Lê Ký Thương
Tiếng Chim
Tiếng chim chiền chiện
Chao liệng trên không
Dệt lụa tơ hồng
Mùa xuân hiển hiện
Tiếng chim chiền chiện
Chao liệng trên không
Ru giấc mục đồng
Tơ trời phụng hiến
Tiếng chim chiền chiện
Nhỏ giọt chân kinh
Khắp cõi ba sinh
Hưởng đầy phúc lạc.
Mơ Và Mộng
Trên tấm bố trắng tinh
Giữa bốn bề sóng động
Tôi thấy hiện nguyên hình
Một thảo lư thơ mộng.
Ân Tình Và Nước Mắt
Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh
1.
Tháng 10 năm 1970, khi nhà thơ Tô Đình Sự vào Sài Gòn nhận Sự vụ lệnh biệt phái về Ty Thuế vụ Cam Ranh, thì bạn bè ở Phan Rang hết sức bất ngờ và ngỡ ngàng hay tin anh chết bất đắc kỳ tử vì tai nạn ô-tô!Mới cách đó hai hôm, anh còn kéo tôi đi nhậu với “băng” Thuế vụ, dẫu anh biết rằng tôi vẫn là… cá lòng tong chuyên phá mồi. Tô Đình Sự khoảng một năm trước khi mất, tính tình anh thay đổi hẳn.Từ một người ít nói, sống nhiều với nội tâm, với những mất mát, những khổ đau trong kiếp người, dù đang thanh xuân, anh trở thành một người “ồn ào”, lúc nào cũng “oang oang cái mồm”, ưa “cà khịa” với bạn bè, rất dễ làm mích lòng nhau. Trường hợp cụ thể nhất là giữa Tô Đình Sự với Chu Trầm Nguyên Minh.
Hai anh là bạn thân và bạn thơ với nhau. Khi Chu Trần Nguyên Minh in tập thơ “Quê hương Thơ và Nước mắt” do Mai thực hiện vào năm 1968 tại Phan Rang, ở căn nhà số 11 Nguyễn Thái Học, thì hôm đó có cả Tô Đình Sự, từ trường Hạ sĩ quan Đồng Đế Nha Trang chạy xe Honda vượt đoạn đường hơn một trăm cây số, về dự buổi ra mắt tập thơ của bạn mình. Trong không khí thân tình giữa một nhóm bạn bè văn nghệ ít ỏi ở Phan Rang, Sự vừa nhìn thấy bìa tập thơ do họa sĩ Thanh Hồ trình bày đã vội thốt lên: “Quê hương thơ và nước mắm”. Không biết có phải vì quê hương Phan Thiết của Chu Trầm Nguyên Minh nổi tiếng nhờ nước mắm không, hay vì một lý do nào đó động chạm đến lòng tự ái và cả lòng tự trọng, nên Chu Trầm Nguyên Minh “đỏ mặt tía tai”, hét to: “Đm., mày dám nói xóc óc tao hở? Có ngon thì ra đây chơi!” – “Chơi thì chơi, tao sợ gì mày”… Sáng hôm đó, thay vì bạn bè văn nghệ sẽ kéo đến quán cà-phê Diễm “uống cà-phê nghe nhạc Trịnh” ăn mừng tập thơ còn nóng hổi mùi mực in ronéo, thì phải can ngăn một cuộc ấu đả sắp xảy ra giữa hai người bạn thân nhau.
Khi Tô Đình Sự mất, bạn bè thân đều đưa anh đến nơi yên nghĩ cuối cùng là nghĩa trang Cà Đú. Tôi thấy Chu Trầm Nguyên Minh đứng một mình một góc nghĩa trang, đầu trần giữa cái nắng cháy da người của Phan Rang.Lặng lẽ buồn. Đôi mắt hoe đỏ vừa khóc tiễn đưa người bạn thân vắn số. Những giọt nước mắt ấy đã xóa tan phút giây giận bốc đồng của tuổi trẻ thường có. Những giọt nước mắt ân tình và cũng là thân tình!
