Nguyễn Thị Hàm Anh
Tranh Thái Tuấn
Đó là một ngày cuối năm, mùa mưa đã qua và mùa khô cũng đồng thời bắt đầu cho hoạt động mua bán tấp nập, các hoạt động văn nghệ chựng lại, dường như bị dẹp qua một bên nhường chỗ cho việc sửa soạn lễ Tết. Thế nhưng trong cái hối hả đó, một phòng tranh vẫn được long trọng khai mạc.
Tôi đi cùng với bà quả phụ Trần Lê Nguyễn -vợ của cố nhà thơ, kịch tác gia Trần Lê Nguyễn mà sau này là một người rất nổi tiếng trong giới sưu tầm tranh- đến khách sạn Festival ở số 31 Cao Thắng, quận Ba. Nơi đây hiện diện một phòng triển lãm do đôi vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển – nhà thơ Phan thị Quý chủ trì, nằm sâu sau khoảnh sân. Phòng triển lãm trong khuôn viên khách sạn dường như càng lọt thỏm giữa các tiệm bánh và shop quần áo chung quanh. Con đường Cao Thắng vốn chật chội đông đúc, thế nhưng bước vào phòng tranh khác hẳn, cánh cửa kính khép lại đã ngăn cách khung cảnh xô bồ bên ngoài và mở ra một thế giới hội họa, một không gian Thái Tuấn riêng biệt.
Thái Tuấn là khuôn mặt quen thuộc của làng hội họa Việt Nam. Ông sinh năm 1918 tại Hà Nội, tự học, đã sớm tìm được cho mình một lối đi và mau chóng thành công trong lối đi riêng này. Ở trong nhóm Sáng Tạo cùng với Duy Thanh, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ… Đặc biệt, ông còn được biết tới như một cây bút lý luận hội họa. Trước kia, quan điểm hội họa của ông thường được thể hiện ở các bài viết đăng trong tạp chí Bách Khoa, Văn, Văn hóa nguyệt san… và gần đây là báo Người Lao Động, Văn Hoá Phật giáo (Saigon). Định cư ở Pháp từ năm 1984, Thái Tuấn đi đi về về quê hương liên tục. Cứ mỗi lần về, ông thường ở lại dăm ba tháng. Với vóc dáng cao gầy, mái tóc bạc trắng, ở tuổi ngoài tám mươi, ông vẫn giữ được sự tinh nhanh nhưng giọng nói khàn đặc vì dây thanh quản bị chùng. Tôi lắng tai mãi mà không nghe được ông muốn nói gì, đành chỉ bắt tay chúc mừng ông vậy.
Đó là lần đầu tiên Thái Tuấn mở triển lãm tại Việt Nam từ sau năm 1975. Bên cạnh ba bức sơn dầu, cuộc triển lãm lần ấy chủ yếu giới thiệu hai mươi sáu bức tranh được vẽ hoàn chỉnh bằng máy vi tính trên giấy Canson Ivoire. Đó là những bản vẽ duy nhất và có chữ ký tay của tác giả, ông muốn thổi hồn qua computer để hình thành nên những tác phẩm mới mẻ.
