Lâm Chương

Lâm Chương

Khắc Khẩu Y2K

Thời gian cấp bách lắm rồi. Vấn nạn Y2K gần kề bên đít. Trước kia, có thể nhẩn nha chờ thời gian giải quyết. Bây giờ, nước sắp đến trôn, không lo sao được? Chính quyền địa phương lập lờ trấn an, nhưng không có một tuyên bố nào chính thức. Một số người am hiểu tình hình, thì khuyên nên đề phòng những bất trắc vào đầu năm hai ngàn.
Gia đình ông Lâm trú ngụ nơi miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Mùa đông ở đây, nói theo nghĩa đen lẫn bóng, thật là tái tê rùng rợn. Nếu chưa điều chỉnh xong hai con số không cuối cùng của năm hai ngàn trong máy điện toán, thì tai họa lớn không biết chừng nào mà kể. Mất điện, nhà không có sưởi, con người sẽ trở thành một khối thịt đông lạnh. Không phải chết một cái rụp, mà chết từ từ mới đáng sợ. Hàng tháng, công ty điện lực gởi hóa đơn về, có kèm theo cái thông báo, rằng ngành điện đã giải quyết xong vấn nạn Y2K. Ngoài thông báo ấy, lại có thêm một tờ quảng cáo máy phát điện loại nhỏ, dùng cho gia đình. Sao lạ thế? Đã giải quyết xong Y2K, nghĩa là sự cung cấp điện không bị trục trặc. Ai cần mua máy phát điện làm chi? Có chuyện mờ ám gì đây? Ông Lâm cứ lẩn thẩn suy nghĩ, rồi nghi ngờ cái thông báo của công ty điện lực, và nghi ngờ luôn cả chính quyền địa phương cố tình ém nhẹm những bất trắc có thể xảy ra, để tránh tình trạng xao động xã hội trước năm hai ngàn. Nguy tới nơi rồi! Nếu không, tại sao có lệnh cho các chuyên viên điện toán toàn quốc phải túc trực tại nhiệm sở trong cái đêm giao thừa trọng đại, bắt đầu một thiên niên kỷ mới? Chuyện này không tin ai được hết. Ông cần phải bàn lại với vợ một phương cách cứu nguy gia đình. Và ông nóng lòng đi ra đi vào, chờ vợ đi làm về, để nói với bà những suy nghĩ của ông, cùng nhau lo liệu.
Lúc vợ vừa bước chân vô cửa, ông Lâm nói ngay: “Bà ngồi xuống đây, có chuyện này quan trọng lắm.” Ông níu bà ngồi lại phòng khách. Nhưng bà phủi tay ông, đi thẳng xuống bếp: “Chuyện gì thì chuyện. Cũng phải để tôi cất mấy thứ lỉnh kỉnh này đã.”
Ông Lâm ngồi chờ. Nghe tiếng bà la: “Trời ơi, một chậu chén dĩa chưa rửa. Thấy mà khiếp. Cha con ông cứ bày ra đó. Tôi đi làm về mệt, còn phải rửa ráy dọn dẹp nữa sao?”
Ông nói vọng xuống bếp: “Thì để đó.”
“Rồi ai rửa?”
“Lúc nào rảnh… bà rửa cũng được. Đâu cần phải gấp. Bà lên đây ngay, tôi có chuyện này.”
“Sao cái nồi cơm trống không vậy? Chỉ vo gạo, cắm điện vào, là có ăn. Ông cũng không làm. Chắc chờ tôi nấu xong, dâng lên tới miệng?”

Đúng là đàn bà không biết lo xa. Chỉ nghĩ đến cái ăn cái uống. Ông Lâm cằn nhằn, đi xuống bếp. Ông ngồi, kéo thêm chiếc ghế cho bà.
“Lại đây.” Ông nói.
Bà đang rửa chén dĩa, khua rổn rảng: “Tôi vừa làm vừa nghe. Có gì nói đi.”
“Sắp có vấn đề lớn.”
“Trời sập hả?”
“Cũng gần như vậy.”
“Tôi chỉ sợ trời sập. Ngoài ra không có chuyện gì đáng sợ.”
“Sợ chết không?”
“Tôi đang mạnh khỏe. Mắc mớ chi mà sợ chết!”
“Già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà. Ai không biết lo xa, đều phải chết kỳ này.”
Bà mỉa: “Tiếc quá! Ở Mỹ không có Sơn Đông mãi võ, bán thuốc cao đơn hoàn tán phòng bệnh cho nam phụ lão ấu.”
Ông Lâm nổi nóng: “Bà đừng đi lạc đề. Chết thật đấy. Không đùa đâu. Bà biết vấn đề nan giải Y2K sắp tới không?”
“Y2K là cái quỷ quái gì?” Bà ngoảnh lại, ngó ông.
“Tiếng Mỹ là Year 2000.”
“Thì sao?”
“Người ta chưa giải quyết xong hai con số không cuối cùng của con số hai ngàn, trong máy điện toán.”
Bà đi lại, đặt bàn tay ướt lên trán ông, thăm dò.
Ông hất tay bà ra: “Làm cái gì kỳ vậy?”
“Nhiệt độ bình thường. Ông đâu mê sảng mà lo chuyện bao đồng thiên hạ. Người ta chưa giải quyết xong, thì có liên quan chi đến ông?”

