Lữ Quỳnh
Nơi Nghìn Trùng Con Gió Bay
Trịnh Công Sơn mất ngày 1-4-2001. Như thế anh bước qua thế kỷ 21 được tròn ba tháng. Vượt qua năm 2000 và bước vào thế kỷ 21 là niềm vui của anh. Chỉ tiếc rằng thế kỷ này không được vinh dự giữ chân anh lâu, không còn hân hạnh ghi dấu những ca khúc mới của Trịnh Công Sơn nữa.
Năm 2000 trở thành cái mốc thời gian khắc nghiệt với Sơn từ nhiều năm trước. Nhìn quanh nhau tuổi đời đã xế, sức khỏe đã mòn, dù có thách đố thời gian đến đâu bằng sự sáng tạo miệt mài, yêu thương cuồng nhiệt, cố kéo dài ngày ra đến 1 – 2 giờ sáng hôm sau để tham lam nhìn ngắm cuộc đời, cỏ cây trời đất, thì cũng chẳng làm thay đổi được gì cái khoảnh khắc 365 ngày ấy. Rất nhiều lần đi chơi với nhau, Sơn luôn nói: Tụi mình phải vượt qua năm 2000, chỉ còn mấy năm nữa thôi.
Chỉ có mấy năm nữa thôi, thời gian tưởng chừng quá ngắn ngủi ấy, thế mà Sơn đã bị rơi rụng quá nhiều bạn bè. Ở Hội Âm nhạc Sài Gòn, nơi anh thường lui tới làm việc mỗi ngày, các nhạc sĩ Xuân Hồng, Diệp Minh Tuyền, Ngô Huỳnh, Phạm Trọng Cầu đã lần lượt ra đi. Trước đó, năm 1995, anh Văn Cao ở Hà Nội, và gần đây Thái Bá Vân, Hoàng Thiệu Khang, Định Giang… Nhìn lại quanh mình sao bạn bè vắng đi nhanh quá, Sơn bắt đầu bị ám ảnh nhiều về sự bấp bênh của đời sống. Những cái chết được gọi tên quá nhịp nhàng.
Một cú điện thoại nửa đêm: Quỳnh à, anh Văn Cao mất rồi. Hoặc: Xuống ngay đi, Mây vừa gọi vào, Thái Bá Vân… Hoàng Thiệu Khang kêu đau ngực, một mình lấy taxi vào bệnh viện Nguyễn Trãi buổi chiều, thì mới tối, điện thoại reo: Anh Khang đưa về nhà rồi, đêm nay liệm. Sao đời sống phù du thế. Mới ngồi quán với nhau tối qua mà. Khang khỏe mạnh, chưa một lần đi bác sĩ, dạy học suốt tuần không mỏi, ăn uống điều độ, luôn nói với Sơn bằng giọng giả Huế: Sơn lo sức khỏe của Sơn đi. Còn moa thì đủ sức rồi, năm 2000 với thế kỷ 21 có nghĩa chi mô. Thế mà anh ra đi tức tưởi vào một buổi chiều tháng 8, chỉ còn 4 tháng nữa là tới năm 2000!
Sau mỗi cú phone nghiệt ngã như thế, bạn bè kéo đến bên Sơn. Và lần nào cũng thế, một chai Chivas mới được mở ra, rót một ly cho người vừa nằm xuống, một cây nhang được đốt lên, cắm vào cái chai nhỏ. Bạn bè lần lượt cụng ly với người vừa mất. Im lặng. Khói hương tỏa quanh bàn và những hồi ức làm mọi người cay mắt. Ngoài trời đêm dày đặc. Gió rúc vào vòm hoa giấy cổ thụ trước nhà.
Một buổi sáng ngồi ở quán Văn Nghệ đường Trần Quốc Thảo, thấy nhạc sĩ Ngô Huỳnh đạp xe đi ngang, Sơn chỉ anh ấy và nói: Ngô Huỳnh bị gan nặng lắm, nghe không qua khỏi, hôm nào tụi mình ngồi với anh một bữa. Ngô Huỳnh tác giả bài Con Kênh Xanh Xanh. Và bữa rượu chưa kịp mời thì được tin anh mất.
Từ đó ra đường gặp một người vẫy tay, mình phải đưa tay chào vội. Làm được gì cho nhau thì chớ chần chừ. Vì đời sống nhiều bất trắc quá. Để không bao giờ ân hận bởi một sự lười biếng cỏn con, một vô tình không đáng có.
Trịnh Công Sơn trầm mình trong suy tư về cái cõi tạm của đời người. Ai cũng phải một lần chào vĩnh viễn nhân gian. Nhưng giã từ cách nào đây. Quỹ thời gian còn ít, nên phải liệu mà chi tiêu hợp lý. Từ đó những bài hát của anh là lời tỏ tình với cuộc sống, lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa cùng mặt đất mà anh đã một thời chia sẻ những buồn vui cùng mọi người. Trong bài Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng, anh nói lên lòng yêu tha thiết cuộc sống cùng nỗi tuyệt vọng khốn cùng của phận người: Tôi là ai mà còn khi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai, là ai, là ai… mà yêu quá đời này!
