Chu Tất Tiến
San Jose
Có Gì Lạ Không Em ?
Có lẽ trong số dân trung niên, tầm tầm, rất ít người không biết đến câu: “Paris có gì lạ không, em?” Hồi ấy, nghe câu thơ này, tự dưng trong hồn thấy cơn lãng mạn dâng trào, con trai thì phải làm ngay một ly cà phê cho đã, hoặc “rít” một hơi thuốc lá cho tới tận cuống, rồi bâng khuâng nhả khói chầm chậm, nhẹ nhàng để làn khói bay lảng vảng trong không một lúc rồi mới tan đi. Còn con gái? Nho nhỏ thì ôm lấy cuốn “Lưu bút ngày xanh” vào lòng, mắt lơ đãng nhìn vào những tấm hình bạn bè và những dòng chữ thân thương, để nhớ đến cánh bướm vàng khô ép trong cuốn vở trắng tinh, những lời gán ghép đỏ mặt,và những giây phút vui đùa rũ rượi bên nhau. Nhớn nhớn một chút thì cắn môi, tay vân vê những sợi tóc dài buông thả trên bờ vai, nhìn qua cửa sổ, hướng về phía cánh cửa nhà của “chàng” cách đấy không xa, lắng nghe tiếng đàn ghi-ta chập chững của chàng mà tơ tưởng đến một thành phố diệu vợi bên trời Tây biền biệt kia, có dòng sông Seine lờ lững uốn quanh phố thị như cánh tay của nàng Venus đa tình đang vươn ra, mời mọc.
Nhưng rồi, thời gian qua, có dịp đến Paris, để thấy Paris chẳng có gì lạ cả! Y hệt như trong những tấm “carte postal” ngày xưa. Dù hai, ba chục năm trôi qua, Paris vẫn thế, vẫn nóc thánh đường cổ kính, vẫn tháp Eiffel xương xẩu, và những con đường chật hẹp chỉ đủ lọt một chiếc xe hơi và một chiếc xe đạp. Dân Paris đi làm, ăn mặc chững chạc, “complê, cravát”, nhưng tay lại cắp một ổ bánh mì dài thòng không nhân, cuộn trong một tờ giấy vàng ố. Ðường xá nhiều xe, nhưng đa số là xe tàn và tắc xi, những anh tắc xi “chém” bạo hơn máy chém thời Robespiere, vừa bước lên xe đã thấy đồng hồ nhẩy vài đôla rồi; hỏi tài xế thì cho biết đó là tiền “baga”, nghĩa là tiền chở đồ! Vào tiệm uống cà phê thì coi chừng cà phê Paris làm loãng máu, vì giá dành riêng cho du khách được tính đặc biệt, uống xong một ly thì xây xẩm mặt mày, máu tan ra như nước. Nếu đói bụng mà muốn thưởng thức cơm Tầu, Paris đãi khách bằng loại hủ tiếu không thịt, chỉ toàn bánh và nước. Muốn có thịt, phải kêu riêng một tô thịt riêng, giá tương đương với tô bánh. Paris chật hẹp, Paris không có nước xài thả giàn như ở Mỹ, dân Paris hai, ba ngày tắm một lần, nên nước hoa Paris bán đầy phố. Khách sạn Paris có hai loại: loại quyền quý, loại trung bình. Loại quyền quý thì không dám bước chân vào, sợ khi trả buồng, bước ra thì cụt cẳng. Loại trung bình thì chán phè, buồng chật, thang máy hẹp, phòng tắm bé tẻo tèo teo, nhìn khăn trải giường không dám nằm úp mặt xuống. Bởi vậy, Paris chẳng có gì lạ cả. Chắc thêm ba chục năm nữa, Paris vẫn là một vũ nữ về chiều, ngồi trên ghế đá, lắc lư đầu nhìn khách vội vã bước qua.
Trong khi đó, thì tại Tiểu Bang miền viễn Tây này, có một thành phố mà lúc nào lên chơi cũng thấy lạ: San Jose!