Ông trừng mắt: “Sao không? Rắc rối lớn đấy. Cái đầu của bà quá đơn giản, không có tầm nhìn xa, nên không thấy trước được vấn đề nguy hiểm. Thời buổi văn minh hiện đại, bất cứ kỹ thuật gì, người ta cũng sử dụng điện toán, nếu chưa điều chỉnh xong, điều gì sẽ xảy ra? Này nhé, vào đúng cái giây phút giao thừa đầu tiên của năm hai ngàn, hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử của các nước tân tiến sẽ phóng ào ào lên không gian. Tất cả các loại vũ khí giết người hàng loạt, nổ bùng một lượt, thì quả đất này sẽ biến thành trái cầu lửa…”
“Thiên hạ chết hết phải không?”
“Đúng vậy.”
“Chết đông. Vui!” Bà cười.
Ông nạt: “Tôi đang nói chuyện đàng hoàng. Đừng giỡn mặt nghen!”
“Nguyên tử nổ, dù ông có đào lỗ mà chui, cũng chẳng thoát chết. Hãy bình tâm, sống tới đâu hay đó.”
“Còn nữa. Nếu bom nguyên tử không nổ, cũng chưa yên đâu.”
Bà nổi cáu: “Ông lẩm cẩm vừa thôi! Tôi đi làm, về nhà còn phải dọn dẹp, rửa ráy, nấu cơm, làm đồ ăn. Ông ở nhà chỉ việc đưa đón mấy đứa nhỏ đến trường. Thì giờ còn lại, ông ngồi hút thuốc phun khói đầy nhà, rồi tưởng tượng ra đủ điều chết chóc, bắt tôi phải nghe. Muốn hù tôi hả?”
“Hù? Tôi lo cho bà và mấy đứa nhỏ. Chứ cái thân già của tôi, kể chi?”
“Ông khỏi lo cho tôi. Còn mấy đứa nhỏ, để đó tôi lo.”
Ông Lâm đứng dậy, bỏ lên nhà trên, ném lại sự hằn học: “Tức chết! Chẳng khi nào bàn luận êm thắm được điều gì với bà. Có đầu thai lại kiếp sau, cũng đừng nhìn mặt nhau nữa nhé.”
Bà nói vói theo: “Sống chung một kiếp này, cũng ê chề quá rồi. Kiếp sau, vừa thoáng thấy mặt ông, tôi bỏ chạy.”
Ông ngồi tại phòng khách, gát chân lên bàn, hút thuốc. Nỗi bực mình chưa kịp lắng, tiếng bà vọng lên.
“Tôi nghe mùi khói rồi đấy. Làm ơn mở cửa sổ, vặn máy hút giùm. Một mình ông hút thuốc, cả nhà bị ung thư phổi.”
Ông la lớn: “Tất cả sẽ chết hết, trước khi phát bệnh ung thư.”
Lúc lâu sau. Bà đi lên phòng khách, nói: “Mấy đứa nhỏ đang học bài. Ông với tôi, ăn cơm trước.”
Ông ngoảnh mặt làm ngơ, không ngó bà.
“Đàn ông gì mà hay hờn mát còn hơn đàn bà. Xuống ăn cơm đi.” Bà cười giả lả.
“Địa ngục!” Ông xẵng giọng.
Bà hỏi: “Tự nhiên nói địa ngục, là sao?”
“Bà biến gia đình này thành địa ngục.”
Bà cười hắc hắc: “Ở đâu có địa ngục, là ở đó có những mặt mày nhăn nhó, cằn nhằn. Tôi đang đem tiếng cười vào địa ngục của ông, nhưng ông khó quá. Ai chịu nổi? Bây giờ ăn cơm không?”
“Không! Tức gần trào máu họng. Ăn sao vô?”
Thế là bà ăn cơm một mình.
Cái kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong gia đình ông Lâm, thường xảy ra như cơm bữa. Hai vợ chồng nói chuyện với nhau một lúc, là có hục hặc. Sóng gió lại nổi lên. Ông Trời thật quái ác! Máng chi một con trâu, một con bò kéo chung chiếc xe đời nặng nhọc. Không lúc nào ông cảm thấy thoải mái. Lòng ông, hình như có một nỗi gì gút mắc chông gai, một bất toàn trong tình chồng vợ. Có lúc ông nghĩ đến giải pháp tách riêng ra, mỗi người đi một hướng, làm lại cuộc đời. Nhưng chuyện này đâu dễ. Chẳng phải bà và ông trì kéo chi nhau. Chính mấy đứa con ràng buộc hai người ở lại. Cứ nghĩ tới hoàn cảnh con ông phải sống trong sự lạnh nhạt, nhiều khi đến khắc nghiệt của cha ghẻ hoặc mẹ ghẻ, làm ông chùng lòng. Trên đời, đâu có ai rộng lượng tới mức thương con ghẻ như con ruột của mình? Thôi thì vì con, ông hy sinh một kiếp đời khốn nạn này. Nhiều khi ông tự hỏi, có phải ông mắc cái quả báo nào đó, từ kiếp trước? Chứ kiếp này, ông đâu phải thằng đâm cha chém chú. Cũng chưa từng chặt đầu lột da ai. Thế sao ông vẫn khổ? Ông tin vào thuyết luân hồi. Nghe đồn ở California, có cái Hội Huyền Bí. Một số hội viên có khả năng huệ nhãn, thấy được tiền kiếp. Ông tìm đến, nhờ họ giúp ông, soi rọi lại cái quá khứ tội lỗi của mình. Pháp môn nhìn ngược về quá khứ, được đặt tên là Soi Kiếp. Sau khi Soi Kiếp, họ cho biết, kiếp xưa vợ chồng ông là hai kẻ thù. Mối thù chưa thanh toán xong, thì mãn phần vì tuổi già. Đầu thai lại kiếp này, cả hai cũng quyết tìm đến nhau, tiếp tục ăn thua đủ. Họ khuyên, ông nên xóa bỏ mối thù truyền kiếp ấy đi, để mà hòa hoãn sống với nhau.
Về nhà, ông Lâm thuật cho vợ nghe. Rồi nói: “Thôi. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Tôi chịu thua bà. Tôi xin đầu hàng vô điều kiện.”
Bà bảo: “Từ lâu, tôi đã treo miễn chiến bài. Nhưng ông cứ khiêu chiến mãi.”
“Tôi khiêu chiến thế nào?”
“Ông nói những lời mắng nhiếc. Trút lên đầu tôi bao nhiêu oan khiên tiền kiếp.”
“Tính tình bà ngang bướng. Tôi muốn tu theo lục hạnh Bồ Tát, cắn chữ nhẫn giữa hai hàm răng mà sống với bà. Nhưng có lúc dằn lòng không được, cũng phải chắp tay xin phép Phật, cho con nghỉ tu năm phút. Kiếp này, tôi không thành chánh quả, cũng tại bà cản trở.”
Bà xách mé: “Trời ơi! Ông mà tu? Không khéo thiên hạ thành Phật cả rồi, ông còn làm ác tăng.”
“Tôi lạy bà!”
“Tôi cũng đã lạy ông, từ ngày mới kết hôn.”
“Hồi trẻ bà hiền lành, chứ đâu chằn ăn trăn quấn như bây giờ. Bao nhiêu năm sống chung, tôi khám phá ra mình bị lừa. Mắc mưu một lần, là đi tàu suốt cả cuộc đời.” Ông thở dài.
Bà hỏi: “Ai lừa ai? Ông còn nhớ không, hồi mới đám cưới xong, ông kể cho tôi nghe chuyện nhà hiền triết Hy Lạp gì đó?”
“Hiền triết nào? Trên đời này, thằng đàn ông nào có vợ, cũng đều trở thành nhà hiền triết cả.”
“À, tôi nhớ ra rồi. Ông lập lại lời của Socrate. Dù sao, thì bạn cũng lấy vợ. Nếu may mắn gặp vợ hiền, bạn là người hạnh phúc. Nếu gặp vợ dữ, bạn trở thành nhà hiền triết. Tôi hỏi, còn anh thì sao? Lúc đó, mình còn gọi nhau bằng anh em, chứ không phải ông tôi như bây giờ. Ông bảo, nếu gặp vợ dữ, anh sẽ trở thành võ sĩ. Mới về nhà chồng, ông dằn mặt tôi bằng câu nói xanh dờn. Tôi biết mình đã trao duyên lầm tướng cướp.”
Ông la: “Đấy! Tôi lạy bà rồi, nhưng bà cũng xỏ xiên. Người Mỹ gọi thế là bạo hành bằng tinh thần. Trong gia đình, thường xuyên tôi bị bà bạo hành.”
Nói xong, ông Lâm mang mền ra phòng khách. Đêm đó, ông ngủ trên salon.
Dù giận vợ, nhưng vấn đề Y2K có liên quan đến sự an nguy của mọi người trong gia đình, buộc ông Lâm phải làm lành với bà. Ông định một lúc thuận tiện, giải thích cho bà hiểu cái tầm quan trọng của Y2K. Bà ít chịu đọc báo, làm sao hiểu được vấn đề trọng đại? Nếu chữ nghĩa không phải là kẻ thù của bà, thì cũng là người dưng. Cầm tờ báo, hoặc quyển sách lên chừng vài phút, bà bắt đầu ngáp. Chẳng bao giờ nghe bà than mất ngủ. Sách báo là liều thuốc an thần cực mạnh đối với bà. Đêm nào trằn trọc khó ngủ, bà quơ vội tờ báo nào đó, dán mắt vào. Vài phút sau đã nghe tiếng ngáy rồ rồ rồ… o… rồ rồ rồ… o… Ông Lâm vốn khó ngủ, lại nghe tiếng thở nghèn nghẹt của bà, ông càng không ngủ được. Ông lay bà. Bà ú ớ, nằm nghiêng qua phía khác. Tiếng thở nghèn nghẹt tạm lắng một lúc, rồi lại rồ rồ o o nữa. Ông thúc cùi chỏ vào hông bà. Bà tỉnh ngủ.
“Cái gì vậy?”
“Ngáy.”
“Làm gì có.”
“Chẳng lẽ tôi nghe tiếng bò rống?”
“Tôi van ông. Xin cho tôi yên. Tôi cần giấc ngủ, để mai đi làm.”
“Nhưng bà phải tội nghiệp tôi chứ?”
“Tội nghiệp thế nào?”
“Đừng ngáy nữa.”
“Trong giấc ngủ làm sao kiểm soát?”
“Thế thì ngày mai đi bác sĩ, cắt cục thịt dư hay cái lưỡi gà gì đó trong cuống họng, vất đi.”
“Cắt cái lười gà, như cắt lưỡi người ta. Làm sao nói được?”
“Không nói được, đỡ xốn lỗ tai. Người đàn bà câm, là người vợ lý tưởng.”
Bà rên thống thiết: “Trời ơi là trời! Tôi đang ngủ. Ông đánh thức dậy, để gây sự. Không biết kiếp trước, tôi làm nên tội gì?”
“Phải để tôi hỏi ông Trời câu đó. Không biết kiếp trước tôi làm nên tội gì, mà bị bà quấy rối triền miên, kể cả khi vào giường ngủ? Hồi trẻ, hơi thở bà êm ái. Về già sinh tật.”
“Tôi thế đấy. Ai không chịu, thì tối mai vào phòng thằng Cu Đen mà ngủ.”
“Sao bà không đi?”
“Phòng này của tôi.”

Cu Đen là thằng con Út của ông Lâm. Nó mười tuổi, đã có phòng riêng. Người trong nhà, ai cũng có phòng riêng. Nhưng ông Lâm, không có một giang sơn nào riêng biệt. Trước kia, ông thường ngủ với Cu Đen. Tối, nó dần lưng đấm bóp cho ông. Xong, hai cha con nằm ôm nhau, nói chuyện.
Nó nói: “Hai người đàn ông ngủ chung là bệnh đó, ba ơi.”
Ông Lâm ngạc nhiên: “Sao lại bệnh?”
“Người Mỹ sợ homosexual.”
“Nói bậy. Mày là con ba. Cha con ôm nhau là chuyện thường.”
“Không. Ba ôm mẹ. Còn con ôm con gái.”
“Trời đất! Mày muốn ôm con gái hả?”
“Con nói khi nào con lớn, con ôm con gái. Bây giờ, con còn nhỏ, cha con mình được ôm nhau. Nhưng ra đường, ba đừng ôm con. Bạn con nó cười.”
“Cười gì? Mấy thằng Mỹ bệnh hoạn. Nó tưởng ai cũng bệnh như nó.”
“Mai mốt con lớn, không ngủ chung với ba nữa đâu.”
“Tại sao?”
“Con mọc lông nách, con trở thành đàn ông. Hai người đàn ông không ngủ chung.”

