Kiệt Tấn
Năm Nay Đào Lại Nở
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thấm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Vũ Đình Liên
– Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm. Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ ?
Tiếng hỏi làm tôi giật mình ngó người đàn bà chít khăn mỏ quạ. Tôi vừa ăn xong cơm chiều, đang đứng trước sân nhà xỉa răng ở trần cho mát. Tôi vội đáp :
– Thưa cụ vừa mới Tết xong ba bữa. Còn lâu lắm mới Tết nữa.
Người đàn bà có vẻ bối rối :
– Thế hở ông ? Thế mà cháu quên mất, làm phiền ông quá. Ông cho nhà cháu xin lỗi.
– Thưa cụ, có gì đâu mà xin lỗi.
Một cơn trốt thổi đến xoáy những cánh bông giấy chạy tán loạn trong sân. Bông giấy đủ màu : đỏ , cam, tím, trắng ; Tết nào cũng rụng đầy, đúng hẹn với trời đất. Người đàn bà ngập ngừng :
– Phiền ông cho nhà cháu hỏi thêm : Ông có biết nhà ông Đa ở lối nào xin ông chỉ hộ cho nhà cháu.
Nữa. Lại câu hỏi đó nữa ! Tôi vừa nghĩ thầm vừa nhìn vào đôi mắt hom hem của bà. Chiều nay bà không đeo kiếng mát, loại kiếng gọng nhỏ, có tròng đen tròn vo như loại kiếng đen lính cảnh sát đeo trong phim Hitchcock. Bà lại bối rối, cố nhoẻn miệng cười vớt vát, để lộ mấy chiếc răng nhuộm đen còn đương cự được với tuổi trời.
– Dạ thưa cụ, cháu không biết nhà ông Đa ở đâu.
– Thế hở ông ? Thật khổ quá ! Cháu đã hỏi thăm nhiều người mà không ai biết nhà ông Đa ở đâu cả.
Bà lí nhí xin lỗi rồi quay lưng đi, chiếc lưng mà sức hút của trái đất sáu bảy chục năm qua đã bẻ còng. Bà lom khom lê đôi dép Nhựt Bổn, đôi dép đã cũ, cao su bè ra hai bên. Tôi chắc chắn bà sẽ lại đi lượm lon, lon sữa bò, lon thịt hộp, lon đậu hộp… Mục này nằm trong chương trình hoạt động hằng ngày của bà. Không ai biết tên bà. Má tôi quen gọi bà là « Bà Lượm Lon ». Nhiều lần má tôi cho bà cái lon không đã rửa sạch, và kết chuyện với bà. Không biết hai bà già lẩm cẩm nói gì với nhau mà cười tíu tít như xuân nữ. Có bữa thấy bà lom khom sục sạo ngoài hàng rào, má tôi sực lo ngai ngái cho tương lai của chính mình.
– Tao sợ nữa già tao cũng lẫn lộn rồi đi lượm lon như bả quá ! Rồi mầy với thằng con mầy đẩy xe bỏ tao trên núi.
Nói xong, bà cúi xuống hun thằng con trai của tôi bà đang bồng trên tay. Cục cưng của bà đó. Rớ tới là bà xuống đường, tuyệt thực để phản đối.
Bà Lượm Lon quẹo ở hông nhà tôi rồi đi ra phía đường lớn, đại lộ Bạch Đằng, xóm Hàng Xanh. Bà sẽ lạch bạch băng qua bên kia đường lớn, hỏi thăm nhà ông Đa, rồi thất vọng quay lộn trở về lề đường bên này, lại hỏi thăm nhà ông Đa, lại thất vọng, lại lạch bạch băng qua bên kia đường… Đâu mười bữa trước, tôi đang sơn lại cửa rào trước nhà thì bà tới gần hỏi tôi, vẫn giọng lễ phép cố hữu của người nhà quê miền Bắc :
– Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm. Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ ?
Tôi dừng cọ sơn, mỉm cười ngó bà :
– Thưa cụ còn bốn bữa nữa thì Tết. Cháu đang sơn lại nhà để ăn Tết đây.
Bà cười tếch toác, răng đen nhánh :
– Thế hở ông ? Sắp Tết rồi, vui quá nhỉ ?
Bà đưa tay sửa lại chiếc khăn mỏ quạ bị gió xuân xô lệch.
– Dạ… dạ thưa ông, xin phiền ông chỉ hộ cho cháu nhà ông Đa, cháu đi tìm mãi mà…(v..v…)
Nữa. Lại nhà ông Đa nữa ! Ông Đa nào ? Tôi không cách gì biết được. Ông Đa là ai ? Tôi mù mịt. Ông là gì của bà ? Một thân nhân ? Một ông chủ cũ ? Một người chồng cũ ? Một nhân tình cũ ? Ở đâu ? Hà Nội, Hải Phòng, Bùi Chu, Nam Định hay Phủ Lý ? Kỷ niệm gì mà trên bước đường di cư khi đất nước chia hai đeo đuổi, đeo riết khiến bà còn nhớ hoài, nhớ mãi, cho tới bây giờ ? Hai người đã yêu nhau khắn khít, sống vô số kỷ niệm đẹp, rồi đùng một cái ! Xa nhau ? Tôi cứ phỏng đoán lan man. Rốt cuộc vẫn là người mù đi trong bóng tối giữa đêm ba mươi.
Nhà ông Đa ở đâu, tôi không biết đã đành. Nhưng ngay chính nhà của bà ở chỗ nào tôi cũng không biết. Chỉ biết đại khái bà ở đầu xóm, vì bận nào bà cũng từ đầu xóm đi lại, qua ngang cửa nhà tôi, quẹo trái rồi băng qua đại lộ Bạch Đằng. Rồi băng trở lại (vân vân). Tung tích : bà là người di cư. Gốc gác : nhà quê miền Bắc – dựa theo giọng nói. Tuổi tác : trên sáu mươi – dựa theo chiếc lưng còng. Dĩ vãng : ông Đa. Hoạt động : lượm lon. Hết !
Bốn mùa bà chít khăn mỏ quạ màu nâu đất đã bạc thếch. Quần dài đen, áo cánh đen tay ngắn, răng nhuộm đen, đi dép Nhựt Bổn bè bè, đeo kính đen tròng kính tròn vo. Một đời sống bình yên thuở nào bên sông Hồng, giờ chỉ còn lại có bao nhiêu đó. Thời buổi này giặc giã, hoả tiễn Nga thụt vô Sàigòn, phản lực Mỹ xẹt ngang Gia Định, xe tăng thiết giáp rần rần rộ rộ, kéo lê những khẩu đại bác dài ngoằng băng qua xóm Hàng Xanh của tôi và Bà Lượm Lon rồi trực chỉ xa lộ Biên Hoà. Xe tăng tương đối chạy chậm, so với xe vận lương phóng ào ào, nườm nượp, súng bắn lốp bốp mở đường, lôi theo những thùng sắt khổng lồ, no ứ, xẹt tới xẹt lui không ngớt trên đại lộ Bạch Đằng.
Sau khi chứng kiến vô số tai nạn – một lần trái tim người bị cán văng ra còn đập nhẩy trên mặt đường nhựa – tôi thường ê ẩm hàm răng, tóc tai dựng đứng, nổi da gà khiếp vía khi thấy Bà Lượm Lon đi ngang qua cửa nhà tôi, quẹo trái, chập sau có tiếng xe vận lương rầm rộ, súng nổ lốp bốp, rồi tiếng phanh xe khịt khịt, tiếng bánh xe cao su chợt đứng sững nhưng còn trớn cày xiết trên mặt đường nghe rát ruột. Tôi sợ rồi một ngày nào đó cái khăn mỏ quạ, đôi dép Nhựt Bổn, mấy cái lon vừa lượm được sẽ văng tung toé dưới lườn của một thùng sắt đồ sộ. Người ta sẽ thu nhặt những gì còn lại của chiếc lưng còng, của hàm răng đen, của cặp kiếng đen, của một thuở bình yên bên sông Hồng, của những tình tự một thời với ông Đa. Người ta sẽ bỏ hết những thứ đó vào một cái hòm nhỏ, đem chôn ở một nơi rất xa thành phố. Rồi mọi người sẽ dần dần quên, quên hết. Chẳng còn ai nhớ trong xóm mình đã từng có một bà người Bắc Kỳ lom khom đi lượm lon ở miền Nam – lượm lon để làm gì không biết. Sẽ không còn ai hỏi thăm nhà ông Đa. Cũng sẽ không còn ai hỏi tôi, khi mùa xuân hãy còn đó :
– Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm : Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ ?
– Thưa cụ, vừa mới Tết xong. Còn lâu lắm mới Tết nữa cụ ạ !
Không rõ vì lẽ gì mà mỗi lần hoa mai nở, mỗi lần hoa đào nở, mỗi lần Tết đến là tôi lại bị ám ảnh bởi những người đàn bà già nua mà tôi đã có dịp gặp trong đời. Có lẽ tại vì tôi nhìn thấy quê hương qua những bà già đó, một quê hương vừa yêu dấu, vừa ngậm ngùi. Thương đứt từng khúc ruột. Viết tới đây tôi lại chảy nước mắt. Trời ơi: Sao tôi cần quê hương đến như vậy !