Ca khúc của anh gắn liền với cảm xúc máu thịt. Bằng tâm hồn rất nhạy cảm, anh ghi nhận từng rung động, để rồi dùng thứ ngôn từ phù thủy của mình viết ra. Em còn nhớ hay em đã quên, Chiều trên quê hương tôi, Huyền thoại mẹ, Xin trả nợ người, Hoa xuân ca, Con mắt còn lại, Bống bống ơi… là những ca khúc tôi từng được anh chia sẻ với.
H. trong Hoa xuân ca là tên người con gái Hà Nội xinh đẹp ở cạnh nhà Tôn Thất Văn, một họa sĩ nổi tiếng, nơi mà mỗi tuần bạn bè kéo về ăn uống vui vẻ. H. thường xưng hô với Sơn là Monsieur và em. Một buổi chiều tôi chở anh về nhà Văn trên chiếc P.C sơn màu vàng cam (mà Phạm Trọng Cầu gọi là màu nắng), anh đã dùng vỏ bao thuốc lá viết lên lưng tôi. Lúc xuống xe, anh chép lại lên giấy những dòng nhạc và nhẩm hát: Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa… Tôi nói chắc anh đặt tên bài này là Hoa ca? Sơn nói không, mình đặt là Xuân ca.
Trong Hoa Xuân Ca
có hai câu hay và rất tượng hình:
Em mướt xanh như ngọc mà tôi có đâu ngờ
Em suối kia rất ngọt và tôi đứng hai bờ.
Bài Con Mắt Còn Lại, anh lấy ý từ hai câu thơ của Bùi Giáng: Còn hai con mắt, khóc người một con. Hai lời đầu được viết trong buổi chiều uống rượu ở nhà Tôn Thất Văn, làng Báo chí. Anh em hát lui hát tới bài này rất vui. Lúc ra về, trời tối, rượu thấm, Sơn ngồi sau vỗ vai tôi: Quỳnh à, mình ghé chỗ Quế H. đi. Quế H. đang trọ ở nhà khách bộ Đại học ngay hồ Con Rùa. Tại đây, Sơn lấy Con Mắt Còn Lại ra, cười hát với nhau. Rồi cảm hứng thế nào anh viết luôn lời 3 tại chỗ. Lấy phone gọi hát cho bạn bè nghe lời mới giữa đêm khuya khoắt. Con Mắt Còn Lại để lại nhiều kỷ niệm rộn ràng nhất.
Trong cuộc nhân sinh thực hư mù ảo này, Trịnh Công Sơn đã vắt kiệt đời mình để sống. Lúc vui chơi giữa đời biết đâu nguồn cội, anh vẫn nghĩ đến cái hữu hạn của phận người và luôn linh cảm về sự chia lìa một ngày nào đó.
Trịnh Công Sơn đã bỏ lại bạn bè, người thân và hàng triệu khán-thính giả vô cùng yêu mến anh để ra đi vĩnh viễn. Trịnh Công Sơn đã giã từ cái trần gian cay cực lẫn huy hoàng mà anh yêu tha thiết này để về nơi Nghìn Trùng Con Gió Bay. Tôi mong rằng ở nơi ấy, vẫn có những sớm mai ửng hồng hay những hoàng hôn lao xao gió, vẫn có cái nắng lạ trên bức tường rêu của chốn quê nhà. Để anh không bao giờ thấy mình hiu quạnh.
Anh Sơn ơi, anh đã yên nghỉ, nhưng sao lòng bạn bè vẫn không nguôi, bởi tấm lòng anh còn đó. Hay bởi cuộc chia tay vội vã thiếu lời giã từ nhau?
Bao Nhiêu Năm,
Rồi Cũng Chỉ Là Khoảnh Khắc
* Gửi Phi Long và các bạn còn, mất một thời.
Lần nào về cũng thế, tôi dành ngày đầu tiên đến thăm anh. Và lần nào cũng thế, Xí ra mở cổng với câu chào cậu mới về, rồi trong lúc tôi thắp một cây hương cho anh, Xí pha xong tách cà phê đặt trên chiếc bàn nhỏ cạnh chỗ ngồi. Bàn thờ anh lúc nào cũng đầy hoa với vài chai rượu mà lúc sinh thời anh thường uống. Chiếc PC màu nắng không còn thấy ở cạnh, có lẽ nó được cất đi để mở rộng cửa thông ra phòng trước, vừa kê sẵn chiếc bàn dài với ghế để tiếp khách. Cũng gần tới sinh nhật của anh rồi.
Tôi ngồi nhìn chân dung anh, một trong số ảnh từng được cùng nhau xem để chọn in catalogue trong những lần triển lãm với Đinh Cường và các bạn. Bức ảnh hôm nay, sau gần mười một năm, thêm màu thời gian và khói hương trở nên buồn bã thế nào.
Cây hương tỏa khói, đang lụn dần.
Đêm cuối trước khi rời quê hương cách nay mười mấy năm, tôi đã không ngồi với anh. Đó là một đêm Sài Gòn mưa lớn, tôi với Tôn Thất Văn và bạn bè ngất ngưởng trong những tiệc rượu tiễn đưa, nối nhau từ quán này qua quán khác. Sáng hôm sau từ phi trường tôi áy náy gọi về chào anh, anh chúc tôi lên đường và tôi hẹn anh sẽ trở về sớm. Sài Gòn không còn mưa, nhưng bầu trời ở phi trường hôm đó thật ảm đạm.