Không có tranh tĩnh vật, không tranh phong cảnh. Trung thành với chủ đề con người và đối với con người, còn gì đẹp hơn người phụ nữ, Thái Tuấn không hề phai mòn những rung cảm trước vẻ đẹp Việt Nam, vẫn là những thiếu nữ quen thuộc, cô dâu trong chiếc áo dài thụng cưới cổ truyền cầm nón quai thao, thiếu phụ bế con ngồi trên chõng tre, cô gái yếm trắng đội rổ, thiếu nữ váy đen khỏa thân bên hồ sen hồng…
Em còn khỏa nước cầu ao
Xin đừng khỏa bóng tôi vào lãng quên (Nguyễn Lương Hiệu)
Có khăn chít mỏ quạ, thắt lưng buộc múi, có quạt mo, khăn tay, có bàn trà, giếng nước, mành trúc sau lưng, bình hoa trước mặt… Những vật dụng quen thuộc và người thiếu nữ Việt Nam muôn thuở. Những thiếu nữ của Thái Tuấn ngồi đó, như đã ngồi từ trăm năm trước và sẽ còn ngồi đến ngàn năm sau. Tranh ông không có màu sắc chói chan, rực rỡ. Toàn tím nhạt, hồng tro, xám bạc, xanh ngọc… Không có khối tròn, chiều sâu. Đôi hài mũi nhọn một màu, nền một màu. Chỉ là những mảng màu phẳng giản đơn trên một nền trống thênh thang và những cô gái rũ tóc gội đầu soi mình trước ngọn nến, có vạt lúa non tơ, áng mây trắng xốp… Tranh của Thái Tuấn rất tiết chế về đường nét, ông bỏ hết các chi tiết rườm rà, chú trọng đến đầu, mặt và bàn tay. Đôi bàn tay với các ngón thuôn dài, mềm mại, hiền ngoan như đang cầm giữ, gửi trao đến người niềm hạnh phúc êm đềm… Chỉ những phần tinh túy nhất được giữ lại thế mà bức tranh vẫn tỏa ra sự đầy ắp. Ông không những vẽ ra hình dáng người thiếu nữ Việt Nam mà còn biểu lộ được cá tính, tình cảm, tâm hồn người phụ nữ ấy, bộc lộ nên một vẻ đẹp Á đông trầm lắng, một nét đẹp Việt Nam thuần túy mà dù không yếm thắm, xống nâu cũng chẳng thể lầm lẫn với thiếu nữ của bất kỳ nơi nào khác. Đoan trang nét hạnh, thâm trầm dáng thơ là một câu thơ của Thanh Tâm Tuyền dường như được viết ra chỉ để dành riêng cho các thiếu nữ của Thái Tuấn.
Hôm khai mạc, phòng tranh Thái Tuấn khá đông. Thanh Châu nhỏ bé, lưng còng gánh nặng thời gian từ đầu kháng chiến chống Pháp đến giờ mới gặp lại cố tri, Mạnh Đan râu tóc bạc phơ nhưng vẫn quắc thước, trẻ hơn là Cù Nguyễn, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ… Với Bùi Quang Ngọc khai từ và Thái Tuấn khào khào ngỏ lời cám ơn, bầu không khí ấm áp thân mật làm tôi liên tưởng đến một phòng tranh cũng rất dễ thương vào năm trước nữa của Đinh Cường, Nguyễn Lâm, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Mai Chửng, Cù Nguyễn… tại gallery Vĩnh Lợi. Đó là một dịp để những người bạn cũ gặp nhau, có Nguyễn Đức Sơn đầu đội bê-rê, khoác đầy túi thơ, có Dương Nghiễm Mậu hiếm hoi lắm vì tình bạn mới xuất hiện… nhưng lại vắng mặt Mai Chửng. Ngay tối hôm đó, tôi đến nhà thương Chợ Rẫy thăm ông nằm trên giường bệnh, nuớc da tái xám, mệt nhọc với đủ thứ dây ống lòng thòng chung quanh. Nhưng thôi, những bức tượng đã thay ông góp mặt với đời.
Phòng tranh Thái Tuấn mở cửa mấy tuần. Đôi khi đi ngang đường Cao Thắng, tôi lại tạt vào. Ngày khai mạc là để gặp người quen, còn ngày thường mới là lúc ngắm tranh. Trong căn phòng vắng vẻ, ánh sáng vàng ấm áp từ những ngọn đèn trên trần nhà chiếu xuống. Những dáng dấp thiếu nữ vẫn hiện diện đó, yên ả trú ngụ trong thế giới mơ màng của những bức tranh. Tuy nhiên, đối với tôi, dù tranh được vẽ bằng máy vi tính màu sắc rất phong phú vẫn thiếu sự huyền ảo của chất liệu sơn dầu mà chính nó mới gợi nên được sự rung cảm, xao xuyến nơi người xem tranh. Nên chi, để rồi cuối cùng tôi vẫn dừng lại trước các bức sơn dầu, dịu dàng một cách nồng nàn, tĩnh lặng mà sống động. Đóa môi hồng bạch thật ngây thơ, tinh khiết và ánh mắt đêm huyền của người trong tranh như thấu suốt thời gian, không gian. Cái màu xanh lá đặc biệt của Thái Tuấn, một màu xanh thăm thẳm mới khắc khoải, nhức lòng làm sao. Tôi như bị hút vào “Góc biển”, “Dáng thơ”… những nàng thơ của cõi mộng hiện hình, không biết chọn bức nào hơn giữa những tấm tranh treo chốn Cầu Đông…
Tiếng Hát Hoàng Hôn
Anh chị tôi rủ đi nghe nhạc. Có hai ca sĩ hải ngoại mới về, Duy Quang và Elvis Phương. Hai ca sĩ cũ nổi tiếng từ xa xưa, một thời của quá khứ không mơ hồ… Sau này, qua băng đĩa lưu hành lậu, những giọng hát ấy vẫn khiến người nghe thấy lòng nức nở khi cất lên những bài tình ca bất hủ. Có rất nhiều tình ca do nhạc sĩ VN sáng tác lúc này hay lúc khác, nơi nọ hay nơi kia. Nhưng đặc biệt, tình ca trong quãng thời gian hai mươi năm đó đã đạt đến đỉnh cao cả về số lượng lẫn chất lượng, là một phần lộng lẫy trong gia tài âm nhạc Việt Nam.
