Đọc thơ Nguyễn Đức Nhơn

Phạm Văn Nhàn

Vào giữa tháng tám, năm 2006, nhà thơ Nguyễn Đức Nhơn gởi đến tôi tập bản thảo thơ văn hợp tuyển Mùa Gió Bấc nhờ tôi viết bạt.
Có lẽ, anh nghĩ, giữa tôi với anh có sự quen biết từ lâu khi còn ở quê nhà, nhất là sau tháng 4 năm 1975, khởi đầu cho một cuôc đời “nghiệt ngã” mà tôi đã gặp anh trong trại Cà Tót:

“đêm về lạnh lẽo đêm Cà Tót
hiu hắt mưa khuya tạt chiếu nằm
núi rừng vây hãm người thua cuộc
hì hục quanh tôi tiếng hổ gầm”

Địa danh Cà Tót là một khu rừng già nguyên sinh chưa bao giờ có dấu chân người đến. Núi rừng bao phủ, với những cây to bóng lớn nằm sâu trong tỉnh lộ 8 đường lên Lâm Đồng. Với 4 câu thơ trên trong bài: Sau Mùa Chinh Chiến tôi trích ra từ tập thơ văn hợp tuyển Mùa Gió Bấc của anh như để nhắc đến ngày đầu tiên chúng tôi bị đưa lên mật khu Cà Tót: núi rừng vây hãm người thua cuộc.
Để rồi bao nhiêu lần chuyển trại trong những năm nghiệt ngã của tôi và anh. Đi đâu rồi cũng: cái gô và chiếc quần bao cát. Nó lại theo tôi đứng giữa trời…!! (anh nhắc giùm cho chúng tôi)
Nhiều khi tôi muốn quên đi những năm tháng ấy. Nhưng tập thơ văn anh gởi đến như gợi lại trong tôi những hình ảnh như mới ngày hôm qua. Nhớ lại những năm tháng ấy, anh sống thật lặng lẽ, ít nói. Cứ lầm lũi mà đi trong lao động. Thỉnh thoảng tôi thấy anh “lảm nhảm” như nói cho chính anh nghe. Ừ, phải rồi, tôi nghĩ, có lẽ anh đang lập lại những câu thơ mới thoáng hiện trong đầu… Cũng có thể lắm; vì giấy chẳng có. Mực cũng không. Mà nào ai dám viết! Chỉ còn viết trong tư tưởng phải không Nguyễn Đức Nhơn? Nhiều bạn bè “cùng khổ” trong đội sản xuất cứ gọi anh là “ông đạo”. Có lẽ vì cuộc sống “thanh bần, lạc đạo” của anh. Gọi như thế, anh vẫn cười.

Vâng, có như thế, sau những năm tháng thăng trầm ấy, bạn bè gặp lại, ngồi nhắc chuyện xưa thấy vui và cũng thấy tủi buồn cho cái thân phận “người tù” sau tháng 4 năm 1975 ấy.
Với anh, tôi biết đã lâu. Vẫn một đời nặng nợ với thơ văn… thì trong cái bối cảnh nghiệt ngã đó anh “lảm nhảm” đọc lại những câu thơ mới làm trong tư tưởng để quên đi:

“những bước chân đi thật não nề
mây mù giăng kín nẻo sơn khê
bao nhiêu chiếc bóng vô hồn ấy
sáng sớm ra đi chiều lại về”
(Sau Mùa Chinh Chiến)

Thời gian: sáng sớm ra đi chiều lại về làm tôi nhớ những bạn bè, đồng đội đi âm thầm như bóng ma, gầy gò trong bộ áo quần rách nát mà anh đã viết rất đúng, rất thật:
“cái gô và chiếc quần bao cát/ nó lại cùng tôi đứng giữa trời”.
Muốn quên mà không quên được phải không Nguyễn Đức Nhơn? … Nhiều khi nhắc lại càng thêm tủi. Nhưng khổ nỗi, khi đọc lại những dòng thơ mang theo những hình ảnh “ảm đạm” ấy, kỷ niệm lại hiện về.