Bốn mươi ba năm sau, khi tập san Quán Văn chuẩn bị ra số “Viết về Sông Dinh – Phan Rang”thì Chu Trầm Nguyên Minh, người từng sống và dạy học ở Phan Rang 10 năm, sốt sắng bảo tôi viết về Tô Đình Sự vì biết tôi là bạn thân của Sựvà một người làm thơ sinh sống ở Phan Rang nữa là Ngọc Thùy Khanh. Nhưng vì lý do vừa khách quan vừa chủ quan, tôi thất hứa với anh. Tôi chỉ cung cấp một số tư liệu về Tô Đình Sự có sẵn trên mạng cho Nguyên Minh thực hiện số báo này. Còn Ngọc Thùy Khanh thì tôi không quen.
2.
Sau Tết 2013, Nguyên Minh rủ tôi, Lữ Kiều và Sâm Thương về Phan Rang ăn giỗ người Cô – mẹ kế của Nguyên Minh – người mà tôi và bạn bè của Nguyên Minh gọi là Cô Hai, hay vắn tắt là Cô, một cách trân trọng. Trước 75, thời gian tôi sống ở nhà Cô chừng bảy năm, nhưng không liên tục, đi xa một thời gian chừng hai năm rồi về lại “căn nhà số 11 Nguyễn Thái Học”. Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp ở nơi chốn này.Cô và những người em của Nguyên Minh coi tôi như một thành viên thân tín của gia đình.Nhưng ngày Cô mất, tiếc rằng tôi không có mặt ở Phan Rang.Bây giờ là dịp thuận lợi để về dự ngày giỗ Cô.
Chúng tôi hẹn gặp nhau ở ga Sài Gòn để cùng nhau đi chuyến tàu đêm. Trước khi lên tàu, Nguyên Minh cho biết có thể Chu Trầm Nguyên Minh cùng đi trên chuyến tàu này để về thăm lại Phan Rang, nơi anh đã dạy học ở Trường Trung học Duy Tân và Trường Trung học Pklong Garai bảy tám năm trời.Nói “có thể” vì anh quyết định về chuyến đi muộn trong khi chúng tôi đã mua vé tàu trước đó rồi. Khi tàu bắt đầu lăn bánh, tôi là người nhỏ tuổi nhất, được bạn bè “đề cử” đi khắp các toa tìm xem có anh không. Tôi đi dần về phía toa ghế ngồi thì gặp anh, tay bắt mặt mừng, nhưng thấy vẻ mặt anh không tươi, không vui chút nào, mà thay vào đó là nụ cười xanh xao và gượng gạo. Tôi đã biết anh mang chứng bệnh ung thư gan sáu bảy năm nay, tôi hỏi anh có cảm thấy mệt không và sao không đi toa giường nằm. Anh trả lời: mình ngồi quen rồi, nằm nó lại mệt. Anh hỏi lại tôi: Thương đi tàu có khỏe không? Sở dĩ anh hỏi vậy là vì biết tôibị tai biến mạch máu não đã hơn ba năm. Tôi trả lời vui, cốt cho anh an tâm: Sức khỏe của mình hầu như bình thường, tốt, chỉ còn cơ bàn tay hơi yếu, mình đi làm bằng xe gắn máy, còn làm tài xế chở bà xã dạo phố được mà…
Khi tới Phan Rang, chúng tôi đã được Sơn, em của Nguyên Minh, đặt phòng trước ở khu resort nằm trên bãi biển Ninh Chữ. Tôi, Nguyên Minh và Chu Trầm Nguyên Minh ở cùng phòng. Lữ Kiều cùng Sâm Thương ở một phòng. Chúng tôi nói đùa với nhaubốn thằng mình thuộc hạng VIP, đi chơi mà đem theo bác sĩ riêng. Bác sĩ riêng của chúng tôi là Thân Trọng Minh, tức LữKiều, cả bốn đều là bệnh nhân của anh.
Lúc này, chúng tôi thấy Chu Trầm Nguyên Minh tươi tỉnh hẳn lên, đã bỏ lại nụ cười gượng của anh trên chuyến tàu đêm.Trong ba ngày vui chơi thăm thú và dự đám giổ Cô Hai ở Phan Rang, Chu Trầm Nguyên Minh được gặp lại người học trò cũ mà anh dạy vẽ ở trường Poklong Garai. Anh đã phát hiện người học trò này có năng khiếu hội họa đồng thời khuyến khích, giúp đỡ cậu ta đi theo con đường nghệ thuật. Anh học trò Đàng Năng Thọ ngày xưa bây giờ trở thành họa sĩ, hiện nay là Giám đốc Bảo tàng Chăm Ninh Thuận. Ở Phan Rang anh còn một cô học trò nữa ở trên đường đi xuống làng Tấn Tài, chúng tôi phải “lặn lội” trong đêm vì đường xá mới mở, không có đèn đường, hỏi thăm nhiều người mới tìm ra nhà. Cô học trò này nói nhờ anh động viên từ thời còn “học thầy” mà đến nay đã xuất bản trên 30 tác phẩm (!).