Tuy nhiên, những bài hát từng đưa họ lên đỉnh cao danh vọng, đậu lại trong lòng người nghe thì bị cấm, không được hát dù nội dung chỉ ca tụng tình yêu. Ðêm nhạc được tổ chức dưới tên L’histoire d’un amour, tức họ xuất hiện chỉ để trình diễn nhạc tình Pháp. Bởi vì nhạc Pháp có vẻ vô hại, nhạc tình của Pháp lại càng vô hại hơn. Thính giả chỉ thưởng thức nhạc, chẳng mấy ai biết đến lý lịch của các nhạc sĩ sáng tác ra những bài hát đó. Và lý lịch của các nhạc sĩ viết tình ca này hẳn nhiên “trong sạch”!
Hai đêm nhạc được quảng cáo trước cửa phòng trà và dân hoài cổ truyền miệng nhau đi xem. Nói đi xem có vẻ chính xác hơn đi nghe bởi người ta vẫn thường nghe hai giọng ca này qua đĩa và thấp thoáng đâu đó qua vidéo nên không tới nỗi lạ lẫm. Vả lại nhạc nghe qua đĩa dĩ nhiên hay hơn vì âm thanh phòng trà thường rất chát chúa, chói tai. Do vậy chính đi là để nhìn hai ca sĩ bằng xương bằng thịt giờ đây thế nào, có thay đổi nhiều so với ngày xưa chăng. Ði xem họ hát như thể nhặt nhạnh chút gì của một thời xa xưa bỗng nhiên rơi rớt lại, quay về những kỷ niệm bị lãng quên, lục lọi tìm một mảnh của chính mình bị cất dấu, ẩn nấp trong xó xỉnh đâu đó phủ đầy bụi bặm, nấm mốc của thời gian lạnh lùng.
Elvis Phương về nước từ trước, đã hát rải rác chỗ này chỗ nọ nhưng đây là lần đầu tiên Duy Quang xuất hiện trước công chúng. Hai ca sĩ này chỉ hát trong hai đêm nên chị tôi phải gọi điện thoại đặt chỗ trước, hôm sau họ sẽ chuyển sang nơi khác. Nhớ hồi ca sĩ Giao Linh mới xuất hiện cách đây mấy năm. Khi ấy ca sĩ hải ngoại về nước rất ít nên bà được đón tiếp nồng nhiệt. Người ta hào hứng đi xem nguời ca sĩ khi xưa có mái tóc đặc biệt một bên cúp vào, một bên cong ra. Ðiều gì xa xôi, chỉ nghe tiếng đương nhiên rất tò mò muốn thấy hình. Thế nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn được ngự trị ở vài phòng trà trung tâm thì với mấy bài hát ma-ri hết hơi, Giao Linh cùng Tuấn Vũ mau chóng bị dạt ra cho tới khi tên của hai ca sĩ này xuất hiện trên mấy tấm banderole ở rạp Hào Huê, Chợ Lớn và các quán ăn tầm tầm thì kể như vị trí của họ tắt ngúm nơi thành phố. Hương Lan cũng vậy, giọng hát ngọt ngào của ca sĩ này từng lay động lòng người xa xứ với các bài hát mang âm hưởng dân ca, nhưng chính ngay trên quê hương thì đâu có ai hoài hương để lúc nào cũng sẵn sàng rung động trước mấy bài hát bông bầu, bông bí. Không kể vô vàn người hát trong nước nổi tiếng hoặc không nổi tiếng, đều hát ngọt như vậy hoặc hơn vậy, hát những bài như thế và vô số bài mùi mẫn hơn thế, nên chi Hương Lan thỉnh thoảng cũng xuất hiện trên TV trong một chương trình ca nhạc lem nhem nào đó mà không hề ai để ý đến.
