đau
mười năm nước chảy qua cầu
chuyện về đất nước là câu chuyện buồn
mười năm sống kiếp tha phương
thân nơi biển bắc mà hồn biển đông
mười năm thương ruộng nhớ đồng
lòng còn ở lại sao không quay về
mười năm nhớ đất thương quê
bước đi một bước nặng nề đôi chân
mười năm một thoáng phù vân
tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người
dù sao vẫn cám ơn đời
biển xanh và sóng núi đồi và em
cám ơn những sáng êm đềm
khói cà phê quyện bên hiên nhà mình
đứng bên bờ vực tử sinh
vẫn nghe em hát bản tình ca xưa
mười năm như một giấc mơ
Chia Tay Đà Lạt
và tôi lại chia tay Đà Lạt
trở lại quê người với những cơn bão tuyết mùa đông
tôi mang theo nỗi buồn xa xứ
và nỗi hoài hương nặng trĩu trong lòng
tôi lại thấy bóng tôi bên dòng Potomac
bên bờ Đại Tây Dương nghe quê hương réo gọi trái tim mình
đi không phải là đi biệt xứ
thương quê nhà còn lại phía sau lưng
lại cùng em lang thang bên hồ Thạch Thảo
nói với em về một đoạn đời buồn
nói với em về những dòng sông lưu lạc
trôi về đâu rồi cũng muốn trở về nguồn
và tôi lại chia tay Đà Lạt
chia tay những con đường in dấu chân xưa
chia tay rừng thông và cỏ cây sương khói
chia tay mây trời và gió núi Langbiang
mong bình yên đến với Kim Huê
và những người ở lại
mong một ngày về…
dù chưa biết khi nào…
Chia Tay Ngựa Ô
ở lại nhé, Ngựa Ô thương mến
tôi sẽ đi và sẽ nhớ nơi này
nơi bạn bè tôi một thời ấm áp
chia cùng nhau nỗi buồn lưu lạc
nơi anh Đinh Cường viết Đoạn ghi đêm Centreville
nơi em trở về sau lần ngã gục
tôi dìu em lên những bậc thềm đớn đau và hạnh phúc
gần ba trăm ngày em mới tìm lại được những bước chân
mới biết quê người không chỉ có hoa hồng
mà có cả những cơn lốc dữ
mới hiểu không có nỗi buồn nào hơn nỗi buồn viễn xứ
nhớ và thương mây khói quê nhà
ở lại nhé, Ngựa Ô thương mến
tôi sẽ đi và sẽ nhớ nơi này
nơi những ngày mưa em nhắc cùng tôi chuyện của ngày xưa
ngày xưa, ngày xưa, ngày em và tôi lang thang trong sương mù Đà Lạt
ngày xưa, ngày xưa, ngày em đạp xe chở con đi học
ngày xưa, ngày xưa, bữa ăn chín phần mười là bắp
đêm em nằm trằn trọc
vì không đủ sữa cho con
rồi cũng qua đi những tháng năm buồn
giờ nhớ lại
thôi thì cũng cứ cho là kỷ niệm
ở lại nhé, Ngựa Ô thương mến
tôi sẽ đi và sẽ nhớ nơi này
sẽ nhớ từng ngọn cỏ hàng cây
khu vườn phía sau nhà
và tiếng chim buổi sáng
những chiếc lá vô tình rơi trên mái tóc
tiếng cười của các con những chiều Chủ Nhật
chút khói cà phê quyện ở hiên nhà
và những giọt sương đêm
những giọt sương đêm em và tôi thấm đẫm
những giọt sương đêm dịu dàng như tiếng nhạc Cortazar
Phạm Cao Hoàng