Đêm trước khi chúng tôi rời Phan Rang, con trai của Ngy Hữu mời “mấy chú” đi uống cà-phê ở quán “xịn và to nhứt” ở đây. Trong không khí bạn bè ấm cúng, thân tình và khung cảnh nên thơ, Chu Trầm Nguyên Minh mặc sức trút bầu tâm sự. Anh kể lại cái duyên gặp lại Nguyên Minh vào năm 2012 để rồi không ngờ có hứng viết lại và viết nhiều, viết hăng sau khi “bỏ bút” từ tháng 3 năm 1975. Rồi anh kể sang giai đoạn đi “học tập cải tạo”, giai đoạn làm huấn luyện viên tennis ở Sài Gòn khi đưa cả vợ con từ Phan Rang vào, nhờ thế mà có tiền nuôi vợ, nuôi con ăn học đàng hoàng… Anh say sưa kể hết chuyện này sang chuyện khác, chúng tôi chỉ im lặng ngồi nghe. Lần đầu tiên tôi thấy anh phấn chấn nói nhiều như vậy. Tôi trộm liên tưởng tới trường hợp “đột biến” của Tô Đình Sự, bạn thân của anh và cũng là bạn thân của tôi.
3.
Trước Tết 2014, khi nghe Đỗ Hồng Ngọc cho biết tin Chu Trầm Nguyên Minh đã vào bệnh viện trở lại, tôi bèn gọi điện cho anh. Anh nói với tôi: mình khỏe lại rồi, để hôm nào xuất viện mình báo cho Thương biết, Thương đến nhà thăm. Sau Tết, tôi gọi cho Nguyên Minh hẹn hôm nào đến nhà thăm anh,cùng đi cho vui, thì Nguyên Minh báo cho biết anh đã nhập viện lại hôm mùng 2 Tết, và lần này ở bệnh viện Triều An, tít trên An Lạc, gần bến xe Miền Tây. Nguyên Minh phải chờ đứa con ăn Tết ở Phan Rang về, mới nhờ cháu chở đi được. Rất may , hôm 11-2 Trương Văn Dân điện thoại cho tôi hẹn sáng hôm sau đến thẳng bệnh viện thăm Chu Trầm Nguyên Minh, Dân cũng cho biết rõ khoa nào, phòng nào.
Khi tôi chạy xe gắn máy đến bệnh viện Triều An thìmọi người đã có mặt trong phòng điều trị rồi. Lúc đầu, tôi đã đứng trước cửa phòng của anh, nhưng không dám gõ cửa bước vào, vì thấy tấm bảng đề chữ VIP.Đến khi tôi gọi điện thoại cho Trương Văn Dân hỏi lại cho rõ, thì Dân mở cửa chạy ra đón tôi.Khu này ở tầng 2, dành riêng cho khách “VIP”, mỗi người một phòng.
Ngoài con dâu của anh, tôi thấy có vợ chồng Đặng Châu Long, vợ chồng Trương Văn Dân, Vũ Tiến Thành và một cây viết của Quán Văn (xin lỗi tôi quên tên) ngồi vây quanh giường bệnh. Trông anh gầy hẳn, chứ không vàng vọt như tôi tưởng. Tôi nắm cánh tay anh, hỏi thăm sức khỏe, anh trả lời “mình khỏe rồi Thương” với giọng mềm yếu hẳn, hình như anh rơm rớm nước mắt…
Lần thứ nhất, cách nay 44 năm, tôi thấy những giọt nước mắt của anh khóc vĩnh biệt một người bạn thơ, bạn thân.Lần này, những ngấn lệ của anh có phải để chuẩn bị tiễn biệt chính mình?
Lê Ký Thương