Những bà già đó tượng trưng cho quê hương. Không ! Những bà già đó là quê hương. Những bà già có làn da nhăn thơm tho mùi đất, có nụ cười rì rào tre trúc, có bàn chân nứt nẻ phù sa, có trái tim từ bi vô lượng, trái tim đó đã bơm máu vào rún tôi từ thuở tôi trong bụng mẹ, lúc tôi còn nhỏ xíu, lớn chưa bằng đầu ngón tay. Trời hỡi ! Sao thương quá sức ! Ai nỡ cắt ruột cho đành ? Tôi thèm thương. Tôi thèm khóc. Tôi thèm quê hương. Thèm quá đỗi ! Tết lại đến rồi đó…
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
Năm nay đào lại nở. Phải, năm nào mà đào lại chẳng nở ? Tôi muốn la một tiếng thất thanh : « Ôi Quê Hương ! ». Đào lại nở, tôi lại nhớ. Tôi nhớ những người muôn năm cũ, những bà già lượm lon, những bà già bán cà-rem ở trường học, những bà già bán đậu phọng ở bến xe, những bà già bán nước mía trong chai xách trên chiếc bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống hay Rạch Miễu đưa bà con về thăm nhà trong dịp Tết. Những bà già mà mỗi lần ngó, bạn đều được tặng không một nụ cười hiền lành – hiền lành như cặp mắt của con trâu đi cày. Cũng không có gì khác để tặng bạn ngoài nụ cười đó. Rồi Tết qua, trở lại chuyến bắc, có thể bạn sẽ không còn gặp lại bà già đó nữa. Không bao giờ ! Nụ cười tặng không đã mất. Cũng như quê hương.
Bà già cầm cái chuông nhỏ đưa lên lắc leng keng, ngó tôi mỉm cười. Mỉm cười vì bà đã được tôi ngó. Bà ngồi ở sân trường, giờ ra chơi. Tôi học lớp nhứt, được đâu mười tuổi. Cái nón lá rách để một bên, cái bình cà-rem để một bên, bình tròn dài sơn xanh, trên đậy nắp thiếc mạ kền đã trầy ố. Bà vừa từ bên trường nữ cách đó khoảng hơn trăm thước tất tả chạy qua, mồ hôi còn đổ hột trên trán. Bên trường nữ vừa hết giờ ra chơi là tới phiên trường nam ra chơi, trống giục liên hồi. Có lẽ bên trường nữ bà già cà-rem bán được hơn bên nầy. Bên nầy tụi nhóc khoái đổ xí ngầu hơn là bỏ tiền ra mua cà-rem một cách lương thiện. Được thì ăn nhiều, thua thì bơ mỏ. Nhưng hào hứng. Vì vậy mấy thằng nhỏ bán cà-rem đều thủ sẵn một cái tô và ba hột xí ngầu. Ra chơi tụi nhóc bu lại, trong đó có tôi. Bỏ bà già ngồi ở góc sân chong ngóc một mình vì bà không có… đổ xí ngầu.
Vì vậy khi có đứa nào ngó, bà liền đưa cái chuông nhỏ lên lắc lắc mời mọc. Như con chó hiền lành, chỉ chờ có người ngó là vẫy đuôi ngoắc. Tôi biết sự so sánh có vẻ kỳ cục, nhưng tôi không có cách nào diễn tả ánh mắt của bà hơn là ánh mắt mừng rỡ của con chó khi nhận ra được người quen. Và tiếng chuông leng keng là tiếng sủa mừng. Tôi nghĩ bà cũng quý chuông lắm vì lúc nào nó cũng được bà chùi bóng. Hồi nhỏ tôi cũng ham vui, như mấy thằng lỏi khác. Nhưng đôi khi nhìn ánh mắt mừng rỡ của bà, tiếng chuông leng keng và cái miệng móm cười không còn răng, tôi chợt thấy má tôi đang ngồi chồm hổm đó – tôi cầm lòng không đậu. Tôi bỏ ra năm cắc mua của bà cây cà-rem đậu xanh và hi sinh buổi đổ xí ngầu. Tay bà run run giở cái nắp bình thuỷ bằng mốp lựa cây cà-rem đưa cho tôi, tay run run. Tôi không quên nổi hình ảnh đó – cho tới chết không chừng. Run run không phải vì cảm xúc mà vì tuổi trời, có lẽ. Bà đã già lắm rồi, tóc bạc trắng như trang giấy học trò điểm sợi đen như những đường gạch hàng trên trang giấy. Nhưng bà lúc nào cũng tặng không một nụ cười móm khi đưa cho tôi cây cà-rem. Tôi không hề bắt gặp một chút nào đau khổ hay than trách trong ánh mắt và nụ cười đó. Ngay lúc bà ngồi suốt cả giờ ra chơi, không bán được một cây cà-rem nào.
Có bữa tôi ngó bà, bà ngó tôi đưa cái chuông lên lắc leng keng, cười móm, nhưng tôi đành ngoảnh đi vì tôi vừa đổ xí ngầu thua sạch. Bước đi mấy bước tôi ngoảnh lại, bà lại đưa cái chuông lên lắc. Tôi vụt bỏ chạy… Có bữa tôi thấy ngón chân cái của bà sướt móng chảy máu – bà đi cẳng không. Có lẽ vì chạy quá vội vàng trên con đường đá xanh lởm chởm từ trường nữ qua trường nam, bà vấp cục đá lớn. Tôi đã có lần bị vấp đá xanh trật móng, đau đứt ruột, nên biết. Nhưng nét mặt bà không hề lộ vẻ gì đau đớn. Chỉ chờ thằng lỏi nào ngó là bà lại đưa chuông lên, cái chuông bóng loáng, như tiếng sủa mừng, như tấm lòng của bà.
Một bữa gần bãi trường ăn Tết, tôi háo hức nhào vô đổ xí ngầu với tụi lỏi, chợt trời mưa. Tụi tôi từ sân chơi dời vô núp mưa dưới hàng ba và tiếp tục sát phạt. Tôi cháy túi như mọi bận. Tôi còn đang đứng xớ rớ ngó ra cổng trường chợt thấy bà già cà-rem xớn xác từ ngoài cổng chạy vào, rồi tấp vào hàng ba đụt mưa. Bà giở chiếc nón lá rách ra giũ nước. Mưa lớn quá, bà ướt mem. Bà ngồi chồm hổm dưới đất, dựa lưng vào vách lá của lớp học, mặt bà xanh xao, môi tái mét, có vẻ mệt mỏi. Bà lấy tay lau sơ cái chuông đã ố nước rồi ngó lên chờ khách hàng. Tôi ngó bà, bà ngó tôi rồi đưa chuông lên lắc leng keng, cười móm. Tôi muốn khóc. Tôi chạy vô lớp mượn của thằng bạn năm cắc. Tôi trở ra, đến ngồi chồm hổm bên cạnh bà, leng keng, leng keng…
– Bà cho tui cây cà-rem đậu xanh.
Bà đặt chuông xuống đất, giở nắp thiếc mạ kền. Bà mở tiếp nắp xốp, các ngón tay run run còn đọng nước mưa. Thùng… thùng… thùng thùng thùng… Tiếng trống chấm dứt giờ ra chơi chợt gióng lên liên hồi. Cây cà-rem đậu xanh vừa lấy ra khỏi bình thuỷ còn run run trên tay bà. Tôi vội vã quăng năm cắc vào nắp thiếc :
– Bà cất cà-rem đó, mơi tui lấy.
Bà cười móm :
– Ờ, mơi nhớ lấy nghe cháu !
Bà cầm nón lá đứng dậy, má tôi đó. Tay xách bình cà-rem, má tôi đứng ngó thằng con trai của bà đang xếp hàng đi vào lớp. Khi tôi đi ngang, bà nghiêng người kề tai tôi dặn nhỏ : « Mơi nhớ lấy cà-rem nghe cháu ! ». Hơi thở ấm áp của bà phà vào lỗ tai tôi. Vào lớp, thầy ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Tôi ngồi xuống ở bàn đầu ngó ra còn thấy má tôi đang tất tả chạy trên con đường đá xanh lởm chởm, tay vịn nón lá sợ bay mất. Rồi bóng má tôi với cái áo vá vai mờ dần trong mưa…
Ngày hôm sau, tôi có ý chờ bà tới. Bà không tới. Hai bữa sau bãi trường. Tôi ăn hủ tiếu uống nước bạc hà, tôi ăn dưa hấu đỏ, đốt pháo chuột, và quên hết. Quên tiếng chuông leng keng, quên ngón chân sứt móng, quên cái bình cà-rem trầy ố, quên con mắt vẫy đuôi mừng.
Qua Tết, nhập học, chúng tôi trở lại trường. Nhưng bà già cà-rem với cái nón lá rách và cái chuông bóng lộn không bao giờ trở lại nữa. Không bao giờ…
Đã có bao nhiêu bà-già-quê-hương tôi đã gặp trong đời ? Năm người ? Mười người ? Hay một trăm người ? Hay nhiều hơn nữa ? Có lẽ vậy. Không sao đếm hết. Những bà già đó nhan nhản đầu làng cuối xóm, ở quê mình. Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ thấy. Họ sờ sờ đó, lúc nào cũng hiện diện, nhưng cũng đồng thời rất âm thầm. Họ không có nhiều lời nói, chỉ có cái nhìn độ lượng, ánh mắt từ bi, nụ cười móm. Và đôi khi họ khóc. Cũng như bạn. Khi đau khổ quá, bạn khóc.
