Lá thu

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô

Lưu Trọng Lư

Trời ui ui. Gió nhẹ. Một vài chiếc lá màu vàng nhạt theo gió là đà rơi xuống nằm chơ vơ trên thảm cỏ xanh. Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu, tôi ngâm nho nhỏ hai câu thơ cổ với một nỗi buồn mông lung vời vợi.
“Này em, mùa Thu lại trở về phải không em?”
“Thì tất nhiên, hết Hạ rồi tới Thu. Cái vòng lẩn quẩn này đã có từ thời khai thiên lập địa rồi cơ mà, có gì lạ đâu!”
Tôi cụt hứng. Thì ra trong cái ngõ ngách sâu thẳm của tâm hồn một thi nhân nó chứa đựng một cái gì đó mà đôi khi người thường không thể nào cảm nhận được.
“Đồng ý, nhưng khi nhìn lá Thu rơi sao anh cảm thấy nó vừa dễ thương vừa buồn buồn làm sao ấy!”
“Lại nữa. Không biết tại sao mấy ông Thi sĩ lại có cái nhìn kỳ cục như vậy. Xuân thì cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái. Động vật thì cảm thấy hứng thú muốn làm cái… chuyện đó để sinh sôi nẩy nở bảo tồn nòi giống mà người ta thường gọi là nhịp mùa”.
“Đơn giản vậy sao?”
“Thì chứ còn gì nữa. À quên, còn nữa, mỗi lần tới mùa Xuân thì anh rủ ông Sáu Ngởi đi câu, bỏ em ở nhà một mình buồn thấy mồ”
“Còn mùa Hạ thì sao?”
“Thì nóng chớ sao. Ôi chao! Nói đến, em thấy ghét cái tiểu bang Tết Xịt này quá chừng. Nóng ơi là nóng! Mỗi lần đến mùa Hạ là em muốn điên người lên. À này, anh còn nhớ cái bài hát gì mà có câu mùa hè năm nay anh sẽ đưa em vòng khắp cả… Thấy hôn? Mùa hè người ta đưa bà xã đi du lịch tùm lum, còn anh, nhiều lắm là dẫn em đi hồ câu cá. Còn bày đặt nói đây là cái thú tao nhã, có lợi cho sức khỏe. Nào là… nào là… Báo hại làm người ta bị kiến cắn cái đít sưng chù vù (!). Còn mùa Đông thì…”
“Thôi được rồi! không cần nói, cái mùa Đông của em anh biết quá rồi, nào là nó lạnh! nó đông đá, nó… nó…”
“Chứ em nói vậy không đúng à?”
“Ừ! Thì đúng… mà này em! Em có biết ông Lưu Trọng Lư không vậy?”
“Ủa, sao tự nhiên anh lại hỏi sang đâu vậy? Ông Lưu Trọng Lư nào? Ổng có ở gần đây không? Trong số bạn câu của anh, em đâu có nghe cái tên Lưu Trọng Lư? Chắc ổng câu nghề lắm hả anh?”
“Em ơi là em ơi! Ông Lưu Trọng Lư là một Thi sĩ tiền chiến. Ông ta làm bài thơ “Tiếng Thu” rất nổi tiếng, ai mà không biết. Này anh hỏi thiệt nghe, hồi đó em có học Việt văn không vậy?”
“Có chứ. Thầy em là Giáo sư Trần Văn, ông ấy dạy tụi em cả một đống nhà thơ, nhà văn nhưng… hề… hề… bây giờ em quên hết rồi. Trời đất! Nói chuyện với em một hồi chắc anh điên mất. Tôi nổi cáo nguây nguẩy bỏ vào nhà giống như một cô gái nhõng nhẽo, giận hờn người yêu!
Một hôm, đang cặm cuội ngồi “gõ”cho xong cái truyện ngắn chợt nghe có tiếng rào rào ở vườn sau. Tôi mở cửa bước ra thì thấy vợ tôi đang cào… lá Thu!
Bà nhìn tôi ra vẻ ân cần:
“Này anh, nghe nói Thi sĩ chỉ cần một lá Thu thôi cũng làm được một bài thơ. Em nhường cái sân lá này để anh làm… thơ nhé! Chắc nó đủ cho anh cảm hứng làm hàng ngàn, hàng vạn bài thơ đó”
“Em à! Lá Thu thường gợi cảm hứng cho người làm thơ thật. Nhưng Thi sĩ chỉ cần một lá cũng đủ… gây cảm hứng rồi. Một chiếc lá vàng óng-a-óng-ánh-nhẹ-nhàng-lả-lướt-lượn-qua-lượn-lại như hồi em mới gặp anh thì mới có đủ sức gợi hứng cho người ta làm thơ chứ. Còn cái đống rác… úi quên, cái đống lá Thu này, ối chao!… Thôi thì em giúp anh tạo nên một hình ảnh thật thơ mộng để anh làm một bài thơ “tuyệt tác” hay gắp trăm ngàn lần bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư để mấy ông Thi sĩ nhà ta lóe mắt chơi, em chịu hôn?
“Mà làm cảnh thế nào?”
“Này nhé, Lưu Trọng Lư tả cảnh trong rừng Thu là con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô. Nói thiệt nghe, hai câu thơ này dở ẹc (!), con nai đạp trên lá vàng khô thì làm sao đẹp và thơ mộng bằng một người đàn bà đẹp cào rác, úi quên, cào lá Thu. Cái dáng dấp của một người đàn bà, tay cầm cây cào cỏ, thân hình uốn qua, ẹo lại bước tới bước lui; Nếu là một người bình thường thì hình ảnh này không có gì lạ đâu, nhưng đối với anh nó gợi lên một hình tượng thơ mộng vô cùng. Anh sẽ ngồi đây nhâm nhi cà phê rồi tưởng tượng em đang cùng anh bước đi từng bước nhịp nhàng theo điệu nhạc tăng gô trên lá… Ôi chao, anh bảo đảm sẽ làm một bài thơ tuyệt vời để… tặng em!”
“Này ông bạn già của tôi ơi! Chịu khó cầm cây cào lên dùm đi. Cào cho hết cái sân lá Thu này rồi tha hồ mà nói dóc. Tha hồ mà tán hưu tán vượn”
“Này này, em bỏ đi đâu vậy? Còn cái sân lá?… Cái sân lá?…”
“Cái sân lá… Thu đầy thơ mộng… em nhường lại cho anh thưởng thức đấy. À này, sao trông anh nó giống cái con khỉ già ngơ ngác đạp trên lá vàng khô dữ vậy hè?!”

Nguyễn Đức Nhơn