Nợ anh một ly rượu giã từ, để mãi xót xa, khi nghe bạn bè kể lại, trong những lần gặp nhau, anh thường trách tôi, tại sao phải ra đi. Trách tôi không phải vì không có người đi lang thang với anh trong thành phố lúc bốn năm giờ sáng, nhìn những bếp lửa hồng của người lao động mở hàng sớm bên đường. Trách tôi không phải vì không biết gọi cho ai lúc nửa đêm để chỉ kể về một giấc mơ. Trách không phải từ nay không còn thỉnh thoảng ghé nhà uống rượu nghe cháu Hải chơi guitar classique. Cũng không phải ngồi với nhau trên sân thượng lúc bốn giờ sáng chờ ngày ửng hồng để ra quán miến gà đường Lê Thánh Tôn, không phải để ăn, mà để nhìn thành phố chuyển động trong đôi mắt nồng nàn của một thiếu phụ trẻ. Rồi đến studio của anh Đinh Cường.
Tôi biết anh trách tôi vì anh nghĩ rằng tôi sẽ không hạnh phúc ở xứ người. Tôi làm sao vui được khi thiếu bằng hữu chung quanh. Ở nơi đó tôi sẽ san sẻ với ai những niềm vui nỗi buồn. Tôi phải làm việc mỗi ngày nhiều hơn tám tiếng để tồn tại. Tôi sẽ không còn tiếng cười vui của những buổi trưa uống rượu vang, nghe Xu kể chuyện tiếu lâm ở tầng bảy Saigon Center. Từ nay trên đất khách làm sao tôi đón được giao thừa như ở Việt Nam. Nhớ những năm cũ, anh thường ghé tôi sau khi đón giao thừa ở nhà, ngồi uống với nhau ly rượu đầu năm lúc hai giờ sáng. Anh thường lên nhà với Tịnh. (Tịnh còn nhớ không một giao thừa năm 1986 (?), không nhớ âm lịch là năm gì, Tịnh lái xe đưa anh Sơn và Hà qua quận 8, lên nhà mình lúc bấy giờ ở tầng 2 chung cư Phạm Thế Hiển, mang theo chai Ararat hiếm hoi, uống với nhau một ly rồi về). Ôi cái thời nghèo khó mà ấm áp làm sao. Cúng giao thừa bằng một bình hoa cau rẻ tiền, mà xúm nhau khen là hoa trắng ngần quá đẹp. Chiếc bánh chưng mà cứ mỗi sáng ba mươi tết hằng năm, anh Đinh Cường trên chiếc mobylette đem cho. Các cháu giờ đây tuổi đã trên dưới bốn mươi vẫn nhớ các anh mỗi lần nhắc những kỷ niệm.
Mười một năm cũng chỉ là khoảnh khắc thôi. Đến một tuổi nào đó người ta sẽ nghĩ về thời gian như ngắm một mặt sông phẳng lặng, tưởng nó ngừng trôi mà thực ra đang âm thầm chảy. Ở một tuổi nào đó người ta sẽ lần lược mất đi những người bạn. Chỉ mất đi mà không có sự bù đắp. Một hôm anh Đinh Cường gửi cho tôi tấm ảnh chụp chung, trong đó hai người bạn thân thiết đã ra đi, với giòng chữ chỉ còn lại chừng này, thôi hãy giữ mình và sống như từng sống với nhau. Lời anh làm tôi bần thần mãi.
Mười một năm. Tấm ảnh anh được cắt ra từ bìa sau một cuốn sách, đặt khiêm tốn trên kệ sách phòng tôi. Một góc nhỏ dành cho anh. Không hương, không hoa. Chỉ có chiếc ly thủy tinh và chai Black Label, chập chờn ngày tháng cũ….
Một Ngày Mà Trăm Năm
Thức giấc với bình minh hoa hồng
tiếng sóng biển báo tin anh đến
lòng bao la hạnh phúc
em đếm từng bông hoa
không phải triệu đóa
mà nhiều vô cùng với em
ngày mở ra rực rỡ
rộn ràng nhịp tim
chờ anh đến
biển hôm nay xanh
những chú còng gió
đuổi nhau trên đồi cát
và em đuổi anh
trên tháng ngày cuồng điên nỗi nhớ
biển sẽ dìm anh
sẽ dìm em
xuống đáy sự khát khao.
Nhưng mà anh đâu đến
biển dối gạt em rồi
đóa hồng lụi tàn nhanh
vì tưới bằng nước mắt
bức điện tín màu xanh
đưa tin anh về đất *
em đứng dưới tàng cây
ngoài kia trời dậy sóng
bão nổi và mưa tuông
lòng em mùa biển động
nước mưa hòa nước mắt
gió níu cành khăn tang
em bám bờ cát lạnh
một ngày mà trăm năm!