Học hết tiểu học, tôi lên trung học. Hết lớp đệ tam, tôi rời Vĩnh Long sang học trọ ở Mỹ Tho, lớp đệ nhị Nguyễn Đình Chiểu. Nhà trọ ở gần trường, sau trường là bến xe đò. Ban đêm có xe hủ tiếu, xe bán bò bía, khô mực, ổi cóc, la-de nước ngọt… đẩy tới bày bán. Tôi thức khuya học, thỉnh thoảng đói bụng chạy ra làm một tô mì hay uống nước dừa tán dóc với mấy thằng bạn cùng trọ. Lần nào tôi cũng gặp bà-già-quê-hương đi rảo qua các bàn ăn mời mua giùm một hai gói đậu phọng. Bà bưng cái rổ nhỏ, các gói đậu làm bằng giấy nhựt trình quấn thành hình nón dài. Bà để đầu trần, đi cẳng không, quần đen, áo trắng rách lưng đã ngả màu vàng xỉn. Đôi mắt hom hem thụt sâu trong hố mắt, nụ cười nhăn nhúm, móm xọm, hiền hậu.
Lần đầu tiên bà đến mời, tôi mua hai gói. Gói đầu mở ra, bẻ đậu, đậu lép. Bẻ tiếp, lại đậu lép. Lần thứ ba, có một bên lép, bên kia hột đậu có chút xíu. Gói thứ hai, cũng đại khái như vậy. Nói chung, đậu lép rất nhiều, hầu hết. Tôi nghĩ thầm tại mình xui. Nhưng lần thứ hai tôi mua, cũng vậy nữa, lép nữa. Và những lần kế tiếp khác, lại đậu lép và đậu lép. Một bận tình cờ nói chuyện với bà chủ nhà trọ, bà cho biết tình cảnh bà-già-đậu-lép. Bà sống chung với cháu nội và con dâu ở ngoại ô Định Tường. Con trai bà đi lính đã chết. Con dâu mua bán đậu phọng, hột chắc thì luộc đem ra chợ bán ban ngày, hột lép thì rang sơ bỏ vô gói giấy nhựt trình giao cho bà già đi bán ban đêm – ban ngày bà ở nhà giữ cháu. Thấy bà già cả lụm cụm, người mua nhằm đậu lép chắc không ai nỡ nói gì. Nhưng sau đó, khi đã biết được thì không ai mua nữa. Mặc tình cho bà rảo tới rảo lui, hay bưng rổ đứng chờ rất lâu bên cạnh bàn ăn.
Tim tôi se lại, ruột quặn thắt. Trời hỡi ! Sao khốn cùng tới mức phải đi bán đậu lép ! Tối hôm đó, tôi ngồi uống nước dừa Bến Tre, có ý chờ bà. Bà lẩm đẩm, lom khom tới bàn tôi mời, tôi mua hai gói. Khi bà run run đưa tôi gói đậu phọng, tôi thấy cánh tay bà nổi gai ốc. Trời lập đông. Tết sắp đến rồi. Bà cám ơn tôi. Tôi thấy cổ mình nghẹn thắt. Và nhiều lần như vậy nữa. Lần nào tôi cũng mua hai gói đậu phọng bỏ vào túi, về nhà trọ bẻ ra lấy mấy hột đậu không lép, nhâm nhi thấy bùi ngọt mà sao chua xót ngậm ngùi. Trời gần Tết, càng lúc càng lạnh.
Nhiều bữa có những chuyến xe đò muộn ghé qua cho khách xuống hoặc đổ xăng. Những người bán hàng rong ùa tới, đưa cao những rổ mận, những chùm mía ghim, những bọc kẹo chuối, mứt chuối… ơi ới réo mời hành khách. Bà-già-đậu-phọng cũng lụm cụm chạy tới, nhưng bị lấn giạt ra xa, chen vô không được với bọn đàn bà con gái. Bà đứng phía sau, cầm gói đậu phọng nhựt trình lóng nhóng đưa lên, miệng lắp bắp, lí nhí, nghe không rõ được tiếng nào. Rồi xe rồ máy nhả mùi xăng cháy và khói xanh um mịt mù, vọt chạy… Người bán rong chạy theo để lấy tiền hoặc thối tiền. Bà già bỏ gói đậu phọng lại rổ, đứng ngó theo. Tới lúc xe khuất.
Tôi có cái áo blouson cũ màu trắng, dính mực ở lưng giặt không ra. Một đêm tôi cầm cái áo ra bến xe đò, đứng ở gốc cây me núp chờ. Tôi chờ bà-già-đậu-phọng. Một chiếc xe đò muộn tấp vô bến, đậu lại xuống hành khách. Mấy cô bán rong ùa tới, bà già đậu phọng lụm cụm, lẽo đẽo, đứng xa giơ gói đậu phọng lên lắc lắc, lí nhí. Xe rồ máy vọt chạy. Bà đứng xớ rớ bên lề. Tôi bước tới bỏ cái áo blouson dính mực vào cái rổ của bà, không nói được lời nào. Tôi ngó bà, bắt gặp ánh mắt từ bi đang nhìn tôi. Tôi quay lưng bước lẹ như chạy trốn. Đến gần đầu đường tôi ngoái người ngó lại. Bà già đậu phọng còn đứng đó, trong bóng tối nhá nhem, tay cầm cái áo trắng đưa về phía tôi ngoắc ngoắc. Bà có nói một lời nào không, tôi không biết.
Và sẽ không bao giờ tôi biết được. Hôm sau tôi lấy chuyến xe đò sớm về Vĩnh Long bãi trường, ăn Tết với gia đình. Tôi ăn thịt kho, ăn dưa hấu, uống la-de, đốt pháo đại, và quên hết. Quên bước chân lụm cụm, quên bà già đứng xớ rớ, quên những gói đậu phọng lép. Và cũng sẽ không bao giờ tôi được thưởng thức món đậu phọng lép của bà-già-quê-hương nữa – cái hương vị bùi ngọt mà sao chua xót khôn cùng ! Trời hỡi, sao thương quá thể !
Tết qua, tôi trở lại Định Tường, đổi nhà trọ, xuống Xóm Bến Đò bên kia sông là chùa Vĩnh Tràng. Tôi gặp Hoa, người yêu đầu tiên ở đó. Nhưng không còn bao giờ tôi gặp lại bà-già-đậu-lép nữa. Bà chưa chết. Tôi không dám nghĩ rằng bà đã chết. Tôi năn nỉ bà đừng chết. Bà đang bưng rổ bán đậu phọng ở một bến xe đò khác, ngoài ngã ba Trung Lương chẳng hạn. Có thể bà bị lấn ra xa, nhưng bà chưa chết. Bà đang cầm gói đậu phọng đưa lên cao, dù không ai mua. Bà đang mặc cái áo blouson trắng dính mực, coi rất kỳ cục. Nhưng bà chưa chết. Cũng như bà già cà-rem – má tôi. Bà cũng chưa chết. Bà đang ngồi chồm hổm bán cà-rem ở một trường tiểu học khác nào đó, ở Cai Lậy chẳng hạn. Chỉ chờ bạn ngó, tôi ngó, thằng nhóc nào đó ngó là bà đưa cái chuông bóng lộn lên lắc leng keng, cười móm, mời mọc, ngọt sớt.
Có thể bà vẫn còn ngồi đó, dù không ai mua cho bà cây cà-rem đậu xanh. Có thể bà vẫn còn bưng rổ đứng đó, dù không ai mua cho bà gói đậu phọng lép. Có thể bà vẫn còn lom khom đi lượm lon trong xóm Hàng Xanh, dù không ai chỉ cho bà nhà ông Đa. Nhưng mọi người vẫn còn đó. Những bà-già-quê-hương, những « Mối Tình Đầu » thiệt sự của tôi, vẫn còn đó. Cho dù bạn vô tình hay thờ ơ không ngó thấy.
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay…
Cuối Năm Bên Đường Rầy
Tôi siết chặt nàng vào vòng tay khờ khạo của mình, lòng đê mê rạo rực. Hương ! Hương ! Hương cộng thêm hương thơm dịu dàng của mái tóc nàng, dạ hương chín muồi quyến rũ của da thịt nàng làm tôi ngây ngất, mắt lờ đờ, hai tay ôm vòng eo nàng, hai tay nàng quấn quít cổ tôi, tôi để mặc tình cho nàng hướng dẫn… Đã quên hết sầu chưa… lời dìu nhạc thiết tha… Điệu luân vũ chậm quyện lấy chúng tôi không rời, mỗi nhịp mạnh, chân tôi sấn tới giữa hai chân nàng ngoan ngoãn giật lùi nửa bước, cọ sát mơ hồ, kích thích trí tưởng, gợi dục trong lòng đứa con trai mười chín tuổi… Tiếng kèn hắc tiêu đuổi riết. Tôi quên hế trời đất, mắt lim dim, những tưởng ánh đèn xanh đỏ là những vì sao sáng trên trời.
Bỗng Hương khều nhẹ móng tay trên vai tôi hỏi nhỏ :
– Sao anh không nói gì hết vậy ?
Tôi sực tỉnh, ậm ừ :
– Biết… biết nói gì bây giờ ?