Tiếng tăm của hai ca sĩ hải ngoại Duy Quang và Elvis Phương này có phần nổi trội bởi lẽ thức uống đều tính phụ thu khá cao. Chỉ những ca sĩ ngôi sao mới có phần phụ thu này. Ðêm nhạc tình Pháp bắt đầu. Những bài hát của một thời hoàng kim xa lơ xa lắc được các ca sĩ trẻ hoặc không nổi tiếng lắm hát trước. Aline lầu tình trên cát, Les flots du Danube, L’amour c’est pour rien, Apres toi, Bang bang… Một ca sĩ tên Quang Vượng hát rất hay. Rồi Duy Quang bước ra sân khấu. Biết là đêm nhạc Pháp nhưng dường như trong lòng mọi người vẫn mong mỏi một chút “xé rào” để nghe phảng phất những âm giai mơ mòng phổ thơ Tuệ Mai. Thôi bàn học cũ. Sách vở từng năm. Nhớ người tóc xõa. Ôn bài dưới trăng. Thôi chăn gối lẻ. Gửi lại giường xưa. Hương đào ngây thơ. Ủ giùm cho nhé… hoặc da diết đến nao lòng. Người từ trăm năm. Về khơi tình động. Ta chạy vòng vòng. Ta chạy mòn chân. Nào có hay đời cạn. Nào có hay cạn đời… Có vẻ một người từ trăm năm về thật nhưng hình ảnh không đẹp như lời thơ Nguyễn Tất Nhiên. Duy Quang đứng xa trên sân khấu, đầu như hơi hói, tóc như nhuộm nâu, lưng như hơi gù, cổ đưa ra phía trước và một bàn tay buông thõng. Bà chị chắc lưỡi kêu tướng mạo Duy Quang coi chán đời quá, ông anh lắc đầu nói thì soi gương thử xem, bà tưởng mới vài năm phù du trôi qua sao, ngồi quanh đây “đời đã xanh rêu” cả, nào có ai khá hơn ai. MC luôn luôn ra rả giới thiệu khán giả của phòng trà hôm nay toàn những mái đầu bạc rất quen thuộc với ca sĩ và những bản nhạc của thập niên được trình bày đây. Bà chị lại rên rỉ. Nhìn chút coi, ngoại trừ vài vị ở độ tuổi ngoài tám mươi mới bày tóc bạc. Còn lại đều đen nhánh, toàn người trăm năm không phai tóc nhuộm, bói không ra một cọng sương sương. Ðám trẻ loe hoe tưởng có chi lạ ngồi đến giữa chương trình bỏ về hết. Số người ráng ngồi đến cuối buổi là biết niên kỷ bao nhiêu rồi. Tên MC thật không biết điều, cứ lôi tuổi tác người ta ra “bêu riếu”, về hưu sớm sớm cho được việc!
Duy Quang hát lời Việt của ba bốn bản nhạc Pháp. Rõ ràng Duy Quang được nhắc tới bởi rất thích hợp với những bài thuộc loại Ðưa em về dưới mưa. Nói năng chi cũng thừa… hay Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ. Này cô em tóc demi gacon. Chiều hôm nay đón gió. Cô có tình cờ nhìn thấy anh… Chắc ca sĩ này biết rõ chỗ yếu của mình nên mau chóng rút lui nhường phần cuối cùng chương trình cho Elvis Phương.
Nổi danh hồi nào trong ban nhạc Phượng Hoàng, vốn học trường Tây nên dĩ nhiên ca sĩ này hát đúng giọng Pháp. Tuy nhiên Elvis Phương không phải là người duy nhất hát nhạc Pháp đúng giọng, lại càng không phải người hát nhạc Pháp đúng giọng hay nhất. Khán giả cũng không phải tất cả đều am tường để mê nhạc Pháp. Nhạc ngoại quốc không mau chóng và dễ dàng đi ngay vào lòng người như Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời. Ðồng cỏ nào xanh ngát lưng trời… Ngày nào bầu trời còn mây bay. Lòng ta vẫn thấy yêu thương hoài… Tôi muốn làm một thứ cỏ cây. Vui trong nắng và quên ưu phiền… Ðối với đa số, nghe loại nhạc như vậy hiểu liền và thấm liền, quan trọng hơn hết, mới thấy đó là Elvis Phương của họ, ca sĩ thủa nào của đám đông khán giả thủa nào!