Nghe thằng nhỏ nói, ông Lâm cười nôn ruột. Nhưng điều đó cũng làm ông suy nghĩ. Mới có mười tuổi đầu, nó đã ảnh hưởng theo lối sống của Mỹ rồi. Ông cảm thấy những đứa con trong gia đình, dần dần xa lạ. Tình người khốn nạn, sinh biết bao điều tệ hại. Cha mẹ già, chúng đẩy vô nhà dưỡng lão. Cũng tại những người già đó, ngày xưa họ đẩy cha mẹ của họ vô nhà dưỡng lão. Ngày nay, con cháu của họ noi gương mà thôi. Quả báo nhãn tiền là thế! Còn ông Lâm, đến với xứ sở này, như người ăn nhờ ở đậu. Không lẽ lại chịu chung cái di họa của người Mỹ? Con cái của ông, ông nuôi nấng thương yêu. Nó có lỗi, ông đét cán chổi lông gà vào đít, theo kiểu “thương cho roi cho vọt”. Ông nói, đứa nào phản đối, cho thế là ác độc dã man, thì hãy mau mau cuốn gói ra khỏi nhà tao. Vuột khỏi tầm tay tao rồi, cấm xưng là con của ông Lâm. Có lần, đứa con gái lớn bị đòn. Nó vô trường, kể cho bà giáo của nó nghe. Bà kêu lên, ba mày hành sử như người trung cổ. Rất tiếc, ông Lâm không gặp bà ấy. Nếu gặp, ông sẽ hỏi, bà chê tôi như người trung cổ. Cái nền giáo dục của bà tốt đẹp, sao bọn trẻ gặp người già không biết cúi đầu lễ phép? Chúng chỉ đưa tay vẫy vẫy, miệng nói “hi hi” một cách rất ư là mất dạy? Cái xứ gì mà con cái hỗn hào hư đốn, cha mẹ không dám động tới sợi lông chân của nó. Lơ mơ, nó bấm 911, kêu lên bị bạo hành thể xác. Cha mẹ có thể vào tù như chơi.

Ông Lâm cưng thằng Cu Đen hết sức. Hiện nay, nó chưa mọc lông nách. Chẳng biết mai kia, được năm ba sợi le hoe, nó có manh nha trong đầu ý tưởng, sẽ tống ông vào nhà dưỡng lão hay không? Ông không nghĩ thằng con ông nhẫn tâm tới cỡ đó. Khi vợ ông bảo vào phòng ngủ với Cu Đen, ông kể cho bà nghe những lời cha con ông nói chuyện. Đến giai đoạn mọc lông nách, bà không thể nín cười.

Thấy tình trạng vợ chồng bớt căng thẳng, ông Lâm chụp ngay cơ hội, nói về sự nguy hại của Y2K. Rồi kết luận, mất điện đưa đến thiếu khí đốt, thiếu nước, thiếu sưởi. Nhà mướn ở lầu cao, không có lò sưởi bằng củi, sẽ bị chết cóng.
Bà nói: “Gọi cấp cứu.”
“Điện thoại cũng ngưng luôn.”
“Xách xe chạy về các tiểu bang phía nam?”
“Mọi người cũng nghĩ như bà, thì bao nhiêu xe cộ đều tuôn ra đường cùng một lúc. Đường sá sẽ kẹt cứng.”
“Cảnh sát sẽ điều động xe cộ lưu thông.”
“Chả có thằng cảnh sát nào ngoài đường hết. Nó cũng phải lo cho vợ con của nó. Hơn nữa, mất điện, đèn xanh đèn đỏ cũng tắt luôn. Các trạm xăng đều đóng cửa.”
Bà hỏi: “Vậy ông tính thế nào?”
Ông nói: “Đã có một số lời khuyên nên dự trữ đồ ăn nước uống, và sưởi ấm, từ vài ngày đến vài tháng. Dự trữ đồ ăn thì dễ, nhưng lấy gì sưởi ấm? Mình có thể chịu lạnh ngày một ngày hai, nhưng không thể chịu đựng lâu hơn dưới cái lạnh năm, mười độ âm. Đó là chưa kể bọn bất lương sẽ lợi dụng cơ hội khó khăn, hoành hành tội ác. Chuyện này phải tính trước. Đúng như bà nói, là xách xe chạy về các tiểu bang phía nam, nhưng phải đi trước mươi bữa, tránh cái nạn kẹt xe.”
Bà nằm ngẫm nghĩ một lúc, bỗng nói: “Bất cứ vấn đề gì, xuyên qua suy luận của ông, cũng đều trở thành bi quan chết chóc.”

Đang bàn phương cách cứu nguy. Câu nói của bà như cái mồi lửa làm ông Lâm nổi nóng, nhưng cố dằn lòng.
Ông hỏi: “Bà tính sao?”
Giọng bà bất cần: “Ai sợ chết thì chạy đi. Tôi chẳng đi đâu hết.”

Không thuyết phục được vợ, ông tức. Muốn nhổm dậy, xáng cho bà một tát tai. Lại nghĩ, bà sẽ tru tréo ầm lên. Cảnh sát sẽ kéo đến. Xứ này không đùa với cảnh sát được. Ông đã bị rắc rối với mấy thằng này, một lần rồi. Hồi đó, ông vừa mới nắm cổ áo của bà, thì đứa con vội bấm 911. Ông dằn cái điện thoại xuống ngay. Nó chưa kịp nói câu nào. Thế mà năm phút sau, cảnh sát có mặt. Nó mời ông ra xe về bót. Nói mời cho có vẻ lịch sự. Chứ thật ra, nó còng tay, điệu ông về bót.
Trên đường đi, cảnh sát hỏi: “Mày có biết, đàn bà ở Mỹ được luật pháp bảo vệ tối đa không?”
Ông Lâm nói: “Bảo vệ tới mức bất công. Đàn bà sẽ lợi dụng sự bất công này, và lấn áp đàn ông. Tao từng thấy trên TV, đàn bà tát tai đàn ông. Nhưng đàn ông chỉ ôm mặt chịu trận, không dám phản ứng.”
“Nếu mày bị đàn bà tát tai thì sao?”
“Tao sẽ tát lại mười lần mạnh hơn, cho bỏ cái tính hỗn láo.”
Cảnh sát giương mắt: “Mày có điên không?”
Ông Lâm hỏi lại: “Tại sao mày nghĩ tao điên?”
“Lúc mày ra xe với thằng Jack, tao ở lại lập biên bản. Vợ mày cho biết, mày không bình thường. Mày bị Cộng Sản bắt tù nhiều năm, trước khi sang đây. Những người tù của Cộng Sản, ít nhiều đều bị bệnh tâm thần. Mày đi bác sĩ tâm thần lần nào chưa?”
“Tao không bệnh hoạn gì. Không cần đến bác sĩ.”
Ngừng một lúc, cảnh sát nói: “Mai mày ra tòa.”
Ông Lâm ngạc nhiên: “Cái gì? Tao đâu có đánh vợ mà ra tòa?”
“Tao cũng sẽ ra tòa làm chứng cho mày. Mày không bị tù. Nhưng, nếu vợ mày khai rằng, tâm tính mày không bình thường, nó sợ mày hành hung, thì mày không được bước chân vào nhà.”
“Nếu tao khai rằng, tao sợ bị vợ hành hung, thì sao?”
“Trường hợp này, mày cũng không được vào nhà.”
“Trường hợp nào, tao cũng thất thế. Sao lạ vậy?”
“Trường hợp thứ hai, là để bảo vệ cho mày.”
“Bất công, chứ bảo vệ gì tao?”
“Khi ra tòa, mày đừng ăn nói theo kiểu này. Dễ bị khép thêm tội phỉ báng pháp luật.”

Lần đó ra tòa. May mà bà bãi nại. Nếu không, chắc xảy ra lớn chuyện.
Thấy chồng nằm ấm ức, suy nghĩ mông lung, bà biết ông đang bực mình.
Bà hỏi: “Giận hả?”
Ông lẫy: “Bà vẫn tính nào tật ấy. Giận làm đếch gì!”
“Tôi chỉ muốn ông đừng tin lời đồn nhảm thôi.”
“Nhảm? Thiên hạ đang xôn xao bối rối. Bà chỉ lo kiếm tiền. Chết có mang theo được không?”
“Đừng nóng. Hãy nghe tôi nói đã. Trước đây, ông cũng đã hốt hoảng về tin đồn tận thế. Nào là do ảnh hưởng sao chổi, nên ngày nguyệt thực, địa cầu và mặt trăng không xê dịch được. Và như thế, nhiệt độ mặt trời sẽ nung mặt trăng nóng đỏ lên, tỏa xuống địa cầu một sức nóng trên trăm độ. Nước sẽ bốc thành hơi, bao quanh địa cầu một lớp mây dày mười cây số. Lớp mây che khuất mặt trời, làm nhiệt độ địa cầu nhanh chóng tuột xuống cả mấy chục độ âm. Nhân loại sẽ không còn một ai sống sót. Ông nói, điều này trùng hợp với lời Chúa phán trong Kinh Thánh. Mặt trời tối đen, và mặt trăng đỏ như máu. Đó là ngày Đại Trừng Phạt của Thượng Đế. Vì nhân loại quá xấu xa, tội ác ngập trời, phải tận diệt…”
Ông Lâm cắt ngang lời bà: “Sau đó, tôi đã đính chính.”
“Vâng. Có đính chính, nhưng ông lý luận không thể nào tin được.”
“Dù bà không tin, nhưng không thể phủ nhận sự thật. Thượng Đế vì thương yêu các con của Ngài, nên chưa ra tay hủy diệt. Ngài dành cho nhân loại một cơ hội chót, để ăn năn sám hối.”