Hương cười rúc rích. Nàng xoay đầu, môi cạ nhẹ môi tôi, tim tôi rướn lên đập mạnh. Nàng mớm ý :
– Thì nói về chuyện học hành của anh. Chắc anh còn đi học ?
Tôi gật đầu :
– Ờ… ờ… Mà chuyện học hành đâu có gì để nói.
– Có chớ sao không ? Chuyện thi cử của anh chẳng hạn. Em tiếc mình ít học nên không có gì để kể cho anh nghe. Anh thì chắc thiếu gì chuyện để kể.
– Chuyện gì chớ chuyện học hành có nghe thêm cũng chỉ nhức cái đầu, có gì đâu ly kỳ mà kể em ơi.
Nàng lại cười rúc rích :
– Bộ anh thi rớt muốn giấu em phải không ?
Tôi lắc đầu lia lịa :
– Đâu có… đâu có… Anh mới thi đậu tú tài hai hồi năm ngoái. Anh vừa được Bộ Giáo dục chấp thuận đơn xin du học.
Nàng hớn hở :
– Bộ anh sắp đi học bên Tây hả ?
– Không có. Anh du học bên Gia nã đại.
Nàng bỡ ngỡ :
– Sao anh không xin đi Tây ? Gia nã đại ở tới miệt nào lận ?
– Gia nã đại ở gần xứ Huê kỳ. Xứ rộng thưa người, dân mình ít ai biết tới.
Nàng tán đồng :
– Hèn gì em không biết. Anh học nghề gì ?
– Anh học kỹ sư.
Nói xong, lá gan tôi nở bằng cái tô, tưởng chừng Hương sẽ lật đật xin cưới tôi về làm chồng. Dè đâu nàng chỉ nhẹ thở dài rồi nín thinh… Thời gian thôi đã xanh màu, nhan sắc phai nhàu xui khiến tim ta úa sầu… Hương lại đưa tôi dìu dặt theo điệu nhạc, chân tôi xen kẽ giữa chân nàng, tôi chỉ mơ ước như vậy. Hương mặc áo dài the đen mỏng choàng lên áo lót đen khêu gợi, quần đen mềm mại óng ánh, cả người nàng bước đi nhẹ nhàng như én lượn.
– Anh có thường đến vũ trường không ?
– Không. Đây là lần đầu tiên trong đời anh mới biết ôm vũ nữ.
Hương ấn nhẹ tôi ra :
– Anh xạo hoài. Chân anh đi đúng nhịp như vậy mà anh nói mới biết nhảy !
– Anh biết trước có nói thiệt em cũng không tin. Từ lúc được chấp thuận cho du học, anh nhờ bạn bè cấp tốc dạy nhảy để anh sang xứ người còn nhảy cóc nhảy nhái với người ta cho nên mới khá được như vậy đó chớ. Vả lại bây giờ chánh phủ cấm khiêu vũ nên đâu còn chỗ nào mà tập dợt.
– Anh thấy không, làm cái nghề vũ nữ như em cũng khổ. Chánh phủ cấm nên bà chủ phải dời ra Bình điền, chỗ đồng trống để mở quán ăn và lén cho khiêu vũ để câu khách.
Câu nàng nói lôi tôi về quang cảnh quanh mình. Sàn nhảy là một nhà thủy tạ lót ván cất trên một hồ nước lớn có thả bèo và sen. Quanh nhà thủy tạ giăng đèn xanh đỏ mờ mờ ảo ảo. Ngôi nhà ngói lớn dùng làm quán ăn áng ngữ tầm nhìn từ phía ngoài lộ cái ngó vào. Xung quanh là đồng trống, không khí trong lành, gần Tết gió hiu hiu lạnh.
Hương hỏi :
– Anh đi với hai anh nào vậy ?
– Người mặc áo xanh là anh Ba của anh. Người có ria mép là bạn của ảnh. Cuối năm hai anh chàng ngứa chưn nên rủ nhau đi nhót, sẵn dịp lôi anh đi theo để thưởng công anh được chấp thuận du học.
– Chà ! Anh được cưng quá hén.
Dứt bản nhạc, tôi đưa nàng trở lại bàn ăn. Anh Ba hớn hở lên tiếng hỏi Hương :
– Sao em ? Thằng nhỏ này đã đạp giập nát cẳng em chưa ?
– Đâu có anh, ảnh nhảy giỏi một cây !
Tôi nghe Hương nói cũng hả dạ, dù trong bụng còn bán tín bán nghi. Tôi ngó Hương, hai đứa cười đồng lõa. Anh tôi giục :
– Mầy ăn chút đỉnh đi.
Tôi đang sung sướng đầy bụng, ăn gì nổi mà ăn. Ông bạn có ria mép xuề xòa :
– Thôi, để cho em nó nhảy thêm vai bản nữa rồi cùng ăn luôn thể.
Bản nhạc trỗi lên một khúc tango dìu dặt. Anh tôi dợm mời Hương nhưng nàng đã cấu lấy tay tôi :
– Đêm nay em chỉ nhảy với một mình anh này thôi.
Một cô ngồi chung bàn lên tiếng :
– Chà ! Mới gặp trai tơ mà đã chết mê chết mệt. Con người ta còn mới cắt chỉ đó nghe chị Hai. Đừng có bày trò dụ dỗ trai vị thành niên mà mang tội với làng xóm !
Nói xong cô nàng nắm lấy tay anh Ba kéo ra nhà thủy tạ. Tôi ngồi lại chờ cho Hương dụ dỗ và lung lạc hồn mình –em chỉ « ừ » một tiếng là anh thuộc về em liền ! Hương rủ tôi ra nhảy, tôi thối thoát :
– Anh chỉ biết đếm nhịp thôi chớ chưa biết nhảy tango.
– Chưa biết thì ra đây em chỉ cho. Dễ ợt hà.
Hương nắm tay tôi đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Tóc nàng xõa ngang vai đen nhánh, mặt nàng trang điểm nhẹ, còn giữ được nét tươi tắn, tôi đoán chừng tuổi nàng độ hai mươi hai hoặc hai mươi ba gì đó. Nhưng theo thông lệ, ở vũ trường phái nam tự xưng là anh, phái nữ đươc kêu là em -bất luận già trẻ bé lớn- cho nó… thân mật. Trên sàn nhảy anh Ba lả lướt cúi xuống vai người đẹp,uốn người nàng oằn ngửa ra sau rất thấp. Tôi e ngại dặn hờ :
– Em đừng có tango kiểu cọ quá, coi chừng anh kéo em té luôn đó nghe.
– Không sao đâu, anh đừng có lo. Nghe em đếm nhịp nè : một… hai, ba-bốn-một… hai, ba-bốn-một…
Tôi chập chững bước theo nàng. Lo nghe nàng đếm thì tôi quên bước, mà lo bước thì lại quên nghe nàng đếm. Thỉnh thoảng đầu gối hai đứa cụng nhau lụp cụp, nàng cười ngặt nghẽo, còn tôi thì hơi quê. Khi dứt bản, tôi đã thạo được các bước tango, nàng khen tôi sáng dạ. Tôi dợm trở về bàn, nàng níu tay giữ tôi lại, nói ban nhạc sắp chơi slow, tôi ở lại tiếp tục nhảy với nàng. Quả nhiên sau đó đèn màu quanh nhà thủy tạ tắt ngúm và nhạc slow mùi mẫn trỗi lên. Tôi chỉ chờ có vậy để ghì siết Hương, và Hương cũng choàng hai cánh tay mềm quấn lấy tôi, đôi nhũ hoa tròn đầy mềm mại ấm sốt của nàng áp lên ngực. Tôi mơ hồ nghe da thịt nàng thơm tho mùi sữa ngọt. Nàng hỏi nhỏ :
– Anh đã có người yêu chưa ?
– Chưa.
Tôi đáp không do dự. Và tôi đã dối nàng. Chắc nàng cũng dư biết :
– Con nhà giàu học giỏi đẹp trai như anh mà không có bồ ! Anh chỉ dóc em.
– Phải, anh nói dóc em. Anh đã có người yêu, và người yêu của anh là… em đó. Còn em, em có chịu yêu anh không ?
– Em không biết… Nhưng em… em có cảm tình với anh.
Thôi rồi ! Nàng đã si tình tôi mất rồi ! Tôi lật đật thầm nghĩ. Nàng có si tình tôi hay không thì chưa chắc, chớ còn tôi, tôi đã mê mệt và thèm muốn Hương nhỏ dãi ròng ròng… là cái chắc ! Tôi mân mê tóc nàng, má nàng kề má tôi nóng hực. Tôi nuốt nước miếng, làm gan đề nghị :
– Tối nay… tối nay anh về… anh về nhà em được không ?
Nàng đẩy nhẹ tôi ra, ngó vào mắt tôi :
– Anh muốn về nhà em thiệt à ? Anh mà…
Tôi không để nàng dứt câu, gật đầu liền tù tì. Nàng tiếp :
– Nhà em chật lắm à ! Sợ anh chê.
Tôi vội vã :
– Không ! Anh không chê đâu. Nhà chật thì nằm chật một chút có sao đâu ?
Nàng mỉm cười. Tôi lặp lại câu hỏi, sốt ruột cầm canh :
– Anh về nhà em tối nay được chớ ?
Nàng do dự vài giây rồi gật đầu :
– Nằm vạt đau lưng thì anh đừng có rên à nghe !