Thế rồi những năm tháng lận đận cũng qua đi. Và anh và tôi rồi cũng chia tay nhau trở về quê nhà như người khách lạ. Trong bài thơ “Khách Lạ” đọc đoạn thơ nào cũng thấy hay. Anh viết thay cho tôi và, có lẽ thay cho những bạn bè cùng “bên trời lận đận” chữ của nhà văn Trần Hoài Thư. Lận đận không phải còn ở trong trại mà lận đận ngay cả ngoài đời. Khi mà:

“khách về đây sông nước ngại ngùng
con thuyền nhỏ chở đầy sóng gió
trở về neo trên bờ bến lạ
thuyền bập bềnh giữa bến chiều hoang”
hay:

“khách băn khoăn chân bước ngập ngừng
từng nhịp thở gõ đều trên nỗi nhớ
kìa ai lạ? khách sửng sờ hỏi nhỏ
ai ngồi kia xỏa tóc im lìm?

khách bàng hoàng nghe máu ứa về tim
hàng dương liễu cũng gục đầu thổn thức
khách lặng lẽ quay về sông nước
bến chiều xa khói cũng mơ hồ!”

Trích vài đoạn trong bài “khách Lạ” của anh, đọc mà thấy thấm đẫm trong lòng. Khách lạ, vâng, đúng vậy. Con phố cũ, ngã tư đường, xóm làng xưa, con đê đó… lạ lẫm đối với người tù cải tạo trở về. “Lạ và sợ” tất cả. Bởi vì: “con thuyền nhỏ chở đầy sóng gió” cho một cuộc sống mới đầy âu lo.

2.
Sau bao nhiêu năm trôi dạt trên xứ người, tôi gặp lại anh. Và mời anh đến với chúng tôi qua tạp chí văn học Thư Quán Bản Thảo. Mà tôi nghĩ trong bài: Cảm Ơn anh đã nói lên cái gần gũi, bao dung của người cầm bút, bạn bè như những năm trước 1975. Dù có cầm súng ngoài mặt trận, hay trở về phố với bao nỗi buồn cô đơn như bài thơ anh viết:

“có những buổi hoàng hôn êm ả
ta thẫn thờ trên bến Vân Lâu…”

Tôi nghĩ chỉ có bạn bè khi đến với nhau – thật tình – vẫn còn cái tình, cái mến:

“cảm ơn đời đã cho tôi
cuộc chơi chữ nghĩa niềm vui bạn bè
cảm ơn tôi biết đam mê
cảm ơn tôi biết hả hê khóc cười”

Vâng! Chỉ có bạn bè mới hiểu được nhau đến thế.

Tháng 8, chỗ tôi ở nóng, có ngày lên đến cả 100 độ F. Tập thơ: Mùa Gió Bấc của Nhơn đến làm dung hòa được giữa cái nóng thực bên ngoài, và cái lạnh của mùa đông qua tựa của tập thơ văn hợp tuyển của anh. Cho nên khi đọc xong, tôi thấy ấm lòng với những con chữ thật giản dị và rất gần gũi với tôi qua 95 bài thơ và 10 truyện ngắn trong Mùa Gió Bấc.
95 bài thơ vừa ngắn có, vừa dài có. Nhưng không quá dài để cho người đọc “ngán ngẩm” mà còn ngược lại thích thú khi đọc thơ của Nhơn. Quả như vậy; vì những con chữ trong thơ anh không cầu kì, giản dị nữa là khác. Những ngôn ngữ trong thơ anh không cần phải đi tìm kiếm, hay mang một ẩn dụ nào khó hiểu, nó hiện thực trong đời sống bình thường như chính cuộc đời của anh: trầm lặng và giản dị. Sự giản dị của anh đến nỗi có bạn bè cho anh là “lập dị” nhưng tôi thì không nghĩ như thế.
Khi còn trong trại, anh ví anh như con ngựa già:

“con ngựa già đuối sức
Ta thấy lòng quặn đau”

Con ngựa già ấy đã một lần và vĩnh viễn:

“ta lột giầy vất kiếm
ném mũ cởi chiến bào”

Rồi cũng có lúc tâm trí thảnh thơi, anh lại nghĩ con đường đã đi qua. Mười năm trong nghiệp binh đâu phải ít ỏi. Thế mà, mới đó đã thoáng qua mau:

“chiều nghe loáng thoáng màu thu
lá xanh níu
lá vàng đu trên cành
ta ngồi tiếc lá màu xanh
nhớ xưa trót lỡ tành hanh với người”

Lúc ấy anh đã trở về lại quê cũ. Ở đâu? Một miền quê: “đồng khô một dải mù sương khói” ấy để anh cứ nghĩ: ừ thì dầu gì cũng đã mười năm. Nay cứ ôm ấp cái mộng thanh bình để an ủi cho thân phận. Cứ vui bên mái tranh. Cứ nhìn ngọn Xã Thô đứng chơ vơ

bao nhiêu lần mây trắng phủ. Trong khung cảnh buồn ấy, người lính già – anh cứ cho như thế – để an vui với đàn gà:

“mười năm ôm ấp mộng thanh bình
trả súng đạn về bên mái tranh
gọi đàn gà nhỏ về mở hội
dưới bóng me tàn ươm lá xanh”

Và:

“mười năm rồi lại mười năm nữa
mái tóc phai dần theo tháng năm
trả súng đạn về nương xóm cũ
người lính già buồn nhớ xa xăm”

Với nỗi buồn “cô đơn” ấy. Ta lại nghe anh tâm sự:

“chiều buồn ra hiên ngồi khọn
mắt mờ chẳng thấy được xa
chỉ thấy con ruồi con muỗi
đánh mùi bu lại quanh ta”

Bốn câu thơ trên nghe thân phận người lính già NĐN buồn quá đỗi. “Ngồi khọn” ngôn ngữ trong thơ anh rất “đặc trưng” nơi miền quê của tôi. Nó không biến dạng qua ngôn ngữ thơ mà nó vẫn hiện diện một cách rõ nét ngoài đời, “ngồi khọn” là ngồi một mình, buồn vu vơ. Có thể nói ngồi trong cái cảnh rất là “cô đơn”. Ngoài ra những hình ảnh trong thơ của anh cũng thật gần gũi với tôi, như: cười ngất ngư/ đàn gà con/ đàn vịt rỉa lông/ giàn bầu giàn mướp… mà chắc rằng nơi phố thị khó mà tìm thấy được những hình ảnh đó: lặng lẽ quay về sông nước/ bến chiều xa khói cũng mơ hồ đó mà.

3.
Phải nói là những con chữ trong thơ của anh không mang một ẩn dụ nào khó hiểu. Nhưng nó (con chữ) vẫn nhẹ nhàng như khói như sương như những giòng lục bát anh làm trước 1975. Như:

“mưa còn rơi
buốt giòng sông
lênh đênh
một chiếc đò không mái chèo
đò em
tôi lén gieo neo
giữa khoang
một chiếc đèn leo lét buồn”

hay:

“trăng tàn, bến Ngự mù sương
nửa đêm nghe tiếng dòng Hương trở mình
bao nhiêu nước bao nhiêu tình
đàn ai trổi khúc Nam Bình nỉ non”

Trước 1975 tôi biết anh đang công tác ở vùng 1 chiến thuật. Chỉ thấy núi với rừng. Như trong bài thơ: Mây ngàn. Có lẽ qua bài thơ này để tôi biết được người lính trẻ NĐN chân ướt chân ráo mới đổi ra miền Trung. Anh thấy gì nơi ấy: Mây và núi chập chùng. Đời lính của anh cũng bắt đầu từ trong những dãy núi chập chùng ấy:

“bóng chiều vương cánh sắt
lạc lõng giữa trời Trung
mây ngàn mây lãng bạc
núi gợn núi chập chùng”

Để rồi, hơn mười năm trong đời binh nghiệp, anh được gì? Cuối cùng người lính già NĐN rồi cũng trở về quê cũ, nhìn ngọn Xã Thô mây đùn quanh năm ấy để mở hội chơi với đàn gà, đàn vịt. Để rồi người lính già NĐN ngẫm nghĩ mà ngộ ra:

“cũng bày trò chiến quốc
cũng hợp tung liên hoành
bủa vây trùm trời đất
trò chơi còn mới toanh”

Cái đáng nói ở đây: “ trò chơi còn mới toanh” đó, chỉ còn kết quả là:

“con ngựa già đuối sức
ta thấy lòng quặn đau
con ngựa già ngã gục
ta nát cả tâm bào

ta lột giầy vứt kiếm
ném mũ cởi chiến bào
một mình trên đường vắng
ta và ta dìu nhau”

Dìu nhau đi đâu hả Nguyễn Đức Nhơn? Những con chữ trong câu thơ trên thật bình thường. Nhưng sao nghe lòng đau quá đỗi. Anh, tôi và còn nhiều người nữa làm sao quên được khi chiều xuống trong khu rừng rậm nguyên sinh Cà Tót? Âm khí bốc lên làm hao mòn từng thân xát của mỗi con người. Mới thấy hôm nay, sáng hôm sao đã thấy: bao nhiêu chiếc bóng vô hồn ấy.
Đọc bài: Sau Mùa Chinh Chiến của anh mà ngậm ngùi

“chiều hun hút giữa rừng thiên nước độc
đêm uy linh nhờn nhợn tiếng ma Hời
từng giọt máu căng phồng bầy muỗi đói
tôi bỗng sờn da, bỗng rợn người”

Phải nói, với anh, thơ không là “một phương tiện” để anh hận thù trong những năm gian khổ trong trại cải tạo; mà anh làm thơ viết văn như để trang trải tấm lòng cùng với bạn bè, trong lúc mà những bạn bè anh như: “những đám mây chiều trôi lãng đãng” thì tại sao lại không:

“cái thú điền viên
hai thằng đầu bạc
bê rượu ra sân
chén tạc, chén thù
ngửa mặt lên trời
cười đến ngất ngư”

“Cười ngất ngư” để quên đi cái cảnh hợp tung của thời xuân thu chiến quốc ( chữ thường)… để rồi khi trở về làng cũ với mảnh đời rách nát, đi đâu cũng thấy mình là khách lạ, may còn một ít bạn bè hiểu anh để “ngất ngưởng bên nhau nói chuyện bao đồng/ khi trở về có lội suối, qua sông/ nhớ chống gậy mà dò sâu, cạn…” (đọc và hiểu ý của anh qua câu thơ trên)

Viết về NĐN qua tập “thơ văn hợp tuyển Mùa Gió Bấc”, chưa đủ để nói hết về con người của anh qua 95 bài thơ và 10 truyện ngắn. Sống trên xứ người ở cái tuổi xắp xỉ bước qua 70 mươi (chỉ còn vài năm nữa thôi) mà anh lúc nào cũng nhớ đến “chốn xưa làng cũ” dưới chân núi Ông. Có ai định vị đươc núi Ông ở quê tôi? Chắc là không, chỉ nghe nơi đó:

“đêm nằm nghe tiếng ếch kêu
râm ran giữa chốn đìu hiu núi rừng
đôi bờ mắt chợt rưng rưng
lời thơ buồn cũng ngập ngừng trên môi
chập chờn trong cõi đầy vơi
như con nước lững lờ trôi giữa dòng
trong cơn chìm nổi phiêu bồng
tôi mơ về lại cõi hồng hoang xưa”

Và hiện tại nơi anh đang ở. Cõi hồng hoang xưa đó dù gì cũng đủ để anh “chập chờn” trong giấc ngủ để mơ về một cõi xa. Còn hơn, hôm nay:

“Lọm khọm bước lần theo lối nhỏ
Ra ngồi trước cửa nớt sinh hôm
Ông lão nhớ một thời trai trẻ
Mộng đời ươm kín bờ môi thơm”

Có lẽ không lâu đâu, tôi hay anh rồi cũng thế.

Phạm Văn Nhàn