Hạt Cát

A-Hạt Cát

Một Đi

Ta đi biển mặn chiều nay,
Hai hàng lệ nhỏ mẹ gầy hạc sương,
Bơ vơ nấm mộ bên đường,
Ai nằm mưa gió nghe buồn chân mây!

Nhất Khứ

Ngã khứ hàm hải mộ,
Lệ mẫu sấu hạc sương,
Lộ bàng cô hoang mộ.
Phong vũ sầu vân phương.

一去
我去鹹海暮
淚母瘦鶴霜
路旁孤荒墓
風雨愁雲方
沙沙

Hạt Cát
Wednesday, 22 April 2015 14:45
Written by Hạt Cát
Xuân Cư

Xuân Cư

Vị quan môn độc trú,
Tứ cố trùng không hư,
Bạch tuyết phiêu song ngoại,
Xuân vô ngã ảnh cô.

Chưa về đóng cửa độc cư,
Mà sao quanh quất không hư trùng trùng,
Ngó ra tuyết trắng mịt mùng,
Xuân không thấy bóng, lạnh lùng bóng ta.

Sóng Lòng

Bóng chiều ngã xuống sông Tương
Thuyền em rẽ bến về phương trời nào?
Sông buồn sóng dợn lao xao
Và ta sóng cũng dạt dào trong tim!
(Thơ Nguyễn Đức Nhơn)

Phiên Bản Hán Việt

心波
斜暉倒湘江
離舟去何方
幽江漣波漫
心波我亦茫
沙沙

Tâm Ba

Tà huy đảo Tương giang,
Ly chu khứ hà phương ?
U giang liên ba mạn,
Tâm ba ngã diệc mang.

Sakura,
Nhân Diện
Ðào Hoa Tương Ánh Hồng

Chàng Thôi Hộ ngày xưa đã để lại một bài thơ trứ danh trong nền văn học Trung quốc với vài câu thơ so sánh má hồng của giai nhân và sắc thắm của hoa đào. Truyền thuyết nói rằng khi chàng trở lại đề bài thơ nơi chốn cũ thì nàng con gái kia đã vì tương tư chàng mà khổ đau sầu muộn sắp sửa lìa bỏ trần gian, may thay, vì nhớ thương nàng, chàng trở lại lần nữa kịp lúc nàng đang cơn hấp hối, mãnh lực tình yêu đã khiến nàng hồi sinh và đôi bên đã thỏa nguyện đá vàng. Giai thoại ấy còn truyền tụng mãi trong nhân gian.

Ðề Tích Sở Kiến Xứ

Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ.
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Thôi Hộ 618-907)

Tạm dịch:
Thơ đề chốn năm xưa gặp gỡ

Năm xưa cửa ấy ngày này,
Má đào hoa thắm thơ ngây thẹn thùa.
Biết tìm đâu bóng người xưa,
Hoa đào năm cũ cợt đùa gió đông.
(Hạt Cát dịch)

Đào Tiềm hay còn gọi Ðào Uyên Minh, Ngũ Liễu Tiên Sinh (365- 427) đời Ðông Tấn ( 317-419) nổi tiếng với bài Đào Hoa Nguyên ký, nghĩa là bài ký về suối hoa đào; còn gọi là động đào, động bích hay động nguyên bích, một cảnh thế ngoại thiên thai mà chỉ những người hữu duyên mới có cơ hội gặp gỡ, trong bài ký, ông tả cảnh hoa đào rụng rơi trôi theo dòng suối chảy ra hạ nguồn, có người thấy được và lần lên thượng nguồn, tìm gặp cả một rừng đào và một thôn trang khung cảnh u nhã thần tiên, người trong ấy có nếp sinh hoạt cách người thế giới bên ngoài vài trăm năm, hỏi ra mới biết đó là người một nước nhỏ vì lánh nạn nhà Tần bồng bế vào chốn thâm sơn cùng cốc sinh sống, vì không quan hệ với thế giới bên ngòai nên họ vẫn giữ được truyền thống từ trang phục đến chữ viết mấy trăm năm trước.

Sakura –Hoa Anh Ðào là biểu tượng thiêng liêng của nước Nhật, là quốc hoa Nhật Bản. Sakura có một truyền thuyết liên quan đến nét hào hùng võ sĩ đạo, mà tính chất của hoa đào cũng là những nét đẹp hào hùng tiêu biểu cho truyền thống võ sĩ đạo samurai – biết chết một cách cao đẹp, cho nên Hoa Ðào được xếp vào hàng quốc hoa của Nhật Bản không có gì đáng ngạc nhiên. Theo truyền thuyết, người Nhật vui hội hoa anh đào từ 1000 năm trước
Anh đào nở rồi tàn chỉ trong khoảng một tuần. Đời sống ngắn ngủi của nó kết thúc đúng lúc hoa tươi thắm nhất. Người Nhật vốn thích một cái chết đẹp. Mọi người nghĩ rằng một cuộc đời tuy ngắn nhưng chói sáng thì tốt hơn một cuộc sống dài nhưng khốn khó. Sống như sakura, chết như sakura, đó là quan niệm xưa của người Nhật. Nhật Bản có câu : “A flower is a cherry blossom, a person is a Samurai” (Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào. Nếu là người, xin làm một võ sĩ đạo). Điều đó có nghĩa là, khi một võ sĩ đạo đối mặt với hiểm nguy, anh ta không run sợ trước cái chết, bởi vì, giống như hoa anh đào, anh ta sẽ tự đâm mình và gục xuống ngay lập tức, không ngần ngại.

Đối với người Nhật Bản, hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao mà còn là nỗi buồn về sự ngắn ngủi, phù dung và tính khiêm nhường, nhẫn nhịn. Cây hoa anh đào đem tặng được xem như biểu tượng hòa bình của nước Nhật với các nước khác trên thế giới. Hoa anh đào mọc ở Triều Tiên và Mỹ không có mùi hương. Trong khi đó, ở Nhật Bản, người ta ngợi ca hương thơm của hoa anh đào trong những vần thơ. Trong ngôn ngữ Nhật, nhất là trong thơ ca, chữ ”hana” (hoa) và ”sakura” hầu như đồng nghĩa.