Tôi ôm cứng lấy Hương như người vừa trúng số độc đắc. Sướng ran ! Tôi thấy mình chim gái không đến đỗi tệ. Lòng ham chiếm đoạt của con vật đực bèn le lói, hiu hiu tự đắc. Nhạc dứt, chúng tôi trở lại bàn với mọi người. Thừa lúc Hương đi vào quán ăn, tôi kéo anh Ba ra góc vắng, rù rì cho biết tối nay tôi sẽ về nhà Hương. Anh Ba vỗ vai thằng em mình : « Khá lắm ! » Đoạn móc trong túi sau ra một bao thơ dầy. Anh Ba lấy ba ngàn bỏ vào bao thơ, phần còn lại nhét trở vô túi. Anh đưa bao thơ cho tôi, dặn để phòng khi hữu sự. Tuy ngạc nhiên, nhưng tôi cũng cầm lấy bao thơ xếp lại đút vô túi sau. Anh lại vỗ vai tôi : « Nhớ chơi cho đẹp nghe ! »
Chúng tôi ăn uống nhảy nhót đến khoảng mười hai giờ đêm thì ra về. Thời đó không có giới nghiêm. Anh tôi lái xe, ông bạn ngồi trước, Hương và tôi ngồi ở băng sau. Xe từ ngoại ô trở về thành phố Sài gòn, băng qua Phú lâm và Chợ lớn, đường về khá xa. Tôi ngồi sát Hương để được tiếp tục hưởng hơi ấm da thịt thơm tho mùi sữa, cùng hương tóc mây dịu dàng của nàng. Tôi đặt bàn tay vụng về lên đùi nàng, thớ vải mát mịn. Nàng để yên. Chúng tôi tâm sự với nhau rù rì rủ rỉ. Xe chạy tới đường Bùi thị Xuân thì đậu lại theo lời yêu cầu của Hương. Tôi mở cửa xe dìu nàng bước xuống, đóng mạnh cửa lại. Anh tôi ló đầu ra dặn lớn : « Em đừng làm mất thằng nhỏ, bà già bả cạo đầu anh đó nghe ! » Hương đáp : « Anh đừng có lo ! » xe vọt chạy mang theo tiếng cười lớn của anh tôi và ông bạn xa dần.
Đường vắng teo, đèn điện lù mù. Hương nắm tay tôi dắt đi, tôi ngoan ngoãn bước theo nàng, lòng nôn nao bồn chồn bởi cuộc vui sắp được vầy ra trước mắt. Đến chỗ đường rầy xe lửa cắt ngang đường nhựa, nàng quẹo trái rồi nắm tay dắt tôi đi dọc theo đường sắt, chân bước gập ghềnh, lồi lõm. Hương nói : « Nhà em cũng ở gần đây thôi ». Nàng ngó tôi mỉm cười khích lệ. Tôi sực nhớ đã đọc ở đâu đó chuyện nàng vũ nữ ở bên cạnh đường rầy xe lửa. Phải chăng mình có nên ngờ, rằng người năm ngoái bây giờ là đây ? Một gã thư sinh mặt trắng, yêu một nàng vũ nữ hồ ly áo trắng, trong một tòa lâuđài trắng, cạnh đường rầy xe lửa… đen thui ! Thiệt là lãng mạn hết cỡ ! Liêu trai và hiện đại ra phết ! Chợt Hương níu tay tôi dừng lại, nói tới rồi anh. Tòa lâu đài tình ái lù lù hiện ra là một ngôi nhà nhỏ vách lá lợp tôn hiền lành. Tôi không cảm thấy khó chịu chút nào hết. Tôi chỉ cần có hồ ly thơm tho mùi sữa, kỳ dư nhằm nhò gi ba cái lẻ tẻ ! Hương bước tới gần nhà, mở ví lấy chìa khóa mở cửa lách cách. Nàng đưa một ngón tay lên môi ra hiệu cho tôi giữ im lặng. Trong nhà thắp đèn dầu mờ ảo. Nàng vặn tim lớn thêm cho đèn sáng hơn, chỉ cái ghế đẩu bên cạnh chiếc bàn nhỏ vuông vức, ra hiệu cho tôi ngồi. Hương gài chốt cửa lại đến ngồi lên chiếc ghế đẩu khác cạnh tôi, lên tiếng khe khẽ :
– Anh có thấy khó chịu không ? (Tôi lắc đầu) Em sống ở đây với má em và… và con em. Má em năm nay sáu mươi tuổi, mắt đã lòa. Con em là gái, được sáu tháng. Giờ này chắc hai bà cháu đã ngủ. Đêm đêm má phải giữ cháu để cho em đi làm.
Tôi định hỏi chồng nàng đâu, hoặc ba của đứa nhỏ đâu, nhưng e mình hỏi lẩm cẩm nên thôi. Dẫu sao thì sự đã rồi nghe em ! Hương đứng dậy vén tấm màn vải buông thõng gần đó. Nàng chỉ chiếc giường lót vạt có trải chiếu bên trên :
– Em ngủ ở đây. Sau tấm màn vải bên kia là chỗ ngủ của má em và con em. (Nàng hôn lên má tôi an ủi). Sao, anh có cảm thấy rêm mình chưa ?
Tôi lắc đầu :
– Anh ngủ trên divan bằng ván đã quen từ lâu. Chỉ cần có em là đủ rồi, anh đâu đòi hỏi gì hơn.
Tôi đặt hai tay lên đồi ngực tròn trĩnh của nàng :
– Bây giờ anh mới biết vì sao da thịt em thơm mùi sữa.
Hương giữ hai bàn tay tôi lại :
– Khoan đã anh ! Chờ em đi rửa mặt và thay quần áo ra cái đã.
Nàng hôn phớt lên môi tôi rồi đi ra phía nhà sau. Tôi ngả mình lên giường, hai tay chắp sau ót ngó lên nóc mùng bâng quơ. Nghe tiếng nước xối từng chặp. Nàng đang tắm. Tôi mơ màng, trí tưởng tượng nối dài… Hồi sau Hương từ nhà tắm đi lên, mặc đồ bộ ngắn tay lấm chấm đỏ, da thịt tươi mát. Nàng ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi vòng một tay câu lấy cổ nàng ghịt xuống, tay kia mò mẫm vuốt ve thân thể nàng. Nàng để yên. Chặp sau, nàng lên tiếng :
– Anh à ! Thủng thẳng để em nói điều này anh nghe.
Tôi ậm ừ sốt ruột :
– Khuya quá rồi ! Em còn điều gì muốn nói ?
Nàng ngập ngừng :
– Anh à ! Gần… gần Tết rồi. Anh… anh có thương em thì lì xì cho em chút đỉnh đi !
Mọi động tác của tôi chợt dừng lại. Tôi gằn giọng :
– Bộ em tính moi tiền anh đó phải không ?
Tôi nghĩ thầm : « Thì ra nàng đem xác thân của mình đổi lấy tiền ». Sòng phẳng ! Nàng có yêu thích gì tôi đâu. Tôi cũng giống như mọi người đàn ông khác. Lòng tự ái của con dê non bị tổn thương, tôi buồn sừng giận tức, vội vã buông nàng đẩy ra. Hương cười giả lả :
– Thôi mà anh, em chỉ xin anh lì xì em chút đỉnh. Nếu không được thì thôi, chớ em nào muốn moi tiền moi của gì anh đâu. Em chỉ…
Tôi cắt ngang lới nàng :
– Em muốn anh lì xì cho em bao nhiêu ?
Nàng do dự :
– Bao nhiêu cũng được. Năm trăm hay một ngàn gì đó tùy anh.
Trong túi tôi còn nguyên vẹn ba ngàn anh Ba đưa hồi nãy. Tôi lặng thinh. Hương nói tiếp :
– Anh cũng thấy đó, má em thì đui mù, con em thì còn nhỏ xíu, trăm điều chỉ trông cậy ở một mình em. Ngày mai là ngày cuối năm, em tính đi chợ Tết mua cho con em một bộ đồ mới và vài hộp sữa. Nếu còn tiền, em mua thêm chút đỉnh bánh kẹo và một cặp dưa hấu về chưng cho có với người ta ba bữa Tết.
Tôi nhỏm dậy gắt gỏng, làm như mình có đủ hết mọi quyền hành đối với nàng :
– Em còn muốn mua thêm gì nữa không ?
Tôi bỏ hai chân xuống đất đứng dậy. Nàng hốt hoảng níu lấy cánh tay tôi năn nỉ :
– Thôi mà anh ! Anh đừng giận em mà. Bỏ chuyện lì xì đi anh ! Anh ở lại chơi với em đêm nay cho vui. Anh muốn gì cũng được. Em chìu anh hết…
Nhưng đối với lòng tự ái bự xộn của con dê non, đã có gì quá trớn và lỡ làng hết rồi ! Tôi không còn ở lại với Hương được nữa. Tôi rút tay mình ra khỏi tay nàng, tiến về phía cửa, mở chốt xô cánh cửa bước ra ngoài.
Hương lật đật đứng dậy chạy theo, lên tiếng lần cuối :
– Anh về thiệt sao anh ? Bộ giận em thiệt sao ?
Không đáp lại nàng một tiếng, tôi gầm đầu bước ra phía đường rầy, đi miết dọc theo lộ sắt, không quay đầu ngó lại. Như thể chạy trốn.