Sông Sương Mù
Bởi không còn cách nào hơn để trấn tĩnh đám trẻ, người đàn bà đã nói vào tai chúng nó mỗi khi nghe tiếng đạn rít qua đầu và nổ chát trên xóm chợ: súng dưới đồn bắn đi đó mà, các con cố ngủ đi đừng sợ. Lâu dần câu nói đó trở thành điệp khúc và không còn hiệu nghiệm để giữ tâm hồn đám trẻ yên ổn như những lần đầu. Bé Phượng bắt đầu thắc mắc, khi nhận ra sự hốt hoảng của mẹ. Mỗi lần nghe tiếng đạn réo, môi mẹ run rẩy những lời cầu nguyện, hai cánh tay vội vàng ghì lấy chị em nó vào lòng. Người đàn bà lúc đó, vì bản tính tự vệ, đã cố thu rút mình và đám con lại thật nhỏ, vô tình quên đi sự ngột ngạt và đau đớn của chúng nó. Đám trẻ vì sợ hãi quá, không dám khóc, nhưng vẫn cố đưa hai bàn tay nhỏ bé ra gỡ dần vòng tay mẹ để có thể ngẩng cao cổ thêm một chút cho hơi thở được nhẹ nhàng. Bé Phượng lớn hơn cả, thỉnh thoảng bị mẹ bỏ quên được ngồi thư thả trong một góc hầm, tuy thế nó cũng không dám có một cử động nhỏ nào, nó phải ngồi ôm gối và gục đầu xuống mỗi lần nghe tiếng đạn bay qua và nín thở chờ tiếng nổ vang lên tức ngực, mới đưa mắt lấm lét nhìn mẹ, bây giờ chỉ còn là một khuôn mặt tái xanh với đôi mắt như lồi hẳn ra ngoài chân mày vì khiếp đãm. Những lần đó trông mẹ tội ngiệp quá chừng và nó muốn khóc.
Đã nhiều ngày qua, không có đêm nào là không nghe tiếng nổ rền trong khu vực quận, do đó trong lần nghỉ hành quân mới nhất dù không tới nửa ngày, người chồng cũng đã loay hoay mang những tấm ván xuống đặt dưới hầm để tránh hơi đất cho lũ trẻ. Người đàn bà rất hài lòng vì nghĩ rằng nàng và đám con có thể ngủ luôn dưới hầm, tránh được những lần hốt hoảng đến ẵm đứa này quên kéo đứa khác mỗi lần choàng tỉnh giữa tiếng đạn pháo kích, chạy từ nhà trên xuống chiếc hầm ở cạnh bếp.
Bé Phượng lúc đó có vẻ thích thú với chỗ ngủ mới, nhưng dần dà rồi nó cũng bực mình vì mỗi lần súng nổ là mỗi lần cát từ trên hầm rơi xuống mắt nhức nhối. Đã xót mắt đến không ngủ được, mà xuýt xoa thì bị mẹ mắng tại sao ngủ không chịu nằm nghiêng nằm sấp. Trong bóng tối của chiếc hầm, con bé không dám hé răng. Nó trở mình quay mặt vào thành đất, những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên má làm dịu lòng nó lại.
Công việc mỗi ngày của bốn mẹ con thật giản dị. Sáng sớm bé Phượng mang áo quần dơ của các em xuống bến sông giặt, trong khi người đàn bà loay hoay nhóm bếp nấu một nồi khoai lớn cho đám trẻ ăn lai rai cả ngày thay quà vặt, và một nồi cơm dành cho buổi trưa vì nàng thường ở chợ về trễ. Khi nào bé Phượng ở bếp lên, cũng là lúc người đàn bà sửa soạn xong quang gánh để ra chợ. Nàng dặn con, câu nói mọi ngày tưởng như không thay đổi, dù chỉ một tiếng:
– Nhớ chơi với em ngay miệng hầm, đừng đi đâu xa nghe Phượng ?
Con bé vâng lời mẹ. Nhưng có những buổi sáng trời tốt, không gian im tiếng súng, nó vẫn thèm dẫn em ra bến sông chơi. Ở đó nó có thể ngồi trên một thềm đá, nhìn sương mù trên mặt sông dày đặc và chờ đợi những chuyến đò ngang xuất hiện, lúc đầu chỉ nghe tiếng chèo khuấy nước, tiếp theo là nửa con đò rồi người lái với vành nón mờ nhạt hơi sương. Bé Phượng cảm thấy thích thú khi nhìn cảnh vật bên sông dần dần hiện ra trong sương mai mỗi lúc một tan dần. Sự xuất hiện của cảnh vật như một khám phá riêng của nó. Kìa ngọn cây, kìa mái nhà, kìa người gánh nước…
Nhiều lần bé Phượng muốn hai đứa em mình cùng tham dự vào trò chơi đó, bằng những câu đố: “sau cây bàng là cái gì?” rồi chờ một chút cho sương loãng dần để nhận ra là cái nhà và đố tiếp sau cái nhà là cái gì? cho đến khi nắng đã lên rực rở giữa sông, và trò chơi trong sương mù chỉ còn như giấc chiêm bao. Nhưng những đứa em của Phượng có vẻ không khoái trò chơi ấy. Chúng nó thích khom lưng lăn những trái vông trên cát để tưởng tượng đến dấu xe hoặc xé những ngọn lá chuối vấn kèn thổi te te bắt chước người dân vệ gác cầu. Đám trẻ có đời sống riêng thật vô tư. Trong những lần pháo kích, chúng nó đã sợ hãi vì tiếng nổ vang dội khủng khiếp, chứ chưa biết sợ hãi về những gì xảy ra đằng sau tiếng nổ ấy. Người đàn bà thường cẩn thận bắt chúng ngồi dí dưới hầm, cho đến khi nàng biết chắc những chiếc xe cứu thương đã chở hết nạn nhân ra khỏi khu vực. Người đàn bà quen dần cảnh đổ nát của chiến tranh, nàng không còn sợ hãi và lo lắng quá về cái tai nạn từ trời cao trút xuống ấy nữa. Thật khó mà trốn thoát. Sống phút nào hay phút đó, người đàn bà nghĩ thế, và cảm thấy bình tỉnh lại. Điều lo lắng nếu có ở nàng là sự lo lắng đôi khi như mối bận tâm thường trực, về người chồng mà những cuộc hành quân liên miên đã giữ chân chàng tận vùng đồi núi phía bắc quận lỵ từ nhiều tuần lễ nay.