Truyền thuyết về hoa anh đào

Ngày xưa ở xứ phù tang chưa có hoa anh đào như bây giờ. Tại một ngôi làng xinh xinh ven núi phú sĩ, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dũng cảm khác thường. Năm chàng mới tròn một tuổi, có một đạo sĩ phiêu bạt ghé qua nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người cha thanh sắt đen bóng rồi lặng lẽ ra đi. Lúc đấy đang mùa đông tuyết rơi tầm tã vị đạo sĩ đi khuất trong mưa tuyết rồi mà người cha vẫn thẫn thờ nhìn trông theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như thì thầm: “hãy cất kỹ và giao thanh sắt này lại cho con trai chúng ta khi nó tròn 14 tuổi. Số phận đã an bài nó trở thành một kiếm sĩ lừng danh”.

Cha cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Thanh sắt đen bóng được giao lại cho chàng trai năm cậu tròn 14 tuổi. Cậu rùng mình vuốt ve kỹ vật huyền bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ, một khát khao khó hiểu tràn ngập vào cơ thể tươi non dũng mãnh của cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã run rẫy thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào: “ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này” chàng trai đến rạp đầu xin thụ giáo một võ sĩ đạo lừng danh. Vị samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp thuận.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến với người kiếm sĩ. Tay kiếm của chàng khiến những samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt? Chàng đã tự mình rèn nó thành thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực. Nhưng chưa được. Một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày khai trận. Biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen? Lúc này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi. Cô gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm xưa là người thân yêu còn lại duy nhất của chàng. Mỗi ngày khi nắng đã tàn lụi trên phú sĩ sơn, đêm đã tràn ngập trên xóm núi, cô gái lại buồn bã nhìn chàng ngồi bất động, trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa, mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước mơ ngày nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo kiếm vô địch thiên hạ.

-Anh thân yêu! Có phải chăng đối với anh thanh kiếm này là tất cả? Nếu nó không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng thì anh sẽ mãi mãi buồn đau?
Nhìn vào bếp lửa, chàng trai vuốt ve thanh kiếm trong lòng và nói chậm rãi rất quả quyết:
-Chỉ buốn đau thôi ư? Không đâu! Đối với anh, thanh kiếm là sự nghiệp, là cuộc sống, là tất cả….. làm sao anh có thể coi mình là một võ sĩ đạo chân chính khi thanh kiếm của anh chưa từng no say trong máu? Trời ơi! Anh chết mất! Sao thời buổi này yên bình đến thế? Sao không có kẻ cướp nào thúc giục anh xuốngkiếm. Không có kẻ cuồng ngông nào thách đấu với anh?
Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định quyết tâm của mình thôi
-Anh thân yêu! Cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút thôi cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh cô gái nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm rồi đột ngột đâm thẳng vào tim. Máu trào ra ướt đẫm tấm thân mảnh dẻ của nàng, nhuộm hồng chiếc áo kimono trắng nõn, trinh bạch. Chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang loé lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được no mình trong máu!
Nhưng từ đó, chàng trai hoàn toàn cô độc. Không samurai nào thèm kết bạn với anh. Họ nhìn sang chỗ khác khi đối mặt trên con đường hẹp. Họ rời khỏi quán trà khi anh bước vào. Họ từ chối khi anh thách đấu … Cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông, khi những bông tuyết đầu mùa vừa rơi, chàng trai ôm thanh kiếm đến bên mộ cô gái. Chàng thì thầm: “tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…” Chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng rạch một đường mạnh mẽ và rút kiếm ra phủ gục bên cạnh mộ. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào mộ đất…. Tuyết không ngừng rơi…. Đến sáng, tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Chỉ còn lại một cây hoa lạ, mơn mởn vươn lên tươi cười, hồng thắm. Không ai biết hoa hoá thân từ thanh kiếm ấy. Người ta dặt tên hoa là Anh đào. Hoa anh đào có nhiều loại mọc được ở nhiều nơi. Nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa đươc ươm mầm và trổ bông ở vùng phú sĩ sơn. (Sưu Tầm)

Ðối với kẻ viết bài này, người hiện đang sống tại một tiểu bang miền Ðông Bắc nước Mỹ, mỗi năm khi mùa xuân đến, không có gì thích thú hơn là được ngắm hoa đào nở rộ ven đường, hồng thắm trong sân cỏ nhà ai xanh biếc, và tôi thích nhất là lúc hoa rụng, muôn ngàn cánh hoa bé tí mong manh mang một màu hồng đang độ tươi thắm nhất rụng đầy mặt đất chung quanh gốc cây, như trải lên sân cỏ một tấm thảm hồng, và một cơn gió nhẹ thoảng qua, muôn ngàn cánh hoa cuốn xoay lên theo làn gió, bay la đà, trong một lúc tình cờ, bắt gặp hình ảnh ấy ta không thể nào không buộc miệng kêu lên “Ôi đẹp quá, diễm lệ quá!” Và tôi cũng đồng ý với một số quan niệm cho rằng cái chết đẹp nhất là cái chết của hoa đào. Ðẹp nhất chính là ở chỗ này. Khi còn ở trên cành, hoa cũng đẹp nhưng cái đẹp đó quá thực khó mang đến cho ta một cảm xúc ngậm ngùi thương cảm, khi nó lìa cành rơi rụng đầy mặt đất chính là lúc nó không còn thực nữa mà đã trở nên nửa thực nửa hư, chính là lúc gợi cho ta một niềm cảm thương sâu sắc nhất.