Những loạt gió cuối năm gây gây lạnh xoa dịu cơn bực tức. Tôi dần dần cảm thấy mình quả thiệt vô lý. Có phải tôi muốn ôm ấp thân thể Hương mà không phải tốn một đồng xu cắc bạc nào hết ? Tôi đâu phải là một tên ma cạo. Lại càng không phải là Hoàng tử đẹp trai khiến cho nàng phải say đắm và tự ý ngã lăn vào vòng tay của tôi mà nạp mạng. Mà của nàng cũng đâu phải của chùa. Nàng có mở lời nói chuyện tiền nong với tôi cũng là hợp lý quá đi thôi. Trong đời Hương đã có mấy lần nàng trao duyên lầm tướng cướp ? Chứng tích ràng ràng còn đó.
Trong túi tôi có sẵn ba ngàn, lại không phải là tiền của tôi ! Nàng chỉ xin tôi có năm trăm đồng, vậy mà tôi không cho. Tôi nghĩ thà trước đó nàng đừng mở lời nói chuyện tiền nong, để khi xong cuộc hết rồi, tôi sẽ biếu cho nàng một món tiền thì đẹp đẽ biết mấy. Vấn đề là ở nguyên tắc ! Có thể tôi sẽ biếu nàng hết trọn số tiền ba ngàn. Nhưng cũng có thể tôi không cho nàng một cắc. Có ngân hàng nào dám đứng ra bảo lãnh chuyện này ? Vậy mà tôi cứ khư khư bám lấy cái nguyên tắc kỳ cục và nghịch lý đó của mình. Để giờ đây tôi lầm lũi đếm bước một mình trên đường sắt, mọi chuyện đều hỏng bét. Tôi cố chấp và bủn xỉn. Hết giận Hương, tôi đâm ra giận mình. Giận quá đỗi giận ! Phải chi mà… Tút ! tút ! tút… Hồi còi xe lửa chợt rít lên sau lưng khiến tôi giựt mình nhảy tránh ra khỏi đường rầy. Một đầu tàu đen đúa mở đôi mắt vàng kệch đang từ từ bò tới, vượt ngang qua chỗ tôi đứng, tiến về phía nhà ga Sài gòn, từ từ khuất bóng ở một khúc quanh. Tôi thầm nghĩ mai đây, chính đầu tàu này sẽ kéo theo nhiều toa khác chở đầy hành khách xuôi về miệt Tiền giang cho bà con ăn Tết. Có lẽ Hương sẽ đón cái Tết lạnh lẽo này trong ngôi nhà nhỏ lợp tôn, với bà mẹ mù lòa và đứa con nhỏ xíu, không có áo mới, không có bánh kẹo, cũng không có dưa hấu.
Lòng se thắt, cơn hối hận tràn ngập tim mình. Tôi dừng bước và quay gót đi ngược lại con đường sắt. Không mấy chốc tôi đã về tới trước nhà Hương. Tôi tần ngần đứng trước cửa, mấy lần định đưa tay lên gõ. Và luôn mấy lần tôi dừng tay lại. Xuyên qua khe cửa, nhìn vào bên trong căn nhà nhỏ nhít như một túp lều. Om tối. Lặng thinh. Có lẽ nàng đã ngủ. Hay là vẫn còn thao thức và đang nhỏ lệ tủi thân ? Tôi móc túi sau lấy bao thơ vuốt lại cho thẳng thớm. Tôi luồn bao thơ qua khe cửa, rồi búng mạnh ngón tay cho lọt hẳn vào bên trong.
Tôi lại lầm lũi đếm bước, một mình mình trên đường sắt. Lòng bớt hối hận, nhưng vẫn không ngớt lo âu. Đêm cuối năm trời đen tối khôn cùng. Không biết mùa xuân mới có đem về cho nàng một vầng trăng sáng ? Đường rầy nghiêng xe lửa cũng nghiêng. Gặp mặt anh đây giữa chốn thị thiềng. Lời phân chưa hết nước mắt liền vội tuôn…
Lão Thần Y
Hò… ơ ớ ơ ơ…
(chớ) Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
về sông ăn cá (ơ ờ) về đồng ăn (ơ ớ) cua (ờ ơ…)
Hò… ơ ớ ơ ơ…
Cái răng, Ba láng (mà) Vàm xáng, Phong điền (ờ ờ…)
Anh thương em cho bạc cho tiền
đừng cho lúa gạo (ơ ờ…)
Hò… ơ ớ ơ ơ…
(chớ) đừng cho lúa gạo xóm riềng họ (ờ ớ) hay (ơ ơ ơ…)
Chợ Cái răng nằm ở cuối con rạch mang cùng tên đổ ra Cần thơ, chành lúa quanh năm nhộn nhịp, ghe thuyền lui tới bán buôn sầm uất. Hồi nhỏ thím Ba thường theo ba mình bơi xuồng từ kinh Cờ đỏ đổ ra rạch Cái răng rồi ghé chợ. Ba thím đi bổ thuốc ở các tiệm thuốc bắc, con nhỏ thì đi theo để được dịp ngắm chợ, ăn bánh kẹp tàn ong hoặc chuối nướng cơm nếp có xẻ ra ở giữa, chan chút nước dừa béo béo. Mùi nếp cháy khét trên lửa than thơm phức, cắn vào bên trong nhưn chuối nóng hổi ngọt sớt, thím còn nhớ hương vị đó cho tới bây giờ.
Từ ngày ông nội thím mất, ba thím bỏ nghiệp võ đổi sang đạo tu Tiên và chăm ngành y dược giúp đời. Năm nào ông cũng đi ngao du ba bốn tháng để lên núi hái thuốc, luyện khí và chẩn mạch cho người nghèo. Có khi vắng nhà cả năm. Người nói ông lên Thất sơn, núi Cấm, kẻ nói ông tu luyện bùa phép ở núi Tà lơn, nhưng ông Thuần tánh người kín đáo nên chẳng ai biết đích xác hành tung của ông. Chỉ biết khi ông trở về làng Cờ đỏ thì lối xóm mừng lắm, vì ông trị bệnh miễn phí cho mọi người. Mà ông cho thuốc thiệt là mát tay, trị đâu hết đó, ngay cả những cơn bệnh ngặt nghèo. Ông lại biết bấm độn xủ quẻ nên người ta đồn ông trị bệnh có pha bùa phép. Ông nổi tiếng là « Lão Thần y », không biết vì trị bệnh hay như thần, hay vì chữ « y » ghép vào tên ông là « Thuần » người nhà quê đọc trại ra thành « Thần y ».
Trong nhà Lão Thần y bày rất nhiều bàn thờ, trong đó có bàn thờ Ông với hình vè Quan Công mặt đỏ ngồi giữa, Châu Xương, Quan Bình cầm thanh long đao và xà mâu đứng hầu hai bên, cặp mắt Quan Công xuất thần nên đứng chỗ nào cũng thấy như bị Ông nhìn, đi qua lại như có Ông ngó theo. Vì vậy, hồi nhỏ thím Ba rất sợ, mỗi lần đi ngang qua trang thờ cứ cúi gầm đầu, hễ lấm lét nhìn lên lại thấy Ông trợn mắt ngó mình như thể sắp hét lớn. Lại thêm vừa nghe kể trong truyện Tam quốc, Quan Công chỉ cần vớt trái cái bóng của đối thủ là tướng địch cũng đủ rụng đầu nên thím càng sợ hơn nữa, đi ngang cúi đầu cứ nghe rợn rợn ở cần cổ. Thành thử lúc nhỏ thím hay đi vòng qua phía bên kia để tránh. Nhưng đi vòng lại đụng nhằm cái trang thờ Bà Cửu thiên Huyền nữ. Tuy vậy cũng đỡ hơn vì tranh họa của Bà thụt vào trong, bên trên có màn đỏ phủ xuống, bên ngoài có treo đôi hài, lọng và quạt phủ giấy vàng óng ánh, khi gió lùa tới phe phẩy lại tưởng chừng như sống thiệt. Mỗi lần bắc ghế thắp nhang, tim cô gái cứ đập thình thịch không ngớt.
Nếu ở Thới lai người ta gọi thím là thím Ba, thì khi về Cờ đỏ lối xóm lại quen gọi là thím Năm, vì thím đứng hàng thứ tư trong gia đình, tên thím là Nguyễn thị Diệu. Bắt đầu là cậu Hai, trai đầu lòng nuôi không được, ông bà Thuần rất lấy làm thất vọng, buồn bã cả năm. Kế đến là dì Ba, rồi cậu Tư, rồi tới thím, kế đó là một trai và một gái đều chết lúc còn bồng. Cuối cùng là con trai út, cậu Tám. Dì Ba và cậu Tư đều đã lập gia đình và ra riêng ở Bình thủy, nơi đó đất tốt, cao ráo, làm vườn làm rẫy được, có huê lợi nhiều hơn là làm ruộng ở Cờ đỏ. Chỉ còn cậu Tám, nhỏ hơn thím năm tuổi, ở lại Cờ đỏ lo phụng dưỡng mẹ già. Vốn là người nhân hậu nên thím Ba rất thương và thông cảm tình cảnh nghèo túng của thằng em trai duy nhứt của mình. Thím thấy anh chị mình tuy có phần nào khá giả hơn mà không có lòng bằng cậu Tám đứa em út. Từ thuở nhỏ hai chị em đã khắng khít với nhau hơn chị Ba và anh Tư. Hai người này lúc lên mười lăm mười sáu đã phải đi làm công bên Bình thủy để tìm kế sanh nhai. Ba thím thường hay ngao du đây đó. Chỉ còn lại trong căn nhà lá quạnh quẽ bên bờ kinh Cờ đỏ nước đục quanh năm hai chị em, hủ hỉ với bà má hiền từ ít nói, giỏi chịu đựng, không hề than van trách móc bao giờ. Má con thường ra đồng hái rau nhút, bắt ốc bươu ốc lát, mò cua, nôm cá hoặc cắm câu, đắp đỗi qua ngày. thỉnh thoảng hai chị em sực nhớ ba bèn ôm nhau mà khóc. Đoạn đời thơ ấu tăm tối bên ngọn đèn mù u le lói trôi qua, trong tiếng chó sủa văng vẳng ở đầu kinh, tiếng võng kẽo kẹt xa xa bên hàng xóm, và tiếng xào xạc của bụi sả sau hè. Qua mùa gặt, chị em dắt nhau ra đồng mót lúa cho hũ gạo trong nhà đỡ vơi, và bà má đỡ lo âu.