Không nhìn hết được mặt sông vì sương mù dày đặc, nhưng bé Phượng cũng biết mặt sông sáng nay thật phẳng lặng. Trời lành lạnh. Trong không khí như có bụi nước. Con bé không để ý nó đã dậy sớm hơn mọi ngày. Dòng sông yên tĩnh trắng ngần sương mù nhìn xa như một giãi lụa. Những giọt sương còn rơi tóc tách thật nhỏ và êm đềm từ những ngọn lá cao xuống các tàu lá thấp. Bé Phượng bước xuống bến sông đặt nắm áo quần dơ trên một tảng đá, rồi khom mình đưa tay khoáy nước. Nước lạnh quá làm nó rụt tay về, nhưng rồi lại nhúng xuống, lần này sâu hơn và nó mỉm cười nhìn theo sóng nước phía sau bàn tay di động. Nó im lặng với sự nghịch ngợm đó được một phút thì ngẩng mặt lên, bỗng dưng có cảm giác phía sau mình đang có người nhìn trộm. Nó e dè thoáng chút sợ hãi, từ từ quay mặt lại. Vẫn sương mù dày đặc trong các cành cây. Con bé yên tâm ngồi nhìn ra sông và bắt đầu nhúng mớ đồ dơ xuống nước. Nó không biết rằng cái cảm giác có người nhìn trộm đó chẳng nhầm lẫn chút nào, bởi người đàn ông đang ngồi thu mình dưới một gốc cây bên mé nước lúc đầu đã đứng dậy định tiến về phía nó nhưng sau nghĩ thế nào lại ngồi xuống như cũ, ánh mắt đăm đăm nhìn ra mặt sông có vẻ ngóng đợi. Gã cho tay vào túi áo móc bao thuốc lá lấy một điếu gõ gõ xuống mặt đồng hồ rồi gắn lên môi. Gã cho tay vào túi quần để tìm hộp quẹt, túi bên trái rồi túi bên phải. Gã quên hộp quẹt đã hết và chiếc vỏ không đã bị gã ném xuống dòng sông từ bao giờ.
Cuối cùng người đàn ông gở điếu thuốc ra khỏi môi lăn lăn giữa hai ngón tay trỏ và cái, rồi có lẻ như không dằn được sự thèm một hơi thuốc, gã đành đứng dậy một lần nữa nhích bước lần về phía con bé xin lửa. Tuy những ngọn lá khô đã ướt đẫm sương đêm không gây ra tiếng động nào dưới mỗi bước chân người đàn ông, con bé vẫn linh cảm thế nào một lần nữa quay lại và ngở ngàng đứng dậy, trong tay còn nguyên nắm áo quần đang giặt dở. Người đàn ông đưa một bàn tay ra phía trước như muốn trấn tĩnh sự kinh ngạc của bé Phượng. Gã nói:
– Bác cần một que diêm.
Con bé vẫn đứng lặng, trong khi gã tiến thêm vài bước. Bấy giờ Phượng có thể nhìn thật rõ người đàn ông. Đó là một kẻ lạ, quá lạ đối với nó trong khu vực này. Gã đội một chiếc mũ lưỡi trai bằng nỉ xám, áo quần màu cứt ngựa nhưng không giống như đồ lính mà cha nó thường mặc. Cách phục sức đó làm cho người đàn ông có vẻ gọn gàng và nhanh nhẹn ra. Bé Phượng vẫn nhìn sững gã cho đến khi gã mỉm cưới nhắc lại câu nói cũ:
– Bác cần một que diêm, cháu có mang theo đấy không?
Con bé lắc đầu. Nó đứng yên một lúc mới nói:
– Bác đợi cháu chạy về nhà lấy ra cho nhé?
Người đàn ông đưa tay cản:
– Thôi, cám ơn cháu. Bác đâu cần lắm.
Rồi đưa mắt nhìn ra mặt sông vẫn còn dày đặc sương mù, gã hỏi:
– Sáng nay cháu dậy sớm hơn mọi ngày hả?
Bé Phượng có vẻ lúng túng:
– Sáng nào cháu cũng ra đây, thế sáng nào bác cũng có đây để thấy cháu cả à?