Phải, không có cái chết nào đẹp hơn cái chết của hoa đào, cũng giống như người Nhật ca tụng cái chết của một võ sĩ, tôi không biết nhiều về người Nhật, cũng không biết nhiều về võ sĩ đạo, nhưng mỗi năm được ngắm hoa đào trên đất Mỹ, dần dần tôi chợt nhận ra, ít nhất là trong cái chết của các loài hoa, cái chết của hoa đào, đẹp nhất ý nghĩa nhất, dù sau đó muôn ngàn cánh hoa rơi rụng như một tấm thảm hồng cũng sẽ trở thành cát bụi, nhưng ít ra trước khi trở thành cát bụi, nó đã gợi lên cho nhân gian một khung cảnh diễm lệ và một ý nghĩa sâu sắc, thiết tha. Tôi đã không ngăn được nỗi xót xa ngậm ngùi khi nhìn thấy gió dập mưa vùi những cánh hoa tan tác rụng rơi, nhưng đồng thời cũng phải công nhận rằng đã có những cái chết làm đẹp chốn nhân gian giống như cái chết của hoa đào. Không biết có ai đồng cảm với tôi thương tiếc cho cái chết của hoa đào không?

Tích Hoa

Lạc hoa hồng địa thượng,
Phiêu phiêu phong vũ xuy.
Vãng lai nhân đa thiểu,
Tích hoa triêu mộ thùy?
Hạt Cát

Tiếc hoa
Hồng hồng hoa rơi mặt đất,
Tả tơi mưa gió não nùng.
Ít nhiều người qua kẻ lại,
Ðời hoa chiều sớm ai thương
Hạt Cát

Xuân Hoa Ai

Xuân tiết mai đào tranh diễm,
Lộ bàng ẩn ước bạch hồng.
Thùy liên triêu phong mộ vũ,
Thổ nê biện bạc tương đồng.
Hạt Cát

Thương Hoa Xuân

Trời xuân phơi phới mai đào,
Trắng hồng thấp thoáng xôn xao bên đường.
Mưa chiều gió sớm ai thương,
Ðất bùn cánh mỏng vô thường như nhau.
Hạt Cát

Trăng Nước Tầm Dương

Dạ thâm giang thủy tâm vu hoang,
Ðãng đãng vân thiên quyển điệu đàn.
Lãng phách thiết tha hàm thán tứ,
Nguyệt minh u uất yểm sầu nhan.
Thiên thu hiểu vãn đa tồn thất,
Chích ảnh hôn triêu kỷ hợp phân.
Tịch chử linh đinh hồn viễn xứ,
Bạc chu hàn dạ sầu mang mang.

Sông nước chèo khuya dạ ngổn ngang,
Trời mây lồng lộng quyện cung đàn.
Nỉ non sóng vỗ niềm than thở,
Ray rứt trăng soi mặt héo hon.
Nghìn thu sớm tối bao còn mất,
Một bóng mai chiều mấy hợp tan.
Bến vắng chơi vơi hồn viễn xứ,
Đò neo đêm lạnh sầu mang mang.

Trăng đêm nay đẹp quá.
Trăng dằng dặc mênh mông trời nước.
Trăng nhỏ từng giọt, từng giọt lung linh mặt sóng lao xao, trăng lấp lánh ngân nhũ đong đưa hàng liễu rũ.
Trăng huyễn hoặc mông lung. Trăng ảo mờ sương khói.
Trăng kết ngọc, dát vàng bãi sậy bờ lau.
Chân trời thăm thẳm, ngàn sao nhấp nháy trường không.
Ðom đóm lập lòe bóng ma trơi thấp thoáng lùm cây bụi cỏ, côn trùng rỉ rả tiếng vọng âm cung văng vẳng xa xôi.
Gió phất phơ ngọn cỏ hiu hiu mang theo chút hơi hướm rong rêu lãng đãng mạn thuyền, gió vỗ về lượn sóng nhấp nhô xô dạt chân cầu xào xạc v.v…
Chao ôi ! Ðất trời hạo đãng như thế đó, ánh trăng diễm lệ như thế đó, mà nàng, Cầm Nương, một mình, ngồi cạnh mạn thuyền buông neo bên dòng nước bồng bềnh sóng bạc. Hỡi ơi !

Nhất phiến nguyệt hàn lạc sấu nhan,
Dạ thâm khuê đẩu trụy trường giang.
Mặc mặc tinh cầu luân chuyển lão,
Man man cô tịch dữ thùy phân ?
Dữ thùy phân ! Dữ thùy phân !

Lạnh lẽo viền trăng soi má nhạt,
Ðằng đẵng sông dài sao rớt khuya.
Lặng lẽ tinh cầu xoay chuyển mãi
Cô đơn vời vợi biết ai chia ???
Biết ai chia ! Biết ai chia !

Không có ai cả !
Trước sau chỉ một mình nàng đối nguyệt trầm tư !
Cầm Nương ngắm bóng, ngắm trăng nghĩ ngợi miên man.
Trời trăng mây nước bao la bát ngát diễm lệ vô cùng, nó khiến lòng thế nhân chìm đắm vào một cõi hư hư huyễn huyễn. Ánh trăng kia đã chiếu xuống trần gian từ bao đời bao kiếp, đã chứng kiến biết bao thịnh suy của cõi nhân gian,của một đời người. Ôi ! Ánh trăng nào soi mặt chinh phu quạnh hiu gió cát, còn ánh trăng nào ngậm ngùi phòng khuê lạnh lẽo canh khuya ? Ánh trăng nào theo dấu Minh phi Hán Hồ lưu lạc, còn ánh trăng nào rơi rụng chuông ngân trên bến Phong Kiều ? Từ thủa khai thiên lập địa thăm thẳm hoang sơ, nguyệt cầu kia đã là niềm cảm hứng vô tận cho nhân thế. Con người đã tốn biết bao bút mực, tim óc để ngợi ca cái ánh sáng huyền hoặc này, thậm chí đã có người nhảy xuống nước ôm trăng mà chết, thử hỏi nếu trăng không quyến rũ thì sao có thể như vậy. Tưởng tượng rằng một ngày nào đó nguyệt cầu kia tự dưng vắng bóng thì thế gian này sẽ ảm đạm ra sao. Chao ôi, một kiếp người ngắn ngủi biết bao so với ánh trăng chiếu ngời trong vạn đại.
Vạn đại ! Vạn đại !
Vạn đại bắt đầu từ bao giờ và bao giờ sẽ chấm dứt, sau ta rồi sẽ là ai cho vầng trăng ấy sáng soi. Chỗ ta ngồi hôm nay, nghìn xưa ai đã từng ngồi ? Một câu hỏi không có câu trả lời. Nhất định là như thế, ai có đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi kia, nàng chẳng biết, chỉ thấy dòng sông cứ miên man trôi chảy, trôi chảy không ngừng. Bấc giác mấy câu thơ đời trước hiện về, nàng ngậm ngùi cảm ngộ, người xưa đã chẳng từng than thở thế ư ???

Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt,
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân.
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên vọng tương tự
Bất tri giang nguyệt chiếu hà nhân,
Ðản kiến trường giang tống lưu thủy
(XGHND-Trương Nhược Hư )

Người bên sông ai nhìn trăng trước,
Trăng soi người buổi trước năm nao
Ðời đời kiếp sống nối nhau
Tháng năm sông nước trăng sao vẫn cùng
Chẳng biết trăng soi chung ai đấy
Chỉ thấy dòng nước chảy miên man …

Chao ôi !
Nguyệt thủy nhất phương !
Trăng nước một vùng !
Tịch mịch ! Thậm tịch mịch !
Cái không gian tịch mịch này, Cầm Nương đã đối diện với nó không biết từ bao giờ. Tuy vậy, nó vẫn không đáng sợ bằng nỗi tịch mịch trong lòng của nàng. Người ta nói đáng sợ nhất là cái tịch mịch trong lòng người đàn bà khi về chiều. Không phải chính là nàng bây giờ hay sao?
Tâm tư Cầm Nương chùng xuống, chùng xuống thật sâu.
Nàng ngồi đó,ngồi bên mạn thuyền, rất lâu, rất lặng lẽ, lòng nàng chìm theo tiếng nước trôi sóng vỗ, tiếng vạc kêu sương. Mắt nàng ngắm những tảng mây bay qua tầng không trong vắt ánh trăng nhưng lòng nàng trôi theo làn nước miên man xuôi tận cuối dòng. Không thấy gì cả, không một bóng con thuyền nào thấp thoáng cho nàng khởi lên niềm hy vọng, hy vọng trông thấy một hình ảnh quen thuộc đang trở về, dù chỉ là hy vọng thoáng qua rồi tan biến.
Sương xuống hơi nhiều, không gian chớm thu chừng như giăng thêm tơ mới,mông lung hơn, huyền ảo hơn. Nàng nghe lành lạnh bờ vai, bất giác, nàng đưa đôi tay gầy guộc ôm choàng bờ vai nhỏ bé của mình. Ðã lâu, đã lâu, bờ vai của nàng dường như quên mất cái thói quen tựa vào vai của người khác, nó trống trải, nó lẽ loi quá.
Bấc giác, nàng nhìn lại đôi tay của mình. Dưới ánh trăng diễm ảo, đôi tay nàng vẫn nổi bật lên một màu trắng muốt. Ôi ! Ðôi bàn tay của nàng. Ðôi bàn tay một thời khoấy động chốn Ngũ Lăng, đôi bàn tay một thời khiến lòng người điên đảo.
Nàng nhớ quá những trận cười hào sảng,nàng nhớ quá những lụa đỏ khăn hồng.Nàng nhớ chung Lục Nghị sóng sánh màu hổ phách, nhớ chung Bồ Ðào phơn phớt sắc ráng pha…Lâng lâng, lâng lâng men rượu ngọt. Nao nao, nao nao sóng hồ thu…Tất cả những hình ảnh ấy đã chìm sâu vào dĩ vãng xa lắc xa lơ.Thu ba đào kiểm Má phấn môi hồng! Chao ôi ! Còn nhắc làm chi nữa. Ðã là dĩ vãng ! Ðã là dĩ vãng ! Giờ này còn gần gũi với nàng nhất, còn trung thành với nàng nhất, họa chăng là chiếc tỳ bà cũ kỹ thiết thân. Nàng thở dài thán tức, không dừng được cảm hoài, nàng đứng lên khom lưng đi vào khoang thuyền, nàng khêu ngọn bạch lạp, vói tay lên vách đỡ nhẹ cây tỳ bà xuống. Ôm đàn vào lòng, nàng nhẹ nhàng vuốt ve những phím tơ như đang vuốt ve một đứa trẻ thơ. Nàng mường tượng nàng đang sờ vào đầu nó, sờ vào má nó, đôi má thơm lừng hơi sữa ngọt ngào. Nàng áp mặt lên bụng đàn thon thả bóng nhẵn hít vào phế nang mùi hương quen thuộc của chất gỗ thấm đẫm hơi tay nàng. Nàng đã sờ vào đó, chạm vào đó không biết bao nhiêu lần mà nói, mấy chục năm qua có đêm nào nàng không ít nhất một lần nâng niu nó, dù nàng có nhã hứng hay không có nhã hứng khảy nên cung bậc, nàng vẫn săm soi nó như săm soi một món cổ ngoạn quý giá. Ðã từ bao năm nay nó là vật bất ly thân của nàng.
Ðêm nay trăng đẹp quá, lòng nàng mênh mông quá, tâm sự trùng trùng của nàng chỉ có thể gửi gấm cùng mây cùng gió, cùng tiếng đàn dặt dìu khoan nhặt. Nước trời lồng lộng bao la, một thuyền một lái bỏ neo đêm vắng lạnh lùng,nàng biết tỏ bày mối cảm hoài với ai ngoài tiếng đàn của nàng.
Khoác thêm chiếc áo, ôm cây đàn trong tay, nàng lại khom lưng bước ra đầu thuyền. Nàng chẫm rãi khơi một đỉnh trầm, khói hương thoang thoảng quyện vào không gian tịch mặc khiến nàng không dám chuyển động mạnh, nàng nhẹ nhàng ngồi xuống khoanh chân, thẳng lưng, hít thở mấy hơi dài, chiếc đàn đã đứng gọn nghiêng nghiêng trong lòng, nàng bắt đầu nắn phím, so tơ, đôi tay nàng nhẹ nhàng lướt qua hàng phím, những âm thanh trầm trầm bổng bổng run rẫy vang lên. Nàng khép hai hàng mi lại, thôi không nhìn, không ngắm trời mây nữa. Trong bóng đêm mờ ảo ánh trăng, nàng có mở mắt cũng không thấy được gì nhưng cho dù nàng có nhắm mắt đi nữa thì nàng vẫn thấy rõ mồn một