Lúc thím được mười bốn tuổi, má thím chợt bịnh nặng. Ba thím đang trên đường hành đạo, trong nhà chỉ còn có đứa em chín tuổi ngơ ngáo. Anh chị của thím đều đi làm công ở nơi xa. Bệnh trở nên nguy kịch, qua ngày thứ ba má thím bị á khẩu, không còn nói năng được nữa. Cô gái hoảng sợ vội vàng nhổ xuồng bơi ra tận chợ Cái răng hốt thuốc. Cô còn nhớ tiệm thuốc bắc ba cô thường ghé qua. Hốt được thang thuốc, cô bơi rút dòng nước ngược để về cho kịp, mồ hôi ướt dầm. Bắt đầu vào kinh Cờ đỏ, cô thấy nhẹ nhõm đỡ mệt phần nào. Bỗng cạnh be xuồng một con cá lóc vụt trồi lên rồi phơi ngửa bụng lờ đờ. Cô gái bật khóc nức nở : điềm chim sa cá lụy. Cô mếu máo :
– Má ơi ! Con hốt thuốc về tới rồi, má ráng chờ con. Mô Phật, xin Trời Phật hộ độ cho má con. Nam mô a di đà Phật…
Cô vừa khóc vừa xoáy giầm bơi miết, thỉnh thoảng hỉ mũi, khoát nước kinh rửa mặt.
Trời chạng vạng, vừa ghé xuồng vào bờ, đã thấy thằng em dại của mình ngồi ở đâu cầu đứng dậy la lớn:
– Chị ơi ! Má chết rồi ! Hu hu… má chết rồi chị Năm ơi ! Em sợ quá ra đây ngồi chờ chị từ hồi chiều. Em sợ quá chị ơi !
Cô gái thất thanh la lớn :
– Trời ơi ! Má ! Má !
Cô ôm thằng em mình vào lòng, giở hổng nó lên chạy riết vô căn nhà om tối :
– Má ơi má ! Sao má không chờ con dìa ? Má ơi là má !
Hai chị em ôm chầm lấy thi thể má mình khóc rống. Tay chưn bà đã lạnh ngắt. Nhà không đèn đóm. Muỗi đói bay vo ve, bụi sả sau hè đong đưa xào xạc. Chặp sau, chừng như ý thức bổn phận mình, cô gái lò dò xuống bếp kiếm lửa thắp lên ngọn đèn mù u leo lét. Đôi mắt bà má vẫn mở trao tráo. Cô đưa tay vuốt mắt. Mắt vẫn mở trao tráo. Đứa em quíu người lại nắm vạt áo chị mình. Cô lầm thầm :
– Vái hương hồn má có linh thiêng xin má hãy nhắm mắt về trời… Má đừng có mở mắt như vậy em con sợ… tội nghiệp.
Cô lạy ba lạy, quẹt nước mắt rồi đưa tay vuốt mắt má mình. Trán và mũi người chết lạnh ngắt. Mắt vẫn trợn trừng. Đứa em nhỏ ôm cứng lấy chị mình:
– Chị ơi ! Em sợ !
– Em đừng sợ, có chị đây nè.
Tuy nói vậy, cô gái cũng bắt đầu run và khóc lớn hơn. Cô ngó lên trang thờ bắt gặp đôi mắt Quan Công trợn trừng ngó mình lom lom nên càng thêm khiếp đảm. Một cơn trốt từ bờ kinh thổi vào xô giạt ngọn đèn chập chờn chực tắt. Đứa em vụt chỉ tay lên trang Bà hét lớn :
– Kìa !
Trong bóng tối nhá nhem, tàng lọng thếp vàng rung rinh, đôi hài nhỏ đong đưa tòn teng, hai chiếc lục lạc đồng đen kết trên màn đỏ khua nhẹ leng keng mà tưởng chừng như chuông vọng vang rền. Hai chị em chết đứng, càng ôm cứng lấy nhau, mắt không rời trang thờ. Bỗng đầu kinh có tiếng chó tru từng chặp, xoáy buốt ruột gan, sau đó tiếng tru trở thành tiếng sủa quấu quấu, ban đầu một con, rồi hai con, rồi ba bốn con. Bao nhiêu tiếng động trong xóm đều như biến mất, chỉ còn lại có tiếng chó sủa. Tiếp theo có tiếng chưn ai đi trên con đường đất đắp dọc theo con kinh, mỗi lúc một tới gần… gần hơn… gần hơn nữa… Tiếng chưn bước vào sân, tiếng chó sủa thưa thớt rồi im bặt. Chỉ còn lại tiếng bước nặng nề mà khoan thai, băng qua sân đất rồi dừng lại ở cửa căn nhà có người đàn bà nằm chết.
Hai đứa nhỏ nín khóc, quíu lấy nhau run bây bẩy, răng đánh bò cạp, ngó ra. Bóng người đàn ông đồ sộ. Tim hai đứa nhỏ khua trống chầu, mắt tét mở, máu trên mặt mũi tay chưn đã rút đi đâu hết. Người đàn ông bước qua ngạch cửa, dừng lại ở cuối chưn người chết, cất tiếng trầm trầm:
– Má chết rồi phải không ?
Lão Thần y !
Phải, lão đã về, đứng đó, bóng đen cao lớn dong dỏng. Hai đứa nhỏ nhận ra tiếng ba mình, òa lên khóc:
– Ba ! Ba !… Má chết rồi ba ơi !
Rồi cả hai chạy tới ôm cứng lấy bóng đen. Lão Thần y đặt cái túi lớn đang xách trên tay xuống đất, xoa đầu hai đứa con mình:
– Tội nghiệp dữ hôn, hai đứa con tui !
– Ba, ba ! Tụi con sợ quá ba ơi !
Hai đứa giành nhau lên tiếng. Lão siết đầu thằng con út vào bụng mình:
– Thôi ! mấy con đừng sợ, ba đã về tới đây rồi. Đừng sợ nữa.
Lão Thần y gỡ hai đứa nhỏ ra, tìm thêm ngọn đèn nữa thắp lên cho sáng. Lão đặt tay lên trán vợ mình. Lạnh ngắt. Tay kia lão nắm bàn tay người đàn bà ướm thử. Lạnh ngắt. Lão dời tay xuống, giữ lơ lửng trên mũi, xoa xoa tới lui. Không còn hơi thở. Không còn dấu hiệu hơi thở. Lão đặt tay lên ngực người đàn bà, ấn nhè nhẹ. Còn hơi ấm, hình như còn một chút hơi ấm, rất mong manh, chỉ có mình Lão Thần y mới nhận ra. Lão khe khẽ gật đầu, chòm râu bạc dài run nhẹ như tơ khói:
– Hai con đừng sợ. Chưa sao đâu.
Hai đứa nhỏ ngó ba mình trân trân, không hiểu Lão Thần y muốn nói gì. Người đàn bà vẫn nằm đó cứng đơ, mắt mở trao tráo. Lão đứng dậy bước ra sau nhà, nơi đó lão có trồng một số dược thảo để sắc thuốc. Lão hái một cọng « chiêm tinh ngũ hổ », bước trở vào nhà, đứng ở đầu người chết, soi cọng dược thảo cạnh ánh đèn, ngắm nghía, bấm đốt ngón tay. Mày lão nhíu lại, chăm chú định thần. Bỗng lão vuốt tay lên chòm râu bạc, gật gù rồi thở phào một tiếng dài, mỉm cười:
– Má bây chưa tới số chết đâu !
– Hả ?…
Cô con gái chưng hửng lên tiếng. Thằng em ngó hết ba mình tới ngó má mình, ngơ ngác. Không phải ngạc nhiên. Điều đó vượt ra ngoài tầmhiểu biết. Nó vượt qua điều thường thấy, vượt qua đời sống mỗi ngày. Lão Thần y lặp lại, chậm rãi:
– Ba nói má mấy con chưa tới số chết đâu !
– Hả ?… Má chưa chết thiệt hả ?
