Sài gòn trong tôi

Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!… Sài Gòn ơi!”

     Chiếc phi cơ của hãng hàng không Korea airline hạ thấp dần. Thành phố Sài Gòn hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh khổng lồ. Những con đường, những mái nhà lô nhô, những chiếc xe đủ loại chen chúc nhau ngược xuôi trên những con đường chật hẹp. Tất cả lớn dần, rõ dần rồi mất hút khi bánh phi cơ cọ xát trên đường băng, gầm lên như một con quái thú. Tôi bước theo dòng người tiến vào nhà ga phi trường. Làm thủ tục nhập cảnh xong, tôi thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều. (Tôi nghe nói những chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế thường đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất về đêm, nhưng chuyến bay 1940 này phải nằm lại phi trường Seoul một thời gian vì thời tiết xấu).
     Chiếc taxi đưa tôi về nhà người em gái nằm trong thành Ô Ma. Khi đến đầu con hẻm anh tài xế cho xe đậu lại nói con hẻm này nhỏ quá chạy vô không được. Tôi nài nỉ xin anh cố gắng vào nhà giùm chứ hành lý của tôi quá nhiều làm sao đi bộ được. Cuối cùng anh tài xế cũng cho xe chạy vào con hẻm. Chiếc xe nhích từng chút. Anh nhấn còi inh ỏi. Miệng càm ràm nho nhỏ những gì tôi không nghe được. Tôi chợt nhớ lại khi xưa cũng con hẻm này:

Vào một chiều:

     Ông Hai Sẹo ngồi trên chiếc chiếu cũ, trải ngay trên lề con hẻm dẫn đến nhà em gái tôi. Ông chỉ mặc một chiếc quần đùi, tay cầm cây quạt bằng lá buông, vừa phe phẩy cho mát vừa đập mấy con ruồi. Rất hiếm thấy Hai Sẹo ngồi uống rượu với bạn bè. Thường thì ông ngồi một mình với một xị rượu và một dĩa mồi nhỏ. Ông rất dễ dãi với mọi người, kể cả đám trẻ con thường hay nghịch ngợm, phá phách. Người ta gọi ông là Hai Sẹo vì trên mặt ông có hai vết sẹo nhỏ, còn tên thật của ông là gì thì không ai biết. Con hẻm nằm trong khu vực thành Ô Ma. Một số gia đình bỏ quê chạy về Sài Gòn kiếm sống. Họ đến đây dựng những căn lều nhỏ, nằm sát nhau. Lúc đầu độ chừng vài chục gia đình, nhưng dần dần, cả con hẻm không còn chỗ nào trống. Ban ngày, khu nhà ổ chuột này chỉ thấy trẻ em và người già. Chiều tối con hẻm mới trở nên ồn ào đông vui. Ông Hai Sẹo là người sau cùng đến cắm dùi ở khu ổ chuột này. Ông sống hòa đồng, cởi mở, vui vẻ với mọi người nên chẳng ai buồn để ý, tò mò, tìm hiểu đời tư của ông làm gì. Chỉ biết ông là người miệt lục tỉnh và đến sống ở đây một mình. Nghe nói ông làm công nhân khuân vác cho một kho hàng xuất nhập cảng tận trong Chợ Lớn. Có lẽ vì vậy mà người ta chỉ thấy ông xuất hiện vào buổi chiều, khi thành phố sắp lên đèn.
     Có một điều trùng hợp khá lý thú. Ở giữa con hẻm, nơi thường xảy ra những cuộc ẩu đả, giật xách những người đi bộ vào ban đêm, cũng có một ông tên là Hai Sẹo. Nhưng cái tên Hai Sẹo này được xác định lý lịch hẳn hoi, gần như mọi người ở đây đều biết rõ về cái quá khứ của lão. Để dễ phân biệt, tôi xin tạm gọi lão là ông Sẹo Ngực, bởi vì hai vết sẹo của lão nằm trong ngực, chéo lên nhau, hình như do bàn tay con người chứ không phải do một tai nạn nào đó gây ra. Mỗi lần uống rượu cao hứng, lão thường vạch áo ra và dõng dạc tuyên bố thằng Hai Sẹo này không ngán ai đâu. Bọn lính Lê Dương tao còn không coi ra gì ờ… ờ…
     Có lần ngang qua chỗ Hai Sẹo ngồi uống rượu, lại nhầm lúc lão Sẹo Ngực vừa vạch áo vừa la lối om sòm, ông Hai Sẹo nhìn tôi phân bua, cái quá khứ của hắn thúi hơn cứt, khai hơn nước đái mà lúc nào hắn cũng vạch áo ra cho thiên hạ xem. Ông trời cũng trớ trêu thật. Hai cái sẹo của hắn đáng giấu, hắn lại cứ khoe ra. Còn hai cái sẹo của tôi, nói thiệt nghe, nó rất xứng đáng được khoe ra, nhưng tôi muốn giấu lại không làm cách nào giấu được, hề… hề… ồ sẵn dịp, ngồi xuống làm một cốc chơi anh Hai.
     Tôi ngồi xuống ở một góc chiếu nói cảm ơn. Ông Hai sẹo cầm chai rượu rót vào cái chén nung bằng đất sét. Nét mặt ông thoáng một chút vui. Tôi nóc cạn chén rượu rồi nói bâng quơ, không cần đâu. Ông Hai sẹo nhìn chăm bẵm vào mặt tôi cất cao giọng nói sao không. Tôi ngước mặt nhìn trời. Bầu trời trước mắt tôi dường như bị thu hẹp lại thành một vệt sẩm đục vắt ngang đỉnh đầu. Tôi thở dài sườn sượt nói ở đời ai cũng có một vết tích gì đó để giấu và để khoe. Có người, vết tích hằn rõ bên ngoài. Có người lại chìm khuất bên trong. Nhưng dù trong, dù ngoài, dù xấu, dù đẹp gì rồi cũng khổ vì nó thôi. Ông Hai Sẹo dương cặp mắt sáng quắc nhìn tôi nói có chút triết lý. Tôi nói cộc lốc hình như vậy. Ông Hai Sẹo tò mò, anh nói giống như anh cũng có một vết sẹo đang nằm đâu đó. Có chứ. Nó nằm trong tim tôi. Ông Hai Sẹo nhìn theo một người đàn bà vừa mới ngang qua lẩm bẩm, cũng tại đàn bà cả. Ông chép chép miệng rồi quay qua tôi nói, ồ vậy thì không cần phải bận tâm. Không ai nhìn thấy được đâu… ờ… ờ… mà anh cũng không làm cách nào banh nó ra để khoe với thiên hạ được… hề… hề. Tôi nói, không phải thiên hạ mà là một người. Một người đàn bà?”. Hả?. Ờ không, ý tôi không phải vậy. Đùa thôi. Ông nói đúng. Là một người đàn bà. Vết sẹo trong tim tôi do bà ta gây ra nhưng chính bà ta cũng không hề hay biết. Còn tôi thì cho đến bây giờ vẫn không đủ can đảm mổ ngực mình ra cho bà ấy xem! Thôi nhé. Cám ơn cốc rượu. Chào.
Đèn đường bật sáng. Con bóng của tôi ngã dài trên mặt đường loang lỗ, gồ ghề dẫn đến cuối con hẻm và, đó là lần sau cùng tôi ngang qua con hẻm này. Mãi về sau, tôi mới có dịp ghé ngang thành Ô Ma, nhưng con hẻm lúc này chỉ còn lại đống rác, cột đèn, chó đói và… tôi!
Kỷ niệm xưa thoáng qua đầu tôi thật nhanh. Anh tài xế cho xe dừng lại ở căn nhà mang số 150 hỏi phải nhà này không?. Vâng anh cho tôi xuống đây. Cảm ơn nhiều.