Từ Orange lên miền Bắc, xe vượt qua những con đèo ngoằn ngoèo, rồi tới một khoảng dài xa lộ mà chỉ có một “lane”, đi ban đêm, tim đập thình thịch, chỉ sợ vừa quẹo ra là thấy lù lù một chiếc xe tải khổng lồ đâm sầm tới. Và những khúc xa lộ chạy trong thành phố, những vườn nho lẩn giữa những trang trại kiểu xưa đột ngột biến hiện trong những tòa nhà đang xây cất hiện đại. Rồi thung lũng hoa vàng từ từ hiện ra, rất sương khói, rất mờ nhạt, và rất lạ. Xa lộ cũng từng ấy “lane” mà hình như khác với xa lộ Orange, không diễn tả được. Cũng kẹt xe, cũng xe cộ nối đuôi nhau, nhưng một khi vào tới xa lộ San Jose rồi, thì cảm giác lâng lâng sao đó, không còn cảm thấy sự căng thẳng của lái xe lâu giờ, không thấy “road rage” làm muốn chửi thề liên tục, không thích bấm còi dầu người bên cạnh lái ẩu, mà chỉ muốn tha thứ, muốn mỉm cười với người không quen. Sao vậy, nhỉ? San Jose có chi lạ mà mỗi lần lên, lại như trẻ hẳn ra? Quán ăn San Jose cũng bàn, cũng ghế, cũng phở, cũng bún bò Huế, cũng hủ tiếu, cơm tấm, nhưng hình như bà chủ San Jose dễ thương hơn, tươi mát hơn, nên thức ăn có vị đậm đà hơn.
Quán cà phê San Jose buổi sáng vắng hoe, không ồn ào như Orange, nên thưởng thức một ly nong nóng vào lúc sương còn lảng vảng trong hồn, thấy như cà phê San Jose độc nhất vô nhị. Trong cà phê có pha sương, trong sữa đậu nành có chút gió, trong tô phở có nụ cười. Giá sống ở đây trắng nuốt như nàng sơn nữ Phà Ca, rau răm ở đây nhấp nháy như cặp mắt ai Quan Họ. Aên uống ở đây, tình tứ và lãng mạn hơn Paris nhiều.
Buổi tối, lái xe đi vòng vòng thành phố, thấy San Jose như cô thiếu nữ kiều diễm, nửa Tây Phương, nửa Châu Á, thay đổi mầu áo từng giờ, từng phút. Những quán sách, dĩ nhiên ít sách hơn ở Orange, nhưng lại cám dỗ vô cùng. Những chợ, những quán “to go”, dĩ nhiên nhỏ hơn Orange, nhưng lại đầm ấm hơn, thân thiết hơn, bước vào chỉ muốn mua một chút gì đó, rồi tần ngần bước ra, muốn để một chân lại trong cửa. Hình như khí hậu ẩm ẩm, lành lạnh làm cho San Jose có một không khí lúc nào cũng lạ.
Như thế, đến San Jose rồi là không muốn về, dù San Jose đất chật, người đông. Nhất là một hôm, San Jose tặng cho một kỷ niệm đẹp, mãi mãi không quên. Chiều Chủ Nhật ấy, San Jose mưa như mưa tháng Bẩy, người Orange đi lễ tại một ngôi nhà thờ cổ kính nằm giữa lòng thành phố. Orange đậu xe lại, giương dù định bước ra, chợt thấy ngay bên cạnh, San Jose cũng vừa đậu xe, mà ngập ngừng nhìn lên trời, đếm những hột mưa ào ào rơi xuống như những sợi chỉ thủy tinh trắng trong. San Jose quên dù ở nhà mất rồi! Orange suy nghĩ trong một giây, rồi bước đến cạnh xe San Jose, gõ cửa nhè nhẹ, rồi lấy tay chỉ chỉ vào cây dù. Cặp mắt nai San Jose mở to, ngần ngại trong giây lát rồi khép nhẹ. Cánh tay nhẹ nhàng đưa xuống mở cửa. Cây dù của Orange nghiêng vào, che mái tóc, rồi che cho cả chiếc váy đen dài của San Jose. Từ ấy, dưới mái dù ấy, chân Orange và San Jose đi cạnh nhau, tránh vũng nước này, nhẩy lên viên gạch nọ, lách qua bụi cây, bước lên thềm giáo đường. Tới dưới mái hiên, dù gấp lại, và nghe rõ tiếng cây dù thở dài. Sao mưa không tạt vào ướt cả thánh đường để dù được giương lên mãi? Dù bâng khuâng, và ráng mỉm miệng cười khi nghe tiếng “thanks” nhỏ nhẹ, ngân vang trong lòng dù.