Người đàn ông mỉm cười với nó không nói gì. Tự nhiên con bé thấy sự xa lạ lúc đầu đối với người đàn ông không còn nữa. Nó hỏi:
– Bác ra đây làm gì thế bác?
Đưa tay chỉ ra sông gã nói:
– Bác đợi đò.
Con bé cũng nhìn ra sông nghĩ ngợi một lúc rồi ngẩng mặt lên:
– Cháu cũng thế. Sáng nào cháu cũng đợi đò. Trước khi nhìn thấy chiếc đò, cháu đã biết nó sắp tới bờ nhờ tiếng chèo khuấy nước…
Người đàn ông chợt cười thành tiếng.
– Thế bây giờ…
– Bây giờ thì đò chưa sang đâu, bác ra bến sớm quá. Hay bác thử gọi đi.
– Gọi đò trong lúc không nhìn thấy gì bên kia sông cả, bác chẳng muốn chút nào. Trời sương mù nhiều quá.
Bé Phượng ngẩng lên nhìn người đàn ông.
– À, bác có thích sương mù không bác?
Người đàn ông vẫn nhìn ra sông ậm ừ một lúc mới trả lời:
– Ờ thích, thích ghê đi chứ.
Con bé ngồi xuống nhưng chưa vội nhúng mớ áo quần xuống nước. Nó hỏi:
– Thế bác ở bên kia sông hả?
– Ờ…
– Nhà bác chỗ nào nhỉ. Khi hết sương mù rồi, cháu có thể nhìn thấy không?
Khuôn mặt người đàn ông bỗng nghiêm lại. Gã đưa mắt nhìn xuống con bé và ngay lúc đó cả hai người cùng nghe tiếng chèo khuấy nước.
– Không, nhà bác ở sâu bên trong nữa . Đò sắp vào bờ rồi phải không cháu?
– Dạ.
Bé Phượng đứng dậy nhích sang một bên chờ cho mũi đò cặp bến. Khi người đàn ông bước xuống lòng thuyền rồi, nó mới giật mình hỏi:
– Sáng mai bác có ở đây nữa không bác?
– Có.
Gã đáp gọn nhưng giọng gã làm cho con bé cảm thấy buồn buồn. Đò quay mũi, nó thấy người đàn ông đứng bất động giữa lòng thuyền. Con bé nhìn theo cho đến lúc con đò, cả vành nón của người lái nhạt nhòa trong sương trắng. Tự nhiên nó cảm thấy ngậm ngùi.
Một đêm thật yên tĩnh. Người đàn bà sửa lại thế nằm cho hai đứa con nhỏ, rồi ra trước miệng hầm ngồi nhìn vẩn vơ khu vườn trăng. Thật ra thì nàng nhìn mà chẳng thấy gì hết. Có chăng, ánh trăng chỉ làm tăng thêm trong lòng người đàn bà nỗi nhớ nhung chồng cộng với sự lo lắng đến chảy nước mắt. Bé Phượng vẫn chưa ngủ, suốt buổi tối nó cứ bị hình ảnh người lạ mặt buổi sáng ám ảnh hoài. Chiếc mũ lưỡi trai màu xám che đôi mắt thật trìu mến của gã làm nó cảm thấy bâng khuâng như chưa bao giờ có cảm xúc đó. Thấy mẹ đang sụt sùi trước miệng hầm, nó nhổm dậy khom lưng bước ra ngoài ngồi xuống cạnh. Người đàn bà vuốt tóc con gái:
– Sao chưa chịu ngủ?
Con bé im lặng một lúc, rồi trả lời mẹ bằng một câu hỏi khác:
– Sao mẹ ngồi đây mãi thế?
Rồi cũng không đợi câu trả lời, nó nắm tay mẹ hỏi tiếp:
– Sao mẹ lại khóc?
Người đàn bà nhìn qua một phía khác dấu nước mắt, nhưng những giòng nước mắt lại tuôn nhanh khi nàng đột ngột hỏi con:
– Phượng có nhớ cha không?
Con bé trả lời bình thản:
– Cha đi hành quân để làm gì vậy mẹ? Cha lâu về quá, có lẽ cha chẳng nhớ gì tụi con cả.
Người đàn bà gõ nhẹ lên đầu đứa bé.
– Đừng nói bậy. Dễ dầu gì cha về được khi mặt trận còn sôi động hoài.
Dĩ nhiên là bé Phượng không hiểu gì lắm, nhưng nó giữ im lặng. Ngườu đàn bà nói:
– Ngày mai con ở nhà trông hai em, mẹ sẽ nấu sẵn cơm và thức ăn cho các con trọn ngày. Mẹ đi thăm cha. Mẹ sẽ bảo với cha Phượng ở nhà rất ngoan, rất giỏi….
Bé Phượng ngẩng mặt nhìn mẹ. Dưới ánh trăng khuôn mặt con bé mũm mĩm khác mọi ngày.
– Mẹ nhớ bảo cha cố về cho được nhá.