Vì thế mặc dù nhạc Pháp đúng giọng và hát hay, nhưng khán giả vẫn thấy điều đó không đủ, chưa đúng. Mọi người ngồi nghe một cách kiên nhẫn, ngán ngẩm ngắm người ca sĩ la hét, gào rú, nhảy nhót liên tục mười mấy bài trên sân khấu mà chẳng thưởng thức bao nhiêu, chỉ thấy… thương thương gì đâu! Elvis Phương cố gắng giữ gìn phong độ và khán giả thừa nhận ca sĩ này vẫn còn phong độ. Tuy nhiên, đừng tỏ ra, đừng cố gắng chứng minh một điều gì cả thì tốt hơn. Bởi vì trong chữ “vẫn”, trong sự cố gắng đó đã hàm ý vớt vát, pha vào điều gì chua chát rồi. La hét, nhảy nhót quá chừng dành cho choi choi đi. Khán giả không đợi xem màn đó. Thấy ca sĩ trình diễn trên sân khấu mà bắt mệt. Cả ca sĩ và khán giả đều là người từ trăm năm, lắng dịu một chút thì hay hơn, nhất là hầu hết mọi người đến đây chỉ muốn gặp Elvis Phương để hoài niệm, không phải để sôi sùng sục trong điệu rock mà họ đã quá mệt mỏi nơi cuộc sống hàng ngày. Họ sẽ chọn để nghe rock ở một phòng trà với khung cảnh và không khí khác, với những ca sĩ khác chứ không phải ca sĩ này.
Dường như chịu hết nổi, khán giả yêu cầu nhạc Việt. Ngập ngừng một chút, Elvis Phương hát một bản nhạc xưa, quá xưa chắc hồi chưa sinh ra đời nên không cách nào tôi nhớ được tựa. Không khí phòng trà nóng hẳn lên, mọi người nghe một cách hào hứng, vỗ tay rào rào chứ không phải vỗ tay vì lịch sự. Hết bài, vài giọng la lên hát nhạc Việt đi, rõ ràng ai nấy nóng lòng mong chờ âm điệu dạt dào của những bài tình ca quen thuộc. Ca sĩ lại hát một bài ngày xưa… Thanh Thúy thường hát. Khán giả có chiều thất vọng, nhưng biết sao, thôi thì nghe đỡ một hai bài như vậy còn hơn đi về không được bài nào như ý. Chỉ hai đêm nhạc thôi chứ kéo dài cũng chẳng ai đi lần thứ hai.
Ðúng là biết sao. Bởi vì với nhạc ngoại quốc còn có thể tổ chức được vài đêm hát chứ bông bầu, bông bí… thì ai thèm đi. Bà chị than đi nghe hát như tới gặp người tình xưa, mới vỡ lẽ người tình thương nhớ thực sự chỉ tồn tại trong ký ức, là hình ảnh mơ hồ chìm vào kỷ niệm. Thời gian như dừng hẳn từ lần cuối cùng chia tay đó, giờ nhìn lại thất vọng não nề và giấc mơ dài theo năm tháng bỗng phút chốc vỡ tan thành bọt bóng!
Thật ra số tuổi của họ vẫn còn hát lâu dài, chưa phải muộn, chưa đến lúc rời sân khấu. Nhưng cách họ quay về, cách xuất hiện sau một thời gian quá dài vắng bóng khi trong lòng người hâm mộ chỉ giữ hình ảnh ngày cũ, và lưu giữ giọng hát của họ không thay đổi qua băng đĩa. Sóng đời đã xô nhiều đợt đổi thay. Những con người thật sự sao chỉ hiện ra trên tấm phông nhạt và chính họ gợi nên vẻ gì gượng gạo, Ánh sáng hắt ra là ánh hồi quang dù rực rỡ vẫn chỉ là vạt nắng níu kéo của buổi tà dương.
Người ca sĩ không thể hát một mình đối bóng. Họ cần sân khấu và ánh đèn, cần khán giả nên chi có một phòng trà được mở ra ở Saigon dành cho các ca sĩ qua thời. Có thể tìm thấy Hồng Vân, Lan Ngọc… và một số ca sĩ sau này như Nhã Phương… Phòng trà tuy cũng đèn đuốc xanh đỏ nhưng sàn nhà ciment và một bà quản lý mập mạp mặc đồ bộ, tay cầm quyển sổ nhỏ đi tới đi lui dòm ngó, chỉ huy mọi việc. Phòng trà chia thành hai gian. Gian ngoài sôi động hơn một chút, gian trong trầm lắng với những nhạc sĩ tóc trắng như bông chơi đàn với tất cả sự mê say, nâng niu và vội vã vì thời gian được cầm lấy cây đàn đang dần dần co lại, sợi dây đàn sẽ đứt lúc nào không biết để thanh âm nao nức sẽ im bặt trên chiếc bục trống vắng. Nên dưới không khí rất thân thuộc đó là sự hiu hắt khiến lòng người tự nhiên chùng xuống.