Thánh lễ hôm ấy hình như dài hơn mọi hôm. Cha giảng hình như hơi nhiều, người ta chịu lễ hơi đông. Và rồi, chờ mãi thì cũng thấy lễ tất. Bước ra khỏi cửa, gặp ngay cặp mắt San Jose đang đứng chờ. Vẫn lặng lẽ, không một lời chào, không một gật đầu, dù giương cao, che cho mái tóc San Jose khỏi ướt, và lại trở lại con đường cũ. Không, không phải, đường này sai rồi, tại cây dù lúng túng nên đi lạc rồi, không thấy xe đâu. Hay Orange cố tình đi lạc? Không phải đâu, Orange đang cố dõi mắt tìm xe chứ! Ðây, đây rồi. Xe San Jose đậu cạnh xe Orange đây. Cánh cửa mở ra, San Jose bước vào và ngước lên nhìn. Mắt San Jose mở lớn đến nỗi Orange thấy cả mình trong đó. “Thanks.” Tiếng nói thứ hai và là tiếng cuối cùng. Xe San Jose từ từ chuyển bánh. Orange bỗng tự nhiên thấy mình già hẳn. Mới phút trước là chàng thanh niên trung niên, hùng tráng, mạnh bạo; chỉ phút sau, chân đã lập cập kiểu ông già tám mươi, tay rung rung cắm chìa khóa mãi mà không vào, đóng cửa mãi mà không kín, “đề” mãi mà xe không nổ máy làm nước mưa tung tóe vào, ướt cả tóc tai… Tự dưng, Orange muốn ngâm câu thơ cuối của một bài thơ xưa: “Orange ơi! Hồn ở đâu bây giờ?” nhưng thấy một câu thơ không đủ, người Orange bèn phải viết nguyên một bài thơ tặng cho San Jose như sau:
San Jose có gì lạ không, em?
San Jose có gì lạ không, em?
Hình như, ở đó, tóc em rất mềm
Hình như gió núi làm em mỏng
Ðêm lạnh, thở dài, bỗng lạnh thêm.
San Jose có gì lạ không, em?
Cà phê buổi sáng chưa đã cơn thèm
Nhìn qua cửa sổ, như chim sâu nhỏ
Nửa muốn nằm vùi, nửa muốn bay lên
San Jose có gì lạ không, em?
Quán xá về khuya, khách ngồi như thiền
Thinh lặng ngó hồn theo dòng nhạc
Thơ thẩn về nơi rất thân quen
San Jose có gì lạ không, em?
Chủ Nhật, mưa bay, đi dù rất hiền
Chân “ma sơ” chạm chân trần thế
Anh bỗng thèm một vòng lưng êm
San Jose có gì lạ không, em?
Giữa ban ngày mà lòng như đêm
Giọt mưa hôm ấy còn lành lạnh
Cánh cửa nào đã khép lại hồn em?