Nghe ông nói, bà cười khỉnh. Tiếng cười thoát ra từ mũi. Tiếng cười châm biếm mỉa mai, làm ông khích động. Lần nào nói chuyện với bà, cũng kết thúc bằng sự bực tức của ông. Ông cố nén. Lâu ngày, thành nỗi ẩn ức. Hễ thấy mặt bà, ông cảm thấy có điều vướng mắc. Thế nhưng hai người vẫn sống với nhau mấy chục năm trời, trong hục hặc đắng cay. Ông muốn đi tu, cho cõi lòng thanh thản. Bà bảo, thà làm kẻ dữ trên thế gian, còn hơn làm ác tăng trong cửa thiền. Ông muốn tịnh khẩu, cho miệng đời bớt âm thanh cú diều xỉa xói. Bà bảo, thà lớn tiếng chửi bới thiên hạ, còn hơn âm thầm làm tên sát thủ đâm lén sau lưng người đời. Ông muốn lập bàn thờ, đốt nhang niệm Phật. Bà bảo, dao thớt trong nhà còn tanh mùi thịt, đồ tể chưa thể nào rửa tay hóa kiếp.

Ông nói gà, bà nói vịt. Cứ thế mà đôi bên dằn co nhau mãi. Ông có cảm trưởng, ông và bà là hai đối thủ đô vật, gài thế quyện lấy nhau, vô phương tháo gỡ. Ông mệt nhoài tâm lực. Bà vẫn khỏe re cười cười, gần như không biết nỗi khổ của ông.
Ông nói: “Người Mỹ đưa quân vào cuộc chiến Việt Nam. Sa lầy trong chiến tranh du kích. Liệu bề thắng không được, họ chọn giải pháp điều đình, rút quân trong danh dự. Tôi cũng muốn hòa giải với bà, chịu thua trong danh dự.”
Bà hỏi: “Ông muốn ám chỉ tôi là bọn du kích chứ gì?”
“Vâng. Bà là du kích chiến thắng.”
“Thấy chưa? Ông lại nói xóc hông tôi rồi.” Bà giẫy nẫy.
Ông hỏi: “Xóc hông thế nào?”
“Ông thường bảo, du kích là bọn tiểu nhân. Không dám chường mặt ra ánh sáng. Chuyên môn chơi trò đánh lén. Rồi ông lại bảo tôi là quân du kích, có khác gì ông chửi cha tôi?”
“Nhưng tôi chịu làm người bại trận.”
“Bại trận mà chửi phủ đầu người ta. Ai chịu nổi?”
“Tôi nói thế nào, bà cũng bắt bẻ. Thôi, tôi thua bà. Tôi sợ bà.”
“Ông nói sợ tôi, mà còn hung dữ đến thế. Nếu không sợ, chắc ông đã nhai nuốt tôi vào bụng mất rồi.”
“Sợ vợ cũng ở mức độ nào thôi chứ. Chẳng lẽ tôi để bà thừa thắng xông lên ngồi trên đầu tôi?”
“Tôi chỉ mong được bình đẳng. Hơn thua với ông làm gì?”
Ông hòa hoãn: “Bà nói thế là tôi yên tâm. Mỗi người nhường nhịn nhau một chút, cho yên nhà yên cửa. Bây giờ, bà chịu nghe tôi nói không?”
Bà dịu giọng: “Ông nói đi. Tôi nghe.”
Ông ngồi im, ra chiều suy nghĩ.
Bà giục: “Nói đi.”
Ông hắng giọng: “Vấn đề Y2K.”
“Lại cũng vấn đề mắc dịch này nữa.” Bà nhỏm lên, sừng sộ.
Ông đưa tay ngăn: “Đừng ngứa miệng. Hãy nghe tôi nói đã.”
“Nhưng tôi không muốn nghe chuyện Y2K gì đó của ông.”
“Sao lại của tôi? Phải nói là của mấy thằng chuyên viên điện toán.”
“Của thiên hạ, dính mắc chi tới ông?”
“Thôi được. Không nói Y2K. Tôi muốn đưa gia đình đi du lịch, cho bà nghỉ xả hơi vài bữa.”
“Chừng nào?”
“Trước năm hai ngàn, một tuần.”
“Đó là thời điểm hái ra tiền. Sao không chọn dịp khác?”
Ông Lâm nhăn mặt: “Khổ qua! Nói khô cuống họng, mà bà không hiểu. Tôi muốn làm một công hai chuyện. Du lịch là lý do để tránh cái lạnh miền Đông Bắc, nếu bị mất điện cũng khỏi bị chết cóng.”
Bà muốn phản đối, nhưng thấy ông xuống nước, bà phân vân: “Những ngày gần tết, đắt khách lắm. Làm một ngày bằng mấy ngày thường. Bỏ đi cũng uổng.”
Bà phân vân cũng phải. Cái nghề o bế cắt dũa sơn phết móng tay của bà, làm ăn khấm khá vào những ngày lễ tết. Bỏ đi là mất một món lợi to.
Từ mấy năm nay, bà làm nghề móng tay. Nhưng nói thế, nghe tầm thường quá. Nếu ai hỏi, chị làm nghề gì? Bà uốn lưỡi trả lời rất dịu dàng, em làm nghề nail. Bà cho rằng, cái tiếng “nail” nghe có vẻ sang trọng, văn minh hiện đại hơn hai tiếng “móng tay”.

Ngày mới qua Mỹ, vợ chồng ông Lâm đi làm cu li. Tiếng Anh nói đớ lưỡi, thì làm cu li là phải rồi. Nhưng kiếm được đồng tiền quá chật vật. Bà rên. Ông bảo, vẫn còn dễ thở hơn ở xứ mình. Thời đó, ông còn là nhân vật quyền hành số một trong gia đình.

Vài năm sau, có người rủ bà học nghề làm móng tay. Cái nghề tằn mằn tỉ mỉ, nhẹ nhàng khỏe thân, lại dễ kiếm tiền, thích hợp với bà. Và bà cũng muốn lôi ông vào nghề cho đỡ khổ tấm thân. Ông lắc đầu, nói tôi già rồi, da nhăn má hóp, chân tay vụng về. Có vào nghề, tôi cũng chỉ ngồi ngáp từ sáng đến chiều. Bởi một người đàn bà dễ tính, cũng không chịu đưa bàn tay cho một người cục mịch, hom hem như tôi mài dũa. Thế là ông tiếp tục làm cu li. Bà làm móng tay.

Nếu so sánh lợi tức thu nhập, thì bà cao hơn ông. Tiếng nói của bà bắt đầu bình đẳng với ông. Mọi chuyện trong gia đình, ông không còn tự quyết định một mình nữa. Phải có bà góp phần bàn thảo. Đã có bàn thảo là có ý kiến ngược nhau. Vợ chồng lại cãi vã. Bà manh nha tiếm quyền làm chủ gia đình. Các đứa con có khuynh hướng theo bà, vì bà hay nuông chìu con cái, nên chinh phục được cảm tình. Phe của bà, đồng minh đông hơn. Chế độ độc tài quân phiệt của ông bị cô lập, yếu thế, lỗi thời.

Dù thường cãi vã, nhưng có lúc bà nói một câu nghe được. Rằng, ông đi làm cực nhọc, lại chẳng kiếm bao nhiêu. Thôi, ở nhà lo việc gia đình, và trông nom mấy đứa nhỏ. Để một mình bà làm cũng đủ. Hơn nữa, tuổi của ông lớn rồi, nên nghỉ hưu sớm mà hưởng nhàn. Ông đồng ý ngay ý kiến của bà. Từ đó, ông biến thành nội trợ. Ai nắm kinh tế gia đình, thì người ấy làm chủ. Khi phát giác ra chân lý này, thì ông đã bị tụt xuống hàng thứ yếu. Muốn điều gì, ông phải đưa ra đề nghị. Nhiều lần ông cay đắng nói nửa đùa nửa thật, là dâng kiến nghị lên bà.