từng phím, từng phím tơ của nàng, từng vị trí cung bậc của thang âm, nàng đã quá quen thuộc với nó. Ðôi tay của nàng có gầy guộc xanh xao hơn nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, vẫn còn nhạy bén trong việc thay đổi vị trí cung bậc. Làm sao nàng có thể quên được chứ, làm sao nàng có thể chậm được chứ, nàng và đàn đã hòa làm một từ lâu, máu thịt, hơi thở của nàng được tiếp tục sinh tồn là nhờ âm thanh dìu dặt réo rắt của tiếng đàn kia mà. Nàng nhắm nghiền đôi mắt nhưng đôi tai của nàng vẫn tinh nhạy vô cùng,tiếng đàn réo rắt nhặt khoan hòa lẫn tiếng gió vi vu xào xạc, tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng côn trùng rỉ rả. Ôi! Còn có bản hợp tấu nào vượt qua nổi bản hợp tấu đặc biệt này, nàng đắm chìm trong tiếng đàn của mình, đôi tay nàng lướt trên phím đàn một cách vô tâm vô thức, nàng quên hết phiền muộn, quên hết chờ đợi nhớ nhung, quên hết trời rộng đất dày. Kìa là hình ảnh chập chờn thủa trước, xuân thắm má đào, chúc quang rực rỡ, tử y hồng quần thướt tha quấn quít theo cung đàn tiếng nhạc, kìa là những khuôn mặt thẫn thờ, những đôi mắt đam mê dõi theo dải lụa quay tít của nàng. Leng keng ngọc bội kim hoàn, lách cách cung thương sênh phách, những âm thanh ma mị ru hồn người văng vẳng bên tai. Ðắm chìm! Ðắm chìm! Mê man! Mê man !!! Nàng không nhớ, không biết mình là ai nữa.
***
Tiếng đàn réo rắt quá như gió lướt rừng thông, tiếng đàn nỉ non quá như ve sầu khóc hạ, tiếng đàn miên man như nước cuốn Trường Giang, tiếng đàn thánh thót như mưa rơi phiến đá. Cung bậc ấy, thanh âm ấy hẳn là phải do một bàn tay ngà ngọc chuốt trau. Chao ôi, ở chỗ đất thô lậu này sao lại có thể sản sinh một dìệu thủ như vậy. Tư Mã Giang Châu ghìm cương ngựa lại lắng nghe. Ðêm thu quạnh quẽ,lác đác lá phong, hơi may se sắt lướt qua. Chàng chợt nhớ đến tấm áo choàng hãy còn nằm vắt vẻo trên yên ngựa, tấm áo choàng màu xanh của chàng đã cũ kỹ, bông đã sờn đôi chỗ nhưng Tư Mã chẳng màng thay đổi, thân phận trích thần như chàng có vui gì, có thích gì mà xênh xang áo mũ. Quanh năm đối mặt với đám dân đen chơn chất nghèo nàn ở chốn sơn lam chướng khí này, chàng có ăn mặc đẹp cũng chẳng lấy làm hãnh diện với ai. Lúc còn bé ở Từ Châu, chàng đã sống qua những tháng năm loạn lạc, mắt thấy dân tình điêu đứng khổ sở bởi họa binh đao và bị nhũng nhiễu bóc lột bởi đám quan lại tham ô nên chàng thấu hiểu những nỗi thống khổ của người dân quê, rồi khi trưởng thành, được cơ hội lên kinh đô Trường An, thi cử đỗ đạt, bắt đầu lui tới trong chốn quan trường, căm ghét bọn triều thần hủ bại thối nát, dùng ngòi bút lời thơ của mình mà đả kích khiến chàng trở thành cái gai trong mắt những kẻ nắm trọng quyền, và cũng vì thế mà chàng hết bị đày biếm chốn này đến trích giáng xứ kia, toàn là những chốn mà bọn quan lại sâu mọt chán chê vì chẳng có gì để gặm nhắm, thì hỏi sao dân tình không cơ cực điêu linh. Người dân quê chất phát tay lấm chân bùn chưa dám nghĩ đến việc ăn no mặc ấm, huống hồ là ăn ngon mặc đẹp. Chàng đành lòng nào áo mão xun xoe. Tư Mã kéo tấm áo khoác lên mình rồi nhìn sang bạn, cả hai không nói lời nào nhưng cả hai đều hiểu, tiếng đàn kia đã làm cho buổi đưa tiễn hôm nay bị đình trệ mất rồi. Men rượu vừa nâng toan uống đã không đủ làm ấm lòng hai kẻ sắp chia tay, sông nước mênh mông bàng bạc một màu trăng, buồn biết mấy, không đàn không sáo. Vậy mà, vó ngựa chàng vừa dợm bước đi thì bỗng đâu trỗi lên tiếng đàn dìu dặt khoan thai này, bảo sao chàng không ghìm cương ngựa được. Người bằng hữu của chàng dường như cũng đã dừng chèo, cũng đang lắng nghe như chàng. Tiếng đàn tuyệt vời mang theo âm hưởng kinh thành từ đâu mà vang vọng tới đây? Ðã hai năm qua kể từ ngày giã biệt đế khuyết phụng hành trích giáng, chàng không được nghe những tiết điệu nhã nhạc của chốn phồn hoa đô hội nữa. Dường như tiếng đàn lãng đãng trôi theo dòng nước quanh đây, vậy là đâu đó trên sông khuya có một con người đang mang mang tâm sự. Tư Mã quày quả xuống ngựa, chàng dắt ngựa cột vào gốc cây phong đứng trơ vơ bên cạnh thủy đình rồi ra dấu cho thuyền ghé sát độ kiều để chàng bước xuống, chàng khoát tay với bạn “Ta hãy đi tìm tông tích tiếng đàn kia”.
***