Saigon có số lượng thính giả đông đảo hơn hải ngoại. Vì thế ca sĩ cũ hải ngoại về hát tìm lại vang bóng là điều đương nhiên. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng thế. Ông mơ ước sống lại ánh hào quang rỡ ràng của thời gian ba mươi năm xưa kia, ông muốn quay về nhằm mục đích mưu sinh hay vì lý do nào khác không rõ. Chỉ có điều những câu tuyên bố quỵ lụy của ông khiến mọi người ngỡ ngàng. Thật ra từ cách đây vài năm, nhạc của ông đã được phát qua băng đĩa khá nhiều tại các quán cà phê. Nhạc cổ điển, nhạc Jazz… kén chọn thính giả, thường chỉ tồn tại ở ít quán trong thành phố. Còn hầu hết tình ca du dương trầm bổng nằm tại quán bar, cà phê. Ðể phân biệt “đẳng cấp”, các quán lịch sự thường chỉ chơi “nhạc Trịnh”, nhưng quanh đi quẩn lại nghe hoài bấy nhiêu bài cũng phát chán. Về sau, gần đây, nhạc Phạm Duy đã từ từ thay thế nhạc Trịnh. Trong không khí êm đềm của các quán nước tao nhã, người nghe thả hồn vào thế giới ngập tràn những giai điệu và ca từ đặc biệt của Phạm Duy. Tìm sâu trong muôn thủa, tìm sau lưng bốn mùa, tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu, gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời… Quả Phạm Duy không cần hạ mình đến thế. Giá trị âm nhạc của ông đã được khẳng định và không thể vùi dấu mãi. Những bài hát đã vang lên trong các quán nhạc ở Saigon, Ðà lạt, Nha Trang… như mọi giá trị văn hoá đích thực khác sẽ tồn tại vĩnh viễn, đứng ngoài mọi biến cố cuộc đời.
Hình như Phạm Duy không biết đến điều đó, hay ông vẫn lo lắng bị bỏ quên, vẫn thấy… ngại, hay om sòm vẫn được coi một trong những phương thức quảng cáo thông thường… Thôi thì dù chưa bị đánh cũng xin hàng trước cho chắc ăn. Vả nếu tỏ ra nhu nhã như vậy, may ra bài hát của ông sẽ được chính thức phổ biến rộng rãi. Ông sẽ xuất hiện, sẽ ôm cây đàn hát không phải ở quán nước, phòng trà tẹp nhẹp mà trong những nhà hát to lớn, mở những live show gây được tiếng vang ồn ào. Một giấc mơ quá đẹp có thể giải thích phần nào cho thái độ lạ lùng đạp lên chính mình của ông. Ðẹp quá vì đó là một giấc mơ, và đến giờ giấc mơ vẫn chỉ là điều không tưởng.
Dẫu sao Phạm Duy quá mệt mỏi để có thể chờ đợi lâu, tấm hình chụp trên báo cho thấy ông đã phải ngồi xe lăn khi về tới phi trường. Thời gian của ông không còn bao nhiêu nữa. Ông trở nên gấp rút, vội vã. Ông hối hả xưng tội, nghĩ ra tội để có cái mà hối lỗi. Có còn kịp để ông được hát những bản nhạc của ông trước công chúng thành phố đông đúc cuồng nhiệt như ông tưởng tượng không, bằng bất cứ giá nào? Nhiều người không giận mà chỉ thấy dâng lên cảm giác ngậm ngùi về những cuộc sống mà hoàng hôn đã mênh mông vây tỏa. Nắng úa tàn làm mờ nhòa, lầm lạc nhân ảnh. Một ngày gần cạn, những sôi nổi của bình minh ấm áp, của trưa gắt nồng nàn đã qua đi. Chỉ còn hoàng hôn nghỉ ngơi và tiếng hát vọng từ quá khứ dành cho sự trầm ngâm, hồi tưởng.
Nguyễn Thị Hàm Anh