Và San Jose lúc nào cũng lạ
Người tình lúc nào cũng lãng đãng xa
Ðến hoài mà vẫn như tờ giấy trắng
Chưa nụ hôn nào nóng bỏng môi ta…
Xin Đừng Yêu Tôi
Như tiếng gọi của lá cây buổi tối
Như lời ru của gió lúc hoàng hôn
Như bài ca chim hót một chiều buồn
Tôi muốn nói:
Xin đừng yêu tôi nữa
Những lớp sóng mặt hồ đang lặng lẽ
Xin đừng dâng làm thác chẩy tràn bờ
Những trưa hè đang bình lặng, đơn sơ
Xin đừng vẳng tiếng ồn ào đất lở
Tiếng trái tim đập nhanh hơn nhịp thở
Đã phập phồng như muốn vỡ không trung
Xin đừng cho tôi giọng nói ấm vô cùng
Thôi, em! Thôi!
Tôi và em,
Xa xôi lắm, không bao giờ gặp gỡ
Hãy để yên, minh tuy cùng thở
Nhưng, bao nhiêu ngăn cách trùng trùng
Và, xin đừng quên, tuy Chúa bao dung
Nhưng tội lỗi, khó được Người tha thứ
Vậy, thôi, đừng yêu tôi,
Đừng yêu tôi, em nhé..
Chim Hót Trong Lồng
Ngày Tết, đi tản bộ dòng dòng quanh các chợ Hoa Bolsa, bất ngờ gặp Thầy Tư Bolsa cũng đang ngao du quanh mấy chậu hoa. Người viết vội khom người cúi chào:
-Cha chả! Hôm nay Thầy Tư hưỡn đãi dữ? Không ở nhà với Cô Tư nấu bánh tét như mọi năm ư?
Thầy Tư nhướng cặp kính cận lên:
-Nấu hôm qua rồi. Hôm nay đi ngắm hoa.
Người viết cười tủm:
-Ngắm hoa chi? Hoa biết nói hay hoa không biết nói?
Thầy Tư hỉnh mũi lên:
-Tao đâu có còn trẻ như mày đâu mà ngắm hoa biết nói! Ngắm hoa thiệt sướng cặp mắt hơn. Thời buổi này, hoa biết nói nó lạng quạng lắm. Một là nó mê mày, hai là nó chê mày. Không có thái độ đứng giữa, nghĩa là không có thành phần thứ ba.
Người viết cười hì hì:
-Thầy Tư Bolsa đã sấp xỉ bẩy bó rồi, mà còn lanh miệng chán! Thôi thì mời thầy đi cà phê “Quên Đi’ làm một phát cà phê chơi.
Thầy Tư Bolsa lại hỉnh mũi:
-”Dĩ Vãng” tao còn không tới nữa là “Quên Đi”! Quên làm quái gì! Nhớ thì sướng hơn chứ! Người mất trí nhớ thì còn chi là người!
Thấy Thầy Tư hôm nay hơi cộc cằn, có lẽ Thầy Tư mới bị Cô Tư quạt cho một vố. Thế thì đành rủ Thầy Tư hôm nay làm một ly cà phê ở tiệm cà phê nhạc… Thầy Tư nhận lời liền.
Hai thầy trò bước vào quán nhạc hơi vắng khách. Có lẽ tại cà phê không ngon. Nhưng không sao, cứ thử xem.
Cô chủ quán bật nhạc theo ý Thầy Tư. Thầy có vẻ như khoan khoái lắm, ngồi dựa ngửa người theo tiêng nhạc.
Hôm nay được nghe bản nhạc “Cô Láng Giềng” trong cát-sét do một ca sĩ nam Bắc kỳ thượng thặng hát : “Hôm nay, trời xuân bao tươi thắm, dừng gót phiêu lưu về thăm nhà, tôi bước trên con đường đầy hoa..”, người viết thấy “phê” quá. Giọng anh ca sĩ này nghe sao mà ngọt, mà ấm áp, làm người nghe tưởng chừng đang lững thững xách cây đàn ghi ta đi trên một con đường quê, có bướm vàng lượn quanh, có sáo diều vi vút, và những lữy tre xanh mượt mà vươn mình trong gió. Rồi cũng từ những câu hát muợt mà đó mà nguời nghe thấy cả một trời lãng mạn thuở nào trở về, những mơ mộng cuả chàng trai mới lớn về những thoáng mắt ai lấp ló bên kia rào, về một bóng dáng thuớt tha vừa luớt qua cánh cửa sổ mở rộng, về một tràng cuời khúc khích nghe vưà ngọt vừa thanh như khi cắn vào một quả mận Đà Lạt mới chín đỏ. Bất ngờ, đang chơi vơi với mộng với mơ, chợt tim người nghe thót lại, làm bật dậy, ngơ ngác như vừa bị ai đó đánh một cú đấm trúng tim. Tiếng hát của anh ca sĩ vang lên: “Cô Lán Giền ơi! Không biết cô còn nhớ đến tôi..” Trời đất! hát gì mà kỳ dậy, anh hai? Tiếng Việt làm gì có “Cô lán giền”! Chỉ có “Cô láng giềng” thôi! Hay là tại băng bị hư? Hay là tai mình bắt đầu… lãng?