Cầm Nương chưa rời được nỗi niềm xúc cảm tự tâm tư vừa được nàng khơi dậy qua đôi tay tuyệt vời với tiếng đàn réo rắt của nàng thì lạ chưa, dường như có tiếng người văng vẳng đâu đây. Nàng có nghe lầm chăng? Bến vắng tha phương này đã bao đêm âm thầm lặng lẽ giống như đời sống của nàng, sao hôm nay, khuya khoắt dường này,có điều gì bất ổn chăng? Tiếng chèo khua nước ngày càng gần hơn và hình như…, hình như …họ đang cao giọng hỏi nàng thì phải…Té ra họ đang đi tìm xuất xứ của tiếng đàn nàng. Cầm Nương ngập ngừng, có nên cho họ biết là mình vừa đàn hay không? Là quen hay lạ, là dữ hay lành? Cầm Nương hắng giọng, toan lên tiếng rồi lại thôi. Ích gì đâu, một tiếng đàn lạc lõng cô đơn đã trải bao sông nước đìu hiu rồi cũng sẽ lại trải thêm những đìu hiu sông nước cho đến lúc nào đó không còn tinh diệu nữa thì thôi, chẳng có gì thay đổi nữa đâu, là lạ hay quen, nào có gì trọng đại !

Nhưng kìa, tiếng chèo khua sóng dường như đang ở đâu đó quanh thuyền nàng, và tiếng người hỏi han vẫn cao giọng, chân thành. Cầm Nương tần ngần một đỗi. Chao ôi! Tâm hồn mẫn cảm như nàng sao có thể làm ngơ cho được. Cầm Nương cất giọng hồi đáp :
– Là dân phụ, là tiếng đàn của dân phụ, xin hỏi quý quan nhân có điều chi chỉ dạy”.
– Chúng tôi, hai khách nhàn du, nhân lạc bước qua đây, nghe được khúc đàn tuyệt vời của tôn nương, muốn thỉnh tôn nương tương kiến.
Chao ôi! Tương kiến nữa à? Thật khó cho nàng quá, nàng đâu phải là một ca kỹ đàn ca múa hát để mua vui cho khách hào hoa như ngày nào nữa chứ. Nàng bây giờ đã là Nương tử của trượng phu nàng, tương kiến cùng kẻ xa lạ, e là nàng sẽ lỗi đạo chăng? Huống nữa, ngày xưa dù còn là một ca kỹ nhưng đâu phải ai cũng có thể tương kiến cùng nàng, cũng đâu phải hễ ai bỏ ra nghìn vàng là có thể nghe được tiếng đàn của nàng(1), lui tới với nàng thường chẳng phải là hạng tục khách. Nàng cất giọng thưa trình:
– Xin quý quan nhân rộng tình lượng thứ, thật là thất lễ, dân phụ thiếp không thể đáp ứng thỉnh cầu. Dân phụ vốn là hữu chủ chi hoa nên không thể tùy tiện tương kiến người xa lạ.
Im lặng một lúc, Cầm Nương nghe một giọng nói chân thành trịnh trọng cất lên.
– Xin tôn nương hãy yên tâm, chúng ta đây thật ra cũng không phải người xa lạ. Ta, Hương Sơn Cư Sĩ, tính Bạch danh gọi Lạc Thiên, cũng chính là quan Tư Mã Giang Châu sở tại, từ đế kinh bị trích giáng đến đây. Ðã hai năm qua, Bạch ta chưa từng nghe được những điệu nhã nhạc thánh thót du dương tựa như ở chốn tiên cung này, ngưỡng mộ người đồng điệu nên mới tìm đến mong thỉnh kiến tôn nương, quyết không dám làm điều chi mạo phạm tôn giá.
Cầm Nương ngẩn người khi nghe khách lạ xưng hô danh tánh. Phải chăng đó là thi nhân nức tiếng đương thời Bạch Cư Dị (2) ở đế đô? Làm sao mà người lại lưu lạc tha phương mãi tận chốn này? Nếu thực đúng là người ấy thì chắc chắn không phải là kẻ phàm phu tục tử rồi. Tuy rày đây mai đó theo thuyền buôn của trượng phu trên khắp Ðại Giang nam bắc(3) nhưng nàng vẫn có dịp được nghe phong thanh lời ca ngợi tài đức của vị danh sĩ họ Bạch này. Nàng từng nghe rằng người đối với chị em giới kỹ nữ tuyệt không có lòng rẻ rúng khinh khi như hầu hết khách mua vui chức trọng quyền cao nhiều tiền lắm bạc khác. Không biết hư thực thế nào, âu là, hôm nay nàng mạo muội diện kiến một phen cho biết giả chân.
***
Hàn lộ dạ quân quy,
Cầm nguyệt lạc kiều bi.
Thủy miên thâm dạ trạo,
Phù vân quyển thanh y.

Người về sương lạnh canh thâu,
Ðàn tôi nhỏ giọt bên cầu rụng trăng.
Chèo khuya sông nước miên man,
Áo xanh một phiến bàng hoàng mây trôi.