Với tính lơ đãng, lại thêm vụng về, việc nhà ông không vén khéo. Bà chê, ông làm người nội trợ bất tài. Ông giận, hất đổ mâm cơm. Bà im lặng hốt dọn. Mấy mươi năm chung sống, bà biết ông hơn ai hết. Khi ông đổ quạu, bà không nên hó hé nói năng. Sau đó, bà than phiền rằng, ông còn giữ nguyên bản chất của người đàn ông Việt Nam, với cái quan niệm chồng chúa vợ tôi. Và ông cũng chỉ trích lại rằng, mới qua Mỹ không bao lâu, bà đã bắt chước cái thói hỗn láo với chồng của đàn bà Mỹ. Vừa nói ông vừa đưa ngón tay điểm mặt bà, theo kiểu cảnh cáo đối phương. Bà nhịn. Không là nhà quân sự, nhưng bà biết tiến thoái đúng lúc. Khi đang giận, mà gặp phải sự khiêu khích, ông sẽ dốc toàn lực ra tấn công, bất kể hậu quả. Chuyện đâu còn có đó. Từ từ rồi bà sẽ dùng đường lối chính trị, lấy kinh tế làm biện pháp, buộc ông phải nhượng bộ yêu sách của bà.

Nhiều lần ông Lâm đã nhượng bộ. Nhưng lần này, bà thấy ông có vẻ quyết liệt giữ vững ý kiến của mình. Bà đề nghị một phương cách giải quyết. Trước năm hai ngàn, ông đưa các con du lịch về phương nam. Bà ở lại trông coi nhà cửa, đồng thời đi làm kiếm thêm tiền vào những ngày lễ tết đắt khách.
Ông ái ngại: “Nếu vấn nạn Y2K xảy ra, bà sẽ không sống nổi.”
Bà nói: “Cùng lắm là tôi chết. Ông tục huyền với người đàn bà khác.”
“Trên đời này, không dễ kiếm được người nào như bà.”
Lâu lâu, nghe ông nói một câu chí tình, bà cảm động, cầm tay ông: “Ông cũng biết thương tôi hả?”
Ông choàng tay ôm bà: “Thương thì chưa chắc. Nhưng biết tìm đâu ra một người bạn đời chịu khó cãi vã với tôi, suốt mấy mươi năm không hề mệt mỏi?”