Thầy Tư hình như cũng cùng một tư tưởng. Thầy ngồi thẳng người lên, giơ tay ra hiệu:-Ngừng lại! Ngừng lại! Quay lại, nghe lại!
Hồi hộp… Giọng ca trầm ấm kia lại cất lên: “Cô .. lán.. giền.. ơi… !” Thôi rồi, không biết anh chàng này bị lai tiếng nuớc nào đây? Mỹ lai thì không phải? Tây lai? Lào lai? Camphuchia lai?
Người viết bực dọc:
-Thầy thấy chưa? Chán nản quá! Trời ạ! Tiếng Việt mình đâu đến nỗi tệ vậy. Nghe mà bắt cái mình!
Thầy tư lẩm bẩm như nói một mình:
-Chưa hết đâu. Mày mà nghe mấy cô ca sĩ ký-điệu hát thì còn bực hơn nữa. Rồi thầy Tư kể:
-Hồi trước đó, tao đang say sưa nghe mấy cô ca sĩ Bắc kỳ hát một bên Tân Nhạc cũng viết bơỉ mấy anh nhạc sĩ “ăn cá rô cây”, mà tự dưng cô ca sĩ lại nhái giọng nguời Nam để ngân lên rằng: “Những chiều hôn có em, phố nhỏ buồn hoan vắn..” hay “thuơn.. em thì thuơn.. rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làn rồi!” ,tao nổi cơn giận quá! Nguời ta thuờng nói: “chửi cha không bằng pha tiếng!” Hát tân nhạc Bắc thì cứ hát cho đúng chữ, đâu có sao đâu mà không hiểu lý do gì cứ phải uốn giọng đi một cách kỳ cục như vậy? Đâu có hay hơn hay hấp dẫn hơn? Nguợc lại là đằng khác.
Rồi thầy Tư giận dữ nói luôn một hơi:
-Thông thuờng, với những bài hát có tính cách dân ca Nam Bộ, hay sáng tác tân nhạc nhưng theo kiểu Nam Bộ như “còn thuơng rau đắng mọc sau hè”ø, “chiếc áo bà ba”.. thì những chữ hát cắt xén như thế đó cuả nguời Nam lại rất “tình”, rất lãng mạn, mà nếu hát đúng văn phạm lại đâm ra khô khan và không diễn tả nổi cái dễ thuơng cuả những câu tình tứ cuả nguời Nam! Những bài tình ca đuợc trai gái hát ở trên sông rạch miền Nam, hát trong những dịp hội hè, hát trong chuơng trình cải luơng, tuồng cổ, hay những bài thuần tuý miền Nam mà hát “không” là “không” sẽ chẳng thể hay bằng hát chï “khơng” thành “hôn” hay “hông”. Như câu “hổng biết ăn có thuơng em hôn?” nghe rạo rực và mát lòng, trong khi nói “không biết anh có thuơng em không?” nghe khô khan và chán ngắt. Nhiều bài ca khác diễn tả cảnh đồng quê miền Nam thì bắt buộc phải hát lai giọng Nam Kỳ, nghe mới thật là đã. Đối lại, với những bài hát “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh..” mà hát thành “Làn tôi có cây đa cao ngất từn xanh”, hay hát rằng “từn là từn là khi không mà có..”, hoặc “từn cho không, biếu không..” thì thật là quái đản. Chữ “từn” trong câu truớc nguyên gốc là “từng”, hai chữ sau nguyên gốc là “tình”, khác nhau thật xa, không thể nhập nhằng đuợc. Dĩ nhiên cũng có truờng hợp ngoại lệ, chẳng hạn như câu: “Ai cho tôi tình yêu..” mà hát là: “Ai cho tôi từn yêu..” có thể chấp nhận đuợc, nghe thấy dễ thuơng nếu cô ca sĩ là nguời Nam thực sự, không phải Bắc Kỳ giả giọng.