Người đàn bà gật đầu. Hai mẹ con ngồi bên nhau một lúc, rồi người đàn bà đẩy con xuống hầm. Bấy giờ trời đã khuya. Trước khi thiếp ngủ, bé Phượng còn nghe mẹ dặn:
– Sáng mai khi hai em còn ngủ, con chịu khó đem chiếu ra sông giặt nhé. Nhà chỉ còn một chiếc mà tụi trẻ đái dầm bấy nay…
Con bé không nhớ mẹ còn dặn gì nữa không vì ngay lúc đó nó đã ngủ vùi trong hơi đất quen thuộc.
Lúc bé Phượng thức dậy thì người đàn bà không còn ở đó. Nó nhìn vào những thức ăn và nồi cơm nấu sẵn, nghĩa là mẹ phải dậy sớm lắm và giờ này đang đứng bên quốc lộ chờ xe. Bé Phượng nhớ lời mẹ dặn đêm qua, sáng nay phải mang chiếu ra bến giặt. Nó vội đắp lại chiếc chăn trên bụng cho hai em rồi ôm chiếu ra bến sông. Đi được một quãng, nó tần ngần đứng lại vài giây rồi quay trở về.
– Tại sao mình không mang theo hộp diêm nhỉ? Biết đâu bác ấy chẳng cần tới?
Con bé nghĩ thế và cảm thấy lòng vui lạ lùng. Một sự náo nức xuất hiện trong tâm hồn, lúc đầu thì không nhận ra nhưng sau đó nó hiểu.
– Hẳn giờ này bác ấy đã có mặt ở đấy rồi. Không biết bác thức dậy lúc nào mà có mặt ở đây sớm thế…,
Bé Phượng tự hỏi nữa mà chẳng thèm đến sự trả lời nào. Nó bước thoăn thoắt về phía bờ sông. Trời vẫn như mọi hôm, đầy sương mù và dòng sông vẫn là giãi lụa trắng bát ngát.
Vắt chiếc chiếu lên một tảng đá, bé Phượng đưa mắt nhìn quanh tìm kẻ lạ. Vẫn những ngọn cây sương mù ôm kín, vẫn gốc cây quen thuộc bên mé sông nơi người đàn ông xuất hiện hôm qua, vẫn bến nước tĩnh lặng này, nhưng kẻ lạ thì không thấy. Con bé thất vọng ngồi xuống một tảng đá. Tự nhiên nó cảm thấy thiếu vắng một cái gì trong tâm hồn. Kẻ lạ đã sai hẹn với nó.
Bé Phượng ngồi im như một pho tượng không biết trong bao lâu cho đến khi nó sờ phải hộp diêm trong túi áo và sực nhớ tới câu nói dịu dàng của người đàn ông khi hỏi xin một chút lửa,cũng là lúc nó cảm thấy nước mắt mình chảy vòng đôi mi và dòng sông trước mặt mịt mùng hơn bởi sương mù. Trong sự yên tĩnh đang có của buổi sớm, bỗng con bé nghe tiếng đạn réo qua đầu rồi tiếp theo những tiếng nổ dữ dội chung quanh. Bé Phượng nằm ngay xuống một kẻ đá, cố thu mình thật nhỏ. Tảng đá còn ướt đẫm sương. Hơi lạnh từ đất tỏa lên thấm qua lớp vải áo làm nó run cầm cập.
Chờ cho trái đạn sau cùng nổ dứt một khoảng lâu, bé Phượng mới ngồi dậy. Hình ảnh đầu tiên trong tầm mắt nó là dòng sông rực rỡ ánh nắng. Sương mù chỉ còn vướng vất trên những vòm cây cao bên kia sông. Con bé nhìn chăm con đò đang neo trong bờ dưới một khóm tre. Con đò sáng nay đã không sang ngang, mà kẻ lạ cũng không có mặt để chờ đợi.
Bé Phượng đứng dậy uể oải kéo chiếc chiếu thả chìm xuống nước. Nó nhớ lời mẹ dặn đêm qua và giặt vội vàng khi chợt nghĩ giờ này hai em nó hẳn đã thức dậy. Hẳn phải thức dậy ngay, khi có tiếng nổ đầu tiên rồi chứ. Nó nghĩ vậy và cảm thấy nóng lòng quá đổi. Bỗng có tiếng người nói phía sau:
– Thôi đừng giặt nữa cháu à…
Con bé hớt hãi quay lại. Người lính bước xuống những bậc cấp bằng đá. Nó nhận ra người lính có vẻ quen thuộc, hình như là bạn của cha. Người lính nói:
– Giặt chiếu làm gì sớm thế ?
Con bé ngửa mặt lên nhìn người đàn ông:
– Mẹ cháu bảo nhà chỉ còn một chiếc mà tụi em đái dầm…
Người lính cười buồn:
– Thôi vứt chiếu đi, theo chú về nhà…
Con bé tần ngần mở to mắt nhìn người lính:
-Mẹ cháu dặn…
Người lính quay mặt đi:
– Chú biết rồi, nhưng bây giờ không cần thiết nữa.
Con bé hớt hãi và nước mắt nó bắt đầu chảy nhanh xuống má.