Tiếng chèo khua nước xa dần rồi mất hẳn.
Mặt sông trở lại nỗi mênh mang tịch lặng ban đầu, cái mênh mang tịch lặng trước khi có hai con người đến đây khoấy động những ngày đêm âm thầm một bóng của nàng. Cầm Nương thở dài thán tức. Họ đã đi rồi! Và chắc có lẽ không bao giờ trở lại nữa đâu. Ðó là tính chất của cuộc đời, nàng vẫn thường biết vậy, có gặp gỡ nào mà không kết thúc bằng chia xa, có hợp nào mà không tan. Cuộc đời nàng đã chứng kiến biết bao tương ngộ phân ly, biết bao hợp tán. Nhưng mà,tương ngộ phân ly lần này chắc chắn sẽ để lại cho nàng những tháng ngày còn lại khó nguôi ngoai. Từ nay, đêm đêm nàng sẽ cưu mang thêm một nỗi đợi chờ khắc khoải khác dù nàng biết là vô vọng. Nàng và họ …bình thủy tương phùng…bèo nước gặp nhau …rồi…nước trôi dòng nước, bèo trôi đời bèo, trong muôn một dễ đâu mà có cơ hội tương ngộ lần thứ hai. Vả lại, hãy còn một khoảng cách lễ nghi, cho dù người ấy có trở lại để nghe tiếng đàn của nàng thì mọi việc cũng sẽ diễn ra trong âm thầm lặng lẽ mà thôi. Chao ôi! Nếu được như vậy thì cũng không uổng phí cho tiếng đàn của nàng, nàng nào mong muốn gì hơn. Hỡi ơi ! Lão thương thiên trớ trêu chi bấy! Sao lại khơi dậy trong lòng nàng những hồi ức xa xăm tưởng chừng như đã chìm lắng mất hút dưới tận đáy sông sâu vực thẳm kia. Những đêm dài trở trăn mộng mị cùng ký ức đầy hình ảnh một thời huy hoắc đã xâu xé tâm tư nàng quá đủ rồi, huống hồ, đêm nay, một bậc đương thời danh sĩ đã rơi lệ đầm đìa vì cảm khái tiếng đàn của nàng, một thiên trường thi vì nàng mà tác xuất. Nàng tự biết rằng mình sẽ lại phải trải qua lắm đêm dài mộng mị từ đây. Người lữ khách không mời mà đến, thân thế phi thường kia đã chẳng nề hà đẳng cấp hạ cố đến nàng mà thốt nên câu “Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhân” há không đáng để cho nàng cảm kích muôn phần sao. Huống nữa, nàng, một đóa hoa phấn nhạt hương phai, chút cầm nghệ riêng tư của nàng so với bọn đương thời danh kỹ ở chốn đế đô cũng đã trở thành lỗi điệu mất rồi. Vậy mà, người ấy, một người đã từng lai vãng biết bao nhiêu là trà đình tửu quán, giao kết biết bao nhiêu là hào môn vọng tộc, xuất nhập đế khuyết biết bao nhiêu triêu mộ, lại có thể vì thân phận của nàng mà nhỏ lệ rơi châu ướt đầm tấm áo. Lòng nàng ngập tràn nỗi cảm kích. Tri âm trong trời đất thực hiếm hoi, khó gặp khó tìm. Tâm sự trùng trùng của nàng không ai hay biết, vậy mà người chỉ nghe vài tiếng đàn của nàng là đã lập tức thấu suốt. Nàng có nói muôn lời nghìn chữ cũng không nói hết được lòng cảm kích chân thành. Chỉ ân ân cần cần nghiền ngẫm cái câu “Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhân – Cùng một lứa bên trời lận đận” là đã đủ khiến nỗi tịch mịch trong lòng nàng vơi đi, là đã đủ cho nàng tâm trung mãn nguyện, mai sau bèo dạt hoa trôi chung cuộc thế nào cũng mặc, một lần gặp gỡ trong đời như thế là đã quá xứng đáng để bù đấp cho chuyện mất còn nhân thế. Nàng cảm kích, cảm kích muôn vàn …

Thiên địa tri âm dĩ thậm hi,
Tâm sự mang mang nhân bất tri.
Chỉ thính cầm thanh quân triệt ngộ,
Hựu năng vị ngã tác trường thi.
Ða tạ quân ân đối ngã trân,
Thiên ngôn vạn ngữ bất trần chân.
Chỉ nãi ân cần tham nhất cú,
“Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhân”(TBH)
Dĩ năng thỏa ngã vọng tâm trung,
Lưu thủy phù bình nhiệm sở chung.
Nhất sinh trần thế nhất tương hội,
Khả thích nhân gian bổ tồn vong.

Tạ Khách Tri Âm

Than ôi !
Tri âm trời đất hiếm hoi,
Nao nao tâm sự ai người biết cho.
Người nghe suốt một tiếng tơ,
Lại vì ta phổ thành thơ vắn dài.
Tạ ơn tấc dạ quan hoài,
Ngàn lời vạn chữ khó bày lòng chân.
Một câu nghiền ngẫm ân cần,
“Bên trời lận đận đôi đàng khác đâu”
Ðủ ta thỏa nguyện thâm sâu,
Bèo trôi nước chảy mai sau mặc lòng.
Kiếp người một buổi tương phùng,
Thế gian san lấp tồn vong cũng vừa.

Chao ôi !
Có ai biết được rằng buổi hội ngộ trăng nước Tầm Dương kia đã để lại cho hậu thế cả ngàn năm sau một áng văn chương tuyệt tác mãi làm rung động lòng người. Nhưng mà có thực là đã xảy ra buổi tương ngộ ấy chăng? Hay chỉ vì muốn ký thác tâm sự thầm kín khó nói trước những thế lực của cung đình và sự hàm hồ của một đấng quân vương mà tác giả đành phải mượn lời kỹ nữ để ví với thân phận của mình ??? Ai mà biết được !