-Thế thì… Thầy có thể cho biết tại sao mà mấy anh, chị ca sĩ cứ phải đổi giọng như vậy không?
-Tao cũng không biết! Tao chỉ biết có nhiều nguời hát tiếng Bắc mà không dám buông những chữ “g” ở sau cùng, hình như sợ nếu buông chữ “g” xuống thì xui xẻo hay sao ý. Cho nên họ hát “thuơng” thì hát bằng “thuơn”, “tháng” thì hát bằng “thán”, (Bây giờ thán mấy rồi hỡi em?), vànhư truờng hợp ở trên, “láng” đổi ra “lán”, “giềng” lại thành “giền”.. Nghe muốn phát sùng luôn! Hát vậy thì thà làm luôn một hơi “lói thì nắm, nàm thì nuời, nàm không chất nuợng mà cứ đòi ăn lo” cho nguời nghe biết rằng mình đang biểu diễn một bài hát Bắc kỳ, theo giọng nguời “quan họ Bắc Linh” cuả chúng em cho rồi!
Thầy Tư làm một hơi cà phê rồi tiếp:
-Ai cũng biết rằng một khi đã thành ca sĩ là phải mất bao nhiêu thời gian tập luyện, sáng trưa chiều tối, hát thử giọng xem có hợp với bài hát hay không, rồi mới tập hát cho thuộc, thuộc rồi, phải tập cho điêu luyện, cho ngọt ngào, xong lại tập với giàn nhạc. Như vậy thì thời gian tập một bài phải nhiều lắm, thì dứt khoát không thể quên sót, lạc giọng đuợc, và nếu có những sai sót trong cách phát ầm thì cũng dứt khoát là do ca sĩ cố tình tạo ra như thế. Vậy tại sao lại biến đổi chữ Việt trong cách phát âm theo kiểu như thế đó để làm gì? Phải chăng là làm điệu cho khác nguời? Nhưng làm điệu mà làm cho nguời ta say thì tốt, còn nguợc lại, điệu rơi điêụ rụng như thế chỉ làm cho nguời nghe hết hồn hết “diá”, chạy vắt giò lên cổ.
-Chu choa! Thầy Tư hôm nay nÕổi hứng-Tết hay sao mà lên lớp dữ quá?
-Lên lớp cái gì đâu? Tại bực cái mình! Để tao nói luôn cho mày nghe. Nói về hát sai, lại không thể không nói đến nhiều truờng hợp hát đổi “anh” thành “em” và nguợc lại. Có những bài hát dành cho nam ca sĩ hát mà thôi, nếu nữ ca sĩ hát mà đổi lời thì nghe rất quái. Chẳng hạn như câu: “Tôi yêu ly trà và điếu thuốc..” phải dành cho một giọng đực hát thì hợp lý thôi, đàn ông đa số uống cà phê, trà, và hút thuốc, nhưng một cô ca sĩ mà hát “tôi yêu đi dạo, uống trà, và hút thuốc” thì.. chắc mấy cậu đang say mê thần tuợng phải bỏ chạy xa. Bài “em đến thăm anh một chiều mưa” cũng chỉ dành cho nam giới. Tuởng tuợng một chiều “mưa dầm dề, đuờng trơn uớt tiêu điều” mà em lội mưa tới thăm anh, sao mà lãng mạn quá sức đi thôi. Đổi lại, nếu một cô đứng nhìn anh lội mưa tới thăm em, tầm lãng mạn bị giảm đi một nửa, và nếu “em uớc mong một chiều thêu nắng, anh đến chơi quên niềm cay đắng và quên đuờng về..” thì đúng “gu” cuả các chàng rồi, chàng khoái chí tử đi chứ, chả cần em mời lần thứ hai, nhào dô liền một khi, em văn minh tân kỳ quá trời, còn chi là lãng mạn theo ý tác giả nữa! Có nguời lại còn bạo gan hơn, hát rằng: “Tôi đến thăm em một chiều mưa..” Trời ơi là trời!