Lão Thần y không trả lời cô gái. Lão khom người mở cái bọc lớn lấy ra ba cái chén, một chén lớn và hai cái chung nhỏ. Lão thắp thêm một ngọn đèn cầy cắm giữa hai ngọn đèn đặt ở phía đầu người chết. Lão lựa nhổ một sợi tóc đen trên mái tóc hoa râm của người đàn bà, cắm dưới lòng bàn tay mình rồi buông ra. Sợi tóc dính lơ lửng. Đuôi tóc còn sinh khí. Lão gật gù. Lão quấn sợi tóc vào cọng chiêm tinh ngũ hổ, úp dưới cái chén lớn đặt giữa hai bàn chân người chết. Đoạn lão úp hai chung nhỏ lên đầu hai ngón chưn cái của thi hài. Lão lên tiếng :
– Hai con ngó chừng hai cái chén chung nầy.
Hai đứa nhỏ nhìn chòng chọc vào hai cái chung, chờ đợi. Không có gì xảy ra hết. Lão đặt lên bụng vợ mình một lá bùa viết bằng son đỏ trên giấy quyến nền vàng, nét chữ buông sổ xuất thần. Lão thay áo thụng trắng vào người, cái áo mà hai đứa nhỏ chưa hề thấy ba mình bận lần nào. Lão đi ra phía sau vườn dược thảo, trải ra một tấm vải dày màu huyết dụ cắt theo hình bát quái, ở giữa có một vòng tròn vẽ nửa đen nửa trắng quấn vào nhau. Lão xõa tóc, ngồi xếp bằng trên tấm vải. Lão Thần y bắt đầu nhập định.
Xung quanh lặng ngắt như tờ. Mấy con đom đóm chớp tắt lập lòe trên bụi sả. Thỉnh thoảng có tiếng con gì trườn bò sột soạt trong lùm cây và bụi cỏ gần đó -tiếng rắn khua động hay chuột lủi chạy ? Hai đứa nhỏ không rời mắt khỏi hai chén chung. Bỗng một tiếng oang oác nổi lên trên bờ kinh, hai đứa giật mình ngó ra, không thấy gì, chỉ kịp nghe tiếng đập cánh của một con vạc ăn đêm. Hai đứa lại dán mắt lên chén chung. Ba ngọn đèn ở đầu giường tre chập chờn, mấy sợi tóc bạc trên đầu người chết lay động, có cảm tưởng như bà sắp ngồi dậy. Hai chị em ngó nhau, nỗi sợ hãi cực cùng toát ra tròng mắt trắng dã.
Đến gần khoảng nửa đêm, Lão Thần y bắt ấn đặt lên phía ngực bên phải của mình, lâm râm niệm chú một tràng dài. Đoạn lão đứng dậy. Chờ cho đám mây đen vén ra để lộ mặt trăng lưỡi liềm cong mỏng, Lão Thần y há miệng hớp ánh trăng mờ sáng, mật ấn linh hiển bắt chặt trên tay xẹt chớp về phía căn nhà lá có người nằm chết, đồng thời quát lên một tiếng đinh tai nhức óc:
– Nhập !!!
Bên lối xóm trẻ con vụt ré khóc. Từ đầu xóm tới cuối xóm lũ chó vụt bật lên tru réo âm u. Hai đứa nhỏ giựt bắn người kinh hãi ngó ra sau nhà nghe ngóng:
– Nhập !!! Nhập !!!
Lão Thần y thu tay về chớn thủy, tiếp tục hớp trăng, đồng thời điểm phóng mật ấn gọi hồn về phía căn nhà lá, như vậy cả thảy ba lần.
Đoạn lão chắp hai tay lên ngực xá ba xá, cúi đầu niệm những câu thần chú ngắn gọn, bí hiểm. Trong nhà đứa nhỏ chợt thấy một chén chung động đậy rồi rớt xuống đất. Nó còn đang kinh tâm tán đởm thì bên kia chị nó vụt la lớn:
– Coi kìa em ! Coi kìa…
Nó ngó theo ngón tay chỉ. Chén chung bên ngón chân kia cũng động đậy, ngừng lại một chút rồi lay mạnh rớt xuống đất lăn lóc. Người đàn bà chợt thở khì một tiếng dài, nói ú ớ… Hai đứa nhỏ té ngửa, bò càng, đoạn lồm cồm nhỏm dậy dợm bỏ chạy. Từ phía sau nhà, Lão Thần y khoan thai bước ra:
– Hai con chớ sợ, má con sống lại rồi đó !
Dừng một chút, Lão trầm trầm nói tiếp:
– Má con sẽ còn sống lâu hơn ba nữa.
Người đàn bà trở mình thều thào:
– Khát… Khát nước quá !… Cho tui miếng nước…
Cô gái hoàn hồn chạy ra nhà sau múc chén nước mưa trong lu bưng lên, tính đỡ má dậy cho uống. Lão Thần y đưa tay cản lại:
– Khoan ! Con cho uống như vậy má con sẽ mắc nghẹn. Má con hồn vừa nhập thể nên còn yếu lắm.
Lão ngắt một cái đuôi trầu chấm nước lên đôi môi khô queo của vợ mình. Người đàn bà chắp chắp miệng. Lão nhễu thêm vài giọt lên miệng. Người đàn bà đã bắt đầu biết nuốt, trái cổ nhúc nhích. Hai đứa nhỏ mừng quýnh buột miệng la lên :
– Má sống lại rồi ! Má sống lại rồi !
Hai đứa ôm lấy má khóc sướt mướt. Lão Thần y lên tiếng :
– Má con còn mệt lắm. Hãy để cho má con ngủ tiếp cho lại sức.
Người đàn bà sống lại ngủ liên tiếp ba ngày ba đêm. Cô gái túc trực đổ nước cơm và thuốc vào miệng má mình. Lão Thần y thỉnh thoảng bấm ên cổ tay vợ mình để chẩn mạch. Mạch mỗi lúc một mạnh thêm lên và đều hơn. Lão rất ung dung, không lộ một chút gì lo lắng. Qua ngày thứ tư, bà má đã ngồi dậy được và nói lại được như thường. Cô gái tò mò hỏi má mình đã thấy được những chuyện gì trong mấy ngày vừa qua, nhứt là trong lúc bà « chết ».
Bà nói bà nằm chiêm bao thấy mình xuất hồn. Sau khi xuất ra, hồn đứng ngó xác mình nắm nuối, quyến luyến, xót thương đứa con trai đang ôm xác má mình mà khóc kể. Bỗng có hai con quỉ sứ mặt xanh nanh nhọn xông tới lôi bà đi, nói có Diêm vương đòi bà xuống hầu. Bà bịn rịn con mình, nhưng hai con quỉ sứ bức bách lôi xểnh bà đi. Bà đi qua nhiều cửa địa ngục, nhìn bên trong thấy lũ ma vương đầu trâu mặt ngựa cầm chỉa đứng canh gác bọn quỉ đói đầu lớn tợ trâu, bụng to tợ trống, cổ nhỏ tợ kim đang bốc đồ mà ăn, nhưng khi đút vào miệng đồ ăn vụt biến thành than lửa. Bà lại đi qua nhiều cây cầu cao chót vót, thăm thẳm bên dưới có tiếng rên la vọng lên, rắn rít bò lểnh nghểnh quấn lấy bọn ma bị xiềng xích, đứa ngồi trên bàn chông, đứa đang bị cắt lưỡi, đứa đang lặn ngụp trong chảo dầu sôi sùng sục.
Tới cửa thứ chín bà được đưa vào yết kiến Diêm vương. Vị này ngồi trên một ngôi trượng quá cao, ngó không thấy mặt. Ông quát quỉ sứ đem sổ Bộ đời ra coi. Vị giữ sổ Bộ đời tra cứu rất lâu, trình lại chỉ thấy tên bà trong Bộ sinh mà không thấy ghi trong Bộ tử. Diêm vương khiển trách bọn quỉ vô thường đã bắt lầm người và dạy phải mau mau đem bà trả về dương thế. Ông căn dặn bà khi ra tới cổng chót đừng có ăn « cháo lú ». Nếu không, khi trở lại trần gian bà sẽ mất hết ba hồn chín vía, và quên hết mọi chuyện trong dĩ vãng. Và quan trọng nhứt là có một điều bà đã thấy nhưng cấm tuyệt không được nói ra. Nói ra, bà sẽ ngã chết liền tức khắc. Chỉ có thể trối trăn lại trước khi chết. Bà dập đầu lạy tạ Diêm vương xin tuân lệnh, rồi theo bọn quỉ sứ dẫn đường trở về dương thế. Tới cổng chót có quán cháo lú. Tuy đói lắm nhưng bà không ăn. Có nhiều người ăn xong trở nên lú lẫn hóa thành con nít.
Câu chuyện má mình thuật lại có vẻ hoang đường, hầu hết giống như những điều trong kinh Phật đã hằng nói đến. Tuy nhiên, cô gái cũng tin chắc rằng âm cảnh thiệt sự đúng như lời má cô kể lại, không một chút nghi nan. Tuy vậy, còn cái điều « mật ước » giữa má cô và Diêm vương cứ khiến cô còn thắc mắc hoài. Nhưng điều này dính liền với mạng sống của má mình nên cô không dám hỏi thêm. Cô ao ước tới cái ngày nào má mình hấp hối, cô sẽ có mặt ở bên cạnh để nghe lời trăn trối và biết rõ được điều « mật ước » sinh tử đó từ miệng má mình, trước khi bà trút hơi thở cuối cùng.
Kiệt Tấn