Con Sâu Đỏ

Gốc gác gia đình của cậu Hai Say là nhà nông, nhưng cậu ít khi ngó ngàng đến ruộng nương. Mùa màng cấy gặt, cậu giao hết cho vợ trông nom. Còn cậu, cứ tà tà đi tán dóc, coi cuộc đời như chốn rong chơi. Đầu thôn cuối xóm, ai cậu cũng quen. Ra đường, gặp nhau chào hỏi mệt nghỉ. Chào mãi đâm nhàm, chỉ cần nhìn mặt, nhếch mép cười là đủ.
Có một thời cậu theo cách mạng vô bưng biền. Công cuộc kháng chiến trường kỳ, cần nhiều hy sinh gian khổ, không hợp với cái tính ưa hưởng nhàn của cậu. Cậu bỏ về, mang theo căn bệnh sốt rừng. Da cậu tái nhợt như tàu lá chuối non. Thầy thuốc Nam bảo, cậu ăn uống nhiều vật thực mang tính âm hàn, nên sinh ra dị chứng. Phải xổ độc để tống khứ nhiễm khí rừng thiêng. Cậu uống bao nhiêu thang thuốc Nam, vẫn không xổ hết chất độc. Mợ Hai, vợ cậu phải bán một bồ lúa, đưa cậu ra tỉnh thành trị bệnh. Bác sĩ nói, cậu bị sốt rét kinh niên. Nếu không chữa trị kịp thời, để con vi trùng xâm nhập vào gan thì bỏ mạng. Sau một thời gian dùng thuốc Tây, cậu khỏi bệnh. Và từ đó, cậu lấy chữ nhàn làm gốc.
Cái tên của cậu, làm tôi thắc mắc. Cậu là Hai Say hay Hay Say? Cách phát âm của người miền tôi, không phân biệt giữa Hai với Haỵ Và Say có phải là tên thật của cậu, hay người ta thấy cậu thường có hơi rượu, rồi gán cái biệt danh Say? Tôi còn nhỏ, không dám hỏi về điều này. Mà có hỏi, cũng chưa chắc cậu trả lời thật. Bởi tính cậu, xưa nay vẫn hay thêu rồng vẽ rắn, chuyện thật như đùa, chuyện đùa như thật, biết đâu mà lường.
Trước cửa nhà tôi, có con đường đất. Cậu Hai Say thường đi trên đường này, mỗi ngày. Đang đi, cậu ghé vào nhà này, nói năm ba câu trên trời dưới đất. Tạt vào nhà kia, bàn chuyện thời tiết nắng mưa. Không bao giờ nghe cậu đặt vấn đề làm ăn sinh kế. Cậu nói cậu là ông tiên ở trên trời bị đoa. xuống trần gian, và đọc:
Có chồng say như trong chay ngoài bội
Ngó vô nhà như hội Tầm Dương
Có chồng ghiền như ông tiên nho nho?
Ngó vô nhà đèn đỏ đèn xanh
Đã là tiên thì đâu cần phải làm gì. Cậu rong chơi, chờ ngày mãn kiếp về trời.
Nhà tôi là nơi cậu thường vào nghỉ chân sau một chuyến đi rảo quanh làng, hoặc lừng khừng sau khi lai rai vài ba xị đế. Cậu đến nhà tôi, người lớn không cần phải bận tâm đón tiếp. Quen thân quá, hoá lờn. Không ai vô công rồi nghề để ngồi nghe cậu nói chuyện Nam Tào Bắc Đẩu. Cậu cũng rất tự nhiên, nằm trên cái võng giữa nhà, đưa qua đưa lại, miệng phì phà điếu thuốc. Anh chị em tôi rất thích cậu Hai Saỵ Cậu có cả một kho tàng chuyện lạ, kể hoài không hết. Muốn nghe cậu kể chuyện, chúng tôi phải thay phiên đưa võng cho cậu lấy hứng. Đưa võng cũng phải có nghệ thuật, cậu nói, đưa mạnh quá làm nôn ruột, đưa nhẹ quá dễ buồn ngủ. Thế thì phải đưa thử, đến lúc nào cậu bảo được, là giữ nhịp võng ấy mà đưa hoài. Mỗi khi cậu chấm dứt một câu chuyện kể, phải biết ý cậu, đưa mạnh hơn để tán dương và phụ hoa. cho tiếng cười được phơi phới lên cao. Không phải lúc nào cậu cũng chịu đưa võng. Những khi trời nóng nực, phải quạt cho cậu mát. Quạt mạnh quá, cậu nói ngộp thở. Nhẹ quá, cậu bảo không mát. Phải quạt vừa vừa, đều đặn. Cậu nằm phanh áo, bày ngực và bụng. Quạt từ trên mặt, quạt dài xuống bụng. Cái quạt lớn làm bằng mo cau, tôi phải cầm hai tay, quạt mới xuể.
Những chuyện kể của cậu Hai Say, mấy mươi năm qua rồi, tôi không nhớ hết. Sau đây là một trong vài chuyện mà tôi còn nhớ được.
Thời cậu còn theo kháng chiến làm cách mạng. Cậu đã đi rất nhiều nơi, từ chốn bưng biền cho đến miền rừng sâu núi thẳm. Một hôm cậu ngang qua một vùng núi non hiểm trở, bỗng nghe tiếng động ầm ầm dữ dội, như tiếng của Thần Rừng Thần Núi giao tranh. Cậu hoảng hồn, mau chân chạy tránh xa nơi nguy hiểm. Cả năm sau, cậu có dịp hộ tống Bác Hồ, ngang qua vùng ấy nữa. Cậu thấy hai con vật khổng lồ: con rít chúa và con mãng xà vương nằm chết, xác đã rữa mục rồi. Bấy giờ, cậu mới hiểu ra rằng tiếng động ầm ầm mà cậu nghe năm ngoái, là do hai con vật đánh nhau. Cái đuôi của chúng vùng vẫy làm gãy đổ cây cối cả một vùng rừng rộng lớn.
Con mãng xà vương chết, còn lại bộ da, trải dài như con đường lát gạch. Bác Hồ là người thông minh, có nhiều sáng kiến lạ, Bác bảo mỗi người cắt vài miếng da mãng xà để làm dép râu. Và Bác đã mang đôi dép này đi suốt “Đường Kách Mệnh”. Đôi dép râu bằng da mãng xà, bền chắc vô cùng. Khi Bác lên làm chủ tịch nước, người ta đưa đôi dép râu này vào trưng bày trong viện bảo tàng. Các nhà khoa học lừng danh của Liên Xô có đến chiêm ngưỡng, và dùng phương pháp khoa học tối tân để phân chất, nhưng vẫn không khám phá ra đôi dép làm bằng nguyên liệu gì. Đó một bí mật mà nhà nước ta giấu kín, không công bố cho nước nào biết, dù là nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng vậy. Tất cả những gì liên quan đến Bác, đều được truyền miệng một cách hư hư thực thực như huyền thoại. Để từ đó, người ta nhìn thấy Bác là một siêu nhân.
Con rít chúa chết, còn lại cái vỏ. Vỏ rít có nhiều đốt, nối lại như một đường ống dài. Lúc ấy, trời bỗng đổ mưa tọ Bác Hồ bảo mọi người chui vào cái vỏ rít mà trú mưa. Mưa to, thế mà không ai bị ướt.
Bác Hồ nói: “Lấy cái vỏ rít này, dùng làm nóc hầm trú ẩn hoặc làm địa đạo, có thể chống được bom đạn.”
Đấy lại là một sáng kiến độc đáo nữa. Có người rút nhật ký ra ghi chép lời Bác.
Anh tôi hỏi: “Ghi chép làm gì?”
Cậu nói: “Để sau này, Bác dùng làm tài liệu viết ký sự “Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện”, dưới cái tên giả Trần Dân Tiên.”
Cậu tiếc rằng, ở giữa vùng rừng núi xa xôi, không thể khiêng vài cái đốt của rít chúa về xóm làng.
Anh tôi lại hỏi: ” Khiêng về làm gì?”
Cậu nói: “Để bán cho người ta làm mui xe bò. Mỗi đốt làm được một cái mui xe, rất chắc. Xài cả đời cũng không hự”
Chị tôi hỏi: “Cậu từng phục vụ cho Bác Hồ. Cậu thấy Bác ra sao?”
“Ồ, đẹp lắm. Trông Bác có cái dáng vẻ tiên phong đạo cốt, dưới càm phơ phất một chòm râu.”
Tôi hát: “Mong Bác Hồ cho chúng cháu xin, đôi sợi râu làm dây thân ái.” Và hỏi. “Sao cậu không xin Bác một sợi râu?”
“Dễ gì? Bác chỉ có một chòm râu, mà trẻ em cả nước đứa nào cũng muốn xin một sợi. Lấy đâu cho đủ? Nhưng cậu cũng tìm cách để có được một sợi râu của Bác.”
“Khi Bác ngủ. Cậu lén nhổ râu hả?”
“Không. Nhổ râu Bác cũng giống như vuốt cái vảy ngược dưới cổ con rồng.”
“Vuốt cái vảy ngược của rồng thì sao?”
“Thì chết chứ sao? Tương truyền, rồng là một linh vật, chúa tể của muôn loài. Vảy rồng mọc xuôi về phía sau, nhưng dưới cổ nó, có một cái vảy mọc ngược về phía trước. Ai chạm phải cái vảy ấy, nó giết liền. Người có chân mạng đế vương, thường được ví với rồng. Vì thế, mỗi sợi râu của Bác được coi như một sợi râu rồng, người đời thường gọi là long tụ Nhổ long tu của Bác, chẳng khác nào chạm cái vảy ngược của rồng.”
“Nguy hiểm như vậy, làm sao cậu lấy được râu Bác?”
“Mỗi buổi sáng, cậu có bổn phận bưng thau nước vào cho Bác rửa mặt. Khi xong, cậu đem đi đổ. Trước khi đổ, cậu quan sát thật kỹ, những mong có được một may mắn. Và cậu đã may mắn thật, trong thau nước rửa, có một sợi râu rụng của Bác. Cậu giữ lại sợi râu quý này, làm kỷ niệm.”
“Cho tụi cháu xem thử đị”
“Ngồi yên! Nghe cậu kể. Người ta nói cọp chết để da, nhưng không ai nói cọp chết để râu. Vì mỗi lần hạ được một con cọp, việc đầu tiên phải làm là đốt ngay bộ râu.”
“Sao thế?”
“Nếu kẻ ác lấy được sợi râu cọp, họ sẽ dùng vào việc giết người.”
Anh tôi thắc mắc: “Râu cọp mà có thể giết người được sao?”
Cậu Hai Say giải thích: “Họ nhét râu cọp vào mụt măng. Cháu biết măng là gì không?”
Chị tôi nhanh miệng: “Măng là mầm non của tre trúc mới nhú lên khỏi mặt đất.”
“Đúng rồi. Nhét sợi râu cọp vào mụt măng. Lâu ngày, sợi râu sẽ hoá thành con sâu màu đen. Cứt của con sâu này là một thứ thuốc độc ghê gớm. Chỉ cần cho một viên cứt sâu nhỏ bằng đầu cọng tăm vào lu nước. Ai uống phải nước này, sẽ ngã ra chết liền.”
Chúng tôi rúc cổ le lưỡi: “Ghê quá!”
“Im! Bình tĩnh, nghe cậu kể tiếp. Râu Bác Hồ như râu rồng. Cậu nghĩ, nếu đem nhét vào mụt măng, nó sẽ hoá ra con gì? Vì tò mò, cậu đã làm thử.”
“Cháu nghĩ nó sẽ hoá ra một con rồng nhỏ.” Chị tôi nói.
“Không. Chẳng phải rồng mà là một con sâu đỏ lòm, cháu ạ.”
“Thế, cậu làm gì với con sâu ấy?”
“Chẳng làm gì cả. Thấy con vật lạ thì nuôi chơi vậy thôi. Cậu nhốt nó trong một chiếc hộp nhỏ, đi đâu cậu cũng mang theo bên mình. Nhưng nó không chịu ăn, lừ đừ gần chết, cậu không biết làm sao để có thể nuôi nó lâu dài. Có lần, cậu vô ý làm đứt tay, một giọt máu tươi rớt vào trong hộp. Nghe mùi tanh của máu, nó như được hồi sinh và hút sạch giọt máu. Thế là cậu khám phá ra, con sâu đỏ này chỉ có thể nuôi bằng máu.”
“Cậu làm sao đủ máu mà nuôi nó hoài?” Anh tôi hỏi.
“Phải có cách chứ. Đâu thể trích máu của cậu mãi được. Đi với Bác lâu ngày, cậu cũng khôn ra. Nghĩa là tận dụng mọi thứ chung quanh, mà không hề làm tổn hại đến mình. Cậu bắt con đỉa hút no máu con trâu. Xong cậu cho con đỉa vào hộp. Con sâu đỏ hút lại máu từ con đỉa. Đỉa là loài sống rất dai, cho nên có câu “sống dai như đỉa”. Thế mà sau khi bị con sâu đỏ hút máu, con đỉa chết luôn. Điều này cho cậu biết rằng, con sâu đỏ là một độc vật ghê gớm nhất trên đời.”
Chị tôi nói: “Sao không giết nó đi, nuôi chi một con vật gớm ghiếc?”
“Cậu đã nói, thấy con vật lạ, thì nuôi chơi. Mãi sau, có người biết được, tố giác chuyện này lên Bác Hồ. Bác ra lệnh tịch thu con sâu đỏ. Cậu giao nạp con sâu, nhưng vẫn còn sợ bị khép tội ăn cắp râu Bác Hồ, nên trốn về, không theo cách mạng nữa.”
“Rồi Bác giết nó hay nuôi?”
“Nếu giết nó thì đỡ khổ cho dân lành rồi. Bác nuôi mới chết người chứ!”
“Không lẽ Bác nuôi nó bằng chính máu của Bác?”
“Bác đâu có dại. Máu của nhân dân thiếu chị”
“Nhưng Bác nuôi nó làm gì?”
“Làm gì, ai biết? Mọi hành vi của Bác đều được giữ bí mật. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, và thanh trừng thành phần trí phú địa hào bất mãn, có hàng vạn người bỗng ngã lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Cậu nghi, họ bị đầu độc bằng cứt của con sâu đỏ này.”
Sau mỗi chuyện kể của cậu Hai Say, thường là những tiếng cười vui thích thú. Nhưng sau chuyện này, cậu không cười, và chúng tôi thì sợ.
***
Mùa Xuân năm Ất Mão, tôi tơi tả trở về làng cũ. Cậu Hai Say bây giờ, đã già lắm rồi.
Cậu bảo: “Hãy chạy đị”
Tôi hỏi: “Sao cậu không chạy?”
“Với số tuổi của tao, bỏ thây không tiếc”
“Cậu thường hay nói chơi. Không biết lần này cậu nói chơi hay nói thật. Nhưng đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, không ở lại mà hưởng thái bình, còn chạy đi đâu?”
Cậu ngước mặt lên trời, than: “Người ngu mắc nạn, thường hay đổ thừa cho thiên mệnh.”
Mười năm sau nữa, tôi ra khỏi tù, lại trở về làng cũ. Nghe nói, cậu Hai Say được cách mạng mời đi dự tiệc mừng Đại Thắng Mùa Xuân. Và cậu đã chết ngay sau khi rời khỏi bàn tiệc. Tôi chợt nghĩ đến con sâu đỏ. Chẳng biết cái chết của cậu, có liên quan gì với cứt của loài độc vật này hay không?