Hạt Cát

Chú thích:

(1)Nghề kỹ nữ : Khái niệm “nghề”, theo nhà kinh tế học Thomas Robert Malthus, người Anh, là một cái gì có lợi cho bản thân, vừa có ích cho xã hội. Và nếu hiểu theo cái nghĩa nghiêm túc đó thì kỹ nữ không thể là một nghề. Kỹ nữ, người con gái làm nghề bán phấn buôn hương, còn có nghĩa là ả đào, con hát. Nếu người ta có thể chấp nhận ả đào con hát là một nghề thì người ta khó có thể chấp nhận được chữ nghề trong cái người ta gọi là bán phấn buôn hương. Trong thơ của Đỗ Mục, kỹ nữ còn được gọi là “thương nữ”:

Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng hậu hoa đình
(Đỗ Mục – Bạc Tần Hoài)
Nói thì nói thế nhưng trong xã hội Trung Hoa ngày xưa, một xã hội vốn coi người phụ nữ là đồ chơi của đàn ông, có thể dễ dàng mua, bán, bắt cóc, sang nhượng hoặc đem làm quà tặng giữa những người đàn ông với nhau thì sự xuất hiện của nghề kỹ nữ cũng là điều rất bình thường, thậm chí được coi là hợp lý.
Nghề ký nữ có từ thời nào? Người ta khó mà xác định được thời điểm xuất hiện của nghề này, tuy nhiên cũng có thể khẳng định được nghề này gắn liền với chén rượu câu khách, mời khách đàn ca làm vui và bán dâm cho khách. Theo tư liệu của ông Nguyễn Tôn Nhan đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay, ông tổ của nghề kỹ nữ là Bạch mi thần. Thần mày trắng có thể là Hồng Nhai tiên sinh, tên gọi Linh Luân, bầy tôi dưới thời vua Hoàng Đế, người làm ra âm luật đã được ghi trong Lã Thị xuân thu của Lã Bất Vi thời Tần. Thần mày trắng cũng có thể là Liễu Đạo Chích, thời Xuân Thu; Quản Trọng (Quản Di Ngô), thời Xuân Thu, người có công lập ra 700 nhà chứa gái để đàn ông đến mua vui, thu tiền lời để lo tiền quân quốc cho Tề Hoàn Công; cũng có thể là Lã Động Tân trong nhóm Bát tiên, nhân vật chuyên dạy hát kiêm trị bệnh hoa liễu cho phụ nữ làng chơi. Trong bất kỳ thời đại vua chúa nào ở Trung Hoa, nghề kỹ nữ cũng vẫn được hoạt động, các “viện” chứa gái vẫn mọc lên ở khắp nơi.
………… Kim Dung cũng cho biết các cấp bậc trong các kỹ viện ở Dương Châu. Má má là chủ viện, người bỏ tiền ra mua gái về, có toàn quyền sinh sát đối với các cô gái. Mụ đầu là những người đàn bà lớn tuổi, chuyên môi giới giới thiệu, làm môi giới mại dâm. Kỹ nữ là người trực tiếp bán dâm trong các kỹ viện, lại kiêm nhiệm vụ mời khách uống rượu và kêu đồ nhậu. Công việc của họ là khuyên khích bọn khách chơi xài tiền càng nhiều càng tốt. Hoa nô là những chàng trai cô gái có nhiệm vụ phục vụ các công việc vặt trong kỹ viện: nấu nướng thức ăn, pha rượu, dọn bàn ghế, mua đồ ăn cho kỹ nữ và… đánh đập những cô gái nhà lành, dằn mặt họ nếu họ không chịu bán trinh, không chịu tiếp khách.
Nhưng thật ra, kỹ viện không chỉ là nơi mại dâm. Nếu trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, bọn hào sĩ giang hồ bị bọn quan binh truy nã; người bị thương lánh vào kỹ viện trị thương, thì trong thực tế, các danh sĩ thường tìm đến kỹ viện để nghe hát làm thơ, rồi dạy các kỹ nữ hát những bài thơ của mình thành nhạc phổ. Kỹ viện trở thành nơi nương náu của những tâm hồn cô độc, của những người bị vua chúa lưu đày. Trong những trường hợp đó thì kỹ nữ trở thành người bạn tri âm. Chúng ta đã từng biết Bạch Cư Dị bị giáng làm Tư Mã Cửu Giang, đã từng làm bài Tỳ bà hành ca ngợi tiếng đàn của một kỹ nữ dài 622 câu. Triong phần đề tựa, Bạch Cư Dị đã viết: “Năm Nguyên Hoà thứ mười (816), ta bị giáng làm Tư mã huyện Cửu Giang… tiễn khách ở bến Bồn, giữa đêm nghe tiếng tỳ bà ở trên thuyền… hỏi ra thì đó là ca nữ ở Trường An” Tác giả ngồi nghe tâm sự của người ca nữ đó. Bản thân người ca nữ đó là một nhân vật có học, có lòng tự trọng, không phải khách nào mời cũng ra.
Di thuyền tương cận yêu tương kiến
Thiên tửu hồi đăng trùng khai yến
Thiên hô vạn hoán thi xuất lai
Do bão tỳ bà bán già diện(TBH)
(Ghé thuyền đến cạnh chào mời
Khêu đèn thêm rượu lại bày tiệc hoa
Nằn nì mời mãi mới ra
Ôm đàn che nửa mặt hoa thẫn thờ)
(Trân Trọng Kim dịch)
( Theo Vũ Đức Sao Biển trong “Kim Dung giữa đời tôi” )
(2) Bạch Cư Dị: ( 772 – 848) đại thi hào đời Ðường,tác giả bài thơ Tỳ Bà Hành,nguyên uỷ của câu truyện ngắn này.
(3)Tầm Dương: Khúc sông Trường Giang chảy qua tỉnh Giang Tây, thị trấn Cửu Giang

Hạt Cát