     Sau ba mươi năm tất nhiên Sài Gòn có những thay đổi nhất định của nó. Có một số khu vực mộc lên những tòa nhà đồ sộ bề thế nhưng cũng có những khu vực vẫn còn giữ nguyên bộ mặt buồn hiu, hốc hác, bệ rạc… như một người đàn bà luống tuổi. Những ngày loanh quanh ở thành phố Sài Gòn, nơi mà tôi đã gởi gắm đầy ắp những kỷ niệm vui buồn của một thời trai trẻ, đã phơi bày những cảnh tượng khó lòng tin nổi. Những buổi họp mặt bạn bè bên cạnh những món ăn thơm phức, những chai bia ướp lạnh ngọt ngào, những cô hầu bàn xinh đẹp lả lơi. Thành phố Sài Gòn đã đổi mới chăng. Tôi không nghĩ thế. Tôi nhìn rõ bộ mặt giả tạo của Sài Gòn, nó mang dáng dấp của một mụ điếm già thất cơ lỡ vận, cố trét lên mặt những lớp phấn son dày cộm mà người ta cứ tưởng là nó đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Nó hiện rõ nét pha trộn màu sắc, đường nét của một họa sĩ tồi. Từ những tòa nhà năm bảy tầng. Từ những ngôi nhà lụp sụp. Từ những con đường chật hẹp già nua. Từ những gánh hàng rong đè nặng trên vai của những người buôn gánh bán bưng. Anh hiểu được gì qua những hình ảnh đó. Thật tình tôi không dám nghĩ về một Sài Gòn sau 30 năm xa cách.
Thắm thoát mà đã đến ngày rời Sài Gòn, trở về Mỹ. Bạn bè tụ họp từ giả nhau. Tôi bâng khuâng không biết còn có dịp trở về thăm lại Sài Gòn nữa không. Hay chuyến trở về Mỹ lần này sẽ là chuyến cuối cùng rồi vùi chôn thân xác ở một xứ sở ngút ngàn xa cách. Đứng bên trong cửa kính vẫy tay từ giã người thân và bạn bè, tôi lững thững đi vào bên trong. Bầu trời quê hương ảm đạm. Lòng người cũng ảm đạm. Tôi không dám nghĩ đây là lần từ giã cuối cùng.

Nguyễn Đức Nhơn

1 2