Con Suối
Và Chiếc Cầu Treo

Ở đây, cuối tuần là thời gian rỗi việc. Tôi thường cùng một số bạn ngồi lại uống lai rai vài chai bia, nhắc chuyện cũ. Chuyện mới thì ủ ê. Không lấy gì làm phấn khởi. Chuyện chưa đến thì mờ mịt, biết gì mà nói? Chuyện cũ với những người cùng hoàn cảnh, xem chừng dể thông cảm nhau hơn. Có người bạn trẻ hỏi, sao chúng tôi nói mãi đề tài lính và tù không nhàm chán? Làm sao giải thích cho bạn hiểu đây? Sang tới xứ này, bạn còn có tương lai đi tới. Chúng tôi còn gì đâu? Tuổi lớn rồi, học không vô. Tiến thân bằng cái đầu không được. Thôi thì đi làm cu li, cơm áo qua ngày. Sống mà không nhìn về phía tương lai, không chờ đợi điều gì cả là một bi thảm. Ngoái trông về quá khứ cũng thấy đầy những gai góc tai ương, nhưng đó là một phần đời gắn liền với chúng tôi. Đó là da thịt, là vốn liếng một đời người. Mang cái vốn liếng u buồn này đi vào tương lai, cũng giống như vác cái quá khứ bốn ngàn năm lạc hậu lên phi thuyền bay vào vũ trụ. Lâu lâu, giở lại quá khứ săm soi, như người ta nâng niu gìn giữ một món đồ cổ. Cổ vật càng xưa càng quý. Tâm trạng chúng tôi bây giờ là thế.
Một lần, nhà thơ Tô Thùy Yên đến Boston. Chúng tôi ngồi nhắc chuyện cũ. Anh nói, hồi đi cải tạo đã từng ở cái trại tù sát chân núi. Bên kia núi là nương rẫy của trại. Muốn qua nương phải vượt đèo. Đèo cao dốc ngược, đường lên khúc khuỷu. Mùa mưa trơn trợt khó đi. Lên tới đỉnh đèo, phải ngồi lại nghỉ mệt trước khi tuột dốc. Anh em trong trại đặt tên là “đèo bá thở”. Tôi cũng đã từng lên xuống cái đèo này nhiều lần, trong thời gian còn ở trại. Tổng số tù nhân vào khoảng 300 người. Thế mà tôi không hề biết có Tô Thùy Yên ở đây. Sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, ai cũng muốn thu nhỏ thân phận của mình. Chờn vờn trước mặt cán bộ, dễ bị chú ý. Sứ giả của ma vương mà chú ý, thật chẳng hay ho gì.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp có bài Đốt Lửa Nghe Sư Đàn. Đọc lên cứ nghe rờn rợn. Nó gợi lại trong tôi một nơi chốn quen thuộc. Không gian, thời gian của những mùa đông rét mướt, áo quần không đủ che thân. Đêm đông trong lán trại lợp bằng nứa, lạnh quá không ngủ được, tù ngồi hơ tay bên đống lửa. Tiếng nói chuyện thầm thì như hơi gió. Tâm sự tràn trong đêm khuya. Thỉnh thoảng nghe tiếng mang mển “béc” ngoài đồi tranh cô quạnh, tiếng kêu buồn héo cả ruột gan.

đốt lửa. chừng như người qua khe
mùa đông tím những nương mưa
đốt lửa bên trong lán suối
mưa. mưa trên con đường núi
có ai tìm vầng trăng mọc khuya
rét. sầu miên. đất. đá. gỗ
đầm sấu hoang. lau thắp. bến chờ

lửa đã cháy. cháy trên củi ướt
tù ngồi hơ tay nghe cổ tích
chuyện Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh
bỗng trong đêm rộ tiếng ai đàn
lửa củi soi nhà sư mặt ốm
kể từ sư rũ áo đi đày
cái tâm mây nổi. trăng thiền đạo
cuộn cuộn trường giang sóng lục đầu
đầm cỏ nước in thân cò vạc
bắt cua. vồ nhái. ngày qua ngày
đêm đêm ôm đàn trong xó tối

năm ngón tay gầy. tiếng thổ cầm
sư ngồi đàn như cây trăm năm
lửa cháy xèo xèo mùi nhựa ngái
khói tỏa mù khe. Màu cỏ rối
dạo đàn. mưa thu rơi trong trăng
tiếng mau. chim bay qua mùa đông
đàn ánh thép xanh. gươm phạt trúc
gỗ nổi. đá lăn. trâu bứt gốc
hồn u. mả tối. đây là đây
rạng tiếng Ngư Dương thơ quỷ đọc
lán sâu. bếp ảo. lửa đào lay

cây đàn gỗ xưa như mặt trăng
năm ngón tay gầy như chim ưng
bật dây. rỏ máu hoàng hôn rừng
gọi những mùa đi không trở lại
đàn qua. tiếng buồn trong lau sậy
gió thu đưa võng. ai chờ ai
đêm cẩm khê. đàn trong u độc

người nghe đàn khơi đỏ lửa khuya
tóc râu tiền kiếp đầm hơi mưa
bỗng thấy sân nhà cây sứ gãy
năm cửa ô quan ngấn lệ mờ
những nẻo chiều sương người rách rưới
những mái nhà mưa xoi nắng rọi
lọ rơi. sành vỡ. lục cục âm
khuya rồi. ai đẽo gỗ huỳnh đàn
tửng sắc hoa gầy trên áo quan

sư bỗng ngừng đàn. nhìn đống lửa
gốc cây cháy như đầu thiên cổ
huyễn huyễn củi tàn màu kinh xưa
mặt đất chừng qua cơn mộng dữ
nên ngón tay gầy như ngó sen
hơi đàn trôi trong hương lá xanh
đàn ngân. cánh chim soi trên đầm
mùa hoa mơ nở trắng non ngàn
từ trong động ấy giờ trăng mọc
ánh trăng chảy vàng trăm cửa sông

bếp rụi. lửa riu. âm đàn dứt
trăng lên rồi. hổ xuống cẩm khê

Nguyễn Xuân Thiệp thai ghén và làm bài thơ này từ năm 1977 đến năm 1988. Mười một năm ròng rã, dốc hết tâm huyết cho một bài thơ đầy nội lực. Hèn nào đọc lên, tôi thấy như mình đang sống trong căn lán ẩm thấp vào một mùa đông lạnh ướt xưa kia. Anh Thiệp cho biết, đã từng ở trong cái trại có con suối chảy sát ngoài hàng rào. Trước cổng trại, chếch về phía bên trái, sát chân núi có một ngôi nhà sàn. Nhà núp trong cây. Những buổi sáng lành lạnh trời còn mù sương, đến thật gần mới thấy ngôi nhà hiện ra trong làn sương đục. Cảnh đẹp như tranh, mơ hồ như ngôi nhà trong cổ tích. Hóa ra, cái trại Nguyễn Xuân Thiêp mô tả, chính là trại Tô Thùy Yên và tôi từng ở đó. Vậy mà không ai biết ai. Trên cõi nhân gian có lúc người ta đi thật gần nhau, cùng sinh hoạt như nhau, nhưng người nào cũng giấu mình bằng chiếc mặt nạ. Một lúc nào đó, vất chiếc mặt nạ đi, nhìn nhau cười xòa.

Trong Đốt Lửa Nghe Sư Đàn, Nguyễn Xuân Thiệp có nhắc đến con suối, đốt lửa bên trong lán suối. Cuối bài, kết thúc bằng trăng lên rồi. hổ xuống cẩm khê. Cẩm Khê là một địa danh thuộc xã Cẩm Nhân. Xã ở miền cao, có nhiều suối mùa. Nhưng con suối thiết thân gần gũi với chúng tôi ngày ấy là con suối Nguyễn Xuân Thiệp nói trong thơ. Bây giờ, đọc thơ anh, tôi cảm giác như cái lạnh còn thấm tới xương, và còn mường tượng được cái không khí u uất trùm lên lán trại vào những đêm khuya nghe cú rúc. Tiếng cú như tiếng ma kêu sầu thảm, báo điềm có kẻ tử vong.

Tôi rời xa nơi ấy lâu rồi. Nhưng đi đâu cũng mang theo trong lòng về một nơi chốn mà tôi đã sống những ngày bầm giập xác thân. Mang theo không phải để nhìn ngắm lại một quá khứ u buồn. Nhớ mãi những tai ương buồn khổ, ích gì? Tất cả như chiêm bao bào ảnh, như sương móc chớp chăng. Kinh nhà Phật dạy thế. Nơi chốn tôi mang theo là những khu rừng ẩm mùi lá mục, đầy những muỗi mòng sên vắt. Rừng nối rừng bạt ngàn đi không hết. Những dãy núi bốn mùa sương giăng bàng bạc. Núi tiếp núi liền nhau bất tận. Nơi ấy có một trại tù. Có con suối nhỏ nép mình ngoài hàng rào trại, lượn vòng theo chân núi. Giữa hoàng sơn trùng điệp, suối bắt nguồn từ đâu, và xuôi về tận đâu không biết. Có người đoán, nó đổ ra hồ Thác Bà. Cũng chỉ đoán mà thôi.