– Nhưng còn các em cháu…
Người lính nói chậm rãi:
– Cháu dại quá. Cháu nhớ loạt đạn pháo kích vừa rồi chứ? Thôi về nhà chú đi…
Bé Phượng ngồi thụp xuống đưa hai bàn tay bưng mặt khóc thét lên. Trong khi người lính kéo thấp mũ lưỡi trai xuống và khịt khịt mũi. Người lính nhất định không cho bé Phượng trở lại chiếc hầm cũ. Anh nghĩ con bé sẽ khóc thật nhiều trong những ngày đầu nhưng rồi nó sẽ nguôi quên và nhất là khi quốc lộ được khai thông và mẹ nó có thể trở về với nó. Mỗi buổi chiều người lính thường dẫn con bé ra sông chơi, nhưng nó có vẻ thích đến đó vào buổi sáng hơn. Buổi sáng thì người lính dậy muộn, hơn nữa cũng không mấy khi anh được ở nhà ban đêm. Bé Phượng sau ngày hai em chết không có dịp để nhìn sông sương mù, không còn dịp để nhớ lại hình ảnh kẻ lạ mà nó gặp buổi sáng nào trên bến nước.
Một buổi chiều người lính dẫn bé Phượng đi dọc theo bờ sông. Con bé tung tăng như một chú sóc nhỏ. Tóc nó bay rối trong gió. Thỉnh thoảng nó ngồi thụp xuống một bãi cỏ để chờ người lính lừng khừng đi tới. Nó bắt đầu nguôi quên thật, tâm hồn trẻ thơ có khác. Lúc hai người đến một khúc quanh của dòng sông, người lính dừng lại. Anh lấy thuốc lá gắn lên môi, rồi cho tay vào túi quần lấy hộp quẹt. Hộp quẹt chỉ còn một que diêm. Người lính đưa que diêm và hộp quẹt trống ra trước mặt bé Phượng , ý chừng cho nó cùng hồi hộp vì chỉ còn một que diêm cuối cùng. Anh thu đốm lửa giữa hai bàn tay xòe ra, nhưng đóm lửa đã tắt khi sắp kê vào đầu điếu thuốc. Người lính không có vẻ bực mình ném vỏ diêm xuống cỏ, lấy điếu thuốc ra khỏi môi rồi buông thõng hai tay nhìn con bé mỉm cười.
Con bé cười trả người lính, đoạn chạy đến đám cỏ nhặt chiếc vỏ hộp quẹt mân mê trong lòng bàn tay. Nó nghĩ sao chú này giống bác ấy thế. Tự nhiên nó cảm thấy lòng lâng lâng buồn.
Hai người, một già một bé đi bên nhau, không nói với nhau một tiếng. Bỗng họ dừng lại khi thấy đám đông trước mặt. Bây giờ con bé mới hỏi:
– Cái gì thế chú?
Người lính nghĩ ngợi một lúc, rồi nói:
– Hình như xác địch ấy mà, hắn bị bắn chết đêm qua…
Bé Phượng tần ngần một chút rồi không tránh được tò mò, nó kéo tay người lính chen vào đám đông. Bỗng con bé dừng hẳn lại. Nó vừa nhìn thấy chiếc mũ lưỡi trai bằng nỉ xám, rồi chỉ trong một giây sau thản thốt nhận ra xác chết là người đàn ông, kẻ lạ mặt mà nó đã gặp một lần trên bến sông. Nó bỏ đám đông nắm tay ngươi lính kéo đi. Nó buồn bả, lấy làm tiếc là lần trước không có sẳn hộp diêm cho bác ấy mồi điếu thuốc.
Bóng Đêm Vô Biên
* Tặng chị Nguyệt Mai
1 .mở mắt thấy sớm mai
sương hồng trong cánh lá
lòng reo vui âm thầm
ngày mới. ngày mới đến
con đường như dài thêm
tiếng cười xanh trong mắt
2. sao ngày qua quá mau
đóa hồng chưa kịp nở
tiếng cười chưa đủ vang
đã hoàng hôn tím ngắt
3. ta bóng đêm vô biên
lòng mở. như lai hiện
bạn bè về linh hiển
ấm áp một quan hoài
4. rồi ta chờ sớm mai
mà đêm dài bất tận!
Áng Mây Vàng
giọt nước đựng trời mây
tàn hương bay lấp lánh
lắt lay bóng mẹ về
tóc con chừ điểm bạc
tám năm ngày mẹ đi
vẫn nụ cười trên mộ
trần gian đường gập ghềnh
hoàng hôn đời lệ nhỏ
một năm rồi mười năm
chỉ dài như hơi thở
thanh tịnh quang chân tâm
áng mây vàng tưởng niệm
Bóng Thời Gian
sao môt ngày qua nhanh quá
mới bình minh đã hoàng hôn
chưa kịp mở lời yêu dấu
trái tim kia vội chập chờn
sao một tuần qua nhanh quá
thứ hai thôi chủ nhật rồi
chưa kịp hẹn mà đã lỡ
ngập ngừng giọt đọng trên môi
rồi tháng cũng qua vội vã
với gian truân chuyện cuộc đời
chưa nhận ra mùa nắng hạ
đã đông về xám tuyết rơi
cả bốn mùa đi. rồi lại
tuổi vui buồn lặng lẽ trôi
bấm đốt tay nghe đầu bạc
quạnh lòng. chờ đất gọi mời
Lữ Quỳnh