Tuy nhiên, đổi lời như vậy cũng chưa ghê bằng đổi nhịp điệu cuả các bài nhạc cũ có tính chất hơi cổ điển. Một truờng hợp khá phổ biến trong làng âm nhạc sau này là dùng những bài nhạc cũ nhưng chơi theo điệu giật cuả thời đại mơí. Bản nguyên thuỷ là “Slow”, chơi theo nhịp chậm 4/4, nghe dịu dàng và đã lọt vào tủ trí nhớ cuả những nguời trung niên đến cao tuổi rôì, tự nhiên chế lại “cha cha cha”, thành “paso”, thành nhịp 2/4 giật lắc như điên, nghe ghê cả nguời. Đáng lẽ những lời tình tứ lãng mạn của những tâm hồn đang yêu đuợc thổ lộ ra duới âm điệu nhẹ nhàng, lại bị nhạc giật biến thành những câu hùng hổ, mất hết ý nghiã. Tỷ dụ câu “em nhé! mình yêu nhau muôn đời!” khi đuợc hát nhẹ nhàng, nghe như lời thủ thỉ cuả hai kẻ e lệ yêu nhau thì dễ thuơng biết bao nhiêu, nhưng khi đuợc tiếng trống đánh phụ hoạ um xùm, tiếng đàn “bass” giật đùng đùng, anh ca sĩ nhẩy loi choi, phồng mang trợn mắt lên hát: “EM NHÉ! NHÉ! MÌNH YÊU NHAU MUÔN ĐỜI! ĐỜI!”, chẳng khác gì một câu hăm dọa “cô mà không yêu tôi thì cô chết với tôi! Tôi sẽ vác súng tới nhà cô, phơ cho cô một phát nát thây!!!”
Người viết cười ha hả. Thấy Tư đệm nốt câu cuối cùng:
-Âm nhạc vốn là phuơng tiện để giải trí, là một loại hình sinh hoạt tinh thần cần thiết cho đời sống con nguời vốn khô khan, vốn căng thẳng. Không có âm nhạc, đời sống chán ngắt, tẻ nhạt. Cho nên, vai trò cuả âm nhạc rất quan trọng, không nên dùng âm nhạc như một dụng cụ để phô truơng cá tính cuả mình, để “giật le”, cũng không nên làm giảm giá trị cuả âm nhạc bằng cách biến âm nhạc thành phuơng tiện chọc cuời thiên hạ.
Rồi Thầy Tư lại cười:
-Tao nhớ có một lần nghe kể chuyện một anh giám khảo cuộc thi hát kia khó tính quá! Có một cô thí sinh cũng hát cái kiểu bỏ chữ “dê” dưới, bị anh ta tương ngay một câu: “Cô hát điệu quá! Mà lại hát bỏ chữ “dê” dưới nữa! Tôi hỏi cô, nếu phải hát câu chim hót trong lồng thì cô hát làm sao? Cô kia mới đầu đứng đực ra, lẩm nhẩm một phút rồi tự nhiên đỏ mặt, ù té chạy vê nhà, méc mẹ!
Nói xong, Thầy Tư cười muốn sặc. Người viết cũng muốn tắc thở luôn. Phải bỏ chạy về nhà, nhưng vừa đi vừa lẩm bẩm: chim hót trong lồng, chim hót trong lồng! Ha ha ha!