Mùa mưa, hồ Thác Bà đầy nước xanh trong vắt. Giữa hồ ló lên một cây thập giá trơ vơ trên mặt nước. Mùa nắng, nước rút phơi đáy hồ bùn khô nứt nẻ. Dưới lòng hồ hiện ra một ngôi giáo đường, trên nóc cao có cây thập giá. Nhiều năm trước, nơi có ngôi giáo đường là thung lũng chạy dài mấy chục cây số về phía Nam. Người ta ngăn nước làm đập thủy điện Thác Bà. Vì thế, mới có hiện tượng ngôi giáo đường chìm trong lòng nước làm thành cảnh đời dâu bể, thế sự tang thương.

Theo con suối về phía thượng nguồn, cách trại chừng nửa cây số, suối uốn vòng cung nước xoáy thành hồ nhỏ. Quanh hồ là thảm cỏ xanh rờn mọc chen với tàu bay, kim thất. Hoa tàu bay, kim thất khi nở bung giống như chùm lông tơ trắng. Gió cuốn hoa bay khắp núi rừng. Mỗi sợ lông mang một hạt mầm. Sau trận mưa đầu mùa, mầm hạt ngoi lên những cây con, thân mòng mọng, lá xanh non mướt. Cây cỏ gì ăn được đều gọi là rau. Rau kim thất nhân nhẩn, người ta nói có vị thuốc. Còn rau tàu bay có mùi hăng hắc, người ta nói ăn nhiều bị mất máu. Có vị thuốc hay mất máu, không đáng quan tâm. Một thời khốn khó không cơm, chúng tôi dùng nó độn thêm trong phần sắn khoai làm đầy bao tử. Sát mé nước, trên bờ hồ có những loài hoa dại không tên. Nhiều nhất là hoa vàng và tím, màu sắc chen nhau. Hoa chỉ bằng con bướm nhỏ. Những khi vác nứa về ngang qua đó, những đóa hoa rập rờn như đàn bướm đồng loạt chớp cánh, đẹp vô cùng.

Cũng nơi cái hồ nước nhỏ này, con suối chia làm hai dòng. Một dòng chảy sát bên hàng rào trại, như đã nói. Còn dòng kia chảy qua một cánh đồng. Trại nằm lọt vào trong cái chảng ba con suối. Dòng suối chảy băng qua cánh đồng, chia cắt trại với con đường dẫn về Tuyên Quang. Trên bờ suối có bụi tre rừng. Lâu ngày nước xoáy dưới gốc tre thành hốc nước. Nghe đồn, trong hốc nước có con rùa vàng to bằng chiếc nón lá. Những buổi trưa hè, thường có người trong trại ngồi cầm cần thả dây câu rùa. Câu rùa để ăn, chứ không phải nuôi chơi làm cảnh. Trong khốn cùng đói khát, không ai nghĩ đến chuyện giải trí tinh thần bằng cách nuôi một con rùa để ngắm. Chẳng biết xưa ông Lã Vọng ngồi câu sông Vị ra sao? Ngày nay, người tù ngồi câu rùa, trông cái dáng vô cùng bi thảm. Anh ngồi bất động, đôi mắt đăm đắm xa xôi ở một cõi nào đâu ấy. Mấy năm ở trại, tôi thấy hết người này ngồi câu, rồi đến người khác ngồi câu. Người nào cũng thể hiện nét mặt buồn như nhau. Không ai bắt được con rùa, cũng chưa ai thấy nó nổi lên bao giờ. Con rùa vàng trở thành niềm tuyệt vọng của những ông câu.

Ngang qua suối, trại có bắc một cây cầu để đi ra con đường về phía Tuyên Quang. Mùa nắng làm cầu. Mùa mưa nước lũ trên ngàn tuôn xuống mạnh như thác, mang theo những cây khô gỗ mục vướng vào chân cầu. Chỉ vài trận mưa đầu mùa, cây cầu bị cuốn phăng đi mất. Và trại bị cô lập hoàn toàn với những bản làng người sơn cước, bên kia con suối. Năm nào trại cũng phải làm cầu mới, nhưng rồi cũng không chịu nổi sức tàn phá của thiên nhiên. Các cán bộ trên trại đề ra kế hoạch làm cầu treo.

Nghĩ ra kế hoạch là cái đầu của những kẻ coi tù. Thực hiện kế hoạch ấy là bàn tay, sức lực của những người tù. Chúng tôi chia thành từng nhóm kéo nhau lên rừng núi đốn cây. Phải chọn cây to, và thẳng đúng theo quy định chiều cao của chân cầu treo. Dao trành đốn cây cổ thụ, giống như người thợ điêu khắc kiên nhẫn đẽo từng mảnh nhỏ của tảng đá lớn. Nước sông công tu, chuyện gì mà không làm được? Cây ngả xuống, chặt cành chặt ngọn. Ai mà khiêng nổi cây to trên thế núi dốc? Chúng tôi vạt nhọn một đầu, lao cây xuống núi. Cây vướng lại chỗ nào, phát quang chỗ đó. Đem được cái cây bề tròn cỡ vòng tay ôm về tận bên con suối nơi chỉ định làm cầu, công trình nhọc nhằn này tương đương với những người vận chuyển những phiến đá lên cao xây Kim Tự Tháp bên Ai Cập thời xưa.

Đồng thời với công tác chặt cây, đào lỗ hai bên bờ suối dựng chân cầu, cán bộ trại về tận Hà Nội xin được cấp bốn sợi cáp. Giữa miền rừng núi không xe cộ đi lại, chuyển được bốn sợi cáp bằng thép bề trại với sức người, mồ hôi đổ dài theo những dặm sơn khê.

Cáp mắc vào trụ cầu giăng ngang con suối. Bốn sợi cáp chia làm hai tầng. Hai sợi trên làm tay vịn. Hai sợi dưới lót ván để đi. Cây cầu treo này được xem là công trình xây dựng hiện đại nhất của miền thượng du. Nó là một kỳ quan đối với người sơn cước.

Ngày khánh thành cây cầu, tất cả tù nhân tập hợp ra đứng bên bờ suối, nghe ông trại trưởng nói chuyện. Ông đứng trên cầu, mặc áo đại cán, đội nón cối có gắn ngôi sao, nói những lời tự hào về sức mạnh xã hội chủ nghĩa. Con người của xã hội chủ nghĩa quyết tâm khắc phục thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ con người. Ông mạnh dạn tuyên bố dứt khoát rằng, cây cầu treo này sẽ tồn tại không những một mùa mưa, mà còn tồn tại sau nhiều mùa mưa nữa. Cuối cùng ông ngỏ lời ngợi khen anh em tù nhân đã cố gắng lao động tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên vẫn còn vài con nhạn la đà vi phạm nội quy, moi móc khoai củ ngoài rừng, cải thiện linh tinh. Dù thế, ông cũng hứa sẽ thưởng cho mỗi người một xuất sắn vào sáng Chủ Nhật. Thông thường, sáng Chủ Nhật không có phần ăn. Đang trong thời kỳ đói khổ, lời hứa của ông trại trưởng làm anh em nức lòng phấn khởi. Trên khung, cán bộ làm chó ăn mừng khánh thành cầu treo. Dưới trại, tù nhân được thêm phần sắn.

Miền núi rừng thượng du không có trò gì vui chơi giải trí. Mùa hè. Chiều chiều, các cán bộ rủ nhau lên cầu đứng hút thuốc tán gẫu, và hóng gió rừng. Nếu chỉ thế thì sự đời êm đềm bình thản biết bao Cảnh cán bộ nhởn nhơ hóng gió trên cầu là niềm mơ ước của những kẻ muốn rủ hết sự đời theo thú tu tiên. Nhưng đối nghịch hình ảnh lý tưởng ấy, trong lán trại những người tù tiều tụy đang nằm thở dài sau một ngày lao động vất vả thiếu ăn.

Rồi mùa mưa lại đến. Cơn mưa đầu mùa thật dữ dội. Ầm ầm vang động núi rừng. Mưa suốt ngày đêm không ngớt. Nước lũ trên ngàn tuôn xuống. Suối chảy mạnh như thác, gầm thét cuốn phăng những gì vướng víu trên đường nó đi. Bốn chân cột cầu treo được dựng trên thế đất cao bên bờ suối, hàng năm nước không lên tới. Nhưng năm nay, nước lũ tràn bờ. Cành cây và rác rến mắc vào chân cầu làm sức cản nước. Sau ba ngày đêm chịu lũ, một sáng ra xem, cây cầu treo biến mất dưới cơn mưa tầm tã, giữa dòng cuồng lưu nước xiết.

Thiên nhiên nuôi dưỡng con người. Khí thiêng sông núi hun đúc hồn người lớn dậy. Người xưa biết dựa vào thiên nhiên mà sống, thuận theo lẽ trời mà tồn tại. Mùa đông áo ấm. Mùa hè quạt mo. Sao thời nay có kẻ dám ngông nghênh lớn lối rằng đã khắc phục được thiên nhiên? Những ai thách thức thiên nhiên, chống lại quỷ thần, trước sau gì cũng bị trời tru đất diệt. Chuyện cây cầu treo năm ấy là bài học quí giá dạy cho con người đức tính khiêm cung, biết được thân phận nhỏ nhoi của mình có nghĩa lý gì đâu, so cái lớn lao vô cùng trời đất.

Lâm Chương